Sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long ít nhiều có những nét khác biệt so với những vùng khác của Việt Nam. Nói về Quy hoạch & Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thì đầu tiên phải lưu ý đến mối quan hệ hữu cơ giữa nhiều yếu tố:
- tự nhiên: đồng bằng phù sa bồi đắp bởi sông Tiền & Hậu, ít đồi núi, khí hậu nóng + ẩm + mưa nhiều, nằm sát biển Đông
- lịch sử +xã hội + nhân văn + giáo dục + văn hoá + tôn giáo / tín ngưỡng; trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất.
- kinh tế + tài nguyên + khoa học & kỹ thuật (hiện nay chủ yếu là nông ngư nghiệp, thuỷ lợi, xây dựng, môi sinh, y tế, v.v...).
Làm công tác quy hoạch để định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời điểm hiện nay (năm 2002) nhất định phải nghiên cứu + khảo sát + thu thập đầy đủ, chính xác những dữ kiện - số liệu thống kê & tài liệu tham khảo cần thiết về 3 yếu tố trên đây trước khi bắt tay vào công việc so sánh - phân tích - tổng hợp để từ đó có thể thiết kế các giải pháp khả thi khác nhau. Sau đó mới có thể chọn lựa và quyết định xem phương án nào là tối ưu nhất để đánh giá & đề xuất kế hoạch thực hiện mục tiêu chiến lược của việc phát triển vùng này trong một thời gian nhất định. Việt Nam vẫn coi thường giai đoạn chuẩn bị cơ bản này.
1. Trong quá khứ, nhiều sai lầm cơ bản thường gặp trong công tác quy hoạch ở VN nói chung, miền Tây Nam Việt nói riêng là:
- Không xác định rõ ràng mục tiêu, trọng tâm mà cũng không cung cấp đầy đủ những giả thiết & phương tiện thực hiện dự án.
- Không quan tâm đầy đủ khâu chuẩn bị (study & research) lẫn khâu thực hiện (review + checking + inspection); chủ yếu là do khả năng & kinh nghiệm hạn chế, chế độ lương bổng cũng không đáp ứng nhu cầu thực tế đời sống của cán bộ quy hoạch nên thiếu tinh thần trách nhiệm & lương tâm nghề nghiệp.
- Thiết kế không đạt yêu cầu thực tế: từ sau 30/4/75, VN có khuynh hướng quy hoạch chủ yếu từ trên xuống (top-down planning), coi nhẹ quy hoạch từ dưới lên (bottom-up planning) dù rằng trên lý thuyết, các nhà quy hoạch CSVN vẫn đề cập rất nhiều đến "tiến trình phân bố tài nguyên" qua sự đánh giá tiềm năng từng vùng. Vì không xét đến những nhu cầu cấp bách trong thực tế của từng địa phương nên nhiều dự án dễ rơi vào tình trạng thiếu thực tế, không được người dân địa phương ủng hộ, dựa vào ngân sách nhà nước chứ không huy động được sức dân nên dễ bị lãng phí, tham ô trong khi kinh phí và đất luôn giới hạn.
- Lãnh đạo thiếu nhạy bén, thiếu hiểu biết + kinh nghiệm, không kịp đưa ra những quyết định sáng suốt để điều chỉnh sai sót. Năng lực cán bộ của tỉnh, huyện,xã, ấp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là kém. Thường quá chủ quan, quan liêu nên không tham khảo ý kiến của dân + các chuyên viên và các cơ quan liên hệ (không có public hearing). Rất nhiều công tác không bảo đảm thời hạn (deadline/ timing) lẫn chất lượng do khả năng + hiểu biết giới hạn, thường bám vào sách vở / nguyên tắc/ chính sách/ chủ trương mà thiếu vận dụng sáng tạo, ngại đụng chạm với "cơ chế" & lãnh đạo. Không bảo đảm hoàn thành đầy đủ mục tiêu & nhiệm vụ đặt ra lúc ban đầu mà trách nhiệm cũng chẳng biết quy về ai ? Từ đó, lãng phí + tham ô có điều kiện lan tràn, phổ biến nhất là chuyện cán bộ chiếm đất của dân nhân danh quy hoạch nhưng thực chất là chia chác cho nhau hay kinh doanh trái phép, tạo ra những bất công, áp bức vì tình trạng khiếu kiện không được giải quyết rốt ráo khi mà chính quyền bao che cho nhau.
- Nhiều quan điểm quy hoạch rất phổ biến ở phương Tây (dù Nga hay Mỹ) nhưng trong thực tế khó thực hiện đối với điều kiện Việt Nam. Luật pháp là khâu lỏng lẻo nhất, trong đó có luật xây dựng và quy hoạch nên việc quản lý đô thị và phát triển vùng này chưa được đồng nhất, nhiều vấn đề (sử dụng đất/ land use, pháp quy & quy chuẩn/ codes, ordinances & standards, môi trường thiên nhiên/ natural environment, v.v…) cũng chưa được rõ ràng.
- Chưa chú trọng đúng mức đến việc đầu tư cho giáo dục + y tế + cơ sở vật chất hạ tầng để có thể phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn. Việc đầu tư cho giáo dục + y tế + cơ sở vật chất hạ tầng chính là để vừa nâng cao dân trí và cải thiện đời sống người dân, vừa là đòn bẩy kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Phương tiện giao thông và thông tin – tin học cũng chưa được đầu tư phát triển như những vùng khác của Việt Nam.
Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nữa, trong đó "cơ chế" lỗi thời là nguyên nhân chính nhưng không ai dám "đụng" đến hay gở bỏ. Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển miền tây Nam Việt?
