Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(4): sau 20 năm đổi mới

Sau năm 1986, tình hình kinh tế xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi với những chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ phù hợp quy luật kinh tế thị trường thế giới. Tuy vậy, đây mới chỉ là giai đoạn quá độ, bởi trước đó đất nước gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh với cơ chế bao cấp, nền kinh tế Việt Nam chỉ dừng lại ở cấp độ với những nỗ lực đáp ứng nhu cầu tối thiểu mà trước đó chưa đạt được.

Những biến đổi về kiến trúc đã diễn ra khá toàn diện trên bình diện rộng từ các thành phố đến làng mạc ở các vùng quê. Có thể ghi nhận một điều dễ nhận thấy là sự tăng trưởng về số lượng các công trình xây dựng. Trong thời gian ngắn, các thể loại công trình được xây dựng quy mô lớn phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế và nhu cầu xã hội.
I. Bức tranh chung
Kiến trúc nhà ở: Là thể loại xây dựng nhanh và nhiều hơn cả, đặc biệt nhà ở dân tự xây. Thời gian 10 năm trở lại đây đã phát triển nhà ở chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới.
Kiến trúc nhà ở nhỏ được xây dựng với sự đa dạng về hình thức trang trí, số lượng đạt giá trị về kiến trúc còn rất hạn chế. Bản thân quy hoạch phục vụ công tác quản lý kết hợp xử lý pháp luật không có chế tài cụ thể, đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu kém đã tạo nên bộ mặt đô thị phát triển không theo trật tự, mà ở trong đó mảng nhà dân chiếm ưu thế (trên 70%). Nhà ở nhỏ chỉ có thể đạt được giá trị tốt trong đô thị có sự quản lý tốt về quy hoạch. Đã có những tuyến phố hình thành trên cơ sở từ những ngôi nhà có hình thức khác nhau hoặc có chung ngôn ngữ (về mái, chiều cao, vật liệu…) mang giá trị kiến trúc và nhân văn rất cao. Rất tiếc điều này chưa xuất hiện phổ biến ở đô thị Việt Nam.
Thời gian gần đây có một số ít đô thị do người nước ngoài đầu tư như Ciputra (ở Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (Tp HCM) đã bước đầu có dấu hiệu tốt về quản lý quy hoạch.
Kiến trúc công cộng: Một thể loại kiến trúc xây dựng khá phổ biến là kiến trúc các công trình công sở; văn hóa, thể thao, bệnh viện, trường học… Nhóm các công trình này được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, được nhận diện khá phổ biến tại các thành phố lớn, nhỏ, thị xã, thị trấn, được xây dựng trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 - 1995). Nhìn chung kiến trúc các công trình này còn đơn điệu, ảnh hưởng thẩm mỹ của thời kỳ khó khăn trong chiến tranh. Do đó, chúng ta khó có thể tìm thấy những công trình mang phong cách kiến trúc mới. Chỉ có một số công trình như khách sạn, công trình văn hóa do số ít KTS được tiếp xúc với kiến trúc nước ngoài hay công tác tại một số công ty thiết kế lớn là có những tìm tòi sáng tạo riêng cho mình.
Những kết quả về thể loại kiến trúc công cộng ở thời kỳ đầu còn ở mức khiêm tốn về chất lượng kiến trúc có thể giải thích bằng sự khó khăn về đồng vốn đầu tư nhưng có thể nhận thấy rằng sự nhận thức của chủ đầu tư và vai trò của KTS còn hạn chế.
Bước sang giai đoạn 2 của thời kỳ đổi mới, đặc biệt sau năm 2000 đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng kiến trúc, mảng nhà dân tự xây đã được khoanh vùng lại và giảm dần do chính quyền Tp Hà Nội và Tp HCM đã hạn chế việc cấp đất xây dựng nhà chia lô. Mức độ đầu tư chung cư và khu đô thị mới tại các thành phố lớn tăng lên. Chúng ta có điều kiện kiểm soát tốt hơn về quy hoạch.
Kiến trúc các công trình có nguồn vốn nước ngoài và tư nhân đã làm đa dạng hóa các hình thức đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các công trình văn phòng khách sạn, Resort… với những hình thức kiến trúc mới làm thay đổi nhận thức về kiến trúc của không ít người. Từ đó, các công trình công cộng cũng được nâng lên một bước từ sự hiểu biết hơn của các chủ đầu tư. Các KTS trong nước cũng có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc với tư liệu, kiến trúc các nước khác để nâng cao tay nghề. Song kiến trúc nhà ở lộn xộn đã là vấn đề nhức nhối tại các đô thị.
Những công trình kiến trúc có giá trị được chia ra làm hai xu hướng kiến trúc chính:
- Xu hướng khai thác yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa vào các thành phần kiến trúc, xử lý hình khối, màu sắc và sử dụng vật liệu truyền thống.
- Xu hướng kiến trúc hiện đại: hình khối đơn giản vật liệu mới gần với kiến trúc thế giới.
Các khu nghỉ mát, khách sạn, nhà nghỉ ở các tỉnh ven biển miền Trung do nước ngoài đầu tư đã thành công theo xu hướng thứ nhất. Có thể kể ra như: KS Furama, The Nam Hai, Victoria,… dọc bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam. Các công trình này đã khai thác tốt yếu tố truyền thống kết hợp giữa kiến trúc và cảnh quan. Ngoài ra, mỗi công trình có phong cách kiến trúc riêng rẽ mang lại hiệu quả cao về đầu tư và thẩm mỹ.
Xu hướng thứ hai tập trung vào kiến trúc văn phòng, khách sạn, công trình thể thao, (Khu liên hiệp TT Mỹ Đình, trường đua Phú Thọ) đã mang lại luồng sinh khí mới cho kiến trúc Việt Nam đương đại.
Kiến trúc công cộng Việt Nam trong 20 năm đổi mới đã có những biến đổi theo chiều hướng hiện đại hóa. Những hình khối đơn giản, vật liệu mới được khai thác hiệu quả đang trở thành một xu hướng tích cực. Điều quan trọng và đáng mừng là các KTS Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để tiếp thu nền kiến trúc quốc tế, do đó đã nâng tầm sáng tạo lên nhiều hơn. Điều này không phải dễ dàng có được ở thời kỳ trước đó.
Kiến trúc cảnh quan và các khu vui chơi giải trí: Mảng kiến trúc này được phát triển khá mạnh tại khu vực phía nam. Do đặc điểm khí hậu nắng nóng, đa số người dân sống trong những căn nhà chật chội nên nhu cầu tận hưởng không khí thiên nhiên và du lịch ngày nghỉ cuối tuần đã phát triển mạnh tại Tp HCM và khu vực phụ cận. Kiến trúc các khu du lịch: Đầm Sen, Suối Tiên, Bửu Long, đã kết hợp tốt giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo với kiến trúc tạo sức hấp dẫn tốt đến nhiều lượt du khách.
Kiến trúc sinh thái là xu hướng chính tại các khu nghỉ: Các công trình kiến trúc dân tộc, kiến trúc từ các hang đá nhân tạo, cảnh quan hồ nước, cây xanh đã nuôi dưỡng cho môi trường các khu du lịch luôn hấp dẫn du khách.
Kiến trúc nông thôn: Tình hình kiến trúc xây dựng 20 năm đổi mới đã mang lại sự hấp dẫn đối với các vùng nông thôn. Các công trình dân sinh chịu ảnh hưởng nhiều hơn của kiến trúc đô thị. Đây là một đặc điểm thú vị của người Việt: quá trình giao thoa văn hóa, tiếp nhận có/ hoặc không/ mang tính chọn lọc, chưa thể hình thành một xu hướng kiến trúc mới ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Bây giờ người ta chỉ có thể tìm thấy bản sắc kiến trúc nông thôn ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi còn thiếu các điều kiện giao thông và còn khó khăn về kinh tế.
