Vấn đề thứ nhất là nhu cầu quy hoạch cần phải đi trước sự phát triển của đô thị, ít nhất là 5 hay 10 năm, thậm chí 20 hay 50 năm. Mở mang Saigon phải là một công việc quy hoạch (planning) có tính toán và sắp xếp hợp lý, với sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan có chức năng hay liên hệ (từ cơ quan quy hoạch, xây dựng & thiết kế, công chánh, cứu hỏa, công an, vệ sinh, cấp thoát nước, môi sinh, y tế, giáo dục, văn hóa/lịch sử đến ngân hàng, các dịch vụ thương mại, kiến trúc, cảnh quan, quốc phòng,v.v...) trong khi thông qua các mục tiêu (quan điểm quy hoạch) & phương hướng phát triển (trước mắt và lâu dài, qua cách bố cục không gian theo nhiều phương án khác nhau). Khi quy hoạch với một kế hoạch rõ ràng (qua Land Use chẳng hạn), có sự quan tâm đầy đủ đến nhiều yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội (trong đó cần lưu ý vị trí ven sông như hầu hết phố xá Nam Việt, lại gần cửa ngỏ mở ra biển Đông nên từ đó có hướng khai thác & tận dụng vị trí địa lý thuận lợi này), có sự phân vùng hợp lý và khoa học giữa các khu hành chánh - dân cư - thương mại - kỹ nghệ - quốc phòng để nối kết thành một tổng thể tương đối hài hòa & hoàn chỉnh. Có ý kiến đóng góp của quần chúng (public hearing), tất nhiên sẽ hạn chế tối đa sai sót và kêu gọi được sự hỗ trợ của quần chúng, ít ra là tránh được những tồn tại chủ quan có hại cho dân (users) và còn mở ra cánh cửa tương lai cho Saigon khi mà toàn dân đồng lòng với hướng xây dựng và phát triển chung đó. Ngoài những nguyên lý căn bản phải tuân thủ tuyệt đối khi quy hoạch, tôi nghĩ Saigon nên chú ý đến 3 nguyên tắc mà tôi cho là hết sức quan trọng: Trật Tự, Vệ Sinh, Thẩm Mỹ (nói nôm na: Gọn, Sạch, Đẹp). Có thể nêu vài điển hình mà Saigon có thể tham khảo: Singapore (thành phố trẻ và mới hoàn toàn), Kuala - Lumpur (mới tách biệt với cũ), Tokyo (cũ trộn lẫn với mới khá hài hòa). Tôi mơ Saigon sẽ có kinh tế phát triển nhanh như Thẩm Quyến nhưng tôi thật sự không muốn mất đi những hình ảnh thân quen đẹp đẽ khi mà kiến trúc hightech sẽ phá vỡ cảnh quan & lịch sử có tính truyền thống của dân tộc. Tôi xin nhấn mạnh: chúng ta chỉ nên "học hỏi" chứ không nên "sao chép" rập khuôn theo bất kỳ ai bởi hoàn cảnh chúng ta có những đặc điểm riêng, chưa kể đến việc phải gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc chúng ta.
A. Nói đến "trật tự" hay "kỷ luật" thì đòi hỏi sự biểu hiện ở cả 2 phía: chính quyền và quần chúng; bởi nếu không, "thượng bất chánh, hạ tắc loạn." Như đã nói, chính quyền phải có kế hoạch rõ ràng và thống nhất trong quy hoạch (dù là phát triển trọng điểm theo cụm, theo trục giao thông từ trung tâm đến phụ cận, hay phân bố dạng điểm) và tái phối trí (cải tạo, chỉnh trang); dân chúng không được tùy tiện chiếm cứ, xây dựng, mở mang mà xem thường luật pháp, kỷ cương. Tôi xin nêu 5 dẫn chứng cho việc mất trật tự trong việc quản lý & phát triển đô thị ở Saigon hiện nay:
