Wednesday, July 22, 2009

Kiến trúc Việt Nam(38)

* Tin tức: Mở rộng Hà Nội từ 1/8/2008
Với hơn 92% đại biểu tán thành, Quốc hội chiều 29/5 đã thông qua đề án mở rộng Hà Nội. Kể từ ngày 1/8, thủ đô mới sẽ rộng gấp 3,6 lần hiện nay, gồm thành phố Hà Nội hiện tại, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Thủ đô mới sẽ có diện tích hơn 334.470 ha, dân số hơn 6,2 triệu người, với 29 đơn vị hành chính quận huyện, tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra sông Hồng, tạo được thế rồng cuộn hổ ngồi, hướng nhìn sông dựa núi. Hà Nội mở rộng sẽ nằm trong top 17 thành phố, thủ đô lớn của thế giới, với mật độ dân số trên mỗi km2 khoảng 3.500-4.000 người, tương đương với các thủ đô như Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc)... Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đề án mở rộng Hà Nội đã có quá trình nghiên cứu công phu. Từ 5 phương án được các chuyên gia đề xuất, mở rộng về các hướng khác nhau trên địa giới hành chính các tỉnh xung quanh thủ đô, phương án một đã được chọn vì có nhiều ưu điểm nổi bật. Hà Nội sẽ có không gian đủ lớn, có quỹ đất để xây dựng đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị lịch sử, cổ kính. Phương án này cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh và không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác. Bốn phương án còn lại không đáp ứng được yêu cầu phát triển của Hà Nội trong tương lai như hạ tầng yếu kém, thiếu yếu tố không gian mở hoặc việc mở rộng có thể gây xáo trộn lớn về dân sinh và kinh tế.
Để có thêm thời gian chuẩn bị, nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, lùi một tháng so với đề xuất trước đây của Thủ tướng. Thời điểm thực hiện sẽ không thể muộn hơn do Hà Nội sắp triển khai hơn 300 đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp.

Ý kiến: hình như các bác lãnh đạo VN thích làm gì thì làm, rất bốc đồng, cảm tính, sai thì sửa sai, thủng thì vá đắp lại, "tiền chùa" của dân nên chẳng tiếc mà cũng chẳng cần làm study hay research ráo trọi; tới đâu thì tới, vui thiệt !
2. Khởi công dự án khu đô thị ở Hà Tây
Bắc An Khánh hứa hẹn sẽ là khu đô thị lớn nhất ở miền Bắc
Một khu đô thị mới, với điểm nhấn là tòa tháp đôi 70 tầng cao nhất tại Việt Nam, đã chính thức động thổ ở Hà Tây hôm 25-4.
Các nhà đầu tư nói dự án có vốn đầu tư lên đến hơn hai tỉ đôla, và dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Đây là liên doanh giữa tập đoàn Posco của Nam Hàn và Vinaconex của Việt Nam.
Theo đề án, Bắc An Khánh có diện tích 264 ha nằm trên trục đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, với sức chứa sau khi hoàn thành là 35.000 người.
Đô thị mới
Tâm điểm gây chú ý là tòa tháp đôi 70 tầng mà khi hoàn thành sẽ là tòa nhà cao nhất tại Việt Nam. Xung quanh sẽ là các hộ chung cư và nhà ở biệt lập, cùng văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị. Hồi năm ngoái, khi được cấp giấy phép, ông Han Soo Yang, Giám đốc Công ty Xây dựng Posco, được dẫn lời nói: “Dự án khi hoàn thành sẽ trở thành khu vực chung cư và văn phòng trung tâm lớn của Việt Nam." Dự án sẽ tiến hành xây dựng đường cao tốc dài 27,8 km kết nối đường Láng (Hà Nội) và khu Hòa Lạc (Hà Tây) dành cho 6 làn xe ô tô và 4 làn xe cho xe 2 bánh.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 8% mỗi năm, và các cao ốc mới đang nhanh chóng mọc lên ở hai trung tâm Hà Nội và TP. HCM.



