Monday, July 20, 2009

“Về Với biển Đông”

Kính dâng hương hồn cha tôi,
người đã chết sau những năm tháng tù cải tạo

Tưởng niệm anh Nguyễn Danh Khoa
và những người đã bỏ mình trên biển Đông

Biển Đông là vùng biển nằm về phía Đông và Nam nước ta, chạy dài từ vùng vịnh Bắc Việt cho đến vùng vịnh Thái Lan, bao bọc suốt trên 3200km bờ biển Việt Nam. Với đất nước tôi, Biển Đông là một nàng công chúa ngủ quên. Với những kẻ vượt biển mà thế giới đặt tên là “thuyền nhân” như tôi thì đó là nơi vấn vương biết bao kỷ niệm không thể nào quên và mong rằng, một ngày nào đó, thế hệ hôm qua và hôm nay sẽ cùng với thế hệ tương lai dắt diú nhau về thăm lại Biển Đông để không chỉ hoài niệm, tiếc nhớ mà sẽ góp sức nhau để đánh thức “nàng công chúa ngủ quên” này, sẽ trang điểm cho nàng thêm kiêu sa kiều diễm để đưa nàng lên ngôi vị tương xứng hơn so với bè bạn năm châu.

Tôi vẫn có lời hứa sẽ trở về hành hương tại Biển Đông, luôn ấp ủ một giấc mơ được biến một hòn đảo nhỏ ở vùng biển này thành một con tàu mang tên “Về Với Biển Đông” tuyệt đẹp để chuyên chở nhiều thế hệ Việt Nam đi từ quá khứ nhiều u uất đến một tương lai tràn đầy niềm tin và hy vọng, trong thương yêu và mơ ước đưa Việt Nam cất cánh bay cao ngang tầm bè bạn năm châu... Tôi cũng mong muốn có một ngày tất cả "thuyền nhân Việt Nam" sẽ trở về biển Đông để cầu siêu giải oan cho tất cả những người không được may mắn trên đường vượt biển hay đã vĩnh viễn nằm lại ở một trại tị nạn nào đó mà không thể định cư ở nước thứ ba, không thể trở về cố hương. Ước mơ "Về với biển Đông" này đã có từ những ngày tôi sống trong trại tị nạn Pulau Bidong & Sungei Besi, trông chờ được sớm định cư và nghĩ về tương lai...

“Về Với biển Đông” trước hết sẽ là một điểm hành hương, du lịch, thể thao, khảo cứu khoa học, đặc biệt là nơi nghiên cứu, bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên của vùng biển Đông giàu đẹp của Việt Nam. Địa điểm là một hòn đảo, có thể là một phần của đảo Phú Quốc hay một hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn, có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, có vị trí địa lý thuận lợi về nhiều mặt, tương đối ít bị bão đe dọa hay tàn phá, có chổ thuận tiện cho thuyền bè trốn bão, có giá trị lịch sử và kinh tế tương đối tiêu biểu cho toàn vùng. Thế đất cần phù hợp với ý niệm chính của mô hình là một con tàu mang tên “Về Với Biển Đông” tuyệt đẹp, với mũi tàu vươn tới và rướn cao lên, thân tàu xoãi dài trên biển. Sự lựa chọn ý niệm này xuất phát từ lịch sử 4000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước bền bĩ của dân tộc Việt Nam, khởi đi là một Văn Lang với sự tích “Trăm Con” cho đến một tương lai đầy ước mơ về một con rồng Việt Nam hùng mạnh thật sự. Vì vậy, mô hình sẽ thiên về “động” hơn là “tĩnh” (trái hẳn với truyền thống thiên về “tĩnh” của Á Đông tuy sâu sắc nhưng khá yếm thế, tiêu cực và thụ động) bởi tôi muốn nhấn mạnh đến ý hướng tích cực vươn lên của Việt Nam; bởi song song với việc lưu giữ những cái “cũ” tốt đẹp của truyền thống luân lý đạo đức, văn hoá và lịch sử của dân tộc, chúng ta nên cổ võ và khuyến khích những cái “mới” thật sự tiến bộ, hữu dụng và phù hợp với dân tộc tính nhằm đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển đất nước, phong phú hóa tài sản dân tộc và đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng phát triển chung của cộng đồng thế giới.
Thử phác họa và hình dung về toàn bộ con tàu “Về Với biển Đông” với 3 phần chính và 18 phần phụ sau:

