1. Hoàng Thành: nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đinh, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.
Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất.
Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.
Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong là khu vực cực kỳ trọng yếu, được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian). Các khu vực đó là:
- Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.
- Khu vực cử hành đại lễ: gồm từ Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành - nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới)... đến điện Thái Hòa - nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch ), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh...
- Khu vực miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm: bên trái có các miếu thờ Nguyễn Kim (Triệu Tổ Miếu), miếu thờ các vị chúa Nguyễn (Thái Tổ Miếu); bên phải có các miếu thờ Nguyễn Phúc Luân (Hưng Tổ Miếu) và miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn (Thế Tổ Miếu).
- Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).
- Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn... (phía sau, bên trái).
- Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)
Khu vực Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung) ...
Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” - kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời. Điều đáng nói ở đây là sự phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, trên dưới theo địa vị, thứ bậc rõ ràng, áp dụng cho mọi đối tượng cho dù đó là thành viên trong hoàng tộc, là mẹ vua hay hoàng tử, công chúa. Nam có lối đi riêng, nữ có lối đi riêng, quan văn một bên, quan võ một bên. Tất cả nhất nhất đều chiếu theo quy định mà thực hiện, thể hiện rõ nét ý thức tập trung quân chủ, mọi quyền lực về tay nhà vua, đặc biệt là dưới triều vua Minh Mạng.
Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, khu di tích Đại Nội đang dần được trả lại dáng xưa cùng các di tích khác nằm trong quần thể kiến trúc đã được cả nhân loại công nhận là Di sản Thế giới. Được sự giúp đỡ của quốc tế thông qua các cuộc vận động nhằm cứu vãn, bảo tồn và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của di sản văn hóa Huế, nhiều di tích ở hoàng cung Huế đã từng bước được phục hồi, trở lại nguyên trạng cùng nhiều công trình khác đang được bảo quản, sửa chữa, góp phần gìn giữ khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Năm Minh Mạng 14 (1833), Nam Khuyết Đài bị giải thể hoàn toàn để lấy chỗ xây dựng Ngọ Môn. Trong bốn cổng của Hoàng thành, Ngọ Môn là chiếc cổng lớn nhất. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ. Hướng này, theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng Nam (nhưng cần hiểu là trên cả một trục rộng từ đông nam đến tây nam). Hướng của Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh thành Huế trên thực tế là hướng càn - tốn (tây bắc - đông nam) nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ - hướng nam, hướng mà Dịch học qui định dành cho bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về lẽ sáng để cai trị thiên hạ). Về mặt kiến trúc, Ngọ Môn gần hai phần chính: đài - cổng và lầu Ngũ Phụng.
- Phần đài - cổng có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m. Cạnh bên dài 27,06m. Đài xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đài cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1560m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 lối đi. Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Lối kiến trúc 5 cổng kiểu “ba cửa thẳng, hai cửa quanh” như vậy rất giống kiểu “minh tam ám ngũ” (nhìn rõ 3, thực ra trong lòng là 5) của Ngọ Môn ở Cố Cung Bắc Kinh.
- Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài - cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẳn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh"
Kiến trúc của Ngọ Môn có dáng dấp tương tự Thiên An môn ở Cố cung Bắc Kinh nhưng vẫn thể hiện rõ phong cách kiến trúc dân tộc. Ngọ Môn của Huế trông nhẹ nhàng, duyên dáng và xưa nay vẫn được xem là một đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Ngọ Môn cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Nơi đây ngày xưa vẫn thường diễn ra các lễ lạc quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (tuyên đọc tên tiến sĩ tân khoa)... Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Ngọ Môn là nơi chứng giám lễ thoái vị của hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Trong năm 1968, từ sự tổng tấn công của VC, Ngọ Môn và rất nhiều công trình kiến trúc khác ở Huế đã bị hư hại rất nhiều.
