Tuesday, July 21, 2009

Vài ý kiến tản mạn về bão lụt ở Việt Nam


Tản mạn: Chỉ còn gần 2 tháng nữa là nhân loại sẽ đón chào năm 2000 với những lễ hội tưng bừng nhất mà bao nhiêu người đang rộn rịp chuẩn bị tổ chức quy mô to lớn chưa từng thấy. Thế mà ở Việt Nam quê tôi lại chìm trong bão lụt lớn nhất thế kỷ với những mất mát ngày càng tăng lên cho người dân nghèo ở miền Trung Việt Nam. Mới 2 năm trước đây, vào đêm 2 rạng sáng 3/11/97, cơn bão số 5 (còn mang tên Linda) đã ập vào tàn phá các tỉnh ven biển Nam Việt và cực Nam Trung Việt, khiến 445 người chết, 3.406 người mất tích, 857 người bị thương, thiệt hại vật chất lên trên 5569 tỉ đồng Việt Nam(theo thống kê chính thức của Nhà Nước). Bão lụt năm nay (tính đến ngày 7/11/99) đã gây thiệt hại trên 718 tỷ đồng Việt Nam, 522 người chết, 95 người mất tích, 18 người bị thương, 604.204 nhà đổ trôi, 5723 lớp học và 1746 bệnh xá hư sập, 63.226 ha ruộng lúa ngập úng, 115 cầu cống sập trôi,etc... (báo Thanh Niên, 7/11/99). Mọi người, trong lẫn ngoài nước, đổ xô quyên góp cứu trợ trong tinh thần “Lá lành đùm lá rách” khẩn cấp thật đáng khen và cảm động. Một bạn trẻ chợt hỏi tôi: “Tại sao năm nào nước mình cũng bị bão lụt vậy hả anh ? Có cách nào ngăn ngừa hay hạn chế tác hại về người và tài sản do bão lụt gây ra không ?” Câu hỏi của bạn đó khiến tôi suy nghĩ thật nhiều. Tôi cũng muốn cầu Trời Phật sao cho người Việt Nam chúng tôi tìm ra lời giải để thay vì cứ đi quyên góp cứu trợ thì chúng tôi có thể làm cách nào đó để dự phòng và hạn chế tối đa tác hại của những thiên tai này. Việt Nam đã có biết bao chuyên viên tài giỏi, lừng danh, tốt nghiệp từ nhiều trường đại học nổi tiếng của thế giới nhưng sao không có ai nghĩ đến vấn đề này nhỉ ? Có lẽ vì không đem lại nhiều tiền bạc, danh lợi... nên chưa có ai chịu quan tâm nghiên cứu chăng ? Có lẽ vì có nhiều đề tài “vĩ đại” hơn nên các nhà bác học/ chuyên viên Việt Nam không thèm đoái hoài đến vấn đề này chăng ? Hay vì Việt Nam không có khả năng chuyên môn trong lãnh vực này, không đủ khả năng tài chánh, phương tiện lẫn kinh nghiệm xử lý(?) trên phạm vi vi mô lẫn vĩ mô? Thế là đồng bào của chúng ta cứ phải ngậm ngùi hát mãi điệp khúc : “Trời hành cơn lụt mỗi năm...” Trong phạm vi hiểu biết rất hạn hẹp của mình, tôi xin phép được trình bày đôi điều với người bạn trẻ về chuyện bão lụt ở nước ta.
I. Hạn chế tối đa tác hại của bão lụt ? Xét về vị trí địa lý thì Việt Nam nằm trong vùng áp thấp nhiệt đới nên bên cạnh lượng mưa lớn hàng năm, nước ta còn nhận thêm rất nhiều nước từ những cơn bão nhiệt đới mà trung tâm bão (còn gọi là “mắt bão”) thường nằm trong vùng biển Phi Luật Tân. Hình thể nước ta tuy trải dài trên nhiều vĩ độ nhưng rất hẹp về bề ngang (nhất là vùng Trung Việt) với đồi núi có độ dốc cao nên nước sẽ trút thẳng xuống vùng đồng bằng ven biển, dễ tạo ra lũ lụt lớn với những trận cuồng lưu khủng khiếp tàn phá dữ dội hơn nếu như đồi núi trơ trụi, không còn rừng cây kềm hãm sức nước, hay không có kênh đào thoát lũ. Chính nạn phá rừng bừa bãi đã góp phần tăng thêm tác hại của bão lụt. Bao nhiêu kênh đào từ những công tác thủy lợi không được nghiên cứu kỹ lưỡng, tùy tiện, vô tổ chức trong những năm đầu sau 30/4/75 cũng góp phần hổ trợ thêm cho lũ lụt, ngập mặn và phá hoại môi sinh.

