Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(19):

* Xây nhà không cần... đất: Với ý tưởng xây nhà phía trên các con đường, KTS Trần Đình Bá (Hội Kiến trúc sư Bà Rịa Vũng Tàu) khiến người dự semina khoa học do Viện Vật Lý TP.HCM tổ chức ngày 20/06 vô cùng ngạc nhiên.

Ý tưởng xây "nhà không cần đất" hay còn gọi là nhà trên đường của KTS Trần Đình Bá đã đoạt giải nhì tại cuộc thi "Kiến trúc nhiệt đới với vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả" do Đại học Kiến trúc Hà Nội và Hội KTS Việt Nam tổ chức. Theo KTS Trần Đình Bá, xây dựng "nhà trên đường" có thể giải quyết được bài toán khan hiếm đất xây dựng. Bằng cách tận dụng không gian phía trên của các con đường, có thể tiết kiệm diện tích đất đai, giảm thiểu tác động gây "hiệu ứng nhà kính" mà vẫn không cản trở xe cộ lưu thông. Ông Bá cho biết, "nhà trên đường" là tổ hợp của nhiều loại nhà với nhiều công năng khác nhau như: chung cư, bệnh viện, văn phòng, khách sạn, siêu thị. Các nhà máy công nghiệp nhẹ, lắp ráp điện tử cũng có thể xây dựng ngay phía trên của những con đường. Có thể kết hợp các hình thức tiết kiệm điện bằng cách lắp các cánh quạt gió, tấm pin mặt trời hay thậm chí có thể trồng cây xanh ngay trên nóc nhà..., góp phần bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Do các loại "nhà trên đường" nói trên có đặc thù kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông, nên không cần phải làm thêm đường mới. Loại nhà này vừa có chức năng làm nhà ở, vừa là cầu vượt giúp người đi bộ qua đường an toàn; ách tắc và tai nạn giao thông nhờ vậy được giảm thiểu. Để xây "nhà trên đường", vật tư và nhân công sẽ không tốn kém như xây các loại nhà nhà chọc trời, nhà trong lòng đất, nhà lấn biển. Có hai giải pháp thi công kiểu" nhà trên đường" là: lắp ghép đặt vòm an toàn và giải pháp làm đường tránh; tuy nhiên, KTS Trần Đình Bá cho rằng nên chọn giải pháp thi công lắp ghép, vừa tiết kiệm được thời gian, lại không làm gián đoạn hoạt động mọi giao thông. Với những lợi thế của kiểu nhà nói trên, KTS Trần Đình Bá khẳng định ý tưởng của ông không phải là siêu tưởng mà đây có thể sẽ là giải pháp cho toàn cầu chứ không chỉ cho Việt Nam trong tương lai. Tại buổi seminar khoa học nói trên, hầu hết những người tham dự đều có có chung một nhận xét là ý tưởng xây dựng "nhà không cần đất" hay còn gọi là "nhà trên đường" của KTS Trần Đình Bá rất độc đáo và vô cùng sáng tạo nhưng giải pháp để tiến hành xây dựng thì còn phải ...xem lại. Góp ý với KTS Bá, GS.TS Nguyễn Hồng Đào, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương cho rằng, mặc dù ý tưởng có hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng cần phải xem xét đến vấn đề chống ồn, thiết kết sao cho hài hoà và điều quan trọng phải giải quyết được không gian kiến trúc một cách hợp lý. Và để áp dụng được, nên được các nhà chuyên môn thẩm định và đánh giá chính xác. Cùng chung quan điểm với GS.TS Nguyễn Hồng Đào, PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, Viện Vật lý hạt nhân tại TP.HCM một lần nữa khẳng định sự sáng tạo, độc đáo đối với ý tưởng của KTS Trần Đình Bá. Tuy nhiên, ông Giao cũng cho rằng từ ý tưởng đến thực tế là cả một vấn đề lớn, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

