Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(8): Cửa khẩu

Cửa khẩu chưa phát huy vai trò phát triển kinh tế, đô thị vùng biên
(Ths.KTS Lã Thị Kim Ngân
[NhinTu%20VN.jpg]Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn)
Cửa khẩu đóng vai trò quan trọng đối với một quốc gia, bởi đó là cổng vào của một nước. Theo quan niệm của người xa, nhà cao, cửa rộng sẽ khẳng định sự giàu có, thịnh vượng của một gia đình. Vì thế, cửa khẩu khang trang, có bản sắc sẽ khẳng định vị thế của một đất nước. Không những vậy, cửa khẩu còn có các vai trò khác nhau ở vùng biên: giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế vùng biên, tạo dựng đô thị ở vùng biên.
Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa quan tâm đến công tác thiết kế cửa khẩu. Hầu hết các cửa khẩu đều do các địa phương tại vùng biên triển khai. Trong khi điều kiện kinh tế tại các địa phương này còn nhiều khó khăn, trình độ còn hạn chế. Vì vậy, các cửa khẩu mới chỉ đảm bảo được chức năng về an ninh quốc phòng, kiểm tra, kiểm soát mà chưa quan tâm tới hình thức kiến trúc của cửa khẩu, chưa đưa quy hoạch cửa khẩu trở thành một vấn đề cần quan tâm để từ đó phát huy hết vai trò của cửa khẩu, góp phần tạo dựng kinh tế, đô thị tại vùng biên.
Các cửa khẩu tại nước ta thường nằm ở nhiều địa điểm rất khác nhau trải dài trên cả nước. Tuy nhiên, các đặc điểm của địa phương và nét văn hóa tại vùng, miền đó lại chưa được nghiên cứu để đưa vào trong kiến trúc, quy hoạch các cửa khẩu. Bởi vậy, các cửa khẩu ở ta vẫn na ná giống nhau, còn nhỏ về quy mô, nghèo nàn về hình thức thể hiện. Trong khi đó, tại các nước bạn như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các cửa khẩu đã được quan tâm xây dựng không những khang trang, mà còn thể hiện rất rõ kiến trúc của bản địa, thậm chí, một người dân cũng có thể cảm nhận được ngay nét văn hóa của Lào, Campuchia, Trung Quốc khi bước chân qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, các nước bạn đều có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khang trang, hiện đại, phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động thu hút du lịch, vui chơi, giải trí. Vì thế, vùng biên tại các nước bạn thường rất sôi động, song nhìn lại các địa phương vùng biên ở nước ta vẫn heo hút, chưa tạo được động lực để phát triển.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn sẽ nghiên cứu để thực hiện các quy hoạch tại các vùng kinh tế cửa khẩu, góp phần tạo dựng bộ mặt quốc gia trong quan hệ đối ngoại. Cùng với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu là cửa ngõ vào mỗi quốc gia, vì thế, Viện sẽ quan tâm nghiên cứu để đưa vào các cửa khẩu, vùng kinh tế cửa khẩu những phong cách của từng địa phương. Để làm được điều này, cần thiết tổ chức các cuộc thi về cửa khẩu, nhằm thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, người làm nghề về lĩnh vực này, cũng như tạo dựng được xu hướng kiến trúc cho các cửa khẩu. Mặt khác, Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng nên cụ thể hóa các chủ trương để có thể triển khai sớm công tác này bằng những quy hoạch, kiến trúc, định hướng về tổ chức không gian, kiến trúc tại vùng biên, biện pháp quản lý về nguồn vốn…

Cổng Cửa khẩu phải là những " Nghi môn"
(TS. Trần Đức Anh Sơn
Trưởng khoa Việt Nam học, ĐH Phan Châu Trinh, Hội An)
Tôi có dịp đi qua Trung Hoa, Lào và Thái Lan bằng đường bộ và thật sự ấn tượng với các "Nghi Môn" của các quốc gia này. Có "Nghi Môn" rất lớn, có cái thì tầm vóc và kích thước khá khiêm tốn, nhưng tất cả đều có một điểm chung: đó là các "Nghi Môn" này đều mang những nét biểu trưng cho phong cách kiến trúc của các quốc gia đó. Chỉ cần nhìn qua, có thể nhận diện được ngay "Nghi Môn" ấy thuộc quốc gia nào, kể cả những "Nghi Môn" được thiết kế theo phong cách cách tân, hiện đại. Tôi thấy ngay các cửa kiểm soát vé trên các đường cao tốc hay đường vành đai ở ngoại ô thành phố cũng được kiến tạo phỏng theo các kiểu thức kiến trúc cổng - cửa trong Cố cung Bắc Kinh, từ phong cách, đến màu sắc, hoa văn trang trí và cả chất liệu (khung sườn thường bằng gỗ, lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly...). Vì thế chúng trông rất bắt mắt và mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa.
Còn ở nước mình thì không được như vậy. Mỗi cửa khẩu quốc gia có một kiểu thức "Nghi Môn" riêng, cái thì đồ sộ tốn kém, cái thì đơn giản đến tội nghiệp, nhưng tất cả đều có một điểm chung là chúng chẳng nói lên được gì cho kiến trúc của Việt Nam cả. Ai thích làm kiểu gì thì làm.
