Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Việt Nam(32):

Vì sao bộ mặt đô thị Việt Nam bị chắp vá?
TTO-Giáo sư Michael Leaf hiện giảng dạy tại Trường quy hoạch cộng đồng và vùng, đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học British Columbia, Canada. Ông có hơn 20 năm nghiên cứu về đô thị hóa và quy hoạch đô thị tại châu Á, trong đó có bốn nghiên cứu và một số tư vấn về quản lý đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Sau đây là cuộc trò chuyện với ông về một số vấn đề đô thị tại VN nhân chuyến công tác ngắn ngày của ông tại TP.HCM.
* Quy hoạch đô thị đang là vấn đề nóng tại các thành phố lớn ở VN, nhất là sau trận lụt lịch sử tại Hà Nội, đợt ngập triều và sự xuất hiện của những “lô cốt” trên đường phố TP.HCM - những con đường vốn đã thường xuyên kẹt xe từ trước đó. Vậy vai trò thật sự của quy hoạch ở đâu trong những vấn nạn này?
- Khi bạn nhìn vào một thành phố lộn xộn và có nhiều vấn nạn, bạn có thể có hai cách lý giải: thành phố đó không được quy hoạch tốt, hoặc là quy hoạch thành phố không được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Quy hoạch đô thị tại VN có vai trò tương đối mờ nhạt trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị. Thực tế này có lẽ trước tiên là do hệ thống luật pháp giúp thực thi quy hoạch tương đối yếu kém. Quy hoạch vẫn chỉ mang tính “đề xuất” và việc diễn giải từ quy hoạch và các quy định về quy hoạch ra thực tiễn còn tùy hứng và dẫn đến những kết quả rất khác nhau.
Một dẫn chứng là một dự án cao ốc mới được phê duyệt tại TP.HCM mà tôi đọc trên báo. Dự án không phù hợp cả về kiến trúc và quy mô và sẽ tạo ra quá nhiều lỗi giao thông với khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố nhưng vẫn được phê duyệt. Tôi e rằng dự án được phê duyệt không phải vì sự phù hợp với quy hoạch chung mà vì mối quan hệ chính trị hoặc kinh tế mà chủ dự án có được. Như vậy quy hoạch không có đủ quyền lực để giúp giải quyết những vấn nạn của đô thị.
* Theo giáo sư, bên cạnh các vấn đề vốn nằm trong tay chính quyền như thiết chế trong thực thi và quản lý quy hoạch, hay trong tay giới chuyên môn như việc thu hẹp khoảng cách giữa quy hoạch và kế hoạch, thì điều gì từ chính người dân sẽ giúp nâng cao chất lượng sống trong đô thị?
- Tôi nghĩ chất lượng cuộc sống đô thị phụ thuộc rất nhiều vào việc con người đối xử với nhau như thế nào hơn là sự hoành tráng, nguy nga của các tòa nhà. Chính điều này làm cho các thành phố của VN, nơi giàu có về các giao tiếp nhân bản giữa con người với con người, vẫn là những đô thị tốt để sinh sống.
Điều tôi lo lắng là điểm tích cực này dường như đang giảm đi cùng với sự xuất hiện của những khu đô thị mới vốn không có chỗ cho người nghèo. Thách thức lớn nhất đối với TP.HCM trong những năm tới là dòng người nhập cư tiếp tục đổ vào thành phố từ các vùng quê và chúng ta sẽ đối xử với những con người đó như thế nào, cũng như những người giàu hơn sẽ đối xử với người nghèo hơn như thế nào!* Ông đã nhắc đến thiết chế thực hiện quy hoạch lỏng lẻo tại VN. Còn từ góc độ chuyên môn: phương pháp và thực hành quy hoạch, liệu có vấn đề gì mà ông cho là nguyên nhân dẫn đến những vấn nạn đô thị kể trên?
- Một vấn đề cốt lõi trong phương pháp quy hoạch là sự tồn tại ranh giới giữa quy hoạch xây dựng đô thị (khía cạnh phát triển về hạ tầng, kỹ thuật và kiến trúc của một thành phố) và kế hoạch (hay còn gọi là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) của thành phố đó. Vai trò của quy hoạch mới chỉ là thực hiện kế hoạch: xây dựng bao nhiêu căn nhà, mở bao nhiêu kilômet đường, nối bao nhiêu cây cầu...
Về mặt tổ chức chính quyền, quy hoạch, thuộc lĩnh vực xây dựng, và kế hoạch, thuộc lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, vẫn còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý riêng biệt và dường như ít đối thoại với nhau. Tôi nghĩ để giải quyết những vấn nạn trong đô thị VN hôm nay, quy hoạch phải lồng ghép các mục tiêu kinh tế - xã hội vào trong các bản vẽ thay vì chỉ tập trung vào việc tạo dựng hình ảnh bề ngoài của đô thị. Và việc không am hiểu các khía cạnh kinh tế - xã hội trong quá trình quy hoạch xây dựng đô thị cũng làm hình ảnh thành phố bị biến dạng và chắp vá so với ý đồ thiết kế.
Tại Canada cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, các nhà quy hoạch (planner) đảm đương cả hai vai trò: đề xuất chiến lược phát triển kinh tế và kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng.
* Nhưng cùng với sự phân cấp quản lý quy hoạch về cấp quận và phường, các yếu tố kinh tế - xã hội trong nhận thức của địa phương thường mâu thuẫn với quy hoạch của toàn thành phố và dẫn đến quang cảnh chắp vá của đô thị hóa vùng ven như trong nghiên cứu của giáo sư đã phản ánh?
- Đúng thế. Chính quyền thành phố đề xuất các bản quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận, quyết tâm của chính quyền cấp quận/huyện và cả cấp phường/xã trong việc thực hiện bản quy hoạch chung đó cũng như quản lý đô thị.
Đặc điểm chung của đô thị hóa vùng ven tại TP.HCM là sự chắp vá, nhất là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vô nguyên tắc. Sự chắp vá này dẫn đến những tác hại về môi trường và xã hội. Sự chắp vá trong đô thị hóa cũng phản ánh phần nào sự chắp vá trong thực hiện và quản lý quy hoạch. Theo số liệu của Niên giám thống kê TP.HCM 2008 thì dân số thành phố năm 2007 là 6,7 triệu người. Tuy nhiên, một con số ước lượng có từ năm 1998 thì dân số lúc đó đã là 7,5 triệu, trong khi số liệu chính thức tại cùng thời điểm là 5,1 triệu.
Hơn 2 triệu người “lọt sổ” này không trốn đi đâu cả. Nếu anh đến bất cứ ủy ban phường nào mà hỏi thì cán bộ ở đó đều nắm rất vững những người dân đó đang ở đâu. Khi đến các cơ quan địa phương và nói chuyện với người dân thì hầu như ai cũng nói là thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát việc xây dựng. Thoạt nghe người ta sẽ có cảm tưởng rằng đây là một thành phố không có kiểm soát, không ai là người chịu trách nhiệm. Thật ra vấn đề là ở chỗ hệ thống chính quyền khá phức tạp nhưng đang còn phân mảng, chồng chéo và mâu thuẫn về trách nhiệm và quyền lợi - đây chính là những điều kiện đằng sau những biến đổi hiện nay tại vùng ven của thành phố.Khi kinh tế thị trường phát triển, vùng ven được công nghiệp hóa và di dân đổ về ngày càng nhiều. Nhiều nông dân bỏ nghề nông, xây nhà trọ trên đất thổ cư và cho thuê. Tại một làng vùng ven phía tây TP.HCM, có 20% số hộ trong làng đã kinh doanh nhà trọ và số người ở trọ khoảng 12.500 người, xấp xỉ số dân của làng.
Đây là một hình thức kinh doanh không hợp pháp cả về các quy định xây dựng cơ bản lẫn về hợp đồng thuê nhà, tuy nhiên đã được cán bộ địa phương chấp thuận, thậm chí khuyến khích. Sự chấp thuận này được lý giải là do nhà trọ không chỉ tạo ra nguồn thu trực tiếp cho chính quyền và người dân địa phương mà còn tạo ra chỗ ở rẻ, do đó chi phí lao động sẽ thấp và giúp tăng khả năng cạnh tranh của địa phương trong thu hút đầu tư.
Ở một phường ven đô khác, dân cư chỉ có 40.000 người nhưng đã có 200 nhà máy và hơn 1.500 cơ sở kinh doanh hộ gia đình. Đi dọc các con đường chính trong phường, anh sẽ thấy những nhà máy quy mô nhỏ nằm rải rác, xen lẫn khu dân cư và các cửa hàng kinh doanh trong phường.
Nhà ở bình dân và công nghiệp hóa quy mô nhỏ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị hóa vùng ven nhưng dường như đã tuột khỏi sự quản lý của thành phố và nằm trong tay chính quyền cấp thấp hơn. Sự quản lý này càng trở nên khó khăn hơn khi quyền lực nhà nước do chính quyền địa phương nắm giữ không địch lại các quyền lực xã hội khác như một hội đồng thôn, một ông chủ lớn quen biết rộng hay một băng nhóm tội phạm. Thiết chế quy hoạch là rất quan trọng và thiết chế đó phải được đồng thuận trong mọi cấp quản lý của hệ thống chính quyền.
Ở các vùng ven thành phố, sự xuất hiện của các dự án bất động sản quy mô nhiều khi không đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại địa phương mà đồng nghĩa với việc phải di dời đến những nơi ở mới không phù hợp với lối sống và việc kiếm sống của họ. Như vậy quy hoạch xây dựng đô thị không hẳn giúp phát triển kinh tế - xã hội cho những người dân vốn là đối tượng của quy hoạch.