* Mũi tàu: nơi có mô đất nhô cao nhất so với địa hình trong không gian tổng thể, gồm : Ngọn hải đăng: cao khoảng 300 feet, nên có dáng tương tự như Bút Tháp hay Linh Mụ nhưng cần có nét thanh thoát và tân kỳ hơn, nên có màu xanh dương biển và màu trắng để có thể hoà lẫn vào tầm cao của bầu trời và sự mênh mông của biển cả, với 4 mặt quay về 4 hướng chính, có cầu thang xoắn ốc và thang máy bên trong đi từ chân đến đỉnh (nơi đốt đèn). Chính ngọn hải đăng này sẽ là ngọn đuốc soi đường cho người đi biển ban đêm, là điểm sáng an toàn cho những kẻ gặp nạn trên biển, là “cột mốc” và là tượng đài chính của tổng thể qua những bức phù điêu bao quanh chân tháp mô tả chiến thắng của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo.

* Khu di tích: Bãi cỏ bao quanh hải đăng sẽ là nơi trưng bày mỹ thuật vài tượng đài của các anh hùng dân tộc (Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu) cùng với vài di tích lịch sử: một chiếc bè tiêu biểu cho những cuộc vượt ngục Côn Sơn, một chiếc ghe của “thuyền nhân” - tất cả hiện diện như những chứng tích lịch sử của dân tộc. Ngay trước lối ra vào hải đăng là một đồng hồ mặt trời (sun dial) đặt trên một bệ đá hình tháp cao 10 feet với 4 mặt là 4 bia đá ghi lại tên của những ân nhân đã đóng góp tài vật lực vào việc hình thành con tàu “Về Với Biển Đông” này. Ngay sau bệ đá này là một tường đá trắng hình cánh cung khác cao 10 feet x dài 30 feet x rộng 9 inches, án ngữ 2/3 lối ra vào hải đăng nhưng vẫn phải cách xa cửa ra vào ít nhất 12 feet, chia lối đi chính (rộng ít nhất 24 feet) thành 2 ngả ra vào và tuyệt đối không có vật cản nào khác xung quanh nhằm bảo đảm an toàn và thoải mái cho du khách đi lại. Một mặt vách sẽ là bản đồ Việt Nam, mặt kia là bản đồ toàn bộ khu vực với chú thích rõ ràng. Dưới chân tường đá này là một hồ nước cạn có nước phun theo nhạc (dancing water) và đèn thắp sáng về đêm, góp phần làm dịu mát và sinh động ơn cho khu di tích này. Bao quanh hồ là một thành hồ rộng 18 inches, cao 3 feet để du khách có thể ngồi nghĩ chân. Lối đi tráng bằng ximăng màu với những hình vẽ minh họa sinh hoạt của nhiều thành phần và sắc dân sống trên lãnh thổ Việt Nam, vừa mang tính giáo dục dân tộc lịch sử, vừa thể hiện tính hiện đại ấn tượng.


* Cầu tàu (jetty): vươn dài ra biển trên 200 feet, có lan can và kè đá. Là nơi tàu bè nhỏ có thể cặp bến, du khách có thể ngồi câu cá hay thả bộ ngoạn cảnh dưới tàng phương vỹ rợp mát và trông ra biển đầy gió mát để tìm những phút thư giãn, thoải mái thật sự trong tâm hồn của một người đang về với biển Đông. Trọng tâm chính của 3 nơi này là nhằm xây dựng một điểm hành hương có tính giáo dục lịch sử, thể hiện ý niệm chung qua hình dáng một “đầu tàu” với một tượng đài sừng sững giữa biển Đông như để nhắc nhở con dân Việt về một truyền thống tranh đấu lịch sử bất khuất, vẻ vang nhưng cũng đầy máu và nước mắt để được tồn vong và tiếp tục đi tới.