* Ý kiến của ông Nguyễn Văn An gửi về BBC:Treo dự án Hà Nội: buồn hay vui?
Hơn lúc nào hết, Quốc hội đang đứng trước một thời khắc mang tính quyết định: thông qua dự án mở rộng Hà Nội.
Vài ngày nữa, nếu quyết định được thông qua, nó sẽ đi vào lịch sử 4.000 năm phát triển của Việt Nam: Hà Nội trở thành một siêu thủ đô.
Lịch sử sẽ ghi tên thời khắc này.
Quyết định về mở rộng Hà Nội theo đề xuất của Chính phủ sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh của Hà Nội. Hơn nữa, quyết định đó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cả quốc gia trong hàng chục năm tới và là thử thách lớn nếu được thông qua.
Phần mới của Hà Nội (Tây Hà Nội) sẽ trở thành một đại công trường.
Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tối thiểu như bây giờ đã là một thách thức cực lớn cho lãnh đạo và nhân dân Hà Nội. Còn nếu thủ đô mới muốn xây dựng khang trang hơn, to đẹp hơn, thì công sức tiền của sẽ không biết bao nhiêu mà kể.
Diện tích Hà Nội trong đề án là hơn 3.300 km2, gấp hơn ba lần hiện nay. Khi đó Hà Nội sẽ nằm trong các thủ đô có diện tích và dân số lớn nhất thế giới.
Việc quản lý khi đó sẽ là một thử thách khác, đặc biệt là các vấn đề về dân sinh và xã hội.
Thủ đô mới hoành tráng với quy mô dân số 10-12 triệu người. Dân số có thể sẽ còn tăng hơn nhiều con số đó nếu tính di dân từ các tỉnh lân cận và từ các tỉnh khác về Hà Nội. Khi mà diện tích đất tăng thêm, dân tỉnh khác dễ dàng hơn mua đất làm nhà tại Hà Nội.
Thử tưởng tượng một thủ đô với 15 đến 20 triệu dân trong tổng số 80-90 triệu dân của cả nước? Như vậy sẽ có một sự tập trung dân cư quá lớn về một thành phố.
Mở đến đâu?
Để giữ các tỷ lệ phúc lợi xã hội như hiện tại, như tỷ lệ giáo viên hay bác sỹ trên một vạn dân, sẽ là bài toán không phải ngày một ngày hai trả lời được.
Với lượng dân như vậy cùng nhu cầu khổng lồ về vui chơi giải trí, học tập, cơ sở hạ tầng hiện tại chắc chắn không thể đảm đương được. Một nguồn vốn khổng lồ từ ngân sách sẽ được sử dụng để xây dựng Tây Hà Nội, ít nhất là cho các công trình công cộng, đường xá.Khi mà ngân sách là số hữu hạn, chúng ta không thể in tiền một cách bừa bãi, như vậy sẽ phải giảm bớt ngân sách dành cho các lĩnh vực khác (như y tế, giáo dục, quốc phòng) hay khu vực địa phương khác.
Nhiều khu vực như miền núi, các tỉnh nghèo miền Trung đang cần đầu tư rất nhiều. Nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực đang rất thiếu tiền.
Rõ ràng, phải có kế hoạch vốn đối ứng nếu không sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách vốn eo hẹp cho một nước đang chập chững phát triển như Việt Nam.
Nếu nói Thủ đô Hà Nội thuộc loại đa năng theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng như Pháp lệnh thủ đô, đa chức năng có nghĩa là phải rộng?
Chúng ta sẽ phát triển thủ đô phát triển công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao, đảm bảo cho môi trường.
Phát triển công nghệ cao có cần phải mở rộng gấp ba?
Vẫn còn các lựa chọn khác. Chính phủ đã và sẽ phải dành thời gian và công sức để nghiên cứu đề xuất giải pháp quy hoạch Hà Nội mở rộng. Mở rộng như thế nào, theo tiến độ ra sao, rộng đến đâu là cả một kế hoạch càng chi tiết thì càng khả thi và hiệu quả.
Đầu tư Hà Nội Mới sẽ phải đồng bộ, không thể làm manh mún theo kiểu cuốn chiếu, có bao nhiêu xây đến đó. Nếu làm như vậy, khó có một Hà Nội khang trang và hiện đại và sẽ lặp lại tình trạng hiện tại, mạnh ai nấy xây, mạnh ai đấy làm.
Cần phải có một tầm nhìn Hà Nội 50 đến 100 năm, chứ không thể có kế hoạch 10 hay 20 năm. 10 năm là quá ngắn so với việc xây dựng một thủ đô.