1. Vấn đề tuỳ tiện chia chác trong việc chiếm cứ, mua bán, mở mang và xây dựng ở các khu vực quân sự (như phi trường Tân Sơn Nhất, khu đường 3tháng2 tức Trần Quốc Toản cũ, khu Gò Vấp và Hóc Môn, khu Bộ Tổng Tham Mưu cũ chẳng hạn). Hầu như họ cứ ..."bừa đi"(!), cứ đặt vào thế "chuyện đã rồi, thôi thì cho qua" để ..."vui vẻ cả làng" chứ không theo trật tự của bất kỳ quy chế pháp định nào(?). Biết bao nhiêu người đã giàu lên nhờ "làm bừa" như thế trong giai đoạn "tranh tối tranh sáng" này nhưng con cháu chúng ta sẽ khó khăn như thế nào khi "đụng chuyện" sau này, chẳng lẽ lại cứ đập bỏ, bất kể lãng phí như thế nào trong khi Việt Nam hãy còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới? Ai có đủ khả năng giải quyết và chận đứng tình trạng không hay này?2. Ngay như việc tuỳ tiện chiếm cứ và sử dụng lòng lề đường, đất công & tài sản công bừa bãi, trái chức năng cũng đã là một căn bệnh khá phổ biến và khó trị dứt; thậm chí họ bất kể đến việc gây hư hỏng hay ảnh hưởng xấu đến các công trình công cộng (như cột nước chữa lữa, hệ thống cáp ngầm hay điện thoại, đường dây hạ thế, đường ống dẫn nước, cống thoát nước, khu vực đường bay...). Tháng 7/94, tôi tận mắt chứng kiến một chiến dịch "càn quét" nạn lấn chiếm trái phép lòng lề đường khá hữu hiệu của nhiều quận nội thành Saigon, không hề bị đồng tiền hay tình cảm ngăn trở. Thế nhưng 2 tuần sau, hiện trạng trở lại y như cũ. Người có tiền chỉ cần nộp phạt nếu muốn thu hồi tài sản, nếu không thì bỏ cái cũ, làm lại cái mới khác to đẹp hơn và vẫn ung dung tự tại trên hè phố! Chỉ tội những người buôn thúng bán bưng lại chịu đựng thiệt thòi nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi quy hoạch & phát triển đô thị, chúng ta cũng không thể quên việc cải thiện hệ thống cầu cống, đường sá và các tiện ích công cộng khác. Chính cầu đường là sự nối kết (connection) giữa Khối (Form) và Không Gian (Spaces), là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Ngoài ra, xin đừng quên nhu cầu khoảng trống (open spaces), nhất là "khoảng xanh" ("green spaces") cho đô thị, bởi đó là "buồng phổi" của chính chúng ta.
3. Vấn đề xây bừa rồi nộp phạt hay hợp thức hóa sau cũng là một tình trạng rất phổ biến hiện nay ở Saigon và Việt Nam. Nguyên do: "con rùa" hành chánh vừa quá chậm, vừa quan liêu lại vừa rất "chịu ăn" (hối lộ). Rất nhiều nhà, cả kiên cố lẫn tạm bợ, đều được sửa chữa, xây cất vội vàng trước khi có giấy phép, thậm chí cứ hối lộ hay nộp phạt mà chẳng cần xin phép (bởi đợi có giấy phép thì ..."cây đã có trái" !). Có nhiều thủ tục quá đỗi rườm rà không cần thiết (như thẩm định, xét duyệt kỹ thuật các hoạ đồ sửa chữa nhỏ cho nhà ở , hay công chứng chẳng hạn) nhưng có nhiều vấn đề kỹ thuật lại không được quan tâm đúng mức do trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu chuyên viên kinh nghiệm, hoặc do cẩu thả, tắc trách, tham ô (như toà nhà PDD ở Saigon hay việc xây nhà trên đê sông Hồng ở Hà Nội chẳng hạn). Việc thiết kế kiến trúc (architectural design) hiện nay cũng khá lộn xộn trước việc "sao chép" từ sách báo nước ngoài nên sự lai tạp đôi khi rất buồn cười mà bên trong (interior design) lại gần như vá víu trong một không gian rất đỗi "quen thuộc". Rất nhiều nhà trong phạm vi giải tỏa đã bị đập bỏ đáng tiếc để kịp đáp ứng yêu cầu trước mắt của kinh tế địa phương trong khi việc cung ứng chổ ở mới chưa được giải quyết thoả đáng. Ai cũng biết Saigon càng phát triển, dân số càng tăng thì nhu cầu xây dựng (nhà ở + khu buôn bán + trường học + bệnh viện + cầu đường, etc...) càng cao hơn. Bởi vậy, chính quyền & các giới chứức chuyên môn cần phải có biện pháp khác tốt hơn là cứ đập bỏ, hay cứ làm lơ. Trong tương lai, nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, trong khi dân vẫn còn rất nghèo, nhu cầu lại ngày càng cao - vậy trách nhiệm này thuộc về ai?
