Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(2)

* "Kiến trúc sư VN cần có phương pháp quy hoạch hiện đại"

Đó là ý kiến của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, từng đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi kiến trúc quốc tế năm 1994 (với dự án quy hoạch và cải tạo làng gốm Bát Tràng). Bởi theo anh, các kiến trúc sư VN chỉ có khả năng thiết kế các quần thể thấp mang tính cộng đồng.

- Anh đánh giá thế nào về tình trạng đô thị hoá ở VN hiện nay?
- Quá ồ ạt. Và đáng buồn là sự phát triển đó không tuân theo một hình thái rõ rệt nào, cũng chẳng gắn kết gì với môi trường. Ở phương Tây, hình thái đô thị gắn bó mật thiết với những điểm nhấn thị giác, những gác chuông cao, những ngọn tháp nhọn, nhà chọc trời... Thành phố của chúng ta có những điểm nhấn tâm linh, chẳng hạn không gian hồ Gươm ở Hà Nội. Khối tích và kích cỡ thường không giữ vai trò quan trọng trong không gian đô thị, thế nhưng các nhà quy hoạch của chúng ta dường như chưa quan tâm đúng mức tới chuyện này. Chúng ta chỉ có khả năng thiết kế các quần thể thấp mang tính cộng đồng. Còn những phương pháp quy hoạch hiện đại, những kiến trúc cao tầng nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kiến trúc sư của ta chưa được chuẩn bị đầy đủ và chưa có thực tế. Vì thế, hiện nay, các tập đoàn và công ty ngoại quốc khi đầu tư xây dựng vào VN thường phải thuê kiến trúc sư nước ngoài.

- Vậy theo anh, chúng ta phải làm gì?
- Phải xây dựng cho được một lý luận về hình thái kiến trúc và đô thị của riêng VN, đồng thời hướng tới những phương pháp lập luận mới nhằm kiểm soát chất lượng môi trường tại các trung tâm đô thị. Đã từ lâu, chúng ta thiếu hẳn một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh và những thông tin liên quan tới lĩnh vực thiết kế đô thị và kiến trúc, nhất là thiếu vắng những công cụ hiệu quả có khả năng kiểm soát các quá trình quy hoạch và xây dựng, trong đó có sự quan tâm tới chất lượng môi trường.

- Hiện VN vẫn chưa chú ý nhiều tới các khía cạnh có tầm quan trọng quyết định cho một thiết kế, ví như hình ảnh môi trường và các tham số liên quan tới khu đất xây dựng. Theo anh, cần xử lý vấn đề trên thế nào?
- Noberg Schulz cho rằng môi trường là "nơi chốn", là một tập hợp những thứ dính kết về chất liệu, hình thái, cấu trúc, màu sắc... Con người thích ứng với môi trường xung quanh, đồng thời gây ra những biến đổi lên chính môi trường, nhằm đem lại sự thuận tiện hơn cho cuộc sống. Mặt khác, sự phụ thuộc của cuộc sống vào môi trường là tuyệt đối và nó biểu lộ thông qua những yếu tố tác động trực tiếp lên cơ thể người thông qua hệ thống giác quan. Theo tôi, đây là những vấn đề căn bản mà chúng ta phải tính đến khi xây dựng các khu đô thị mới trong tương lai.(Theo Thể Thao & Văn Hoá)

