Monday, July 20, 2009

Vài ý kiến về Ðô Thị Hóa Miệt Vườn

Khi công ty Saigon South Project giới thiệu đồ án phát triển khu Thủ Thiêm – Cát Lái thành một trung tâm đô thị (vệ tinh) mới của Saigon với tên gọi là Nam Saigon, đa số người Việt trong lẫn ngoài nước đều tỏ ra thích thú và coi đó như là "mẫu mực" cho một mô hình quy hoạch và phát triển đô thị của toàn miền Nam Việt Nam. Thực ra đó là "con đẻ" của S.O.M. mà theo thiển ý cá nhân tôi thì mô hình này chỉ nên xây dựng cho một vùng đô thị công nghiệp – thương mại như Saigon và miền Đông Nam Việt chứ không nên lan rộng xuống miền Tây Nam Việt bởi vùng đồng bằng sông Cửu Long có những đặc điểm địa hình – thổ nhưỡng, kinh tế , văn hóa tương đối khác biệt. Chẳng hạn, đây là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước với những vườn cây ăn trái nổi tiếng của "miệt vườn" và những cánh đồng lúa nước với năng suất 10 tấn/ha, nền đất phù sa khác hơn vùng bưng, vùng trảng của miền Đông nên cá nhân tôi khó có thể chấp nhận "đô thị hóa" với những tòa nhà chọc trời, đất đô thị lấn dần đất nông nghiệp, sẽ phá vỡ rất nhiều mảng tự nhiên – cảnh quan - sinh thái vốn dĩ còn nguyên sinh, chưa kể sẽ đảo lộn cả một trật tự mà nhiều người thường gọi là nền "văn minh miệt vườn" và "văn minh miệt ruộng". Càng ưa thích những bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Ba hay Hứa Hoành, tôi lại càng lo ngại hơn cho tương lai của nền "văn minh miệt vườn" – nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi mong sao các nhà quy hoạch Việt Nam sẽ lưu tâm đến điều này để tránh vấp phải sai lầm về sau.
Nền "văn minh miệt vườn" có lẽ đã phát sinh từ khi người Việt di dân đến vùng phù sa nước ngọt ở hai bờ sông Cửu Long để khai khẩn, hạ phèn rồi lập vườn và ngày càng mở mang với những vườn cây ăn trái xum xuê. Từ đó, "miệt vườn" trở nên đặc trưng hơn, khác với miệt ruộng, miệt rẫy hay vùng bưng, vùng trảng đặc trưng ở miền Đông Nam Việt. Nếu đọc "Cây cỏ miền Nam" của GS. Phạm Hoàng Hộ, bạn sẽ thấy phần nào sự phong phú về chủng loại thực vật ở vùng đất sông rạch chằng chịt nhưng không bị ngập lụt dài ngày như miệt U Minh, Đồng Tháp. Ngày nay, nghề vườn ở đây đã biết kết hợp kinh nghiệm lâu đời với khoa học kỹ thuật để lai tạo thêm giống mới nhằm vừa tăng cả lượng lẫn phẩm, vừa phòng chống dịch bệnh hữu hiệu hơn cho các loại hoa quả. Hơn nữa, do hoa quả rất dễ bầm dập, hư thúi, khó có thể tồn kho lâu ngày nên việc vận chuyển hoa quả nhanh chóng đến các đầu mối tiêu thụ đã khiến nảy sinh nhu cầu phát triển hệ thống giao thông vận tải trên sông lẫn đường bộ và mạng lưới phân phối kịp thời. Từ đó hình thành một nền kinh tế phát triển sinh động hơn với những nhu cầu sinh hoạt đặc trưng mà nhiều người thường gọi là nền "văn minh miệt vườn" để phân biệt với những vũng địa lý tự nhiên và kinh tế khác của nước ta. Có hiểu khái quát như vậy thì mới biết quy hoạch và xây dựng miệt vườn này như thế nào là phù hợp, là đúng hướng chứ không thể sao chép, cóp nhặt bừa bãi từ xứ người rồi xây bừa lên đó, không thích thì lại đập bỏ , sợ rằng vừa lãng phí, vừa phá hại xứ sở.