2007: Thủ đô Hà Nội mở rộng diện tích gấp 3 lần hiện nay
Quy hoạch tổng thể Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Hiện quy hoạch mở rộng địa giới hành chính và Vùng thủ đô đang được hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Hà Nội có thể mở rộng diện tích gấp 3 lần diện tích hiện nay.
Đường hiện đại - phố "nhà quê":


Tuyến phố “lẩu thập cẩm”:Tháng 5/2007, đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa hoàn thành và đưa vào đưa vào sử dụng. Tâm trạng buồn vui đan xen đến với nhiều người khi con đường hoàn tất. Có trên 1.000 hộ trong diện giải phóng mặt bằng dự án (khoảng 5,6 ha đất), với số tiền GPMB lên đến trên 600 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị xây lắp của 1km đường vào khoảng 100 tỷ đồng. Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có mặt cắt 50 m với 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ được coi là con đường hiện đại nhất Hà Nội. Con đường hoàn thành và cũng có gần 1.000 hộ từ ngõ ngách không tên bỗng trở thành mặt tiền phố lớn. Giá đất của khu vực tăng đột biến. Có những vị trí trước khi làm đường, giá 1 m2 đất chỉ 40 triệu đồng thì nay đã được đẩy lên trên 100 triệu đồng/m2. Sơ bộ, giá trị đất của khu vực tăng lên sau khi có đường cũng bằng đủ số tiền xây dựng tuyến đường. Khoản lợi này rơi vào tay những hộ dân may mắn, Nhà nước không thu được một xu. Tuyến phố hiện như một nồi “lẩu thập cẩm”. Những ngôi nhà đủ các hình dạng nham nhở (tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình bình hành, hình thang...) mọc lên. Và cũng đủ kích thước, rộng vài chục mét vuông, cả trăm mét vuông nhưng cũng có ngôi nhà chỉ rộng hai chục mét vuông. Đặc biệt, trên tuyến phố có dải đất dài 18 m (rộng một đầu 30cm, một đầu khoảng 1m) đã được chia làm 4 ô lắp mái tôn cửa khung nhôm kính. Đoạn phố còn là nơi thể hiện của hàng loạt kiểu dáng kiến trúc “đông - tây, kim - cổ” kết hợp, đủ màu sắc. Hơn thế, con đường mới không phải là con đường cũ mở rộng mà chạy song song với con đường cũ. Vậy là khoảng cách giữa hai con đường đã tạo thành một dãy phố. Tuyến phố bám con đường đắt nhất hành tinh có một diện mạo chẳng giống ai!Trước đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng tuyến phố hai bên con đường này. Có nghĩa là mỗi bên đường được mở rộng thêm 50 m, tạo thành quỹ đất khoảng 11 ha. Diện tích đất này sẽ được xây dựng những chung cư cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ tái định cư tại chỗ và tạo nguồn kinh phí đầu tư cho con đường. Đặc biệt, sau khi tuyến đường hoàn thành Hà Nội sẽ có được một tuyến phố văn minh, hiện đại. Rất tiếc, điều này đã không thực hiện được!
Lại thêm những tuyến phố nham nhở?!
Hiện thành phố Hà Nội đang giao Ban Quản lý các dự án trọng điểm (Ban trọng điểm) chuẩn bị đầu tư đường vành đai 1 (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Voi Phục). Tuyến đường có chiều dài 2,7 km. Ba phương án (PA) được chủ đầu tư đưa ra. PA 1: Đường có quy hoạch 50 m (theo quy định 1998)- giống như đoạn Kim Liên- Ô Chợ Dừa. Trong đó khoảng 1,5 km tuyến chạy song song với đường La Thành, chiều dài còn lại chạy trùng với đường La Thành; PA2: Mặt cắt đường thu hẹp còn 32 m nhưng sẽ được xây dựng thêm đường bê tông trên cao nằm đúng tim đường quy hoạch; PA 3: Tận dụng đường La Thành, xây dựng đường mới và đường bê tông trên cao. Tổng mức đầu tư lần lượt cho 3 phương án là: 2.468 tỷ đồng; 2.695 tỷ đồng và 3.066 tỷ đồng. Trong các văn bản góp ý kiến cho việc xây dựng tuyến đường này, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Sở GTCC Hà Nội, Sở QHKT... đều ngả theo phương án 1. Các cơ sở để đưa ra định hướng là: PA 1 đảm bảo quy hoạch được duyệt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ trên toàn tuyến, khai thác đơn giản, đảm bảo mỹ quan đô thị (!?)...Tuy nhiên, cũng như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, phương án quy hoạch và xây dựng tuyến phố hai bên đường không được tính đến. Dự kiến có khoảng gần 3.000 hộ dân trong diện phải GPMB. Số tiền dành GPMB (theo phương án 1) dự kiến đắt gấp 8,3 lần số tiền xây lắp đường. Để làm con đường này, Hà Nội vẫn phải dùng vốn vay và vốn đối ứng trong khi đó, phương án phát triển quỹ đất tạo vốn xây dựng đường, tạo khu tái định cư tại chỗ cho dân lại bị “bỏ quên”. Điều hiển nhiên là nếu thực hiện PA 1, Hà Nội lại có thêm những tuyến phố với hàng ngàn ngôi nhà lộn xộn, nham nhở mọc lên. Phải chăng Hà Nội quá nhiều tiền nên không tính đến việc tạo vốn từ quỹ đất hai bên đường?
Nếu không thay đổi tư duy về việc phát triển đường gắn chỉnh trang, xây dựng tuyến phố, không biết đến bao giờ Hà Nội mới có được những tuyến phố văn minh, hiện đại xứng đáng với tầm vóc Thủ đô.

Sẽ phá dỡ công trình vi phạm trên con đường "đắt nhất hành tinh?

Dân đã có phản ánh về những nghịch lý đô thị tại Hà Nội, trong đó có nêu về tình trạng xây dựng lộn xộn, nham nhở trên trục đường của tuyến phố mới Kim Liên-Ô Chợ Dừa. Về phía quận, ông Trần Đức Học- Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết:Đối với các công trình cố tình xây dựng trên những mảnh đất nhỏ lẻ (nhà siêu mỏng, siêu nhỏ-PV), không đúng quy định trên trục đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa, quận sẽ chỉ đạo các phường kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các phần vi phạm. Về trách nhiệm, lãnh đạo quận Đống Đa cho rằng, việc buông lỏng quản lý để các hộ dân xây dựng sai quy định trên tuyến đường này trước hết thuộc trách nhiệm của các phường.Xung quanh tình trạng xây dựng lộn xộn trên trục đường của tuyến phố mới Kim Liên-Ô Chợ Dừa, ngày 15/5, lãnh đạo Sở Xây dựng HN cho biết Sở sẽ phối hợp các quận xử lý nghiêm những công trình vi phạm, gây mất mỹ quan đô thị.