2. Một số nguyên nhân của sự nghèo khổ của nông dân miền Tây Nam Việt:
- Đất (Land Use): ai cũng nói vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất "cò bay thẳng cánh" nhưng thực tế là nông dân sở hữu được bao nhiêu đất ? mảnh đất mà họ đang canh tác có thật sự màu mỡ, phì nhiêu hay là nhiễm mặn/ phèn, hoặc đã bạc màu? Họ có đủ vốn để mua phân (hữu cơ + hoá học) + hạt giống + nông cụ + máy móc phục vụ nông nghiệp + dẫn nước vào ruộng vườn của họ hay không ? Họ có nhận được trợ giúp từ ngân hàng + trường đại học nông nghiệp/ các nhà nông học/ khoa học hay không để giải quyết phần nào những bài toán về đất sử dụng và làm sao để khai thác & sử dụng đất có hiệu quả cao nhất? Có nên phân vùng trồng lúa (+ cây lương thực: bắp, khoai, sắn, v.v...) - cây ăn trái & rau đậu - cây công nghiệp ? Có bao nhiêu cán bộ nông nghiệp chịu xuống hướng dẫn & giúp đỡ nông dân về việc sử dụng đất? Quy hoạch đất vùng này như thế nào cho hợp lý, hợp tình khi mà tình trạng "đô thị hoá" đang tiếp tục lấn sân qua khu vục đất nông nghiệp? Làm sao để có thể vừa cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp + nhu yếu phẩm đến tay nông dân thuận tiện hơn, vừa đem các sản phẩm nông nghiệp này đến thị trường tiêu thụ nhanh chóng hơn? Làm sao để có thể giảm chi phí vận chuyển? Có rất nhiều điều hết sức vô lý khó có thể chấp nhận: trong khi dân không có đất để xây nhà ở hay canh tác thì hầu như đi đâu cũng thấy những nghĩa trang liệt sĩ. Tại sao không thể nhập chung những nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh vào làm một cái nghĩa trang liệt sĩ cho thật đẹp đẽ, trang nghiêm như một tượng đài (landmark) có giá trị nghệ thuật & lịch sử hơn ? Trụ sở của "Uỷ Ban Nhân Dân Huyện/ Tỉnh " và "Huyện/ Tỉnh Uỷ" bao giờ cũng là cao ốc nguy nga tráng lệ, đồ sộ nhất của Huyện/ Tỉnh; sau đó là trụ sở của Công An + Quân Đội + Ngân Hàng + Bưu Điện chứ không phải là bệnh viện hay trường học. Tại sao không thể nhập chung trụ sở của "Uỷ Ban Nhân Dân Huyện/ Tỉnh " và "Huyện/ Tỉnh Uỷ" làm một cho đỡ tốn kém lãng phí? Lãng phí + tham ô tạo ra nhiều sai trái, bất công trong việc quy hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng không ít đến người dân ở đây. Tuy xét về luật thì đất là tài sản chung của đất nước mà Nhà nước có quyền trưng thu sử dụng nếu cần nhưng đừng quên đất ở đây không những là "tư liệu sản xuất" của nông dân mà là công lao khai phá từ bao thế hệ nên phải quy hoạch làm sao hợp tình, hợp lý nhằm sử dụng tốt nhất cho người dân chứ không thể là cơ hội để "đục nước béo cò" cho "quan tham" và kẻ xấu lợi dụng. Thử nghĩ: không có đất, nông dân sống bằng cái gì đây? Nếu chính quyền không sớm giải quyết thỏa đáng những yêu cầu của người sử dụng thì sớm muộn gì những bức xúc cá nhân sẽ dẫn đến những khủng hoảng xã hội. Giống hệt như TQ, tham nhũng nhà đất là bài toán nan giải ở VN hiện nay mà tình trạng lộng hành của quan tham ở nông thôn còn nghiêm trọng hơn thành phố, nhất là chuyện chiếm đoạt đất công chia chác cho nhau, hay chuyện đền bù cho dân không thỏa đáng mà còn vu oan nếu bị dân khiếu kiện. Sau khi VN mở cửa, thị trường nhà đất ngày càng "nóng" (hot) hơn mà cán bộ địa chính/ Bộ Tài Nguyên - Môi Trường lẫn quy hoạch vừa yếu kém về chuyên môn lẫn đạo đức thì sớm muộn gì những bất công và bế tắc sẽ khiến cho vấn đề sử dụng đất ngày càng thêm phức tạp. Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào hợp tình hợp lý nhất cho bài toán này? Hình như TQ cũng chưa tìm ra lời giải thỏa đáng !
- Con người (Users): thực tế không vui là đa số nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đều ít học, nghèo, đông con, sống trong điều kiện khó khăn (cơ sở hạ tầng kém phát triển, nhiều nơi vẫn chưa có điện và nước sạch, thiên tai xảy ra hàng năm, nhất là vùng ngập lụt trong mùa mưa nhưng lại dễ khô hạn vào mùa khô). Môi trường sống của đa số nông dân là kém vệ sinh nên dễ bị bệnh tật trong khi mạng lưới y tế nông thôn vẫn kém và thiếu thốn nhiều lắm. Nhiều người còn rất mê tín dị đoan và chịu ảnh hưởng sâu đậm của tôn giáo và tín ngưỡng. Đa số vẫn sống bằng nghề nông nhưng số người thất nghiệp hay công ăn việc làm không ổn định còn nhiều lắm. Trình độ dân trí nói chung còn kém nên khả năng tiếp thu thông tin khoa học kỹ thuật chậm. Họ cũng không nắm bắt được thị trường, dễ bị con buôn bắt chẹt (mua phân + giống + thuốc trừ sâu mắc nhưng bán nông sản phẩm với giá rẻ). Bây giờ nông dân quê tôi tuy có khá hơn chút ít nhưng đa số vẫn chạy ăn từng bữa. Họ vẫn cam chịu "số phận" với nhiều rủi ro, vẫn thích an nhàn chứ ít ai thích bon chen, vẫn tin vào "số mệnh" nên cứ "an phận thủ thường" lạc quan mà sống và "chấp nhận những gì ông Trời sắp đặt" chứ chưa đủ ý chí và khả năng thay đổi cuộc sống; thậm chí rất nhiều người nông dân vẫn không biết xoay chuyển làm sao để thích ứng hơn với những biến động bất ngờ và cũng rất khó thuyết phục nông dân ở đây thay đổi lề thói, tập quán. Đáng quý nhất là sự cần cù, chịu khó, tánh cương trực, đa số rất hào phóng và nghĩa khí; có lẽ do ảnh hưởng từ những người đầu tiên khai phá, mở mang đất phương Nam.
3. Các bạn chuyên viên quy hoạch - xây dựng và kiến trúc sư trẻ trong nước hãy thử làm một luận chứng về sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là với các bạn đã từng sinh ra và lớn lên từ vùng này. Chính các bạn sẽ phải làm sao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long vươn lên, không thua kém bất kỳ vùng nào khác của quê hương mình, thực hiện cho bằng được những mục đích, yêu cầu mà chúng ta đề ra.
a. Lược sử phát triển khu vực, hoàn cảnh và điều kiện:
- Điều kiện thiên nhiên & Tài nguyên vùng đồng bằng sông Cửu Long(vị trí địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, thuỷ văn & thuỷ lợi, nguồn nước, v.v...): Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 1 thành phố Cần Thơ (trực thuộc trung ương) và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Phía tây là vùng Đông Nam Việt, phía bắc giáp Campuchia, phía tây nam là vịnh Thái Lan, phía đông nam là biển Đông. Là kết quả của sự bồi đắp phù sa từ 2 nhánh sông Tiền & Hậu của sông Cửu Long và vẫn tiếp tục lấn ra biển, nhất là mũi Cà Mau.
* Diện tích: 39.734 km2 (khoảng 4 triệu ha), chủ yếu là đất phù sa ngọt(1.2 triệu ha), đất nhiễm mặn + phèn chiếm 2.5 triệu ha; phần lớn là vùng rừng ngập mặn ven biển và Cà Mau.
* địa hình: thấp và bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng phù sa trẻ bồi đắp bởi sông Mékong, rất ít đồi núi dọc theo biên giới Việt - Miên (vùng phù sa cổ từ An Giang tới Hà Tiên). Vùng gò cao ven sông Tiền & Hậu (cao 1 - 3m). Vùng giồng cát ven biển (cao 1 - 5m).
