Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(10):

* Ý kiến: Xin được bổ túc thêm cho bài viết này:- Trước 1975, Saigon và miền Nam đã xây dựng khá nhiều bùng binh ở các trục giao thông và nhiều công viên với cây cảnh và các tác phẩm điêu khắc; chẳng hạn như tượng Phù Đổng Thiên Vương(ngã 7 Võ Tánh & Lê Văn Duyệt), 2 tượng về ông An Dương Vương(1 là thánh tổ binh chủng Pháo binh ở bờ sông Saigon gần bến Bạch Đằng trước Thượng Viện, 1 là thánh tổ của Công Binh với thành Cổ Loa ở ngã 6 Minh Mạng, gần KTX Minh Mạng), tượng ông Trần Hưng Đạo (thánh tổ Hải quân) ở bờ sông Saigon gần bến Bạch Đằng, tượng ông Trần Nguyên Hãn (thánh tổ Truyền Tin) và cô Quách Thị Trang ở trước chợ Bến Thành- Saigon, tượng ông Phan Đình Phùng, tượng Hai Bà Trưng ở đường Hoàng Hoa Thám- Gia Định, tượng Thương Tiếc ở nghiã trang Quân Đội Biên Hoà, tượng 2 người lính TQLC trước Hạ Viện- Nhà Hát, v.v... Công trường Duy Tân tuy không có tác phẩm điêu khắc nhưng đó là một gathering space và open space rất hay và đáng cho chúng ta học tập kinh nghiệm! Cái hay là các tượng này không bị "lai căng" như VC cứ bắt chước y hệt theo kiểu Liên Xô hay TQ. Ở đây, chúng ta không nói đến khiá cạnh chính trị mà thuần tuý nghệ thuật, chuyên môn mà thôi. Khi đến Paris(Pháp), Rome(Ý), Quảng Châu(TQ)..., tôi thích thú ngắm nhìn các tác phẩm điêu khắc và thán phục khả năng sáng tạo cùng sự khéo léo tuyệt vời của các điêu khắc gia; trong đó phải nói đến vị trí của các tác phẩm và môi trường xung quanh(vườn cây cảnh - landscape architecture). Tôi tin VN của chúng ta không hề thiếu nhân tài, kể cả các điêu khắc gia trứ danh của miền Nam VN mà tôi đã may mắn tiếp xúc khi còn ở trong nước hay đang sống lưu vong nơi xứ người. Giá như chúng ta tạo điều kiện cho họ tiếp tục làm đẹp cho đời thì hay biết mấy.... Bãi biển Nha Trang và vài trại sáng tác cũng đã cho thấy tài nghệ của điêu khắc VN. Vấn đề là làm sao link kiến trúc - cảnh quan với điêu khắc để bổ túc cho nhau tạo ra những tác phẩm giá trị hơn? Nhìn các nhà thờ ở Âu châu với vô số tác phẩm điêu khắc, hội họa tuyệt đẹp; hay các đền chùa ở Á châu, các lăng tẩm ở Nam Mỹ và Phi châu thì sẽ hiểu. Có lẽ KTS nào cũng hiểu tầm quan trọng của khối (forms) & không gian(spaces) trong thiết kế; quan trọng nhất là mỗi tác phẩm phải thể hiện rõ "dấu ấn" đặc trưng của mình chứ không phải là vay mượn, cóp nhặt, ăn cắp từ ai đó... Thiết kế quảng trường là một nghệ thuật độc đáo nhằm thể hiện một ý tưởng sáng tạo để cho ra đời một "tác phẩm" vừa biểu tỏ nét đặc trưng của một địa điểm song cũng là "đứa con" của KTS. Tiếc thay, KTS ở VN vẫn chưa tạo ra một "tác phẩm" nào độc đáo!
* Quảng trường & các tác phẩm điêu khắc: Mỗi đô thị trên thế giới dù lớn hay nhỏ đều có quảng trường. Về mặt cấu trúc quảng trường là tâm điểm bố cục tổ chức không gian cho một đô thị. Về cơ bản, quảng trường được hình thành bởi nơi giao nhau của những con đường trong đô thị. Nó có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống mạng lưới đường - hệ khung xương của một đô thị. Mặt khác, quảng trường là “nơi hội tụ” của những con đường thì cũng là “nơi tỏa ra” của chúng theo ít nhất là ba hướng khác nhau trong không gian đô thị. Bởi vậy, quảng trường có chức năng điều tiết, chuyển tải giao thông đô thị rất rõ. ở một số nước tiên tiến, quảng trường còn là một tổ hợp đầu mối giao thông quan trọng ,nơi giao nhau của các tuyến đường phố chính trên mặt đất và là nơi hội tụ, chuyển tải của hệ thống giao thông mặt đất với giao thông ngầm.