4. Vấn đề giải tỏa nhà ổ chuột trong các xóm lao động dọc theo sông rạch, ao tù, hay trong các nghĩa địa đã có nhiều chuyển biến khích lệ; chỉ còn khó khăn về ngân sách, cư dân, môi sinh và ...quy hoạch. Tại Bình Thạnh đã xảy ra chuyện ngược đời: vừa giải tỏa xong cư dân sống trên đường ống dẫn nước từ Nhà Máy Lọc Nước Thủ Đức về nội thành (dọc xa lộ Biên Hoà, từ cầu Phan Thanh Giản đến Hàng Xanh) thì chính quyền lại xây dựng ngay tại đây một loạt các cửa hàng (kiosques) và bán lại cho tư nhân "để giải quyết ngân sách địa phương". Ở các quận 3,4,5, 6,8,11... không thiếu gì những nhà làm bằng vách ván , thậm chí chỉ là vài tấm ny-lông giăng mắc trong các nghĩa địa hay dọc theo kênh rạch; cứ giải tỏa xong thì vài ngày sau vẫn cứ mọc lên nhiều hơn (!). Hầu như ai cũng chỉ lo "cơm ăn, áo mặc", chẳng ai để ý đến môi sinh. Chỉ ở một khúc sông, bạn có thể thấy cư dân ở đây vừa tiểu tiện và xả rác xuống sông, vừa dùng chính nước sông đó để ăn uống, giặt giu,õ tắm rửa. Nói lên điều này với nhiều chua xót, không phải chỉ để tội nghiệp cho dân mình bằng những lời nói suông mà tôi thật sự mong ước những chuyên viên Việt Nam trẻ ở trong nước lẫn ở nước ngoài sẽ lưu tâm nhiều hơn đến những bài toán nan giải này của Việt Nam hôm nay. Tôi thật sự ao ước vừa giúp được những người dân nghèo tội nghiệp đó có được một chổ trú thân đàng hoàng hơn, đồng thời hy vọng sẽ thấy nhiều hơn những khu chung cư đẹp với các công viên rợp mát dọc theo các kênh rạch được khơi dòng chảy chứ đừng vội cất lên đó các khách sạn, tửu điếm ngang nhiên bít kín các đường thoát nước của thành phố! Công tâm mà nói, tạo công ăn việc làm và giải quyết nhu cầu đời sống(y tế, giáo dục, dịch vụ sinh hoạt...) cho một số lượng người nghèo đông đảo đó không phải là dễ cho chính quyền. Chúng ta cần thông cảm cho giới có chức năng nhưng giới chức thẩm quyền cũng cần quan tâm đầy đủ quyền lợi của công dân, cần có trình độ hiểu biết về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Chỉ có 5 điều mà tôi mong mỏi giới chức thẩm quyền cần lưu ý:
- Không thể tái diễn tình trạng "đem con bỏ chợ" như "chuyện dài Kinh Tế Mới" trước đây. Trước khi giải toả, chính quyền cần thông báo, giải thích rõ ràng và đầy đủ về chương trình, kế hoạch, chính sách một cách cụ thể, hợp tình, hợp lý để mọi cư dân hiểu rõ quyền lợi và bổn phận của họ, để nghe nguyện vọng, yêu cầu của họ hầu nghiên cứu, tìm kiếm phương án khả thi hiệu quả nhất. Tất cả phải tuân thủ quy định chung của Nhà Nước, dưới sự kiểm tra và xử lý của các cơ quan chuyên môn và chấp pháp (Viện Kiểm Sát, Toà An), không cho phép bất kỳ ai ở trên pháp luật. Tránh tối đa việc tạo ra tâm lý bị dồn ép, xua đuổi. Phải đền bù sao cho thoả đáng, hợp tình, hợp lý; tránh mọi bất công và "tiêu cực" phát sinh.
- Mọi kế hoạch giải tỏa, tái phối trí dân cư, cải tạo - chỉnh trang - quy hoạch lại thành phố đều cần có sự phối hợp và nhất trí chung của nhiều cơ quan liên hệ; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của giới đầu tư và ngân hàng, cũng cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên môn, hay nhân sĩ địa phương (trong các vấn đề liên quan đến môi sinh, cảnh quan, văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng).
- Nên giảm bớt diện tích đất quân sự / quốc phòng để xây nhà ở cho dân nghèo, binh sĩ giải ngũ, công chức. Tránh lối nhà phố (3m/4m x 16m/20m) vốn rất phổ biến ở Saigon trước đây vì chiếm nhiều đất đô thị, nên thay thế bằng chung cư hay apartment, hoặc condo.
