Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Vietnam(23): Chùa ở Hoa Lư

* Chùa Bái Đính là tên một ngôi chùa đang được xây dựng ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Cố đô Hoa Lư 5 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Ninh Bình 12 km và cách Hà Nội 95 km về phía Nam và cũng là một điểm du lịch - hành hương trong tương lai. Tên chùa đặt theo tên một ngôi chùa cổ trong hang động núi Bái Đính, nơi không chỉ thờ Phật tổ và Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Chùa Bái Đính cổ được phát hiện bởi đức thánh Nguyễn Minh Không(1065 - 1141) là người đã biến các hang động thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Bái Đính còn là cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII của các vua nhà Trần. Dự án mở rộng chùa Bái Đính thành một khu chùa, theo dự kiến, sẽ hoàn thành vào năm 2010 để phục vụ đại lễ 1000 năm Hoa Lư-Thăng Long-Hà Nội. Khi hoàn thành, đây có thể là khu chùa có quy mô lớn nhất Việt Nam. Tương lai, nó sẽ trở thành trung tâm của Việt Nam Nơi đây có thể sẽ trở thành một khu văn hóa tâm linh với nhiều kỷ lục Phật giáo Việt Nam và khu vực. Người ta hy vọng đây sẽ là điểm đến rộng lớn hấp dẫn nhất của rất nhiều du khách trong và ngoài n­ước. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng nhưng chùa Bái Đính đã thu hút khá đông du khách về thăm quan, chiêm bái. Chùa khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 17 tháng 5 năm 2008 nhân dịp cùng với khu di tích Yên Tử, vịnh Hạ Long(Quảng Ninh) đón đoàn đại biểu các nước về chiêm bái trong chương trình đại lễ Phật Đản thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam.

Kiến trúc

Chùa Bái Đính có diện tích rộng 700 ha. Hiện đã và đang hoàn thiện một số công trình chính trong giai đoạn 1, mới sử dụng 50 ha, gồm các hạng mục: tam quan nội, tháp chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, chùa Pháp Chủ, điện Tam Thế, hành lang La Hán, giếng ngọc. Đến giai đoạn 2, khu chùa Bái Đính mở rộng hết diện tích 700 ha, sẽ xây dựng thêm các công trình: tháp Bồ Đề 9 tầng, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà tăng thiền viện, khu nhà khách, khu bảo tàng Phật giáo Việt Nam, v.v...
Tam quan nội: Xây dựng toàn bằng gỗ tứ thiết cao tới đỉnh 16,5 m, có chiều dài 32 m, rộng 13,5 m. Điều độc đáo là có 4 cột cái bằng gỗ tứ thiết, mỗi cột cao 13,85 m, đường kính 0,85 m, nặng khoảng 10 tấn. Tam quan có 3 tầng mái uốn cong ở bốn phía, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Đây là một tam quan lớn, đồ sộ, đều dựng bằng gỗ. Trong tam quan đặt 10 t­ượng Hộ Pháp bằng đồng, có hai tượng lớn, mỗi t­ượng cao 5,5 m, nặng 12 tấn.

Tháp chuông đ­ược xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, kiến trúc theo kiểu tháp chuông cổ, hình bát giác, cao 22 m. Đ­ường kính trong tháp là 17 m, tính phủ bì đến chân đế đ­ường kính là 49 m. Tháp chuông cao 3 tầng, có 3 tầng mái cong, gồm 24 mái với 24 mái đao cong vút lên. Tháp chuông treo một quả chuông nặng 36 tấn đúc tại Huế. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam (Phá kỷ lục Việt Nam)”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.

Điện Quan Thế Âm Bồ Tát: Xây dựng toàn bằng gỗ tứ thiết, 100% kiến trúc bằng gỗ. Điện cao 14,8 m, dài 41,8 m, rộng 17,4 m, gồm 7 gian. Gian giữa của điện, trên bệ cao, đặt tư­ợng Quan Thế Âm Bồ Tát, có gần 1.000 mắt và 1.000 tay, đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 9,57 m. Đây cũng là một pho t­ượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.