* "Thiếu một chủ thuyết dẫn đường"
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chúng ta đã có một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường tạo tiền đề cho một công nghệ quy hoạch thích hợp? Một phương pháp luận cải tạo, mở rộng và phát triển đô thị? Một bản kế hoạch hành động thiết thực dựa trên những luận cứ xác đáng? Trách nhiệm trả lời những vấn đề này thuộc về Bộ Xây Dựng và UBND thành phố Hà Nội. Đúng hơn, phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thu hút và mạnh dạn tạo cơ chế cho đội ngũ chuyên gia đầu đàn, đa ngành của lãnh đạo Bộ và thành phố.
Những “vết sẹo khó tẩy"
Có người đã từng ví Hà Nội với nàng công chúa Lọ Lem. Nhưng có lẽ, ý kiến đó chỉ đúng với Hà Nội cách đây... 20 năm. Ngày nay, liệu Hà Nội có còn là một Lọ Lem đợi hoàng tử đến phát lộ vẻ đẹp? Cơn lốc kinh tế thị trường, sự bùng nổ đô thị và dân số cùng những yếu kém trong quản lý đã biến những vết lọ lem xưa của Hà Nội thành vô vàn vết sẹo hằn sâu khó tẩy. Thử cùng điểm lại 7 “vết sẹo” chính trên cơ thể đô thị Hà Nội:
Cấu trúc tổng thể đô thị đang rạn vỡ
Cách đây 20 năm, dân đô thị của Hà Nội xấp xỉ 2 triệu, chưa xuất hiện cái gọi là “khu đô thị mới”, hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen khắp nơi, trung tâm thành phố lác đác vài nhà cao tầng, cấu trúc khu phố Cổ, khu phố Pháp chưa bị phá vỡ quá mức, dịch kiến trúc nhại cổ thực dân mới manh nha thời kỳ đầu… Năm 2008, Thăng Long sắp 1000 tuổi, dân số đã tăng gấp 3, ôtô xe máy ngập phố, hệ thống hạ tầng trở nên quá tải. Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi. Hệ quả là hệ thống hạ tầng chung của đô thị lãnh đủ. Nhìn cảnh phố xá tắc nghẽn và ngập úng sau mỗi trận mưa cỡ trung bình tất rõ.
Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông của Hà Nội hiện nay rõ rang thiếu đồng bộ, thường trật khớp. Nguyên nhân từ lối “tư duy nhiệm kỳ”, manh mún, “chỉ biết mình, được việc mình”, đồng hành với vấn nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng từ lâu một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường đã khiến chúng ta không thể xây dựng được công nghệ quy hoạch đúng tầm. Hệ quả là người dân không những không được hưởng lợi từ cấu trúc đô thị mạch lạc, khoa học, mà họ lại phải sống, tồn tại trong mạng cấu trúc đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Liên tiếp phát sinh những bực bội, stress, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế - văn hoá của thủ đô.
Các tuyến phố nhà ống tràn lan
Là hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, những ngôi nhà bề ngang 3-4m, dài mươi mười lăm mét, cấu trúc bao diêm dựng đứng, với hình thức Pháp rởm, dễ dàng thấy ở mọi nơi, mọi lúc không riêng Hà Nội.
Cái gọi là “khu đô thị mới” mọc lên như nấm
Với mục tiêu trên hết là làm sao mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất “càng nhiều càng ít”, giảm thiểu tối đa không gian công cộng, cây xanh, mặt nước và bê tông hoá mặt phố bằng chung cư cao tầng. Đó là “triết lí phát triển” chung của tất cả những cái gọi là “khu đô thị mới” này. Toàn bộ hình thức kiến trúc của khu vực hoặc giả cổ (như Ciputra, The Manor…) hoặc nặng nề, đơn điệu theo kiểu Xô viết (như Trung Hoà Nhân Chính, Định Công, Đại Kim).
Sự hỗn tạp trong khu phố Cổ, phố Pháp và Thành Hà Nội
Trong những khu vực này mọc lên nhan nhản những kiến trúc giả cổ. Tâm điểm bùng phát virus kiến trúc nhại thực dân là khu vực các cơ quan công quyền. Chưa có một kịch bản quy hoạch sáng sủa cho hệ thống các công trình cao tầng trong khu cổ. Chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc khu vực này quá yếu ớt, thiếu kiên quyết và hiệu quả, khiến những đặc sản kiến trúc của Hà Nội đang ngày một nhạt nhòa.
Hệ thống mặt nước bị thu hẹp
Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi.