Quy hoạch tổng thể Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030:Hiện quy hoạch mở rộng địa giới hành chính và Vùng thủ đô đang được hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Hà Nội có thể mở rộng diện tích gấp 3 lần diện tích hiện nay. Cùng với việc mở rộng địa giới, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc kết nối các tỉnh lân cận với Thủ đô, sửa chữa, xây dựng xong 8 cầu bắc qua sông Hồng vào Hà Nội.
Theo đề án, Hà Nội sẽ có các tuyến cao tốc: Hà Nội-Thanh Hoá, Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, Láng Hoà Lạc-Hoà Bình; siêu cao tốc: QL5, QL18; hoàn thiện 5 tuyến đường vành đai.
Bên cạnh việc xác định là một trung tâm chính trị lớn-kinh tế-văn hoá lớn của khu vực, Hà Nội sẽ hình thành các khu nghỉ dưỡng ven Hồ Tây, khu ẩm thực Bắc Thăng Long, khu phố cổ mua sắm chất lượng cao cho du khách quốc tế…
Năm 2020, Hà Nội sẽ có 11 cây cầu lớn
Theo Đề án quy hoạch phát triển giao thông đô thị Hà Nội đến năm 2020 toàn thành phố sẽ có 11 cây cầu (gồm 8 cầu vượt sông Hồng, 3 cầu vượt sông Đuống). Các chuyên gia nghiên cứu của HAIDEP (Chương trình phát triển đô thị tổng thể Hà Nội do Nhật Bản tài trợ) cho biết, hệ thống cầu vượt sông sẽ không đấu nối trực tiếp với trung tâm Thành phố, nhằm hạn chế các luồng giao thông đi xuyên tâm, gây tắc nghẽn nghiêm trọng.
Theo đó, hệ thống cầu sẽ được xây dựng nhằm giảm tải các luồng giao thông qua cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì (đang hoàn thành), kết nối trung tâm với tả ngạn sông Hồng, bao gồm: Cầu Nhật Tân, Đông Trù, Thượng Cát, Mễ Sở, Long Biên (sửa chữa)… Theo quy hoạch mới nhất, hệ thống cầu vào Hà Nội sẽ được xây dựng hiện đại từ 4-6 làn xe.


Theo Đề án 2007, đến năm 2010, tỷ trọng GDP của Hà Nội bằng 10% GDP cả nước, năm 2015 là 12% và năm 2020 là 14%. Tỷ trọng này vào khoảng 15,5-16% vào năm 2030.Cùng với đó, bộ mặt quy hoạch đô thị Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi lớn. Sở KH-ĐT Hà Nội-đơn vị dự thảo đề án cho biết, đến năm 2020 quy mô dân số Hà Nội ước khoảng 5,1 triệu người (trong đó có 600.000 dân vùng phụ cận); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 85%; lao động đã qua đào tạo lên tới 70%. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội dự kiến đạt 2.500 USD/người/năm, gấp 2,2 lần mức bình quân chung cả nước. Còn tới năm 2020, mức thu nhập này vào khoảng 7.500 USD/người/năm.Theo đó, Hà Nội phải có tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2006 – 2010 từ 11-12% và các giai đoạn sau.
Quy mô và hướng mở rộng đô thị Hà Nội
Thành phố phát triển hai bên sông Hồng, ưu tiên về hướng Bắc và Đông sang tả ngạn sông Hồng, gắn với hành lang Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và các cảng lớn của Quảng Ninh, Hải Phòng. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm dịch vụ mới tại khu vực Bắc sông Hồng để giảm sự đi lại giữa khu vực Bắc và Nam song Hồng.(Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030).Hiện quy hoạch mở rộng địa giới hành chính và Vùng thủ đô đang được hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Hà Nội có thể mở rộng diện tích gấp 3 lần diện tích hiện nay. Cùng với việc mở rộng địa giới, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc kết nối các tỉnh lân cận với Thủ đô, sửa chữa, xây dựng xong 8 cầu bắc qua sông Hồng vào Hà Nội.


Quy hoạch ngoại thành đáp ứng quá trình đô thị hóa: Theo kế hoạch sử dụng đất, từ nay đến năm 2010, Hà Nội sẽ thực hiện thu hồi, chuyển hơn 5.200 ha đất nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đô thị. Khu vực ngoại thành nói chung, nhất là ở 2 huyện Từ Liêm và Thanh Trì đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, do tốc độ đô thị hóa nhanh. Cùng với đó có khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi nghề... đang đặt ra cho công tác quy hoạch phải có bước đi thích ứng với tốc độ phát triển tại vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay.
Mặc dù thời gian qua, các huyện ngoại thành Hà Nội đều đã có quy hoạch, nhưng còn hạn chế bởi phần lớn mới dừng ở tỷ lệ 1/5000. Đến thời điểm hiện tại, công tác nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị nói chung và phục vụ Chương trình của Thành uỷ về Phát triển kinh tế ngoại thành, từng bước hiện đại hoá nông thôn trên địa bàn căn cứ vào quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg. Từ quy hoạch chung này, có thể thấy quỹ đất ổn định dành cho nông nghiệp nông thôn, ngoại thành Hà Nội được hình thành như sau: tại các huyện Sóc Sơn, Đông Anh và Gia Lâm quỹ đất đều tập trung ở khu vực phía đông, huyện Thanh Trì ở phía Nam- Tây Nam và Đông Nam. Riêng huyện Từ Liêm là nơi tốc độ đô thị hóa nhanh, nên quỹ đất dành cho nông thôn còn lại không nhiều, chủ yếu tại phía Tây. Theo báo cáo của Sở Quy hoạch- Kiến trúc (QHKT) thành phố, đến nay Hà Nội còn khoảng 40 xã còn vùng đất nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, trước tác động của quy hoạch vùng Thủ đô đang trong quá trình nghiên cứu quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung gắn với yếu tố mở rộng ranh giới hành chính đã đặt vùng nông nghiệp khu vực ngoại thành Hà Nội trước những biến động. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và xây dựng hạ tầng nông thôn ngoại thành theo hướng văn minh hiện đại đều đòi hỏi công tác quy hoạch phải đưa ra được những dự báo về thời gian để có hướng đầu tư phù hợp. Trước mắt, Thành phố cần xác định các vùng sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định để từ đó xây dựng phương án đầu tư dựa trên quy hoạch tổng thể. Về lâu dài, do bị đô thị hóa nên vùng ngoại thành Hà Nội sớm xây dựng kế hoạch phù hợp với quá trình nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung, gắn với nghiên cứu mở rộng không gian Hà Nội.
rên cơ sở xác định các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định ở khu vực ngoại thành giai đoạn từ nay đến năm 2010, Hà Nội triển khai các dự án phát triển vùng hoa tập trung tại xã Tây Tựu (Từ Liêm); vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì); Đặng Xá, Văn Đức (Gia Lâm); Vân Nội, Nam Hồng (Đông Anh); Thanh Xuân (Sóc Sơn). Các vùng trũng một số huyện ngoại thành cũng chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Hình thành vùng chăn nuôi bò chất lượng cao ở Sóc Sơn, Gia Lâm... Để chuyển dịch cơ cấu lao động, thành phố cũng đã xác định việc xây dựng các trung tâm đào tạo nhân lực kết hợp giải quyết việc làm tại 4 huyện ngoại thành. Việc xây dựng các trung tâm được gắn kết với thực hiện đề án dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, xây dựng đề án chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cho vùng bị mất đất. Theo Sở QHKT: Trong 5 năm lại đây, các đồ án nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất cho mục đích phát triển đô thị đều không quên dành quỹ đất cho chuyển đổi lao động, việc làm với các chức năng: dạy nghề, mở rộng sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp hoặc thu hút lao động vào các khu công nghiệp, dịch vụ đô thị.Bên cạnh việc tìm hướng để hiện đại hoá cho sản xuất và cơ sở hạ tầng, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là xác lập và thực hiện quy hoạch kiến trúc không gian nông thôn ngoại thành phù hợp với quá trình đô thị hoá, hài hoà giữa tính truyền thống và hiện đại.


