Wednesday, July 22, 2009

Kiến trúc Việt Nam(41)

Di sản kiến trúc - phần đắt giá nhất của bất động sản?

Chương trình TV thời sự đưa tin: Cuối cùng chính quyền thành phố Hà Nội cũng thông qua, đã quyết định bán mấy trăm căn biệt thự thời Pháp trên địa bàn thành phố. Lý do chính đáng là sử dụng không hiệu quả, không thể bảo dưỡng, duy tu hoặc thực trạng đã hoang phế, xuống cấp. Tất nhiên thành phố sẽ được một khoản thu không nhỏ. Song ai cũng thấy rằng "khoản thu" của những người được mua và mua được các biệt thự này còn lớn hơn nhiều. Bởi thứ nhất đó tất nhiên là những mảnh đất vàng giá không tưởng tượng nổi và hai là trên đó có một di sản kiến trúc.

  • Ảnh bên : Những dấu tích còn lại của biệt thự cũ. (VNN)

Ngay sau tin này là phóng sự với hình ảnh Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam GS. Hoàng Đạo Kính đứng trước hàng rào xây dựng tôn xanh của một biệt thự đã bán. Máy quay hé một khe hở cho thấy "di sản" đã bị đập bỏ, người ta đang đào móng cho một building gì đó. Ông Kính bức xúc cảnh báo một tương lai đáng buồn: Tất cả (biệt thự HN) sẽ như thế này!

Như thế này là như thế nào?

Câu chuyện rất phức tạp chứ không đơn giản như người ta giải tỏa một hộ nông dân ngoại thành để thực hiện dự án, xây cái gì đó. Hà Nội 1000 năm tuổi, “trái tim” của cả nước, thực tế gồm “ba phần tươi đỏ” là phần Hoàng thành cổ và Phố cổ - tức khu 36 phố phường có gốc gác từ thời Lý Công Uẩn. Phần phố thời thuộc địa gồm các khu hành chính, khu buôn bán, khu quan Tây và khu phố công chức ta theo quy hoạch của các KTS Pháp từ cuối thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20 và phần các làng đan cài trong đô thị với các mặt nước và các vùng cây xanh.

  • Ảnh bên : Bể nước mới xây ở ban công biệt thự. (VNN)

Các biệt thự là một dạng kiến trúc phương Tây được du nhập rất thành công vào Hà Nội (và Việt Nam nói chung). Nằm ở khu quan Tây và khu công chức ta trải rộng khắp thành phố, chúng tạo ra cả một “bảo tàng kiến trúc biệt thự địa phương Pháp” rất phong phú và độc đáo. Một số cái cũng là kết quả giao thoa Đông - Tây của phong cách Đông Dương, thành tựu nổi bật nhất của KT nước ta thế kỷ trước. Đập đi như thế này là hủy hoại một di sản quý báu nhất. Trong khi các tòa nhà trụ sở mới đang mắc bệnh dịch nhái, nhại, copy kiến trúc Pháp và Đông Dương thì các bản gốc lại bị đập bỏ! Vứt hàng hiệu, bản gốc dùng hàng giả, bản sao thì thật là kỳ quái, lãng phí vô cùng. Thay vào đấy các building thực dụng rẻ tiền như thế này (dù được gắn 4-5 sao cũng vẫn chỉ là những sản phẩm hàng loạt như các “nhà tập thể” kiểu mới tràn lan khắp thế giới mà thôi) thì toàn bộ quy hoạch Hà Nội sẽ bị phá vỡ. Như thế này thì trước mắt ai mua được biệt thự, thành chủ đầu tư công trình mới trên nền đất vàng đó sẽ kiếm lời to nhưng về lâu dài thì cả họ lẫn thành phố sẽ mất đi những khoản tiền khổng lồ không dự báo nổi. Bởi giả dụ một biệt thự hiện nay bán được 2 triệu USD thì chỉ 20-30 năm nữa giá sẽ gấp 10 lần hoặc hơn, chả có đầu tư nào sinh lời bằng giữ được cái sẽ thành di sản!

  • Ảnh bên : Một building mới ở số 24 Trần Hưng Đạo - Hà Nội (ảnh minh họa)

“Cuộc chiến” nóng bỏng nhất trong xã hội, kinh tế VN (cũng như ở bất kỳ các nước đang phát triển, nước đang CNH, ĐTH nào) là cuộc chiến bất động sản. Điều này góp phần gây ra những bất bình đẳng xã hội ngay từ khi bắt đầu chuyển từ KT bao cấp sang KT thị trường với việc cấp nhà, cấp đất, cấp căn hộ, hóa giá các villa cho cán bộ, công nhân viên một cách tự phát ở khắp mọi nơi và khắp các cấp từ xí nghiệp, phường, xã, quận, huyện tới thành phố và Trung ương. Một “đặc lợi” mà khi đó mọi người cho là hợp lý, hiển nhiên. Chưa có công bố về việc ai sẽ được mua các biệt thự này nhưng người ta có thể lo ngại đây là bước tiếp theo của “hóa giá”!.

Để không như thế này các chuyên gia giới KTS và giới văn hóa nói chung không lo lắng chuyện ai sẽ sở hữu các biệt thự có giá trị di sản, sẽ trở thành di sản vô giá trong tương lai gần mà là lo lắng các biệt thự này có bị phá hủy hay không? Hoặc sẽ được gìn giữ, sử dụng như thế nào?

Muốn gìn giữ được các giá trị của các biệt thự thì phải phân loại kỹ càng, định giá chuẩn xác. Hợp đồng bán mỗi biệt thự phải có các điều khoản cụ thể về việc giữ gìn, duy tu, có được biến đổi kiến trúc không, có được xây cất thêm không, có được đập bỏ xây mới không, xây mới phải xây trong khuôn khổ nào… Các biệt thự phải được sử dụng với những chức năng nào…(bởi nếu tất cả biến thành vũ trường, quán ăn hay siêu thị thì mặt bằng đô thị sẽ rối loạn chức năng!)

  • Ảnh bên : Biệt thự số 46 Hàng Bài, bỏ không nhiều năm nay. Mới đây, một số chủ hàng ăn cho sơn sửa lại, làm nơi gửi xe. (Ảnh: Phạm Hải. / VNN)

Tóm lại ta có thể thấy việc bán các biệt thự ở Hà Nội là một thí dụ tiêu biểu cho sự gắn liền xương thịt giữa kinh tế và văn hóa, giữa di sản và hiện đại hóa, giữa phát triển và bền vững. Cách sử dụng, cư xử với biệt thự (và các kiến trúc cũ thời thuộc địa nói chung) ở Sài Gòn, và các thành phố khác từ Nam ra Bắc, nhất là ở Đà Lạt - thành phố villa châu Âu độc nhất vô nhị - là câu chuyện nóng bỏng trong bối cảnh hiện nay làm đau đầu mọi bên liên quan.

Nước ta thực ra không giàu có về các di sản kiến trúc đô thị, thực khối kiến trúc có giá trị di sản không lớn, so với thực khối KT xây mới ồ ạt thì tỷ lệ vô cùng nhỏ. Và chính vì thế là vô cùng quý giá .Nó sẽ như báu vật, món đồ quý mà những gì ta xây mới sẽ chỉ là cái hộp đựng ! Chỉ trong tương lai rất gần các kiến trúc cũ này sẽ là những hạt ngọc của đô thị hiện đại. Nên chăng cần điều tra xác lập một quỹ di sản kiến trúc hay quỹ kiến trúc cũ (việc này không khó, không tốn kém bao nhiêu), đưa ra một chiến lược ứng xử tối ưu với quỹ di sản này. Chiến lược đó phải được quán triệt tại mọi đô thị đang hiện đại hóa trong quy hoạch, xây cất và phát triển kinh tế và văn hóa.

Những cảnh báo về bệnh tật, bão lụt tất nhiên là cấp bách và được lắng nghe nhưng thiết nghĩ những cảnh báo về di sản văn hóa cũng cần được như vậy, là như vậy.Chứ cứ “như thế này” thì đáng lo ngại thật.

