Wednesday, July 22, 2009

Kiến trúc Việt Nam(40):Vài ngôi chùa lịch sử

Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu: Một công trình văn hóa tâm linh
Một nơi có sức thu hút lớn nhất ở Bạc Liêu đối với khách hành hương, du lịch chính là Quán Âm Phật Đài, một điểm du lịch mang màu sắc văn hóa Phật giáo tọa lạc trên bờ biển Bạc Liêu. Số lượng du khách từ các nơi về đây chiêm bái những năm gần đây đều trên dưới hai trăm ngàn lượt người, riêng năm nay (2008) tuy chỉ mới ba tháng đầu năm mà số lượt người đã đã vượt trội, con số mới nhất vừa ghi nhận được đã hơn ba trăm ngàn lượt.
Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm đã được xây dựng từ năm 1973 do chủ trương của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hội Bạc Liêu, suốt thời gian xây dựng đã được sự đóng góp nhiệt tình của bà con Phật tử và các nhà hảo tâm xa gần, nhất là Bác sĩ Nguyễn Tú Vinh (Hội trưởng Hội Hồng Thập Tự thời điểm đó) đã đóng góp một phần công sức rất lớn. Thánh tượng cơ bản hoàn thành vào đầu năm 1975, tượng cao mười một mét (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông thuộc khu vực ấp Nhà Mát xã Hiệp Thành (nay là phường Nhà Mát thị xã Bạc Liêu), mặt xoay ra biển. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế, nhưng tới nay do sự bồi đắp của thiên nhiên, vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần bốn ngàn mét. Tượng đài tuy giản đơn, nhưng cảnh quan rất hùng vĩ và trang nghiêm dễ gây sự chú ý và ngưỡng mộ cho mọi người, đã đáp ưng một phần lớn nhu cầu tín ngưỡng cho ngư dân ở đây, nhất là những người thường đánh bắt xa bờ. Tượng Bồ tát còn làm thêm nhiệm vụ “làm ngọn hải đăng” cho những người đi biển.
Đến năm 1995, ban Đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu được chính quyền cho phép trùng tu chân đế của tượng đài. Từ đó đến nay, đồng bào Phật tử và du khách đến chiêm bái càng lúc càng đông, để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách và thể hiện chủ trương về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh nhà, năm 2004 UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án và cho phép Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xây dựng Quán Âm Phật Đài trên diện tích 250.000m2 chung quanh vị trí cũ của tượng đài với nhiều hạn mục khác nhau, kinh phí đầu tư dự kiến trên năm tỷ đồng. Công trình đang được tiến hành, hiện nay chỉ mới hoàn thành cổng Tam quan và một số hạn mục nhỏ, điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn còn đang xây dựng dỡ dang chờ sự đóng góp của đồng bào Phật tử và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù vậy các ngày lễ người ta đến chiêm bái rất đông , nhất là vào lễ vía Quán Thế Âm trong ba ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6, 19 tháng 9 âm lịch và trong ba ngày vía Bà Chúa Xứ Chậu Đốc 22, 23, 24 tháng 3 âm lịch hàng năm, không những người địa phương mà các tỉnh bạn kể cả du khách và Phật tử ở một số tỉnh xa từ miền Trung, miền Bắc cũng có mặt. Quan cảnh tham quan, chiêm bái thật vô cùng náo nhiệt. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có một đoạn tả về cảnh đông đúc của tết Thanh Minh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nhưng chắc không thể hơn cái cảnh người người chen chút nhau đi chật cả đường trong các ngày lễ lớn ở đây, từ con đường phía trước cổng cho đến con đường dẫn vào tượng đài, người ta vô cùng đông đúc, như một dòng người tấp nập tới lui luân chuyển cả ngày đêm, nhất là về đêm số lượng người càng gia tăng nhiều hơn nữa.
Du khách đến chiêm bái Quán Âm Phật Đài càng lúc càng đông nên các dịch vụ ở đây cũng rất đa đạng. Về phương diện đi lại từ lâu đã có các dịch vụ xe chất lượng cao 16 chỗ ngồi như Văn Minh, Tường Long, Thiên Lộc, Hán Nghĩa, Hoàng Cung, Sài Gòn, Mai Linh… giá mỗi vé từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Bạc Liêu khoảng 100.000 đồng, đoạn đường từ Thành phố Cần Thơ về Bạc Liêu thì có nhiều xe hơn, giá vé cũng khoảng trên dưới 50.000 đồng.
Tại thị xã Bạc Liêu có nhiều khách sạn từ trong nội ô đến ngoài thị xã, nhưng địa điểm thuận lợi nhất là khách sạn Bạc Liêu và khách sạn Công tử Bạc Liêu ở gần cầu Quây, tiền phòng nghỉ mỗi đêm cũng chỉ từ 200.000 đến 350.000 đồng. Phòng nghỉ ở đây tuy không thể so sánh được với các khách sạn ở những thành phố lớn khác, nhưng tương đối cũng đầy đủ tiện nghi cho du khách. Đặc biệt nhất trong số này là căn phòng của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy lúc còn sinh thời, phòng này rất rộng rãi và sang trọng, nhưng phải đặt trước vài hôm mới có. Ngoài ra còn có các khách sạn khác như Đạt Ngọc, Tiên Kim, Quê Nhà, Công Tử, Kiều Hối, Nhà khách Công Đoàn… và nhiều nhà trọ cũng sẵn sàng đón tiếp du khách với giá thấp hơn.
Đoạn đường từ trung tâm thị xã Bạc Liêu ra Quán Âm Phật Đài chỉ có 8km, du khách có thể di chuyển bằng taxi hay xe ôm tuỳ thích. Gần khu Quán Âm Phật Đài cũng có nhiều nhà trọ phục vụ tập thể khách hành hương giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn mỗi phòng, vấn đề tiện nghi ở nhà trọ dĩ nhiên hạn chế nhưng cũng không đến nổi thiếu thốn. Quán ăn rất nhiều chay mặn đều có, trong những ngày lễ các hàng quán ở đây mở cửa suốt cả ngày đêm. Chung quanh Quán Âm Phật Đài có nhiều quầy hàng, bán đủ các loại đồ đạc cần dùng cho du khách, kể cả những món quà lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa của miền “muối mặn đồng chua” này, nhất là lực lượng nhiếp ảnh ở đây đều được Ban Văn hoá Tỉnh hội Phật giáo tuyển chọn và tổ chức ngăn nắp, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ du khách để ghi lại hình ảnh kỷ niệm cho cá nhân, gia đình hoặc đoàn thể.
