Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(13): Đô thị hoá NAM BỘ

1. KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH CÁC TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH Ở NAM BỘ
1.1 Dười thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam được đẩy mạnh. Năm 1611 lập Dinh Phú Yên. Năm 1693 lập Dinh Bình Thuận. Đến năm 1698 Chúa Nguyễn Phước Châu sai Chưởng cơ trấn thủ Dinh Bình Khang Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân vào kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đông phố lập làm Phủ Gia Định, chia vạch ranh giới, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập Dinh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập Dinh Phiên Trấn. Mở đất được ngàn dặm, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chíng trở vào Nam tới ở, thiết lập thôn xã phường ấp, khẩn đất hoang, định tô thuế, lập sổ đinh. Sài Gòn chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ đó, trong một bối cảnh lịch sử có những nét đặc biệt góp phần quy định nhiều đặc điểm của tiến trình văn hóa Việt Nam ở địa phương về sau.
Năm 1679 Tổng binh Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu Trần Thượng Xuyên và Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch đem 50 chiến thuyềnvà 3000 người vào Quảng Nam xin quy phục Chúa Nguyễn. Chính quyền Đàng Trong tiếp nhận, cho Trần Thượng Xuyên tời Biên Hòa, Dương Ngạn Địch tời Mỹ Tho. Với kinh nghiệm hải hành và truyền thống buôn bán lâu đời, những người Hoa tỵ nạn chính trị này đã “vỡ đất hoang, lập phố xá”, thu hút thương nhân các nơi tới buôn bán, góp phần quan trọngtrong việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho quá trình khai thác Nam bộ của cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong.Trên phương diện giao lưu văn hóa, các đợt nhập cư với quy mô lớn của người Hoa như thế còn dẫn đến việc du nhập nhiều yếu tố văn hóa Hoa Nam vào Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Cùng với sự tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác như Chăm, Khmer, sự giao tiếp với thương nhân Nhật Bản, phương Tây… tình hình nói trên làm hình thành trong xã hội Việt Nam ở Sài Gòn một màu sắc đa dân tộc có kết cấu mở kiểu Đông Nam Á với phương thức phát triển liên tục đổi mới, năng động và trẻ trung.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng người Việt tiến vào đồng bằng Nam bộ lúc họat động ngọai thương ở khu vực Đông Nam Á khởi sắc. Ngòai thương cảng Hội An nổi tiếng từ thế kỷ XVI, các trung tâm thương nghiệp như Hà Tiên, Vũng Tàu cũng khá phát triển, nên sau khi chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam, Sài Gòn cũng mau chóng trở thành một thương cảng lớn. Theo thời gian, thương cảng này cũng phát triển thành một trung tâm thương nghiệp trong khu vực, xuất khẩu không chỉ nông sản hang hóa của khu vực Nam bộ mà còn là đầu mối xuất khẩu nhiều lâm thổ sản của Campuchia. Tình hình nói trên cùng với mạng lưới sông rạch dày đặc ở Nam bộ đã khiến Sài gòn cũng đồng thời trở thành một trung tâm văn hóa và hành chính quan trọng, một đô thị lớn sánh ngang Thăng Long và Phú Xuân. Song khác với Thăng Long và Phú Xuân vốn là trung tâm chính trị mở rộng thành trung tâm kinh tế, Sài Gòn – Gia Định là trung tâm kinh tế (thương nghiệp, thủ công nghiệp) trước rồi mới trở thành trung tâm chính trị - văn hóa: thành phố này đã hình thành theo quy luật của các đô thị tiền tư bản, tức yếu tố “thị” có trước rồi phát triển thành yếu tố “thành” chứ không phải như các đô thị phong kiến ở đó yếu tố “thành” có trước rồi mở rộng thêm yếu tố “thị”. (Cao Tự Thanh chủ biên, 2007, tr.13-15).
1.2 Năm 1808, vua Gia Long nhà Nguyễn đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên. Gia Định thành thông chí ghi chép như sau.

TRẤN THÀNH GIA ĐỊNH
Trấn Gia Định xưa có nhiều ao đầm, rừng rú, buổi đầu thời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần, 1648 - 1687), sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân, Cai bạ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, chợ phố. Nơi đây nhà ở hỗn tạp, đường sá chỗ cong chỗ thẳng, tạm tùy tiện cho dân mà chưa kịp phân chia sửa sang cho ngăn nắp. Chức Khổn súy thay đổi lắm lần cũng để y như vậy. Đến mùa xuân năm Ất Mùi (1775), đời vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) thứ 11, xa giá phải chạy đến trú ở thôn Tân Khai. Mùa thu năm Mậu Thân (1788) năm thứ 11, buổi đầu đời Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) Trung hưng [2a], việc binh còn bề bộn, ngài phải tạm trú nơi đồn cũ của Tây Sơn ở phía đông sông Bình Dương để cho nghỉ quân dưỡng dân. Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13 (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta, từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta, chân dày 7 trượng 5 thước ta, đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng Tốn. Trong thành, phía trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho chứa, bên hữu là Cục Chế tạo, xung quanh là các dãy nhà cho quân túc vệ ở. Trước sân dựng cây cột cờ ba tầng, cao 12 trượng 5 thước ta, trên có làm chòi canh vọng đẩu bát giác tòa, ở bên treo cái thang dây để thường xuyên lên xuống, trên ấy có quân ngồi canh giữ, có điều gì cần cảnh báo thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu canh gác, các quân cứ trông hiệu đó để tuân theo sự điều động. Hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước ta, có cầu treo thả ngang qua, bên ngoài đắp lũy đất, chu vi 794 trượng, vừa hiểm trở, vừa kiên cố tráng lệ. Ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự, bên trái là đường cái quan [2b] từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa; đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam.
Trấn Phiên An. Lỵ sở trấn Phiên An ban đầu dựng ở xóm Tân Thuận, tổng Bình Trị, sau vẫn chỗ ấy, đến niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), dời qua dựng ở địa phận thôn Hòa Mỹ, nằm phụ vào phía đông bắc quách ngoài thành Gia Định, mặt trông ra hướng tây nam, lưng dựa vào sông Bình Trị, 3 tòa nhà ngói, ở giữa là công thự Trấn thủ, phía tả là công thự Cai bạ, phía hữu là công thự Ký lục, là công thự của trấn cũng gọi là công dinh, ngang dọc đều 80 tầm, bề ngang chia làm ba phần, chỉ có dinh giữa rộng hơn 5 tầm. Năm thứ 18 (1819), cách sau trấn thự 6 tầm, phía ngoài đại lộ, lại dựng 5 dãy kho bằng ngói cho 4 trấn, mỗi dãy 31 gian cao rộng đẹp đẽ, đủ dùng để cất giữ, có dựng trại Thừa ty, nằm dọc theo trước sân 3 dinh, khám đường và nhà giam dựng ở phía bắc đường cái quan.
Chợ Bến Thành. Phố, chợ, nhà cửa rất trù mật, họp chợ dọc ven sông. Ở đầu bến, theo lệ tháng đầu xuân gặp nhằm ngày tế mã, có thao diễn thủy binh. Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau.
Phố chợ Sài Gòn. Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán.

TRẤN BIÊN HÒA
Lỵ sở trấn Biên Hòa khi xưa đặt ở địa phận thôn Phước Lư, huyện Phước Chánh, đất thấp nên hay có lụt. Năm Gia Long 15 (1816) dời lỵ sở qua gò cao thôn Tân Lân, quy hoạch ra làm thành sở, ngang dọc đều 200 tầm, trong chia thành hình chữ tỉnh, giữa dựng Vọng cung, hai bên phải trái có lầu chuông trống, chỗ chính giữa phía sau dựng 3 công dinh, rộng 80 tầm, mà chia ra làm 3 phần, chỉ dinh giữa rộng thêm 5 tầm, dài 60 tầm, 2 con đường phải trái đều 7 tầm, chung quanh xây tường gạch, làm dãy kho chứa gồm 31 gian lợp ngói xây gạch dày chắc, hai bên phải trái làm trại quân thừa ty, chia ra từng khu vực rất chỉnh tề.
Phố lớn Nông Nại. Ở đầu phía tây của cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội… Từ sau năm Bính Thân (1776), Tây Sơn vào chiếm, họ dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, của cải chở về phủ Quy Nhơn, đất nầy trở thành vườn gò hoang. Sau khi Trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước.
TRẤN ĐỊNH TƯỜNG
Lỵ sở trấn Định Tường ở đất thôn Mỹ Chánh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa. Ngày 18 tháng 2 mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679) đời Thái Tông năm thứ 32 (Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), tướng Long Môn là Dương Ngạn Địch từ nước Đại Minh sang kinh xin quy phụ. Vua sai Xá sai là Văn Trinh, Tướng thần lại là Văn Chiêu đưa dụ văn sang vua Cao Miên là Nặc Thu, bảo chia đất này cho đoàn Dương Ngạn Địch ở. Tháng 5, Văn Trinh dẫn cả binh biền Long Môn và thuyền bè đến đóng ở vùng Mỹ Tho, rồi xây dựng nhà cửa, qui tụ người Việt, người Thổ kết thành thôn xóm. Đến đời Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu) lập ra phủ trị ở phía bắc chợ, lệ thuộc vào dinh Phiên Trấn. Đời Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) cải đặt làm đạo Trường Đồn có một viên Cai cơ hoặc Cai đội và một Thư ký ở làm việc, sau nầy mới lập dinh trấn… Phía nam lỵ sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo.
TRẤN VĨNH THANH
Vào tháng 2 năm Quý Dậu niên hiệu Gia Long 12 (1813), khâm mạng, Trấn thủ Lưu Phước Tường đắp thành đất. Lưng hướng Kiền (hướng tây bắc), mặt hướng Tốn (hướng đông nam), từ phía nam qua phía bắc cách 200 tầm, từ đông qua tây cũng vậy, chỗ giữa của bốn mặt thành lõm vào, phía ngoài có thành cong bao vòng chỗ cửa hình như đầu cái khuê bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim quy, hay như hình hoa mai. Trong thành có 2 con đường dọc, 3 con đường ngang, trước dựng hành cung, ở giữa là 3 công thự, sau có kho chứa, trại quân và nhà thừa ty đều ở hai bên phải và trái. Hào rộng 10 tầm, phía trái thành là sông Long Hồ, phía phải là Ngư Câu (Rạch Cá), mặt sau là dòng sông lớn Tiền Giang, mặt trước thành có đào ngòi cừ sâu, dài 425 tầm, bề ngang 40 tầm thông với sông Long Hồ và Ngư Câu (Rạch Cá) để làm hào ngoài thành. Góc thành phía đông có đường cái quan dọc theo sông, phía trái là sứ quán, phía phải là chợ Vĩnh Thành, ngòi chảy ngang đầu đường cái quan, bắc cầu dài, đi ngang lỵ sở cũ, qua cầu sông lớn Long Hồ, đến chợ Long Hồ. Ở ngoài bờ ngòi góc phía nam là xưởng thủy quân, bên ngoài có đồn nhọn góc ba mặt bao theo, góc phía tây nam ngòi có bắc cầu thông qua, mặt sau giáp sông, có nhà cửa tiệm quán, thật là nơi trọng yếu bề thế đẹp đẽ.
TRẤN HÀ TIÊN
Trấn thự Hà Tiên, nằm hướng Kiền (tây bắc) trông ra hướng Tốn (đông nam) lấy núi Bình Sơn làm gối, Tô Châu làm tiền án, biển cả Minh Hải làm hào phía nam, Đông Hồ làm hào phía trước, ba mặt có lũy đất từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi, từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng rưỡi, từ cửa tả đến xưởng Thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi, các lũy nầy đều cao 4 thước ta, dày 7 thước ta, hào rộng 10 thước ta. Ở giữa làm công thự, vọng cung, lại ở trước công thự, hai bên đặt dãy trại quân, trước sân có cầu Bến Đá, phía trái có sứ quán, phía phải có công khố. Dinh Hiệp trấn ở chân núi Ngũ Hổ, ngoài vọng cung về phía trái có chợ trấn, phía trái công thự có đền Quan Thánh, sau thự có chùa Tam Bảo. Bên trái chùa có đền thờ Mạc công. Chợ trấn trông về đông là bến hồ, ở đó có trại cá, phía bắc công khố là miếu Hội Đồng, phía bắc miếu có xưởng sửa thuyền, chia thành khu ngang dọc, lấy đường lớn làm ranh; phía tả miếu Quan Thánh là phố Điếu Kiều, đầu [37a] bến có bắc cầu ván thông ra biển tiếp với hòn Đại Kim, phía đông phố Điếu Kiều là phố chợ cũ, qua phía đông chợ này là phố chợ Tổ Sư, kế nữa là phố lớn, tất cả đều do Mạc Tông gầy dựng từ trước. Đường sá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội ở dọi biển vậy.