Nguyễn Bỉnh Quân

Hà Nội sẽ không còn một không gian biệt thự cổ

Ngày 10.12.2008 HĐNDTP Hà Nội đã chính thức ra Nghị quyết về số phận gần 1.000 ngôi biệt thự cổ Hà Nội. UBNDTP sẽ chỉ giữ lại 173 căn biệt thự có diện tích lớn hơn 500m2, số còn lại đều được đem... bán. Đây là một nghị quyết mà nếu không được kiểm soát tốt thì rất có thể là sự cáo chung cho số phận một không gian biệt thự cổ Hà Nội.

Hoài niệm một Paris trong lòng Hà Nội

Cuối thế kỷ thứ 19, trong quá trình đô hộ thực dân, người Pháp với mục đích chiếm giữ lâu dài nên đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội như một "Paris thu nhỏ". Chính vì thế các kiến trúc sư người Pháp đã quy hoạch Hà Nội với hệ thống đường sá, nhà cửa, công sở, trại lính... của các quan lại trong bộ máy cai trị bằng các phân khu hết sức khoa học.

Trong hệ thống nhà cửa đó không thể không nói đến quần thể nhà biệt thự mang kiến trúc đặc trưng Pháp. Một quần thể biệt thự mà nói như KTS Hồ Thiệu Trị thì: "Dù ở Châu Phi, ở các nước Đông Dương khác hay bất kỳ một quốc gia thuộc địa nào của Pháp cũng không thể có được cụm kiến trúc đặc sắc này giống như ở Hà Nội".

Nhận xét này của KTS Hồ Thiệu Trị hoàn toàn có lý, bởi quanh khu trung tâm đầu não Ba Đình lối kiến trúc biệt thự mang dáng dấp đặc trưng của miền Bắc nước Pháp với mái nhà cao nhưng khá dốc. Lui về phía nam, quanh khu vực hồ Gươm, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Nguyễn Du,... nhà biệt thự lại được xây theo phong cách kiến trúc miền Nam Pháp với mái nhà ít dốc hơn. Mỗi căn biệt thự lại có một nét đặc trưng riêng, không lẫn với những căn nhà khác và mang đậm dấu ấn của người sử dụng.

Ví dụ như căn biệt thự số 46 Trần Hưng Đạo (nay là NXB Thế Giới) vốn là của một sĩ quan hải quân nên căn nhà được thiết kế giống như một con tàu với những ô cửa sổ có các khung gạch dày nhô hẳn ra phía trước hệt như khung cửa trên các boong tàu đang hướng ra đại dương. Cầu thang cũng uốn lượn từ sân dẫn lên phòng khách tầng hai giống như cầu thang từ boong tàu bước lên buồng lái. Chiếc lan can cao rộng ghép bằng các thanh sắt thẳng đứng giống như tay vịn cầu thang tàu biển. Cách bố trí các phòng ở biệt thự này cũng lấy cảm hứng từ những căn phòng trên chiếc tàu biển, vì thế càng ngắm nhìn, căn biệt thự càng gợi cho người ta nhớ đến biển khơi.

Cuối đường Trần Hưng Đạo hay như ngôi biệt thự số 1 Đặng Tất lại có dáng dấp của một pháo đài với một lối vào rất hẹp. Trên tầng 2 có những ô cửa sổ trông như những lỗ châu mai. Dù vậy nhưng nhìn tổng thể căn nhà vẫn toát lên vẻ đẹp một cách uy nghi, sang trọng...

Hệ thống nhà biệt thự, với những công trình kiến trúc khác như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử... đã tạo nên một mảng không gian kiến trúc đặc trưng của Hà Nội vừa sang trọng, vừa lịch thiệp nhưng không kém phần uy nghi, trầm mặc.

Di sản đang bị đập phá

Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, vào khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990 Hà Nội có khoảng hơn 2.000 ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp và Châu Âu., nhưng đến năm 2008 thì chỉ còn chưa đến 1.000 căn.

Những ngôi biệt thự này hiện nay được chia làm 3 loại: Một là được sử dụng làm trụ sở các cơ quan, đại sứ quán các nước. Hai là làm tư gia cho các vị lãnh đạo cao cấp. Số nhiều nhất còn lại do người dân tự quản. Đối với hai loại trên thì kiến trúc Pháp cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn về mặt kiến trúc. Nhưng điều đáng nói nhất là những biệt thự do dân tự quản.

Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, hầu hết các chủ cũ của những ngôi biệt thự cổ trở về Pháp hoặc di cư vào Nam. Tất cả các cán bộ cao cấp, các văn nghệ sĩ, người có công với cách mạng từ chiến khu trở về, các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc... đều được sắp xếp vào ở, làm việc trong những ngôi biệt thự bỏ hoang. Người có tiêu chuẩn cao thì được ở một mình một nhà; những người tiêu chuẩn thấp hơn thì vài ba gia đình cùng chung nhau một ngôi biệt thự, dùng chung sân, bếp, vệ sinh...

Cuộc sống chung sau một thời gian bắt đầu nảy sinh bất tiện, thế là họ xây tường, ngăn vách, biến ngôi biệt thự thành các chung cư. Theo thời gian, các gia đình sinh con đẻ cái, người ta tận dụng từng mét vuông đất để cơi nới, thế là hàng loạt "chuồng cọp" mọc ra từ các ô cửa sổ, những mảnh sân vườn biến thành nhà cao tầng.

Chả nói đâu xa, ngay ngôi biệt thự hiện được sử dụng làm trụ sở Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam số 59 Lý Thái Tổ trong vài năm gần đây cũng đã mọc ngay trong khuôn viên một căn nhà cao tầng che lấp hết cả không gian thoáng đãng của biệt thự. Chính vì cái việc nhà nhà đua nhau xây dựng một cách hết sức tuỳ tiện, vô lối nên đã biến những ngôi biệt thự đẹp đẽ là thế bỗng thành một thứ kiến trúc chắp vá, chẳng khác nào một mớ mạng nhện bám trên một que củi.

Còn những cư dân sống "chung cư" trong những biệt thự cơi nới này thì sao? Phải nói là họ đang sống trong một không gian vô cùng tối tăm và chật hẹp đối lập hẳn với sự sang trọng, bề thế vốn có của biệt thự.

Một con số thống kê của UBNDTP Hà Nội trong cuộc họp HĐNDTP ngày 10.12.2008 cho thấy: TP Hà Nội hiện có 970 biệt thự với 3.900 hộ dân và hơn 6.000 người đang sinh sống trong những căn nhà đó. Kết quả đợt kiểm tra, rà soát biệt thự cho thấy số lượng biệt thự còn nguyên trạng chỉ chiếm tỉ lệ 15%, còn lại là đã bị cải tạo, sửa chữa, biến dạng nhiều trong quá trình sử dụng. Số biệt thự có từ 1-2 hộ sinh sống chỉ chiếm tỉ lệ 5%, có từ 5-10 hộ sống chiếm 50%, có từ 10-15 hộ chiếm 40%, cá biệt nhà biệt thự ở số 8 Tăng Bạt Hổ, 128C Đại La có tới 35-50 hộ dân đang chen chúc nhau sinh sống...

Cho rằng rất nhiều biệt thự đang xuống cấp, phá vỡ cảnh quan chung; ở những biệt thự nhiều chủ thì nhiều hộ dân chỉ ở trong căn phòng 10-20m2, trong khi đó họ không được phép bán, không được cấp sổ đỏ, HĐNDTP đã "quyết": chỉ giữ lại 173 biệt thự có diện tích trên 500m2 còn số còn lại là 634 ngôi bán tất cho các hộ dân theo nghị định 61 CP.

Việc bán những biệt thự này đã đem về cho ngân sách thành phố số tiền 1.200 tỉ đồng nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của không ít đại biểu. Những người phản đối cho rằng việc bán hết những ngôi biệt thự này sẽ khiến Hà Nội mất đi một di sản văn hoá không bao giờ lấy lại được.

Để việc "bán" này nhanh chóng được thông qua, người ta đã "thòng" một câu: "việc các hộ được mua biệt thự khi cải tạo, sửa chữa, xây dựng phải được sự cho phép của cơ quan chức năng và tôn trọng kiến trúc cũ".