* hệ thống sông rạch chằng chịt thuộc 2 con sông chính của sông Mékong (dài 3650 km, diện tích toàn lưu vực: 600.000km2) là sông Tiền & sông Hậu. Lưu lượng: bình quân 14.100m3/ năm(mùa lũ: 25400m3/ năm; mùa cạn: 2000-3000m3/ năm). Lũ lụt: thường vào tháng 7 đến tháng 12, ảnh hưởng đến 1.2 -1.4 triệu ha lúa (chủ yêu là vùng tứ giác Long Xuyên & Đồng Tháp Mười).Ngoài ra còn có sông Vàm Cỏ (Đông & Tây). Chính hệ thống sông rạch này tạo ra vùng nước mặn(ven biển) + lợ (cửa sông)+ ngọt (nội địa).
* biển Đông với chế độ bán nhật triều không đều, biên độ:2.4 - 4.0m. Nhiều hải đảo & quần đảo, trong đó Phú Quốc là đảo lớn & quan trọng nhất. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng bao gồm các loại hải sản ( hơn 2000 loại cá, 100 loại tôm, nhiều đặc sản như hải sâm + bào ngư + mực + sò, v.v...) trong một vùng ngư trường rộng lớn, hứa hẹn nhiều loại khoáng sản chưa được khai thác. Tuy nhiên, việc đánh bắt hải sản quá đáng đã tạo ra nguy cơ cạn kiệt cho vùng ven biển; trong khi khả năng đánh bắt xa bờ còn yếu. Ngành nuôi trồng hải sản chỉ ở giai đoạn ban đầu. Du lịch biển & hải đảo đang được khai thác, chủ yếu là Hà Tiên & Phú Quốc nhưng cho đến nay du khách chỉ đi tắm biển chứ chưa có nhiều loại hình sinh hoạt đa dạng như Hawaii hay Phukhet, Thái Lan. Rất nhiều người từ đất liền đã ra Phú Quốc sinh sống và làm ăn, đông nhất là di dân từ miền Bắc và Bắc Trung Việt.
* Khí hậu cận nhiệt đới với đặc điểm nóng + ẩm + mưa nhiều tạo ra sự đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước, thuận lợi cho sự phát triển nông ngư nghiệp.
Tuy nhiên, thiên nhiên cũng tạo ra không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ai cũng biết vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được nghiên cứu để sớm tìm ra biện pháp "phòng chống"(hạn chế tác hại ?) lũ lụt hay phải "sống chung với lũ" như thế nào ? phải cải tạo đất phèn, nhiễm mặn như thế nào ? Làm thế nào để có thể cung cấp nước ngọt và nước sạch cho tất cả người dân vùng này, nhất là trong mùa khô hạn? Hiện tượng El Nino và “trái đất nóng dần lên” (global warming) có ảnh hưởng như thế nào đến vùng này?
- Dân số: 16.7 triệu người, gồm đa số là người Kinh và 3 nhóm dân tộc thiểu số chính: Chăm, Miên, Hoa. Mật độ trung bình: 407 người/ km2 ( so với cả nước là 233 người/ km2), trong đó cư dân thành thị chiếm 17,1%. Dân số gia tăng với tỉ lệ trung bình là 1,4. Theo Tổng Cục Thống Kê VN, hộ nghèo chỉ chiếm khoảng 15 % nhưng thực tế thì nhiều hơn. Thu nhập bình quân đầu người một tháng trong năm 2002 là 342,100 VNĐ. Tỉ lệ người lớn biết chữ: 88% nhưng trình độ dân trí còn thấp với tỉ lệ người tốt nghiệp đại học quá thấp. Tuổi thọ trung bình: 71.1. Số người từ nơi khác về đây lập nghiệp ngày càng nhiều nhưng số người bỏ qua xứ khác làm ăn cũng không ít. Gần đây, rầm rộ nhất là chuyện lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc tiếp sau đợt lấy chồng Việt Kiều và chuyện cha mẹ gả bán con gái qua Campuchia làm điếm.
- Giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long: chủ yếu là hệ thống sông rạch chằng chịt thuộc 2 con sông chính của sông Mékong là sông Tiền & sông Hậu. Ngoài hệ thống đường bộ với quốc lộ 4 (nay gọi là 1 A) là xương sống chính chạy suốt từ Long An đến Cà Mau, vùng này còn có những quốc lộ nhỏ & ngắn hơn, các liên tỉnh lộ + tỉnh lộ, hệ thống đường nội thị và hương lộ. Chương trình thay thế cầu khỉ bằng cầu bêtông đã bắt đầu triển khai. Nằm trong sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều phi trường (Cần Thơ, Rạch Sỏi + Phú Quốc/ Kiên Giang, v.v..) và bến cảng (Cần Thơ, Cà Mau, v.v...) được tu bổ, tân trang và mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, du lịch. Cầu Mỹ Thuận mở ra nhiều hứa hẹn là hệ thống giao thông (cầu đường) của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây dựng tốt hơn để nối vùng này với Sàigòn; đặc biệt là thay thế những chiếc phà (bắc) ở Cần Thơ, Vàm Cống, Rạch Miễu, v.v... bằng những chiếc cầu dây văng (suspension bridges).
- Kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long: vùng kinh tế trọng điểm sản xuất cây lương thực (vựa lúa lớn nhất nước) - thực phẩm và xuất khẩu nông hải sản quan trọng nhất nước. Lúa là sản phẩm nông nghiệp quan trọng nhất, trồng nhiều ở các tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Tiền Giang với năng suất 1066,3 kg/ người, gấp 2,3 lần năng suất trung bình cả nước. Viện Lúa góp phần nghiên cứu các giống lúa cao sản kháng rầy & sâu bệnh thay cho việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất độc hại. Bên cạnh đó có viện cây ăn quả nhằm góp phần nhân giống các loại cây ăn trái nổi tiếng của vùng này để xuất khẩu. Những chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp không những là tụ điểm buôn bán trên sông nổi tiếng mà còn tạo ra sự hấp dẫn cho du khách nước ngoài.
*Nghề chăn nuôi vịt & gia cầm (gà, heo, thỏ...) bị ảnh hưởng khá nặng bởi dịch cúm gà H5N1 trong những năm gần đây. Về ngư nghiệp có làng bè nuôi cá basa ở Châu Đốc, nuôi tôm và hải sản dọc theo các cửa sông - ven biển, chủ yếu để xuất khẩu nên trong những năm gần đây cũng mọc lên nhiều nhà máy chế biến & đông lạnh các loại nông - thuỷ - hải sản.