Các công trình kiến trúc xây dựng tại quảng trường thường là các công trình hành chính, dịch vụ công cộng như văn hoá, thương mại, ngân hàng, nhà ga... có quy mô lớn, bề thế, hình dáng kiến trúc đẹp, hoành tráng. Việc bố trí các công trình kiến trúc đó tạo nên những không gian kiến trúc tương đối điển hình, những điểm nhấn quan trọng có ấn tượng về mặt thẩm mỹ trong bố cục tổ chức không gian đô thị.
Về mặt xã hội, quảng trường là nơi hội tụ để bày tỏ tình cảm (chung, riêng) và nguyện vọng của người dân đối với thành phố, quê hương, đất nước. Các cuộc mít tinh, kỷ niệm lớn có ý nghĩa văn hóa, chính trị... thường được tổ chức tại quảng trường. Hoặc chí ít cũng là nơi cộng đồng dân cư đô thị đi lại, gặp gỡ, giao lưu thường nhật .
Quảng trường chính là một không gian công cộng (public space) hết sức quan trọng của đô thị. Mỗi quảng trường đều có những tính chất khác nhau bởi tính năng và ảnh hưởng của các công trình kiến trúc xung quanh. Đó là các quảng trường hành chính - chính trị, văn hóa - lịch sử, tôn giáo, thương mại - du lịch, giao lưu, tổng hợp, tổ hợp đầu mối giao thông ... Quảng trường gắn liền với cơ cấu đô thị thì các tác phẩm điêu khắc lại gắn liền với quảng trường. Các công trình kiến trúc và không gian xung quanh tạo thành quảng trường. Nhưng tác phẩm điêu khắc mới chính là linh hồn của quảng trường. Hầu như không có một quảng trường nào mà không có tác phẩm điêu khắc. Đó có thể là tượng đài kỷ niệm một nhân vật lịch sử, một chính trị gia nổi tiếng có công xây dựng một chế độ, một nhân vật tiếng tăm trong nền văn minh nhân loại, có thể là những biểu tượng của thành phố, có thể là một tác phẩm điêu khắc thuần tuý mang giá trị nghệ thuật ... Tác phẩm điêu khắc làm nên sự sinh động và ý nghĩa cho quảng trường, là tâm điểm của quảng trường. Các nước trên thế giới đặc biệt là châu Âu , việc tổ chức quảng trường và tác phẩm điêu khắc có vai trò quan trọng, Nhiều quảng trường cùng những tác phẩm điêu khắc đã trở thành biểu tượng của thành phố.
Có thể kể đến một số quảng trường nổi tiếng trên thế giới : Quảng trường đỏ tại Maxcơva ( Nga) ,Quảng trường Charles de Gaulle (Paris) hoàn tất năm 1836 là nơi hội tụ của 12 đại lộ lớn có bán kính lớn với Khải Hoàn Môn hùng vĩ và bề thế - xung quanh là các công trình kiến trúc có mặt tiền uốn tròn kết hợp với các dải cây xanh . Quảng trường Cộng hoà( Pari) được xây dựng vào năm 1854. Đây là quảng trường hình chữ nhật rộng lớn. Giữa quảng trường là đài kỷ niệm có bức tượng Republic đặt trên một bệ được trang trí bức phù điêu bằng đồng. Quảng trường Des Rosges(Pari) có chiều dài mỗi chiều 107m khép kín bởi 36 ngôi nhà cổ, giữa quảng trường là bức tượng Vua Louis XIII cưỡi ngựa ở Thủ đô Rome – Italia: Mỗi quảng trường là một quần thể kiến trúc và mỹ thuật khác nhau. Hầu hết quảng trường đều có tượng đài, vòi phun nước, đường sá rộng rãi, các kiến trúc xung quanh hài hoà . Hà Nội của chúng ta cũng có nhiều quảng trường nhưng không lớn. Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra các lễ hội và các buổi mít ting quan trọng của đất nước, là không gian lưu giữ các giá trị lịch sử của nước Việt Nam độc lập . Đây là quảng trường lớn nhất. Các quảng trường còn lại đều nhỏ . Quảng trường 1-5: là quảng trường giao thông gắn liền với mặt tiền của Cung Văn hoá Hữu nghị hay Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là quảng trường văn hoá, lịch sử của Thủ đô, nơi đã diễn ra không khí hào hùng của dân tộc và nhân dân Hà Nội trong những ngày tháng Tám lịch sử.
Ngoài các quảng trường trên, Hà Nội có một số quảng trường giao thông khác như quảng trường Cửa Nam, ga Hà Nội, ngã 5 Bà Triệu, Ô Chợ Dừa... nhưng hầu hết có quy mô nhỏ dưới 1ha.
Có một nét chung dễ nhận thấy là quảng trường của Hà Nội thiếu hẳn những tượng đài và những tác phẩm điêu khắc có giá trị. Những quảng trường hình thành bởi các đầu mối giao thông như quảng trường 1-5 thì không có bất cứ một tác phẩm điêu khắc nào.Các tác phẩm điêu khắc tại quảng trường của Hà Nội hầu hết là tượng đài. Và công bằng mà nhận xét, những tượng đài này chưa đáp ứng được giá trị thẩm mỹ mà nó cần phải có. các tưưọng đài của các anh hùng dân tộc, các danh nhân như : Tượng vua Lý Thái Tổ ở bờ Hồ, tượng Quang Trung ở quảng trường công viên Gò Đống Đa , tượng Lê Nin... đều mới chỉ có giá trị tưởng niệm. Còn giá trị nghệ thuật thì thật sự chưa lớn. Chúng thường đơn điệu và kém sinh động .
Quảng trường chính là hệ thống định vị cho đô thị. Là linh hồn của đô thị . Còn các tác phẩm điêu khắc lại là linh hồn của quảng trường và nhiều khi trở thành chính biểu tượng riêng của thành phố . Việc xây dựng những quảng trường và các tác phẩm điêu khắc xứng đáng với thành phố luôn là trách nhiệm lớn của chúng ta.