Hà Nội sẽ mở rộng về phía Tây: Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang xem xét đề xuất phương án mở rộng Hà Nội về phía tây. Phương án kéo toàn bộ tỉnh Hà Tây về thủ đô cũng bắt đầu được đề cập.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội lên 3.200 km2, gấp hơn 3 lần so với hiện tại. Bộ Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể, với sự tham mưu của thành phố Hà Nội.
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, rất nhiều người quan tâm đến hướng phát triển của thủ đô. Hà Nội sẽ mở rộng theo hướng nào, phía Hà Tây, hay sang phía Hải Dương, Bắc Ninh. Trước sự bức xúc của các đại biểu, ông Khôi đã tiết lộ, có thể Hà Nội sẽ mở rộng về phía tây.
Một vấn đề đang gây tranh cãi là sẽ lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây hay sẽ lấy một phần đất Hà Tây và một phần một phần đất của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong trường hợp lấy một phần đất Hà Tây thì sẽ lấy về phía thị xã Hà Đông hay hướng cao tốc Láng - Hòa Lạc. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, ông ủng hộ phương án mở rộng Hà Nội về phía tây. Trước đây, năm 1978 Hà Nội đã mở rộng một lần, lấy 5 huyện, một xã của Hà Tây (Hà Sơn Bình cũ) và 2 huyện của Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú cũ). Theo ông Liêm thì nên theo phương án lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây. Ông cho rằng, việc này hợp lý hơn là cắt một phần đất của Hà Tây và một phần đất của Vĩnh Phúc hoặc một tỉnh nào khác vì như thế sẽ rất rườm rà về hành chính. Hơn nữa, Vĩnh Phúc là một tỉnh nông nghiệp, việc phát triển công nghiệp ở khu vực Mê Linh gần đây đã góp phần thay đổi bộ mặt tỉnh, nếu giờ mở rộng Hà Nội mà lấy đi khu vực này thì sẽ là điều bất hợp lý.
Nếu lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây diện tích khoảng 2.190 km2, cộng với diện tích Hà Nội hiện nay khoảng 920 km2 thì Hà Nội sẽ vừa đủ yêu cầu mở rộng Hà Nội gần 3.200 km2. Theo đại biểu HĐND HN Phạm Thị Thành việc mở rộng địa giới thủ đô có thể sẽ góp phần làm giảm cơn sốt đất, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do mật độ dân cư quá cao như hiện nay, nhưng mở rộng đến hơn ba lần thì cần phải tính toán thêm.
Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong khi chưa có quy hoạch điều chỉnh, thành phố đang thực hiện theo quy hoạch 1998. Thành phố Hà Nội sẽ kết hợp với Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp điều chỉnh. Dự kiến năm 2009 sẽ hoàn thành dự án quy hoạch thủ đô, hướng phụ thuộc vào nghiên cứu quy hoạch vùng thủ đô.
29/12/1978, Quốc hội khóa VI, đã quyết định mở rộng Hà Nội với diện tích đất tự nhiên là 2.136 km2. Hà Nội lấy thêm 5 huyện và 1 thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình (Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây), 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phú (Mê Linh, Sóc Sơn).
Tháng 8/1991, Quốc hội khóa VIII, ranh giới Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh. Trả 5 huyện và 1 thị xã đã lấy năm 1978 cho tỉnh Hà Tây và 1 huyện (Mê Linh) cho tỉnh Vĩnh Phú, còn bốn quận nội thành và năm huyện ngoại thành, với diện tích đất tự nhiên khoảng 924 km2.


Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ mở rộng gấp 13 lần
Theo quyết định của Thủ tướng, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình trải rộng trên diện tích khoảng 13.436 km2, bán kính ảnh hưởng từ 100 - 150 km.
Ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội thành một đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Theo đó, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được mở rộng gấp khoảng 13 lần Thủ đô Hà Nội hiện nay (diện tích 920,97 km2). Dân số toàn vùng vào năm 2050 vào khoảng 18 - 18,2 triệu người, trong đó, dân số đô thị tăng nhanh, từ 4,1 - 4,5 triệu người (năm 2010) lên 8,1 - 9,2 triệu người (năm 2020) và 14,4 - 15,4 triệu người (năm 2050). Năm 2050, bình quân diện tích đất đô thị là 115 m2/người. Quyết định nêu rõ, vùng Thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, lấy Thủ đô Hà Nội làm đô thị hạt nhân và được phân thành 2 phân vùng chính là vùng đô thị hạt nhân và phụ cận; vùng phát triển đối trọng. Trong đó, vùng đô thị hạt nhân là Thủ đô Hà Nội mở rộng và vùng phụ cận trong phạm vi 25 - 30 km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, lan tỏa sự phát triển giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Vai trò của các khu vực này là tạo các vành đai xanh cung cấp sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô, đồng thời phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hóa, sinh thái... Vùng phát triển đối trọng trong phạm vi 30 - 60 km, hình thành theo 3 phân vùng lớn với các trung tâm tỉnh lỵ là các hạt nhân phát triển.
Thủ đô Hà Nội có hướng phát triển không gian theo ba khu vực gồm Khu vực đô thị phía Nam sông Hồng, phía Bắc sông Hồng và Khu đô thị phía Đông sông Hồng. Trong đó, các đô thị trung tâm tỉnh là Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý và thành phố Hải Dương là đô thị cấp vùng. Vùng trọng điểm công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào khu vực phía Đông, từ vùng đô thị trung tâm nối ra Hải Phòng và Quảng Ninh. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm sẽ được di chuyển ra xa nội thành (khi chuyển ra ngoại thành có biện pháp đồng bộ bảo vệ môi trường). Việc di chuyển này gắn với hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới như khu Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Bồ Đề (Gia Lâm), Yên Viên.


Về quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội dành không gian du lịch vùng, định hướng phát triển dịch vụ xã hội. Đặc biệt, quy hoạch dành khoảng 10/22 trang đề cập về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, phòng, chống lũ, mạng lưới điện, nước, vệ sinh môi trường.
Về hạ tầng xã hội có chương trình sắp xếp điều chỉnh các cơ sở giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề nhằm di chuyển một số trường ra khỏi nội thành Hà Nội, xây dựng chợ đầu mối và các siêu thị bán buôn...Hạ tầng kỹ thuật có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm quốc lộ 2, 3, 32...
Để từng bước thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội có hiệu quả, giai đoạn đầu được xác định sẽ tập trung vào 27 chương trình, dự án cụ thể.


Ngay sau khi có ý kiến của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề án mở rộng thủ đô trên công luận, Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính xung quanh những ý kiến phản biện về đề án này. Ông Chính cho biết: Bộ Xây dựng khuyến khích người dân, các cấp ngành đoàn thể đóng góp ý kiến xây dựng để đề án này được hoàn thiện. Bộ Xây dựng rất trân trọng quan điểm của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và coi đây là một trong những ý kiến phản biện hữu ích đối với Bộ Xây dựng về việc mở rộng vùng thủ đô.
Hôm 6/5/08, Ban chỉ đạo quy hoạch vùng thủ đô (Bộ Xây dựng) có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh đề án mở rộng Hà Nội. Và sắp tới, trong kỳ họp Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ trả lời tất cả chất vấn của các đại biểu về vấn đề này. Các ý kiến phản biện cũng được Bộ Xây dựng giải trình đầy đủ.


Thủ đô mới cần lưu giữ những nét đẹp riêng của Hà Nội “cũ”

Hà Nội mở rộng cần một quy hoạch như thế nào, làm sao để thành phố dù rộng gấp 3 lần vẫn hài hòa và bản sắc? Một giáo sư người nước ngoài chia sẻ ý kiến về vấn đề quy hoạch mà Thủ đô mới đang phải đối mặt với báo giới.
GS Tom Wright là chuyên gia quy hoạch đô thị với hơn 20 năm kinh nghiệm về quy hoạch khu vực của Mỹ. Công việc của ông là lập ra những quy hoạch vùng ở khu vực siêu đô thị. Cuộc trò chuyện của ông lần này đặc biệt có ý nghĩa khi Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Quy hoạch Hà Nội mở rộng.
Ông nghĩ thế nào về vấn đề Thủ đô Hà Nội được mở rộng?
Tôi thấy phải xác định rõ những vấn đề chúng ta phải đối mặt. Nhiều người nói tắc nghẽn giao thông là vấn đề mang tính địa phương, nhưng thực tế là mang tính khu vực. Đó là luồng người đi vào, đi ra Hà Nội.
Việc mở rộng địa giới Hà Nội có thể là điều hợp lý nhưng chúng ta phải dõi theo những yếu tố làm cho Hà Nội xinh đẹp và làm cho người dân ở đây yêu quý nó.
Vậy khi lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng, theo ông, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề gì để Thủ đô vẫn xinh đẹp trong mắt mọi người?

