Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(18):cái hồn của đô thị

Một vài đô thị trên thế giới được quy hoạch dựa trên di sản còn sót lại sau chiến tranh. Người ta vừa phục hồi, trùng tu vừa xây dựng những đô thị mới riêng biệt. Có những đô thị thế hệ thứ nhất với 60.000 dân, đến thế hệ thứ ba quy mô đã lên đến 500.000 dân.
Ở Anh, từ năm 1942, Abeccrombi đã đưa ra ý tưởng ngừng phát triển London cũ, xây dựng vành đai cây xanh lớn quanh London để bảo vệ và xây dựng tám thành phố khác. Những thành phố mới này được đầu tư theo đúng trình tự và luật đô thị mới. Chính quyền là nhân tố chính thúc đẩy đầu tư cùng với sự linh hoạt của các công ty đầu tư địa ốc. London cũ đã trở thành linh hồn của vùng đô thị London.
Có lẽ vùng đô thị (Metropolitan Area) đặc trưng nhất là Paris của Pháp. Bản thân thành phố Paris nằm trong vùng đô thị Paris có diện tích khoảng 105 km2 chiếm 7% diện tích vùng đô thị. Pháp đã thành công khi đưa ra ý tưởng này để tạo lập cân bằng và giữ được quy mô dân số ở nội thành và phát triển thành phố mới theo đúng quy hoạch. Bản trường ca đô thị Paris thời trung cổ, Paris thời cổ điển, Paris thời Haussman thế kỷ XIX và bây giờ là Paris “Kinh đô ánh sáng” – đô thị tiếp nối đô thị cả thời gian và không gian – chính là cái hồn của Paris nổi tiếng.
Ở Mỹ với hai đô thị nổi tiếng: New York và Washington. Với một lượng hàng hóa trị giá 24 triệu USD, người Hà Lan đã mua được hòn đảo Manhattan. Đến nay nó được mệnh danh là trung tâm tài chính kinh tế của thế giới. Chủ nghĩa kim tiền đã ảnh hưởng lớn đến quy hoạch thành phố. Đất đai được chia nhỏ ô cờ với diện tích đường tăng lên 30% tổng số đất. Trên các lô đất còn lại đã mọc lên hàng loạt cao ốc hoành tráng, vĩ đại. Giao thông ngày càng tắt nghẽn nhưng bù lại thành phố vẫn có nét văn hóa đặc thù của đa chủng tộc. Giữa hòn đảo, chính quyền vẫn giữ được một công viên khổng lồ 336 ha và hệ thống không gian giao tiếp từ tòa nhà này đến tòa nhà khác nhiều vô kể, dân chúng và du khách hòa đồng trong dòng chảy của thành phố. Hồn của New York nằm ở chỗ nó là điểm hội tụ của thế giới.
Thủ đô Washington lại hoàn toàn khác: thành phố tuyệt đẹp với những trục đường thẳng kết hợp đường chép đối xứng, nằm bên bờ sông Potomac thơ mộng. Kiến trúc sư người Pháp Pierre L’Enfant, người rất có năng khiếu về mỹ thuật, đã hoạch định thủ đô nước Mỹ tương lai như một công viên rừng khổng lồ với tổ hợp trung tâm là Nhà Trắng và điện Capitol nằm kề bên khu phố cổ Old Downtown tuyệt đẹp. Cái hồn của Washington, nơi đặt cơ quan quyền lực cao nhất nước Mỹ, nhờ thế mà trông như một thi sĩ lãng mạn! …
Nhìn tổng quan một vài đô thị tiêu biểu của thế giới chính là để nhìn lại Việt Nam.
Chúng ta cần quy hoạch đô thị theo hướng nào sao cho phù hợp nhất với những điều kiện của mình.Trước hết đó là không nên vội vã, tự đóng cửa với quá khứ, làm mất bản sắc của chính mình, phá bỏ những thành quả của thế hệ đi trước. Kiến trúc sư Richard Enland từng lưu ý: “Để có thể hiểu về một khu vực cụ thể, chúng ta cần có những hồi ức về nó”. Hiến chương Bắc Kinh (6-1999) cũng khuyến cáo: “Lưu giữ bản sắc địa phương là một đề tài chung trong một tương lai chung”. Đại hội UIA đã cảnh báo nguy cơ bản sắc của từng đô thị đang bị đồng hóa. ở Việt Nam, do vội với vã với trào lưu được gọi là “hiện đại hóa, công nghiệp hóa”, nhiều đô thị đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, các không gian đô thị đang bị quy hoạch theo cảm tính, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ trước. Việt Nam có vô số kiến trúc, cảnh quan, những phố cổ của người Hoa, người Pháp, người Chăm, người Khơme. Những tinh hoa đó, bản thân chúng, đã có cái hồn riêng, chúng ta cần bảo vệ và quy hoạch nó trong tổng thể chung của dân tộc. Sách “Nước Nhật một trăm năm sau Minh Trị” viết: “Khi người Nhật thời Minh Trị phải đối phó với một nền văn minh cường mạnh, khác lạ và ngoại lai, họ sốt sắng tìm hiểu và khi nền văn minh này được chấp nhận, họ khôn khéo làm cho nó thích hợp với xứ sở của họ”.
Thận trọng và nhân bản trong quy hoạch đô thị là để đáp ứng được năm đại mục đích của Hiến chương C.I.A.M: nhà ở, giải trí, việc làm, giao thông và di sản lịch sử.
Huế của Việt Nam đang dần trở thành một đô thị phát triển đúng hướng với cái hồn lộ rõ là đô thị mới và cũ hòa nhập trong một không gian chung tuyệt đẹp và hài hòa. Nhà Nguyễn đã xây dựng nên kinh đô của mình, người Pháp cũng xây dựng trung tâm bảo hộ cách biệt. Huế hiện đang được phát triển dựa trên cảnh quan đó. Và cái hồn của Huế, như chính quyền thành phố đã xác định, là hài hòa với thiên nhiên, hiền hòa và bình dị.
Hội An cũng vậy. Thành phố di sản thế giới này vẫn tiếp tục đi theo con đường riêng và đúng hướng của mình trước cơn lốc đô thị hóa: người dân ở đây vẫn cố gắng giữ gìn đô thị của mình, một đô thị cổ đặc thù hiếm có, sự giao thoa văn hóa của những thế kỷ trước đang trở thành tài sản vô giá không chỉ riêng của Hội An mà còn là của Việt Nam. ý thức của người dân cùng trách nhiệm của chính quyền đã lưu lại cho Việt Nam một hồi ức của lịch sử và cái hồn ấy của Hội An đang thu hút mọi người.
Đà Lạt, trong tâm tưởng của chúng ta, là một thành phố cao nguyên xinh đẹp, một Châu Âu của Việt Nam. Bản sắc của Đà Lạt là những con đường nhỏ với cây thông rợp bóng, lề đường lát đá, một rừng hoa với những ngôi nhà, biệt thự nằm thấp thoáng trên những ngọn đồi, những thung lũng. Thành phố mà vườn và hoa này xa lạ với những đại lộ thênh thang, những nhà phố kiểu Sài Gòn hay cao ốc kiểu Singapore. Cái hồn của Đà Lạt là duy nhất mà không nơi nào ở Việt Nam có được.