II. Những tồn tại cần khắc phục
Bức tranh toàn cảnh kiến trúc Việt Nam trong 20 năm đổi mới đã để lại những vui buồn mà trong thời gian gần đây giới KTS, các nhà văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến. Những vấn đề tồn tại cần khắc phục để nâng cao chất lượng kiến trúc hơn nữa là:
- Hệ thống quản lý đô thị từ chính quyền TW đến địa phương, sự phân cấp quản lý cho chính quyền các cấp quận, huyện, xã, phường,trong những năm gần đây còn rất hạn chế. Hệ thống cán bộ quản lý đô thị và nông thôn ở các cấp còn thiếu và yếu.
- Hệ thống văn bản pháp luật còn rộng, thiếu chiều sâu dẫn tới việc nhiều bộ ngành đang tham gia vào phát triển xây dựng - kiến trúc. Chính phủ cần tập trung đầu mối vào ngành Xây dựng, các ngành khác chỉ tham gia phối hợp...
- Vai trò của chủ đầu tư trong việc quyết định lựa chọn kiến trúc. Hiện nay nhiều công trình kiến trúc đã qua thi tuyển nhưng quá trình thực hiện còn tỏ ra nhiều bất cập, làm cho chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn khi đưa đến quyết định lựa chọn cuối cùng. Điều này đòi hỏi cần nâng cao chất lượng của thành viên hội đồng và cần có những thay đổi về quy chế từ các cơ quan quản lý xây dựng. Những nước có nền kinh tế phát triển đã đi trước chúng ta và có nhiều kinh nghiệm về chấm thi kiến trúc. Hội đồng bao gồm những thành viên chuyên sâu về thể loại công trình đô thị, có kinh nghiệm thực tế, không nhất thiết phải là người có chức vụ cao hay có tên tuổi lâu năm trong nghề. Số lượng thành viên cần phải đủ lớn để tránh tiêu cực trong quá trình chấm thi. ý kiến đa số sẽ quyết định kết quả cuối cùng chứ không phải chỉ riêng ý kiến của cá nhân chủ tịch hội đồng…Chủ đầu tư cần thuê tư vấn biên soạn nhiệm vụ thiết kế, mức độ kinh phí đầu tư, ra đầu bài cho phù hợp sát với yêu cầu của công trình. Trong khuôn khổ chuyên môn chủ đầu tư cần tôn trọng ý kiến của tác giả thiết kế.
- Vai trò của KTS : Công trình là đứa con tinh thần của mỗi KTS. ở Việt Nam chỉ 70% ý đồ của KTS được thực hiện đã là hạnh phúc cho mỗi KTS. Kiến trúc là loại hình nghệ thuật luôn có sự biến đổi theo công nghệ, kỹ thuật, vật liệu và nền kinh tế - văn hóa mỗi đất nước. Ngày nay, trước xu thế hội nhập, sự bùng nổ về thông tin thì sự trau dồi, học hỏi cái mới luôn thúc đẩy sự sáng tạo cho các KTS. Những công trình ở đâu đó còn chưa đạt thẩm mỹ kiến trúc, chưa mang lại sự hưởng thụ cho người dân thì đó chính là trách nhiệm rất lớn của các KTS. Để nâng cao hơn nữa và kiểm soát tốt hơn nữa về chất lượng KTS đang hành nghề, chúng ta cần có chế tài, cơ chế quản lý hiệu quả, khoa học. Những bài học quản lý hành nghề từ những nền kiến trúc thế giới phát triển từ lâu đời ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… rất đáng tham khảo và áp dụng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Chất lượng về quy hoạch cũng là vấn đề còn tồn tại ở các đô thị Việt Nam. Những đồ án mang tính khả thi cao sẽ đóng góp rất lớn cho sự thành công về kiến trúc. Quá trình phê duyệt quy hoạch hiện nay còn do nhiều cấp độ, trình độ người có thẩm quyền không đồng đều; vai trò chính quyền địa phương là rất lớn nhưng khi phê duyệt xong mà hiệu quả thấp hoặc trong quá trình thực thi đồ án quy hoạch bị chết yểu thì không cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Kiến trúc nông thôn đang bị biến dạng do thiếu kiểm soát về quy hoạch. Hiện nay chỉ có 20% số xã có quy hoạch. Các chế tài quản lý cấp chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, chưa nói đến những vấn đề về trình độ quản lý tại những nơi này. Sự cố gắng của các KTS đến mức nào đi chăng nữa mà thiếu những đồ án quy hoạch tốt thì rất khó mang lại những công trình kiến trúc có chất lượng. Tại các khu đô thị mới ở các thành phố lớn hiện nay đang có nhiều tồn tại về quy hoạch. Trong đó phải kể đến: mật độ, khoảng cách giữa các công trình, định hướng về ngôn ngữ kiến trúc; không gian cảnh quan, dịch vụ công cộng… Các công trình kiến trúc trong các khu đô thị này mới chỉ đạt về số lượng, trong khi chất lượng kiến trúc đang còn là thứ xa xỉ mà các chủ đầu tư chưa chú trọng.
Tp HCM đang đẩy mạnh việc xây dựng các khu đô thị mới cao cấp, các chung cư cao cấp. Thực tế đang cho thấy, ở thành phố này càng đầu tư cao cấp càng dễ bán và lợi nhuận cao. Đó cũng là tín hiệu mừng cho thị trường kiến trúc có điều kiện để phát triển tốt lên.
Kiến trúc Việt Nam trong những năm tới sẽ còn tiếp tục phát triển theo sự đi lên của kinh tế xã hội. Chất lượng kiến trúc sẽ được cải thiện theo quy luật cung cầu của thị trường. Những vấn đề tồn tại nêu trên cũng là khó khăn thường gặp ở các nước phát triển ở thời kỳ quá độ như chúng ta. Tuy nhiên, Việt Nam là nước phát triển muộn so với các nước trong khu vực và các nước tiên tiến thì nhữg kinh nghiệm của bạn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để thay đổi mình. Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi nếp cũ cách làm cũ để giảm thiểu sự lãng phí về tiền của và thời gian để tiến tới sự hội nhập cho nền kiến trúc theo kịp, đi truớc một bước trong quá trình đổi mới của nền kinh tế đất nước.
