Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(11):nông thôn

Phát triển nền kiến trúc Việt Nam theo hướng hiện đại, giàu bản sắc dân tộc là định hướng chắc không ai dù là người dân hay kiến trúc sư đang hành nghề muốn phản đối.

Bản sắc, tính dân tộc đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu khái quát. Đôi khi vài tác giả từ thống kê, điều tra xã hội, phê bình công trình kiến trúc… đã khái quát để nâng lên thành yếu tố cấu trúc, thành bản sắc dân tộc. Rất có thể còn có ý kiến khác nhau song cũng là những khởi động có ý nghĩa. Lịch sử phát triển văn hoá, khoa học kỹ thuật nói chung cũng như kiến trúc nói riêng luôn là một dòng chảy, có bên lở bên bồi song dòng nước vẫn luôn chảy và phải chăng tại ngọn nguồn bao giờ dòng nước cũng trong. Đến được ngọn nguồn đã khó nhưng thấy được giá trị truyền thống tại nguồn mà dòng thời gian đã vùi lấp thì lại càng không dễ.
Tìm hiểu về kiến trúc nông thôn phải chăng là tìm kiếm nơi cội nguồn truyền thống, nơi chứa đựng nhiều giá trị truyền thống của kiến trúc nhà ở, kiến trúc dân gian và cả tổ chức không gian quy hoạch cho môi trường ở bền vững. Đô thị hoá là quá trình phát triển tất yếu song dù là đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì vẫn tồn tại làng trong nội đô, làng ven đô, làng ngoại thành. Đấy là chưa kể đến đô thị ven biển, đô thị miền núi lại càng rõ kiến trúc nông thôn trong đô thị mà rõ nét có lẽ là ở Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột…
Nghiên cứu kiến trúc nông thôn để xác định các yếu tố kế thừa là việc cần có thời gian và công sức. Trong phạm vi bài viết này, chỉ mong muốn nêu vài vấn đề dễ thấy để trao đổi với kỳ vọng đóng góp ít nhiều cho việc đổi mới cách làm quy hoạch và giải pháp kiến trúc công trình.
1. Cơ cấu không gian đơn vị ở:
Từ xa xưa, làng xã ở nông thôn luôn là hạt nhân của xã hội Việt Nam, văn hoá Việt Nam, nó mang đậm tính cộng đồng rất đáng quý như:
- Quan hệ gia đình, dòng họ
- Quan hệ láng giềng, xóm ngõ
- Quan hệ tổ chức xã hội, nghề nghiệp như giáp (tổ chức nam giới), phường thị (tổ chức nghề nghiệp)…
Vượt trên tất cả là thể chế xã hội ở làng, quản lý bao quát là hội đồng làng (hương ước) đôi khi còn vượt qua cả thể chế quốc gia - “phép vua thua lệ làng”.
Mỗi nơi có nét văn hoá riêng biệt: lễ hội, thể thao văn nghệ, chợ. Ngoài những hoạt động kinh tế truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp thì có nơi còn sản xuất tiểu thủ công nghiệp (làng nghề).
Các yếu tố đó đã tạo nên một không gian - Cơ cấu một đơn vị ở cơ bản cần được nghiên cứu.
Một ví dụ về bố cục ngôi nhà nông thôn
Trong cơ cấu này, công trình công cộng thường được bố cục ở trung tâm, nhà ở gắn với thiên nhiên, cây xanh được khai thác triệt để bao gồm cả cây xanh tập trung (theo dải, diện) và cây xanh, vườn trong khuôn viên, rồi cả mặt nước (dòng sông, ao, hồ) được sử dụng để chế ngự cái bất lợi của khí hậu nóng ẩm. Phải chăng đây là các yếu tố cần khai thác để kế thừa trong qui hoạch đơn vị ở. Với thời đại công nghiệp và xây dựng tập trung thì tổ hợp nhiều đơn vị ở là cần thiết song cũng nên tính đến tính độc lập của từng đơn vị ở.

2. Cơ cấu không gian lô đất ở (hộ gia đình)
Tuỳ theo chức năng sản xuất, nguồn thu nhập mà các hộ gia đình được phân loại: thuần nông, làm nghề tiểu thủ công hoặc dịch vụ với cơ cấu khái quát:
Mỗi hộ gia đình đều đảm bảo tính độc lập và được bố trí theo hình thức chùm, tuyến gắn với giao thông. Trong mỗi lô đất, đều được bố trí ngôi nhà có hướng đón gió mát thịnh hành, tạo thông thoáng, khai thác triệt để cây xanh để hạn chế bức xạ. Tại các khu đô thị mới hiện nay không thiếu các lô đất dành cho nhà vườn, biệt thự song thiếu vắng những ưu điểm của kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam.
Cách bố cục các ngôi nhà (nay thường gọi là TMB) trong hộ gia đình nông thôn thường thấy:
1. Nhà chữ nhị: hai nhà sóng đôi
2. Nhà hình thước thợ: hai nhà xếp vuông góc với nhau
3. Nhà chữ công: trước sau 2 nhà song có mái hiên (nhà cầu) nối
4. Nhà chữ môn: nhà chính và hai nhà phụ hai bên vuông góc với nhà chính
Đây là những bố cục nên chăng cần kế thừa trong thiết kế các công trình thấp tầng hoặc tổ hợp các nhà cao tầng hiện nay.

3. Nhà ở:
Nhà ở truyền thống Miêng Hạ - Quốc Oai – Hà Tây
Những gì mà nhà ở nông thôn truyền thống nhất là những làng cổ còn để lại đến nay cho thấy một kiểu mẫu bền vững về giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người (trong gia đình, quan hệ đối ngoại). Ngay cả với những mái nhà tranh, nhà một tầng mái dốc còn lại cũng cho chúng ta thấy ý thức đầy đủ cả về giải pháp kỹ thuật và nghệ thuật. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã bồi đắp cho nhà ở cách giải quyết phải đồng thời làm chủ cả những ưu đãi và tai ương. Chọn hướng nhà đón gió mát với kiến trúc mở thông thoáng là những giải pháp độc đáo của nhà ở nông thôn. Hướng nhà đón gió không chỉ tạo thông thoáng mà còn diệt trừ được cả cái ẩm sinh bệnh, cái mốc độc hại. Thiên nhiên không thể ấn định được cốt cách nếp nhà mà chính con người đã nhận thức thiên nhiên để tạo ra cốt cách cho nếp nhà.
Lịch sử đã hun đúc nên chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và cũng đã tạo nên được giải pháp bố cục kín đáo giữ được tự do cho mỗi gia đình.
Thời đại ngày nay với trang thiết bị hiện đại có khả năng cải tạo vi khí hậu thích hợp cho ngôi nhà song các giải pháp truyền thống vẫn mãi có giá trị.
Nhìn lại một số bố cục căn hộ trong nhà cao tầng thấy được ngay những tồn tại:
- Nơi tiếp khách quá sâu trong căn hộ phải đi qua khu vực giao thông trong hộ.
- Căn hộ không thông thoáng, thiếu diện tích “bán lộ thiên” như lôgia, sân cảnh...
Những nhược điểm này đã làm giảm giá trị công trình, cần được xem xét theo hướng áp dụng giải pháp truyền thống. Nghiên cứu về kiến trúc nông thôn còn nhiều việc đáng bàn song bài viết này chỉ xin nêu vài việc mà nhìn lại là thấy ngay để mong sớm được áp dụng vào thực tiễn.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm
(http://www.kientrucvietnam.org.vn/Web/Content.aspx?distid=8224&lang=vi-VN)

* Quy hoạch - kiến trúc nông thôn: Đang bị bỏ quên

Thời gian qua, trong khi quy hoạch đô thị đã và đang được các cấp quản lý hết sức quan tâm thì các vùng nông thôn trong cả nước - nơi chiếm khoảng 70% dân số - lại trong tình trạng ngược lại, hầu như chưa được quy hoạch. Điều đó dẫn đến sự phát triển xô bồ, lộn xộn trong kiến trúc, phá vỡ, làm biến dạng không gian làng xã... Và những cái giá phải trả không chỉ dừng lại ở đó...

Quy hoạch làng xã là xa xỉ

Từ trước đến nay, quy hoạch nông thôn chỉ được thể hiện một cách mờ nhạt trong một số chương trình như Chương trình 135, cụm tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng các chương trình này chỉ tập trung ở một số vùng nhất định và quy hoạch được xem là "món phụ".

Một số tỉnh hiếm hoi như Bắc Ninh đã quan tâm đến quy hoạch nông thôn song cũng mới dừng lại ở quy hoạch thị tứ. Ngay cả Đông Anh - một huyện của Thủ đô Hà Nội - nhưng hiện nay gần như cả 23 xã đang "trắng" về quy hoạch chi tiết. Một số vùng được quy hoạch như Cổ Loa thì cũng thuộc dạng "ăn theo" quy hoạch tổng thể của thành phố. Ông Phạm Văn Trâm - Chủ tịch huyện Đông Anh tỏ ra rất bức xúc: "Việc quy hoạch cho các xã đang là đòi hỏi hết sức nóng bỏng, cấp bách".

