Wednesday, July 22, 2009

Tản mạn chuyện Xây dựng (1)

Đô thị đầu tiên trên thế giới bền vững với môi trường

SymbioCity, được xây dựng tại khu hải cảng cũ của Stockholm (Thuỵ Điển) nổi tiếng là đô thị đầu tiên trên thế giới vận hành theo tiêu chuẩn bền vững với môi trường.Tại thành phố có 11,000 nóc nhà này, nước mưa được thu gom, rác thải được tái chế làm nhiên liệu sưởi ấm, theo nguyên tắc mọi thứ phải được tận dụng tối đa nhằm tiết kiệm và tránh gây ô nhiễm.Erik Freudenthal, Giám đốc văn phòng môi trường của SymbioCity phát biểu: "Nhìn bề ngoài, khu đô thị này không có gì lạ so với các thành phố khác mới được xây dựng. Nó không được thiết kế như một đô thị hoa lệ, mà như một thành phố tiện nghi đối với cư dân. Chúng tôi muốn làm sạch khu vực này - vốn là một trong những khu ô nhiễm nhất trong thành phố Stockholm do hoạt động công nghiệp gây ra - nhưng đồng thời muốn tìm kiếm một mô hình đô thị vận hành theo tiêu chuẩn bền vững với môi trường."Được sự hỗ trợ của Chính phủ và sự hợp tác của hơn 100 công ty, SymbioCity đã trở thành biểu tượng về nỗ lực của Thụy Điển nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân trong tương lai. Sau chưa đầy 5 năm đi vào sử dụng, tác động tiêu cực của SymbioCity đối với môi trường đã giảm hơn 50%. Nhân tố then chốt dẫn đến thành công này là việc các nhà quản lý đã tận dụng tối đa các nguồn lực.Ở đây, từng tòa nhà đều được lắp các tấm pin mặt trời, thành phố có một nhà máy điện chạy bằng sức gió. Có cả một hệ thống kênh máng được thiết kế khoa học nhằm thu gom nước mưa và cung cấp trở lại cho hệ thống các nhà vệ sinh trong thành phố. Người dân có ý thức tiết kiệm nước, vì vậy mức tiêu thụ nước cũng giảm, từ bình quân 200 lít nước/người xuống còn 100-150 lít/người mỗi ngày, và xu hướng còn giảm tiếp.Bên cạnh đó, thành phố còn xây dựng một dây chuyền xử lý chất thải lâu dài. Chẳng hạn, chất thải hữu cơ của mỗi gia đình được phân loại và được tái chế thành phân vi sinh để bón cây. Cần nói thêm rằng hiện tại ở Thụy Điển chỉ có chưa đầy 20% số rác thải được đưa ra bãi rác. Ở Stockholm, 75% số rác thải được tái chế hoặc dùng làm nhiên liệu. Đối với các hộ gia đình, tỉ lệ này lên tới 95%.Ở SymbioCity, hình mẫu phát triển thân thiện với môi trường có thể thấy rất cụ thể. 80% hoạt động đi lại của 26.000 dân thành phố là đi bộ, đi xe đạp hay đi trên phương tiện công cộng. Một tuyến xe điện được thiết kế chạy dọc theo đường phố chính trong thành phố. Ở đây dân chúng giảm tới 40% việc sử dụng xe hơi cá nhân. Tất nhiên, để đạt mục tiêu này, thành phố phải bảo đảm cung cấp dịch vụ giao thông công cộng tiện lợi.Bên cạnh đó là sáng kiến của các doanh nghiệp, như Carpool, một công ty cho thuê xe theo giờ chạy bằng nhiên liệu không gây ô nhiễm. Hiện tại Carpool đã có 450 thành viên là cư dân trong thành phố. Việc xây dựng SymbioCity đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu 4.5 tỉ euro. Hiện tại giá một căn nhà rộng 80 m2 trong thành phố là khoảng 400,000 euro, cao hơn một chút so với mức giá chung ở Stockholm. Giá thuê nhà mỗi tháng là từ 850 đến 1,100 Euro, tùy theo trang bị.Tuy nhiên, tiền đầu tư này được khấu trừ bằng khoản tiết kiệm về năng lượng và cái lợi về môi trường không thể tính bằng tiền. Trên thực tế, phần lớn cư dân ở đây đều là những cặp vợ chồng trẻ thuộc tầng lớp trung lưu chuyển từ các khu khác thuộc Stockholm đến, những người thấm nhuần câu nói của Mahatma Gandhi: "Trái đất cung cấp đủ để thoả mãn nhu cầu của mỗi người, nhưng không đủ để thoả mãn lòng tham của họ".
Bốn mươi năm "phá" cầu Bình Lợi
Cầu Bình lợi
Bình Lợi - cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, đây cũng là tuyến cũ của QL-1 Đông Dương. Trước năm 1975, ở Sài Gòn, cầu Bình Lợi từng nổi tiếng là "cây cầu tuyệt mệnh". Trung bình mười người tự tử ở cầu Bình Lợi, không dưới sáu người vĩnh viễn làm khách thủy cung. Sau năm1975, ngoài danh tiếng cũ, cầu Bình Lợi còn được biết tới như hang ổ của "cái chết trắng". Cả một "tập đoàn" hùng hậu tham gia mua bán, kéo theo con nghiện khắp nơi tụ về chích choác tưng bừng. Đầu năm 2007, khi đại gia đình "bà trùm" Nguyễn Thị Hòa đứng trước vành móng ngựa lãnh 5 án tử hình, 2 án chung thân thì thành tích tiêu thụ 55 ký heroin của họ mới thực sự làm dư luận khiếp sợ.Ngoài hai "đặc sản" tự tử và buôn bán ma túy – bản thân cầu Bình Lợi cũng góp phần đáng kể tạo nên ác cảm cho khách phương xa. Do hiện cầu đang được sửa chữa, ngoại trừ xe lửa vẫn chạy trên đường ray chính giữa, còn xe gắn máy (hai chiều) phải dồn về một bên. Người đi bộ, bị xe ép, đành đi sát vào thành cầu. Nhưng thành không có lưới chắn, thanh lan can thưa rếch, nếu muốn tự tử, to cỡ con voi, vẫn có thể lao từ trên cầu xuống, qua các thanh chắn này dễ dàng.Có lần lái xe trên chiếc cầu trăm tuổi này đúng vào lúc xe lửa chạy qua, bên dưới dạ cầu hai chiếc xà lan trôi lừng lững, nóc xà lan cách gầm cầu chừng nửa thước, chung quanh xe gắn máy ken dầy… thấy cây cầu run run oằn oại trên dòng sông sâu, trong tiếng gầm rú đinh tai của đủ loại động cơ, kẻ viết bài bất giác đem lòng kính phục những người can đảm trèo lan can cầu gieo mình xuống dưới. "Can đảm là phải dám sống, dám đương đầu, chứ tự tử thế là trốn chạy, là hèn nhát chứ can đảm gì. Tôi không cho ai chết hèn vậy. Kiểu gì cũng cố cứu bằng được". Người tuyên bố câu trên, gần bốn mươi năm nay, là một ông thuyền chài bình thường – ông Nguyễn Văn Chúc.
Cầu - Bình Lợi (cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, đây cũng là tuyến cũ của QL-1 Đông Dương) - Bridge
Nhiều câu hỏi – Một con người
Đến đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh hỏi ông Ba Chúc, ai cũng biết. Nếu hỏi ông Chúc ở đầu hẻm khu phố 2, còn được người dân sốt sắng đưa tới tận "nhà" ông – một chiếc ghe khá cũ, cặp sát mé sông. Chính tại đây, kẻ viết bài đã có cuộc trò chuyện thoải mái, dễ chịu với ông Chúc. Gió sông lùa vào khoang thuyền mát rượi. Lục bình xanh rì trôi theo con nước, sóng vỗ nhẹ. Người hỏi cứ hỏi. Người trả lời cứ giọng Bắc thủng thỉnh, giẽ giàng:"Ông bố tôi quê Vĩnh Phú, di cư vào Nam từ năm 1954. Tôi học hết lớp hai, đủ biết đọc biết viết là nghỉ, theo bố đi chài cá. Lớn lên chẳng đi lính ngày nào. Lấy vợ sớm, đẻ liền năm con "vịt giờ". Bây giờ hai đứa lớn lấy chồng, hai đứa giữa buôn bán nhì nhằng, đứa út vẫn đi học. Nhà ở Gò Vấp, nhưng chỉ khi có việc mới về qua. Còn suốt ngày hai vợ chồng ở đây, dưới thuyền này. Nắng gắt lại lên trú nhờ hiên thềm trong xóm. Công việc của tôi hiện tại là coi sóc 12 chiếc phao tiêu của cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và cầu Sài Gòn, không để rác bám vào phao, không cho phao trôi khỏi vị trí, không để thuyền bè va đập, không để tắt đèn ban đêm… Mỗi tháng triệu rưỡi tiền lương. Sống được."Lý lịch của ngư phủ Chúc, cán bộ đường sông Chúc, nếu chỉ có thế sẽ rất bình thường, nhưng thêm chi tiết "gần bốn mươi năm cứu người tự tử, vớt xác trôi sông" thì bản lý lịch ấy, thoắt chốc trở nên đẹp đẽ lạ thường.Ngồi trong "nhà" trông lên chiếc cầu Bình Lợi màu xám hiền lành, tôi hỏi ông Chúc (có lẽ nhiều người cũng chung câu hỏi này) cầu Bình Lợi hơn những cầu khác ở điểm nào mà dân chán đời lại hay chọn Bình Lợi gieo mình – do nước chảy chảy xiết, do lòng sông sâu, lắm đá ngầm, hay do có quỷ ma chèo kéo, rủ rê? Ông Chúc bảo không phải, nhưng cũng thú nhận không hiểu tại sao. Ông nói thêm "đầu cầu bên này, chỗ mình ngồi, là thuộc Bình Thạnh. Sang đầu cầu kia, thuộc Thủ Đức. Nhưng hầu hết người tự tử thường