Muốn đô thị hóa "miệt vườn", các nhà quy hoạch cần nghiên cứu và phân tích thực địa (site analysis) cẩn thận, đầy đủ, thấu đáo, cặn kẽû trước khi phác thảo định hướng quy hoạch tổng thể và chi tiết.. Ngoài những tài liệu của học giả Vương Hồng Sển và một số tác giả đã nêu trên đây, tôi không có thêm tài liệu để tìm hiểu đầy đủ về đặc điểm của "miệt vườn" nên ý kiến về việc quy hoạch và đô thị hóa " miệt vườn" của tôi hôm nay cũng khá hạn chế, rất mong nhận được ý kiến của những người am tường hơn về vùng đất này để bổ sung và hoàn chỉnh hơn cho nhu cầu quy hoạch và phát triển " miệt vườn".
Hình ảnh sâu đậm nhất về quy hoạch "miệt vườn" trong ký ức tôi là sự tập trung dân cư ven sông rạch giống như sự quần cư của hầu hết các khu vực kinh tế nông nghiệp ven sông khác nhưng ở đây có sự phân chia khá rõ thành 2 khu vực: khu nhà vườn và khu phố chợ (thị tứ). Tuy các làng xã thường cặp dài theo sông rạch chằng chịt là chính (do khoảng 80% nông sản và hàng hóa đều vận chuyển bằng ghe đò) nhưng tất cả đô thị của "miệt vườn" đều tập trung ở các giao lộ (ngã ba, ngã tư, ngã năm hay ngã bảy của các luồng giao thông thủy – bộ), sát bên sông, hay dọc theo vàm và chia ra 2 mảng chính:
Một mảng là khu thị tứ với phố chợ và các cơ sở hành chánh nằm san sát nhau, mật độ dân cư cao hơn, khoảng xanh ít hơn mà nhà ở cũng là nơi buôn bán (thường là nhà lầu 1 – 2 tầng, tầng trệt làm nơi buôn bán, chế biến hay sản xuất tiểu thủ công nghiệp, còn tầng lầu để ở, chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp nhiều hơn là kiến trúc Đông Phương, nhất là các trung tâm hành chánh thường do Pháp chọn lựa và xây dựng nên ở đây gần như phản ảnh phần nào làng xã nước Pháp). Phương tiện di chuyển thường tấp nập qua lại nơi này (thường là các loại xe thô sơ, ghe đò) , buôn bán sầm uất với đủ loại dịch vụ và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp chứ không chỉ là trạm trung chuyển nhằm mua bán, trao đổi và tiêu thụ các loại hoa quả. Chính vì thế mà nơi đây thường ồn ào, náo nhiệt, lắm bụi bặm, rác rưởi, vệ sinh chung thường kém mà khoảng xanh cũng rất hạn hẹp. Chính vì thế mà vấn đề cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng, hạn chế ô nhiễm môi sinh và di chuyển cơ sở sản xuất – buôn bán ra khỏi khu dân cư là việc cần làm trước nhất cho khu thị tứ của "miệt vườn" đang ngày "xuống cấp" và "quá tải" như hiện nay. Đa số khu thị tứ thuộc các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, Cao Lãnh, Long Xuyên, v.v… đang phát triển khá nhanh với lưu lượng hàng hóa khá lớn nên nhu cầu phát triển giao thông thủy - bộ, xây dựng thêm các bến xe & bến sông (cảng) càng lúc càng thêm thúc bách hơn. Việc phát triển nhà ở có lúc rất hỗn loạn với nhiều kiểu dáng lai tạp trong khi việc quy hoạch lại khá đơn giản, sơ sài, không đáp ứng kịp thực tế cuộc sống mà cũng không giải quyết được nhiều bài toán nan giải khi mà ngân sách và kinh nghiệm xử lý là 2 lỗ hổng lớn nhất. Có một thời gian dài người ta cứ đổ lỗi cho chiến tranh nhưng 23 năm qua, thực tế đã chứng thực lỗi do ai và vì đâu mà ra. Cho đến năm 1998, tôi vẫn thấy cơ sở kỹ thuật hạ tầng, môi sinh và vệ sinh chung chưa được lưu tâm cải thiện, tu