Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(20):

* Làm gì để chống nạn ô nhiễm kiến trúc
Tham vọng của chúng ta là xây dựng được nền kiến trúc hiện đại của Việt Nam, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 8 và kết luận của Trung ương 10 khoá 9. Muốn vậy, không thể chỉ bàn thảo trên các Tạp chí chuyên ngành, trong các hội thảo.
Ô nhiễm kiến trúc nhiều phần trách nhiệm ở các nhà đầu tư, các nhà quản lý, các nhà cầm quyền. Hiển nhiên là vậy. Lịch sử đã chứng minh, kiến trúc là sản phẩm của nhà đầu tư, nhà cầm quyền. Nhà sáng tạo, kiến trúc sư có thể ở thế thượng phong, nhưng thường thì rớt xuống áp chót. Cửu trùng đài của Vũ Như Tô thời Lê - Trịnh, là kiệt tác nhưng cuối cùng chẳng để lại dấu vết gì. Lịch sử kiến trúc Pháp mãi mãi ghi nhớ Tổng thống Francois Mitterand với những đóng góp của ông làm rạng danh Cộng hoà Pháp.
Ô nhiễm kiến trúc ở Việt Nam không thể coi thường. Một thí dụ chứng minh: Hồ Gươm, di tích lịch sử, thắng cảnh, không gian đầy ắp huyền thoại, thẩm mỹ tuyệt vời, thế giới ít nơi sánh kịp. Quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ uỷ nhiệm Bộ Xây dựng duyệt từ 10 năm nay. Kinh tế thị trường phát triển, 25 dự án lăm le gặm nhấm Hồ Gươm, có cái đã được dẹp bỏ ngay từ trong trứng, có cái đang chờ thời cơ. Gần đây bung ra dự án “Anh cả” của Tập đoàn điện lực: Trung tâm thương mại, tài chính khối tích đồ sộ 14 tầng cao 54 m dài 105m, 5 tầng hầm, kính phủ đầy các mặt nhà. Kết quả phương án được giải cao qua thi tuyển thiết kế với các thông số hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành. Báo nói, báo hình, báo viết chẳng bảo nhau mà đồng loạt lên tiếng. Văn nghệ số 21 ngày 22/12/2007, Nguyễn Huệ Chi viết: “Nếu cái tập đoàn EVN làm được việc sai trái, xây nhà cao 54 m thì lập tức xung quanh mấy con đường Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay sẽ quây kín bởi vô số lô cốt cao tầng ngay, vì loại người vô văn hoá mà nhiều tiền, mắt loá vì tiền, luôn luôn toan tính chữ lợi hiện nay không phải là hiếm. Họ đang ngày đêm dõi mắt nhằm các khu vực quanh Hồ Gươm. Mai mốt Hồ Gươm bị xâm phạm thì còn nơi nào mà người ta không xâm phạm được nữaư Văn hoá môi trường cả nước sẽ bị đe doạ, như một ảnh hưởng dây chuyền, kỷ cương phép nước cũng trở thành hài hước bị đồng tiền khuất phục”.
Bộ Xây dựng cần kiểm điểm nghiêm túc việc công khai “hướng dẫn” đang gây công phẫn trong giới kiến trúc và văn hoá.
Hãy thử đi từ một hiện tượng xã hội. Bệnh dịch bùng nổ, trước hết trách nhiệm ngành y tế. Dân trí thấp là thuận lợi cho dịch bệnh lan rộng cho nên có khoa y tế cộng đồng, có mạng lưới phòng bệnh, tuyên truyền chống dịch. Một sự thật đáng buồn, không ít các KTS lớn, vừa dứt lời phê phán kiến trúc ngoại lai, lố lăng thì ngay sau đó lại ký thông qua những bản thiết kế lố lăng vì doanh thu. Vậy thì nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay, sao có thể rũ bỏ trách nhiệm KTS.
Phương thức hoạt động, Hội KTSVN đã đề ra:
- Kiến trúc Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu, ràng buộc của chũ nghĩa hình thức;
- Kiến trúc Việt Nam phải hấp thụ tiếp nối văn hoá truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng xã hội mới, con người mới, nền văn hoá, nghệ thuật Việt Nam.

Nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay có thể coi là tất yếu, nó bắt nguồn từ quá trình tích tụ những thứ tuy lạ nhưng lâu ngày thành quen, ăn sâu vào tiềm thức, chẳng dễ gì xoá bỏ, càng không thể dùng mệnh lệnh hay cơ chế trói buộc, bởi vì bản chất kiến trúc là sáng tạo, là cảm xúc thẩm mỹ.
Cho nên cần nghiên cứu xây dựng chương trình “Xây và chống”. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và chống ô nhiễm kiến trúc. Có thể phân thành hai lĩnh vực: Trong giới nghề nghiệp, chủ yếu là KTS, những chủ thể sáng tạo và trong xã hội, bao gồm những người ở thế thượng phong của kiến trúc và những người hưởng (hoặc chịu đựng) thành quả kiến trúc.
Cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc cổ điển Châu Âu, kiến trúc các nước trong khu vực. Hiểu rõ nguyên lý sẽ giảm bớt hiện tượng cóp nhặt, chắp vá. Khuyến khích hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, toạ đàm, hội thảo… tại cơ sở (không phải quy mô lớn như Hội KTS Trung ương làm ở ba miền vừa qua). Chỉ từng địa phương nhỏ, có sự tham gia của các bộ môn văn hoá anh em. Có thể từ những công trình, những tác phẩm cụ thể làm đề tài “bình” kiến trúc. Tạp chí KTVN đã tổ chức những buổi bình nhỏ và giới thiệu trên tạp chí, nghĩ là thiết thực và hiệu quả. Không nhất thiết phải là hội thảo trống rong cờ mở, để báo cáo dẫn luận và lời chào mừng của các quan chức đã chiếm tới nửa thời gian! Cũng cần đóng góp vào giáo trình giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao tại các trường chính trị, quản lý hành chính, để có một số giờ nhất định nhằm cung cấp kiến thức về kiến trúc đô thị. Việc này nên phối hợp với Hiệp Hội các Đô thị Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Vấn đề này chưa thấy đề cập đến trong nhiệm vụ công tác của Hội, của Bộ Xây dựng, nên đặt thành nhiệm vụ chống ô nhiễm kiến trúc để tìm đăng những bài viết đơn giản mà thiết thực.
Nghe nói trong chương trình tranh cử tổng thống Pháp thường có ít dòng nói về kiến trúc đô thị. Tưởng cũng là điều có thể xem xét vận dụng.
Nên nghiên cứu đề nghị thành lập hội đồng QH-KT các địa phương (cấp tỉnh, cấp thành phố) với điều lệ hoạt động rõ ràng, để tư vấn cho chính quyền những vấn đề then chốt của kiến trúc địa phương. Sự giải tán hội đồng QH-KT thời gian qua, nên coi là thất bại của ngành kiến trúc trong hoạt động tư vấn. Một phần cũng vì do không có quy chế rõ ràng.
Với quảng đại nhân dân, bao gồm nhiều nhà văn hoá, nhiều nhà trí thức, chính trị, nên có kế hoạch phù hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phương tiện truyền thông để thường xuyên đề cập đến kiến trúc đô thị.
Các tạp chí, các báo nói, báo viết, hầu như đều có ít trang, ít dòng nói đến kiến trúc. Nhưng lại tự phát và thiên về đối tượng trung lưu, đề tài là không gian hẹp trong căn hộ, trong tường rào, đôi khi nhằm mục đích thương mại, quảng cáo nội thất. Chưa hướng tới mục tiêu đưa kiến trúc tới tầm cao mới.Nên chăng đưa vào kế hoạch, yêu cầu cụ thể cho công tác tuyên truyền phổ cập kiến trúc rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, những triển lãm kiến trúc cũng là hình thức giáo dục thẩm mỹ kiến trúc có hiệu quả, nhưng chưa được tận dụng.
Không thụ động tuyên truyền, phổ cập kiến trúc đô thị lâu nay thường làm mà nên thực hiện như một trong những công tác chính của Hội trong nhiệm kỳ này.(Theo THXDVN)
* Hòa quyện giữa đất và nhà
Khi bắt tay vào xây dựng nhà, cần chú trọng đến việc tính toán sao cho ngôi nhà tương xứng với khu đất, tránh làm nhà lọt thỏm trong đất hoặc ngược lại, chiếm hết diện tích đất. Điều này liên quan chặt chẽ đến vấn đề sử dụng không gian sao cho hài hòa về quy mô, tiện ích và khí hậu để tạo nên một nơi chốn yên bình và hoàn mỹ.
Việc xác định tầm vóc của ngôi nhà như thế nào so với khu đất thực ra chỉ tương đối bởi nó phụ thuộc nhiều các yếu tố chủ quan như mức độ kỳ vọng và khả năng tài chính của gia chủ. Tuy vậy, cũng đã có một số các tiêu chí căn bản được đưa ra. Cũng đã có rất nhiều ví dụ thực tế cho thấy, nếu không căn cứ trên một số tiêu chí thì sau khi hoàn thành, công trình trở nên đối lập với toàn bộ khung cảnh và vẻ đẹp của khuôn viên xây dựng.

