Monday, July 20, 2009

Kiến trúc và xây dựng ở Saigon hiện nay



Tháng 6/94 vừa qua, tôi có dịp về thăm gia đình ở Saigon. Trong thời gian ngắn ngủi này, tôi được nhìn thấy sự phát triển khá rầm rộ của ngành kiến trúc và xây dựng ở Saigon so với thời gian trước khi tôi rời Việt Nam. Trong tinh thần xây dựng và học hỏi, tôi xin mạn phép được thẳng thắn đóng góp với quý vị đang hành nghề kiến trúc và xây dựng ở Saigon hiện nay vài ý kiến có tính cách chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn, nhằm xây dựng và phát triển thành phố này của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Mặt khác, nếu có điều gì sai trái hoặc không phù hợp với thực tế, tôi cũng mong nhận được những ý kiến đóng góp từ quý vị để tôi có thể học hỏi thêm.

Tôi xin bắt đầu từ những điều “tai nghe, mắt thấy” trên đường phố , ở một số công trường và văn phòng xây dựng / kiến trúc ở Saigon để xin góp ý như sau: Qua các kiểu cách kiến trúc khác nhau của hầu hết các nhà cao tầng (ít nhất là 1 trệt + 1 lầu), các khu thương mại, các công trình công cộng mới xây dựng từ 8 năm trở lại đây, tôi nhận thấy 3 điểm chính:

Các kiểu cách thiết kế bề ngoài (exterior design) của phần lớn các công trình mới này đã mang ảnh hưởng từ nhiều “trường phái” kiến trúc khác nhau, đôi khi lai tạp một cách “khó hiểu” và “ngộ nghĩnh.” Có khi ngay mặt tiền của một tòa nhà 3 tầng đã thể hiện cùng lúc quá nhiều nét của nhiều kiểu: nào cột “gô-tích” với mái vòm cong (dome) kiểu Hồi giáo, nào cửa làm theo “model” của Pháp nhưng cửa sổ lại hình như vay mượn của Tàu (!). Có khi chỉ trên một quãng đường cũng đã thấy sự “thiếu hài hòa” chung bởi nhà nhà phô trương nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, đủ màu đủ kiểu theo lối “trăm hoa đua nở”: nhà này 2 tầng mô phỏng kiểu Hongkong, nhà kế 5 tầng bắt chước kiểu Mã Lai, nhà nọ 3 tầng theo kiểu Ý; với bao nhiêu kiểu chỉ trên một quãng đường cũng đủ khiến thành phố trở nên …hỗn loạn một cách “khó chịu” (uncomfortable). Sự hỗn loạn này rất nguy hiểm chứ không thể coi thường được. Thử nghĩ, một đứa bé lớn lên từ một vùng quê với những mái tranh vách lá mộc mạc, dưới những vườn cau, vườn dừa xanh tươi tĩnh mịch sẽ có thể khác hẳn với những đứa trẻ lớn lên từ những khu phố mọc lên một cách hỗn loạn như vừa mô tả trên đây; nếu không muốn nói hơi ngoa là các em lớn lên từ những “khu phố hỗn loạn” này sẽ dễ có tâm lý nổi loạn hơn (điều này này xảy ra cho hầu hết các thành phố đang phát triển, ngay cả tai Á châu với luân lý, đạo đức khép kín chặt chẽ hơn nhưng vẫn không ngăn được lối sống thác loạn, chưa kể việc đánh mất nhiều nét đẹp truyền thống văn hoá, nghệ thuật, xã hội, giáo dục, chính trị). Đừng quên tác động tiêu cực này trong quá trình phát triển đô thị khi mà hậu quả đã thấy rõ ở nhiều nước Á Châu đủ để Việt Nam rút kinh nghiệm ngay từ bây giờ. Từ tình trạng này, tôi thiết nghĩ thành phố cần sớm có những quy định cụ thể, cập nhật hóa hàng năm từng điều khoản rõ rệt và công khai hóa luật xây dựng và các văn bản liên hệ đến kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch & phát triển đô thị, vừa đáp ứng kịp thời sự phát triển toàn diện của Saigon, , vưà phù hợp với thực tế địa phương và nguyện vọng & quyền lợi chung của người dân Saigon.

