Monday, July 20, 2009

KIẾN TRÚC LĂNG TẨM VÀ NÉT RIÊNG CỦA HUẾ (1)

Nằm giữa dải đất miền Trung khí hậu khô cằn, hè nắng dội, đông mưa dầm, là một vùng non xanh nước biếc, phong cảnh kỳ tú trải dọc theo bờ con sông Hương xuôi ra biển Đông. Huế từ thời các chúa Nguyễn đã từng được chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong: Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần dựng phủ ở Kim Long năm 1635-1687; Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Khoát dời phủ về Phú Xuân trong những năm 1687-1712; 1739-1774. Huế còn là kinh đô triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn, rồi một lần nữa chính thức trở thành kinh đô của cả nước Việt Nam khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho vương triều Nguyễn kéo dài suốt 143 năm. Với bề dày lịch sử gắn liền với chín đời cha ông nhà Nguyễn ở đây, không có gì khó hiểu khi vua Gia Long chọn mảnh đất nằm ở trung độ đất nước để làm kinh đô cho triều đại mình.

Khởi công xây dựng năm 1805, Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha, có 10 cửa chính gồm:

- Cửa Chính Bắc (còn gọi cửa Hậu, nằm ở mặt sau Kinh Thành).

- Cửa Tây-Bắc (còn gọi cửa An Hòa, tên làng ở đây).

- Cửa Chính Tây.

- Cửa Tây-Nam (cửa Hữu, bên phải Kinh Thành).

- Cửa Chính Nam (còn gọi cửa Nhà Đồ, do gần đó có Võ Khố - nhà để đồ binh khí, lập thời Gia Long).

- Cửa Quảng Đức .

- Cửa Thể Nhơn (tức cửa Ngăn, do trước đây có tường xây cao ngăn thành con đường dành cho vua ra bến sông).

- Cửa Đông-Nam (còn gọi cửa Thượng Tứ do có Viện Thượng Kỵ và tàu ngựa nằm phía trong cửa).

- Cửa Chính Đông (tức cửa Đông Ba, tên khu vực dân cư ở đây).

- Cửa Đông-Bắc (còn có tên cửa Kẻ Trài)



Đàn Nam Giao (Ảnh: flickr)

Ngoài ra Kinh Thành còn có 1 cửa thông với Trấn Bình Đài (thành phụ ở góc Đông Bắc của Kinh Thành, còn gọi là thành Mang Cá), có tên gọi là Trấn Bình Môn.

Hai cửa bằng đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.



Huế, xưa và nay (Ảnh: flickr)

Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch. Kinh Thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học Trung Hoa cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban (tên một kiến trúc sư người Pháp cuối thế kỷ XVII) . Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát năm 1803 (triều vua Gia Long) đến khi hoàn chỉnh vào năm 1832 (triều vua Minh Mạng).Với mục đích phòng thủ là chính, mặt bằng của thành có dạng hình vuông hơi khum ở phía trước theo địa hình dải đất dọc bờ sông Hương, mỗi mặt có các cổng thành, trên có vọng lâu dùng để quan sát. Các mặt thành lại được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn... Thêm vào đó, hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài được đào gần 10km chiều dài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương). Dưới con mắt của các nhà địa lý phong thủy, Kinh Thành Huế nằm trên vùng ‘Vương đảo”, trong phạm vi được tạo ra bởi dòng chảy của sông Hương phía trước mặt và hai chi lưu gồm sông Bạch Yến, Kim Long chảy vòng mặt sau cùng hợp lại ở hạ lưu. Sông Hương đóng vai trò minh đường, cùng hai hòn đảo nhỏ Cồn Hến và cồn Dã Viên có vị thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) chầu về trước Kinh Thành.