Khi mở rộng, các bạn cần lưu giữ những nét đẹp riêng của Hà Nội, dù không phải mọi thứ phát triển theo lối độc đáo riêng biệt. Mọi thứ ở thành phố này phải thực sự thuộc về thành phố, và nó xuất hiện ở đây vì nó thực sự phản ánh nét đẹp Hà Nội. Trong quy hoạch, phải nhận diện được những nét đẹp độc đáo của Hà Nội và bảo tồn, duy trì những đặc điểm riêng của từng khu dân cư. Vấn đề Quy hoạch và cách thức xây dựng quy hoạch rất quan trọng để tạo nên sức mạnh để tiến hành cho một thành phố mở rộng. Nếu như các tòa nhà giống hệt như tòa nhà khác bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào, tôi nghĩ nó không cần có mặt ở Hà Nội. Ở Mỹ, chúng tôi có những quy hoạch quá đà cho các khu đô thị nên bất cứ căn nhà nào cạnh nhau đều có giá trị y nhau. Ngay khi người dân có đủ tiền để ở nhà đẹp hơn thì không tự cải tạo nhà mà chuyển sang khu giàu hơn. Cứ thế họ chuyển nhà liên tục. Điều đó khiến nước Mỹ không thể nào tạo ra đặc điểm cộng đồng dân cư mà Hà Nội có.
Nhưng làm thế nào để có một quy hoạch hài hòa cho phát triển thành phố khi đã mở rộng gấp hơn 3 lần hiện nay, thưa ông?
Sự khác biệt về đặc điểm địa lý trong một địa giới thành phố lớn là điều có thể hiểu. Quy hoạch cần dựa trên chiến lược phát triển thành phố trong đó làm rõ khu vực nào cần phát triển gì và khu vực nào không.
Ở San Francisco, khi xây dựng chiến lược phát triển mới vào những năm 1980, việc đầu tiên họ làm là xác định đâu là điểm độc đáo khác biệt của thành phố. Họ thấy rằng đặc điểm lớn nhất của thành phố là những ngọn đồi và họ quyết định làm nổi bật những ngọn đồi đó.
Cuối cùng họ đưa ra quyết định trong quy hoạch cụ thể rằng bạn có thể xây dựng những tòa nhà cao ốc ở đỉnh đồi, và đảm bảo rằng những tòa nhà ở lưng đồi thấp hơn, thoai thoải theo sườn đồi. Đó là một chiến lược tuyệt vời.
Tôi không nói rằng các bạn nên áp dụng điều này với Hà Nội, nhưng các bạn cần nghĩ điểm nào là nét độc đáo của Hà Nội và khu vực ngoại vi, chỉ ra quy hoạch như thế nào để bảo tồn những khác biệt độc đáo ấy.
Với riêng Hà Nội hiện nay, ông thấy điều gì còn trăn trở?
Nếu chỉ có một vài ngày ở đây mà đưa ra lời nhận xét đầy đủ thì quả là thiếu trách nhiệm. Nhưng theo tôi, Hà Nội cần phải hiện đại hóa tất cả các điều kiện về hạ tầng. Hà Nội hiện đã có hệ thống xe buýt nhưng cần phát triển mạnh hơn, với hệ thống đường dành riêng cho xe buýt để giúp người dân đi lại xung quanh thành phố.
Song tôi thấy, các bạn có kế hoạch xây dựng khá nhiều các tòa cao ốc, trong khi lại thiếu chỗ để người ta nghỉ chân, thiếu không gian cây xanh, hồ bơi, bể nước để nghỉ ngơi.
Cần mở rộng không gian nhiều hơn, vì suy cho tới cùng, quy hoạch là nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sống của con người. Một bản đồ quy hoạch không chỉ vẽ hệ thống đường xá mà còn là hệ thống không gian mở, cây xanh và công viên.
Xin cảm ơn ông!

Quy hoạch Hà Nội sẽ có 11 trung tâm chính
Thời gian tới, Hà Nội sẽ không phát triển các khu đô thị mới nhỏ lẻ, bám trục đường và các khu công nghiệp phân tán, sử dụng đất kém hiệu quả.Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ hướng tới một thủ đô phát triển bền vững, có môi trường sống, sinh hoạt giải trí chất lượng cao.
Tổ chức không gian thủ đô theo các trung tâm đô thị mới có chức năng và hình thái riêng biệt, bao gồm 11 trung tâm chính là Trung tâm chính trị Ba Đình; hành chính Quốc gia; giáo dục - đào tạo; y tế và phúc lợi xã hội; thương mại, tài chính, ngân hàng; văn hoá, thể dục, thể thao; triển lãm, hội chợ; du lịch, nghỉ dưỡng; khu cây xanh, công viên quy mô lớn; khu công nghiệp, kho tàng; khu vực di sản, di tích, văn hoá bảo tồn đặc trưng. Quy hoạch chung Hà Nội phải xác định được giới hạn vùng phát triển đô thị và vùng không phát triển đô thị để giữ lại các khu vực rừng, mặt nước và vùng công viên mở cũng như các vùng nông nghiệp khác. Thành phố không phát triển các khu đô thị mới nhỏ lẻ, bám trục đường và các khu công nghiệp phân tán, sử dụng đất kém hiệu quả. Hà Nội sẽ có quy chế quản lý kiến trúc đô thị với những chỉ tiêu về mật độ xây dựng, tầng cao, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng đô thị và các chỉ số liên quan khác... Thời gian lập quy hoạch sẽ được thực hiện 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Hiện nay Hà Nội có diện tích khoảng 3.344 km2, dân số 6,2 triệu, dự báo dân số năm 2030 khoảng 10 triệu.