Kiến trúc truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ có kiểu thức cổng làng nổi tiếng, sao người ta không "lẩy" những nét biểu trưng của cái cổng làng ấy, rồi cách tân nó và tạo nên những "Nghi Môn quốc gia" mang "hồn vía" Việt Nam nhỉ? Hoặc cũng có thể tham khảo các kiểu thức "tam quan" trong kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế để xây dựng các "Nghi Môn quốc gia" thì hay hơn rất nhiều.
Cửa khẩu phải thể hiện được sự mến khách, khát vọng hòa bình, ý thức dân tộc

Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn (phía Trung Quốc)
(Nguyễn Thanh Bình
Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm tỉnh Gia Lai)
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia nằm kề nhau trên bán đảo Đông Dương, có lịch sử cùng tồn tại và phát triển lâu đời. Trong suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt trong những năm của thế kỷ 20, hai quốc gia đã kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua những khó khăn gian khổ và cuối cùng đã giành được độc lập thống nhất cho dân tộc mình.
Hiện nay Chính phủ hai nước đang khẩn trương thực hiện phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Các khu kinh tế cửa khẩu ngày càng được nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch...của nhân dân hai nước. Vì vậy, việc xây dựng "Quốc Môn" tại các cửa khẩu quốc tế, quốc gia là hết sức cần thiết. Hiện tại chưa có một chuẩn mực hay là những tiêu chí cơ bản trong việc thiết kế "Quốc Môn", các địa phương dọc tuyến biên giới cũng đang lúng túng khi triển khai công tác này. Do vậy cần có những trao đổi về chuyên môn để giúp cho công tác thiết kế "Quốc Môn" được tốt hơn.
"Quốc Môn" là cửa ngõ của đất nước, là nơi để lại dấu ấn đầu tiên cho du khách khi đến Việt Nam và cũng là nơi để lại cảm xúc sâu lắng của người Việt khi rời xa hay quay về đất Mẹ. Vì vậy kiến trúc "Quốc Môn" phải thể hiện được sự mến khách, khát vọng hòa bình, ý thức dân tộc của con người Việt Nam, bên cạnh đó cũng phải thể hiện được sự bảo vệ vững chắc chủ quyền của một quốc gia độc lập, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đạt được điều đó, thông qua ngôn ngữ kiến trúc cần khai thác tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước, con người Việt Nam nói chung và mảnh đất, con người tại địa phương nơi đặt "Quốc Môn" nói riêng. Bởi vì chỉ có những giá trị văn hóa mới đảm bảo cho sự Trường tồn của một dân tộc, hấp dẫn du khách khi mới đặt chân đến và làm lưu luyến du khách khi rời xa và cũng chỉ có những giá trị văn hóa mới làm cho những người Việt xa xứ luôn hướng về Tổ quốc thân yêu của mình.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đi qua nhiều địa danh của các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ, nơi thì núi rừng, nơi thì sông nước... mỗi địa danh đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng trong mái nhà chung văn hóa Việt Nam, cần có những nghiên cứu tích cực trong quá trình thiết kế kiến trúc "Quốc Môn" để đem lại những tác phẩm giá trị có nhiều sắc thái nhưng vẫn mang hồn Việt.

Từ cổng làng đến Quốc môn
(KTS Vũ An
Hội KTS Lạng Sơn)
Cổng làng từ ngàn xa đã gắn bó với quần cư người Việt, cũng gần gũi thân thương như lũy tre làng, mái đình cây đa - nơi mà bao thế hệ văn nghệ sĩ đã lấy làm nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của mình.
Cổng cửa khẩu biên giới ngoài chức năng vốn có là công trình bảo vệ chủ quyền quốc gia còn là nơi nghênh đón tiễn đưa các đoàn ngoại giao, đón tiếp các hoạt động trao đổi kinh tế, văn hóa - xã hội với nước ngoài nên có thể gọi là "Quốc Môn". Với ý nghĩa đó, Quốc Môn phải truyền tải, giới thiệu được nét tinh hoa kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật của cả một dân tộc, tạo được ấn tượng tốt đẹp với khách quốc tế về một nền văn hóa dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời.
Những năm qua, trên các nẻo đường biên giới nhiều công trình cổng cửa khẩu đã được xây dựng giải quyết chức năng vốn có của nó là kiểm soát và bảo vệ kèm theo một vài ý tưởng kiến trúc, có cái thiên về trang trí đắp điếm, có cái được cách điệu "mạnh mẽ", có cái cổng dường như chẳng để làm gì. Nhìn chung ở ta vẫn quan niệm cổng là loại kiến trúc đơn giản, ít được quan tâm.
Đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, con đường mà chúng ta đang đi, khi đi ra khỏi biên giới quốc gia, ngoái nhìn lại ta lại thấy bóng dáng thân thương của cái cổng làng bé nhỏ năm xa trong công trình Quốc Môn hôm nay để rồi trong ký ức của mọi người Việt Nam đi chinh phục thế giới thêm tự hào về nền kiến trúc Việt Nam, chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa.

Kiến trúc cửa khẩu không thể thống nhất, hay điển hình
(TS.KTS. Nguyễn Tiến Thuận
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của kiến trúc cửa khẩu, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đặt vấn đề lấy ý kiến của các chuyên gia, nhằm nâng cao chất lượng kiến trúc cửa khẩu Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.