TS-KTS Đặng Trường Thành - Viện Nghiên cứu Kiến trúc - Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận: "Chúng ta đang bỏ quên quy hoạch nông thôn. Công tác quy hoạch đang dậm chân tại chỗ trong khi quá trình đô thị hoá lại đang "chạy" với tốc độ chóng mặt". Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhiều nhà quản lý địa phương đã thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược. Lối tư duy theo kiểu "nhiệm kỳ" đã khiến nhiều nhà lãnh đạo xem quy hoạch nông thôn là một cái gì đó "xa xỉ" ngốn rất nhiều ngân sách trong khi lại chưa thu hoạch kết quả cụ thể được ngay. "Đó là một biểu hiện của sự vô trách nhiệm".

GS-TS-KTS Nguyễn Bá Đang, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc cho biết: Từ trước đến nay các chuyên gia làm công tác quy hoạch nông thôn rất ít khi nhận được đơn đặt hàng. Họ chỉ nhận được đơn đặt hàng khi có những công trình lớn như xây dựng khu tái định cư cho đồng bào nằm trong lòng hồ thuỷ điện. Còn những vùng nông thôn đã có từ bao đời nay như vùng đồng bằng Bắc Bộ thì rất ít khi quy hoạch "động" vào. Vì thế mới dẫn đến một nghịch lý, lẽ ra công trình phải chạy theo quy hoạch nhưng thực tế quy hoạch lại phải chạy theo công trình. Lẽ ra quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng thực tế quy hoạch lại đi sau, thậm chí đang dẫm chân tại chỗ.

Ông Đàm Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm quy hoạch phát triển nông thôn - Bộ Xây dựng, cho rằng việc nông thôn đang "trắng" về quy hoạch có nguyên nhân từ vấn đề kinh phí. Ngân sách để cấp cho công tác quy hoạch khoảng 10 nghìn xã trong cả nước quá lớn, Nhà nước không kham nổi trong khi tiền phải dồn cho mảng quy hoạch đô thị đang "nóng" hơn. Mặc dù vấn đề quy hoạch nông thôn đã được đề cập trong văn kiện Đại hội 8, Đại hội 9 của Đảng, được Bộ Xây dựng đưa vào trong Luật Xây dựng nhưng chẳng biế, nông thôn còn "trắng" quy hoạch đến bao giờ.

Nông thôn cũng sẽ... tắc đường, kẹt xe !

So với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, nông thôn Việt Nam đã tụt hậu xa về mặt quy hoạch. Ông Đàm Quang Tuấn vừa đi công tác Đài Loan về cho hay từ Đài Bắc đến thành phố Trúc Lâm được nối bằng xa lộ, nhìn ra hai bên thấy nông thôn đã được đô thị hoá, không còn bóng dáng của làng mạc nữa. Nhưng sự đô thị hoá đó được quy hoạch đến từng chi tiết ít có sự bất hợp lý trong xây dựng và kiến trúc. Xu hướng đô thị hoá của các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan là phát triển dọc hai bên xa lộ, còn tại Việt Nam lại bám sát mặt đường. Người dân tự ý phá bỏ hành lang quốc lộ để mở hàng quán kinh doanh, gây khó khăn cho giao thông và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ông Nguyễn Việt Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc cho rằng nông thôn đang "đòi" quy hoạch và quy hoạch cho nông thôn cũng là thực hiện công bằng xã hội. Tại sao đô thị được quy hoạch mà nông thôn lại bị "bỏ quên"? Theo ông Chân nếu chậm trễ trong vấn đề này, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Quá trình đô thị hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Nhiều bờ xôi ruộng mật bị các khu công nghiệp "nuốt chửng". Hiện tượng này đang trở nên phổ biến ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương... Chẳng hạn, năm 2003, tổng diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng sang phục vụ công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc là 2.034ha.

Theo TS - KTS Đặng Trường Thành, chỉ ít năm nữa thôi Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... sẽ được gọi là tỉnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, và công nghiệp là cơ sở để hình thành đô thị. Nhiều đô thị đã mọc lên ở những vùng thuần nông kéo theo sự biến đổi về cơ cấu dân số, lao động, phương thức sản xuất, lối sống văn hoá, không gian kiến trúc, kết cấu hạ tầng. Nhưng sự biến đổi đó thường diễn ra một cách tự phát, thiếu quy hoạch nên đã dẫn đến những vấn đề ngày càng trầm trọng. Trước đây, phương tiện giao thông "to" nhất đi trên đường làng là xe trâu, nhưng bây giờ lăn bánh trên đó là xe ô tô, xe công nông, xe máy... Đường vốn nhỏ hẹp chưa "sẵn sàng" cho cuộc đổ bộ của các phương tiện cơ giới nên dẫn đến tai nạn giao thông, bụi bặm...

Trước đây thời còn HTX nông nghiệp, dân hiến đất vườn để làm đường, bây giờ cơ chế thị trường, tâm lý tư hữu bung ra, dân thấy mình bị thiệt mới thu lại đất. Thế nên, con đường đang thẳng bỗng bị méo mó, dị dạng, trồi ra thụt vào. Đó là chuyện diễn ra ở huyện Đông Anh, nhưng nhà quản lý bất lực vì chỉ có thể giải quyết bằng cách vận động, chứ không có chế tài.

Các chuyên gia xây dựng dự báo, nếu công tác quy hoạch cứ trì trệ như hiện nay thì chỉ ít năm nữa nông thôn sẽ mắc phải căn bệnh nhức nhối của đô thị là... tắc đường kẹt xe. Vì thiếu quy hoạch nên khu công nghiệp được xây rất khang trang, hiện đại nhưng lại không có nhà cho công nhân. Dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng không thuê được công nhân như ở Đồng Nai. Cũng vì thiếu quy hoạch, xây nhà máy, khu công nghiệp ngay sát khu dân cư gây ra ô nhiễm môi trường... Các khu đô thị tự phát mọc lên, người ta đua nhau xây nhà, tạo nên một sự xô bồ, hỗn tạp về kiến trúc và đã có những câu chuyện cười ra nước mắt...

Cần quan tâm kiến trúc nông thôn

Theo GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã đến lúc cấp thiết để đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc làng quê Việt, có định hướng cụ thể cho kiến trúc nông thôn, ngăn chặn sự phát triển xô bồ và mang tính hình thức như hiện nay.

* Xã hội nông thôn đã có những thay đổi lớn lao. Cái làng ngày xưa, phương thức sản xuất ngày xưa không còn nữa. Người nông dân đang giàu lên, nông thôn ngày càng ít nhà lá, nhà đất, nhiều nhà gạch, nhà bê tông.

- KTS Hoàng Đạo Kính: Cái làng Việt hàng ngàn năm nay đang có nguy cơ bị phá vỡ. Tôi nói điều này không phải dưới quan điểm bảo tồn. Lâu nay chúng ta hầu như chưa nói đến kiến trúc nông thôn - nơi chiếm 75% dân số. Sự đô thị hóa như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn. Không có một cơ quan nào, một cuốn sách nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp với điều kiện kinh tế, làm sao tốn ít mà lại đẹp. Chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê, ngay cả chương trình rất lý thú "Những sắc màu không gian" trên đài truyền hình cũng chỉ nói về kiến trúc đô thị.

Có thể nói kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về mặt quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Người nông dân vì trình độ dân trí và nhận thức thẩm mỹ chưa cao, họ chưa chủ động trước nhưng biến đổi do vậy hay đua đòi, bắt chước làm những ngôi nhà giống như container, mua hoa văn đúc sẵn ở các đô thị về gắn vào tường vào trần và tưởng thế là đẹp. Nhà cửa, ngõ xóm xây dựng không mấy khi theo quy hoạch (mà ai quy hoạch cho họ?) tạo nên sự hỗn độn, sự chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn dĩ nền nã, nhuần nhị.

Bây giờ về nông thôn có cảm giác hễ cứ nhà mới là dựng đứng lên như cái tủ. Những ngôi nhà kiểu đô thị đó thoát ly khỏi mặt đất, trong khi người nông dân sống dựa vào đất. Nông thôn giàu lên nhưng về mặt kiến trúc lại vừa mang tính hình thức, vừa ít thuận tiện. Đôi khi bắt gặp bà con ngồi trên chiếc chiếu, trong căn nhà to rỗng, với lối trang trí xa lạ, ăn cơm với mắm mà chạnh lòng.

* Thưa GS, phải chăng kiến trúc làng và rộng hơn là văn hoá làng đang bị suy thoái trong cơn lốc đô thị hóa?

- Trong sự biến động diễn ra ở nửa sau thế kỷ XX và sự phát triển đột biến ở phần cuối thế kỷ đó, khung cảnh và kiến trúc làng quê biến đổi hẳn, không thua kém gì ở đô thị. Song ta không thể không nhận ra những sự xộc xệch, những sự biến dạng của cơ thể xóm làng đang là nguy cơ dẫn tới sự mất cân bằng, thậm chí sự suy thoái đi kèm sự phát triển.

