Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(15):

Kiến trúc sư được mệnh danh là những người tạo ra bộ mặt cảnh quan đô thị. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, họ là người có nhiệm vụ kế thừa, phát triển và thiết kế nên bản sắc văn hóa của công trình, đô thị và quốc gia. Nói thế để thấy rằng người kiến trúc sư có vai trò rất lớn lao và quan trọng.
Nghề đẹp và khó
Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Một kiến trúc sư (KTS) thành công là người biết dung hòa hai mảng có vẻ mâu thuẫn đó trong công việc. Vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ, gò mình vào các tính toán khô cứng. Nhưng chính hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy lại tương hỗ nhau, giúp người KTS sáng tạo ra những sản phẩm kiến trúc.
Trong một thiết kế công trình, có 4 tiêu chí được đặt theo thứ tự: Thích dụng, bền vững, thẩm mỹ và tinh tế.
Tính Thích dụng của công trình được đặt lên hàng đầu bởi nó quyết định công năng của công trình, nhằm tạo ra tiện ích cao nhất cho người sử dụng. Thẩm mỹ chỉ đứng ở hàng thứ 3, nhưng lại rất quan trọng. Người ta thường nhìn vào “mặt tiền” trước để đánh giá “tài năng” của KTS, đây cũng là điểm (đôi khi) khiến cho KTS phải hy sinh công năng của công trình để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng.
Có thể ví von công trình giống như một cơ thể sống: công năng tốt đảm bảo cho các cơ quan nội tạng hoạt động ổn định, trao đổi chất thuận lợi. Sự bền vững tượng trưng cho sức khỏe, còn tính thẩm mỹ tượng trưng cho áo quần, sắc đẹp và các make-up bên ngoài.
Tuy nhiên, sai lầm của nhiều KTS là quá quan tâm đến vẻ đẹp công trình mà bỏ rơi sự bền vững và công năng. Sai lầm này rất dễ phát hiện ra khi công trình đó được đưa vào sử dụng.
Tâm sự người trong nghề
“Tôi là một KTS trẻ, mọi chuyện đối với tôi cũng rất bình thường; có thể coi là may mắn hơn nhiều người, cũng có thể là sẽ kém may mắn hơn rất nhiều người khác. May mắn nhất là tôi vẫn giữ được lòng yêu nghề, vẫn giữ được sự hăng hái tham gia vào các dự án lớn, chịu trách nhiệm nặng nề và vất vả cho dù thu nhập còn hạn chế.
Một đàn anh trong nghề có lần nói với tôi: “Làm thiết kế cho khách hàng cũng như… đi câu cá, luôn phải cân nhắc: nên chọn mồi con cá thích hay là mồi mình thích?”. Một đồng nghiệp người nước ngoài cũng bảo tôi: “Không có KTS giỏi mà chỉ có nhà đầu tư giỏi kiến trúc”.
Nhiều người chỉ xem KTS là dân “cò”, lợi dụng quy định để làm tiền. Vai trò tư vấn, thiết kế của KTS chưa được coi trọng đúng mức, cho nên KTS vẫn phải đi “câu cá” dài dài.
Trong công việc, KTS trẻ thiếu kinh nghiệm thường gặp phải những tình huống không biết nên khóc hay nên cười. Chủ nhà làm việc với KTS từ các bản vẽ thiết kế sơ phác đến chi tiết rồi xin photocopy lại để bàn bạc với các thành viên trong gia đình. Sau đó họ tìm cách bác ý kiến của KTS và không ký hợp đồng, để rồi lại dùng chính thiết kế ấy để tự xây dựng… mà không phải trả khoản nào cho lao động chất xám của KTS.(Ghi theo lời kể của KTS Đ.Đ.Hải, Công ty Tư vấn Xây dựng và Thiết kế A&D, Hà Nội).
Nghề kiến trúc sư: Nghệ thuật và Kỹ thuật
Nghề KTS có thích hợp với phụ nữ?
Hiện nay số lượng các nữ sinh viên học ngành kiến trúc ngày càng đông, trong số đó có nhiều bạn học rất xuất sắc. Điểm mạnh của họ là thiên hướng “vị nghệ thuật” nên trong các thiết kế luôn mang nét nữ tính, trang nhã, nhẹ nhàng.
Số các nữ KTS thành công cũng không hiếm. Với đề tài “Reload” (tìm lại), nữ KTS Trần Mai Anh (hiện đang là giảng viên tập sự khoa Quy Hoạch ĐH Kiến Trúc Hà Nội) đã đạt giả nhất cuộc thi quốc tế mang tên “Xưởng thiết kế mùa hè Cergy- Pontoise” tổ chức tại Pháp tháng 9-2005.
Năm 2004, giải thưởng kiến trúc hàng đầu thế giới, Pritzker Architecture Prize, lần đầu tiên trong 25 năm hình thành và tồn tại, đã trao danh hiệu cao quý này cho bà Zaha Hadid. Nữ KTS người Anh gốc Iraq này đã làm việc hết sức mình để sáng tạo ra những công trình vĩ đại trên khắp châu Âu.

"Nghề của chúng tôi có 1.001 cách vẽ ra tiền..."
Sinh năm 1977, hành nghề kiến trúc tự do, Nguyễn Trương Quý nổi tiếng trong giới kiến trúc sư (KTS) trẻ không chỉ bằng những công trình dân dụng mang phong cách trẻ trung, giản dị mà còn bằng những bài viết về kiến trúc rất sắc sảo, thậm chí gay gắt đến độ chua chát.
Người ta vẫn bảo bây giờ là thời của các KTS. Việc xây dựng nhanh, nhiều, ồ ạt hiện nay khiến các KTS làm không hết việc...