Hà Nội vốn tự hào về hệ thống hồ ao và sông ngòi trong lòng đô thị. Trái tim Thủ Đô là hồ Gươm, hồ Tây giữ vai trò lá phổi lớn, sông Hồng uốn khúc đầy tiềm năng. Song, trên thực tế, vô số hồ ao đã bị các dự án vụ lợi tấn công, dân cư tha hồ “nhảy dù” ra mặt nước trước sự thỏa hiệp, buông xuôi của các cấp quản lý. Cảnh quan xung quanh hồ hết sức lộn xộn, nhà cửa khập khiễng, vô lối. Hiệu quả thoát nước tự nhiên, điều hòa vi khí hậu của hệ thống hồ ao bị hạn chế đáng kể. Vai trò độc đáo của yếu tố mặt nước trong cảnh quan chung của đô thị không được phát huy.
Thiếu vắng không gian công cộng
Hầu hết quảng trường ở Hà Nội chỉ là nút giao thông, không có chỗ cho con người lưu lại vui đùa, đối thoại. Tuyệt nhiên không có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Tranh cãi mấy chục năm nay về việc biến Tràng Tiền thành phố đi bộ đến giờ vẫn chỉ là tranh cãi suông. Hệ thống công viên, cây xanh ngày càng bị thu hẹp, chưa kể nguy cơ bị các dự án đầu tư nuốt chửng. Ta tự hào Hà Nội là thành phố xanh, nhưng chỉ cần nhìn sang công viên trung tâm bạt ngàn giữa Manhattan (New York, Mỹ) hay cánh rừng lớn trong lòng Moscow (Nga) thì mới thấy khoảng xanh của Hà Nội còn khiêm tốn lắm.
Sự biến mất của các làng trong đô thị
Những làng truyền thống như Ngọc Hà, Kim Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân…, cũng không thoát khỏi sự tấn công của dịch chia lô, giả cổ. Cấu trúc và thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng. Còn đâu những ốc đảo xanh, những lễ hội nghề tưng bừng, những không gian của Alibaba… Tất cả đều bị sức ép kinh tế thị trường cuốn phăng.
"Lộ trình thoát ra khủng hoảng"
Điểm qua bảy vết sẹo lớn để thấy Thăng Long - Hà Nội còn rất nhiều bề bộn. Kỷ niệm 1000 năm tuổi không chỉ là những lễ hội, những cuộc mít tinh, những dự án vội vàng mà cái cần hơn, thiết thực hơn là từ nhận thức về thực trạng trầm kha của quy hoạch kiến trúc, chúng ta chủ động kiến tạo một lộ trình thoát ra khủng hoảng. Chỉ khi dám đối diện với những sự thật ấy, Thăng Long mới có cơ may dần trở thành... nàng công chúa xinh đẹp. Để làm được điều đó, đòi hỏi trước nhất là một giải pháp đồng bộ, đa ngành nhằm chấn chỉnh toàn diện cấu trúc tổng thể đô thị. Muốn vậy, cần nghiên cứu đổi mới công nghệ quy hoạch vốn lạc hậu và xơ cứng lâu nay. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chúng ta đã có một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường tạo tiền đề cho một công nghệ quy hoạch thích hợp; một phương pháp luận cải tạo, mở rộng và phát triển đô thị; một bản kế hoạch hành động thiết thực dựa trên những luận cứ xác đáng? Trách nhiệm trả lời những vấn đề này thuộc về Bộ Xây Dựng và UBND thành phố Hà Nội, đúng hơn, phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thu hút và mạnh dạn tạo cơ chế cho đội ngũ chuyên gia đầu đàn, đa ngành của lãnh đạo Bộ và thành phố.
Song song với tiến trình lập kế hoạch, nhất thiết phải củng cố, tăng cường năng lực quản lý đô thị. Để bộ mặt đô thị nhếch nhác, nhiều nơi hỗn độn có nguyên nhân không nhỏ từ những yếu kém, tham nhũng trong quản lý đô thị và đầu tư xây dựng. Đã đến lúc cần biện pháp mạnh, không khoan nhượng tránh nguy cơ căn bệnh hỗn loạn trong kiến trúc quy hoạch di căn.
Một điểm nữa là giới chuyên môn, những người trực tiếp làm ra sản phẩm kiến trúc quy hoạch vẫn chưa được Nhà nước chính thức công nhận quyền sáng tạo và chịu trách nhiệm tối cao trước xã hội. Hội KTS đã soạn thảo Pháp lệnh hành nghề KTS công phu từ nhiều năm, đã làm việc với Bộ Xây Dựng và có kiến nghị áp dụng thí điểm tại TP HCM song đến nay vẫn dừng trên giấy. Thiếu quyền hành nghề, quá trình sáng tạo của KTS luôn bị can thiệp thô bạo bởi chủ đầu tư đến cả những người quá ít kiến thức về kiến trúc, quy hoạch.
Qua những đồ án kiến trúc quy hoạch của kiến trúc sư trẻ cùng một số dự án do nước ngoài thực hiện, có thế thấy nạn dịch kiến trúc nhại cổ, nhại thực dân và nhà ống rồi tất yếu bị đẩy lùi. Vấn đề là khi nào, bởi lẽ những nhân tố tích cực nói trên vẫn chỉ như những đốm sáng hiếm trong bức tranh tổng thể.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Xây Dựng và Ủy Ban NDTPHN có là những hoàng tử đúng tầm? Cô Lọ Lem Hà Nội có thành công chúa xinh đẹp hay không? Cả nước đang trông đợi và hy vọng vào các vị.
Thức nhận lại những điều hiển nhiên