Hà Nội mở rộng là đương nhiên, nhưng mở rộng đến đâu phải nghiên cứu thật kỹ, có chuyên gia tư vấn giỏi, và tham khảo ý kiến đàng hoàng, không sẽ không tránh khỏi sự thắc mắc, không thuận. Mở rộng quá sẽ khó khả thi. Mà mở rộng quá ít thì không đáng mở rộng, không giải quyết được bài toán nhức đầu hiện nay về thiếu diện tích ở và diện tích phúc lợi.
Vậy nên chăng có kế hoạch mở rộng theo từng giai đoạn? Có kế hoạch 50 năm tổng thể trước, sau đó sẽ có các kế hoạch từng giai đoạn 10 năm.
Lựa chọn xây dựng các khu vực trước, sau đó nối các khu vực với nhau bằng các đường cao tốc rộng có thể là một hướng. Các khu vực này vẫn có thể thuộc Hà Nội, và sẽ là các trung tâm hạt nhân để mở rộng ra xung quanh.
Dự án này tương tự xây dựng các thành phố vệ tinh xung quanh một thành phố chính. Tuy nhiên điểm khác ở đây là chúng ta vẫn có Hà Nội rất rộng, nhưng đầu tư phát triển theo trọng tâm khu vực, các khu vực đó vẫn thuộc Hà Nội, được ưu tiên phát triển như Hà Nội.
Các khu vực khi đó sẽ dễ quản lý và quy hoạch hơn nhiều so với việc phát triển dàn trải như đề xuất hiện nay.
"Đánh bạc cơ hội"
Cuối cùng, có cần thiết phải mở rộng gấp ba hay chỉ cần mở rộng gấp đôi hoặc chỉ gấp rưỡi?
Rõ ràng cần phải nghiên cứu cơ sở khoa học xác đáng cho con số, hai hay ba hay 1,5 lần mở rộng tăng thêm này.
Quyền lợi đan xen việc tập trung vào phát triển Hà Nội quá mức sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các tỉnh thành khác. Chắc chắn sẽ phải có sự cân đối giữa quyền lợi các địa phương.
Sẽ có nhiều công ty và cá nhân được giao các siêu dự án, hoặc đã được giao những khu đất hiện đang trong dự kiến sáp nhập, được hưởng lợi từ việc mở rộng. Rõ ràng, nếu dự án mở rộng Hà Nội bị treo lại, không biết đến khi nào mới thông qua thì quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Không ít các tổng công ty nhà nước đầu tư nhiều vốn, trong đó có vốn đi vay, và các dự án nhà ở, khu công nghiệp tại khu vực Tây Hà Nội. Nếu dự án treo, sẽ là khó khăn lớn cho các công ty này.
Dường như họ đang “đánh bạc” với việc đầu tư vào đây, và đang kỳ vọng một quyết định có lợi của Quốc hội để hoặc kiếm siêu lợi nhuận, hoặc khó khăn chồng chất. Nhiều người đầu cơ đất đã mua không ít đất để kỳ vọng sẽ tăng giá nhiều lần sau khi khu vực họ mua trở về Hà Nội.
Người dân và các cấp địa phương cũng muốn khu vực họ ở trở về Hà Nội để hưởng lợi. Họ đang hy vọng Hà Nội mới sẽ trở thành một chợ địa ốc khổng lồ trong tương lai.
Rõ ràng có rất nhiều bên liên quan gắn bó lợi ích với dự án mở rộng Hà Nội. Chúng ta cần cân bằng giữa lợi ích mang tính cục bộ và tương đối ngắn hạn của một bộ phận doanh nghiệp và cá nhân, với sự phát triển lâu dài của một thủ đô.
Việc quyết định mở rộng Hà Nội như thế nào phải dựa trên quyền lợi của chính Hà Nội, vì một Hà Nội đẹp, hiện đại, trung tâm đa chức năng của đất nước, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc của một Thăng Long ngàn năm văn hiến, chứ không mở rộng Hà Nội vì lợi ích trước mắt hay đơn giản chỉ để giãn dân hay trồng rau.