Lâu nay chúng ta nói nhiều và làm cũng khá nhiều để hiểu, để giữ gìn khu phố gọi là cổ ở Hà Nội, khu phố cổ ở Hội An... Song vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc làng quê Việt thì mới chỉ được đặt ra.

Đã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những làng cổ, có giá trị không kém gì những khu phố cổ. Cùng với đó là việc bảo tồn những chiếc cầu đá, cầu gạch ở làng. Giữ lại những khung cảnh cổ, cũ, đẹp đáng yêu, đáng nhớ của chốn quê ta.

* Thưa GS, làm thế nào để đưa kiến trúc nông thôn đi vào đúng quỹ đạo của nó?

- Các cơ quan quản lý nhà nước phải hướng về nông thôn, tìm mọi đường đến với nông dân. Chúng ta phải có chủ trương cũng như sự đầu tư nhất định để làm sao 75% dân số ở nông thôn có những cái nhà, những cái làng đẹp, văn minh.

Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục, và quan trọng hơn, tìm ra phương thức quảng bá.

Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường v.v... Những vấn đề gay gắt không kém các đô thị.(Theo TP)

Chuyện hỉ, nộ, ái, ố về kiến trúc nông thôn

KTS Phạm Thanh Tùng
TuanVietNam.net

Chuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.

Chuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, nếu như năm 1990 bình quân đất canh tác là 0,1ha/người, thì năm 2007 còn 0,08ha/người. Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) đã cảnh báo, để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam phải cần 0,25ha/người.

Mất đất, lại không được chuẩn bị cho một nghề mới, người nông dân đành thất nghiệp ngay trên quê hương mình. Khi xây dựng dự án sân golf 54 lỗ rộng hơn 300 ha ở Hòa Bình, hơn 2000 lao động bị lấy đất, nhưng chỉ có 65 người được chủ dự án cho vào làm khi sân golf hoàn thành.

Vậy là, để kiếm sống, người nông dân bắt buộc phải ly hương tìm đến đô thị. Cứ như thế, các đô thị, vốn đã quá tải, nay lại phải oằn mình trước dòng người nhập cư ngày một đông hơn từ vùng nông thôn đổ về, bổ sung nhân lực cho các chợ lao động nghề đơn giản, cho các dịch vụ “ đèn mờ”, cắt tóc gội đầu, matxa, thư giãn…, cho những gánh hàng rong vất vả, nhọc nhằn ngày một dài thêm trên mọi ngõ phố, bất chấp những nỗ lực dẹp bỏ của chính quyền đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện. Phải chăng đó là bi kịch của sự phát triển không bền vững!?

Những lúng túng vẫn hoàn... lúng túng

Ai chia sẻ gánh nặng oằn vai những người nông dân nói chung? (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Cách đây khoảng bốn mươi năm, kiến trúc sư tài danh Hoàng Như Tiếp đã nghiên cứu quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu ở Hưng Yên. Tại đây ngoài việc quy hoạch những cánh đồng lúa, hệ thống kênh mương thủy lợi, khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi thả cá, ông còn quy hoạch các điểm dân cư với trung tâm là các công trình công cộng như nhà ủy ban, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trạm y tế… Tất cả được liên kết với nhau bởi hệ thống giao thông. Đây có thể coi là mô hình thí điểm đầu tiên theo kiểu “Hương trấn” của Trung Quốc ở Việt Nam.

Nhưng rất tiếc, do hoàn cảnh đất nước ta thời kỳ đó, nên quy hoạch khu Tam Thiên Mẫu của ông đã không được xây dựng hoàn chỉnh, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra những nơi khác. Từ đó đến nay, nông thôn đã có nhiều biến đổi, nhưng mảng kiến trúc nông thôn hầu như rất ít được quan tâm, nếu không muốn nói là bị lãng quên, bỏ ngỏ.

Nền kinh tế thị trường nghiệt ngã và cơn lốc đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ xã hội, mà nông dân, người khởi xướng công cuộc Đổi mới, lại là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực nhất, thiệt thòi nhất. Chúng ta triển khai nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn như trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm điện, đường giao thông, thủy lợi…

Nhưng chưa có một đồ án quy hoạch kiến trúc nông thôn nào ở đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc dược thực hiện đến nơi đến chốn, ngay cả dự án thí điểm “mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản” do Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện cách đây hai năm bằng nguồn vốn nhiều tỷ đồng của Chính phủ tại một số tỉnh phía Bắc trong đó có Nam Định, Hưng Yên… đến nay cũng còn rất lúng túng về quan niệm và chưa có hồi kết… !

Trong khi đó, ở Trung ương chúng ta có hẳn một viện thuộc Bộ Xây dựng gồm đông đảo các kỹ sư, kiến trúc sư, giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo ở trong và ngoài nước, mấy chục năm nay vẫn miệt mài nghiên cứu thiết kế quy hoạch, kiến trúc đô thị, nông thôn.

Dưới địa phương cũng có các Trung tâm, Viện trực thuộc Sở Xây dựng làm công tác này, không kể các trường đại học, hàng trăm Cty, tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng đang hành nghề trên khắp cả nước. Tại sao lại như vậy? Câu hỏi này xin để cùng suy ngẫm!

"Thế hữu hưng nghi đại" - Muốn phát triển, phải thích nghi

Một bản đồ quy hoạch nông thôn để giảng dạy (Ảnh: Nắng đêm blog)

Cuộc sống luôn vận động và phát triển. Đó là quy luật. Chúng ta chấp nhận sự biến đổi của nông thôn trong tác động của CNH-HĐH và đô thị hóa, theo hướng văn minh hiện đại, nhưng liệu có giữ được “hồn cốt” của nông thôn truyền thống, những thành tố kiến trúc quan trọng tạo nên cấu trúc làng?

Đó là luỹ tre xanh ngàn đời gắn bó với đời sống cần cù, lam lũ của người nông dân, làm tấm lá chắn bao bọc, chở che cho làng khi có kẻ thù xâm lấn. Là cái cổng làng bình dị, nơi đưa tiễn chúng ta lúc ra đi và trở về. Là con đường làng quanh co lát gạch nghiêng hình mu rùa cùng mạng lưới giao thông hình xương cá.

Là ngôi đình làng thân thuộc với bộ mái cong xoải rộng, điển hình đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc truyền thống, chứng nhân lịch sử của làng. Là ngôi nhà ở 3 gian, 5 gian 2 chái, quay về hướng nam, có hàng hiên với những tấm dại mang chức năng điều chỉnh khí hậu cho nhà, tránh cái nắng gay gắt về mùa hè, ngăn gió lạnh về mùa đông, nằm yên ả trong một khuôn viên xanh bởi vườn cây, ao cá.

Là lối sống trọng “tình”, “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã, em nâng”, thấm đẫm tính cộng đồng, đầy nhân bản. Tôi cứ thảng thốt khi mường tượng ra cái cảnh, sau một đêm ngủ dậy, hồn vía của làng xưa biến mất. Thay vào đó là một phố làng xa lạ với những dãy nhà ở bằng bê tông cốt thép cao 3-4 tầng khô cứng, kiến trúc lai căng kệch cỡm cùng những con người xa lạ và lối sống cũng xa lạ!

Người xưa có câu: “Thế hữu hưng nghi đại” (Tạm dịch: muốn phát triển phải thích nghi). Vậy nông thôn Việt Nam sẽ phát triển và thích nghi như thế nào trong thời kỳ mới? Cách đây chừng mươi năm, nói đến Hà Nội, là nhớ đến làng hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá.

Nhưng trước làn sóng đô thị hoá ào ạt, khi mà giá mỗi mét vuông đất của cái làng cổ giữa lòng Hà Nội này, hay ven Hồ Tây kia được tính bằng vài cây vàng 9999, thì làng Ngọc Hà đã không còn bình yên nữa. Những thửa ruộng hoa dần biến mất, chỉ còn những mảnh vườn nhỏ lẻ.

Đất trồng hoa được chia lô để bán, để xây nhà theo kiểu hàng phố. Trong khi đó, ngõ ngách, đường làng thì vẫn ngoằn nghèo, nhỏ hẹp, dài hun hút và ngập ngụa rác thải. Vùng Nhật Tân, Quảng Bá cũng trong tình trạng như vậy. Nơi dinh đào xưa giờ đã mọc lên một khu đô thị mới hoành tráng vào loại bậc nhất Hà thành cùng vô vàn những biệt thự, công sở đồ sộ, kiến trúc tân kỳ?!.

Bây giờ, mỗi khi xuân về, Tết đến, đường phố Hà Nội vẫn tràn ngập hoa, đào, quất… nhưng đó là từ các vùng ven đô chở về như Tây Tựu, Văn Giang… còn hoa Ngọc Hà, đào quất Nhật Tân, Quảng Bá thì thưa dần và cũng không còn thuần chất như xưa nữa.