Là một nước nghèo, dân đông mà lãnh đạo lại thiếu sáng suốt thì hậu quả của thiên tai không những không được dự phòng nhằm hạn chế tác hại mà còn gia trọng thêm nhiều hơn khi các quan chức địa phương lẫn trung ương hết sức vô trách nhiệm, coi thường mạng sống nhân dân và tài sản của họ, thậm chí “thừa nước đục thả câu” nhằm tự tư tự lợi chứ không tận tâm tận sức cứu dân. Tháng 11/97, tôi có mặt tại Việt Nam sau cơn bão số 5. Những nhóm cứu trợ tự nguyện của bà con trong nước đã tỏ ra hết sức sốt sắng, năng động, có hiệu quả hơn là những tổ chức chính quyền hay quốc tế (cụ thể là Hội Hồng Thập Tự). Họ là những thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân, giáo chức...; già, trẻ, nam, nữ...; thuộc nhiều tôn giáo khác nhau nhưng cùng cật lực làm việc từ thiện, có mặt tức thời, bất kể gian nan, nguy hiểm, đến với nạn nhân bằng tấm lòng và chỉ có “cho” chứ không đòi hỏi hay mưu đồ gì cả. Tôi thật sự khâm phục họ từ những ngày tháng đó.

Tôi cũng đã nghe một anh bạn KTS thao thao về những mô hình trường học và nhà dân dụng thiết kế nhằm hạn chế tác hại của bão từ kinh nghiệm một vài nước Á Châu khác và cả miền Nam Việt Nam trước đây. Tôi có hỏi anh: Tại sao anh không viết và trình bày lại cho chính quyền biết để dân được nhờ ? Anh cười mà lắc đầu nguầy nguậy. Từ đó, tôi trở về tìm tài liệu tham khảo trong các thư viện, tìm tài liệu trên mạng (search trên net) và hình thành một số khái niệm bước đầu cho đề tài này. Tuy nhiên tôi cần được góp ý, sửa chữa, bổ túc thêm từ những người có kinh nghiệm và hiểu biết hơn trong lãnh vực này. Xin được trình bày hôm nay như là phác thảo cho việc quy hoạch và thiết kế nhà & trường học ở vùng thường bị bão như Việt Nam chúng ta.

Trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân và tầm hoạt động của bão vì có hiểu rõ bão thì mới có thể dự phòng hữu hiệu và có thể giảm tối đa tác hại do bão gây ra. Trách nhiệm nghiên cứu đó thuộc về Trung tâm Khí Tượng & Thủy Văn nhưng rõ ràng là khả năng thông tin về việc phòng bão của Việt Nam hãy còn quá kém hiệu quả, nếu không muốn nói là từ trên xuống dưới đều coi thường công tác thông tin & dự báo khí tượng -thủy văn - phòng bão lụt. Đây là vấn đề cần cải thiện trước nhất. Dân Việt Nam sống trong bão lụt bấy lâu nay nhưng kinh nghiệm đã không được rút tỉa thành bài học để ứng dụng trong công tác phòng bão lụt và cấp cứu sao cho kịp thời, hiệu quả và cũng không hề thấy ai nghiên cứu để đề ra biện pháp nào khả dĩ khá hơn nhằm tránh bớt đi việc lập đi lập lại mãi một thảm kịch bi đát diễn ra hàng năm như vậy.

Ngay như các nhà địa lý địa chất, thuỷ lợi (hydraulic) và thuỷ học (hydrology) đã vẽ được watershed và đường nước tràn (kể cả cuồng lưu) từ trên núi đổ xuống nhưng không thấy ứng dụng vào việc quy hoạch sao cho cư dân những địa phương đó tránh được tác hại của lũ lụt ? Lý thuyết đã không được ứng dụng hữu hiệu vào đời sống dù nhà trường luôn kêu gọi học sinh rằng “học phải đi đôi với hành” (?!?).

Không thể đổ thừa cho việc thiếu hụt ngân sách mãi được khi mà số tiền dùng vào cứu trợ và những thiệt hại nhân mạng lẫn tài sản hàng năm đã lên quá cao. Đã đến lúc nghiêm chỉnh rút tỉa kinh nghiệm, nghiên cứu thật khoa học vấn đề đề phòng bão lụt như một quốc sách và kịp thời phổ biến rộng rãi để giáo dục dân chúng.