* Ý kiến của KTS Hoàng Phúc Thắng, qua bài "Chiếc long bào của vị Hoàng Đế cởi truồng"
"Nếu đây là ý tưởng của Bộ Xây dựng thì chắc chắn Bộ Xây dựng đã tự mình không còn giữ được phẩm chất, bản lĩnh của những nhà chuyên môn mà đã trở thành những nhà tham mưu hời hợt, hợm hĩnh và vụ lợi, nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người" - KTS Hoàng Phúc Thắng.
Chuyện mở rộng địa giới Hà Nội và bản Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, chúng tôi vừa nhận được bài viết của KTS Hoàng Phúc Thắng, Nguyên Uỷ viên Hội đồng tư vấn Kiến trúc của Thủ tưởng, Nguyên Uỷ viên BCH Hội KTS Việt Nam khoá V, VI, Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, có tiêu đề: Mở rộng Hà Nội - Chiếc long bào của vị Hoàng Đế cởi truồng. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan của thông tin, chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết này cùng độc giả.
Gần đây, có nhiều chuyện thật như đùa mà nổi bật nhất có lẽ là hai sự việc quan trọng. Thứ nhất, mặc dù thừa đủ điều kiện theo quy định trong Luật Di sản nhưng Hội trường Ba Đình vẫn không được công nhận là một di tích lịch sử (!). Thứ hai, mặc dù quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội còn chưa được nghiên cứu xong và chưa được phê duyệt nhưng một đề án mở rộng Hà Nội gần như đã được thông qua (!) và địa giới hành chính cũng như bộ máy quản lý "Hà Nội mới" đang được gấp rút xem xét quyết định (!)
Chuyện Hội trường Ba Đình tới nay không còn gì để nói vì nó đã bị đập bỏ. Được biết chi phí cho việc đập bỏ công trình lên tới hàng trăm tỷ đồng (bằng tiền có thể xây được hai hội trường tương tự). Lý do chi phí đập bỏ Hội trường Ba Đình đắt đến như vậy vì theo nhà thầu thì công trình Hội trường Ba Đình là loại công trình đặc biệt, được thi công với hệ thống kết cấu hết sức vững chắc, phá được 1m3 bêtông ở Hội trường Ba đình khó khăn và tốn kém gấp mười lần so với công trình khác. Rất tiếc, trong báo cáo trước đó của Quốc Hội khi đề nghị đập bỏ Hội trường Ba Đình lại nói rõ: Hệ thống kết cấu của Hội trường Ba Đình đã ọp ẹp, mục nát, có thể gây ra sập nhà bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tới tính mạng của các đại biểu Quốc Hội!!! Không hiểu mọi người nghĩ gì trước những lập luận đầy mâu thuẫn như trên.Về đề án mở rộng Hà Nội gần đây, có thể nói sẽ chỉ có những người không biết gì về thể chế và hệ thống pháp quy của Nhà nước mới có thể đưa đề án này ra công luận một cách tùy tiện, vô nguyên tắc như đã diễn ra. Không chỉ vì Đề án này đã không hề dựa trên một cơ sở lý luận hay thực tế nào, cũng không chỉ vì đề án này hoàn toàn không nằm trong chương trình thực hiện của Nghị quyết đại hội Đảng X và kế hoạch 5 năm của Chính phủ mà điều quan trọng là đề án này đã được nảy sinh từ những tư duy hết sức méo mó, hoàn toàn phản khoa học về quy hoạch và phát triển đô thị (tất cả hầu như chỉ xuất phát theo cách tư duy của một anh “cò đất” mà thôi).
Tôi không tin đây là đề án do Bộ Xây Dựng đệ trình, các anh Nguyễn Hồng Quân (Bộ trưởng), Trần Ngọc Chính (Thứ trưởng phụ trách kiến trúc quy hoạch) hoặc Nguyễn Đình Toàn (Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch Việt nam)– là những người có trách nhiệm quan trọng nhất trong trong quản lý ngành và là những người tương đối có hiểu biết nhất định về chuyên môn mà lại có thể đưa ra một đề án quá tùy tiện, đơn giản và phi lý như thế. Còn trong trường hợp đây lại chính là ý tưởng của Bộ Xây dựng thì chắc chắn Bộ Xây dựng đã tự mình không còn giữ được phẩm chất, bản lĩnh của những nhà chuyên môn mà đã trở thành những nhà tham mưu hời hợt, hợm hĩnh và vụ lợi, nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Đương nhiên việc đề án mở rộng Hà Nội ngay lập tức được các Bộ, Ban, Ngành cũng như các Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và ủy ban Nhân dân các tỉnh liên quan thông qua 100%.