Việc làm (xây dựng) cửa khẩu giống nhau hay mỗi nơi một khác… đều có cách lý giải đúng cho mục đích đặt ra và đều có thể đạt tới "chất lượng kiến trúc" tốt.
Song, với tôi, nếu việc xây dựng "cửa khẩu là một loại kiến trúc thống nhất, điển hình" để nhằm "dễ nhận thấy nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" thì đây sẽ là một việc làm với thành công thấp nhất nếu không nói rằng đây là cách làm trái với giá trị bản chất của kiến trúc, của nghệ thuật kiến trúc.
Điều cốt lõi của kiến trúc - bao giờ cũng có đất sống của nó. Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc. Trên chiều dài biên giới là nơi định cư của các dân tộc có chung dòng máu Việt. Song văn hóa của từng vùng lại có những đặc sắc khác nhau.
Thử xem, chúng ta sẽ chọn nét văn hóa của dân tộc nào đây, để được thiết kế "điển hình", để đại diện cho bản sắc Việt Nam! Việc di cư văn hóa kiến trúc là việc không nên làm. Việc cố gắng nhào trộn để tìm ra một hợp chất văn hóa chung, bản sắc chung… cũng là việc không cần thiết.
Hãy để cho kiến trúc có giá trị tự thân của nó. Hãy để cho mỗi cửa khẩu, ở mỗi nơi có nét đặc sắc riêng của nó. Điều này cần cho chính cả người Việt chúng ta và càng hấp dẫn hơn đối với du khách Quốc tế. Càng khẳng định hơn sự phong phú, rộng lớn về văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt.
Kiến trúc có rất nhiều thủ pháp nghệ thuật để đạt được mục đích. Có thể, có thêm một "kiến trúc ký hiệu" (điều này dành cho quan điểm, vẫn muốn có tính thống nhất). Đó là việc ở mỗi cửa khẩu đều có một Trụ biểu giống nhau - được xem đây là ký hiệu về nơi cửa khẩu của Việt Nam.
Theo tôi vấn đề kiến trúc cửa khẩu hiện nay, không phải là việc nên giống nhau hay khác nhau, mà chính là hiện tượng "chất lượng kiến trúc" chưa cao! Nếu tất cả đều đặc sắc thì chắc chắn còn rất ít việc phải bàn.

Cửa khẩu nên là kiến trúc hiện đại
(Ông Tô Anh Tuấn
Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội)
Cửa khẩu trước nhất phải là công trình thể hiện bộ mặt của mỗi quốc gia, do đó yêu cầu về kiến trúc và văn hóa là cần thiết, tính biểu tượng là một trong những yêu cầu cần đạt được. Ngoài tính biểu tượng quốc gia, kiến trúc cửa khẩu cần thể hiện sắc thái địa phương.
Xây dựng cửa khẩu cần tính đến chức năng sử dụng lâu dài. Xu hướng du lịch qua đường bộ, việc thông thương giao dịch kinh tế thương mại và buôn bán qua cửa khẩu sẽ ngày càng lớn. Kiến trúc cửa khẩu phải đảm bảo đủ các chức năng hoạt động về chính trị, văn hóa, du lịch, kinh tế. Những chức năng này cần phải được giải quyết tốt trong thiết kế cửa khẩu. Vì vậy, cửa khẩu không đơn thuần chỉ là một cái cửa mà nó phải là một tổ hợp nhiều công trình.
Đặc trưng của cửa khẩu là thường có mặt ở các vùng biên giới hẻo lánh nên kiến trúc cửa khẩu nên theo hướng hiện đại thì mới hàm chứa đầy đủ các yêu cầu của nó. Tuy nhiên không hiện đại một chiều mà cần đảm bảo tính văn hóa địa phương, quốc gia.
Quy hoạch khu vực cửa khẩu trước hết phải có đánh giá, phân loại I, II, III… hoặc cách phân loại nào đó theo tính chất quy mô, chức năng. Trên cơ sở đó, mỗi cửa khẩu có những trọng điểm riêng như: thương mại, du lịch hay cả hai. Tương ứng với mỗi phân loại ấy là chức năng, quy mô như thế nào, cần phải phân loại rõ những chức năng mà nó phải đảm nhận. Mỗi cửa khẩu cần có các dây chuyền hoạt động khác nhau, để đáp ứng với tính chất của từng cửa khẩu.
Đã là cửa khẩu thì phải đảm bảo an ninh quốc phòng và những lúc cần thiết nó phải trở thành điểm cố thủ về quân sự.

Áp đặt tính biểu trưng, kiến trúc cửa khẩu sẽ trở nên khiên cưỡng?
(KTS Nguyễn Luận
Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
1. Cửa khẩu vốn được hình thành trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nó biểu hiện cho việc khẳng định ranh giới về địa lý, ranh giới thông thương và giao lưu của một đất nước. Vậy, nếu xuất phát từ quan điểm phát triển kinh tế toàn cầu hóa, việc xuất hiện những cái cổng cửa khẩu đối nhau giữa nước này với nước kia đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên khiên cưỡng và bản thân kiến trúc cửa khẩu lúc này sẽ không có vai trò gì lớn. Lý do đơn giản là nhiều nước châu Âu hiện nay đã không còn cửa khẩu nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không đánh giá thấp vấn đề đó mà cổng cửa khẩu có thể chỉ là một cái barie chứ không phải là tất cả những gì để bắt buộc kiến trúc phải quan tâm nhiều đến.