Chùa Pháp Chủ: Xây dựng toàn bằng bê tông cốt thép giả gỗ rất đồ sộ, hoành tráng, cao 30 m, chiều dài 47,6 m, chiều rộng 43,3 m, gồm 2 tầng mái cong. Điện có 5 gian, gian giữa rất rộng dài đến 13,5 m, 4 gian hai bên, mỗi gian dài 8 m. Điều đặc biệt ở chùa Pháp chủ là ở gian giữa trên bệ cao, đặt một pho t­ượng lớn bằng đồng nguyên khối, cao 10 m, nặng 100 tấn. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam” ngày 4 tháng 5 năm 2006. Trong điện treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng. Đây là bức hoành phi và cửa võng lớn nhất Việt Nam, mới chỉ có ở chùa Bái Đính.

Điện Tam Thế:Tọa lạc ở trên đồi cao, so với mặt n­ước biển là 76 m. Đây là một toà rất cao, rộng, đồ sộ, hoành tráng nhất ở khu chùa Bái Đính. Tòa nằm trên đồi cao nhất vùng, cao tới 34 m, dài 59,1 m, rộng hơn 40 m, diện tích trong nhà khoảng 3.000 m2. Trong điện Tam Thế cũng treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn và đặt 3 pho t­ượng Tam Thế bằng đồng nguyên khối, mỗi tượng cao 7,2 m, nặng 50 tấn. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Ngôi chùa có bộ t­ượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.

Hành lang La Hán: Gồm 234 gian, ở hai phía Đông Tây, có chiều dài 1.052 m. Trong các gian nhà hành lang đó đặt 500 tư­ợng La Hán bằng đá nguyên khối to, mỗi tượng cao 2,4 m, nặng khoảng 4 tấn, do bàn tay các nghệ nhân làng nghề đá xã Ninh Vân,huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình chế tác. Ở Việt Nam ch­ưa có một ngôi chùa nào có nhiều tượng La Hán bằng đá như ở chùa Bái Đính.

Giếng ngọc.Đó là giếng ngọc của chùa Bái Đính cũ được xây dựng lại nằm gần chân núi Bái Đính mà cách đây gần 1.000 năm Thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy n­ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Thái tử Dương Hoán. Giếng xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của n­ước là 6 m, không bao giờ cạn n­ước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.