Trước mắt, hạn chế tối đa lối thiết kế lai tạp do bắt chước, sao chép, vay mượn từ nước ngoài, giảm thiểu lối xây cất hỗn loạn, ảnh hưởng đến quy hoạch và thẩm mỹ chung của thành phố. Tại Hoa Kỳ, quy hoạch đô thị đã được quy định thành văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ rệt từ hàng chục năm qua nhưng hàng năm vẫn phải cập nhật hóa sao cho phù hợp với thực tế , chặt chẽ hơn mà vẫn tôn trọng quy định chung của Liên Bang & Tiểu Bang. Căn cứ vào các văn bản đó, mọi sửa chữa, thay đổi về chức năng sử dụng, hay về diện tích mặt bằng, mặt tiền đều phải qua sự xét duyệt của phòng quy hoạch (planning department), xây dựng & an toàn (building & safety), công chánh (public works), thậm chí phải thông qua hội đồng thành phố (city council) và quần chúng (public hearing) có khi tới 3 lần (tuỳ thành phố và mức độ sửa đổi) mới biết được phép sửa chữa, xây cất hay thay đổi hay không. Điều cần nhấn mạnh là các thủ tục “rườm rà” này không hề tạo điều kiện để gây khó khăn cho “khổ chủ”, hay giúp cho tham nhũng, hối lộ nảy sinh mà tất cả thủ tục đều công khai rõ ràng, cụ thể, có lợi cho cả 3 phía (gia chủ, nhà thầu, láng giềng/ khu phố/ thành phố), ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, thậm chí có thể vác chiếu ra toà như chơi. Mặt khác, tất cả luật lệ đều quy định rõ ràng từng tiêu chuẩn, quy cách cụ thể cho tất cả trường hợp (qua Uniform Building Code/ UBC., City Ordinances, hay nhiều quy định, văn bản khác) chứ không ai có thể tự ý suy diễn bừa bãi được. Vai trò của các chuyên viên, kỹ sư hay kiến trúc sư ở các phòng quy hoạch, xây dựng địa phương cũng được quy định khá rõ: giúp người dân địa phương về thiết kế & xây dựng sao cho đúng kỹ thuật và luật lệ để vừa an toàn, vừa mỹ thuật, vừa đúng quy hoạch chung của địa phương. Thái độ và khả năng của từng “công chức chuyên môn” này luôn được kiểm tra và đánh giá từ chính người dân và hội đồng nghị viên thành phố chứ không chỉ từ lãnh đạo phòng ban, bởi họ lãnh lương từ những đồng tiền thuế của dân điạ phương kia mà? Saigon liệu có thể từng bước nhanh chóng đi vào trật tự này hay không? Đâu có phải có tiền, có thế là muốn gì thì làm, bất chấp tất cả được đâu, nhất là đối với quyền lợi và vẻ mỹ quan chung của cả thành phố Saigon nữa phải không, thưa quý vị ? Có thể lấy tòa nhà P.D.D. làm dẫn chứng cho 3 vấn đề: sự cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn cho ngành xây dựng – kiến trúc – cảnh quan (cập nhật hóa luật xây dựng như U.B.C. và City Ordinances như ở Mỹ) và việc đào tạo những cán bộ thanh tra xây dựng có trình độ chuyên môn lẫn tư cách khá hơn; sự hài hòa cần thiết phải có trong thiết kế kiến trúc nhằm đảm bảo giá trị thẩm mỹ chung của cả một điạ bàn / khu vực nên cần có sự kết hợp giữa chuyên viên quy hoạch – kiến trúc/ xây dựng – cảnh quan khi thẩm định/ phê duyệt một hồ sơ xây dựng; sự cần thiết phải bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu / đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử hay một nền văn hoá cổ kính. Ý thức tôn trọng và phát huy tinh thần làm chủ của người dân là điều rất cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề nêu trên. Vai trò của các nhà xây dựng và kiến trúc sư trẻ của thành phố rất là quan trọng trong việc đổi mới và trẻ trung hóa không ngừng thành phố Saigon của chúng ta.
Thông tin mới về kỹ thuật chuyên môn, vật liệu và kiểu cách thiết kế từ bên ngoài (exterior) tới bên trong (interior) cũng đều quan trọng. Có điều là chúng ta nên coi trọng đến vài yếu tố rất căn bản và quan yếu cho người làm nghề thiết kế (designer) như chúng ta, chẳng hạn như vấn đề “Ý Niệm” (concept) chính của đồ án thiết kế là gì ? “Ý Niệm” thể hiện tính sáng tạo và khả năng nắm vững công trình của người thiết kế. Vấn đề “lưu thông” (circulation) sao cho thuận tiện mà vẫn tận dụng một cách hợp lý không gian (spaces) phiá trong với từng chức năng cụ thể, rõ ràng để kết cấu thành một khối (form) thống nhất, hài hoà, độc đáo chứ không chỉ có tính trang trí hào nhoáng mà cũng không quá cũ kỹ, đơn điệu. Việt Nam còn nghèo thật nhưng khi đã dám bỏ ra mười hay năm mươi ngàn Mỹ Kim để sửa đổi hay xây mới thì chủ nhà nhất định muốn có một căn nhà thật sự là “mới và của riêng mình” chứ không thể là một chiếc áo vá “đủ màu, đủ kiểu” được, thậm chí càng không thể là “bổn cũ soạn lại” với nhiều kiểu lai tạp ngộ nghĩnh! Sở dĩ tôi nêu chuyện này ra vì qua tiếp xúc với 6 bạn kiến trúc sư trẻ đang hành nghề khá thành công tại Saigon thì họ đều cho tôi biết rằng: phải chìu theo ý khách, làm theo ý khách thì mới khá được – đó là yếu tố chính, có tính cách “sống còn,” dù cho chủ nhà có “chắp vá” cỡ nào đi nữa. Tôi đồng ý là phải chìu theo ý khách (dù ở Việt Nam, ở Mỹ hay ở đâu đi nữa) nhưng cũng nên nghĩ lại: chúng ta đã chọn ngành thiết kế kiến trúc (architectural design) là một ngành kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật (art) với kết cấu (structure); nếu mà không thể hiện được tính độc lập sáng tạo để có được những “đứa con” (tác phẩm nghệ thuật) thật sự mang nét riêng của mình thì …liệu có đáng buồn không chứ? Kết hợp với hội họa và điêu khắc là điều cần thiết phải có trong nghệ thuật kiến trúc nhưng cũng xin đừng lạm dụng quá đáng.