(Tia Sáng:http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=70&CategoryID=11&News=2385)

Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào về một vấn đề đang được nhiều chuyên gia trong giới kiến trúc hết sức quan tâm: đó là thực trạng kiến trúc quy hoạch bất cập của Thủ đô; cuộc cạnh tranh giữa KTS Việt và quốc tế cùng suy nghĩ của anh về “kiến trúc du kích”…

Phóng viên (PV): Xin anh cho biết đặc điểm của kiến trúc Hà Nội (KTHN) hiện tại?
Kiến trúc sư (KTS): Rất riêng.

Riêng?
Đúng, có thủ đô nào trên thế giới nhiều hồ ao, nhiều nhà ống chia lô, nhiều các kiểu loại kiến trúc như “Pháp rởm”, củ hành củ tỏi điện Kremlin, mái cong kiểu Tàu, kiểu Hồi giáo, bê tông đá rửa XHCN, rồi kiểu Ciputra… cùng tồn tại như ở HN?

Vâng, giống lẩu thập cẩm. Sao chính quyền không bỏ nhà lô đi xây chung cư như bên Tàu, bên Tây, giải phóng đất đai cho cây xanh, công viên, mặt nước?
Chịu, cách làm riêng của VN mà.

Dân mình đa số mê kiến trúc Pháp, như bị nhiễm virus ấy (cười). Các anh không có vắc xin ư?
Đang nghiên cứu chế tạo. Không chỉ người dân mà hầu hết trụ sở, cơ quan công quyền trung ương và địa phương cũng lây dịch kiến trúc Pháp rởm. Quan trí và dân trí trong kiến trúc giống hệt nhau.

Hóa ra bản sắc mấy chục năm qua của KTHN chính là kiến trúc Pháp rởm và nhà chia lô?
Đấy là anh nói nhé.

Thôi vậy, hỏi anh chuyện khác. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Singapore… đường phố không bao giờ úng ngập, ngược hẳn với Hà Nội, tại sao?
Anh phải hỏi Sở Giao thông Công chính.

Chính quyền thành phố đã đầu tư hàng tỉ tỉ đồng cho hệ thống thoát nước?
Đúng, và Sở Giao thông Công chính đã rất cố gắng…

Thế chẳng nhẽ do thế đất Hà Nội quá trũng hay vua Lý Công Uẩn ngày xưa chọn sai vị trí Thủ đô?
Anh phạm húy rồi.

Gần đây Trung Quốc xây sân vận đông (SVĐ) Tổ chim, nhà thi đấu dưới nước, sân bay Bắc Kinh, nhà hát Opera…Việt Nam có SVĐ Mỹ Đình, nhà ga Nội Bài, Trung tâm hội nghị Quốc gia…Anh thấy sao?
Thì như bóng đá Việt Nam so với bóng đá Châu Âu thôi. Vả lại, Hà Nội nếu có công trình cỡ SVĐ Tổ chim hay nhà hát Bắc Kinh cũng phí quá, sẽ rất lạc lõng.

Được biết, Chính phủ Trung Quốc không chọn KTS người Trung Quốc thiết kế, họ thuê toàn KTS “number one” của thế giới. Sao Việt Nam không làm như vậy?
Vì thiết kế phí của KTS hàng sao cao khủng khiếp. Việt Nam chọn giải pháp tiết kiệm. Ví như nhà thầu thiết kế và xây dựng SVĐ Mỹ Đình đều đến từ Trung Quốc, sân bay Nội Bài thì hoàn toàn do ta thiết kế xây dựng. Và cả hai công trình này đều đã rất tiết kiệm chỗ để xe máy, ôtô…(cười)

Nhưng sân bay Nội Bài vừa xây xong đã dột, nứt. Giải pháp tiết kiệm không phải bao giờ cũng tiết kiệm???
Anh có thể hỏi thêm Chính phủ.

