Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(3)

Ngay từ đầu, phải nói rằng thuật ngữ “ô nhiễm kiến trúc” dễ gây ấn tượng về một cách nói có phần nhấn mạnh khía cạnh ẩn dụ cho vấn đề hình thức kiến trúc xấu. Nhưng cần phải nhìn việc “ô nhiễm” này ở mức độ có thống kê khoa học. Nói đến ô nhiễm kiến trúc nghĩa là phải xét tới ô nhiễm về bốn phương diện: công năng, kinh tế, vật liệu và thẩm mỹ. Bộ mặt kiến trúc Việt Nam đang mang nét lộn xộn của loại hình cư trú chạy theo lượng, dẫn đến tình trạng "ô nhiễm" - một thuật ngữ nhấn mạnh hình thức kiến trúc xấu, xét trên 4 phương diện gồm công năng, kinh tế, vật liệu và thẩm mỹ.
Công năng của những ngôi nhà được xây ở Việt Nam thoạt tiên có vẻ "ổn". Từng ngôi nhà đều được tính toán sao cho mỗi m2 sinh lời. Nhưng xét về các tiêu chuẩn như khả năng linh hoạt, độ chiếu sáng, thông khí hay giải quyết vi khí hậu lại rất kém. Ví dụ những nhà lô và mặt phố phổ biến trong các đô thị hiện nay chỉ có một mặt tiền, những tiêu chuẩn trên cố gắng lắm cũng chỉ được giải quyết một cách gián tiếp. Những căn nhà này thường không bỏ phí một m2 nào và gần như đều xây hết đất. Song khi thiếu những xử lý tương tác với môi trường thì phải dùng các hình thức bổ trợ năng lượng như máy lạnh, chiếu sáng nhân tạo… Khi việc này diễn ra ở tần suất cao và trên một diện rộng, bài toán công năng chỉ được giải quyết rất kém, kéo theo là ô nhiễm môi trường như khí thải nhà kính, tiêu hao năng lượng...

Một ngôi nhà muốn giải quyết công năng riêng cũng chưa thể thành công khi xung quanh là những căn nhà tỏa ra hơi nóng, bức xạ nhiệt quá lớn và thiếu cây xanh. Khi đó, lại cần một không gian tiểu khu và rộng hơn là quy hoạch một vùng phải có những điều kiện về mặt nước, cây xanh, hướng gió chung và các tiêu chuẩn chống ồn, lượng xe cộ ở mức đảm bảo vệ sinh cho cư dân. Trên thực tế, những khu dân cư có được các điều kiện này ở mức độ khá lại gần như lọt thỏm và quá ít so với đông đảo phần còn lại.Một khía cạnh khác của ô nhiễm kiến trúc là về mặt kinh tế. Sự lãng phí trong xây dựng, đuổi theo các hình thức kiến trúc dập khuôn của các nước phát triển, không có một nền tảng lý luận và nghiên cứu, dẫn đến sự không ăn nhập. Khi vốn đầu tư càng nhiều thì chất lượng kiến trúc quy hoạch dường như tụt hậu. Nắn chỉnh một tuyến đường thiếu đồng bộ tốn kém hơn nhiều so với triển khai có kế hoạch tốt. Sự hỗn loạn và không điều tiết được của giá cả xây dựng cũng như bất động sản là một tác động có thực đến “ô nhiễm kiến trúc”. Những khu đô thị mới với những tòa chung cư như rừng bê tông, chủ đầu tư gạt bỏ những phần phụ trợ để giảm chi phí và tăng mật độ xây dựng, lại là một chiều ngược lại với sự lãng phí. Nhưng kết quả cũng vẫn là một sự ô nhiễm được báo trước.