Chúng ta là những người trẻ, lẽ ra chúng ta nên tạo những “đột phá” mới cho ngành kiến trúc Việt Nam ngay từ bây giờ, song song với việc hình thành & củng cố một “trường phái kiến trúc Việt Nam” ngày một rõ rệt hơn là sao chép, bắt chước người ngoài một cách vụng về, vá víu. Ít nhất mỗi công trình (project) phải thể hiện rõ nét dấu ấn riêng của tác giả qua ý niệm chung (general conceptual design statement). Ý niệm này xuất phát từ những dữ kiện (information / data) do sự phân tích thực địa (site analysis) kết hợp với ý muốn chung của cả chủ nhà lẫn người chịu trách nhiệm thiết kế chứ không thể chỉ đơn phương một phía. Ý niệm chính là chìa khóa giải quyết cho hầu hết vấn đề phát sinh từ thực địa (như khí hậu / thời tiết, thổ nhưỡng / địa chất, địa hình, môi trường xung quanh, thoát nước, động thực vật,v.v…) và cũng là lời giải thích cho những câu hỏi “tại sao?”; chẳng hạn: Tại sao phải có cái mái kiểu này ? Tại sao cánh cửa sổ lại mở ra hướng đó ? Tại sao phòng vệ sinh lại không mở ra phía nọ ? Tại so lại dùng cột “gô-tích” ở đây ? Tác giả cần có câu trả lời thỏa đáng, hợp lý, rõ ràng ngay trên tác phẩm của mình và cần thể hiện ý niệm chính một cách bao trùm và nhất quán chứ không thể phá bỏ hoặc giải thích tuỳ tiện. Lập luận bảo vệ đồ án không những phải vững chắc, thuyết phụcvà tránh sao chép để chứng minh đây là tác phẩm đích thựccủa tác giả, mang đầy đủ hình ảnh, ý nghĩa riêng biệt để dù thành công hay thất bại thì người thiết kế cũng là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi vinh hay nhục từ công trình đó. Sự cần thiết của một ý niệm vững chắc, rõ ràng và thuyết phục là yếu tố đầu tiên, có tính bắt buộc và căn bản cho người sinh viên kiến trúc ngay từ năm thứ nhất bậc đại học của tất cả các trường kiến trúc ở Hoa Kỳ (và hầu hết các nước khác?). Họ phải “làm quen” với ý niệm ngay khi bắt đầu biết chơi với “khối” (form) và “không gian” (space). Họ còn phải hiểu chức năng (function) của từng bộ phận, từng loại vật liệu mà họ sử dụng ngay từ lúc bắt đầu học làm mô hình (model). Vì vậy, thú thật tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều hà ở Saigon đã quá ‘bạo” khi dám dùng cả gạch men vốn chỉ dùng để lát bên trong phòng tắm/ nhà vệ sinh (bath/ restroom) để lát ngay mặt tiền nhà mình(!?!). Phần lớn thiết kế bên trong các căn nhà mới xây mà tôi có dịp bước vào quan sát đều quá đơn giản đến mức …chẳng có gì mới để nói! Giữa mặt tiền hay cổng của một trung tâm y khoa / bệnh viện với một xưởng máy dứt khoát phải có nét đặc trưng, tiêu biểu để phân biệt rõ rệt cái nọ với cái kia chứ không thể mọi thứ đều giống hệt nhau, không tạo được ấn tượng gì về chức năng của công trình mà mình vừa sáng tạo hay sao? Ngay khi thiết kế nội thất (interior design), vấn đề lưu thông (circulation) trong khi tận dụng không gian cũng là một yếu tố quan trọng bậc nhất bởi yếu tố này sẽ gắn kết và xuyên suốt toàn bộ công trình, đồng thời sẽ thể hiện được chức năng, tận dụng được khoảng trống, giải quyết mặt “mở” (open) và mặt “đóng” (closed) cho “phần riêng” (private) và “phần chung” (public) của không gian bên trong (interior spaces) một cách hài hoà, hợp lý. Thế nhưng khi tiếp xúc với 6 bạn kiến trúc sư trẻ thì tôi thấy các bạn ấy đều chỉ chú trọng mặt tiền (thiết kế sao cho “hấp dẫn”, “độc đáo”, nặng tính phô trương sự giàu có của gia chủ), còn thiết kế bên trong thì lại coi nhẹ, nếu không muốn nói là cứ “bổn cũ soạn lại” cho xong!