*Rừng ngập mặn (lớn nhất là rừng U Minh Thượng ở Kiên Giang với 22, 918 ha, rừng U Minh Hạ ở Cà Mau có khoảng 15,000 ha rừng) và rừng tràm Tam Nông ở Đồng Tháp chiếm diện tích khá lớn, có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ với nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm (nhiều loài có tên trong sách đỏ như sếu đầu đỏ/ Eastern Sarus Crane), nên rất cần có biện pháp bảo vệ môi trường & hệ sinh thái ở đây và phòng chống cháy rừng.
* Công nghiệp: chủ yếu ngành chế biến các loại nông - thuỷ - hải sản và cơ khí nông nghiệp. Còn có nhiều lò gạch & cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Tập trung ở Cần Thơ và các thành phố lớn như Mỹ Tho, Long Xuyên, Cà Mau.
* Sau khi "đổi mới", hàng loạt dịch vụ khôi phục và lan tràn nhanh chóng cùng lúc với sự phát triển của các ngành kỹ nghệ "du lịch xanh" + xuất nhập khẩu + vận tải (thuỷ + bộ). Du lịch sinh thái trong miệt vườn + trên sông nước + hải đảo (Phú Quốc) kết hợp với đờn ca tài tử là loại du lịch được ưa chuộng và khai thác rầm rộ từ sau năm 1996 nhưng hầu hết các khu du lịch này chưa được đầu tư đúng mức, tổ chức quá sơ sài, dễ sinh nhàm chán, chưa kể tour guide hướng dẫn cho du khách ngoại quốc còn thiếu nhiều lắm về cả số lượng, năng lực và ngoại ngữ. Tuy nhiên, chất lượng & khả năng cạnh tranh còn thấp, thiếu về nhân + vật lực, chưa được đầu tư đúng mức. Ngân hàng phát triển nông thôn cần hổ trợ nông dân và người nghèo nhiều hơn nữa để học nghề, tạo cơ hội kinh doanh và sản xuất có hướng dẫn, theo dõi và tập huấn nhưng khó khăn chính là làm sao thu hồi vốn từ những người dân quá nghèo này?
Từ khi VN "mở cửa" đến nay, vùng này vẫn chưa thu hút nhiều nhà đầu tư như các vùng khác. Nhìn chung, tỉnh nào cũng mọc lên nhiều khách sạn, nhà hàng, dịch vụ phục vụ du lịch hơn là những cơ sở sản xuất - kinh doanh có tầm mức đáng kể vừa giúp địa phương tăng thu nhập qua thuế, vừa là đòn bẩy kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa giải quyết vấn đề công nghiệp hóa nông thôn - hiện đại hóa nông nghiệp, vừa tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân - trừ Cần Thơ đã và đang xây dựng khu công nghiệp, các thành phố khác như Mỹ Tho, Long Xuyên, Cà Mau chỉ thu hút vài nhà đầu tư Đài Loan, Hàn quốc, Thái lan, Singapore hay Việt kiều. Tuy vậy, Cần Thơ chỉ mới có vài nhà máy chứ vẫn chưa có công trình nào của giới đầu tư "tầm cỡ" nước ngoài như Bình Dương, Biên Hoà hay Sàigòn. Tại sao xảy ra điều này? Do ở xa Saigon + cơ sở vật chất hạ tầng còn thiếu thốn + nhân công thiếu trình độ ? Do "cơ chế" + chính sách chưa đủ "thoáng"? Phải làm gì để thu hút đầu tư nước ngoài?
- Giáo dục, văn hoá, xã hội, chính trị :
* giáo dục: cần có thêm nhiều truờng đại học (đến nay chỉ có 2 trường ở Cần Thơ và An Giang) với một số ngành chủ yếu phục vụ nông thôn, công nghệ, xây dựng, môi trường, sư phạm và y tế. Số lượng các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, sư phạm, trung và tiểu học, mẫu giáo & nhà trẻ vẫn còn thiếu rất nhiều. Cơ sở + phương tiện vật chất ọp ẹp, thiếu thốn. Giáo viên còn thiếu và gặp nhiều khó khăn cho dù có trợ cấp cho những người tình nguyện phục vụ hải đảo như Phú Quốc. Cần có thêm nhiều nhà nuôi dạy trẻ mồ côi & bụi đời, thư viện, trung tâm tin học ở các thành phố và thị trấn, với sự trợ giúp thường xuyên từ ngân sách chính phủ. Ngoại ngữ và tin học là 2 môn yếu nhất cho thầy lẫn trò. Kỹ thuật môi sinh (environmental engineering) cũng là ngành cần đào tạo. Thông tin và phương tiện đi lại - vận chuyển vẫn khó khăn cho dù điện đã được đem về nông thôn. Nên tiếp tục giáo dục cưỡng bách miễn phí cho đến hết cấp 3. Cố gắng trợ giúp cho sinh viên giỏi + nghèo + hiếu học qua hình thức học bổng hay trợ cấp tài chánh. Làm sao lôi kéo người tài về phục vụ cho việc giáo dục và đào tạo ở vùng này ? Chấn hưng giáo dục như thế nào để cải thiện đời sống và nâng cao dân trí nhằm thực hiện mục đích, yêu cầu đề ra, tập trung vào nông dân và người nghèo ở các đô thị. Đại học Cần Thơ vẫn đóng vai trò trung tâm khoa học - kỹ thuật chính của vùng này, với sự trợ giúp của Hoà Lan. Qua 20 năm "đổi mới", giáo dục ở vùng này cũng nhận được một số quyền lợi và có nhiều thay đổi đáng kể nhưng nếu so với vùng đồng bằng Bắc Việt và miền Đông Nam Việt thì vựa lúa lớn nhất nước này vẫn chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội, trong đó có giáo dục + y tế.
* Y tế - xã hội: Cần cải thiện môi trường sống của nông dân và cư dân đô thị, nhất là vệ sinh và y tế cộng đồng nhằm giảm thiểu bệnh tật. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới y tế nông thôn, chủ yếu là các trạm y tế xã và huyện cần trang bị những dụng cụ và phương tiện tối thiểu cần cho việc cấp cứu. Cần quan tâm chăm sóc cho các bà mẹ và trẻ em, sớm chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng. Kết hợp với gia đình và các ban ngành, đoàn thể khác để giáo dục thanh thiếu niên về nếp sống lành mạnh, đạo đức, ý thức tự giác và tôn trọng luật pháp / kỷ luật, hiểm hoạ từ HIV/ AIDS + ma tuý + ăn chơi trụy lạc. Y tế - vệ sinh nên kết hợp với thể dục thể thao và văn hóa thông tin để giáo dục quần chúng sống tốt hơn trong giai đoạn "mở cửa" hiện nay, cố gắng tránh cám dỗ sa đọa, ăn chơi đua đòi. Làm sao có thể sớm chấm dứt những chuyện không hay của xã hội thời "mở cửa" ở vùng này hôm nay, như chuyện cha mẹ bán con gái qua Miên, gả con cho Đài Loan, Hàn quốc ? Cái giá phải trả cho sự "đổi mới" cũng khá đắt ! Thật khó hiểu tại sao ưu tiên giải quyết đi lao động hợp tác cho thanh niên phía Bắc trong khi vùng này lại ít hơn? Dù ở Nam hay Bắc thì các em vẫn là đồng bào ruột thịt của chúng ta kia mà? Lẽ ra chính quyền cần chấm dứt tệ phân biệt đối xử với các em sinh ra và lớn lên sau 30/4/75, hãy thông cảm với hoàn cảnh của các em mà thương và giúp đỡ nhiều hơn.