Tôi hình dung rất rõ những chiếc bánh vẽ đã được các nhà tham mưu bày ra như sau:
Các nhà tham mưu vẽ rằng ở phía Tây, Hà Nội đang thiếu đất quá. Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xin đầu tư xây dựng mà không có đất cấp cho họ. Còn Hà Tây, Hòa Bình lại nhiều đất quá nên sát nhập họ về hẳn hoặc một phần để tăng quỹ đất. Với quỹ đất mới thì những người được quyền cắt đất, cấp đất mới có nhiều việc để làm, xã hội mới mau phát triển.
Không biết quyền lợi của những người có quyền cắt đất, cấp đất kia có bị tổn thất gì không? Nhưng xưa nay, cứ mỗi lần có dự án được cắt đất, cấp đất là mỗi lần hàng tỷ tỷ đôla của nhà nước cứ không cánh mà bay vào túi các chủ đầu tư trong và ngoài nước, vì các chủ đầu tư chỉ phải đền bù theo giá đất trước khi quy hoạch chứ không phải trả tiền theo giá trị đất sau khi đã được quy hoạch (!). Thực chất, khi cắt đất, cấp đất cho các dự án, chúng ta đã luôn quên rằng đất của dự án là đất đã được quy hoạch và chỉ Nhà nước mới được quyền phê duyệt quy hoạch này. Và giá trị thật của đất chỉ thực sự được xác định khi có được sự phê duyệt của Nhà nước.
Thí dụ: đất ở khu Ciputra trước khi dự án phê duyệt chỉ có giá trên dưới 1triệu đồng/1m2 vì không ai biết miếng đất đó sẽ được nhà nước cho phép khai thác, sử dụng như thế nào. Còn khi dự án được phê duyệt thì từng lô đất trong khu vực đã có được giá trị hoàn toàn khác. Nếu đất được làm nhà ở, hay làm khu thương mại thì giá trị của lô đất có thể tăng lên hàng trăm ngàn lần, tất cả nhờ vào quyền tối thượng của Nhà nước trong việc phê duyệt quy hoạch.
Lẽ ra số tiền chênh lệch trên sẽ phải được trả về cho nhà nước. Có nghĩa là khi nhà nước- đại diện cho nhân dân- tạo điều kiện nâng giá trị đất từ 1 triệu lên 100 triệu đồng thì 99 triệu kia phải thuộc về lợi ích công cộng, về nhân dân chứ không phải thuộc về chủ đầu tư và những người cắt đất, cấp đất. Rất đáng tiếc, hàng trăm hàng ngàn dự án xưa nay ở ta đã quên quyền và lợi của nhân dân như lẽ ra họ phải được hưởng.
Các nhà tham mưu vẽ rằng: Kinh nghiệm cho thấy, lẽ ra theo Đồ án Quy hoạch Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, đô thị Hà Nội sẽ phải phát triển lên phía bắc. Nhưng thực tế suốt 10 năm qua, toàn bộ các dự án phát triển đô thị mà Hà Nội và các Bộ, Ngành phê duyệt đều lại được quyết định xây dựng ở phía Tây và phía Nam thủ đô. Thí dụ: Cầu giấy, Mỹ đình, Trung hòa Nhân chính, Trung yên, Định công, Linh đàm, Pháp vân..v.v Những việc làm này thực chất đều đi ngược lại quyết định của Thủ tướng Chính Phủ về việc phát triển đô thị Hà Nội lên phía bắc mà cũng không sao cả (!). Vậy nên bây giờ ta cứ vẽ ra thế nào cũng được, miễn là có thêm đất để cấp cho các chủ đầu tư đã là thành công rồi.
Các nhà tham mưu cũng vẽ rằng ở phía Nam, tỉnh Hà Nam không có giá trị gì mấy nên không cần phải lấy thêm đất của họ. Còn phía Đông thì để dành mấy tỉnh lại để làm đất dự trữ cho việc mở rộng Hà Nội ở bước 3 vào năm hai ngàn không trăm bao nhiêu đó.
Có thể nói các nhà tham mưu của đề án mở rộng Hà Nội nói trên đã tạo ra một chiếc bánh vẽ hết sức vô nghĩa, phiêu lưu, rỗng tuyếc, nhưng lại được một số người ở cấp vĩ mô, vì những lý do nào đó, đinh ninh tưởng là bánh thật.
Bất chợt, từ một nỗi nhói đau, tôi bỗng hình dung chiếc bánh vẽ kia cũng chẳng khác gì chiếc long bào trong câu chuyện “Hoàng đế cởi truồng” mà tôi đã được đọc từ năm 9 tuổi: Trong lúc Hoàng đế mặc chiếc long bào "tưởng tượng"đi lại trong thành, tất cả cả mọi người tấm tắc khen ngợi chiếc long bào, thì bất chợt có một thằng bé khoảng 9 tuổi (cũng như tôi), chạy ra trước mặt Hoàng đế vỗ tay reo mừng: "Ô hay! Hoàng đế cởi truồng!"
Hà nội, ngày 01 tháng 05 năm 2008
KTS Hoàng Phúc Thắng