chọn nhảy bên phía Bình Thạnh. Do vậy, tôi cũng đậu ghe phía Bình Thạnh. Ngày cũng như đêm, hễ nghe ‘tùm’ là lao ghe máy ra, vớt người ngay. Mỗi năm vớt được bao nhiêu người? Không chừng! Năm ít thì vài người, năm nhiều gần cả chục. Người tự tử rất ghét bị can thiệp nên thường chọn đêm, nhất là đêm mưa gió, không trăng sao, để mò ra cầu. Biết vậy, nên càng đêm, càng mưa to, vợ chồng tôi càng giỏng tai, tỉnh ngủ.Ai phân công bác trực cầu cứu người? Làm gì có ai! Thấy sờ sờ trước mắt, không cứu không chịu được, thì cứu thôi. Tính từ lần đầu, mười mấy tuổi, thấy chiếc ghe chở mía bị đụng chìm trên sông Sài Gòn, bơi ra cứu được hai vợ chồng, hai đứa con, tới nay năm mươi mấy tuổi, tính tôi vẫn cứ vậy, thấy khổ, thấy chết là cứu tới cùng. Nhưng nói thật, cứu lên gặp đàn ông bảnh bao, quần áo sang trọng, thế nào tôi cũng tát cho một cái vào mặt khi tỉnh rồi mới khuyên gì thì khuyên. Khuyên thế nào? Mình ít học, nghĩ sâu xa gì đâu. Thấy con kiến đang bò ở mép ghe, chỉ luôn vào con kiến bảo, nó bé mọn thế, còn muốn sống. Anh thế kia mà đòi chết, chẳng hèn hơn nó sao! Có lẽ cách khuyên của tôi cộng với những trải nghiệm khủng khiếp khi lâm tử cũng phần nào có tác dụng nên chưa thấy người nào đã ‘bị’ tôi vớt lên, lại cố nhảy xuống thăm Hà Bá lần nữa. Người nước ngoài à, không có. Việt kiều cũng không. Chỉ người trong nước, đủ giọng, đủ quê khác nhau. Thế bác có sổ ghi chép không? Làm gì phải sổ chứ (các báo trong nước "đổ hô" là ông Chúc có lập sổ). Cứu người là chuyện để quên đi chứ đâu phải để nhớ mà cần sổ sách. Mà giả có muốn hỏi tên tuổi, nhà cửa để ghi sổ cũng khó vì thường khi được vớt lên người nào không mê man thì cũng sợ lạc thần mất vía. Hầu hết không mang giấy tờ tùy thân. Có hỏi, họ cũng giấu tung tích. Mình hiểu họ ngại phiền phức nên họ nói đến đâu nghe đến đấy, không nói thì thôi, cũng ít hỏi cặn kẽ.Đàn ông và đàn bà, già và trẻ, độc thân và có gia đình… ai tự tử nhiều hơn ai? Câu hỏi mang tính định lượng, định tính của dân điều tra xã hội học, quả có làm khó ông Chúc ít nhiều. Ông nghĩ một chút rồi thực thà bảo nhiều quá không nhớ hết. Đại khái đàn ông hay chết vì thua cá độ bóng đá, làm ăn thất bát, nợ không trả nổi. Đàn bà thì buồn gia đình, giận chồng con. Mấy cô gái trẻ, trạc đám con ông, là vừa đáng thương, vừa đáng giận nhất vì nông cạn, cả tin, dễ tự ái – thi rớt, bố mẹ quất mấy roi, tự tử! Bị Sở Khanh lừa, có chửa rồi bỏ rơi, tự tử! Cũng có đứa ở nhờ họ hàng để đi làm. Mất việc "bà ngoại bảo không đem tiền về, thì đừng ăn nữa". Thế là tủi, khóc chán rồi mò ra cầu Bình Lợi.Làm phúc có được gì không? Cũng có! Có người cám ơn, người nhận làm bố nuôi, người sau đó trở lại thăm, cho quà. Nhưng cũng không ít người mắng mỏ vì phá hỏng "kế hoạch" của họ. Họ ăn vạ, bắt đền kiểu "tôi đã không còn nhà để về. Ông cứu tôi sống, thì ông phải nuôi tôi". Rồi bác có nuôi không? Nuôi chứ! Vợ con bác để yên cho nuôi à? Ông Chúc gãi đầu cười "không, cũng cằn nhằn nhiều! Lắm lúc còn bảo ghê". Sao lại ghê? Thì thỉnh thoảng, gặp xác chết trôi thối hoắc, trương phềnh, tôi cũng vớt lên, lo giúp tống táng.Kín đáo nhìn quanh chiếc ghe khá sạch sẽ ngăn nắp của vợ chồng ông Chúc, kẻ viết bài không hình dung nổi khoảng rộng chỉ bằng chiếc chiếu kia lại đảm nhiệm cùng lúc chức năng của phòng cấp cứu, phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ… Biết ý, ông Chúc tháo từng mảnh sạp, để lộ khoang thuyền bên dưới với bếp dầu, nồi xoong, chén bát, hũ gạo lỉnh kỉnh. Chỉ cuộn dây thừng để đầu thuyền, ông giới thiệu luôn "nó là cái để cứu người đấy". Cứu thế nào? Thì buộc một đầu vào mình, một đầu vào thuyền. Khi nhảy xuống vớt người xong lại phăng theo dây, bơi về. Không có dây mà lặn đại xuống, gặp người to khoẻ, họ dẫy dụa, vùng vẫy ghê lắm. Mắc vào họ như mắc vòi bạch tuộc, gỡ chưa xong thì hết hơi, chết luôn dưới nước."Giả dụ tôi đang đứng trên cầu Bình Lợi, cạnh tôi cũng đứng vài người. Làm sao bác phân biệt ai đứng chơi, ai chán sống sắp tùm". Nghe kẻ viết bài hỏi cắc cớ, không chút ngắc ngứ, ông Chúc đáp ngay "nó là cái nhẽ thế này chị ạ, đã sắp chết, không ai vội vàng. Họ đứng lâu lắm, toàn cắm đầu nhìn xuống nước. Sau đó là chắp tay vái tứ phương". Vái à? Thật đấy, trước lúc "cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh" có lẽ họ biết họ có lỗi, nên phải vái tạ lỗi. Tôi ngồi dưới ghe trông lên, đến đoạn họ trèo lan can cầu, thì giựt máy đuôi tôm, lao ra, kịp vớ lấy mái tóc lòa xòa trong nước, kéo lên ngay. Cũng có khi cái máy dở chứng, giật một phát, không nổ, hai phát không nổ, thì buộc dây vào mình, cứ thế nhảy xuống, bơi ra. Thường là cứu kịp. Nhưng cũng có khi không. Nhìn trong nước, mới thấy họ đảo lia lịa, chân tay khua loạn xạ nhưng thoắt cái đã mất hút. Những trường hợp đó, tôi ‘hò’ người trên bờ nhảy xuống phụ rà soát kỹ lòng sông, dài lên tận cầu Bình Triệu. Không thấy, trở về thuyền, suốt đêm tôi không tài nào chợp mắt được, bứt rứt như phạm phải tội trọng. Bác theo đạo sao? Vâng! Ông Chúc gạt tấm vải che, để lộ khung ảnh Chúa Cứu Thế. Tên thánh của Bác là Phê rô chị ạ.Cầu Bình Lợi nối từ Q.Bình Thạnh sang Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã bắt đầu được thi công vào đầu năm 2008. Cầu dài 975m, có 8 làn xe, với kiến trúc cầu vòm tạo cảnh quan đẹp trên sông Sài Gòn. Đoạn Quản lý đường sông số 10 (Cục Đường sông VN) thông báo giao thông thủy qua khu vực công trường bị hạn chế để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian thi công.
Ước mơ
Nhìn lên bờ sông, nơi có chiếc cầu chắp nối bằng vô số mảnh ván đầu thừa đuôi thẹo, đong đưa theo từng bước chân người di chuyển, kẻ viết bài băn khoăn "để thế này không được, bác có tuổi rồi, đi đứng khó khăn, chưa kể những khi cứu người đêm hôm mưa gió gấp gáp mà cầu yếu quá, phải sửa đi, kẻo nguy hiểm". Biết vậy, nhưng chưa có điều kiện chị ạ! Nói giả dụ nếu trời cho trúng số thì bác có chịu sửa ghe sửa cầu tử tế hơn không? Ông Chúc cười "sống già từng này tuổi, thấy nhiều thứ phù phiếm, bọt bèo lắm rồi. Chả dám mong trúng số, chỉ mong Chúa cho sức khoẻ, để tiếp tục cứu người. Ông Hà Bá, ông ấy bắt người, mình lại cứu người, trêu cho ông ấy giận chơi…"Dù chính quyền nơi cư trú không hỗ trợ, khen thưởng (ngay việc dựng cái chòi sát bờ sông để làm nơi trú nắng, sơ cứu người bị nạn, dù ông Chúc đã xin, phường 13 cũng không cho) nhưng tiếng lành cứ liên tục đồn xa, thu hút không ít phóng viên báo đài tới chụp ảnh, viết bài. Tính từ năm 2006 tới nay, ông Chúc đã xuất hiện trên báo viết, báo điện tử, đài truyền hình HTV9 nhiều lần (lần gần nhất cách nay hai tuần). Trở thành người "vua biết mặt, chúa biết tên" cũng hơi phiền vì gần như không còn thì giờ riêng tư, đi đâu, làm gì cũng có người chỉ trỏ, nhưng mà vui chị ạ. Vợ con tôi, nghe khách gọi chồng mình, bố mình là hiệp sĩ, anh hùng, "ngư phủ đại hiệp" gì gì ấy, cứ bưng miệng cười. Mà cả tôi, tôi cũng buồn cười. Chị tính, mình hèn mọn thất học, không làm được chuyện to tát, chỉ lâu lâu nhảy xuống vớt người, đáng gì mà khen. Ai ở vào cảnh tôi, lại chẳng làm thế.Chia tay ông Chúc, chia tay người anh em Kitô giáo có nụ cười hiền lành, tâm hồn ngay thật, khiêm tốn, chia tay cây cầu và giòng sông ly biệt, trở về, mang theo hình ảnh "Chồng chài vợ lưới con câu. Sông Ngô bể Sở biết đâu bến bờ. Khi nên tay kiếm tay cờ. Không nên ta cũng chẳng nhờ một ai", kẻ viết bài bỗng cảm nhận nhiều hơn, rõ hơn về vẻ đẹp của người đời, cuộc đời – một vẻ đẹp không cần tìm đâu xa.
(Nguyễn Thị Lan Anh Việt Tribune 27/03/2009)