Khi vật liệu phong phú hơn, việc tìm vật liệu chủ đạo mang ngôn ngữ của thời hiện đại ít được nhắc đến nghiêm túc. Trừ những tòa nhà cao tầng đơn lập lắp dựng kính thép, đại bộ phận vẫn là bê tông và mái tôn chống nóng ở trên. Ô nhiễm về mặt vật liệu còn mang tính cấp thiết bởi liên quan đến các chất sử dụng để sơn phủ bề mặt, chống thấm và độ phôi của vật liệu xây dựng trong điều kiện khí hậu. Điều này có thể được kiểm tra từ khâu sản xuất, song ô nhiễm về cách thức sử dụng vật liệu lại rất khó xử lý. Tuổi thọ của vật liệu, phá dỡ và khả năng phân hủy chưa được nói đến. Tuổi thọ công trình kiến trúc ở Việt Nam thấp, vì vậy những thứ “rác” khổng lồ còn lại khi công trình thành phế thải chưa có hướng giải quyết. Những khu tập thể cũ là ví dụ. Ô nhiễm về vật liệu không còn là chuyện ô nhiễm theo nghĩa thị giác, mà thực tế là sự ô nhiễm gần với nghĩa đen nhất.
Hình thức kiến trúc hay thẩm mỹ cũng đang bị ô nhiễm nặng. Thành phố xấu, đường phố lộn xộn, mặt tiền và nhà không đẹp do không được thiết kế đồng bộ là một cấp ô nhiễm dễ đập vào mắt nhất, phản ánh một xã hội phát triển không bền vững. Không ở đâu trên thế giới nhà dân tự xây lại nhiều kiểu mẫu như ở Việt Nam. Khái niệm quy hoạch kiểu chia lô cũng đang làm giảm giá trị sử dụng đất đô thị. Những mặt nhà lổn nhổn cao thấp không đều hay mỗi mặt tiền sơn một màu lòe loẹt, cho đến kiểu dáng vay mượn là cấp căn bản của từng đơn vị. Những khu đô thị cũ mới đan xen nhau, thiếu mạng lưới giao thông và hạ tầng cơ sở phân cấp đến nơi đến chốn, lấn đất ngoại thành để xây nhà ở là mảnh đất màu mỡ cho những ô nhiễm nảy nở. Tâm lý ăn xổi tạo nên một tốc độ không kiếm soát, đến mức mọi bản quy hoạch đều “nhỡ thì” so với thực trạng kiến trúc xây dựng đang có.
Ô nhiễm kiến trúc đang bắt đầu lan tràn cả ở nông thôn, nơi thiếu quy hoạch và thông tin để nâng cấp những không gian sống của cá nhân. Để hóa giải “ô nhiễm kiến trúc", một tư duy vượt khỏi nhu cầu trước mắt hoặc chạy theo lợi ích của một nhóm thiểu số có thể là giải pháp. Vai trò của kiến trúc sư cần được tôn trọng. Người quyết định đến vẻ đẹp của công trình phải là kiến trúc sư hoặc là một hội đồng có chuyên môn. Việc xã hội hoá kiến trúc cũng phải được thể hiện cụ thể để thực sự mỗi người dân phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đô thị và môi trường sống.
(Theo SGTT)
* Ô nhiễm kiến trúc
Ô nhiễm kiến trúc là một khái niệm đang được giới chuyên môn quan tâm. Hiểu thế nào về “ô nhiễm kiến trúc” và làm sao để chống nó? Kiến trúc là một nghề làm nghệ thuật bằng kỹ thuật. Sáng tạo không gian và góp phần nâng cao chất lượng sống cho con người là điều lớn nhất mà kiến trúc sư mang lại cho xã hội. Mỗi tác phẩm của kiến trúc sư là một sản phẩm đóng góp vào việc tạo lập hình ảnh cho đô thị. Vậy mà hiện nay nạn “ô nhiễm kiến trúc” đang làm xấu đi hình ảnh của đô thị nói chung và của kiến trúc sư nói riêng. Ô nhiễm kiến trúc cần nhìn nhận khách quan dưới nhiều góc độ khác nhau, để từ đó tìm ra được phương thức hữu hiệu nhằm ngăn chặn nạn dịch này. Nạn ô nhiễm kiến trúc có thể thấy ở nhiều thể loại kiến trúc khác nhau, từ các công trình lớn đến các nhà dân nhỏ lẻ trong đô thị. Xã hội dường như bất lực trước sự phát triển kiểu tự phát của những công trình kiến trúc kiểu “không giống ai” đang ngày càng được mọc lên ở hầu khắp các đô