Nhìn chung, qua hai đợt trùng tu lớn nói trên cũng như nhiều lần trùng tu sửa chữa nhỏ diễn ra dưới thời vua Thành Thái và những thập niên gần đây (vào năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992) điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi, vẻ cổ kính ngày xưa đã giảm đi một phần. Tuy nhiên, cốt cách cơ bản của nó thì vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật.
Ngoại thất điện Thái Hòa
Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm, quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu.
Về kiến trúc, cung điện này được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc và được chống đỡ bằng 80 cột gỗ lim được sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây - một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần đúng như chức năng vốn có của ngôi điện. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vỏ cua. Hệ thống vì kèo nóc nhà sau tương đối đơn giản, chỉ làm theo kiểu "vì kèo cánh ác", nhưng hệ thống vì kèo nóc nhà trước thì thuộc loại vì kèo "chồng rường - giả thủ" được cấu trúc tinh xảo. Tòan bộ hệ thống vì kèo, rường cột, xuyên trến ở đây đều liên kết với nhau một cách chặt chẽ bằng hệ thống mộng mẹo chắc chắn. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, nhưng không phải là một dãi liên kết mà được chia làm ba tầng chồng mí lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, gọi là mái "chồng diêm" hoặc "trùng thiềm", mục đích là để tránh đi sự nặng nề của một tòa nhà quá lớn đồng thời để tôn cao ngôi điện bằng cách tạo ra ảo giác chiều cao cho tòa nhà. Giữa hai tầng mái trên là dãi cổ diêm chạy quanh bốn mặt của tòa nhà. Dãi cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn trên những tấm pháp lam (đồng tráng men nhiều màu) theo lối nhất thi nhất họa.
Điện Thái Hòa, nơi từng là biểu trưng quyền lực của Vương triều Nguyễn
Về trang trí cũng như kiến trúc của điện Thái Hòa nói chung, có một khái niệm đặc biệt đáng chú ý là con số 5, và nhất là con số 9. Hai con số này chẳng những xuất hiện ở trang trí nội ngoại thất của tòa nhà mà còn ở trên các bậc thềm của nó nữa. Từ phía Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành đi ra điện Thái Hòa, vua phải bước lên một hệ thống bậc thềm ở tầng nền dưới là 9 cấp và ở tầng nền trên là 5 cấp. Trước mặt điện số bậc cấp bước lên Đệ nhị Bái đình và Đệ nhất Bái đình cộng lại là 9. Tiếp đó, hệ thống bậc thềm ở nền điện cũng có 5 cấp. Đứng ở sân Đại triều nhìn vào hay từ phía Tử Cấm Thành nhìn ra người ta đều thấy trên mỗi mái điện đều được đắp nổi 9 con rồng ở trong các tư thế khác nhau: lưỡng long chầu hổ phù đội bầu rượu, lưỡng long chầu mặt nhật, hồi long (rồng quay đầu lại), rồng ngang v.v…Ở nội điện cũng thế, từ ngai vàng, bửu tán, các mặt diềm gỗ chung quanh cho đến mỗi mặt của ba tầng bệ mỗi nơi đều trang trí một bộ 9 con rồng. Có thể nói điện Thái Hòa là giang sơn để cho loài rồng bay lượn.
Ngày nay, thời vàng son của triều đại quân chủ không còn, nhưng với vẻ cổ kính thâm nghiêm của cung điện - nơi in dấu bao sự kiện trọng đại về một thời oanh liệt đã qua của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, cũng như những gì còn bảo lưu trong cung điện cho đến ngày nay, khi viếng thăm du khách sẽ được thỏa thích nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật và hồi tưởng quá khứ mà suy ngẫm về tài nghệ của cha ông - những người đã góp phần tạo nên nét tinh vi sắc xảo trong nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
Trên trục chính của Hoàng thành Huế, từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc rất duyên dáng tô điểm cho bộ mặt của Kinh thành Huế. Một trong hai công trình ấy là Phu Văn Lâu.
