Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(14):công sở(2)

Kiến trúc công sở: Chất lượng bắt đầu từ đâu ?
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, các đô thị cũng phát triển ồ ạt trong đó kiến trúc mới các công sở chiếm một khối lượng lớn, có lẽ chỉ đứng sau nhà ở. Nhưng nếu tìm một tỷ trọng tương ứng trong số các giải thưởng kiến trúc hàng năm (lẫn trong thực tế hoạt động) thì có thể khẳng định chất lượng kiến trúc công sở rất đáng buồn, đôi lúc đôi nơi đáng xấu hổ!
Và đáng nhìn lại một cách nghiêm túc vì số tiền đầu tư thật không nhỏ hàng năm mà vì nó là bộ mặt và tài sản lớn lâu dài của đất nước.
1.Kiến trúc sư đương nhiên là người nhận lỗi đầu tiên:
Vì nói cho cùng, đâu phải chỉ kiến trúc công sở, mà mỗi thể loại kiến trúc, nếu có sai lầm dẫn đến chất lượng kém một cách nghiêm trọng thì kiến trúc sư phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, dù không phải là người duy nhất và có quyền lớn nhất trong sự hình thành mỗi công trình kiến trúc. Bởi vì về nguyên tắc, KTS có quyền và nghĩa vụ từ chối thực hiện những gì ảnh hưởng xấu đến giá trị xã hội của công trình. Và việc thiếu mỹ quan (do lạc hậu) hoặc thiếu chất lượng mang tính bền vững của kiến trúc công sở là những yếu kém chủ yếu trong thời gian qua.
Nguyên nhân muôn đời từ trình độ làm nghề của KTS tạm thời được lướt qua. Vì một mặt, việc khắc phục phải lâu dài từ chiến lược đào tạo và môi trường làm nghề, mặt khác cũng những con người KTS đó vẫn có thể tạo dựng nhiều công trình thành công rõ ràng ở các chủng loại công trình hoặc với thành phần Chủ đầu tư khác hơn các cơ quan nhà nước.


2. Kích cỡ đã cung cấp sai làm sao may chiếc áo cho vừa?
Kích cỡ ở đây chính là nhiệm vụ thiết kế. Đối với công sở, nhiệm vụ thiết kế bắt đầu từ các Nghị định, Nghị quyết, Quy phạm…Nhà nước và các Thông tư của ngành đặc thù. Mà quan trọng nhất là quy mô, chất lượng hạng mục và tiêu chuẩn diện tích xây dựng.
2.1 Cần một quy mô hạng mục có sự đảm bảo về tính hệ thống ngành.Trong đó có hướng dẫn về những số hiệu bắt buộc và những khoảng xoay sở theo thực tế. Đối với những ngành đặc thù có hẳn bộ phận nghiên cứu định chuẩn và điều chỉnh chuẩn. Ngay những công ty lớn có hẳn bộ phận logistic chuyên cung cấp thông số chuẩn và chịu trách nhiệm về nó trong quá trình thiết kế thi công nhà văn phòng. Dù là chuẩn kỹ thuật hay chuẩn sử dụng, nhiệm vụ thiết kế công sở của ta hiện áp dụng những chuẩn rất chung của ngành Xây dựng và phụ thuộc vào Ban Quản lý dự án (thường trước đây do chủ đầu tư tổ chức, nên không tránh khỏi sự bóp méo theo ý kiến chủ quan của “Ban quản lý dự án không chuyên”) – Yếu kém của công trình sẽ lộ ra ngay khi những người làm việc tiếp theo, lại theo ý kiến riêng mà bác bỏ. Vậy là công trình kiến trúc dễ dàng chết yểu. Trong kiến trúc công sở, có một thời kỳ Chính phủ quy định số mét vuông cụ thể cho người thiết kế kiến trúc công sở. Điều đó một mặt trói buộc (vì đã có tiêu chuẩn quy phạm) một mặt, trong thực tế, tiêu chuẩn thấp một cách quá đáng, chỉ đủ làm ra các công trình xây dựng có không gian tủn mủn. Không thể góp phần gì cho một nền kiến trúc công sở thời kỳ phát triển mới nếu không muốn nói ngược lại.
2.2 Cần đầu tư đúng mức, đúng tầm để tạo ra những công trình kiến trúc công sở có giá trị sử dụng bền lâu.
Kiến trúc công sở ở mọi quốc gia chiếm phần không nhỏ trong niềm tự hào về quỹ kiến trúc của quốc gia đó. Không nói đâu xa, ở Việt Nam ta, đình chùa, miếu mạo (công trình cộng đồng) hay kiến trúc công sở thời Pháp, Mỹ… chiếm số lượng áp đảo trong quỹ kiến trúc có giá trị hiện thời. Còn công sở của thời kỳ xây dựng nhiều nhất và rầm rộ nhất từ sau 1985? Quả là một sự chênh lệch về thành quả so với đầu tư.
Hệ quả đáng buồn về giá trị kiến trúc nghèo nàn của dòng kiến trúc công sở xuất phát từ chính sách cấp phát bình quân cơ sở vật chất cho các tỉnh thành, ngành, bộ từ nội dung nhiệm vụ thiết kế cho đến suất đầu tư. Không coi trọng tính đặc thù về quy mô công năng nơi này nơi khác, mà chỉ lo ngại sự phân bì của địa phương.
Suất đầu tư cũng bình quân và bình quân rất thấp. Nếu thời Pháp thuộc những công trình công sở vẫn còn giữ giá trị xây dựng lẫn giá trị kiến trúc đến giờ là vì có suất đầu tư quá cao, so với mức sống đương thời, ước tính có thể cao hơn.
Mức đầu tư nhà phố đô thị đến mười lần. Còn thời gian qua và kể cả hiện tại, suất đầu tư nhà công sở bị kiểm soát thấp hơn mức đầu tư nhà phố trung bình của người dân. Chất lượng kiến trúc công sở thấp là điều hiển nhiên vậy.