Đặc biệt năm nay (2008), có chủ trương của UBND tỉnh Bạc Liêu với sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương đối với việc tổ chức lễ hội, nên Quán Âm Phật Đài lại càng được sự chú ý của du khách hơn. Trong công văn số 14/UBND-VX ngày 7/1/2008 của UBND tỉnh Bạc Liêu gởi Sở văn hoá Thông tin và các ban ngành hữu quan về việc Tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có đoạn viết “Việc tổ chức các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống cách mạng, tôn giáo… nhằm tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, các liệt sĩ, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sữ- văn hoá, công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu chính đáng khác của nhân dân. Với ý nghĩa đó chủ tịch UBND tỉnh đồng ý tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như sau : Lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang (tỉnh Bạc Liêu), lễ hội Đồng Nọc Nạng (huyện Giá Rai), lễ hội Nghinh Ông (huyện Đông Hải) và lễ hội Quán Âm Nam Hải (thị xã Bạc Liêu)…”. Thực hiện tinh thần này đồng thời cũng kế thừa thành quả tốt đẹp đạt được sau lễ hội Đồng Nọc Nạng được tổ chức trong tháng Giêng vừa qua ở huyện Giá Rai, Tỉnh hội Phật giáo đã soạn thảo một chương trình lễ hội ba ngày với nội dung như sau: Ngày thứ nhất (22 tháng 3 âm lịch) : Đại biểu, quan khách tề tựu; Xe hoa diễu hành; Kích cổ (36 cái trống lớn); Múa rồng, múa lân; Khai mạc lễ hội; Phát biểu của chính quyền, giáo hội…; Nghi thức lễ hội (Dâng hoa; Nghinh thiên tiếp giá; Nhập tịch khai chung bảng, Khai kinh, Thượng phan, Chiêu vong, Nghinh thần chủ, Trình lục cúng). Ngày thứ hai (23 tháng 3 âm lịch) : Khoá lễ Lăng Nghiêm, Phật tử dâng hương, Cầu an, Thỉnh thánh, Thuyết pháp. Đến 19 giờ Hát bội với vở hát Quán Âm Diệu Thiện.Ngày thứ ba (24 tháng 3 âm lịch) : Cầu an, Văn nghệ người Hoa, Tế oan hồn tử sĩ, Phóng liên đăng, Chẩn tế, Hoàn mãn.
Du khách chắc chắn sẽ hài lòng khi đến Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu, vừa để tham quan chiêm bái thánh tượng, thưởng thức cảnh quan tuyệt vời của một vùng trời biển bao la, vừa để tìm hiểu lễ hội Quán Âm Nam Hải một lễ hội Phật giáo nhưng mang đậm màu sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam.
Quán Âm Phật Đài xây dựng chưa xong mà lại có kết quả khả quan đến thế, chắc rằng trong tương lai nơi đây sẽ trỡ thành một điểm du lịch lớn của miền Tây Nam bộ. Văn hóa tâm linh thật sự là một món ăn cần thiết trong đời sống con người, nhất là trong du lịch lại là một yếu tố quan trọng trong vấn đề phục vụ và thu hút du khách. Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu chỉ mới ra đời trong một thời gian ngắn lại ở một tỉnh lẻ cực Nam, nhưng nếu nói về thành quả ban đầu về số lượng du khách thì cũng có thể so sánh với Phổ Đà Sơn trong giai đoạn hình thành. Phổ Đà Sơn lúc chưa phát triển thì cũng chỉ là một hòn núi vô danh trên một đảo nhỏ ở phía Nam Trung Quốc, nhưng từ khi người ta xây dựng tượng đài Quán Thế Âm thì nơi đây mau chóng chuyển mình từ một nơi hoang vu không người qua lại chẳng mấy chốc đã trỡ thành một trong Tứ đại danh sơn Phật tích của Trung Quốc, một điểm du lịch nổi tiếng khắp năm châu, đã góp phần với ngành du lịch đem ngoại tệ về cho quê hương, làm giàu cho đất nước. Hy vọng rằng Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu trong tương lai sẽ thừa kế thành quả này để trỡ thành một Phổ Đà Sơn thứ hai – một địa danh Phật tích của miền duyên hải – một địa chỉ du lịch tuyệt vời ở miền cuối nước Việt Nam./.

Hình ảnh diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm tại Bạc Liêu
Cổng tam quan Quan âm Phật đài
Khách thập phương đang chiêm bái Thánh tượng Quán Thế Âm
Quán thế Âm Phật đài trong ngày lễ hội
http://www.giacngo.vn/tulieu/chuavntrongnuoc/2008/03/27/52D610/
Nhận diện những ngôi chùa xưa ở Nam bộ qua "Gia Định thành thông chí"
Trong sách Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức có ghi chép lại một cách khái quát một số chùa danh tiếng có liên quan tới công cuộc mở cõi về phương Nam của dân ta. Vì các chùa được ghi chép rải rác khắp cuốn sách nên khó nắm bắt hết đối với độc giả không có nhiều thì giờ tìm đọc. Do vậy, chúng tôi xin liệt kê ra theo thứ tự từng trấn để cho quý độc giả tiện nghiên cứu, tìm hiểu.
Trong sách Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức có ghi chép lại một cách khái quát một số chùa danh tiếng có liên quan tới công cuộc mở cõi về phương Nam của dân ta. Vì các chùa được ghi chép rải rác khắp cuốn sách nên khó nắm bắt hết đối với độc giả không có nhiều thì giờ tìm đọc. Do vậy, chúng tôi xin liệt kê ra theo thứ tự từng trấn để cho quý độc giả tiện nghiên cứu, tìm hiểu.
I. Trấn Biên
1) Chùa Bửu Phong: Chùa nằm trên núi Bửu Phong, còn gọi là núi Lò Gốm. Núi ở phía Tây cách trấn lỵ 4 dặm, phía Tây Nam trông xuống sông lớn, làm tấm che đằng sau cho núi Long Ẩn...; phía trái núi có đá đầu rồng đứng sững, bên phải có nhiều đá phẳng mặt như giường thiền; xung quanh khói mây man mác, cây cối um tùm, văn nhân nghiêng chén vịnh mùa đẹp, mỹ nữ nối gót kẻ hành hương, thật là thắng cảnh đệ nhất của trấn thành.
2) Chùa Vân Tỉnh: ... Ở mặt Bắc thuộc thôn Long Thành, giữa đồng bằng trải ra một gò cao như vách dựng, sau gò ấy là nơi vị Ni tên Lượng tu hành, có dựng am Vân Tỉnh, tục gọi là chùa Vãi Lượng, trông rất u nhã; về sau quân Tây Sơn đập phá bỏ chùa Phật, nhưng đến nay nền cũ hoang phế vẫn còn.
3) Chùa Hội Sơn: Ở cuối núi Châu Thới (sách ghi Chiêu Thái). Về phía Bắc tại ngã ba chẻ ra một nhánh chạy đến địa phận thôn Long Tuy thì dừng, rồi bỗng nổi thành gò cao bằng phẳng rộng rãi, bên núi có khe suối và hang hố, dân chúng ở ven quanh, trên ngọn núi có chùa Hội Sơn là nơi nhà sư Khánh Long dừng gậy tu hành. Chùa nhìn xuống sông lớn, khách hành hương lên thăm, có cảm giác tiêu sái thoát tục.
4) Chùa Bà Vãi: Chùa nằm trên núi Thị Vãi, tục gọi là núi Bà Vãi hay núi Nữ Tăng. Nguyên có người con gái họ Lê con nhà giàu có nhưng do kén chọn mãi thành ra lỡ thì, sau khi cha mẹ qua đời mới có chồng. Không bao lâu chồng lại chết, bà thề ở vậy không tái giá. Do bị các hào mục địa phương dòm ngó đưa lời bướm ong, nhờ người mai mối mãi, nên bà trốn đời xuống tóc, lập am trên đỉnh núi, tự làm thầy cả, kẻ ăn người ở làm đồ đệ, giữ lòng tu tập, sau thành chánh quả, do đó người đời lấy từ Bà Vãi mà đặt tên cho am.
5) Chùa Đức Vân: Núi Trấn Biên, tục gọi là núi Mô Xoài ở về phía Đông cách trấn lỵ 145 dặm. Hình núi cao ngất cổ kính, có nhiều hang nai, đồi thông mây phủ, thác suối rì rầm, cảnh trí tịch mịch, chầu về thành Gia Định từ xa, cảnh núi trải ra đẹp đẽ. Lưng chừng núi có động đá sâu quanh co, chật hẹp chưa có ai vào sâu bên trong được. Có nhà sư tịch cốc tên là Ngộ Chân, dựng chùa Vạn Đức nơi cửa động để tu hành, hàng ngày chỉ ăn rau quả, chuyên tâm niệm Phật hiệu, thuần phục được cả hùm beo, lại giỏi bùa chú trị bệnh, nhưng thâu được lễ tạ bao nhiêu đều đem chia hết cho người nghèo khổ. Đây đúng là một vị cao tăng đắc đạo vậy.
