Monday, July 20, 2009

Chùa Hương

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa- tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngường nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nằm ven bờ phải sông Đáy. Tại đây có nhiều dãy núi đá vôi kề bên những dòng suối uốn lượn quanh co. Trên núi và trong các hang, người ta đã cho xây dựng nhiều chùa chiền, đền thờ và hang động nằm trong khu vực này dựa theo những ngọn núi đá vôi và rừng nhiệt đới, diện tích tất cả khoảng chừng 6 km².Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là Chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17. Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc lát đá. Vách trước cửa động có năm chữ Hán 南天第一 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương - Trịnh Sâm (1767-1782).
Vào trong động vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công trình
điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây có khối to, có khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình dáng mà được đặt những cái tên rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người. Trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu. Dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng.
Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén... Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.
Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793.
Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m, đường kính đáy 0,63 m đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655).
Chùa Hương là thắng cảnh có doanh thu lớn trong ngành du lịch ở Hà Tây.
Chùa Hương là nguồn gợi hứng cho nhiều tác phẩm thi văn Việt Nam, trong số đó có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Nhược Pháp và Chu Mạnh Trinh.
Bài Thú Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh có lẽ nổi tiếng nhất, gói ghém trọn cảnh Hương tích:
Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!
Nhác trông lên ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây?