*Vay 80 triệu USD xây dựng toà nhà cao nhất Việt Nam:(VietNamNet) - Ba ngân hàng lớn của Việt Nam là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (Incombank) đã đạt được thoả thuận cho Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) vay 80 triệu USD xây dựng Trung tâm văn phòng - Thương mại và Dịch vụ tài chính (The Financial Tower) tại TP Hồ Chí Minh.Trong đó, BIDV đã đứng ra là ngân hàng đầu mối cùng với Vietcombank và Incombank thu xếp cho vay dự án. Trong tổng giá trị 80 triệu USD các ngân hàng cho vay, BIDV cho vay 32 triệu USD chiếm 40%, Vietcombank cho vay 28 triệu USD (35%), Incombank cho vay 20 triệu USD (25%). Số vốn vay 80 triệu USD chiếm chiếm 64% tổng mức đầu tư trong tổng mức đầu tư 124,9 triệu USD của The Financial Tower do Bitexco làm chủ đầu tư.
The Financial Tower khởi công xây dựng vào tháng 7/2006 và dự kiến hoàn thành quý II/2009. Đây là dự án văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại và các dịch vụ cao cấp theo tiêu chuẩn A quốc tế phục vụ khách hàng là các doanh nghiệp trong và ngoài nước.The Financial Tower được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.678,9m2 tại phường Bến Nghé, (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Đây là toà nhà khi hoàn thành sẽ cao nhất tại Việt Nam được thiết kế hình bông sen với kết cấu gồm 6 tầng hầm, 72 tầng cao (trong đó có 68 tầng sử dụng để kinh doanh và 4 tầng kỹ thuật) với tổng chiều cao công trình là 290m2.Tòa nhà có tổng diện tích sàn gần 100.000 m². Tổng vốn đầu tư ước tính 120 triệu USD do một công ty Việt Nam là Bitexco (đây cũng là công ty đầu tư hai dự án Trang viên (The Manor) ở Hà Noi và Tp. Hồ Chí Minh) đầu tư. Theo thiết kế, chiều cao từ mặt đất đến đỉnh là 300 m, cao thứ nhì trong các tòa nhà đang được tiến hành xây dựng ở Việt Nam hiện nay, xếp sau tòa Hanoi Landmark Tower đang được xây ở Hà Nội với chiều cao 70 tầng và cao 336 m, tổng diện tích sàn 579.000m2, xếp thứ 5 thế giới về tổng diện tích sàn của một tòa nhà đơn lẻ, cao thứ 17 thế giới nếu tính theo thời điểm 2007(?).
Tòa nhà the Financial Tower cao 74 tầng, có 7 tầng ngầm sâu 30 m và 1 tầng trệt, 68 tầng lầu được thiết kế bằng dầm thép và kính. Trên sân thượng tòa nhà có sân đáp trực thăng. Tòa nhà được thiết kế hình búp sen hoặc như một cánh hoa sen, biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Tòa nhà được xem là biểu tượng năng động của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Phần lớn diện tích của tòa nhà sẽ được các doanh nghiệp tài chính hàng đầu trong nước và thế giới thuê làm văn phòng. Đây cũng sẽ là trung tâm thương mại, giải trí lớn.Việc xây dựng tòa nhà đã được chủ đầu tư và Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND Tp. HCM chủ tọa làm lễ khởi công tháng 9 năm 2005.Với việc tăng trưởng kinh tế nhanh và giai đoạn hội nhập WTO, nhu cầu mở văn phòng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng cao. Việc xây dựng tòa nhà sẽ góp phần làm giảm cơn sốt văn phòng cho thuê. Giá cho thuê văn phòng hạng A tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại vào khoảng 50-60 USD/m²/tháng, tương đương giá thuê tại Singapore, cao hơn tại Kuala Lumpur và tại Bangkok. Hiện tại, kỷ lục về chiều cao của cao ốc đang hiện diện tại Việt Nam đang thuộc về tòa nhà Saigon Trade Centre tại ngã 3 đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Du (cao 33 tầng). Một số nhà cao tầng khác đang xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể kể đến như: Saigon Pearl (gồm 8 block nhà cao 40 tầng) tại quận Bình Thạnh, Cao ốc Times Square (cao 42 tầng) tại đường Nguyễn Huệ. Dự án đang triển khai gồm có: Tòa nhà tại thương xá Tax cao 40 tầng, tòa nhà tại công viên 29/3 cao 54 tầng, Dự án khu phức hợp Saigon Square... Trong tương lai, khi hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn, được xây dựng xong, phần lớn các tòa nhà cao tầng sẽ tập trung tại trung tâm mới này của Tp. HCM.