- Xin đừng quên cây xanh và kiến trúc cảnh quan (khoảng xanh/ green spaces) cùng với việc cung ứng đầy đủ tiện nghi và những phương tiện, dịch vụ cần thiết cho một đời sống mới (như một community mới), trong đó không thể không quan tâm đến trường học, chợ búa, bệnh xá, phương tiện đi lại, môi sinh. - Rút kinh nghiệm sau mỗi chương trình/ đề án nhưng cần tránh tái phạm những khuyết điểm cũ sau khi đã một lần kiểm điểm và ...rút kinh nghiệm! Các biện pháp quy hoạch đều phải chấp hành nghiêm ngặt những quy định chung của Chính phủ hay thành phố và các văn bản quy hoạch phải được thi hành như luật; tránh linh động quá ư tuỳ tiện đến mức xem thường luật pháp Nhà Nước.
5. Từ 4 vấn đề trên,chung quy, chúng ta thấy rõ pháp luật là yếu tố quan trọng hàng đầu để giải quyết các tồn tại như đã nêu trên đây. Pháp luật là yếu tố xuyên suốt và là hệ quả tất yếu cho toàn bộ nguyên tắc trật tự mà tôi nhấn mạnh trước hết. Việt Nam có luật nhưng các văn kiện về luật xây dựng, đầu tư, địa ốc, các văn bản và hoạ đồ về quy hoạch (General Map, Master Plan), kiến trúc, cảnh quan đều cần được sửa đổi, bổ sung và cập nhật hóa đầy đủ và hợp lý hơn để đáp ứng tiến trình phát triển của đô thị. Saigon phải bắt tay ngay vào việc xây dựng, củng cố và hoàn chỉnh khung luật pháp: Từ City Ordinances & Regulations cho đến Building + Electrical + Mechanical Codes; phải thường xuyên cập nhật hóa và bổ sung để tránh những "khe hở" lỏng lẻo khiến kẻ xấu lợi dụng. Áp dụng luật công bằng cho mọi công dân. Phải đào tạo ngay "cán bộ chấp pháp" cho ngành quy hoạch & quản lý đô thị, xây dựng, công chánh. Phải chú trọng đến việc hướng dẫn, giáo dục luật xây dựng một cách rõ ràng, minh bạch cho mọi người am tường; trước hết là từ sinh viên & thầy cô ngành quy hoạch, xây dựng & kiến trúc, công chánh cho đến tất cả những ai đang hành nghề hay có liên quan đến ngành nghề này. Có như vậy mới hạn chế nạn "đục nước béo cò," tránh chuyện lợi dụng hoàn cảnh "tranh tối tranh sáng" để trục lợi cho bản thân mà tai hại vô cùng cho đất nước về sau. Nhìn sang Singapore, Malaysia, Nhật Bản, ai trong chúng ta cũng phải nhìn nhận tinh thần kỷ luật, tôn trọng trật tự chung của xã hội, thể hiện rõ nét qua nếp sống của từng con người, nhất là qua cơ quan nhà nước. Bài học này cần được Saigon nghiên cứu nhiều hơn để ứng dụng cho chính mình trong tiến trình đô thị hóa.