2.3 Chính sách cấp phát bình quân là những mảnh đất tốt cho kiến trúc sinh sản vô tính phát triển.
Bởi vì đã cấp phát bình quân thì cơ chế và định mức là điều không thể thiếu. Đó là sự cần thiết hợp lý, nếu không muốn chờ đợi gì ở những giá trị sáng tạo kiến trúc hợp đẳng cấp. Sự kiểm soát càng chi tiết, càng ngặt nghèo thì tất nảy sinh những cách làm có tính “thạo việc”. Từ cân đối quy phạm định mức, đến thuyết minh, tính toán và… phong cách kiến trúc… quen thuộc. Miễn sao dự án dễ hiểu, có độ an toàn cao về mặt chính sách quản lý để nhanh chóng được chấp thuận, ghi vốn. Chính nhu cầu này đã tạo thị phần cho các loại kiến trúc na ná nhau, được sản xuất từ các Viện kiến trúc chuyên ngành (thay vì Viện phải chú tâm nghiên cứu, cải tiến tiêu chuẩn quy phạm và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành để tham mưu kịp thời, giúp đưa lại hiệu quả sáng tạo phù hợp với công năng thực tế và hướng về tương lai). Và dù không còn chủ trương tai hại là sử dụng kiến trúc điển hình, nhưng thực tế khắp cả nước gần như các loại kiến trúc công sở điển hình được sử dụng phổ biến. Đáng buồn, các loại kiến trúc này hao hao nhau một cách cũ kỹ, lười biếng nhưng không kém phần phô diễn, ồn ào.
2.4 Sử dụng quyền lực thiếu chuyên nghiệp trong quản lý dự án công trình công sở đang là tác nhân trực tiếp tạo nên bộ mặt yếu kém của kiến trúc công sở.
Một vị bộ trưởng chỉ đạo phong cách kiến trúc cho trụ sở Bộ mình. Một bí thư tỉnh ủy quyết định chọn phương án kiến trúc kém cỏi mà giới làm chuyên môn ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam can không thấu. Một thủ trưởng cơ quan can thiệp một cách quyết định cả chuyện màu sắc, cột vuông, cột tròn. Tất cả việc đó đã và đang xảy ra khá bình thường.
Không có quy định nào về quyền hạn đó, nhưng tập quán suy nghĩ và hành xử về “trách nhiệm lãnh đạo” đã tạo ra, tồn tại và diễn biến một cách tai hại trong quá trình hình thành các công sở.

3. Cần nhanh chóng cải thiện hiện trạng đầu tư kiến trúc công sở vì một tương lai phát triển nhiều lạc quan hơn.
Phân tích những nguyên nhân làm kiến trúc công sở lúng túng trong yếu kém cũng là mong mỏi cải thiện từ đó. Có thể thấy ngay logic của vấn đề:
3.1 Công sở là tài sản của quốc gia, nhưng là niềm tự hào của mỗi địa phương. Vậy ngoài quy mô công năng chuẩn, địa phương có quyền cân nhắc đầu tư giá trị văn hóa, du lịch, môi trường… một cách hợp lý do Hội đồng nhân dân địa phương quyết định.
3.2 Cần có tổ chức thống nhất quản lý chuẩn mực việc đầu tư công sở, độc lập với sở thích riêng của người hưởng thụ (kể cả người lãnh đạo cao nhất có tính nhiệm kỳ). Tổ chức này có mục tiêu nghiên cứu, đầu tư, giữ gìn và phát huy giá trị tài sản của kiến trúc quốc gia từ trung ương đến địa phương, bộ ngành tới cơ sở.
3.3 Không nên có suất đầu tư cứng nhắc. Quyết định đầu tư giá trị gia tăng ngoài công năng chuẩn cho kiến trúc công sở là một quyền hạn, đồng thời trách nhiệm của Hội đồng nhân dân địa phương phải cân đối hợp lý với đóng góp thực tế của địa phương đối với quốc gia. Điều này vừa là khích lệ với địa phương năng động vừa khống chế đối với địa phương dựa dẫm ngân sách, tiêu pha không tiết kiệm.Tóm lại, trong xu thế kinh tế thị trường và hội nhập vào dòng chảy kinh tế bền vững và đa cực, giá trị quản lý đầu tư kiến trúc công sở cần được chuyên môn hóa và chuẩn hóa tốt hơn. Mặt khác, cần nghiên cứu mở thêm các kênh giá trị gia tăng về văn hóa, nghệ thuật, du lịch… mà địa phương sẽ được tạo điều kiện và quyền lợi đóng góp thêm vào công trình. Có vậy, người làm kiến trúc mới thoát được vùng trũng chất lượng thấp hiện nay, có nhiều điều kiện và cơ hội thật sự để có thể va chạm với những công trình kiến trúc công sở có giá trị dài lâu như nó luôn đáng được như thế.
* Bài viết trong Hội thảo : “Những biểu hiện hình thức chủ nghĩa trong Kiến trúc công sở thời kỳ đổi mới”.HN 11/2007 Ảnh trong bài: Viện Nghiên cứu Kiến trúc - Hội KTSVNKTS.Nguyễn Văn Tất (Tạp chí KTVN số 11 năm 2007)

* TẠI SAO CÔNG SỞ LẠI THÍCH PHONG CÁCH KIẾN TRÚC CỔ ĐIỂN PHƯƠNG TÂY?