ThS.KTS Vũ Hoàng Lưu
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 06-07

Điêu khắc ngoài trời ở VN: Nghèo hình thức, kém chất lượng
Sự thiếu sáng tạo đã dẫn đến những tác phẩm điêu khắc ngoài trời nghèo về hình thức.

KTNT - Tình trạng các công trình điêu khắc ngoài trời nghèo về hình thức, kém về chất lượng đã được báo chí và các nhà chuyên môn viết nhiều, nói nhiều nhưng có vẻ như mọi thứ vẫn vậy. Mới đây, vấn đề này một lần nữa được các nhà chuyên môn “mổ xẻ”.

Thiếu sáng tạo

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, cả nước hiện có khoảng 500 công trình điêu khắc ngoài trời. Tuy nhiên, chất lượng các công trình này dường như vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Các công trình tượng đài ngoài trời không có quy hoạch cụ thể, bằng chứng là trong các bản quy hoạch đô thị ít khi dành, thậm chí bỏ quên diện tích đất thỏa đáng cho các công trình này. Chính vì “sinh sau đẻ muộn” nên các công trình điêu khắc ngoài trời thường thiếu không gian, không thể hiện được tâm thế, ý nghĩa của nó. Đây cũng chính là nỗi khổ của các nhà điêu khắc trong việc thể hiện tác phẩm, thậm chí có người ví von, điêu khắc ngoài trời hiện nay giống như “gọt chân cho vừa giày”.

