Wednesday, July 22, 2009

Kiến trúc Việt Nam(37)

Cũng như con người, đô thị thường sực nhớ đến tuổi tác của mình khi xuân đến, lúc chẵn năm, ngoài việc phô ra bên ngoài cái hình thể, diện mạo của mình thì từng góc phố, từng ngôi nhà, đến cả các chi tiết kiến trúc đều ẩn chứa trong đó một số phận. Và chính những cảnh đời đó đan xen, chồng chất để hun đúc lên tuổi của đô thị.
Giống như con người khi đến dịp sinh nhật hay diện quần áo mới đẹp, đô thị có lẽ cũng thường chỉnh trang thay đổi sắc diện. Đến dịp này người ta chỉ mong muốn kéo lại những gì thời gian đã lấy mất, còn đô thị thì lại mong tìm kiếm dấu vết, khắc ghi từng quãng đời của mình. Chính lớp lớp dấu vết đó lan toả rồi bồi lắng để đọng lại làm dày hơn tầng văn hóa kiến trúc đô thị.
Tuy nhiên, trên thực tế có lúc, có nơi tuổi của đô thị không tỷ lệ thuận với chiều dày tầng văn hóa kiến trúc đô thị, nó phụ thuộc nhiều vào nhận thức và cách ứng xử của chúng ta, của các thế hệ. Rất có thể những ngôi nhà ở chúng ta đang xây dựng ngày hôm nay đến lúc nào đó sẽ bị đập bỏ vì hư hỏng, hết niên hạn sử dụng, quá lỗi thời hay được giữ lại như một mẫu hình về sự cư trú ở đô thị. Rất có thể những khu đô thị chúng ta đang tạo dựng ngày hôm nay sẽ bị chối bỏ, san phẳng để xây những khu đô thị tầng bậc hay trở thành di sản đô thị của các đời sau. Rất có thể những đồng ruộng đang bị thôn tính, hồ ao đang bị lấp đi để xây dựng nhà cửa, những dòng sông bị cống hóa ngày hôm nay sẽ được trả lại, kiến tạo thành những công viên, vườn hoa, khơi lại ao hồ, dòng sông cảnh quan... Trong sự phát triển của đô thị tất cả những điều trên đều có thể, nhưng có một thứ mà khi ta đã lấy lên, hoặc xây công trình kiên cố đè lên trên thì sẽ bị mất vĩnh viễn. Đó là các tầng văn hóa khảo cổ học đô thị đang ngủ vùi dưới lòng đất của những thành phố cổ kính như Hà Nội. Chính sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô về bề rộng, chiều cao và cả chiều sâu đang làm xuất lộ, đánh thức những di sản khảo cổ học đô thị và cũng đang dần cấu kết, cứng hoá lòng đất, mạch nguồn của Hà Nội. Nhiều di sản trong số này đang bị bảo tàng hóa, tư liệu hóa... cả vật chất lẫn linh hồn.
Vâng, nếu cứ phát triển ồ ạt, đan xen, chồng lấn cả dưới đất lẫn trên không ở mọi ngóc ngách và theo thời gian tuổi tác đô thị vẫn cứ nhiều hơn và dày lên nhưng sẽ xốp, thiếu sự đặc chắc.Với con người, mỗi khi mùa xuân về không thể tìm thấy gương mặt thanh xuân trên một cơ thể già cỗi, còn đô thị, điều này hoàn toàn làm được. Tại nhiều thành phố trên thế giới như Macao, Barcelona... chính sự tương phản có chủ ý (có lúc đến gay gắt) giữa kiến trúc hiện đại và cổ kính, giữa cái cũ và cái mới làm tôn thêm giá trị của chúng, hay sự giải thoát khỏi những bó buộc, thông lệ, quy tắc, những cái bóng của kiến trúc xung quanh đã làm một số công trình kiến trúc trở thành hình tượng, đại diện của sự phát triển mới trong một thành phố cũ. Tất cả chúng không phải được tạo dựng bởi sự ngẫu nhiên, vô tình mà là sự chiết xuất từ chính văn hóa, kiến trúc, đô thị và nó đã làm dày và đặc chắc hơn tuổi của đô thị. Tại một số đô thị cũ của Việt Nam, chính sự uyển chuyển hay chuyển hóa mềm mại hình thái không gian đô thị (có lúc, có nơi được coi là đặc trưng, bản sắc) đã làm nhiều công trình quá lệ thuộc vào nhau và bó buộc vào cảnh quan chung để mong tìm thấy sự hài hòa. Mà sự hài hòa đây thường được hiểu là sự tôn trọng nhau, thậm chí giống nhau và ở trong nhau. Tuy nhiên có nhiều công trình không dám thoát ra khỏi hình thức cũ khi xây dựng trong khu vực hay cạnh công trình cũ mong tìm đến sự nhác nhác, na ná, chốn yên thân. Trong diện mạo kiến trúc đô thị, cũng không ít nơi xây dựng các công trình như muốn đối chọi về tầng cao, khối tích, hình thức... cũng tạo được sự tương phản nhưng mang nhiều tính ích kỷ, sự phô diễn. Rất khó tìm thấy sự thân thiện với thiên nhiên, con người ở những công trình đó, càng không tìm thấy tính đại diện hay tính dẫn hướng hoặc dự báo về sự phát triển mới – tương lai của kiến trúc đô thị
Ở một số thành phố trẻ hay những đô thị mới được nâng cấp từ nông thôn thì tuổi tác không đặt thành vấn đề, người người, nhà nhà tập trung xây dựng, kiến thiết sao cho giống đô thị đàn anh, đàn chị mà chưa cần lo làm sao để đô thị cho ra đô thị. Những nền tảng đầu tiên của kiến trúc đô thị được coi là đã sẵn có, bộ khung của đô thị được dựng trên giấy hay là sự gia cố từ nông thôn làm cho chặng đường phía trước của đô thị luôn là sự kiếm tìm và rượt đuổi. Như vậy sau nhiều năm nữa khi kỷ niệm 50, 100, 200... tuổi của mình thì các đô thị đó lấy gì là mốc dấu khắc ghi điểm xuất phát và quá trình hình thành và phát triển của mình, ngoại trừ mốc dấu thời gian đã ghi chép.Thời gian không chờ một ai, cả với đô thị cũng vậy, tích lũy và ứng xử có trước, sau với kiến trúc đô thị không chỉ làm thành phố đó vạm vỡ, trưởng thành hơn mà nó còn làm đặc chắc hơn tầng văn hóa đô thị, làm dày dặn hơn tuổi của đô thị và mỗi độ xuân về sự hối thúc thường làm cho mỗi đô thị phải tự ngẫm về mình./.
Nguyễn Thanh Sơn(Tia Sáng,
11:19:15 22/01/2008)

CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TP.HCM


Về đô thị hóa tập trung : Với các thành phố khổng lồ thế kỷ 20 thì hoạt động đô thị ngày càng phức tạp hơn, nổi lên các vấn đề về ách tắc giao thông, bảo vệ mối trường sống, cung cấp năng lượng, nhà ở, phúc lợi công cộng v.v..

I. TẦM NHÌN VÙNG ĐÔ THỊ TỚI NĂM 2010:

Về đô thị hoá tập trung: Với các thành phố khổng lồ thế kỷ 20 thì hoạt động đô thị ngày càng phức tạp hơn, nổi lên các vấn đề về ách tắc giao thông, bảo vệ mối trường sống, cung cấp năng lượng, nhà ở, phúc lợi công cộng v.v...

Về đô thị hoá phân tán chính là nhờ sự phát triển giao thông, đặc biệt là phát triển về giao thông công cộng, thành phố không ngừng mở rộng diện tích ngày càng xa trung tâm hơn và còn nối liền các khu công nghiệp, các điểm dân cư đô thị lân cận, đó là phát triển theo kiểu "chùm đô thị". "Chùm đô thị" bao gồm nhiều cụm đô thị tạo thành một cơ cấu thống nhất theo kiểu nhiều "đô thị vệ tinh". Thực chất, đây cũng là một kiểu phát triển thành phố cực lớn (song phân tán).

Như vậy, chùm đô thị có khả năng kết hợp khai thác các ưu điểm của hai lối sống thành thị và nông thôn hình thành một đô thị sinh thái.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ở thế kỷ 21, vai trò của các thành phố rất quan trọng đó là kết quả của 4 chữ "C":

Communications : Liên lạc phát triển.

Capital : Sự hoạt động của thị trường vốn.

Corporations : Các tập đoàn kinh tế và sự linh hoạt của chúng.

Consumersm : Chủ nghĩa tiêu dùng dựa vào chất lượng và nhãn hiệu sản phẩm, cả 2 đều không biên giới.