Địa giới Hà Nội chính thức mở rộng từ 1/8/2008

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có nhiều công trình được gấp rút triển khai, trong đó đặc biệt phải kể đến “Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh” vừa được Quốc hội thông qua chiều ngày 29-5-2008, với gần 93% đại biểu tán thành, cùng với nó là bản quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội mở rộng đang được triển khai để kịp ngày đại lễ.
Vào đầu năm 2008, việc phá tòa nhà Hội trường Ba Đình (nhà Quốc hội cũ) đã không mấy thuận lợi, vì nó gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nhà khoa học và lão thành cách mạng. Việc này đã điềm báo những sóng gió sẽ sảy ra trong thời gian tới.
Đến giữa năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng; nhiều học giả và các tổ chức đã lên tiếng cảnh báo, cũng như đưa ra những dự báo không mấy sáng sủa về tình hình kinh tế Việt Nam . Chính phủ điều hành nền kinh tế yếu kém, dẫn đến mất niềm tin đối với người dân, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn… , thì những vị chóp bu trong đảng lại nghĩ ra một ý tưởng “mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội gấp gần 4 lần...”
Lần này lại là Bộ Xây dựng trình lên phương án, giống như trước đây Bộ đã đề xuất phá bỏ Hội trường Ba Đình. Phương án này được Bộ chính trị, Chính phủ, và Quốc hội nhất trí thông qua với số đại biểu tán thành cao. Nhưng, lòng dân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều ý kiến phản đối từ phía những chuyên gia, nhà khoa học và lão thành cách mạng.
Càng gần ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thấy xuất hiện nhiều điềm báo lạ: Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều lần 8 vị vua nhà Lý hiển linh ở Đền Đô, cùng với sự trở về của các hậu duệ nhà Lý từ Hàn Quốc. Đầu năm 2008, tòa nhà Hội trường Ba Đình bị phá bỏ, Quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được tháo xuống. Đến cuối tháng 5 - 2008, Thủ đô Hà Nội bị ép phình to gấp 4 lần, ngay sau đó, vào 16h ngày 4 – 6 – 2008, đúng lúc Ban tổ chức Festival Huế đang chuẩn bị làm Lễ Tế Đàn Nam Giao (Lễ tế trời đất cầu quốc thái dân an), thì có một tiếng sét nổ như bom bất ngờ đánh sập cổ lâu trên cửa An Hòa, phía Bắc kinh thành Huế. Một tuần sau, nhà nước cộng sản làm Quốc Tang ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới…
Bên Trung Quốc, những tai họa bất thường cũng liên tục giáng xuống, khi mà ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 đang đến gần. Người Trung Quốc tin rằng số 8 mang lại may mắn, vì vậy Chính quyền Cộng sản Trung Quốc chọn ngày 8 tháng 8 năm 2008, vào lúc 8 giờ 8 phút để tổ chức lễ khai mạc.
Con số 8 đã không mang lại may mắn đối với cả hai nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc và Việt Nam . Phải chăng tai họa sảy đến là do nhà cầm quyền cộng sản “khinh thường mệnh trời, không noi theo bài học từ Tổ tiên, khiến cho Triều Đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn…” như những lời cảnh báo của vua Lý Thái Tổ viết trong Bản Chiếu Dời Đô.
Đức vua Lý Thái Tổ đã phân tích “Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương (Tướng Cao Biền) ở vào nơi trung tâm của trời đất; ở cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng… Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế Vương muôn đời.”
Không biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dựa vào cái gì lại khẳng định “khi mở rộng Hà Nội gồm cả tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), thì Hà Nội sẽ có cái thế dựa vào núi Ba Vì và đối diện sông Hồng. Thủ đô sẽ được vững vàng trong tư thế rồng bay cọp ngồi” ? Nên nhớ rằng kinh thành Thăng Long xưa được xây dựng trên vị trí thành Đại La cũ, được giới hạn trong Thăng Long tứ trấn, chứ không phải vươn rộng ra tận núi Ba Vì… , nhưng Thăng Long vẫn có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, dựa núi nhìn ra sông.
Cần phải khẳng định đây không phải là một bản “Chiếu dời đô”, mà thực chất chỉ là một lần điều chỉnh địa giới hành chính, như đã từng làm trong quá khứ. Phần đất Hà Tây và Vĩnh Phúc lần này Hà Nội "ôm vào" cách đây hơn 20 năm cũng từng "ôm vào", sau đấy do bất cập, không quản lý nổi lại "nhả ra". Giờ đây lại "ôm vào" một cách hoành tráng hơn.
Trước một vấn đề hệ trọng của đất nước, mang tầm vóc lịch sử lớn lao, một bước đi lịch sử có quan hệ nhiều mặt trong quá trình phát triển đất nước, có ý nghĩa "hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm", vậy mà lại được chuẩn bị rất vội vàng, sơ sài, điều này chính ông Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã thừa nhận: “Chính phủ đã làm đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, tuy nhiên quá trình soạn dự thảo mở rộng địa giới thủ đô có một số nội dung còn quá ngắn gọn, chưa rõ nên đã tạo ra sự hiểu lầm… tôi xin nhận khuyết điểm về việc đã không soát xét kỹ để có những sai sót như trên, kính mong Quốc hội chấp thuận ".
Thủ đô Hà Nội có ngàn năm văn hiến, vậy mà theo Ông Dương Trung Quốc, một sử gia đồng thời là đại biểu Quốc hội đã nhận xét: “Những yếu tố xã hội, nhân văn không được tờ trình của Chính phủ đề cập tới, trong tờ trình của Chính phủ về vấn đề mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội có 3 chi tiết liên quan đến lịch sử thì đều sai cả 3… Những kiến thức như thế chứng tỏ rằng văn bản chưa được chuẩn bị kỹ càng.”
Điều đó cho thấy trình độ yếu kém về văn hóa và lịch sử của bộ máy tham mưu cho Chính phủ. Với kiến thức lịch sử yếu kém, sao có thể đưa ra ý tưởng đúng đắn cho tương lai? Người ta đã vẽ ra “đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, thì Hà Nội sẽ thành một thành phố hiện đại, văn minh, có sức cạnh tranh và phát triển ngang tầm với nhiều thủ đô các nước trong khu vực ?
Hà Nội có bề dày văn hóa, lịch sử không thua kém thủ đô các nước. Tuy nhiên, về nếp sống văn minh, hạ tầng đô thị, môi trường và cảnh quan… thì Hà Nội thua kém nhiều. Sẽ không quá lời nếu nói rằng Thủ đô của chúng ta giống như một đống hỗn độn, chắp vá, nếu mở rộng liệu có cải thiện được không? Hay là chỉ làm phình to cái đống hỗn độn, chắp vá đó thêm ra. Giống như cái áo rách được nới rộng, nhưng nó vẫn là cái áo rách, và những người đương quyền đang tưởng tượng ra cái áo rách đấy là một chiếc long bào.
Với diện tích hơn 3.300 km2, Hà Nội sẽ là thành phố “rộng” thứ 11 thế giới, là thủ đô đứng thứ 2 thế giới về diện tích, chỉ sau Tokyo, lớn hơn cả Paris, Matxcơva, London, gấp 3 lần thủ đô Ấn Độ và gấp 4 lần nội thành Bắc Kinh, Trung Quốc (780km2). Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội lại thuộc vào hàng yếu kém, lạc hậu. Hàng loạt vấn đề bất cập như nạn tắc đường, xây dựng lộn xộn, ngập lụt, ô nhiễm, thiếu điện, thiếu nước, chợ cóc, hàng rong v.v… vẫn chưa được giải quyết, thậm chí bế tắc.
“Vấn đề nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội được đặt ra cách đây 6-7 năm, nhưng việc mở rộng Hà Nội chỉ mới là một ý tưởng vừa nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án Quy hoạch vùng thủ đô. Ý tưởng đó, nếu được ủng hộ, cũng chỉ có giá trị làm tiền đề cho một công trình khoa học. Thế nhưng, Bộ Xây dựng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ phương án như là đã được nghiên cứu thấu đáo rồi”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nêu ý kiến thẳng thắn, và ông nhận định “Thực tế xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta trong thời gian qua cho thấy lĩnh vực “quy hoạch xây dựng đô thị” đã vượt khỏi tầm của Bộ Xây dựng. Đặc biệt, thực tiễn phát triển đô thị khá "nóng" ở nước ta thời gian qua đang bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng có thể xảy ra "khủng hoảng đô thị”.
Giới đầu tư bất động sản đã rất nhạy tin tức. Từ cuối năm 2007, thị trường “đất cát” ở Hà Tây trở nên sôi động khi có nguồn tin Hà Tây sẽ về Hà Nội, một tờ báo trong nước đã viết: “Trong khi các nhà quản lý, các chuyên gia còn đang tranh luận xem việc mở rộng Hà Nội ôm trọn Hà Tây có hợp lý không, thì các nhà đầu tư bất động sản đã nhanh chân ồ ạt đổ về Hà Tây “xí đất” để đón đầu quy hoạch. Thị trường bất động sản ở Hà Tây đã nóng ngay từ cuối năm 2007, khi việc mở rộng Hà Nội mới chỉ là ý tưởng. Trong vòng 4-5 tháng, giá đất ở đây đã vọt lên gần gấp đôi. Hà Tây hiện giờ giống như một đại công trường với hàng loạt dự án đang được san nền, xây dựng. Các dự án chủ yếu bám quanh trục quốc lộ 32 và đường Láng - Hòa Lạc.”
Để thuyết phục Quốc hội thông qua đề án, lý do chủ yếu được đưa ra là “Hà Nội thiếu quỹ đất xây dựng”. Như vậy nghĩa là chính quyền cộng sản đã công khai thừa nhận yếu kém trong việc quản lý đất nước, để dẫn đến việc xây dựng lộn xộn, lãng phí quỹ đất, khiến cho vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến trở thành một đống hỗn độn, nham nhở, chật chội. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, bước ra khỏi cửa ô Hà Nội là đất rộng mênh mông, còn nay thì thấy các dự án mọc lên như nấm, lấp kín mọi khoảng đất trống, thậm chí lấp cả hồ nước và các chỗ vui chơi của trẻ em.
Sự thật, Quốc hội Việt Nam đã bị nhóm lãnh đạo chóp bu điều khiển. Ông Phó Thủ tướng thường trực, kiêm Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lên tiếng đề nghị Quốc hội bằng giọng lưỡi bề trên “Tôi đề nghị Quốc hội, trong kỳ họp này, chúng ta thông qua chủ trương về địa giới hành chính… Quốc hội quyết định được thì Chính phủ mới làm được. Còn không thể nói là dừng lại”, ông quan thuộc vào hàng “Nhất Phẩm Triều Đình” này còn giải thích rằng, nếu không thông qua ngay thì sẽ dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu, gây ra sự không ăn khớp…
Nếu chính quyền quản lý tốt trên cơ sở bản quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, - xác định rõ Vùng thủ đô Hà Nội bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Vùng thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, lấy thủ đô Hà Nội làm đô thị hạt nhân. Vùng phụ cận trong phạm vi 25-30km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, lan tỏa sự phát triển giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. – thì không thể có hiện tượng lộn xộn, không ăn khớp như trên được.
Trên thế giới ngày nay, ngoài phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ truyền thống, người ta quan tâm nhiều đến quy hoạch vùng. Vùng là một khu vực lãnh thổ nằm dưới cấp chính quyền trung ương, nhưng trên cấp chính quyền địa phương (tỉnh). Về mặt tổ chức, có thể tổ chức hội đồng vùng, bao gồm các tỉnh trong vùng hoặc đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm. Cơ quan thường trực của vùng là ủy ban vùng.
Việt Nam đã hội nhập với thế giới, vậy phải học theo cách làm của những nước đi trước, chứ không phải tư duy theo kiểu “ao làng”. Nhất thiết phải mở rộng địa giới, phải sát nhập tỉnh thì mới quản lý tốt được hay sao ? Chúng ta đừng để mắc lại sai lầm như nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, đang tốn nhiều công sức, tiền của để khắc phục, chữa "bệnh đầu to", là những đô thị cực lớn.
Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài, vì vậy đối với công tác quy hoạch vùng nói chung cũng như quy hoạch xây dựng nói riêng, phải chú trọng phát triển vùng duyên hải, phát triển các đô thị công nghiệp ven biển, tận dụng tối đa lợi thế từ biển. Hiện nay, kinh tế biển và vùng ven biển chiếm khoảng 48% GDP cả nước, con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đất nước muốn giàu mạnh phải hướng ra biển, chứ không phải “cố thủ nội địa”.
Ngoài ra, trong kỳ họp Quốc hội lần này, có khá nhiều Đại biểu Quốc Hội thuộc các lực lượng vũ trang lên tiếng ủng hộ đề án mở rộng Hà Nội, với lập luận chung là việc mở rộng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh Thủ đô..? Thế giới đã bước vào thời đại thông tin, chiến tranh công nghệ cao, hình thức tác chiến từ xa, vậy mà các “nhà quân sự” cộng sản vẫn tính chuyện phòng thủ Thủ đô theo kiểu “lấy số lượng bù chất lượng” ?
Nhiều người còn lo ngại hiện nay Hà Nội có hơn 3 triệu dân với hơn 50% người ngoại tỉnh. Nhiều người đang bằng mọi cách để có hộ khẩu Hà Nội. Hà Nội trước đây không có công tác dân tộc thì nay sẽ có thêm 2 dân tộc thiểu số (Dao và Mường). Vậy khó giữ được những gì gọi là bản sắc văn hóa riêng của người Tràng An. Trong khi Hà Tây có hơn 3 triệu dân, là người thuần gốc của đất trăm nghề, đất hai vua, của nền văn hoá xứ Đoài. Nếu sáp nhập thì văn hoá Tràng An có còn, và văn hoá xứ Đoài có còn không? Lẽ nào đến tận năm 2050 mà thủ đô Hà Nội vẫn còn 4 triệu cư dân nông thôn, Sóc Sơn về Hà Nội bao lâu rồi mà sao vẫn còn nghèo đói… Rồi hàng loạt các vấn đề về văn hóa lịch sử, an sinh xã hội, môi trường sinh thái v.v… đều chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Có thể đi đến kết luận: Nhóm lãnh đạo chóp bu đã ép Quốc hội thông qua một “đề án” còn quá nhiều ý kiến lo ngại. Việc làm này được chuẩn bị quá gấp gáp, vội vàng, chưa đủ căn cứ khoa học, khiến lòng người không phục, dư luận bất mãn.

