Đến hôm nay, 3/6/2009, trí thức VN trong nước mới dám lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc xây đập và hồ chứa nước trên thượng nguồn sông Mekong. Vui quá, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi kinh niên để nói những điều cần nói.
Giới khoa học đang bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc xây đập và hồ chứa nước trên thượng nguồn sông Mekong.
Có tin cho hay riêng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã và đang xây tới 14 đập lớn để làm thủy điện, trong đó đập nước Tiểu Loan mới hoàn thành cao nhất thế giới, tới 292m.
Một phúc trình của LHQ ước tính, sức chứa của đập Tiểu Loan tương đương với toàn bộ các hồ chứa của vùng Đông Nam Á cộng lại.
Phúc trình cũng đánh giá các đập nước thượng nguồn như đập Tiểu Loan sẽ làm thay đổi lượng nước và nhịp độ của sông Mekong, cũng như chất lượng nước và làm mất tính đa dạng sinh thái của dòng sông.
Giáo sư Ngô Đình Tuấn, chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, bình luận với BBC rằng "nói như một số nhà khoa học, là Trung Quốc đang 'bức tử' sông Mekong bằng các đập nước của mình cũng không sai".
"Các đập thuỷ điện sẽ chặn phù sa xuống đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng tới nguồn cá và việc làm nông dưới hạ nguồn."
"Nhưng điều đó còn chưa tai hại bằng đập Hoàng Hà Trung Quốc đang xây để đưa nước Trường Giang lên phía Bắc. Để có nước bù lại Trường Giang, họ sẽ phải lấy nước từ sông Mekong và đó là cái tai hại nhất cho nước ở hạ nguồn như Việt Nam."
Sông Mekong chảy qua sáu nước l̀a Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông bắt nguồn trên vùng núi cao nguyên Tây Tạng và hạ lưu sông thuộc bốn nước là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Khó giải quyết
Ủy Ban sông Mekong (Mekong River Committee) được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1957 với bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam để cùng khai thác sông Mekon. Tuy nhiên vì chiến tranh, kế hoạch khai thác bị ngừng trệ.
Năm 1995, một nỗ lực mới thành lập Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission) được khai trương vẫn với bốn nước nói trên. Trung Quốc cùng Miến Điện đã từ chối không gia nhập ủy hội.
Đây là khó khăn lớn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới thượng nguồn Mekong.
Giáo sư Ngô Đình Tuấn nói: "Trung Quốc không chấp nhận đây là dòng sông quốc tế, mà chỉ xác định là sông quốc gia. Đã là của quốc gia, thì họ muốn làm gì thì làm".
"Do vậy, Việt Nam phải chuẩn bị từ bây giờ, làm sao để có hệ thống giữ nước, như xây dựng các cửa cống ngăn triều ở cửa sông Cửu Long hay các hồ sinh thái trữ nước mùa khô."
Mặt khác, giới chuyên gia nói rằng Việt Namvà các nước ở hạ lưu cần chú tâm vận động quốc t́ế, mà trước tiên là có thể đưa Trung Quốc ra trước diễn đàn LHQ về thái độ độc quyền khai thác sông Mekong mà bất kể tới hậu quả nơi các quốc gia hạ nguồn. (BBC)
LHQ cảnh báo việc xây đập trên sông Mekong
Hãng tin Mỹ AP dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc ngày 21/5 nhận định việc xây dựng một loạt con đập ở Trung Quốc là hiểm họa lớn nhất đối với tương lai của sông Mekong - một trong những con sông lớn trên thế giới và là nguồn nước quan trọng đối với khu vực. Hiện Trung Quốc đang xây dựng 8 đập nước ở thượng nguồn sông Mekong tại các hẻm núi cao thuộc tỉnh Vân Nam, trong đó có đập Tiểu Loan cao 292m. Đây là đập cao nhất thế giới có trữ lượng nước tương đương với toàn bộ hồ chứa ở khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo, ảnh hưởng do xây cất những con đập này đối với sông Mekong gồm "những thay đổi về lưu lượng và thời gian dòng