Sau đại chiến thứ II, vào những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, các kiến trúc sư Nhật Bản nhận được những hợp đồng của Chính phủ thiết kế hàng loạt công sở để xây dựng khắp trong nước. Đó là một cơ hội để các kiến trúc sư Nhật Bản trẻ tuổi thi trổ tài năng và thực hiện nhiều thí nghiệm cho những sáng tạo nghệ thuật của mình. Từ đó nở rộ một cao trào xây dựng với nhiều sáng tạo kiến trúc nổi tiếng và đến năm 1960 thành lập trường phái Chuyển hoá luận và trào lưu kiến trúc hiện đại Nhật Bản, đã đưa Nhật Bản lên hàng những nước có nền kiến trúc hiện đại mang đậm đà tính chất dân tộc nhất trên hành tinh này.
Việt Nam từ sau ngày thống nhất và nhất là sau thời kỳ mở cửa đã xây dựng rất nhiều công sở mới. Từ trụ sở UBND các tỉnh đến các cấp thành phố, quận, huyện từ trụ sở các bộ, các sở, ban ngành đến các trung tâm hành chính, số lượng công sở xây dựng mới rất nhiều, nhất là trong những năm nhập tỉnh, tách tỉnh rầm rộ, đáng tiếc cơ hội gần như ở Nhật Bản nhưng sự việc lại diễn ra khác: Kiến trúc công sở không tìm được con đường riêng độc đáo cho Việt Nam mà lại hướng vào phong cách kiến trúc cổ Phương Tây, xu hướng này diễn ra như một bệnh dịch lan truyền hầu hết trong các nước với nhiều công trình to lớn, có khi thành một quần thể công trình cơ quan Nhà nước trên một diện tích lớn dọc theo những đại lộ. Điều đáng tiếc hơn nữa xu hướng này đã được giới chuyên môn phê phán nhưng đến nay vẫn sống dai dẳng gây nhiều hậu quả xấu.
Nguyên nhân của hiện tượng này cùng những hậu quả của nó là gì?
Vấn đề mấu chốt là tư tưởng “Làm quan”. Tư tưởng này chi phối tất cả. Làm quan là phải biểu hiện quyền lực, phải oai vệ, vĩ đại và đáng kính nể.
Phong cách kiến trúc cổ điển trước hết được dùng trong các đền thờ các vị thần linh của xã hội Hy Lạp xưa như đền Parthenon thờ nữ thần Athena, đền thờ Thần Zens, đền thờ nữ thần Parthemis… Phong cách này rất trang trọng, nghiêm túc. Chính vì thế đã được giai cấp phong kiến Châu Âu sử dụng trong các lâu đài, vua chúa để tăng uy thế của cấp lãnh đạo lên. Thường thì các công trình này có tỷ lệ rất lớn so với con người, khiến con người cảm thấy bé nhỏ trước công trình kiến trúc và có cảm giác bị đè nén, yếu đuối trước sức mạnh khổng lồ và sự cao sang, hào nhoáng, choáng ngợp. Nghệ thuật kiến trúc đã làm được điều đó. Trước đây phát xít Đức và ý cũng hiểu được điều đó. Họ muốn khoác cho mình một bộ áo đẹp đã được toàn nhân loại thừa nhận là phong cách cổ điển Hy Lạp - La Mã nên đã làm nhiều công sở theo phong cách này.
Những ý đồ chính trị lại muốn không những tăng uy tín về mặt nhân văn, nghệ thuật mà còn tăng uy thế về sức mạnh vật chất quân sự nên cũng với những chi tiết kiến trúc cổ điển mà kiến trúc sư chính của Hitler là Speer đã tạo nên những công sở có hàng cột thức to phình doạ dẫm không còn đâu vẻ tao nhã cởi mở của Parthénon, vẻ duyên dáng của Phantheon nữa! Kiến trúc sư Andrea Palladio đã làm một cuộc cách mạng là lần đầu tiên ông mang phong cách cổ điển của những đền thờ cổ Hy Lạp - La Mã vào trong các biệt thự, nổi bật nhất là hàng cột thức tại cửa vào nhà. Palladio là kiến trúc sư kiệt xuất thời kỳ hậu Phục Hưng thế kỷ XVI, ông quan niệm ngôi nhà là ngôi đền của gia đình - còn chúng ta, chúng ta có muốn công sở là cái đền của một trung tâm hành chính của nhân dân không?
Trước đây người Pháp đã xây dựng nhiều công sở ở Việt Nam theo phong cách cổ điển. Tuy nhiên họ rất có ý thức trong việc cân nhắc khi sử dụng phong cách này. Tại vị trí trụ sở UBND Hà Nội bây giờ trước đây là Toà Thị chính của thực dân Pháp. Với quyền lực bao trùm cả Đông Dương của chính quyền thực dân mà họ chỉ làm toà thị chính của thủ đô Hà Nội rất khiêm tốn. Đó là một ngôi nhà hai tầng nằm lùi sâu vào trong, xa bờ hồ Hoàn Kiếm. Việc làm này có hai tác dụng là với hình thức bé nhỏ khiêm tốn, cơ quan hành chính không gây nên sự sợ hãi cho công chúng khi đến tiếp xúc, hơn nữa công trình nhỏ, bé, thấp và xa bờ hồ đã không phương hại đến cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm vốn đã nhỏ bé rồi. Rất đáng tiếc là hai bài học này chúng ta cũng không học được.
Việc xây dựng huênh hoang những công sở theo phong cách cổ điển Phương Tây đã gây nhiều hậu quả xấu.
- Trước hết rất tốn tiền của nhân dân vì to lớn đồ sộ và nhiều hoạ tiết phù điêu tượng đài, gờ chỉ, hoa văn ….
- Sau nữa là chính tiền của ấy lại dùng để hù doạ, trấn át tinh thần của người dân đến cửa quan. Ngôi nhà trụ sở đã làm cho dân xa những “người đầy tớ” của mình. - Các công sở thường to lớn, ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy nên ảnh hưởng của hình dáng phong cách nghệ thuật đến người dân là đáng kể. Nếu đẹp nó sẽ tuyên truyền cái đẹp ấy cho nhân dân, nếu xấu cũng sẽ ảnh hưởng xấu cho nhân dân..
- Với phong cách kiến trúc cổ điển Phương Tây, các công sở ở ta đã thực sự tuyên truyền cho việc “nhái cổ” cho “Hội chứng kiến trúc Pháp” lan tràn thành một bệnh dịch khắp trong nước đến tận những ngôi nhà dân ở nông thôn.
- Hậu quả lớn nữa là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Các khách du lịch luôn hỏi. Đây là kiến trúc Việt Nam ư? Làm thời nào đấy? Mới làm à? Sao lại là sự chắp vá các chi tiết cổ điển phương Tây ? Thế Việt Nam không có truyền thống kiến trúc à?
Những công trình “Nhái cổ” của công sở và mọi kiến trúc khác của nhà dân đã kéo lùi nghệ thuật kiến trúc của chúng ta một cách đáng kể. Trong khi bạn bè tiến những bước khổng lồ, chúng ta đã không bước theo mà còn đi giật lùi.
Thái độ của giới kiến trúc Việt Nam đã nhiều lần phát biểu lên án “hội chứng kiến trúc Pháp” các bệnh “nhái cổ” “giả cổ” kiến trúc Phương Tây, phê phán các công trình kiến trúc công sở sắp làm theo chiều hướng đó trên các phương tiện truyền thống và trên các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học - thái độ đó còn rõ rệt hơn khi trao giải thưởng kiến trúc cho công trình trung tâm hành chính quận 10 ( số 545 đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 TP Hồ Chí Minh) do kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất thiết kế. Đó là một công trình nhỏ, 2 tầng khiêm tốn nhưng hiện đại với mặt bằng cong, với cửa lấy ánh sáng từ trên mái. Công trình vẫn đường hoàng chắc khoẻ với các mảnh tường phân vị dọc nhưng lại giản dị thân mật. Người dân đến đây sẽ thấy thoải mái với vẻ cởi mở và thân thiện của một công sở của chính quyền nhân dân.