B. Nói đến "sạch" hay "vệ sinh" là nói đến việc giải quyết rác và các phế thải từ sinh hoạt lẫn sản xuất, là đề cập đến việc bảo vệ môi sinh, gìn giữ sự trong lành của thành phố và sức khoẻ con người. Saigon nói riêng, Việt Nam nói chung đều chưa thật sự quan tâm đến điều này (cho đến thời điểm 1/1995 - khi tôi viết bài này) bởi lẽ người dân thật sự hiện có nhu cầu "ăn no, mặc lành" trước đã. Với 682km cống thoát nước cho trên 5 triệu dân nhưng hư hỏng đến gần 70% , trong khi Saigon vẫn chưa có hệ thống cống và khâu xử lý nước thải riêng cho sản xuất / kỹ nghệ, sinh hoạt, nước chảy tràn tự nhiên(mưa) mà kênh rạch ngày càng bít kín với đủ loại chất thải. Với các bãi rác chất cao như núi, mức ô nhiễm quá đỗi trầm trọng, trong khi thành phố thật sự bế tắc trong việc tìm biện pháp giải quyết (chưa có nhà máy chế biến & tái sinh rác). Hầu hết quán ăn, nhà hàng, cửa tiệm (trừ hạng sang!) đều không đáp ứng các yêu cầu tiện nghi vệ sinh tối thiểu mà chẳng thấy ai than phiền, kiểm tra. Việc tuỳ tiện xả rác, phóng uế... là chuyện bình thường, chẳng có gì là "ầm ĩ"! Ai cũng mơ Saigon sẽ sạch như Singapore nhưng không thấy ai chịu cúi xuống nhặt rác ngay dưới chân mình, cho dù đó là một miếng lá chuối hay một vỏ bao thuốc lá. Vấn đề bảo vệ & trồng thêm cây xanh, xây thêm công viên và ao hồ nhân tạo, có thêm các thùng rác và nhà vệ sinh công cộng, việc hạn chế ô nhiễm môi trường (khói xe và khói từ các cơ sở sản xuất/ nhà máy ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí, rác và nước thải từ sản xuất & sinh hoạt ảnh hưởng đến ô nhiễm sông rạch, tiếng ồn của các loại động cơ) là những việc cần làm trước mắt nhưng rõ ràng là vấn đề bảo vệ môi sinh hầu như chỉ được tuyên truyền ầm ĩ vào một vài dịp lễ Quốc tế, nặng hình thức chính trị hơn là thực chất quan tâm xử lý nên ngân sách dành cho các chương trình này vẫn còn hết sức èo uột, khó mà đòi hỏi nhiều hơn. Hè 1992, tôi cũng có ý kiến là chỉ nên chỉnh trang phi trường Tân Sơn Nhất chứ không nên mở rộng và xây dựng lớn thêm khi mà khu dân cư đã bao kín phi trường này, với tiếng ồn và việc khó bảo đảm an toàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị dân; một phi trường quốc tế mới nên dời ra khu căn cứ Long Bình cũ hay phi trường Biên Hòa (căn cứ không quân cũ) vẫn tốt hơn. Một điều rõ ràng hơn mà ai cũng thấy là Saigon ngày càng ồn ào và bụi bậm nhiều hơn với quá nhiều xe cộ. Bạn thử ra đường phố Saigon một buổi sáng, bạn sẽ nghe thấy người ta bấm còi và gọi nhau ơi ới rất vui tai, khói và bụi mịt mù, sau đó về nhà thử soi gương trước khi rửa mặt, bạn sẽ thấy mặt bạn lấm lem một lớp bụi đen. Thực ra chỉ có người ở nước ngoài đến Saigon mới để ý đến chuyện môi sinh này; với người Saigon hôm nay thì còn bận rộn với nhiều thứ chuyện khác quan trọng hơn, chẳng hạn như chuyện bữa ăn sắp tới. Bụi, rác, nước cống hay tiếng ồn chỉ là chuyện "bá láp", chẳng đáng để ý!
C. Nói đến "làm đẹp" hay "tăng vẻ mỹ quan" thành phố là nói đến bề mặt của thành phố qua các công trình công cộng (công thự, công viên, trường học, bệnh viện, chợ, phố, đường xá, cầu cống....) lẫn tư nhân (các khu dân cư, nhà ở tập thể, biệt thự...). Qua các công viên, tôi thật buồn khi thấy hầu như ai cũng lơ là trước tình trạng "xuống cấp' rất nghiêm trọng của các công viên Saigon. Rất nhiều công viên lớn (Tao Đàn sau Dinh Độc Lập, Chiến Thắng trước Tân Sơn Nhất, Lê Văn Tám ngay trên nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cũ, Văn Lang ở Chợ Lớn) sau khi tu bổ, sửa sang thì nay trở thành các tụ điểm buôn bán, văn nghệ hết sức "bát nháo". Về đêm, các công viên còn "phức tạp" hơn thế nữa với nhiều loại tệ nạn xã hội, nhất là mãi dâm và hình sự. Các vĩa hè và "ốc đảo cây xanh" (landscaped medians) có được chỉnh trang, nhất là khu trung tâm thành phố, với nhiều bồn hoa, bồn phun nước, cây cảnh và thảm cỏ mới trông rất vui mắt nhưng lại thiếu tài khoản và người chăm sóc & bảo quản thường xuyên hơn. Hệ thống thiết bị đường phố (street furniture) cần được tăng cường đầy đủ hơn, cụ thể là hệ thống đèn đường, vòi nước uống (fountain drink) & cứu hỏa (fire hydrant), băng ghế (benches & seating areas), gạch vĩa hè (paving patterns), bảng chỉ dẫn (signs & entry signages), thùng rác, cột cờ & biểu ngữ,v.v...