* văn hoá - nghệ thuật: cố gắng bảo tồn và phát huy các loại hình văn hoá - nghệ thuật vốn xuất phát từ vùng này như cải lương, đờn ca tài tử, văn hoá và di tích lịch sử của người Chăm + Miên + Hoa. Giải trí lành mạnh qua các loại hình nghệ thuật cũng là nhu cầu không thể thiếu, trong đó có văn - thơ -nhạc -họa - nhiếp ảnh - điện ảnh. Con người và quá trình khai phá mảnh đất vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn là đề tài bất tận cho văn hoá - nghệ thuật mà VN chưa đầu tư và khai thác đúng mức. Rất nhiều ngôi nhà/ biệt thự và chùa/ đền/ nhà thờ cổ xưa được những người giàu có ở miền Tây Nam Việt xây cất theo kiểu Pháp từ thời Pháp thuộc, hay do người Hoa, người Champa, người Miên xây theo kiến trúc Trung Hoa + Champa + Miên, mang ảnh hưởng của văn hoá – phong tục tập quán của người Pháp, người Hoa, người Champa, người Miên với những khu vườn/ cảnh quan rất đẹp cũng cần được chăm sóc, bảo tồn.
* dân tộc thiểu số (Champa, Hoa, Miên...) vốn gắn bó với người Việt suốt quá trình lịch sử khai phá vùng này và cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển vùng này. Nhiều "di sản văn hoá" của các sắc dân thiểu số cũng cần được giữ gìn, chăm sóc và bảo tồn.
* hầu hết trung tâm hành chính & chợ búa thường tập trung ven sông nên phải lưu ý đến sông nước khi bắt tay vào vấn đề quy hoạch và xây dựng vùng này. Chính hệ thống chính quyền địa phương (tỉnh, huyện,xã, ấp) ở vùng này cũng cần có những cán bộ giàu năng lực hơn, trong sạch hơn và đừng quá quan liêu hách dịch. Đừng quên sự phát triển vùng này hoàn toàn nằm trong tay những vị lãnh đạo đầy quyền lực nhưng chính hệ thống hành chánh công quyền này và các cán bộ của họ cũng có rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi.
b. Mục đích, yêu cầu:
- cải thiện đời sống và nâng cao dân trí, nhất là nông dân và người nghèo ở đô thị.
- tiếp tục phát triển kinh tế nhưng phải có kế hoạch và biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường
- khắc phục khó khăn, tận dụng thuận lợi, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng có nghiên cứu và quy hoạch đàng hoàng để mở ra hướng phát triển toàn diện và đa dạng hơn.
- gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển vùng này.
- ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng (nhất là nhà ở và giao thông), hổ trợ và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và y tế - vệ sinh.
c. Đánh giá tác động đến môi trường:
- ô nhiễm: bất cứ xã hội nào đang phát triển và kỹ nghệ hoá đều phải quan tâm nhiều hơn đến môi trường và có biện pháp chống ô nhiễm hiệu quả hơn.
* Nguyên nhân & nguồn gây ô nhiễm: rác & chất thải + nước thải trong sinh hoạt + trường học + cơ sở y tế + công nghiệp + nông nghiệp & chăn nuôi- thuỷ lợi là nguyên nhân & nguồn gây ô nhiễm môi trường (nhất là môi trường Nước ) rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Như hầu hết các đô thị khác, các đô thị trong vùng này cũng bị bụi, khói, tiếng ồn, rác & chất thải + nước thải tuy chưa đến mức nghiêm trọng - trừ Cần Thơ. Nước ngầm nhiễm thạch tín (arsenic) cũng được báo động.
* Cần có biện pháp xử lý rác & chất thải + nước thải trong sinh hoạt + trường học + cơ sở y tế + công nghiệp + nông nghiệp & chăn nuôi- thuỷ lợi.
- "đô thị hoá" và nguy cơ cho vùng đất nông nghiệp: cần có quản lý đô thị - quy hoạch nông thôn và áp dụng luật xây dựng - quy hoạch như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh & điều kiện địa phương? quy hoạch cần đi trước như thế nào để có thể phát triển vùng này ?
- việc Trung Quốc xây hàng loạt đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mékong có ảnh hưởng & tác động gì đến vùng hạ lưu? Liệu sông Cửu Long có bị cạn kiệt như sông Colorado ở Mỹ, hay lũ lụt nghiêm trọng hơn? Dây chuyền sinh thái sẽ bị đảo lộn ? Vựa lúa lớn nhất nước sẽ bị nhiễm mặn hay sa mạc hoá? Con người và môi sinh ở vùng hạ lưu sẽ bị tác động/ ảnh hưởng như thế nào sau khi TQ hoàn thành những đập nước vĩ đại này? Tại sao VN không thử kết hợp với Thái Lan, Lào và Campuchia để tiến hành khảo sát và nghiên cứu đầy đủ hơn về sông Mékong; từ đó có được những dự đoán tương đối chính xác hơn và kết luận khoa học hơn; đồng thời có thể đề ra những biện pháp cần làm trước những hiểm họa có thể xảy ra cho lưu vực sông Mékong sau khi TQ hoàn thành những đập nước vĩ đại này? Dù nhiều người Việt ở nước ngoài lên tiếng về hiểm họa to lớn từ những đập thuỷ điện vĩ đại này nhưng chính quyền và giới chuyên môn trong nước vẫn chưa hề lên tiếng chính thức về vấn đề này nên có lẽ nó không có tác động đáng kể nào đến quá trình "xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường"? Hình như yêu cầu chính trị bao giờ cũng quan trọng hơn chăng? Ðến nay chỉ có phản đối mạnh nhất từ nông dân miền Bắc Thái Lan vì ảnh hưởng rõ nét hơn. Trong hoàn cảnh hiện nay, TQ cần giao hảo với ASEAN nên nếu như VN kết hợp với Thái Lan, Lào và Campuchia để gây áp lực ngoại giao – kinh tế thì chắc chắn TQ không thể xem thường. Phía TQ cho rằng chương trình xây những đập thủy điện này có tác dụng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế lũ lụt cho vùng hạ lưu và theo họ, ảnh hưởng của các đập đối với hạ lưu sông cũng không đáng kể vì chỉ có 18% lưu lượng nước của sông Mékong xuất phát từ TQ. Vả lại, Lào đã xây 2 đập để bán điện cho Thái Lan và VN cũng xây đập Yaly. Ủy Ban sông Mekong (MRC) vẫn chưa có tiếng nói đủ mạnh để giải quyết những tranh chấp giũa các thành viên của họ thì làm sao họ dám phản đối TQ? Lẽ ra cần có sự hợp tác trong tinh thần trách nhiệm từ chính quyền của các nước có con sông đi qua nhưng mặc cho sông Mékong đang có nhiều nguy cơ cạn kiệt, người ta vẫn thờ ơ lạnh lùng. E rằng một ngày nào đó, con người sẽ nhận lãnh hậu quả vì chính những hành động vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên này. Nông dân Campuchia và miền Tây Nam Việt sẽ khó biết được bao giờ sông Mékong lũ lụt hay cạn kiệt vì TQ sẽ hoàn toàn khống chế việc kiểm soát mực nước và cũng có thể tạo ra những xáo trộn cho môi trường sống, làm sạt lở bờ sông, tăng nguy cơ nhiễm mặn, hay phù sa không còn bồi tụ nữa.