PGS. TS. KTS. Tôn Đại (Tạp chí KTVN số 12 và số 1 năm 2008)
Kiến trúc công sở: Lai tạp phô trương
Phục cổ - Bệnh cấp nguy hiểm
Hàng loạt kiến trúc cơ quan công quyền mọc lên ở các trung tâm đô thị đang là hiện tượng không bình thường của kiến trúc VN đương đại. Một căn bệnh phục cổ và lỗi thời đang hiện ra quá rõ rệt trong kiến trúc một số cơ quan công quyền (trụ sở cơ quan Nhà nước) ở các đô thị, nhất là miền Bắc trong hơn 10 năm qua.
Hiện tượng này đã được giới kiến trúc sư (KTS) cảnh báo nhưng đến nay mọi người vẫn bó tay.
Thương hiệu hàng huyện
Theo tài liệu khảo sát của Viện Kiến trúc (Hội KTS VN) ở 7 tỉnh, thành: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Hà Nội và Bắc Ninh, gần 70% kiến trúc công quyền mới xây mắc bệnh phục cổ và lỗi thời. Chưa cần nói đến tính nguyên thức của các xu hướng chính thống mà một số kiến trúc công quyền bắt chước; chưa cần phân tích một cách chính xác các biểu hiện kiến trúc rất ngô nghê và trưởng giả của các “thương hiệu hàng huyện” này, chúng ta đã thấy một sự lãng phí tiền của rất lớn , một sự tụt hậu và lỗi thời của một số kiến trúc trụ sở: UBND, HĐND, tỉnh ủy, sở, ban, ngành...
Ở các kiến trúc nói trên, rất ít chủ đầu tư, KTS có ý định áp dụng vật liệu và công nghệ hiện đại ở các công trình này. Trong khi đó, họ luôn cho rằng các kiến trúc công quyền mà họ đề xướng là “ biểu tượng” của chính quyền địa phương. Chẳng lẽ chính quyền địa phương và các bộ trung ương lại đồng tình với các biểu tượng lỗi thời đó?
Không gian công sở: quyền uy hay phục vụ?
Tính “phục cổ - kiến trúc phương Tây” ở các trụ sở công quyền mới này, còn hiện rõ trong các quan niệm tổ chức không gian công sở.
Nếu công sở thời hiện đại là cởi mở, là dung hợp, là liên kết, là không gian rộng, là phục vụ - ngược lại, cách bố trí không gian làm việc của một số công sở hiện nay lại là khép, khoang nhỏ, mang tính quyền uy hơn là phục vụ dân.
Quan niệm công sở thể hiện một quyền uy nào đó trong cộng đồng và cảnh quan, là một quan niệm lỗi thời và bất hợp với xã hội hiện đại. Xã hội hiện đại là đa thức và tương tác của các quan hệ dân chủ chứ không cấp quyền mệnh lệnh.
Mầm bệnh
“Lâm sàng” mà nói, KTS là những virus chính gây ra căn bệnh “phục cổ và lỗi thời” này. Vì sức ép, chiều lòng chủ đầu tư, rất ít người dám nói “không” với kiểu kiến trúc này. Cũng có nhiều KTS chỉ đơn giản nghĩ làm như vậy là nhanh, là được việc nên truyền bá kiểu nhại cổ này một cách vô ý thức.
“Bệnh học” mà nói thì các chủ đầu tư, các cơ quan phê duyệt mới là nguyên nhân chính.
Văn hóa kiến trúc thật sự là vấn đề cấp thiết của chúng ta. Nếu không giải quyết vấn đề gốc này thì căn bệnh còn nan y lắm!Kiến trúc công sở luôn tọa lạc”ở những vị trí vào loại đẹp nhất, luôn chứng tỏ sự uy nghi, bề thế; luôn có mục tiêu trở thành “kiểu mẫu”, “niềm tự hào” của tỉnh ta, huyện ta...
Với loạt bài này, KTS Đoàn Khắc Tình- nhà phê bình kiến trúc- sẽ đưa chúng ta dạo qua một loạt các kiến trúc công sở, văn phòng với những lời bình dí dỏm và sắc bén và trên tinh thần xây dựng từ góc độ của một nhà chuyên môn.
Từ thiếu ý tưởng đến chơi trội
(Bình về kiến trúc công sở xã/phường, quận/huyện)
Chính quyền càng vì dân thì công sở phải là nơi giao tiếp cởi mở hơn và làm được nhiều việc cho người dân.
Về hình thức, công sở cần kể được nhiều chuyện về năng lực xã hội đương đại, tôn vinh một xã hội cường thịnh, có nề nếp, có một mặt bằng dân trí tin cậy, chứ không phải biểu tượng thuần tuý cho tuyên ngôn của một thể chế. Việc xé lẻ, dùng ít tiêu chí sẽ giúp kiến trúc công sở dễ dân chủ hoá hình thức và có thể “chừa lối” để hình thức của nó kết thân với các kiến trúc khác trong đô thị.
UBND Phường Phương Liệt, Quận TX-HN:
Xử lý chi tiết còn vụng về. Động vào chỗ nào cũng thấy thiếu
bàn tay nghiêm chỉnh của KTS. Có lẽ chưa thể gọi đây là công sở
Trụ sở xã, phường là nơi diễn ra giao tiếp dân sự là chính (từ cấp quận, huyện trở lên mới có chi điếm ngân hàng, viện kiểm sát, tòa án, bộ chỉ huy quân sự…) Công chức cấp xã, phường thường là họ hàng, ruột thịt, hay xóm giềng của người dân địa phương, xử lý pháp quyền có khi xuề xoà. Tương lai trụ sở phường xã có lẽ chỉ là các ngôi nhà cộng đồng ấm cúng, thân thiện với người dân. Nên khuyến khích hình thức kiến trúc này.
Hiện nay, hình thức trụ sở xã, phường thường thiếu ý tưởng rõ rệt. Cùng lắm dập theo mẫu từ xã bên, huyện nhà (vốn đã không mẫu mực rồi). Có trường hợp cả chủ đầu tư và nhà thiết kế lại rủ nhau “phóng to” một ngôi nhà cho thành trụ sở. Thực chất, không phải vì nghèo mà phường, xã không lo được dăm bảy gian trụ sở. Ở xã, giá như ông (bà) Chủ tịch lúc bắt tay xây dựng trụ sở ủy ban, biết nghĩ đến ngôi đình làng - kiến trúc quá khứ đã nói được nhiều điều xã hội, thì đắn đo được nhiều mặt hơn, trước khi tư vấn nhà chuyên môn. Quan trọng là thuê vẽ kiểu đàng hoàng: “bình cũ rượu mới” hay “hiện đại”, “hậu - hiện đại” gì thì tuỳ. Chắc rằng trụ sở sẽ có ý tứ rõ ràng, đáng đồng tiền bát gạo. Không nên thanh minh việc không tìm được người vẽ kiểu cho uỷ ban xã, phường như hoàn cảnh nông thôn thiếu bác sĩ. Riêng trụ sở phường, kiến trúc sạch sẽ, duyên dáng giữa lòng đô thị là được. Lưu ý, kiến trúc trụ sở phường, xã hiện nay vẫn gần như “ngoài vòng pháp luật”. Các nhà quản lý nên quan tâm và nghiêm khắc hơn.
H2- UBND Q. Thanh Xuân, Hà Nội:
Chưa đẹp ngay từ bố cục. Không xử lý nổi hình thức mái.
Tổ chức mặt đứng mà “xài” chi tiết thế này thì không thể đạt
được vẻ đẹp hình thức mong muốn.
2. Từ cấp quận, huyện, sự “phát ngôn thể loại” của công sở đã khá rõ. Mãi gần đây, tính chất huyện đường, dinh, phủ còn nặng. Hình thức kiến trúc ít bộc bạch đời sống dân cư, thực tiễn xã hội (vùng sâu, vùng xa, thuần nông, làng nghề, ven đô, nội thành…) đang đổi mới và xa lạ với hình ảnh kiến trúc của địa bàn. Nhiều công sở là kết quả sao chép kiểu dáng từ tỉnh hoặc thành phố gần cận. Không ít “thiết kế truyền miệng” được dùng xây dựng một cách bạo phổi, để mau chóng “chơi trội” quận, huyện khác. Rốt cuộc càng nhấn mạnh những sai lầm của các công trình đi trước tại công sở của chính mình.