* Khởi công tòa nhà 70 tầng cao nhất Việt Nam: Sáng 25/8/2007 tại Hà Nội, tòa nhà 70 tầng cao nhất Việt Nam và cao thứ 17 thế giới đã chính thức được khởi công tại E6 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy.Dự kiến hoàn thành vào năm 2010, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam với quy mô 578.957 m2 tổng diện tích xây dựng, một cao ốc 70 tầng và hai cao ốc chung cư 47 tầng với khách sạn 910 căn hộ cao cấp và 36 tầng làm văn phòng.
Keangnam Hanoi Landmark Tower còn được xếp thứ 17 trong những tòa nhà cao tầng nhất thế giới theo tiêu chuẩn tòa nhà hoàn công tháng 7/2007. Tính đến thời điểm hiện tại, tòa nhà cao nhất Việt Nam là tòa tháp chung cư Vinaconex 34 tầng.Tọa lạc tại Khu đô thị mới của Hà Nội, gần các cơ quan hành chính và cách sân bay Nội Bài 22,5 km, Keangnam Hanoi Landmark Tower nằm ở địa điểm hết sức thuận lợi, ngay ngã tư có 8 tuyến đường qua lại. Ông Sung Woan Jong - Chủ tịch tập đoàn Keangnam cho biết: "Hà Nội vẫn có nhu cầu cao về chung cư cao cấp. Khi sức đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp đa quốc gia càng tăng thì nhu cầu về khách sạn, văn phòng cũng càng cao, mang đến một tương lai sáng sủa cho việc kinh doanh lĩnh vực này". Giành thắng lợi trong cuộc đua với 5 nhà đầu tư khác, Tập đoàn Hàn quốc Keangnam cuối cùng đã được Hội đồng đánh giá các nhà đầu tư của UBND TP. Hà Nội lựa chọn với cam kết sẽ đầu tư toàn bộ bằng vốn của mình và vốn vay, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.

*Chủ tòa nhà cao nhất VN cược 100 tỷ đồng cho tiến độ thi công
Chủ đầu tư dự án Keangnam (Hà Nội) vừa thông báo đồng ý ký vào cam kết hoàn thành các tòa tháp vào đúng tháng 10/2010, nếu không sẽ nộp phạt 100 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một chủ đầu tư dự án "cá cược" về tiến độ công trình.Trong thông cáo gửi VnExpress.net và các báo hôm 14/11, Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina, chủ đầu tư tổ hợp chung cư cao tầng, khách sạn, dịch vụ tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), cam kết hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng kịp thời gian kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
"Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu không đúng cam kết", văn bản do Chủ tịch Keangnam - Vina Ha Jong Suk ký, khẳng định. Chủ đầu tư cũng cho hay, trong trường hợp bị phạt vì không đúng tiến độ, toàn bộ số tiền sẽ được dùng cho mục đích từ thiện.
Chủ đầu tư Keangnam, vốn rất ít khi xuất hiện trước báo giới, bất ngờ công khai vụ cược tiền cho tiến độ thi công sau khi có thông tin về việc dự án này đăng ký lượng vốn rất lớn, nhưng thực tế chi ra khoản tiền nhỏ hơn hẳn để đầu tư, và làm ăn không minh bạch. Trước đó, báo Cựu chiến binh Việt Nam ra ngày 30/10 có bài viết về dự án Keangnam và có đoạn: "Bằng hình thức bán nhà trên giấy, tập đoàn Keangnam Enterprises đã thu được một số lượng vốn rất lớn ở trong nước ta, mà xét đến cùng là họ mới bỏ ra chừng 20 triệu USD để đầu tư thuê đất, lệ phí xây dựng". Cũng theo bài báo, công trình không thể hoàn thành kịp phục vụ lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Một số cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng cũng đã gửi thư ngỏ đến Chủ tịch Keangnam - Vina Ha Jong Suk và đưa ra ý tưởng ký cam kết thực hiện công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower, và sau đó được đăng trên báo Cựu chiến binh Việt Nam. Các tác giả bức thư viết: “Nếu các ông thực hiện đúng như cam kết là hoàn thành công trình đúng lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội thì chúng tôi sẽ tặng cho các ông 100 tỷ đồng”.
Trong thông cáo gửi báo chí, Keangnam cũng đề xuất, tập đoàn này và nhóm tác giả bức thư ngỏ sẽ ký cam kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, báo giới và các ngành liên quan vào ngày 18/11 tới đây. Cùng với đó, mỗi bên đặt cọc khoản tiền hoặc tài sản tương đương 100 tỷ đồng vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước Hà Nội để đảm bảo thực hiện cam kết.
Phía Keangnam cho hay sẽ đặt cọc bằng 11 căn hộ tầng 6 tòa tháp 48 tầng và một căn hộ penthouse có tổng giá trị tương đương 100 tỷ đồng. Nếu tập đoàn này không hoàn thành công trình đúng như cam kết, Kho bạc Nhà nước Hà Nội sẽ bán số căn hộ. Trong trường hợp số tiền bán căn hộ không đủ 100 tỷ đồng, Keangnam sẽ bù thêm tiền.
Dự án Hanoi Landmark Tower của tập đoàn Keangnam khởi công vào tháng 8/2007, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, lớn nhất Hà Nội tại thời điểm đó. Tổ hợp này gồm căn hộ cao cấp, khách sạn, khu dịch vụ và văn phòng với 2 tòa tháp 48 tầng (gồm 918 căn hộ) và một tháp 70 tầng. Theo chủ đầu tư, Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới. Đây từng là dự án trọng điểm tại thành phố và là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cuối tháng 10 vừa qua, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét nội dung phản ánh về việc căn hộ chưa xuất hiện, nhưng chủ đầu tư Keangnam đã bán 40% số căn hộ của 2 tòa tháp 48 tầng. Phó thủ tướng đã yêu cầu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình kiểm tra và báo cáo lên Thủ tướng.
Thực tế, ngay sau khi chủ đầu tư Keangnam mở cửa khu nhà mẫu và thông báo bán căn hộ vào tháng 8 vừa qua, đã có nhiều thông tin về việc dự án này bán nhà trên giấy. Công ty được chỉ định làm đại diện bán căn hộ cho Keangnam cho hay, trong vòng 10 ngày, chủ đầu tư đã bán hết 400 căn, gấp 2 lần con số dự tính bán ra ban đầu. Đợt bán căn hộ thứ hai bắt đầu từ tháng 10 vừa qua, song số lượng nhà bán được rất hạn chế.

