Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(6):kiến trúc xanh

Tôi đã ngồi viết bài tham luận này bằng tay trong một buổi trưa oi nóng vì cúp điện ở Hà nội. Tất nhiên, thư ký của tôi sẽ đánh máy lại khi văn phòng có điện. Việc năng lượng dần cạn kiệt đang đánh thẳng vào công việc và cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Và kiến trúc xanh sẽ là một giải pháp thiết thực và cấp bách. Không như mọi người vẫn hình dung về một hình ảnh các khu nghỉ mát sang trọng rợp bóng cây hay các toà nhà hi-tech cực kú hiện đại, kiến trúc xanh mang đến cái lợi trực tiếp: giá điện ngày càng cao và nếu tuân thủ thiết kế theo mô hình xanh, hoá đơn tiền điện sẽ giảm rất nhiều. Chi phí y tế cũng sẽ giảm nếu thiết kế xanh, môi trường ở và làm việc sẽ giảm thiểu bụi bặm và các hoá chất độc hại.
Tuy nhiên, trong thực tế tại Việt Nam, việc triển khai nhân rộng mô hình “kiến trúc xanh” vẫn còn kém hiệu quả. Chúng ta hãy bước đầu đi tìm một vài nguyên nhân để từ đó có thể đề ra biện pháp quảng bá, khuyến khích và nhân rộng mô hình này.
Về vật liệu xây dựng
Đây là một trong những “vướng mắc” hiện nay trong việc nhân rộng mô hình kiến trúc xanh. Một điều hiển nhiên không thể chối bỏ là: vật liệu xây dựng cho mô hình kiến trúc xanh thường có giá thành ban đầu cao vì phải đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt: Ví dụ như kính 2 lớp để giảm bức xạ nhiệt, tổ chức và tận dụng sự lưu chuyển năng lượng trong ngôi nhà; sử dụng cảm ứng để điều chỉnh ánh sáng đèn thích hợp, làm tường 2 lớp để ổn định và cách nhiệt…
Chúng ta đã biết, năng lượng được coi là mối quan tâm hàng đầu trong thiết kế nhà ở “kiến trúc xanh” ở hai khía cạnh. Thứ nhất, năng lượng tiêu hao để tạo ra sản phẩm sẽ phải được chọn ở mức thấp nhất. Ví dụ, một bức tường gạch có thể được đem so với bức tường kính xem cần bao nhiêu năng lượng (than, điện…), bao nhiêu vật liệu khai thác từ thiên nhiên để tạo ra bức tường gạch và kính đó. Cái nào tiêu dùng ít năng lượng hơn sẽ được chọn. Đây là vấn đề xuất phát từ ý thức của con người nhằm làm giảm tác động lên môi trường. Với xu hướng đó, trên thế giới người ta ngày càng dùng nhiều bê tông nhẹ chịu lực cao, gia tăng sử dụng các vật liệu mới. Công nghệ vật liệu mới cũng cho phép sử dụng kết cấu mới có kích cỡ nhỏ, ít chiếm chỗ hơn kết cấu bê tông cốt thép kiểu cũ. Điều này cho phép dành nhiều không gian hơn cho nhu cầu ở và sinh hoạt, khoảng trống, mảng xanh trong nhà... Và tất nhiên, suất đầu tư ban đầu sẽ lớn hơn hẳn với nhà thông thường cùng loại.