Trong lúc đó, cái hồn của Cần Thơ (hay một số tỉnh miền Tây Nam Bộ) lại là cuộc sống trên sông nước. Sông ngòi, kênh rạch là huyết mạch của cuộc sống, một bước xuống thuyền, hai bước lên ghe, đô thị gắn liền với cảng sông cảng biển. Quy hoạch thành phố hướng tới những loại nhà phù hợp trên bộ, dưới nước, khí hậu, địa lý, địa hình tự nhiên là bản sắc riêng nhất của miền Tây Nam Bộ. Tiếc là cho đến nay chưa có đề xuất nào về một đô thị đặc thù bản sắc địa phương.
Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, với Hồ Gươm, Hồ Tây, … đã đi vào lòng dân Việt, hồn của Hà Nội là ở những địa danh trên. Những ai đến Hà Nội rồi sẽ không bao giờ quên những khoảng không gian tuyệt đẹp với những tỷ lệ vàng giữa các kiến trúc, đường xá , cây xanh quanh hồ, lòng mến khách, sự nhộn nhịp của khu phố cổ. Chính quyền và người dân
Hà Nội thật có lý khi ra sức bảo vệ cảnh quan này trước bao cám dỗ của những dự án nhà cao tầng của nước ngoài đòi đặt ở những vị trí đắc địa nhất. Trong khi đó, một vài đô thị của Việt Nam lại đang phình rộng. Bộ mặt đô thị và thẩm mỹ đô thị đang bị biến dạng theo cùng một kiểu. Người ta không thấy đặc thù của từng miền khí hậu, địa hình và sinh hoạt của từng địa phương. Trong một hai thập kỷ gần đây, hội chứng cào bằng, dễ dãi và sự bao cấp của quy hoạch đô thị đã đưa loại hình nhà hộp mỏng, ốm, ép sát vào nhau mọc tràn lan từ phố này sang phố khác. Một chuyên gia Nhật đã mô tả đó là loại “nhà có hình tên lửa” do thị hiếu chóp nhọn. Thật ra, nhà loại này đã có từ 100 năm trước, rõ nhất là ở Hội An nhưng cấu tạo của loại nhà phố đó vẫn có những không gian bên trong (Patio), còn bây giờ nó bị bít kín và cố khoe sắc với đường phố bằng đủ loại kiểu dáng. Cái “tôi” được chăm chút – nhưng cái “chúng ta” thì bỏ ngỏ.
Đi tìm cái hồn cho đô thị còn là biết gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Để 100 năm sau, một du khách thưởng ngoạn chăm chú ghi chép: “Đây là đô thị thời nhà Lê, thời nhà Lý, thời nhà Trần, thời nhà Nguyễn và…” Thật tâm đắc khi cố tổng thống Pháp Francois Mitterrand phát biểu trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris: “Sự hài hòa trong đô thị cũng như trong mọi chuyện không phải tự nhiên mà có, không phải ở đô thị cứ hàng ngày gặp nhau thì sự cô đơn và sự thiếu hiểu biết tự nó mất đi. Quá khứ chỉ để lại trong đô thị di sản của biết lo toan, tôn tạo nó, tương lai cũng không tự nó đến mà ta phải chuần bị cho nó.
KTS. Nguyễn Ngọc Dũng
Bài đăng trên tạp chí KTVN số 05-07

Chân lý từ quê hương qua "Lang thang phố thị," NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ ấn hành, tháng 6-2007
Điều đầu tiên có thể thấy ngay: đây là một cuốn sách được làm ra không phải chỉ để... bán. Có rất nhiều cuốn sách có số phận như vậy ngay từ khi còn là ý tưởng.
Chúng được hình thành trước hết là để thỏa mãn nhu cầu riêng tư của chính tác giả: phục vụ chính mình. Những cuốn sách làm cho “đã tay” như vậy thường được chăm chút rất kỹ. Chúng đẹp là cái chắc. Còn hay? Cái đó lại còn tùy vào nội lực của... tác giả.
Như nhiều kiến trúc sư (KTS) khác, Nguyễn Ngọc Dũng vẽ - đặc biệt là phác họa các công trình kiến trúc - rất đẹp. Kỹ năng đó đã được anh đưa vào Lang thang phố thị, tạo vẻ khác biệt hẳn cho cuốn du ký này so với nhiều tác giả khác, bên cạnh các ảnh chụp cực đẹp. 23 thành phố lớn của châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á... mà anh từng đặt chân đến, đã được nhìn ngắm, mô tả qua lăng kính của một KTS, và là một KTS luôn nặng lòng với bản sắc văn hóa dân tộc, với cái hồn của đô thị, với niềm quan tâm đi tìm một thành phố lý tưởng cho VN. Đọc Lang thang phố thị thú vị như được theo chân tác giả đến các thành phố lớn của thế giới, được nhìn ngắm những cảnh quan tuyệt mỹ, được cung cấp những kiến thức đầy đủ về từng vùng đất: hiểu được điều gì khiến New York trở thành chúa tể của các đô thị, Thâm Quyến sử dụng chiêu gì để giữ chân người nhập cư và bản sắc văn hóa truyền thống, tại sao những thành phố lớn đều lấy dòng sông làm hồn, làm cách nào vừa bảo tồn vừa phát triển được các khu phố cổ... Để rồi sau những chuyến đi lang bạt kỳ hồ ấy (không hề theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà kỹ lưỡng, chi tiết đến từng ngóc ngách), sau bao suy nghiệm đọng lại từ những choáng ngợp, anh lại đưa ta trở về với một chân lý cũ kỹ của thời Quốc văn giáo khoa thư: “Chốn quê hương đẹp hơn cả!”.
Thuyết phục lớn nhất của cuốn sách này (258 trang khổ 25x25cm) cũng chính là chân lý ấy, nhưng dĩ nhiên không phải theo kiểu cái gì của quê hương mình cũng đẹp. Nguyễn Ngọc Dũng đã dành hẳn ba chương cuối (Những đô thị - dòng sông, Thành phố chợ và Đi tìm cái hồn cho đô thị) để viết rất nhiều các thành phố ở VN, về những điều được và chưa được, và có vẻ như cái chưa được - thậm chí là sai lầm, bậy bạ - trong quản lý, qui hoạch xây dựng đang diễn ra quá nhiều, từng ngày từng giờ làm xấu đi bộ mặt của Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Lạt... Đọc và cảm nhận rõ những băn khoăn, ngậm ngùi của tác giả, khi trên từng chặng đường lang thang đây đó trên hành tinh vẫn luôn nghĩ về quê hương, đất nước mình...

Đi tìm “cái duyên đô thị…”
Những con đường khô khốc, nhiều vòng xoay không có lấy một chậu hoa, các con lươn ngăn cách mọc đầy cỏ dại; mặt tiền nhà phố thi nhau “làm xấu” bằng vô vàn bảng hiệu lộn xộn; không ít dạ cầu nhếch nhác hoặc có trang trí nhưng đơn điệu… Văn minh đô thị bị hoen ố bởi những hình ảnh đó. Trang trí đô thị đẹp cũng là một cách xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Vậy phải làm gì?