cong-1.jpg picture by spyly

Toàn cảnh Cổng thành An Hòa, phía Bắc kinh thành Huế bị sét đánh mất góc trái

Bên kia sông, không xa lắm là ngọn Bằng Sơn được đổi tên thành Ngự Bình, che chắn mặt trước Kinh Thành như một bức bình phong thiên nhiên, giữ chức năng tiền án. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ“ (ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ). Dựa trên các nguyên tắc của thuật phong thủy, các vua nhà Nguyễn đã kết hợp các yếu tố có sẵn trong địa hình tự nhiên như sông, núi, đảo... cùng sự can thiệp đúng chỗ của bàn tay con người khi lấp một số đoạn của sông Bạch Yến, Kim Long, đồng thời đào một loạt hệ thống sông, hào ở trong và ngoài Kinh Thành để phục vụ cho ý tưởng của mình. Tất cả những cố gắng trên không nằm ngoài ý nguyện định đô lâu dài của vương triều Nguyễn. Thật khó nhận ra sự sắp xếp gò ép trong một tổng thể hài hòa kiến trúc- thiên nhiên như thế. Không gây ấn tượng trấn áp tinh thần, cũng không có vẻ hoang sơ dã thảo, Kinh Thành Huế khiến cho người ta cảm nhận được đúng mức không khí tôn nghiêm nhưng không mất đi cảm giác êm đềm thư thái giữa thiên nhiên gần gũi. Bên cạnh đó, phong cách kiến trúc và cách bố phòng khiến Kinh Thành Huế thực sự như một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà Le Rey, một thuyền trưởng người Pháp đã từng đến Huế năm 1819 phải thốt lên: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng”.



Đại Nội - Kinh Thành Huế (Ảnh: flickr)

Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đinh, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.


Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất.

Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.

Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong là khu vực cực kỳ trọng yếu, được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian). Các khu vực đó là:

- Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.

- Khu vực cử hành đại lễ: gồm từ Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành - nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới)... đến điện Thái Hòa - nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch ), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh.

- Khu vực miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm: bên trái có các miếu thờ Nguyễn Kim (Triệu Tổ Miếu), miếu thờ các vị chúa Nguyễn (Thái Tổ Miếu); bên phải có các miếu thờ Nguyễn Phúc Luân (Hưng Tổ Miếu) và miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn (Thế Tổ Miếu).

- Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).

- Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn... (phía sau, bên trái).

- Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)

http://www.simplevietnam.com/uploads/Hue/Tong%20quan/sandaitrieunghi-1.jpg

Khu vực Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung) ...Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” - kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời.Điều đáng nói ở đây là sự phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, trên dưới theo địa vị, thứ bậc rõ ràng, áp dụng cho mọi đối tượng cho dù đó là thành viên trong hoàng tộc, là mẹ vua hay hoàng tử, công chúa. Nam có lối đi riêng, nữ có lối đi riêng, quan văn một bên, quan võ một bên. Tất cả nhất nhất đều chiếu theo quy định mà thực hiện, thể hiện rõ nét ý thức tập trung quân chủ, mọi quyền lực về tay nhà vua, đặc biệt là dưới triều vua Minh Mạng.Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Nhưng với tư cách là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, khu di tích Đại Nội đang dần được trả lại dáng xưa cùng các di tích khác nằm trong quần thể kiến trúc đã được cả nhân loại công nhận là Di sản Thế giới. Được sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của bè bạn gần xa trong cộng đồng quốc tế thông qua các cuộc vận động nhằm cứu vãn, bảo tồn và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của di sản văn hóa Huế, nhiều di tích ở hoàng cung Huế đã từng bước được phục hồi, trở lại nguyên trạng cùng nhiều công trình khác đang được bảo quản, sửa chữa, góp phần gìn giữ khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.



Ngọ Môn, cổng chính vào Hoàng Thành Huế (Ảnh: flickr)

Ngọ Môn là di tích kiến trúc thời Nguyễn, cổng chính phía nam của Hoàng thành. Ngọ Môn được xây dựng năm Minh Mạng 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức qui hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Nguyên tại vị trí này trước kia là Nam Khuyết Đài, xây dựng đầu thời Gia Long. Trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn.