Đúng là không ở đâu việc xây dựng lại dễ dãi như ở nước ta hiện nay, dù chỉ cần xây một ngôi nhà 20m2 thôi thì người dân vẫn phải qua 5-7 cửa với hàng tá con dấu. Người ta cứ xây và chẳng cần đến KTS đâu. Với những công trình trung bình thì có nhưng với mức thù lao 40.000-50.000 đồng/m2 thiết kế, một ngôi nhà 200m2 tốn 1 tỉ để xây dựng mà chỉ có 10 triệu thiết kế phí thì khó có thể có một bản thiết kế nhà nghề được.
Tôi làm ít, một năm chỉ khoảng 10-20 công trình, các bạn tôi làm hàng trăm công trình, trung bình một tuần vẽ xong một cái (tất nhiên là cùng 5-10 cộng sự), chỉ gọi là dùng Auto Cad cắt dán những chi tiết cần thiết thôi. Đó không phải là sáng tạo. Vì vậy với KTS trẻ chúng tôi, cơ hội kiếm tiền thì có, nhưng cơ hội hành nghề thì chưa hẳn.
Nhưng có cái gì cản trở các KTS tự do như các anh sáng tạo chứ?
Không có gì cản trở nhưng cũng không có gì khuyến khích. Tác phẩm kiến trúc không phải là tác phẩm văn học, âm nhạc hay hội họa, cứ sáng tạo âm thầm đi, thể nào cũng có ngày được in ra, được phổ biến và lúc đó khắc có tiền. Tác phẩm kiến trúc chỉ có thể xuất hiện khi có đơn đặt hàng. Muốn có đơn đặt hàng phải có những chủ đầu tư biết người biết của, đồng thời lại phải có tiềm lực kinh tế nữa. Họ là ai?
Theo tôi, hiện tại chỉ có thể là hai đối tượng: các cơ quan nhà nước dùng tiền ngân sách xây dựng những công trình lớn và những ông chủ tư nhân thuộc tầng lớp tinh hoa của xã hội - vừa có tiền vừa có gu thẩm mỹ cao. Cả hai đối tượng ấy đều ở quá xa so với phần đông KTS hành nghề.
Các công trình lớn xây bằng vốn ngân sách đều được đấu thầu công khai từ khâu ý tưởng kiến trúc kia mà? Có nghĩa là cơ hội bình đẳng cho tất cả các KTS hành nghề đấy chứ?
Tưởng vậy thôi. Khi người ta ra đề bài kèm theo yêu cầu người dự thầu phải có tiêu chuẩn “có kinh nghiệm thiết kế - thi công các công trình tương đương” thì đã bao hàm nghĩa đầu tiên là loại các KTS tự do, các công ty thiết kế nhỏ, rồi dần dần vào vòng trong là loại các công ty thiết kế trong nước.
Cơ hội tự nhiên rơi vào tay các công ty lớn của nước ngoài; nếu không thì lại là các công ty nhà nước với hàng chuỗi quan hệ chồng chéo về quyền lợi mà những người như chúng tôi không thể hiểu được. Kết quả là phần lớn các KTS ra trường trở thành các viên chức thiết kế chứ không phải các KTS.
Mà bản chất của viên chức là thừa hành chứ không phải sáng tạo. Cho nên khắp 64 tỉnh thành mới có những trụ sở UBND tỉnh, các tòa án tỉnh, các nhà văn hóa, các kho bạc giống hệt nhau. Có cảm giác như chúng được cùng một người thiết kế ra. Và người đó có thể nói một cách hình tượng là KTS viên chức.Còn các công trình dân dụng do tư nhân bỏ vốn? Và tư nhân vốn “biết người, biết của” hơn Nhà nước... Họ biết xót của hơn thôi vì là tiền túi họ bỏ ra, là mồ hôi nước mắt của họ. Nhưng còn biết đánh giá chính xác giá trị của một công trình kiến trúc thì tôi khẳng định là ở VN chưa có nhiều người như vậy đâu.
Muốn có một nền kiến trúc với các công trình kiến trúc thật sự và các KTS tên tuổi thì trước hết là xã hội phải có một tầng lớp tinh hoa có nhu cầu xây dựng, sử dụng, hưởng thụ, thẩm định những công trình ấy. Trong khi công việc hằng ngày của các KTS trẻ và tự do như chúng tôi là thuyết phục các chủ đầu tư chấp thuận những “sáng tạo” rất nhỏ của mình. Thuyết phục không được thì phải thỏa hiệp thôi. Cuộc sống mà!
Anh nghĩ gì về những cuộc tranh luận xung quanh thực trạng kiến trúc nước nhà trên báo chí, về các vụ việc tiêu cực trong đâu thầu thiết kế và thi công, các vụ KTS thông đồng với thi công và giám sát để rút ruột công trình?
Có vẻ như giới KTS chúng tôi có được diễn đàn để tranh luận bình đẳng với nhau, và nói tất cả những điều muốn nói về mọi vấn đề của nền kiến trúc nước nhà. Nhưng cứ theo dõi từ đầu đến cuối, bao giờ cũng chỉ là những gương mặt KTS tự do tranh luận với nhau, cùng lắm có thêm mấy chú, mấy anh ở Hội KTS tham gia diễn đàn, có bao giờ thấy các quan chức của Sở Kiến trúc - qui hoạch Hà Nội hay Bộ Xây dựng xuất hiện đâu.
Và vì họ không hề xuất hiện nên tôi cũng không tin là họ có lắng nghe và quan tâm đến những điều mà người làm kiến trúc và nhân dân - những người bị ảnh hưởng bởi sự qui hoạch kiến trúc của họ - cần đến.
