Monday, July 20, 2009

Truyền thống mới cho kiến trúc Việt?

Không kể những dự án kiến trúc quy hoạch (KTQH) do nước ngoài thực hiện thì dấu ấn nổi bật nhất của quy hoạch kiến trúc (QHKT) Việt đương đại là gì nếu không phải là “Kiến trúc giả cổ” và “Quy hoạch chia lô”? Lẽ tự nhiên chúng ta sẽ hỏi: Tại sao dịch bệnh “nhại cổ” và “chia lô” thô thiển chỉ nảy sinh và bùng phát trên mảnh đất kiến trúc quy hoạch VN? Sao nó không xảy ra ở Thailan, Singapore, Trung Quốc...? Và tại sao chúng ta không kịp chế ra những Vacxin đủ sức chặn đứng các đại dịch này?
Khủng hoảng hệ thống giá trị

Xét về bản chất, có lẽ bởi chúng ta thiếu một hệ chuẩn các giá trị KTQH đủ khả năng miễn dịch. Thông thường kiến trúc phát triển theo một tiến trình, thời sau kế thừa những thành tựu của thời trước mà đi tiếp. Vậy một hệ thống giá trị phải là tinh hoa đúc kết nhiều đời, có khả năng đương đầu trước những biến động thời cuộc và làm nền tảng cho quá trình điều tiết và định hướng các bước phát triển tiếp theo.Nhưng vì sao chúng ta đã chưa xây dựng được hệ thống các giá trị này?
Để trả lời cần một cái nhìn toàn cảnh. Phải nói trong lịch sử chúng ta từng có hệ thống giá trị KTQH. Tổng thể kiến trúc các làng đồng bằng Bắc bộ là minh chứng dễ thấy nhất: từ đường làng, cổng làng, luỹ tre, cây đa, đình làng, hệ thống hồ ao đến nhà ba gian hai chái, những gốc mít, khóm cau..., tất cả đều thống nhất kỳ lạ trong mối quan hệ về tỷ lệ, không gian, màu sắc, chất liệu. Đặc biệt một khía cạnh rất hiện đại là hệ sinh thái luôn duy trì được khả năng tự điều chỉnh và cân bằng. Song hệ giá trị đấy là sản phẩm của xã hội phong kiến phương Đông, của nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp. Nó ổn định suốt từ thời nhà Lý cho đến cuối thế kỷ mười chín, dù thiên tai địch họa liên miên. Tuy vậy, nó chỉ là hệ thống KTQH của nông thôn xưa, không phải và chưa bao giờ là hệ thống của đô thị.Có sự đứt đoạn khi thực dân Pháp xuất hiện ở Đông Dương. Hệ giá trị KTQH của ta đầy bỡ ngỡ trước các giá trị kiến trúc đô thị phương Tây, khác xa mình. Người Pháp vào mang theo tàu hỏa, công nghệ khai mỏ, những quan niệm về đô thị và công nghệ QH hiện đại..., toàn những thứ người Việt chưa từng biết. Rồi sau đấy là hàng thập kỷ đấu tranh giành độc lập, và từ năm 1954 miền Bắc bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Về KTQH chủ yếu áp dụng khuôn mẫu Xôviết và của phe XHCN, rồi đổi mới.Tóm lại, chúng ta chưa có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để xác lập hệ giá trị KTQH riêng. Trước là do Pháp, sau ảnh hưởng Liên Xô (cũ), miền Nam đậm dấu ấn Mỹ. Đến thời kỳ đổi mới, các trào lưu KT tràn vào như lũ. Và vì gần như chưa có sự chuẩn bị và thiếu hẳn một hệ thống chuẩn các giá trị nên hệ quả tất yếu là đâu đâu cũng đầy rẫy những sản phẩm lai căng, nhại cổ, là bệnh chia lô..., là những nạn dịch. Cái gọi là “khu đô thị mới”, “khu du lịch sinh thái” thời gian gần đây đã và đang ẩn chứa những mầm dịch nguy hiểm. Câu chuyện các văn phòng kiến trúc nước ngoài chiếm thế thượng phong trong cạnh tranh với các văn phòng nội cũng thật hiển nhiên và dễ hiểu.
Hướng đến một truyền thống mới
Trước bối cảnh như vậy, KTQH Việt đương đại có khả năng kiến tạo một lộ trình nhằm thoát ra khủng hoảng?Có khả năng tận dụng tối đa những cơ hội cạnh tranh để củng cố nội lực và từng bước xây dựng được nền móng riêng - vững chắc hay không?Lịch sử kiến trúc đô thị thế giới ghi nhận truyền thống kiến trúc của Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, kiến trúc các thành phố thời Phục hưng: Florence, Pisa, Venice. Rồi quy hoạch kiến trúc Paris cận hiện đại, đến các thành phố đương đại của Mỹ và Châu Âu như New York, Chicago, Barcelona, Amsterdam, Berlin... Châu Á với Bắc Kinh, Tokyo, Thâm Quyến, Hông Kông, Thượng Hải..., Đông Nam Á có Kuala Lumpur, Singapore. Tất cả những thành phố có truyền thống kiến trúc nêu trên đều tồn tại một điểm chung bất biến: đó là sự cộng sinh hoàn hảo giữa vai trò của KTS- nhà QH đô thị với chủ đầu tư và vai trò quản lý nhà nước. Biểu hiện cụ thể ở công thức hợp trội 1+1>2. Nhà QH - KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sỹ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị..., miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện và lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của người sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất. Tóm lại từng yếu tố của họ đều là 1, hay nói cách khác chúng có khả năng tự hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cùng hướng đến đích chung. Ở ta tình hình ngược lại, sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, tầm nhìn hẹp, ngắn nên tất yếu 1+1<2.>2. Nhà QH - KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sỹ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị..., miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện và lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của người sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất. Tóm lại từng yếu tố của họ đều là 1, hay nói cách khác chúng có khả năng tự hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cùng hướng đến đích chung. Ở ta tình hình ngược lại, sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, tầm nhìn hẹp, ngắn nên tất yếu 1+1<2.>