Giá đất Hà Nội cao nhất 67,5 triệu đồng một m2

Năm 2009, khung giá đất ở của Hà Nội cũ cơ bản ổn định như năm 2008. Một số tuyến đường mới được đầu tư hạ tầng, đất nông nghiệp tại vùng giáp ranh đô thị được điều chỉnh tăng.Theo phương án của UBND Hà Nội trình HĐND, năm tới, sẽ chỉ điều chỉnh những bất hợp lý và bổ sung giá của 31 đường phố mới (thuộc Hà Nội cũ) được đặt tên trong năm nay.Theo khung giá này, giá đất ở tại các quận nội thành dao động từ 2,5 đến 67,5 triệu đồng một m2. Giá đất tại các thị trấn và nông thôn cao nhất lần lượt là 15 triệu và 2,25 triệu đồng một m2.Giá đất tại một số địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình trước đây (hiện có mức giá thấp hơn Hà Nội cũ) được điều chỉnh tăng theo tương quan giá đất giữa các khu vực, tuyến đường, loại đất đường giáp ranh.

klsmvgskmv
Giá đất tại quận Hoàn Kiếm từ lâu vẫn dẫn đầu trong khung giá của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Đối với địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, phương án giá đất được xây dựng theo từng đường phố, vị trí theo cách phân loại của Hà Nội trước đây. Theo đó, giá đất cao nhất tại Hà Đông là 15 triệu đồng một m2, còn tại Sơn Tây là 10 triệu đồng.Phó chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển cho biết, việc điều chỉnh giá đất ở Hà Nội nhằm từng bước tiếp cận với giá chuyển nhượng thực tế thị trường, giải quyết những mâu thuẫn, bất cập hiện nay theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất. Đồng thời, giá đất phải được quản lý thống nhất trên toàn địa bàn Hà Nội mở rộng.Theo đề nghị của UBND Hà Nội, khung giá mới sẽ được áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn kể từ ngày 1/1/2009.

Quy hoạch Hà Nội mới: Bảo tồn Hà Nội cũ, tăng vành đai xanh
Chiều qua (5-11), Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo về nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Nhiệm vụ quy hoạch này là “đầu bài” cho tư vấn nước ngoài và trong nước lập quy hoạch cho Hà Nội mở rộng.
Không gian Hà Nội mới sẽ có đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh:Theo nhiệm vụ quy hoạch, không gian Hà Nội mới sẽ có đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được gắn kết với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh, bảo đảm tính độc lập của các đô thị trong mạng lưới. Khoảng cách giữa các đô thị là các vùng cảnh quan sinh thái, nông nghiệp, văn hóa và giải trí. Các công viên lớn sẽ nằm dọc sông Đáy, sông Tích. “Trong nhiều quy hoạch trước đây của Hà Nội có vành đai xanh bao quanh trung tâm TP nhưng thực tế thì quy hoạch này đã bị phá vỡ. Hà Nội mới với diện tích rộng hơn cũ rất nhiều thì phải làm cho được điều này” - ông Đỗ Việt Chiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nói. Ông Chiến cũng nhấn mạnh: Quy hoạch Hà Nội mở rộng phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, nhất là các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc và văn hóa xã hội.
Khu vực Hà Nội cũ chủ yếu sẽ được bảo tồn, chỉnh trang đô thị cùng với xây dựng các trung tâm hành chính, thương mại hiện đại. Ở khu vực mở rộng mới sẽ hình thành các khu vực trồng rau xanh, hoa quả cao cấp phục vụ Hà Nội và xuất khẩu. Hà Nội sẽ có trung tâm chính trị, hành chính, đại học...
Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình nghiên cứu và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch Hà Nội mở rộng, nhiều dự án đầu tư đã được phê duyệt trước khi mở rộng Hà Nội sẽ vẫn được triển khai.
Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết Công ty Perkin Eastman (Mỹ) và Jina và Posco E&C (Hàn Quốc) là đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện lập quy hoạch Hà Nội mở rộng, phối hợp với đơn vị tư vấn trong nước. Trong tháng 11, Bộ Xây dựng sẽ chính thức báo cáo nhiệm vụ quy hoạch tới Thủ tướng.