Chuyện dung túng cho bọn phá rừng buôn gỗ lậu đã quá rõ ràng nên chính những người lãnh đạo cấp cao nhất phải có câu trả lời ổn thỏa cho những gia đình nạn nhân bão lụt, cụ thể là những chính sách triệt để và nhất quán trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, bảo vệ môi sinh và thảm thực vật hiện hữu. Không thể vì dân nghèo đói mà làm ngơ cho những kẻ làm bậy cứ tái phạm chính sách về rừng. Việc phủ xanh kín mặt đất nhằm chống xói mòn (erosion control) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vùng đồi núi, ven biển, dọc theo các quốc lộ nên nhiều địa phương vẫn coi chuyện đất chuồi (land slides), đất lở, đất sụp... vẫn là “chuyện không có gì ầm ĩ” để phải trồng cây cỏ phủ xanh mặt đất, nhất là những nơi dốc đứng (2:1 hay 1:1); chỉ đến khi nước chảy tràn cuồn cuộn gây ra thảm họa thì lại la làng để xin cứu trợ !

Từ đó phải nêu câu hỏi: vai trò và trách nhiệm của trí thức, các chuyên viên KHKT Việt Nam trong vấn đề này. Họ đã làm gì ? đã nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm gì để cứu dân ? Họ không thể cứ khoanh tay đổ tội cho Thiên Tai hay nước nghèo, không phương tiện và kinh nghiệm xử lý đúng mức. Chính quyền nên chấm dứt ngay lối “quản lý” hết sức ôm đồm, bao biện, quan liêu trong việc thu gom, phân phát các phẩm vật cứu trợ, nhất là phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc việc một số “sâu mọt” cố tình “ăn bẩn” và cả một số quan chức địa phương cố tình cản trở, gây khó khăn cho các đoàn cứu trợ trong thời điểm khẩn cấp. Hãy huy dộng sức dân để cứu dân !

Vấn đề phòng bão lụt và cứu cấp phải là chuyện chung của nhiều cơ quan kết hợp đồng bộ thì khả năng hoạt động mới có thể hữu hiệu. Cho nên cần có Ban Chỉ Đạo Trung Ương hoạt động có kế hoạch, tổ chức chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, theo dõi sát sao mọi diễn biến phức tạp chứ không thể để mặc địa phương tùy tiện, thật sự biết chủ động và linh động ứng phó với mọi tình huống bất ngờ. Chính từ sự kiện bão số 5/ Linda năm 97, tôi cứ nghĩ Việt Nam đã rút được những bài học quý giá nhưng trong cơn “hồng thủy thế kỷ” năm nay, dường như vẫn chưa khá hơn là bao ? Với thiên tai như bão lụt, cái approach thích hợp nhất là đề ra những biện pháp để “đối phó” và “dự phòng” kịp thời, không phải là “chống” vì không có cách nào để chống lại thiên tai cả! (dù cho là Mỹ, Nga, Nhật, Tàu... cũng đành bó tay chịu trận thôi !). Mục đích của các biện pháp nầy chính là để giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng và tài sản, dự phòng những biện pháp cứu trợ sau đó cho hữu hiệu, cấp thời.

Có nhiều biện pháp từ dễ đến khó, từ ít tốn kém đến tốn kém rất nhiều nhưng với miền Trung Việt thì ít ra cũng phải bao gồm những điểm như sau:

- Thiết lập một Trung Tâm Tiên Đoán Bão Lụt (nơi thích hợp nhất có lẽ là Đà Nẵng) với dụng cụ thích hợp để có thể tối thiểu theo dõi và thông báo kịp thời đường di chuyển, cường độ bão, và ước tính lượng nước mưa(Nếu ước tính được mực nước lụt thì càng hay). Đòi hỏi phương tiện, trang thiết bị hiện đại và chuyên viên được tu nghiệp hàng năm.

- Các phương tiện truyền thông (media system) ở VN cần thông báo liên tục & kịp thời (breaking news) đến tất cả người dân ở những vùng bão có thể đi qua với những kế hoạch khẩn cấp đối phó hiệu quả hơn, tránh tối đa chuyện làm cho có lệ theo kiểu "trả nợ qủy thần" thiếu trách nhiệm - đây là bệnh trầm kha nhất của cán bộ viên chức trong nước mà có lẽ khó tìm được thuốc nào trị dứt bệnh này.