Chuyện về kiến trúc nông thôn: Hỉ, nộ, ái, ố

Làng cổ Đường Lâm (Ảnh: lh5.ggpht.com)

Gần đây, tôi có dịp trở lại thăm Đường Lâm, làng cổ của xứ Đoài, đất hai vua, đã không khỏi giật mình bởi những ngôi nhà ba tầng mới xây dựng, mà chủ nhân của nó không ai khác, lại chính là người dân của cái làng đá ong nổi tiếng nhất nước này. Những ngôi nhà mới ấy như những cái u lở loét bằng bê tông đang phá vỡ cả không gian kiến trúc của một làng di tích có vài trăm tuổi. Hỏi ra mới biết, vì gia đình có nhu cầu về chỗ ở cho con trai lấy vợ. Nếu không phá nhà cũ, dù là nhà cổ, để xây nhà tầng thì làm sao có chỗ để ở.

Đó là một thực tế. Khi ấy tôi đã băn khoăn, tại sao các nhà quy hoạch, các nhà quản lý địa phương không nghĩ đến việc xây dựng một kiểu làng mới gần khu làng cổ để những gia đình nông dân trẻ đến sống. Trong làng mới này( tạm gọi như thế), người ta có thể xây nhà cao hai, ba tầng theo kiểu mẫu kiến trúc và quy hoạch của kiến trúc sư, có vườn, có diện tích để làm nghề phụ, có không gian sinh hoạt cộng đồng v.v…

Làng mới gắn kết với làng cổ bởi đường liên thôn. Và như thế, Đường Lâm sẽ mãi giữ được kiến trúc và không gian cổ của mình, là nơi hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, là bảo tàng sống về kiến trúc nông thôn truyền thống đồng bằng Bắc bộ cho nhiều thế hệ sau và khi ấy, người dân ở đây chắc chắn sẽ sống tốt hơn bởi các nguồn thu từ nông sản, từ dịch vụ làm du lịch. Mô hình này cũng có thể áp dụng để giữ gìn và bảo tồn các làng nông thôn truyền thống đặc trưng khác.

Chuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Việc đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới không hề đơn giản. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, là lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ đã từng phát biểu rất tâm huyết: “Đừng bỏ quên nông dân trong những điều kiện thiếu thốn ở làng. Đừng để những người nông dân vật vã trên những góc phố đô thị để lay lắt kiếm sống. Hầu hết người dân Việt Nam đều có nguồn gốc từ nông dân. Đừng vội quên cội nguồn”. Còn bây giờ, trong khi chúng ta đang loay hoay với những dự án quy hoạch, kiến trúc nhà ở nông thôn trên giấy vô cùng đẹp đẽ, mà chẳng biết bao giờ thực hiện, thì hàng ngày, dòng người từ các vùng nông thôn nghèo, lam lũ vẫn không ngừng chảy về đô thị, để lại làng quê yêu dấu của mình cho những dự án sân golf, những khu du lịch nghỉ dưỡng, những khu công nghiệp và những khu đô thị mới… mà chủ nhân của nó không bao giờ là họ?Và như thế, câu hỏi lớn về kiến trúc nông thôn vẫn còn bỏ ngỏ. Nguồn: TuanVietNam.net

KIẾN TRÚC NÔNG THÔN: ĐÂU RỒI VAI TRÒ CỦA QUY HOẠCH ?

Bức tranh nông thôn Việt Nam sẽ ra sao trong tương lai, không gian truyền thống của nông thôn Việt Nam sẽ đi về đâu khi các vùng nông thôn hiện nay, những ngôi nhà mái ngói, những sân gạch, tường hoa, cổng ngõ... theo lối kiến trúc truyền thống đang dần vắng đi, thay vào đó là những ngôi nhà đủ kiểu được xây dựng một cách tự phát ?

Kiến trúc nông thôn - "trăm hoa đua nở"

Nhờ phát triển mạnh nghề chế biến lâm sản nên xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã thay da đổi thịt. Về làng bây giờ, tìm "mỏi mắt" cũng không thấy những ngôi nhà thuần Việt với kiến trúc truyền thống, thay vào đó là những nhà cao tầng san sát xen lẫn những ngôi biệt thự đắt tiền. Anh Nguyễn Đình Long, chủ nhân ngôi nhà 3 tầng khang trang phía đầu làng chia sẻ: "Đất đai ngày một đắt đỏ và ít đi nên gia đình tôi đành phải xây nhà cao tầng để có thêm nhiều diện tích sinh hoạt". Còn theo ông Hoàng Đức Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung thì do không có quy hoạch nên các hộ dân trong xã đều xây nhà theo sở thích, "mạnh ai nấy làm" nên có hàng trăm kiểu kiến trúc khác nhau. Những ngôi nhà truyền thống đang ngày càng ít đi, nhà cao tầng cứ mọc lên ngày càng nhiều.

Sau hơn 20 năm đổi mới, đời sống của đa số nông dân đã khá lên, diện mạo nông thôn Việt Nam có nhiều thay đổi, nhiều ngôi nhà mới khang trang tô đẹp bức tranh làng quê Việt. Tuy nhiên, tác động của cấu trúc xã hội, qui hoạch dân cư và quá trình đô thị hóa đã làm biến dạng không gian, đánh mất vẻ đẹp truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn. Trong khi quy hoạch đô thị đã và đang được các cấp quản lý quan tâm thì các vùng nông thôn - nơi chiếm khoảng 70% dân số cả nước lại ở trong tình trạng ngược lại, hầu như chưa được quy hoạch.

Cần có quy hoạch trong kiến trúc nông thôn

Kiến trúc nông thôn không chỉ là không gian sống mà còn là không gian văn hóa truyền thống. Đã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những làng cổ có giá trị không kém gì những khu phố cổ. GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thừa nhận: Trước nay, chưa có một cơ quan nào, một tài liệu nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao cho phù hợp cũng như chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê. Người nông dân vì nhiều lý do khác nhau nên đã ít lựa chọn kiểu kiến trúc truyền thống khi xây dựng, tạo nên sự hỗn độn, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn nền nã, nhuần nhị. Do đó, các ngành chức năng cần vào cuộc để giữ lại và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng quê Việt. Trong đó, vấn đề bảo tồn, phát triển kiến trúc nông thôn cần được coi trọng để ngăn chặn sự phát triển xô bồ. Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường... những vấn đề gay gắt không kém các đô thị.
Tại cuộc hội thảo chuyên đề về kiến trúc nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng đã gợi ý các giải pháp về kiến trúc nông thôn, xác định mô hình kiến trúc hợp lý, mang tính hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc để chuyển tải đến nông dân và các vùng nông thôn. Vấn đề quy hoạch không gian làng nên giao cho cơ sở đảm nhiệm, có tập huấn hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn, mô hình mẫu. Chỉ như vậy việc quy hoạch nông thôn mới được "xã hội hóa" để nhân dân tham gia chuẩn bị không gian sống cho chính mình, trên cơ sở quy định chung, chuẩn hóa nhà nước về quy mô, tiêu chuẩn các công trình hạ tầng, công trình công cộng... Đối với nông thôn, không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà như kiểu những khu đô thị mới. Bởi mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại, sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm được vị trí trong sự phát triển hướng tới tương lai.
Kiến trúc nông thôn:"Đổi đẹp lấy xấu"
Kiến trúc nông thôn: “Đổi đẹp lấy xấu”
ảnh minh họa

Đây là một trong những câu chuyện được đề cập đến tại hội thảo Kiến trúc nông thôn (KTNT) thời kỳ đổi mới do Hội KTS Việt Nam tổ chức mới đây. Hội thảo là dịp để giới kiến trúc nhìn lại những thay đổi trong diện mạo nông thôn Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.

Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi

Theo KTS Phạm Đăng Trình (Hội KTS Nam Định), người nông dân Việt Nam có kinh nghiệm ngàn đời trong việc xây dựng ngôi nhà dân gian. Họ đã thành công trong việc đắp sông ngòi, ao hồ, đường sá, trồng cây tạo nên môi trường trong sạch, thoáng mát. Người Việt Nam đã vận dụng tính 2 mặt của phong thủy một cách hợp lý, kết hợp rất có hiệu quả giữa cấu trúc công trình với nội và ngoại thất, hướng nhà theo hướng gió mát. Công trình nhà ở vừa chống được mưa nắng, gió bão vừa đón được gió mát vào nhà. Vật tư được sử dụng đúng với các bộ phận của công trình để xây nên một ngôi nhà vừa tiết kiệm, vừa bền vững.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nông thôn, ngôi nhà truyền thống đang thay đổi và bị thay thế bởi những kiểu nhà ống, nhà nhiều tầng, biệt thự. KTS Lê Vũ Phàm (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhận định: Bộ mặt kiến trúc các vùng nông thôn nước ta đang trong quá trình cải tạo, mở mang với quy mô và tốc độ chưa từng có. KTNT đang thay đổi nhanh, từ ngói hóa đến bê tông hóa, thành thị hóa. Ở nhiều làng quê đang mọc lên nhan nhản những công trình vay mượn từ thành thị một cách tùy tiện, tự phát, không ai nghiên cứu, hướng dẫn. Thậm chí, KTS Phàm còn dẫn chứng: Nhiều vùng dân tộc ít người vốn ở nhà sàn nay cũng chạy theo miền xuôi xây dựng các kiểu nhà bằng vật liệu kiên cố, kiểu dáng cũng theo đó “xuôi hóa”.