Vào đầu thời Gia Long (1802-1819), đây chỉ là một toà nhà nhỏ có tên Bảng đình, dùng làm nơi công bố các chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng thi Hội, thi Đình cho dân chúng. Năm 1819, Bảng đình được thay thế bằng một toà kiến trúc hai tầng mái với 16 cây cột, xung quanh không có vách, tạo nét thanh tú và độc đáo với tên gọi là Phu Văn Lâu. Phu Văn Lâu còn là nơi ban phát lịch hoặc các sinh hoạt vui chơi dành cho dân chúng do triều đình tổ chức...Thời Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hoà sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu. Các quan hàng tỉnh và hương lão phải đến quỳ lạy trước chiếu thư.
Hai bên mặt trước Phu Văn Lâu có đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau. Để tỏ lòng tôn trọng nhà vua và những văn bản được niêm yết trong Phu Văn Lâu, trước đây có hai tấm bia "Khuynh cái hạ mã" ở hai bên công trình, quy định ai đi qua đây cũng đều phải nghiêng lọng, xuống ngựa.
Gần bên phải Phu Văn Lâu còn có tấm bia trên khắc bài thơ "Hương giang hiểu phiếm” nói về cảnh đẹp của sông Hương, một trong hai mươi thắng cảnh đất thần kinh mà vua Thiệu Trị đã ca ngợi. Phu Văn Lâu đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn. Để tạo điều kiện cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích độc đáo này, công trình đã được lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia.
Kiến trúc của đình Thương Bạc kết hợp với cụm kiến trúc Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình tạo thành một tổng thể cảnh quan hài hoà cho Huế bên dòng sông Hương thơ mộng. Đây cũng là một trong những công trình hiện đang được lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
7. CHÙA THIÊN MỤ (天姥寺 hay Linh Mụ 靈姥)
Huế vốn là nơi qui tụ nhiều di tích thắng cảnh, nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng của Việt Nam nhưng ngôi chùa xưa nhất có lẽ phải kể đến chùa Thiên Mụ- nơi có sự tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong.
Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương (tả ngạn) ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ). Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự“ (chùa Thiên Mụ). Trong thực tế, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chàm - di tích được nhắc đến trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An vào năm 1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng, chùa mới chính thức được xây dựng. Theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Năm 1710, chúa cho đúc một chiếc chuông lớn có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Ông còn đích thân viết bài văn bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp. Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ“ (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện. Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên“ phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy trong dân gian, người ta vẫn dùng cả hai tên khi muốn nhắc đến chùa này. Trận bão khủng khiếp năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ. Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời. Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng của miền Trung, cách trung tâm Huế khoảng 5km về phía tây, chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành. Tại nơi này(đồi Hà Khê), sông Hương chảy chậm lại và chuyển sang hướng Đông-Tây nên đây là 1 trong những nơi lý tưởng nhất để ngắm nhìn dòng sông Hương lững lờ trôi.
Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định (Musée Khải Định) nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Từ đó đến tháng 8 năm 1945, thời điểm Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò lịch sử của mình, kiến trúc của trường hầu như không thay đổi.
Với gần 150 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.
Quốc Tử Giám ở Huế, nay là Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế, là di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị rất cao. Ngày 11.12.1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di Sản Văn hóa Thế giới.
An Định là cung điện riêng của vua Khải Định, tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế. Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau) đã lập phủ, đặt tên là phủ An Định. Năm Khải Định 2 (1917), vua mới dùng tiền riêng cải tạo lại thành cung theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi. Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu cung An Định. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Đến nay di tích cung An Định đang được phục hồi trùng tu.
Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung An Định. Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu là do vua Khải Định đặt. Lầu 3 tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, chiếm diện tích tới 745m2. Lầu được trang trí rất công phu, đặc biệt là phần nội thất của tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật rất cao.
Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn... cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique).
Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m (354 trượng 6 thước). Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ, chính giữa có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu li. Điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên.