Tài nguyên Môi trường Nước Lưu vực sông Đồng Nai

I. GIỚI THIỆU

Lưu vực sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn của Việt Nam và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sông Đồng Nai bắt nguồn từ Cao nguyên Liăng Biăng (Lâm Đồng) chảy qua vùng núi cao nguyên đến hồ Trị An (nơi đây đã khai thác sử dụng công trình thuỷ điện Trị An), sau đó chảy ngang qua thành phố Biên Hoà, về thành phố Hồ Chí Minh, đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ và hợp lưu với sông Sài Gòn. Tổng diện tích lưu vực tính đến cửa sông vào khoảng 38.600km2, tổng chiều dài khoảng 437km với độ dốc trung bình của dòng sông là 0,42%. Sông Đồng Nai có các nhánh sông chính là sông La Ngà và sông Bé.

Lưu vực sông Đồng Nai nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của Việt Nam ở vùng Đông Nam của nước ta, bao gồm các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và một phần các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Biên Hòa (bao gồm toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và một số tỉnh lân cận). Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế trong khu vực, các hoạt động khai thác các dòng sông cho mục đích kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng làm cho chất lượng nước sông cũng như đa dạng sinh học trong lưu vực ngày càng suy giảm.

Trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này đang và sẽ nảy sinh hàng loạt các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước của hai con sông chính và quan trọng là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Các khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp tập trung được hình thành và phát triển mạnh mẽ dọc theo 2 con sông này từ thượng nguồn (Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh) đến trung lưu (Đồng Nai, Bình Dương) và hạ lưu (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã, đang và sẽ là nguồn gây ô nhiễm nước cho 2 con sông này. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu để sớm quản lý và giám sát các hoạt động dân sinh và sản xuất công nghiệp dọc theo lưu vực 2 con sông này thì trong tương lai không xa, nguồn nước của 2 con sông này sẽ bị ô nhiễm nặng với nhiều loại chất độc hại khác nhau, không thể sử dụng được (hoặc nếu sử dụng được phải tốn một khoản chi phí rất lớn cho việc xử lý nước), đe dọa sự sống của hơn 10 triệu dân trên lưu vực này khi không còn có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt.

Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nước do các hoạt động dân sinh và công nghiệp, các hoạt động khai thác cát dưới lòng sông, giao thông vận tải thuỷ và các hoạt động khác như nông nghiệp, ngư nghiệp... cũng góp phần không nhỏ vào việc ô nhiễm nguồn nước 2 con sông này với nhiều lại chất thải hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, thuốc trừ sâu... rất nguy hại đối với sức khoẻ con người khi sử dụng nước để ăn uống, sinh hoạt.