d. Quy hoạch và Phát triển:
- Định hướng phát triển, xác định phương hướng và giải pháp cho việc quy hoạch là công việc phải làm của các tỉnh kết hợp với chỉ đạo từ Trung Ương, hổ trợ từ các Bộ, có sự tham vấn của 2 trường ĐH Cần thơ + An Giang. Ai sẽ vạch ra cái khung (Master Plan) cho toàn vùng và từng tỉnh? Là vùng đất nông nghiệp phì nhiêu, màu mỡ nhất nước nhưng quy hoạch canh nông, chăn nuôi, ngư nghiệp và quy hoạch các khu dân cư,hành chánh, kỹ nghệ, giao thông.... vẫn chưa thật sự rạch ròi hợp tình, hợp lý. Làm sao để tạo công ăn việc làm và tận dụng tối đa tiềm năng vùng này? Có thể đem nhà máy về nông thôn để vừa cung ứng việc làm cho nông dân? Làm sao đem sản phẩm vùng này đi khắp nước nhanh hơn?
* Quy hoạch khu vực nông ngư nghiệp: dựa trên khảo sát thị trường, cơ cấu cây trồng, xác định lượng nước + các loại phân/ nguyên liệu/ nhiên liệu/ thực phẩm và giống + trang bị kỹ thuật + vật tư nông nghiệp cần, dự kiến năng suất và những rủi ro, phỏng định lợi tức. Cần thay đổi cơ cấu nông nghiệp hiện nay như thế nào mà nông ngư dân có thể chấp nhận? Các nhà quy hoạch và kinh tế nhất định phải tham khảo ý kiến và hợp tác chặt chẽ với các chuyên viên từ 2 trường đại học Cần Thơ và An Giang và nếu được, hãy tạo điều kiện cho "public hearing" để lắng nghe từ "đối tượng sử dụng" (users). Đừng quên "đô thị hóa" đã đi trước "công nghiệp hóa" cho dù cơ sở hạ tầng ở vùng này vẫn chưa thật sự phát triển, quy hoạch giao thông vẫn lẹt đẹt đi sau.
* Quy hoạch khu công nghiệp, bước đầu là các khu công nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. Trước mắt là những nhà máy chế biến thực phẩm - nông và hải sản, phục vụ nông nghiệp, cơ khí, thuỷ lợi, tưới tiêu, xây dựng.
* Quy hoạch giao thông đường bộ và đường thuỷ phải là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển, đồng thời tiếp tục cải thiện và tăng cường giao thông đường hàng không, đường bộ và đường thuỷ, xây thêm bến bãi + phi cảng/ hải cảng, nhất là ở các trục giao thông đầu mối. Có nên mở đường xe lửa về vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ Saigon tới tận Hà Tiên và Cà Mau hay không? Bêtông hoá cầu khỉ, thay những chiếc phà (bắc) bằng những cây cầu dây văng, xây mới hay tu bổ và mở rộng cầu - đường là những vấn đề cần làm với ngân sách khá lớn nhưng dứt khoát phải làm càng sớm càng tốt. Giao thông phát triển thì kinh tế và xã hội mới có thể khá hơn, huống hồ miền sông rạch này rất cần bắc những nhịp cầu nối liền miền quê với đô thị; nhất là với Sàigòn. An toàn giao thông cần được quan tâm nhiều hơn; không thể chỉ dùng biện pháp "bắn" hay hạn chế tốc độ nhiều nơi rất ư vô lý, gây khó khăn, chậm trễ hơn chứ không thật sự phát huy tác dụng tích cục hay an toàn hơn.
* Quy hoạch khu du lịch: có nên xây dựng những khu du lịch với những hình thức - nội dung hoạt động tương tự Polynesian Culture Village ở Hawaii hay Nong Nooch Village ở Thái Lan, hoặc phong phú và đa dạng hơn khu Bình Quới 2 bên Thanh Đa ? Bên cạnh nền văn minh sông nước (như chợ nổi + du lịch trên sông) và những lễ hội + sinh hoạt đặc trưng của các nhóm dân tộc ít người, các khu du lịch cũng có thể tạo ra nhiều hình thức vừa vui chơi, vừa giáo dục cho thanh thiếu niên, vừa giới thiệu những đặc sản và những nét độc đáo của văn hoá - nghệ thuật địa phương cho du khách. Đây cũng là nguồn lợi + tài nguyên to lớn mà vùng này có nhiều tiềm năng chưa được khai thác hợp tình, hợp lý, đem lại rất nhiều công ăn việc làm + dịch vụ cho cư dân địa phương vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi.
e. Tổ chức và quản lý: đây là khâu yếu nhất ở VN nói chung, miền Tây Nam Việt nói riêng mà nguyên nhân chính có lẽ là do "cơ chế" từ thời "bao cấp" với những cán bộ thiếu khả năng và trách nhiệm. Việc thanh tra, kiểm soát có quá nhiều lỏng lẻo, tiêu cực là chuyện rất phổ biến trong công tác quản lý hành chính ở VN. Tệ hai nhất là không ai nhận trách nhiệm khi xảy ra chuyện không hay nhưng quyền lợi thì ai cũng giành giựt. Bộ máy hành chính quá cồng kềnh, trùng lắp, cứ dẫm chân lên nhau nên cần nhanh chóng hoàn thiện theo hướng gọn ghẽ, tinh giản để đạt hiệu quả hơn.
f. Hạch toán kinh tế: cơ bản, lựa chọn các loại hình nông & ngư nghiệp, đánh giá khả năng thị trường, vốn - chi phí - giá thành - lợi tức, rủi ro, v.v... Vùng này cũng cần có thêm nhiều chuyên viên kinh tế – tài chánh - ngân hàng giàu kinh nghiệm.