Các vụ việc tiêu cực trong đấu thầu thiết kế, trong thi công vỡ lở, theo tôi, chỉ là một phần nhỏ của những cái “chưa bị lộ”. Là người thiết kế, tôi biết lắm, chỉ vẽ thêm một cái cửa sổ là thêm 3-4 triệu, một tòa nhà thêm vài chục cửa sổ, người vẽ ăn 1, người chạy vật liệu ăn 10, thi công ăn thêm bao nhiêu nữa…
Nói thật, nghề của chúng tôi có 1.001 cách vẽ ra tiền. Vấn đề vẫn là ở chỗ này này (đặt tay vào ngực trái)... Nói thì nó vừa sáo vừa sến nhưng chúng tôi còn trẻ, chúng tôi còn đang giữ được nó dù cho cũng có những khi phải vật lộn, đấu tranh, dù có những lúc cảm thấy mình bất lực, không muốn làm nghề nữa. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi vẫn đang làm. Và chúng tôi muốn được nhìn nhận đúng.
Trong các bài báo của mình, anh phê phán nặng thực trạng kiến trúc nước nhà. Anh có sợ rơi vào tình trạng mà nhiều bậc cha chú đã cảnh báo: “Bọn trẻ chưa làm được gì đã chê bai”?
Tôi nghĩ đó là thái độ nghiêm túc của một công dân, thay vì kêu ca hay chửi đổng trong các quán cà phê thì tôi đặt vấn đề thẳng thắn trên các phương tiện thông tin. Sắp tới, tôi định ra tiếp một cuốn sách có tên là Qui luật chậm dần đều. Theo quan sát của tôi, người trẻ chúng ta lúc mới đi làm ai cũng nhanh nhẹn, hăng hái. Rồi thời gian và căn bệnh công chức làm chúng ta chậm dần đi, héo mòn đi. Với nghề kiến trúc của tôi, điều đó càng trở nên tồi tệ, khủng khiếp, nó giết chết mọi sáng tạo, khát khao.

Thành công từ ý tưởng mọi nhà cùng vui
Vừa là giảng viên, nhà kinh doanh lại vừa theo đuổi nghề kiến trúc sư, đa năng là vậy, nhưng Nguyễn Thu Phong vẫn hoàn thành tốt cả ba công việc trên nhờ sự say mê sáng tạo.
Với Giám đốc Công ty TNHH Nhà Vui, kiến trúc là một nghề thú vị, pha trộn giữa kỹ thuật và mỹ thuật để tạo ra những tác phẩm làm đẹp cho cuộc sống. Năm 2000, ở TP HCM chưa có công ty nào đứng ra thiết kế nhà ở, trong khi nhu cầu của người dân ở đây lại rất lớn. Hầu hết các kiến trúc sư đều mê mải theo đuổi những công trình lớn mà vô tình bỏ qua thị trường hấp dẫn này.
Chứng kiến nhiều chủ nhà ăn không ngon, ngủ không yên vì chuyện xây nhà, thậm chí gia đình khốn đốn vì không lường hết chi phí phát sinh. Ý tưởng cung cấp một dịch vụ tiện ích cho khách hàng bằng chính nghề nghiệp của mình đã được bạn bè anh đồng lòng chia sẻ. "Lúc ấy, tôi chỉ có một ý nghĩ đơn giản là đem niềm vui đến cho khách hàng, muốn tạo một không khí ấm áp, phấn chấn khi họ bước chân vào ngôi nhà mới" anh nói.
Những năm đầu khi mới ra kinh doanh, anh thường ngậm ngùi vì quá ít thời gian cho nghề. Anh tự an ủi mình phải biết chấp nhận làm một kiến trúc sư trung bình khá để điều hành công ty cho tốt. Với anh, có được Nhà Vui hôm nay là nhờ sự nỗ lực của một tập thể 40 kiến trúc sư trẻ.
Nguyễn Thu Phong sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở TP HCM và coi đó là quê hương thứ hai của mình. Yêu chất năng động, trẻ trung, giàu sức đột phá của người miền Nam, anh mong muốn được cùng đồng nghiệp đóng góp cho việc cải thiện cảnh quan đô thị để TP HCM ngày càng tươi đẹp hơn.
"Nhịp sống của thành phố luôn biến chuyển, sẽ rất buồn nếu một ngày nhịp thở này chậm lại", anh nói. Nếu mỗi người chưa đủ khả năng để xây dựng những công trình lớn thì những công trình với quy mô nhỏ thôi, nhưng giàu sức sống và mang đậm dấu ấn sáng tạo cũng sẽ góp phần làm bộ mặt thành phố đẹp hơn.

Quán cà phê của cô kiến trúc sư trẻ
Ẩn mình trên gác hai, một căn nhà xây kiểu Pháp cổ ở phố Hàng Bài (Hà Nội), Cà phê Chuồn chuồn Phố được mở ra không chỉ vì mục đích kinh doanh, mà còn là nơi để cô chủ Trang thể nghiệm những ý tưởng kiến trúc "phá cách" của riêng mình.
Làm nghề kiến trúc sư, chuyên đi thiết kế nội thất cho các ngôi nhà, điều Trang luôn trăn trở là những lối mòn trong suy nghĩ, trong thị hiếu của người tiêu dùng. Đó cũng là lý do Trang thay đổi rất nhiều công ty và giờ cô làm kiến trúc sư tự do. Trang cho biết, với mỗi công trình bao giờ cô cũng làm hai bản vẽ, một bản theo những khuôn mẫu có sẵn và một bản theo phong cách sáng tạo riêng. Và kết quả thì luôn biết trước. Dù không ít nhà thầu tỏ ra thích thú với những thiết kế phá cách của cô, nhưng họ không bao giờ chọn để thi công, chỉ vì một lý do lợi nhuận.Lối lên Chuồn chuồn Phố là một cầu thang hẹp, chỉ đủ một người đi. Vượt qua cầu thang nhỏ, đầy bí hiểm, nhiều người choáng ngợp bởi một không gian rộng lớn mở ra trước mắt, tưởng mình lạc vào thế giới đồng quê, trong những câu truyện cổ tích của bà, của mẹ.