Về mặt kiến trúc, bản thân kiến trúc cửa khẩu của Trung Quốc cũng không có gì đặc biệt nhưng về mặt quy mô rõ ràng họ làm lớn hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cho rằng kiến trúc cửa khẩu của Lào, Thái Lan, Cam phuchia… dễ nhận diện hơn ta và có tính chất đặc trưng hơn ta thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Vì bản thân kiến trúc của các nước này vốn đều có điểm chung là thuộc vùng văn hoá cận ấn Độ nên dễ nhận diện được, trong khi Việt Nam cận Trung Quốc nhiều hơn. điều này cũng lý giải cho việc vì sao kiến trúc Việt Nam chưa có sự nhận diện rõ ràng.
2. Nếu kiến trúc cửa khẩu cần phải mang một nội hàm văn hóa hay mang tính biểu trưng của một chủ thể nào đó thì nên coi nó có ý nghĩa như một cái cổng làng xa. Cổng cửa khẩu của mỗi nước cũng giống như xa kia mỗi làng phải có cổng làng nên công trình đó không mang tính chiến lược, nhưng nếu nó hàm chứa bên trong một chút nghệ thuật và mang nội hàm văn hóa cũng là điều hay. Tuy nhiên, với thể loại công trình này nếu cứ áp đặt, đòi hỏi tìm tòi hay chế tác nhiều cũng dẫn đến sự khiên cưỡng. Hãy để cho các Kiến trúc sư tự do trong sáng tác sẽ dễ hơn nhiều. Kiến trúc không nên khiên cưỡng, không nên ép. Vì nội hàm văn hóa không thể tích động một sớm một chiều, có thể nó đầu thai ở người này, lúc xuất hiện ở người kia nhưng không phải cứ ép buộc mà ra. người Việt Nam vẫn còn chất phong kiến trong mình, họ cứ nghĩ cần một cái gì đó để khẳng định mình, nếu không mình sẽ bị tan thôi. Điều này dễ dẫn đến ta tự làm khó cho ta, khó cho các nhà kiến trúc, nhà lãnh đạo khi nhìn nhận, đánh giá về vấn đề này.
3. Tôi cho rằng khu kinh tế của khẩu mới là cái chúng ta cần quan tâm nhất, cả trên phương diện quy hoạch lẫn kiến trúc bởi đây mới là nơi thể hiện rất rõ về mặt đời sống, kinh tế, văn hóa của mỗi đất nước và dễ để lựa chọn những kiến trúc phù hợp với nó, đồng thời nó dễ biểu đạt được tính địa phương và không bị khiên cưỡng như kiến trúc cửa khẩu.
Phải thấy ngay đâu là kiến trúc Việt.
(KTS Ngô Huy Giao)
Kiến trúc cửa khẩu, không phải là hạng mục lớn tầm cỡ quốc gia, tuy nhiên ở vị trí cửa ngõ, giao tiếp với bầu bạn, nếu xếp hạng cũng phải thuộc loại 1, với những đặc thù: "Cửa khẩu". Nhiều năm qua, thông thường biên giới với các nước bạn, nhiều công trình cửa khẩu đã được thiết kế, xây dựng thận trọng, thường qua thi tuyển thiết kế. Điều dễ nhận thấy là tuy cũng hoành tráng, bề thế nhưng thường không gây ấn tượng bằng phía bên kia biên giới.
Công nghệ vận hành, lưu tuyến của công trình tuỳ thuộc điều kiện sử dụng, không phải là quá khó. Điều cần quan tâm nhiều là tính chất kiến trúc, nội hàm văn hoá.
Một cụm từ quen thuộc trong nhiều đầu bài thi tuyển kiến trúc: "Hài hoà cảnh quan, hiện đại, dân tộc". Nhóm KTS Cộng hoà Liên bang Đức đã 2 lần thành công ở Việt Nam qua 2 công trình lớn, đã 2 lần đặt câu hỏi đại ý: "Xin chỉ cho chúng tôi những đường nét dân tộc của kiến trúc Việt Nam để chúng tôi đưa vào chương trình". Để trả lời câu hỏi có phần "khô cứng" ấy, tôi đề nghị họ đi xem những công trình kiến trúc Việt Nam từ những thế kỉ trước. Và dừng lại ở những công trình người Pháp thiết kế từ những năm 20 - 30 thế kỉ trước. Sau quá trình thâm nhập văn hoá Việt Nam, người Pháp đã sáng tạo phong cách kiến trúc Đông Dương hiện đại trên cơ sở truyền thống. Dư luận quốc tế khen ngợi văn hoá Nhật Bản hiện đại trên cơ sở dân tộc. Kiến trúc Nhật Bản cũng vậy. Cảm nhận cái chất phương Đông - Nhật Bản toát lên từ mỗi không gian, mỗi đường nét của công trình. Thành công ấy phải là kết quả của quá trình tích luỹ, sáng tạo.