6) Chùa Hải Nhật: Chùa ở trên đỉnh Thùy Vân. Núi này ở phía Đông cách trấn lỵ 184 dặm, thế núi đứng dựa bờ biển, cao lớn đẹp lạ thường, đỉnh chọc thẳng lên trời, nhìn thấy có mây tỏa xuống nên mới gọi là núi Mây Tỏa (Thùy Vân sơn). Trên núi có chùa Hải Nhật là chỗ trông ra biển để đo bóng mặt trời.
7) Chùa Sắc Tứ: Chùa ở bờ Nam sông Phước Giang (sông Đồng Nai bây giờ) cách trấn lỵ về hướng Đông 8 dặm, do quan Chính Thống suất Nguyễn Vân kiến lập. Năm Giáp Dần, đời vua Túc Tông Hiếu Minh hoàng đế thứ 10, ngự ban biển ngạch chữ vàng đề “Sắc tứ Hộ Quốc tự”, bên trái khắc “Vân Tuyền đạo nhân viết”, nét chữ mạnh mẽ. Cảnh chùa trang nghiêm thanh tịnh, thật là nơi lạc thổ. Sau, chùa bị Tây Sơn phá hủy tượng Phật, cột mái đều hư hỏng, nay làm nhỏ lại lợp tranh, nhưng vẫn giữ được di tích.
Chùa này hiện nay ở giữa Tân Vạn và Chợ Đồn, nằm cạnh sông Đồng Nai, với biển hiệu đề bằng chữ Hán là “Sắc tứ Hộ Quốc Quán tự” và bằng chữ Quốc ngữ là chùa Sắc tứ Hộ Quốc Quan. Biển đề như vậy vừa thừa chữ vừa phiên âm nhầm chữ Quán ( ) thành Quan. Nguyên khi xưa, từ Quán để chỉ nơi tu hành của đạo sĩ đạo Lão như Tam Thanh quán chẳng hạn, và từ đạo sĩ dùng để chỉ tu sĩ đạo Lão... Nhưng về sau, từ Quán cũng được dùng để chỉ chùa Phật, bằng cớ là ngay trong Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức cũng đã dùng chữ Quán để chỉ ngôi chùa, đó là ở trang 506, phần nguyên văn đoạn nói về miếu Quan Đế “Điện vũ hoằng lộ, sóc tượng cao trượng dư, hậu Quan Âm quán”, nghĩa là: “(Miếu Quan Đế) điện mái to đẹp, đắp tượng cao hơn trượng, phía sau có chùa Quan Âm. Vậy đã “Tự” thì không “Quán” như tên biển hiệu vua ban thời xưa. Còn nay đã sửa “Tự” thành “Quán” thì đã có “Quán” không thêm “Tự” nữa và chữ ( ) trong ngữ cảnh này không thể đọc là Quan được mà phải đọc là Quán. Cũng vì đọc nhầm là Quan nên có người lý giải nhầm là Quan Tự tức chùa công, chùa của quan dựng, bởi chùa này do Chính Thống suất Nguyễn Vân xây... Hiểu như vậy là do nghĩ rằng Quan tự viết là ( ) tức chùa của cơ quan, như Quan điền ( ) là ruộng công, nguyên do sâu xa là không phân biệt quan ( ) và quán ( ). Theo Từ Hải, Quan tự ( ) là chùa do vua ra lệnh xây hồi xưa, trong tâm lý quần chúng không thích loại chùa này nên Bạch Cư Dị có câu thơ mỉa: “Quan tự thành hương thiểu. Tăng phòng ký túc đa”, nghĩa là: “Chùa công đàn việt hành hương ít. Phòng tăng sư ở nhiều”. Vậy xin đề nghị Hòa thượng trụ trì hãy để biển lại là “Sắc tứ Hộ Quốc quán” - “Chùa Sắc tứ Bộ Quốc”.
II. Phiên Trấn
1) Chùa Ân Tông (tục gọi là chùa Cây Mai): Chùa tọa lạc trên gò Cây Mai (Mai khâu). Gò này ở về phía Nam cách trấn thành 13 dặm rưỡi (nay là vùng Phú Lâm), gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai thân cỗi, khi trổ hoa thì không nở bung xòe mà năm cánh vẫn còn tóm lại để giữ mùi hương. Thứ nam mai này do bẩm thụ linh khí mà sinh ra, không thể dời trồng ở nơi khác được. Trên đồi có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh, ngày giộng chuông, âm thanh tản mạn trong mây khói. Lại có suối trong chảy quanh chân núi, các du nữ chiều mát quẫy mạnh mái chèo đi hái sen. Gặp khi trời đẹp, văn nhân, thi sĩ mang bầu rượu leo từng cấp bậc lên tận chùa, ngâm vịnh dưới gốc hoa mai ở đầu gò, câu chữ nồng nàn, thật là một thắng cảnh cho người du lãm thiền môn (nay thì gò đã bị con người qua bao thế hệ bào mòn ngọn đồi, chùa và mai chỉ còn khép nép bên vệ đường thôi).
Nơi đây thời xa xưa là chỗ chùa tháp đất Phật của nước Cao Miên, nền móng xưa còn thấy rõ. Năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15 có nhà sư sửa sang lại chùa đã đào lấy được nhiều gạch kích thước to, ngói xưa và cả hai miếng vàng lá hình vuông, mỗi bề hơn mười phân, mỗi miếng nặng ba đồng cân, trên mặt chạm hình Cổ Phật cỡi voi. Có thể đây là cổ vật của Hồ tăng (Tăng Ấn Độ).
2) Chùa Kim Chương: Chùa này hiện nay vẫn còn và tọa lạc trong thành Ô Ma, sau chùa Lâm Tế bên đường Nguyễn Trãi. Chùa là di tích lịch sử rất quan trọng đối với các chúa Nguyễn trong cuộc tranh bá đồ vương với Tây Sơn... Nguyên ngày 8 tháng 10 năm Bính Thân (1776), Mục vương Nguyễn Phúc Dương từ phủ Quy Nhơn trốn khỏi căn cứ của ngụy Nhạc, theo đường biển lẻn vào Gia Định... Tướng người Tàu Lý Tài hay tin, sai bốn phó tướng Tân, Hổ, Hiền, Nam đem cả bốn bộ binh mã thẳng xuống Bến Nghé nghinh đón Mục vương về Thủ Dầu Miệt (Một). Khi ấy binh tướng Đông Sơn không dám cự lại binh của Lý Tài, lui quân về thủ căn cứ Ba Giồng, chỉ còn mấy mươi quan triều ở lại hộ giá cho Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần) tại Bến Nghé mà thôi. Ngày 4 tháng 11 cùng năm, Lý Tài lại hộ giá Mục vương xuống Bến Nghé, dưới danh nghĩa “chịu mệnh” của Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế, được nhường ngôi ở chùa Kim Chương (thật ra là ép Duệ Tông nhường ngôi)... Nhưng sau đó Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế chạy xuống Long Xuyên đạo (Cà Mau) còn Mục Vương chạy về Ba Vát (Bến Tre) đều bị quân Tây Sơn vây bắt đem về Bến Nghé giết hết. Đây là hành động hết sức sai lầm về chiến lược của Tây Sơn vì khiến dân Nam Bộ chỉ tập trung sự ủng hộ duy nhất một người là Nguyễn Ánh.