Trang trí đô thị: Thiếu “cái duyên”Nếu như kiến trúc của đô thị làm người ta ấn tượng hay thán phục, thì trang trí đô thị tạo cho người ta nhớ đến thành phố đó. Trang trí ở TPHCM bị đánh giá là thiếu “cái duyên”. TPHCM đã từng mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” thế nhưng vị thế đó đã bị đánh mất. Sự phát triển của dân cư, xây dựng “vô lối” đã làm nhiều con đường, góc phố biến dạng hoặc mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.
KTS Nguyễn An Lộc, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cho rằng: “Hiện TPHCM có 13 quận nội thành (bao gồm khu trung tâm) nhưng cách trang trí (tượng đài, hồ nước, hoa, cỏ, vật sắp đặt…) chưa được bắt mắt, đơn điệu và “nghèo”. TPHCM cũng thiếu hẳn những quảng trường rộng, đẹp. Khi diễn ra một sự kiện thì người dân tập hợp ra khu trung tâm nên xảy ra quá tải, ách tắc.
Do “văn hóa mặt tiền” nên người ta đua nhau tràn ra, lấn chiếm lề đường dành cho người đi bộ, làm cho cảnh quan đô thị thêm xô bồ.
PGS.TS Xã hội học Nguyễn Minh Hòa nêu ý kiến: Nhìn dưới góc độ xã hội học thì việc trang trí đô thị mang tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao ở TPHCM chưa đạt. Hiện TP xuất hiện rất nhiều khu phố văn hóa, và mỗi con hẻm đều có cổng sắt đề “Khu phố văn hóa” rất thô cứng và nặng tính hành chính, giống cổng chào của cơ quan công quyền.
Trong khi đó, nếu biết cách và chịu khó nghiên cứu có thể không cần tốn nhiều tiền nhưng vẫn đẹp. Ví dụ, với số tiền để làm cổng sắt đó có thể làm một cái cổng xi măng, mái ngói, mô phỏng một cổng làng mềm mại, bên dưới gắn bảng đồng nhỏ đề: “Khu phố văn hóa” là đẹp, hài hòa. Bên cạnh đó, TPHCM bị xem là “thành phố khô”. Đô thị đẹp phải bao phủ nhiều mảng xanh. Người ngoài sẽ đánh giá được chất lượng cuộc sống của cư dân một đô thị qua mảng cây xanh.
Theo Công ty Công viên cây xanh TPHCM, diện tích cây xanh trên đầu người tại TPHCM hiện nay chỉ đạt khoảng 1,7m2/người. Trong khi đó, theo quy định tối thiểu phải đạt 12m2/người. Nhiều con đường không có cây xanh nên rất khô khốc.
Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh thừa nhận rằng do trước đây chưa có điều kiện nên nhiều con đường trồng cây tạp, không đồng nhất nên chưa tạo được ấn tượng. Lợi thế của TPHCM là có nhiều sông, kênh, rạch. Đây là đặc trưng riêng. Biết bao người mơ ước khi nào những con đường đôi bờ kinh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được làm sạch đẹp, nước kinh trong sạch để du ngoạn, hưởng thụ không khí trong lành? TPHCM cũng rất thiếu những cây cầu đẹp. Có lắm cây cầu xây lên thì dạ cầu nhếch nhác, tệ nạn… “Mình không biết điểm tô những dạ cầu.
Trong khi những cây cầu đều bắc qua sông, kênh, rạch vốn đã có cảnh quan đẹp, chỉ cần trang điểm thêm sẽ bớt “khô” và sẽ tạo được những điểm nhấn cho cảnh quan đô thị”, một KTS nói.
Bài học gần: Phú Mỹ Hưng!
Diện mạo đô thị TPHCM, nhất là những quận nội thành không thể đem so sánh với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, bởi nó có tính lịch sử và chiều sâu văn hóa. Tuy nhiên, bài học ở đây là sự quy hoạch - ít ra là sự đồng bộ trong kiến trúc và cảnh quan.
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng có cao ốc, có nhà phố, chung cư, biệt thự nhưng thật hài hòa, thật đẹp. Điều này những khu đô thị mới ở các quận mới tách đã không làm được. Người dân sẵn sàng bỏ tiền cao ngất để đến ở Phú Mỹ Hưng vì họ “mua” được sự an ninh, sạch đẹp và tiện nghi.
TS Đào Trọng Chí, đưa ý kiến: “Một đô thị phát triển, hiện đại đâu nhất thiết phải cứ xây dựng nhiều cao ốc, nhà cao tầng. Điều quan trọng là chất lượng cuộc sống ở đô thị đó như thế nào. Ví dụ như Paris (Pháp). Paris đã từng mắc sai lầm nhưng họ đã sớm nhận ra, là trong thập niên 70, Paris xuất hiện một số tòa nhà cao tầng hình khối đến độ người dân Paris đã thốt lên: “Con quỷ gớm” giữa Paris”.
Tham khảo ý kiến của các chuyên gia xã hội học, văn hóa, quy hoạch đô thị, hầu như họ đều có cùng quan điểm: Phát triển ở khu mới và cũ cần phải có sự đồng bộ và cân đối với nhau. Diện mạo đô thị TPHCM có “rối” nhưng vẫn còn nhiều hướng giải quyết tốt chứ không phải “bế tắc”.
Ví dụ như Q.1, 3, 5… còn lưu dấu nhiều di tích kiến trúc của Sài Gòn xưa; trung tâm thành phố tập trung nhiều công viên (hơn 20 công viên) cũng dễ tạo ra nhiều cảnh quan đẹp, “cái duyên” cho đô thị với điều kiện sự phát triển nhà dân hay công sở xây mới phải tuân thủ và được quản lý nghiêm ngặt về quy định kiến trúc đô thị. KTS Nguyễn Trung Chính – Giám đốc Công ty thiết kế xây dựng NTC Group cho rằng, nên tận dụng vật liệu rẻ tiền để trang trí nhưng vẫn đẹp. Nhiều công viên, vỉa hè người ta xây dựng tốn kém nhưng không đẹp. Đôi khi chỉ cần thảm cỏ rẻ tiền, thiết kế khéo vẫn đẹp. “Ta hô hào về tính dân tộc nhưng lại đem dân tộc của người khác vào. Nhiều loại cây đâu phải là “đặc sản” của Việt Nam nhưng cũng đem về trồng. Trong khi đó tre, chuối, sen, súng… thấm đẫm hồn quê vừa rẻ tiền mà lại rất riêng của địa phương… Quan trọng là chúng ta biết cách thực hiện và chăm sóc”.
Mặt khác, theo KTS Nguyễn Trung Chính, Giám đốc Công ty Thiết kế xây dựng NTC Group thì riêng mảng cây xanh nên khuyến khích và hướng dẫn người dân ưu tiên trồng loại cây nào, mua ở đâu, chăm sóc ra sao?… Những khu phố nào người dân ý thức, tôn tạo được mảng xanh thì mát, đẹp, không khí trong lành mà chính họ được thụ hưởng và góp phần làm đẹp cho diện mạo đô thị.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, trong điều chỉnh quy hoạch TPHCM đến năm 2025 sẽ xây dựng TPHCM thành một thành phố hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này có làm được hay không là một chuyện nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tầm nhìn và sự quyết tâm của những người có trách nhiệm.