Vậy thì giải pháp? chưa thể sáng tạo ngay như Nhật Bản, không thể cóp nhặt cổ điển châu Âu. Cần có giải pháp đặc thù. Kiến trúc cửa khẩu phải đạt yêu cầu: từ bên kia biên giới nhìn sang đã thấy ngay là kiến trúc Việt Nam.
Kiến trúc Thái Lan, Lào, Campuchia rất rõ ở bộ mái. Việt Nam cũng có bộ mái với nhiều nét riêng. Tuy nhiên nhiều thiết kế chùa, công trình tưởng niệm của Việt Nam hiện nay cứ đúng nguyên kiểu chùa, đình cổ điển. Hoà thượng Thích Kiến Nguyệt, chủ đầu tý xây dựng nhiều thiền viện gần đây đã lí giải khác. Ông nói: Ngôi chùa tập trung nhiều người, hương khói cúng lễ, phải làm cao, rộng, không lệ thuộc vật liệu gỗ, gạch, sao lại cứ phải làm gian nhỏ, thấp. Bê tông cốt thép cho phép vượt khẩu độ lớn. Không làm đầu đao cong vút, chỉ xử lí bờ nóc, bờ chảy để tạo dáng uyển chuyển "nở hoa đao", nhưng đừng như Trung tâm triển lãm văn hoá Hoa Lư, bờ chảy nhô cả ra ngoài chỉ giới, chọc thẳng vào chính giữa Bộ Xây dựng. Các thành phần chi tiết có thể vận dụng giải pháp truyền thống. Ví như cửa bức bàn, (không trạm trổ cầu kì như cửa võng, diềm mái, ô cửa, hàng song, con tiện, hoa văn quen thuộc).
Tóm lại, với kiến trúc cửa khẩu nên từ cái nền Việt Nam truyền thống mà xử lí cho hợp với thẩm mĩ hiện đại. Vật liệu hiện đại vẫn có thể dùng, nhưng đừng quá lạm dụng, cả mặt chính đầy ắp kính màu, nhiều lời khuyên chỉ nên dùng kính 20, 30% diện tích mặt nhà. Gạch Bát Tràng mà lát nền, mà xây tường không trát thì tuyệt vời, nhưng đắt và khó kiếm, có thể dùng điểm xuyết.
Thiết kế là sáng tạo của KTS, bài viết chỉ có thể nói đôi điều suy nghĩ, gợi ý nhỏ. Mong ước những ai ngồi vào bàn thiết kế kiến trúc cửa khẩu hãy xoá bỏ lởn vởn trong đầu ý nghĩ: "cổ điển phương Tây" mà hãy luôn tâm niệm "truyền thống văn hoá Việt Nam".

Tính biểu trưng dân tộc hay kiến trúc dân tộc?
(KTS Trần Đức Hợp
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)
Nói đến cửa khẩu, sự liên tưởng đầu tiên chính từ cái nhỏ nhất là cổng nhà rồi đến cổng làng. Đối với đô thị là các cửa ô, với mỗi quốc gia thì đó là cái cổng cửa khẩu. Tuy nhiên, cái cổng làng vẫn đem lại dấu ấn sâu đậm nhất.
Cửa khẩu không nhất thiết là phải to lớn, oai vệ. Nó phải mang tính biểu tượng hay ý tưởng nào đó của một quốc gia để người ta biết đó là của Việt Nam, bước qua đó là bước sang lãnh thổ Việt Nam.
Nếu đem tiêu chí hiện đại hay dân tộc gán cho cổng cửa khẩu là điều rất khó. Tính dân tộc trong kiến trúc ? Chúng ta loay hoay đi tìm mãi mà chưa ra. Mái đình, chùa chỉ là một dạng kiến trúc tôn giáo chứ không thể nói đó là đặc tính dân tộc mà nhiều năm qua nhiều người vẫn ngộ nhận.
Nếu kiến trúc cổng cửa khẩu là hiện đại thì hiện đại nhưng vẫn phải biểu hiện được tính dân tộc (chứ không phải là kiến trúc dân tộc). Tính dân tộc biểu hiện qua các hình tượng như trống đồng… hay ở những nét kiến trúc nhiệt đới của Việt Nam. Tính địa phương trong thể loại kiến trúc này cũng khá quan trọng, nhưng trong cái địa phương vẫn phải thấy được tính quốc gia ở đó và chính tính địa phương sẽ làm nên sự phong phú cho các cửa khẩu.
Không chỉ riêng cổng cửa khẩu, khu vực cửa khẩu phải là một khu vực được quan tâm thiết kế tổng thể, trong đó cổng cửa khẩu là thành phần chính tạo ra được dấu ấn dân tộc. Một cụm công trình cửa khẩu nhất thiết phải do một KTS giỏi thiết kế thì mới tạo nên một ngôn ngữ chung. Nếu cứ giải quyết theo kiểu kinh tế thị Trường, cho 5, 7 kiến trúc sư cùng nhảy vào thiết kế sẽ chỉ đem lại một sự hỗn độn mà thôi.