(Trịnh Hòai Đức, 1820, tái bản 1998).

1.3 Năm 1834 Vua Minh Mạng đã đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh. Đó là các tỉnh: Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn), Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa), Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông; Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long), An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

1.4 Năm 1862, sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, và năm 1867 chiếm ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn.

Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện. Khoảng năm 1868, Nam Kỳ có hơn hai mươi arrondissement (lúc này gọi là hạt, địa hạt, "hạt tham biện" hay "tiểu khu", do tham biện cai trị); dinh hành chánh gọi là tòa tham biện, dưới quyền Thống đốc đóng ở Sài Gòn, thư ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arrondissement. Đến năm 1871 giảm còn 18 hạt, năm 1876 tăng lên 19 hạt.
Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, gọi là circonscription administrative, mỗi khu vực lại được chia nhỏ thành các "hạt" (arrondissement) như sau:

* Khu vực Sài Gòn có 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định
* Khu vực Mỹ Tho có 4 tiểu khu: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn
* Khu vực Vĩnh Long có 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc
* Khu vực Bát Xắc có 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng
Ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố cấp 1 (municipalité de première classe) Sài Gòn, đứng đầu là một viên Đốc lý (Maire). Sắc lệnh này được ban hành ngày 16 tháng 5 năm đó.
Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định thành lập thành phố cấp 2 (municipalité de deuxième classe) Chợ Lớn, tương đương cấp tỉnh sau này. Đứng đầu thành phố cũng là một viên Đốc lý.
Năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ lập thêm một hạt (tiểu khu) mới là hạt Bạc Liêu thuộc khu vực Bát Xắc từ đất của 2 tổng của hạt Sóc Trăng và 3 tổng của hạt Rạch Giá. Như vậy toàn bộ Nam Kỳ có 20 hạt. Năm 1895 lập thêm thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques, tách từ hạt Bà Rịa (Cap Saint Jacques nhập vào hạt Bà Rịa năm 1898 để rồi năm sau lại tách ra).
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi "hạt" thành "tỉnh" (province) và chia Nam Kỳ thành 3 miền. Đồng thời, chức tham biện đổi thành chủ tỉnh (chef de province), tòa tham biện gọi là tòa bố. Như vậy Nam Kỳ có tất cả 20 tỉnh, phân bố như sau:

* Miền Đông có 4 tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa
* Miền Trung có 9 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc
* Miền Tây có 7 tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu
Ngoài ra còn có 3 thành phố Sài Gòn (cấp 1), Chợ Lớn (cấp 2), thành phố tự trị Cap Saint Jacques và Côn Đảo không thuộc tỉnh nào. Năm 1905, xóa bỏ thành phố Cap Saint Jacques, chuyển thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa.
Trụ sở của Thống đốc đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu tiên là Le Myre de Vilers.
(Tóm lược theo Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, 1998).

2. ĐẶC ĐIỂM QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở NAM BỘ
2.1 Đô thị (thành thị, thành phố) là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa của quốc gia,
vùng miền hay địa phương; là khu vực hành chính tập trung với mật độ cao các cơ sở hạ tầng , kinh tế, văn hóa, là nơi tập trung sinh sống, sản xuất, buôn bán, dịch vụ của đông đảo cư dân, là nơi gần các trục đường giao thông với mạng lưới giao thông hiện đại, là nơi cơ cấu công nghiệp, dịch vụ cao hơn cơ cấu nông nghiệp…Phần lớn đô thị ở nước ta là do nhà nước sản sinh ra, tức là khi có nhu cầu lập kinh đô hay trung tâm tỉnh, thành thì tìm vị trí, xây dựng công sở, hình thành dần đô thị do nhà nước quản lý, với các chức năng gốc là hành chính, kinh tế, trong đó chức năng hành chính là cơ bản.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa có đô thị và một nền văn hóa đô thị. Các kinh đô thường nặng về chức năng hành chánh và quân sự, mặc dù là trung tâm của đất nước nhưng do luôn chịu tác động mạnh mẽ từ những vùng nông thôn xung quanh nên hầu như tính chất đô thị khá mờ nhạt. Các cảng thị, dù là cảng biển hay cảng sông, thực chất chỉ là những bến chợ trung chuyển, dịch vụ mà không gắn liền với khu vực kinh tế sản xuất hàng hóa. Điều này có thể đúng với các đô thị cổ phía Bắc hay miền Trung, nhưng các đô thị ở Nam bộ hình thành có phần khác biệt so với những đô thị khác như Hà Nội, Huế hay Phố Hiến, Hội An… Tuy bước đầu hình thành các đô thị này mang tính chất là trung tâm chính trị - hành chính – quân sự nhưng không thể thiếu yếu tố là trung tâm kinh tế - yếu tố này trong quá trình phát triển ngày càng nổi bật. Điểm lại những trấn thời Nguyễn ở Nam bộ ta thấy vào nửa đầu thế kỷ XIX đây đã là những trung tâm kinh tế sầm uất. Trong sử sách bên cạnh việc ghi chép về những tòa thành mang chức năng trung tâm hành chính thì nhà cửa phố xá chợ búa luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng của tòa thành đó.
Vị trí của các đô thị luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển… và những bến – chợ trước đó để hình thành các bến cảng trong đó có những cảng thị quan trọng như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này như Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là những “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành quách, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến ví những bến - chợ nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc đa dạng của cư dân. Ví dụ như Gia Định thành có cấu trúc giao thông đường thủy : Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Bến Nghé (bến Bạch Đằng), xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngỏ giao dịch buôn bán với những tàu nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hủ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo, lương thực các loại. Cùng với hệ thống đường thủy, cấu trúc giao thông đường bộ gồm 3 trục chính: đi Cao Miên chạy thẳng ra cảng Bến Nghé; đi các tỉnh miền Tây; đường đi về Đồng Nai. Nhu cầu giao thông ngày càng cao, hệ thống đường sá đi bộ và xe ngựa cũ không theo kịp đà phát triển vùng Sài gòn về các mặt kinh tế xã hội, thương mại dịch vụ, ngành công nghiệp sửa chữa tàu bè. Những con đường hiện có đi Cao Miên, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây được nối trực tiếp về thành Bát Quái ngày càng phát uy hiệu quả.
Quá trình lịch sử vùng đất Nam bộ cũng là quá trình hình thành cư dân Nam bộ. Quy tụ từ tứ xứ, từ nhiều nguồn gốc xuất thân, từ nhiều tộc người, những lớp lưu dân đến vùng đất này trong những thời gian khác nhau, từ những hòan cảnh lý do khác nhau nhưng đều có một cách ứng xử chung, đó là luôn giao lưu tiếp xúc, cởi mở về văn hóa nói chung và về lối sống về cách thức làm ăn nói riêng đã làm cho các đô thị ở Nam bộ rất đa dạng về kinh tế và văn hóa. Nó góp phần làm nhạt đi tính chất “chính trị” của các đô thị này, đồng thời làm cho các đô thị ở Nam bộ tuy vẫn là trung tâm của một vùng nông thôn nhưng không bị “nông thôn hóa” mà ngược lại, có ảnh hưởng khá nhiều về lối sống, về sinh họat kinh tế - văn hóa đến những vùng xung quanh. Cư dân nông thôn nhập cư đến các đô thị là xu hướng tăng dân số chính của các đô thị này. Hiện tượng này còn phổ biến cả trong thời kỳ từ 1945 – 1975 và hiện nay. Một hiện tượng sau này phổ biến tại Nam bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là địa danh huyện “châu thành” có ở nhiều tỉnh, đó là đơn vị hành chính trong đó có thị xã – trung tâm của tỉnh. Hiện tượng này phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của đô thị với vùng nông thôn.
Như trên đã nói, nếu thừa nhận tính chất chủ yếu của các đô thị Nam bộ là thương mại và dịch vụ thì không thể không nói đến vai trò quan trọng của lưu dân người Hoa. Những trung tâm thương nghiệp đầu tiên như Cù Lao phố, Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên đều do những lớp người Hoa sinh sống tập trung và hình thành nên. Trong giai đọan mới hình thành, tại các “phố chợ” này họat động thủ công nghiệp (làm gốm và nhiều nghề khác…) cũng là một họat động kinh tế chính. Nhưng quá trình phát triển đô thị đã dần tách biệt thủ công nghiệp và thương nghiệp, thủ công nghiệp lui xuống vị trí thứ yếu và sau này chuyển địa bàn sản xuất ra ngọai ô hoặc sang vùng lân cận.

2.2 Đô thị hóa là quá trình biến đổi về phân bố các lực lượng sản xuất, bố trí dân cư, những vùng không phải đô thị trở thành đô thị. Tiền đề cơ bản của đô thị hóa là sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ... thu hút nhiều nhân lực từ nông thôn đến sinh sống và làm việc, làm cho tỉ trọng dân cư ở các đô thị tăng nhanh. Đô thị xuất hiện làm tăng sự phát triển giao thông với các vùng nông nghiệp xung quanh và các đô thị khác; phát triển văn hoá và sự phân công lao động theo lãnh thổ, tăng cường thành phần công nhân, tiểu thủ công, trí thức, thương nhân, kĩ thuật viên, v.v. (Từ điển Bách khoa tòan thư Việt Nam).

Như vậy, căn cứ vào quá trình hình thành các trung tâm hành chánh ở Nam bộ ta có thể nhận thấy đây cũng là quá trình Đô thị hóa với 2 giai đọan:

- Giai đọan nửa đầu thế kỷ XIX: hòan chỉnh các trung tâm chính trị - quân sự đã hình thành trước đó để trở thành các trung tâm hành chính – chính trị trong thời kỳ chính quyền nhà nước đã được thiết lập và từng bước hòan thiện. Đô thị trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất lúc này là Gia Định thành. Diện mạo các đô thị thời này chưa thóat khỏi cấu trúc đô thị phong kiến, từ các công trình xây dựng đến cấu trúc dân cư và đời sống đô thị.

- Giai đọan nửa sau thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX: Các trung tâm hành chính – chính trị của nhà nước phong kiến chuyển biến dần thành các đô thị - thành phố kiểu châu Âu. Bộ máy chính quyền có sự thay đổi cơ cấu, tổ chức… từ đó diện mạo của các đô thị này cũng thay đổi tùy theo việc xác định vị trí chức năng của nó. Từ cảnh quan đô thị đến hạ tầng cơ sở đến cấu trúc kinh tế, thành phần và nguồn gốc dân cư thay đổi làm cho sinh họat và đời sống đô thị có sự thay đổi rõ rệt, hình thành tầng lớp thị dân (tuy không quá tách biệt nhưng có lối sống tương đối khác biệt so với lối sống đậm nét nông dân – nông thôn truyền thống).
Đến cuối thế kỷ XIX với tổ chức hành chính của Pháp. Nam bộ có 20 tỉnh và trung tâm của 20 tỉnh ấy có thể được coi là những đô thị của Nam bộ, tuy mức độ phát triển có khác nhau. Mặc dù miền Tây có nhiều tỉnh (và tỉnh lỵ) nhưng các đô thị ở miền Đông có sự phát triển và mang diện mạo “thành thị” hơn, có lẽ vì mức độ phát triển công nghiệp ở đây cao hơn do điều kiện tư nhiên thuận lợi. Mặt khác các tỉnh miền Đông lại gần cảng thị Sài Gòn nên sự giao lưu tiếp xúc về kinh tế - văn hóa cũng mạnh hơn, thường xuyên hơn.