Đừng lo đất hẹp!
Tại các đô thị, nhất là tại các thành phố lớn, khi mà tấc đất tấc vàng, mảnh đất thường dài và hẹp, chỉ thích hợp với kiểu nhà ống, thì ngôi nhà phải có tối thiểu 10 đến 20% diện tích là khoảng trống thông thoáng ( giếng trời, hành lang, cầu thang. Điều này giúp hình thành nên những miệng đối lưu không khí và đường dẫn khí luân chuyển từ ngoài vào trong và từ dưới lên trên (theo nguyên tắc khí nóng bốc lên, khí lạnh đi xuống). Nguyên tắc này thông qua những giếng trời để từ đó ngôi nhà được cân bằng khí với môi trường bên ngoài. Tạo được sự nối tiếp từ không gian từ bên ngoài vào bên trong ngôi nhà từ các không gian trống, không gian thông tầng, không gian giếng trời luôn là một yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí sử dụng cũng như mang lại chất "lãng mạn". Cần lưu ý nếu số tầng nhà càng nhiều, chiều cao nhà càng lớn thì diện tích phần đất chừa ra làm khoảng giếng trời càng cần linh hoạt mở rộng chứ không thể cố định giống như nhà thấp tầng được.
Hoành tráng đất rộng
Nếu điều kiện khu đất có diện tích đất đủ rộng như đối với các biệt thự và nhà vườn thì vấn đề xác định sự cân đối liên quan đến cách thức bố trí khuôn viên sân vườn xung quanh. Theo lý thuyết phong thuỷ, phép xem hình thế và định vị nhà trên đất luôn bắt đầu theo tiến trình định trung cung - phân vùng cát hung - khoanh vị trí xây nhà - lập nội minh đường và khuôn viên quanh nhà. Như vậy thì dù đất có rộng cỡ nào (ví dụ trang trại) vẫn hoàn toàn có thể đặt ngôi nhà không bị lọt thỏm bằng cách chọn vùng tốt của khu đất, sau đó khoanh khu vực dự định làm nhà trong vùng tốt đó. Khu vực này sẽ có khuôn viên riêng với nội minh đường của ngôi nhà, có thể làm tường rào hoặc ngăn ước lệ bằng cây xanh, hồ nước... Khi đó, dù miếng đất xây dựng bên ngoài có rộng lớn bao nhiêu thì ngôi nhà vẫn được bao bọc ở bên trong của một khuôn viên vừa phải, không bị tán khí hay lọt thỏm trong diện tích đất lớn.

Đối với đất nhà biệt thự hay nhà phố rộng khi xây dựng thường có sân trước và sân sau. Tại sân trước ta không nên chừa diện tích quá rộng quá dài (sân gấp hai đến ba lần chiều dài nhà là thuộc loại dài). Theo nguyên lý âm dương trong phong thủy thì sân trước là vùng dương, biểu lộ quan hệ đối ngoại, cần che chắn tránh "trực xung" nhưng nếu làm dài rộng quá thì sẽ quá trống trải.

Nếu mua nhà có sẵn, sân trước dài rộng thì có thể khắc phục bằng cách tạo những đường dẫn khí thông qua hệ thống cây trồng, ví dụ trồng những cây thân thẳng và cao theo khoảng cách đều (cau cảnh hay cọ), và những cây hoa có mùi thơm, màu sắc tươi vui để dẫn dắt luồng khí; tránh trồng những cây ủ rũ, gai góc hoặc lá dày quá che khuất tầm nhìn của nhà (từ trong ra cũng như từ ngoài vào).
Ngược lại khi sân trước quá nhỏ, thậm chí không đủ để đậu xe thì ngôi nhà rất dễ bị "trực xung" do ngoại cảnh gây nên. Chấn lực, bụi bặm, tiếng ồn và tầm nhìn xoi mói từ bên ngoài con đường sẽ tác động vào người cư ngụ mỗi ngày, dù ngôi nhà có thể buôn bán thuận lợi do gần đường nhưng về lâu dài không phải là nơi cư ngụ an lành. Phương án này cũng có thể gia tăng không gian kinh doanh ở tầng 2 khi đặt một thang bộ ở khoảng giữa của gian kinh doanh. Khi đó, không gian ở sẽ từ tầng ba trở lên, số lượng phòng ngủ là ba phòng, tính cả tầng áp mái.
Bên thẳng bên lệch:
Nếu diện tích khu đất tương đối rộng cho một ngôi nhà phố (chiều ngang trên 6 m), tốt nhất là chỉ nên làm ngôi nhà về một bên và chừa một phần nhỏ làm lối đi, sân cảnh hoặc các mảng trang trí. Ngôi nhà nên xây theo phần thẳng của đất, làm cơ sở để đơn giản và thuận tiện về kết cấu. Phần trồi sụt còn lại khi đó là diện tích trống có tính chất trang trí bổ sung. Như vậy, phần diện tích chính bên trong nhà luôn vuông vức ngay ngắn hai bên trái phải (phong thủy gọi là thanh long và bạch hổ). Việc trang trí có thể dùng thêm cây xanh và đặt đèn vào các góc bị khuất để gia tăng sinh khí.

Đất hình chữ L: Với trường hợp đất chữ L mà nở hậu, bạn có thể bố trí theo cách dành khoảng trống được dùng làm sân nước phía trước và thông thoáng cho phòng ngủ bên trên. Hoặc ngôi nhà có sân giữa với hai phần trước, sau rõ rệt. Sân này cũng đóng vai trò thông thoáng và dẫn khí cho các phòng ở giữa. Còn trường hợp khi nhà hẹp không đủ chiều sâu, nên đặt cầu thang ngay vị trí nở hậu. Nói chung, theo cách nào cũng nên xử lý vuông vức tại chỗ bị giật cấp.