* Thân tàu: chia thành 4 khu vực theo 4 hướng, với 14 phần phụ với kiểu thiết kế kiến trúc và cảnh quan riêng biệt nhưng buộc phải nối kết hài hoà như những buồng/ khoang của một thân tàu, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện thiên nhiên của một hòn đảo nhiệt đới gió mùa Việt Nam, triệt để tôn trọng việc bảo vệ môi sinh và cảnh quan hiện hữu (existing). Khu khách sạn, Nhà hàng và giải trí: Một khu khách sạn hình cánh cung dài trên 4000 feet, cao tối đa là 15 tầng, trên 500 phòng ngủ với 3 loại giá tiền và tiện nghi phù hợp với nhiều thành phần du khách, 1 phòng họp, 1 nhà hàng & khiêu vũ trường, 1 rạp hát, 1 phòng tập thể dục, 1 tiệm cà phê & giải khát, 1 phòng đăng ký và 2 phòng khách (lobby), 4 hồ bơi, 4 sân quần vợt, 2 sân bóng chuyền, 2 sân bóng rổ, một sân golf 18 lỗ, 1 câu lạc bộ thể thao dưới nước và trên biển với 1 cầu tàu nhỏ riêng biệt cho tàu xuồng du lịch loại nhỏ và trung bình. Một mặt mở hướng về biển, mặt kia hướng về trung tâm đảo. Chiếm gần một cạnh sườn của thân tàu, suốt từ giáp ranh hải đăng về đến bến cảng ở cuối thân tàu. Chỉ nên cho phép kinh doanh các lọai giải trí lành mạnh trên đảo này nhằm bảo vệ sự lành mạnh và an toàn chung.

* Viện Nghiên Cứu Biển Đông: gồm 2 khối tròn như 2 trái nấm khổng lồ có đường kính khoảng 100 feet, mái vòm bằng kính trong suốt cao trên 30 feet, nằm lấn ra biển như 2 bán đảo ôm lấy một vũng vịnh nhỏ đủ cho tàu bè trốn bão, hay là nơi đua thuyền, trượt nước, v.v... Một đường hầm nhỏ bằng kính dày trong suốt nối kết 2 khối tròn nằm sát đáy biển, giúp du khách qua lại thuận tiện mà còn có thể ngắm cảnh đáy nước lung linh tuyệt mỹ.

* Viện Nghiên Cứu Tài Nguyên Biển Đông (khối tròn 1): là nơi nghiên cứu, trưng bày, sưu tầm và giảng dạy về các loại tài nguyên biển Đông (động thực vật & khoáng sản trên thềm lục địa của nước ta & biển Đông). Đặc biệt là một hồ nuôi động thực vật biển Đông (Aquarium) tổ chức/ sắp xếp như một bảo tàng viện về biển Đông và Thái Bình Dương thật sống động (live), hiện đại tân tiến và trình bày một cách nghệ thuật để nghiên cứu khoa học, với một tầng hầm có vách kim loại và kính dày trong suốt để khách có thể ngắm hồ nuôi nhân tạo này, với chú thích rõ ràng (tên khoa học, tên thông dụng, đặc điểm, etc.)

* Viện Hàng Hải (khối tròn 2): là trung tâm nghiên cứu hải dương học và đào tạo chuyên viên hàng hải nhằm sử dụng - bảo vệ - khai thác - phát triển các tài nguyên & quyền lợi trên biển Đông. còn là nơi lưu trữ các phương tiện lưu thông, vận chuyển trên biển như một bảo tàng viện về ngành hàng hải Việt Nam.

* Câu Lạc Bộ Thể Thao dưới nước: nằm trong vùng vịnh kín gió, giữa 2 Viện nghiên cứu là một câu lạc bộ cho nhiều môn thể thao dưới nước như lướt ván(surfing), trượt nước(ski), đua thuyền buồm, săn bắn dưới biển,v.v...