Đi tìm sắc màu đô thị
Đâu là sắc màu của mỗi đô thị?

Đó có phải là ánh đèn rực rỡ của thành phố về đêm, những bảng hiệu điện tử đa sắc trên mỗi tòa cao ốc hay đó là những hàng cây cổ thụ im lìm trên phố, là gánh hàng rong dạo gót trên mỗi con đường? Và, sâu xa hơn nữa, liệu đó có phải là những giá trị về đời sống tinh thần, về văn hóa truyền thống, về nghệ thuật hay lịch sử của mỗi thành phố?
Nếu như xem sắc màu của mỗi đô thị chính là khuôn mặt thì cội nguồn để tạo ra đô thị đó "những sắc màu riêng biệt" chính là đời sống tinh thần, là nhân sinh quan của người dân đang sinh sống ở thành phố. Và văn hoá nghệ thuật là nguồn sinh khí để duy trì cá tính và tâm hồn của mỗi thành phố.
Có những đô thị không màu ?
Như những con người, mỗi thành phố đều phải có một khuôn mặt để nhận diện. Khuôn mặt đó có thể rất rực rỡ, rất mặn mà hay chỉ nhàn nhạt, buồn bã, nhưng đó vẫn là cái giúp cho người ta hình dung ra mỗi đô thị. Do đó không thể có những đô thị không có khuôn mặt, không có sắc màu. Như nhà quay phim Jamie Maxtone-Graham nói: "Nếu tồn tại ở một đô thị không có khuôn mặt thì chắc chắn đô thị đó đang ở trong một thảm họa". Nhưng, cũng có những đô thị trong tiến trình hội nhập hóa toàn cầu đã đánh mất đi bản sắc của mình trong vô vàn dòng chảy văn hóa. Bộ mặt thành phố có cả những dấu ấn của ký ức, có hiện tại và cả tương lai. Bộ mặt thành phố sẽ phụ thuộc vào ứng xử suốt một quá trình dài của các cư dân thành phố. Trong quá trình phát triển, tất yếu sẽ có nhiều giá trị cũ mất đi và có nhiều giá trị mới được du nạp.
Như Hà Nội chẳng hạn. Hà Nội tiêu biểu cho một thành phố giàu truyền thống đang trên đường hiện đại hóa. Hà Nội xưa, như cảm nhận của nhà văn Chu Lai là "một cái buồn man mác, cái buồn thanh cao. Cái buồn đó là phù sa sông Hồng bồi đắp từ hàng ngàn năm nay, là gió heo may len lỏi qua từng khu phố cổ, dịu dàng nâng những tà áo dài của các chị, các mẹ, các em gái". Thì nay, cái buồn đó đang phai nhạt dần đi trước sự hối hả của cuộc sống. Hà Nội hiện đại, trong cảm nhận trước nhất của nhiếp ảnh gia Hazel Thompson - người lần đầu tiên đến Hà Nội - "là sự lộn xộn trong giao thông". Không chỉ có thế, nếu thành phố biết nói, hẳn nó đang rên xiết dưới những khu nhà lộn xộn, không theo một quy hoạch nào cả, dưới những con đường oằn mình với bụi bặm và lưu lượng xe cộ quá lớn, là những ngôi nhà rên rỉ trong nước sau một trận mưa lớn, sau mỗi đợt triều cường, là những thay đổi trong nhân sinh quan của mỗi cư dân thành phố... Tuy nhiên, như Hazel Thompson nói, ẩn sau những vấn đề mà các thành phố cần sớm giải quyết là vẻ đẹp của một thành phố đang phát triển mạnh mẽ, là vẻ đẹp tự nhiên của các hồ nước... Quá trình hiện đại hóa đang khiến Hà Nội quá tải, nhưng nơi dấu ấn truyền thống và hiện đại gặp nhau sẽ tạo ra bản sắc riêng cho thành phố này.
Không chỉ có Hà Nội, hay bất kỳ đô thị nào khác ở Việt Nam, sự hội nhập giữa các dòng chảy văn hóa là tất yếu với một đất nước đang phát triển mạnh mẽ. Chắc chắn, sẽ có những đặc thù văn hóa truyền thống có thể sẽ bị lu mờ trước sự "xâm lấn" của những yếu tố văn hóa mới. Nhưng, điều quan trọng là phải biết dung hòa các yếu tố này để tạo ra bản sắc riêng cho mỗi đô thị. Như nước Mỹ chẳng hạn. Một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và bản sắc của họ chính là sự tổng hợp của các dân tộc này. Hay như London, như Hazel Thompson nói, "là nơi ta gặp mọi bản sắc văn hóa nhưng nó vẫn khác với bất kỳ một nơi nào khác". Trong cảm nhận của Hazel Thompson, London còn là thành phố của những ký ức được lưu giữ.
Hồn phô !
Jamie Maxtone-Graham: "Việt Nam là một thành phố đang phát triển do đó phải nhìn đất nước này ở một góc độ khác thì mới hiểu hết được những đặc biệt của nó". Có thể rồi một ngày mai những gánh hàng rong, những tiếng rao đêm, hay tiếng xe đạp lăn trên đường vắng... chỉ còn là hồi ức của các cư dân thành phố, nhưng thay vào đó, thành phố sẽ trở nên tiện nghi và hiện đại hơn, phù hợp hơn với nhu cầu sống của những cư dân mới.Vậy, bản sắc văn hóa sẽ nằm đâu trong các thành phố đầy rẫy những tòa nhà chọc trời bằng bêtông cốt thép, những khu trung tâm thương mại hiện đại, những con đường tấp nập xe cộ nhưng vẫn vắng bóng người đi? Liệu, trong tiến trình hiện đại hóa, những nét đẹp xa xưa của Hà Nội có bị thay thế bằng cái đẹp hiện đại? Theo nhà văn Chu Lai: "Bản sắc là tổng hòa của mọi thứ. Nhưng trên tất cả vẫn là con người. Dù Hà Nội đang có những khu phố hiện đại, những tòa nhà cao tầng... nhưng có một thứ không thể mất đi, một cái gì đó sâu lắng, thăm thẳm, đáo để mà thâm thúy của người Hà Nội". Các cư dân thành phố sẽ tự dung hòa với hoàn cảnh mới. Thành phố sẽ phải thay đổi, con người cũng sẽ phải thay đổi, nhưng có một thứ không thể mất đi là ký ức được lưu giữ trong các bảo tàng. Chính điều này sẽ giúp kết nối những giá trị hiện đại với truyền thống, để mỗi đô thị không mất đi bản sắc của mình.