Tuy nhiên cũng đứng trước các thách thức mới, 4 chữ "P".

Population : Dân số tăng trưởng và các nhu cầu về nguồn lực từ sự tăng trưởng này.

Poverty alleviation : Giảm nghèo khổ.

Pollution : Ônhiễm và lịch trình nâu " Brown Agenda" đang phát sinh.

Political : Về chính trị cần cải tiến quản lý Nhà nước.
Với hệ thống dân cư đô thị có qui mô hơn vài triệu dân trở lên và có bán kính ảnh hưởng hàng chục thậm chí đến cả trăm km trong vùng, có thể nói chùm đô thị là hình thức chủ yếu về đô thị của thế kỷ 21 nó có thể kết hợp hài hòa ba cuộc Cách Mạng: công nghệ, nhân văn và xã hội.

II. QUY HOẠCH " VÙNG ĐÔ THỊ" (METROPOLIS) TP.HCM TRONG "VÙNG ĐÔ THỊ LỚN" PHÍA NAM:
Đến năm 2010 để TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của khu vực, cần xây dựng TP.HCM thành một thành phố XHCN văn minh, hiện đại, phát huy được vai trò vị trí của thành phố đối với cả nước, khu vực và phải từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của khu vực Đông Nam Á (lược ghi ý kiến phát biểu của đ/c Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh tại Hội nghị Bộ Chính Trị làm việc với thường vụ Thành Ủy TP.HCM).
TP.HCM là một vùng đô thị lớn ở nước ta, có trên 5 triệu dân là một thành phố lớn.Theo xu hướng nêu trên đô thị (metropolis) TP.HCM là một thành phố đa cực, đa trung tâm:
Phương án đa trung tâm có nhiều khả năng nhất trong việc chuyển giao các tiêu chuẩn môi trường được cải thiện, nhà ở, nơi làm việc và các tiện ích công cộng. Có ba nguyên tắc chính làm cơ sở cho phương án đa trung tâm:
- Thành lập một hệ thống các trung tâm thực hiện các chức năng bổ sung chuyên biệt.
- Duy trì các đặc tính riêng biệt của các trung tâm cấu thành nên hệ thống, tránh tình trạng tiếp tục mở rộng đô thị tùy tiện.
- Giữ những vùng đất trũng, thấp cho hành lang các tuyến đường dây tải điện cao thế, cho các nhà máy xử lý chất thải, các vành đai cây xanh, các cơ sở vui chơi giải trí hoặc các đồng lúa.
Trong cuộc họp làm việc của Bộ Chính Trị với Ban Thường vụ Thành Ủy TP.HCM, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh trước hết khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, một đầu mối giao lưu quốc tế lớn của cả nước và có vị trí chính trị quan trọng. Do vậy, chiến lược phát triển của TP.HCM phải gắn với đồng bằng sông Cửu Long, Miền Đông Nam bộ, Nam Trung Bộ, Nam Tây nguyên. Đó là một khu vực có vị trí đặc biệt của đất nước.
Vùng thành phố Hồ Chí Minh lại là đô thị trung tâm trong vùng đô thị lớn hơn (greater Metropolist/ Extended Metropolitan Region) vùng đô thị phía Nam có bán kính ảnh hưởng từ 50-100 km trong đó có nhiều đô thị vệ tinh mang tính dối trọng với TP.HCM. Đó là hệ thống mở phù hợp với tính chất động của "cơ thể" thành phố trên cơ sở:
Phương pháp quy hoạch phân tán (Disurbanism) nêu trên (phù hợp với an ninh - quốc phòng ) cần điều chỉnh để dân số thành phố không vượt quá 10 triệu người, để không trở thành thành phố cực lớn (Mega City) với những thách thức khắt nghiệt hơn nhiều.
Do vậy vùng đô thị TP.HCM sẽ là một thành phố đa chức năng (Multi -Function Polis- MFP).
Với tính chất vùng phức hợp (metroplex) được phát triển trên cơ sở cạnh tranh của hệ thống kinh tế thế giới mới và môi trường sống của con người.
Trong qui hoạch đô thị khu vực TP.HCM có nhiều đô thị mới (cả vệ tinh và phục cận) cần được xây dựng.
Khu vực ngoại thành dự kiến hình thành 15 khu công nghiệp và khu chế xuất tập trung.
Cần xây dựng các khu nhà ở liên hợp với các khu công nghiệp và khu chế xuất nêu trên, đó chính là các yếu tố tạo thị và hình thành nên các khu đô thị mới theo các hướng đô thị hoá của thành phố để đảm bảo được sự cân bằng giữa nhà ở và việc làm, tạo ra sức hút ly tâm để cân bằng với sức hút hướng tâm của dòng "di dân" nhằm tạo nên một tầm vóc cho một vùng đô thị lớn nhất cả nước.
Các khu đô thị mới (KĐTM) đã tạo nên một công cụ đặc biệt cho việc thực hiện chính sách đất đai.