H 3- UBND quận Tây Hồ:
Người ta dễ mất cảm tình ngay từ cổng chính và sảnh vào từ 2
bên cánh nhà. Mặt đứng thì dàn trải có vẻ như làm ‘cho xong
chuyện’. Dùng 2 mái đua chồng nhau là chuyện hóc búa, vì tay
nghề phải thật chín chắn thì mới bình ổn được chúng trên cao.
Còn hồi nhà, có lẽ chính người thiết kế cũng không biết mình vẽ gì.
Hiện nay nhiều huyện, tỉnh thực hiện ghép tất cả các cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng vào một nhà làm việc chung. Đó là điều đáng mừng. Kèm theo đó là chính quyền điện tử và hình ảnh công chức mới. Chúng ta hy vọng nhiều ở loại kiến trúc công sở này.Quá lời gọi là “loạn”
Các trụ sở hàng tỉnh hiện nay nổi cộm nhiều chuyện đáng nói, mà quá lời gọi là “loạn”.Từ cấp tỉnh trở đi, tiềm lực bạc tiền khá hùng hậu, xây dựng phát sinh bao nhiêu cũng đủ (kể cả làm gấp rư­ỡi diện tích sàn cần thiết hay kiến thiết sân tàu bay trên nóc nhà uỷ ban…) Các địa thế đẹp nhất của thị xã, thành phố đư­ợc dành cho những công trình này. Các nhà quản lý cao cấp nhất của địa ph­ương, ban ngành luôn tiên phong trong xây dựng trụ sở, luôn là những “Mạnh thường quân”.
Sở địa chính Nam Định
Chắp vá đến kỳ cục. Bộ mái dốc đều bốn phía ghếch lên trời
quả không tiền khoáng hậu. "Sự hối tiếc" chắc chắn sẽ xảy ra
sau khi xây dựng. Mỗi mảng khối như từ một đồ án tầm thường
khác lạc vào đây.
Các tỉnh đua nhau lấy cảm hứng lịch sử: Nhà quốc hội, dinh Toàn quyền, Bắc bộ phủ, nhà Đấu xảo, toà Đốc lý Sài gòn, dinh Độc lập, toà Đại sứ Mỹ, kể cả…Nhà hát lớn(?!) để xây trụ sở. Thậm chí, như tôi đã đề cập đến trên báo TT&VH cuối tuần số ra gần đây, Thiết kế trụ sở UBND và HĐND tỉnh Đắc Lắc ( 2004) sao chép một cách lộ liễu” trụ sở UBND thành phố HCM.Khó có thể tưởng tượng, kiến trúc này có chỗ đứng ở Tây Nguyên.