Thế nhưng trên thực tế, khi tài sản đã nằm hợp pháp trong tay người dân, chẳng mấy người trong số những chủ mới của căn nhà biết đến "kiến trúc cũ" là gì, và thế là họ thi nhau đập phá biệt thự cũ, xây mới không theo một lối kiến trúc nào.

Và sự cáo chung cho cả một không gian biệt thự cổ Hà Nội đã bắt đầu.
Di sản đô thị: Xung đột giữa phát triển và bảo tồn
Trong một thế giới hội nhập, biến đổi liên tục, việc gìn giữ những di sản cho thế hệ tương lai là một quan niệm rộng với tầm nhìn xa hơn. Khi nói đến cảnh quan đô thị không phải người ta đề cập đến một di sản hay một công trình kiến trúc cụ thể mà đó là dự án tổng thể cho cả đô thị” - Michael Turner.


Cologne Cathedral (CHLB Đức)
Luôn gây tranh cãi
Hội thảo quốc tế về cảnh quan đô thị lịch sử đang diễn ra tại Hà Nội (từ 5 – 10/4) thu hút nhiều học giả từ khắp thế giới.Ngày đầu tiên, các phát biểu và tham luận đều nêu lên vấn đề lớn nhất hiện nay là công tác bảo tồn di sản đô thị: sự xung đột giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa.
Làm thế nào để cân bằng giữa phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng trong xu thế toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ được cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của địa phương? Rõ ràng đây là vấn đề nan giải mà thành phố nào cũng đều gặp phải.
Kiến trúc sư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo nói: “Hà Nội là một trong những thành phố đang phát triển mạnh mẽ, có không gian thiên nhiên gắn bó hài hòa, dù trải qua bao biến thiên vẫn giữ được trong mình những di sản quý. Trong quá trình phát triển Hà Nội vẫn cố gắng bảo tồn đô thị với ba nội dung chính: cảnh quan, chức năng và hình ảnh”
Giáo sư Michael Turner đến từ Học viện Nghệ thuật và Thiết kế Bezalel, Tây Ban Nha cho rằng, bảo tồn đô thị lịch sử là đề tài tranh cãi của tất cả các trung tâm đô thị trên thế giới bởi sự đụng độ giữa xưa và nay. “Trong một thế giới hội nhập, biến đổi liên tục như hiện nay, việc gìn giữ những di sản cho thế hệ tương lai là một quan niệm rộng với tầm nhìn xa hơn. Khi nói đến cảnh quan đô thị không phải người ta đề cập đến một di sản hay một công trình kiến trúc cụ thể mà đó là dự án tổng thể cho cả đô thị”, GS Michael Turner nói.
Bằng chứng ấn tượng
Tiến sĩ Ron Van Oers, chuyên viên của Trung tâm di sản quốc tế UNESCO đưa ra những dẫn chứng khá ấn tượng.
Thành phố Viên (Áo) được đưa vào danh sách di sản thế giới năm 2001. Thành phố này bao gồm nhiều công trình kiến trúc cổ, và một quần thể 4 cái tháp ở khu trung tâm rất nổi tiếng. Sau khi được đưa vào danh sách, các kiến trúc sư đã đề xuất tạo ra xung quanh khu tháp này một “vùng đệm” không để những công trình mới xâm hại cảnh quan. Nhưng việc này đã nảy ra những cuộc tranh cãi lớn. Cuối cùng TP Viên đã lựa chọn một công ty kiến trúc để kiến tạo khu vực này, thể hiện khu vực xung quanh như một phố Viên cổ. Vấn đề này hiện vẫn đang là đề tài tranh cãi.
Thêm một trường hợp khác, năm 2004 Nhà thờ Cologne Cathedral (Đức)- di sản thế giới, có niên đại hơn 800 năm bị đưa vào danh sách nguy hiểm bởi cảnh quan xung quanh đã có quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng. Trước sức ép này, đã có những ý kiến đề nghị đưa Nhà thờ Cologne Cathedral ra khỏi danh sách Di sản thế giới, để địa phương có thể thoải mái xây cao ốc. Tuy nhiên sau khi tranh cãi và cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và văn hóa, năm 2006, chính quyền địa phương đã lập ngay kế hoạch bảo vệ di sản với Quy định giới hạn các tòa nhà xây dựng trong khu vực quanh Nhà thơ, và Cologne Cathedral đã được đưa ra khỏi danh sách nguy hiểm.
Tương tự như vậy, Nhà thờ Taj Mahai (Ấn Độ) là công trình đầu tiên gần như thỏa mãn toàn bộ các tiêu chí của UNESCO cũng từng đứng trước khả năng phải lựa chọn. Phía trước nhà thờ này có một khu vườn và quần thể kiến trúc cổ. Năm 2003, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch xây một trung tâm thương mại lớn tại khu vực đó. Tuy nhiên sau đó dưới sức ép của UNESCO và dư luận, kế hoạch này phải dừng lại vì nó phá vỡ cảnh quan khu vực Nhà thờ Taj Mahai.

Hay như Cung điện Potala (Trung Quốc) được chọn là Di sản thế giới năm 1994 cũng vậy. Trong quá trình đô thị hóa, cảnh quan đô thị khu vực cung điện này cũng đã từng bị đe dọa. Nhưng sau đó, chính quyền Trung Quốc nhận ra rằng Potala không chỉ là một di sản mà là một phần cảnh quan văn hóa của đất nước. Chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận phá hủy toàn bộ những công trình xây dựng mới trong khu vực để bảo toàn cảnh quan cổ trong khu vực.
Trở thành Di sản thế giới năm 1988. Trong suốt thập kỷ qua, khu vực tháp London vẫn là một đô thị nóng, luôn muốn bùng nổ xây dựng bất cứ lúc nào. Hiện đã có 14 tòa nhà cao tầng đang trong quá trình xây dựng, cùng 94 dự án khác đang chờ chực. Những cuộc xung đột vẫn đang xảy ra quyết liệt, chưa có ai nắm được quyền quyết định cuối cùng: những nhà bảo tồn hay nhà đầu tư.

Châu Á: Nền di sản truyền thống hay thuộc địa?
Giáo sư William Logan, từ Trường Đại học Deakin, Melbourne, Úc mang đến hội thảo những quan điểm khác nhau về di sản trong vùng Châu Á, lục địa già nhất nhưng có khối lượng di sản phong phú.
Trải dài trong lịch sử, Châu Á, trong đó có Việt Nam đã bị nhiều nền văn hóa thuộc địa. Đã có nhiều tranh cãi về vấn đề di sản truyền thống bản địa, và di sản do những nước xâm chiếm xây dựng và để lại, trong đó có nền văn hóa Châu Âu.
Việt Nam, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc… là những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa, và cũng là những nước có tỷ lệ tăng trưởng dân số nhanh, tốc độ đô thị hóa bùng nổ. Những đô thị phát triển đang mở ra thu hút đầu tư từ bên ngoài vào nhanh chóng đã tạo ra xung đột trong kết cấu văn hóa địa phương và văn hóa du nhập, đặc biệt tại các đô thị có nhiều di sản.
Thêm nữa, đô thị di sản là những nơi có ngành công nghiệp du lịch phát triển mạnh cũng tạo ra sự đồng hóa văn hóa, tác động trực tiếp đến cảnh quan và văn hóa tín ngưỡng địa phương. Toàn cầu hóa cũng là một yếu tố làm biến mất dần những bản sắc truyền thống. Tại một số thành phố người dân đã từng đấu tranh nhằm giữ gìn những bản sắc văn hóa riêng của họ.
Giáo sư William Logan cũng bày tỏ sự quan tâm về Hà Nội, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều cả văn hóa Trung Quốc và Châu Âu, chủ yếu là Pháp. Ông đã phân tích kỹ những trường hợp xây dựng và công trình kiến trúc mang tính xung đột văn hóa và cảnh quan như những công trình cao tầng quanh Bờ Hồ, tượng đài Lý Thái Tổ, các kiến trúc Pháp và những công trình Việt Nam tiêu biểu như Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám…
Ông nhấn mạnh Hà Nội là một thủ đô quốc gia, mang nhiều tầng nấc di sản, lịch sử của cả dân tộc Việt Nam, và là thành phố có giá trị toàn cầu. Ông lưu ý quy hoạch phát triển phải được đặt ra ở những chiến lược có tâm, trong đó cần cân nhắc kỹ đến những di sản quý mà Hà Nội hiện có.
Di sản Quốc gia: Làng, xã quản lý!
Chỉ có thể cứu vãn được thực trạng ứng xử với các di sản vật thể quốc gia mà dư luận công chúng cùng các chuyên gia, văn nghệ sĩ hết sức phẫn nộ và “khẩn thiết phản biện” khi có sự nhận thức lại, sự thay đổi thái độ tiếp cận vấn đề của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Vì đây là những vấn đề văn hóa hệ trọng ở cấp quốc gia mà một bộ, một tỉnh, một thành phố, một huyện, một xã không giải quyết được và không được giải quyết!
  • Ảnh bên : Hệ thống phù điêu La hán tuyệt tác ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị sơn vẽ, dịch chuyển, xây lại bệ thờ, lát gạch tráng men hiện đại, phá vỡ không gian kiến trúc - Ảnh: Đỗ Lãng Quân