Đảo Bồng Lai - Hồ Tịnh Tâm
Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu li. Phía nam có cửa Bích tảo và cầu Bích tảo. Phía bắc đảo có lầu Tịnh tâm, xây mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (từ năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.
Giữa hồ Tịnh tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu. Lầu Bát Giác trên đảo Bồng Lai (năm 1960).
Năm 1738, Chúa Nguyễn Phúc Khoác đã chọn nơi này để xây dựng thủ phủ Phú Xuân. Sau khi xây dựng xong thì đổi tên là Chính Dinh, và đến năm 1754 thì gọi là Đô Thành Phú Xuân - là trung tâm văn hóa chính trị xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn cho đến năm 1775. Sau đó bị quân Trịnh chiếm đóng (1775-1786), rồi trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn (1786-1801).
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, mở ra một vương triều mới. Đồng thời Thủ phủ Phú Xuân cũng bị triệt giải và khu vực Tam Tòa hiện nay được dùng để xây chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (sau này trở thành vua Minh Mạng).
Năm 1816, khi hoàng tử Đảm được phong Hoàng thái tử và chuyển về nơi ở mới ở phía đông kinh thành, nơi đây trở thành nơi ở của Hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn (em vua Minh Mạng), và về sau trở thành nơi ở của Nguyễn Phúc Thiện Khuê - con trai trưởng của Nguyễn Phúc Chẩn.
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), khu đất này được lấy lại để xây chùa Giác Hoàng - ngôi chùa được vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh thời bấy giờ.
Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi Việt Nam mất hẳn chủ quyền vào tay thực dân Pháp, tòan bộ kiến trúc của chùa Giác Hoàng bị Pháp cho triệt giải để xây dựng Viện Cơ Mật (hoàn thành năm 1903) (tức Tam Tòa ngày nay). Tên gọi Tam Tòa là do dân gian đặt, vì trong khuôn viên này, ngoài công trình chính là Viện Cơ Mật, còn có hai dãy nhà hai bên. Dãy bên phải được xây làm văn phòng của các ông Hội lý người Pháp và dãy bên trái được xây làm Bảo tàng Kinh tế. Từ đó đến nay, di tích này không có gì thay đổi về mặt kiến trúc nhưng chức năng thì lại khác.
Từ 1955 đến 1975, dưới chế độ VNCH, hai dãy nhà hai bên trở thành văn phòng của các cơ quan tư pháp địa phương (tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế), còn tòa nhà chính (tức Viện Cơ Mật) được dùng làm nơi xét xử các vụ án từ sơ thẩm đến thượng thẩm.
Từ năm 1975 đến 1976, Ủy ban Quân quản Trị Thiên Huế đóng và làm việc tại khu vực này. Từ năm 1976 -1989, Tam Tòa trở thành trụ sở của Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2000). Tháng 10/2000 đến nay, Tam Tòa được chuyển giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý.
12. Điện Long An được xây dựng năm 1845, thời vua Thiệu Trị (1841-1847), tại bờ Bắc sông Ngự Hà để làm nơi nghỉ lại của nhà vua sau khi ông tiến hành lễ cày ruộng Tịch Điền - lễ mở đầu cho vụ mùa mới, mỗi năm tổ chức một lần vào mùa xuân. Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, đây cũng là nơi quàn thi hài của vua trong tám tháng, trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An - nơi ông thường lui tới khi còn sống. Trong thời kỳ thất thủ kinh đô (1885), quân Pháp đã tràn vào ngôi điện, làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi thờ phụng. Vì thế, sau biến cố này, bài vị của vua Thiệu Trị được đưa vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội.