Quá trình phát triển của mỗi quốc gia có nhiều cách khác nhau. Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để nhìn ra xung quanh, nhìn ra bên ngoài để tránh những sai lầm của các quốc gia đi trước trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Quan trọng hơn cả là Việt Nam cần có một tầm nhìn dài hạn về hạ tầng, về quy hoạch... Như nước Anh, nếu như những năm 1960, để phục vụ cho nhu cầu nhà ở tăng cao người ta cho xây nhiều khu nhà cao tầng thì hiện nay mọi thứ đang thay đổi. Người ta đang cố gắng xây dựng nhiều khu nhà thấp để tạo ra những không gian gắn kết hơn. Còn việc lưu giữ truyền thống, theo Hazel Thompson là, cần phải có những hoạt động khuấy động trong cộng đồng như các lễ hội lớn để các cư dân có điều kiện, cơ hội ôn lại và gìn giữ những giá trị truyền thống.
Mỗi thành phố thì không chỉ có ký ức, có lịch sử hay truyền thống, mà còn có cả hiện tại và tương lai. Bộ mặt của một thành phố sẽ thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau, phụ thuộc vào các thế hệ cư dân ở đó. Theo Jamie Maxtone-Graham, mỗi thế hệ phải xác định bản sắc của thế hệ mình. Với những người già, họ đã đi qua và tạo ra thành phố theo cách của họ. Còn những người trẻ, họ đang sinh sống tại thành phố, họ có nhân sinh quan riêng, do đó họ sẽ tạo ra bộ mặt thành phố bằng một cách khác. Và, bản sắc của thành phố trong tương lai sẽ lại do các thế hệ mới tạo ra. Thế hệ sau sẽ bồi đắp thêm vào các giá trị mà nó kế thừa theo cách thức của thời đại nó đang sống. Chính sức sống mới đó tạo nên sự trường tồn văn hóa. Nếu ai đó có ý định thay thế, phủ định nó thì chẳng khác gì tự đào đất dưới chân mình.

Người lưu giữ hồn Việt trong mỗi công trình
Lần đi tìm tài liệu về công viên Văn Lang ở Việt Trì, Phú Thọ, tôi tình cờ gặp anh, và rồi duyên ấy đã cho hiểu thêm về một KTS tâm huyết với văn hoá trong từng nét vẽ, từng công trình kiến trúc…
Buổi sáng cuối đông, ngồi ở văn phòng Cty CP kiến trúc đô thị Việt Nam, tự nhiên thấy lòng như ấm áp hơn khi nghe ông nói về tâm huyết với văn hóa dân tộc khi lâu nay người đời đề cập quá nhiều về chuyện phai nhạt bản sắc trong các công trình xây dựng, về các công trình lai căng, chắp vá các nền văn hoá Đông Tây như người ta vẫn nói là “quốc tế hoá” kiến trúc Việt... Và người từng phản đối sự nhố nhăng trong phong cách kiến trúc, người phản biện thiên vị văn hoá Việt lâu nay chính là KTS Nguyễn Thế Khải…
Nội một chuyện công viên Văn Lang, đã thấy ông dày công không những trên đề án thiết kế mà có lẽ dày công hơn khi thuyết phục ý tưởng đưa yếu tố lịch sử văn hoá vào làm chủ đạo và kiên quyết bác bỏ những thay đổi chủ quan làm méo mó dự án… Mười năm, dự án vẫn đang triển khai và ông vẫn đang phối hợp với tỉnh Phú Thọ lo hoàn chỉnh… đâu là khu tâm linh, đâu truyền thuyết và đâu là khu dịch vụ hiện đại. Cái tâm cái tầm luôn ở cạnh nhau mới có thể có được công trình văn hoá mang tâm hồn cốt cách Việt. Nguyễn Thế Khải đã dụng tâm vào từng ý tưởng thiết kế các công trình kiến trúc, đặc biệt là với các công trình mang ý nghĩa văn hoá nhân văn. Điều trăn trở của người KTS ấy, là việc có quá nhiều công trình xây dựng mà kiến trúc của nó “hổng giống ai”. Ông bảo thật đau lòng khi đi qua những toà nhà, những công trình kiến trúc mà ở đó không tìm thấy nét gì thân thuộc, nét gì mang tâm hồn dân tộc, dù người ta cố tình gán ghép cho nó nào là búp sen, nào nón quai thao… Tôi kể vừa đọc loạt bài của ông về kiến trúc làng Việt, đề tài mà từ lâu tôi ấp ủ định viết. Ông bả Thế đấy. Mình còn phải dùng đến cả phương tiện báo chí để “phản biện văn hoá” đấy. Ông tâm sự cái khó để giữ bản sắc trong thời hội nhập sâu là chúng ta đang thiếu kiến thức về lịch sử, đặc biệt là kiến thức về kiến trúc Việt cổ, trong khi lại thừa kiến thức thông tin về các công trình hiện đại. Không dày công nghiên cứu, tìm tòi khó mà tạo dựng được cái hồn Việt trên nền hiện đại hôm nay. Phải học lại thật kỹ về lịch sử nước nhà không thì “vong bản”.
Một trong những “phản biện” của ông đang được xem xét điều chỉnh lớn, ấy là công viên Văn Lang ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngày bảo vệ đề án thiết kế cách nay gần dăm năm, có ý kiến nói thẳng: Sao công viên gì mà toàn kiến trúc cổ thế? Nó phải hiện đại chứ! Nguyễn Thế Khải đáp: “Nếu thế thì chả cần đến KTS như tôi”. Và ông đã đúng khi tạo dựng hình hài trên giấy một công trình văn hoá mang dấu ấn lịch sử như tên gọi của công trình. Dăm năm sau, người ta đang định làm thay đổi ý tưởng ban đầu khi đưa vào khuôn viên hàng trăm héc-ta ấy những công trình dịch vụ thương mại mà kiến trúc vay mượn Âu - Mỹ, chưa nói đến ý định cắt một phần đất công viên mặt tiền đường Trần Phú để chia lô bán nền. Báo chí cũng đã vào cuộc, đòi giữ lại nét hài hoà cho một công trình văn hoá tầm cỡ như công viên Văn Lang. Bây giờ thì ông lại tiếp tục lọ mọ đi và về Việt Trì để thực hiện nốt ý tưởng của mình. May thay lãnh đạo tỉnh đã sớm nhận ra điều bất cập, thậm chí bất ổn trong quá trình triển khai dự án. Cái Cty định biến cái công viên kia thành siêu thị, thành khu thể thao hiện đại đã bị thay thế. “May quá!” - Ông bảo thế, và lại hý hoáy vẽ, xoá…
Cái tầm văn hoá, cái tâm với cội nguồn truyền thống cuối cùng cũng được đền đáp khi nhiều đồ án công trình văn hoá của ông được trao giải thưởng kiến trúc hàng năm. “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Từ say mê với nghề, tâm huyết với văn hoá dân tộc, nhiều công trình văn hoá mang dấu ấn Nguyễn Thế Khải. Một công viên Văn Lang, một công viên Hàm Rồng Thanh Hoá, một quy hoạch xã Kim Liên quê hương Bác Hồ, một khu du lịch lịch sử núi Quyết - Bến Thuỷ, TP Vinh, một tượng đài Thống nhất TP.HCM rồi đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Khoái Châu, Hưng Yên… Cái nào cũng đậm dấu ấn Việt và đều đoạt giải kiến trúc. Chừng ấy thôi chưa đủ để nói hết về ông, bởi Nguyễn Thế Khải vẫn còn tiếp tục sáng tạo những công trình văn hoá mới cho đất nước. Bây giờ trên cương vị Giám đốc Cty CP kiến trúc đô thị Việt Nam, ông càng có điều kiện thực hiện hoài bão của mình nhằm tạo dựng càng nhiều công trình kiến trúc văn hoá mang tâm hồn, cốt cách Việt Nam.