thị Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa của nạn ô nhiễm kiến trúc chính là sự buông lỏng trong việc quản lý đô thị, dẫn đến tình trạng tuỳ tiện trong thiết kế, hình ảnh của ngôi nhà được quyết định bởi chủ đầu tư, bởi ý thích cá nhân của từng chủ nhà. Sẽ không có được một công trình đẹp nếu như không có được một chủ đầu tư thông minh. Bệnh hình thức cộng với sự hiểu biết “ngô nghê” về kiến trúc đã làm nên những hình ảnh méo mó về đô thị của Việt Nam trong thời gian qua. Công trình kiến trúc phải mang hơi thở của thời đại làm ra chúng, mỗi một công trình phải là một thông điệp thời gian để gửi gắm cho thế hệ tương lai về từng giai đoạn phát triển của xã hội. Vậy mà ở Việt Nam, chúng ta đang đi ngược lại quy luật đó, trong một thời gian dài và cả hiện tại chúng ta vẫn cho xây lên những công trình mang hình thức kiến trúc kiểu “nhại cổ”, nhái kiểu Pháp cổ với những chi tiết gờ phao đắp điếm một cách vụng về, phi tỷ lệ.Thật đáng buồn là hiện tại ngay tại nước Pháp, nơi sinh ra những hình thức kiến trúc đó họ cũng không làm như vậy. Còn ở nước ta nếu điểm qua các trụ sở làm việc của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các trụ sở làm việc của các sở ban ngành của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Yên Bái... và đáng buồn là ngay cả ở thủ đô Hà Nội những hình thức kiến trúc “ngây ngô” đó cũng vẫn qua được những vòng xét duyệt để xây dựng.Tiêu biểu phải kể đến những công trình như: bảo tàng Phòng không - không quân trên đường Trường Chinh - Hà Nội, trụ sở bộ Tài Chính, trụ sở bộ Công Thương, trụ sở sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội... và còn rất nhiều các công trình khác nữa ở các địa phương trong cả nước. Điều đó chứng tỏ một sự bất lực trong quản lý kiến trúc đô thị hoặc là sự vô cảm trước cái đẹp của một bộ phận những người có trách nhiệm đối với việc tạo lập hình ảnh đô thị.Vai trò kiến trúc sư ở vị trí nào đối với việc phát triển bộ mặt kiến trúc đô thị? Nước ta tại thời điểm hiện tại có khoảng 7.000 kiến trúc sư trên 84 triệu dân, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó là đang hoạt động đúng nghề nghiệp, con số còn khá khiêm tốn, hơn nữa sân chơi lại không công bằng. Sản phẩm của kiến trúc sư là sản phẩm của trí tuệ, nó đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo bền bỉ của kiến trúc sư, nhưng ở Việt Nam, chủ thể của sự sáng tạo kiến trúc không hẳn là các kiến trúc sư, mà nó luôn bị can thiệp bởi ý kiến chủ đầu tư, bởi những toan tính mang tính vụ lợi.Trong bối cảnh đó không thể có những sản phẩm tốt, không thể có sự sáng tạo và đột phá, nó chỉ dừng lại ở ở sản phẩm ĐÚNG nhưng chưa ĐẸP. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những sản phẩm mang tính sản xuất hàng loạt, từ địa phương này sang địa phương khác chỉ vì cái “thích” rất tầm thường của chủ đầu tư. Trong đó cũng phải kể đến sự thiếu bản lĩnh của một số bộ phận kiến trúc sư, họ dễ dàng thoả hiệp để dự án “trôi”, hoặc chấp nhận vẽ cho xong, điều này làm cho nạn ô nhiễm kiến trúc càng thêm trầm trọng, bởi nó được tạo ra bởi chính những người có hiểu biết về kiến trúc và đô thị.Có lẽ không ở đâu trên thế giới các kiến trúc sư lại “được” vẽ nhiều những mẫu nhà dân tự xây như ở Việt Nam. Trên cùng một dãy phố chúng ta có thể điểm mặt được rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại, trong một thời gian