KTS Trần Quốc Hà(Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 4 năm 2008)
*Vài suy nghĩ về kiến trúc đương đại Việt Nam
Bàn về kiến trúc Việt Nam hiện nay, không biết nên khen hay nên chê. Khen thì khen cái gì, trong khi cả nước ta không có một công trình đương đại nào có thể gọi là đạt tầm cỡ quốc tế. Nhưng chê thì cũng oan uổng, vì thực tế trong hai mươi năm vừa qua, ngành kiến trúc ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, so với những lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật khác cũng không hẳn là tụt hậu. Gác lại việc khen chê, chúng ta có thể phân tích một số vấn đề chuyên môn thường gặp. Những yếu tố này có thể là thuận lợi hoặc khó khăn cho việc phát triển của ngành kiến trúc đương đại Việt Nam.1. Vấn đề đào tạo kiến trúc sư: Để bắt đầu bàn về kiến trúc, phải xét đến kiến trúc sư là người tạo ra kiến trúc đó. Xét về hệ thống đào tạo kiến trúc sư ở Việt Nam, nhìn chung phải nói là có nhiều thuận lợi, bởi vì ngành kiến trúc ở Việt Nam đang là ngành ăn khách, do công việc xây dựng rất nhiều, trong khi ở các nước phương Tây người ta không còn xây dựng mấy nữa. Khoa kiến trúc ở các nước phương Tây thường là khoa nhỏ trong trường tổng hợp, sinh viên đầu vào cũng không có điều kiện tuyển chọn nhiều. ở Việt Nam, mỗi năm đào tạo mấy nghìn kiến trúc sư, mà đầu vào của sinh viên khá cao, cả về năng khiếu lẫn văn hóa phổ thông. Với một đội ngũ chuyên nghiệp đông đảo như vậy, dứt khoát phải có đủ nhân tài để làm việc. Mặt khác, với thị trường hành nghề sôi động, các sinh viên kiến trúc nếu có năng lực đều có thể tham gia công trình từ khi học, nên có thể gắn liền kiến thức thực tế với lý thuyết, điều mà các sinh viên phương Tây thường không có. Mặc dù vậy, chúng ta không có công trình tốt, theo tôi do một số khâu rất quan trọng của việc đào tạo kiến trúc sư bị coi nhẹ:- Thứ nhất là môn lịch sử kiến trúc phải là một môn trọng điểm, vì mọi ý tưởng lớn đều đã được thể hiện trong lịch sử, chỉ cần biết cách áp dụng. Môn này các trường đều có dạy, song chương trình quá hời hợt. Sinh viên chỉ được giới thiệu qua về các trường phái, nhưng không phải làm đồ án về từng trường phái chính nên khó có thể nắm vững được.- Thứ hai là hệ thống đồ án: hiện nay ở các trường đào tạo kiến trúc, hệ thống đồ án được bố trí theo thể loại công năng, từ công trình nhỏ đến công trình lớn. Nhưng theo tôi, đó không phải là những bài tập tốt, vì những sơ đồ công năng cơ bản đều đã có trong những sổ tay như cuốn Neufert, khi sinh viên làm những đồ án công năng cũng không hiểu rõ vấn đề hơn. Ngược lại những vấn đề cơ bản về thiết kế kiến trúc như không gian, ánh sáng, vật liệu, đóng mở, những tư tưởng, trường phái lại không được quan tâm. Thực ra nếu nắm được những nguyên lý cơ bản về thiết kế này thì sẽ có thể áp dụng cho mọi công năng, ngược lại nếu nắm được công năng thì cũng không tạo ra phong cách. Hiện nay tất cả các trường đều có môn nguyên lý thiết kế, nhưng lại không đi liền với hệ thống đồ án, đó là điều bất cập.- Thứ ba là vấn đề ngoại ngữ: tình trạng hiện nay, tất cả các sinh viên đều có một số lượng giờ ngoại ngữ lớn, nhưng không hiệu quả. Đa số kiến trúc sư không đọc được sách vở chuyên ngành bằng tiếng anh. Thực ra, trong các kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng đọc là dễ hơn cả và cũng cần thiết nhất thì ít được chú trọng, trong khi đó nghe, nói, viết là những kỹ năng rất khó, lại không mấy khi dùng đến, thì lại dành quá nhiều thì giờ.- Cuối cùng, một hạn chế rất lớn của các sinh viên kiến trúc là sự xa lạ với văn học và triết học, một cơ sở không thể thiếu để có thể hình thành ý tưởng. Vì thiếu 4 mảng kiến thức và kỹ năng nêu trên, các kiến trúc sư ra trường ít có khả năng sáng tác, mà chỉ có khả năng làm họa viên, kỹ thuật viên. Nếu không khắc phục được vấn đề đào tạo kiến trúc sư, nền kiến trúc của chúng ta sẽ vẫn còn ở tình trạng thiếu căn bản.2- Vấn đề thông tin chuyên ngành:Bên cạnh việc đào tạo kiến trúc sư ở trường, những phương tiện thông tin chuyên ngành của chúng ta còn rất thiếu và chưa hiệu quả. Hiện nay, các kiến trúc sư chỉ có mấy tạp chí chính là Kiến trúc, Kiến trúc Việt nam và Nhà đẹp. Đây là những tạp chí có tính tổng quan, thiếu hẳn những tạp chí chuyên sâu về vật liệu, kết cấu, chiếu sáng, chi tiết cấu tạo, chi tiết nội thất, về từng trường phái, phong cách. Bản thân mấy tờ tạp chí tổng quan chất lượng chưa tốt. Tạp chí Kiến trúc chưa đủ rộng để cung cấp kiến thức cơ bản về biến động trên diễn đàn kiến trúc thế giới, chưa đủ sâu để định hướng lý thuyết, học thuật. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thì cũng không phản ánh được những vấn đề cơ bản của kiến trúc Việt Nam. Tạp chí Nhà đẹp thì quá chạy theo thị hiếu thị trường. Hiện nay, có thể nói tạp chí Nhà đẹp có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách kiến trúc và các tác phẩm ở Việt Nam, nhưng điểm lại những công trình do tạp chí này giới thiệu, ta thấy có sự thiên lệch rõ ràng vào các tiểu tiết trang trí, sưu tầm những đồ vật trong nhà chứ không nổi rõ tư tưởng thiết kế không gian kiến trúc. Tỷ lệ những công trình hiện đại, có ý đồ mạch lạc rất ít. Ngoài các tạp chí ra, hệ thống sách chuyên ngành kiến trúc hiện nay rất nghèo nàn, chủ yếu là catalogue giới thiệu kiểu mẫu mà không có phân tích ý tưởng, nguyên lý.3 Vấn đề tách công trình kiến trúc khỏi môi trường cảnh quan đô thị xung quanh. Trên lý thuyết, ai cũng được học rằng một công trình muốn tốt thì phải hài hòa với cảnh quan xung quanh. Trên thực tế, thường là các kiến trúc sư chỉ quan tâm đến lô đất cần thiết kế chứ không khảo sát cảnh quan khu vực để dựa vào đó tìm ý, nhất là những nhà đô thị. Cụ thể là hiện trạng đầu vào cho thiết kế thường chỉ vẽ vẻn vẹn khuôn viên và ghi chú các hướng, chỗ nào trống, chỗ nào có nhà chắn, nhưng không hề có ảnh chụp cả dãy phố và các tầm nhìn ra xung quanh. Đến khi công trình thiết kế xong, lên phối cảnh thì cũng chỉ có một mình nó, xung quanh để trống hoặc là các khối màu giả dụ. Thậm chí có nhiều người làm nhà ống nhiều tầng giữa phố nhưng thể hiện phối cảnh là ngôi nhà đứng giữa một công viên đầy hoa lá, với tây đầm xanh đỏ đi lại. Việc thiết kế không chú ý đến cảnh quan đô thị xung quanh dẫn tới hai hậu quả: hậu quả thứ nhất là tình trạng cảnh quan đô thị hỗn loạn, manh mún ở đa số các khu người dân tự xây dựng. Hậu quả thứ hai, theo tôi còn nguy hiểm hơn cho cảnh quan đô thị là việc lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một kiểu biệt thự rất cầu kỳ trong những khu đô thị mới, đại diện là khu Ciputra. Bất kỳ một ai đã học nghệ thuật đều hiểu một nguyên lý đơn giản là chỉ những đơn nguyên đơn giản mới được phép lặp đi lặp lại, còn những tổ hợp rất phức tạp thì phải biến đổi chứ không thể lặp lại nhiều lần. ví dụ như một nhịp Disco có thể được lặp lại hàng ngàn lần trong một đêm nhảy, nhưng không ai có thể nghe một giao hưởng số 9 Beethoven mười lần liên tục. Cũng như vậy, người ta có thể xếp hàng ngàn hộp vuông để tạo thành một khu chung cư, nhưng không thể đặt hàng trăm biệt thự cầu kỳ giống hệt nhau liền kề trên một dãy phố.4- Phong cách thuộc địa Đôi khi, chúng ta cũng thấy hơi buồn khi nói đến bản sắc kiến trúc Việt Nam, nhiều người đều hình dung ra những ngôi biệt thự pháp thuộc địa. Tuy vậy, nếu bỏ qua tinh thần dân tộc, cứ coi như những thứ gì có mặt trên đất nước ta đều là của ta, nếu có là của nó mang sang thì cũng do ta đồng hóa mới thành thì chúng ta cũng có thể coi kiến trúc thuộc địa là một phần bản sắc dân tộc, vì thực sự nó đóng góp không nhỏ vào cảnh quan đô thị Việt Nam. Như vậy, việc phát huy bản sắc này trong kiến