Do 2 con sông này chảy qua nhiều tỉnh khác nhau, cho nên đến nay vẫn chưa thống nhất được mục đích sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Trong nhiều trường hợp, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này làm ảnh hưởng đến môi trường (cả không khí lẫn nguồn nước) trong phạm vi của tỉnh kia. Đặc biệt các tỉnh đầu nguồn như Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An nếu gây ô nhiễm thì khu vực hạ lưu như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, kể cả Đồng Nai phải gánh chịu hậu quả.

Nhằm mục đích sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này, cần phải có một tổ chức phối hợp hành động thống nhất trong cả lưu vực. Tổ chức này có nhiệm vụ phối hợp các hành động giữa các tỉnh trong lưu vực, phối hợp nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương và các ban ngành như công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, quy hoạch... đầu tư xây dựng những quy trình, quy định, tiêu chuẩn nhằm kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có khả năng gây ô nhiễm cho 2 con sông này. Tổ chức này hoạt động có hiệu quả là một giải pháp cấp bách quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho sự phát triển bền vững của khu vực.

II. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CƠ BẢN TRONG VIỆC QUẢN LÝ THỐNG NHẤT VÀ TỔNG HỢP MÔI TRƯỜNG NƯỚC LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI

III. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ MÂU THUẪN TRONG QUẢN LÝ THỐNG NHẤT TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG NƯỚC LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI

1. Quản lý thống nhất tài nguyên môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai là một công việc đầy khó khăn, phức tạp vì:

* Tính chất đa ngành, đa lĩnh vực (nông nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ điện, lâm nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái đầu nguồn và vùng cửa sông...);

* Tính thiếu nhất quán về mặt quản lý nhà nước giữa các địa phương trong cùng một lưu vực đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các quy định về mặt quản lý, bảo vệ môi trường nước (đầu nguồn không quản lý tốt thì cuối nguồn sẽ gánh chịu tất cả...);

* Tính chất đa tác động đối với môi trường nước (dòng nguồn thượng lưu, các hồ chứa, thuỷ triều, khí hậu, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực);

* Tính chất đa phương diện của việc khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nước (hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng trên cùng một địa phương, lợi ích hộ gia đình...).

2. Quản lý thống nhất tài nguyên môi trường nước của một lưu vực sông đòi hỏi phải có những tính toán, cân nhắc và so sánh có cơ sở khoa học và thực tiễn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường đối với tất cả các giải pháp được đưa ra.

3. Quản lý thống nhất tài nguyên môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai đòi hỏi phải xem xét cả trên bình diện vĩ mô (biến đổi khí hậu toàn cầu, gia tăng mực nước biển, khai thác tài nguyên nước vùng thượng lưu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia...) lẫn vi mô (cân bằng nước, thấm, hồi quy...);

4. Quản lý thống nhất tài nguyên môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai đòi hỏi phải tiến hành cả về phương diện không gian (thượng nguồn, trung lưu và hạ lưu, giữa vùng ngọt và vùng mặn) và thời gian (mùa khô, mùa mưa, năm, nhiều năm...), theo hiện trạng, tương lai gần và tương lai xa với việc xem xét các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên toàn lưu vực.

IV. QUẢN LÝ THỐNG NHẤT VÀ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA MỘT LƯU VỰC SÔNG


Quản lý thống nhất và tổng hợp tài nguyên nước của một lưu vực sông (QLTTN) là cách tiếp cận mới đã được phát triển hầu khắp trên thế giới để giúp giải quyết các vấn đề lớn về tài nguyên nước đang gặp phải tại các nước phát triển và đang phát triển, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. ở mỗi quốc gia, cách tiếp cận này có thể được hiểu theo những cách khác nhau, tuy nhiên vẫn có một số "tiêu chuẩn" cần thiết để cho công tác quản lý tài nguyên nước tổng hợp đạt được kết quả mong muốn. Sau đây là một số tiêu chuẩn cơ bản:

* Thống nhất và tổng hợp theo ngành và tiểu ngành.

Có lẽ đây là tiêu chuẩn phổ biến nhất gắn liền với QLTTN. Quản lý thống nhất và tổng hợp theo ngành và tiểu ngành nhằm vào công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên nước có tính đến sự cạnh tranh và mâu thuẫn trong việc sử dụng nước của các ngành thuỷ nông, thuỷ điện, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, giao thông vận tải thuỷ... Quy hoạch thống nhất và tổng hợp theo tiêu chuẩn này sẽ dẫn đến việc xây dựng các hồ chứa đa mục tiêu, vấn đề phân phối nước, hệ thống cấp giấy phép và sử dụng sông cho các hoạt động giao thông vận tải thuỷ và cho các mục đích sử dụng nước khác.

* Thống nhất và tổng hợp về môi trường, kinh tế và xã hội

Có nghĩa là các quyết định đưa ra không chỉ dựa trên các yếu tố về mặt tài chính, chi phí và lợi ích của công tác quản lý nguồn nước, mà cần phải tính đến cả chi phí và lợi ích về mặt môi trường và xã hội. ở hầu hết các quốc gia, tiêu chuẩn này đã được lồng ghép vào trong các văn bản pháp quy về môi trường, đặc biệt là các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường và kinh tế - xã hội đối với các dự án mới, và đối với những thay đổi lớn liên quan đến chế độ quản lý nguồn nước hiện hành.

* Thống nhất và tổng hợp về mặt hành chính

Tiêu chuẩn này liên quan đến sự điều phối các nhiệm vụ và hoạt động quản lý nguồn nước ở tất cả các cấp chính quyền, bao gồm từ cấp quốc gia, tỉnh/thành phố đến chính quyền hoặc cộng đồng địa phương giữa các cấp với nhau. Yếu tố thống nhất và tổng hợp này trong quản lý tài nguyên nước của Việt Nam nói chung và lưu vực sông Đồng Nai nói riêng thường bị xem nhẹ, vì vậy thiếu đi tính tổng hợp về mặt hành chính và do đó dẫn tới việc quản lý tài nguyên nước nói riêng và tài nguyên thiên nhiên nói chung không đạt hiệu quả cao.

* Thống nhất và tổng hợp về mặt địa lý

Tiêu chuẩn này ám chỉ việc sử dụng các ranh giới thuỷ văn (lưu vực sông) mà không phải là ranh giới hành chính như là các đơn vị cơ bản của tổ chức quản lý nguồn nước. Yếu tố địa lý cũng có nghĩa là xem xét bản thân các lưu vực, các tác động qua lại giữa việc sử dụng đất và nước trong các lưu vực sông, suối, hồ khi ra các quyết định về phát triển và quản lý các tài nguyên thiên nhiên.

* Thống nhất và tổng hợp về mặt tài trợ

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, yếu tố tổng hợp về mặt tài trợ, tức là sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều cơ quan tài trợ trong việc phát triển và thực hiện các dự án. Đối với các hình thức viện trợ khác, nếu tài nguyên nước được quản lý một cách có hiệu quả và hiệu quả cao trong đầu tư với nguồn ngân sách hạn hẹp cũng đòi hỏi phải có được sự phối hợp tốt.