Năm Minh Mạng 14 (1833), Nam Khuyết Đài bị giải thể hoàn toàn để lấy chỗ xây dựng Ngọ Môn. Trong bốn cổng của Hoàng thành, Ngọ Môn là chiếc cổng lớn nhất. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ. Hướng này, theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng Nam (nhưng cần hiểu là trên cả một trục rộng từ đông nam đến tây nam). Hướng của Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh thành Huế trên thực tế là hướng càn - tốn (tây bắc - đông nam) nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ - hướng nam, hướng mà Dịch học qui định dành cho bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về lẽ sáng để cai trị thiên hạ).

Về mặt kiến trúc, Ngọ Môn gần hai phần chính: đài - cổng và lầu Ngũ Phụng.

- Phần đài - cổng có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m. Cạnh bên dài 27,06m. Đài xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đài cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1560m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 lối đi. Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Lối kiến trúc 5 cổng kiểu “ba cửa thẳng, hai cửa quanh” như vậy rất giống kiểu “minh tam ám ngũ” (nhìn rõ 3, thực ra trong lòng là 5) của Ngọ Môn ở Cố Cung Bắc Kinh.

- Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài - cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẳn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh

Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh"



Lễ khai mạc festival Huế 2006 (Ảnh: flickr)

Kiến trúc của Ngọ Môn có dáng dấp tương tự Thiên An môn ở Cố cung Bắc Kinh nhưng vẫn thể hiện rõ phong cách kiến trúc dân tộc. Ngọ Môn của Huế trông nhẹ nhàng, duyên dáng và xưa nay vẫn được xem là một đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Ngọ Môn cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Nơi đây ngày xưa vẫn thường diễn ra các lễ lạc quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (tuyên đọc tên tiến sĩ tân khoa)... Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Ngọ Môn là nơi chứng giám lễ thoái vị của hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.



Thế Miếu - Nơi thờ vua Gia Long và các vua kế vị (Ảnh: flickr)

Theo quan niệm truyền thống bao đời nay “sống là gửi, thác là về”, vì vậy nơi “trở về” ấy luôn được quan tâm chuẩn bị một cách chu đáo, đặc biệt là đối với các vua triều Nguyễn. Vì thế, nhiều lăng tẩm với các phong cách kiến trúc khác nhau đã được xây dựng khắp trên đất kinh đô, tạo nên nét riêng đặc sắc cho mảnh đất này.

LĂNG GIA LONG (Thiên Thọ Lăng):Vua Gia Long có tên là Nguyễn Phúc Ánh (1762 – 1820), là người đã lập ra triều đại nhà Nguyễn, lên ngôi ngày 1 tháng 6 (âm lịch) năm 1802, niên hiệu là Gia Long. Lăng Gia Long nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng và rộng lớn, phía trước có ngọn Đại Thiên Thọ làm tiền án, phía sau là 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực: Ở giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu là những hàng tượng đá uy nghiêm, Bửu Thành nằm ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá (dạng thạch thất) được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức”. Bên phải là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Bên trái là Bi Đình, có tấm bia lớn ghi bài “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha. Tên gọi lăng Gia Long hiện nay thực ra là để chỉ cả một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong hàng quyến thuộc của nhà vua, với trọng địa là khu lăng mộ của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Quá trình xây dựng lăng diễn ra trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Về sau phát triển thành một khu lăng mộ rộng lớn với chu vi đến 11.234,40m (tài liệu của L. Cadière), gồm những lăng sau: - Lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn). - Lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn) (1650-1725). - Lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Chú) (1697-1738). - Lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và là thân mẫu của vua Gia Long. - Lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long. - Lăng Thiên Thọ của vua Gia Long và vợ ông. - Lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm” (theo L. Cadière). Cũng vì quá sâu sát với công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng. Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực: Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung. Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”, bởi người ta cho rằng: “Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản” (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo. Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, du khách thả bước dưới bóng thông tươi mát để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn - vua Minh Mạng. Đến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng; hay đi đường bộ chừng 16km rồi qua bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số đường rừng thì bắt gặp hai Trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng. Trước đây, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng Gia Long. Năm 1859 còn 42 cột và hiện nay du khách chỉ trông thấy 2 cột. Mới hay, thời gian và sự thờ ơ của con người có sức tàn phá kinh khủng. Ngày nay, chỉ còn rừng thông xanh làm đương biên cho khu lăng, bởi quanh lăng không có La thành. Theo gợi ý của L. Cadière từ hơn 60 năm trước đây, du khách nên viếng lăng Gia Long vào buổi chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Lấp lánh trong nắng vàng là những bóng thông xào xạc, vi vu đang soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Chính lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Phong cảnh xinh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Sự khắc khổ tĩnh lặng của cái chết hòa với sự sinh động, nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong sự tĩnh lặng tuyệt vời của vũ trụ. Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến thăm lăng, du khách được thả mình trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như vinh nhục của ông vua đầu triều Nguyễn. Tuy nhiên, đường đi cặp theo bờ sông khá vất vả, phần lớn hoang tàn đổ nát theo thời gian và chiến tranh nên cũng ít ai đến đây. Hy vọng Huế sẽ trùng tu và phục hồi lại di tích này để thu hút du khách.