Được biết những cuộc đấu thầu, thi thiết kế nhà Quốc hội, trung tâm hội nghị Quốc gia, SVĐ, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quốc gia…, 100% KTS nước ngoài thắng thầu, thế KTS nội các anh không tham dự?
Chúng tôi bị cớm nắng, liên tục knock out trên sân nhà.

Bao giờ các anh đủ sức?
Còn phải chấp nhận dài dài KTS ngoại “đánh con mẫu” và “chốt hạ”.

Nhưng đã có công trình nào được như SVĐ Tổ chim hay tháp truyền hình của Trung Quốc đâu?
Tất nhiên, vì đến thời điểm này chỉ toàn KTS thế giới hạng “number two” vào Việt Nam.

Ra thế, KTS các anh không làm được gì à? Thời chiến, khó khăn thiếu thốn muôn vàn, chúng ta vẫn thắng Pháp, Mỹ. Cạnh tranh với KTS ngoại khó hơn sao?
Đúng là đấu trực diện KTS Việt tạm thời thua, buộc nhường thế chủ động cho KTS ngoại. KTS trẻ thì chuyển sang làm những công trình nhỏ, tranh thủ xây dựng lực lượng.

Anh nói rõ hơn đi.
Để VN làm được công trình như SVĐ Tổ chim hay tháp truyền hình CCTV cũng gian nan như bóng đá VN vượt qua vòng loại World Cup. Và để hình thái đô thị Hà Nội trở nên mạch lạc, khoa học đồng thời vẫn lãng mạn tầm cỡ Paris, Rome, Bắc Kinh, Thượng Hải…khó khăn càng gấp bội. Khó như cơ hội thắng Đức, Braxin của đội tuyển VN. Chúng ta cần chuẩn bị nhiều thế hệ KTS tiếp nối, sang Mỹ, Anh, Nhật học công nghệ quy hoạch hiện đại, học kiến trúc hi-tech, kiến trúc tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Học xong vào làm 5 đến 7 năm tại các văn phòng kiến trúc của Norman Foster, Renzo Piano, Calatrava… Phải chữa trị căn bệnh cố hữu, muôn thuở của người Việt nói chung và KTS nói riêng là tư duy kĩ thuật kém. KTS trẻ phải học, làm chủ bằng được kiến trúc kĩ thuật cao và công nghệ quy hoạch hiện đại ngay tại chính nước có nền kiến trúc quy hoạch phát triển. Thế hệ tôi đã quá đát cho những mục tiêu này.

Anh định về hưu?
Chưa, từ vài năm nay tôi tập trung vào “kiến trúc du kích”.

“Kiến trúc du kích”?
Kiến trúc không chỉ là những công trình đồ sộ. Còn mảng nhà ở xã hội, những không gian công cộng, kiến trúc nông thôn…Những kiến trúc này không đòi hỏi kĩ thuật quá cao siêu, then chốt là hiện đại hóa những tri thức văn hóa bản địa, là sự nhạy cảm nhân văn.

Cụ thể anh sẽ làm gì?
Thức nhận lại những điều hiển nhiên.

Khó hiểu quá?
Như nói đến kiến trúc bằng đất, đá, tre, lá, người ta lập tức nghĩ nó là tạm bợ, không sang trọng. Nhưng các resort 5 sao vẫn sử dụng đất, tre, nứa, lá đấy thôi. Chúng rất gần gũi, thích ứng với tự nhiên và tiết kiệm năng lượng. Nghĩ đến đình làng, ta hình dung ra một kiến trúc nặng với mái to, xòe rộng. Ông cha ta làm vậy để chống mưa, gió bão. Song có thể mái đình sẽ khác nếu người xưa năng lực kĩ thuật cao hơn, có thể lắm chứ? Hay đề cập đến cấu trúc nhà 5 gian vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, ta luôn biết đó là kiến trúc mở, song ít ai nghĩ cái đóng quy định cái mở và ngược lại, đồng thời tính mở - đóng hoàn toàn có thể phát huy trong không gian đa chiều của kiến trúc hiện đại chứ không chỉ bó hẹp ở không gian hai chiều của kiến trúc xưa.

Tức là thức nhận lại truyền thống?
Chính xác, chúng tôi cần một truyền thống mới thuyết phục hơn. Thậm chí nhiều điểm có thể ngược với truyền thống cũ.

Xin cảm ơn anh và chúc truyền thống mới nở hoa!

No comments:

Post a Comment