Thứ hai, năng lượng tiêu hao để vận hành sử dụng toà nhà cũng sẽ được xem xét từ trong quá trình thiết kế. Đây là vấn đề phức tạp trong việc giải quyết. Các thiết bị tận dụng năng lượng trực tiếp từ thiên nhiên như nắng, gió… trước đây gặp trở ngại vì giá thành thường cao. Tuy nhiên hiện nay, việc ứng dụng đã khả thi hơn nhờ công nghệ có bước đột phá, giá thành giảm. Chẳng hạn như pin mặt trời trước đây chỉ có hiệu suất 25% (biến 25% năng lượng mặt trời chiếu xuống một đơn vị diện tích tấm pin thành năng lượng hữu ích) thì nay có thể đạt hiệu suất 60%. Đó cũng là một tín hiệu mừng cần ghi nhận.
Về khung thể chế và pháp lý
Viện Kiến trúc Mỹ hàng năm đều có bình chọn sản phẩm trao giải Top 10 công trình xanh. “Xanh” cũng là một tiêu chí lớn trong 10 công trình kiến trúc nổi bật của năm 2007 do tạp chí Time bình chọn. Tiến sĩ Matthias Krups, Chủ tịch tập đoàn thông tin xây dựng BCI và tạp chí kiến trúc FuturArc cho rằng: “Đây là trách nhiệm của kiến trúc sư ngay từ khi bắt đầu bản vẽ. Phải cẩn trọng giúp giảm chi phí cho công trình trong suốt vòng đời của nó, qua đó giảm ảnh hưởng đến môi trường”.
Tại Trung Quốc, Skidmore, Owings & Merrill đã thiết kế dự án tòa nhà chọc trời không tiêu hao năng lượng đầu tiên ở Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào năm 2009. Mang tên “toà tháp Châu Giang” với 71 tầng, đây sẽ là toà nhà sạch đầu tiên ở Trung Quốc, bởi chỉ sử dụng nguồn năng lượng dựa vào sức gió và ánh nắng mặt trời. Thiết kế mới của Skidmore, Owings & Merrill được coi là động thái có tính khích lệ trong bối cảnh Trung Quốc có khoảng 50% ô nhiễm là từ các toà nhà. Và hiện các nhà chức trách ở các thành phố lớn nước này đang dần xúc tiến việc phát triển tốt cho môi trường bằng việc loại các dự án không thoả mãn các tiêu chuẩn sạch và hỗ trợ tài chính cho các công nghệ mới thân thiện môi trường.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đã lập quỹ thưởng cho cá nhân, tập thể, công sở nào tận dụng diện tích mái nhà trồng thảm cỏ, cây xanh trên cao. Nhờ mức thưởng tăng theo diện tích “thảm xanh” tạo ra so với diện tích nhà xây mà thúc đẩy được tốc độ xã hội hóa tăng “diện tích xanh” để thay đổi vi khí hậu trong các tiểu khu đô thị, khắc phục ô nhiễm khói bụi, tăng ô xy tự nhiên. Các bể bơi lộ thiên cũng được xây ở mái bằng tòa nhà để tăng diện tích mặt nước, tận dụng đất trống giữa các nhà cao tầng để xây bể bơi, làm bồn phun nước, cải thiện vi khí hậu, tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà.