LĂNG MINH MẠNG (Hiếu Lăng):Vua Minh Mạng (1791 – 1841) là vị vua thứ nhì của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến 1841. Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phước Đảm, (còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu), là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long và thứ phi Trần Thị Đang. Lăng của ông được quan địa lý Lê Văn Đức chọn đất để xây ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Năm 1940, lăng được khởi công, vừa xây dựng được 1 năm thì vua Minh Mạng đột ngột qua đời. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, đã chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại, đến đầu năm 1843 mới hoàn tất.


Lăng Minh Mạng là một mô hình kiến trúc qui mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cả cung điện, đền miếu và lâu đài. Đại Hồng môn (cổng chính vào lăng) chỉ mở một lần để đưa quan tài nhà vua vào lăng sau đó được đóng chặt. Du khách vào tham quan lăng đi qua một trong hai cổng: Tả Hồng môn (cửa phía bên trái) và Hữu Hồng môn (cửa phía bên phải). Lăng Minh Mạng với hai hồ và kiến trúc trang hoàng tuyệt đẹp gồm cả cầu thang “rồng” bất hủ, là một trong những lăng tẩm uy nghi, đường bệ nhất trong các lăng tẩm vua nhà Nguyễn. Ngay trước lăng Minh Mạng là bến đò Tuần, nơi sông Hương chia 2 nhành Tả Trạch và Hữu Trạch, bên kia sông là lăng Tự Đức và Khải Định.