g. những vấn đề khác:
- Quy hoạch & quản lý đô thị: Nhiều quan điểm quy hoạch rất phổ biến ở phương Tây nhưng trong thực tế khó thực hiện đối với điều kiện Việt Nam. Ví dụ, ai cũng biết Lynch cho rằng để xây dựng hình ảnh của một đô thị thi phải hiểu rằng một đô thị được cấu trúc bởi các NÚT, được cảm nhận thông qua các CẠNH, được đi xuyên qua bởi các TUYẾN và được làm sinh động bởi hệ thống các ĐIỂM NHẤN. Nếu biết ứng dụng một cách linh động, sáng tạo thì những quan điểm, nguyên tắc quy hoạch – thiết kế này sẽ giúp chúng ta tạo ra những tác phẩm tuyệt vời. Song hoàn cảnh lịch sử + điều kiện hiện hữu rất phức tạp, tế nhị đòi hỏi công việc quy hoạch vùng này phải có sự khảo sát, nghiên cứu đầy đủ, khoa học, kết hợp với nhiều chuyên viên thuộc nhiều ngành nghề khác và cũng cần có ý kiến quần chúng (public hearing). Các chuyên viên quy hoạch và quản lý đô thị nghĩ sao về khái niệm “sustainable development” mà Stephen Wheeler đề cập đến trong cuốn sách của ông, "Planning Sustainable and Livable Cities",in năm 1998 ? Xin đừng phá hỏng môi trường hiện hữu khi bắt tay phát triển vùng này ! Thực tế cho thấy ngay ở các đô thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có những nét khác biệt: Vì chênh lệch giàu - nghèo + ảnh hưởng từ nhiều nền văn hoá & tôn giáo khác nhau nên việc xây dựng các khu đô thị khó đạt đến sự đồng nhất mong muốn (về thiết kế + chất liệu + bố cục, vốn, nhu cầu, chức năng sử dụng,v.v...). Khả năng tuân thủ pháp quy cũng chưa đảm bảo tính nhất quán từ chủ nhân sở hữu đất và nhà cho đến các cơ quan quản lý đô thị + xây dựng và chính quyền địa phương. Chính cán bộ quy hoạch - xây dựng lẫn chính quyền địa phương cũng không hiểu rõ quy hoạch như thế nào là hợp tình, hợp lý; thậm chí nhiều nơi đã lợi dụng quy hoạch để chiếm đất và chia chác cho nhau; bất kể luật pháp và những hậu quả tai hại khác. Luật cũng chưa rõ ràng, cụ thể nên người ta vẫn cố tình "lách" luật để "đục nước béo cò"; thậm chí dùng luật để hù dọa và lợi dụng cho những mưu đồ cá nhân bất chính. Không ai muốn vùng đồng bằng sông Cửu Long phải giống y như những vùng đồng bằng khác của Việt Nam hay của Thái lan, Pháp, Mỹ ! Trái lại, ai cũng muốn vùng đồng bằng sông Cửu Long phải giữ những nét đặc thù độc đáo của vùng này. Bởi vậy, vai trò của quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - cảnh quan - phát triển nông thôn và quản lý đô thị hết sức quan trọng. Phải biết giữ cái gì cần phải giữ, phải biết chọn cái gì cần phải thay, tránh sao chép máy móc rập khuôn. Định hướng phát triển, xác định phương hướng và giải pháp cho việc quy hoạch là tiền đề cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Master Plan cho từng tỉnh + thành phố là nhu cầu cần thiết; nhất là với những "trọng điểm" kinh tế và thị trấn ven sông. Sau 20 năm "đổi mới", vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa xây dựng được một công trình kiến trúc quy mô "tầm cỡ quốc gia" nào hết. Mô hình nhà ở cho nông dân vẫn chỉ là ước mơ chỉ mới thể hiện trên giấy. Giải pháp mua nhà trả góp cho người thu nhập thấp vẫn còn trì trệ. Những công viên xanh mát bên bờ sông Cửu Long vẫn còn thiếu nhiều lắm và qua đó cho thấy hình như vẫn chưa biết khai thác đúng mức vai trò tích cực (positives) của sông rạch để phục vụ đời sống - kinh doanh - du lịch.
Chương trình "sống chung với lũ" là giải pháp mà chính quyền VN chấp nhận cho người dân sống trong vùng ngập nước và lũ lụt thường xuyên, chủ yếu là vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, vùng ngập mặn Cà Mau và ven biển sẽ được thực hiện như thế nào? Cần tránh tối đa việc thay đổi dòng chảy tự nhiên. Thực ra mùa lũ cũng chính là lúc nước sông Cửu Long tràn bờ đem phù sa bồi tụ cho các cánh đồng miền Tây Nam Việt làm cho ruộng đất màu mỡ, phì nhiêu hơn. Rất nhiều tôm cá (thủy sản) từ Biển Hồ Tônlêsáp (Campuchia) theo đó tràn về cũng là nguồn lợi đáng kể.
- kế hoạch cải cách dân sinh & dân dụng, xây dựng tiện ích công cộng:
* xây dựng mô hình nhà ở cho nông dân ở nông thôn và người nghèo ở đô thị cần được quan tâm và triển khai càng sớm càng tốt..
* muốn bảo vệ môi sinh và tài nguyên thiên nhiên, chính quyền cần có kế hoạch giúp nâng cao dân trí và cải thiện đời sống thì người dân mới có thể ý thức được tầm quan trọng và hợp tác với chính quyền trong việc thực hiện chính sách này.
* xây dựng những trường dạy nghề và các lớp bổ túc văn hoá cho thanh thiếu niên, cố gắng áp dụng chương trình giáo dục cưỡng bách miễn phí đến hết cấp 3.
* xây dựng chương trình thông tin tuyên truyền và giáo dục về vệ sinh và y tế công cộng (đặc biệt lưu ý bệnh HIV/ AIDS, truyền nhiễm + chống ma tuý, xìke), xây dựng nếp sống lành mạnh, quan hệ tình yêu nam nữ trong sáng.
* xây dựng, tu bổ, tân trang và mở rộng thêm các trường đại học với nhiều ngành + môn học đáp ứng yêu cầu thực tế và tương lai phát triển vùng này, các trường trung học và tiểu học ở các tỉnh & hưyện. Đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường đội ngũ giáo viên và chuyên viên là nhu cầu cáp thiết nhất hiện nay, bên cạnh nhu cầu về trang thiết bị và cơ sở vật chất cho các trường học, phòng nghiên cứu - lab. Nếu được, xin hãy tạo điều kiện cho giáo sư và chuyên viên trẻ được du học nước ngoài như Hoà Lan đã dành cho Đai học Cần thơ.
* sớm hoàn tất chương trình xây dựng các cầu bêtông thay cho cầu khỉ, các cầu dây văng thay cho các chuyến phà (bắc) ngang các sông lớn như cầu Cần Thơ + Rạch Miễu + Vàm Cống.
*xây dựng thêm các thư viện + các tụ điểm tin học, các công viên với các sân bãi cho phong trào thể dục - thể thao, các loại hình giải trí và các sinh hoạt văn nghệ quần chúng cho mọi lứa tuổi. Các đoàn thể (Đoàn & Đội, Hội Phụ nữ, v.v...) cần đổi mới chương trình sinh hoạt sao cho phù hợp hơn với tâm sinh lý của đối tượng, bám sát thực tế hơn với cán bộ phong trào năng động hơn.