Năm 1909, điện Long An được dời về vị trí hiện nay (số 3 Lê Trực - Huế) để làm một chức năng mới với tên gọi là Tân Thơ Viện - nơi lưu giữ hàng ngàn tư liệu bằng chữ Hán và cả chữ Pháp, chữ Anh - chủ yếu phục vụ cho các học sinh của trường Quốc Tử Giám gần đó. Năm 1913, Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập với mục đích sưu tầm và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử vùng đất Thừa Thiên Huế, những vấn đề văn hóa và mỹ thuật thời Nguyễn. Hội cũng ấn hành tập san riêng có tên Bulletin des Amis du Vieux Hué (tập san của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, gọi tắt là B.A.V.H.) và lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở. Hàng ngàn hiện vật được đưa về đây cất giữ, hàng trăm bài khảo cứu được xuất bản. Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật do những hội viên của Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tầm được. Ngày nay, bảo tàng này vẫn còn hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế với tên gọi Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Các sưu tập ở đây phong phú và đa dạng, phần lớn tập trung vào mảng đề tài mỹ thuật thời Nguyễn (1802-1945), gồm sưu tập y phục của hoàng gia, sưu tập đồ sứ, các đồ dùng trong sinh hoạt nơi cung cấm, những bộ tranh vẽ trên gương có tuổi thọ trên 150 năm, những bộ nhạc khí dùng trong các cuộc lễ hội chốn cung đình... Có lẽ, đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Có một lịch sử phức tạp như vậy, điện Long An đã gắn liền với những thăng trầm của Huế. May mắn thay, trải qua chiến tranh và thời gian hơn 154 năm, điện Long An vẫn còn khá nguyên vẹn với toàn bộ hệ thống kiến trúc bằng gỗ được làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc - kiểu kiến trúc cung đình phổ biến thời Nguyễn. Các hệ thống cột gỗ ở đây đều để mộc trơn, không sơn son thếp vàng. Nhưng bù lại, điện Long An có một hệ thống vì kèo được chạm trổ rất tinh xảo theo đồ án lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu vào mặt trăng) cùng các liên ba, đố bản có chạm khắc rất nhiều bài thơ. Hầu hết những bài thơ này đều do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác. Thơ trang trí trong điện Long An được bố trí, sắp xếp ở hầu khắp trong-ngoài ngôi điện nhưng không bị lặp lại, không gây cảm giác nhàm chán. Sự phong phú ở đây được thể hiện không chỉ về nội dung, hình thức trình bày mà còn cả về thể loại thơ. Đặc biệt, điện Long An có hai tác phẩm thơ nổi tiếng của vua Thiệu Trị - đó là bài Vũ trung Sơn thủy (Cảnh trong mưa) và bài Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm (Đêm thơ ở Phước Viên) được làm theo kiểu hồi văn kiêm liên hoàn gồm 56 chữ Hán nhưng có thể đọc thành 64 bài thơ. Những tác phẩm này không những thể hiện một tâm hồn thi sĩ của vua Thiệu Trị mà còn mang tính khoa học ở cách lý giải, cách giải mã trong phạm vi một số lượng chữ hạn hẹp nhưng lại chứa đựng một nội dung sâu xa rộng lớn hơn nhiều. Cho đến tận ngày nay, chung quanh việc giải mã những bài thơ của vua Thiệu Trị vẫn còn rất nhiều bàn cãi. Điện Long An, với tất cả vẻ đẹp về kiến trúc và mỹ thuật, xứng đáng là ngôi điện đẹp nhất hiện còn ở cố đô.
Tòa nhà chia làm 3 tầng. Tầng 1 chia làm 5 gian, hệ thống cột, kèo, đố bản chạm khắc hình rồng, hoa, lá có giá trị nghệ thuật cao. Ở đây có chiếc cầu thang nhỏ bằng gỗ được xem là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị bậc nhất ở Hiển Lâm Các. Tầng 2 chia làm 3 gian. Tầng 3 chỉ có 1 gian, trên nóc dựng một bầu rượu màu vàng khiến cho tòa nhà trở nên thanh thoát.