Lăng Tự Đức (Ảnh: flickr)
LĂNG TỰ ĐỨC (Khiêm Lăng):
Vua Tự Đức (1829 – 1883) có tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là con thứ 2 của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng (Hoàng hậu Từ Dũ), lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), làm vua được 36 năm (1847-1883). Nếu Minh Mạng là ông vua thiên về võ thì Tự Đức là ông vua thích thơ văn, rất yêu nghệ thuật, đã tập trung về kinh đô Huế nhiều người soạn kịch bản tuồng. Chính ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình.Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn dẫn, là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng. Do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới mất.
Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường. Ở đây quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng uốn lượn quanh co. Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lối đi lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Đầu tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.
Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.
Sau khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.
LĂNG KHẢI ĐỊNH (Ứng Lăng):
Vua Khải Định (1885-1925) có tên là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Dương Thị Thục (Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu). Năm 1916, sau khi vua Duy Tân bị Pháp đày đi Réunion, triều đình Huế đã lập Bửu Đảo lên ngôi vua vào ngày 18-5-1916, lấy niên hiệu là Khải Định. Vua Khải Định ở ngôi được 10 năm (1916-1925) thì bị trọng bệnh và mất, là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến. Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân, song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Trị vì được một thời gian, vua Khải Định đã lo nghĩ việc tạo dựng sinh phần cho mình. Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, Khải Định chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) làm vị trí để xây cất lăng mộ. Tọa lạc tại vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng - thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi: Ứng Lăng. Lăng khởi công ngày 4-9-1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn tất. Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy với sự trưng tập nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng... Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt. Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise...,cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có một diện tích rất khiêm tốn: 117m x 48,5m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Người đời sau thường đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng... tạo ra từ phong cách kiến trúc. Toàn cảnh lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Tổng thể của lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao với 127 bậc cấp như muốn thể hiện khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn này. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định. Sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã đột phá cánh cửa phong kiến để làn gió của văn hóa Tây Âu tràn vào Việt Nam. Mặt khác Khải Định là một ông vua hiếu kỳ, chuộng cái mới nhưng có sự sàng lọc, một ông vua “mặc complet bên trong khoác long bào bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc Đẩu Bội Tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ” (lời L. Cadière) nên chẳng có gì phải “kiêng nể” trong việc “thâu tóm điều hay, cái lạ” của thế giới vào ngôi nhà vĩnh cửu của mình. Ý muốn kỳ quặc của ông vua ngông nghênh đó đã không bị bê nguyên xi vào trong kiến trúc. Bằng óc thông minh, sự chọn lọc tinh tế và đôi tay tài hoa khéo léo, người thợ Việt Nam đã tạo cho công trình những tuyệt tác nghệ thuật.