Kiến trúc vùng biên giới với mỗi khu vực cửa khẩu đều phải phù hợp với điều kiện khí hậu khác nhau của từng vùng. Không thể áp kiến trúc của vùng biên giới phía Bắc có khí hậu nhiệt đới với vùng phía Nam có khí hậu lạnh. Đồng thời, nhất thiết phải có hoạch định rõ về điểm nhấn với những công trình khách sạn, nhà làm việc, trung tâm thương mại…Nhà dân nên là nhà thấp tầng chứ không thể đem nhà ở chung cư cao tầng lên khu vực miền núi để rồi lại bị đào thải như đã từng xảy ra ở Hà Giang.

Kiến trúc cửa khẩu phải dễ nhận dạng
(Họa sĩ Phạm Bình Chương
Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội)
Cửa khẩu, hay kiến trúc cửa khẩu có một chức năng hết sức đặc biệt. Ngoài việc chính là kiểm soát sự đi lại qua biên giới, nó còn ẩn chứa một nhiệm vụ rất lớn, đó là thể hiện sự hiện diện của một quốc gia.
Cửa khẩu chính là cơ hội để một quốc gia thể hiện đặc thù văn hóa và thậm chí cả thể chế chính trị hay kinh tế để có sự khác biệt với quốc gia khác. Ví dụ cửa khẩu của Trung Quốc rất đồ sộ, trong khi cửa khẩu của Campuchia lại rất nhỏ. Vậy đặc điểm của thể loại kiến trúc này là phải dễ nhận dạng ngay cả khi nhìn từ rất xa (vì điều kiện không gian ở biên giới nói chung rất rộng). Khi nhìn từ xa, người ta chỉ thấy được hình chu vi chứ không thể thấy ngay được chi tiết. Do vậy, hình thức cửa khẩu phải cô đọng và biểu dương được yếu tố hình thể nổi bật trong không gian (mà phải là nét kiến trúc đặc trưng của quốc gia đó). Ngoài ra nó phải có chất liệu bền vững và không được lỗi mốt, vì không thể vài năm ta lại xây lại cho hợp thời.
Việt Nam có biên giới với 3 nước và có nhiều cửa khẩu. nhưng hình thức của loại hình này lộn xộn, mỗi nơi một kiểu và không rõ ràng về tiêu chí, chỉ có tính nhất thời. Mặc dù vẫn thấy rất cầu kỳ về hình thức nhưng có cố đoán cũng chẳng hiểu nó là kiến trúc kiểu gì, thuộc nước nào. Nên nhớ rằng với nhiệm vụ xây dựng cửa khẩu thì cái đẹp không phải là tiêu chí hàng đầu. Cái đẹp mang tính cá nhân lại càng sai lầm khi biểu hiện một biểu tượng dân tộc. Chẳng phải ta đang tự làm bất lợi cho mình hay sao trong khi nước Mỹ có muốn cũng không thể có nổi một cửa khẩu mang tính dân tộc.
Vậy kiến trúc cửa khẩu nên như thế nào? Hãy mô phỏng kiến trúc cổ. Mái cong vút lên kết hợp với điêu khắc rồng, phượng ở đầu đao các mái đình, chùa, tam quan là biểu tượng kiến trúc độc đáo của dân tộc Việt. Hình ảnh này đã đi vào thi ca như một biểu tượng văn hóa dân tộc, và dù có trải qua hàng nghìn năm, kiến trúc cổ Việt Nam vẫn không thay đổi. Vậy đừng lo lỗi mốt. Nhiều người đều khen cửa khẩu các nước láng giềng đẹp vì đơn giản là họ lấy những nét tiêu biểu trong kiến trúc của họ để thể hiện, còn ta đã không cho họ cơ hội biết được nét đặc sấc của mái đình, mái chùa của Việt Nam. Cầu kỳ, đồ sộ thì có kiến trúc cung đình Huế như: Ngọ môn, cửa Hiển Nhơn ( Thành Nội), Văn Miếu, đơn giản là các tam quan chùa như chùa Kim Liên, chùa Keo…Song khi chuyển sang kiến trúc cửa khẩu thì nên giản lược bớt chi tiết nhưng tỷ lệ là yếu tố quan trọng nhất, là cái hồn của tinh hoa dân tộc. Chất liệu và màu sắc cũng phải được cân nhắc vì tính bền vật liệu. Lúc này cái đẹp bỗng ở đâu ló ra mà ta không đâu phải dụng công nhiều.
Không nên coi nhẹ kiến trúc và quy hoạch vùng biên giới
(PGS.TS.KTS Tôn Đại)
Cửa khẩu là bộ mặt của Tổ Quốc, cửa khẩu gây ấn tượng ban đầu rất mạnh mẽ và sâu sắc cho người nước ngoài khi mới đến nước ta, nó lại là niềm kiêu hãnh, tự hào của đồng bào ta về Tổ quốc mình. Biên giới là một con sông, bên kia cầu là cửa khẩu nước bạn có kiến trúc hoành tráng đặc sắc, bên này cầu là cửa khẩu nước mình sơ sài tiêu điều thì tủi thân biết bao.
Theo tôi kiến trúc cửa khẩu gồm hai thành phần: cái cổng đi vào và không gian sau cổng (là một đô thị, một làng xóm…)
Cái cổng:
- Kiến trúc cổng nhất thiết phải mang bản sắc Việt Nam. Bản sắc này có thể là Việt Nam nói chung hay là bản sắc địa phương của một dân tộc ít người vùng biên giới có cửa khẩu đó.