chảy, làm giảm chất lượng nước và mất tính đa dạng sinh học". Việc xây dựng các con đập này sẽ làm gia tăng sức ép đối với sông Mekong và mạng lưới nhánh phụ khổng lồ của con sông này, vốn đang đối mặt với những hiểm họa do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và tác động của những con đập được Trung Quốc xây trước đó đã khiến mực nước giảm mạnh trên thượng nguồn. Ngoài ra, báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng, một số lưu vực sông Mekong đang bị đe dọa do quá trình phát triển và nhu cầu về nước ngày càng gia tăng. Song, theo báo cáo, hiện ô nhiễm ở sông Mekong chưa đến mức báo động trong khi vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu nước cũng như những xung đột bắt nguồn từ nhu cầu về nước ở sông Mekong. Báo cáo kêu gọi các nước có sông Mekong chảy qua hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo rằng số dân ngày càng đông và quá trình phát triển kinh tế trong khu vực không tiếp tục gây căng thẳng đến khả năng cung ứng nước tại vùng châu thổ sông Mekong. Sông Mekong chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Mạng lưới sông trải dài trên diện tích 795.000km2 là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài chim và thủy sinh quý hiếm, và là nguồn cung cấp thực phẩm và nuôi sống khoảng 65 triệu người ở lưu vực sông./. (TTXVN/Vietnam+)
Xây đập thủy điện trên sông Mekong : Lợi bất cập hại
Con sông Mekong dài gần 5.000 cây số xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua nhiều nước, từ Trung Quốc tới Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt trước khi đổ vào vùng đồng bằng Nam Việt Nam và đi ra biển Đông. Sông Mekong đang lâm nguy trước những kế hoạch xây đập thủy điện đã và đang được thực hiện trên dòng chính và phụ lưu của nó. Nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ chắc chắn sẽ xảy đến một mai nếu các nước có con sông Mekong đi qua cứ khư khư với các chương trình phát triển dân sinh của họ, tận dụng khai thác tiềm lực thủy điện của con sông mà không để ý gì đến hậu quả sẽ dẫn tới cho môi trường. Trong khuôn khổ bài này, RFI chỉ đề cập tới tác hại của việc xây đập trên dòng chính đối với ngư nghiệp trong vùng.
Từ lưu vực trên thuộc Vân Nam-Trung Quốc đến lưu vực dưới thuộc bốn quốc gia hạ nguồn
Thực tế cho thấy là không có gì ngăn cản nổi Trung Quốc khai thác nguồn thủy điện phong phú của con sông Mekong bằng cách xây chuỗi đập nước khổng lồ trên sông Lan Thương (tên Trung Quốc của sông Mekong) mà hiện nay đã có hai con đập hoàn tất (Mạn Loan 1.500MW, Đại Chiếu Sơn 1.350 MW) và hai đập đang xây (Tiểu Loan 4.200 MW và Cảnh Hồng 1.35OKW). Để có đủ nước vận hành hai đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn, Trung Quốc đã thường xuyên đóng cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Dân cư các nước hạ nguồn đã chịu ảnh hưởng tức thời như nguồn cá tôm giảm sút, nhiều khúc sông cạn nước tới mức tàu thuyền không lưu thông được, riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thì tình trạng đất nhiễm mặn đã xảy ra ngày càng trầm trọng.
Đã vậy, mới đây, từ khoảng giữa năm 2006, chính phủ các nước Lào, Thái Lan và Căm Bốt đã tính tới việc nghiên cứu tính khả thi của ít nhất 11 dự án xây đập trên dòng chính của sông Mekong ở lưu vực dưới. Đó là những đập thủy điện Pakbeng, Luangprabang, Sayabouli, Paklay, Sanakham, Latsua và Donasehong ở Lào, Ban Koum và Pakchom dọc biên giới Lào-Thái và Strung Treng, Sambor tại Cam Bốt. Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực đang tìm cách khai thác tiềm năng thủy điện để trở thành nguồn cung cấp điện cho các nước láng giềng, cụ thể như Việt Nam và Thái lan.