III. TP.HCM HƯỚNG RA BIỂN ĐÔNG:

1. Vượt qua sông Sải Gòn phát triển sang hướng Đông Bắc:

Là hướng phát triển chủ yếu vùng đất này tương đối cao, thuận lợi cho việc xây dựng, hơn nữa vùng này có trục lộ giao thông thuận lợi nối liền thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) - nơi có các Khu công nghiêp dọc trục lộ đã được xây dựng trước đây, và nay cũng được phát triển thêm. Điều khó khăn duy nhât là số cầu vượt sông Sài Gòn hiện còn chưa đủ để thúc đẩy và phát triển đúng với tiềm năng của khu vực trên, mặt khác do cảng Sài Gòn hiện nằm ở phía tây bờ sông nên hàng hoá xuất nhập khẩu hiện nay cũng không mấy tiện lợi, hơn nữa, khu vực này cũng không còn đầt để mở rộng diện tích cảng. Đây cũng là một nhược điểm của cảng Sài Gòn, điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.HCM hiện nay.

2. Trước tình hình đó thành phố đã phát triển theo hướng ra biển Đông - hướng Đông Nam:
Đây là vùng đất thấp và ngập mặn, hạ tầng cơ sở yếu kém, dân cư thưa thớt thuộc hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ của thành phố, chiếm gần ½ diện tích TP.HCM, thành phố đã:
- Xây dựng Khu Chế Xuất Tân Thuận rộng 300ha. Hiện nay đã cơ bản hoàn thành và KCX Tân Thuận đã trở thành KCX hàng đầu ở Đông Nam Á.
- Xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh gọi tắt là đường Bình Thuận (từ KCX Tân Thuận đến Huyện Bình Chánh) nối liền với Quốc lộ 1, chiều dài tuyến đường là 17,8 km, lộ giới 120 m, có 10 làn xe chạy.
- Khu đô thị mới Nam Sài Gòn được quy hoạch dọc theo tuyến Bình Thuận, diện tích 2600 ha với sức chứa khoảng 500.000 dân.
Để phục vụ cho chương trình trên, một nhà máy nhiệt điện có công suất 675 MW đã được xây dựng nhằm cung cấp điện năng cho Khu Công nghiệp Hiệp Phước và cả vùng phía Nam thành phố sau này.
- Trong tương lai đô thị phía Nam thành phố cũng sẽ từng bước phát triển ra biển Cần Giờ để xây dựng cảng biển của thành phố ở Cần Giờ, để TP.HCM có "mặt tiền hướng ra biển" có thể hội nhập vào chuỗi các "thành phố ven biển" mang tính chất "đô thị sinh thái" (ecological urban). Trong quá trình hình thành và phát triển khu vực Đồng Nai - Sài Gòn từ trên 300 năm. Cảng đã dịch chuyển từ Đồng Nai tới Sài Gòn và tất yếu sẽ dịch chuyển dần ra Cát Lái , Hiệp Phước và biển Đông.

IV. NÂNG CẤP ĐÔ THỊ Ở CÁC KHU DÂN CƯ CÓ THU NHẬP THẤP LÀ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ ĐỂ CƠ CẤU LẠI QUY HOẠCH CÁC QUẬN NỘI THÀNH.
Dân số ở TP.HCM đang tăng nhanh, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ bị tụt hậu khá xa so với nhu cầu. Điều này tạo nên nguy cơ về môi trường và sức khỏe đối với dân cư. Do vậy cần thiết phải đưa ra các phương pháp mới, sáng tạo và chi phí thấp nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình đô thị hóa ngày càng tăng, đó là phương pháp nâng cấp đô thị (Urban Upgrading) tại các khu dân cư có thu nhập thấp, với quan điểm chủ đạo là chuyển từ chiến lược bao cấp cho ít người sang chiến lược tạo điều kiện cho nhiều người.
Trong khi đó chương trình di dời và tái định cư 10 ngàn hộ dân sống trên và ven kênh rạch nội thành sẽ phải là giải pháp đột phá để đồng thời điều chỉnh cơ cấu quy hoạch các quận nội thành.
Hoàn thành chương trình nêu trên, TP.HCM mới có thể đứng vào danh sách "Các thành phố không có nhà ổ chuột - Cities without slums".