trúc đương đại cũng là tạm chấp nhận được. Mặt khác, theo thiển ý của tôi, có một lý do xã hội học quan trọng cho việc duy trì phong cách này. Trên lý thuyết, mỗi một phong cách kiến trúc thể hiện một quan điểm, một hệ tư tưởng, hệ giá trị của người sử dụng nó. Những biệt thự Pháp thuộc địa ngày xưa được xây dựng cho lớp thực dân Pháp, đó là những ông “vua con”, mang hệ giá trị của những lãnh chúa nhỏ bên phương tây. Hệ giá trị này có mấy nét đặc trưng chính: thứ nhất là tính hào nhoáng, hoành tráng của quý tộc, nhằm khẳng định một địa vị tôn quý. Thứ hai là nét lãng mạn, mơ mộng của những người sinh ra đã trong nhung lụa chứ không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong thị trường, thứ ba là nhu cầu về an toàn, an ninh cao. Ba nét giá trị này được thể hiện rõ nét bằng hình thức kiến trúc đặc trưng cho thời phong kiến phân quyền ở châu Âu - đó là những lâu đài giữa cảnh quan lãng mạn trên núi hoặc ở nông thôn– castle. (Khác với những lâu đài dạng palast ở đô thị trong thời phong kiến tập quyền) Lâu đài là ước mơ của tất cả các ông vua con. Dạng nhỏ hơn, đơn giản hơn của những lâu đài này chính là các biệt thự thuộc địa, trên núi hay trong những vườn cây. Điều đó giải thích tại sao thời đầu thế kỷ 20, khi mà ở châu Âu đã rầm rộ phong trào hiện đại thì ở các nước thuộc địa tuyệt không thấy bóng dáng kiến trúc này, vì phong cách hiện đại không phải của tầng lớp tiểu quý tộc. Hơn chục năm gần đây ở Việt nam, những người đầu tiên có khả năng xây nhà có thể coi là thuộc tầng lớp tiểu quý tộc mới này. Đó là những người có địa vị trong xã hội, một số Việt kiều, hoặc làm việc cho các hãng nước ngoài. Họ có chút tiền, và một địa vị nhất định, đủ để tạo dựng một hệ giá trị tiểu quý tộc, và do đó họ cũng muốn có một tiểu lâu đài. Những lâu đài đó phải có mái dốc lãng mạn, tách biệt một chút với xã hội, có vườn cây, ban công, có hầm rượu, lò sưởi, có tường cao, rào kỹ, và nếu có thể thì có nhiều phòng ốc, mỗi phòng một việc, mỗi phòng lát một loại gạch, bày một loại nội thất như các cung điện trong nghìn lẻ một đêm.Tất cả những thứ đó không thể tránh được, kiến trúc sư không thể thay đổi hệ giá trị này. Chỉ khi nào có những nhà tư bản sinh tử trong thương trường để kiếm tiền thì các kiến trúc sư mới có thể nghĩ đến Villa Savoy, đến Richard Meyer, đến những cao ốc sinh thái kiểu Keen Yang hay những ngôi nhà thông minh như của Bill Gates. Vì vậy, chúng ta đừng mong việc sớm rời bỏ phong cách thuộc địa, mà hãy bàn xem làm biệt thự thuộc địa thế nào cho đúng. Thực ra phong cách thuộc địa xuất xứ bên Tây đã có truyền thống hàng ngàn năm, khi xâm nhập vào Việt Nam có sự hòa đồng, kết tinh được rất nhiều nét thẩm mỹ, nếu làm đúng hẳn có thể làm cho đa số người phải xiêu lòng thèm muốn. Để làm đúng ta phải hiểu những biệt thự này đòi hỏi mấy tiêu chuẩn chính sau:Thứ nhất, kiến trúc thuộc địa là những nhà hợp khối, nằm giữa vườn chứ không đan xen vườn, do đó tỷ lệ nhà phải nhỏ so với vườn. Những lâu đài “xịn” bên tây nằm giữa cả vùng cảnh quan rộng lớn, các biệt thự Pháp thuộc địa thường chỉ hai tầng, hai tầng rưỡi, nằm trong khuôn viên rộng hàng ngàn mét, có vườn tược, cây to, mỗi khuôn viên lại nằm trong cả một quần thể rộng rãi, xanh tốt với nhiều khuôn viên tương tự, tạo ra một khu vực cảnh quan đẹp đẽ như khu phố Pháp ở Quận Ba đình. Ngược lại với kiểu bố cục hợp khối này là lối bố cục đan xen giữa nhà và vườn, sân trong, giếng trời kiểu phố cổ, hay tứ hợp viện ở Tô Châu, Hàng Châu, đi kèm với cây thế non bộ, là những bố cục có thể sử dụng những khoảng vườn trống nhỏ. Do vậy, nếu đất nhỏ hẹp mà nhu cầu nhà ở lại lớn hoặc kể cả có đất tương đối rộng nhưng cảnh quan xung quanh không sang trọng, rộng rãi thì không thể làm biệt thự Pháp cổ.Thứ hai, kiến trúc thuộc địa vốn là kiến trúc tường chịu lực với tường dày cách nhiệt, tỷ lệ tường nhiều mới tạo được cảm giác vững chãi, bề thế, cân đối với những mái dốc nặng. Kiến trúc hiện đại chủ yếu là hệ cột chịu lực, tường bao che nên tỷ lệ tường phải ít vì nhiều tường thì nóng, tối, nặng và tốn diện tích. Do đó kiến trúc đương đại nếu theo phong cách thuộc địa cũng khó tạo được nét đẹp vững chắc của các biệt thự cũ. Một nét đặc trưng khác của biệt thự thuộc địa là bộ cửa trong kính ngoài chớp nặng, bề thế. Bộ cửa này cần có ô văng hoặc hành lang rộng bảo vệ cửa chớp gỗ khỏi mưa và có cây to để che nắng. Mặt khác, cửa sổ phải quay ra vườn thì mới có thể mở thường xuyên không bị quá ồn, bụi. Nếu không đủ đất, bộ cửa chớp gỗ bị phơi ra mưa nắng, chường ra mặt đường, vừa không được bảo vệ, lại cũng không bao giờ dám mở, thành ra cả về kỹ thuật lẫn công năng đều không đáp ứng được, chưa nói gì đến vấn đề thẩm mỹ.Cuối cùng, đi liền với những biệt thự thuộc địa là nội thất thuộc địa, đó là Piano, salon, phô tơi, divăng, ghế ngựa, tranh sơn dầu v.v. Những thứ này gắn liền với sinh hoạt thường này của các tiểu quý tộc Pháp. Nhưng còn các tiểu quý tộc Việt Nam thì lại có hình ảnh của sập gụ tủ chè, tràng kỷ, bàn thờ, tranh chữ câu đối v.v. kiểu gỗ quý Đồng Kỵ. Hai phong cách nội thất này hoàn toàn trái ngược nhau về nguyên lý tạo hình. Nội thất phương Tây đi với kiến trúc phương Tây, lấy diện, khối làm nguyên lý tạo hình cơ bản, trong khi đó nội thất và kiến trúc cổ truyền Việt Nam, Trung quốc lại lấy điểm, tuyến làm nguyên lý tạo hình. Do vậy đặt những đồ cổ truyền Việt Nam vào không gian Tây không bao giờ có thể hợp được. Tóm lại, nếu tránh được 4 điểm khó khăn chính nêu trên thì có thể làm một biệt thự thuộc địa đẹp. Việc đó về mặt học thuật cũng như ý tưởng chẳng lấy gì làm thỏa mãn cho một kiến trúc sư tâm huyết, nhưng chí ít cũng thể hiện tính chuyên nghiệp. Có điều trên thực tế, 4 tiêu chuẩn trên là rất khó thực hiện, nhất là yêu cầu về diện tích. Khi đó, kiến trúc sư đành chịu bó tay mà cũng khó có thể lay chuyển được khách hàng và kết quả là những sản phẩm chúng ta thấy hiện nay. Chỉ có điều đó sẽ là sản phẩm của một thời kỳ quá độ thôi. Dân Việt Nam có tính linh động, sau này sẽ người bán kẻ mua, đập đi xây lại, mọi sự sẽ dần dần đi vào sự hợp lý của nó.Chỉ có điều tôi băn khoăn nhất là đối với những công trình công cộng lớn, đặc biệt ở các tỉnh thì hiện nay chính do một nhóm những vị tiểu quý tộc quyết định, thậm chí các kiến trúc sư thực hiện cũng nhiều người thuộc tầng lớp này, do đó tuy là việc công nhưng khó tránh khỏi thẩm mỹ thuộc địa. Đối với những công trình này, số tiền bỏ ra rất lớn, lại tồn tại lâu dài, là một điều rất đáng tiếc. Do vậy theo tôi, nhiệm vụ của Hội kiến trúc sư Việt Nam, cơ quan ngôn luận của ngành kiến trúc, là phải quảng bá rõ ràng và hiệu quả hơn nữa những trào lưu kiến trúc đương đại trên thế giới để khách hàng làm quen dần với những thứ khác với Nhà hát lớn và Viễn đông Bác cổ thì mới có thể có sự lựa chọn. ở đây cần phải nhấn mạnh rõ rằng không phải Nhà hát lớn hay Viễn đông Bác cổ không đẹp, nhưng nó có thời kỳ lịch sử của nó, cũng giống như đền Parthenon vẫn là kinh điển của kiến trúc thế giới, nhưng ngày nay ta không thể xây lại nguyên xi một ngôi đền như vậy, hay những bộ trang phục cung đình thời Baroc với những mớ tóc giả bạch kim và váy rộng thắt eo phải nói là rất hoành tráng, nhưng ngày nay nếu ai ăn mặc đúng như vậy thì người ta sẽ nghĩ là phường tuồng.Tóm lại, tôi đưa ra vài suy nghĩ đóng góp với hội thảo, cũng không có gì là mới, chỉ có điều là những việc ai cũng rõ như vậy nhưng vẫn là những vấn đề nổi cộm của kiến trúc Việt Nam hiện nay. Nhận ra vấn đề không khó, điều quan trọng là chúng ta cần phải có phương pháp giải quyết cụ thể, mà trong đó vai trò của Hội kiến trúc sư Việt Nam sẽ là không nhỏ.