Ngoại trừ loại nhà phố rất phổ biến ở Saigon lâu nay, các nhà mới sau này ảnh hưởng rất nặng từ sách báo nước ngoài, hầu như không còn là “sáng tạo” mà là “bắt chước” nên nhiều khi lai tạp đến buồn cười. Xin đừng cho ý kiến này là phách lối, khoác lác mà tôi thực tâm mong mỏi có nhiều thời gian hơn để chúng ta có dịp trao đổi cặn kẻ, cụ thể và chi tiết hơn về những nguyên tắc, phương pháp thiết kế căn bản mà chúng ta, những người trẻ, không thể tự ý vượt qua hay phá bỏ tuỳ tiện. Tôi không rõ việc giáo dục và đào tạo các kiến trúc sư ở Việt Nam hiện nay có gì khác hơn không nên nếu có điều gì sai sót, xin cứ thẳng thắn góp ý. Tôi hy vọng là mình sai khi nêu vấn đề này (bởi ý kiến của 6 bạn ấy không phải là ý kiến của tất cả, càng không thể “đại diện” cho cả kiến trúc Saigon hay Việt Nam) nhưng cũng mong là các bạn trong ngành kiến trúc và xây dựng bên nhà sẽ không coi nhẹ vấn đề “ý niệm sáng tạo” trong thiết kế, sẽ chú trọng đến lưu thông & tận dụng khoảng trống trong thiết kế & trang trí nội thất cho tất cả căn nhà, dù to hay nhỏ. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh đến tinh thần học hỏi cầu tiến để sáng tạo nhưng xin các bạn trẻ đừng quá cứng ngắc mà “sao chép” gần như “rập khuôn”từ sách báo hay thông tin từ nước ngoài.
Tôi muốn nói đ
ến “sáng tạo” trong nghệ thuật kiến trúc, sự tự trọng của một người làm công việc có tính nghệ thuật (artistic) và nhất là “tự ái dân tộc”, đặc biệt trong việc kết hợp hài hoà và sáng tạo giữa tính hiện đại và tính dân tộc, giữa “chất liệu” mới với nét truyền thống để kiến trúc Việt Nam ngày càng củng cố và phát triển như một “trường phái” riêng biệt. Các bạn chắc hẳn sẽ đồng ý với tôi về niềm mơ ước và hãnh diện không thể không có này chứ?