Trụ sở UBND TP.HCM- ảnh Phạm Hoàng
Thiết kế trụ sở UBND và HĐND tỉnh Đắc Lắc. 2004
Sao chụp một các lộ liễu” trụ sở UBND TP. HCM (ảnh trên)

Lại có tỉnh, xây dựng trụ sở UBND và cơ quan Tỉnh uỷ là hai ngôi nhà giống hệt nhau như tỉnh Nam Định.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nam Định
Mái manchard, lệ bộ kiểu dáng thời Pháp thuộc (đã bị làm méo
mó đi nhiều) - những thứ nhàm chán trong kiến trúc đương đại
của các đô thị lớn, được chuyển “nguyên đai nguyên kiện” về
thành Nam. 2 kiến trúc công sở cao 6 tầng, chạy dài gần 70m,
giống hệt nhau đến từng chi tiết
Thế vẫn chư­a đủ “mẫu mã” cho 64 tỉnh thành với hàng trăm trụ sở UBND, tỉnh uỷ và nhiều lần chừng ấy các nhà làm việc cấp sở, ty, chi nhánh…g­ượng ép gắn gá hình thức. Lại còn phải tính thêm, từ 1980 đến giờ, sau vài ba lần nhập, tách tỉnh trong toàn quốc là những lần biết bao nhiêu công sở đồ sộ mọc lên như nấm. Nói thực lòng, kiến trúc công sở cấp tỉnh đóng góp cho đất nước nhiều “tác phẩm khó chịu” hơn cả.
Sở Tư pháp Ninh Thuận
Chẳng lẽ lại hời hợt như hình ảnh kiến trúc này?!
Một hình thức tạm bợ!
Sở Y tế Cao Bằng
Loạn quá. Chắc người chiêm ngưỡng không biết đâu là lẽ phải.
Sở XD Cao Bằng
Một cố gắng vươn tới kiến trúc sạch ở vùng sâu vùng xa,
nhưng sảnh và mái hiên lạc lõng đến khó hiểu.
Thấy rõ, ở nhiều trụ sở, cả chủ công trình lẫn người thiết kế đều lúng túng khi lựa chọn hình thức. Ngay cả khi tác giả đã thống nhất (thoả hiệp?!) với chủ công trình, vẫn không đi được đến đích của một vẻ đẹp hình thức vì qua loa đại khái về đư­ờng nét và thiếu tri thức về chi tiết. Mắc sai lầm do học đòi quy mô và hình thức công sở cấp trên, chơi trội với ngang cấp, sao chép kiến trúc đư­ơng đại nước ngoài một cách thô vụng.
Xuất hiện những kiến trúc tốt, nhưng...
Chúng ta tiếp tục bàn đến trụ sở các cơ quan chức năng quản lý: bộ, cơ quan ngang bộ, ngành, lĩnh vực thuộc UBND, HĐND tỉnh, thành và Quốc hội, Chính phủ...
Kiến trúc trụ sở Văn phòng Quốc hội
Cùng xây dựng với viện thông tin KHXH bên kia đường, cùng phố Lý Thường Kiệt, giữa những năm 1980. Có lẽ chịu trận “hội chứng modern”, đá rửa hoành hành ở nước ta lúc bấy giờ. Cây cột lẻ loi ốp đá và nan chớp rối mắt là bằng chứng.Trong khối trụ sở các sở, ngành xuất hiện nhiều kiến trúc tốt. Đó là những công trình sớm tìm đến với cái hiện đại, cái mới. Hình thức khá phong phú, thể hiện công nghệ, chất liệu mới thoải mái, tự tin. Tuy nhiên có một hạn chế hay bắt gặp ở trụ sở loại này: tính chất nghề nghiệp và chức năng chưa gắn với hình thức. Nhiều hình ảnh kiến trúc cho thấy lãnh đạo sở, ban, ngành muốn khẳng định chức vụ quản lý hơn, thích trụ sở có vị thế “nha môn kỹ thuật” hay “nha môn nghiệp vụ”?!
Trụ sở Bộ Công thương
Công trình cũ làm lại như thế này là nghiêm túc. Khoẻ khoắn và trong sáng hơn trụ sở nhiều bộ khác
Kiến trúc Trụ sở Viện kiểm sát NDTC
Những người tham gia thiết kế công trình này cho biết ý tưởng hay: muốn “gộp” nó với Toà án NDTC, trường cấp III Việt Đức, Toà báo Độc lập (cũ) cùng ở phố Lý thường Kiệt, kể cả Toà án NDTPHN và Viện KSND TPHN (2 công trình ngay phía sau, trông ra phố Hai Bà Trưng) thành một quần thể “chống cự” lại tháp Melia ngạo nghễ và lạc lõng. Họ phần nào cứu vãn được đoạn giữa phố Lý Thường Kiệt, một trong những phố chính của thủ đô, kể từ sau khi có tháp Melia. Bố cục chung của công trình là để phục vụ cho điều đó. Đáng tiếc việc lấy cảm hứng từ sự mực thước của Toà án NDTC lại có vẻ như quá tầm tay của các KTS, nên công trình, nhất là mặt trông ra phố Quang Trung trông có phần tẻ nhạt và thô. Tuy vậy cũng còn những công trình để lại nhiều trăn trở
Kiến trúc trụ sở Bộ Tài chính
Rất có thể do vô tình, hình khối Trụ sở Bộ Tài chính mang thần thái Pantheon La Mã rõ hơn là các phong cách châu Âu khác được thể hiện ở số cộng nhiều chi tiết?! Hơi tiếc là trên thửa đất vào loại to nhất, đẹp nhất ở trung tâm thủ đô Hà Nội đã sừng sững một công trình chưa xứng tầm với hình ảnh kiến trúc đương đại sáng giá của Việt Nam, trong khi vị thế của công trình và sự đầu tư cho nó thừa đủ để nâng đỡ một tác phẩm tiền phong của thời kỳ đổi mới. Đây là trách nhiệm đè lên vai bất kỳ nhà đầu tư nào, KTS nào nếu muốn xây dựng công trình lớn đương đại.
Phân viện KHHS Bộ CA tại Đà Nẵng (2005)
Chủ nghĩa hiện đại được giới thiệu sơ sài như một hiện tượng mà…ai cũng biết. Cái mới không thể sinh thành từ việc gom nhặt thật nhiều cái cũ.Cần lưu ý, các công trình công sở với cơ quan chủ quản là bên quân đội, công an, từ trụ sở các cơ quan cấp bộ, tổng cục, xuống đến cấp tỉnh, huyện …thường đồ sộ, toạ lạc ở trung tâm hay gần trung tâm đô thị, do công năng riêng và tính chất quân sự, an ninh…nên là những công sở “khó” thiết kế. Có một vấn đề cần suy nghĩ: một là đội ngũ kiến trúc sư tay nghề cao do bên quân sự quản lý khá mỏng, nên đôi khi không đáp ứng được yêu cầu của các dự án của cơ quan chủ quản. Hai là, việc tìm kiếm nội dung và vẻ đẹp kiến trúc công sở quân sự, an ninh có đường riêng, KTS “nhà binh” hay KTS “dân sự”... được đặt hàng đều cần tiếp thu nhiều khái niệm mới.
Tay nghề sáo mòn của KTS dễ là nguyên nhân chính gây tổn hại đến vẻ đẹp hiện đại của loại kiến trúc này.

Giá trị của kiến trúc Pháp tại Hà Nội
Trong quá trình hình thành và phát triển, kiến trúc Hà Nội có dấu ấn rõ nét của các công trình kiến trúc Pháp, ảnh hưởng trong các vấn đề tổ chức không gian, kỹ thuật - vật liệu xây dựng và hình thái biểu hiện. Các ảnh hưởng này có những mặt tích cực và cũng không ít mặt tiêu cực. Việc đánh giá và phân loại các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội theo tiêu chí của những ảnh hưởng này là hết sức cần thiết, để từ đó có thể rút ra các bài học kinh nghiệm cho công tác thiết kế, xây dựng, nghiên cứu và bảo tồn.
Kiến trúc và văn hóa có quan hệ khăng khít, nhân quả. Điều đó thể hiện trong kiến trúc Pháp ở Hà Nội. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ thực dân là sự áp đặt văn hóa Pháp thông qua kiến trúc du nhập. Ở giai đoạn sau, chính sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây đã tạo ra những điều kiện và cơ sở thuận lợi cho quá trình chuyển hóa của kiến trúc Pháp ở Hà Nội với nét riêng, trong đó đặc trưng văn hóa, xã hội và môi trường tự nhiên bản địa có vai trò quan trọng.
1. Đặc điểm kiến trúc Pháp ở Hà Nội giai đoạn 1900 - 1920
Giai đoạn từ 1900 đến 1920, thời kỳ tiến hành khai thác Đông Dương lần thứ nhất, các công trình của Pháp tại Hà Nội được thiết kế theo phong cách Tân cổ điển. Đây là phong cách hàn lâm thịnh hành cùng thời ở Pháp. Nguyên tắc bố cục dựa trên quy luật đối xứng nghiêm ngặt với sự chú ý nhấn mạnh diện trung tâm hay hai khối nhô ở hai bên và dựa trên cách thức, chi tiết trang trí kiến trúc theo tinh thần cổ điển
Trong giai đọan này, KTS nổi bật nhất là Henri-Auguste Vildieu. Những công trình tiêu biểu là:Tập tin:Phu toan quyen 2.jpg

Phủ Chủ Tịch
Phủ Toàn Quyền (nay là Phủ Chủ tịch) xây dựng năm 1902. Công trình mang phong cách cổ điển Châu Âu do KTS Vildieu thiết kế, xây dựng mất hơn 5 năm.