*xây dựng các câu lạc bộ (club) cho nhiều đối tượng khác nhau với những chương trình cụ thể, thiết thực. Ví dụ, câu lạc bộ cho nông dân trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ hiểu biết về các loại giống + phân + thuốc trừ sâu bệnh, về thông tin thị trường, giá cả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, v.v...
* ngoài việc xóa bỏ thuế nông nghiệp, chính quyền cần tiếp tục chương trình "xóa đói giảm nghèo", hổ trợ thiết thực cho nông dân và dân nghèo qua những kế hoạch cho vay để xây nhà, buôn bán... hay dạy nghề.
h. Phương hướng phát triển:
* Tiếp tục phát huy thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm sản xuất cây lương thực (vựa lúa lớn nhất nước) + thực phẩm và xuất khẩu nông và hải sản quan trọng nhất nước. Các nhà nông học + chuyên viên nông nghiệp từ 2 trường đại học, các viện nghiên cứu nông nghiệp, các công ty phục vụ xuất khẩu nông + thuỷ + hải sản và các nhà nông/ trồng trọt có kinh nghiệm nên có chương trình hợp tác trao đổi kinh nghiệm + hiểu biết, ứng dụng các thành tựu khoa học (sinh hoá) & kỹ thuật vào sản xuất, cùng làm việc với nhau để cải thiện chất lượng + số lượng + quy trình sản xuất các loại nông - thuỷ - hải sản như Thái Lan + Nhật + Đài Loan đã thành công. Tiến hành nghiên cứu + khảo sát để có thể sản xuất các giống mới du nhập từ nước khác nhằm phong phú hóa nông nghiệp VN, hoặc cải thiện các loại cây trồng/ giống tốt ( như xoài Hoà Lộc, cam sành Cái Bè, v.v...), nhất là trái cây miền Tây rất nổi tiếng về phẩm chất.
* Mỗi tỉnh cần xác định "thế mạnh" của địa phương để từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng và ưu tiên phát triển cái gì trước, cái gì sau. Đừng chạy theo "thành tích" mà phải dựa trên khảo sát, nghiên cứu khoa học đàng hoàng. Các tỉnh cũng đừng dàn hàng ngang tiến lên nữa mà hãy họp bàn với nhau để cùng tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho toàn khu vục thay vì cứ muốn "chơi trội" hay "ăn thua đủ" với nhau theo kiểu tỉnh anh có gì, tỉnh tôi cũng có, nhất định không thua kém, tạo ra biết bao lãng phí, thua lỗ với những công ty quốc doanh lám ăn theo lối "của chung, chắng ai thèm lo".
* Tiếp tục phát triển và mở rộng hoạt động thương mại + dịch vụ + du lịch, xây dựng công nghiệp. Tiếp tục hổ trợ cho tiểu thủ công nghiệp và nông ngư nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.
* Tiếp tục xây dựng, tu bổ, mở rộng hệ thống giao thông, bến bãi, cầu cống. Quy hoạch giao thông cũng là yêu cầu hết sức cấp thiết. Cần lưu tâm nhiều hơn đến việc chống xói mòn (erosion control) và thoát nước (hydraulics - stormwater) cho hệ thống đường sá. Bêtông hóa cầu khỉ - cầu sắt cũ kỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu ở vùng này. An toàn giao thông cũng là yêu cầu cần thiết mà Công an và giáo dục phải quan tâm.
* Tiếp tục hổ trợ cho giáo dục + y tế, xây dựng cơ sở vật chất ( nhà ở, giao thông, điện + nước sạch, bến bãi, v.v...) ngày càng tốt đẹp hơn.
* Cần quy định rạch ròi về "sử dụng đất" (Land Use) cho nông nghiệp - gia cư - công nghiệp - thương mại - trung tâm hành chính (phân khu chức năng), về bảo vệ môi sinh và tài nguyên.
Tôi không biết chương trình lấn biển của Rạch Giá có thật sự cần thiết, hợp lý, làm đúng về kỹ thuật và phát huy tác dụng hay không nên rất mong công khai hóa tất cả ưu khuyết điểm để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho mọi người. Rạch Giá cũng nên rút thêm kinh nghiệm từ việc xây khu chợ mới sau khi giải tỏa khu chợ cũ để có được 1 công viên (open space) ngay giữa thành phố.
5. Kết luận: Vui làm sao khi đi về miền Tây, từ Long An đến Hà Tiên hay bay qua Phú Quốc, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều ngôi nhà đẹp hơn, có những chiếc máy cày thay cho con trâu và cái cày. Ai cũng mong quê mình ngày càng tốt đẹp hơn, đời sống người dân sẽ được cải thiện, trình độ dân trí nâng cao hơn, môi trường sống và tài nguyên được bảo vệ và sử dụng hợp lý. Nhu cầu ngày càng lớn và nhiều hơn; trong khi khả năng và ngân sách bao giờ cũng hạn chế. Bởi vậy, quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng này. Làm sao để đồng tiền mà người dân đóng thuế cho Nhà Nước biến thành những phúc lợi xã hội như giáo dục + y tế + cơ sở vật chất hạ tầng để có thể phục vụ trở lại người dân ngày càng tốt hơn. Hy vọng quê tôi sẽ không còn thua sút bất kỳ vùng nào để người dân sẽ thật sự "đổi đời" khi được sống trên vựa lúa lớn nhất nước. Giá như có nhiều người tài đức hơn kéo nhau về giúp vực dậy miền đât phương Nam này thì hay biết mấy? Đồng bằng sông Cửu Long rất đỗi trù phú này cũng đã là "địa linh nhân kiệt" với biết bao tên tuổi lẫy lừng nhưng tại sao người dân ở đây vẫn nghèo khổ với biết bao bài toán vẫn chưa tìm ra lời giải ? Bao nhiêu năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có tên tuổi nào đủ thay cho GS Nguyễn Văn Trường, GS Phạm Hoàng Hộ, GS Võ Tòng Xuân ? Trí thức và chính quyền vùng đồng bằng sông Cửu Long này nghĩ sao ? Riêng tôi - một người đã sinh ra từ vùng đồng bằng sông Cửu Long này, không hiểu tại sao dường như tôi vẫn luôn cảm thấy tôi đang mắc nợ quê tôi, vẫn muốn làm nhiều hơn nữa cho người dân nghèo quê tôi. Viết ra những điều này hôm nay chính là muốn nói ra những mơ ước của tôi về những gì cần phải làm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta. Có ai không thương yêu quê hương của mình đâu nhỉ? Xin hãy góp 1 bàn tay để làm cho quê hương mình tốt đẹp hơn nữa.(Gửi Nhóm Bạn Cửu Long và đồng bào quê tôi).
No comments:
Post a Comment