Trở lại các công trình điêu khắc ngoài trời tại Việt Nam, đặc biệt là các tượng đài, tượng vườn, chúng ta thấy, chỉ có số ít tác phẩm đạt độ chuẩn về cái đẹp và hiệu quả thẩm mỹ của nó đối với môi trường cảnh quan. Vẫn còn không ít tác phẩm đi vào lối mòn na ná giống nhau. Hiện có một môtíp quen thuộc của các tượng đài là trí thức phải có cặp kính hay công - nông nhất định phải có búa, liềm... Gần đây, người ta thấy các bức tượng, phù điêu ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bức bị tô xanh, đỏ rất phản mỹ thuật.Có một thực tế là, cùng với sự phát triển của kinh tế, quá trình đô thị hóa cũng diễn khá mạnh, nhiều nơi được nâng cấp lên thành phố. Đã là thành phố tất nhiên phải có kiến trúc nhà ở, công trình công cộng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, cầu, cống, đường sá, công viên, cây xanh..., nhu cầu xã hội rất cần những công trình điêu khắc ngoài trời để làm đẹp môi trường. Đó là tượng đài ở quảng trường, tượng trang trí công viên. Hoạ sỹ Trịnh Cung cho rằng, cần phải thấy được thực trạng của điêu khắc ngoài trời tác động như thế nào với cảnh quan. Hơn thế, thực tế hiện nay rất cần những công trình nghệ thuật đẹp, bền vững, mang dấu ấn thời đại, hài hòa với cảnh quan, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, nâng cao tâm hồn con người... Muốn được như vậy thì sự kết hợp giữa những cơ quan có liên quan, những người có trách nhiệm phải đồng thuận, thống nhất.Thực tế, có không ít tượng đài đạt về nội dung cũng như phong cách thể hiện nhưng đặt sai chỗ hoặc không phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan xung quanh nên giá trị của nó bị hạ thấp. Điều này khiến người viết liên tưởng đến câu chuyện bi hài mà nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo từng kể, một lần, ông đến bãi biển Quy Nhơn (Bình Định), cứ thấy mấy cô gái nhìn về phía mình, sau phút bối rối, cuối cùng ông thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra rằng các cô đang ngắm tượng đài chiến thắng Quy Nhơn. Nhưng lập tức ông nghĩ đến vị trí quy hoạch của tượng đài, bởi tượng đài phải đặt ở tụ điểm văn hóa chứ không thể đặt ở những nơi giải trí như vậy?!Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng trong việc quyết định chất lượng tác phẩm điêu khắc ngoài trời là thành phần hội đồng nghệ thuật. Theo ông Nguyễn Xuân Tiên, giảng viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, theo quy chế xây dựng công trình điêu khắc ngoài trời, 2/3 ghế hội đồng phải dành cho các nhà chuyên môn nhưng thực tế chưa bao giờ đạt tới tỷ lệ ấy. Trong rất nhiều cuộc thi tượng đài lớn, thành phần hội đồng chỉ toàn kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị mà chẳng có lấy một nhà điêu khắc nào. Điều này dễ dàng lý giải vì sao chất lượng nhiều công trình kém, nghèo nàn, không thể hiện được sự hài hòa của các yếu tố nghệ thuật, văn hóa và kiến trúc.Một thực tế nữa, trình độ của các nhà điêu khắc hiện nay còn nhiều hạn chế, mà khởi nguồn là do khâu đào tạo. Các trường mỹ thuật hiện nay không có khoa đào tạo chuyên sâu về điêu khắc, thiếu nhà xưởng, chất liệu và các kỹ năng cơ bản phục vụ cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc... Hậu quả là, nhiều sinh viên ra trường hầu như chỉ biết thao tác một số kỹ năng trên đất.