Cần lưu giữ những kiến trúc đẹp ở làng quê.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, KTS Lê Thanh Sơn (Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM) cho rằng: KTNT Việt Nam với tư cách là một nghệ thuật tổ chức không gian truyền thống đang bị bỏ mặc cho sự thao túng của những vật liệu, thiết bị rẻ tiền, hào nhoáng và rỗng tếch về văn hóa.

Theo KTS Sơn, giới kiến trúc bàng quang đứng ngoài cuộc, chưa thể đưa ra một mẫu hình dáng nào về cái hay, cái đẹp của vật liệu, kỹ thuật, nghệ thuật kiến trúc hiện đại cho KTNT. Các KTS chẳng hứng thú với những nông dân mới giàu bởi thân chủ này không thể hiểu được cái cao siêu của nghệ thuật hiện đại, trong đó có kiến trúc.

Trong khi đó, với cái bản tính dễ mến tự bao giờ, những con người “phú nông mới” tự xoay xở, tháo vát để xây dựng cho mình một ngôi nhà ít có sự gạn lọc… Họ không ý thức được sự mất mát môi trường văn hóa khi mà họ đang tự xây dựng cho mình những ngôi nhà giống như người TP hoặc ít nhất cũng bằng người phố huyện, những người không sống bằng nghề nông. Kết quả là “KTNT đổi đẹp lấy xấu” - KTS Lê Thanh Sơn dẫn lời của nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng.

Tại hội thảo, các chuyên gia rất sốt sắng, nỗ lực trong việc tìm kiếm một mô hình KTNT mới nhưng hiện tại mới chỉ là những gợi ý mơ hồ kiểu như: “Đó là việc (tìm kiếm mô hình KTNT) không đơn giản. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng mà hơn cả là cái tâm, tấm lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, KTS, cùng sự tham gia, chia sẻ của toàn xã hội” - KTS Phạm Thanh Tùng (Hội KTS Việt Nam).Hoặc cụ thể hơn nữa như: “Hội KTS nên giúp thiết kế mẫu cho một số gia đình ở nhiều làng xóm. Với những thiết kế này, người nông dân sẽ xây dựng được các ngôi nhà ở tốt, đẹp, hợp lý. Từ đó, người dân tại các làng xóm sẽ học tập, nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng nhà ở của gia đình mình phù hợp hơn, đẹp đẽ hơn” - KTS Phan Đăng Trình. Xem ra câu chuyện tìm kiếm mô hình KTNT mới chỉ bắt đầu…
Kiến trúc nông thôn xưa, nay: trách nhiệm và những hành động...
Xưa, nhắc đến nông thôn - làng quê Việt, người ta thường nghĩ đến cây đa bến nước, sân đình, đến luỹ tre rủ bóng mát trên con đường làng, đến những ngôi nhà giản dị, thoáng mát, với hàng rào râm bụt, vườn cây ao cá... Và ở đó người ta có thể tìm thấy một cuộc sống thanh bình. Nay, cái không khí ấy dường như đang dần mất đi để thay vào đó là những dãy nhà hộp, đường làng, bờ rào được bê tông hoá... nhiều nếp sống văn hoá nông thôn thay đổi.

Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm
Xưa...
Với hệ thống tự cung, tự cấp về kinh tế, người nông dân trước đây vốn sống trong các ngôi làng khép kín. Khi sinh con, người ta đã tính ngay nên trồng bao nhiêu cây xoan để đủ làm một ngôi nhà 3 gian hay 3 gian 2 chái lúc con cái lấy vợ sau 20 hay 25 năm. Vì kèo, đòn tay, rui mè đã có... tre trồng quanh vườn. Gạch thì lấy đất từ ao hay ruộng rồi tự xây lò gạch để nung. Vôi thì lấy ở núi đá vôi hoặc mua. Gỗ xoan, tre trước khi đem xây được ngâm kỹ dưới bùn ao khoảng một năm để chống mối mọt. Rơm lợp nhà là rơm của nhà. Người nông dân vốn tay phải cầm cày, tay trái cầm dùi đục, cưa của người thợ mộc hay cái bay của thợ ngõa. Người trong gia đình, bà con, láng giềng, mỗi người giúp một tay. Quan trọng nhất là có một người thợ cả biết chỉ huy với cái thước tầm giản đơn mà kỳ diệu!


Cổng vào nhà ở làng cổ Đường Lâm

Tất cả hệ kết cấu được ngàm vào nhau bằng mộng, cả ngôi nhà dựng lên không cần tới một cái đinh. Khi cần, người ta có thể tháo rời ra để di chuyển... Tường nhà được xây bằng gạch đất nung dày khoảng 20 cm, mạch được để trần hay trát. Hướng nhà chính bao giờ cũng quay về phía Nam, Đông Nam để đón gió mát thổi từ hướng Nam, hơi nước từ mặt ao trước sân vào nhà. Lưng nhà ở phía Bắc không có cửa, hai hồi có cửa sổ nhưng thường rất nhỏ để chống cái rét của gió mùa Đông Bắc. Ba gian chính để thờ, tiếp khách. Hai chái để ở, cất đồ gia dụng quý giá và để chứa thóc, gạo. Cái nhà phụ thường nhỏ hơn, mái lợp rơm dùng để làm bếp và nơi chứa công cụ nhà nông. Khi cần, chủ nhà có thể tháo các cánh cửa gỗ, nới rộng không gian từ nhà, qua hiên, đến tận sân thành một không gian mở phục vụ cả năm, bảy chục người ngày lễ... Khu vườn bao quanh thường có hàng cau trước ngõ, những bụi chuối phía sau. Những ngôi nhà như vậy, những cái vườn như vậy, tạo nên những cái làng có luật, có lệ của nó như là một cơ thể sống thống nhất và đã tồn tại với lịch sử ngàn năm.
Nay...
Những biến cố lịch sử của chiến tranh đã hủy hoại rất nhiều di sản kiến trúc... Nhưng sự biến đổi nhanh chóng của kiến trúc nông thôn Việt Nam, đặc biệt là nông thôn miền Bắc chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây làm cho chúng ta thực sự thấy sửng sốt. Nó dữ dội gần bằng cả ngàn năm lịch sử: Không quy hoạch, không quản lý, xô bồ, mạnh ai nấy làm miễn là có tiền, đâu có đất trống là xây... với đủ các kiểu nhà, các chi tiết kiến trúc Đông, Tây, Trung Cận Đông...
Bây giờ về nông thôn có cảm giác hễ cứ nhà mới là dựng đứng lên như cái ...tủ. Nhiều gia đình trước khi làm nhà đều chọn phương án kiến trúc bằng cách: lên thành phố chụp ảnh. Ngay cả những ngôi nhà năm gian cổ với bậc thềm cao vút, ngói âm dương mát lạnh, cửa gỗ uy nghi… của các gia đình giàu có thủa xưa cũng bị con cháu họ đập đi để thay bằng những căn nhà 2 hoặc 3 tầng hiện đại. Những ngôi nhà kiểu đô thị đó thoát ly khỏi mặt đất, trong khi người nông dân sống dựa vào đất.
Xã hội nông thôn đã có những thay đổi lớn lao. Cái làng ngày xưa, phương thức sản xuất ngày xưa không còn nữa. Người nông dân đang giàu lên, nông thôn ngày càng ít nhà lá, nhà đất, nhiều nhà gạch, nhà bê tông. Kiến trúc nông thôn buông lỏng, đi vào một số làng cũng giống như phố. Mà nông thôn thì cần gì mặt tiền? Cũng lại xây đường, rồi 2 nhà mặt tiền nhìn nhau; trong khi ngày xưa thì vườn trước ao sau. Cảnh quan thay đổi, các mặt của đời sống văn hoá, tinh thần cũng có những biến đổi.
Có thể nói kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Nhà cửa, ngõ xóm xây dựng ít khi theo quy hoạch (mà ai quy hoạch cho họ?) tạo nên sự hỗn độn, sự chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn dĩ nền nã, nhuần nhị.
Hình như nhiều người nghiễm nhiên cho rằng, nông thôn thì cần gì kiến trúc. (!)
Ai chịu trách nhiệm về quy hoạch, kiến trúc ở nông thôn?
Quy hoạch kiến trúc ở nông thôn đang bị bỏ quên (hay phó mặc !). Cảnh quan và không gian văn hoá làng quê đang bị phá vỡ, điều kiện môi trường ngày càng báo động, bức bối về giao thông… là những hệ luỵ có nguyên nhân từ quy hoạch xây dựng không ai lo. Ai chịu trách nhiệm trước tình hình trên? Chả lẽ Luật Xây dựng chỉ dành cho các đô thị? Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng, nhưng không thể chậm trễ thêm trước cuộc tấn công của đô thị hoá vào nông thôn hiện nay.
Công tác quy hoạch nông thôn chỉ thể hiện mờ nhạt trong một số chương trình phát triển nông thôn. Các đề án đều mang tính rời rạc và chắp vá. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh như: Nhiều con đường khi làm xong không có hành lang an toàn giao thông, không tính đến sự phát triển của phương tiện ngày càng hiện đại, thậm chí không có lộ giới mang tính dự báo, để dân xây dựng, lấn chiếm tràn lan, khi cần mở rộng thì “sự đã rồi”... Nguyên nhân trước hết và cũng là không còn cách giải thích nào hơn là do nhiều nhà quản lý địa phương “không có tầm nhìn chiến lược” và lối tư duy bao cấp, hoặc “hết nhiệm kỳ sẽ có người khác lo”...
Bê-tông bắt đầu "xâm lấn" gạch đá ong