Sau cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại kì họp Thường vụ Quốc hội vừa qua, báo chí rộ lên một loạt “phản biện” gay gắt của công chúng về việc các di tích lịch sử (đã được xếp hạng) bị xâm hại. Các chuyên gia và “nhân chứng” phẫn nộ và chua xót trước thực trạng trùng tu các di tích văn hóa: “Thật thảm hại!” (Phan Cẩm Thượng), “Hết chịu nổi!” (Nguyên Ngọc), “Dừng trùng tu là bảo vệ di tích!”(Lê Thiết Cương)… Hàng loạt các dẫn chứng được nêu ra khiến người ta bàng hoàng về tình trạng các di sản văn hóa Quốc gia bị xâm hại, trùng tu sai lạc. Nhưng điều làm người ta ngạc nhiên nhất là trình độ văn hóa, chuyên môn của các cấp quản lý, cung cách hành xử của tất cả các bên liên quan đối với di sản văn hóa: từ bên có quyền, người có tiền tới cơ quan chuyên môn, chuyên trách và người dân sở tại.

Theo trang thông tin điện tử của Bộ VHTT&DL cả nước Việt Nam hiện có khoảng 7.300 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Trong các năm 2006-2008 Nhà nước đã chi 865,42 tỷ đồng để “chống xuống cấp và tôn tạo 506 lượt di tích”. Kinh phí này chỉ chiếm 50-80% chi phí thực tế, phần còn lại là do dân đóng góp. Ước tính khoản kinh phí “xã hội hóa” từ 2001-2005 là khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn 2006-2008 khoảng 145 tỷ đồng/năm. Riêng tại Hà Nội từ năm 2002 đến nay nhân dân đóng góp 449 tỷ trùng tu 900 di tích.

Qua các con số và khái niệm khá lộn xộn trên ta vẫn có thể thấy rất rõ không ở lĩnh vực nào chủ trương “xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm” diễn ra sôi nổi, hỗn loạn và tự phát như ở lĩnh vực bảo vệ di sản Quốc gia. Hậu quả tất nhiên của nó là thực trạng “thật thảm hại” và “hết chịu nổi”. Đọc bài trả lời phỏng vấn của TS Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Tuổi Trẻ 28.3.2009) thì càng thấy tình cảnh rối như gà mắc tóc và “tầm làng xã” của việc trùng tu tôn tạo di sản Quốc gia. Ông nói: Cộng đồng dân cư địa phương thường thích làm mới, không thích ‘chắp vá’ giữ lại cái cũ! Các nhà thi công cũng muốn có nhiều việc làm nên thích “trùng tu nhiều hơn so với nhu cầu từ thực trạng di tích”!!!. Còn việc giám định chất lượng công trình thì “Ví dụ công ty thiêt bị văn hóa làm thì phải thuê công ty mỹ thuật, công ty mỹ thuật lại thuê công ty tu bổ, tức là người của đơn vị này được thuê sang giám sát đơn vị kia” (cùng thuộc Bộ VHTT&DL)!!! Quả là “Hết chịu nổi”.

  • Ảnh bên : Hai trụ biểu mới phục hồi ở đình làng Lộc Điền - Ảnh: Đ.Dụ

Năm ngoái Bộ trưởng Văn hóa Italia hân hoan thông báo sau bốn năm làm việc phục chế một bức tranh của Botticelli đã hoàn thành và đây là một sự kiện văn hóa Quốc gia. Trước đây cả nửa thế kỷ khi người ta công bố danh sách các chuyên gia phục chế và giám địch việc phục chế bức tranh Đức mẹ Sixtin ở Bảo tàng Dresden, CHDC Đức (cũ) thì đã có một cuộc biểu tình đòi xem xét lại thành phần các hội đồng phục chế và giám định vì “Không thể trao Đức mẹ của Raffael vào tay các anh đồ tể!” Ta chưa có được trình độ của chính quyền và ý thức của người dân như ở Ý hay Đức nhưng thực trạng cư xử đối với các di sản Quốc gia ở Việt Nam hiện nay là không thể chấp nhận được và cần gấp những “quyết định quan trọng” từ cấp cao nhất.Việc 506 lượt di tích được trùng tu tôn tạo bởi các công ty và “nhà thi công” bất kỳ với các hiệp thợ nghiệp dư bất kỳ, việc dân góp tiền và địa phương làng xã tự phát trùng tu tôn tạo hàng ngàn di tích (riêng ở Hà Nội trong mấy năm qua là 900 di tích) thì việc các di sản bị “sát hại” là chuyện không tránh khỏi.

Di sản quốc gia không thể trao cho làng xã xử lý “kiểu làng xã, ở tầm làng xã” như hiện nay.

Thực trạng ứng xử với các di sản vật thể Quốc gia tương đồng với hai thực trạng văn hóa đương đại mà dư luận công chúng cùng các chuyên gia, văn nghệ sĩ cũng hết sức phẫn nộ và “khẩn thiết phản biện” mà hoàn toàn chưa có phản ứng, hồi âm của các cấp lãnh đạo và quản lý cao nhất. Đó là sự phi lý, lãng phí, xấu xí cùng cực của các tượng đài tưởng niệm và “bệnh dịch” kiến trúc lai căng, nhại cổ, nhại kiến trúc thực dân của các công sở và công trình công cộng.

  • Ảnh bên : Ông Phan Cẩm Thượng bên pho tượng Hộ pháp cổ kính được “tha mạng” (không sơn lại theo lối làm mới) hiện đang ngự ở chùa Bút Tháp - Ảnh: Lãng Quân

Với cả ba thực trạng trên sự thay đổi, “cứu vãn” tình hình chỉ có thể tới với sự nhận thức lại, sự thay đổi thái độ tiếp cận vấn đề của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây là những vấn đề văn hóa hệ trọng ở cấp Quốc gia mà một bộ, một tỉnh, một thành phố, một huyện, một xã không giải quyết được và không được giải quyết! Văn hóa Quốc gia, di sản Quốc gia không thể trao cho làng xã xử lý “kiểu làng xã, ở tầm làng xã” như hiện nay. Chừng nào các vấn đề trên chưa nằm trên bàn nghị sự của các cấp cao nhất nêu trên thì tình hình chưa thể thay đổi.

Vài kiến nghị về vấn đề các di sản

Chính phủ cần có quy định rõ ràng các di sản cấp Quốc gia phải do Quốc gia quản lý, không để địa phương làng xã quản lý và tùy tiện trùng tu như hiện nay, nghiêm cấm làng xã, địa phương, người “hảo tâm” trùng tu tự phát.