Giải pháp nào?

Dẫn giải ra những nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có nhiều biện pháp hóa giải cụ thể. Trước tiên, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước với lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc ngoài trời như: quy chế cụ thể đối với thành phần tác giả dự thi, thành phần hội đồng nghệ thuật, quy chế xây dựng các công trình để kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho lãnh đạo địa phương ở từng vụ việc cụ thể. Phải đưa các hoạt động nghệ thuật điêu khắc ngoài trời vào quỹ đạo thống nhất trong quy chế quản lý chung của Nhà nước...Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành trong các trường đại học mỹ thuật, về lâu dài nên xây dựng các lớp chuyên về điêu khắc ngoài trời. Theo ông Tiên, nên đưa một số nhà điêu khắc trẻ có tài năng hay sinh viên giỏi đi đào tạo chuyên về lĩnh vực điêu khắc ngoài trời ở một số quốc gia có thế mạnh, hay mời một số giảng viên giỏi đến dạy một số môn cần thiết cho sinh viên. Không chỉ dừng ở khâu đào tạo, các nhà chuyên môn còn lưu ý đến việc không nên đánh đồng điêu khắc ngoài trời với các công trình xây dựng cơ bản và được mang ra đấu thầu như hiện nay. Bởi đấu thầu sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó nguy hiểm nhất là vai trò của tác giả trong việc sáng tạo, thể hiện tác phẩm sẽ bị mờ nhạt. Không ít tác giả lên tiếng kêu gọi: tác giả phải là cá nhân sáng tạo chứ không phải người thực hiện lại ý tưởng của ai đó một cách chung chung, máy móc. Vì vậy, cách quản lý hiệu quả là nên để nghệ sỹ tự do sáng tạo và đó cũng là cách nâng cao trách nhiệm của nghệ sỹ trước tác phẩm của mình. Đồng thời để tránh hiện tượng trốn tránh trách nhiệm khi sản phẩm bị chê bai, nhà đầu tư đổ lỗi cho nghệ sỹ và ngược lại.Ngoài ra, cần phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch - kiến trúc - điêu khắc và các ngành có liên quan như: văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch, xây dựng... Từ đó, nghiên cứu đưa ra một quy hoạch về tượng đài chung cho cả nước và cho từng địa phương. Nếu làm được như vậy, các công trình điêu khắc ngoài trời ở Việt Nam mới thực sự là tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Điêu khắc tượng vườn: Vật vã giữa trời

Hiện có mối nguy cơ là nhiều tỉnh đổ xô làm tượng vườn xong rồi bỏ bễ. Liệu đây có phải là một nét văn hóa học làm sang ở nhiều địa phương? Có một dạo, nơi nào cũng cố xây một tượng lớn đặt ở quảng trường để làm biểu tượng cho cốt cách tinh thần tỉnh nhà. Thế rồi cũng lắm chuyện xảy ra. Nào tượng nứt, đổ, tượng rỉ đồng và sụt lún.

Điều quan trọng nhất là tượng không đẹp và kém chất lượng do bớt xén vật liệu. Rõ là phí hoài nhưng rồi mọi chuyện dần dần lắng xuống. Cũng chả ai lo. Thì nay lại đến "mốt" tổ chức trại điêu khắc tượng vườn. Nói là "mốt" bởi họ sính bày vẽ ra vườn tượng cho sang với đời và hẳn nhiên sẽ phải giải ngân với một lượng tiền không nhỏ.

Tượng mọc như nấm

Có thể kể ra một số tỉnh có những vườn tượng mọc lên như nấm là Huế, Đà Lạt, An Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Thọ… Nhất là gần đây, ở Gia Viễn (Ninh Bình) có tới 500 bức tượng La Hán được bày, tạo nên một vườn tượng với đúng nghĩa của nó, mặc dù đây là địa điểm thuộc chùa Bái Đính. Vườn tượng này ngoài những yếu tố hướng tới tâm linh, nhưng vẫn còn ẩn chứa nội dung văn hóa du lịch và thắng cảnh.