Chính phủ yêu cầu kiểm tra mua bán căn hộ dự án lớn nhất Hà Nội
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vừa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét nội dung phản ánh về việc xây dựng và bán căn hộ tại dự án tổ hợp văn phòng, căn hộ Keangnam trị giá 1 tỷ USD của Hà Nội.
Trước đó, dư luận phản ánh, chưa thấy bóng dáng của tòa nhà khách sạn thương mại thuộc tổ hợp Hanoi Landmark Tower, nhưng chủ đầu tư đã bán khoảng 40% số căn hộ của 2 tòa nhà 48 tầng. Thậm chí trên một số trang rao vặt còn đăng tải các thông tin rao bán vị trí các căn hộ từ tầng 20 đến tầng 40 với giá gốc từ 2.500 đôla đến 3.000 đôla mỗi m2, chưa bao gồm tiền chênh lệch.
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội - Phí Thái Bình khẩn trương kiểm tra, xem xét nội dung phản ánh và báo cáo lên Thủ tướng.
Dự án của tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) gồm tổ hợp khách sạn - thương mại - văn phòng - căn hộ - công viên tại khu đô thị mới (Cầu Giấy, Hà Nội), được khởi công vào tháng 8/2007.
Theo thiết kế của chủ đầu tư, tổ hợp bao gồm một tòa nhà 70 tầng cao nhất Việt Nam và thứ 17 thế giới, 2 tòa nhà 48 tầng với các căn hộ 5 sao, văn phòng, nhiều dịch vụ giải trí, y tế. Dự kiến, đây sẽ là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

* Cần phát triển mô hình đô thị vệ tinh

Làng nghề Khúc Thủy thuộc huyện Thường Tín (Hà Tây) tương lai sẽ thành Hà Nội mở rộng. Hiện nay trên thế giới có hai cách thức mở rộng địa giới thủ đô phổ biến. Đó là sáp nhập các đơn vị lãnh thổ liền kề vào địa giới thủ đô, hoặc tạo điều kiện để phát triển các đô thị vệ tinh xoay quanh thủ đô.