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, nơi mà tài hoa của những người thợ được phô diễn, gởi gắm. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: 2 bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của ông vua quá cố. Toàn bộ nội thất của 3 gian giữa trong cung Thiên Định đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí nơi đây. Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Đặc biệt chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng đó đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920. Tượng do 2 người Pháp là P.Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua. Toàn bộ trang trí bên trong cung Thiên Định không chỉ phản ánh những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn đề cập đến vấn đề nhận thức, chủ đề tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua. Bên cạnh các đồ án trang trí rút từ các điển tích Nho giáo và cuộc sống của chốn cung đình, còn có những đồ án trang trí của Lão Giáo và đặc biệt là hàng trăm chữ Vạn - một biểu trưng của nhà Phật được đắp bằng thủy tinh xanh trên tường hậu tẩm. Phải chăng đó là sự thể hiện “Tam Giáo đồng hành” trong tư tưởng của vua quan và Nho sĩ đương thời? Phải chăng nhà vua cũng mong muốn được thư nhàn lúc về già và được nhập Niết Bàn, được siêu thoát sau khi băng hà ? Hay đó là sự bế tắc về tư tưởng của Khải Định nói riêng và tầng lớp quan lại thuở đó? Tất cả là những gợi mở đầy thú vị để du khách chiêm nghiệm mỗi khi tham quan công trình này.
Lăng Khải Định mang phong cách kiến trúc pha trộn “nửa Á, nửa Âu”, đánh dấu một giai đoạn kiến trúc cách tân trong lịch sử kiến trúc và mỹ thuật Việt Nam. Về mặt tổng thể, lăng Khải Định giống như một lâu đài kiểu Châu Âu, nằm trên sườn núi cao và được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu có nguồn gốc Tây phương như: bê-tông cốt thép; những cánh cửa sắt đồ sộ, lợp ngói ardoise, gạch careaux... Bên cạnh đó, phong cách kiến trúc Á Đông cũng kết hợp một cách nhuần nhuyễn thể hiện qua việc sắp xếp bố cục cảnh quan, tuân thủ nguyên tắc phong thủy địa lý trong việc tận dụng núi đồi, khe suối chung quanh để tạo thế tả thanh long, hữu bạch hổ; minh đường, thủy tụ; tiền án, hậu chẩm... Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của ông và bao nghệ nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh. Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, lăng Khải Định đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế, xứng đáng với đôi câu đối đề trước Tả Trực Phòng trong lăng: "Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ. Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư. (Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập. Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài)."
Lăng tẩm của các vua triều Nguyễn là một phần không tách rời khỏi các giá trị, mang dấu ấn thời gian nơi kinh đô Huế. Mỗi khu lăng mộ sẽ mang đến cho du khách một cảm nhận khác nhau, với một chút thơ, một chút nhạc và còn có những câu chuyện vui - buồn trôi cùng dòng chảy tháng năm.
Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng)
Vị trí: Lăng Thiệu Trị nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách kinh thành Huế chừng 8km.
Đặc điểm: Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng tây bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.Cách lăng 8 km về phía trước, ngọn núi Chằm sừng sững được chọn làm tiền án. Dòng sông Hương chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường. Ngay cách chọn “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ” cũng có những nét khác thường: đồi Vọng Cảnh ở bên này sông được chọn làm “rồng chầu”, nhưng “hổ phục” lại là ngọn Ngọc Trản ở bên kia sông. Đằng sau, núi Kim Ngọc xa mờ trong mây được chọn làm hậu chẩm; đồng thời, những người kiến trúc lăng còn đắp thêm một mô đất cao lớn ở ngay sau lăng để làm hậu chẩm thứ hai.Một nét riêng khác là lăng không có La thành bao quanh. Nếu ở lăng Gia Long, La thành bằng gạch được thay thế bởi vô số núi đồi bao quanh như một vành đai tự nhiên, hùng tráng bảo vệ giấc ngủ cho vị tiên đế triều Nguyễn thì ở lăng Thiệu Trị, những cánh đồng lúa mượt mà, những vườn cây xanh rờn ở chung quanh được xem là La thành. Chính vòng La thành thiên nhiên đó tạo cho cảnh quan lăng Thiệu Trị sự thanh thoát và yên bình. Ông vua vốn được tiếng là thương dân đã yên nghỉ giữa ruộng vườn tươi tốt như cuộc đời bình dị của ông, không trăn trở nghĩ suy, không cầu kỳ, phức tạp mà mộc mạc thân quen vô cùng.
Lăng Thiệu TrịLăng Thiệu Trị
Ngày 11/02/1848, lăng bắt đầu được khởi công xây dựng và chỉ 10 tháng sau đã hoàn thành. Tổng thể lăng gồm có hai khu vực: lăng và tẩm.