Và tất nhiên việc tập trung những tượng vườn ở nơi công cộng đã thu hút sự chú ý nhất định trong sinh hoạt văn hóa của dân chúng. Và hàng trăm bức tượng ấy được ra đời sau những cơn gồng mình của các trại điêu khắc. Nhưng rồi sau đó, sự sống của chúng ra sao, thì ôi thôi, tất cả chỉ là sự thờ ơ của chính những nhà quản lý đã đẻ ra những kế hoạch tạc tượng ấy.

Mới đây, người ta âu sầu vì những bức tượng vườn ở đất Tổ Hùng Vương đã 3 năm nay bị bỏ hoang để cỏ mục um tùm. 32 bức tượng, cả lớn lẫn nhỏ được bày trên vườn Văn Lang rộng hơn 1 hécta. Có thể nói đây là một vườn tượng được nhiều nhà điêu khắc quốc tế đến đục đẽo suốt cả tháng ròng. Ban đầu người ta rất hồ hởi, bởi vườn có đến mấy tượng Vua Hùng cơ mà, ý nghĩa lắm chứ và đâu có ít của. Lại còn thêm các bức đầy dấu ấn về lịch sử và văn hoá nước nhà như "Bọc trứng Âu Cơ", "Mỵ Châu", "Hướng về nguồn cội", "Vuông tròn"…

Riêng tượng "Hòa Bình" (peace) của một tác giả từ Mỹ đến cũng tạo được mối giao cảm rất nhân ái giữa con người trong cuộc sống bình an. Nghĩa là tất cả đều hướng về nguồn cội. Và giờ đây, các bức tượng bị dầm mưa, dãi nắng, dầm dề suốt ba năm ngoài trời, không có cây bóng mát và để cỏ mọc um tùm. Người người qua lại ngay bên lề đường, chẳng chút đoái trông. Nàng "Mỵ Châu" giờ đây lấp ló ngơ ngác trong hàng cây xấu hổ. Thật hẩm hiu.

Xuân mới rồi, lại có thêm trại ở Đà Lạt trên đồi trong vườn hoa hướng ra hồ Hồ Xuân Hương để mong tạo nên một điểm du lịch mới, nhưng lại ít hiệu quả bằng vườn tượng riêng của họa sĩ Phạm Văn Hạng ở đồi Yên Thế. Vấn đề ở đây là chất lượng của tượng bày và cách xếp đặt ra sao mới tạo được dấu ấn thẩm mỹ. Đôi khi chỉ cần một số ít, ví dụ chỉ 5 bức thôi chẳng hạn, nhưng đầu tư có trọng tâm trên một diện tích rộng cũng có thể gọi là vườn tượng, còn hơn bày tới vài chục bức mà chẳng ai để ý.

Nhưng có lẽ tình trạng tượng bị bỏ rơi đau nhất là ở Huế. Tại đây cứ mỗi dịp trước Festival Huế là có trại điêu khắc. Từ 1998 đến nay, tại đây người ta tổ chức tới 5 trại điêu khắc, đạt kỷ lục nhiều nhất nước. Kết quả thì sao. Hiện có tới hơn một trăm bức tượng bị dồn ứ trên bờ sông Hương và một vài vườn nhỏ khác ở Huế như công viên 3-2, công viên Phú Xuân… Đầu tiên với ý định chỉ để tạm, nhưng rồi chẳng hề có ai quan tâm gìn giữ.

Có tượng mới bày trong năm đã bị người dân phá hỏng, làm đổ gãy, thậm chí có bức tượng đồng còn bị người dân cưa cụt làm phế liệu bán cho đồng nát mà cũng chả có ai ngăn chặn. Có nơi, tượng bày xúm xít cứ ngỡ như một cửa hàng… bán tượng không bằng.