V. NHỮNG CÁCH TIẾP CẬN ƯU TIÊN CHO QUẢN LÝ THỐNG NHẤT VÀ TỔNG HỢP NGUỒN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG ĐỒNG NAI

Quản lý thống nhất và tổng hợp nguồn nước của một lưu vực sông và vấn đề còn rất mới mẻ đối với Việt Nam, còn rất hạn chế về mặt nhận thức và tất yếu sẽ gặp không ít lúng túng trong triển khai. Thuận lợi cơ bản của chúng ta hiện nay là Luật Tài nguyên nước đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn cho việc triển khai các hoạt quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn chưa có các văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật, đặc biệt là các các hướng dẫn về quản lý thống nhất và tổng hợp tài nguyên nước cho một lưu vực sông lớn. Trong bối cảnh chung đó, chúng ta có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước và các tổ chức quốc tế về những vấn đề liên quan và cố gắng vận dụng các kinh nghiệm đó vào trong hoàn cảnh thực tế của lưu vực sông Đồng Nai một cách linh hoạt và phù hợp nhất có thể. Theo quan điểm của chúng tôi, những cách tiếp cận ưu tiên trong quản lý thống nhất và tổng hợp nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

1. Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc đề xuất các tiêu chí, khung thể chế và chính sách quản lý thống nhất và tổng hợp nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai;

2. Xúc tiến thành lập một Tổ chức lưu vực sông để quản lý thống nhất và tổng hợp tài nguyên môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng có hiệu quả. Tổ chức lưu vực sông Đồng Nai phải được tổ chức sao cho phù hợp với Luật Tài nguyên nước của Việt Nam và được tất cả các thành phần hưởng lợi trong lưu vực sông chấp nhận, có các chức năng và nhiệm vụ cơ bản như sau:

- Xây dựng các chiến lược, chính sách, quy định ngắn hạn và dài hạn để quản lý thống nhất tài nguyên với trường nước lưu vực sông Đồng Nai trình Chính phủ, các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh/thành phố trong lưu vực xem xét ban hành;

- Xây dựng các chương trình, đề tài điều tra nghiên cứu khoa học về bảo vệ nguồn nước và các vấn đề môi trường liên quan: Sử dụng hợp lý tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai, phát triển bền vững khu vực, bảo vệ vùng sinh thái đầu nguồn và hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng cửa sông và ven biển;

- Soạn thảo quy hoạch tổng thể về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai trình lên Chính Phủ, các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh/thành phố trong lưu vực xem xét phê duyệt;

- Xác định việc phân phối tài nguyên nước giữa các ngành khác nhau trên cùng một lưu vực cũng như xác định thứ tự ưu tiên sử dụng nước trong những thời điểm nguy cấp, điều phối việc thực hiện các dự án dẫn chuyển nước giữa các địa phương trong lưu vực;

- Thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai để cập nhật thường xuyên và có hệ thống diễn biến chất lượng môi trường nước, kịp thời phát hiện các chiều hướng diễn biến xấu, xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời;

- Xây dựng và tiếp nhận các dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai.


3. Quản lý thống nhất và tổng hợp tài nguyên môi trường nước trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai sẽ không thể thực hiện được hoặc thực hiện kém hiệu quả nếu không có các cơ sở dữ liệu tốt. Chính vì vậy cần phải thiết lập và xây dựng một "Hệ thống thông tin lưu vực sông Đồng Nai", hệ thống này có thể sử dụng công nghệ Internet để tạo điều kiện tiếp cận các thông tin về quản lý tài nguyên môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai. Thư mục này được thiết lập như một trang thông tin trên mạng Internet bao gồm hệ thống thông tin về các dữ liệu nào hiện có và có thể truy cập nó ở đâu, còn bản thân nó không chứa đựng các số liệu.

4. Xây dựng một "Bộ hồ sơ lưu vực sông Đồng Nai" chứa đựng đầy đủ các thông tin và cơ sở dữ liệu liên quan đến hiện trạng tài nguyên môi trường nước và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực có liên quan đến việc khai thác sử dụng nước và gây tác động hoặc tiềm ẩn tác động đến chất lượng môi trường nước của lưu vực. Bộ hồ sơ này sẽ là một công cụ giúp ích cho việc quy hoạch phát triển hoặc điều chỉnh các quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với các mục tiêu bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là công cụ để xây dựng chiến lược khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài ra, bộ hồ sơ này cũng có thể là tài liệu tham khảo có giá trị và là công cụ cho các mục đích của những dự án khác.

GS. LÂM MINH TRIẾT & KS. NGUYỄN THANH HÙNG(Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. HCM)

Môi trường ngành Xây dựng: Ô nhiễm công nghiệp
Để sản xuất ra một tấn xi măng, một nhà máy phải thải ra khoảng 1/10 giá trị đó là khí, bụi và các chất độc hại. Vì thế các TP công nghiệp thông thường là những TP ô nhiễm cao nhất”. Đó là ví von của GS Trần Mạnh Trí, một chuyên gia về môi trường, khi nói về độ tàn phá của ô nhiễm công nghiệp
70% bụi dưới 10 mm là sản phẩm... công nghiệp
Khẳng định của GS Trần Mạnh Trí được sự xác nhận của rất nhiều hộ dân sống xung quanh các KCN tại TPHCM. Bà Nguyễn Thị Hòe, đường Tây Thạnh (KCN Tân Bình-TPHCM), cho biết: “Các cây hoa kiểng đều bị héo vàng, chết dần hoặc lá quắt queo lại”. Ban đầu bà Hòe nghĩ rằng do chăm sóc không đúng cách, nhưng sau đó bà mới biết do tại khu vực xung quanh KCN có quá nhiều chất độc hại.
Một khảo sát của Quân đoàn 4 đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực lân cận Quân đoàn 4 như KCN Sóng Thần 1, KCN Bình Chiểu, KCN Sóng Thần 2, KCN Đồng An, KCN Bình Đường, KCN Việt Hương, KCN Tân Đông Hiệp A (Bình Dương), KCN Tân Bình (TPHCM)... cho thấy mức độ ô nhiễm ở khu vực này cao hơn rất nhiều lần so với những khu vực cách xa KCN. Nồng độ bụi có kích thước nhỏ dưới 10 mm ở các KCN này chiếm tỉ lệ khoảng 70%; trong khi đó ở những giao lộ, bụi kích thước nhỏ thấp hơn rất nhiều lần. Chưa hết, hàm lượng các loại khí như NO2, CO, SO2... và ô nhiễm tiếng ồn đều gia tăng theo từng năm. Không chỉ là con số, nhiều hoạt động của dân cư trong khu vực đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm từ các KCN xả ra như thiếu nguồn nước, hứng chịu mùi hôi, hóa chất, mắc bệnh về hô hấp. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, ô nhiễm công nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất so với các loại ô nhiễm khác. Và các loại bụi kích thước nhỏ, hầu hết đều là... sản phẩm công nghiệp.
Lan rất xa
TS Vũ Văn Tiễu, nguyên giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, cho biết tác hại của ô nhiễm công nghiệp không chỉ dừng ở khu vực xung quanh. “Ở các KCN có sản xuất vật liệu, đất có khả năng bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen; nước có khả năng bị ngấm hóa chất hoặc những nguồn thải nguy hại; không khí bị nhuốm bởi các loại khí độc như CO, SO2, benzen... và xả ra hàng loạt khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên”. Nhưng, điều mà TS Tiễu lo hơn là ô nhiễm công nghiệp có khả năng lan rất xa: “Sản xuất công nghiệp ở tận châu Âu mà còn tác động mạnh mẽ đến chúng ta nên thật khó để chắc chắn ở xa KCN sẽ được an toàn”.
Không chỉ lan xa, ô nhiễm công nghiệp còn gây ra hàng loạt bệnh tật. Theo thống kê của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, hiện có khoảng 25 bệnh tật được cho là có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm công nghiệp như: nhiễm độc benzen, nhiễm độc nicotin, viêm da, viêm gan do virus, bệnh rung chuyển tần số cao, bệnh điếc nghề nghiệp, nhiễm độc các-bon...
Bỏ ngỏ vấn đề kiểm soát
Mặc dầu ô nhiễm công nghiệp gây nhiều tác hại nghiêm trọng nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được chú trọng. TPHCM có 15 KCN, KCX nhưng có đến 8 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đặt vấn đề bao giờ các KCN có hệ thống xử lý khí thải, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng lắc đầu: “Chưa thể làm được”. Lý do được xác nhận là chưa đủ trang thiết bị, con người và tiền bạc để kiểm soát. Như vậy, từng ngày người dân và môi trường vẫn phải hít thở với hàng tấn khí thải, chất thải, cam chịu sống chung với... ô nhiễm.

Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Tranh vẽ Tần Thuỷ Hoàng đế.
Tần Thuỷ Hoàng, vị vua đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, được an táng tại phía Bắc núi Lệ, huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây. Trải qua cuộc bể dâu kéo dài hơn 2,000 năm, hiện sắc thái ban đầu của lăng mộ này không còn nữa. Ngày nay người ta chỉ thấy lăng mộ là ngọn đồi khổng lồ.Theo ghi chép của sử sách, mộ Tần Thuỷ Hoàng cao khoảng 115m, chu vi hơn 2,076m. Do thời gian, mưa gió và sự đào bới của con người trong suốt 2,000 năm qua nên nó đã nhỏ đi rất nhiều. Hiện nay lăng mộ chỉ còn cao hơn 70m, chu vi khoảng 1,400m. Một phần của bộ sưu tập tượng đất sét nung trong mộ
Trên thực tế, bố cục của lăng Tần Thuỷ Hoàng là sự mô phỏng lại đô thành Hàm Dương. Qua điều tra và khai quật trong mấy chục năm qua, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện rất nhiều di tích kiến trúc và vật cổ quý hiếm. Ngoài ngôi mộ khổng lồ trên mặt đất, cùng cụm kiến trúc bề thế sang trọng và nhiều hầm mộ tuỳ táng, còn có một cung điện dưới lòng đất. Hầm mộ xây dựng dựa theo địa hình, địa lý núi đồi, có sông ngòi và hồ nước. Người ta còn cho thêm thuỷ ngân để dòng sông chảy xiết hơn. Trong hầm mộ có chứa các loại vũ khí, cung tên bắn tự động, để đề phòng những kẻ trộm đào mộ.Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa khai quật hầm mộ lăng Tần Thuỷ Hoàng, nên người ta không thể nhìn thấy những kiến trúc và cổ vật quý ở trong đó. Cách đây vài năm, các nhà khoa học đã thăm dò lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng bằng những phương pháp khoa học hiện đại, cho thấy, trong hầm mộ xuất hiện những phản ứng khác thường đối với thuỷ ngân. Điều này có nghĩa là trong hầm mộ có hàm lượng thuỷ ngân cao hơn nhiều hơn với khu vực xung quanh mộ. Qua đó có thể thấy những ghi chép về lăng Tần Thuỷ Hoàng của Tư mã Thiên không phải là chuyện cười. Đối với lăng Tần Thuỷ Hoàng, một vương quốc khổng lồ dưới lòng đất thì hiển nhiên phải có một lực lượng canh giữ, vậy đội ngũ Ngự Lâm quân ở đâu? Binh mã rỗng tức là Ngự Lâm quân của Tần Thuỷ Hoàng. Hầm mộ binh mã rỗng cách lăng Tần Thuỷ Hoàng khoảng 1,500m về phía Đông.Cho đến nay, Trung Quốc đã phát hiện 4 hầm mộ binh mã rỗng, trong đó có 1 hầm chưa xây dựng xong, vì vậy ở đây không có tượng lính và tượng ngựa tuỳ táng. Trong 3 hầm mộ binh mã rỗng, hầm số 1 có quy mô lớn nhất, chạy từ Đông sang Tây, dài 210m, rộng khoảng 60m, tổng diện tích khoảng 13,000m2…Trong 3 hầm mộ binh mã rỗng còn lại, hầm số 1 là hầm của Hữu quân, thiết lập một thế trận hùng mạnh với bộ binh là chính. Hầm mộ số 2 là hầm mộ của Tả quân với thế trận rất quy mô, gồm có chiến xa, kỵ binh và bộ binh. Hầm mộ chưa xây dựng xong là hầm mộ dành cho Trung quân theo dự định…Binh mã rỗng không những có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn có thể giúp nhân loại giải đáp nhiều thắc mắc của các nhà nghệ thuật đương đại về vấn đề chiến tranh thời cổ đại ở Trung Quốc. Hầm mộ binh mã rỗng thời Tần Thuỷ Hoàng rất quy mô, tổng cộng có 20,780m², hiện nay ngành chức năng Trung Quốc chỉ mới khai quật được một phần.Về cách xếp các tượng lính và tượng ngựa đã khai quật cho thấy, cả 3 mộ cổ đã chôn hơn 130 chiến xa, 500 ngựa gồm kéo xe, 116 chiếc yên ngựa kỵ binh và bộ binh. Những tượng lính và tượng ngựa đứng oai nghiêm xếp hàng rất trật tự là hình ảnh thu nhỏ, nói lên tiềm lực quân đội hùng hậu của đời Trần. Những tượng lính và tượng ngựa trông rất giống người thật và ngựa thật. Các tượng lính đều cao trên 1.8m. Kết quả khai quật cho thấy chủ yếu tượng được đúc kết hợp giữa mô hình thật với phương pháp nặn tượng. Người ta lấy đất sét ở địa phương làm nguyên liệu nặn tượng. Trước hết làm phần đầu, phần thân và chân tay, bên trong tượng đúc rỗng, sau đó lắp ghép từng bộ phận lại với nhau, đợi đến sắp khô mới bắt đầu chạm khắc các chi tiết như tai, mũi, mắt, miệng, tóc, trang phục…
Chua the khai qua t lang mo vua Ta n Năm 1976, người ta phát hiện 8000 bức tượng lính canh gác mộ
Sau khi tượng hoàn thành, phải đợi tượng khô hoàn toàn mới cho vào lò nung. Công nghệ làm tượng ngựa cũng tương tự. Chính vì các tượng lính và tượng ngựa được làm từng cái một cho nên mỗi tượng có nét khác nhau trông rất độc đáo. Đặc biệt là nét mặt rất phong phú và sinh động.Việc khai quật binh mã rỗng vào năm 1974 một lần nữa đánh thức nền văn minh thời cổ Trung Quốc, mở ra cánh cửa để người đương đại tìm hiểu kho tàng lịch sử bị vùi trong thời gian, mở ra kỹ thuật nặn tượng một cách quy mô trong nghệ thuật chạm khắc và nặn tượng của Trung Quốc. Sự ra đời của binh mã rỗng không phải là ngẫu nhiên mà là có cơ sở văn hóa truyền thống, được hình thành trong hàng ngàn năm.
Thien ha de nhat co do
Màu sắc nguyên bản khuôn mặt chiến binh thời Tần lúc vừa khai quật
Thien ha de nhat co do
Những pho tượng, binh khí bị hư hỏng trong quá trình khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Đặc điểm lăng mộ