Ở góc độ quy hoạch, có ba khu vực rõ rệt: đô thị, vùng ngoại ô và nông thôn. Ngày trước, sự phát triển của khu vực nông thôn chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp. Nhưng hiện nay, nông nghiệp không còn vai trò quan trọng nữa mà thay thế dần là nghề phụ, dịch vụ. Lao động đổ xô ra thành phố tìm kiếm việc làm. Cơ chế hoạt động nội tại, cấu trúc xã hội của nông thôn đã thay đổi, dẫn tới sự thay đổi về diện mạo, kiến trúc, không gian của khu vực này. Xu hướng hiện nay là cả đô thị lẫn nông thôn đều đang mở dần về phía ngoại ô và phát triển khá lộn xộn. Nếu không điều chỉnh kịp bằng quy hoạch thì 10 hay 20 năm nữa, khó mà hình dung nổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, có người cho rằng nói chuyện quy hoạch nông thôn bây giờ dường như không phải lúc bởi ngay cả các đô thị, trong đó có Hà Nội, còn chưa được làm đến nơi đến chốn; ngay vùng ngoại ô còn chưa được để mắt tới, nói gì nông thôn.

"Vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn không chỉ có Bộ Xây dựng mà liên quan đến nhiều bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" - Ý kiến trao đổi của KTS Nguyễn Trực Luyện. Như vậy có thể thấy, quy hoạch nông thôn chỉ mới dừng lại ở một vài khía cạnh, không đồng bộ. Giải quyết vấn đề này yếu tố cần thiết nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp để đưa ra những quy hoạch thật sự có tính hệ thống và quy mô mang tính chiến lược cho các địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền phải nhận thức được vấn đề và lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp đối với địa phương mình. Thực tế là trong những năm 1964-1965, ông Hoàng Như Tiếp, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn lúc đó đã quan tâm đến vấn đề này. Ông đã cho triển khai Khu Tam thiên mẫu quy hoạch xây dựng nông thôn với khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp riêng biệt... theo kiểu hình dáng đô thị trong nông thôn. Mô hình này đã được xây dựng ở một số nơi như Hưng Yên, Bắc Ninh... gây được ấn tượng một thời!
Việc không gian làng truyền thống bị phá vỡ, lỗi không hoàn toàn thuộc về người nông dân. Song, nếu nhận thấy hết những giá trị không gian trật tự, ổn định của làng truyền thống, nơi phát nguồn của văn minh đô thị tại Việt Nam; thì hẳn, nông dân chúng ta sẽ biết trân trọng và làm mới không gian sống của mình trong một chỉnh thể ổn định vốn có của làng. Ngay gần chúng ta Nhật Bản đã phát triển đến thế nào mà vẫn rất coi trọng vốn văn hoá cổ và những không gian đó được người Nhật hết sức giữ gìn. Ý thức đó không dễ gì có được nếu chưa phải trả giá. Ở Pháp, trước khi phát triển đô thị, người ta quy hoạch vùng phụ cận (ngoại ô và nông thôn). Nếu quy hoạch tốt ngoại ô và nông thôn thì không ai dại gì đổ xô về thành phố. Đó là giải pháp mà người Pháp mới thực hiện được trong một thập niên trở lại đây- sau khi họ thấm thía hậu quả từ sự phát triển quá nhanh của đô thị. Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nông thôn dễ hơn ở đô thị, vì thế nên làm ngay đi.
Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục, và quan trọng hơn, tìm ra phương thức quảng bá.
Nhà ở nông thôn đang bị bê-tông hóa

Đô thị hóa như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn. Không có một cơ quan nào, một tài liệu nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp với điều kiện kinh tế, làm sao tốn ít mà lại đẹp. Chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê, các chương trình trên truyền hình cũng chỉ nói về kiến trúc đô thị...
Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường v.v... Những vấn đề gay gắt không kém các đô thị.
Các cuộc hội thảo, nghiên cứu phát triển các đô thị, ta đã có hàng trăm. Nhưng, không gian làng truyền thống, quỹ kiến trúc nền tảng đầy giá trị và kinh nghiệm này, lại chưa được nhìn nhận và nghiên cứu đúng với vai trò của nó. Mô hình nhà ở nông thôn đã có lúc được đưa vào những cuộc thi, nhưng trao giải xong, nó không được áp dụng vào thực tế.
Ta hay dùng khái niệm “xã hội hoá” nhưng thực chất nó bao che về sự đóng góp. Xã hội hoá là mọi người cùng quan tâm đến, nhưng không thể không nói vai trò của nhà nước. Bây giờ vào WTO chúng ta có thể có nhiều cách đầu tư cho nông thôn mà vẫn không phạm luật khi tham gia vào thị trường tự do.
Không ai có thể đòi giữ lại làng với phần lớn các công trình nhà ở kiến trúc đơn giản, tạm bợ. Không gian làng Việt phải giữ lại nét đẹp trong cảnh quan, công trình kiến trúc cổ. Nhưng không vì thế mà quy hoạch chắp vá, tuỳ tiện, để đến một ngày làng quê trở nên ngột ngạt, quá tải… Vấn đề quy hoạch không gian làng nên giao cho cơ sở đảm nhiệm, có tập huấn hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn, mô hình mẫu… về hạ tầng, về không gian chung cho các công trình phúc lợi, công trình văn hoá, thể thao… Chỉ như vậy việc quy hoạch nông thôn mới được "xã hội hoá" để nhân dân tham gia góp vào việc chuẩn bị không gian sống cho chính mình, trên cơ sở quy định chung, chuẩn hoá nhà nước về quy mô, tiêu chuẩn các công trình hạ tầng, công trình công cộng… Và chỉ như vậy, nông thôn mới được làm quy hoạch khi lực lượng kiến trúc sư không thể đông đảo tới mức "phủ sóng" cho hàng chục nghìn làng xóm bản mường…
Cần giáo dục tuyên truyền cho người dân để họ có ý thức và kiến thức cần thiết khi lựa chọn mẫu mã nhà phù hợp với không gian làng xã. Nếu không sẽ có sự sao chép dễ dãi, chạy theo kiến trúc đô thị mà quên mất vẻ đẹp cần có của kiến trúc thôn quê, với rặng duối, bờ tre, cây đa, mái đình… Công việc này hiện đang được một số kiến trúc sư trẻ - thành viên diễn đàn VNArchitects.com khởi động, với sự cố vấn của các bậc lão thành như KTS Nguyễn Trực Luyện, các kiến trúc sư Việt Kiều như KTS Mai Thế Nguyên (Na-uy) và các văn phòng kiến trúc (1+1>2,...)
Đối với nông thôn, ta không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống. Bởi, mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại, sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm thấy được vị trí của mình trong sự phát triển tới tương lai.

* Quy hoạch kiến trúc nông thôn (KTNT):"Đánh đố" các nhà hoạch định kiến trúc

Cây đa, bến nước, sân đình - không gian truyền thống của nông thôn VN đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà đủ kiểu, tự phát của lớp nông dân "phất" lên.

Không ít người làm kiến trúc "đau đầu" khi nông thôn VN đang dần đánh mất những giá trị kiến trúc cốt lõi. Hội Kiến trúc sư VN (HKTSVN) đã tổ chức hội thảo "KTNT thời kỳ đổi mới" vào ngày 20.12 tại Ninh Bình để cùng nhau "gỡ" bài toán khó này.