Đã được đi vào thơ ca nhạc họa hàng trăm năm trước, thắng cảnh Hương Sơn hay còn gọi là chùa Hương với quần thể núi sông giao hòa tuyệt mỹ, với những chùa chiền cổ kính và nhiều hang động bí ẩn, đặc biệt nhất là động Hương Tích – được lưu danh với tên Nam Thiên Đệ nhất động đã trở thành một điểm hành hương lý tưởng cho bất cứ ai lạc bước đến đây. Để tham quan các chùa ở Hương Sơn, người hành hương thường đi theo các tuyến đường khác nhau. Tuyến đi chính là đi từ Bến Đục, nằm bên bờ sông Đáy. Đây là cửa ngõ vào khu danh lam thắng cảnh, thuyền đò chen chúc. Từ Bến Đục, khách đi bộ gần 1 km sẽ đến Bến Yến để lên thuyền xuôi theo một dòng suối có tên là Yến Vĩ đến bến Trò (bến Thiên Trù). Ngoài ra, có thể đi theo con đường bộ ven chân núi. Trên đường từ bến Yến vào Bến Trò, người ta có thể dừng chân tại đền Trình (có nghĩa là nơi "trình diện" với thần linh trước khi đến cõi Phật) trên núi Ngũ Nhạc. Đây là đền thờ một vị thần núi. Đền còn có tên Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng.
Trên dòng suối Yến có cây cầu gỗ tên là cầu Hội. Từ chân cầu đi vào bên trái có t
hể đi vào ngôi chùa Thanh Sơn trong một động núi.
Từ Bến Trò đi bộ lên chùa Trò, tức chùa Thiên Trù (có nghĩa là Bếp Trời), còn được
gọi là chùa Ngoài. Từ bến vào chùa có một nhà bia, trong có tấm bia "Thiên Trù tự bi ký" dựng năm Chính Hòa thứ 7, ghi lại những hoạt động tu sửa chùa Thiên Trù và chùa Hương Tích của nhà sư Viên Quang.
Ngày xưa, chùa được xây khuất trong bốn vách núi, có đến vài chục gian, nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nam Thiên môn được xây dựng dưới triều vua Gia Long (1809) cũng bị phá hủy.
Giữa sân chùa có một đỉnh đồng cao 3 m. Cạnh sân chùa có hồ bán nguyệt và vườn tháp. Trong vườn tháp có ngôi tháp Viên Công chứa hài cốt Thiền sư Viên Quang, người có công trùng tu chùa Hương sau nhiền năm hoang phế, được dựng từ thế kỷ 17. Tháp xây gạch trần màu đỏ, cao 4 tầng, tầng thứ 2 và 3 có mái cong với các đầu đao. Ở chùa Thiên Trù còn có quả chuông đúc năm cảnh Thịnh thứ 2 (1793) thời nhà Tây Sơn. Người đi quyên góp đúc quả chuông này là nhà sư Hải Viên. Thiên Trù đã bị phá hủy vào năm 1947. Ngôi chùa hiện tại được xây dựng nhỏ hơn ngôi chùa cũ. Bái đường và hậu cung chùa Thiên Trù mới được xây dựng lại gần đây. Giữa điện thờ Phật có tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá, tạc theo mẫu tượng trong chùa Hương Tích nhưng được phóng to gấp 2,5 lần, cao đến 2,8 m.
Ở đây còn có Thiên Thủy tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, nước mưa trên núi theo tháp chảy xuống. Năm 1986, chùa Thiên Trù đã được phục dựng lại gác chuông và đến năm 1989 thì xây xong nhà Tam bảo hai tầng theo kiểu chữ "Đinh". Đầu năm 1994, chùa đã xây dựng lại Nam Thiên môn (cửa trời Nam) theo nguyên mẫu.
Gần chùa Thiên Trù là núi Tiên, có chùa Tiên trong hang. Trong chùa có 5 pho tượng bằng đá do những người thợ đá ở Kiện Khê (Hà Nam) tạc năm 1907 dựa theo truyền thuyết Bà Chúa Ba Diệu Thiện đã đắc đạo thành Quan Thế Âm Bồ Tát ở Hương Sơn. Tượng Bà Chúa Ba ở giữa, phía trước là người chị cả Diệu Thanh cưỡi sư tử xanh (Văn Thù Bồ Tát và tượng người chị thứ hai Diệu Âm cưỡi voi trắng (Phổ Hiền Bồ Tát). Phía sau là tượng vua cha và hoàng hậu mẹ của Bà Chúa Ba. Giữa đường từ chùa Thiên Trù đến chùa Hương là chùa Giải Oan.
Ở đây có giếng nước trong vắt gọi là "Thiên nhiên thanh trì" hay còn gọi là giếng Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Gần chùa là động Tuyết Kinh và am Phật Tích, nơi có tảng đá tương truyền lưu dấu chân Quan Âm Bồ-tát. Cách đó không bao xa, du khách bước chân đến núi Chấn Song để thăm viếng đền cửa Võng thờ Mẫu Thượng Ngàn.
Từ chùa Thiên Trù, theo đường núi quanh co đi khoảng 2 km thì đến chùa Hương
còn gọi là chùa Trong. Từ chùa Thiên Trù còn có lối rẽ qua rừng mơ, đến chùa Hinh Bồng. Ngoài ra còn có thể đi theo suối Tuyết vào đền Mẫu Hạ rồi đến núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy và sau đó đến bến Tuyết Sơn vào chùa Bảo Đài. Trong chùa còn giữ được một pho tượng Cửu Long bằng đồng rất đẹp. Từ chùa Bảo Đài, theo một con đường phẳng đến chùa Tuyết trong Ngọc Long động. Chùa Tuyết do một bà quận chúa thời Trịnh dựng vào năm 1694. Ở đây còn có phù điêu chân dung bà tạc vào vách động. Nơi đây, vào năm 1770, Trịnh Sâm có làm bài thơ "Đăng Tuyết sơn hữu hứng".
Một tuyến đường nữa theo một nhánh của suối Yến, qua núi Ông Sư Bà vãi, cập bến Long Vân, leo núi thăm chùa Cây Khế, và hang Sũng Sàm, một di chỉ văn hóa Hòa Bình.
Hội chùa Hương Sơn là hội chùa kéo dài nhất ở Việt Nam trong suốt ba tháng sau Tết Nguyên Đán.
Ca dao đã miêu tả:
Một vùng non nước bao la
Rằng đây Lạc quốc hay là Đào nguyên
Hương Sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền trần gian.
(Theo:
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_ch%C3%B9a_%E1%BB%9F_H%C6%B0%C6%A1ng_S%C6%A1n
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_H%C6%B0%C6%A1ng)

No comments:

Post a Comment