Nhà hát lớn Hà Nội
Nhà hát lớn Hà Nội khởi công năm 1901 và xây dựng mất 10 năm, theo đồ án thiết kế của các KTS Broger và Harioy. Công trình có quy mô lớn với phòng khán giả gần 900 chỗ ngồi và một hệ thống các không gian phụ rất phong phú theo kiểu các nhà hát châu Âu đương thời, phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu.


Nhà Khách Chính Phủ
Dinh thống sứ, (Bắc bộ Phủ và nay là Nhà Khách Chính Phủ) trên đường Ngô Quyền, là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu. Gần đó là Phủ Thống Sứ (nay là Bộ Thương binh Xã hội) và khách sạn Mêtrôpôn. Đây là những công trình xây dựng cùng thời tạo thành một quần thể kiến trúc đẹp mang dáng vẻ châu Âu.

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao nước CHXHCN Việt Nam
Số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tel: 84.4.9349987. Fax: 84.4.8269698


Tòa án tối cao: Trên đường Lý Thường Kiệt, có khối tích uy nghi đồ sộ thể hiện rõ sức mạnh của quyền lực, công trình gây ấn tượng ở tỷ lệ hài hòa của thức kiến trúc cổ điển châu Âu, cầu thang chính đặt ở bên ngoài và đối xứng nhấn mạnh cảm cảm giác bề thế, bộ mái lợp đá phiến (Aridoise) màu xám tạo ra bên trong một tầng áp mái cũng là hình thức kiến trúc tiêu biểu của Pháp. Công trình được thực hiện theo thiết kế của KTS Vildieu, xây dựng cùng thời với nhà hát thành phố.
Ở giai đạn này, các ảnh hưởng mang tính cưỡng bức, chưa có tính dung hòa thích nghi. Những công trình xuất hiện một cách mới lạ từ hình thái cho tới cấu trúc và các giá trị về thẩm mỹ tuân theo quy hoạch chặt chẽ đã khiến cho Hà Nội có những biến đổi căn bản về hệ thống các công trình công cộng và không gian đô thị. Dù chưa có được sự thích nghi với các điều kiện bản địa, nhưng sự thống nhất và triệt để trong việc sử dụng một xu hướng kiến trúc chung là phong cách cổ điển đã tạo ra cho Hà Nội một quần thể các công trình trung tập đẹp mới lạ là cơ sở cho quá trình phát triển sau này. Tuy nhiên, việc không tôn trọng các giá trị văn hóa bản địa khiến cho quần thể này cách biệt, thiếu sự hài hòa trong tổng thể không gian cũng như tổng thể xã hội của Hà Nội, đòi hỏi phải có những thay đổi thích ứng.
2. Đặc điểm kiến trúc Pháp ở Hà Nội giai đọan 1920 - 1954
Từ năm 1920 đến năm 1954, người Pháp tiến hành khai thác Đông Dương lần thứ hai, mối giao lưu về kiến trúc và văn hóa giữa hai nước Pháp và Việt Nam trở nên thường xuyên hơn, làm xuất hiện một phong cách kiến trúc mới - phong cách kết hợp. Đó là phong cách hướng về những đặc điểm văn hóa, kiến trúc và điều kiện thiên nhiên, khí hậu của địa phương trong sáng tác kiến trúc. KTS E. Hebrard là một trong những người tiên phong trong xu hướng kiến trúc này. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số công trình mang phong cách kiến trúc hiện đại do các KTS Pháp thiết kế, phần nào thể hiện sự hòa nhập của kiến trúc bản địa với thế giới.
Các công trình để lại dấu ấn của giai đọan này là:
Đại học tổng hợp Hà Nội
Trường đại học Đông Dương: Phảng phất dấu hiệu của sự tìm tòi một hình ảnh kiến trúc phương Đông. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1923 - 1926). Tác giả KTS E. Hebrard

MOFA picture

Bộ ngoại giao
Sở tài chính (nay là trụ sở Bộ ngoại giao) tiêu biểu cho xu hướng tìm tòi một phong cách kiến trúc Á Đông những năm 1925 - 1930, gây được ấn tượng tốt về loại kiến trúc phù hợp với đặc điểm khí hậu nhiệt đới. Tác giả KTS E. Hebrard.


Bảo tàng lịch sử
Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ, KTS E. Hebrard, là một công trình văn hóa vào loại tiêu biểu nhẩt và là một công trình kiến trúc được đánh giá là có nhiều thành công trong xử lý không gian kiến trúc gây ấn tượng sâu sắc về một kiểu kiến trúc phù hợp với phương Đông. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1928 - 1932).
Viện Pasteur là Viện vệ sinh dịch tễ, là một công trình có phong cách kiến trúc Phương Đông rõ rệt nhờ ở bộ mái có kết cấu phong phú với nhiều lớp mái chính, mái phụ cũng như sự phân đoạn và phân mảng hài hòa giữa phần đặc và phần rỗng với nhiều chi tiết trang trí hài hòa và tinh tế… Công trình được xây dựng theo đồ án của KTS E. Hebrard xây dựng xong vào năm 1930.
Nhà thờ Cửa Bắc, KTS E. Brard, với tổ hợp không gian kiến trúc không nhấn mạnh sự đối xứng mà có sự biến hóa rất hài hòa với không gian xung quanh, nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và có phần tĩnh mịch, gây được ấn tượng về một sự siêu thoát. Như nhiều sáng tác khác của Hebrard, kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc thể hiện sự hòa hợp với khung cảnh nhiệt đới, với văn hóa phương Đông. Đây là một công trình của kiến trúc thời kỳ 1925 - 1930.
Nhà thờ Cửa Bắc