Lấy cảm hứng từ dân gian, với những bờ ao, con kênh, những người nông dân sớm hôm chài lưới, quán được thiết kế trên nền hai chất liệu chủ yếu là gỗ mộc và nan tre. Từ chiếc bình hoa trên bàn, đến quyển thực đơn đều được làm bằng tay với một nét riêng độc đáo. Thực đơn được làm bằng chất liệu giấy gió, với nét chữ viết tay rất mộc mạc như chất liệu nền của nó, trên đó là tên những món rất gợi cảm như Chuồn chuồn Cam, Diễm xưa, Hạ Trắng...
Trần Tâm, sinh viên ĐH Kinh Doanh và Công nghệ, một khách quen của quán cho biết:: "Mình thực sự ấn tượng, với phong cách thiết kế. Có những thứ dường như chỉ có thể thấy trong tưởng tượng hay trong những trò chơi của trẻ thơ thì ở đây nó lại là hiện thực". Nhiều người đến đây để tìm cảm hứng sáng tạo. Chính sự phá cách độc đáo của quán, khiến người ta thêm tin rằng: "Không có gì là không thể".Vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt trái xoan với nụ cười tươi tắn, không ai nghĩ Trang sinh năm 82. Gia đình không có ai làm kinh doanh nhưng cô lại có ham thích đặc biệt với công việc này từ nhỏ. Trang có "phi vụ" kinh doanh đầu tiên khi đang học cấp hai. Cô cùng mấy người bạn mở một cửa hàng lưu niệm ở Văn Điển, bán những đồ do chính tay họ làm. "Khi đó, sáng nào mình cũng đạp xe hơn chục cây số từ nhà đến tận Văn Điển để bán hàng" Trang kể. Nhưng hết thời gian nghỉ hè, quầy hàng cũng phải đóng cửa vì các cô chủ nhỏ bận đi học. Sau đó suốt từ thời cấp 3, đến sinh viên Trang còn nhiều vụ kinh doanh nữa, bán hoa, bán kẹo, bán bóng bay... "Mình tận dụng mọi cơ hội để có thể bán cái gì đó kiếm tiền", Trang cười hóm hỉnh.
Phi vụ làm ăn "không chính thống" cuối cùng và cũng là thất bại "đau đớn" nhất của Trang là một lần làm thầu trại. Khi đó cô đang học năm thứ 4 đại học. Biết được một trường cấp 3 tổ chức đi dã ngoại. Trang cùng một người bạn đứng ra nhận thầu toàn bộ việc cắm trại và tổ chức. Khi cả trường đã đến nơi, đợi hàng tiếng đồng hồ vẫn không thấy trại đâu. Nguyên do là cửa hàng cho thuê lều trại mà Trang đặt đã không đúng hẹn. Sau thất bại này cô tự nhủ: "Mình không có khiếu kinh doanh, từ giờ không động đến chuyện làm ăn nữa".
Nhưng đến tháng 8/2006 cùng một cô bạn thân, Trang mở quán, cô lại bước vào nghiệp kinh doanh. Chuồn Chuồn Phố, một tay Trang thiết kế, lăn lộn hàng tháng trời cuối cùng cũng thành hiện thực. Quán mở ra, lại có khó khăn mới, lượng khách rất ít ỏi. Tuy nằm trên tuyến phố khá trung tâm, nhưng lại ở gác 2, người đi đường chỉ biết đến quán qua một biển hiệu khiêm tốn. Nhiều người thậm chí đã biết địa chỉ nhưng vẫn không thể tìm được quán. Ba tháng đầu Trang phải bỏ tiền túi để trả lương cho nhân viên, và tất nhiên không có lương cho mình. Vừa phải duy trì nghề kiến trúc để kiếm tiền, vừa phải lăn lộn với quán. "Nhưng khó khăn nhất với Trang lại là vấn đề niềm tin. Không phải lúc nào mình cũng đủ can đảm để tin rằng những ý tưởng của mình là đúng đắn", Trang tâm sự.
Vượt lên khó khăn, sau hơn một năm hoạt động, giờ quán đã có lượng khách ổn định, và đang ngày càng có lãi, nhưng với Trang còn một thứ thu nhập khác. "Tìm được những sự đồng cảm, đó là thu hoạch lớn nhất của mình. Cảm giác đơn độc đôi khi đáng sợ hơn người ta tưởng rất nhiều", Trang nói.
Dự định của Trang là sẽ có thêm Chuồn chuồn Phố 2, 3 và nhiều nữa. "Những quán sau với số vốn dày hơn, mình sẽ có thêm đất để thực hiện các ý tưởng", Trang nói. Giờ đây, bên cạnh việc điều hành quán, Tramg vẫn không bỏ nghề kiến trúc, nhiều khi chính Chuồn chuồn Phố lại mang đến cho cô các khách hàng tiềm năng.