Khu lăng: nằm ở bên phải, trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ Ðiện. Sau hồ Nhuận Trạch là Nghi Môn bằng đồng dẫn vào Bái Đình (sân chầu) rộng lớn. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng nửa đầu thế kỷ 19 ở Huế.
Lăng Thiệu Trị (ảnh chụp tháng 4 năm 2008)
Bi Đình và Lầu Ðức Hinh tọa lạc trên quả đồi cong dạng mai rùa. Bi Đình còn gọi là Phương Đình có tấm bia khắc 2.500 chữ của vua Tự Ðức ca ngợi công đức của vua cha. Qua hồ Ngưng Thuý có 3 cây cầu là Chánh Trung (giữa), Ðông Hoà (Phải), Tây Ðình (trái) là đến tam cấp vào Bửu Thành, chỗ đặt thi hài vua Thiệu Trị. Khu tẩm (điện thờ): xây dựng riêng, cách Lầu Ðức Hinh 100m về phía trái.
Lăng Thiệu Trị (ảnh chụp tháng 6 năm 2008)
Qua Nghi Môn bằng đá cẩm thạch, bước lên 3 bậc tam cấp qua Hồng Trạch Môn là đến điện Bửu Ðức. Ðiện Bửu Ðức là nơi thờ bài vị của vua và bà Từ Dũ (vợ vua).
Trong chánh điện trên những cỗ diêm ở bộ mái và ở cửa Hồng Trạch có khắc trên 450 ô chữ chạm khắc các bài thơ có giá trị văn học và giáo dục. Các công trình phụ thuộc như Tả Hữu Phối điện (trước), Tả và Hữu tùng viện (sau) quây quần xung quanh điện Bửu Ðức càng tăng thêm vẻ tôn nghiêm của chính điện.
Lăng Thiệu Trị còn đó với vẻ đẹp giản đơn, gần gũi, dựa lưng vào chân núi Thuận Ðạo, gần trước mặt lăng là cả một vùng đất bằng phẳng cây cối xanh tươi, ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương tới tận cầu Lim.
Khu mộ Thiệu TrịKhu lăng mộ Thiệu Trị
Tiểu sử vua Thiệu Trị (Miên Tông) (1841 - 1847)
Thiệu Trị tên huý là Dong sau đổi là Miên Tông, là con trưởng của Minh Mạng.
Tháng Giêng năm Tân Sửu (1841) Miên Tông lên ngôi Vua đặt niên hiệu là Thiệu Trị, lúc đó đã 34 tuổi.
Thiệu Trị lên ngôi Vua cứ theo qui chế được sắp đặt từ thời Minh Mạng mà làm theo di huấn của cha.
Thiệu Trị cho đắp đê, đập chắn ngang cửa sông Cửu An.
Về đối ngoại, Thiệu Trị dàn xếp mối bang giao với Chân Lạp, cấm người ngoại quốc giảng đạo và trị tội người trong nước đi đạo.
Tháng 9 năm 1847, Thiệu Trị bị bệnh rồi mất, ở ngôi được 6 năm, thọ 41 tuổi.
Thiệu Trị có 29 hoàng tử, 25 công chúa, tổng cộng 54 người con.Lên ngôi giữa tuổi 34, nhà vua trị vì được 7 năm (1841-1847) thì băng hà, hưởng thọ 41 tuổi. Sinh thời, nhà vua chưa lo nghĩ đến cái chết của mình, phần nữa, không muốn binh dân hao tổn quá nhiều sức lực và của cải nên ông chưa xây cất Sơn lăng. Cho đến lúc chuẩn bị ra đi, nhà vua đã trăn trối với người con trai sắp kế vị rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân”.Vâng mệnh cha, vua Tự Đức đã sai các quan Địa lý đi chọn đất xây lăng. Họ tìm được cuộc đất tốt ở chân núi thấp thuộc làng Cư Chánh, cách Kinh Thành chừng 8km để xây cất lăng mộ. Ngọn núi ấy được đặt tên là núi Thuận Đạo và lăng ấy có tên là Xương Lăng.Quá trình xây cất Xương Lăng diễn ra nhanh chóng và gấp rút, nên chỉ sau ba tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14-6-1848, vua Tự Đức thân hành lên Xương Lăng kiểm tra lần cuối. 10 ngày sau, thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau 8 tháng quàn tại điện Long An ở cung Bảo Định. Vua Tự Đức viết bài văn bia dài trên 2.500 chữ, cho khắc lên tấm bia “Thánh đức thần công”, dựng vào ngày 19-11-1848 để ca ngợi công đức của vua cha.Lên ngôi giữa tuổi 34, nhà vua trị vì được 7 năm (1841-1847) thì băng hà, hưởng thọ 41 tuổi. Sinh thời, nhà vua chưa lo nghĩ đến cái chết của mình, phần nữa, không muốn binh dân hao tổn quá nhiều sức lực và của cải nên ông chưa xây cất Sơn lăng. Cho đến lúc chuẩn bị ra đi, nhà vua đã trăn trối với người con trai sắp kế vị rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân”.Vâng mệnh cha, vua Tự Đức đã sai các quan Địa lý đi chọn đất xây lăng. Họ tìm được cuộc đất tốt ở chân núi thấp thuộc làng Cư Chánh, cách Kinh Thành chừng 8km để xây cất lăng mộ. Ngọn núi ấy được đặt tên là núi Thuận Đạo và lăng ấy có tên là Xương Lăng.Quá trình xây cất Xương Lăng diễn ra nhanh chóng và gấp rút, nên chỉ sau ba tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14-6-1848, vua Tự Đức thân hành lên Xương Lăng kiểm tra lần cuối. 10 ngày sau, thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau 8 tháng quàn tại điện Long An ở cung Bảo Định. Vua Tự Đức viết bài văn bia dài trên 2.500 chữ, cho khắc lên tấm bia “Thánh đức thần công”, dựng vào ngày 19-11-1848 để ca ngợi công đức của vua cha.