* Những kỷ lục
Từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đi vào đến núi Bái Đính chỉ khoảng 20km. Cách xa 2-3km đã thấy 2 ngôi chùa như hai búp sen khổng lồ mọc vững chãi trên vách núi, nối tiếp nhau, với những mái đao cong vút, xanh biếc. Tòa nằm phía trước, bên dưới gọi là Pháp Chủ điện. Tòa nằm phía trên, cách khoảng 100m, gọi là Tam Thế điện. Phía ngoài cùng, ngay con đường quanh co dẫn lên chùa, cách Pháp Chủ điện khoảng 300m là gác chuông 3 tầng, 24 mái. Đây là nơi sẽ đặt một quả chuông nặng tới 36 tấn. Hiện tại, hai hạng mục gồm cổng tam quan (chạy dài hơn 200m) và hai hành lang tượng La Hán (nằm ở hai bên, dẫn từ cổng tam quan lên gần sát Tam Thế điện với chiều dài khoảng 500m, mỗi bên đặt 250 tượng La Hán bằng đá trắng) mới bắt đầu được động thổ. Cả một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính, nhìn ra hồ Đầm Thị ở phía Bắc và xa hơn nữa là sông Hoàng Long. Đứng ở sân chùa Bái Đính trông ra, bốn bề là cảnh sông nước và núi đá vôi rất hữu tình, mang nét đặc trưng hiếm có của vùng Gia Viễn (Ninh Bình)- vốn được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”. Mặc dù đến nay, ngôi chùa vẫn chưa xây dựng xong, mới hoàn tất được khoảng 70% công việc, xây dựng chùa, nếu tính cả dự án gồm nhiều hạng mục như hồ, suối, khu vui chơi giải trí, hang động, đường sá… thì mới chỉ đạt 30%, nhưng danh tiếng của nó đã lan rộng ra khắp các vùng vì những kỷ lục đáng ngạc nhiên mà từ xưa đến nay chưa từng gặp ở Việt Nam.
Kỷ lục đầu tiên chính là sự bề thế và hoành tráng của ngôi chùa. Ngôi Tam Thế điện có diện tích lên tới 2.400m2, gồm 12 mái, với những cây cột cao từ 22-30m. Mỗi cây cột có đường kính 80-90cm, 2-3 vòng tay người ôm. Ngôi Pháp Chủ điện, cây cột cao nhất cũng lên tới 27m và rộng gần 2.000m2 (trong khi những ngôi chùa lớn hiện nay cũng chỉ rộng 150m2). Bước vào, khách phải ngước lên mỏi cổ mới nhìn thấy xà nhà. Bên trong chằng chịt giàn giáo xây dựng.
Theo anh Ngô Xuân Chiến, một thợ mộc đang thi công ở đây cho biết, chỉ riêng phần mái của ngôi Tam Thế đã rộng tới 4.000m2. “Toàn bộ phần mái, chủ đầu tư đã mời thợ từ tận TP. Huế ra lợp. Họ phải lợp trong 3 tháng liền mới xong. Mỗi ngày chỉ lợp được 2 hàng ngói”- anh kể.
Thế nhưng, điều còn gây sửng sốt hơn là những pho tượng Phật lớn chưa từng thấy ở Việt Nam, được đúc và đặt ở Tam Thế điện và Pháp Chủ điện. Đây là những pho tượng Phật khổng lồ được đúc bằng đồng nguyên khối nhập từ Nga về, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng ở Ý Yên (Nam Định) thực hiện. Nóc chùa đã cao lút tầm nhìn, đầu các pho tượng (ngồi) cũng chạm lên tận xà nhà.
Bởi vậy, người ta phải định vị tượng vào tòa sen trước rồi mới tiến hành xây dựng khung chùa. Trong đó, theo chủ đầu tư cho biết, riêng 3 pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng tới 50 tấn. Còn pho tượng Pháp Chủ đặt trong Pháp Chủ điện thì nặng tới 100 tấn. Riêng phần bệ xây để đặt đài sen đã cao ngang mặt một người lớn.
Ngay khi vừa bước vào chùa, nhiều người đã phải giật mình trước kích cỡ của pho tượng lớn chưa từng thấy bao giờ. Đây được coi là pho tượng không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất cả khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn có 2 quả chuông cũng được coi là lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, gồm nặng 27 tấn và 36 tấn, do chính nghệ nhân đúc Nguyễn Văn Sính ở TP. Huế trổ tài. Hiện hai quả chuông đã được vận chuyển về đến chùa Bái Đính, sau Tết Nguyên đán sẽ được treo lên.
Điều còn khiến chúng tôi bất ngờ hơn là khu vực đang tập kết tượng La Hán trên mỏm đồi ở phía trước Tam Thế điện. Tất cả có khoảng 200 pho tượng đá trắng nguyên khối, mỗi pho cao quá đầu người (2,3m), đặt thành hàng lối như một “rừng tượng”. Mỗi pho đều được đánh số theo thứ tự.
Anh Nguyễn Khắc Hùng, một thợ tạc tượng, cho biết: “Đây chỉ là một phần trong tổng số 500 pho tượng La Hán sẽ được đặt dọc dãy hành lang La Hán do thợ tạc tượng ở làng đá Ninh Vân (Hoa Lư-Ninh Bình) thực hiện. Còn 200 pho tượng nữa hiện chúng tôi đang gấp rút hoàn thành. Để làm xong số tượng này, chúng tôi phải đục đẽo ròng rã suốt 3 năm trời”.
Ở đây, cái gì cũng lớn, cũng làm người ta phải ngạc nhiên, từ tầm cỡ của ngôi chùa, các pho tượng đến số lượng thợ tham gia, số lượng gỗ, đá được sử dụng. Bởi vậy, đi từ đầu chùa đến cuối chùa, ở đâu người ta cũng phải sử dụng đến chữ “đại” để gọi tên, như đại hồng chung, đại tượng, đại Phật tự… mới cảm thấy diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa của công trình “đệ nhất nước Nam” này.
Để kịp tiến độ, bất chấp tiết trời lạnh thấu xương, hơn 500 công nhân gồm hàng chục cánh thợ đến từ những vùng nổi tiếng về xây dựng, mộc, điêu khắc, sơn mài, đúc tạc như Quế Võ, Từ Sơn (Bắc Ninh), Kim Sơn, Yên Mô (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định), TP Huế… gần như quên ăn quên ngủ để làm việc. Họ phải “đánh vật” với những khúc gỗ dài hơn 10m, đường kính gần 1m trong cả đống gỗ 8.000m3. Toàn là gỗ quý như sến, táu, dổi, lim, vàng tâm… Cưa xẻ, đục đẽo ầm ầm. Quanh chùa, trên đỉnh núi, lán trại, nhà xưởng của công nhân dựng chi chít như trại lính. Cả khu núi Bái Đính hoang vu trở thành một đại công trường với máy xúc, máy ủi, xe benz chở đất, xe tải chở gỗ, gạch ngói… chạy suốt ngày đêm. Ông Nguyễn Văn Chiến, 50 tuổi, thợ cả phụ trách một cánh thợ 60 người ở làng Cung Kiệm, xã Nhân Hòa (Quế Võ- Bắc Ninh), đang thi công dãy hành lang đặt 500 tượng La Hán, bảo: “Chúng tôi đã từng đi ra tận đảo Phú Quốc, lên tận Móng Cái (Quảng Ninh) để dựng chùa chiền, nhà cửa mà chưa thấy ở đâu có ngôi chùa lớn như thế này”. Mặc dù chùa vẫn chưa xong nhưng ngày nào cũng có hàng trăm khách mò mẫm tìm vào cúng bái. Người dân đội mũ bảo hiểm, đi xe máy đến tham quan cũng có. Ôtô chở khách du lịch theo tour ghé qua cũng có. Trước 3 pho tượng Tam Thế và tượng Pháp Chủ, khói hương đã bắt đầu nghi ngút.Theo ông Nguyễn Văn Công, tổng chỉ huy xây dựng công trình chùa Bái Đính, thì cả khu chùa rộng tới 107ha. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của dự án xây dựng trung tâm du lịch “tâm linh văn hóa” Tràng An rộng gần 2.000ha do Công ty TNHH Xuân Trường (một doanh nghiệp chuyên hoạt động về xây dựng ở Ninh Bình) làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Trường - chủ đầu tư dự án- cho biết, chùa Bái Đính sẽ xong phần ngoại thất vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