TS.KTS. Phó Đức Tùng
*Dùng ngôn ngữ nào cho kiến trúc đương đại Việt Nam ?
Hai mươi năm qua, trong thời kỳ Đổi Mới, công cuộc xây dựng đất nước phát triển rất mạnh mẽ, số lượng công trình xây dựng rất nhiều nhưng tác phẩm Kiến trúc lại không có là bao. Sau “Mở cửa” năm 1986 giới kiến trúc tỏ ra rất lúng túng trước nhiều ngả đường của nghệ thuật kiến trúc đang diễn ra rất phong phú và đa dạng trong khu vực và trên thế giới. Sự lúng túng thể hiện ở tính chất lai tạp á - âu, Kim - Cổ, không có phong cách nào nhất quán và cuối cùng xa vào chủ nghĩa hình thức lạc hậu và tốn kém. Các hội chứng phát triển, mạnh mẽ nhất, dai dẳng nhất và lan rộng nhất là “ hội chứng Kiến trúc Pháp” rồi đến “ hội chứng chóp”, “ hội chứng mái Thái”… cùng nhiều loại hàng nhái, hàng rởm huênh hoang và tốn kém khác. Giới kiến trúc đã thấy những hiện tượng lệch lạc và bệnh hoạn ấy và có một số hội thảo phê phán và định hướng cho sự phát triển tương lai của kiến trúc nước nhà. Hội chứng kiến trúc Pháp đã có chiều hướng thuyên giảm, những chóp đã dần dần ít đi, duy cái chóp Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội vẫn còn tung hoành khá mạnh mẽ ở các vùng ngoại thành, các thị xã và thị trấn của nhiều tỉnh phía Bắc. Một số công trình kiến trúc có phong cách giản dị, lành mạnh đã được xây dựng và một số ngôi nhà có những nét hiện đại, có những tìm tòi hướng về truyền thống đã xuất hiện. Tuy nhiên nói chung bộ mặt kiến trúc của các thành phố và nông thôn nước ta vẫn còn lộn xộn, vá víu, chưa có phương hướng rõ rệt. Sự lai tạp kiến trúc Cổ điển phương Tây vẫn ghi dấu ấn khá mạnh mẽ lên kiến trúc nhiều thành phố và thị xã, thị trấn nhất là các tỉnh miền Bắc.Sự lúng túng, mất phương hướng và lạc hướng của kiến trúc chúng ta kéo dài khá lâu, đến tận giờ phút này mà ngay giữa thủ đô vẫn còn đang xây dựng những công trình đồ sộ với các tầng măng - xác, các fronton và các cột thức Cổ điển Hy Lạp, La Mã. Các thợ kéo đang trổ tài tỉa tót những hoa văn ở các đầu cột thức, cùng vô số những chi tiết kiến trúc cầu kỳ thời Phục Hưng, Barốc ở Phương Tây thế kỷ XV, XVI, XVII. Chưa bao giờ Kiến trúc của chúng ta bị một căn bệnh nặng đến thế, nó dai dẳng và sẽ còn gây nhiều tác hại lâu dài.Vậy thì chúng ta sẽ đi theo hướng nào? Dùng ngôn ngữ gì để diễn đạt tác phẩm kiến trúc của chúng ta? Kiến trúc Cổ điển Hy Lạp - La Mã có hệ thống ngôn ngữ chặt chẽ. Từ của nó là các thành phần chi tiết kiến trúc, những thành phần này được ghép thành câu theo văn phạm là các hệ thống môđun của các loại thức cột, tổ hợp của tất cả những câu thành tác phẩm. Chính hệ thống ngôn ngữ Cổ điển này có sức mạnh to lớn đã phát triển và chinh phục thế giới Phương Tây. Trào lưu kiến trúc Hiện đại với lòng tin sắt đá vào tiến bộ khoa học – kỹ thuật, muốn loại bỏ hệ thống ngôn ngữ Cổ điển và tìm một hệ thống ngôn ngữ khác để diễn đạt thời đại mới, thời đại của máy móc. Họ đã tìm được. Hệ thống ngôn ngữ của Kiến trúc Hiện đại mà đại diện là Chủ nghĩa Công năng cũng rất chặt chẽ, có lôgic và có những quy tắc ngữ pháp cả trong lĩnh vực Quy hoạch Đô thị lẫn Kiến trúc công trình. Cũng chính vì có lí luận, có hệ thống ngôn ngữ được xây dựng qua những Đại hội của CIAM, kèm theo những khẩu hiệu nổi tiếng như “ Hình thức đi theo công năng” của Louis Sullivan, “ ít hơn tức là nhiều hơn” của Mies van der Rohe, “ Trang trí là trọng tội” của Adolf Loos, “ Nhà là cái máy để ở” của Le Corbusier v.v… nên Kiến trúc Hiện đại đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến tận những năm 50 - 60 của thế kỷ XX.Những tính chất cực đoan của Chủ nghĩa Công năng, nhất là tính chất tinh giản đến cùng cực của hình thức kiến trúc theo khẩu hiệu của Rohe (“Less is more” : ít hơn tức là nhiều hơn) cùng với tính chất “ tinh khiết” (Purisme) của Le Corbusier ngày càng mâu thuẫn với thực tế xô bồ, phức tạp của cuộc sống thực trong xã hội loài người. Kiến trúc không phản ánh được xã hội và Kiến trúc Hiện đại trở nên khô khan với hình thức chiếc hộp hình chữ nhật lan tràn khắp thế giới. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, Kiến trúc hiện đại đã bị phê phán nặng nề ở khắp mọi nơi, mọi phía. Nhân dân các nước chán ghét nó vì đi đâu độc một loại kiến trúc hộp chữ nhật, nó trở thành chủ nghĩa thế giới xoá nhoà tính chất dân tộc, người ta chẳng buồn đi du lịch vì thành phố nào cũng giống nhau. Giới văn nghệ sỹ thì chẳng còn thấy cảm hứng gì trong các ngôi nhà hộp kính sáng choáng và lạnh lẽo vô cảm. Giới tư bản, người chi tiền xây dựng những Thành phố hiện đại cũng không còn mặn mà với các hộp kính vuông vắn hầu như giống nhau ở khắp mọi nơi, chúng mất giá trị quảng cáo vì quảng cáo là phải độc đáo, nổi bật và khác lạ.Trong bối cảnh đó, nhà lý luận lịch sử kiến trúc Anh Charles Jencks thông báo là “ Kiến trúc Hiện đại đã chết ở Saint Louis Missouri ngày 15 tháng 07 năm 1972 vào hồi 15h 32 phút!” và tuyên bố Kiến trúc Hậu – Hiện đại đã ra đời. Kiến trúc Hậu – Hiện đại mong muốn tìm một hệ thống ngôn ngữ mới thay hệ thống ngôn ngữ của Kiến trúc Hiện đại. C. Jencks phân ra bảy loại Kiến trúc Hậu – Hiện đại, nhưng cuối cùng dường như chỉ có một loại là Chủ nghĩa Cổ điển Hậu Hiện đại mang đủ tính chất hai “ mã” mà C. Jencks đã quy định là thuộc tính của Hậu – Hiện đại. Đó là “ mã quần chúng” được biểu hiện qua sự nhái lại hệ thống ngôn ngữ Cổ điển Hy lạp – La Mã; còn “ mã trí thức” hay “ mã chuyên môn” là tính chất Hiện đại mà Kiến trúc sư sáng tạo ra thường mang tính chất trừu tượng. Như vậy nói tính chất “ hai mã” theo Lý lụân của C. Jencks thì ngôn ngữ của Hậu - Hiện đại chẳng qua chỉ là sự nhái lại hệ ngôn ngữ Cổ điển theo cách thức nào đó do kiến trúc tạo ra khi thì có đường nét rất nghiêm chỉnh, đứng đắn nhưng cột thức lại tạo bằng những mảng kính lớn Ricardo Bofill đã thực hiện ở Pháp; khi thì cố tình sử dụng hệ thống thức Hy lạp – La Mã một cách ngây thơ như trong ngôi nhà Electic House hoặc tạo nên một cây cột Ioni to