Chùa Kim Chương cách trấn lỵ về phía Tây Nam chỉ hơn 7 dặm, ở phía Bắc của đường cái quan. Ở giữa là điện thờ Phật, trước sau có Đông Tây đường. Sơn môn phương trượng, nhà chứa kinh, hương viên và nhà ăn đều chạm trổ, sơn son, thếp vàng trang nghiêm đẹp đẽ. Phía Bắc chùa có dòng suối nước ngọt ngầm, bốn mùa chảy rịn thấm ướt cả đường đi. Năm Ất Hợi (1755) đời Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát năm thứ 18, có nhà sư Đạt Bản từ Quy Nhơn vân du, dừng gậy trụ lại chùa này, được vua ban tấm biển đề là “Sắc tứ Kim Chương tự”. Đạt Bản viên tịch, truyền lại cho đồ đệ là Quang Triệt. Năm 1775, chùa lại được ban sắc tứ một lần nữa. Quang Triệt tịch, Quang Trạm nối pháp. Quang Trạm tịch, Quang Tuệ nối theo. Năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), Phó tướng Thần Võ quân Trần Nhân Phụng vâng di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để trùng tu và sửa sang kinh tạng, trống chuông cho thêm phần trang nghiêm. Hiện nay đây là ngôi chùa có tiếng của Gia Định.
3) Chùa Giác Lâm: Chùa ở trên gò Cẩm Sơn, cách Lũy Bán Bích về phía Tây 3 dặm. Gò chùa này như đống vàng bỗng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thẳng cả trăm dặm, giống như bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng 3 dặm, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú. Mùa Xuân năm Giáp Tý (1744) đời Thế Tông năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, đến ngày Thanh minh, Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách kết đoàn năm ba người đến đây mở tiệc thưởng hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa đời thường bụi bặm xa cách khỏi tầm mắt, thật là một nơi đáng du lịch và thưởng ngoạn. Gần đây có Viên Quang đại lão Hòa thượng, đời thứ 36 thuộc phái Lâm Tế chính tông, mật hạnh kiên trì, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành ngày càng tinh tấn, lại có tánh yêu cảnh sương khói suối khe, ít khi để chân đến chốn thị thành huyên náo. Từ khi ngài đến đây dừng trụ, trong núi dứt phiền não, dưới rừng lộ chùa chiền. Năm Gia Long thứ 16 (1817) ngài, mở Đại giới đàn, từ đó thiện nam, tín nữ quy y rất đông, mà sơn môn lại thêm phần khởi sắc.
Ngài và Trịnh Hoài Đức là bạn đồng tu khi còn nhỏ. Sau đó hai người chia tay, đạo đời đôi ngả. Ngài trở thành vị đại lão Hòa thượng trụ trì chùa Giác Lâm, còn Trịnh Hoài Đức làm An Toàn hầu, Thượng thư Bộ Lại, Phó Tổng trấn thành Gia Định. Một bữa nọ, Trịnh Hoài Đức đi dạo mé Tây thành bỗng gặp lại người xưa tại cổng chùa Giác Lâm bèn tặng Hòa thượng Viên Quang một bài ngũ ngôn cổ thi mà chúng tôi xin phiên âm và tạm dịch như sau:
Ngũ ngôn cổ từ thi vân:Ức tích thái bình thìLộc động phương thạnh mỹThích Ca giáo hưng sùng Lâm ngoại tổ phú quýNgã vi thiêu hương đồngSư tác trì giới sĩTuy ngoại phân thanh hoàngNhược mật khế tâm chiPhong trần thức lương bằngThế giới nhập ngạ quỷBình ngạnh nhiệm phù trầmBào ảnh đẳng sanh tửYêm tứ thập dư niênHoảng thuấn tức gian sựTây giao thích nhàn hànhSơn môn ngẫu tương trịNgã Hiệp biện trấn côngSư đại Hòa thượng vịChấp thủ nghĩ mộng hồnĐàm tâm tạp kinh quýVãng sự hà túc luậnĐại đạo hiệp như thị(Khâm sai Lại bộ Thượng thư thành Gia Định, Hiệp biện Tổng trấn sự, An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai đề).
Thơ năm chữ cổ từ rằng:
Nhớ thuở xưa thái bình
Đồng Nai vừa thạnh mỹ
Đạo Phật được hưng sùng
Ông ngoại Lâm phú quý
Ta là điệu đốt hương
Sư làm trì giới sĩ
Tuy ngoài phân xanh vàng
Mà mật khế tâm chí
Gió bụi hiểu bạn hiền
Thế giới vào ngạ quỷ
Bèo ngạnh mặc nổi chìm
Bọt bóng cứ tùy ý
Trải đã bốn mươi năm
Như phớt qua chốc tí
Mé tây chợt rảo bước
Cổng chùa bỗng gặp "nị"
Ta nay Phó Tổng trấn
Sư Đại Hòa thượng vị
Cầm tay ngẩn ngơ hồn
Nỗi lòng biết nói chi
Chuyện qua nào đáng kể
Đạo lớn nên như thế
(Khâm sai Lại bộ Thượng thư, giữ chức Phó Tổng trấn thành Gia Định, An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai đề).
III. Trấn Hà Tiên
1) Chùa Địa Tạng: Chùa tọa lạc trên núi Địa Tạng. Núi có tên Địa Tạng là lấy theo tên chùa. Núi ở về phía Bắc của trấn thành, cách núi Phù Dung 5 dặm. Chùa Địa Tạng công đức trang nghiêm, ai vào cửa chùa cũng thấy tắt hẳn niềm tục lụy, thật là cảnh giới làm bậc thang để đến non Thúy. Đây là cảnh “Tiêu tự hiếu chung” (Chuông mai chùa vắng), là một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên.
2) Chùa Bạch Tháp: Chùa này do nhà sư ở Quy Nhơn là Đại Hòa thượng Hoàng Long vân du dừng gậy tu hành. Đến năm thứ 13 đời Túc Tôn Hiếu Ninh hoàng đế là năm Đinh Tỵ (1737), Đại Hòa thượng Hoàng Long viên tịch, đồ đệ của Ngài xây tháp bảy cấp để trân tàng xá lợi thầy. Mỗi khi đến tiết Tam nguyên và Phật đản, thì sáng có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh cúng quả, cả hai lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền, nghe kinh, đáng gọi là cõi Tịnh độ tiêu sái của vườn Kỳ vậy.
3) Chùa Lũng Kỳ: Chùa này tọa lạc bên mé sông do Tổng binh Mạc Cửu xây nên. Nguyên trước đó vì không phòng bị nên khi quân Xiêm tấn công Hà Tiên, Mạc Tổng binh đánh không lại phải chạy đến Lũng Kỳ. Người vợ của Mạc Cửu là Bùi Thị Lẫm đang có mang gần ngày khai hoa nở nhụy. Đêm mồng bảy tháng Ba, bà đang ở trong thuyền trên sông bỗng có hào quang chiếu sáng, lần theo dấu thấy tượng Phật vàng cao bảy thước ta dọi sáng đáy sông thì hạ sanh Mạc Thiên Tứ. Đến sáng cho người khiêng lên nhưng cả ngàn quân binh cũng xê dịch không được bèn cất chùa nơi sông để thờ.