Ngoài ra một số quốc gia xây dựng thủ đô mới để tránh tập trung quá nhiều quyền lực (về kinh tế, chính trị) trong một thành phố duy nhất và khuyến khích sự dàn trải dân cư hợp lý hơn trên lãnh thổ quốc gia.
Cách thức mở rộng thủ đô theo chiều rộng một cách cơ học là cách làm cũ vốn phổ biến vào cuối thế kỷ 19, thời kỳ bùng nổ cách mạng công nghiệp và người ta chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Mở rộng thủ đô theo cách này đã gây ra không ít hệ lụy cho tới tận ngày nay. Vì vậy, đề án mở rộng Hà Nội bằng cách sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây nếu được thông qua sẽ đi vào vết xe đổ này.
Mục tiêu của qui hoạch đô thị nói chung và chỉnh trang hay qui hoạch thủ đô nói riêng là tiến tới sự phát triển hài hòa và bền vững, tiến tới xóa bỏ sự chênh lệnh về phát triển ngay trong đô thị đó. Việc mở rộng Hà Nội bằng cách sáp nhập toàn bộ Hà Tây với hi vọng "to sẽ mạnh" là một tư duy cũ, trong khi chính tại Hà Nội có những huyện ngoại thành còn kém phát triển so với mức trung bình của các đô thị ở địa phương khác (như Sóc Sơn, Đông Anh).
Xu thế hiện nay trên thế giới các quốc gia thường xây dựng các thành phố mới nhằm giảm tải cho thủ đô đông đúc, qui hoạch kém. Ví dụ ngay từ những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Anh đã cho xây dựng các new town (thuật ngữ new town xuất hiện ở Anh để chỉ mô thức phát triển đô thị vệ tinh ở Anh từ sau Thế chiến thứ hai) gồm Crawley và Milton Keynes ở ngoại vi London. Tại Pháp, để giảm gánh nặng tập trung cho thủ đô Paris, người ta cho xây dựng thêm năm đô thị vệ tinh ở vùng phụ cận. Trong đó, Marne -la-Vallé trở thành trung tâm mới của thủ đô Paris và vùng lân cận về kinh tế, thương mại và khoa học kỹ nghệ.
Hà Nội từ khá lâu đã có dự án xây dựng một khu đô thị về giáo dục và công nghệ tại Hòa Lạc, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tôi cho rằng thực hiện dự án này là cách làm đúng với xu thế chung của qui hoạch đô thị hiện đại. Cụ thể dự án này không những tạo nên một thành phố mới hiện đại, tiện nghi, góp phần giảm bớt sự chênh lệch về phát triển giữa Hà Nội và một vùng rộng lớn thuộc Hà Tây cách không xa Hà Nội, mà còn giúp giảm tải cho Hà Nội.
Theo tôi, phát triển mô hình đô thị vệ tinh ở vùng ngoại vi là cách làm phù hợp trong chiến lược xây dựng một thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, thay vì việc sáp nhập một cách cơ học các địa phương lân cận vào địa giới Hà Nội.(Theo TTO)* Trung tâm thành phố vẫn lấn lướt đô thị vệ tinh:Trong khi TP HCM dày công đầu tư phát triển, mở rộng ra các đô thị vệ tinh như Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn... thì luồng đầu tư lại dịch chuyển về phía trung tâm thành phố, đặc biệt là khu chợ Bến Thành, bởi hiệu quả kinh doanh cao hơn, thuận lợi hơn.Trao đổi với VnExpress, kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo, thuộc Trường Đại học dân lập Văn Lang (TP HCM) cho rằng, xu hướng đổ vốn đầu tư vào khu vực trung tâm thành phố đang diễn ra, thông qua nhiều dự án đang được xem xét, chờ cấp phép ở vùng này."Các khu đô thị mới như Thủ Thiêm mặc dù đã có quy hoạch nhưng chưa có chính sách, tiêu chí đầu tư cho các doanh nhân nước ngoài, khiến nhà đầu tư dè dặt. Trong khi đó chuyển hướng làm ăn sang khu trung tâm hiện hữu đã có sẵn hạ tầng sẽ có nhiều thuận lợi hơn", ông Thảo nhận xét.Thực tế, hàng loạt dự án chỉnh trang trung tâm thành phố, xây dựng nhà cao tầng, trung tâm thương mại mới như tòa nhà 54 tầng ở Công viên 23/9, đã được khởi công hoặc đang trong giai đoạn trưng cầu ý dân và các chuyên gia về kiến trúc. Nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các tập đoàn lớn của Mỹ, Anh, Singapore... đến TP HCM cũng chỉ nhắm đến các dự án thuộc khu trung tâm như xây dựng nhà ga metro, quy hoạch bờ sông Sài Gòn...
Mới đây, Công ty Kumho Asiana Plaza Sài Gòn của Hàn Quốc đã được Bộ Kế hoạch đầu tư cấp giấy phép đầu tư dự án cao ốc thương mại, văn phòng và căn hộ tại số 39 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Đây là một vị trí đẹp bậc nhất thành phố hiện nay, ở ngay trung tâm với giá trị khoảng 40-50 cây vàng/m2. Dự án cũng là sự trở lại VN của nhà đầu tư này sau 10 năm gián đoạn vì khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997
Giám đốc một công ty đang nhắm nhe dự án trung tâm thương mại ở ngay "cái rốn" của thành phố nói rằng, ông thà chen chân vào chợ Bến Thành để xây nhà hơn là ra ngoại thành mở dự án, mặc dù trong nội thành tiền đổ cho đền bù giải tỏa rất lớn. "Nhưng đổi lại, hiệu quả kinh tế cao, kinh doanh thuận lợi", vị giám đốc này nói. Nhiều nhà đầu tư khác cũng cho rằng, ở khu vực trung tâm thành phố chỉ riêng việc kinh doanh cho thuê văn phòng, mặt bằng thương mại không thôi, nếu xây dựng 10-20 tầng thì với nhu cầu thị trường rất lớn khi hội nhập WTO, chỉ một thời gian ngắn hoạt động là có thể thu hồi được vốn đầu tư. Ra vùng ngoại thành đầu tư, ngoài việc phải xây dựng hạ tầng cơ sở, vướng giải tỏa, còn phải nằm chờ 3-5 năm nữa đến khi đô thị phát triển về hướng này.