Yếu tố chính tạo nên sự bền vững của tòa nhà trước gió bão là hệ thống 24 chiếc cột gỗ xuyên suốt cả 3 tầng của tòa nhà. Một số nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng: Hiển Lâm Các là một công trình nghệ thuật đẹp nhất, nổi bật nhất trong Hoàng cung.
Nằm trong Thành Nội, đây là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 1923, với danh xưng đầu tiên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên:
Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ).
Viện bảo tàng Huế (dưới thời Ngô Đình Diệm).
Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979).
Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992).
Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995).
Dù sao cũng đã có một thời, nhất là trước năm 1945, nó là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương và được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều học hội trên thế giới biết đến.
Thật vậy, mãi đến giữa thế kỷ này, học giới trong nước và ngoại quốc vẫn cho rằng tại Việt Nam, những bảo tàng nỗi tiếng nhất về lịch sử và mỹ thuật là bảo tàng Louis Finot (nay là bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội), bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), bảo tàng Parmentier (nay là bảo tàng chàm ở Đà Nẵng) và Musee’ Khải Định. Đó là những bảo tàng vừa có giá trị quốc gia vừa có gíá trị quốc tế, được thành lập từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Riêng Musee’ Khải Định là một tổ hợp động sản và bất động sản gắn liền với triều đại nhà Nguyễn (1802-1945). Khuôn viên bảo tàng rộng đến 6.330 m2, trong đó có tòa nhà chính ở giữa với diện tích mặt bằng 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm kho tàng trữ cổ vật, sân vườn,...Tòa nhà chính vốn là ngôi điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây dựng năm 1845 ở bờ Bắc Ngự Hà. Đó là một biệt cung để vua Thiệu Trị (1841-1847) thỉnh thoảng đến tiêu khiển và làm chỗ nghỉ chân hàng năm khi ra cày ruộng Tịch điền ở gần đó. Vào năm 1909, thời vua Duy Tân, triều đình cho dời điện Long An đến vị trí hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám kề ngay đó. Đến năm 1923, do đề nghị của hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieus Hue), Nam Triều cho di chuyển toàn bộ tài liệu sách vở trong thư viện này qua một dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường trong khuôn viên trường Quốc Tử Giám, rồi đặt cho nó cái tên mới là Bảo Đại thư viện, còn tòa điện Long An cũ thì dùng làm Musee’ Khải Định. Người xưa đã rất có lý khi dùng điện Long An làm bảo tàng. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ lim, được xây dựng theo phong cách nghệ thuật kiến trúc cung điện độc đáo của Huế. Ngôi điện được làm theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với 128 cột. Trang trí nội ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã. Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã từng nhận xét: “Những lần tôi đến đây thường say sưa ngắm những ô hộc chạm xương hay khảm xà cừ nằm trong liên ba thành vọng đủ cỡ vòng quanh mấy hàng cột trông giống như những nghi môn có lớp cao lớp thấp. Càng ngắm tôi càng nhận thấy phần trang trí trong kiến trúc thời Thiệu Trị là tinh vi hơn cả so với những thời khác tại Huế. Nó vừa lộng lẫy lại vừa thanh nhã và khéo điểm sáng những chỗ chính, tô mờ những chỗ phụ, trang sức trong những đoạn cần thiết mà thôi”.
Trên bờ nóc và bờ quyết thì trang trí hình “lưỡng long tranh châu” và hình “tứ linh: long lân quy phụng". Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã đồng ý với nhau rằng đây là “tòa nhà nguy nga tráng lệ vào hạng đẹp nhất của các cung điện Việt Nam”. Như vậy, riêng điện Long An đã là một hiện vật bảo tàng qúy báu rồi. Phần lớn các hiện vật trong bảo tàng này đã được sưu tập và tàng trữ từ năm 1913, khi hội Đô Thành Hiếu Cổ bắt đầu thành lập và hoạt động, đến tháng 3 năm 1975, khi xảy ra cuộc đảo chính Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, học hội ấy cũng bị tan rã. Bấy giờ, số hiện vật trưng bay và tàng trữ ở đây đã lên đến gần 10.000 đơn vị. Chúng được chế tác bằng đủ loại nguyên liệu như vàng, bạc, đồng, thủy tinh, đất nung, đá, gỗ, mây, tre vải, da, giấy, ...Phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, hoàng gia, các tác phẩm mỹ thuật từng được trưng bày trong các cung điện tại kinh triều Nguyễn.