dài từ những năm 90 khái niệm quy hoạch kiểu “chia lô” mặt tiền đã tồn tại làm giảm giá trị sử dụng đất đô thị, giảm giá trị đầu tư và kinh doanh của Nhà nước và hệ quả của nó là những dãy phố mọc lên như “nấm sau mưa” mỗi ngôi nhà là một cái “tôi” của ông chủ sở hữu nó.Bài học đau xót phải kể đến đoạn đường vành đai I đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội, nút giao thông Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng Hà Nội với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, những dãy phố vừa xây xong đã “cũ”. Nạn ô nhiễm kiến trúc ở các đô thị lớn đã như một bệnh dịch chưa có thuốc đặc trị thì nay nó lại đang lây lan sang các đô thị vệ tinh, để ngày ngày chúng ta phải chứng kiến cảnh “nhà sàn xuống phố” còn “chóp nhà hát Lớn” lại mọc khắp các thôn quê.Thật đáng buồn khi các làng quê Việt Nam đang bị “thành thị hoá” bởi những công trình kiến trúc xa lạ đang dần thay thế những nếp nhà dân gian. Những giá trị của kiến trúc truyền thống đang xói mòn và có nguy cơ phá vỡ những chuẩn mực về kiến trúc cổ tồn tại bao đời nay. Đâu đó người ta vẫn thấy những ngôi chùa, ngôi đình mái được đổ bằng bê tông dán ngói, mái lợp tôn thay cho mái ngói, những cột bê tông thay thế các cột gỗ bao đời...Vậy phải làm gì để chống lại nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay? Đã có rất nhiều hội thảo chuyên đề và chúng ta cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực để viết về nó, nhưng kết quả thì dường như không theo ý muốn. Không thể có được một bộ mặt đô thị đẹp và hoàn chỉnh nếu như chúng ta vẫn cứ để tồn tại những khái niệm “nhà dân tự xây”, sự manh mún của từng ngôi nhà nhỏ lẻ với 3m đến 4m mặt tiền mang phong cách kiến trúc khác nhau sẽ không bao giờ cho ta được một dãy phố đẹp. Ngoài những biện pháp mang tính pháp lý cần được xem xét và quy định cụ thể hơn chúng ta cần có những kế hoạch tuyên truyền để nâng cao dân trí về mặt thẩm mỹ kiến trúc.Các cuộc triển lãm và hội thảo về kiến trúc còn quá ít trong đời sống xã hội, hoặc nó mới chỉ hướng tới một bộ phận nhỏ của giới kiến trúc mà chưa có tính tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Vai trò của kiến trúc sư trong xã hội phải được tôn trọng, người quyết định đến vẻ đẹp của công trình phải là kiến trúc sư hoặc là một hội đồng có chuyên môn về kiến trúc. Việc xã hội hoá kiến trúc phải được thể hiện cụ thể hơn, để thực sự mỗi người dân phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đô thị và môi trường sống của chính mình. (Theo Sài Gòn tiếp thị, 23/06/2008).
Làm gì để chống Ô nhiễm kiến trúc?
Tham vọng của chúng ta là xây dựng được nền kiến trúc hiện đại của Việt Nam, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 8 và kết luận của Trung ương 10 khoá 9. Muốn vậy, không thể chỉ bàn thảo trên các Tạp chí chuyên ngành, trong các hội thảo.
Ô nhiễm kiến trúc nhiều phần trách nhiệm ở các nhà đầu tư, các nhà quản lý, các nhà cầm quyền. Hiển nhiên là vậy. Lịch sử đã chứng minh, kiến trúc là sản phẩm của nhà đầu tư, nhà cầm quyền. Nhà sáng tạo, kiến trúc sư có thể ở thế thượng phong, nhưng thường thì rớt xuống áp chót. Cửu trùng đài của Vũ Như Tô thời Lê - Trịnh, là kiệt tác nhưng cuối cùng chẳng để lại dấu vết gì. Lịch sử kiến trúc Pháp mãi mãi ghi nhớ Tổng thống Francois Mitterand với những đóng góp của ông làm rạng danh Cộng hoà Pháp.