Thuận địa thế sẽ khó về chính sách đầu tư
Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Nam Bộ Bùi Thế Cường, để tránh sự chênh lệnh khập khiễng trong việc thu hút vốn đầu tư giữa các đô thị mới và khu vực trung tâm thành phố hiện hữu, TP HCM cần ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư rõ ràng cho từng vùng dự án cụ thể. Sự thống nhất giữa chính sách và cách điều hành từ UBND thành phố đến các sở ngành và địa phương cơ sở cũng quan trọng để thu hút nhà đầu tư, tránh kiểu hành xử trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo đề xuất, các dự án ở khu trung tâm thành phố do quá thuận lợi nên phải chấp nhận mức thuế cao, đầu tư ngắn hạn hoặc các chính sách điều tiết khác về tài chính chẳng hạn; còn những dự án đầu tư cho khu đô thị mới đương nhiên sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Còn Phó Viện trưởng nghiên cứu phát triển hạ tầng Nguyễn Đăng Sơn thì khẳng định TP HCM phải phát triển theo hướng xây dựng các khu đô thị mới song song với cải tạo, xây dựng lại khu trung tâm thành phố hiện hữu. Do đó thu hút đầu tư vào khu trung tâm thành phố là tất yếu.
Tuy nhiên, tiêu chí để xác định cái gì cần cải tạo, nét nào của khu trung tâm thành phố xung quanh chợ Bến Thành phải giữ lại, thì chưa có cơ quan nào đưa ra được. Thậm chí, theo ông Cường, chưa cơ quan nào dám nhận "quyền" ra quyết định đập bỏ những kiến trúc được xem là lâu năm của thành phố để xây dựng những tòa nhà mới.