béo xấu xí một cách hài hướng trong Bảo tàng nghệ thuật Pop Art ở bang Ohio do Robert Venturi đã làm ở Mỹ. Charles Moore sử dụng cả năm thức La Mã với đúng tỷ lệ do Vignole nghiên cứu bằng những vật liệu hiện đại như thép inox, bóng đèn huỳnh quang. Xu hướng diễn đạt hệ thống thức Cổ điển một cách hài hước được Kiến trúc sư Robert Stern thực hiện ở triển lãm Bestvaf ở Biennale – Venise năm 1980. Ông sáng tạo ra cột âm là lỗ trống hình cây cột Đôri ở giữa hai chiếc cột thật (cột dương). Nhiều Kiến trúc sư Hậu – Hiện đại đi theo xu hướng hài hước, châm biếm này. Nhưng xu hướng này cũng đã trở thành thời thượng một giai đoạn những năm 70 – 80 của thế kỷ XX và đã thành nhàm chán. Các kiến trúc sư Hậu – Hiện đại tái hiện Kiến trúc Cổ điển để nhắc lại quá khứ chứ không phải để làm sống lại quá khứ. Họ bông lơn hài hước với ngôn ngữ cột thức Cổ điển nhằm “ trả thù” Chủ nghĩa Cổ điển như lời Robert Stert, đồng thời là lời bình phẩm chua cay xã hội tiêu thụ. Nhưng một khi đã đùa cợt, bóp méo hệ thống chức Cổ điển thì bản thân họ cũng bộc lộ sự mất lòng tin ở ngôn ngữ này.Như vậy về đại thể, kiến trúc Hậu – Hiện đại, những năm 70 của thế kỷ XX xuất hiện nhóm SITE tự nhận mình là Phi kiến trúc. Họ phản đối kiến trúc hiện đại bằng cách đưa ra lý luận triết học về sự dang dở và đảo ngược Những tác phẩm của SITE thường gây bất ngờ, gây “ sự cố” và rất lý thú. Tuy nhiên Phi kiến trúc không có hệ thống ngôn ngữ rõ ràng cho nên ảnh hưởng của nó không lớn. Xu hướng Phi cấu tạo (Desconstruction) xuất hiện chừng 10 năm gần đây, nổi bật nhất là Bảo tàng Guggenheim Billao do Frank O.Gehry thiết kế ở Tây Ban Nha. Xu hướng này rất khó thực hiện vì nó đòi hỏi một trình độ thiết kế và thi công rất cao dựa vào những thành tựu của máy tính và khoa học kỹ thuật, về vật liệu xây dựng và kỹ thuật thi công. Cũng dựa vào thành tựu của Khoa học kỹ thuật, xu hướng công nghệ cao (Hi – tech) đưa ra hình ảnh công trình kiến trúc của xã hội phát triển. Song tất cả những xu hướng kể trên đều chưa đưa ra được một hệ thống ngôn ngữ có luật lệ, ngữ pháp chặt chẽ cho mình và đến nay vẫn chỉ mang tính chất thực nghiệm lẻ tẻ.Nhìn toàn cảnh hoạt động kiến trúc trên thế giới, chúng ta thấy hơn 3 thập kỷ gần đây, giới kiến trúc tích cực tìm kiếm cái mới theo các hướng khác nhau nhằm thay thế Kiến trúc Hiện đại, nhưng đến nay chưa có một xu hướng nào đủ mạnh để hướng dẫn Kiến trúc thế giới đi vào thời đại của thông tin, của xã hội tin học như trước đây Kiến trúc Hiện đại đã làm để đưa thế giới vào thời đại cơ khí – máy móc. Nhưng lần này tính chất địa phương và bản sắc dân tộc được đề cao vì sự đa dạng trong nền kiến trúc thế giới là một trong những niềm mơ ước của loài người.Kiến trúc Hiện đại hầu như đã khước từ toàn bộ hệ thống ngôn ngữ của Kiến trúc Cổ điển Hy lạp – La Mã và thay bằng hệ thống ngôn ngữ mới của mình. Hai hệ thống ngôn ngữ này có những sự khác nhau về cơ bản, Hệ thống ngôn ngữ Cổ điển nhằm giải quyết vấn đề thẩm mỹ của Nghệ thuật Kiến trúc qua hệ thống môđun, con số hoàng kim, tỷ lệ thần thánh và tiết diện vàng. Tóm lại nó tạo nên một sự thống nhất hài hoà về tỷ lệ, tỷ xích trong toàn bộ những công trình Kiến trúc Cổ điển, nó giải quyết vấn đề hình thức nghệ thuật. Biệt thự Rotonda của Andrea Palladio xây dựng vào thời kỳ Hậu phục Hưng ở Italia là một thí dụ để ta thấy rõ hệ thống ngôn ngữ này là công cụ của một chủ nghĩa hình thức nhằm tạo nên vẻ đẹp mẫu mực của Kiến trúc Cổ điển. ngôi biệt thự Rotonda là đỉnh cao của nghệ thuật Kiến trúc thời kỳ Phục Hưng, là kiệt tác của Palladio, nhưng không thuận lợi cho người sử dụng vì một ngôi nhà vuông có bốn cửa lớn hoàn toàn giống nhau ở bốn mặt nhà, sảnh tròn ở giữa rất hoành tráng nhưng tối, bốn cầu thang nằm trong bốn buồng chật hẹp và thiếu ánh sáng, tám buồng quây chung quanh sảnh tròn ở trung tâm mang tính chất đối xứng nhưng sẽ có một nửa số buồng bị bất lợi về hướng nắng và hướng gió. Tóm lại Rotonda chủ yếu giải quyết vấn đề thẩm mỹ, đó là chủ nghĩa hình thức. Ngôn ngữ của Kiến trúc Hiện đại nhằm giải quyết công năng của công trình kiến trúc, sự hợp lý của dây chuyền sử dụng và của hệ thống kết – nối vật liệu. Trào lưu Kiến trúc Hiện đại ca ngợi cái đẹp giản dị, không trang trí và theo trào lưu này cái đẹp là kết quả của sự hợp lý về công năng. Vì sao các trào lưu và xu hướng sau Hiện đại đến nay vẫn chưa tạo nên được một hệ thống ngôn ngữ thay thế cho ngôn ngữ của Kiến trúc hiện đại? Chính vì mặc dầu có nhiều khuyết điểm, trào lưu Kiến trúc Hiện đại có nhiều ưu điểm căn bản không thể phủ nhận được, những điểm mà các xu hướng kiến trúc khác vẫn vận dụng. Ta thử liệt kê một số ưu điểm chính của Kiến trúc Hiện đại:- Kiến trúc Hiện đại (KTHĐ) mà đại diện chính là chủ nghĩa Công năng (Fonctionalisme) chủ trương giải quyết công năng sử dụng là mục tiêu hàng đầu của Kiến trúc, hình thức kiến trúc sẽ đến sau công năng – KTHĐ chủ trương phải giải quyết hợp lý các mặt như dây chuyền sử dụng, kết cấu và vật liệu, biện pháp thi công, hợp lý về giá thành công trình.- KTHĐ quan tâm đến vấn đề dân chủ hoá nghệ thuật. Chủ trương này trường Bauhaus rất kiên trì mong muốn sản phẩm nghệ thuật trong đó có công trình kiến trúc đến được tận tay quần chúng nhân dân một cách rộng rãi. Chính vì thế các thầy giáo của Bauhaus như Walter Gropius, Marcel Breuer... đã đưa ra nhiều phương án nhà lắp ghép bằng những cấu kiện sản xuất sẵn nhằm xây dựng nhanh và hạ giá thành nhà cho dân lao động. Le Corbusier cũng quan tâm đến xây dựng lắp ghép từ năm 1914 khi ông đưa ra phương án nhà DOM Ino.- KTHĐ quan tâm đến các không gian giao tiếp, quan tâm đến trẻ em và người tàn tật, đó là khía cạnh nhân đạo của KTHĐ. Điều này có thể hiện rõ trong ngôi nhà “ Đơn vị ở” tại Marseille của Le Corbusier. Những đường dốc do ông và các kiến trúc sư hiện đại thường làm là sự quan tâm đến những người tàn tật, đồng thời tạo thêm sự phong phú cho công trình kiến trúc.