4) Chùa Quán Thế Âm ở đảo Đại Kim: Chùa do Ni cô Tống Thị Sương (không biết pháp danh là gì) lập nên, thờ Đức Quán Thế Âm. Nguyên vào đời Mạc đô đốc có cô gái tên Tống Thị Sương là con gái nhà giàu, tuổi vừa cập kê, nữ công tuyệt xảo. Mai mối tới lui nườm nượp nhưng cô không ưng, chỉ nói đợi có Phật dạy thì mới kết nhân duyên. Cha mẹ không hiểu ý nhưng cũng miễn cưỡng nghe theo... Lúc ấy có vị Tăng tên Ngộ Chân tu hành nghiêm túc, chỉ niệm Phật hiệu chớ không học kinh điển, không ăn vật hôi tanh và ngũ cốc mà chỉ ăn rau quả mỗi ngày một bữa, lại có nhiều phép lạ, người ta quen gọi là “Thái Tăng” tức thầy Tăng chỉ ăn rau. Bữa nọ sư đi ngang qua ngõ thấy Tống Thị Sương phơi áo lót bèn hớn hở vào năn nỉ hỏi xin, bảo là để nguyện cúng dường Phật. Khi ấy mẹ cha cô Sương chửi mắng đuổi đi, cô ra khuyên giải mãi mới yên chuyện. Thầy Ngộ Chân cười lớn một tiếng rồi đi thẳng. Từ đấy cô phát lòng từ bi, miệng thường niệm Phật, nguyện bỏ hết việc đời, xuống tóc đi tu, hầu Đức Bồ tát Quán Thế Âm ở thế giới Cực Lạc. Gia đình khuyên bảo mãi mà không được, bất đắc dĩ phải cất cái am ở phía trái đảo Đại Kim cho cô tu hành. Cô Sương vui mừng đến đó tu niệm, thêu bức tượng Quán Thế Âm Đại sĩ to bằng người thật, đặc biệt mỗi lần đâm mũi kim xuống mặt vải là cô niệm Phật một tiếng rồi mới rút mũi kim, cho nên phải trải qua ba tháng mới thêu xong, sắc thái bức tượng thật linh động như vị Phật sống, các danh họa đều không bì kịp.5) Chùa Tam Bảo: Chùa tọa lạc phía sau trấn thự, cảnh chùa rộng rãi, tượng Phật to lớn. Chùa do Tổng binh Mạc Cửu xây dựng từ buổi đầu. Mẹ Tổng binh ngoài tám mươi tuổi ngày ngày tại Lê Quách (Quảng Đông) tựa cửa trông con tha thiết. Mạc Cửu cho người đem thuyền rước từ Lôi Châu (Trung Quốc) vượt biển đến Hà Tiên để phụng dưỡng. Thái phu nhân rất mộ Phật, lòng tin thật thành kính. Nhân ngày lễ tắm Phật, Thái phu nhân vào chùa chiêm bái cúng dường, trong khoảnh khắc bỗng hóa luôn tại điện Phật. Mạc Cửu theo lễ chôn cất trọng hậu tại Bình Sơn, rồi đúc tượng mẹ bằng đồng thờ trong chùa này, đến nay tượng hãy còn.Nói chung, Tăng đồ ở trấn Hà Tiên hay vào đất Việt bên Trung Quốc, đến chùa Hải Tràng để tìm người giải chính xác quan điểm Thiền Nam Đốn của Lục Tổ Huệ Năng, cho nên pháp giới và kinh điển tụng tán đúng tông chỉ thiền môn được thời ấy coi là tuyệt diệu phong cách.Cũng xin nói thêm, chùa Hải Tràng là một trong 8 cảnh đẹp của Dương Thành (Quảng Châu) ở Quảng Đông. Tương truyền đất này là di chỉ của chùa Thiên Thu thời Hán triều. Vào năm Khang Hy thứ 18 nhà Đại Thanh, Thượng Khả Hỉ xuất tiền trùng tu điện Thiên Vương. Vợ ông trùng tu Đại Hùng bửu điện. Tổng đốc Hứa Nhỉ Hiển trùng tu điện hai bên chái và gác sau, Tuần phủ Lưu Bỉnh Quyền dựng sơn môn. Do đó mà phạm vi của chùa nới ra hết sức rộng rãi. Trong chùa trồng nhiều kỳ hoa dị thảo, đại thọ, trong đó cây ưng trảo là một trong những cây quý. Lại có nhiều cụm đá hình thù quái dị như Thái hồ thạch, Vân đầu vũ cước, và Mãnh hổ hồi đầu. Tứ Đại Kim Cương trong chùa là những tượng đắp trứ danh, mỗi tượng cao 20m, khí phách hùng vĩ, hiếm có tượng nơi nào sánh bằng. Chùa có nhiều danh tăng uyên thâm Phật lý, triệt xiến chỉ ý Thiền tông.
Lý Việt Dũng
Bị chú
Phụ chép lời khẩu thuyếtĐồng Nai là một tên của trấn Biên Hòa, mà chợ Đồng Nai lại ở phía Nam hạ lưu sông Phước, có cái thổ trấn độ 8 dặm, khởi lên làm trước là đồng nội cho nai hươu ở. Tiếng Việt ngữ gọi là Đồng Nai, chữ Hán gọi là Lộc Dã, lại gọi là Lộc Động.Đất Gia Định có 5 trấn khác nhau: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Ở trong trấn ấy xứ sở danh mục vẫn cũng nhiều, mà thổ nhãn thường nói thì chỉ gọi đất Biên Hòa là Đồng Nai, Bà Rịa; gọi đất Phiên An là Bến Nghé, Sài Gòn; gọi đất Định Tường là Vũng Gù, Mỹ Tho; gọi đất Vĩnh Thanh là Long Hồ, Sa Đéc; gọi đất Hà Tiên là Cà Mau, Rạch Giá. Ấy là lấy tên chỗ lỵ sở hoặc chỗ nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu, nói tổng quát đại khái mà không phải thuật kỹ những chỗ nhỏ mọn linh tinh.Còn như Gia Định mà xưng là Đồng Nai tất nhiên cũng có sở cứ, từ Gia Định bắt đầu khai thác tự chỗ Đồng Nai, cho nên người đời trước có ý nói một cách toàn thể, như cử cái gốc thì tóm được cả cái ngọn, xách chỗ đầu thì kéo được cả cái đuôi, bèn tổng xưng là Đồng Nai; nay hoặc cứ tập gọi theo mà không xét cho rõ, người bản xứ gọi bừa là Đồng Nai thì người biệt hạt cũng nghe theo là Đồng Nai, chẳng biết rõ ràng. Kịp khi gặp việc cử hành, trong lúc nghị luận hoặc phỏng vấn, thì mờ mịt chẳng biết xứ sở tông tích đâu là đâu cả, như vậy là thường có lắm.Từ lúc Tây Sơn chiếm cứ, Thế Tổ Cao hoàng đế đem binh Đồng Nai thu phục Xuân Kinh, lược định Bắc Hà, quét sạch giặc biển, bình 3 đại địch, từ đấy cái tên Đồng Nai mới tràn khắp trong nước. Rồi đến mùa Thu năm Nhâm Tuất (1802) là năm đầu Gia Long, nước ta qua cống Đại Thanh, đã thấy sử sách Trung Quốc chép người Đồng Nai là người Nông Nại thì cái tên ấy lại càng biểu dương với thiên hạ. Tuy nhiên danh hiệu xưa nay xưng hô có khác, nhưng nguyên ủy thay đổi dị đồng cũng cần phải biết rõ vậy.
http://www.giacngo.vn/tulieu/chuavntrongnuoc/2008/03/28/56C611/
Kim Chương Tự - ngôi chùa lịch sử của đất Gia Định
Hai ngôi chùa cổ của trấn Phiên An được tác giả Gia Định thành thông chí khảo tả là Giác Lâm tự và Kim Chương tự. Kim Chương tự là ngôi chùa gánh lấy hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất Gia Định. Lúc được coi là ngôi “đại bửu sát”, lúc chỉ còn là ngôi chùa lá nhỏ hoang tàn ở ven Đồng Tháp Mười. Giờ đây, những gì còn lại ở đó là những di vật quý hiếm của lịch sử, của lịch sử Phật giáo, của lịch sử mỹ thuật đất Gia Định xưa...