Chữ L tóp hậu: Nên biến phần sau tóp hậu ấy thành không gian phụ, chẳng hạn như cầu thang, nhà vệ sinh, sân trời... nếu phần này không chiếm tỷ lệ lớn trong nhà. Khi gặp trường hợp đất chữ L mà phần chính của ngôi nhà ở phía sau thì phía trước dùng làm sân cảnh, chỗ để xe trước khi vào nhà. (Nguồn: http://tuvankientruc.com.vn)
* Đi tìm thời gian đã mất !
Nơi lưu giữ những kỷ niệm của đời người, phải chăng chính là ngôi nhà thân yêu mà ngày ngày chúng ta trở về sau tất bật công việc mưu sinh. Một chốn bình yên, một nơi bạn có nhiều kỉ niệm nhất. Hãy xem lại nơi đã cất giữ những yêu thương của cuộc sống, những điều sẽ còn mãi trong trái tim bạn !
Nắng len lỏi qua cửa sổ, giữa những bức mành tre treo hờ hững. Một căn phòng thật ấm cúng bởi cách bày biện thận thiện. Những cái ghế salon kiểu cũ những chắc hẳn đã chứng kiến những trò vui của những đứa trẻ, những trận đánh nhau "bằng gối hoa", những tiếng cười khóc ... Mộc mạc, đằm thắm từ lọ hoa treo rủ bên song cửa sổ, từ bình hoa bằng gỗ to đùng giữa phòng, vươn lên sức sống của thiên nhiên, của tuổi trẻ. Vẻ đẹp của căn phòng không phải từ những vật trang trí đắt giá hay sang trọng, mà là từ những gì bạn không thể quên, vì hơn tất cả, căn phòng này là nơi bạn cất giữ nhiều tiếng cười tuổi thơ.
Căn phòng tràn ngập sức sống thiên nhiên gợi nhớ những kỷ niệm trẻ thơ

Bên bếp lửa bập bùng ấm áp, chính căn phòng này là nơi gia đình bạn quay quần bên nhau trò chuyện, chia sẻ những ấm lạnh của cuộc sống. Nắng vẫn len vào phòng, nhưng vẫn khiến bạn cảm thấy căn phòng này ấm áp hơn ngoài song cửa. Tông màu vàng của gỗ, cách bày trí gợi lên những ký ức của những ngày xưa màu đông, của "thời gian đã mất". Không gian ngưng đọng trong từng thớ gỗ của ghế, lắc lư gõ nhịp đều đặn khi bà ngồi kể chuyện đời xưa, xung quanh là những đứa trẻ ngồi ôm gối chăm chú lắng nghe trong tiếng tí tách êm êm của gỗ cháy trong lò sưởi. Chú vịt trên bàn, ngọn nến cháy leo loét, cây đèn bàn cũ kĩ,...càng làm cho căn phòng là điều bạn nhớ nhất khi đi xa.
Căn phòng của những kỷ niệm ngày mùa đông

Khung cửa sổ kiểu cũ nhìn ra khoảng sân rông xa xăm. Trên bậc lò sưởi là những kỷ vật của gia đình, bức hình với khung thiếp vàng ố cũ đầy quyền uy, chứa dựng những điều không thể nào mất của ký ức. Lò sưởi cháy bập bùng làm ấm không gian căn phòng, như gợi lại những cảm xúc khó quên. Mảng tường hoa cũ kỹ nhưng chắc hẳn đã một thời vàng son, sang trọng.
Căn phòng của một thời vàng son

Căn phòng mùa thu phản chiếu từ sắc vàng của cây lá bên ngoài ô cửa kính. Nét dịu dàng "rất thu", rất " gợi nhớ", là điều đầu tiên bạn có thể cảm nhận từ tông màu nhạt nhạt của căn phòng. Bệ cửa sổ trờ thành chiếc ghế lý tưởng cho bạn bó ngối êm ngắm nhìn trời thu bên ngoài ô kính, hay những cơn mưa màu hạ,... Bộ salon giữa phòng với hai tông màu đậm nhạt lại hòa điệu với sắc vàng của lọ hoa giữa phòng, như mang cả mùa thu thiên nhiên vào nơi đây. Căn phòng mùa thu, của những dịu nhẹ đi vào lòng người thành những "ký ức" khó phai.
Căn phòng mùa thu êm đềm nuôi dưỡng tâm hồn

Ánh nắng hoàng hôn trong nỗ lực cuối cùng thắp sáng căn phòng, làm cho không gian mang màu hoài niệm. Có điều gì chất chứa, khiến bạn không khỏi nghĩ ngợi về vẻ đẹp hiện đại của căn phòng, lại pha chút hoài cổ rất lạ. Những ngọn nến tí tách cháy trong cố gắng làm ấm lại căn phòng, càng làm cho nó mang một vẻ yếu đuối của sự bất lực trước thời khắc chuyển giao từ ngày sang đêm. Hình như là níu kéo, hình như là ... ký ức "đi tìm thời gian đã mất" !
Đi tìm thời gian đã mất....