V. ĐƯA QUY HOẠCH VÀO THỰC THI CÓ HIỆU QUẢ:

1. Hiện đại hoá phương pháp quản lý nhà nước về quy hoạch vùng đô thị:

a. Về qui hoạch chung:
Nhằm chú trọng nhiều hơn yếu tố "qui hoạch động" và tính mềm dẻo, linh hoạt trong qui hoạch, kiến nghị qui hoạch chung không nên quá chi tiết, tốn nhiều thời gian, tiền bạc, nguồn lực vừa có thể tạo ra kết quả nhanh chóng dễ xử lý các thay đổi không dự kiến trước do vậy qui hoạch chung chỉ nên ở mức độ qui hoạch cơ cấu (ở dạng định hướng phát triển không gian đô thị).

b. Về qui hoạch chi tiết:
Để đảm bảo cho công tác qui hoạch thực sự đi vào cuộc sống, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, qui hoạch chi tiết cần tập trung vào qui hoạch sử dụng đất, cần có sự tham gia của cộng đồng hoặc Doanh nghiệp.

c. Cần bổ sung thêm giai đoạn thực thi qui hoạch, chuyển từ qui hoạch sang kế hoạch:
Trên cơ sở qui hoạch chiến lược hợp nhất đề ra các chương trình mục tiêu, hoạch định kế hoạch đầu tư đa ngành để có "danh sách dài - long list" các dự án, trên cơ sở đó chọn lựa ưu tiên, để có "danh sách ngắn - short list" các dự án đầu tư và xác định kế hoạch tài chính.
Sản phẩm của tiến trình hoạch định đầu tư đa ngành là chương trình xây dựng cơ bản dài hạn ưu tiên, đó là giai đoạn chuyển từ quy hoạch sang kế hoạch.
Để đáp ứng yêu cầu nêu trên cần xây dựng hệ thống thông tin đất đai (LIS) hệ thống thông tin địa lý (GIS), theo phương thức tích hợp tại TP.HCM tiến tới xây dựng thành phố điện tử (E.City).

2. Phân cấp trong điều hành vùng đô thị:
Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/NĐ -CP ngày 12/12/2001về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.Tuy nhiên giữa tập trung và phân cấp không nên tuyệt đối hóa mà phải có sự cân bằng tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

3. Hợp tác trong điều hành đô thị:
Về việc hợp tác liên thành phố trong phạm vi chùm đô thị phía Nam và vùng đô thị TP.HCM cần có một tổ chức thích hợp với vùng đô thị lớn mà hiện nay chưa có. Tổ chức này phải vừa linh hoạt quản lý nhà nước, vừa hợp tác liên vùng có hiệu quả bao gồm Chủ tịch của tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng do một Phó Thủ Tướng chủ trì để phát triển trong quy hoạch thống nhất, để có biện pháp lãnh đạo và xử lý nhanh nhạy.

4. Tạo nên một cơ cấu đô thị tốt hơn trong "vùng đô thị":
Đô thị được mở rộng ngày càng nhanh chóng trong xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến hình thức và cơ cấu đô thị. Phần đô thị cũ lâu đơn đang phải đối phó với tiến trình phát triển không thể lan ra mãi theo phương thức tập trung để trở thành đô thị khổng lồ (trên 10triệu dân). Để giải quyết vấn đề nêu trên cần có qui hoạch theo hướng đô thị phân tán theo hình thức vùng đô thị (Metropolis) trên cơ sở đó quản lý tăng trưởng đô thị (Urban Growth management - UGM) và xác định ranh giới tăng trưởng đô thị (Urban Growth Boundary - UGB) để đảm bảo phát triển bền vững phù hợp với việc bảo vệ môi trường trong khu vực. Khái niêm này cần được bổ sung vào Nghị định của Chính Phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001.

