Monday, July 20, 2009

Hoa Lư

Hoa Lư (chữ Hán: 華閭) là kinh đô cổ của nước Việt Nam từ năm 968 đến năm 1010. Đây là kinh đô với ba triều đại liên tiếp thời nhà Đinh, Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 1387 ha thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Trải qua thời gian hơn 1000 năm, kinh đô Hoa Lư hầu như bị phá hủy chỉ còn số ít di tích được bảo tồn, tôn tạo.Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư quê hương là kinh đô. Kinh đô Hoa Lư tồn tại được 42 năm, trong đó 12 năm đầu là triều Đinh (968 - 980), 29 năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980 - 1009) và năm cuối (1009 - 2010) là triều Lý
"Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ
rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa xứng đáng chọn để dựng đô được."
Sách Đại Việt sơ lược chép về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô như sau:
"Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng Hoàng đế ở đông Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế"
Đến đời Tiền Lê, sau cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (981) vua Lê Đại Hành cho xây dựng thêm nhiều cung điện lộng lẫy. Ngô Sĩ Liên trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
"Năm Giáp Thân thứ 5 (984): dựng nhiều cung điện, làm điện Bách Bảo Thiên tức ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng, bạc, làm nơi coi chầu; bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc".
Năm 1010, khi Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, vị vua sáng nghiệp triều Lý - Lý Thái Tổ đã phát hiện ra vị thế ở trung tâm bốn phương của thành phố "Rồng Bay" (Thăng Long) sau này. Ông đã nung nấu để viết lên Chiếu dời đô với tầm nhìn xa trong việc tính kế lâu dài cho muôn đời sau.
Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô từ năm 1010. Toàn bộ khu di tích Cố đô nằm trên xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tại đây gồm quần thể các di tích đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam quyết định khoanh vùng bảo tồn (quyết định số 82 /2003/QĐ-TTg), trong đó có hai ngôi đền cách nhau 500m. Một đền quy mô lớn hơn thờ Đinh Tiên Hoàng ngôi đền kia thờ Lê Đại Hành đều nằm ở xã Trường Yên huyện Hoa Lư.
Tồn tại 42 năm với 6 vị vua của 3 triều được ghi tên trong sử sách, Hoa Lư được xem là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Đây từng là một thành trì quân sự, một trung tâm văn hóa lớn, được coi là nơi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo. Kinh đô Hoa Lư có một vai trò lịch sử đặc biệt, dù chỉ tồn tại trong non nửa thể kỷ; vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt thống nhất đã xây dựng kinh đô Hoa Lư dựa trên địa thế hiểm trở, tận dụng điều kiện tự nhiên với các vách núi đá vôi và hệ thống sông ngòi làm thành quách, tạo một “quân thành” phòng ngự vững chắc. Kinh đô Hoa Lư mang tính quân thành nhiều hơn kinh thành, thích hợp trong phòng thủ và chiến đấu của buổi đầu lập quốc. Ngày nay Hoa Lư là một địa chỉ du lịch văn hóa lịch sử ở Ninh Bình.
Các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 ha. Thành Hoa Lư có hai vòng: thành ngoài (thành ngoại) và thành trong (thành nội).
Thành ngoài rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành xã Trường Yên, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín:
Đoạn 1 nối núi Đầm với núi Thanh Lâu, được gọi là "tường Đông";
Đoạn 2 từ núi Thanh Lâu đến núi Cột Cờ;
Đoạn 3 từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ;
Đoạn 4 từ núi Chẽ đến núi Chợ;
Đoạn 5 từ núi Mã Yên sang một núi khác.
Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê nằm ở trung tâm.
Thành trong có diện tích tương đương thành ngoài, cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi:
Đoạn 1 từ núi Hàm Sá đến núi Cánh Hàn;
Đoạn 2 từ Cánh Hàn đến núi Hang Tó;
Đoạn 3 từ núi Quèn Dót sang núi Mồng Mang, được gọi là "tường Bồ";
Đoạn 4 từ núi Mồng Mang đến núi Cổ Giải, được gọi là "tường Bìm";
Đoạn 5 đắp ngang thành trong.
Các nhà khảo cổ đã đào một số đoạn tường thành và ở những khu vực này đều có móng thành bằng cành cây với nhiều cọc đóng xuống sâu. Phía trong của tường thành xây bằng gạch, dày đến 0,45 m, cao từ 8-10 mét. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Loại gạch phổ biến có kích thước 30 x 16 x 4 cm, trên gạch thường có in các dòng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" và "Giang Tây quân". Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày.
Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được nhánh sông Hoàng Long chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ viện di chuyển ra vào thành. Trong hai tòa thành có bố trí các khu triều đình, quan lại và quân lính.
Phía Nam kinh thành là Thành Nam có núi cao bao bọc xung quanh, bảo vệ mặt sau thành, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. Đây chính là hệ thống hang động Tràng An hiện tại.
Hiện nay thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích đang được khai quật. Hiện tại khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư gồm các di tích sau:
Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 300 ha gồm:
Toàn bộ khu vực thành nội, thành ngoại;
Các di tích lịch sử: đền vua Đinh, đền vua Lê, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, bia Câu Dền, chùa Ngần, hang Bim, các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất, núi Mã Yên, núi Phi Vân, núi Cột Cờ, sông Sào Khê, Khu hang động Tràng An.
Vùng đệm có diện tích 1087 ha, bao gồm:
Động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, hang Luồn, động Liên Hoa, chùa Bàn Long, toàn thể cảnh quan hai bên sông Sào Khê, khu dân cư các thôn: Yên Hạ, Vàng Ngọc; các di tích liên quan trực tiếp đã được xếp hạng.