* Khu Hành Chánh(KHC): với đủ các cơ quan chịu trách nhiệm điều hành và quản lý hành chánh toàn đảo, nằm ngay trung tâm. Cần có bãi đáp trực thăng và bến cảng riêng. Nên có công viên ngay phía trước khu này. Khu Thông Tin: với đủ hệ thống thông tin, viễn thông, truyền thanh, truyền hình, phát tuyến. Nằm sát KHC. trên triền đồi. Khu An Ninh: gồm các đơn vị cảnh sát, tuần duyên, quân đội, cấp cứu và chữa lữa; trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết cho an ninh, an toàn của đảo. Vị trí: bao quanh KHC. Khu Bệnh Viện Đa Khoa: cung cấp 200 giường bệnh, có phòng cấp cứu và các khoa cần thiết, trang bị đầy đủ các trang thiết bị y khoa hiện đại nhất và có sân bay trực thăng riêng. Khu giáo dục: gồm các trường thuộc đủ các cấp cho các em dưới tuổi 18 , trang bị đầy đủ các phương tiện nhưng quy mô nhỏ, rải rác gần khu dân cư. Chú ý giáo dục về biển Đông. Khu kỹ thuật, xây dựng & bảo trì: chịu trách nhiệm lắp đặt. thiết kế, xây dựng, bảo trì và sửa chữa cho toàn đảo.

* Nhà máy điện & các nguồn năng lượng khác
* Nhà máy nước và xử lý nước thải * Các Phòng Ban (Xây Dựng,Công chánh,Vệ Sinh, Bảo Trì, Cơ Khí,v.v...)


* Khu tôn giáo: gồm các cơ sở tôn giáo phục vụ cho sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của cư dân trên đảo. Khu gia cư: không tập trung mà rải rác giữa những bộ phận trên, gồm nhà ở cho cư dân và nhân viên làm việc trên đảo, cùng những biệt thự và chung cư cho thuê mướn. Khu sản xuất & buôn bán: gồm các cơ sở sản xuất sẵn có hay mới xây, nay tập trung lại trong một khu vực riêng biệt nhằm tiện việc kiểm soát và bảo vệ môi sinh.

* Đuôi tàu: là bến cảng nằm hẳn cuối đảo, phần lớn xây nổi trên biển, với các cơ sở sản xuất, buôn bán và dịch vụ nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh tế (chế biến nông - lâm - hải sản là chính) trên đảo.

Trong tương lai cần có thêm phi trường nhỏ và bãi đậu xe công cộng ở đây. Kinh phí dự trù trên 3 tỉ Mỹ kim cho chương trình đầu tư này, gồm chi phí cho quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng & trang thiết bị, dự tính làm trong nhiều kế hoạch ngũ niên, với sự hợp tác đầu tư tài chánh và kỹ thuật của nhiều công ty đa quốc gia thuộc nhiều nước trên thế giới. Như một “hàng không mẫu hạm” hay một “thành phố nổi” với tất cả phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất, an toàn nhất, vừa bảo đảm tính mỹ thuật, tính khoa học, tính dân tộc trong thiết kế và xây dựng. Có thể rút kinh nghiệm từ các đảo quốc bạn, “Về Với Biển Đông” sẽ được hình thành từ sự đóng góp của tất cả người Việt trong và ngoài nước nhằm biến đổi một hòn đảo thành một trung tâm du lịch, văn hoá, khoa học và nhất là nơi hành hương về với biển Đông. Các thế hệ tương lai đến đây để được nhắc nhở về cội nguồn và nhận biết trách nhiệm của mình đối với đất nước. Từ điểm hành hương & du lịch này, mọi người Việt sẽ có cơ hội nhớ lại quá khứ, cùng đóng góp cho một nước Việt Nam hôm nay để có thể đưa dân tộc tiến vào một kỷ nguyên phát triển, văn minh và tiến bộ hơn trong tương lai.(2/92)

No comments:

Post a Comment