Trước tiên, nhà nước phải cho ra đời KTS Đoàn theo thông lệ quốc tế, tương tự luật sư Đoàn. Hội KTS đã soạn thảo pháp lệnh hành nghề KTS và quy chế KTS Đoàn công phu từ nhiều năm, đã làm việc với Bộ XD và có kiến nghị áp dụng thí điểm tại TP Hồ Chí Minh. Pháp lệnh này nếu được thông qua sẽ chính thức công nhận quyền sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trước xã hội của KTS, đồng thời giảm thiểu đáng kể sự can thiệp thô bạo của những chủ đầu tư thực dụng, thiếu văn hóa vào quá trình sinh thành tác phẩm.Kế tiếp cần phổ biến quy chế đấu thầu, thi tuyển thiết kế QH như thi tuyển công trình kiến trúc, tránh độc quyền nhà nước. Lâu nay, QH tất cả các đô thị đều do Viện QH - Bộ XD thực hiện với cùng một công nghệ lạc hậu và xơ cứng, thiếu chủ thuyết xuyên suốt. Hệ quả là hầu hết các đô thị đều na ná nhau, đơn điệu, không bản sắc. Việc cần làm là lập tức nghiên cứu, đổi mới công nghệ QH. Sao cho thích ứng với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Muốn vậy phải chọn lựa, xây dựng bằng được chủ thuyết dẫn đường.
Một điểm nữa là nếu Chính phủ sớm ra nghị định cấm UBND các tỉnh, quận xây dựng các công trình theo kiến trúc Pháp rởm thì hẳn dịch bệnh đã không bùng phát và lan nhanh đến vậy.Tóm lại, để nền KTQH lâm vào khủng hoảng kéo dài, trách nhiệm chính thuộc Bộ XD. Và liệu KTQH có ra khỏi khủng hoảng và phát triển được hay không, trách nhiệm phần lớn vẫn thuộc Bộ XD, chính xác là phụ thuộc vào những chính sách nhà nước mà Bộ XD là cơ quan tham mưu trực tiếp. Về phía KTS, bài học kinh nghiệm nào từ các KTS đương đại thế giới hữu ích cho Việt Nam? Những bậc thầy Hightech - siêu cấu trúc như Norman Foster, Gehry, Calatrava, Herzog De Meuron... chúng ta đành “kính nhi viễn chi”, hai - ba mươi năm nữa mới có khả năng tiếp cận. Tuy nhiên thế giới còn những đại biểu không kém phần ưu tú, những Tadao Ando, Mario Botta, Charles Correa, Glenn Murcutt... mà chúng ta có thể rút ra những bài học thiết thực. Ở những tác giả này đều có các điểm chung sau: họ làm chủ yếu công trình quy mô nhỏ và trung bình, tính kỹ thuật - công nghệ không quá phức tạp. Kiến trúc của họ đậm đặc tính địa phương đồng thời cái tính địa phương ấy lại toát ra cái toàn nhân loại. Ở Ando là những không gian riêng tư đối lập với không gian xã hội thông tin ầm ĩ bên ngoài. Botta khơi dậy nơi con người hiện đại “niềm thích thú biết ngạc nhiên”. Đặc trưng của Correa là các khu ở phổ quát cho người nghèo, người thu nhập thấp. Murcutt tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cái thần địa điểm, “kiến trúc chạm nhẹ vào đất”, tiết kiệm năng lượng.Vấn đề là giữa chúng ta với những KTS Ando, Botta, Correa, Murcutt khác nhau ở chỗ, chúng ta chưa thấu hiểu và làm chủ được quá trình cốt tử của sáng tạo kiến trúc như họ đã làm: đó là việc kiến tạo một ý niệm xuyên suốt trong tổ chức không gian và khả năng xử lý kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới tương ứng. Chúng ta chưa xây dựng được những điểm tựa tinh thần - có thể là một hình thái, một triết lý không gian của riêng Việt Nam - để từ đó chủ động khúc xạ và ứng dụng khoa học công nghệ phương Tây, chứ không chỉ bị động chạy theo để rồi luôn tụt hậu và lạc hậu. Nên chăng cần thức nhận lại khái niệm “không gian mở”, “không gian lớp”. Đã có mở tức có đóng, đã có lớp tức có cấu trúc các lớp, có sự giao thoa giữa các lớp... Và ở thời đại thế giới là ngôi làng lớn thì nhất thiết trong cái bản địa, cái rất riêng của mình phải ẩn chứa những mã thông điệp mang tính toàn cầu.Cuối cùng, thực tế kiến trúc xây dựng vô cùng sôi động. Chúng ta, những KTS - nhà quản lý - chủ đầu tư liệu có khả năng cộng sinh thoát ra khủng hoảng? Có khả năng hợp sức đặt những viên gạch đầu tiên cho sự khởi đầu của một truyền thống mới?Tôi tin vào sự thức nhận của các nhà quản lý trẻ, các KTS - nhà QH trẻ. Tin rằng “nhân loại chỉ đặt ra những vấn đề mà họ có khả năng giải quyết”. Song lưu ý, then chốt nằm chính ở tính trung thực của vấn đề được nêu.
Hoàng Thúc Hào
(trích từ Tia Sáng,11:31:11 22/01/2008)

No comments:

Post a Comment