Trong cả hai giai đọan Bến Nghé - Sài Gòn – Gia Định luôn giữ vai trò trung tâm về hành chánh - chính trị - quân sự - kinh tế - văn hóa của tòan Nam bộ, là đại diện cho Nam bộ. Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ khi hình thành và trong quá trình phát triển luôn gắn liền với khu vực sản xuất thủ công nghiệp ở miền Đông Nam bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lúa gạo và nông sản là loại hàng hóa quan trọng bậc nhất. Chừng đó yếu tố cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài đã biến Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ hạ tầng cơ sơ như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hóa đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động… Những kiến trúc lớn như Trụ sở công ty vận tải biển Hoàng Gia (Bến Nhà Rồng), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Tòa án, Trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu do cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nhưng không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua… Đặc biệt, Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, xưa nhất phải kể đến là công xưởng Ba Son được xây dựng trên cơ sở Xưởng Thủy từ cuối thế kỷ XVIII. Từ cuối thế kỷ XIX nhiều nhà máy, công xưởng đã được xây dựng tại đây, Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam.
Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế – văn hóa, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đọan khác. (
Tác giả: Nguyện Thị Hậu, 2008).
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1.Trịnh Hòai Đức: Gia Định thành thông chí, Thành trì chí. 1820. Tái bản 1998, nhà xuất bản Giáo Dục.
2. Nguyễn Thị Hậu: Đô thị Sài Gòn nhìn từ khảo cổ học, trong sách Nam bộ đất và người tập 6, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2007).
3. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên: Địa chí văn hóa TP.HCM, tập 1: Lịch sử, nhà xuất bảnThành phố Hồ Chí Minh, tái bản 1998.
4. Cao Tự Thanh chủ biên: Lịch sử Sài Gòn – Gia Định trước 1802, tr.13-15, nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2007.
5. Từ điển bách khoa tòan thư Việt Nam. http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/news.aspx

Nguồn: vannghesongcuulong.org

Lược sử vùng đất Nam bộ Việt Nam
Chân lý “Nam bộ là đất Việt Nam, đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam” được làm sáng tỏ trong cuốn sách “Lược sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới xuất bản, phát hành cuối năm 2006.
Trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học liên quan như sử học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hoá học, luật học ở trong và ngoài nước, cuốn sách đã trình bày một cách khách quan có hệ thống và cô đọng những tư liệu, chứng cứ cơ bản về lịch sử phát triển vùng đất Nam Bộ. Cuốn sách khổ 14 x 20,5cm, dày hơn 140 trang được chia làm hai phần. Phần đầu tập trung giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ thứ nhất cho tới hiện nay. Phần thứ hai là phụ lục, dành giới thiệu những sự kiện liên quan đến lịch sử vùng đất Nam Bộ, cùng một số văn bản pháp lý ký kết giữa các triều đại Việt Nam trước đây với Cao Miên (Campuchia); Xiêm La (Thái Lan), Pháp và giữa Pháp với Campuchia; giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hoà nhân dân Campuchia (nay là Vương quốc Campuchia) khẳng định tính toàn vẹn lãnh thổ của nước ta hiện nay. Theo các thư tịch cổ, vào đầu Công nguyên trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, xuất hiện ba trung tâm văn minh và Nhà nước vào loại sớm nhất ở Đông Nam á là: Trung tâm văn hoá Đông Sơn và nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền Bắc, Trung tâm văn hoá Sa Huỳnh và nước Lâm ấp (Chăm Pa) ở miền Trung, Trung tâm văn hoá óc Eo và nước Phù Nam ở phía Nam. Đến đầu thế kỷ VII Phù bị Chân Lạp (một thuộc quốc của Phù ) thôn tính. Song Chân Lạp đã không có điều kiện để quản lí và khai thác vùng đất này. Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là công lao khai phá của nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ cuối thế kỷ XVI, nhất là vào thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá và thiết lập chủ quyền ở Nam Bộ một cách hoà bình, hữu nghị không phải do chiến tranh. Từ thế kỷ XVII các chúa Nguyễn đã tổ chức các đơn vị hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lí dân đinh, ruộng đất và định ra các loại thuế. Phủ Gia Định thành lập năm 1698 gồm hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định) quản lí hơn 4 vạn hộ. Sau năm 1744 vùng đất từ Nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được chia làm 12 dinh, trong đó vùng đất Nam Bộ chia thành 4 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và Hà Tiên). Trừ Hà Tiên lúc đầu còn là một dinh phụ thuộc, mỗi dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã. Từ đó, về cơ bản tổ chức hành chính trên vùng đất Nam Bộ đã được kiện toàn. Triều Nguyễn (vua Gia Long) thành lập năm 1802 tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn, đã hoàn thiện hệ thống hành chính và thống nhất quản lí trên quy mô cả nước. Năm 1836 vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ. Năm 1817 vua Gia Long cho đào kênh Thoại Hà. Đầu những năm 20, vua Minh Mạng cho đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc và Hà Tiên. ý thức sâu sắc đối với chủ quyền lãnh thổ, các chúa Nguyễn đã đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ của quân Xiêm. Tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1785. Sang thế kỷ XIX, các vua Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các đồn luỹ trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên vùng đất Nam Bộ. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858), đánh chiếm Nam Bộ, người dân Nam Bộ đã đoàn kết kháng chiến chống ngoại xâm. Đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (1930) nhân dân Nam Bộ đã kiên cường chiến đấu góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đi đến thắng lợi hoàn toàn, cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau, văn bản các hiệp ước quốc tế đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Tháng 12/1845 ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Campuchia) đã ký một hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam kỳ thuộc Việt Nam. Năm sau (1846) triều Nguyễn và Xiêm lại ký một hiệp ước có nhắc lại điều đó. Đây là hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia. Như vậy là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam, trong đó có Campuchia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam. Năm 1858, Pháp tấn công Nam Bộ rồi lần lượt chiếm 6 tỉnh kỳ. Triều Nguyễn đã điều động quân đội tiến hành chống Pháp. Khi triều đình tỏ rõ sự bất lực thì cộng đồng dân cư Việt ở Nam Bộ cả người Việt, Khmer, Hoa, Chăm đã đoàn kết chiến đấu không khoan nhượng với quân xâm lược. Khi kháng chiến thất bại Triều Nguyễn đã đứng ra ký các hiệp định nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (năm 1862) và 3 tỉnh miền Tây (năm 1874). Sau khi lập ra Liên bang Đông Dương, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử thực thi chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, Pháp đã tiến hành hoạch định biên giới giữa Nam kỳ và Campuchia theo luật của nước Pháp. Việc khảo sát, đo đạc trên thực địa do các chuyên gia Pháp và Campuchia thực hiện. Năm 1889 Pháp và Campuchia đã ký một loạt các văn bản pháp lý về hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới giữa kỳ và Campuchia. Tất cả các văn bản pháp lý này đều khẳng định vùng đất kỳ thuộc về Việt . Ngày 4/6/1949, trước những thắng lợi liên tiếp của nhân dân Việt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tổng thống Pháp V.Ô-ri-ôn đã ký Bộ luật số 49-733 trả lại kỳ cho chính quyền Bảo Đại. Trong Bộ luật còn có chữ ký của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp. Về quyết định này, ngày 8/6/1949 Chính phủ Pháp đã có thư chính thức gửi Quốc vương Nô-rô-đôm Xihanúc, trong đó có đoạn: “Về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam kỳ” vì “Nam kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các hiệp ước năm 1862 và 1874… chính từ triều đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam… Về pháp lý Pháp có đủ cơ sở để thoả thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của kỳ”. Như vậy là đến năm 1949 vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn “nhượng” cho Pháp đã được trả lại bằng một văn bản có giá trị pháp lý. Chính phủ Pháp đã khẳng định những cơ sở lịch sử và luật pháp của văn bản này với Vương quốc Campuchia. Từ đó về sau chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ được tất cả các hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế thừa nhận như Hiệp định Gieneve (1954) giữa nước ta và Pháp ký; Hiệp định Pari (1973) giữa nước ta và Mỹ ký được cộng đồng quốc tế trong đó có Lào và Campuchia thừa nhận. Đặc biệt trong 21 năm đánh Mỹ, đất nước ta bị chia cắt, đã xảy ra nhiều xung đột tranh chấp biên giới giữa chính quyền Sài Gòn và Campuchia. Trước tình hình đó, ngày 9/5/1967 Chính phủ vương quốc Campuchia đã ra tuyên bố kêu gọi các nước tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Campuchia trong đường biên giới hiện tại. Đáp lời kêu gọi của Campuchia, ngày 31/5/1967 và 8/6/1967 Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra tuyên bố thừa nhận và cam kết tôn trọng đường biên giới hiện tại của Campuchia. Đến cuối năm 1968, đã có 34 nước trên thế giới ra tuyên bố tôn trọng độc lập chủ quyền, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại. Như vậy, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ không chỉ được khẳng định trong quá trình tiếp thu và quản lý lãnh thổ cũng như công lao của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam Bộ suốt từ thế kỷ XVII đến nay mà còn phù hợp với nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng, phù hợp thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành. Từ sau ngày hoà bình, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt và Cộng hoà nhân dân Campuchia đã ký các hiệp ước: - Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ký ngày 18/2/1979. - Hiệp ước về biên giới trên đất liền, ký ngày 20/7/1983. - Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước, ký ngày 27/12/1985. - Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, ký ngày 10/10/2005 giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ Vương quốc Campuchia. Các hiệp ước trên đều khẳng định chủ quyền quốc gia hai nước Việt – Campuchia, trong đó phần đất Nam Bộ thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt . Các hiệp ước trên không chỉ phù hợp với thực tế khách quan về đường biên giới giữa hai nước Việt và Campuchia mà còn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia. Ngày 7/9/2006 đại diện Chính phủ hai nước đã tiến hành khởi công xây dựng cột mốc quốc tế đầu tiên tại cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam) - Ba Vet (Campuchia) và hai Chính phủ đã quyết tâm đến đầu năm 2008 cắm mốc xong đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia.

Theo Nguyễn Phương - Trang tin điện tử nội bộ của Uỷ ban Dân tộc
Các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ XVII đến khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam
Trong thời kỳ Đại Việt, từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn, nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1686) trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản đồ và Phủ Biên tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn. Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ, năm 1686, có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng. Còn tài liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có 2 đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