Trải qua sự hủy hoại của thời gian và sự thất thoát do lòng tham của con người, số cổ vật ở đó không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng, ngày nay khi đến đó, du khách vẫn còn chiêm ngưỡng được hàng trăm hiện vật qúy hiếm như ngai vàng, kiệu vua, long sàn, ngự y, áo hoàng thái hậu, hài hoàng hậu, sập gụ tủ chè, tranh thơ ngự chế, đồ sành đồ sứ, đồ bạc, đồ đồng, đồ pháp lam, ...được trưng bày trong điện này.
Phần lớn đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “bàn tay vàng” một thời làm ra theo lệnh của triều đình, hoặc để cung tiến cho vua. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng loạt mà mỗi thứ chỉ có một bộ hoặc một chiếc duy nhất, quý hiếm và độc đáo là vậy.
Ngoài các hiện vật được trưng bày, bảo tàng còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác co triều đình cho sản xuất tại chỗ, đặt làm, hoặc mua từ ngoại quốc, và do các phái bộ ngoại giao mang đến biếu tặng. Nhiều nhất ở đây là dồ sứ men lam, thường được gọi là “Bleu de Hue’ “. Đây là “đồ kiểu” được chế tác bằng kỹ thuật cao, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong “đơn đặt hàng”. Trong kho gốm men cũng có một số đồ sản xuất tại Pháp, Nhật, Anh, Mỹ ....khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hòang hậu, hòang tử, quan lại, lính tráng cũng đang được lưu giữ ở kho đồ vải. Trong khuôn viên bảo tàng này, còn có một nhà kho khác tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quy hiếm chẳng những của vùng Viễn Đông mà còn của thế giới nữa. Nhìn chung, ngôi điện Long An cổ kính cũng như các hiện vật ở đây có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách quốc nội và quốc tế, xưa nay, khi đến viếng cố đô.
"Cầu Trường Tiền sáu vại mười hai nhịp
Theo em không kịp tội lắm em ơi
Thà rằng không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn..."
Ngày trước, khi chưa có cầu Trường Tiền, người bên này sông Hương muốn sang bờ bên kia sông, họ phải sử dụng đò mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn nghe tên như bến đò Kim Long, Thừa Phủ, bến đò Cồn… Mãi đến cuối thế kỷ XIX, để đáp ứng việc đi lại và sự hình thành đường Bắc- Nam chiếc cầu bắt đầu được hình thành từ đấy. Theo nhiều sử sách cho biết, cầu được hãng Eiffel ( Pháp) xây dựng từ những năm 1897-1899 thì hoàn tất và ngay lúc ấy, cầu đã được xây thành 6 vại 12 nhịp, chiều dài 401,1 m, bề ngang lòng cầu 6m20 ( nay 5m40), mặt cầu lúc đó chỉ mới lát bằng gỗ lim. Sở dĩ, cầu có tên là Trường Tiền vì nằm gần xưởng đúc tiền của triều đình Huế ngày trước. Vào năm 1904, thời vua Thành Thái, cầu bị bão làm cho hư hỏng rất nặng. Tương truyền rằng, vào năm 1897, khi cầu bắt đầu xây dựng, người đặt viên đá đầu tiên chính là vua Thành Thái và viên Khâm sứ Trung Kỳ Levécque. Sau buổi lễ, viên khâm sứ Levécque có nói với vua Thành Thái rằng:“ Khi nào cây cầu này gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ”. Viên khâm xứ chỉ đùa thế thôi, bên cạnh đó có ý khoe cầu do người Pháp xây dựng là vĩnh cữu. Bất ngờ trong năm Giáp Thìn (1904), một cơn bão ác liệt thổi qua kinh thành Huế, làm gãy luôn bốn vại cầu xuống sông Hương. Mấy hôm sau, khi viên khâm sứ Levécque được mời sang dự yến tiệc ở Đại Nội. Trong bữa tiệc đó vua Thành Thái mới bắt tay viên khâm sứ và nói:"Thế nào thưa ngài, cầu gãy rồi đó?" Viên khâm sứ giật mình, không ngờ vua Thành Thái mà lâu nay giả điên điên khùng khùng lại nhớ lâu như vậy, ông ta bèn giả lảng thăm hỏi sức khoẻ của vua, rồi bắt qua chuyện tình hình chính sự… Từ đó, ông khâm sứ cũng không dám coi thường vị vua điên khùng này nữa. Sau lần cầu gẫy năm Giáp Thìn (1904), cầu được sửa lại và cầu làm bằng bê tông cốt thép như ngày nay. Cầu được sửa chữa trong vòng hai năm. Vào năm 1937, cầu làm thêm đường hành lang hai bên cho người đi bộ. Năm 1946, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, việc phát động “Tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh đã làm tổn thất rất nhiều công trình kiến trúc quý giá như lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết và còn nhiều công trình khác nữa, trong đó có cầu Trường Tiền. Mãi đến hai năm sau, cầu mới được sửa lại. Việc làm của Việt Minh gây thiệt hại cho rất nhiều công trình kiến trúc quý giá, mãi đến sau này con cháu chúng ta cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy lại. Năm 1953, cầu bắt đầu được tái thiết như cũ, một năm sau thì hoàn thành. Năm 1968, do chiến tranh cầu lại bị sụp đổ một lần nữa. Năm sau được chính quyền VNCH đương thời cho thay thế bằng một vài cầu gỗ mãi đến năm 1991.
Ngoài tên cầu Trường Tiền, cầu còn có 4 tên gọi khác Thành Thái, Clémenceau, Nguyễn Hoàng, Tràng Tiền nhưng người dân Huế chỉ quen gọi Trường Tiền cho dân dã và quen thuộc.
Công tử con các Hoàng thân
Tôn sanh con các Hoàng gia
Ấm tử con các quan
Học sinh các trường Thành nhơn và Quốc tử giámNăm 1915 khi có sắc lệnh bãi bỏ các kỳ thi hương hội ở Bắc Kỳ thì trường Quốc học được xây dựng lại. Những dãy nhà tranh được phá bỏ, thay thế vào đó là hai dãy lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố đầy đủ tiện nghi theo kiểu Tây Âu. Về cơ bản các kiến trúc đó được duy trì đến ngày nay. Năm 1932 trường mở các lớp chuyên khoa và đổi tên là Trường Trung học Khải Ðịnh. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (19/12/1946), trường phân tán thành hai nơi, đi theo kháng chiến:Một chi nhánh đệ nhất cấp lấy tên là trường Bình Trị Thiên đóng tại Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.Một chi nhánh đệ nhị cấp tức là bộ phận chính của trường mang tên trường Huỳnh Thúc Kháng đóng tại Ðức Thọ (Hà Tĩnh). Bộ phận ở lại Huế sau 10 năm bị gián đoạn. Thực dân Pháp chiếm trường làm đồn bốt. Ngày 29/4/1955 trường mới khôi phục hoạt động bình thường cho đến ngày nay. Ngày nay trường Quốc học Huế vẫn tiếp tục phát triển truyền thống tốt đẹp trong việc chăm lo đào tạo thế hệ trẻ. Từ nhiều năm nay, trường đã mở các lớp chuyên thu hút các học sinh có năng khiếu cả tỉnh về học tập và bồi dưỡng, góp phần chăm lo đào tạo tài năng cho tỉnh và đất nước.
No comments:
Post a Comment