Nguyễn Đăng Sơn Viện phó Viện nghiên cứu đô thị - UIS

Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Hướng phát triển Hà Nội sẽ về phía bắc sông Hồng là chủ yếu.
Dự kiến trong quy hoạch sử dụng đất vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ hình thành và phát triển hệ thống đô thị theo không gian vùng thủ đô Hà Nội và khu vực hành lang kinh tế ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh.

Các đô thị hạt nhân là thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Hạ Long trong đó thành phố Hà Nội là thành phố trung tâm của vùng. Trên cơ sở đó sẽ phát triển các chuỗi đô thị theo các hành lang kinh tế tiến đến hình thành các dải siêu đô thị Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hoà Lạc, Hải Phòng - Hạ Long.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Vùng có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật có điều kiện để cải tạo thị trường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng.

Do đó, trong định hướng quy hoạch sử dụng đất phát triển đô thị là tiếp tục xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Dự kiến dân số Hà Nội đến năm 2020 sẽ đạt 4,5 triệu dân,trong đó dân số đô thị trung tâm nội thành khoảng 3,6 - 3,8 triệu người. Theo Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hướng phát triển Hà Nội sẽ về phía bắc sông Hồng là chủ yếu, một phần về phía tây và tây nam, trong đó sẽ lấy sông Hồng là trục chủ đạo để bố cục mặt bằng đô thị Hà Nội.

Những vùng ảnh hưởng của đô thị này được xác định trước hết là những khu vực ảnh hưởng trực tiếp của đô thị Hà Nội trong bán kính từ 30-50 km. Theo đó, trong phạm vi vùng Hà Nội sẽ có các đô thị vệ tinh xây dựng và phát triển như: Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Phố Nối, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Xuân Hoà, Phúc Yên, Hà Đông... và các vành đai nông nghiệp, cây xanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Dự kiến sẽ xây dựng và hình thành 17 đô thị vệ tinh trực tiếp của Hà Nội.

Thành phố Hải Phòng là một trung tâm đô thị cấp quốc gia và là một trong các đô thị trung tâm của vùng trọng điểm phía Bắc sẽ được quy hoạch thành chùm đô thị Hải Phòng có bán kính ảnh hưởng từ 20-30 km. Khu vực nội thành Hải Phòng sẽ là đô thị hạt nhân, giữ vai trò chức năng là thành phố cảng, trung tâm kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, du lịch) của toàn vùng Bắc Bộ.

Đây được coi là một cửa chính để tiến ra biển của các tỉnh phía Bắc, là một đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc, đồng thời là một vị trí quốc phòng trọng yếu. Theo dự báo, dân số Hải Phòng đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,8 triệu người, trong đó dân số nội thành sẽ chiếm khoảng 1,2 triệu dân. Khu vực này kết hợp với các khu đô thị vệ tinh Minh Đức, Đồ Sơn, Núi Đèo, An Lão, Kiến Thụy, Cát Bà... sẽ tạo thành một chùm đô thị duyên hải.

Thành phố Hạ Long cũng được coi là một đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của khu vực tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số nơi đây sẽ đạt khoảng 700.000 người và sẽ đảm nhiệm vai trò chức năng chính là thành phố cảng, công nghiệp, du lịch, nghỉ ngơi giải trí.

Hỗ trợ cho thành phố Hạ Long sẽ là một loạt các đô thị khác trong vùng tạo thành một chuỗi đô thị Phả Lại - Chí Linh, Mạo Khê - Tràng Bạch, Nhị Chiểu, Uông Bí - Điền Công, Hà Tu, Cẩm Phả, Cọc 6, Cửa Ông - Mông Dương, Tiên Yên, Móng Cái - Trà Cổ - Vĩnh Thực.

Trên cơ sở quy hoạch, việc phát triển đô thị Hạ Long trên quan điểm bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản cảnh quan thiên nhiên vịnh Hạ Long. Do đó, đô thị sẽ được phân khu rõ ràng theo 4 chức năng chính: chùm cảng biển, kho bãi và công nghiệp kèm theo cảng; khu nghỉ dưỡng Bãi Cháy mở rộng; khu khai thác xuất khẩu than; khu các cơ quan tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.

Và đặc biệt, trong quá trình phát triển cụm cảng Cái Lân sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến việc khai thác phát triển du lịch vịnh Hạ Long.