Bộ VHTT&DL cần “nâng cấp” trình độ của các đơn vị bảo tồn bảo tàng từ cục tới các công ty với một đội ngũ cán bộ, chuyên gia và thợ trùng tu tôn tạo có trình độ đảm bảo chất lượng công việc. Việc đào tạo đội ngũ trùng tu, tôn tạo di sản không khó mà còn góp phần phục hồi một loạt nghề truyền thống đã mai một hoặc thất truyền. Đó cũng là bài học của các nước mạnh về trùng tu tôn tạo. Cần có trung tâm dạy nghề và thang lương riêng cho nghề trùng tu tôn tạo. Xây dựng việc giám định độc lập các dự án trùng tu tôn tạo di tích Quốc gia, xóa bỏ việc “kiểm tra chéo” có tính hình thức của các “công ty nhà” thuộc Bộ VHTT&DL như ông Đặng Văn Bài trần tình!

  • Ảnh bên : Để trùng tu chùa Bổ (Bắc Giang), người ta đã phá một khoảng lớn của bức tường đất tuyệt đẹp để xe cộ xông vào - Ảnh: Đỗ Lãng Quân

Việt Nam không có truyền thống sưu tập và làm bảo tàng do đó các kiệt tác và các công trình, di tích phân tán ở các địa phương, trực thuộc địa bàn của một cấp hành chính thấp nhất, thuộc “quyền sử dụng” của một cộng đồng địa phương nhỏ nhất. Các di tích này thường luôn gắn với đời sống tâm linh của cộng đồng, một vấn đề khá nhạy cảm. Như vậy cần có các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cấp xã, huyện, tỉnh đối với các di tích trên địa bàn của mình. Cần có sự vận động giáo dục cộng đồng địa phương về việc bảo vệ di sản văn hóa Quốc gia, tự hào gìn giữ chúng chứ không tùy tiện ứng xử, trùng tu mà là giết di sản, kiểu “được chăng hay chớ”, cục bộ như hiện nay. Việc này cũng không khó vì dân làng nào cũng tự hào về các di tích của mình. Chỉ là do họ chưa có trình dộ và ý thức để đối xử thích đáng với các di tích mà thôi.

Các cấp quản lý cần đưa các vấn đề di sản, tượng đài và kiến trúc vào chương trình nghị sự. Hãy coi các cảnh báo về tình trạng nguy kịch trong các lĩnh vực này cũng khẩn thiết các cảnh báo về lũ lụt, sập cầu đường hay tội phạm gia tăng.

Cần có một chiến lược xây dựng các bảo tàng nghệ thuật để có thể lưu giữ các kiệt tác trong các di tích. Cần tăng cường an ninh tại các di tích Quốc gia tản mạn khắp nước.Với các bảo vật Quốc gia mà việc để tại các di tích ở làng xã không đảm bảo yêu cầu an ninh thì cần làm các bản chép đẹp thay thế và “quy tập” các bản gốc về các bảo tàng. Như vậy vừa bảo quản được, tránh hư hại, mất cắp mà tác phẩm nghệ thuật cũng tới được với nhiều người hơn. Việc này không phải là không thể hiệp thương giữa chính quyền và các cộng đồng dân cư, tôn giáo. Để bảo vệ tài sản Quốc gia nhiều nước cũng đã phải làm như vậy.

Việc “xã hội hóa” kinh phí trùng tu tôn tạo là cần thiết. Đóng góp cho sự tôn tạo di tích địa phương “quê cha đất tổ” là một quyền lợi và một niềm tự hào của người dân. Họ góp tiền cho một công trình cụ thể nhưng không thể để họ cùng ban quản lý di tích tùy ý trùng tu, sửa chữa, tôn tạo vì làm như vậy là vi phạm pháp luật và sai lạc về chuyên môn. Có thể có một “Quỹ công đức bảo tồn di sản văn hóa” cấp Quốc gia ở các tỉnh để xử dụng tiền “công đức” hợp lý, đúng luật, đúng chuyên môn và đúng nguyện vọng của người thiện tâm. Điều này cũng không phải không khả thi...

Nguyễn Bỉnh Quân

Khu phố cũ Hà Nội sẽ ra sao?

Lâu nay, Hà Nội của chúng ta đã có Ban quản lý khu phố cổ. Hoạt động của Ban này đã có một số kết quả nhất định để bảo vệ Thủ đô nghìn tuổi vượt qua được thời gian và thời tiết khắc nghiệt, giữ gìn được nhiều di tích, nhiều vốn kiến trúc cổ, nhiều nét văn hóa đầy giá trị mà tiền nhân để lại và chúng ta phải có nhiệm vụ giữ gìn cho đời sau và nhiều đời sau nữa vì đó là trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước toàn dân tộc và lịch sử (mà phục vụ du lịch và kỷ niệm một nghìn năm chỉ là mục đích ngắn, trước mắt).

Ban quản lý này công bằng mà nói đã có rất nhiều cố gắng như bảo tồn được nhiều đường phố cổ, dựng lại vài (cụ thể là hai) ngôi nhà Hà Nội cổ, một ở Hàng Đào và một ở Mã Mây, tổ chức một số hội thảo được nhiều nước quan tâm, như đại diện thành phố Toulous (Pháp), Nhật, Đức, Thụy Điển... tổ chức một số cuộc trưng bày nhân ngày lễ hội nào đó, viết một số đề án duy tu sửa chữa, củng cố một số công trình kiến trúc cổ... Tuy đã nhiều cố gắng như thế nhưng lực còn bất tòng tâm, nhiều công việc đề ra chưa thực hiện được, phần vì số nhân lực có hạn, phần nữa là kinh phí eo hẹp và nhiều nguyên nhân khác.

Như tên gọi của nó, Ban này chỉ có nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ, gần như nằm gọn trong quận Hoàn Kiếm mà đại khái biên giới của nó là phố Hàng Bông - phố Cầu Gỗ, đường Bờ sông và phố Quán Thánh giáp với Hàng Đậu, Hàng Than.

Nhưng theo dự ghi nhận của nhiều nhà hoạt động văn hóa thì Hà Nội đang có thể chia thành ba khu vực (chỉ là tương đối). Ngoài khu phố cổ, còn có khu phố cũ mà nhiều người quen gọi là khu phố Tây, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, và khu phố mới, vừa hình thành từ sau năm 1954, nhất là cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, nó cứ lan dần ra bốn phía ngoại thành và đang có đà phát triển dữ dội hàng ngày.

Bài này, người viết chỉ muốn đề cập riêng đến khu phố cũ, còn gọi là khu phố Tây.

Chưa bao giờ Hà Nội lại bùng phát việc xây dựng và thương mại như thời gian từ ngày Đổi Mới đến nay. Có người nói chỉ cần ai đó một tháng không ra phố thì sẽ vô cùng ngạc nhiên khi gặp lại cảnh cũ đã thay đổi ra sao. Nhiều con phố vẫn là con phố cũ nhưng hai bên đường, nhà cửa đã xây dựng lại khác trước nhiều quá, đến nỗi có cảm giác như có ai đó đặt một đường phố mới lên con phố cũ.

Nếu ngày nay chúng ta có một cụ Phạm Đình Hổ, cụ viết lại cuốn sách "Vũ trung tùy bút" thì hẳn cụ phải viết thêm hàng ngàn trang, không phải là câu "Nhà ta ở phường Hà Khẩu" mà phải viết về Khu phố cũ và khu phố mới thay đổi ra sao, với niềm vui và nỗi đau, cảm tình và buồn rầu thế nào...

Quản lý đô thị là cả một nghệ thuật bên cạnh một nền pháp lý minh nghiêm. Khu phố cũ đang là một di sản không gì có thể mua bán được, và bây giờ chúng ta cũng không thể có điều kiện để dựng lại một khu vực có những công trình như thế. Chỉ lịch sử mới tạo ra được nó. Chúng ta còn nghèo, nếu làm việc này hẳn cũng là bài toán khó, nhưng vừa mới cách đây ít ngày, dự án làm đường sắt trần cao còn tốn đến nửa tỷ Euro mà cũng đã được thông qua, dù chưa biết kết quả tới đây, còn đằng này, còn việc này, nó hiện hữu và thiết thân ngay trước mắt, chắc rằng người có trách nhiệm không thể không quan tâm cân nhắc.