NGHỀ KIẾN TRÚC: THÁCH THỨC VÀ HỘI NHẬP
Nếu qui định được trách nhiệm rõ ràng giữa thiết kế và thi công, việc quản lý sẽ đơn giản, mọi vi phạm đều có pháp luật xử lý. Bên thiết kế chủ yếu bảo đảm công năng sử dụng, mỹ thuật kiến trúc, giám sát công trình. Do uy tín nghề nghiệp, trách nhiệm trước pháp luật, cạnh tranh về chất lượng, đơn vị thi công thường tự tổ chức giám sát riêng, với đội ngũ chuyên viên có trình độ.
Ưu tiên cho một mô hình quản lý xây dựng
Tôi không đồng tình lắm với nhận xét cho rằng tất cả các công trình xây dựng của ta đều yếu kém. Có lẽ một số công trình nhà nước thì như vậy thật, nhưng công trình tư nhân, nhất là công trình sở hữu nước ngoài đa phần đều tốt. Rồi ai cũng ngạc nhiên: vì sao cũng với những công nhân, kiến trúc sư, kỹ sư người mình đó, nhưng xây cất công trình cho nước ngoài thì tốt, mà làm công trình cho mình thì lại rất dở?
Xem xét lại thì rõ ràng ta chưa làm tốt khâu cơ bản đầu tiên: Quản lý xây dựng. Yếu nhất là khâu giám sát thi công. Thực tế ở các nước, vào bất cứ thời đại nào, nếu không quản lý chặt chẽ, trách nhiệm phân chia không rõ ràng, tiêu cực vẫn có.
Trước tình trạng thất thoát lãng phí đó, thay vì tìm ra các giải pháp căn cơ, ngăn chặn tận gốc thì phải chăng ta chỉ đề ra các biện pháp mang tính đối phó tình thế. Như tăng cường bộ máy kiểm tra phức tạp nhiều tầng bậc; ban hành thêm qui định mới, chồng chéo nhau; giao phó cho nước ngoài thiết kế và thi công... Làm như vậy, trong tình hình pháp lý chưa rõ ràng, năng lực cán bộ quản lý còn yếu lại quan liêu, xử lý vi phạm chưa minh bạch thì chỉ gây thêm khó khăn cho người làm nghề kiến trúc.

Vì sao để giải quyết vấn đề trên, ta không làm một cách đơn giản hơn? Đó là ưu tiên rà soát và ấn định lại các qui định, thủ tục điều hành công tác quản lý xây dựng: đơn giản, chặt chẽ, khả thi, nhằm bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thiết kế và thi công. Nhìn ra các nước chung quanh, họ đều có kinh nghiệm và làm tốt khâu này, ta cần học hỏi. Tham khảo rồi chọn một mô hình nào phù hợp và đạt được chất lượng công trình tốt nhất, có biện pháp hữu hiệu, tránh tiêu cực, thất thoát lãng phí trong xây dựng.
Nếu qui định được trách nhiệm rõ ràng giữa thiết kế và thi công, việc quản lý sẽ đơn giản, mọi vi phạm đều có pháp luật xử lý. Bên thiết kế chủ yếu bảo đảm công năng sử dụng, mỹ thuật kiến trúc, giám sát công trình. Do uy tín nghề nghiệp, trách nhiệm trước pháp luật, cạnh tranh về chất lượng, đơn vị thi công thường tự tổ chức giám sát riêng, với đội ngũ chuyên viên có trình độ.
Điều đó, ngành kiến trúc xây dựng ở miền Nam trước 1975 đều làm. Các công trình xây dựng tại Sài Gòn thời đó như Dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia, Khách sạn Caravelle, Bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất), Trường Y khoa... đã áp dụng mô hình này, chất lượng và thẩm mỹ cho đến nay không có vấn đề gì đáng phàn nàn.
Xác định vai trò thiết kế của kiến trúc sư
Trước đây ở Sài Gòn và nay thì cả thế giới đều áp dụng việc phân công tách bạch các khâu thiết kế và thi công trong xây dựng công trình. Chỉ có ở nước ta là có tình trạng mập mờ và nhập nhằng này mà thôi!
Kiến trúc sư chủ yếu đảm trách phần công năng, mỹ thuật công trình: bố cục, kiểu dáng, hình khối, màu sắc, vật liệu, tổng dự toán. Theo thông lệ quốc tế, phần thiết kế thể hiện (kết cấu, điện, nước) được chuyển qua khâu thi công, giải tỏa trách nhiệm của kiến trúc sư không có điều kiện quán xuyến hết mạng lưới kỹ thuật rất phức tạp. Căn cứ trên hồ sơ thiết kế kiến trúc, bên thầu đảm trách việc này vì một công ty thầu đúng nghĩa đều có bộ phận chuyên viên, kỹ sư riêng.
Một khi đã có phân công rạch ròi, đơn vị thi công chịu trách nhiệm về phần kết cấu từ 10 đến 15 năm, các phần khác từ 1 đến 2 năm. Xảy ra sự cố, bên thi công phải sửa chữa, làm chậm có thể mất tiền ký quỷ, bảo hành và nếu nghiêm trọng hơn thì đưa ra tòa xét xử theo luật.
Ở đây có một vấn đề cần lưu ý ngay. Do những mâu thuẫn và khó khăn trong thiết kế, nhiều người trách nhiệm bộ ngành, thành phố đã không tìm hiểu giúp khai thông bế tắc mà vội vàng gây cả phí phạm không sử dụng đội ngũ chuyên viên người mình cần việc làm. Tôi đã thử phân tích và nhìn thấy hầu hết công trình do nước ngoài đảm trách đơn giá quá cao, điều hành bảo quản tốn kém, không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam (lạm dụng điều hòa nhiệt độ, ít tận dụng ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, không phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới). Trong thực tế, điều này tạo điều kiện cho người nước ngoài giành hết công ăn việc làm, rồi tiếp tục thuê mướn lại chuyên viên và nhân công trong nước làm thay với lương rẻ!