Là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền nước ta gần một ngàn năm trước, cố đô Hoa Lư trải qua bao biến cố thăng trầm của cuộc đời nay chỉ còn lại phế tích, nhưng nguồn long mạch của tổ tiên dường như vẫn chảy ở đất này tạo nên một hào khí linh thiêng.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô vì nơi đây tựa vào thế núi non Ninh Bình hùng vĩ, đường dẫn vào lại là đường độc đạo, có ý nghĩa trong việc binh trận gìn giữ giang sơn. Vì thế, giờ đây đường vào Hoa Lư vẫn là con đường độc đạo uốn lượn quanh co giữa hai hàng tre xanh tăm tắp.
Cố đô Hoa Lư trước đây rộng khoảng 300 ha được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10 mét. Kinh đô Hoa Lư bao gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam.
Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành xã Trường Yên. Đây là cung điện chính mà khu vực đền Đinh, đền Lê là Trung tâm và cũng chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Đinh lấy núi làm án. Thành Nội thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình. Thành Nam là thành ở phía Nam, từ hang luồn trở vào trong, nằm đối diện và nối liền với khu Thành Ngoại. Ở đây xung quanh có núi cao bao bọc, án ngữ phía Nam kinh thành, bảo vệ mặt sau, từ đây bằng đường thủy có thể nhanh chóng rút ra ngoài khi có biến.
Phía Đông kinh thành có núi Cột cờ, nơi có lá quốc kỳ Đại Cồ Việt, có ghềnh tháp, nơi vua Đinh duyệt thủy quân, có hang Tiền nơi lưu giữ tài sản quốc gia, có động Thiên Tôn - tiền đồn của Hoa Lư và là hang nhốt hổ, báo để xử kẻ có tội.
Đến đời Lê Hoàn đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy như điện Bách Thảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu ở phía Đông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hoả Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc được lợp ngói làm bằng bạc. Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư hầu như bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay chỉ còn lại đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Đền vua Đinh được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc" gồm 3 tòa: Bái đường, Thiên Hương - nơi thờ tứ trụ triều đình của nhà Đinh, Chính Cung - thờ vua Đinh ở giữa, bên trái là tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trai cả vua Đinh, bên phải là tượng Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang, các con thứ vua Đinh.
Cách đền vua Đinh 500 mét là đền vua Lê, thờ vua Lê Đại Hành. Đền Lê qui mô nhỏ hơn nhưng cũng có ba tòa: Bái Đường, Thiên Hương - thờ Phạm Cự Lương người đã có công đưa Lê Hoàn lên ngôi, Chính Cung - thờ Lê Hoàn ở giữa, bên phải là Lê Ngọa Triều là con trai vua Lê, bên trái thờ Hoàng Hậu Dương Vân Nga.
Nằm thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cố đô Hoa Lư giờ đây chỉ còn lại trong ký ức với những dấu tích hoàng thành đổ nát rêu phong phủ. Nhưng nơi đây vẫn là đất thiêng của Tổ quốc, là niềm tự hào của người dân đối với tổ tiên. Bên cạnh đó, những đền thờ cổ kính trầm mặc cùng với một không gian nông thôn thanh bình và yên ả đã tạo nên một bức tranh chung êm dịu đối với ai tìm đến.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_L%C6%B0

No comments:

Post a Comment