Đêm xuống, vẻ huyền bí lấn chiếm không gian bên ngoài, làm cho căn phòng càng "lạnh", một vẻ đẹp riêng đầy ấn tượng. Hiện đại từ thiết kế thiên về tính phóng khoáng, hay cách bày trí lấn chiếm không gian, không làm cho căn phòng ấm lên theo nghĩa cần có, mà trở nên nhỏ bé trong quang cảnh rộng mở ra từ những khung cửa kính. Đi tìm giá trị của thời gian sống trong đối lập với không gian phải chăng là ý nghĩa mà căn phòng này lưu giữ cho bạn ?
(theo nguồn www.goviet.com.vn)
* Cầu thang nhẹ - giải pháp cho nhà phố chật hẹp
Một bài toán khó các Kiến trúc sư thường hay gặp phải, đó là giải quyết vấn đề thông thoáng và thoát gió trong các căn nhà phố hiện đại. Phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay chúng ta thường gặp những căn nhà lô phố chỉ với vài chục m2 nhưng vẫn phải đầy đủ công năng và thuận tiện cho việc sử dụng.
Những chiếc cầu thang chúng ta hay gặp thường sử dụng kết cấu bê tông cốt thép với một mặt phẳng bằng bê tông và chia mặt bậc với gạch lỗ. Trên cùng có thể hoàn thiện bằng gỗ, đá granit hay Granito. Loại cầu thang này có ưu điểm là bền, vững chắc và chi phí rẻ. Tuy nhiên với những căn nhà phố chỉ 35 đến 40m2 thì diện tích dành cho cầu thang và lưu không là quá lớn sẽ chiếm hết những diện tích cần thiết dành cho khoảng không gian khác như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ hay phòng sinh hoạt chung.
Những mặt bậc bằng kính cường lực kết hợp với hệ thống chịu lực và tay vịn bằng inox tạo nên vẻ thanh thoát hiện đại nhưng cũng rất an toàn và chắc chắn

Hơn nữa, kiểu cầu thang bê tông với hình khối kiến trúc đặc và nặng cũng góp phần làm ngăn cản tầm nhìn, ánh sáng và thông gió kiến cho căn nhà trở nên tù túng, chật hẹp. Để xử lý vấn đề đó, thì giải pháp cầu thang nhẹ trở thành xu hướng thiết kế mới, thoả mãn được mọi yêu cầu như công năng sử dụng, thông thoáng, tiết kiệm chi phí.



Ánh nắng từ giếng trời chiếu qua những tấm kính mầu của bậc thang chia đều ánh sáng cho khắp các phòng chức năng, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc thú vị

Một giải pháp khác là sử dụng cầu thang thép và mặt bậc gỗ kết hợp, đây không phải là một giải pháp mới mẻ gì tuy nhiên nếu được xử lý tốt cũng sẽ mang lại cho căn nhà của bạn một phong cách rất mới, hiện đại và đầy cá tính.


Những mặt bậc bằng gỗ được liên kết chắc chắn với hệ kết cấu thép Inox

Và trên hết, dù sử dụng bất cứ giải pháp thiết kế nào thì yêu cầu về an toàn cho người sử dụng luôn phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy khi lựa chọn phương án cầu thang nào, dù là gỗ, kính hay bê tông đều phải được tính toán một cách cẩn thận. Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm một giải pháp mới cho căn nhà nhỏ của mình.Theo KTS Nguyễn Phương Lâm (REMAK Architecture)
* Từ Hội An đến … Hà Nội
Cứu lấy Hội An, cứu văn hóa Hội An, bởi văn hóa là cái phải lo cứu lấy từng ngày, ở đâu và xưa nay đều vậy.
Còn người Tràng An từng rất văn hóa nhất nước giờ đây nghĩ sao về sự mất còn của những cái rất nhỏ nhoi mà trường cửu vô giá của Hà Nội trong những toan tính hẹp rộng nhỏ to của Hà Nội hôm nay.