I. Nhà nước Đại Việt thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa qua đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1801.Khi quân Tây Sơn nổi dậy, dân xã An Vĩnh vẫn tiếp tục xin chấn chỉnh hoạt động ở Hoàng Sa với tờ đơn của ông Hà Liễu gửi cho chính quyền Tây Sơn ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) và Chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) của Thái Phó Tổng Lý Quản Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công gởi cho cai đội Hoàng Sa đi thuyền ra quần đảo Hoàng Sa. Tài liệu hiện lưu giữ ở nhà thờ họ Võ, xã An Vinh huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi (xem Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân, Đề tài BĐHĐ 01-01, Khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội).Sau đó có những tài liệu thời nhà Nguyễn như Dư Địa Chí trong Bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn cuối thế kỷ XVIII. Đại Nam Thực Lục Phần Tiền Biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844, tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Việt Sử Cương Giám Khảo Lược quyển IV của Nguyễn Thông (1877) cho biết ở buổi quốc sơ thường kén những đinh tráng hai hộ An Hải và An Vĩnh.- Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần 2 và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.- Trong quyển III Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng, có 3 đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.
1. Về những tư liệu của Trung Quốc minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy- Trước tiên là Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Kỷ Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa và đã khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.- Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc.Khảo sát tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả các bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc.- Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt Bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam. Bởi Trung Quốc không hề có tên Hoàng Sa và đã trùng khớp với việc xây miếu thơ ở Hoàng Sa từ lâu và kể cả thời Minh Mạng sau này của Việt Nam.
2. Về những tư liệu Phương Tây cũng xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường SaNhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
2.1. Đội Hoàng Sa, đội dân binh khai thác, quản lý Hoàng Sa & Trường Sa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX
Trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào minh chứng họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền của nhà nước trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức dân binh Việt Nam, đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.Các sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời Chúa Nguyễn. Hải Ngoại Kỷ Sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ Biên Tạp Lục viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1821) chép “Quốc sơ trí Hoàng Sa”. Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ Chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ tại phường An Vĩnh, Cù Lao Ré đã cho biết năm 1786 Thái Đức năm thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến khi Gia Long năm thứ 2 (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại như Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXII đã ghi rõ: “cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Năm 1815, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.Theo những tài liệu như Dư Địa Chí, Hoàng Việt Địa Dư Chí, Đại Nam Thực Lục Tiên Biên, Đại Nam Nhất Thống Chí, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ Biên Tạp Lục thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng 8 về (nếu lương thực mang đi có 6 tháng, chép tháng giêng là nhầm). Từ tháng 3 đến tháng 8 tức khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch. Lúc đầu đi sớm quá không thấy lợi, nên dời đến tháng 3 là điều hợp lý. Hầu hết các tài liệu đều viết tháng ba âm lịch đi từ Cù Lao Ré đến nơi bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa là 3 ngày 3 đêm. Riêng Đại Nam Nhất Thống Chí 3, 4 ngày đêm.Thời Chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để làm những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa, song còn dựa vào khả năng đi biển mà tuyển chọn. Số lượng 70 là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa. Cũng theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúi Đôn đã gọi quân nhân để chỉ những người trong đội Hoàng Sa, trong đó có 2 người bị trôi dạt vào Cảng Thanh Lan (Hải Nam) khi bị bão vào năm Càn Long thứ 17 (1754), còn tám người khác bị mất tích. Như thế mỗi thuyền trong đội Hoàng Sa có số lượng khoảng 10 người.Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ là ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của con cá voi, (tương truyền do binh Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) và thờ lính Hoàng Sa, ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi thần linh ở miếu này được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.Tại Cù Lao Ré nay là huyện đảo Lý Sơn vẫn còn Âm Linh Tự tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải tức phường An Hải xưa. Cũng tại xã An Vĩnh và cả làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo Cù Lao Ré) có tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, tại các đình làng. Các tộc họ thường làm lễ vào ngày 19 tháng 2 âm lịch. Lính Hoàng Sa được tế sống vì nhiệm vụ quá nguy hiểm: "dễ khó về". Trừ các chỉ huy như đội trưởng, thuyền trưởng, các lính thường lấy trai tráng chưa có gia đình, vừa khoẻ mạnh vừa không vướng vợ con. Tại thôn An Vĩnh thuộc xã Tự Kỳ hoặc tại đảo Cù Lao Ré có nhiều gia đình còn gia phả và bàn thờ những người đi lính Hoàng Sa như nhà ông Phạm Quang Tỉnh ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh có nhà thờ và gia phả ông tổ Phạm Quang Anh, người được vua Gia Long cử làm đội trưởng đội Hoàng Sa năm 1815.Trong 6 tháng hàng năm từ năm này qua năm khác, đội Hoàng Sa mở rộng phạm vi hoạt động khắp các đảo san hô ở Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và kiêm quản đội Bắc Hải ở Trường Sa bây giờ.Nếu các đảo phía Bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc) thì các đảo ở phía Nam tiếp tới là Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự chính mình đi khắp nơi song lại kiêm quản các đội khác (như đội Bắc Hải) thì phạm vi hoạt động rõ ràng rất rộng, khắp các đảo Biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung Bộ Việt Nam khoảng Quảng Trị, Thừa Thiên, từ phía Tây Nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay.Đứng đầu đội Hoàng Sa là cai đội như Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 đã ghi: “Lịnh cai đội Hoàng Sa tính quản”. Như binh chế thời chúa Nguyễn mà chúng ta đã biết đội có cai đội và đội trưởng chỉ huy. Chức cai đội Hoàng Sa thường được kiêm luôn các chức khác như trường hợp Phú Nhuận Hầu kiêm cai thủ đồn cửa biển Sa Kỳ, kiêm cai cơ thủ ngự, như theo tài liệu tờ kê trình của Phú Nhuận Hầu, ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803), tài liệu hiện lưu trữ tại nhà thờ họ Võ phường An Vĩnh nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thủ ngự là đơn vị cai quản, tuần tra chống trộm cướp thời Nguyễn.Tùy theo mỗi năm, số thuyền đi từ 4 hay 5 chiếc đến 18 chiếc. Mỗi chiếc thuyền do chủ thuyền hay thuyền trưởng cai quản. Thuyền cũng là đơn vị nhỏ nhất trong phiên chế thời Nguyễn như chúng ta đã từng biết.Số lượng 70 suất chia ra ở các thuyền, đều là dân binh được gọi là “quân nhân” như Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 ghi chép. Những quân nhân này chủ yếu là dân gốc xã An Vĩnh và một phần là dân xã An Hải ở đất liền và ngoài đảo Cù Lao Ré.Xã An Vĩnh và xã An Hải ở hai bên cửa biển Sa Kỳ. Cùng với 2 phường An Vĩnh và phường An Hải do di dân đất liền ra Cù Lao Ré, trong đó xã An Vĩnh là chính, cung cấp dân binh cho đội Hoàng Sa. Trong hầu hết các sử liệu chỉ nói đến xã An Vĩnh, chỉ riêng Việt Sử Cương Giám Khảo Lược, quyển 4 của Nguyễn Thông là nói đến hai hộ An Hải và An Vĩnh tức hai phường An Vĩnh và An Hải ở đảo Lý Sơn hay Cù Lao Ré.Lương thực mang đi cho 6 tháng được nhà nước cấp phát. Song chủ yếu là gạo còn thức ăn phần lớn họ phải tự bắt cá, bắt chim ở các đảo để sống. Họ phải mang củi lửa và theo lối truyền thống, bọn họ dấu những bếp ở mỗi thuyền bằng các nùi dây dừa khô giữ lửa lâu. Đời sống của quân nhân trong đó có đội Hoàng Sa thời Chúa Nguyễn khả quan hơn đời sống của người dân theo như Thích Đại Sán đã tả, rất khổ, phải nộp vào công khố bảy tám phần mười hoa lợi. "Người làm nghề đánh cá đem về nộp cả cho cai trưởng. Bọn này cấp hoàn cho bao nhiêu được bấy nhiêu... Gặp lúc nhà nước có việc công, cai xã bắt dân phu ra ứng dịch, mọi người phải lo cơm đơm, gạo bới đi làm”.Các quân nhân đội Hoàng Sa còn mang theo một đôi chiếu, 7 sợi dây mây (hay cây ré), 7 cái đòn tre. Nếu chẳng may có mệnh một ở giữa biển thì dùng chiếu ấy quấn xác, đòn tre dùng làm nẹp và lấy dây mây bó lại rồi thả xuống biển. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó chiếu, cũng là dấu hiệu nhận biết nếu có ai vớt được.Như thế Đội Hoàng Sa là đội dân binh do nhà nước lập ra. Nhà nước bổ nhiệm chỉ huy đội kiêm chức vụ cai đồn cửa biển Sa Kỳ cùng chức thủ ngư, trông coi bắt giặc cướp biển và kiêm quản đội Bắc Hải ở Phía Nam, quản lý Biển Đông. Dân binh đi làm nghĩa vụ được cấp phát lương thực.Với những nhiệm vụ và tổ chức hoạt động kể trên, đội Hoàng Sa thu lượm trước hết những hải vật quý lạ ở Hoàng Sa như hải sâm, ốc hoa, ốc tai voi có chiếc lớn như chiếc chiếu, bụng có châu ngọc lớn như ngón tay trẻ em, sắc đục không bằng sắc con trai châu song vỏ ốc có thể tách ra từng phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi; có thứ ốc xà cừ, người ta có thể dùng để dát các đồ dùng; có thứ đại mạo hay đại mội, tức con đồi mồi rất lớn hay con hải ba (ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn).Những hải sản quí trên tuy cũng có nộp cho Chúa hay nhà vua khi xưng vương ở Phú Xuân theo qui định, song thường vẫn cho đội Hoàng Sa bán, thường thì bán cho thị trường ở Hội An tiêu thụ nhiều và có giá hơn. Quan trọng nhất là các hàng hoá từ các tàu đắm mà Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư viết rằng hàng hoá thu được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng ống. Phủ Biên Tạp Lục thì ghi: những đồ hải vật như gươm và ngựa bằng đồng hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ.Lê Quí Đôn hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hoá trong Phủ Biên Tạp Lục có viết: “ông tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy đội Hoàng Sa trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa cụ thể như sau:- Năm Nhâm Ngọ (1702), đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.- Năm Giáp Tuất (1704), lượm được thiếc 5100 cân.- Năm Ất Dậu, lượm được bạc 126 thoi.Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quý Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.
2.2. Đội Bắc Hải hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa trong khu vực phía Nam của Biển Đông tức quần đảo Trường Sa và vùng phụ cận