- KTHĐ rất chú ý đến môi trường và cây xanh. Trong đề án thành phố 3 triệu dân Le Corbusier đã dành 95% đất cho giao thông và cây xanh trong khu City, những ngôi nhà cao tầng chỉ chiếm 5% diện tích đất thôi.
- Chỗ dựa chủ yếu của KTHĐ là các thành tựu của khoa học, là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Đó là một ưu điểm quan trọng, các kiến trúc sư phải tận dụng những thành tựu này để giải quyết thật tốt môi trường ở cho con người, không nên thấy công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát triển gây ô nhiễm cho môi trường sống nhất là môi trường đô thị mà tỏ ý chán ghét xã hội công nghiệp muốn quay trở lại thời kỳ công nghiệp lạc hậu nhưng êm đềm như William Morris với phong trào “thủ công mỹ nghệ” (Art and carft) cuối thế kỷ XIX hoặc bi quan như Peter Blake năm 1976 đề nghị là không xây nhà cao nữa, ngừng xây dựng đường ô tô, tạm dừng phát triển ngành kiến trúc cho đến khi có sự gần gũi giữa kiến trúc và thực tế....!Sau vài thập kỷ phản đối Kiến trúc Hiện đại một cách gắt gao, các trào lưu Kiến trúc Hậu
– Hiện đại (theo nghĩa rộng) vẫn chưa tìm được cách thay thế Kiến trúc Hiện đại. Trong khi đó một số kiến trúc vẫn âm thầm khai thác những ưu điểm của Kiến trúc Hiện đại và tìm cách khắc phục những khuyết điểm và sai lầm của KTHĐ. Những tác phẩm của họ đã có những đỉnh cao nghệ thuật khiến giới kiến trúc thế giới kinh ngạc và xu hướng kiến trúc này được gọi là “ Kiến trúc Hiện đại – Mới” (New Modern Architecture) với các tên tuổi đến nay đã trở thành quen thuộc, đó là Richard Meier, Ieoh Ming Pei, Tadao Ando Christian De Portzamparc ... Những khuyết điểm mà KTHĐ thường bị lên án là:- Với sự tinh giản đến cùng cực và để đạt được vẻ “ thuần khiết”, KTHĐ rút cục còn lại những hình hộp chữ nhật trần trụi, không một nét trang trí và với những mặt phẳng nhẵn nhụi rất thuần khiết thường bằng kính. Tổng thể công trình KTHĐ trở nên đơn điệu, lạnh lùng, vô cảm với sự tinh giản đến trở thành một hình hộp chữ nhật, công trình không còn xu hướng phát triển được nữa, nó tĩnh lặng, thụ động.
- Với dáng vẻ đơn giản, tinh khiết, tác phẩm kiến trúc không phản ánh đúng cái xã hội phức tạp hỗn độn đang diễn ra ở xung quanh. Nó làm nên một sự giả tạo biện hộ cho cái xã hội xô bồ trong thực tế, nó mất tính năng phản ánh của nghệ thuật.
- Với xu hướng tiến tới chủ nghĩa thế giới (cosmopolitisme) KTHĐ xoá nhòa và không để ý tới bản sắc nghệ thuật kiến trúc các địa phương, các dân tộc, nghĩa là kiến trúc không có địa chỉ cụ thể, chung chung ở khắp thế giới. Kiến trúc Hiện đại – Mới đã khắc phục vẻ khô khan đơn điệu, trần trụi bằng cách sáng tạo ra sự phong phú. Cũng vẫn bằng những hình học sơ cấp nhưng được tổ hợp một cách sáng tạo làm nên những không gian đa dạng, tạo nên những bóng đổ sâu, nông, đậm nhạt để làm mát công trình đồng thời tạo hình cho công trình. Không gian hình khối và ánh sáng là những từ vựng của kiến trúc Hiện đại – Mới, cách tổ hợp những yếu tố này theo một ngữ pháp làm cho công trình trở nên sinh động có hồn. Việc gắn bó kiến trúc với môi trường xung quanh của trào lưu Hiện đại – Mới có rất nhiều yếu tố khai thác được ở kiến trúc Hữu cơ nhất là các kinh nghiệm của Richard Neutra. Những kiến trúc sư Hiện đại – Mới rất chú ý khai thác các yếu tố có bản sắc địa phương, dân tộc như vậy chống được chủ nghĩa thế giới của KTHĐ. Thí dụ Tadao Ando được mệnh danh là một Kiến trúc sư Nhật Bản “ rất Nhật Bản”. Ông chỉ những hình hình học sơ cấp một cách rất tinh khiết nhưng luôn ẩn chứa tính triết học sâu sắc của Thiền đạo, nó làm nên bản sắc Nhật Bản và in dấu tài năng của kiến trúc sư.- Trong điều kiện Việt Nam, chúng ta, những kiến trúc sư đã và đang hành nghề đều được đào tạo theo các giáo trình của Kiến trúc Hiện đại thế giới. Chúng ta lại đã kinh qua mấy thập kỷ thực hành các nguyên lý ấy trong xây dựng công trình kiến trúc, trong công tác quy hoạch đô thị, trong sản xuất nhà lắp ghép.... Ngôn ngữ của KTHĐ với chúng ta là quen thuộc, mặc dù chúng ta chưa có những tác phẩm ở đỉnh cao của KTHĐ như các nước khác do điều kiện chiến tranh liên miên trong 30 năm. Tuy nhiên với chúng ta những bài học của KTHĐ đã có từ khi người pháp đưa trào lưu Moderne vào nước ta biểu hiện ở khách sạn Majestic xây dựng năm 1925 ở Sài Gòn. Sau đó những nguyên lý về kiến trúc và quy hoạch hiện đại tiếp tục vào nước ta theo các con đường đào tạo kiến trúc sư ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở những ưu điểm của KTHĐ, trên cơ sở sự hiểu biết và thói quen thực hành theo các nguyên lý của KTHĐ, chúng ta đi vào Kiến trúc Hiện đại – Mới không có khó khăn nhiều. Cần khắc phục những khuyết điểm của KTHĐ đã nêu ở trên và kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa hình thức của các “ hội chứng” nhất là “ hội chứng kiến trúc Pháp”, nền kiến trúc đương đại của chúng ta nhất định sẽ có những thành tựu đáng kể.Một trào lưu kiến trúc mới xuất hiện có nhiều triển vọng và đã được công bố như một xu hướng kiến trúc lớn của thế kỷ 21 tại Đại hội kiến trúc sư Quốc tế (UIA) năm 1999 ở Bắc Kinh. Đó là xu hướng kiến trúc sinh thái (Ecological Architecture). Xu hướng này đặc biệt mang lợi ích cho các nước thế giới thứ 3 đại diện là các kiến trúc sư Ken Yeang (Malaysia), Charles Correa (ấn Độ), Bruno Stagno(Costa Rica)... Ngôi nhà 15 tầng Menara Mesiniaga do Ken Yeang xây dựng ở Kuala lumpur, thủ đô Malaysia có thể coi là bản tuyên ngôn của xu hướng kiến trúc này. Đó là thứ kiến trúc triệt để tiết kiệm, triệt để tránh ô nhiễm môi trường, khai thác