Theo nhà văn Ngô Thế Vinh, trong ký sự Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (NXB Văn Nghệ Mới 2007), không phải bây giờ mà từ những năm 40 thế kỷ trước các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm năng thủy điện của con sông Mekong và kế hoạch phát triển lưu vực dưới sông Mekong với những đập nước trên dòng chính ở hạ nguồn đã được dự tính trong những năm cuối thập niên 1950. Thế nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam lan rộng ra ba nước Đông Dương đã làm ngưng các dự tính này và giờ đây một lần nữa con sông Mekong lại phải đối mặt trước nguy cơ bị tàn phá.
Những kế hoạch đang được chuẩn bị thực hiện
Trước mắt, Căm Bốt đang xúc tiến việc xây dựng một đập thủy điện Sambor trên dòng chính sông Mekong tại tỉnh Kratíe khu vực giữa lãnh thổ. Cuối năm 2006, chính quyền Phom Penh và công ty Trung Quốc China Southern Power Grid Co.đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu tính khả thi của hai công trình. Thứ nhất là đập thủy điện có công suất 2.600 MW chắn hết lòng sông. Đây là biến thể của kế hoạch nguyên thủy được Ban Thư Ký Ủy Ban Sông Mekong đề nghị từ năm 1994 có công suất 3.300MW mà công trình cũng chắn ngang cả lòng sông. Đập thủy điện này có hồ chứa dự kiến chiếm đến 880 km2, cần di dời chỗ ở của trên 5000 người vào thời điểm ấy. Một đập thứ hai, nhỏ hơn, chỉ chắn một phần lòng sông với hồ chứa khoảng sáu km2, công suất 465MW.
Về phía Lào, đầu năm 2008, chính quyền Vientiane đã ký thỏa thuận với một công ty Malaysia xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở đoạn thác Khône, nơi dòng sông chia ra nhiều nhánh nhỏ và bắt đầu chảy qua Căm Bốt.
Con đập tương lai sẽ chặn nhánh sâu nhất nơi đây và cũng là nơi các đàn cá sẽ lội ngược dòng vào mùa khô tháng Tư tháng Năm, khi mực nước sông Mekong xuống thấp nhất để tìm nguồn thức ăn.
Các nhóm bảo vệ môi trường chống lại việc xây đập trên dòng chính sông Mekong
Các chuyên viên ngư nghiệp và những tổ chức chống xây đập nước trên dòng chính sông Mekong nghiêm khắc cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn tai hại của các công trình này.
Chuyên viên Carl Middleton nhấn mạnh hậu quả của việc xây đập Sambor, đó là ngăn chặn dòng di chuyển của cá đi tìm nguồn thức ăn, làm tổn hại nghiêm trọng cho ngư nghiệp khu vực vì đã chặn dòng cá di chuyển ngược để đẻ trứng lâu nay, chẳng hạn giữa Pakse ở phía nam Lào và xa hơn và Biển Hồ, Tonle Sap, phá hoại nặng nề các hố sâu dưới lòng sông vốn là khu trú ẩn của vô số loài cá. Một công trình nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong năm 1994 về dự án xây đập thủy điện công suất 3.300MW cũng chia sẻ mối lo ngại nói trên. Tưởng cũng nên nhắc lại là sông Tonle Sap cung ứng hàng năm cho ngư dân Căm Bốt đến hai phần ba lượng cá đánh bắt được, mà phần lớn trong số đó là các loại cá di trú.
Trong hội nghị chuyên đề lần thứ sáu về Ngư Nghiệp Sông Mekong tổ chức tại Vientiane năm 2003, một bài tham luận cũng đã khẳng định : ''Bất kỳ đập nước nào trên dòng chính sông Mekong xây dựng trên đất Căm Bốt cũng đều có hại cho ngư nghiệp, nhưng chọn địa điểm Sambor xây dựng đập là tệ hại nhất.'' Hệ quả này được lặp lại với bất kỳ con đập nào xây chắn ngang dòng chính sông Mekong.
Nhưng có điều là Ủy Hội Sông Mekong, trong đó có Việt Nam, hầu như đã giữ thái độ thụ động trước những lời cảnh báo này.