Cùng với việc phát triển đô thị, hệ thống công nghiệp, thương mại- dịch vụ vùng sẽ được xây dựng phát triển trên cơ sở phù hợp với phát triển đô thị, giao thông vận tải và cân đối sử dụng đất nông nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các khu công nghiệp sẽ được tập trung xây dựng như: Khu công nghiệp Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội); Khu công nghiệp Đò Nống- Chợ Hỗ, Nam Cầu Kiền, Tràng Duệ, An Hồng (Hải Phòng); Khu công nghiệp Đông Mai, Cái Lân (Quảng Ninh); Khu công nghiệp Việt Hoà, Phú Thái, Cộng Hoà, Lai Vu (Hải Dương) Khu công nghiệp Khai Quang, Chấn Hưng, Bà Thiện (Vĩnh Phúc)...

Để phục vụ quá trình phát triển, hệ thống thương mại điện tử và hệ thống thông tin, giao dịch thương mại sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống các mạng lưới trung tâm thương mại vùng sẽ được mở rộng, tăng cường xây dựng mạng lưới trung tâm triển lãm và hội chợ. Mỗi tỉnh thành trong vùng sẽ xây dựng và có ít nhất 1-2 trung tâm triển lãm hội chợ đến năm 2010.

Hoạt động phát triển du lịch vùng được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Vùng sẽ phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghiên cứu di tích văn hoá, lịch sử, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương...; du lịch nghỉ mát, biển đảo Hải Phòng, Quảng Ninh...

Trong quá trình sử dụng đất phát triển khu công nghiệp và đô thị, yêu cầu đặt ra đối với vùng kinh tế trọng điểm đất chật người đông chính là việc hạn chế lấy đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất lúa để sử dụng vào các mục đích khác, đặc biệt không bố trí các khu công nghiệp bám sát đường giao thông.

Bởi theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay thực tế các khu công nghiệp quá gần nhau và bám sát trên các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch đã và đang làm cản trở đến lưu thông của nhiều đoạn mà quốc lộ 5 là một điển hình. Hậu quả đường 5 đã trở thành “phố 5”.

Mặc dù khi xây dựng đã tránh đi qua các đô thị nhưng các địa phương lại san đất, giao mặt bằng đất phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị hình thành bám đường phát triển. Và như vậy đường đến đâu, nhà đến đó.

Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng việc hình thành phát triển các đô thị vệ tinh Hà Nội chỉ nên tập trung vào những đô thị thành phố, thị xã tập trung chứ không nên phát triển mới để giảm tải bởi có nhiều khu chỉ là những điểm du lịch nhỏ


Dự kiến các đô thị vệ tinh trực tiếp của Hà Nội:

STT

Đô thị

Địa điểm

Quy mô dân số năm 2020 (1.000 người)

Tính chất đô thị

1

Nội Bài

Sóc Sơn - Hà Nội

50 - 60

Công nghiệp - du lịch - dịch vụ

2

Mê Linh

Vĩnh Phúc

150 - 200

Công nghiệp - dịch vụ

3

Phúc Yên

Vính Phúc

130 - 150

Du lịch - đào tạo

4

Đại Lải

Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc

130 - 150

Du lịch - nghĩ dưỡng

5

An Khánh

Hoài Đức - Hà Tây

50 - 70

Thương mại - dịch vụ

6

Hoa Lạc

Thạch Thất - Hà Tây

500 - 600

Đào tạo - khoa học và công nghiệp

7

Hà Đông

Hà Tây

200 - 250

Thương mại - dịch vụ - y tế

8

Đ.Mô - S.Hai

S.Tây - Ba Vì

30 - 50

Du lịch - nghỉ dưỡng

9

Thường Tín

Hà Tây

50 - 60

Hành chính - thương mại

10

Sơn Tây

Hà Tây

50 - 70

Công nghiệp

11

Phạm Trôi

Hoài Đức - Hà Tây

20 - 30

Hành chính - thương mại

12

Phố Nối

Văn Lâm - Hưng Yên

150 - 200

Công nghiệp - dịch vụ

13

Như Quỳnh

Văn Lâm - Hưng Yên

30 - 40

Hành chính - dịch vụ - công nghiệp

14

Văn Giang

Hưng Yên

50 - 60

Dịch vụ - du lịch

15

Từ Sơn

Bắc Ninh

30 - 40

Hành chính - dịch vụ

16

Yên Phong

Bắc Ninh

100 - 120

Công nghiệp - dịch vụ

17

Tiên Sơn

Bắc Ninh

40 - 50

Công nghiệp - dịch vụ

No comments:

Post a Comment