Lăng Ðồng Khánh
Vị trí: Lăng Ðồng Khánh được xây dựng trên vùng đất thuộc làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đặc điểm: Lăng Đồng Khánh được xây dựng trong 4 đời vua (1888 - 1923) nên vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.

Sau khi lên ngôi tháng 2/1888, Ðồng Khánh cho xây dựng ở bên cạnh lăng mộ vua cha ngôi điện đặt tên Truy Tư để thờ cúng cha. Công việc đang triển khai thì vua Ðồng Khánh mắc bệnh đột ngột và qua đời.
Vua Thành Thái lên kế vị và cho đổi điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh. Thi hài nhà vua được mai táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách Điện Ngưng Hy 30m về phía tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi là Tư Lăng.
Năm 1916, Khải Ðịnh - con trai của Ðồng Khánh lên ngôi, cho tu sửa điện thờ, xây cất lăng mộ cho cha mình và cho đến tháng 7/1917, mới xong phần cơ bản và đến năm 1923 thì hoàn tất.
Quá trình xây dựng lăng Ðồng Khánh diễn ra trong 4 đời vua (1888 - 1923), vì vậy lăng Ðồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau.

Khu tẩm điện: các công trình vẫn mang lối kiến trúc xưa, lối kiến trúc “Trùng Thiềm Điệp Ốc” (Nhà có nhiều bộ mái nối tiếp nhau). Chính điện và các nhà cửa phụ thuộc, vẫn là những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với trang trí tứ linh, tứ quí,...Ðiện Ngưng Hy có 24 đồ bản vẽ các bức tranh trong điển tích “Nhị thập tứ hiếu”, kể về những tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa. Trên các cỗ diêm, bờ nóc, bờ quyết của Điện Ngưng Hy xuất hiện những phù điêu bằng đất nung với các trang trí rất dân giã như “Ngư ông đắc lợi”, “Gà chọi”. Việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và hai bức tranh,...đã nói lên ảnh hưởng của văn hoá Tây Âu.
Khu lăng: Kiến trúc lăng mộ hầu như được “Âu hoá” hoàn toàn từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật liệu xây dựng. Bi Đình là sự biến thể của kiến trúc Romance pha trộn kiến trúc Á Đông. Tượng quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá ngói ác đoa, gạch ca rô.

Tiểu sử vua Đồng Khánh.
Ðồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Ðường, con trai cả của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845 - 1876). Ðồng Khánh là anh trai cả của hai vị vua Kiến Phúc (1883 - 1884) và Hàm Nghi (1884 - 1885). Tháng 7/1885, khi Hàm Nghi rời kinh thành phát chiếu Cần Vương kháng Pháp, triều thần và chính phủ bảo hộ đưa Ưng Ðường vào ngai vàng đang để trống, lấy niên hiệu là Ðồng Khánh. Ðồng Khánh làm vua được 3 năm (1886 - 1889) thì băng hà vào giữa tuổi 25.
Theo TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ


Sông Hương và Cầu Tràng Tiền (Ảnh: flickr)
ảnh
Ngọ Môn, cổng chính lớn nhất của Hoàng thành Huế, xoay mặt về hướng ngọ (Nam), là hướng giành cho các bậc vua chúa.
ảnh
Vẻ đẹp trang nghiêm bên trong Đại Nội - đường vào Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi.
ảnh
Cổng vào lăng vua Khải Định - một trong nhiều lăng tẩm ở Huế.
ảnh
Chùa Thiên Mụ ở tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố 5 km về phía tây và là ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
ảnh
Vẻ đẹp nên thơ nhìn từ chùa Thiên Mụ.
ảnh
Một góc bên trong lăng vua Tự Đức.
ảnh
Cầu Bạch Hỗ bắc ngang sông Hương, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.
ảnh
Đỉnh Bạch Mã lúc nào cũng chìm trong mây trắng xoá.
ảnh
Núi non trùng điệp lúc nắng đang tắt dần ở Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
ảnh
Biển Cảnh Dương trong xanh và êm đềm.
ảnh
Một vùng quê yên tĩnh ở Lăng Cô.

No comments:

Post a Comment