Riêng bức "Độc diễn" của nhà điêu khắc Juliane Heise (Đức) thì bị người dân cưa, chỉ để lại đôi chân vì không thể nhổ cả "rễ" được mà thôi. Nghĩ tội cho những nhà điêu khắc dày tâm huyết đóng góp cho cái nôi văn hóa kinh kỳ xưa. Hơn một trăm bức tượng, nhưng ít chọn lọc, nên nhiều tượng không hề đẹp và bị người ta coi rẻ rúng cũng là chuyện đau lòng.

Lại nghe nói từ năm 2003 họ định dồn tất cả các tượng vào một vườn ở núi Ngự Bình, nhưng vì dự án quá lâu không thành hiện thực. Lại nữa, ở gần đó trên cùng một mảnh đất hiện là khu nghĩa trang. Muốn dọn vườn tượng đến thì lại phải giải tỏa, đền bù. Thật đen đủi. Tiền đâu?

Madrid ( Tây Ban Nha)- thành phố của những quảng trường

Là thủ đô của Tây Ban Nha từ năm 1561, Madrid có diện tích1.020km2, với khoảng 3 triệu dân, nằm trên cao nguyên Meseta ở độ cao 646 mét so với mặt biển và là thủ đô cao nhất ở châu Âu. Madrid là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với những công trình cổ điển của thế kỷ 17,18 và 19 như các bảo tàng, cung điện, những công viên... Điểm đặc biệt nhất của Madrid là thành phố có rất nhiều quảng trường.

ImageVề tên của thủ đô, ngày xưa, người Moors ở đây họ gọi là Magerit (có nghĩa là thành phố gần nguồn nước), nhưng người ta gọi trại ra thành Madrid. Thành phố này còn có một niềm tự hào nữa là nơi thức khuya nhất nước. Du khách sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng 4 giờ sáng mà đường phố vẫn bị kẹt xe. Không phải tại đường sá chật hẹp mà vì sinh hoạt của người dân địa phương.

Đến Madrid, du khách sẽ choáng ngợp với những lâu đài, những bảo tàng, những công trình xinh đẹp. Những du khách quen thuộc với Tây Ban Nha cho biết rằng mất một tháng cũng không thể xem hết các di tích cổ tại Thủ đô Madrid. Các công ty du lịch thường giới thiệu một vài nơi tiêu biểu của Madrid trong lịch trình đó là quảng trường Cổng Mặt Trời, quảng trường Cibeles, cung điện Hoàng Gia...

Điểm đến nổi bật nhất ở Madrid là Cung điện Hoàng Gia (Palacio Real) nằm ở phía Tây thủ đô. Khi vua Felipe II chọn Madrid làm thủ đô ông đã ở tại lâu đài này. Nhưng Giáng sinh năm 1734, lâu đài cháy rụi nên phải mất 26 năm để xây lại một lâu đài mới có 2.800 phòng được trang hoàng lộng lẫy để làm nơi thiết triều, tiếp đãi ngoại giao đoàn, nơi cư ngụ của hoàng gia, thư viện, bảo tàng... Tất cả đều được bảo tồn tốt và trưng bày tại đây, kể cả các dụng cụ dùng cho nhà bếp, ly tách, chén dĩa... Ngoài ra, còn có phòng trưng bày các bộ áo giáp và dụng cụ chiến đấu của các ngự lâm quân ngày xưa và một dược phòng của Hoàng Gia. Bên ngoài cung điện là một khu tuyệt đẹp có tên là Campo del Moro với những rừng cây, bồn nước, công viên... Phía Nam cung điện là nhà thờ Hoàng Gia. Phía Tây là công trình Á Đông (Plaza de Oriente) - một công trình đẹp với những cây kiểng được cắt tỉa khéo léo. Giữa công trình này là tượng vua Felipe II cưỡi ngựa. Hiện nay, hoàng gia Tây Ban Nha không ở cung điện này, nhưng thỉnh thoảng, khi có nhu cầu, họ cũng sử dụng cung điện để hội họp, lễ lạc...