Sớm nhất từ khi lănh thổ Đại Việt tới đất Bình Thuận vào khoảng năm 1697, đội Bắc Hải ra đời do đội Hoàng Sa kiêm quản.Càng ngày càng có nhiều đội khác cũng có chức năng và nhiệm vụ như đội Bắc Hải được thành lập, vì chính quyền Nhà Nguyễn dần dần tìm ra các đảo san hô hết sức rộng ở Biển Đông. Song các chúa Nguyễn vẫn để đội Hoàng Sa kiêm quản để có một đầu mối, hầu có thể dễ dàng nắm tình hình ở Biển Đông.Như thế người chỉ huy đội Hoàng Sa là cai đội phải là vị quan lớn như cai đội Thuyên Đức Hầu đã được Lê Quý Đôn tra cứu sổ sách suốt từ 1702 (Nhâm Ngọ) đến 1713 (Quý Tỵ). Thuyên Đức Hầu đã được phong tước hầu. Hoặc như Phú Nhuận hầu cũng thế trong tờ trình ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803) đã kiêm luôn “khâm sai cai thủ” cửa biển Sa Kỳ, kiêm chức “cai cơ thủ ngự”, kiêm quản đội Hoàng Sa (tờ kê trình của Phú Nhuận hầu được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh nay là thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Khâm sai cai thủ là chức trông coi cửa biển, Thủ ngự là tổ chức tuần tra, chống trộm cướp thời Nguyễn. Chính Phú Nhuận hầu được giao nhiều chức vụ quan trọng. Cũng từ đó có uy tín để kiêm quản các đội khác như đội Bắc Hải.Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn đã ghi chép rất cụ thể việc đội Bắc Hải như sau:“Họ Nguyễn còn thiết lập một đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác”."Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò.Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi, hải ba, đồn ngư (cá heo lớn như con heo), lục quý ngư, hải sâm (con đỉa biển).Như thế về tổ chức, đội Bắc Hải không định trước bao nhiêu suất, số lượng tùy theo tình hình khả năng các thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận hay làng Cảnh Dương, tình nguyện và được cấp văn bằng và sai phái đi hoạt động.Quyền lợi cũng như đội khác được miễn sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò. Không thấy miễn tiền thuế. Cũng dùng thuyền tư nhân, thuyền câu. Phạm vi hoạt động ở phía Nam, ở quần đảo Trường Sa ngày nay, và cả Côn Lôn, Hà Tiên.Ở phía Nam Biển Đông khu vực Trường Sa hiện nay ít có bão lớn, không nguy hiểm, ít có vụ đắm tàu nên rất ít thu lượm được các sản vật từ tàu đắm như vàng bạc, súng ống mà chủ yếu là hải sản, đặc biệt là loại cá heo (đồn ngư)...Đội Bắc Hải được các tài liệu ở các thời gian sau (thế kỷ XIX) tiếp tục ghi chép. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên soạn xong năm 1844 chép rằng đội Bắc Hải mộ dân thôn Bình Thuận, Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo ở Bắc Hải lượm hoá vật, cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản. Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 6, tỉnh Quảng Ngãi, soạn xong năm 1882 cũng còn viết "đội Bắc Hải ra đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản". Không có tài liệu nào cho biết đội Bắc Hải ngưng hoạt động trước hay sau đội Hoàng Sa, chỉ biết chắc chắn đội Bắc Hải ra đời sau đội Hoàng Sa và trước năm 1776 tức là trước khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên Tạp Lục.
II. Nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải khai thác và quản lý Biển Đông thời từ năm 1816 sử dụng thuỷ quân cắm cột mốc, bia chủ quyền theo cách người phương Tây cho đến khi Việt Nam bị Pháp xâm lược
1. Nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường SaSang thời kỳ Triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:- Trước hết là Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.- Trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1851) có đoạn văn đề cập đến việc dựng miếu ở Hoàng Sa trong quyển 207 và đoạn văn trong bộ sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ quyển 221 chép “Bộ Công tâu rằng: Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu. Hàng năm cần phải đi thám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”. - Tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội; ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám. Sau đó lại tiếp tục. Tư liệu đặc biệt này trước đây được tàng trữ tại chi nhánh văn khố quốc gia ở Đà Lạt. Trước ngày 30-4-1975, Chính quyền Sài gòn cho chuyển về Nha Văn Khố ở Sài Gòn. Sau 1975 được đổi là Kho Lưu trữ Trung ương 2 và sau đó được chuyển ra Kho Lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội.Về tài liệu của Tây Phương như:- Le Mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.- Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes của giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816. - An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.- The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels. - The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...2. Thủy quân triều đình nhà Nguyễn,Việt Nam đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường SaTrước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn ánh cũng đã được anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở Biển Đông trong đó có vùng quần đảo Hoàng Sa. Lúc đầu đội Hoàng Sa có trách nhiệm xem xét đo đạc thủy trình như thời Gia Long, tháng giêng, năm ất Hợi (1815), Phạm Quang Anh, thuộc đội Hoàng Sa được lệnh ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình. Phạm Quang ảnh hiện được thờ tại từ đường tộc họ Phạm (Quang) tại thôn Đông, xã Lý Vĩnh, xưa là phường hay hộ An Vĩnh tại huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré). Đến năm Gia Long thứ 15, năm Bính Tí (1816), vua Gia Long lại ra lệnh cho cả thủy quân phối hợp với đội Hoàng Sa đi ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình…Sang đến đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân có trách nhiệm và thuê thuyền của dân hướng dẫn hải trình.Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 165: “Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”.Đo đạc thủy trình hay hải trình là đo đạc đường đi ngoài biển. Đây là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo của Bộ Công cốt để đảm bảo an toàn cho các thuyền bè đi trên biển trong đó có vùng biển Hoàng Sa. Việc đo đạc thủy trình và sau đó vẽ bản đồ ở Hoàng Sa do Bộ Công chỉ đạo cùng với thủy quân phối hợp với giám thành, với địa phương Quảng Ngãi và đội Hoàng Sa.Đối với việc đo đạc ở Hoàng Sa, thưởng phạt đặc biệt hơn. Vì thế từ thời vua Minh Mạng năm thứ 17, việc phái thủy quân ra Hoàng Sa hàng năm rất đều đặn. Cũng có khi vì gió bão phải đình lại, sau lại tiếp tục. Tỷ như năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có dụ chỉ của vua Thiệu Trị đình hoãn, đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) cũng cho đình hoãn do Bộ Công tâu xin hoãn. Sau đó đến thời Tự Đức không còn ghi chép trong sử sách nữa bởi theo phàm lệ sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên thời Tự Đức những việc đã thành lệ rồi không còn chép nữa. Thời gian đi vãng thám đo đạc ở Hoàng Sa thì bắt đầu triều Nguyễn theo lệ khởi đi vào mùa Xuân (kể từ kinh thành Huế đến Quảng Ngãi), song cũng tùy năm sớm trễ khác nhau. Từ kinh thành Huế, thuỷ quân tới Quảng Ngãi nghỉ ngơi và chuẩn bị cũng mất một thời gian đáng kể. Như năm Minh Mạng 19 (1838) lúc đầu ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió Đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được. Lúc đầu kế hoạch tính đo đạc giáp vòng Hoàng Sa từ hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 là hoàn tất công việc. Sau dù có đi trễ, thời gian hoàn tất tháng 6 vẫn không thay đổi.
Nếu chậm trễ mà có lý do chính đáng thì không sao, song nếu tùy tiện thì bị phạt, hay làm không chu tất cũng bị phạt. Nếu hoàn tất tốt đều được thưởng. Trong khi năm Minh Mạng thứ 16 (1835), cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công tác đi Hoàng Sa về chậm trễ, đã có chỉ giao Bộ Công trị tội và bị phạt 80 trượng, song cho phục chức cai đội. Tộc họ Phạm Văn hiện có nhà thờ họ và lăng mộ tộc họ ở thôn Đông xã Lý Vĩnh (trước đây là phường An Vĩnh). Hiện có hàng trăm hậu duệ đang sống tại huyện đảo Lý Sơn. Các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa chưa chu tất cũng bị phạt mỗi người 80 trượng. Song cùng đi chuyến này những người trong đội Hoàng Sa như Võ Văn Hùng (tộc họ Võ hiện còn từ đường ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, xưa là phường An Vĩnh, thuộc huyện đảo Lý Sơn), Phạm Văn Sanh (hiện họ Phạm Văn còn từ đường và khu "lăng" mộ ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) hướng dẫn, đo hải trình vất vả, được thưởng mỗi người 1 quan tiền Phi Long ngân tiền và bình thệ, dân phu 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi theo cũng được thưởng mỗi người 1 quan tiền. Cũng thế vào năm Minh Mạng 18 (1837), do khởi hành chậm trễ, những người được kinh phái như thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, tỉnh phái hướng dẫn Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh (lần trước được thưởng) đều bị phạt. Trong khi các dân binh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi theo vẫn được thưởng 2 quan tiền. Những chi tiết trên đã minh hoạ rất hùng hồn việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trong việc đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ.Nhiệm vụ đo đạc ở Hoàng Sa được qui định cũng rất rõ ràng có ghi trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ quyển 165 cũng như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 221 như sau:“Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.Như thế việc đo đạc phải kết hợp với việc vẽ hoạ đồ mà chuyên viên vẽ hoạ đồ lại là các viên giám thành.Việc đo đạc để vẽ bản đồ về Hoàng Sa dưới triều Nguyễn đã được bắt đầu từ thời Gia Long 14 (1815), song đến đời Minh Mạng mới được thúc đẩy mạnh. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Hoàng vẽ hoạ đồ Hoàng Sa chưa chu tất đã bị phạt mỗi người 80 trượng như đã nêu trên. Tấu của Bộ Công vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cũng chỉ vẽ được một nơi và cũng chưa biết rõ nên làm thế nào. Theo dụ vua Minh Mạng ngày 13 tháng 7 năm thứ 18 (1837), thủy quân đi Hoàng Sa vẽ thành đồ bản 11 nơi, tuy nhiên chưa được chu đáo lắm. Theo Tấu Bộ Công ngày 21 tháng 6 Minh Mạng thứ 19 (1838), thủy quân đệ trình sau khi đo đạc 3 nơi với 12 hòn đảo đã vẽ được 4 bức đồ bản, 3 bức vẽ riêng và 1 bức vẽ chung, song cũng chưa vẽ rõ ràng lắm, Bộ Công phải yêu cầu vẽ lại tinh vi hơn. Kỹ thuật đo đạc và vẽ bản đồ Hoàng Sa của Việt Nam vào thời kỳ nhà Nguyễn tuy có kỹ, chu đáo hơn trước, song vẫn còn lạc hậu so với kỹ thuật tân tiến của Phương Tây lúc bấy giờ, nhất là chưa xác định được toạ độ theo kinh độ và vĩ độ trên toàn địa cầu. Vì thế, các hải đồ tuy có nhiều chi tiết, song không phải chỉ có hải đồ là có thể đi biển chính xác mà lúc nào cũng cần đến những người từng trải đã từng lái thuyền đến các vùng biển đã đi qua. Các hải đồ về Hoàng Sa vốn được các giám thành vẽ hoặc được lưu ở vệ giám thành, hoặc ở thủy quân và Bộ Công. Rất tiếc qua cuộc binh biến ngày 4 - 7 - 1885 và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào năm 1946, kinh thành bị đốt phá, đã không còn giữ lại những tập bản đồ qúi giá về Hoàng Sa đã được vẽ rất kỹ lưỡng. Chúng ta chỉ biết chắc từ năm 1838 thủy quân triều Minh Mạng đã vẽ được một bản đồ chung về Hoàng Sa.Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, Minh Mạng như Chaigneau, giám mục Taberd đã viết rất rõ về những hành động của vua Gia long như Chaigneau đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine" “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy” hay giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (vua Gia long) đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong. Gutzlaff năm 1849 đã cho biết chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam". Những người Phương Tây trên không phải là những nhà nghiên cứu nên chỉ ghi nhận sự kiện trước mắt, đương xảy ra, chứ không biết quá khứ từ lâu việc thực thi chủ quyền của Việt Nam như thế nào ở Hoàng Sa. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển 50 đã ghi chép hoạt động của đội Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình do Phạm Quang Anh làm đội trưởng vào năm 1815. Đến năm 1816, vua Gia Long lần đầu tiên ban lệnh cho thủy quân với sự hướng dẫn của dân binh đội Hoàng Sa đi xem xét, đo đạc thủy trình ở quần đảo Hoàng Sa (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 52).Sang thời Nhà Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng, thủy quân hàng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong có dân binh đội Hoàng Sa. Kinh phái đứng đầu là thủy quân cai đội hay thủy quân chánh đội trưởng chỉ huy cùng với lực lượng thủy quân lấy trong vệ thủy quân đóng ở kinh thành hay ở cửa Thuận An. Ngoài thủy quân kinh phái còn các viên giám thành trong vệ giám thành, là những chuyên viên vẽ bản đồ như đã trình bày ở trên. Tỉnh phái là các viên chức ở tỉnh Quảng Ngãi có nhiệm vụ phối hợp với kinh phái trong công tác hướng dẫn, cung cấp dân công, lo xây dựng, đồng thời còn điều động binh dân ở tỉnh Quảng Ngãi, có khi gồm cả dân binh tỉnh Bình Định như trong chuyến công tác năm 1835 và 1837 đã dẫn trên đây.Nhiệm vụ của “lực lượng đặc nhiệm” luôn được hoàng đế Việt Nam theo sát và ra chỉ dụ cụ thể nhất là dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, cho ta thấy nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này quan trọng đến chừng nào.Cũng chính vua Minh Mạng ra chỉ dụ nói rõ việc làm cụ thể của từng chuyến đi. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu trình lên vua về chuyến vãng thám Hoàng Sa của thủy quân, chính đội trưởng Phạm Hữu Nhật, vua Minh Mạng phê sửa (châu cải): “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thụ ngay, giao cho tên ấy (Phạm Hữu Nhật) nhận biên" và rồi vua Minh Mạng lại phê (châu phê): “Thuyền nào đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”. Cũng chính vua Minh Mạng theo dõi các chuyến đi công tác Hoàng Sa và đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng phạt. Thường dân binh đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi, Bình Định luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế về sự cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm trễ đều bị tội.Các chuyến đi công tác ở Hoàng Sa cũng được tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có vệ thủy quân là chính phối hợp với vệ giám thành, và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.Thời gian chuẩn bị, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 154 có ghi rõ: “Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa”. Như thời gian hàng năm chuẩn bị từ hạ tuần tháng giêng (tháng 2 dương lịch) đến thượng tuần tháng hai (tháng 3 dương lịch) thì có mặt ở Quảng Ngãi, để sang tháng 3 âm lịch (tháng 4 dương lịch) là lúc biển yên nhất thì khởi hành đi Hoàng Sa.Từ Quảng Ngãi, phải thuê 4 chiếc thuyền của dân. Đó là loại thuyền câu, song nhẹ và nhanh hơn, nhỏ hơn thuyền Điếu hải thuộc thủy quân ở các tỉnh trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Đến đời vua Minh Mạng, thuỷ quân mới được tổ chức thật qui củ có nhiệm vụ ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ còn có cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6 đã ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy có nơi phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào và có bia khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình”. Như thế trước thời Minh Mạng đã có việc khắc bia, dựng miếu chùa rồi.Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công sang năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái người ra dựng bia chủ quyền. Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ công tâu vua cứ hằng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Tập tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836) với lời châu phê của vua Minh Mạng cũng đã nêu rất rõ: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc". Đại Nam Thực Lục Chinh Biên, đệ nhị kỷ, quyển 6 còn ghi rõ: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ:“ Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư (tờ 25b)”. (Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ)Mỗi năm cột mốc đều khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy “lực lượng thủy quân đặc nhiệm”, được phụng mệnh ra Hoàng Sa và ghi dấu để nhớ. Nếu chỉ tính sử sách có ghi rõ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc nhiệm của các năm cụ thể thời Minh Mạng như cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thì số đảo được đánh mốc cũng rất đáng kể. Mỗi thuyền 10 bài gỗ. Mỗi năm 4, 5 thuyền có thể cắm mốc tối đa 40, 50 cột mốc tại các đảo, song rất khó tổng kết tổng cộng trên thực tế cắm cột mốc được bao nhiêu đảo.3. Thủy quân xây dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường SaCác vị vua chúa Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu Hoàng Sa một gian theo thể chế nhà đá. Việc dựng miếu này theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 154, đã cho biết rõ năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã không thực hiện việc xây dựng miếu như dự kiến mà đến mãi đầu tháng 6 mùa hạ, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua Minh Mạng đã cử cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách toà miếu cổ 7 trượng. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong việc chớ không như các đoàn khác có nhiệm vụ lâu dài hơn.Thường ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây. Theo Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông, thì các quân nhân đến đảo thường đem những hạt quả thủy nam mà rải ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để tìm dấu mà nhận. Như thế cây trồng ở Hoàng Sa chủ yếu trồng bằng cách gieo hạt, quả chứ không trồng theo kiểu trồng loại cây con. Đó cũng hợp lý vì mang cây con ra biển đi trên thuyền nhỏ như thế cũng khó khăn, khó bảo dưỡng được cây sống để mà trồng. Thời gian hoạt động hàng năm của thủy quân vào cuối mùa khô, kéo dài sang mùa mưa nhiều tháng trời, rất thuận lợi cho việc gieo hạt trồng cây. Ý của vua Minh Mạng sai trồng cây cũng cho rằng gần đây thuyền buôn thường bị hại, nên trồng cây cũng cốt làm dấu dễ nhận ra đảo mà tránh thuyền bị tai nạn đâm vào đảo.Như thế, lợi dụng Việt Nam bị mất quyền tự chủ trong thời kỳ Pháp đô hộ, theo hoà ước 1884, quyền ngoại giao với nước ngoài do người Pháp đảm trách, chính quyền Quảng Đông, Trung Quốc lấy cớ các đảo ở biển Nam Hải vô chủ, đã tổ chức chiếm hữu bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam vốn đã từ lâu.Trước năm 1909 chưa hề có một bản đồ nào của Trung Quốc ghi tên Tây Sa và Nam Sa. Cuốn sách "Trung Quốc Địa Lý Giáo Khoa Thư" do Thượng Hải Thượng Vụ An Thư Quán, xuất bản năm 1906 ghi điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam như sau: "Phía nam bắt đầu là vĩ độ 18013B lấy bờ biển Châu Nhai đảo Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) làm điểm mút".Đáng tiếc là về phía Pháp, theo hiệp ước 1884 hay hiệp ước 1885 được chỉnh sửa, lẽ ra phải có nhiệm vụ lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc (dù đó là của chính quyền địa phương), song lại im lặng. Đúng như nội dung văn thư số 35 của ông Wilden, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp ở Trung Hoa gửi cho Bộ Ngoại Giao Pháp A. Briand ngày 28 tháng 7 năm 1930: "Mặc dù nước Pháp chưa bao giờ chính thức công nhận các quyền của Trung Quốc trên quần đảo này thì vẫn còn chuyện chúng ta rõ ràng đã bỏ qua không phản đối tất cả các hành vi mà Trung Quốc quan tâm tới việc ngắt quãng định kỳ thời hiệu, có thể chống lại họ, đang tìm cách từ vài năm nay chứng tỏ rằng họ coi quần đảo Hoàng Sa như bộ phận phụ thuộc vào lãnh thổ họ và đang cố gắng đặt chúng ta trước việc đã rồi". Trong khi đó, Triều đình Huế chỉ còn là hư vị từ thời vua Đồng Khánh. Trong thời vua Khải Định, quyền hành ở trong tay viên khâm sứ người Pháp là Le Fol. Sau khi người Trung Quốc sáp nhập hành chánh quần đảo Paracels vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông vào ngày 30 tháng 1 năm 1921 bằng một mệnh lệnh của chính quyền quân sự miền Nam Trung Hoa, thì chính quyền thuộc địa Pháp càng ngày càng quan tâm đến Hoàng Sa.Tài liệu lưu trữ, tư liệu của Phủ Toàn Quyền Pháp ở Sài gòn cũng như Bộ Thuộc Địa Pháp không có thông tin gì về chủ quyền lâu đời của "vương quốc Việt Nam", chỉ biết Hoàng Sa vẫn còn có những người Việt Nam ở Trung Kỳ "mang cả vợ con" đi đánh cá, sống ở đảo Hoàng Sa và có những xô xát đẫm máu với những người Trung Hoa ở Hải Nam và như thế chính quyền Pháp cho rằng có quyền ngang hàng khi chính quyền Trung Quốc chiếm hữu.Mãi đến năm 1925, theo Khâm Sứ Trung Kỳ Le Fol viết trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1926 gởi cho Toàn Quyền Đông Dương, người Pháp mơi bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của "vương quốc Việt Nam" tại quần đảo Hoàng Sa, trước khi cử ông Giám Đốc Viện Hải Dương Học Và Nghề Cá ở Nha Trang - ông M.A. Krempt đi thám sát Hoàng Sa. Qua kết quả nghiên cứu tìm hiểu về Hoàng Sa, Khâm Sứ Trung Kỳ LeFol trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1929 gửi Toàn Quyền Đông Dương cho biết: "Trong tác phẩm (Géographie de la Cochinchine được dịch ra Tiếng Anh và đăng trong tạp chí Journal de la Société Asiatique de Bengale năm 1838, đức cha Jean Louis Taberd, giám mục Ismaropolis (Khâm Mạng toà thánh tại Nam Kỳ, Cao Miên và Champa) đã kể lại việc Hoàng Đế Gia Long đã chiếm hữu quần đảo Paracels năm 1816 và long trọng kéo lá cờ Nam Kỳ trên quần đảo. Việc chiếm hữu đó đã được các Biên Niên Sử của chính quyền An Nam hay Đại Nam Nhất Thống chí, Nam Việt Địa Dư tập 2 hay địa dư nước An Nam, xuất bản năm thứ 14 đời Minh Mạng và cuối cùng "Đại Nam Nhất Thống Chí" quyển 6 hay "Địa Dư Duy Tân"; “các tài liệu trong kho lưu trữ của chính phủ An Nam cung cấp cho ta những chi tiết về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của đội Hoàng Sa”.Khâm Sứ LeFol viết tiếp: "Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan. Thì trái lại, hình như hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề, như vậy làm lợi cho người Trung Quốc và dường như họ chuẩn bị cho việc nắm quyền sở hữu chính thức đối với các đảo đó".Và cũng chính trong bức thư kể trên, ông LeFol đã cho biết trước khi mất, ông Thân Trọng Huề, thượng thư bộ Binh của triều đình Huế đã viết một văn thư ngày 3 tháng 3 năm 1925 khẳng định rằng: "Các đảo nhỏ đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này".Ngày 31 tháng 3 năm 1939, Bộ ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố Nhật kiểm soát quần đảo Trường Sa. Tuyên bố chuyển tới đại sứ Pháp tại Nhật bằng một thông điệp khẳng định rằng Nhật Bản là người đầu tiên thám hiểm quần đảo Trường Sa vào năm 1917. Nhật Bản nhận rằng ở đó "không có một quyền lực hành chánh địa phương nào, đó là một tình trạng có hại cho các lợi ích của Nhật và về lâu dài có thể gây ra những khó khăn với Pháp".Ngày 4 tháng 4 năm 1939, Bộ Ngoại Giao Pháp gửi một công hàm phản kháng quyết định của Nhật và khẳng định các quyền của Pháp. Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 4 năm1939 tại Hạ Nghị Viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp.Do nhu cầu lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, Nhật đã nhanh chóng chiếm vào năm 1938 đảo Phú Lâm (Ile Boisée) và đảo Itu - Aba (Ba Bình) của Trường Sa vào năm 1939. Mãi đến ngày Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa.Suốt thời kỳ Pháp thuộc, các nhà chức trách Pháp tuyên bố chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của vương quốc An Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ, song các nhà chức trách Pháp vì quyền lợi riêng tư của nước Pháp có những thái độ bất nhất, khi thì thờ ơ, không phản ứng kịp thời khi chủ quyền này bị nước ngoài (Trung quốc) xâm phạm, thậm chí còn lấy Hoàng Sa làm vật trao đổi trong quan hệ với Trung Quốc như Pasquier thú nhận trong bức thư ngày 20 - 03 - 1930 gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa hoặc có ý đồ tách các đảo Phía Nam Biển Đông không còn nằm trong khối thống nhất của Hoàng Sa (Paracel) và cho đó là quần đảo Spratly vô chủ để người Pháp chiếm hữu cho riêng nước Pháp, song lại sáp nhập vào Nam Kỳ, mà người Pháp gọi là sự sáp nhập về hành chánh mà thôi.Sau khi bại trận, Nhật đã chính thức từ bỏ sự chiếm đóng trái phép. Song từ tháng 4/1956, quân Pháp rút khỏi Việt nam, các nước đã lợi dụng tình trạng phòng vệ yếu kém của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở các đảo ở Biển Đông đã chiếm đóng trái phép: Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa: Phú Lâm, Đài Loan chiếm đóng đảo lớn nhất Itu Aba của quần đảo Trường Sa, Philippines sau đó cũng tuyên bố Trường Sa trừ đảo Trường Sa (Pratley) là của Philippines nằm kế cận nước này rồi cũng chiếm một số đảo đá trong đó có đảo Song Tử Đông. Mãi năm 1988 bằng vũ lực, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mới chiếm một số bãi đá của Trường Sa. Năm 1994, Việt Nam phản đối Trung Quốc đã xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc ký với công ty Crestones (Mỹ) cho phép thăm dò khai thác dầu mà Trung Quốc gọi là hợp đồng Vạn An Bắc 21. Ngày 18 tháng 4 năm 1994, ông R.C. Thompson, chủ tịch công ty Năng Lượng Crestones (Mỹ) ra thông báo với báo chí, nói rằng họ đang tiến hành khảo sát địa chấn và chuẩn bị thăm đảo để đánh giá tiềm năng dầu khí của khu vực, gọi là hợp đồng "Vạn An Bắc 21". Thông báo nói rằng: "Việc nghiên cứu khoa học và kế hoạch khai thác thương mại trong tương lai là những bước phát triển mới nhất của lịch sử nghiên cứu khoa học và thăm dò ở Biển Nam Trung Hoa và Khu vực vạn An Bắc của Trung Quốc, bắt đầu từ những báo cáo năm 200 trước Công Nguyên vào thời Hán Vũ Đế!Dù gì đi nữa việc chiếm giữ của các nước đối với các đảo trong quần đảo Hoang Sa & Trường Sa là chiếm giữ bất hợp pháp bằng vũ lực, trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.Tất cả các chính quyền có trách nhiệm về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền hợp pháp của mình. Mọi lời tuyên bố của bất cứ chính quyền nào kể cả chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thời chia cắt, theo pháp lý quốc tế cũng không ảnh hưởng đến việc từ bỏ chủ quyền của Việt Nam mà chỉ là những đối sách chính trị trong cuộc chiến tranh. Trong khi 2 chính quyền ở Miền Nam chịu trách nhiệm hành xử chủ quyền: một là Việt Nam Cộng Hoà, hai là Chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam của Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam cũng như chính quyền Việt Nam thời thống nhất đã tiếp tục bảo vệ, không từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Trong khi kiên trì chờ thời cơ, vấn đề chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được làm rõ ở trong và ngoài nước, để mọi người không mơ hồ về một sự thực lịch sử: khi Việt Nam bị Pháp đô hộ và chiến tranh, các nước láng giềng đã lợi dụng xâm phạm, chiếm giữ bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar. Trật tự thế giới mới văn minh trên cơ sở Hiến Chương Liên Hiệp Quốc phải được các nước bao gồm chính quyền và nhân dân tôn trọng triệt để. Có như thế nhân loại mới sống trong an bình, thịnh vượng, văn minh và tiến bộ.