Người Sàigòn nào cũng thích dạo chợ hoa Nguyễn Huệ mỗi khi Tết đến, Xuân về. Bởi vậy, tôi mong muốn con đường Nguyễn Huệ sẽ là con đường hoa, rực rỡ hoa tươi xen lẫn cây cảnh của miền Nam VN; nhất là vào dịp Tết. Có lẽ con đường Nguyễn Huệ sẽ dành riêng cho người đi bộ, cấm hẳn các loại xe đi vào khu vực chợ hoa này trong mấy ngày Tết. Quanh năm, con đường Nguyễn Huệ sẽ có những giỏ/ lẳng hoa treo trên những cột đèn hay thân cây, sẽ trồng thêm những hàng cau (King Palm hay Queen Palm), xen kẻ là những hàng buxus hay dâm bụt và những hàng cây xanh tạo bóng mát nhưng sẽ không che khuất tòa Ðô Chính (trụ sở UBND Thành phố) và đó là con đường đẹp nhất Saigon. Từ khách sạn Rex, đêm Giao Thừa sẽ có tia laser rọi xuống con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và bến Bạch Ðằng để cùng với pháo bông chiếu sáng Saigon tạo sự thích thú, phấn khởi cho người dân Saigon trong những ngày lễ hội và góp phần làm đẹp thêm cho "hòn ngọc Viễn Ðông." Tôi mong sao bến Bạch Ðằng sẽ sạch đẹp hơn, lành mạnh và an toàn hơn để khi chiều xuống, người dân Saigon có thể kéo nhau ra đây hóng mát, nhìn sông nước mà thấy Saigon đáng yêu hơn. Saigon sẽ có nhiều thêm công viên dọc theo những bờ sông, bờ hồ, bờ kênh với những hàng dừa trữ tình, lãng mạn nên thơ nhưng không bê bối, bậy bạ như Thanh Ða.
Bên cạnh đó, một số công trình văn hóa, kiến trúc, giao thông có giá trị lịch sử ( như Pháp đình Saigon, cầu Móng, nhiều trường học, chùa, đình, nhà thờ...) đang bị thời gian và con người tàn phá, gậm nhấm, xuống cấp thảm hại trước sự lơ là chỉ vì không thể khai thác về kinh tế hay chính trị. Thảo cầm Viên (Sở Thú) cũng lâm vào tình trạng bi đát chung khi mà nơi nào có thể thu hút khách thì được chăm sóc kỹ hơn, còn cây quý và thú hiếm nào không mấy "ăn khách" thì ...mặc tình "trơ gan cùng tuế nguyệt"! Hầu hết ngân khoản của thành phố chỉ đủ cho việc cải thiện & chỉnh trang bộ mặt trung tâm thành phố và vài điểm nổi khác. Tôi vẫn ao ước Saigon sẽ có nhiều hơn những "con đường lá me", những hàng phượng vỹ đỏ rực vào mùa hè, những hàng hoa xinh tươi chạy dọc theo những vĩa hè hay trên median giữa con đường tấp nập đầy người qua lại, đầy nắng chói chang...để Saigon của chúng ta sẽ đẹp hơn.
Các khu vui chơi (Du Lịch Bình Quới - Thanh Đa, Kỳ Hòa, Đầm Sen,Văn Thánh) luôn thu hút rất đông người với nhiều loại hình văn hóa, giải trí đủ nói lên Saigon cần nhiều hơn những công viên thật đẹp, thật sạch, thật vui tươi, an toàn và lành mạnh cho mọi người, mọi giới, nhất là cho thanh thiếu niên thành phố và cả khách phương xa. Cũng cần lưu ý việc thiết kế kiến trúc và cảnh quan ở các công viên, khu vui chơi & giải trí cần được nâng cao sao cho hài hòa, mỹ thuật, có tính giáo dục, có tính dân tộc hơn, nhất là nên có các phương tiện cần thiết cho việc tập luyện thể dục thể thao và một khu thiếu nhi (tot lot) riêng biệt với màu sắc và kiểu cách thiết kế phù hợp với lứa tuổi của các em.