Ở Việt Nam, ngày 3/9/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về việc "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" trong đó có đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Hưởng ứng Nghị định này Bộ Xây dựng đã có kế hoạch biên soạn Quy chuẩn xây dựng- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả và Quy chuẩn này đã được ban hành vào tháng 11/2005 (QCXDVN 05: 2005). Đây là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế và sử dụng các thiết bị như thiết bị chiếu sáng, điều hoà không khí, thiết bị đun nước nóng hoặc các thiết bị khác sử dụng nhiều năng lượng trong các công trình thương mại, trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, nhà ở cao tầng, khách sạn... Ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2006/QĐ-CP về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Xây dựng là một trong các Bộ được giao chủ trì thực hiện nội dung "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa trong toà nhà" .Bộ Xây dựng cũng đó ra nhiều tiờu chuẩn như “Nhà ở cao tầng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”,…
Tuy nhiên, chưa có một chế tài cụ thể cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh, cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Bản thân công trình vốn đã không được sự “hưởng ứng” từ phía các nhà đầu tư (vì suất đầu tư ban đầu khá cao) lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng, từ chính quyền đô thị. Vì thế trong thực tế, các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn tồn tại lẻ tẻ dưới dạng một dự án đơn lẻ mà không có bất cứ sự “tuyên dương”, giới thiệu hay quảng bá nào và được ít người biết đến để rút kinh nghiệm và học tập.
Hiểu biết chung về kiến trúc xanh: còn hạn chế
Số lượng các tài liệu về kiến trúc xanh lưu hành tại Việt Nam chưa nhiều và chưa được phổ cập rộng rãi. Một điều cần nhấn mạnh là đa phần các tài liệu có xuất xứ từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi người ta chủ yếu chống lạnh, trong khi tại Việt Nam, vấn đề chống nóng và thoát ẩm phải đặt lên hàng đầu (Thực tế, đây là hai nhiệm vụ khá mâu thuẫn gây khó khăn cho người thiết kế tại Việt Nam). Kiến trúc xanh không có một quy tắc chung mà vấn đề bối cảnh địa phương phải đặt lên hàng đầu, từ đó mới xem xét giải pháp nào là phù hợp, tức là cách ứng dụng nguyên lý thiết kế ở đâu, như thế nào… mới là kết quả cuối cùng cho một mô hình kiến trúc xanh.
Liên quan đến vấn đề này, ta có thể nghe câu chuyện của của tiến sĩ Goh Chong Chia, chủ tịch Uỷ ban tiêu chuẩn xây dựng của Quốc hội Singapore, nguyên chủ tịch Tổ chức kiến trúc sư Singapore SIA (Singapore Institute of Architects) về quan niệm và ứng dụng xanh của ông: Singapore dùng rất nhiều máy lạnh và rất nhiều người phương Tây khuyên chúng tôi đừng dùng nữa, tôi trả lời rằng: "Khi nào anh ngừng sưởi nhà anh vào mùa đông thì tôi sẽ ngừng máy lạnh". Câu hỏi thật ra phải là: "Làm thế nào để sử dụng năng lượng chạy máy lạnh hiệu quả nhất?". Khác với vùng ôn đới: mặt trời luôn ở phía bắc hay phía nam, tuỳ thuộc nhà ở nam hay bắc bán cầu nên phải mở cửa sổ về hướng đó để lấy nhiệt. Ở vùng nhiệt đới thì ngược lại, chúng tôi cần tránh nhiệt, mặt trời nằm ở phía đông và tây nên tường quay về phía đó và phải được che chắn cách nhiệt tốt. Mái nhà là nơi bị chiếu sáng suốt ngày nên phải chống nóng cho mái và tôi thường dùng mái có nước, nước cản nóng rất tốt. Dĩ nhiên nó sẽ sinh nhiều vấn đề như muỗi chẳng hạn. Cho nên tuỳ theo vị trí mái có chăm sóc, bảo trì dễ hay không để khắc phục: Thả cá được không? Làm vườn cảnh được không?…
Một số nghiên cứu của các kiến trúc sư, nhà hoạt động môi trường trong khu vực… cần phải được quảng bá và phổ cập rộng rãi cho những người làm nghề cũng như người sử dụng. Tại Viện nghiên cứu kiến trúc quốc gia, trong buổi nói chuyện của một chuyên gia hàng đầu về kiến trúc xanh tại Đài Loan: Giáo sư Lâm Thế Đức - giảng dạy tại khoa Kiến trúc của trường Đại học Thành Công – Đài Loan đồng thời là cố vấn của Chính phủ Đài Loan về kiến trúc Xanh và tiết kiệm năng lượng, cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này mà Đài Loan, và hiện thời là Việt Nam, đã và đang mắc phải. Ông cũng đề cập đến hệ thống kiến trúc xanh ở Đài Loan với 9 tiêu chí tóm gọn lại là EEWH (Ecology – Energy saving – Waste reduction – Health) trong đó tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước là 2 tiêu chí quan trọng nhất. Các kinh nghiệm của Đài Loan, Thái Lan, Malaysia hay Singapore… rất đáng để chúng ta tham khảo và học tập.