TS. Nguyễn Nhã (Hội KHLS Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguyễn Phúc Nguyên: vị chúa của những kỳ công mở cõi đầu thế kỷ XVII
Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng, sinh năm Quý Hợi (1663), sau khi Nguyễn Hoàng đã vào trấn thủ ở Thuận Hoá được 5 năm. Là người đại diện cho xu thế phát triển của đất nước, Nguyễn Hoàng quyết chí vào Nam dựng nghiệp với hàng loạt những dự định lớn lao. Ông toàn tâm, toàn ý chăm lo phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực về mọi mặt, chuẩn bị những buớc đi xa hơn cho các thế hệ con cháu. Lê Quý Đôn, người đứng trên lập trường của họ Trịnh cũng không thể không ca ngợi: “Đoan quận công có uy lược, xét kỹ nghiêm minh, không ai dám lừa dối… chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỷ luật, cấm chấp kẻ hung bạo. Quân dân hai xứ đều mến yêu kính phục; thay đổi phong tục xấu, ai ai cũng cám ơn và mến đức. Chợ không có hai giá, trong dân gian không có trộm cướp, đêm không phải đóng cổng; thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế má để giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ”.Trong số các con trai của Nguyễn Hoàng, người con đầu là Hà, con thứ hai là Hán, con thứ ba là Thành, con thứ tư là Diễn đều đã mất sớm; người con thứ năm là Hải thì phải gửi lại trên đất Bắc làm con tin, chỉ còn một mình Nguyễn Phúc Nguyên là người có đủ khả năng và điều kiện kế nghiệp cha. Tuổi nhỏ Nguyễn Phúc Nguyên đã tỏ ra là bậc thông minh, tài trí hơn người. Lớn lên ông càng bộc lộ tài năng kiệt xuất “ngày thường cùng các tướng bàn luận việc binh, tính toán có nhiều việc đúng. Thái Tổ biết có thể trao phó nghiệp lớn, vẫn để ý tới”. Nguyễn Phúc Nguyên đã không phụ lòng tin của cha, thực hiện đầy đủ và trọn vẹn tất cả những gì mà người cha - chúa Nguyễn Hoàng trông đợi và ủy thác.1. Xây dựng một vương triều độc lập, thoát ly hẳn sự lệ thuộc với triều đình vua Lê chúa TrịnhĐây là mục tiêu số một của Nguyễn Hoàng khi quyết định vào Nam dựng nghiệp. Tuy nhiên do điều kiện và hoàn cảnh lúc đó, ông phải hết sức kín đáo để tránh mọi sự hoài nghi của chúa Trịnh. Trên danh nghĩa và cả trong thực tế, Nguyễn Hoàng vẫn phải giữ quan hệ lệ thuộc với chính quyền Lê - Trịnh, vẫn làm tướng tiên phong của Nam Triều đi đánh dẹp các dư đảng của nhà Mạc ở Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây, Thái Nguyên… Cuối năm 1600, sau khi quyết định trở về ở hẳn Thuận Hoá, đẩy mạnh xây dựng chính quyền độc lập và không nghĩ đến việc quay trở về yết kiến vua Lê nữa, Nguyễn Hoàng vẫn phải giữ quan hệ hoà hiếu với chính quyền Lê - Trịnh, hàng năm vẫn phải nộp thuế má và xin kết nghĩa thông gia với Trịnh Tùng. Sự nghiệp xây dựng một vương triều độc lập của Nguyễn Hoàng tuy đã có cơ sở bước đầu nhưng vẫn còn hết sức mong manh. Đây chính là điều ông trăn trở nhất và cũng là sự uỷ thác cao nhất cho Nguyễn Phúc Nguyên trước lúc qua đời. Sách Đại Nam thực lục Tiền biên chép:
“Chúa yếu mệt, triệu hoàng tử thứ sáu và thân thần đến trước đền trước giường, bảo thân thần rằng: Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”. Rồi chúa cầm tay hoàng tử thứ sáu dặn bảo rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại nói: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi Sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta” .Thực hiện Di chúc của người cha, Nguyễn Phúc Nguyên đã từng bước ly khai hẳn với triều đình Lê - Trịnh, không chịu nộp thuế, không về chầu triều đình và đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của Trịnh Tráng vào năm 1627, mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài 45 năm (từ năm 1627 đến năm 1672) với 7 chiến dịch quy mô lớn (trong đó có 6 cuộc quân Trịnh chủ động tấn công vào địa phận của chúa Nguyễn). Về hình thức thì đây là cuộc nội chiến ác liệt, kéo dài và không phân thắng bại, nhưng nếu xét theo mục đích của cuộc chiến tranh thì thất bại lại thuộc về chính quyền Lê - Trịnh. Lâu nay có nhiều cách đánh giá khác nhau về cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn. Đương nhiên cuộc chiến tranh đã tiêu huỷ sức người, sức của, triệt phá đồng ruộng xóm làng và dẫn đến chia cắt đất đai thống nhất của quốc gia Đại Việt thì ai cũng nhìn thấy rõ. Chúng ta không thanh minh, không bao biện cho các cuộc chiến tranh, nhất là các cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nhưng chúng ta cũng không đánh đồng các bên tham chiến. Hy vọng rồi đây cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn sẽ được nghiên cứu đầy đủ và kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ có những đánh giá khách quan và chính xác về nó, nhưng trong điều kiện của tư liệu ngày nay, dưới cái nhìn toàn diện về xu thế đang lên của vương triều chúa Nguyễn, chúng tôi tin rằng nhận định sau đây của GS.TSKH Vũ Minh Giang là có sức thuyết phục: “Có thể nói việc Nguyễn Phúc Nguyên tìm mọi cách tách Thuận Quảng ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê - Trịnh không phải chỉ là hành động cát cứ phong kiến đơn thuần vì lợi ích của dòng họ Nguyễn. Nó còn phản ánh một ước nguyện muốn thực thi những chính sách cai trị khác với đường lối chính trị của Đàng Ngoài lúc đó đang theo xu hướng hoài cổ rập khuôn thời Lê sơ, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Về mặt khách quan việc làm của Phúc Nguyên có lợi cho xu thế phát triển của lịch sử dân tộc”.Năm 1613 được lên ngôi chúa thì ngay năm sau, năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên quyết định bãi bỏ Đô ty, Thừa ty, Hiến ty theo thiết chế quân sự của hệ thống chính quyền nhà Lê. Tại Chính dinh, ông đặt ra ty Xá sai (coi việc văn án từ tụng, do Đô tri và Ký lục giữ), Tướng thần lại (coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do Cai bạ giữ) và Lệnh sử (coi việc tế tự, lễ tiết và chi cấp lương cho quân đội Chính dinh, do Nha uý giữ). Bên cạnh đó còn các ty Nội Lệnh sử kiêm coi các thứ thuế, Tả Lệnh sử và Hữu Lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư ở hai xứ về nộp Nội phủ. Tại các dinh ở ngoài, tuỳ theo từng nơi, có nơi Nguyễn Phúc Nguyên chỉ đặt một ty Lệnh sử, nhưng cũng có nơi đăt hai ty Xá sai và Tướng thần lại, có nơi kiêm đặt hai ty Xá sai và Lệnh sử để trông coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng.Đầu năm sau, năm 1615, các quy chế mới về chức trách và quyền hạn của các phủ, huyện được ban hành. Theo quy chế này thì Tri phủ, Tri huyện giữ việc từ tụng; các thuộc viên: Đề lại, Thông lại chuyên việc tra khám, Huấn đạo, Lễ sinh chuyên việc tế tự... Năm 1620, Nguyễn Phúc Nguyên lấy lý do chúa Trịnh vô cớ gây chiến đã quyết định chấm dứt hoàn toàn việc nộp cống thuế cho chính quyền Lê - Trịnh. Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã làm theo kế của Đào Duy Từ trả lại sắc của chúa Trịnh Tráng. Đây không chỉ là sự khẳng định dứt khoát chính quyền chúa Nguyễn ở phía Nam là chính quyền độc lập, cắt đứt hẳn mọi quan hệ lệ thuộc với chính quyền Lê - Trịnh ở phía Bắc, mà còn đánh dấu quá trình chuyển đổi căn bản từ một chính quyền địa phương, mang nặng tính chất quân sự của nhà Lê - Trịnh sang một chính quyền dân sự của chúa Nguyễn. Đặc biệt trong quan hệ đối ngoại chúa Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng là An Nam Quốc Vương, quan hệ với các nước trong tư thế của một quốc gia độc lập có chủ quyền. GS Kawamoto Kuniye cho rằng điều này đã “biểu lộ nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn trước thời đại mới”.Cải cách hành chính của Nguyễn Phúc Nguyên là cải cách có ý nghĩa then chốt, đặt cơ sở cho những bước tiến xa hơn và vững chắc hơn của triều đình chúa Nguyễn nói riêng và đất nước nói chung.2. Mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hoá trong nước, xây dựng Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnhNăm 1602, chúa Nguyễn Hoàng có một quyết định hết sức sáng suốt là giao cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam, một vùng “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” và giữ vị trí “yết hầu của miền Thuận Quảng”. Bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác và đánh thức nguồn lực trong nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong thực tế phải được coi là người Việt Nam đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hóa và đô thị trong nước phát triển lên một trình độ mới.Trong số các nước phương Đông, Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Ông không chỉ chủ động xúc tiến quan hệ giao thương với tư cách chính thức của vị đứng đầu nhà nước An Nam (An Nam Quốc Vương), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An, mà còn cho con gái yêu quý của mình sang làm dâu một gia đình thương nhân Nhật Bản ở Nagasaki để thắt chặt hơn nữa quan hệ với giới đại thương Nhật. Người con rể của Nguyễn Phúc Nguyên là Araki Sotaro vốn thuộc dòng dõi samurai ở Kumamoto đi thuyền mang cờ hiệu của công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào năm 1619. Theo sách Ngoại phiên thông thư (quyển 13, tr 87-88) thì cũng đúng vào năm đó chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái của mình cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này. ít lâu sau cô đã theo người chồng Nhật Bản về định cư ở Nagasaki. Cô công chúa họ Nguyễn có cuộc sống thật sự hạnh phúc, đắc ý cùng chồng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên đất Nhật Bản.Từ năm 1593 Mạc phủ Toyotomi bắt đầu thi hành chính sách Châu ấn thuyền (Shuinsen) cấp giấy phép cho thuyền buôn mở rộng quan hệ thông thương với các nước Đông Nam Á. Nguyễn Phúc Nguyên đã cho mở rộng thương cảng Hội An trở thành thương cảng chính không chỉ của Đàng Trong mà trên toàn khu vực tương đương với Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay, đón nhiều nhất số thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy phép chính thức. Theo nghiên cứu của GS Iwao Seiichi thì từ năm 1604 cho đến năm 1634 (tương đương với thời kỳ Nguyễn Phúc Nguyên được giao là Trấn thủ dinh Quảng Nam (1602) và lên ngôi Chúa (1613-1635)), Mạc phủ đã cấp 331 giấy phép đến 19 cảng thuộc khu vực Đông Nam á (bình quân 1 cảng là 17,42 giấy phép) và 130 giấy phép đến 6 cảng thuộc khu vực tương đương với Việt Nam hiên nay (bình quân 1 cảng là 14,33 giấy phép). Riêng cảng Hội An có 86 thuyền được cấp giấy phép (chiếm 25,98% số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á, gấp gần 5 lần tỷ số bình quân chung cho khu vực và chiếm 66,15% số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Việt Nam, gấp 6 lần tỷ số bình quân chung cho Việt Nam).Bên cạnh thuyền buôn Nhật Bản, thuyền buôn Trung Quốc, Đông Nam á và nhất là thuyền buôn phương Tây cũng cập bến Hội An ngày một nhiều hơn và thường xuyên hơn. Christoforo Borri nhận xét: “Chúa Đàng Trong [Chúa Nguyễn Phúc Nguyên] không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hoá của họ”. Trong bối cảnh giao lưu buôn bán quốc tế tấp nập và sôi động như vậy, Hội An những thập kỷ đầu thế kỷ XVII đã đột khởi trở thành một đô thị, cảng thị quốc tế tiêu biểu ở khu vực châu Á.Giáo sĩ dòng Tên người ý là Christoforo Borri, sống tại thị trấn N¬ước Mặn (nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) những năm 1618-1622 đã mô tả về Hội An như sau: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam… Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật người Hoa chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Hoa và một phố