* Ý kiến Báo chí Việt Nam hôm thứ Ba đồng loạt tường thuật về tranh luận mở rộng Hà Nội tại Quốc hội, trong khi kế hoạch của chính phủ bị chất vấn mạnh.
Ngày 29/05/2008, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu về việc có mở rộng địa giới hành chính của thủ đô. Nhiều dân biểu, gồm cả các cựu phó thủ tướng và bộ trưởng, đã đăng đàn đặt câu hỏi về sự vội vã của dự án mà theo đó Hà Nội sẽ được mở rộng thêm 3.400 km2. Điểm mấu chốt là chính phủ mà đại diện là Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đã vấp phải sự chống đối mạnh của các đại biểu Quốc hội vì chưa đưa ra được một dự án quy hoạch hoàn chỉnh.
Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng việc Chính phủ không thông báo cho người dân về dự án mở rộng Hà Nội trong suốt sáu năm qua không vi phạm quyền được thông tin của người dân. Ông Dũng cho biết, Thủ tướng Việt Nam nói rằng đây là “chuyện tế nhị và công khai sớm quá sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán đất đai”.
Mức độ tín nhiệm
Trong khi đó, dư luận nói chung e ngại việc sáp nhập Hà Tây sẽ làm mất đi bản sắc Hà Nội.
Ông Hùng được trích lời trên báo chí hôm 20/05 nói rằng cần có sự ủng hộ của QH thì chính phủ mới có thể có quy hoạch với sự tham gia của nhiều ban ngành trong thời gian hai năm.
Hiện kế hoạch mở rộng Hà Nội chỉ vỏn vẹn có trên một tờ trình của chính phủ.
Theo VnExpress, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thừa nhận "tờ trình của Chính phủ quá ngắn gọn, chưa rõ nên đã tạo ra sự hiểu lầm" và "xin nhận khuyết điểm". Đặc biệt, dân chúng Hà Nội và các vùng liên quan chưa được thông báo nhiều về dự án mà như dân biểu Dương Trung Quốc nói, là cần một tầm vóc như Lý Công Uẩn thiên đô.
Kế hoạch mở rộng Hà Nội đang bị chỉ trích là quá vội vàng
Bản thân việc quy hoạch, xây cất hiện nay ở Hà Nội còn nhiều vấn đề nên một phần dư luận lo ngại mở rộng sẽ gây rối loạn thêm về giao thông và kiến trúc.
Tham nhũng trong xây cất hay nguồn thu rất lớn từ việc cấp đất cũng là điều người Hà Nội quan tâm. Thậm chí, như lời một nhà báo kỳ cựu cho BBC hay, có dư luận tin rằng chuyện "bán đất" cho các công trình đầu tư là một yếu tố đằng sau việc nhập Hà Tây vào Hà Nội. "Bán hết đất của Hà Nội nên người ta cần thêm đất của Hà Tây." Tuy thế, chủ trương của ĐCSVN là cứ mở rộng Hà Nội và nhiệm vụ của chính phủ hiện nay là thúc đẩy cho được việc thông qua địa giới hành chính mới. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, chính phủ "đã dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng thủ đô của một đất nước trên 100 triệu người". Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng nếu QH không thông qua việc mở rộng HN thì sẽ có một dự án treo khổng lồ vì biết bao "đại gia" đang làm công tác kinh tài cho Đảng đang háo hức "hốt" mạnh nhiều "vố bở" rất lớn khi thị trường đầu tư địa ốc sẽ tăng mạnh hơn. Không ai rõ hơn mặt trái của vấn đề bằng chính người dân Hà Nội.
Một số quan sát viên cho rằng việc thông qua kế hoạch này là dấu hiệu tín nhiệm đối với chính phủ hiện nay nhưng họ quên rằng tất cả đại biểu QH đều là đảng viên nên khi Đảng đã quyết định mở rộng HN thì có đại biểu QH nào dám cãi lại ý Đảng cho dù họ biết Đảng đang ra sức làm giàu nên nếu Đảng có làm sai, làm bậy thì tất cả đều phải cố gắng ...làm thinh.

* Ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
Theo tôi biết, mở rộng Hà Nội từ 921km2 lên 3.324,92km2 chỉ mới là một ý tưởng vừa mới nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án "Qui hoạch vùng thủ đô". Ý tưởng đó, nếu được ủng hộ, cũng chỉ có giá trị làm tiền đề cho một công trình khoa học. Thế nhưng, Bộ Xây dựng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ phương án như là đã được nghiên cứu thấu đáo rồi. Thay vì chứng minh bằng đồ án, Bộ Xây dựng chỉ mới trình bày với Thủ tướng Chính phủ một ý tưởng. Một ý tưởng đưa ra ở mức độ cảm tính, giống như trước đây bộ đề xuất phá bỏ hội trường Ba Đình.
Nguy cơ khủng hoảng đô thị
Lẽ ra trước một việc cực kỳ hệ trọng như vậy, Bộ Xây dựng phải giải trình, dựa trên những cơ sở dữ liệu, cho thấy sự cần thiết phải mở rộng thủ đô: trong quá trình phát triển, Hà Nội đang ách tắc ở khâu nào? Hà Nội thiếu đất? Thiếu bao nhiêu? Cho cái gì? Trong hơn 921km2 Hà Nội đang quản lý, đất đai đã sử dụng hết bao nhiêu? Vào những việc gì? Còn lại bao nhiêu, cần thêm bao nhiêu để làm gì? Tại sao? Lợi? Hại? Lộ trình? Ngay cả thời gian lượng định cho dự báo: 20 năm, 30 năm hay 50 năm? Căn cứ vào đâu? Chuẩn mực nào? Tiêu chí nào? Tất cả những câu hỏi phải được giải trình bằng một đồ án qui hoạch nghiêm túc với nhiều công phu, có chất lượng.Qui hoạch đô thị là một lĩnh vực đa ngành, tiếp cận và xử lý nhiều phạm trù tri thức, tác động nhiều chiều đến nhiều mặt của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chung của đất nước. Vì vậy, mở rộng đến đâu, mở rộng như thế nào, mở rộng để làm gì, rất cần được nghiên cứu với sự phối hợp của nhiều ngành, tham khảo và sử dụng một cách nghiêm túc những kết quả nghiên cứu lâu nay của các ngành khoa học khác, thì mới mong có được một dự báo đủ căn cứ, đáng tin cậy, có tầm nhìn lâu dài. Thế nhưng việc đó cho đến nay đã không được tiến hành đầy đủ.
Kể từ khi Đảng chủ trương đổi mới, đất nước đã vượt qua khủng hoảng, nhiều lĩnh vực đã đạt được tốc độ phát triển tốt. Nhưng về xây dựng lại chưa tạo ra được cho đất nước một bức tranh đẹp.
Có thể nước ta có nhiều đặc điểm không giống các nước khi khởi đầu tiến trình đô thị hóa. Thực tế việc sao chép những mô hình đô thị hiện đại của các nước tiên tiến đang bộc lộ những độ vênh nhất định. Đặc biệt, thực tiễn phát triển đô thị khá "nóng" ở nước ta thời gian qua đang bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng có thể xảy ra "khủng hoảng đô thị”.
Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên ngành được giao trách nhiệm, đã tỏ ra "đuối sức" trước nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra trong cơn lốc xây dựng và phát triển đô thị hiện thời.
Đừng chọn mô hình sai lầm.
Ai cũng biết đô thị hóa là quá trình tất yếu của công nghiệp hóa. Ở những quốc gia khác nhau, trình độ kinh tế - xã hội khác nhau, tiến trình đô thị hóa cũng khác nhau. Lựa chọn loại hình đô thị thích hợp cần xuất phát từ thực tế đời sống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trình độ kinh tế - văn hóa, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội Việt Nam.
Theo tôi, Thăng Long - Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú; hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.
Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.
Thủ đô Thăng Long - Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp; Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có qui mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng.
Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám. Đấy mới chính là "hướng nhìn - tầm nhìn" của nghìn năm Thăng Long và của thời đại.
Lối thoát cho những bế tắc của thủ đô hiện nay, theo tôi, không phải và không chỉ nằm ở yếu tố diện tích. Dù nhỏ hơn nhiều lần, nhưng có được sự đồng thuận của toàn dân nhờ những lợi ích cụ thể mà người dân có thể đong đếm được, một số thành phố - thị xã như: Hội An (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Ninh Bình... đang phát triển tốt với những bước khá vững chắc. Lẽ ra Hà Nội phải là nơi làm gương cho cả nước trong việc qui hoạch và xây dựng một thành phố nhân ái, văn minh mà vẫn giàu có, năng động; sẵn sàng thích ứng với mọi đổi thay của thời cuộc và tạo ra cho chính mình bản sắc của thủ đô Việt Nam.
Muốn làm được như vậy, Chính phủ cần thành lập một "Ủy ban nghiên cứu phát triển Hà Nội" với đầy đủ thành phần, tập trung chuyên gia ưu tú từ các ngành hữu quan, khảo sát đánh giá thực trạng để có đủ cơ sở khoa học giải đáp tất cả các câu hỏi.
Quốc hội sẽ họp vào tháng này và sẽ bàn "Mở rộng thủ đô". Xin xem đây là một ý kiến đóng góp từ trách nhiệm và từ dư luận.

ảnh
ảnh
Hồ Gươm mùa xuân. Ảnh: Ngô Minh Hải.
ảnh
Cầu Thê Húc. Ảnh: Ngô Minh Châu.
ảnh
ảnh
Vườn hoa mùa xuân. Ảnh: Ngô Minh Châu.Nhà Hát Lớn Hà Nội

Nhà Hát Lớn Hà NộiBưu điện Hà Nội

Bưu Điện Hà Nội

Chi Nhánh Vàng Bạc Đá Quý Hà Nội

Hồ Hoàn Kiếm, xuân 2008

Hà Nội

No comments:

Post a Comment