Tóm lại, trước khi muốn ứng dụng rộng rãi mô hình kiến trúc xanh trong tiết kiệm năng lượng, chúng ta cần có những bước khảo sát, chuẩn bị, nghiên cứu lý thuyết… để có thể ứng dụng một cách hiệu quả nhất và đặc biệt cần thiết phải đưa ra được một mô hình hợp lý để năng lượng được sử dụng hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển bền vững tại Việt Nam./.
TS.KTS.Lê Thị Bích Thuận
* Ý kiến:
14 năm trước(1994), tôi đã đề cập đến vấn đề kiến trúc cảnh quan(landscape architecture) và vấn đề hôm nay mà chị Bích Thuận gọi là "kiến trúc xanh". Bàn đến"kiến trúc xanh" mà xem nhẹ kiến trúc cảnh quan thì hình như ...khập khiễng, không nắm được tầm quan trọng của kiến trúc cảnh quan; thậm chí các KTS đang kiêm luôn công việc kiến trúc cảnh quan mà không cần biết căn bản của bộ môn này là gì. Các trường đại học ở California đã đưa vào giảng dạy các môn "kiến trúc xanh"(sustainable & regenerative studies,saving energies, etc...); các SV kiến trúc có thể lấy các lớp này như là "nhiệm ý"(support courses). Vả lại, nếu thích, ai cũng có thể truy cập thông tin về "kiến trúc xanh" từ internet dễ dàng, chị Bích Thuận đừng sợ thiếu tài liệu tham khảo; chỉ lo là không ai chịu tìm hiểu, nghiên cứu mà thôi.
Mong sao VN sẽ không chỉ xây dựng bộ môn kiến trúc cảnh quan(landscape architecture) này thành một phân khoa mà còn đưa nó lên thành một nghệ thuật như người Nhật và người Hoa đã thành công khi cả TG phải học hỏi về môn Japanese - Chinese landscape architecture; trong đó có nghệ thuật chơi bonsai, vườn thiền(zen garden), không thua gì English hay France garden. Landscape architecture vừa là một nghệ thuật(art), vừa là một kỹ thuật( cho cả planning, design, management , preservation, rehabilitation,man-made construction và irrigation; chưa kể kỹ thuật nhà vườn bao gồm trồng, chiết, ghép, phân bón...). Công việc của landscape architectural design thường bao gồm luôn site planning, housing estate development, environmental restoration, town or urban planning, urban design, parks and recreation planning, regional planning, landscape urbanism, historic preservation) chứ không phải chỉ là làm vườn cho nhà ở(residential), khu kỹ nghệ(industrial) hay thương mại(commercial building), chung cư(apartment), hay công cộng(public park/ garden). Vì vậy, công việc đào tạo landscape architect phải đưa vào chính qui và đòi hỏi phải đáp ứng trình độ quốc tế. Suốt bao nhiêu năm qua, VN vẫn chưa coi trọng bộ môn này và rõ ràng vẫn chưa có đất dụng võ vì tất cả kTS đều làm thay cho KTS cảnh quan. Hy vọng rằng người VN chúng ta sẽ không coi nhẹ mảng này vì đây là một điểm mạnh của Á châu; nhất là khi người Hoa và người Nhật đã có một "bề dày" lịch sử phát triển một "trường phái"/ khuynh hướng riêng (Chinese & Japanese Landscape Architecture) mà cả TG phải học hỏi. Cần đào tạo chính qui hẳn hoi về cả tiết kiệm năng lượng(Energy conservation) trong thiết kế lẫn xây dựng(to reduce energy consumption and promote sustainable design and construction),bảo vệ môi sinh khi kết hợp thiết kế với nghiên cứu khoa học(link design and science) chứ không chỉ có Landscape Architecture mà thôi(không phải chỉ trồng cỏ mà còn có planting & irrigation, design- maintenance-construction) và cần có những cuộc thi sáng tạo để khuyến khích cho bộ môn này phát triển.
Một yếu tố khác mà chị đã nêu ra: vấn đề chống nóng và thoát ẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức; thậm chí cứ xây nhà kính rồi xài máy lạnh(hay quạt máy?) nhưng đến khi cúp điện thì sẽ biết mùi đau khổ. Còn nhiều vấn đề khác cần bàn thêm nữa, từ vấn đề thiết kế đến vật liệu, xem ra phải viết thành nhiều bài khác nhau để trình bày rõ ràng, cụ thể từng vấn đề... nhưng có lẽ cũng chỉ để nghe qua rồi ...bỏ (như 14 năm qua?). Kiến trúc nước ta cần làm quen với nhiều kỹ thuật, vật liệu và quan niệm thiết kế mới khi hội nhập; trong đó có sự kết hợp với nghiên cứu khoa học và giải quyết những bài toán của đời sống.
7 kỳ quan công nghệ xanh