1. Chùa Kim Chương
“Ở phía Tây Nam trấn hơn 4 dặm, về phía Bắc quan lộ. Ở giữa là Phật điện, trước sau có Đông Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất, hương viện, và phạn đường chạm trổ tô sơn, tốt đẹp rộng cao, phía Bắc chùa có suối nước ngọt bốn mùa dưới đất chảy tràn ra ướt dầm cả đường đi. Năm Ất Hợi (1755), đời vua Thế Tông năm thứ 18 (Nguyễn Phúc Khoát) có thầy Tăng ở Qui Nhơn là Đạt Bản hòa thượng đến lập chùa ở đây, được vua ban cho tấm biển đề là “Kim Chương tự”.
Khi Đạt Bản mất, truyền lại cho đồ đệ là Quang Triệt. Năm Ất Mùi (1775), Hòa nghĩa đạo Lý tướng quân lập chúa Mục vương (Nguyễn Phúc Dương) tại đây, lại sắc ban một lần nữa. Quang Triệt mất, Quang Trạm kế, Quang Trạm mất, Quang Tuệ nối. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Gia Long 12 (1813), Thần võ quân Phó tướng Trần Nhân Phụng vâng theo di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để trùng tu chùa và chỉnh lý những kinh tạng, trống chuông cho thêm vẻ trang nghiêm. Hiện nay là một đại bửu sát (ngôi chùa danh thắng) ở Gia Định”(1).
2. Chú thích đôi điều
a. Điều lưu ý trước nhất là tên chùa: chùa Kim Chương trong Đại Nam nhất thống chí (biên soạn hồi 1865-1882)(2) gọi là chùa “Thiên Trường” và được sắc tứ là “Phổ Quang Thiên Sơn tự” và trong Bản đồ thành Gia Định (do Trần Văn Học vẽ năm 1815)(3) lại ghi là chùa “Kim Chung”.
b. Về địa điểm tọa lạc của chùa Kim Chương, “ở phía Tây Nam trấn hơn 4 dặm, về phía Bắc quan lộ” nay là khoảng ngã tư Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh, đại thể là nơi chùa Lâm Tế ngày nay. Quan lộ là đường đi nối liền vị trí này về miền Đông Nam Bộ ra Trung, Bắc và hướng kia về miền Tây Nam Bộ. Vị trí chùa Kim Chương như vậy là tọa lạc ở khu vực lỵ sở của trấn Phiên An, tức dinh trấn. Trấn thủ dinh hồi sau 1698 (khi Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập phủ Gia Định), kiêm luôn tri huyện Tân Bình và tri phủ Gia Định, lấy đồn dinh (dinh hiểu là doanh trại) “làm chỗ cho quan tham mưu cư trú” đóng ở “chợ Điều Khiển”.
Điều khiển là chức quan được đặt ra sau năm 1731 có nhiệm vụ thống lãnh toàn bộ lực lượng quân đội các trấn để đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên khổn. Trương Phước Vĩnh được chúa phong cho chức Điều khiển đó, đặt nha thự ở phía Nam dinh trấn. Chợ Điều khiển gần dinh quan Điều Khiển nên được gọi tên như vậy. Chợ này nằm trên đường quan lộ (Nguyễn Trãi) và tọa lạc khoảng giữa ngã sáu Phù Đổng với chợ Thái Bình.
Chùa Kim Chương như vậy là ngôi chùa được xây dựng ở khu vực gần lỵ sở của dinh trấn và gần chợ Điều Khiển. Xét các dữ liệu khác từ Gia Định thành thông chí thì chùa nằm trong khu vực phát triển. Ngoài chợ Điều Khiển, chệch qua bên phía bên kia là chợ Tân Kiểng (718/10, đường Trần Hưng Đạo, P.2, quận 5): “chợ phố trù mật, thường năm đến ngày Tết Nguyên đán, có cuộc chơi vân xa và đu tiên, đáng gọi là một chợ lớn”(4). Các dữ liệu này chỉ ra Kim Chương tự là ngôi chùa của chốn thị thành chứ không phải là ngôi sơn tự.
c. Lại cũng ở vùng chợ Tân Kiểng, năm 1770, có con hổ dữ “đi lạc” vào nhà dân kêu gào dữ tợn. Đồn dinh phái binh lính đến vây bắt, nhưng hổ dữ không ai dám xúc phạm đến. Qua ngày thứ ba có “nhà sư vân du là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào bắt hổ cho dân”. Hồng Ân bị hổ vồ chết. Trí Năng tiếp viện đánh trúng đầu hổ chết. Người tại chợ cho Ân là có nghĩa khí, đem an táng tại chỗ đấy, rồi xây tháp(4).
Nay tháp không còn nhưng còn bài vị “Cậu Ân” thờ trong đình Tân Kiểng. Dẫn lại sự kiện này từ Gia Định thành thông chí để nêu ra giả định rằng phải chăng chùa Kim Chương là nơi lui tới của các nhà sư vân du từ nơi khác đến đất Gia Định. Ở đây cũng không loại trừ, hai thầy trò Hồng Ân và Trí Năng vốn trước đó đã tá túc nơi Kim Chương tự. Ở đó, họ nghe được tin cọp dữ hại người bèn xách côn ra chợ đánh cọp. Cũng không loại trừ họ là các nhà sư đồng hương Qui Nhơn của Đạt Bản hòa thượng, Tổ khai sơn của Kim Chương tự, bởi lẽ như Gia Định thành thông chí miêu tả thì Hồng Ân và Trí Năng là hai nhà sư võ nghệ cao cường, đó là cái sở đắc đặc biệt của dân Bình Định.
d. Chùa Kim Chương liên tục được chúa ban biển, sắc tứ và được Cao hoàng hậu để lại di chỉ ban một vạn quan tiền để trùng tu nhà chùa, chỉnh lý kinh tạng, trống chuông. Điều này cho thấy đây là một trong ngôi chùa công/quan tự của thời đó. Việc chúa Nguyễn Phúc Khoát ban tấm biển “Kim Chương tự” cho chùa vốn bắt nguồn từ “truyền thống” của các đời chúa trước, chẳng hạn như trường hợp “Sắc tứ Hộ Quốc tự” (1734), “Sắc tứ Vạn An tự” (1710) ở Trấn Biên.
Điều này cho thấy cho đến trước khi Gia Long lên ngôi, các chúa Nguyễn còn tuân thủ chủ kiến “Nho Thích song hành”, tức Nho giáo chưa thật sự trở thành chính thống. Chính vì vậy, các chúa Nguyễn khi loạn lạc, ngay cả Nguyễn Ánh khi còn bôn tẩu, đều lấy chùa làm nơi nương náu. Nguyễn Phước Thuần và Nguyễn Phước Dương chạy vào Gia Định đã tá túc ở chùa Kim Chương và chuyện phế lập do Lý Tài dàn dựng cũng diễn ra ở đây.