Một trong những cái hay nhất của Hội An là nó luôn thấy rằng nó “có vấn đề”. Hội An rất đẹp, và giản dị mà thâm thúy nó biết rằng cái đẹp là văn hóa, mà văn hóa thì có một đặc điểm cố hữu là vừa bền vững vừa mong manh, rất mong manh, dễ vỡ, luôn bị uy hiếp bởi chính sự đi tới của cuộc sống, xưa nay vẫn vậy, đầy triển vọng cũng lại đầy thách thức, và thách thức thì ngày mỗi dữ hơn, thậm chí có thể ít văn hóa hơn, ngang nhiên, trắng trợn hơn. Nhất là văn hóa trọc phú đang lấn át bây giờ.
Tôi vừa có dịp ngồi với anh bí thư Hội An, hai anh em trằn trọc bàn với nhau suốt buổi chiều về một uy hiếp mới Hội An đang phải đối mặt, dường như có thể sẽ là sâu hơn, nguy hiểm hơn tất cả những lần nó từng trải qua: nhiều người, là các đại gia tất nhiên, từ Hà Nội, từ Sài Gòn, giàu lên rất dữ rất nhanh trong cơ chế thị trường hoang dã, đang đổ xô đến mua những ngôi nhà cổ ngay trong phố cổ Hội An. Nghe nói có cả người nước ngoài về nữa. Và người Hội An trong phố cổ thì đang bán nhà, đã đến mấy chục chiếc, rồi hẳn sẽ lên đến hàng trăm. Cũng dễ hiểu thôi, các gia đình sinh con đẻ cái, lớn phình lên, chia tách ra, cha mẹ có nhu cầu chia gia tài cho con cháu. Những người có tiền, thừa mứa tiền, rất nhạy với tín hiệu đó, liền chộp lấy cơ hội.
Họ mua nhà cổ Hội An để làm gì? Có hai khả năng: giàu có, họ chơi sang, một cái mốt chơi sang trông ra rất “có văn hóa”, cao cấp. Các ngôi nhà cổ Hội An được họ mua để chơi như một món đồ cổ, hệt những thứ quý, hiếm, đắt tiền họ vẫn bày khoe trong tủ kiếng phòng khách của mình. Hết chơi lọ cổ, chum vại cổ, ông bình vôi cổ, bàn ghế, liễn phướng, cả thư tịch cổ …, bây giờ họ chơi đến nhà cổ. Thú chơi cao cấp, mốt mới, rất thời thượng. Thậm chí họ sẽ tu bổ những ngôi nhà ấy đẹp hơn lên rất nhiều, hết sức chăm chút, đúng kiểu, đúng cổ, rất chuyên nghiệp, đến chuyên gia Nhật, chuyên gia Pháp, chuyên gia Ba Lan từng giúp Hội An tu bổ nhà cổ nhiều năm nay chưa chắc đã bằng. Bởi họ thừa tiền, chẳng sá gì. Khả năng thứ hai: những người cũng rất giàu có, tất nhiên, mua để ở, hoặc như một kiểu nhà nghỉ cuối tuần độc đáo, rất lạ, hoặc làm chỗ dưỡng già, rất “exotique”, và sang hơn, “văn hóa” hơn hẳn các resort đang mọc lên nhan nhản bây giờ…Cả hai loại người mua ấy sẽ không làm hỏng các ngôi nhà cổ Hội An, họ sành chơi lắm. Nhưng họ sẽ phá tan tành Hội An, phá đến tận gốc rễ, cốt lõi của Hội An. Sẽ không còn Hội An, sẽ mất hẳn Hội An, sẽ tiêu diệt Hội An. Bởi Hội An, cái lạ nhất, quý nhất, hay nhất, hấp dẫn nhất, đáng yêu nhất của Hội An, không nơi nào bằng, không chỉ là những ngôi nhà cổ vốn đã rất đẹp. Vẻ đẹp Hội An nằm trong một chiều sâu hơn, giản dị mà thăm thẳm, không gì thay thế được: những ngôi nhà cổ, rất đẹp, với những con người Hội An, rất đẹp, sống chính trong những ngôi nhà ấy. Những con người rất Hội An, bình dị, chân chất, thật thà, rất xưa, rất quê, mà đồng thời, kỳ diệu biết bao, lại rất phố, rất nay, rất hiện đại, rất văn minh, rất năng động, rất tân thời, một sự kết hợp, thậm chí không phải một sự kết hợp mà là một căn cốt cứ như là “tự sinh”, tuyệt diệu mà lại tự nhiên như không, hầu như chẳng cần chút cố gắng nào. Những con người như vậy sống trong những ngôi nhà như vậy làm nên cái ta vẫn gọi là “văn hóa Hội An”, một điều theo tôi đến nay vẫn chưa cắt nghĩa được hoàn toàn – cũng như những gì là văn hóa thật, văn hóa thật thì không bao giờ có thể cắt nghĩa được hoàn toàn, cho tận cùng, nó mãi mãi còn là bí mật, bí quyết… Một văn hóa Hội An như vậy đang bị tấn công, rất có thể trong trận tấn công tiêu diệt chiến quyết định lần này. Nếu những ngôi nhà cổ Hội An được bán ngày càng nhiều cho người nơi khác đến, thì rồi cái được gọi là văn hóa Hội An từng lặng lẽ khiêm nhường mà làm say mê du khách bốn phương không gì cưỡng được, sẽ ra thế nào? Sẽ ra thế nào một Hội An với lối sông Hà Nội hay Sài Gòn? Một Hội An Hà Nội hóa hay Sài Gòn hóa? Sẽ còn gì Hội An?