Trước đây ở Sài Gòn và tại tất cả các nước, giới thiết kế nước ngoài làm ăn tại nước nào đều bắt buộc phải hợp tác một cách nào đó với chuyên gia, người thiết kế tại chỗ. Điều này tôi nhìn thấy trước 1975 người ta đã làm và Trung Quốc thì đã áp dụng cách đây trên 20 năm rồi.
Nói như vậy, không phải ta cứ chủ quan cho rằng cái gì mình cũng giỏi, không cần kinh nghiệm của người. Phải nhìn nhận có một số công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao ta chưa có kinh nghiệm, vẫn cần tư vấn nước ngoài. Nhưng không phải công trình nào cũng cần làm như vậy, mà nên làm kiểu sao cho họ phải hợp tác với người mình để ta học hỏi được thêm. Trung Quốc chẳng hạn, nay tuy đã khá, vẫn không ngần ngại tiếp tục thuê tư vấn nước ngoài cho các công trình lớn và phức tạp về kỹ thuật, nhưng bản thân chuyên gia họ đều được hợp tác làm việc với chuyên gia nước ngoài.
Một Đoàn nghề nghiệp đích thực
Suốt mười năm qua, anh em trong nghề không ngớt tranh luận và tìm kiếm phương cách tập hợp nhau lại, nhằm tạo sức mạnh trong hoạt động nghề nghiệp đạt hiệu quả cao.
Phải nói lực lượng kiến trúc sư và kỹ sư của ta nay đã khá đông đảo, nhưng hoạt động còn rất phân tán. Một số làm việc trong cơ quan nhà nước, đa phần thì chưa có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt đối với giới trẻ hành nghề càng khó khăn hơn, thường phải bươn chải tự làm lấy (do chưa được đào tạo hành nghề ở nhà trường hoặc thực tập cụ thể sau tốt nghiệp). Không ít người phải tìm kiếm nghề khác kiếm sống. Số đeo bám nghề, phải thỏa hiệp, móc ngoặc để có việc làm, tranh giành nhau rất mất đoàn kết, vì vậy mà hoạt động nghề nghiệp khó đạt hiệu quả cao.
Đất nước đang bước vào thời tích cực hội nhập với khu vực và thế giới, khối lượng xây dựng cơ sở vật chất là rất lớn (từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài, tư nhân trong nước). Nếu ta chấn chỉnh lại đội ngũ, tổ chức nghề nghiệp rõ ràng, tìm biện pháp nâng cao tay nghề anh em trong nước thì đây là thời cơ hiếm giúp cho lực lượng xây dựng nước mình có cơ hội phát triển nghề nghiệp ngang tầm thế giới.
Tôi nhận xét thấy hình như ta đang lúng túng giữa hai mô hình tổ chức nghề nghiệp:
Hoặc như Trung Quốc vẫn duy trì Hội kiến trúc sư quy về một mối lực lượng thiết kế, nhưng nhằm đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường vẫn hình thành các tổ chức thiết kế tư vụ cùng một số tập đoàn thiết kế & thi công lớn, đầy đủ năng lực kỹ thuật và nhân sự tay nghề cao, có thể cạnh tranh ngang ngửa với nước ngoài.
Hoặc theo gương hầu hết các nước trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam á (và cũng là mô hình Sài Gòn trước 1975), hình thành Đoàn chuyên nghiệp về nghề thiết kế kiến trúc, hoạt động tương tự như Đoàn Luật sư hiện nay.
Nay ở ta, phải chăng đang có sự nhập nhằng về các quan niệm tổ chức “Hội kiến trúc sư” (hoạt động đoàn thể) hay “Đoàn kiến trúc sư” (hoạt động nghề nghiệp). Theo thông lệ quốc tế và lề lối hành nghề trong nền kinh tế thị trường, văn bằng cấp phát ở đại học chỉ là một chứng chỉ xác nhận trình độ đào tạo chuyên môn, Đoàn nghề nghiệp mới là tổ chức quyết định về việc hành nghề tư vụ. Tốt nghiệp bất cứ một môn học nào, sau một thời gian thực tập ta có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề, do tổ chức nghề nghiệp cấp phát. Đây là một dạng thi tuyển làm nghề, do nhà nước ủy quyền cho Đoàn nghề nghiệp thực hiện theo đúng Luật hành nghề chuyên môn nào đó. Đối với nghề kiến trúc cũng tổ chức như vậy, giống như Đoàn Luật sư, Đoàn Bác sĩ...
Phải chăng đó là những công việc cấp bách của tất cả anh em trong nghề kiến trúc chúng ta hôm nay. Dẫu làm muộn còn hơn không trước thách thức hội nhập cũng như yêu cầu việc làm của đội ngũ ngày càng đông đảo kiến trúc sư trẻ.

KTS. Nguyễn Hữu Thái (Canada)
* Nghề kiến trúc trước những thách thức mới
Đối mặt với nền văn minh mới
Vào những năm 1990 khi còn ở Mỹ, bất ngờ đọc cuốn sách “Tạo dựng một nền văn minh mới - chính trị của làn sóng thứ ba” của nhà tương lai học Alvin Toffler, tôi thực sự thích thú lẫn kinh ngạc. Ông đã mô tả được những nét chính của xã hội nền văn minh hậu - công nghiệp thế kỷ 21 mà giới kiến trúc chúng ta hằng quan tâm:
- Tập trung một số trung tâm kinh tế - tài chính cực lớn.
- Đổi mới nguồn năng lượng.
- Giải pháp đô thị hóa, đưa con người quay về với thiên nhiên.