-Thiết lập những Trung Tâm Tạm Trú An Toàn, nhất là ở các tỉnh miền Trung, đương nhiên là ở chổ cao và chắc chắn, để khi được thông báo, đồng bào có thể tập trung đến những địa điểm đó. Những Trung Tâm nầy phải có đủ phương tiện (thực phẩm, nước uống, thuốc men, vệ sinh,...) để phục vụ cho đồng bào trong một thời gian ấn định. Đòi hỏi khả năng tài chánh, phương tiện và quản lý tốt (tổ chức chặt chẽ, cán bộ không tham nhũng, có lòng vì dân). Thiết lập một kế hoạch khẩn cấp (emergency plan) để có thể kịp thời thông báo cho đồng bào vùng bị bão lụt đe dọa, cung cấp phương tiện chuyên chở đồng bào đến các Trung Tâm Tạm Trú An Toàn, và cấp cứu đồng bào còn kẹt lại trong các vùng bị thiên tai.

- Đòi hỏi sự kết hợp với quân đội, công an và bộ giao thông vận tải cùng nhiều cơ quan khác hổ trợ. Thúc đẩy việc xây cất nhà trong vùng thường bị bão lụt có sức chịu đựng cao qua việc khuyến khích hoặc ấn định các quy cách về xây cất (building codes) và dùng vật liệu nặng như bê tông, ngói móc,v.v... (xin xem phần 2: quy hoạch & xây dựng vùng bão).

- Quy hoạch việc sử dụng đất đai (land uses), ấn định các vùng lụt (floodplains) và giảm thiểu việc xây cất khu gia cư và những khu kỹ nghệ có giá trị cao trong những vùng dễ bị lụt lội. (xin xem phần 2: quy hoạch & xây dựng vùng bão). Nghiên cứu thủy học của lưu vực (Công việc nầy là của chuyên viên thủy học (hydrologist) chứ không phải của các nhà địa lý địa chất). Ban hành các biện pháp căn bản như bảo vệ rừng và phủ xanh mặt đất. Nếu có thể được, xây đập đa dụng mà kiểm soát và điều hòa lụt là mục đích chính. Nếu cần, xây các hệ thống đê và đường thoát nước. Nam & Bắùc Việt cũng cần phải có đầy đủ kế hoạch phòng tránh bão lụt sao cho phù hợp với địa lý, địa hình & thủy văn của từng địa phương.


II. Về Quy Hoạch & Xây Dựng cho vùng bị bão thường xuyên: Tựu trung vào 3 điểm chính là :
- Phải lưu ý đến vị trí địa lý, địa hình và các yếu tố thực địa (site analysis), chẳng hạn: nhận dạng đầy đủ địa hình địa phương (độ cao, độ dốc của đồi núi, khoảng cách tới biển / sông, nơi nào có thể trú bão tránh lụt khi hữu sự, etc.).

- Các nhà quy hoạch & xây dựng của chính quyền không thể không nghĩ đến việc phải chọn vị trí tránh bão lụt tốt nhất khi quy hoạch các khu dân cư (residential), khu hành chánh (civic center),v.v... và lượng định khả năng ảnh hưởng tới công trình (địa hình ảnh hưởng như thế nào và ngược lại, độ cao ngập lụt/ mức nước tối đa có thể dâng lên, những cây cối quanh vùng sẽ tăng trưởng và ảnh hưởng ra sao đến công trình và ngược lại; không thể quên micro-turbulence với tác động của gió và lụt nếu gần sông hay đồng trống, etc...) ra sao trước khi cấp phép xây dựng.

- Ngay cả kiến trúc cảnh quan (landscape architecture) cũng là yếu tố quan trọng: chọn lựa cây trồng có sức chịu đựng cao (không dễ gãy đổ), nên tỉa (trimming) cây lớn trước mùa mưa bão, nghiên cứu địa hình để có thể tạo dáng (xây ụ đất và tường chắn/ retaining wall hay soundwall, trồng cây cỏ, làm hệ thống thoát nước / drainage system...) sao cho vừa hạn chế xói lở mặt đất, vừa hạn chế gió bão, vừa thoát nước dễ dàng, vừa tạo thêm nơi tránh bão lụt lại vừa làm đẹp thêm cảnh quan.