Sông Nhuệ, TP Hà Đông. Ảnh: Hoàng Vân.

Sắp có "đầu bài" qui hoạch Hà Nội đến 2050

Nhiệm vụ Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được phê duyệt, đây sẽ là "đầu bài" lâu dài xây dựng Thủ đô.Quan điểm của Bộ Xây dựng khi đưa ra Nhiệm vụ này là nâng cao vai trò vị thế, tính cạnh tranh của Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô một nước trên 100 triệu dân ở đầu thế kỷ này. Hà Nội cần và phải trở thành một đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững trong xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập, phát triển các dịch vụ cao cấp đáp ứng không chỉ cho dân Thủ đô mà cả du khách, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thủ đô Hà Nội nay đã rộng gấp hơn 3 lần cũ (Ảnh: licogi)

Nhiệm vụ này tương lai sẽ là cơ sở pháp lý cho các công tác quản lý xây dựng và triển khai tiếp công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đô thị theo qui hoạch, tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững.

Thêm nhiều trung tâm đô thị mới có chức năng, hình thái riêng biệt

Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, tư vấn cần đưa ra mô hình tổ chức không gian Hà Nội phù hợp, hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững, đảm bảo việc hình thành đô thị trung tâm và các đô thị trên địa bàn những năm tới được gắn kết với nhau bằng các kết nối nhanh thông qua hệ thống giao thông, viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác.

Khoảng cách ly giữa các đô thị trong mạng lưới được xác định là các khoảng không gian đệm gắn vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp, không gian văn hóa, giải trí… Hà Nội sẽ có mối liên kết chặt chẽ với các đô thị đối trọng, các đô thị lớn khác trong Vùng Thủ đô như những thành phố: Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phủ Lý…

Vùng đô thị cũ hiện hữu tương lai sẽ là vùng đô thị bảo tồn, có tính lịch sử - văn hoá truyền thống, chủ yếu cải tạo chỉnh trang và hoàn chỉnh cảnh quan đô thị. Dân cư tại các khu nhà thấp tầng, thiếu tiện nghi sẽ được dãn dần ra khu vực xung quanh trong các chương trình nhà ở xã hội và phát triển các khu đô thị mới nhằm cải thiện môi trường đô thị khu vực trung tâm.

Nhiều trung tâm đô thị mới có chức năng và hình thái riêng biệt cần được đề xuất xây dựng xung quanh đô thị trung tâm nhằm giảm tải và tăng cường các chức năng mới cho Thủ đô Hà Nội. Song song đó, qui hoạch và khai thác không gian ngầm dưới mặt đất của đô thị trung tâm và các đô thị khác trên địa bàn cũng cần chú trọng, lồng ghép hợp lý với đề xuất qui hoạch hệ thống giao thông ngầm của Thủ đô.

Ngoài ra, các vành đai nông nghiệp - nông thôn, vùng ngoại thị giữa các khu vực phát triển tập trung như: khu vực trồng rau xanh, hoa, quả cao cấp, các vành đai nông nghiệp xen kẽ đô thị vệ tinh, các làng xã nông thôn, vùng bảo vệ đất nông nghiệp... theo Bộ Xây dựng cũng phải được xác định trong "đầu bài" này.

Không phát triển các khu đô thị mới nhỏ lẻ, bám trục đường!

"Đầu bài" Bộ Xây dựng đưa ra cho qui hoạch Thủ đô yêu cầu xác định rõ nguồn quĩ đất xây dựng để đề xuất giới hạn đô thị và các giải pháp sử dụng đất hiệu quả, như: Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội phải xác định được giới hạn vùng phát triển đô thị và xác định vùng không phát triển xây dựng đô thị để giữ lại các khu vực rừng, mặt nước và vùng công viên mở cũng như các vùng nông nghiệp khác.

Bộ này yêu cầu đất cần được sử dụng hợp lý, hiệu quả theo hướng tập trung các đô thị, vùng công nghiệp, các khu đại học, vui chơi giải trí - du lịch và các trung tâm thương mại; không phát triển các khu đô thị mới nhỏ lẻ, bám trục đường và các khu công nghiệp phân tán, sử dụng đất kém hiệu quả.

Ngoài ra, Nhiệm vụ qui hoạch cũng cần đề xuất được các ý tưởng, mục tiêu, giải pháp phân bố và phát triển các trung tâm cũ thuộc nhiều lĩnh vực theo chức năng trong qui hoạch đô thị, gồm: khu đô thị cổ, khu phố cũ, làng cổ truyền thống; các khu vực cải tạo xen cấy, khu vực xây dựng mới tại các Thành phố, quận, huyện...

Ngưỡng phát triển các đô thị (Trung tâm Hà Nội, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai....) và liên kết giữa các quận, huyện và khu vực ngoại ô cần được nghiên cứu hợp lý. Các đô thị hiện hữu, các khu trung tâm tương lai rất cần xác định mô hình phát triển không gian, như: các khu nhà ở mới, khu cải tạo bao gồm các khu cao tầng và thấp cũng như phát triển hỗn hợp; hệ thống công trình phúc lợi xã hội; hệ thống thương mại dịch vụ đô thị, bao gồm các trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, khách sạn, các trung tâm mua sắm...; sự phân bố các khu vực sản xuất, công nghiệp...

Trình Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng cho hay thời gian lập qui hoạch này dự kiến kéo dài 12 tháng và thời gian đến khi phê duyệt qui hoạch không vượt quá 18 tháng.

Nhiều câu hỏi với lãnh đạo Hà Nội

Một người dân Hà Nội di chuyển trong nước lụt hồi tháng 11
Trận mưa lụt kỷ lục hồi tháng 11 làm nổi câu hỏi về hệ thống hạ tầng của Hà Nội
Các vấn đề như bộ máy cồng kềnh và thiếu quy hoạch đồng bộ đã được nêu lên trong phiên họp đầu tiên sau khi Hà Nội mở rộng.Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị được báo chí trong nước trích lời nói rằng còn nhiều vấn đề vẫn làm người dân bức xúc, trong đó có vấn nạn tham nhũng.Đại biểu Vũ Đức Tân, quận Ba Đình, nhận định với BBC sáng 9/12 rằng việc Hà Nội mở rộng rõ ràng dẫn tới khó khăn về tổ chức và bộ máy điều hành.“Điều tôi băn khoăn là trình độ con người quản lý trong điều kiện của một thành phố rộng như thế”.“Cần phải có tầm trí tuệ và tư duy sáng suốt thì mới có thể điều hành nhịp nhàng”.

Trong khi đó, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Phí Thái Bình nói thủ đô Việt Nam còn hạn chế trong công tác quy hoạch, mà thể hiện rõ nhất là qua trận mưa lịch sử vừa qua.Trận mưa lụt kỷ lục hồi đầu tháng 11 vừa qua khiến Hà Nội chìm trong nước lụt nhiều ngày, gây trở ngại tới sinh hoạt của người dân.

Quan ngại tầm nhìn: Được biết ngày 11/12 các đại biểu sẽ chất vấn lãnh đạo thành phố về các vấn đề của thủ đô Việt Nam.Về thông tin Hà Tây trước khi sáp nhập đã ‘tuyển thêm biên chế cũng như tăng lương ồ ạt”, ông Tân cho rằng đấy là thách thức đương nhiên của việc Hà Nội mở rộng.“Sẽ có cơ quan và tổ chức lợi dụng đối đa sáp nhập này. Đó gần như là lợi ích nhóm. Nhưng về tổng thể nó không ảnh hưởng nhiều”. Đại biểu Đức Tân cũng nêu quan ngại rằng tầm nhìn chiến lược về một thành phố thủ đô chưa được hình thành một cách rõ ràng.“Bản thân tôi là đại biểu nhân dân nhưng vẫn chưa nhìn thấy lương lai chung của thành phố sẽ phát triển theo hình thức và dạng nào”.

Kỳ họp đầu tiên của hội đồng nhân dân Hà Nội mở rộng diễn ra từ 8 – 12/12.Địa giới Hà Nội chính thức được mở rộng ngày 1/8 với diện tích tăng thêm 3,6 lần.Hà Nội mới nay bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

No comments:

Post a Comment