Xem hình

Kiến trúc xanh xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới dưới mọi kiểu dáng và càng lúc càng sáng tạo, lý thú trong cách thể hiện.Nào là nông trại nhà chọc trời xanh, thành phố sinh thái nổi. Nào là tháp năng lượng mặt trời lấp lánh và những cao ốc sử dụng năng lượng tuôcbin gió. Rồi phải kể đến cả những cỗ máy thu gió trên cao để biến thành năng lượng. Những ý tưởng và cảm hứng tưởng chừng vô tận. Nhưng tận dụng tốt nhất các công nghệ xanh đang nổi dậy phải kể đến “bảy ông lớn kiến trúc xanh” sau đây.


1 Dự án có tên Lilypad được xem là giàu trí tưởng tượng nhất trong bảy kỳ quan. Ý tưởng chủ đạo của dự án Lilypad là tạo ra một loạt “hòn đảo - thành phố” đa dạng về sinh thái, có khả năng tự duy trì trên mặt đại dương với sức chứa 50.000 cư dân mỗi đảo. Tại trung tâm của đảo là những hồ thu và lọc nước để sử dụng trong sinh hoạt. Khi mực nước tăng lên, đe dọa nhiều hòn đảo tự nhiên và các nơi cư trú khác trên địa cầu thì quần thể đảo nhân tạo Lilypad chính là nơi tị nạn cho những cư dân thế giới bị mất chỗ ở.

2 Ấn tượng nhất của Trung tâm thương mại thế giới mới (WTC) đang xây dựng ở Bahrain chính là ba tuôcbin gió khổng lồ nằm giữa hai tòa tháp cấu thành tòa nhà chính. Mỗi tuôcbin sải cánh 24m này nhô ra khỏi cây cầu nối hai tháp. Hình dáng của tòa nhà tạo điều kiện tối đa cho gió đổ về và mạnh lên để biến thành năng lượng thắp sáng và sinh hoạt phục vụ tòa nhà. Đây cũng là công trình năng lượng gió lớn nhất gắn liền vào một tòa nhà trên thế giới.


3 Tuôcbin gió MagLev (MagLev wind turbine) là bước tiến vượt bậc của công nghệ năng lượng gió. Bằng cách dùng từ tính để làm chuyển động những cánh quạt, việc ma sát sẽ bị loại bỏ, năng lượng sản xuất sẽ nhiều hơn mà không cần bất cứ kích thích nào khác vì từ tính không đòi hỏi năng lượng để vận hành. Theo tính toán, một tuôcbin gió MagLev tương đương với 1.000 quạt gió tiêu chuẩn như trong ảnh. Về mặt lý thuyết, MagLev có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ và có thể cung cấp năng lượng cho 750.000 ngôi nhà so với 500.000 ngôi nhà của hệ thống quạt gió 1.000 chiếc. Nó chỉ chiếm diện tích 100 acre so với 64.000 acre của hệ thống quạt gió 1.000. Dù đầu tư ban đầu có thể lên đến hàng trăm triệu USD nhưng hiệu quả tuôcbin gió MagLev mang lại là vô cùng lớn.


4 Ngọn tháp mặt trời lóng lánh này trông giống như có trong Thánh kinh nhưng lại nằm ở vùng nông thôn Tây Ban Nha đầy nắng. Nó mọc lên tại tâm điểm của một quần thể tấm thép thu ánh nắng mặt trời để phản xạ đến cỗ máy trao đổi nhiệt (heliostat) nằm ở đỉnh tháp. Cỗ máy này sẽ biến năng lượng mặt trời quần tụ về thành hơi nước chứa trong những chiếc bồn kín dùng để vận hành mạng tuôcbin đủ sức sản xuất điện sinh hoạt cho 6.000 ngôi nhà.


5 Dù ý tưởng về các nông trại kết hợp nhà chọc trời tại đô thị vẫn còn là lý thuyết, nhưng chẳng bao lâu nữa chúng sẽ trở thành hiện thực khi các đô thị lớn đông dân cần được cung cấp thực phẩm ngay tại chỗ. Những bản thiết kế nông trại trên cao này đều có hệ thống tái chế nước cùng các phương pháp tự duy trì khác nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng xấu đến môi trường và tối đa hóa hiệu năng của nông trại. Tuy nhiên, do kích cỡ khá lớn chúng sẽ tốn nhiều tiền để xây dựng. Chính trở ngại này đã khiến các dự án nông trại trên cao phải tạm hoãn lại thêm một thời gian.

6 Thành phố sinh thái Đông Than ở Trung Quốc không chỉ là thành phố sinh thái đầu tiên được thiết kế trên thế giới mà còn là thành phố có thể tự duy trì về văn hóa, xã hội và kinh tế. Chiếm diện tích hơn 50 dặm vuông gồm hai khu đô thị và nông nghiệp, thành phố trông cậy vào gió và năng lượng mặt trời riêng của nó cùng chiến thuật canh tác hữu cơ tiên tiến. Vận tải công cộng trong thành phố sẽ không cho ra khí thải độc hại. Có thể nói đây là phiên bản mẫu của một thành phố sinh thái lớn hơn trong tương lai gần.