- Phải thiết kế & kết cấu vật liệu xây cất sao cho phù hợp nhất, nhất là tường và mái chứ móng (footings & foundation) phụ thuộc vào cấu tạo địa chất (soil) của khu vực, chưa kể nhà nghèo thì lại càng đơn giản.

Theo tôi, nên thiết kế và kết cấu đơn giản tối đa, vừa phù hợp tổng thể (integrity), vừa an toàn. Cần lưu ý 4 điểm chính sau đây:

- Xem xét kỹ những kiểu dáng nhà và vật liệu nào có thể chấp nhận cho vùng bão lụt thường xuyên ?

- Thiết kế mặt cắt (section) sao cho lực phân bố đều trên toàn bộ mái, hạn chế ảnh hưởng của micro-turbulence hầu tránh gây tai nạn khi bão lụt, gió lớn. Tính cho kỹ các cột chống, các nhịp lớn & các phần conson, khoảng cách (span) giữa kèo, cột, xà trên mái (span càng gần nhau càng vững chắc).

- Vật liệu phải được chọn lựa kỹ để vừa chịu ẩm, chống thấm thấu, vừa chịu tác động của gạch vỡ, cây ngã... Mái và tường là phần đáng lưu ý nhất, nhất là những nơi chịu áp lực cao. Loại shear wall ở Mỹ có thể dùng cho Việt Nam. Chủ yếu là giằng sao cho tường, trần, mái và vách ngăn đủ chịu sức gió cao, nước đổ xối xả liên tục... là bài toán khó cho nhà nghèo !

- Nền móng & cốt sàn (footing, foundation & framing) là việc khởi đầu cho xây cất nên phải bắt tay trước vào việc nghiên cứu địa hình & địa chất (soil test/ geotechnical services), xác định loại đất hiện hữu để nếu cần thì phải nén đất (compaction) và xử lý thích hợp qua erosion control chẳng hạn. Tìm hiểu lịch sử ngập lụt để chọn cốt (cốt 1,2,3 hay hơn nữa, tùy mức độ ngập lụt từng nơi để tính mức ngập cho cốt sàn, sức gió & động đất sao cho phù hợp hơn với thiết kế & kết cấu). Không thể quên là đất sét dãn nở (expansive clay) sẽ gây họa khi lũ lụt nếu móng không làm đúng; hay như việc tính toán hệ thống kết cấu cột & dầm lưới để tạo độ cứng cần thiết cho các công trình vùng gió bão, lũ lụt.

Đừng quên tay nghề thợ và lương tâm nhà thầu là những điều không thể coi thường khi thi công. Tổng thể phải được sắp xếp hợp lý sao cho gió thông thoáng chứ không nhất thiết phải “gia cố kết cấu” (structural reinforcement) nhưng cốt lõi là tăng an toàn nên mọi sắp xếp không gian (spaces) bên trong phải phù hợp kết cấu và ngược lại. Ví dụ, tường lửng (không lên tới trần/ ceiling, mái/ roof) nên đủ cứng để chịu lực chứ không chỉ để trang trí hay là vách ngăn mà thôi. Các khoảng mở (openings) như cửa sổ(window), cửa đi (door) phải được chọn lựa về kích thước, trọng tải và thiết kế (loại cửa, khung và mối liên kết với tường) sao cho phù hợp với từng vùng( gần biển hay trên núi cao có nhiều gió lớn, mưa nhiều ), chẳng hạn: cửa sổ mở lớn để ngắm cảnh(view points) và lấy ánh sáng là tốt nhưng khi gió bão thì phải giải quyết thế nào cho an toàn ? Có nên dùng cửa chớp hay loại cửa truyền thống xưa nay vẫn dùng ? Thẩm mỹ nhưng phải an toàn. Đừng quên chi phí phải thật thấp vì Việt Nam là một nước nghèo, dân không đủ ăn thì đừng tính toán qua xa vời !

- Quy cách (Building codes, specifications & standards, city ordinances, etc...): Chính quyền (Bộ xây dựng, công chánh và các hội kỹ sư, kiến trúc sư) phải cập nhật hóa (updating) tất cả quy cách xây dựng một cách chi tiết, cụ thể tất cả quy định, quy cách xây dựng cho dân dụng lẫn công cộng thật chặt chẽ để buộc tất cả mọi người (nhất là thầu & thợ xây) phải theo đúng quy cách, quy định nhằm bảo đảm an toàn tối thiểu cho mọi người.