Do vậy nên Mục vương Nguyễn Phước Dương lại sắc tứ cho chùa. Nói chung, bị quân Trịnh rồi Tây Sơn tấn công, Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần rút chạy vào Gia Định, rồi bị áp lực của Lý Tài phải nhường ngôi chúa cho Mục vương Nguyễn Phước Dương (Tân Chính vương). Rốt cục, hai năm sau, cả hai đều bị Tây Sơn bắt giết. Các phe phái chống Tây Sơn lần lượt hợp nhất dưới ngọn cờ của Nguyễn Ánh từ năm 1778. Lịch sử Gia Định bước vào thời kỳ nội chiến Nguyễn Ánh - Tây Sơn, Nho giáo cũng được hưng khởi dần thành hệ ý thức chính thống của Nguyễn Ánh trong quá trình tiến về Phú Xuân, rồi Thăng Long.
3. Nước mất chùa tan
Đầu năm 1858, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định và bắt đầu mở rộng phạm vi chiếm đóng. Lật lại các bản đồ chiến sự 1860-1861, chúng ta thấy Pháp chiếm các ngôi chùa cổ để thiết lập cái gọi là “phòng tuyến chùa chiền” (lignes des pagodes) để chống lại các cuộc tấn công của quân ta.
Bắt đầu từ phía Tây thành Gia Định vào Chợ Lớn, phòng tuyến gồm các chùa: 1/ Pagode avancée (còn gọi là pagode Barbé, tức chùa Khải Tường; 2/ Pagode des mares; 3/ Pagode des Clochetons; 4/ Pagode Chinoise (hay pagode Cây Mai)… Nói chung, giặc Pháp chiếm hầu hết các chùa làm đồn, rồi sau đó phá hủy cốt để xóa “dấu vết cựu trào” và cũng để gạt bỏ các “di tích ngoại đạo”. Nói cách khác, làm một công để đạt cả hai việc: chính trị và văn hoá-tín ngưỡng.
Trong danh sách các chùa trên, ngôi chùa được thực dân Pháp gọi là “Pagode des mares” (chùa ở nơi có nhiều “ao vũng”, sau này gọi là thành Ô-Ma) là khu vực có chùa Kim Chương và đền Hiển Trung. Đền Hiển Trung xây dựng năm 1795, trùng tu năm 1804 để thờ các công thần đã từng theo giúp Nguyễn Ánh, trong đó đứng đầu là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Đó là một di tích cựu trào nên trước sau gì cũng cần phá bỏ - theo quan điểm của kẻ xâm lược.
Còn chùa Kim Chương vốn là ngôi quan tự nên năm 1859, khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, đã được Tăng chúng cấp tốc tháo dỡ và chở tượng Phật rút về “vùng căn cứ” của quân đồn điền: nay thuộc xã Mỹ Thiện (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ở đây, về sau, chùa đổi tên là chùa Hội Thọ. Trải qua bao cuộc chiến và thời gian đến nay, chùa bảo lưu được một số bài vị Tổ và Phật tượng của Kim Chương tự. Nhờ các bài vị tổ mà chúng ta biết được đó là “hậu thân” của ngôi đại bửu sát của xứ Nam Trung hồi thế kỷ XVIII và các Phật tượng ở đây là di tích mỹ thuật của đất Gia Định được tạo tác cách nay chí ít gần 200 năm.
4. Di vật còn lại
Tập hợp các di tượng ở đây có hai loại: tượng làm bằng đất sét và tượng gỗ. Tượng đất sét được tạo tác bằng kỹ thuật đắp tượng rỗng - gọi chung là tượng nê tố - khá công kỹ, từ kiểu thức lẫn đường nét hoa văn trang trí. Tuy hiện nay không còn lành lặn, nhưng những gì còn lại cho thấy tượng được tạo tác bằng kỹ pháp chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc về qui phạm đồ tượng học Phật giáo. Chính ở chất liệu và kỹ pháp tạo hình của tượng nên đây là di tượng có giá trị lịch sử mỹ thuật thuộc loại quý hiếm cần được bảo tồn.
Tượng gỗ ở đây hiện còn: 1/ Phật Thích ca sơ sinh; 2/ Địa Tạng Vương Bồ tát; 3/ Bộ tượng Thập điện Minh vương; 4/ Bồ Đề Đạt Ma; 5/ Tiêu Diện Đại sĩ. Nhìn chung, đa phần các tượng gỗ này được tạo tác do các thợ điêu khắc gỗ có tay nghề cao, đạt được trình độ chuyên nghiệp. Điều này thể hiện rõ ở thế dáng đăng đối, trang nghiêm, biểu thị oai nghi của các loại tọa thức và mặt khác, trình độ tạo tác cũng thể hiện ở việc xử lý nhân diện tượng: có chú ý đến những khác biệt về tuổi tác (già/ trẻ), phong thái (trang nghiêm / thư thái) v.v…trong mỗi tượng của bộ Thập điện Minh vương.
Ở đây chúng ta dễ nhận ra nét tĩnh lự ở tượng Bồ Đề Đạt Ma và nét sinh động của tượng Địa Tạng Vương Bồ tát được tạc trong tư thế “kỵ thú” với tọa thức thanh nhàn đế vương (Raja lilasana) và thức thí vô úy ấn (Vitarka-mudra). Nói cách khác, việc xử lý thế dáng tượng bằng cách chọn lựa toạ thức, ấn quyết như vậy ắt phải được thực hiện bởi người nghệ nhân già dặn về tay nghề và có một tri kiến nhất định về đồ tượng học Phật giáo.
Ở một mức độ dè dặt nhất định, khi so sánh với tượng Phật gỗ do vua Minh Mạng dâng cúng cho Quốc Ân Khải Tường tự năm 1832(5), chúng ta có thể đồ rằng, tượng Phật gỗ của Kim Chương tự này là do nghệ nhân ở kinh đô Phú Xuân tạo tác. Đoán định này cũng căn cứ trên kết quả nghiên cứu về các thế hệ tượng gỗ ở xứ Gia Định :thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, ở Gia Định chưa có đội ngũ nghệ nhân tạc tượng Phật gỗ đạt trình độ chân phương và nghiêm túc như vậy.
Nói chung, Kim Chương tự là ngôi chùa gánh lấy hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất Gia Định. Lúc được coi là ngôi “đại bửu sát”, lúc chỉ còn là ngôi chùa lá nhỏ hoang tàn ở ven Đồng Tháp Mười. Giờ đây, những gì còn lại ở đó là những di vật quý hiếm của lịch sử, của lịch sử Phật giáo, của lịch sử mỹ thuật đất Gia Định xưa. Chúng cần có được một chế độ bảo quản đặc biệt cho đời sau.
Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc

Chùa THẬP THÁP DI ĐÀ: một di tích danh thắng miền Trung
Chùa Thập Tháp nằm giữa một vùng quê cách trung tâm TP.Quy Nhơn khoảng 30km về phía Bắc, thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngôi chùa cổ kính này do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập. Theo văn bia tại chùa ghi lại, vào năm 1665 Thiền sư Nguyên Thiều theo chân các nhà buôn Trung Hoa đến xứ Đàng Trong, vào thủ phủ Quy Ninh (nay là tỉnh Bình Định). Tại đây, ngài đã lập ngôi chùa nhỏ để tham thiền và hoằng dương Phật pháp. Năm 1680, chùa chính thức được xây dựng quy mô lớn lấy hiệu là “Thập Tháp Di Đà tự”. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), chùa được vua sắc phong Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự, tính đến nay đã trên 300 năm tuổi.
Tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, phía Bắc thành Đồ Bàn cũ nên toàn cảnh chùa Thập Tháp trông rất nên thơ và hùng vĩ. Từ kiến trúc cho đến cảnh quan thiên nhiên, tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mặc sống động. Trước cổng chùa là hồ sen rộng 500m2, quanh năm sen nở thơm ngát một vùng. Sau lưng chùa được bao bọc bởi chi lưu sông Kôn, phía Bắc là sông Bàn Khê. Bước vào tam quan, mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời dường như khép lại, du khách như thể tận hưởng một luồng khí ấm ấp từ những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Trước chùa là một khoảng sân rộng trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ. Chùa có kiến trúc hình chữ Khẩu, mái lợp ngói âm dương, chia thành bốn khu vực: chánh điện, phương trượng, Đông đường và Tây đường. Các khu này nối liền nhau bằng một khoảnh sân trong gọi là “giếng trời”. Chánh điện là công trình chính, kiến trúc theo kiểu nhà rường, gồm ba gian hai chái được kết cấu bởi 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Những đoạn trích cấu tạo kiểu giá chiêng, hai đầu chạm hoa cuộn. Bên trong chánh điện bài trí khám thờ. Ngoài kiến trúc bên trong, chùa Thập Tháp còn làm du khách ngỡ ngàng đến khâm phục khi chiêm ngưỡng khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc của nhiều thời đại khác nhau. Tất cả đều xây dựng từ thế kỷ XIX-XX. Nét độc đáo của từng ngôi tháp được thể hiện qua những tầng mái cong vút và những nét chạm trên thân tháp.
Như nhiều ngôi chùa ở Đàng Trong, chùa Thập Tháp thờ Tam thế Phật, tả hữu thờ Tôn giả A Nan, Ca Diếp được tôn trí trong khám thờ cao 5m, bên trên chạm hoa văn “lưỡng long triều nguyệt”, hai bên khám trang trí long phượng cách điệu. Hai bên chánh điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát và Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Đặc biệt là các pho tượng Thập bát La hán và Thập điện Minh vương bài trí hai bên hông chánh điện. Đây thực sự là những tác phẩm không chỉ độc đáo về nghệ thuật mà còn mang nét dung dị của đời thường. Từng nụ cười, ánh mắt của mỗi pho tượng đều hàm chứa những triết lý về cõi nhân sinh, cuộc sống và sự vĩnh hằng. Ngoài những bức hoành phi, bao lam, tủ thờ, bàn ghế được chạm khắc, cẩn xà cừ công phu tỉ mỉ, chùa còn lưu giữ đôi câu đối do chính chúa Nguyễn Phúc Chu viết tặng năm 1691; bức hoành phi của vua Minh Mạng ban tặng và bộ kinh cổ làm bằng giấy khổ lớn, chữ to bằng đầu ngón tay út. Được biết, bản kinh cổ này do Thiền sư Nguyên Thiều thỉnh từ Trung Hoa sang lúc phụng mệnh chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ XVII. Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lịch sử, văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
Trong tất cả các chùa chiền ở miền Trung Việt Nam được xây dựng vào thời Lê-Nguyễn thì chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là ngôi chùa cổ thuộc phái thiền Lâm Tế. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dù cái cũ và mới đan xen nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa. Năm 1990, chùa Thập Tháp Di Đà được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, chùa đón tiếp hàng ngàn Phật tử và du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái.
Đây là một số hình ảnh của ngôi Chùa

Mặt tiền chùa Di Đà Thập Tháp
Hồ Sen trước mặt tiền Chùa
Bộ tượng A La hán
http://www.giacngo.vn/tulieu/chuavntrongnuoc/2008/03/24/52D659/
CHÙA QUỐC ÂN: Dấu ấn văn hóa Phật giáo xứ Đàng trong
Mặc dầu không danh tiếng như những quốc tự ở xứ Huế như chùa Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế, Giác Hoàng... nhưng chùa Quốc Ân lại là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô. Đặc biệt là cho đến ngày nay, chùa Quốc Ân vẫn còn bảo lưu được nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, mục Chùa quán ghi về chùa Quốc Ân: “Ở ấp Lương Cải, xã Phú Xuân, huyện Hương Thủy. Tương truyền, chùa do Hoán Bích thiền sư dựng, bản triều Hiển Tông cho hai câu đối, phía tả câu đối khắc tám chữ “Quốc vương Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề, nay vẫn còn. Phía dưới chùa có tháp Phổ Đồng, cũng do Hoán Bích thiền sư dựng. Đầu đời Gia Long, Mật Cương hòa thượng sửa lại”.
Hoán Bích là pháp tự của Tổ sư Nguyên Thiều, người ở Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc sang hoằng hóa ở Việt Nam vào năm 1665 ở tại phủ Quy Ninh (nay là Bình Định) lập chùa Thập Tháp-Di Đà. Vào khoảng năm 1683-1684, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) Tổ Nguyên Thiều ra Phú Xuân ở xứ Thuận Hóa dựng chùa Vĩnh Ân (nay là Quốc Ân) tại chân đồi Hòa Thiên phía trái núi Ngự Bình nay thuộc phường Trường An, Huế. Thời ấy, chùa Quốc Ân là một ngôi tổ đình danh tiếng bậc nhất và có vai trò lịch sử rất quan trọng đối với Phật giáo xứ Đàng Trong...
Chùa trải qua nhiều lần trùng tu theo sự thăng trầm của thế cuộc. Vào năm 1786 chiến sự giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn nổ ra, chùa Quốc Ân bị tàn phá rất nặng nề, trong đó đặc biệt nhất là ngôi tháp Phổ Đồng đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa chỉ lưu giữ được một số bia ký, văn khế và một số tượng khí, pháp khí. Đến năm 1806, khi Long Thành Thái trưởng công chúa cúng 300 quan tiền thì chùa mới được tu sửa. Minh Mạng năm thứ 3 (1822), Hòa thượng Mật Hoằng dâng sớ xin trùng tu chùa Quốc Ân được nhà vua cấp 500 quan tiền và các vật dụng. Trong đợt trùng tu này, chùa xây dựng lại chánh điện, chú tạo lại tôn tượng Phật A Di Đà, tổ đường và long vị chư Tổ... Năm 1851, Hòa thượng Từ Hòa-Liễu Triệt tiếp tục trùng tu và dựng cổng tam quan. Sau đó ít lâu, chùa được Thái trưởng công chúa cúng dường 400 quan tiền, Hòa thượng Liễu Chơn tu tạo tượng Phật Thích Ca và Di Lặc...
Mặc dầu chùa Quốc Ân đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng điều đặc biệt và đáng được quan tâm hơn hết là cứ mỗi lần trùng tu là mỗi lần để lại cho chùa những dấu ấn văn hóa Phật giáo tương ứng với các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Vì vậy, chùa Quốc Ân ngày nay có thể nói là một trong những ngôi tổ đình ở Huế còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa xưa quý nhất của Phật giáo xứ Thuận Hóa.
Điển hình nhất là lối kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hóa xưa. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay. Như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Gian bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên là Hộ pháp, phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường), các tượng khí này đều do Tổ Nguyên Thiều mang đến từ Trung Hoa. Hậu liêu thờ chân dung Tổ Nguyên Thiều và nhiều long vị của chư tổ và chư vị trú trì kế thế... Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký...
Ngày nay, đến chiêm bái tham quan chùa Quốc Ân, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và xứ Thuận Hóa nói riêng. Cũng chính vì lẽ đó, ngày 8-10-1993 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định số 1046 bảo vệ chùa Quốc Ân.

Tòan cảnh chùa Quốc Ân
Chánh điện
Nơi tổ đường thờ Tổ Nguyên Thiều
Khánh đồng thời Minh Mạng
Ban thờ Quan Thánh đế quân
Thờ thập điện Diêm vương
http://www.giacngo.vn/tulieu/chuavntrongnuoc/2008/03/24/56D451/

No comments:

Post a Comment