* Thủ đô mới sẽ có 3 thành phố và 2 đô thị vệ tinh: Ngoài vùng đô thị hiện hữu, thủ đô mở rộng sẽ có hai khu đô thị vệ tinh là Đại Nghĩa và Phú Xuyên. Ba trục phát triển đô thị chính bắt nguồn từ Ba Vì, Sóc Sơn và Ứng Hoà đều hướng về trung tâm Thủ đô. Theo báo cáo tóm tắt “Đề án định hướng quy hoạch Thủ đô mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Chính phủ trình Quốc hội, định hướng phát triển không gian Thủ đô mới được thiết kế hướng tâm và ba trục phát triển đô thị chính nhằm đạt 3 mục tiêu cơ bản. Để phục vụ cho mục tiêu thứ nhất là xây dựng Thủ đô mở rộng thành một tổng thể “đa trung tâm” có cấu trúc hoàn chỉnh, hiện đại. Bao gồm đô thị trung tâm chính và các thành phố vệ tinh trong vùng mở rộng, tạo các cực phát triển mới đảm đương các chức năng lớn của yêu cầu phát triển, thì hướng tổ chức không gian một số vùng và các đô thị vệ tinh chủ yếu như sau:Vùng đô thị hiện hữu (nội đô Hà Nội hiện nay) là khu vực vùng đô thị bảo tồn, có tính lịch sử văn hoá truyền thống. Khu vực này sẽ tiếp tục được cải tạo, chỉnh trang và hoàn chỉnh cảnh quan đô thị, xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Cải tạo và giãn dần dân cư tại các khu nhà thấp tầng, chung cư cũ ra khu vực khu đô thị vệ tinh xung quanh theo các chương trình nhà ở xã hội và phát triển các khu đô thị mới.

Vùng phát triển mở rộng có ngưỡng đến vùng thoát lũ sông Đáy (vành đai 4) tạo vùng giãn dân cho trung tâm. Phát triển các khu đô thị xen kẽ với không gian mở-kết hợp công viên, vành đai xanh và trục mở để đưa những khoảng cây - công viên - rừng. Cụ thể, về phía Bắc, vùng mở rộng đô thị sẽ phát triển trung tâm đô thị bắc Sông Hồng về giao dịch, thương mại, tài chính, văn hoá, giải trí gắn vùng cửa ngõ tiếp vận quốc gia Nội Bài với các vệ tinh là đô thị hàng không Nội Bài, Mê Linh, Sóc Sơn và các trung tâm công nghiệp phía Bắc trục Côn Minh - Hạ Long.

Về phía Tây: Vùng đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai liên kết phát triển các trung tâm mới cấp độ quốc gia: Đô thị Hoà Lạc (dự kiến khoảng 85 vạn dân vào năm 2050) phát triển khu hành chính quốc gia và trung tâm nghiên cứu khoa học, khu công nghệ cao, các khu trung tâm văn hoá-giải trí lớn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế và các khu đô thị mới; Đô thị Sơn Tây, đô thị cũ (dự kiến khoảng 60 vạn dân vào năm 2050) phát triển theo hướng tôn tạo các khu vực lịch sử như làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, các làng nghề truyền thống, phát triển khu vực ương trồng cây cảnh phục vụ cho Thủ đô và Vùng, phát triển dịch vụ du lịch; Đô thị mới Xuân Mai (dự kiến khoảng 85 vạn dân vào năm 2050) phát triển theo hướng trở thành một trung tâm đào tạo đại học (gắn kết chặt chẽ với trục Thanh Xuân - Hà Đông - Xuân Mai, tạo chuỗi đô thị đại học), trung tâm thể thao quốc gia, khu vực tập trung đất dành cho quốc phòng, các khu nhà ở công nhân.

Ngoài ra, Thủ đô mở rộng sẽ có hai khu đô thị vệ tinh là Đại Nghĩa và Phú Xuyên với quy mô dự kiến khoảng 30 vạn dân vào năm 2050. Có ba trục phát triển đô thị chính là trục bắt nguồn từ Ba Vì, Sóc Sơn và Ứng Hoà đều hướng về trung tâm Thủ đô. Ngoài ra, để hướng tới mục tiêu quy hoạch phát triển Thủ đô mở rộng như một tổng thể không gian phát triển, hướng tổ chức không gian sẽ gồm có các trung tâm đô thị, các vùng chức năng được phân định dựa trên giới hạn khung tự nhiên; mở rộng các trung tâm du lịch như Ba Vì, Hương Sơn..; có các vành đai chức năng xung quanh đô thị trung tâm như vành đai đô thị liên kết, vành đai xanh, vành đai các khu vực nông nghiệp với mục tiêu hình thành Thủ đô Hà Nội mở rộng theo hướng tổng thể bền vững, phát triển hiệu quả trong sử dụng đất đai theo hướng bảo vệ tài nguyên môi trường và bảo vệ các vành đai nông nghiệp, rau quả phục vụ đô thị. (Theo Giadinh.net)

No comments:

Post a Comment