Khu phố cũ, gần đây có bài báo của kiến trúc sư, so sánh rằng với hơn một ngàn ngôi nhà kiểu biệt thự Pháp và Đông Dương, tài sản này, di tích này còn quý giá hơn cả Đà Lạt và Hà Nội là thành phố duy nhất ở Việt Nam xây nên và nó đang có mặt trên đất nước Việt Nam thì di sản quý báu đó đương nhiên là của Việt Nam, và không có lý gì chúng ta rẻ rúng, thậm chí hủy hoại nó một cách không thương tiếc như hiện nay. Nếu cứ đà này mà không được hãm phanh dừng lại, không có một cơ quan đứng ra quản lý tương tự như Ban quản lý phố cổ, mà tên nó là Ban quản lý phố cũ, thì chỉ vài chục năm nữa, chúng ta sẽ mất đi một khi di sản, di tích quý báu không gì bù đắp được.

Để xây dựng được chỉ một ngôi biệt thự như đang có phải mất nhiều tiền bạc và công sức và thời gian, có khi hàng mấy năm trời, mà hàng nghìn ngôi như thế không phải là chuyện nói chơi, vậy mà phá nó đi, làm méo mó nó đi, biến dạng nó đi, thay đổi hình dáng và chức năng nó đi, chỉ mất một tuần, hoặc một tháng, và nếu cấp tập theo kiểu làm ăn chụp giật như những công trình sai phép, cứ làm ào đi về ban đêm, bất chấp luật lệ, chỉ mất vài ba đêm là ta mất đi một công trình quý giá, một tài sản quý báu.


Bắc Bộ Phủ

Đã có bao nhiêu công trình biệt thự cổ của một Hà Nội hào hoa và duyên dáng, không kém tôn nghiêm, ở các phố Trần Hưng Đạo, giữa và cuối phố Lý Thường Kiệt, phố Nguyễn Du và nhiều phố khác đã biến mất tăm vào những móng ngôi nhà mái bằng cao lênh khênh, vô cảm, thiếu thẩm mỹ, chỉ có tác dụng về thương mại, nói trắng ra là để buôn bán một cách thực dụng thu về lợi nhuận.

Nhiều ngôi biệt thự đứng riêng biệt trong một khuôn viên xinh xắn, có cây cổ thụ, có luống cỏ xanh, có cổng ra vào tạo một không gian tĩnh lặng thâm trầm thanh thoát ngay giữa phồn hoa ồn ã thế mà người ta không thương xót, đã phá hỏng nó đi, cơi nới gian mái bằng, xây thêm phía sau ba bốn tầng xi măng đứng ngang đường thẳng như cắt vào không gian, để khuất lấp đi hoàn toàn một đôi nét mái nhà cong lượn, chiếc cửa mắt bò, bậc tam cấp dẫn lên tiểu sảnh, mái hiên che nắng, chiếc bao lơn mơ mộng, khung cửa sổ có bức rèm che bí mật như một niềm e lệ để từ đó buông ra thánh thót tiếng dương cầm những đêm trăng hay du dương một khúc vĩ cầm chiều thu rỉ rả... Cũng thấp thoáng đâu đó, trong khoảng sân nhỏ hẹp, một người nào đó đi vào đi ra lặng lẽ, bước đi khoan thai đầy chất Hà Nội dịu dàng tha thướt.

  • Ảnh bên : Nhà thờ lớn Hà Nội (nguồn : hanoireview.blogspot.com)

Những ngôi biệt thự cổ kính và hiện đại ấy chứa đựng những con người Hà Nội và nét sinh hoạt Hà Nội nghìn năm không phai mờ hay bị trộn lẫn, nó là hào hoa thanh lịch, không ồn ào, không ganh ghét bon chen, không bành trướng, lấn chiếm của ai, cũng không nhiễu sự, kiện tụng hay vu cáo bao giờ. Những con người đó dù nổi danh hay vô danh cũng đã làm ra một Hà Nội thanh lịch trong nếp sống, trong sáng tạo, trong ứng xử, mà ngôi nhà của họ là ngôi biệt thự cứ lặng lẽ nhuốm màu thời gian một cách bền gan cùng tuế nguyệt. Có nhiều người may mắn mà được chủ một ngôi nhà như thế, họ không giầu có, không kênh kiệu, không kiêu ngạo, họ lặng lẽ cống hiến cho đời, ngay cái ở của họ cũng là một nét đẹp Hà Nội bao năm.

Ngôi biệt thự đầy nét cổ kính, mang dấu ấn một thời Hà Nội khang trang, nó là tinh túy của Hà Nội cả về kiến trúc lẫn văn hóa và nhân văn. Điểm lại mà xem ngôi nhà cụ Hồ Đắc Điềm ở phố Nguyên Du trông ra hồ Thuyền Quang (cụ từng là nhà yêu nước, là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Hội đồng nhân dân Thành phố,...) ngôi nhà bác sĩ chống Pháp ấy đã bị giặc Pháp sát hại không tìm thấy xác, có thuyết cho rằng xác cha con ông đã bị vùi nông tại mồ liệt sĩ vô danh nay là chợ 19-12, cạnh tòa án. Ngôi nhà họa sĩ Nam Sơn và nhà bác sĩ Nguyên Bách cũng trông ra hồ Thuyền Quang, mà nay còn có người gọi là hồ Ha Le và mở rộng quán rượu lấy tên là quán Ha Le mà không biết rằng Halais là tên một tên công sứ Thực dân Pháp, Thị trưởng Hà Nội thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà kể trên có ngôi mất, có ngôi còn, tuy còn nhưng cũng bị "cải biên" làm xấu xí đi nhiều. Đầu phố Lý Thường Kiệt có ngôi biệt thự khá đẹp còn có hàng câu châu Phi làm hàng rào, bỗng nhiên khoảng gần năm nay nó bị phá đi thay bằng mái tôn, cửa nhôm, khung kính và cột sắt để buôn bán và quảng cáo xe máy, đèn ống lóa mắt người đi đường...


Phố Hoàng Diệu (Hà Nội)

Khu phố cũ nào nhà được dùng làm đại sứ quán thì còn đỡ bị hủy hoại, còn nhiều nơi khác, biệt thự hầu như đều bị "làm mới" nghĩa là sửa chữa, phá phách, thay đổi kiến trúc, cả lối đi, cổng vào. Ngôi biệt thự từng là nhà của nhà thơ Xuân Diệu cũng không tránh khỏi số phận tiêu điều ấy. Nó đã bị lắp nhôm kính, vẩy thêm mái, bầy bàn ghế làm quán giải khát.
Đi qua những ngôi biệt thự cũ trong những khu phố cũ này, nhiều người đều cảm thấy xót xa vì chúng ta có di tích mà không biết giữ gìn, thậm chí dang tay phá hủy chúng đi một cách tàn bạo.

Khi thành lập Ban quản lý khu phố cổ có người cho rằng rất kịp thời, nhưng cũng nhiều người cho rằng thế là quá muộn, nhiều ngôi nhà cổ hơn trăm năm đã không còn nguyên vẹn, người ta đã mái bằng hóa, nhôm kính hóa như ở Hàng Bè, Cầu Gỗ...

Cho đến thời điểm này, khu phố cũ đang có chiều hướng ngày càng bị xâm hại nhiều hơn, nếu thành lập một Ban quản lý khu phố cũ, có là muộn không? Nếu không thành lập ngay thì chỉ vài chục năm nữa, chúng ta đứng trước một sự đã rồi, giống như tình hình vịnh Nha Trang đang bị phá tanh bành đến nỗi người ta muốn xóa tên khỏi danh sách vịnh đẹp thế giới để dễ bề thao túng và phá hỏng hơn.

  • Ảnh bên : Khách sạn Sofitel Metropole - phố Ngô Quyền (nguồn : Hanoi 2D)
Gần đây Hà Nội đã có nhiều cố gắng bảo tồn khu khai quật Hoàng Thành cổ Thăng Long và đang ra sức bảo vệ khu Đàn xã tắc mới phát lộ. Đó là những di tích chỉ còn là phế tích mà chúng ta đã tốn không ít công sức và tiền của để bảo vệ giữ gìn, huống chi ta đang có một khi vực hàng nghìn di tích quý giá đang đứng trước lâm nguy, lẽ nào chúng ta không có biện pháp kịp thời bảo vệ để chúng sẽ không tàn phai nhòa xóa làm mất đi một phần hồn Hà Nội?