Câu lạc bộ Thủy quân (nay là Trụ sở Tổng cục TDTT) ở đường Trần Phú do KTS Cruize thiết kế và xây dựng năm 1939. Đây thực sự là một thể nghiệm đáng lưu ý của phong cách kiến trúc kết hợp.
Cuối cùng là phong cách kiến trúc hiện đại xuất hiện ở Hà Nội trong những năm 1930. Đây là phong cách kiến trúc khai thác giá trị thẩm mỹ trên các nguyên tắc tổ hợp lập thể và thoát ly khỏi những nguyên tắc trang trí cầu kỳ, phức tạp. Nhà Bưu điện, trụ sở hãng Shelll (nay là trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ), Câu lạc bộ thể thao Ba Đình, ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam)… là những công trình tiêu biểu cho xu hướng kiến trúc hiện đại.
Các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội trong giai đọan này dần tìm cách thích nghi với các điều kiện môi trường xã hội tự nhiên và bản địa, dẫn tới sự định hình rõ nét của một phong cách mới phù hợp với những đặc thù của Hà Nội. Bên cạnh đó, xu hướng kiến trúc hiện đại phương Tây cũng đã bắt đầu có mặt với sự đóng góp bằng một loạt các công trình khác nhau. Việc dung hợp các yếu tố kiến trúc khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây dần giải quyết được sự thích nghi cho các xu hướng đã có thâm niên tồn tại ở Hà Nội, nhưng đối với các xu hướng mới thì vẫn còn độ vênh nhất định, chưa tìm được tiếng nói chung với các điều kiện bản địa để tạo ra nét đặc trưng riêng.
3. Nhận xét
Có thể nói, ảnh hưởng của kiến trúc Pháp ở Hà Nội diễn ra có quy luật, bộc lộ những giá trị tích cực nhất định, đi từ cưỡng bức, cộng sinh, chuyển hóa mềm mại và có đặc trưng phù hợp với đặc điểm tự nhiên và nhân văn Hà Nội, bao chứa cả tính khách quan của thời đại và tính chủ quan của các cá nhân. Ảnh hưởng ấy bộc lộ rõ rệt qua sự kết hợp của của phương pháp tư duy phân tích (có nguồn gốc phương Tây) với phương pháp tư duy tổng hợp mang tính cân bằng dung hòa (có nguồn gốc phương Đông), thể hiện trong mọi khía cạnh của quá trình tác nghiệp, tạo lập nên một công trình kiến trúc.
Kiến trúc Pháp ở Hà Nội đã trở thành một qũy di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, kết hợp hài hòa với các thành phần kiến trúc và cảnh quan đô thị truyền thống. Quỹ di sản ấy cần có được các tiêu chí nhận diện chính xác và đặt ra các phương thức ứng xử phù hợp phục vụ cho mục tiêu bảo tồn, cải tạo các giá trị nguyên gốc cần lưu giữ.
Quá trình ảnh hưởng của kiến trúc Pháp tại Hà Nội cùng với những bài học và di sản của nó là một tiền đề thuận lợi cho kiến trúc Việt Nam tiếp cận với kiến trúc hiện đại phương Tây trong xu thế hội nhập quốc tế tất yếu hiện nay.

Vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội không chỉ dừng lại ở những công trình truyền thống thời cổ - trung đại mà còn ở các khu phố xây dựng trong khoảng thế kỷ XIX-XX, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam thời kỳ cận đại.

Lịch sử kiến trúc Hà Nội gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Thủ đô. Cùng với những công trình kiến trúc cổ có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa còn lưu giữ được như: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, chùa Một Cột... sau này là các khu phố mà người ta thường quen gọi là khu phố cổ (khu 36 phố phường xưa), Khu phố cũ (khu phố Tây) từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX với những sắc thái riêng đã góp phần làm nên dấu ấn của kiến trúc Hà Nội.

Nhiều công trình kiến trúc lớn được xây dựng trong thời kỳ này nằm rải rác ở một diện tích khá rộng của Hà Nội như Phủ Toàn quyền ( Phủ Chủ tịch nay); Bắc Bộ phủ ( Nhà khách Chính phủ nay); cầu Long Biên, Nhà hát lớn Hà Nội, Chợ Ðồng Xuân... cho đến giờ gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Việc du nhập kiến trúc Pháp vào Hà Nội đã làm thay đổi qui mô, đường nét nghệ thuật, kết cấu kỹ thuật, vật liệu xây dựng truyền thống. Từ những nguyên liệu làm nhà chủ yếu bằng tre, nứa, lá, gỗ, gạch, ngói... Hà Nội thời kỳ này đã bắt đầu biết tới những bản vẽ thiết kế xây dựng, được làm quen với các loại vật liệu xây dựng mới như xi măng, cốt thép... Mặc dù vậy, các công trình kiến trúc Pháp lại được thiết kế rất phù hợp với khí hậu cũng như điều kiện sống của người Hà Nội và hoàn toàn mang một dáng dấp riêng biệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, đến nay kiến trúc Pháp ở Hà Nội vẫn đẹp, tiêu biểu cho hình thức kiến trúc của một thời đã qua với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu công trình phục vụ đáp ứng có bản nhu cầu sử dụng của người dân thời đó. Kiến trúc sư Nguyễn Ðình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cho rằng: Hà Nội hiện còn rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tốt, có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn. Ðã đến lúc Hà Nội phải kiểm kê lại những công trình kiến trúc Pháp cũng như đặt ra tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan... để các nhà kiến trúc, xây dựng có thể thực hiện tốt yêu cầu quan trọng đó.


photo Ngo Du Họa tiết gotic bên tòa
Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ trên
đường Ngô Quyền.

photo Ngo Du
Phủ Chủ tịch.

photo Ngo Du
Nhà hát lớn Hà Nội
được xây dựng năm 1911.

photo Tu lieu
Chợ Ðồng Xuân,
một công trình mang đặc trưng kiến trúc Pháp.

photo Ngo Du
Nóc Nhà hát lớn Hà Nội.

photo Ngo Du
Họa tiết cột Nhà hát lớn
Hà Nội.

photo Thanh Dat
Trùng tu Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam - một kiến trúc từ thời Pháp thuộc.

photo Ngo Du
Khu biệt thự xây dựng
từ đầu thế kỷ XX
trên đường Ðiện Biên Phủ.

photo Ngo Du
Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam trước kia là
Ðông Dương Bác Cổ.

photo Ngo Du
Nhà thờ lớn - một trong số các công trình
kiến trúc Pháp
ở Hà Nội.

photo Thanh Dat
Nét kiến trúc độc đáo
của nhà Bát Giác trên
đường Thụy Khuê,
Hà Nội.

photo Ngo Du

1 comment:

  1. Nếu anh chị nào có nhu rất mong được hợp tác cùng với đơn vị thi công khác chuyên thi công nhà xưởng uy tín tp hcm

    ReplyDelete