7 Tòa nhà chọc trời có tên Ngọn hải đăng cao hơn 300m được thiết kế sao cho việc tiêu thụ nước và năng lượng chỉ bằng phân nửa những tòa nhà cao bằng nó. Mục tiêu này đạt được là nhờ cách thiết kế tận thu năng lượng mặt trời và sử dụng kỹ thuật thu gom gió tốt nhất. Khả năng thu hồi nước và năng lượng nội tại cũng được tăng cường. Khi xây dựng xong, tòa nhà này sẽ là phiên bản cho mô hình thiết kế xanh tương lai tại các đô thị có mật độ xây dựng cao. (Theo 7 modern wonders of green technology)Vườn thẳng đứng - xu hướng mới
Xem hình

Những mảng xanh tự nhiên không nằm trên mặt phẳng ngang như thường thấy mà "bò" trên tường, trên các công trình chọc trời... sẽ là xu hướng phổ biến trong tương lai, đặc biệt khi đất chật, người đông, thiếu khoảng không dành cho cây cối.

Patrick Blank, một người từng làm việc tại các viện bảo tàng ở Paris, Istanbul, Madrid và bảo tàng Nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 tại Kanazawa..., đã tạo dựng một khu vườn thẳng đứng rất đẹp. Khu vườn có rất nhiều loại cây len lỏi vào không gian nội thất và tường bao. Patrick không chỉ đơn giản là thêm thắt màu xanh trên tường, ông đã nghiên cứu rất nhiều phương cách để cây có thể thích nghi với điều kiện rất đặc biệt này tại Trung tâm nghiên cứu khoa học của Pháp CNRS, từ năm 1982.

Các công trình tiêu biểu của "Vườn thẳng đứng".
Sau đó, ông từng bao phủ nội thất của cửa hàng Girbaud tại Paris với rêu và dương xỉ, và thiết kế cho những công ty như Samsung và Hypo Vereinsbank. Ông cũng đã từng đóng góp cho nhà thiết kế Jean Paul Gaultier bộ trang phục cưới đầy màu xanh tại fashion show của Gaultier năm 2002 với nhiều loại cây leo quanh những đường cong của người mẫu.
"Tác phẩm" ngẫu hứng của Patrick Blank.
Để hoàn thành một tác phẩm này, các chuyên gia sẽ sử dụng phương pháp ẩn dấu, tường nhà khi đó sẽ gồm ba phần: một khung sắt, một lớp nhựa PVC và vải nỉ. Khung sắt được treo trên tường hoặc có thể tự đứng được. Nó cung cấp một lớp không khí đóng vai trò là một hệ thống cách nhiệt và âm hiệu quả.
Lớp nhựa PVC dày 1 cm được đóng lên khung sắt. Lớp nhựa này mang lại độ cứng chắc cho toàn bộ hệ thống và chống nước. Sau đó, lớp vải nỉ sẽ được tiếp tục gắn lên lớp PVC. Lớp nỉ này chống lại sự ăn mòn và khả năng dẫn nước cao, sẽ phân phối lượng nước một cách đồng đều. Rễ cây sẽ phát triển lên lớp nỉ này.
Thông thường, trọng lượng toàn bộ của vườn cây thẳng đứng này, gồm cả cây và khung sắt thấp hơn 30 kg mỗi m2. Vì vậy, vườn thẳng đứng có thể đựng trên bất cứ loại tường nào và không bị giới hạn bởi kích thước hay độ cao. Ngoài ra, theo các nghiên cứu, thực vật không nhất thiết phải cần đến đất trong bất kỳ hoàn cảnh nào bởi đất chỉ là một cách hỗ trợ mang tính máy móc. Chỉ có nước và khoáng chất hòa tan mới là thành phần thiết yếu cho thực vật, cộng với ánh sáng và khí CO2 để hô hấp quang hợp.
Quá trình chăm sóc không quá khó khăn. Việc tưới nước sẽ được thực hiện từ trên cao bằng vòi nước phụ, có bổ sung các chất dinh dưỡng, nhiều nơi hoàn toàn tự động.
Singapore Tower tại Dubai do Ong & Ong thiết kế.
Những sáng tạo nghê thuật sắp đặt của Patrick Blank là tiên phong cho các kiến trúc sư và nhà thiết kế cảnh quan cho các công trình. Xin giới thiệu công trình Singapore Tower tại Dubai do Công ty Thiết kế Ong & Ong đã vận dụng nguyên lý của cây xanh để tạo nên một không gian sống gần gũi với môi trường cho nhà cao tầng. (Theo Đô Thị)

No comments:

Post a Comment