bổ và nâng cấp đúng mức mà người ta cứ đua nhau xây nhà lầu với cửa kính lấp lánh phản ảnh một sự hào nhoáng ngày càng xa lạ hơn với hình ảnh những căn nhà tiện nghi với khoảng xanh thoáng mát mà tôi luôn mong ước. Chính cán bộ lãnh đạo thiếu khả năng/ trình độ chuyên môn đã "chỉ đạo" nhiều biện pháp rất "khó hiểu", cán bộ thừa hành lại triển khai tùy tiện, các cơ quan làm việc thiếu đồng bộ, đôi lúc "chắp vá" đến buồn cười mà hình như không thấy ai có ý kiến phê bình, phản đối. Chỉ đơn cử chuyện trồng cây xanh, tôi cũng không hiểu tại sao người ta thích trồng cây so đũa ven các con đường quốc lộ – tỉnh lộ – hương lộ đến như vậy ? Các loại cây bóng mát khác thì sao? Nếu như đường vào mỗi tỉnh cứ trồng một vài loại cây cao bóng mát khác nhau, bên dưới là các bụi hoa thì đẹp hơn chứ ? Đô thị "miệt vườn" mà không lưu ý đến cây xanh cho cảnh quan và giao thông trên bộ lẫn trên sông nước thì không chừng chuyên viên quy hoạch đang ngày càng …lạc đề! Ngay như các căn cứ quân sự, đồn bót trước đây mà chỉ đem chia chác hay xây nhà phố riêng để bán chứ không được sử dụng hợp lý cho tình hình xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay cũng đã là một sai lầm, chưa xét đến chuyện cân bằng hợp lý trong việc sử dụng đất và hệ sinh thái tự nhiên cho đô thị. Công viên, nơi giải trí cho người già và lớp trẻ, khoảng xanh cho đô thị, nơi đậu xe, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để xử lý ô nhiễm để bảo vệ môi sinh, các trạm cứu cấp – cứu hỏa – cứu thương, v.v… đã là những việc thường bị bỏ quên khi quy hoạch và đô thị hóa các khu thị tứ cho dù người ta rất muốn bắt chước Singapore như một mô hình lý tưởng. Nhìn chung, mảng này đang bị "đô thị hóa" không đúng hướng (hay nói theo Mỹ là …negative!), rất cần điều chỉnh sau khi điều nghiên cẩn thận hơn.
Mảng còn lại lớn hơn là khu nhà vườn với nhà ở của cư dân bao quanh bởi đất vườn khá rộng (thường là 2-3 công cho một gia đình gần chợ, có khi cả mẫu cho một gia đình ở xa hơn). Chính mảng này là nơi sản xuất các loại hoa quảï. Hầu hết mảng này đều chưa thay đổi bao nhiêu, thỉnh thoảng thấy vài căn nhà lầu khuất sau những lùm cây ăn trái xanh um thì cũng không có gì để phê phán – ngoại trừ chuyện lắp cửa kính để xài máy lạnh ở đây thì coi bộ không ổn mấy! Thích nhất khi bước vào khu này là những hàng dừa – cau rợp mát, những dậu mồng tơi, dâm bụt là "hàng rào" xanh mát trước khi dẫn đến những chậu kiểng cắt tỉa công phu, khéo léo, đẹp mắt, trong khi quanh nhà là những vườn hoa quả chăm sóc kỹ lưỡng. Có đến khu nhà vườn ở miệt Trung lương, Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho, hay qua Chợ Lách ở Vĩnh Long, hoặc xuống miệt Phụng Hiệp, Cần Thơ, v.v… thì bạn mới hiểu tại sao tôi cứ muốn giữ lấy hình ảnh đẹp đẽ của một đô thị "miệt vườn" với những vườn cây xanh rất Việt Nam như những nơi này. Người dân ở đây rất cần có thêm điện – nước, mở mang hệ thống giao thông thủy – bộ, xây thêm trường học và bệnh viện, tu bổ chợ sao cho sạch –đẹp- đàng hoàng hơn nhưng họ cũng rất sợ tệ nạn xã hội đang lây lan và đe dọa hạnh phúc gia đình họ. Khi quy hoạch nơi đây, chúng ta hãy tránh phá vỡ những giá trị tự nhiên và văn hóa tốt đẹp đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm qua, trong đó cần thấy được sự sáng suốt của những thế hệ đi trước đã biết khắc phục những khó khăn khắc nghiệt của địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới gió mùa với tính chất nóng – ẩm – mưa nhiều, con sông Cửu Long với nạn lũ lụt hàng năm, nạn phèn chua – ngập mặn, v.v… và cũng biết tận dụng thuận lợi để có cơm no, áo ấm, vun bồi thành một miền đất trù phú như bấy lâu nay. Nói chung, quy hoạch "miệt vườn" trong chiều hướng cải thiện hiện trạng chứ đừng tạo ra một sự xáo trộn cho cuộc sống và hệ sinh thái hiện hữu là tốt nhất, trong đó tăng thêm diỴn tích cây xanh là yếu tố cần thiết nhất nhằm bổ trợ cho cảnh quan và môi trường sinh thái sẳn có, kế đó là việc cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng. Định hướng phát triển cho "miệt vườn" phải trên cơ sở phát triển nông nghiệp địa phương là chính. Sự phân bố đa trung tâm sẽ khiến phát triển đồng đều hơn cho nhiều địa phương hơn là tập trung vào một trung tâm chính, vừa giãn dân, vừa tránh nạn tắc nghẽn giao thông thường xảy ra ở các quốc gia khác. Ví dụ, thay vì dồn hết đầu tư cho một trung tâm là thành phố Mỹ Tho thì có thể tạo ra các trung tâm khác như Cái Bè, Gò Công. Tương tự, Vĩnh Long có thể mở ra thêm các trung tâm Chợ Lách, Vũng Liêm, Bình Minh để tạo điều kiện phát triển đồng đều và đa dạng hóa cho kinh tế các địa phương mà còn khích lệ sự cạnh tranh với các địa phương lân cận thay vì cứ dồn về tỉnh lỵ như bấy lâu nay. Chính từ các trung tâm mới này, công nghiệp sẽ từng bước xây dựng và phát triển để hổ trợ và tác động hổ tương đến nông nghiệp. Bước đầu có thể nghĩ đến các ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất , các nhà máy đông lạnh và chế biến nông thủy sản xuất khẩu vừa phục vụ cho nông nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm và kích thích kinh tế địa phương tăng trưởng. Tuy nhiên, các quy định về xây dựng (Building codes & regulations, Ordinances), môi sinh, y tế, v.v… cần được soạn thảo phù hợp hơn với hoàn cảnh địa phương. Ví dụ, hạn chế tầng cao, quy định mật độ xây dựng với diện tích đất ở cho mỗi gia đình nhà vườn trong nội thị và ngoại thị khác với khu phố chợ, cân đối diện tích cây xanh và mặt nước phục vụ cho tiện ích công cộng khác với khu công nghiệp, bán kính phục vụ, phân biệt khu nhà ở với khu buôn bán, khu công nghiệp nhưng với khu nông nghiệp thì không thể tách biệt nhà ở vớiø vườn canh tác hoa quả được.
Tóm lại, mỗi tỉnh hay khu vực có những nét đặc thù riêng nên việc quy hoạch mỗi địa
phương phải được thực hiện trên cơ sở khoa học, hợp lý, có quan tâm đầy đủ đến nhiều khía cạnh khác nhau chứ không thể là một kiểu sao chép để "trả nợ quỷ thần" nhằm giải quyết khó khăn trước mắt mà không lường hết hậu quả về sau.

"Miệt vườn" nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung hiện nay có cùng một nhu cầu quan yếu là phải gấp rút cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông vận tải song song với việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và y tế mà vẫn bảo vệ môi trường sinh thái hiện hữu và những truyền thống tốt đẹp bấy lâu. (4/98)

No comments:

Post a Comment