Con sông Mekong với nguồn đa dạng thủy học đặc biệt phong phú, đứng thứ nhì, chỉ sau con sông Amazone. Xây dựng đập trên dòng chính con sông là càng đẩy các loài cá quý hiếm như Irrawady Dolphin, loại cá Catfish khổng lồ hàng trăm ký và vô số chủng loại cá di trú khác tới chỗ diệt vong (RFI)
Thái Lan xây đập trên sông Mê-kông
(SGTO) - Nhật báo tiếng Anh của Thái Lan, The Nation, đưa tin Bộ Năng lượng nước này đang tiến hành nghiên cứu khả thi về xây dựng một con đập thủy điện khổng lồ trên sông Mê-kông.
Một kế hoạch chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt của các nước phía hạ nguồn con sông cũng như của cư dân Thái Lan trong vùng.
Con đập dự kiến đặt trên đoạn sông Mê-kông chảy qua tỉnh Ubon Ratchathani phía đông bắc Thái Lan, có công suất phát điện 1.800 megawatt và tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỉ baht, tương đương 2,8 tỉ đô la Mỹ. Hai công ty tư vấn Panya Consultant và Mako Consultant của Thái Lan được giao nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu khả thi để trình chính phủ Thái vào tháng 4 năm tới.
Theo giáo sư Prakob Virojkut, giám đốc trường đại học Ubon Ratchathani University, việc xây dựng một công trình thủy điện lớn trên sông Mê-kông – dòng sông quốc tế - chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu lượng nước, cản trở giao thông đường thủy và gây tác hại nặng nề đến môi trường sinh thái. Vì thế, theo ông Prakob, dự án sẽ gặp nhiều trở ngại, trước hết là sự phản đối của các nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
Lào sẽ phản đối dữ dội vì dự án này đe dọa nguồn thu từ xuất khẩu điện năng của Lào sang Thái Lan; Campu chia và Việt Nam sẽ phản đối vì con đập sẽ làm giảm lượng nước sông Mê-kông chảy xuống hạ nguồn, tác hại nghiêm trọng cho nông nghiệp, ngư nghiệp và giao thông của hai nước này, làm thay đổi chu kỳ và mức độ của lũ lụt và hạn hán, làm nước biển lấn sâu vào nội địa, do đó đe dọa môi trường sống của hàng chục triệu người dân.
Chiều trên sông Mê-kông đoạn chảy qua Campuchia. Ảnh Huỳnh Hoa
Trong khi đó cư dân các địa phương trong vùng ảnh hưởng của công trình hầu như không biết chút gì về dự án của chính phủ. Ông Pinyo Boonyong, xã trưởng xã Phonaklang, huyện Khong Jiam, tỉnh Ubon Ratchatani, cho biết, tới nay rất ít thông tin về dự án được phổ biến tới chính quyền địa phương.
“Đa số dân chúng sống bên bờ sông Mê-kông không tán thành dự án này, giống như dự án xây đập Pak Moon Dam 17 năm về trước. Nếu chính phủ cứ tiến hành dự án, dân địa phương chắc chắn sẽ phản đối dựa trên kinh nghiệm của họ đối với các dự án trước kia”, ông Pinyo nói.
“Trong nhiều năm qua, từ khi Trung Quốc xây dựng những con đập lớn phía thượng nguồn sông Mê-kông, đưa nước sông vào các hồ chứa khổng lồ để làm ra điện, người dân ở đây đã than phiền vì thiếu nước tưới ruộng nhưng chính phủ không giải quyết được”, ông nói thêm.(Theo The Nation)
Ủy hội sông Mekong quốc tế nghiên cứu tác động của các đập thượng nguồn
TT - Đây là thông tin mà ông Jeremy Bird, giám đốc ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), cho biết xung quanh việc Trung Quốc xây đập ở thượng lưu sông này. Các gợi ý từ nghiên cứu sẽ được đưa vào thảo luận với các chính phủ khi đi đến thống nhất liệu có xây đập trên dòng chảy chính ở các khu vực hạ lưu của con sông hay không.