* Các chùa ở Hoa Lư
Chùa Tháp

Chùa Tháp là ngôi chùa cổ mà nay chỉ còn lại vết tích ở nền sông Hoàng Long. Trong số tảng đá chân cột, có những viên hình vuông cạnh hơn 1m và vòng tròn ở giữa có
đường kính 0,68 m.
Chùa Bà Ngô

Chùa Bà Ngô được coi là xây từ thời
nhà Đinh. Ở đây còn có tấm bia thời nhà Nguyễn ghi rằng: "Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam ở đô cũ nước Đại Việt ".
Chùa Một Cột

Chùa Một Cột (Nhất Trụ tự) là ngôi chùa nhỏ nhất ở đây. Chùa này không còn giữ được dấu vết gì của kiến trúc cổ. Chùa có tên như vậy là do trước chùa có một cột đá cao hơn 3 m, có 8 mặt, trên các mặt khắc bài thần chú trong kinh Lăng Nghiêm
và một số bài kệ. Cột đá này được dựng khoảng năm 995. Trên cột đá còn thấy các chữ "Đệ tử Thăng Bình hoàng đế tả tạo". (Hoàng đế Thăng Bình tức vua Lê Hoàn).
Ngoài ra, trong lòng đất Hoa Lư, cách
Đền Thờ vua Đinh khoảng 2 km, người ta đã tìm ra được gần 20 cột kinh thời Đinh. Đó là những cột đá có 8 mặt, dài trong khoảng từ 0,5 m đến 0,7 m. Trên tất cả các cột này đều có khắc bài thần chú Phật đinh tôn thắng đà la ni. Các cột đinh này được dựng trong các năm khác nhau. Trên một cột kinh tìm được năm 1964, ngoài bài thần chú trên, còn có một bài kệ bằng chữ Hán khá dài, liên quan đến Phật điện Đại Thừa.
Chùa Bàn Long

Chùa Bàn Long ở thôn Khê Đầu thượng, xã Ninh Xuân, huyện
Hoa Lư. Bàn long là ngôi chùa có rất sớm ở nước ta được hình thành trước thời Đinh, cách đây hơn 10 thế kỷ. Chùa Bàn Long không xây Tam Quan, trước khi vào chùa phải đi qua cây cầu đá. Đó cũng là điều độc đáo có ở các chùa trên vùng đất Hoa Lư. Gọi là chùa Bàn Long vì chúa Trịnh sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: “Bàn Long Tự” trên vách cửa động. “Bàn Long” là bệ rồng - bệ đá rồng ngồi.

No comments:

Post a Comment