Phat hien can phong bi mat trong lang mo Tan Thuy Hoang Bên trên mộ bao bọc bởi một lớp đất nổi cao 76m, từ Nam đến Bắc dài 350m, từ Tây sang Đông rộng 354m. Trên mặt đất chung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2km² có cửa. Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở... Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật, dài 460m từ Nam sang Bắc rộng 392m, từ Tây sang Đông bốn phía có tường bao bọc. Tường bao cao 27m, dày 4m, bốn phía đều có cửa. Tổng diện tích địa cung là 18 vạn km².
Từ trên xuống dưới có ba tầng: trên cùng là ngoại cung, tiếp theo là nội cung và sau cùng là tẩm cung. Diện tích tẩm cung khoảng 2 vạn m². Trong tẩm cung phát hiện nồng độ thuỷ ngân cao hơn mức bình thường 280 lần. Ngoài địa cung, gần khu vực có lớp đất bao bọc bên trên phát hiện thấy 300 đường hầm bồi táng (chôn kèm theo xác) với trên 5 vạn cổ vật quan trọng. Bộ sử ký của sử gia thời Tây Hán - Tư Mã Thiên - thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng như sau:"Khi Tần Thuỷ Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thuỷ ngân làm một trăm con sông, Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, dự tính thế nào để cháy lâu không tắt."Sau khi chôn cất xong có người nói: "Những người thợ làm máy và cất giấu đều biết chỗ cất giấu, thế nào họ cũng tiết lộ việc lớn". Cho nên sau khi cất giấu xong, Tần Nhị Thế (con trai Tần Thuỷ Hoàng) sai đóng đường hầm đi đến huyệt và cửa ngoài hầm. Những người thợ và người cất giấu không làm sao thoát ra được. Rồi sai người trồng cây, trồng cỏ lên trên nguỵ trang thành cái núi.Công việc khai quậtNăm 1974, một phần hầm mộ được khai quật. Đầu tiên là đường hầm Binh mã dũng số 1. Các nhà khảo cổ ước lượng có đến 8000 tượng đất sét gồm có quan văn, quan võ, binh lính và ngựa. Năm 1994 tiếp tục khai quật đường hầm số 2. Đây được coi là "tinh hoa trong tinh hoa" của Binh mã dũng, chứa đựng trận thế kỵ binh và các cung thủ với các tư thế bắn, tạo hình phong phú, tính nghệ thuật cao.Tuy nhiên việc khai quật lăng mộ gặp rất nhiều khó khăn: vượt qua lớp thuỷ ngân bao bọc (nồng độ cực kỳ lớn), phải di chuyển một khối lượng đất khổng lồ, mực nước ngầm dưới lòng đất khá cao. Quan trọng nhất là việc bảo quản các văn vật được đào lên.Các tượng binh mã khi vừa đào lên thì có màu sắc riêng biệt, sau thời gian đều bị phai nhạt hết. Vì vậy bảo quản bằng phương pháp "đông khô" để tránh nứt, vỡ, phai màu. Hiện vật đào lên được đưa ngay vào hầm lạnh -40°C để tạo lớp băng mỏng bao bọc, sau đó giữ lâu dài trong kho chứa. Trước khi khai quật không quên dựng một nhà bảo quản khổng lồ bao toàn khu lăng mộ. Vì vậy muốn khai quật toàn bộ khu lăng mộ thì phải tốn hàng trăm triệu đô la. Cuộc khai quật thường làm trong nhiều năm. Những hiện vật khám phá được là những tài liệu quý về lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Hầm mộ binh mã rỗng.
Hé lộ bí ẩn đền Pantheon
Sau gần 2,000 năm, các nhà khoa học đang tìm ra lời giải cho cấu trúc kỳ lạ của ngôi đền La Mã cổ đại, Pantheon.Một cuộc tranh luận đang diễn ra rằng, liệu nó có phải là một chiếc đồng hồ mặt trời hay không? Nếu câu trả lời là đúng thì với kích thước cao 43 m, dài 84 m, và rộng 58 m, Pantheon sẽ là chiếc đồng hồ mặt trời lớn nhất hành tinh.Ngôi đền đồ sộ ở thủ đô Roma được hoàn thành vào năm 128 sau Công nguyên là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thời cổ đại. Nó bao gồm một phòng hình trụ được chụp một trần nhà hình vòm bên trên. Trên trần có một lỗ hổng ở chính giữa để ánh sáng mặt trời chiếu qua. Mặt tiền của Pantheon cũng giống như các ngôi đền Hy Lạp, có 8 cột trụ bằng đá hoa cương xám, sau đó là 3 hàng cột trụ đá hoa cương hồng chia tiền sảnh làm ba phần.Khi đến thăm ngôi đền, Robert Hannah thuộc ĐH Otago, Dunelin, New Zealand đã nhận ra rằng Pantheon không đơn giản chỉ là một ngôi đền.Trong hai ngày xuân phân và thu phân, vào tháng 3 và tháng 9, ánh sáng mặt trời chiếu qua lỗ hổng sẽ đến đúng chỗ nối giữa tường và mái vòm ở cửa lớn phía bắc của ngôi đền.Một căn phòng phía trên cửa ra vào cho phép một phần nhỏ ảnh sáng chiếu xuống sân trong của tiền sảnh. Sẽ chỉ có một khoảng thời gian ngắn trong năm nhìn thấy được ánh sáng mặt trời nếu các cửa chính của ngôi đền được đóng lại.Hannah không cho rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Một bán cầu rỗng với một lỗ hổng trên đỉnh là một kiểu đồng hồ mặt trời dùng để tính thời gian của người La Mã. Mặc dù trong trường hợp này, nó được dùng để biểu diễn thời gian của một năm. Khi mái vòm của Pantheon khá phẳng (nhẵn) ở bên ngoài, nó làm thành một bán cầu hoàn hảo ở bên trong. "Đây là một đặc điểm của một thiết kế có tính toán", Hannah nói.Pantheon nghĩa là "nhà của các vị thần", chính mái vòm của công trình tượng trưng cho vòm trời, nơi các vị thần ngự trị, theo tín ngưỡng của người La Mã. Hannah nghĩ rằng, bằng cách đánh dấu các ngày phân điểm, Pantheon sẽ là nơi đưa các vị hoàng đế La Mã lên vương quốc của các vị thần.James Evan, một sử gia thiên văn học ở ĐH Puget Sound, Washington phát biểu: "Kiến trúc sư của ngôi đền Pantheon chắc hẳn có kiến thức kết nối biểu tượng giữa vũ trụ và đế quốc La Mã, giữa mặt trời và hoàng đế." Tuy nhiên, ông không tin giả thuyết này đã được làm sáng tỏ vì không tồn tại các ký hiệu ở Pantheon liên quan đến đồng hồ mặt trời."Nó là một phần của nền văn hoá, những người xây dựng Pantheon không cần giải thích về công trình của họ", Hannah phản bác ý kiến của Evan.