Cha nào con ấy. Các con ông, một nữ KTS Nguyễn Lý Hồng đang thành danh và một KTS trẻ là Nguyễn Thế Hoàng đang đi tiếp con đường riêng mà ông đang làm, là đi tìm bản sắc Việt, đi tìm cái mới, cái riêng trong từng đường nét, từng công trình văn hoá…

Đi tìm mô hình đô thị đại học: Cũ người, mới ta
Ngày 20-2, tại ĐHQG TP.HCM đã diễn ra hội thảo quốc gia “Hình thành và phát triển đô thị đại học ở VN: tìm kiếm ý tưởng, sự đồng thuận, giải pháp và lộ trình” với sự tham dự của hơn 50 cử tọa là các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường đại học và các chuyên gia quy hoạch.
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Phan Thanh Bình - giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho rằng vùng đại học và đô thị đại học đã hình thành và phát triển mạnh mẽ trên thế giới từ những năm 1960 và đang trở nên phổ biến ở một số nước châu Á.
Riêng với VN, đây là một khái niệm rất mới và trong thời gian gần đây mô hình đô thị đại học mới được một số chuyên gia, các đơn vị đào tạo quan tâm. Đã có một vài đề án đô thị đại học được xúc tiến nghiên cứu và xây dựng như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Đại học Tân Tạo, Đại học quốc tế Đà Lạt, Đại học Sài Gòn - Long An...
Hiện Đại học Tân Tạo do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An động thổ xây dựng và dự kiến xong phần xây thô vào giữa năm nay. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Định - Công ty kiến trúc Phương Nam, đơn vị tư vấn dự án này - cho biết Đại học Tân Tạo được thiết kế theo mô hình của các đại học uy tín của Mỹ. Trong đó, ngoài một khu hành chính chung, đô thị đại học này tập trung nhiều đại học thành viên được kết nối như một quần thể có chung về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ... như một đô thị hoàn chỉnh.
Dự kiến từ năm 2010 nơi đây sẽ mở khóa đào tạo bậc đại học đầu tiên. Tương tự, khu đô thị Đại học quốc tế Đà Lạt cũng đã hình thành những ý tưởng ban đầu mà theo GS Phạm Phụ - người giữ vai trò cố vấn - sẽ là một mô hình đào tạo đạt chất lượng quốc tế về cơ sở vật chất và trình độ đào tạo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Dũng - giám đốc quy hoạch Công ty tư vấn đầu tư thiết kế xây dựng Invescons - cho rằng những đề án đang hình thành kể trên chỉ là tập hợp những khoa, những trường đại học chứ chưa phải là một đô thị đại học đúng nghĩa.
Theo các chuyên gia quy hoạch, đã là đô thị thì phải có dân cư và vấn đề đặt ra là cư dân này sẽ gồm những ai, bố trí ở đâu và được quản lý như thế nào. Theo GS Phạm Phụ, nếu đưa dân cư vào môi trường đại học thì với điều kiện của nước ta hiện nay sẽ không thể quản lý được.
KTS Nguyễn Thiềm, Hội Quy hoạch TP.HCM, cảnh báo những rắc rối về quản lý đối với dạng đô thị “nửa nạc nửa mỡ” này. “Tôi thấy chúng ta ôm đồm nhiều quá, đại học thì chỉ nên tập trung làm công tác giáo dục. Còn nói đô thị thì phải chính quyền hóa, phải được quản lý bằng chính quyền” - ông Thiềm nói. Các chuyên gia quy hoạch đề nghị chỉ nên xây dựng các trường đại học theo hướng là một hạt nhân trong một đô thị để vừa tận dụng những hạ tầng đô thị vừa làm động lực để phát triển chính đô thị đó chứ không nên là một đô thị độc lập.
Nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, GS.TS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập - cho rằng ngay từ bây giờ cần có một nghị định của Chính phủ để pháp lý hóa mô hình đô thị đại học như một quy chuẩn để các trường có cơ sở biến các ý tưởng thành hiện thực. Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, chủ tịch hội đồng sáng lập Đại học Trí Việt - cho rằng hãy còn quá sớm để lo chuyện pháp lý.
Theo bà Ninh, với trường đại học, quan trọng nhất phải làm tốt vai trò là nơi cung cấp chất xám làm động lực phát triển kinh tế - xã hội nơi nó trú đóng.
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, sẽ cần phải có nhiều hội thảo nữa để trả lời cho các câu hỏi: Đô thị đại học có dân cư hay không? Ai quản lý? Quản lý như thế nào?

Đi tìm chỗ cho những người yêu nhau
Ai chẳng muốn yêu nhau được khoác tay dạo chơi trên phố... đẹp như phim. Ai chẳng muốn có góc tâm tình cho thoả nỗi nhớ. Nhưng biết ở chốn nào? Không gian chật chội của đô thị đang làm méo mó đi cách ứng xử của giới trẻ trước công chúng. Đây là câu chuyện mộc mạc của một bạn trai về tình yêu của mình với kết thúc, may thay, có hậu nhưng lại cười ra nước mắt.
Nàng là một cô gái con nhà gia giáo. Chính vì lẽ đó, tôi mất toi cả tuần lễ bấm bụng ngồi trong phòng khách nhà nàng cấm có được nhúc nhích chút nào.
Sau một tuần, nàng có vẻ quý mến tôi hơn, chắc không chỉ do mẽ bề ngoài đẹp trai mà có lẽ còn ở bộ mặt tôi trông ngây thơ, thật thà một cách... đáng yêu. Thứ Bảy thấm thoắt đã tới. Thu hết can đảm, tôi ngọng nghịu đứng lên xin phép bố mẹ được đưa nàng đi chơi. Thật may, sau cái nhìn giễu cợt, bố nàng - "khối thép băng giá" trở nên ấm áp hơn bằng cái gật đầu và lời dặn: "Nhớ về sớm nhé!"
Nàng chạy ào đi thay đồ, còn tôi cũng hào hứng dắt chiếc xe đạp ra khỏi cửa. Tôi đạp từng vòng nhẹ nhõm trên phố, người lâng lâng, bay bổng với cảm giác mới lạ.
Như một người sành điệu, tôi dừng xe trước quán "Dilmah - Trà của thế hệ mới" và mời nàng vào. Tiếng ghi ta không lời dìu dặt cùng khung cảnh "thiên nhiên" trang trí hài hòa trong phòng khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Bên tách trà, dường như câu chuyện của chúng tôi diễn ra thân mật hơn. Nhưng lúc đó còn sớm, quán chưa có mấy khách.
Chỉ sau một lát, không khí đã trở nên đông đặc với khói thuốc lá và tiếng cười nói ồn ào. Câu chuyện của chúng tôi chốc chốc lại bị đứt đoạn bởi người nọ kéo ghế, người kia rút điện thoại cầm tay đến ngay sau lưng "a lố, a lồ" ầm ĩ. Tôi đành quyết định chia tay "Dilmah" và bắt đầu nghĩ cách tìm một nơi khác yên tĩnh, lãng mạn hơn cho lần đi chơi sau.