Đổi mới theo hành trình... "ngược"
Đó là ví von của TS.KTS Lê Thanh Sơn - HKTS TPHCM khi nhìn nhận bức tranh KTNT sau 20 năm đổi mới. Nếu như hành trình "xuôi" trong quy hoạch KTNT từ trước đến nay luôn gắn với sự hoà hợp thiên nhiên, có điểm nhấn với không gian cộng đồng... thì nay, KTNT lại vận động theo hành trình "ngược": Dễ dãi bỏ qua giá trị truyền thống để có những không gian tư hữu cá nhân, phá vỡ toàn bộ kết cấu thuần tuý của làng Việt truyền thống.
Nhiều KTS đồng tình rằng, nông thôn VN thậm chí chưa được thiết kế theo đúng nghĩa đen của từ này, thực hiện bài bản các khâu thuê tư vấn nghiên cứu, khảo sát, đo vẽ... để "trình" ra một bản vẽ thiết kế hoàn chỉnh phù hợp với cảnh quan mỗi vùng miền. Thực tế, toàn bộ vốn đầu tư của Nhà nước chỉ dừng lại ở việc xây dựng hạng mục thiết yếu: Làm đường, xây cầu, kéo điện...
KTS Nguyễn Thị Hoà (HKTS Thái Bình) nêu thực tế: "Với những công trình kiến trúc cụ thể hoá về không gian thì KTS đang đứng ngoài cuộc, thậm chí không để tâm vì người nông dân không đủ tiền để thuê thiết kế. Kiến trúc là cách hiểu xa lạ đối với nông dân". Ông Sơn nhận định: "Sau 20 năm, những gì mà nông thôn VN sở hữu có chăng chỉ là sự thao túng của vật liệu, thiết bị rẻ tiền, hào nhoáng và bày trí lộn xộn".
Bắt đầu từ nhà ở
Hội viên HKTS Ninh Bình - ông Hà Thế Luân thẳng thắn cho rằng quy hoạch KTNT hiện chưa được nhìn nhận thoả đáng. Các cấp các ngành hầu như không coi KTNT là vấn đề lâu dài mà chỉ tập trung phong trào trước mắt (xoá nhà tạm, kiên cố hoá trường học, tái định cư...). Trong khi đó, ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, môi trường... đang đe dọa nhiều vùng nông thôn. KTS Nguyễn Thị Hoà cho biết: "Cần có sự khảo sát liên ngành giữa giao thông, thủy lợi, điện lực, kiến trúc... để có sự lồng ghép hợp lý".
Tại Thanh Hoá, Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh đã có chương trình nghiên cứu tổng thể kết cấu hạ tầng nông thôn đến 2020. Song, ngay cả đối với các khu tái định cư - nơi gần như phải quy hoạch lại hoàn toàn, thì các nhà hoạch định vẫn lúng túng khi chưa thống nhất hình mẫu KTNT lý tưởng. Nhà mái bằng gần như thay thế mái ngói bởi nông thôn miền núi hứng nhiều gió bão. KTS Nguyễn Vượng - HKTS Thanh Hoá băn khoăn: "Hội cần đưa sản phẩm kiến trúc khả thi cho nông dân thì họ mới áp dụng làm theo". KTS Lê Thanh Sơn khẳng định: "Không thể cấm nông dân ở nhà mái bằng nhưng phải hướng cho họ một vài mẫu nhà cơ bản phù hợp với cảnh quan chung và không làm phá vỡ không gian sinh hoạt cộng đồng".
Bắt đầu từ nhà ở là ý tưởng rõ nét nhất của HKTSVN tại hội thảo. Theo GS.TS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch HKTSVN, đây là bước mở đầu cho quá trình nghiên cứu xây dựng đề cương chung về KTNT nhằm "hiến kế" cho Nhà nước. Trước mắt, hội sẽ trực tiếp khảo sát nhiều địa bàn nông thôn khác nhau về khí hậu, địa hình và tập quán sinh hoạt, dưới sự tham gia của các nhà khoa học, KTS tại chỗ. Theo đó, những mô hình KTNT thực nghiệm mang tính chất đại diện sẽ được hình thành trên cơ sở có sự đầu tư thoả đáng ban đầu của Nhà nước.(Theo LĐ)

* Tìm lại nhà lá mái ở Quảng Nam

Một loại nhà đặc biệt có hai tầng mái, mái dưới bằng đất, mái trên lợp bằng tranh - loại nhà mà người ta nghĩ rằng nó chỉ xuất hiện ở Bình Định, Phú Yên. Nhưng từ những thế kỷ trước, kiến trúc này phổ biến ở Quảng Nam, tại các vùng có địa lý đặc thù khá giống nhau. Một phát hiện mới so với những gì mà Pierre Gourou - nhà địa lý học nhân văn - đã từng công bố từ hơn nửa thế kỷ trước...
“Hồ sơ” cũ của nhà lá mái: Hơn nửa thế kỷ trước, nhà địa lý học nhân văn Pierre Gourou đã đi khảo sát các ngôi nhà ở Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định để tìm ra những chỗ khác nhau của nhà ở mỗi vùng, nhấn mạnh sự khác nhau của hai kiến trúc ở phía bắc sông Gianh và phía nam sông Gianh. Nguyên do chọn Quảng Trị làm nơi nghiên cứu của miền Trung Trung Bộ đến đèo Hải Vân bởi lẽ qua những lần đi khảo sát, điều tra ông nhận thấy đa số kiểu nhà ở chung quanh Huế đều giống loại nhà ở Quảng Trị và nhiều nhà ở Huế đã mua lại từ Quảng Trị rồi tháo ráp chuyển vào. Trong bài phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam, Piene Gourou đã phân chia các kiểu nhà ở vùng miền Trung Trung Bộ này thành 3 loại: nhà rội, nhà rường, nhà thượng rường hạ rội. Trong mô tả có một chi tiết khá thú vị, tại Quảng Trị đã tồn tại từ lâu một loại là nhà ở có hai tầng mái, mà tận Bình Định đến Phú Yên cũng đã có từ lâu một kiểu kết cấu phần mái như vậy. (Kết quả điều tra gần đây còn cho thấy loại nhà này xuất hiện tận đảo Lý Sơn, tức Cù lao Ré, Quảng Ngãi). Đến hôm nay, chúng ta gọi là nhà lá mái, và nhiều nhà nghiên cứu, báo chí đã lên tiếng cảnh báo rằng loại kiến trúc đặc biệt này còn giữ lại rất hiếm hoi chỉ hiện tồn từ một đến hai nhà và có nguy cơ biến mất ở hai tỉnh nói trên.

Mặt chính nhà ông Trần Khiêm ở làng cổ Lộc Yên - Tiên Phước

Trở lại nhà lá mái này tại tỉnh Quảng Trị, Pierre Gourou mô tả là một loại nhà rường nằm trên dải đồi đất bazan ở Cửa Tùng tại làng Liêm Công Tây. Với nhà rường (rương có nghĩa là cái hòm gỗ), theo Pierre Gourou, phần liên kết hai cột cái theo hàng ngang bằng quá giang (lõng trếng) và hàng dọc bằng một xà gọi là xuyên. Trên quá giang và xuyên là cái sàn được khép kín về phía cửa vào bằng những tấm ván, trên đó người ta để các loại đồ dùng. (Rương hay rường cũng là một loại nhà giống nhau của miền Trung). Được biết, ngôi nhà này xưa hơn các ngôi nhà hiện có tại vùng này lúc bấy giờ (năm 1934) mà theo chủ nhân thì nó được dựng từ thời Tây Sơn trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Mái nhà có hai lớp, gồm một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan bằng tre thô sơ được bó đất cẩn thận; khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc (40cm). Cấu trúc đó có vẻ hợp lý. Loại mái hai lớp bằng đất và bằng rơm đó người Việt gọi là "mái xông". Đây là loại nhà không lợp mái ngói khá phổ biến ở vùng Cửa Tùng này. Ở tận phía Nam miền Trung, nhà nghiên cứu Pierre Gourou cũng thấy kiểu nhà này xuất hiện ở Bình Định.

Phát hiện mới ở Quảng Nam

Không thấy Pierre Gourou mô tả kiểu nhà này ở Huế và Quảng Nam. Thế nhưng trong thời gian gần đây, chúng tôi đi khảo sát lại các kiến trúc cổ truyền dân gian tại Quảng Nam thì phát hiện ra ở vùng phía Nam thuộc tỉnh Quảng Nam như Tam Kỳ, Núi Thành, nhất là vùng trung du huyện Tiên Phước - những nơi được xem là có khí hậu oi bức nhất ở Quảng Nam - đã tồn tại rất nhiều kiểu nhà kể trên từ những năm 40 của thế kỷ XX về trước. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Phước), chủ nhân của ngôi nhà cổ có niên đại trên 120 năm và đang còn ở tình trạng tốt nhờ sự chăm sóc bảo quản của nhiều thế hệ trong gia đình, kể rằng nhà cụ trước năm 1941 là loại nhà có hai tầng mái. Tầng mái bên dưới gồm hỗn hợp của đất sét trộn với rơm cắt nhỏ đắp một lớp dày 7-10cm phủ trên trần ván gỗ mỏng ghép kín (những tấm rui ở mái nhà ghép khít lại). Phần mái trên được kết cấu như một loại nhà khung tre có đòn tay, rui mè bằng tre và lợp tranh săng dày kín chống mưa. Bộ sườn mái bằng tre này được kê trên những ụ đá liên kết với đất sét đặt trên các vị trí đầu cột của khung nhà gỗ bên dưới, khoảng hở của mái này 40-50cm.