Vấn đề thứ ba là an toàn và tiện nghi cần thiết tối thiểu (nhất là nơi công cộng, như công sở, nhà hàng, bệnh viện, thương xá…) bởi trong kiến trúc và xây dựng, đó là 2 điều kiện “ắt có và đủ” có tính tiên quyết. Ơ Mỹ, an toàn là yếu tố bắt buộc đầu tiên mà mọi người làm nghề có liên quan tới công cộng (public) phải lưu ý. Trong khi đo, Saigon hiện nay vẫn thiếu quan tâm đến 2 yếu tố này, nhất là trong việc phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, thiết kế lối đi riêng và tiện nghi cho người tàn tật, phòng vệ sinh công cộng cho nữ giới và người tàn tật, v.v… ở những nơi công cộng. Noí về cứu hỏa, chúng ta không chỉ cần vòi và bình chữa lữa mà còn cần có hệ thống phun nước tự động (fire sprinkler system) trên trần nhà, có lối đi và lối thoát hiểm (emergency exit) đủ rộng (tối thiểu 3 thước), có bảng chỉ dẫn (Exit Sign) rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể về chữa lữa khi có đám cháy để phổ biến cho mọi người đang cư ngụ/ buôn bán/ sinh hoạt/ sử dụng khu vực này được am tường phòng khi có tai biến. Về cứu cấp, ở mỗi cầu thang (cả thang máy, thang cuốn tự động) cũng phải có bảng hướng dẫn tương tự này phòng khi trục trặc kỹ thuật, cúp điện hay có hỏa hoạn. Vòi cứu hỏa (fire hydrant) phải được tu bổ, bảo trì, cấm cản trở chung quanh, không nên cho công chúng sử dụng tuỳ tiện. Những nhu cầu tối thiểu cho người tàn tật đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dù chỉ là một thanh tay nắm, một bồn cầu hay một lối đi (ramp) riêng với độ dốc thích hợp, hay một ưu tiên cần thiết cho họ khi di chuyển.