- Sản xuất nông nghiệp năng suất cao dựa vào công nghệ sinh học mới.
Những điều đó có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với các phác họa về xu thế phát triển kiến trúc - đô thị thế giới thế kỷ 21. Các chuyên gia đô thị Mỹ ngày nay đang nói nhiều về sự phát triển của những “làng đô thị” (urban villages) hoặc những “Chòm đô thị” (urban constellations) trong một “Ngân hà đô thị” (metropolitan galaxy).
Những nhà kiến trúc châu á đang chủ trương từ bỏ nền kiến trúc - đô thị công nghiệp phương Tây và quay về với kiến trúc dân gian hiện đại mang tính sinh - khí hậu. Nếu kỷ nguyên công nghiệp sản sinh các thành phố, thì kỷ nguyên thông tin hậu - công nghiệp có thể phi tập trung chúng.
Nhắm chuẩn bị cho tương lai không còn xa đó, các nhà kiến trúc Âu Mỹ ngày nay được cập nhật hóa kiến thức về tiết kiệm năng lượng, thiết kế kết hợp công nghệ cao và phù hợp với điều kiện sinh - khí hậu tại chỗ. Người ta đang khẩn trương tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác, không gây ô nhiễm và nhất là không cạn kiệt (khí sinh, mặt trời, gió, dòng nước, thủy triều...). Sản xuất nông nghiệp dựa vào toàn bộ các hệ sinh thái đa dạng với công nghệ vi sinh, vi tính hóa.
Những phác họa mới của nền văn minh thế kỷ 21 đó là hết sức quan trọng đối với những nước như chúng ta trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế - xã hội phát triển tương lai. Nó giúp ta kịp thời tránh những sai lầm xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật kiểu xã hội công nghiệp thế kỷ 20, rất tốn kém nhưng sẽ sớm bị lạc hậu trong cấu trúc xã hội hậu - công nghiệp thế kỷ 21.
Hành nghề kiến trúc trong thế kỷ 21
Trong toàn cảnh nền văn minh thế kỷ 21 đó, một số vấn đề đặt ra cho những người làm nghề kiến trúc chúng ta: Liệu như vậy thì nghề kiến trúc còn tồn tại và duy trì như kiểu hiện nay không? Muốn sống còn, nghề phải thay đổi ra sao? Môi trường xây dựng mới sẽ tác động đến nghề như thế nào?... Đó là những vấn đề mà qua tiếp xúc với đồng nghiệp quốc tế khắp nơi, tôi cảm thấy họ thực sự lúng túng và lo âu.
Phải chăng tất cả chúng ta đều đang đối mặt với những đổi thay dữ dội, chẳng những tiến bộ công nghệ làm thay đổi sâu sắc đến thiết kế công trình mà các biến động to lớn về kinh tế và xã hội cũng tác động đến nghề nghiệp của chúng ta. Nhà kiến trúc đang bị sức ép từ nhiều phía: Khách hàng tinh tế và đòi hỏi hơn, lợi ích cộng đồng yêu cầu chất lượng thiết kế và quy hoạch linh hoạt hơn, sự cạnh tranh mãnh liệt từ ngoài nghề thu hẹp vai trò nhà kiến trúc, trách nhiệm pháp lý chi phối nhiều trong quá trình thiết kế trong khi thù lao chưa tương xứng. Nhiều năm qua, các hội kiến trúc sư phương Tây đã ý thức về mối âu lo này và tiến hành nghiên cứu những xu hướng xã hội, các tiến bộ kỹ thuật ảnh hưởng đến nghề kiến trúc, đến phương pháp hành nghề và khả năng nhà kiến trúc đáp ứng như thế nào đến thị trường và khách hàng tương lai.
Trước hết, những nghề truyền thống, trong đó có nghề kiến trúc sẽ đánh mất dần vai trò người chủ trì công trình (Master Builder) chỉ đạo thiết kế lẫn quá trình thi công;
ở Mỹ chẳng hạn, chỉ có 25% công trình xây dựng có sự tham dự của kiến trúc sư. Tuy nghề kiến trúc bị cạnh tranh gay gắt và khó tìm việc làm, vậy mà vẫn rất hấp dẫn đối với lớp trẻ. Tuyển sinh vào trường kiến trúc vẫn khá cao. Với số lượng kiến trúc sư tăng gấp đôi trong thời gian qua, nhiều người tốt nghiệp kiến trúc phải tìm việc trong những ngành nghề khác. Người ta nhìn thấy họ làm việc tại các công ty thầu xây dựng, địa ốc, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng…
Các văn phòng kiến trúc truyền thống sẽ dần nhường chỗ cho những công ty chuyên ngành xây dựng. Những công ty lớn cung cấp các dịch vụ bao gồm địa ốc, quy hoạch xây dựng và kinh tế, quản lý chương trình và quản lý xây dựng, quản lý công trình công cộng và thậm chí có thể cung cấp tài chính.
Giống như nghề thầy thuốc, nghề kiến trúc sẽ được đào tạo dưới nhiều dạng chuyên sâu về thi công, kỹ thuật khác của quá trình thiết kế. Công ty kiến trúc sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và hoạt động kinh doanh theo định hướng, và sẽ sử dụng người quản lý không chỉ tốt nghiệp ngành kiến trúc mà còn là những doanh nhân và luật sư. Họ sẽ cạnh tranh ráo riết và tìm cách cung ứng những dịch vụ khác với dịch vụ thiết kế truyền thống, hướng tới phục vụ công trình xây dựng từ A đến Z.