Một ngày Chủ nhật, tôi rủ nàng đến sở thú Thủ Lệ. Đang thảnh thơi sánh bước trên cầu, tôi giật bắn mình vì có ai đó vỗ mạnh vào vai. Quay lại:
- Anh chị, chụp một kiểu ảnh kỷ niệm nhé? Tôi cau mặt:
- Ơ cái anh này hay nhỉ, mời mọc kiểu gì thế? Ngay lập tức, khuôn mặt đang cười nhăn nhở trợn mắt:
- Này đây nói cho mà biết, chỗ làm ăn của người ta, không chụp khôn hồn xéo đi chỗ khác. "Một điều nhịn, chín điều lành", tôi vội kéo nàng đi dạo trên con đường ven hồ.
Từ phía sau, một giọng nỉ non cất lên:
- Cô chú, mua kẹo cao sủ
Nhanh như cắt, thằng bé chỉ khoảng 9 - 10 tuổi mặt nhem nhuốc dúi ngay vào tay tôi thanh kẹo cao su. Tôi đưa trả nhưng nhất định nó không cầm, sau cùng tôi đành tặc lưỡi rút ví lấy 5,000 đồng để nó bớt kèo nhèo.
Không hiểu từ đâu kéo ra một lũ lau nhau nữa, và tiếng mời cất lên nhao nhao:
- Ăn kẹo, cô chú! - Uống nước, cô chú! - Mua của cháu, này!...
Lần này thì chính nàng kéo tôi đang loay hoay không biết xử trí ra sao trước đám trẻ bâu như muỗi.
Mặc dù có phần nản vì chưa tìm được chỗ nào ưng ý, nhưng cứ nghĩ đến lúc phải khoanh tay, bó gối trong phòng khách nhà nàng làm tôi thấy oải cả người. Tuy những địa điểm mà tôi đưa nàng đến cũng chẳng hơn gì, nhưng biết đâu đấy, thử một lần nữa xem.
Thôi thì tranh thủ vườn hoa vắng...
Tôi chở nàng đến công viên "Lê-nin". Bước vào cổng, tôi nhanh mắt đảo một vòng: bốn bề vắng lặng, ánh đèn không đủ sức xuyên qua các lùm cây, hắt thứ ánh sáng yếu ớt, mờ ảo. Tôi chọn một ghế đá khuất sau gốc xà cừ tọ Sương lạnh, ngồi nói chuyện một lát nàng đã xo rọ Tôi trùm áo khoác lên đôi vai mảnh dẻ của nàng, định đứng dậy mua bao thuốc và gói kẹo bạc hà. Nhưng vừa quờ tay lấy ví, tôi có cảm giác túi quần bò đang mặc bị xẻ làm hai mảnh. Cái ví đã không cánh mà bay! Hôm đó, nàng biết ý trả hộ tôi tiền gửi xẹ Sau khi rầu rĩ kể lại chuyện đó với mấy đứa bạn thân, chúng vỗ vai tôi cười phá lên:
- "Đã bảo mà, yêu là khổ, không yêu thì lổ. Thôi, coi nó như lộ phí tình yêu. Này, hay ông thử lên đường Thanh Niên xem sao?"
Đường Thanh Niên buổi tối, ánh đèn vàng xuộm. Quả là lý tưởng cho những cuộc hẹn hò. Tôi cùng nàng đến lan can sát mép nước Hồ Tây. Tất nhiên, đã là đường Thanh Niên thì phải đông thanh niên. Chỉ đảo mắt trông ngang thôi, tôi cũng có thể ước lượng "mật độ dân số" không dưới hai mét... có ba đôi. Trong khi tôi và nàng ngượng ngùng chẳng biết giấu mặt vào đâu thì họ thản nhiên như không, cứ như xung quanh bãi cỏ xanh không một bóng người. Giọng nói lào thào và những âm thanh sởn gai ốc cứ như xoáy vào tai. Nàng rụt rè đề nghị đi về và tôi cũng không còn biết cách nào hơn là nghe theo nàng.
Tối khác, nàng rủ tôi đi sinh nhật đứa bạn ở Cầu Giấy. Dọc theo đường Láng, tôi để ý con đường này có vẻ "yên tĩnh" hơn các nơi khác do làm thêm đường nhỏ dành cho người đi dạo. Khi về, tôi tạt thử vào con đường nhỏ tối om. Thì ra không phải mình tôi phát hiện ra chỗ độc đáo này. Tôi chọn một gốc cây tương đối sạch sẽ, cùng nàng ngồi xuống. Nàng ngả đầu vào vai tôi tin cậy. Tôi trìu mến vuốt mái tóc dài mềm mượt như nhung của nàng. Chưa kịp nói những lời "có cánh" thì ánh đèn pha gay gắt và tiếng nổ phành phạch của chiếc xe gắng máy FX 125 chở ba tên đầu trọc lóc trờ tới. Tiếp đó là tiếng cười khả ố và hàng tràng những lời tục tĩu văng ra.
Một buổi chiều, hết giờ làm việc, tôi đạp xe chở nàng qua bên kia sông Hồng sang Gia Lâm, tránh cái ồn ào và bụi bặm nội thành. Tôi chọn bãi cỏ rất đẹp ven đệ Trời tối dần, sang đông mà trăng vẫn tròn vành vạnh trong vắt, khung cảnh thật thơ mộng. Chúng tôi mải mê nói chuyện, không để ý đến xung quanh. Chợt có tiếng rì rầm phía sau bụi tre gần đó cộng với tiếng cười "rúc rích". Giật mình, tôi đứng lên, nhìn kỹ.
Tức thì ba bốn đứa trẻ lao ra, vừa chạy, vừa hét:
"Đôi này không sướng, mất công rình". Tưởng đã thoát nạn không ngờ một lát sau, có ánh đèn pin quét loang loáng của mấy chú nhóc trong xóm đi ra. Dù cảnh vật có nên thơ đấy nhưng lúc này nàng đã phát khiếp:
- Về thôi anh, nhỡ chúng nó "trấn lột" thì sao?
Tôi đành phải đưa nàng về. Giấc mộng hẹn hò, yêu đương cũng tan tành như mây khói.
Sau những trận "tái mào" đó, tôi băn khoăn: Vậy thanh niên thường đi chơi ở đâu? Chốn hẹn hò của họ là chỗ nào? Đầu tiên tôi hỏi mấy đứa bạn thân. Chúng nhìn tôi như nhìn một quái vật lạ:
- Thì bọn tôi cũng chỉ quanh quẩn mấy nơi như ông thôi. Có điều ông cầu toàn quá. Hà Nội toàn "ngõ nhỏ, phố nhỏ", lấy đâu ra chỗ.
Lần này đi chơi, tôi và nàng không còn háo hức như những lần trước. Tôi buồn rầu kể cho nàng nghe tất cả câu chuyện giữa tôi với mấy đứa bạn. Cả hai im lặng rất lâu. Sau cùng, nàng buột miệng:
- "Hay là... mình cưới nhau đi anh?".