- Quy mô không nhất thiết phải to lớn. Sự hoành tráng không nhất thiết phải có quy mô đồ sộ mà ở bố cục không gian với những khoảng cách hợp lý tôn được kiến trúc chủ thể lên.
- Phong cách kiến trúc có thể theo truyền thống cổ điển hoặc hiện đại nhưng không thể lầm lẫn với kiến trúc của nước khác.
Không gian sau cổng:
Không thể để không gian sau cổng cửa khẩu là một cảnh hoang vu xơ xác. Đây là phần hồn của cổng biên giới, là lời giới thiệu về đất nước týơi đẹp, thanh bình, cởi mở hữu nghị và giàu có. Muốn thể hiện được phần hồn này thì tối thiểu sau cổng phải là một đô thị nhỏ như một thị tứ, một thị trấn. ở đấy có chợ biên giới với hàng hóa phong phú của địa phương và nhiều tỉnh trong cả nước. Hoạt động của đô thị nhỏ này bước đầu giới thiệu đất nước ta với khách ngoại quốc, nó có tầm quan trọng lớn và mang đậm bản sắc địa phương nước ta.
Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), ở sâu một chút sau cửa khẩu là công trình Hội chợ thương mại Quốc tế khá đồ sộ và đặc sắc với nhiều hàng hóa đại diện cho cả nước. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), khá sâu vào trong là chợ Đông Kinh 4 tầng to đẹp. Cửa khẩu Lào Cai có một công trình hiện đại nhưng ngay cạnh đấy có Đền Mẫu với tám mái cong kiểu chồng diêm khiến cho tính chất Việt Nam nổi bật lên rõ ràng, nó bổ xung cho công trình cổng biên giới hiện đại kia.
Tóm lại, cửa khẩu là cửa ngõ của ngôi nhà Việt Nam, không nên coi nhẹ mặt kiến trúc và quy hoạch vùng biên giới này.
Xu hướng Sử dụng vật liệu hiện đại cho cửa khẩu là tất yếu.
(KTS. trương Đình Quang
Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh Đồng Tháp)
Cửa khẩu là nơi giao lưu hàng hóa, bộ mặt của quốc gia, điểm nhấn của đô thị vùng biên giới. Thông thường về quy hoạch, phía trước phảI là một không gian lớn ngoài Quốc Môn. Vị trí cổng của khẩu với tổ hợp trạm điều hành dẫn khách cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ và thể hiện được tính dân tộc hiện đại. nhưng sẽ là điều khó khăn cho các cửa khẩu khi đi tìm đường nét kiến trúc dân tộc. Bản thân chúng ta vẫn hay đi tìm đường nét kiến trúc dân tộc qua bộ mái kiến trúc cổ. Các kiến trúc sư miền Bắc cũng đã cố tìm tòi từ ý tưởng đó nhưng qua một số công trình đã hiện diện vẫn thấy một cái gì đó còn khiên cưỡng. Do đó cửa khẩu nên mang đường nét kiến trúc địa phương, hiện đại và hoành tráng. Xu hướng sử dụng vật liệu hiện đại cho cửa khẩu là xu hướng tất yếu và dễ thực hiện hơn.

Cần nâng cao chất lượng Kiến trúc Cửa khẩu biên giới Việt Nam
(TS.KTS. Nguyễn Song Tùng
Chủ tịch Hội KTS Nghệ An)
nước ta có hơn 100 Cửa khẩu quốc gia và quốc tế với các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia đã được xây dựng với nhiều loại hình kiến trúc cửa khẩu khác nhau. Nhìn chung, kiến trúc cửa khẩu biên giới cũng đã thể hiện được vị thế, chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, chất lượng về kiến trúc cửa khẩu biên giới của ta hiện nay còn có nhiều hạn chế:
- Kiến trúc công trình còn nặng nề, một số công trình đã có những nghiên cứu tìm tòi tính biểu tượng dân tộc nhưng còn sơ sài, khó nhận thấy được những dấu ấn, nét điển hình của văn hoá dân tộc, bản địa.
- Mặt bằng công nghệ làm việc, vật liệu xây dựng trang trí, kỹ năng hoàn thiện công trình còn yếu, chưa thực sự hợp lý, thích hợp đã làm hạn chế đến sự trang trọng của công trình.
Chúng ta đều biết, Cửa khẩu là nơi giao lưu hàng hoá và giao lưu văn hoá của các dân tộc vùng biên giới. nhưng với Quốc gia, Cửa khẩu là Quốc Môn có vai trò quan trọng trong sự hội nhập và phát triển của đất nước.
Do đó, tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Tạp chí kiến trúc Việt Nam về kiến trúc Cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước hiện nay, vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Vì chất lượng kiến trúc Cửa khẩu biên giới trong thời gian tới, sau khi tiếp nhận các ý kiến về vấn đề trên,Tạp chí kiến trúc cần phối hợp với các cơ quan chức năng có tiếng nói đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, cho chủ trương nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng kiến trúc Cửa khẩu biên giới Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.