Đập Tiểu Loan (Vân Nam, Trung Quốc) - Ảnh: Gzhgj |
Ông Jeremy nói:
- Việc xây đập ở dòng chảy chính của sông Mekong có tác động bao gồm thay đổi chế độ dòng chảy, chất lượng nước, việc di cư của các loài cá... Tuy nhiên, các đập thủy điện cũng có thể có tác động tích cực với người dân ở hạ lưu. Ví dụ trữ lượng nước để sản xuất điện ở đập Tiểu Loan và các đập khác trong hệ thống ở tỉnh Vân Nam sẽ điều tiết lượng nước.
Mực nước mùa khô sẽ tăng, giúp có thêm nước cho tưới tiêu và cung cấp nước cho đô thị, còn đỉnh lũ sẽ giảm xuống. Tính trung bình chỉ 16% nước sông Mekong đến từ Trung Quốc, vì thế các tác động này sẽ giảm dần khi xuống tới sông Tonle Sap và đồng bằng sông Cửu Long bởi từ đó các nhánh sông khác từ Lào, Thái Lan và VN sẽ làm chủ chế độ dòng chảy.
Là một tổ chức khu vực được thành lập để hợp tác trong việc quản lý nguồn nước bền vững của bốn nước ở hạ lưu sông Mekong (Thái Lan, Lào, Campuchia, VN), MRC đã đánh giá quy mô và hậu quả của những thay đổi trên sông Mekong thông qua các hệ thống lập mô hình. MRC cũng đối thoại với Trung Quốc về các khía cạnh thực thi của những dự án xác định quy mô thay đổi dòng chảy.
Cuối năm nay, ủy ban sẽ công bố kết quả của những dự án này. Trong lúc đó chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận thường xuyên với các quan chức Trung Quốc, cũng như phối hợp với chính phủ nước này trong việc hợp tác kỹ thuật để bảo đảm các thay đổi ở hạ lưu sông do phát triển thủy điện gây ra sẽ được quản lý một cách phù hợp.
* Ông đánh giá thế nào về tác động của các đập nước ở hạ lưu sông Mekong?
- Các con đập ở hạ lưu (Lào và Campuchia), một yếu tố ít được biết đến và có lẽ ít nghiêm trọng hơn, cũng có tác động tới việc di cư của các loài cá và hậu quả với người dân sống nhờ đánh bắt cá. Hơn 60 triệu người ở hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào con sông để có thức ăn, đi lại và hoạt động kinh tế. Đánh bắt cá nước ngọt ở lưu vực sông Mekong mang lại 2 tỉ USD mỗi năm, là hoạt động đánh bắt cá trên bờ có giá trị nhất thế giới.
Nông dân ĐBSCL đã phải đối mặt với nước mặn xâm nhập. Trong ảnh: nông dân xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cắt bỏ lúa bị khô cháy do nhiễm mặn, mang về cho trâu bò ăn - Ảnh: N.C.T |
* Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, vậy ủy hội có biện pháp gì để hài hòa các dự án phát triển liên quan tới con sông ở tất cả các nước, bao gồm bốn nước thành viên và Myanmar, Trung Quốc?
- Cơ chế hiện nay yêu cầu tất cả các nước thành viên MRC phải tham vấn nhau và đồng thuận về bất cứ hoạt động nào của con người hoặc về cơ sở hạ tầng trên dòng chảy chính của sông mà có thể ảnh hưởng tới dòng chảy ở hạ lưu. Các công trình sẽ không tiến hành nếu tất cả các nước chưa được tham vấn đầy đủ. Trung Quốc và Myanmar thật ra cũng nằm trong một quy trình rộng hơn, được gọi là các đối tác đối thoại của MRC, và chúng tôi đang tiếp tục tăng cường hợp tác và cùng hành động.
Vai trò của MRC là tạo ra sự hiểu biết một cách khoa học về con sông này và các tác động tiềm năng mà các hoạt động phát triển có thể gây ra cho sông, quan trọng hơn là cho người dân sống nhờ vào dòng sông. “Giải pháp” của chúng tôi là tiếp tục mở rộng vai trò này, chia sẻ thông tin với các bên liên quan (kể cả các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân). Và bảo đảm là các quyết định chính phủ liên quan tới nguồn lực của sông Mekong được đưa ra trên cơ sở kiến thức cũng như hiểu biết khoa học.
No comments:
Post a Comment