Biến động trong môi trường xây dựng mới
Dự kiến có những thay đổi lớn diễn ra trong môi trường xây dựng. Trước hết là do tác động của cuộc cách mạng tin học, sự xuất hiện những vật liệu xây dựng mới và cũng không kém phần quan trọng là tiến bộ của ngành sinh học. Sau đây là một số khả năng:
-Thiết kế kiến trúc sẽ rất đa dạng và phải đáp ứng đặc biệt cho các vùng khí hậu và tài nguyên khác nhau. Công trình xây dựng sẽ thích nghi và phù hợp với tự nhiên hơn.
- Máy vi tính và công nghệ thông tin sẽ được sử dụng ở khắp môi trường xây dựng, tham gia vào việc gíám sát và kiểm tra hầu hết những hệ thống xây dựng gồm: dữ liệu, chiếu sáng, hệ thống phát thanh phát hình, thang máy, phòng chống cháy, quản lý an ninh và năng lượng.
- Các kỹ thuật laser, phóng xạ, cáp quang (fiber optics) sẽ thay thế hệ thống chuyền tải điện năng hiện nay.
- Nguồn năng lượng không cạn kiệt từ thiên nhiên sẽ thay thế năng lượng hóa thạch (dầu mỏ) và được tồn trữ trong thiết bị gốm siêu dẫn. Đặc biệt ánh sáng mặt trời sẽ được thu gom và truyền dẫn qua cáp quang đến nội thất công trình.
- Con người sẽ dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác theo những đường ống chân không.
- Chất dẻo sẽ thay thế gỗ, kim loại, và những vật liệu xây dựng truyền thống. Công nghệ sinh học sẽ giúp tạo ra vật liệu xây dựng độ bền cao, công nghệ tái chế nhắm xử lý rác, làm sạch không khí và nước, và sản xuất năng lượng trong công trình xây dựng.
Dĩ nhiên là bảng danh sách này sẽ còn khá dài khi nói về những kỹ thuật và công nghệ mới trong môi trường xây dựng.
Cần chủ động thích ứng với những thay đổi
Tôi muốn trình bày những xu hướng và dự báo những động lực to lớn và toàn diện trong xã hội tương lai là nhắm xác định một điều: những biến động đó đang làm thay đổi cách chúng ta đang sống và làm việc, và chắc chắn là chúng cũng sẽ xảy ra với nhịp độ rất nhanh và mang tính toàn cầu.
Những khách hàng tương lai sẽ yêu cầu kiến trúc sư thích ứng với những sự thay đổi đó. Những người làm nghề kiến trúc chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những thách thức của tương lai, thích ứng với những động lực làm biến đổi môi trường xây dựng, và cụ thể là thế giới của chúng ta, trong một tương lai không xa.
Vấn đề là chúng ta không nên thụ động ngồi chờ mà phải biết chủ động thích ứng với thay đổi, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn, chuẩn bị tốt hơn để sáng tạo trong môi trường xây dựng, môi trường phục vụ thiết thực các nhu cầu thiết yếu đang làm thay đổi cuộc sống loài người trong thế kỷ 21.

*Nghề kiến trúc sư ở Hoa Kỳ:học khoảng 5 năm(Cal Poly Pomona, CA) là xong. California có 2 trường Đại học Kiến trúc đào tạo Kiến trúc sư ở 2 bậc đại học(Undergraduated - Bachelor of Architecture) và trên đại học (Master & PhD.): CPU Pomona và San Luis Obispo. Graduated(bằng Master/ thạc sĩ & Tiến sĩ/ PhD.) School of Achitecture ở đây có CPU Pomona & SLO, UC Berkeley - UCLA, cho 3 phân khoa: Achitecture, Urban Planning, Landscape Architecture. Ra trường rồi làm được ít nhất trên 2 năm thì thi lấy Licensed Architect(Regisrered). Ngành Kiến trúc phát triển rất mạnh tại Hoa Kỳ, tuy nhiên luật lệ cũng bị ràng buộc nhiều, với tiêu chí hàng đầu là an toàn, có độ tin cậy cao, và không ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, mọi Kiến trúc sư tại Hoa Kỳ này đều đang cố gắng lấy được 2 cái bằng, 1 là Licensed Architect (Registered with AIA - The American Institute of Architects - 7 tests total) và 2 là LEED-AP - Leadership in Egerny and Environmental Design-Accrediated Professional - covers in 6-Rating System ). Đây là 2 national tests khó mà mọi KTS đều phải trải qua. Building sau khi được thiết kế đều luôn cố gắng được công nhận là LEED@ credits- either là Certified, Silver, Gold, hoặc Platinum.Ngành kiến trúc tại Hoa Kỳ phát triển mạnh, lương thì không cao (range khoảng $35,000/yr - $140,000/yr tùy thuộc vào kinh nghiệm và level in firm), nhưng cơ hội thì rất nhiều. Kinh nghiệm cho thấy KTS từ Hoa Kỳ đi đến quốc gia nào cũng được trọng dụng lắm. Vì thật sự là thời gian đào tạo rất căng, và KTS phải được trang bị kiến thức rất rộng mới có thể pass được 2 cái tests trên. Văn phòng KTS bao gồm (từ thấp đến cao):- Drafter- Interior Designer- Intern- PA (Project Associate) - PC (Project Coordinator)- PD (Project Designer)- PM (Project Manager)- Senior Associate - Associate - Principal.
Nói chung là ngành này tại HK phải leo thang qua nhiều năm mới được làm Principal. Lương không cao nhưng rất được sự trọng dụng của xã hội.(Xin xem những bài tôi viết về đề tài này trên báo Thanh Niên & Tuổi Trẻ qua trao đổi và cung cấp với nhà báo Danh Đức).

No comments:

Post a Comment