Nói đến cái đẹp của Saigon là nói đến những nét riêng của Saigon trong kiến trúc, cảnh quan rất hài hòa với khí hậu, tập quán, văn hóa và cá tính của người Saigon; là sự trộn lẫn hài hòa giữa văn minh Hoa - Aán và Tây Phương (Pháp, Mỹ, Ý...) với bản sắc dân tộc Việt Nam. Cho nên Saigon hãy cố giữ lấy nét duyên dáng của chính mình trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, vẫn tiếp nhận cái mới tiện nghi hơn mà vẫn giữ bản sắc Saigon rất thướt tha như chiếc áo dài độc đáo của các cô gái Việt Nam. Tôi yêu Saigon bởi ở đó có những con đường rợp lá me, có những ngôi trường thật đẹp như trường Lê Quý Đôn, có những công trình kiến trúc tuyệt vời như Nhà Thờ Đức Bà, Chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm, cổng Lăng ông ở Bà Chiểu, tháp đồng hồ chợ Bến Thành, Toà Đô Chính chẳng hạn.
Phát triển đô thị luôn là vấn đề đau đầu chứ không dễ dàng, đơn giản. Cho nên Saigon cần được sự hỗ trợ và giúp đỡ của mọi người, mọi giới trong việc gỡ rối và tháo bế tắc trong từng giai đoạn của quá trình quy hoạch, cải thiện, chỉnh trang và phát triển. Trong lúc chúng ta chưa đủ khả năng mở rộng Saigon hay xây dựng một thành phố mới, thiết nghĩ chúng ta nên tập trung cải thiện, nâng cấp, chỉnh trang và quy hoạch lại Saigon trong chừng mực nào đó, nhất là cần ngăn chận những bước "xuống cấp" hay sự xô bồ, hỗn độn hiện nay. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết hôm nay, tôi chỉ muốn nêu một số điểm mà giới chức thẩm quyền ở Saigon hiện nay cần lưu ý, không có tham vọng quy hoạch cả thành phố Saigon. Xin Saigon đừng vội chạy theo các mô thức ở Singapore, Trung quốc, Đài loan hay Đại Hàn, hãy tự chọn và xây dựng riêng cho mình mô thức phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế, tự nhiên và xã hội của Saigon, của Việt Nam. Từ trước năm 1975, khi lập bản vẽ & mô hình phát triển cho Saigon về hướng Bắc (Thủ Thiêm - Cát Lái - Nhà Bè), hãng thiết kế kiến trúc Skidmore, Owings & Merrill (S.O.M.) đã quan tâm đến việc khai thác tầm quan trọng của vị trí ven sông Saigon và cửa ngỏ ra Biển Đông, đã kết hợp hài hòa giữa không gian kiến trúc đô thị với nền cảnh quan thiên nhiên nhưng hôm nay, khi Saigon đã dùng công trình đó của S.O.M. làm khung sườn thì việc làm còn lại của chúng ta chỉ là thẩm định lại ưu khuyết điểm, cập nhật hoá theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tế, xác định hướng phát triển kinh tế -văn hóa, điểm bảo tồn lịch sử, bảo vệ môi sinh & cảnh quan, bảo đảm hướng quy hoạch và xây dựng trong tương lai sẽ đáp ứng những quyền lợi lâu dài và thiết thực của người dân, có sự tham gia của chuyên viên các ban ngành hữu quan trong quá trình xây dựng và phát triển Saigon. Tôi vẫn mơ ước Saigon sẽ sớm có một phi trường mới để là một cửa ngỏ quốc tế xứng đáng hơn với vị thế tương lai của Saigon. Tôi ao ước Saigon sẽ sớm có "đô thị vệ tinh" mới với một làng đại học mới, một khu hành chánh (civic center) mới, một khu gia cư "tiêu biểu" như Putrajaya mà Malaysia đang xây dựng. Lúc ấy, Saigon sẽ bớt kẹt xe, bớt ngập lụt, bớt ồn ào, đông đức, bớt bụi, bớt rác, bớt ô nhiễm để người Saigon được sống khỏe mạnh hơn, thoải mái hơn và văn minh hơn. Mơ ước này có xa vời lắắm hay không? Mong rằng Saigon sẽ không lãng phí quá đáng khi mà chúng ta vẫn còn nghèo !