- Tất cả văn bản, tài liệu hướng dẫn cần phổ biến rộng rãi (thư viện, trường học, hệ thống truyền thông báo chí...), giải thích rõ ràng, cặn kẻ để mọi người am tường và tuân hành triệt để. Xử lý nghiêm ngặt mọi sai phạm do cố tình nhưng cũng phải nghiêm chỉnh học hỏi kinh nghiệm từ những bài học quý giá này để tránh tái phạm.

- Kiểm tra xây cất là một công việc không thể qua loa, từ các mối nối (connection) với đủ loại đinh, vít, bù lon, keo dán..., sử dụng vật liệu nào là đúng, độ dày và độ dốc nào chấp nhận được ? Danh mục kiểm tra phải được soạn thảo và in đầy đủ cho thanh tra (inspector) để bảo đảm việc thi công đúng những quy định cần thiết mà không phải Mỹ mới làm được mà nước nghèo như Việt Nam thì cứ ...qua loa !

- Phải lưu ý đến erosion control ở những khu vực đồi núi, ven biển(nhất là khu dốc cao, dựng đứng, trơ trụi, đất sét dãn nở cao/ expansive clay); cố gắng phủ kín mặt đất bằng các loại thảm thực vật, thậm chí dùng bã thực vật (mulch-không phải compost), trải đá (rock blanket), hay cứ để hoa cỏ dại (wild flowers) phủ kín mặt đất thì tốt hơn.

- Cần khuyến khích việc đắp bờ bao, trồng dừa, phi lao, dương liễu... ven biển, cần khuyến khích việc xây tường chắn (retaining wall) khi khả năng tài chính cho phép.

- Tất cả phải được quy hoạch và thiết kế đúng quy cách, tiêu chuẩn(standards), phải giới thiệu rộng rãi cho dân biết các phương thức phòng bão lụt sao cho kịp thời và hữu hiệu bằng mọi hình thức thông tin tuyên truyền. Khó khăn nhất là quy hoạch sao cho dân tránh được phần nào tác hại của bão lụt mà không ảnh hưởng đến phát triển chung và sự ổn định của người dân địa phương chứ thiết kế không phải là khó. Do đó, không thể coi nhẹ công tác quy hoạch, nhất là những vùng bị bão lụt thường xuyên như miền Trung và miền Tây Nam Việt. Việc giảm thiểu thiệt hại về nhà cửa và các kiến trúc khác do lụt gây ra thì không đơn giản như bão. Cho dù có xây cất kiên cố đến đâu thì sức nước cũng có thể tàn phá. Cho nên, cách tốt nhất là dùng quy hoạch sử dụng đất (land use) để hạn chế đến mức tối đa việc xây cất trong các vùng lụt (floodplains). Nếu không, thì cần phải có một hệ thống hồ chứa nước và đê điều thật kiên cố để bảo vệ. Ở đây, benefits/costs ratio là yếu tố quyết định, và đương nhiên phải tính cả tangible and intangible benefits.

3. Kết: Xin lưu ý bài viết này chỉ có tính cách gợi ý, chưa hẳn là giải pháp tốt nhất hay khả thi nhất vì chính người địa phương mới am tường đầy đủ những điều kiện, yếu tố & nhân tố khách quan ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng... Ao ước lớn nhất của tôi là phổ thông hóa mọi phương thức xây cất , cấp cứu và các biện pháp phòng bão lụt căn bản nhất đến mọi người dân, nhất là vùng bị bão lụt thường xuyên để họ có thể tự cứu giúp chính họ khi nguy biến - như là những kiến thức khoa học thường thức cơ bản. Cứu trợ là giải pháp cấp thời nhằm xoa dịu những mất mát do thiên tai nhưng vấn đề quan trọng hơn là tìm biện pháp hạn chế tác hại, như cha ông ta đã khổ công đắp đê dọc sông Hồng chống lũ lụt khi xưa. Đó là chuyện mà chính quyền phải làm. Từ những kinh nghiệm đau thương bấy lâu nay dân ta vẫn chịu, hy vọng chúng ta sẽ tìm đươc biện pháp khắc phục có tính cách lâu dài hơn để đồng bào mình đỡ khổ và tránh được những mất mát to lớn. Trách nhiệm của chính quyền và trí thức Việt Nam là sớm có câu trả lời cho vấn đề phòng bão lụt sao cho hữu hiệu hơn chứ không chỉ là cứu trợ ! (11/99)

No comments:

Post a Comment