Ngôi đền Pantheon nhìn từ bên ngoài.

Vào buổi trưa ngày xuân phân hoặc thu phân, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu qua mắt của ngôi đền đến một căn phòng nằm phía trên cửa ra vào.



Một năm, sự kiện này chỉ lặp lại hai lần. Do đó, Robert Hannah cho rằng đền Pantheon là đồng hồ năm.


Không gian đô thị chung tại TPHCM: Chưa đẹp, chưa hấp dẫn
Nặng nề, nhàm chán và không hiệu quả, đó là những từ mà nhiều kiến trúc sư dùng để mô tả nhiều không gian đô thị chung tại TPHCM. Theo các kiến trúc sư, không gian đô thị chung của TPHCM vừa thiếu, vừa bị biến dạng, vừa không được quan tâm đúng mức nên mới có hậu quả như vậy.
Thiếu và thiếu
Cái thiếu nhất là mảng xanh, công viên cho người dân thư giãn. Rất nhiều mảng xanh trong các khu dân cư mới thực chất chỉ là những mảnh đất “thừa” mà người ta không thể xây dựng được. Ở các khu dân cư cũ, mảng xanh lại đang bị làm biến dạng.
Theo Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, giảng viên Đại học Kiến trúc TPHCM, giới chuyên môn cũng đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc sử dụng công viên 30-4. Công viên tuyệt đẹp này ngoài vai trò “làm lá phổi” cho trung tâm thành phố thì chưa thực sự là một không gian công cộng hấp dẫn mọi tầng lớp người dân đến sinh hoạt, vui chơi thư giãn, nhất là vào buổi tối. Các kiến trúc sư cho rằng, nếu được lắp thêm một số đèn chiếu sáng nghệ thuật, bố trí thêm một số công trình nghệ thuật thì người dân sẽ đến đây nhiều hơn.
Công viên dọc sông Sài Gòn trong cái nóng nực của miền nhiệt đới, đáng lẽ phải là một trong những không gian công cộng được người dân yêu thích và tìm đến nhiều nhất thì hiện chủ yếu chỉ có xe dừng, đậu. Nhiều đoạn của công viên còn bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, nhà hàng.
TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng: Những năm qua, TPHCM có hàng chục cây cầu mới được xây dựng. Thế nhưng, ngoài tiện ích về giao thông, chúng hầu như chưa đóng góp được gì cho kiến trúc đô thị. Phần lớn trong số đó chỉ là những khối bê tông nặng nề, to lớn, xám xịt với gầm cầu là một không gian tối tăm - nơi tụ tập của rác, của nhiều loại tệ nạn xã hội.
Tại nhiều nước trên thế giới, cầu được xây dựng như một công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành phố. Vẻ đẹp này được thể hiện ở nhiều góc độ: kiểu dáng của cầu, kiểu dáng lan can, kiểu dáng đèn, cách chiếu sáng trên cầu hoặc thậm chí là những bức phù điêu gắn ở hai bên thân cầu… Ở TPHCM cũng có vài cây cầu được ngành chức năng quan tâm làm cho đẹp hơn như cầu Thủ Thiêm, cầu Khánh Hội… nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc tạo kiểu dáng cho đèn, lan can…
Phải có sự chung tay của chính quyền và người dân
Tất nhiên, trong 2 đối tượng này thì chính quyền phải đi trước một bước. Chính quyền phải chủ động gìn giữ và quyết liệt tạo thêm không gian công cộng cho người dân. Người dân đi sau nhưng chính người dân mới là người tạo nên “cái hồn” cho không gian công cộng.
Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh cho biết, ở nhiều nước, người dân được chủ động và cùng nhau làm đẹp không gian công cộng quanh mình. Họ có thể cùng nhau sơn lại một tháp nước hay vẽ một bức tranh lên thành cầu để xóa đi cái xám xịt, nặng nề của các khối bê tông... Có rất nhiều phương thức để làm cho không gian công cộng sống động và có hồn như có thể vẽ tranh, sơn mới lại một tháp nước như đã nêu và cũng có thể là tổ chức những buổi hội chợ, biểu diễn âm nhạc, hội họa, điêu khắc.
TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết, ở nhiều nước châu Âu, vào những ngày nghỉ, sinh viên các trường nhạc, họa… thường hay ra công viên, quảng trường hay một không gian công cộng nào đó để biểu diễn. Động thái này vừa tạo thêm thu nhập cho sinh viên vừa là một nét văn hóa đáng yêu của các nước ấy. Việc tổ chức hội chợ hay dạ tiệc từ thiện… cũng là một cách thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi và làm cho cuộc sống người dân thêm phong phú.
Tất nhiên, muốn tạo ra không khí này, không ai khác, chính quyền phải có cơ chế và động thái khuyến khích người dân tham gia vào. Như vậy, ngoài việc “giữ đất” cho các khoảng không gian đô thị, chính quyền còn phải tạo điều kiện cho người dân tạo ra hồn của các không gian đô thị.
Một thành phố có nhiều khoảng không gian đô thị hấp dẫn không những làm cho chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên mà còn làm cho thành phố thêm hấp dẫn trong mắt du khách. Hoạt động du lịch phát triển cũng là một cách tạo thêm nguồn thu cho thành phố và như thế, rõ ràng đầu tư cho các khoảng không gian đô thị là một khoản đầu tư cực kỳ có lợi.
Tuy nhiên, tiếc rằng hiện nay nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc lại đang than thở rằng: “Chúng tôi đang phải “đấu” với các nhà đầu tư địa ốc trong rất nhiều dự án phát triển đô thị để giành lại từng khoảng không gian đô thị công cộng cho người dân”.

Ngôi nhà làm bằng 30.000 chai thủy tinh: Nằm ở Bilangan Cigadung, bắc Bandung, Indonesia, ngôi nhà của Kamil là điểm tham quan của nhiều du khách. 30.000 chai nước giải khát được Kamil thu thập trong sáu tháng và mất hai năm để xây dựng. “Ngôi nhà của tôi rất ấm áp. Tôi luôn muốn tạo cho ngôi nhà cảm giác thật sự thoải mái và thư giãn”- Kamil chia sẻ. Ngôi nhà có một sân nhỏ. Với Kamil, sân nhỏ này giúp ngôi nhà có được sự thông thoáng tự nhiên và lấy được ánh sáng vào ban ngày. Anh cho biết: “Khía cạnh thân thiện của ngôi nhà chính là việc dùng những vật dụng tưởng chừng bỏ đi để tạo thành một ngôi nhà mới”.

Tiến sĩ Ridwan Kamil -Ảnh: Minh Tri

Tốt nghiệp khoa kiến trúc tại Học viện kỹ thuật Bandung, Indonesia rồi Kamil lấy bằng tiến sĩ về thiết kế đô thị tại Trường ĐH California, Mỹ. Anh đặc biệt chú ý đến công nghiệp sáng tạo, một ngành đang được chú trọng trên thế giới. Bắt đầu ngay chính vùng mình ở là Bandung, Kamil kêu gọi mọi người tham gia những hội thảo sáng tạo. Anh đã thiết lập nên “diễn đàn sáng tạo” của TP, cùng với thanh niên trí thức trẻ trong vùng tổ chức nhiều chương trình từ lễ hội, trung tâm sáng tạo, nâng cấp công viên, nâng cao mạng lưới các doanh nghiệp, xúc tiến sáng tạo, thiết kế xanh trong TP..Từng làm việc ở VN trong những dự án thiết kế một số phần của khu Nam Sài Gòn, Q.7, tiến sĩ Ridwan Kamil, người Indonesia, có một thiết kế đặc biệt: xây dựng ngôi nhà của mình bằng 30.000 chai thủy tinh.

Ngôi nhà được làm bằng 30.000 chai thủy tinh -Ảnh: TS Ridwan Kamil cung cấp

“Nếu muốn phát triển nhanh chóng thì mọi người phải cùng chung tay. Đó là nguyên nhân khiến tôi tạo lập diễn đàn”- Kamil cho biết. Diễn đàn không chỉ là nơi ươm mầm những ý tưởng sáng tạo và phát triển chúng, mà giúp mọi người nhận ra những ý tưởng tiềm năng, tạo nên những giá trị kinh tế. Từ diễn đàn, chính quyền Bandung nhận thấy họ không thể thu hút du khách bằng những gì TP vốn có mà phải cải tạo hơn nữa.

Có cơ hội gặp gỡ các quan chức TP, Kamil nhấn mạnh những thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế và tiết kiệm năng lượng là những yếu tố quan trọng nhất trong thiết kế. Và những thiết kế các công trình của Kamil ở Bandung đều hướng đến sự thân thiện với môi trường, trong đó Trường đại học Tarumanegara, Tây Jakarta, Kamil đã thiết kế khuôn viên của trường thành nơi dành cho sinh viên gặp mặt bạn bè, thư giãn, đọc sách... thay vì trước đây hoàn toàn dành cho đậu xe.

Trở lại VN dự hội thảo về công nghiệp sáng tạo (do Hội đồng Anh tổ chức), Kamil nói với Tuổi Trẻ: “Tôi nghĩ VN có nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Đây là thời gian chuyển tiếp, chúng ta cần phải thể hiện rõ Hà Nội, Sài Gòn là TP như thế nào để không lẫn với TP khác. Những người sáng tạo cần chủ động kết nối chứ không nên chờ đến lúc chính quyền phát động”.

1 comment:

  1. Thông tin thật là hữu ích !
    Khi nào có nhu cầu về máy bơm các loại, công ty Equip có thể hỗ trợ. Vui lòng click Bảng báo giá máy bơm chìm hút nước thải Inox Italia để biết thêm chi tiết. Xin cảm ơn !

    ReplyDelete