sử dụng những năng lượng tái sinh hoặc vô tận của thiên nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt... kiến trúc hài hoà với thiên nhiên. Thực ra xu hướng này không phải là quá mới mẻ mà đã có manh nha trong nhiều thể nghiệm của một số kiến trúc sư hiện đại của thế hệ trước. Kiến trúc hữu cơ của F. L. Wright đã triệt để tận dụng khả năng của địa hình, vật liệu địa phương, gắn bó hài hoà với thiên nhiên chung quanh. Chính Wright cũng đã nghiên cứu và thực nghiệm năm 1930 bằng tác phẩm của mình để ngôi nhà Taliesin West nằm trong vùng sa mạc Arizona có gió mát về ban ngày và ấm về ban đêm. Còn Louis Kahn từ năm 1962, khi thiết kế nhà Quốc hội nước Bangladet ở Dacca, đã có sáng kiến làm những ngôi nhà lồng vào nhau để tránh cái nóng khủng khiếp ở xứ sở Nam á này. Kiến trúc sư Hassan Fathy ở Ai Cập lại khai thác kinh nghiệm truyền thống của nhân dân làm những “bẫy gió” và những tháp hút gió đã xây dựng những ngôi nhà mát mẻ bằng gạch trộn bùn rơm. Tại công trình chợ Baris nằm ở vùng sa mạc có nhiệt độ mùa hè trên 500 độ C, ông đã áp dụng những “ bẫy gió” truyền thống làm hạ nhiệt độ trong kho thực phẩm xuống hơn 150 độ C ! Trong những công trình do Ken Yeang và những kiến trúc sinh thái đã làm ở Malaysia, ở Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới, các kinh nghiệm dân gian đã được tổng kết, áp dụng với nhiều sáng tạo nhằm tạo nên môi trường sống mát mẻ trong nhà mà không phải dùng biện pháp máy điều hoà nhiệt độ. Xu hướng này rất phù hợp với điều kiện các nước nghèo và nói rộng ra ngay cả các nước phát triển cũng cần triệt để tiết kiệm năng lượng, hạ tầng ô nhiễm môi trường và đưa cây xanh vào công trình.Tóm lại, hai xu hướng kiến trúc phù hợp với điều kiện Việt Nam, dễ dàng áp dụng và có triển vọng đẩy nền kiến trúc đương đại nước ta tiến lên là Kiến trúc Hiện đại – Mới và Kiến trúc Sinh thái. Do điều kiện không gian và thời gian xuất hiện của hai xu hướng trên nên ta chia ra làm hai xu hướng, nhưng nếu cùng áp dụng ở Việt Nam biết đâu chúng ta lại hoà quyện làm một trở thành một phong cách mang đầy đủ những ưu điểm của hai trào lưu và rất phù hợp với điều kiện thiên nhiên, khí hậu và kinh tế nước ta.Còn vấn đề bản sắc dân tộc thì sao? Chúng ta tự hỏi xưa kia ông cha ta có quan tâm đến vấn đề này không sao mà các tác phẩm của các cụ lại đậm đà bản sắc dân tộc như vậy? Chắc chắn rằng các cụ không hề đặt vấn đề này ra. Các cụ chỉ đơn thuần làm ngôi nhà thế nào cho phù hợp với địa hình, với thiên nhiên, với khí hậu: tránh được mưa nắng, gió bão, ngày hè thì mát, ngày đông thì ấm cúng; bền vững và rẻ nhưng phải đẹp. Tất cả những cái đó tự nhiên tạo nên bản sắc, chúng không giống nhau ở từng địa phương riêng lẻ, nhưng lại đồng nhất mang sắc thái Việt Nam đậm đà.Hai xu hướng trên tỏ ra phù hợp với chúng ta nhưng chúng ta không hề loại trừ các xu hướng khác đang phát triển trên thế giới. Nền văn hoá của chúng ta chấp nhận sự cộng sinh, nó chỉ làm cho văn hoá và nghệ thuật thêm đa dạng, phong phú. Những thực nghiệm theo các xu hướng khác một cách nghiêm túc đều đáng trân trọng. Chúng ta khuyến khích sự sáng tạo, phê phán cách làm việc cẩu thả dễ dãi chiều theo thời thượng, kiên quyết loại trừ loại hàng dỏm, hàng nhái các phong cách kiến trúc quá khứ của Phương Tây đang gây ô nhiễm các đô thị của chúng ta.Để “xây dựng đất nước đàng hoàng to đẹp hơn”, để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới, kiến trúc sư chúng ta cần khẩn trương hành động với cái tâm trong sáng và trí tuệ minh mẫn.
PGS.TS.KTS Tôn Đại
* Kiến trúc Việt Nam “thua” trên sân nhà
Cả nước hiện có gần 2.000 cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư.Trong số này có rất nhiều kiến trúc sư có trình độ chuyên môn cao đã được giao làm chủ nhiều đồ án quy hoạch lớn. Tuy nhiên, "vẫn còn không ít những người năng lực thiết kế cũng như kinh nghiệm quản lý chưa theo kịp xu thế phát triển đã làm cho ngành kiến trúc Việt Nam “thua” ngay trên sân nhà".Ông Hoàng Thọ Vinh, Vụ phó Vụ Xây lắp (Bộ Xây dựng) đã thẳng thắn phát biểu như vậy tại hội nghị bàn tròn với chủ đề “Xây dựng thị trường hành nghề tư vấn kiến trúc minh bạch, bình đẳng và lành mạnh”, nhân dịp 60 kỷ niệm ngày thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam, được tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.Xây dựng là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế. Vốn cho đầu tư xây dựng của cả nước hàng năm đều chiếm từ 25-30% GDP. Tuy nhiên, ngành tư vấn kiến trúc của Việt Nam vẫn chưa giành được chỗ đứng phù hợp với vai trò của mình.“Giá trị thiết kế của các kiến trúc sư Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng giá trị công trình. Trong khi trên thế giới và trong khu vực giá trị này thường đạt từ 8-10%”, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói.Lý giải về điều này, ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đà Nẵng cho rằng: nhiều đơn vị tư vấn thiết kế do cần việc làm đã chấp nhận mức giá thấp hoặc làm thuê, nhận lại dự án từ các văn phòng thiết kế của nước ngoài.Thêm vào đó, nhiều kiến trúc sư còn chưa có sự liên kết với các kỹ sư trong những lĩnh vực liên quan như kỹ sư kết cấu, kỹ sư điện nước, môi trường… Điều này vừa không tận dụng được nguồn chất xám, vừa không giải quyết một cách triệt để những yếu tố có tính chất đặc thù như khí hậu, môi trường của từng vùng miền, khu vực - một yếu tố mà các chủ đầu tư lớn rất coi trọng.http://www.vneconomy.vn/60274P0C17/kien-truc-viet-nam-thua-tren-san-nha.htm

No comments:

Post a Comment