Cửa tròn nhà bảo tàng - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo

Tương tự, nhà anh Nguyễn Đình Mẫn, Đồng Viết Mão (người trong họ của cụ Anh) ở làng Lộc Yên, nay thuộc thôn 4, nhà của Lê Văn Hào ở thôn 5, xã Tiên Cảnh cũng đều được thay mái tranh và đất bằng ngói trong những năm 40 của thế kỷ XX. Điều này được giải thích rằng ngôi nhà bằng gỗ mít chạm trổ công phu, nếu sơ suất bất cẩn để bị cháy hoặc bị sét đánh (vùng này thường xuyên có sấm sét vào mùa hè) thì tất cả đều bị hóa thành tro. Đồng thời, việc sử dụng ngói để lợp nhà như những vùng có thuận lợi giao thông đường thủy sẽ trở nên khó khăn vô cùng nếu thực hiện việc chuyên chở vật liệu dễ vỡ này ở vùng đồi núi này... Vì vậy, mãi đến năm 1941, cụ Nguyễn Huỳnh Anh mới có thể thay mái tranh bằng mái ngói với giá 1 xu mua từ làng gốm Thanh Hà, Hội An chuyển lên. Nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng thôn Thạnh Bình, Tiên Cảnh và nhiều nhà ở vùng này trước đây cũng là nhà lá mái. Đa số được thay bằng mái lợp ngói sau những năm 40 của thế XX... Hiện nay ở thôn 4 (làng Lộc Yên xưa), xã Tiên Cảnh - Tiên Phước may mắn còn một kiến trúc mái đất, tường đất, phần lợp tranh đã thay bằng ngói. Đó là nhà của cụ Trần Khiêm.
Từ những tư liệu, kết quả khảo sát điều tra tạm thời cho ta những nhận định: nhà mái lá là một kiến trúc có kết cấu đậm nét yếu tố bản địa (nhà của người Chăm cổ, tiếng Chăm gọi là Thang Lâm), tùy thuộc vào vị trí của vùng đất có khí hậu nóng, khô hạn (xa vùng nước), xa lò sản xuất ngói. Và nhà mái lá xuất hiện ở Quảng Nam cũng khá hợp lý. Quảng Nam là một vùng có nhiều loại gỗ vườn là mít (Tam Xuân, Tam Mỹ - Núi Thành, nhất là Tiên Phước) cùng với những phường thợ mộc Văn Hà và Kim Bồng đã tạo nên những ngôi nhà đẹp, phong phú với nhiều loại hình kiến trúc dân gian đậm nét đặc thù của vùng đất này - trong đó có nhà mái lá.

Nguyễn Thượng Hỷ
(Theo baoquangnam.com.vn)

* Nghiên cứu nhà lá mái - giải mã một nét riêng văn hóa Bình Định
Từ năm 2001 đến 2003, Hội Kiến trúc sư Bình Định thực hiện đề tài Nghiên cứu kiến trúc truyền thống Bình Định góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong kiến trúc hiện đại. Đây là công trình nghiên cứu nhiều ý nghĩa đối với nền kiến trúc hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Để hiểu rõ hơn kết quả nghiên cứu và giá trị thực tiễn của đề tài, baobinhdinh.com.vn đã phỏng vấn KTS Phạm Thanh Trì, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng A.T.T, Chủ nhiệm đề tài.

* Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Hội Kiến trúc sư Bình Định tiến hành đề tài này?
- Nhà có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Bình Định. Người Bình Định vẫn quan niệm "Sống có nhà, già có mồ". Gần cả đời người, có khi nỗi lo chủ yếu là làm sao cất được ngôi nhà, như một thứ di sản để lại cho con cháu. Nhà lá mái mang đầy đủ những nét văn hóa của con người Bình Định. Do vậy, hiểu được kiến trúc truyền thống Bình Định, nhất là nhà lá mái - đối tượng nghiên cứu chính của đề tài này - cũng là giải mã được một nét riêng trong văn hóa Bình Định. Hơn nữa, trong công cuộc "Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" hiện nay, riêng trong lĩnh vực kiến trúc, cũng cần tìm ra những nét đặc sắc riêng, tạo thành phong cách kiến trúc truyền thống Bình Định. Do vậy, cần phải quay trở về, nghiên cứu kiến trúc truyền thống, đặc biệt là nhà lá mái. Đây còn là vấn đề có tính thời sự, do hiện nay, nhiều ngôi nhà lá mái, do chủ nhân không hiểu được những giá trị của nó, nên đang để hư hỏng dần, mất dần. Nếu không làm khẩn trương, có thể chỉ vài năm nữa, sẽ không còn đâu nhà lá mái để nghiên cứu. Hiện nay, trên địa bàn các huyện đồng bằng còn gần cả trăm ngôi nhà lá mái, tất nhiên với mức độ khác nhau. Riêng số chạm trổ công phu, đẹp chỉ còn khoảng trên dưới 10 nhà. Tất nhiên, số này cũng có nhiều thay đổi, chỉ còn giữ được phần nào khuôn viên, bình phong, bộ khung nhà chính, trang thờ…
* Riêng về bình diện kiến trúc, nghiên cứu nhà lá mái đã đưa lại những bài học gì với giới kiến trúc sư trong việc xây dựng kiến trúc Bình Định hiện nay, thưa ông?
- Theo tôi, tổ chức không gian nhà lá mái là khá hợp lý. Phân khu chức năng rõ ràng như một kiến trúc hiện đại, nhưng cũng khá linh hoạt. Thường nhà lá mái phân chia thành 3 gian, 2 chái. Hai gian đầu dùng để thờ cúng tổ tiên, gian sau là nhà buồng. Nơi đây có nhà lẫm đựng lúa, có rương xe cất đồ quý giá. Ngoài nhà chính, còn có nhà cầu, nhà phụ. Nhà cầu nối nhà trên với nhà dưới, có kết cấu thoáng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống của cả gia đình. Nhà dưới có sân cát, bếp nấu ăn, nơi để đồ đạc, phòng ngủ, nghỉ, nơi sinh nở của phụ nữ. Nhà lá mái được bố trí theo lối phong thủy, đặt ở vị trí cao, theo hướng Đông-Nam mát mẻ, có tụ thủy, mang tính khoa học. Nhà có hai lớp mái, một bằng đất sét và một bằng cỏ tranh, có tác dụng cách âm, cách nhiệt và chống cháy tốt; mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Nhà có bộ khung được kết cấu bằng gỗ tốt, thường có bốn hàng cột, 4 vì kèo, nối kết bằng xiên - trính, cối - chày. Liên kết cấu trúc hoàn toàn bằng mộng, vừa vững vàng, chịu được nắng gió khắc nghiệt miền Trung nhưng cũng khá đơn giản, hợp với tích cách người Bình Định. Trong khi đó, nhà ở dân gian Việt ở phía Bắc, nhà rường Huế có kết cấu phức tạp hơn. Qua quá trình nghiên cứu, có thể còn nhiều bài học khác có thể áp dụng cho kiến trúc hiện đại. Tất nhiên, áp dụng với mức độ nào, ra sao, còn tùy thuộc vào mỗi kiến trúc sư.
* Từ góc độ người nghiên cứu, theo ông, để giữ gìn nhà lá mái - một nét văn hóa truyền thống Bình Định - chúng ta cần phải làm gì?
- Như tôi đã nói, số nhà lá mái đẹp, còn giữ được phần nào dáng xưa lại rất ít. Trước đây, nhiều chủ nhà không hiểu, đã dỡ bỏ; gần đây cũng có một số được bán đi. Nếu không có kế hoạch gìn giữ kịp thời, đến một lúc nào đó, sẽ không còn nhà lá mái. Đã đến lúc cần suy nghĩ đến việc hỗ trợ một phần kinh phí, động viên các chủ nhà gìn giữ, tu bổ nhà lá mái. Đồng thời, ngành du lịch cũng có thể nghiên cứu, dựng nhà lá mái với đầy đủ khuôn viên: sân vườn, nhà trước, nhà giữa, giếng nước, miếu thờ thổ địa… để giới thiệu với du khách về một nét văn hóa truyền thống Bình Định.

* Xin cảm ơn ông!
Lê Viết Thọ
(Theo baobinhdinh.com.vn)

http://www.gosanh.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=208
http://www.gosanh.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=211
http://www.gosanh.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=145
http://www.gosanh.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=144

1 comment:

  1. Thông tin thật hữu ích. Điện năng là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay. Gửi đến Quý Công ty giải pháp tiết kiệm điện trong máy bơm. Click Máy bơm nước tiết kiện điện để tham khảo thêm chi tiết

    ReplyDelete