Rút kinh nghiệm từ một cửa khẩu
(KTS. Đinh Hoàng Ân
Hội KTS Tây Ninh)
Hội Kiến trúc sư Tây Ninh qua tham khảo nhiều ý kiến kể cả ý kiến của đơn vị trực tiếp quản lý Cổng cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia tại Mộc Bài, Bến Cầu - Tây Ninh, có một số ý sau:
- Việc bố trí công năng sử dụng chưa hợp lý.
- Mặt bằng sử dụng dư thừa, lãng phí.
- Bố trí phòng làm việc không thông thoáng.
- Bố trí phân luồng giao thông kém, gây ùn tắc mất trật tự.
- Về mặt hình thức kiến trúc chưa thể hiện được bản sắc dân tộc.
Từ những thiếu sót trên đưa đến tình trạng có những đơn vị quản lý công tác tại cửa khẩu phải bố trí nhân viên làm việc ngoài trời, dùng vải bạt để che nắng .
Cổng cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia tại Mộc Bài - Tây Ninh trước đây do Ban Quản lý xây dựng đường xuyên á làm chủ đầu tư, thiết kế cổng cửa khẩu này do một đơn vị thiết kế của Bộ Văn hoá - Thông tin (tên cũ) thực hiện.
Hiện công trình mới được đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nhưng đã xuống cấp nhiều. Đơn vị quản lý cũng muốn cải tạo cổng biên giới quốc gia sao cho tốt hơn và mang bản sắc dân tộc hơn.

* Ý kiến:
Tôi chỉ xin có 2 ý kiến về:
- cửa khẩu: không phải cửa khẩu nào cũng cần phải "hoành tráng" như quý vị KTS mơ ước. Tôi nghĩ giàu như Hoa Kỳ mà chỉ có những chổ nào có vị trí quan trọng thì Mỹ mới xây to đẹp hơn chứ nghèo như VN thì ...không nên. Thử đi dọc biên giới Mỹ với Mexico và Canada xem có bao nhiêu cửa khẩu và cửa khẩu nào "hoành tráng"? VN tiếp giáp với TQ, Lào, KPC thì chỉ cần xây 3 cửa khẩu "hoành tráng" nhất ở 3 nơi tạm gọi là tiêu biểu nhất: ải Nam Quan(Hữu Nghị, Lạng Sơn giáp Trung Quốc), Mộc Bài(Tây Ninh, giáp với KPC),Lao Bảo (Quảng Trị, giáp với Lào). Các nơi khác chỉ cần làm sao coi cho được một chút, qua lại thông thoáng, tiện việc kiểm tra là đủ.
- Cửa khẩu QT Mộc Bài - Tây Ninh ngay biên giới Campuchia - Việt Nam: vì tôi đã đi qua nơi đó 2 lần và đã thất vọng vô cùng về kiến trúc lẫn thái độ quan liêu hách dịch của công an & hải quan VN ở cửa khẩu này. Có lẽ vì coi đây là "quốc môn" nên lối thiết kế hết sức xa xỉ, lãng phí và rất nhiều điều bất hợp lý mà cũng chẳng hợp tình chút nào. Tôi là 1 du khách mà cảm thấy như phía chính quyền đang muốn "hành" dân mỗi khi đi qua cửa ải này, không hề thoải mái, vui vẻ chút nào; nhất là giữa trưa hè nóng bức mà bị "hành" quá đáng thì làm sao không buồn bực. Bởi vậy, nói thật, "một đi, never trở lại !".
Phiá Campuchia cũng nhếch nhác, nhớp nhúa với các sòng bài tập trung ngay biên giới như một ...thùng rác(trash) chứ không phải là casino theo kiểu Las Vegas hay Macau nhưng cửa khẩu của KPC ít ra cũng thể hiện kiến trúc dân tộc và hợp lý hơn VN. Có 3 vấn đề đặt ra:
- Cửa khẩu vừa là trạm kiểm soát an ninh biên phòng, vừa là nơi chào đón khách nước ngoài đến với nước mình nên việc kiểm tra và thái độ của công an lẫn hải quan phải vừa có sự nghiêm khắc nhưng cũng phải lịch sự, nhã nhặn; nhất là phải trả lời cho câu hỏi là bảo đảm an ninh nhưng cũng phải tạo ra sự thoải mái. Họ giúp dân hay là để ...hành dân & du khách?
- Ai cũng biết với ngành kiến trúc có 3 yếu tố quan trọng: an toàn(safety) cho công chúng; thực hiện chức năng(functional) đầy đủ & hợp lý, hợp tình; thẩm mỹ: thể hiện tính dân tộc nhưng độc đáo, sáng tạo và đơn giản thì hay hơn là rườm rà, màu mè, lãng phí vô lý.
- Thử hỏi có bao nhiêu du khách quốc tế đàng hoàng nào chui vào các casino ở đây, hay vào mua hàng ở siêu thị "Duty Free" này không? Tại sao họ không muốn vào? Đừng nghĩ rằng đây là sự chỉ trích vô tội vạ, vô căn cứ mà hãy kiểm tra lại để xem nơi đây có thật sự là một "quốc môn" chào đón du khách đến nước mình hay chưa?
(http://www.kientrucvietnam.org.vn/Web/Content.aspx?distid=8486&lang=vi-VN)

No comments:

Post a Comment