Chúng ta cũng nên lưu ý tới những tiện nghi cần thiết của nữ giới, những điều kiện vệ sinh tối thiểu và những nhu cầu thông thường trong một nhà hàng, thương xá, bến xe, nhà ga, chợ, tiệm, siêu thị, cửa hàng bách hóa… Không biết bao giờ ta mới có thể vui vẻ, thoải mái khi bước vào những nơi này, ít ra cũng yên chí là có phòng vệ sinh sạch sẽ, tạm đủ những thiết bị cần thiết, không quá hôi hám, không còn thấy chuột, gián, kiến, bọ chạy lung tung… Sự kiểm tra thường xuyên của các nhân viên y tế công cộng, phòng dịch, cứu hỏa, bảo hiểm là điều nên làm định kỳ. Khi thiết kế các công trình công cộng, mong rằng những ý kiến trên sẽ là không thừa với các bạn. Dù còn lắm khó khăn nhưng chúng ta cũng cần cố gắng giữ sao cho mọi nơi, mọi lúc được an toàn, trật tự, vệ sinh sạch sẽ. Để bảo đảm “chất lượng” kỹ thuật trong kiến trúc & xây dựng, thiết nghĩ cần nêu vấn đề chuyên môn hóa các ngành nghề xây dựng qua việc cấp giấy phép hành nghề sau một kỳ thi trắc nghiệm về luật lệ và kinh nghiệm chuyên môn cho những ai muốn làm thầu. Có nên áp dụng quy chế này cho các nhà thầu xây dựng ở Việt Nam không? Ở California (Hoa Kỳ) có 3 loại giấy phép hành nghề thầu xâydựng chính: loại C cho các tay thợ chuyên môn (thợ điện, thợ ống nước, thợ sơn, thợ hồ…); loại B cho nhà thầu tổng quát (general contractor); loại A cho người có bằng đại học liên quan đến xây dựng muốn làm thầu trong phạm vi chuyên môn của mình. Nếu đậu cả phần thi luật lẫn chuyên môn, người đó sẽ phải ký quỹ bảo hiểm (bonds/ insurances/ worker compensation), đóng lệ phí hành nghề thì mới chính thức được cấp phép hành nghề xây dựng. Nếu có lỗi do tắc trách hay cố tình vi phạm mà bị chủ nhà khiếu tố hay chính quyền truy tố, hội đồng cấp phép tiểu bang sẽ điều tra và quyết định mức độ kỷ luật, nặng nhất là thu hồi giấy phép, thông báo toàn tiểu bang qua công báo, truy tố ta tòa hình sự. Việc làm thầu hay thợ ở Mỹ bị luật pháp ràng buộc chặt chẽ nhưng đồng thời cũng là biện pháp bảo vệ hiệu quả cho người làm ăn lương thiện. Ở mỗi công trình xây dựng, các thanh tra đã kiểm soát từng giai đoạn một. Điều này giúp cho chủ nhà an tâm rằng cả thầu lẫn thợ đều làm đúng quy định, quy tắc an toàn và kỹthuật chuyên môn (quan trọng nhất là U.B.C., City Ordinances & regulations), vừa phục vụ tốt cho chủ nhà lẫn thành phố chứ tuyệt nhiên không đứng về phía thầu và thợ mà phạm luật được. Tuy vậy, hầu hết thanh tra xây dựng (building inspector) khá hòa nhã, sẵn lòng hướng dẫn cặn kẻ cho thầu và thợ ngay tại hiện trường nhằm bảo đảm công trình thi công đúng luật định và kỹ thuật chuyên môn, kịp thời điều chỉnh các sai phạm trên thực tế. Chính các thanh tra cũng phải học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm để nắm vững luật và kỹ thuật, đồng thời thể hiện đúng mức tư cách đại diện chính quyền.

Ngoài các vấn đề nêu trên, tôi cũng xin nêu thêm 3 điểm quan yếu trong kiến trúc & xâydựng: Kiến Trúc Cảnh Quan (Landscape Architecture) là một ngành thiết kế và xây dựng cần được đào tạo thành một bộ môn, một phân khoa chuyên biệt trong khoa thiết kế và nghiên cứu môi trường (Environmental Design & studies). Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được “khoảng xanh” (grên spaces) cần thiết phải có cho mọi đô thị đang phát triển. Từ một mảnh vườn xinh xắn sẽ tăng giá trị cho căn nhà, một công viên thoáng mát cho một thành phố chật chội, một hồ nước thơ mộng bên khu kỹ nghệ, một bãi đậu xe râm mát cho một khu công cộng, cho đến một thương xá với những chậu hoa rực rỡ hay những cây kiểng đẹp mắt cả bên ngoài lẫn bên trong, hay một sân golf với thảm cỏ tuyệt đẹp, chúng ta đều cần tới khả năng thiết kế của một kiến trúc sư cảnh quan (landscape architect). Họ được đào tạo hẳn hoi trong 4 năm về thiết kế cảnh quan (landscape architectural design), cây trồng (ornamental horticulture), tưới tiêu (irrigation sciences), trắc địa (survey), xây dựng (construction technology), hoá sinh (bio-chem), v.v…; song song với các môn hội họa (art, color rendering & perspective), nông học (agriculture & botany), thiết kế (design), lịch sử cảnh quan (history of landscape architecture). Ngay như vấn đề bảo tồn, bảo tàng, trùng tu các di tích lịch sử & văn hoá, thiết nghĩ cần phải cẩn thận hơn: từ vật liệu (ngói, gạch, hồ hay mật, v.v...) đến kỹ thuật & nghệ thuật cũng phải nghiên cứu đàng hoàng, tỉ mỉ hơn chứ không thể tô sơn, trét phấn y như đền chùa Tàu là ...hỏng, thua to ! Hình như VN còn xem thường chuyện này, chỉ biết khai thác - kinh doanh tối đa mà chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo tồn, bảo tàng, trùng tu các di tích lịch sử & văn hoá. Xin đừng phá hư những di sản quý báu của cha ông chúng ta chỉ vì thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm !

Vì phạm vi hạn hẹp, tôi chỉ xin giới thiệu về ngành này với các bạn bên nhà để thấy rằng cảnh quan ngày càng quan yếu, cần thiết cho thiết kế và bảo vệ môi trường, góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm kiến trúc và đời sống chúng ta. Vấn đề rác và thoát nước là vấn đề “đau đầu” chung của các đô thị trên thế giới, không riêng gì các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, Saigon và Việt Nam cần tập trung nỗ lực giải quyết ngay từ bây giờ, chủ yếu là đào tạo chuyên viên, xây dựng cơ sở vật chất với sự trợ giúp của quốc tế. Các nhà quy hoạch và quản lý đô thị, các nhà xây dựng và thiết kế kiến trúc không thể không quan tâm đến 2 vấn đề rác và cấp thoát nước. Khi nói tới thiết kế trong ngành kiến trúc, tôi vẫn nhớ đến lời của một người thầy ở Cal Poly Pomona: “Cái đẹp nằm trong sự giản dị và hữu dụng. Với Saigon, diện tích vốn dĩ chật hẹp, giá địa ốc lại tăng cao đột biến một cách “khó hiểu” thì vấn đề tận dụng “khoảng trống” (kể cả không gian 3 chiều) một cách hợp lý nhưng vẫn hài hòa với ngoại cảnh và không ảnh hưởng xấu tới môi sinh là điều mà tôi xin đề nghị với các bạn đồng nghiệp bên nhà cần lưu ý nhiều hơn. Tôi cũng muốn nhắc đến sự đơn điệu, cũ kỹ, thậm chí vô lý và buồn tẻ trong vấn đề thiết kế cả ngoại hình lẫn nội thất của một số toà nhà ở Saigon hiện nay để kêu gọi các nhà xây dựng và kiến trúc ở Saigon hãy mạnh dạn “sáng tạo”, kết hợp việc làm quen với vật liệu mới nhằm tạo ra nhiều hơn những “tác phẩm để đời” thật sự cho Saigon thân yêu của chúng ta, hay ít ra cũng là một cái gì mới với chính mình. Qua các vấn đề nêu trên, thiết nghĩ ngành kiến trúc và xây dựng ở Saigon cần sớm ổn định bằng các văn bản hướng dẫn có tính pháp định, bảo đảm quy tắc an toàn, đúng kỹ thuật chuyên môn, phù hợp trình độ phát triển chung của các nước tiên tiến trên thế giới mà vẫn bảo tồn tính truyền thống lịch sử và tập quán dân tộc. Trước mắt, qua vài thí dụ đơn cử trên đây, Saigon nói riêng, Việt Nam nói chung cần nghĩ tới việc cải tiến phương pháp đào tạo, cập nhật hóa thường xuyên hơn thông tin kỹ thuật từ nước ngoài, pháp chế hóa guồng máy điều hành và cơ cấu quản lý, chú trọng hơn đến việc phát huy khả năng sáng tạo trên căn bản vững chắc về lý thuyết và kỹ thuật chuyên môn. Xin tha lỗi cho tôi nếu như cách dùng chữ, hành văn và diễn đạt ý tưởng có xúc phạm hay sai sót. Chỉ mong sao sự thành tâm sẽ giúp chúng ta làm việc và giúp đỡ nhau hữu hiệu hơn. Xin gửi lời chúc tốt lành đến tất cả các bạn đồng nghiệp bên nhà. Tôi rất vui được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với tất cả anh chị em đang hành nghề kiến trúc, xây dựng, cảnh quan, quy hoạch và quản lý đô thị ở Việt Nam để từng bước đóng góp hiệu quả hơn cho việc xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta.(4-1994)

No comments:

Post a Comment