Tôi bàng hoàng phanh gấp, tưởng tai mình nghe nhầm. Đây cũng là điều tôi muốn nói với nàng từ lâu. Nhưng sao bộ mặt nàng ảo não đến thế?
Tội nghiệp em yêu - và có lẽ cả tôi nữa - đã quá mệt mỏi chăng? Bi hài thay chuyện của tôi và nàng! Bao chốn hò hẹn yêu đương chẳng nói được, để cuối cùng thốt ra lời yêu ở ngay trên phố đông đúc kẻ qua người lại. Ôi "thiên đường", phải chăng vẫn còn ở trên cao!? Không phải thế. Theo một số bạn trẻ "văn minh" hơn thì thiên đường vẫn còn ở:
Nhà nghỉ ven đô
Trước quầy tiếp khách của khách sạn Hà Anh, thị trấn Đông Anh, Hà Nội, Vinh và Trúc đang chờ đến lượt "đăng ký" thuê phòng, đều len lén như sợ ai đó bắt gặp. Từ hơn một năm nay, tuần nào họ cũng "hẹn hò" như vậy, nhưng họ lúc nào cũng thấp thỏm, lo lắng...
Vinh và Trúc yêu nhau đã 3 năm. Vì hoàn cảnh, họ chưa tổ chức cưới được, nhưng đã có quan hệ tình dục với nhau. Những lần đầu tiên, họ đã "đi công tác" và "đi picnic với lớp" khá xa, tận Hải Phòng, Thanh Hoá..., để tránh người quen bắt gặp đi vào nhà nghỉ. Dần dần, họ chuyển về các địa điểm gần hơn, hôm thì về phía đường Láng - Hoà Lạc, hôm thì sang thị trấn Đông Anh.
Cách đây mấy tháng, Vinh nhận công việc mới, bận rộn hơn. Họ không còn đủ thời gian để đi xa cả ngày, thậm chí là trong ngày nghỉ. "Đôi khi bọn em phải tìm những địa điểm gần hơn, như ở Gia Lâm chẳng hạn. Nhưng sợ nhất là bắt gặp người quen, hay vào phải nhà nghỉ là ổ chứa mà đang bị công an phục", Vinh tâm sự. Đôi bạn trẻ này tin rằng, ngoài họ ra, còn rất nhiều cặp khác cũng chọn phương thức gặp nhau như thế này.
Vào các ngày nghỉ, các nhà trọ, khách sạn tư nhận tấp nập xe máy mang bảng số Hà Nội. Theo chị Thủy, nhân viên của khách sạn Hà Anh, chủ của những chiếc xe này là các cặp tình nhân, có thể là những đôi trẻ yêu nhau mà chưa cưới, cũng có thể là những đối tượng "chán cơm, thèm phở", chứ khách làng chơi không nhiều. "Rất dễ phát hiện đâu là các cặp tình nhân thực sự, đâu là khách làng chơi. Khi vào thì đương nhiên là ai cũng có đôi, nhưng khi đi ra mà đôi nào vẫn quấn quýt thì chắc chắn là yêu nhau rồi, chứ khách làng chơi xong rồi thì ai đi ngả nấy", chị Thủy nhận xét.
Nhiều khách sạn, nhà nghỉ mở ra đã hướng tới đối tượng khách này. Theo chị Yến, một chủ nhà nghỉ ở thị trấn Đức Giang, Gia Lâm, chị không trông mong gì từ giới doanh nhân, hay du khách, vì địa điểm ở quá xa trung tâm thành phố, lại không mấy thuận tiện tàu xẹ Nguồn thu chủ yếu là từ các cặp tình nhân ở Hà Nội. "Mình không biết chắc, nhưng đoán họ là những người yêu nhau thực sự, vì thường là khách quen, tuần nào mình cũng gặp", chị Yến cho biết.
Mấy năm trở lại đây, những cặp thuê phòng ở khách sạn của chị được "trẻ hóa" rất nhanh, và hiện nay thì hầu hết là khoảng dưới 30 tuổi chứ không như trước kia, chỉ là các bậc trung niên.
Các nhà nghỉ luôn có hai giá để cho thuê phòng, là "nghỉ nhanh" và "nghỉ thường". "Nghỉ nhanh" thì khách phải trả khoảng 70,000 đồng cho 2 giờ đồng hồ, còn "nghỉ thường" thì giá là 120,000 đồng, tính từ 12 giờ trưa hôm trước đến 12 giờ trưa ngày hôm sau. Những cặp như Vinh - Trúc, do không có nhiều thời gian, thường chuộng "nghỉ nhanh" hơn. Nhưng với nhiều cặp khác, chế độ 2 ngày nghỉ mỗi tuần giúp họ có cơ hội "nghỉ thường".
Dịch vụ cho các cặp nam nữ đi thuê nhà nghỉ để sống như vợ chồng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Còn ở VN, một bộ phận thanh niên đang dần dần chấp nhận lối sống này. "Bọn em thực sự yêu nhau cơ mà", Theo H., điều quan trọng không phải là "sinh hoạt" trước hay sau hôn nhân, mà cái chính là có "tình yêu đích thực hay không".
Đồng tình với ý kiến này, T. cho rằng việc "đi nghỉ" không hoàn toàn chỉ nhằm mục đích quan hệ tình dục, mặc dù đây là điều "không thể thiếu" trong mỗi lần anh thuê phòng cùng người yêu. "Chúng tôi đi để chiều chuộng nhau, mang đến hạnh phúc cho nhau, chứ hoàn toàn không phải chỉ là thoả mãn nhu cầu cá nhân", T. khẳng định.
Theo thống kê của Công an Hà Nội, thủ đô XHCNVN, hiện có đến khoảng gần 600 nhà nghỉ, phần lớn trong đó tập trung tại các quận, huyện: Gia Lâm, Thanh Xuân, Cầu Giấy... (trước đây là ngoại thành).
Trong đó, chỉ riêng Gia Lâm đã có tới 160 nhà nghỉ, hơn 800 nhà trọ. Riêng ở thị trấn Đông Anh, dù cách Hà Nội đến 20 km, cũng có gần 50 nhà nghỉ các loại. Hết ý kiến. Miễn bàn.

Phố cổ thành phố... chợ cóc
Hà Thành nổi tiếng với 36 phố cổ nhộn nhịp. Gần đây phố cổ bị biến thành phố… chợ cóc.
Khu vực 36 phố phường Hà Nội nổi tiếng với những ngành nghề thủ công là vậy, nay trở mình theo nhịp sống hiện đại, được biến thành những chợ cóc sầm uất. Ngày nay đi trên phố cổ Hà Nội (nằm chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm) đã không thể đi trên vỉa hè.
Ở những Tuyến phố "văn minh thương mại" người ta lại có “sáng kiến” là để xe dưới lòng đường và dành vỉa hè để… bán hàng. Phố cổ giờ đã thành phố chợ…cóc. Chùm ảnh: Phố cổ Hà Thành thành phố chợ…

http://vietbao.vn/Xa-hoi/Chum-anh-Pho-co-thanh-pho-cho-coc/20671782/157/

No comments:

Post a Comment