Nhà thờ San Francisco chỉ cách cung điện Hoàng Gia vài khu phố về phía Nam. Đây là nhà thờ lớn được trang hoàng lộng lẫy nhất Madrid do vua Carlos III ra lệnh xây cất, hoàn thành vào năm 1786. Kế đến là bảo tàng quốc gia Prado. Tuy không vĩ đại như bảo tàng Louvre của Pháp, nhưng bảo tàng Prado cũng được liệt vào danh sách là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Đây là nơi trưng bày các đồ mỹ thuật của hoàng gia, sau này chuyển thành bảo tàng các tranh vẽ, tượng điêu khắc của các bậc thầy trong ngành hội họa. Có khoảng 10.000 bức tranh trưng bày ở đây. Tranh nhiều nhất là của họa sĩ Goya, trong đó nổi tiếng nhất là hai bức họa nàng Maya.

Bảo tàng Reina Sofia cũng là điểm đến không thể bỏ qua trong cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp cổ kính của Madrid. Nằm đối diện trạm xe lửa Atocha, bảo tàng này trưng bày tranh ảnh nghệ thuật hiện đại, nổi tiếng nhất là bức Guernica của Picasso. Tiếp theo là Quảng trường Plaza Mayor được xây cất năm 1617 - 1619 do lệnh của vua Felipe III dưới sự chỉ đạo của nhà kiến trúc Juan Gomez de Mora. Quảng trường hình chữ nhật giữa là tượng vua Felipe III, xung quanh là 136 căn nhà liên tục, trong đó có Casa de Panaderia với ban công dành cho hoàng triều. Toàn công trình có tất cả 437 ban công có thể chứa được 50.000 người để xem các diễn biến lịch sử như các lễ đăng quang, hay các cuộc vui như đấu bò, hát xiệc... Nơi đây ngày xưa là nơi có nhiều vụ hành quyết hay biểu tình. Ngày nay, quảng trường Plaza Mayor chỉ dành cho người đi bộ. Trong quảng trường diễn ra các sinh hoạt vui vẻ như hòa nhạc, vũ kịch, nhạc sĩ vỉa hè, họa sĩ bán tranh vẽ... hay các quán cà phê thì đông đảo khách nhàn du.

Quảng trường Cổng Mặt Trời về mặt kiến trúc không có gì đặc sắc, nhưng đó chính là điều làm cho quảng trường này nổi tiếng bởi vì ở đây là tâm điểm của Madrid và cả nước Tây Ban Nha đánh dấu bằng mốc cây số 0. Tất cả chiều dài đo đạc và đường sá của Thủ đô Madrid đều kể từ mốc này. Trong quảng trường còn có tượng một con gấu đang leo cây - là biểu tượng của thủ đô. Quanh quảng trường có tới 10 đại lộ nối vào nên nơi đây rất đông đảo người qua lại.

Quảng trường Cibelles còn gọi là vòng xoay. Đây cũng là một trong những biểu tượng của Madrid vì có bức tượng nữ thần Hy Lạp Cibelle đứng trên xe do hai con sư tử kéo. Tượng rất mỹ thuật được xây từ thời vua Carlos III. Người Tây Ban Nha thường nói “Chào Cibelles” khi tới Thủ đô. Ngày nay, người ta lại còn thêm những vòi nước phun trong bồn nước làm tăng vẻ đẹp của nó. Gần quảng trường là tòa nhà bưu điện cổ kính và đẹp.

Đến Madrid, du khách còn bị cuốn hút bởi thủ đô còn có rất nhiều tụ điểm của hội họa, ca nhạc và bất cứ nơi nào du khách viếng thăm cũng có thể nghe văng vẳng tiếng đàn guitar với những điệu flamenco và những cú nện gót chân giòn giã. Đá bóng, đấu bò tót, quần vợt, đua thuyền là những sinh hoạt thể thao phổ biến nhất ở Tây Ban Nha nói chung và Madrid nói riêng.

No comments:

Post a Comment