…Rất may, Hội An biết điều đó, biết đây là thách thức có thể sinh tử, và đang nghĩ cách đề kháng. Anh bí thư Hội An nói với tôi: “Chúng tôi đang tính, có thể như thế này chăng, đương nhiên không thể ngăn người ta bán nhà và mua nhà, chẳng luật pháp nào cấm được, và người ta cũng có nhu cầu thật sự. Vậy thì, chẳng hạn có thể quy định bán nhà trong phố cổ thì phải ưu tiên bán cho chính người Hội An. Nếu sau đó không có người Hội An nào mua được nữa, thì Nhà nước sẽ mua. Chúng tôi sẽ chuẩn bị một quỹ, bao nhiêu tỷ cũng sẽ quyết chuẩn bị cho kỳ được, để mua những ngôi nhà cổ trong phố cổ chủ nhân bắt buộc phải bán, sau đó sẽ cho chính những người chủ cũ ấy thuê lại, với giá rẻ. Nghĩa là vẫn giữ được con người Hội An sống trong những ngôi nhà cổ Hội An, không để cho những ngôi nhà cổ Hội An biến thành đồ cổ chết, thành “xác ướp Ai Cập” như anh đã có lần lo lắng. Chúng tôi cũng nghe được ý kiến anh tin rằng Hội An từng đủ sức Hội An hóa tất cả văn hóa ngoại lai đến từ bất cứ đâu, từ Nhật, từ Hoa, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, rồi cả Pháp và Mỹ… Hội An không sợ văn hóa ngoại lai, sức đề kháng văn hóa, khả năng tiếp biến và tiêu hóa văn hóa ngoại lai của nó là rất lớn. Chúng tôi cũng có lòng tin đó. Nhưng cũng phải tính đến tương quan lượng trong cuộc giáp mặt văn hóa, như chính anh từng nói, rất quyết liệt và cả hỗn hào lần này. Không thể để cho mọi chuyện diễn ra hoàn toàn tự phát…”.
Anh bí thư Hội An là bạn tâm đắc của tôi. Tôi biết anh từng nhiều đêm mất ngủ, vắt tay lên trán, thao thức đến sáng trắng, đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, lo cứu lấy Hội An, cứu văn hóa Hội An, bởi văn hóa là cái phải lo cứu lấy từng ngày, ở đâu và xưa nay đều vậy. Đã là văn hóa thì bao giờ cũng mong manh mà…Tôi nói chuyện Hội An lần này vì, xin thú thật, đang nghĩ đến Hà Nội, đến chuyện mở rộng Hà Nội với quy mô nghe đến kinh hoàng đang làm xôn xao dư luận, không chỉ dư luận, xôn xao tận đáy tâm tư mỗi người Việt. Nhiều người đã lên tiếng về các mặt lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, đất đai…, những lý lẽ đầy tâm huyết và cũng đầy thuyết phục. Tôi cũng không thể không xin góp một tiếng nói nhỏ.
Quá trình đô thị hóa là một quá trình chung, tất yếu, với những quy luật chung, đồng thời cũng là quá trình riêng, với những quy luật riêng của mỗi đô thị. Vậy thử nghĩ về quy luật đô thị hóa của Hà Nội xem sao, có gì độc đáo, khác biệt, tạo nên vẻ khác biệt, độc đáo không thể thay thế của nó, nhất là hiện nay khi ta đang muốn quy hoạch lại Hà Nội với ý đồ lớn và quy mô lớn chưa từng có.
Có thể như thế này chăng: một đặc điểm nổi bật của quá trình đô thị hóa Hà Nội là Hà Nội được hình thành, từ ban đầu, và trong suốt quá trình lịch sử, bằng một quá trình hội tụ văn hóa rất độc đáo, rất tập trung, và lâu dài. Ai cũng biết Thăng Long – Kẻ Chợ - Hà Nội trước tiên đã được hình thành bằng con đường hội tụ các làng nghề, vốn rất đặc sắc ở một vùng trung tâm của Bắc Hà. “Ba mươi sáu phố phương” (36 chỉ là một cách nói ước lệ để chỉ số nhiều, thật ra có đến hàng trăm phố phường, tôi đã thử đếm rồi) là một dấu vết sâu đậm của quá trình ấy, còn đậm không chỉ trong tâm tưởng mà cả trong đời sống thực tế cho đến tận ngày nay. Hội tụ làng nghề đương nhiên là hội tụ kinh tế. Nhưng ai cũng biết, làng nghề, vốn bắt đầu (và tồn tại lâu dài) theo phương thức thủ công, tức lấy sự khéo léo, tinh vi, cả tâm hồn người thợ, tài hoa của họ, thậm chí cả chất nghệ sĩ tiềm ẩn tích tụ lâu đời trong họ, nên cũng là văn hóa, thậm chí văn hóa theo nghĩa mộc mạc mà gốc gác, sâu xa nhất của văn hóa. Hà Nội là hội tụ văn hóa, đó là một điều cần khẳng định và đặc biệt nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu trong mọi suy tính về Hà Nội. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta nhắc đến Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược có tính đột phá của ông, quyết rời rừng núi kín đáo mà chật hẹp Hoa Lư, ra đứng hiên ngang giữa đồng bằng sông Hồng trống trải, đối mặt với không gian mới rộng mở, chấp nhận thách thức mới để tìm cơ hội phát triển mới cho dân tộc. Yếu tố địa-chính trị-quân sự trong quyết định dũng cảm này thật vĩ đại. Riêng tôi, tôi còn muốn nghĩ thêm đến một khía cạnh nữa, có thể cũng quan trọng không kém: Ra Thăng Long, cũng là Lý Thái Tổ muốn đến đứng tại trung tâm của vùng văn hóa Việt lâu đời nhất và đặc sắc nhất, Việt nhất. Thậm chí rất có thể phương diện văn hóa này nằm ở vị trí then chốt trong quyết định lớn của ông, là cái nền của những phương diện khác được tính toán kia. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất của triều đại Lý, rồi đến Trần, là ý thức mạnh mẽ về việc xây dựng một nền móng tư tưởng văn hóa độc lập cho dân tộc, tạo động lực cơ bản cho một thời đại mới của dân tộc, thời đại phục hưng và phát triển độc lập hùng cường sau 1000 năm Bắc thuộc. Không phải ngẫu nhiên mà chính trong thời kỳ này đạo Phật, vốn được du nhập rất sớm vào nước ta, cả vài thế kỷ trước công nguyên, và ở tại trung tâm Luy Lâu vào loại lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, tức chính vùng Bắc Ninh với nhiều làng nghề đặc sắc vừa nói trên kia, đã được tổ chức nghiên cứu, Việt hóa, đậm đà nhất, một sự tìm tòi căng thẳng, vừa uyên bác vừa thực tế, kết hợp triết lý Phật giáo với văn hóa truyền thống Việt vốn có từ Hùng Vương. Lý Thái Tổ vốn từng là một người học trò chăm chỉ tại một ngôi chùa Phật bên Bắc Ninh … Nghĩa là nếu quyết định định đô Thăng Long là một quyết định chính trị, thì đó thật đúng ra là một quyết định chính trị-văn hóa, văn hóa-chính trị; nếu Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước thì đó là một trung tâm chính trị-văn hóa, văn hóa-chính trị. Khởi đầu là vậy, quá trình là vậy, quy luật là vậy, nay cũng là vậy…
Chất văn hóa ấy, với tất cả chiều sâu lâu đời và tinh tế, thấm sâu trong mỗi con người Hà Nội, không khí Hà Nội, mọi sinh hoạt Hà Nội, trong cái gọi là “chất Hà Nội” – cũng như “chất Hội An” vậy – riêng có và không gì thay thế được. Và văn hóa thì, thường vậy, vừa to lớn vừa được biểu hiện trong những thực thể rất nhỏ nhoi, rất ít được chú ý, rất dễ bị bỏ qua, thường khi mất đi rồi mới chợt thấy, chợt nhận ra, nhận ra thì không còn nữa rồi, mới hay rằng nó là quý biết bao, vô giá, chẳng tiền của nào và chẳng bao giờ mua lại được nữa …
Vậy mà, cũng phải nói thật điều này thôi, hình như trong quản lý Hà Nội lâu nay ta lại quá ít chú ý điều này, ít chú ý nhất, quá dễ hời hợt, cả bừa bãi nữa trong các quyết định của mình, quyết định xóa bỏ, “giết chết” cái này, để cho tồn tại cái kia, phát triển cái nọ, tùy tiện, vội vã, mà lại rất quyết đoán! Chẳng hạn, cũng xin nói luôn một lần cho xong, quyết định xóa bỏ hàng rong trên các đường phố Hà Nội “để cho Hà Nội sạch sẽ, tinh tươm, văn minh hơn”, người ta bảo vậy. Quả thật tôi không biết là “văn minh”nào? Hàng rong, thậm chí ngồi xổm trên vỉa hè ăn hàng rong là một nét văn minh của Hà Nội, mất đi rồi mà xem, Hà Nội sẽ mất đi một cái gì đó rất Hà Nội, rất Thạch Lam, rất Nguyên Tuân, rất Vũ Bằng, rất Phái … có hàng trăm ngôi nhà cao đến 7-8 chục tầng đang định xây để đua đòi với thiên hạ cũng chẳng thay thế được đâu. Những quầy sách bé tí bên bờ sông Seine là một nét văn minh không gì thay thế được của Paris, vô cùng đáng yêu và vô cùng văn hóa của Paris. Tôi cũng đã từng tận mắt nhìn thấy các hàng rong bán đủ thứ từ vật lưu niệm cho đến quần áo của người Hoa ngay trên hè phố New York, những xe bán hàng rong của người Việt trên đường phố Washington DC, không xa tòa Bạch Ốc… Ta muốn dọn hết cho văn minh hơn họ chăng? …
Những năm qua cũng đã diễn ra một cuộc tàn phá dữ dội các làng nghề truyền thống nổi tiếng quanh Hà Nội, cả các chùa chiền lâu đời, đẹp đến mê hồn, và là nơi tích tụ lịch sử, văn hóa, tư tưởng của hàng nghìn năm văn minh Việt. Một trong những lực lượng đã tấn công và đang tiếp tục tấn công, đến mức hầu như chắc chắn sẽ tiêu diệt hẳn các di tích ấy là các khu công nghiệp hiện đại đang liên tục và hỗn hào mọc lên như nấm. Hà Nội sẽ là một Hà Nội như thế nào, sẽ còn gì là Hà Nội, với một Hà Nội đang mở rộng ra mênh mông, trên chính những vùng văn hóa cổ xưa ấy, để thành một trung tâm kinh tế, một trung tâm công nghiệp hiện đại? Sao Hà Nội lại đi đua công nghiệp hóa với Thành phố Hồ Chí Minh? Hình như còn định đua cả về nhà cao nhất nước và dân số đông nhất nước nữa kia.
Những người có trách nhiệm và có quyền đối với Hà Nội nên nhớ rằng Hà Nội, Hà Thành, Tràng An mà mình đang lãnh trách nhiệm trước lịch sử, cả với cha ông nghìn năm trước và con cháu bao thế hệ sau, có một chỗ mạnh không ai bì được là sự thanh lịch. Và thanh lịch là biết sang trọng mà không đua đòi. Không huênh hoang. Không cần to lớn, bề thế. Và nhất là trong sạch. Tôi biết anh bạn tôi, người lãnh đạo đêm đêm vẫn thao thức vì Hội An, là một người trong sạch đến mức có người bảo anh ta hơi “gàn”!
Có ai đêm đêm trằn trọc vắt tay lên trán để lo đến sự mất còn của những cái rất nhỏ nhoi mà trường cửu vô giá của Hà Nội trong những toan tính hẹp rộng nhỏ to của Hà Nội hôm nay.Bài học của phố cổ nhỏ Hội An, vậy đó, chẳng nhỏ chút nào. Người Tràng An từng rất văn hóa nhất nước nghĩ sao?
Nguyên Ngọc(Tia sáng)

No comments:

Post a Comment