người Nhật. Mỗi phố có một khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Hoa có luật lệ và phong tục của người Hoa và người Nhật cũng vậy”. Đây là sự phát triển trội vượt, một hiện tượng kinh tế - xã hội hết sức độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó, cũng không thấy lặp lại ở bất cứ đô thị nào trên đất Việt Nam nhiều thế kỷ tiếp sau.3. Vượt qua Thạch Bi Sơn gây dựng những cơ sở đầu tiên trên đất Nam Bộ, người khởi dựng hình hài lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đạiNăm 1611, nhân vì quân Chămpa đánh ra phía bắc đèo Cù Mông (Bình Định), chúa Nguyễn Hoàng sai chủ sự là Văn Phong đem quân đánh chiếm vùng đất từ đèo Cù Mông cho đến núi Thạch Bi của Chămpa và đặt làm phủ Phú Yên, giao cho Văn Phong làm lưu thủ. Văn Phong lâu năm ở Phú Yên, kết thân với người Chăm đã dùng quân Chăm chống lại chúa Nguyễn, bị Nguyễn Phúc Nguyên cử phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đem quân đánh dẹp, lập ra dinh Trấn Biên. Lương Văn Chính là người có công đầu trong việc chiêu tập lưu dân khai khẩn đất hoang lập ra nhiều thôn ấp của người Việt, nhanh chóng biến toàn bộ khu đất mới được tích hợp vào đất Đàng Trong thành địa bàn căn bản của chúa Nguyễn.Không dừng lại ở khu vực Phú Yên, ngay từ đầu thế kỷ XVII đã bắt đầu có những nhóm cư dân người Việt ở Thuận - Quảng đi thẳng vào khu vực Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hoà) tiến hành khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ.Năm 1620, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên chấp thuận lời cầu hôn của Quốc vương Chân Lạp, cho một người con gái của mình là Công chúa Ngọc Vạn kết hôn với Chey Chettha II. Sự việc này cũng đã được Christoforo Borri xác nhận. Theo truyền thống gia đình và quê hương, công chúa Ngọc Vạn là người tôn sùng Phật giáo nên có nhiều thuận lợi hoà nhập được ngay vào môi trường văn hóa - tín ngưỡng của Hoàng gia và xã hội Chân Lạp. Bà được Quốc vương Chey Chettha II đặc biệt đề cao về sắc đẹp và đức tính khoan hoà đã phong làm Hoàng hậu (Hoàng hậu Ang Cuv) với tước hiệu Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattrey. Trong bối cảnh Chân Lạp đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt bởi quân Xiêm ở phía Tây, trước sự lớn mạnh và chủ trương hoà hiếu của chính quyền Đàng Trong, công chúa - Hoàng hậu Ngọc Vạn trở thành sứ giả đại diện cho cả hai vương triều Đàng Trong, Chân Lạp trong các chính sách đối ngoại, đối nội và không chỉ phụng sự cho riêng một vương triều nào. Nhờ có sự giúp đỡ hiệu quả của Đàng Trong mà Chey Chettha II đã nhiều lần liên tục đánh bại các cuộc tấn công xâm lược của quân Xiêm, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Chân Lạp trong khu vực. Chey Chettha II chỉ ở ngôi trong khoảng 11 năm (1618-1628), nhưng đã tạo dựng được một giai đoạn ổn định và phát triển huy hoàng trong điều kiện vô cùng gian nan, khốn khó.Nhiều nhóm cư dân Việt ở vùng Thuận - Quảng từ hai thập kỷ đầu thế kỷ XVII đã tự phát tìm vào sinh sống làm ăn ở lưu vực sông Đồng Nai, đến nay có thêm sự bảo trợ của bà Hoàng hậu của vương triều Chey Chettha II nên di cư ngày một đông thêm và tiến sâu hơn đến những vùng đất chưa được khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí có nhóm dân cư còn tiến ra chiếm lĩnh các hải đảo và cũng có nhóm đã đi sát đến kinh đô Udong. Đây chính là cơ sở khách quan và thuận lợi cho Chúa Nguyễn từng bước hợp pháp hoá sự kiểm soát của mình một cách hoà bình đối với vùng đất đã được người Việt tổ chức khai khẩn.Năm 1623, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên chủ động đặt ra và thương lượng thành công với Chey Chettha II, lập hai thương điếm (đồn thu thuế) là Kas Krobei trên bờ sông Sài Gòn (xưa gọi là sông Bến Nghé) và Brai Kor trên bờ rạch Bến Nghé hay kênh Tàu Hủ (xưa gọi là rạch Sài Gòn - khu Chợ Lớn từ năm 1859), thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, để tiến hành thu thuế. Biên niên sử Chân Lạp chép về sự kiện này đã xác nhận vai trò đặc biệt quan trọng của bà Ngọc Vạn trong quá trình thương lượng. Georges Maspéro trong sách Đế quốc Khmer khảo cứu kỹ biên niên sử Khmer cũng cho biết rõ thêm: “Nhà Vua mới lên ngôi Chey Chettha II liền xây một cung điện ở Oudong (U Đông). Nơi đây ông long trọng cử hành lễ c¬ưới một công chúa con Vua An Nam. Bà này rất đẹp. Chẳng bao lâu, bà có ảnh hư¬ởng mạnh đến nhà Vua. Nhờ bà mà một sứ đoàn An Nam đã xin được Chey Chettha cho phép lập thư¬ơng điếm trong miền Nam Cao Miên, ở chính nơi ngày nay là Sài Gòn”.Cuộc hôn nhân Chey Chettha II - Ngọc Vạn vốn là cuộc hôn nhân chính trị đã trở thành trọn vẹn do đáp ứng được đầy đủ lợi ích của cả hai hoàng gia, hai vương triều và rộng ra là cả hai đất nước. Không chỉ có các nhà viết sử Việt Nam mà các nhà viết sử Cămpuchia và các chuyên gia sử học khác trên thế giới khi đề cập đến sự kiện này đều ca ngợi sự nghiệp, công đức cũng như những đóng góp cho đất nước, cho hoà bình và phát triển khu vực của cả Quốc vương Chey Chettha II va Hoàng hậu Ang Cuv.Riêng đối với chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì đây phải được xem là bước đi cần thiết, căn bản và hết sức tài khéo để cắm một cái mốc chủ quyền đầu tiên của chính quyền Đàng Trong trên vùng đất Nam Bộ.Năm 1757, với việc Quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn Phúc Khoát, chúa Nguyễn về cơ bản đã hoàn thành công cuộc khai chiếm toàn bộ vùng đất Nam Bộ, cả đất liền và các hải đảo thuộc Biển Đông và Biển Tây, xác lập và ổn định phạm vi lãnh thổ tương đương với lãnh thổ Việt Nam hiện nay.4. Tổ chức đội Hoàng Sa - hình thức độc đáo, duy nhất khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa Biển ĐôngCuốn sách cổ ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776, trên cơ sở sưu tầm, tập hợp tư liệu, ghi chép những điều tai nghe, mắt thấy trong 6 tháng ông làm Hiệp trấn hai xứ Thuận Hoá, Quảng Nam. Sách chép: “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré,...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”.Như vậy, thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, khách quan, xác thực, Lê Quý Đôn đã giới thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải.Bộ sách được hoàn thành chỉ sau Phủ biên tạp lục một thời gian ngắn là Đại Việt sử ký tục biên . Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh tổ chức biên soạn, nối tiếp vào quyển XIX sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Đại Nam thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, nhân nói đến sự kiện tháng 7 năm 1754, “dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa [Nguyễn Phúc Khoát] sai viết thư [cám ơn]” đã mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được tổ chức từ thời “quốc sơ” (tức là từ thời các chúa Nguyễn đầu tiên) không có gì khác với Phủ Biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên. Toàn tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo người xã Bích Triều, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An soạn năm Chính Hoà thứ 7 (1686), phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ: “Mỗi năm đến tháng cuối đông [chúa Nguyễn] đưa 18 chiếc thuyền đến đó [Bãi Cát Vàng] nhặt vàng bạc”. Khoảng một thập kỷ sau, vị Hòa thượng Trung Quốc nổi tiếng trụ trì ở chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông là Thích Đại Sán sang Đàng Trong trên đường trở về Trung Quốc đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: “Các Quốc vương [tức các chúa Nguyễn] thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”. Năm 1701, nghĩa là chỉ 15 năm sau bản đồ Đỗ Bá và 4-5 năm sau Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam”.Như thế, các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa vào thời kỳ đầu (“buổi quốc sơ”) của các chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII. Vấn đề đặt ra là vào thời điểm cụ thể nào và vị chúa Nguyễn nào là người đầu tiên tổ chức ra đội Hoàng Sa?Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: “Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...”.Đối chiếu tư liệu này với nguồn tư liệu phương Tây đương đại, chúng tôi có thêm những thông tin để xác định thời điểm ra đời của đội Hoàng Sa.Năm 1633, phái bộ thương gia Hà Lan do Paulus Traudenius dẫn đầu đã đến vịnh Đà Nẵng và đến 1636, người Hà Lan đã được phép mở một thương điếm ở Faifoo (Hội An), dưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6 tháng 3, hai tàu Hà Lan là Warmont và Grol đi từ Nhật Bản đã đến Đà Nẵng, được chính quyền Đàng Trong tiếp đón. ở Hội An chúa Nguyễn Phúc Lan cũng đã tiếp Duijcker. Trong cuộc tiếp kiến này "Duijcker đã chuyển đến Chúa một điều khiếu nại. Đó là việc chiếc tàu mang tên Grootenbroeck đã bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã được các người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi tổng số món tiền là 25.580 réaux, vậy nên trưởng điếm Duijcker có nhiệm vụ xin được bồi hoàn món tiền đó. Ông ta được trả lời rằng những việc đó đã được xảy ra từ thời chúa trước (tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan mà bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá được cứu hộ nữa".Tư liệu chung quanh vụ đắm tàu Grootenbroeck ở Hoàng Sa năm 1634 xác nhận vai trò của những đoàn người Việt xứ Đàng Trong ở quần đảo Hoàng Sa làm công tác cứu hộ, rồi đưa các nạn nhân về vùng Quảng Nam. Họ thường xuyên đi thuyền ra Hoàng Sa kiểm soát vùng biển và đảo. Chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng lực lượng người Việt xứ Đàng Trong cứu tầu Grootenbreock tại Hoàng Sa năm 1634 chính là những người của đội Hoàng Sa đảo Lý Sơn (được thành lập trước năm Tân Mùi (1631) qua phản ánh của tờ đơn xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa lưu tại nhà thờ họ Võ phường An Vĩnh).Chúa Nguyễn Hoàng vào nam dựng nghiệp giữa lúc nhu cầu chiếm lĩnh các quần đảo giữa Biển Đông đặt ra gay gắt và bức thiết. Được thừa hưởng những cơ sở và kinh nghiệm của người Chăm và vương quốc Chămpa trước đây, Nguyễn Hoàng đã sớm chăm lo xây dựng các đội thuyền, mở cửa buôn bán với nước ngoài để phát huy sức mạnh trong nước và chuẩn bị những buớc đi đầu tiên cho việc chiếm lĩnh các quần đảo giữa Biển Đông, nhưng chưa thấy có tư liệu nào khả dĩ cho hay vào thời kỳ Nguyễn Hoàng (1558-1613) đã có đội Hoàng Sa. Công việc thực thi chủ quyền ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo chúng tôi, chỉ thật sự bắt đầu khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên nắm quyền. Các sự kiện có liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa xảy ra vào các năm 1634, 1631 hay trước 1631 một ít năm, thì cũng đều nằm trong thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Có đủ cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa xuất hiện lần đầu tiên vào thời thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên hay chúa Nguyễn Phúc Nguyên chính là người đã sáng tạo ra một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông hết sức độc đáo là đội Hoàng Sa. Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa mở đầu, khai sáng.Nguyễn Phúc Nguyên ngay từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, dũng lược. Năm 22 tuổi là tướng chỉ huy một đội thuỷ quân đánh thắng 5 chiếc tầu của ngoại bang đến cướp phá ở vùng Cửa Việt, được khen là bậc “anh kiệt”. Năm 40 tuổi được giao làm Trấn thủ Quảng Nam, ông đã mở rộng giao lưu buôn bán với các nước phương Đông và phương Tây (đặc biệt là Nhật Bản), xây dựng Hội An thành cảng thị quốc tế phồn thịnh - mà ngày nay đã được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Năm 51 tuổi, trở thành người đứng đầu chính quyền chúa Nguyễn, ông đã cải cách nền hành chính, phát triển đất nước về mọi mặt, mở mang lãnh thổ xuống tận khu vực miền Đông và một phần miền Tây Nam Bộ - khởi dựng hình hài lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Ông là người đầu tiên đặt ra đội Hoàng Sa đặc trách công việc khai thác và bảo vệ Biển Đông từ tuyến ngoài - một hình thức độc đáo của quá trình khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông. Dưới quan điểm sử học mới, càng ngày chúng ta càng nhận ra rõ hơn, đầy đủ và chân xác hơn bức chân dung toàn hảo của ông - một vị chúa Nguyễn kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc, một người Anh hùng đứng ở vị trí hàng đầu của những Anh hùng Mở cõi Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Trung tâm Việt Nam học và Khoa học phát triển)

No comments:

Post a Comment