Saigon hôm nay mọc lên nhiều hơn những cao ốc văn phòng hay khách sạn nên cần có quy định về chiều cao. Liệu Saigon sẽ chọn mô hình hình NÓN (cao ở trung tâm rồi thấp dần ra ngoại ô) hay hình PHỄU (cao ở ngoại ô rồi thấp dần khi vô đến trung tâm thành phố)? Làm sao giữ được sự hài hoà giữa những cái cũ đã có và những cái mới đang mọc lên ? Là một xứ nhiệt đới, quy định về độ cao từ sàn đến trần như thế nào để giữ cho đối lưu không khí điều hòa thoải mái? Chuyên viên quy hoạch + kiến trúc sư + cảnh quan nhất định phải tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để làm đẹp cho chủ nhân + thành phố nhưng đừng quên quy tắc an toàn (cứu hỏa, an ninh, vệ sinh) và tính dân tộc truyền thống. Vừa làm, vừa học, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm từ chính những sai sót của mình. Saigon đã và đang đi theo xu hướng "tự phát" khi khu trung tâm phình to khiến người ta cảm thấy "ngộp" hơn với ô nhiễm và nhiều tệ nạn xã hội lan rộng. Saigon cũng muốn phát triển theo xu hướng "đa tâm" với nhiều "đô thị vệ tinh" mới song ngân sách & đầu tư hạn chế nên có lẽ phải chờ thêm vài chục năm nữa xem sao. Có thể Phú Mỹ Hưng sẽ là "mô hình" mẫu mực cho Saigon xây dựng & phát triển những "đô thị vệ tinh" mới, với những đầu tư cho ngoại thành thay vì khu trung tâm.
Chúng ta, những người Việt ở hải ngoại, không thể thấy Saigon đi sai hay chệch hướng mà mặc nhiên làm ngơ nhìn chỉ vì bất đồng chính kiến, thù hận (?). Lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi có thái độ này. Biết bao chuyên viên ở Saigon đáng tuổi cha chú tôi, với kinh nghiệm và tay nghề dày dạn bậc thầy nhưng họ vẫn làm việc "cầm chừng" theo kiểu "nín thở qua sông" hay cứ "ẩn dật," chưa bao giờ dám nói thẳng nói thật những điều họ nghĩ khi mà chén cơm và sự bình an trong cuộc sống đời thường của họ có thể bị đe dọa, khi mà nhiều chuyên viên miền Nam từng làm việc với chế độ cũ vẫn chưa được chính quyền trong nước thật sự tin dùng, khi cần thì vời vào tham khảo ý kiến nhưng quyền quyết định lại thuộc về những "thủ trưởng" /giám đốc là những đảng viên chỉ giàu tuổi đảng và có công lao kháng chiến nhưng kiến thức và khả năng chuyên môn lại quá nghèo nàn, hạn hẹp. Với những trí thức ở hải ngoại thật sự có lòng muốn đóng góp thì Đảng lại có một "chính sách" rất "khó hiểu" theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", với một chế độ phân biệt đối xử rõ rệt với "Việt Kiều," với một thái độ đầy nghi kỵ, tỵ hiềm, đôi lúc biểu hiện hằn hộc bằng câu nói thẳng rất phũ phàng: "Các anh cứ đem tiền và trang thiết bị, vật tư, máy móc... về nước là đủ, ở đây chúng tôi thừa người làm việc rồi, không cần các anh phải về nước làm việc." Hóa ra "Việt kiều" chỉ là một loại "bò sữa" (?) chứ không là "khúc ruột" như các nhà lãnh đạo thường nói dạo sau này. Bởi thế, hôm nay tôi xin phép được trình bày những gì tôi thấy, tôi nghĩ, trong tinh thần một chuyên viên trẻ muốn đóng góp một chút gì cho quê mình. Tôi tin Việt Nam không hề thiếu nhân tài trên mọi lãnh vực, ngay như ở Saigon cũng thế, chẳng qua họ thiếu phương tiện thông tin để tham khảo những tiến bộ mới mẻ. Nếu như Saigon thực tâm nghĩ đến dân, muốn huy động nhân lực trong tinh thần đoàn kết vì quyền lợi chung của đất nước chứ không chỉ đoàn kết quanh Đảng, có chế độ & chính sách cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi & đời sống của từng công dân lương thiện thực tâm với việc cống hiến cho dân tộc, cung cấp đầy đủ phương tiện trong hoàn cảnh thuận lợi nhất thì tôi tin cả Saigon lẫn Việt Nam sẽ tiến xa và vững chắc hơn. Tôi mong Saigon sẽ sớm chấn chỉnh những điều không hay này để kịp bắt nhịp theo sự phát triển của các thành phố bạn trong khu vực, biết đặt quyền lợi chung của dân tộc và quê hương lên trên mọi dị biệt, cố gắng không vướng vào những sai lầm của hôm qua. (1/95)
No comments:
Post a Comment