Những ai đang là người Hà Nội, những ai đang yêu Hà Nội chắc đều chung một ý nguyện là sớm có biện pháp để tu bổ giữ gìn khu phố cũ đầy giá trị, nó chiếm một phần không nhỏ diện tích Hà Nội và phần không nhỏ tâm hồn người Hà Nội.
Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường
1 - Chúng tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu Quy hoạch tổng thể hồ Gươm một cách bài bản và rộng rãi vào thời điểm này là đúng lúc. Sớm hơn, khi VN chưa gia nhập WTO, khi Hà Nội chưa mở rộng thì chưa đủ thế và tầm nhìn. Muộn nữa, e rằng lúc đó ta đã phá xong khu vực này một cách không thể cứu chữa.

2 - Trong các phương án tham dự cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch hồ Gươm" có khá nhiều đề xuất mạnh bạo, đáng chú ý. Như phá dỡ số nhà cũ (chủ yếu xây sau năm 1955) nay không còn phù hợp và đã bị dư luận coi là chưa thoả đáng. Như mở ra một số mảng xanh rất cần thiết để tôn vinh cảnh quan. Như khôi phục và tôn tạo các cơ sở tâm linh của hồ Gươm v.v...
Các bạn người nước ngoài đã có cử chỉ đẹp khi nhiệt tình cùng chúng ta đóng góp những suy nghĩ có nghiệp vụ cao về hồ Gươm.

3 - Bên cạnh đó, theo chúng tôi, vẫn còn mấy điều chưa được làm tốt trong cuộc thi này.
Một là đề bài chưa rõ. Người thi phải tự mình hình dung ra các chức năng để lý giải. Vì vậy hoặc đề suất quá nhiều chức năng, hoặc quá cường điệu chức năng này mà coi nhẹ các chức năng quan trọng khác.
Muốn có ý tưởng tốt thì trước tiên phải khẳng định được các chức năng. Chỉ riêng chức năng trung tâm hành chính của thành phố có còn ở khu vực này hay không đã dẫn đến các ý tưởng và giải pháp khác nhau rất xa rồi.
Hai là một số bên tham gia có thể đã có sự nhầm lẫn về một cuộc thi ý tưởng. Tuy vẽ nhiều, nhưng ý tưởng dàn trải, thiếu chiếu sâu, có khi còn làm phai nhạt và phương hại đến những chức năng cốt lõi nhất của hồ Gươm và khu vực xung quanh. Kèm theo là sự sa đà vào những giải pháp chi tiết và trình diễn phối cảnh rầm rộ, làm phân tán chủ đề ý tưởng.
Có đề suất phá hầu hết các di tích nay đã thành di sản để thay bằng loạt nhà hộp diêm như thể với một khu đất mới vô hồn vô cảm nào đó.
Có một ví dụ để so sánh: Khoảng 50 năm trước, trong cuộc thi thiết kế thủ đô Brasilia (Nam Mỹ) có đông các nước tham gia, nhiều phương án được vẽ trên những panô lớn rất hoành tráng, nhưng giải nhất lại thuộc về mấy bản vẽ tay trên vài tờ giấy học trò, trong đó có những ý tưởng kiệt xuất.
Ý tưởng hay thường kiệm lời.
Ba là nếu dùng số tiền đầu tư vừa qua để tổ chức thi theo cách khác thì có lẽ sẽ đúng trình tự hơn, và hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn. Đó là cách trưng cầu ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Bởi hồ Gươm không chỉ là tài sản riêng của Hà Nội, mà là báu vật của toàn dân.
Nên chăng nới rộng phạm vi đề suất ý tưởng ra xa hơn một chút nữa, sang phía đông hoặc xuống phía nam hồ Gươm. Biết đâu, việc nối liền với khu vực ngoài đê lại cho được những ý tưởng đẹp bất ngờ?
Chúng tôi cho rằng cần sớm phát động một cuộc thu thập ý tưởng mới để cho mọi người tâm huyết từ bắc đến nam và ở nước ngoài đều được tham gia. Với họ, thù lao chắc chắn chưa phải là mối quan tâm đầu tiên. Sau đó phải triển lãm dài ngày ở những vị trí thuận tiện.
Chỉ sau khi đã khẳng định được các chức năng và sau khi đã chọn lựa được các ý tưởng hay từ đề xuất của toàn dân mới nên giao lại cho các nhà chuyên môn kiến trúc-quy hoach triển khai tiếp.

Các phương án đoạt giải (nguồn: Ashui.com):

Phương án của Liên danh "1+1>2" Group và Academia Italia (Việt Nam / Ý) - Giải Nhì (không có giải Nhất):

Phương án của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) - đồng Giải Nhì:

Phương án của MQLPAU and Partners (Việt Nam/Đức) - Giải Ba:


4 - Trong tổng thể Hà Nội, hồ Gươm là vùng đất thiêng, có vai trò và ý nghĩa độc nhất vô nhị. "Long" có "Thăng" cũng là từ đây. Dù đã từng xảy ra một vài hành vi khuất tất trong công việc xây dựng trước đây đi chăng nữa, thì từ nay trở đi, chắc khó có ai dám làm những điều xằng bậy ở khu vực hồ Gươm này để bị thánh nhân trừng phạt.
Việc quy hoạch hồ Gươm là khó, nhưng một khi đã tập hợp được trí tuệ và ý nguyện của toàn dân thì dần dần, từng bước một, từng năm một, tin rằng chúng ta sẽ làm được những điều tốt đẹp cho các thế hệ tiếp sau.
Việc lớn không thể làm qua quýt hoặc vội vã, nhưng càng không thể nhẩn nha, được đến đâu hay đến đó; Bởi công cuộc kiến thiết Hà Nội đang sôi động từng ngày, không cho phép chờ lâu.
Có thể khẳng định rằng: bây giờ, hoặc không bao giờ, chúng ta cần đến một sự suy nghĩ đúng về Hồ Gươm, và có một lộ trình sáng để theo đó mà làm dần, có thể là từ nay đến giữa thế kỷ.
Kết quả tới đây có tốt đẹp hay không phụ thuộc vào những con người đủ phẩm chất và có cách làm chuẩn xác.


(nguồn ảnh: Ashui.com)

Thay mặt nhóm KTS cao tuổi Hà Nội,
PGS.TS Tôn Đại,
Chủ tịch Hội KTS cao tuổi Hà Nội

Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hóa một cách phản văn hóa như thế nào? Đã có hàng chục năm say mê tìm hiểu cặn kẽ các di tích văn hóa, đặc biệt là đền chùa, họa sĩ Lê Thiết Cương và họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng tham gia trong loạt bài này với cái nhìn của người trong cuộc.

  • Ảnh bên : Hệ thống phù điêu la hán tuyệt tác ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị sơn vẽ, dịch chuyển, xây lại bệ thờ, lát gạch tráng men hiện đại, phá vỡ không gian kiến trúc (Ảnh: Đỗ Lãng Quân)
Các di tích càng lớn thì sau khi trùng tu bị phá hoại càng nhiều. Càng đầu tư nhiều tiền thì di tích càng hỏng nhiều. Tại sao?

Tại sao Cục Di sản của Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch lại đưa ra phương án trùng tu đền Và (xã Trung Hưng, Sơn Tây, TP Hà Nội) theo kiểu “dỡ trắng” ra làm mới như vậy? Ai là những người tư vấn cho cục làm điều đó? Tại sao người ta lại có thể nhân tiện trùng tu chùa Lý Quốc Sư (Hà Nội) để xây thêm một khối nhà ba tầng kệch cỡm đến thế ngay ở mặt tiền? Cơ quan quản lý nào cho phép người ta phá đi bức tường đất nghìn năm của chùa Bổ, hoặc xây một bệ tượng bêtông cốt thép làm che toàn bộ những bức phù điêu đất nung tuyệt đẹp, tiêu biểu cho mỹ thuật gốm không men Việt Nam cuối thế kỷ 16 ở chùa Trăm Gian (Hà Nội)? Rồi lại còn vụ bức tường thành cổ Bắc Ninh bị phá đi làm chỗ nuôi lợn. Có thể nói Cục Di sản không biết những điều đó không?