Ô nhiễm kiến trúc ở Việt Nam không thể coi thường. Một thí dụ chứng minh: Hồ Gươm, di tích lịch sử, thắng cảnh, không gian đầy ắp huyền thoại, thẩm mỹ tuyệt vời, thế giới ít nơi sánh kịp. Quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ uỷ nhiệm Bộ Xây dựng duyệt từ 10 năm nay. Kinh tế thị trường phát triển, 25 dự án lăm le gặm nhấm Hồ Gươm, có cái đã được dẹp bỏ ngay từ trong trứng, có cái đang chờ thời cơ. Gần đây bung ra dự án “Anh cả” của Tập đoàn điện lực: Trung tâm thương mại, tài chính khối tích đồ sộ 14 tầng cao 54 m dài 105m, 5 tầng hầm, kính phủ đầy các mặt nhà. Kết quả phương án được giải cao qua thi tuyển thiết kế với các thông số hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành. Báo nói, báo hình, báo viết chẳng bảo nhau mà đồng loạt lên tiếng. Văn nghệ số 21 ngày 22/12/2007, Nguyễn Huệ Chi viết: “Nếu cái tập đoàn EVN làm được việc sai trái, xây nhà cao 54 m thì lập tức xung quanh mấy con đường Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay sẽ quây kín bởi vô số lô cốt cao tầng ngay, vì loại người vô văn hoá mà nhiều tiền, mắt loá vì tiền, luôn luôn toan tính chữ lợi hiện nay không phải là hiếm. Họ đang ngày đêm dõi mắt nhằm các khu vực quanh Hồ Gươm. Mai mốt Hồ Gươm bị xâm phạm thì còn nơi nào mà người ta không xâm phạm được nữaư Văn hoá môi trường cả nước sẽ bị đe doạ, như một ảnh hưởng dây chuyền, kỷ cương phép nước cũng trở thành hài hước bị đồng tiền khuất phục”.
Bộ Xây dựng cần kiểm điểm nghiêm túc việc công khai “hướng dẫn” đang gây công phẫn trong giới kiến trúc và văn hoá.
Hãy thử đi từ một hiện tượng xã hội. Bệnh dịch bùng nổ, trước hết trách nhiệm ngành y tế. Dân trí thấp là thuận lợi cho dịch bệnh lan rộng cho nên có khoa y tế cộng đồng, có mạng lưới phòng bệnh, tuyên truyền chống dịch. Một sự thật đáng buồn, không ít các KTS lớn, vừa dứt lời phê phán kiến trúc ngoại lai, lố lăng thì ngay sau đó lại ký thông qua những bản thiết kế lố lăng vì doanh thu. Vậy thì nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay, sao có thể rũ bỏ trách nhiệm KTS.
Phương thức hoạt động, Hội KTSVN đã đề ra:
- Kiến trúc Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu, ràng buộc của chũ nghĩa hình thức;
- Kiến trúc Việt Nam phải hấp thụ tiếp nối văn hoá truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng xã hội mới, con người mới, nền văn hoá, nghệ thuật Việt Nam.

Nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay có thể coi là tất yếu, nó bắt nguồn từ quá trình tích tụ những thứ tuy lạ nhưng lâu ngày thành quen, ăn sâu vào tiềm thức, chẳng dễ gì xoá bỏ, càng không thể dùng mệnh lệnh hay cơ chế trói buộc, bởi vì bản chất kiến trúc là sáng tạo, là cảm xúc thẩm mỹ.
Cho nên cần nghiên cứu xây dựng chương trình “Xây và chống”. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và chống ô nhiễm kiến trúc. Có thể phân thành hai lĩnh vực: Trong giới nghề nghiệp, chủ yếu là KTS, những chủ thể sáng tạo và trong xã hội, bao gồm những người ở thế thượng phong của kiến trúc và những người hưởng (hoặc chịu đựng) thành quả kiến trúc.
Cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc cổ điển Châu Âu, kiến trúc các nước trong khu vực. Hiểu rõ nguyên lý sẽ giảm bớt hiện tượng cóp nhặt, chắp vá. Khuyến khích hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, toạ đàm, hội thảo… tại cơ sở (không phải quy mô lớn như Hội KTS Trung ương làm ở ba miền vừa qua). Chỉ từng địa phương nhỏ, có sự tham gia của các bộ môn văn hoá anh em. Có thể từ những công trình, những tác phẩm cụ thể làm đề tài “bình” kiến trúc. Tạp chí KTVN đã tổ chức những buổi bình nhỏ và giới thiệu trên tạp chí, nghĩ là thiết thực và hiệu quả. Không nhất thiết phải là hội thảo trống rong cờ mở, để báo cáo dẫn luận và lời chào mừng của các quan chức đã chiếm tới nửa thời gian! Cũng cần đóng góp vào giáo trình giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao tại các trường chính trị, quản lý hành chính, để có một số giờ nhất định nhằm cung cấp kiến thức về kiến trúc đô thị. Việc này nên phối hợp với Hiệp Hội các Đô thị Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Vấn đề này chưa thấy đề cập đến trong nhiệm vụ công tác của Hội, của Bộ Xây dựng, nên đặt thành nhiệm vụ chống ô nhiễm kiến trúc để tìm đăng những bài viết đơn giản mà thiết thực.
Nghe nói trong chương trình tranh cử tổng thống Pháp thường có ít dòng nói về kiến trúc đô thị. Tưởng cũng là điều có thể xem xét vận dụng.
Nên nghiên cứu đề nghị thành lập hội đồng QH-KT các địa phương (cấp tỉnh, cấp thành phố) với điều lệ hoạt động rõ ràng, để tư vấn cho chính quyền những vấn đề then chốt của kiến trúc địa phương. Sự giải tán hội đồng QH-KT thời gian qua, nên coi là thất bại của ngành kiến trúc trong hoạt động tư vấn. Một phần cũng vì do không có quy chế rõ ràng.
Với quảng đại nhân dân, bao gồm nhiều nhà văn hoá, nhiều nhà trí thức, chính trị, nên có kế hoạch phù hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phương tiện truyền thông để thường xuyên đề cập đến kiến trúc đô thị.
Các tạp chí, các báo nói, báo viết, hầu như đều có ít trang, ít dòng nói đến kiến trúc. Nhưng lại tự phát và thiên về đối tượng trung lưu, đề tài là không gian hẹp trong căn hộ, trong tường rào, đôi khi nhằm mục đích thương mại, quảng cáo nội thất. Chưa hướng tới mục tiêu đưa kiến trúc tới tầm cao mới.
Nên chăng đưa vào kế hoạch, yêu cầu cụ thể cho công tác tuyên truyền phổ cập kiến trúc rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, những triển lãm kiến trúc cũng là hình thức giáo dục thẩm mỹ kiến trúc có hiệu quả, nhưng chưa được tận dụng.
Không thụ động tuyên truyền, phổ cập kiến trúc đô thị lâu nay thường làm mà nên thực hiện như một trong những công tác chính của Hội trong nhiệm kỳ này.(Theo THXDVN)
* Ý kiến:
Vậy hướng giải quyết cho tình trạng "ô nhiễm"
là gì? kiến trúc Việt Nam cần phải làm gì để hạn chế tình trạng "ô nhiễm" này? Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng "ô nhiễm" này? Tôi đã viết bài về vấn đề này từ năm 1994 và gửi đăng trên báo SGGP(VN) lẫn Người Việt & VBKT (Mỹ) nhưng từ đó đến nay... lại thấy bên nhà "báo động" và "la làng" y như tôi đã làm 14 năm về trước qua bài viết này(http://xaydungqh.blogspot.com/2007/04/vai-y-kien-ve-kien-truc-saigon.html). VN đã có Codes & Regulations (UBC, Ordinances & Regulations, etc...) nhưng việc thực hiện, áp dụng ra sao? Phải có lời giải từ nhiều phiá: giới chức thẩm quyền & Hội KTS VN lẫn nhà thầu & người dân. Không dễ dàng nhưng không phải là không có lời giải !(23-6-2008)

No comments:

Post a Comment