Phải ngăn chặn cái thói quen hễ ai và ở đâu cứ có tiền là có thể dỡ đình, sửa chùa, tô tượng vô tội vạ, bất chấp các quy tắc tối thiểu về trùng tu di tích như thế. Biết rằng làm được điều này quá khó vì đình chùa là di sản quốc gia, nhưng đình chùa lại ở làng, ở gần dân mà trình độ và sự hiểu biết của dân về bảo tồn, phục chế quá thấp. Nước xa làm sao chữa được lửa gần. Nhưng lỗi lầm đâu chỉ ở người dân!

Giá như có những công ty độc lập chuyên phản biện và giám sát các công trình trùng tu di tích.

Một đất nước có lịch sử 4.000 năm, với một số lượng di sản khổng lồ đến vậy mà không có ngành học nào đào tạo kỹ thuật viên cho tu bổ di tích. Đã đến lúc nên thành lập một trường riêng biệt (cho dù quá muộn) với các chuyên khoa về phục chế đồ gỗ, sơn mài, nề, gốm, tơ lụa...

Những di tích được phục chế tốt nhất trong mấy năm qua: ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) do Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) trùng tu năm 2002; các bức tranh tường trong biệt cung An Định, Huế được Hiệp hội Trao đổi văn hóa Leibniz (Đức) giúp phục hồi và chương trình hợp tác giữa chính phủ hai nước VN và Pháp trong việc phục chế 24 tác phẩm điêu khắc Champa... Tất cả đều do các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ. Người ngoài lại hiểu di sản của mình hơn mình vì họ coi phục chế di sản là khoa học. Tóm lại phải học, phải có trường.

Đình, chùa, miếu đều là những công trình kiến trúc, là những tác phẩm nghệ thuật của người Việt. Nghệ thuật về chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng, nghệ thuật sơn mài. Kỹ năng của các nghề thủ công truyền thống này đang mai một dần. Các nghệ nhân tuổi ngày càng cao. Tất cả sẽ mất đi. Phải coi họ là những di sản sống để học hỏi.
  • Ảnh bên : Để trùng tu chùa Bổ (Bắc Giang), người ta đã phá một khoảng lớn của bức tường đất tuyệt đẹp để xe cộ xông vào (Ảnh: Đỗ Lãng Quân)
Phần lớn công trình trùng tu đều trở thành phá hoại. Do thiếu hiểu biết cũng có mà do hiểu nhưng cố tình làm ẩu, qua quýt, ăn bớt công đoạn, nguyên vật liệu cũng có. Thêm mươi năm nữa muốn xem về nghệ thuật điêu khắc gỗ VN thế kỷ 16 chẳng hạn, chắc chỉ còn có thể xem trong bảo tàng thôi. Bước lên sân Thiên Trù (chùa Hương, Hà Nội) du khách tưởng mình lạc sang Singapore khi thấy hai con sư tử đá vừa to vừa xấu chầu hai bên. Cổng tam quan đền Voi Phục (Hà Nội) vừa hoàn thành nhưng xem kỹ hóa ra họ copy cổng chùa Láng...

Nhiều phần sơn thếp các pho tượng trong khi phục chế ở tất cả đình chùa đều làm giả dối, sơn cầm thì pha không đúng chuẩn. Mặt và tay chân các bức tượng đều sơn phết bằng sơn công nghiệp, trong khi đúng công thức cổ là cánh dán trộn điệp không hề đắt đỏ nhưng những người thể hiện cố tình bỏ qua.

Hoành phi, câu đối, cửa võng, bát bảo, cuốn thư, ngai thờ ở chùa nào, đình nào cũng lòe loẹt, bóng lộn do dùng sơn công nghiệp, thếp bạc, hoặc thậm chí thiếc nhuộm phẩm vô tội vạ.

Nếu cứ đà này có lẽ nên dừng lại ngay lập tức việc trùng tu di tích trước khi có một quan niệm, một cơ chế, một phương pháp và một đội ngũ giỏi về trùng tu. Tạm dừng lại việc trùng tu chính là bảo vệ di tích.

LÊ THIẾT CƯƠNG
_____________________

Bảo tồn di sản cần phải được hoạch định thành một chiến lược quốc gia. Đình, chùa, miếu, quán là nơi hội tụ, kết tinh di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Người ta có thể xây dựng 1.000 tòa nhà hiện đại nhưng phá một ngôi đình là không xây lại được, là mất vĩnh viễn, mất lịch sử, mất truyền thống, mất tâm linh, mất văn hóa. Phá hoại đình chùa là điều không thể sửa sai, không thể sám hối.

Việt Nam chỉ có thể đến với thế giới bằng văn hóa của mình thông qua việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Chỉ có thể đi đến hiện đại bằng truyền thống. Đi đến tận cùng truyền thống thì sẽ gặp hiện đại. Điều đó không chỉ đúng trong nghệ thuật mà trong cả ngoại giao, kinh tế và các lĩnh vực khác nữa.

Thật thảm hại!

Tình hình trùng tu các di tích văn hóa nghệ thuật cổ những năm gần đây thật đáng lo ngại. Nhà nước và nhân dân tốn rất nhiều tiền nhưng kết quả thu lại là các di sản bị biến mất và thay thế bằng một di tích mới. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng dường như tình trạng bất khả kháng làm nản lòng những tâm trạng hoài cổ.

Ở chùa Dâu có bốn chữ nho cổ Tường vân thụy khí, dù vẫn chưa mục nhưng người ta trùng tu bằng cách cho một người thợ can lại một cách đại khái rồi đục chữ mới, còn chữ cổ người ta đem đi đâu không biết. Trần thiết của ngôi chùa được vẽ rồng mây bằng sơn ta rất đẹp, anh thợ của xưởng phục chế vẽ nguệch ngoạc lại bằng sơn hộp... Nếu cứ điểm từng mục thì thật thảm hại, mà đó là công trình do một cơ quan nhà nước thực hiện.

Việc tu sửa tượng rõ ràng đã làm hỏng toàn bộ các nơi được tu sửa. Tượng cổ dùng các nguyên liệu gỗ mít, đục sơ rồi dùng đất phù sa và sơn ta sống chỉnh nét, rồi sơn thếp bằng vàng son. Quy trình này rất tốn kém, lại không thể làm bất cứ lúc nào, chỉ có thể làm trong điều kiện ẩm như mùa xuân. Vàng bạc lót trong sơn cánh dán làm lớp son và màu khác càng ngày càng trong bóng và sâu trầm, đồng thời pho tượng có sự thở theo thời tiết.

Khi sửa mới, đại bộ phận người ta dùng bạc thiếc thay cho vàng, dùng sơn Nhật thay cho sơn ta, thậm chí dùng sơn hộp. Kết quả là pho tượng bóng lộn, lớp sơn Nhật và sơn hộp có màng nilông khiến pho tượng không thở được theo thời tiết sẽ hủy dần từ bên trong một cách mau chóng. Chưa kể tô tượng là một nghệ thuật, không phải là công việc của thợ thủ công mà của nghệ sĩ, nhất là phần chân dung của pho tượng. Những pho tượng cổ được trùng tu biến dạng toàn bộ, nhất là thần thái cổ kính.

Trong một không gian nhiều đồ thờ tự, tượng thần Phật, người xưa thường dùng hoành phi câu đối không trang trí hoa văn, mà chỉ chạm chữ nho trên nền phẳng để giảm bớt chi tiết rườm rà. Trái lại hoành phi câu đối bây giờ lòe loẹt vô cùng, phần lớn chữ nho trên nền hoa gấm. Nhưng khốn thay thợ thủ công bây giờ không chạm nổi được chữ lồng trên mặt hoa gấm; họ bèn cắt chữ rời và dán trên mặt hoa văn, những câu đối như vậy tuổi thọ rất thấp, chỉ mươi năm tất cả sẽ bong tróc rời nhau. Tuy nhiên quan trọng là cảm giác chung khi vào những nơi thờ tự bây giờ là lòe loẹt, dị đoan, hỗn tạp và phi thẩm mỹ.

PHAN CẨM THƯỢNG

No comments:

Post a Comment