Monday, July 20, 2009

Bảo tồn và phát triển trung tâm TP.HCM: Giữ hay phá “Hòn ngọc Viễn Đông”?

Bảo tồn và phát triển trung tâm TP.HCM: Giữ hay phá “Hòn ngọc Viễn Đông”?


Có nên xây những công trình cao tầng ở khu trung tâm? Dưới làn sóng xây dựng ồ ạt của thời kỳ đổi mới II tại TP.HCM, hơn lúc nào hết, chúng ta vẫn cần nhiều đầu tư suy nghĩ thêm về cặp phạm trù đối lập nhưng lại cùng nằm trong một thể thống nhất “bảo tồn - phát triển”, để cùng nhau xác định lại hướng đi cho công tác quản lý qui hoạch và kiến trúc.

Không khí đường phố đô thị trong những ngày đầu năm tại khu trung tâm TP.HCM tương đối yên tĩnh và dễ thở, rất tương phản với tình trạng kẹt xe, ô nhiễm và các hệ lụy do sự xuống cấp cơ sở hạ tầng ngày càng nghiêm trọng ở khắp nơi trong thành phố vào những ngày khác trong năm. Đi dạo trong khuôn viên công viên bên hông nhà thờ Đức Bà, ta có cảm tưởng sống lại thời kỳ của Sài Gòn vào thế kỷ trước, nếu như không có hậu cảnh bao gồm cả một vài công trình toàn kính. Và ta không khỏi tự hỏi tại sao người dân thành phố không thể được hưởng chất lượng môi trường sống như thế trong ngày thường, mà phải đợi đến tết?

Trước tiên, tôi xin kể lại hầu các bạn một câu chuyện xưa trích trong Sử ký Tư Mã Thiên...

Tướng nước Tề là Điền Kỵ thích tổ chức đua ngựa với các công tử nước Tề nhưng thường bị thua. Trong mỗi cuộc đua, mỗi người dự thi đem ba con ngựa để tham gia ba vòng thi, và thông thường họ có thói quen đưa các con ngựa tốt nhất của mình ra thi đấu trước. Khi được hỏi ý kiến, khách khanh Tôn Tẫn liền chỉ cho Điền Kỵ một cách thức để chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc đua sắp tới. Đến khi ra trường đua, Điền Kỵ lấy con ngựa kém nhất của mình thi với ngựa giỏi của họ, lấy con ngựa giỏi của mình thi với con ngựa vừa của họ, và lấy con ngựa vừa của mình thi với con ngựa kém nhất của họ.


Nếu ngày xưa thành phố Paris không lập nên khu trung tâm mới La Défense làm nơi phát triển chính cho các công trình hiện đại và cao tầng, mà lại cho phép chúng được thay thế hoặc được xây dựng xung quanh các công trình lịch sử như nhà hát Opéra, nhà thờ Đức Bà và điện Versailles thì Paris làm sao có được một Paris giàu bản sắc văn hóa lịch sử như hiện nay (Ảnh: khu trung tâm lịch sử Paris nhìn về khu trung tâm mới La Défense).

Sau khi đã đua ngựa ba lần, Điền Kỵ thua một nhưng thắng hai, cuối cùng được toàn thắng.

Tôn Tẫn về sau nổi tiếng là một nhà chiến lược tài ba của nước Tề.

Triết lý của câu chuyện này là không những trong một cuộc đua mà cả trong các vấn đề của đất nước, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược luôn có cách thức dẫn dắt tập thể của mình đến thắng lợi một cách chắc chắn nhất. Tầm nhìn chiến lược được thể hiện qua sự hiểu rõ tầm quan trọng của ưu tiên việc nào cần phải làm trước hoặc sau theo một kế hoạch cụ thể, biết xác định ngay từ đầu mục đích tối hậu cần phải đạt được, biết khả năng của từng cá nhân và biết dẫn dắt tập thể cùng đồng tâm và sẵn sàng hi sinh những thành tựu cá nhân để cùng đạt đến thành tựu tối hậu cho tập thể.

Dưới lăng kính các nguyên tắc chiến lược nói trên, hiện đang có hai thử thách lớn về công tác bảo tồn và phát triển cho các nhà lãnh đạo thành phố trong năm nay và trong những năm sắp tới:

Không nên phá bỏ bản sắc đang có và đã được khẳng định để đi tìm một bản sắc mới chưa được công nhận

Người ta đang nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại cho các đô thị Việt Nam, nhưng có một nghịch lý là những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa, và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh.

Thật đáng tiếc nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra lập tức những chính sách cụ thể để ít nhất không còn tình trạng xây dựng công trình cao tầng hoặc nhà phố mới, tiếp tục làm hỏng bản sắc các khu vực trung tâm có giá trị lịch sử sau đây:

- Trục đường Đồng Khởi kéo dài từ nhà thờ Đức Bà đến khách sạn Majestic, bao gồm bưu điện, Trường Trần Đại Nghĩa, khách sạn Continental.

- Tổng thể công viên trước dinh Thống Nhất kéo dài đến vườn Tao Đàn, Tòa án nhân dân, Thư viện Quốc gia, Trường Lê Quí Đôn.

- Tổng thể khu vực trước trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Nhà hát thành phố.

- Khu vực biệt thự cao cấp hoặc ngoại giao trước đây, đặc biệt là các trục đường Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quí Đôn.

- Ngoài ra, cần nâng cấp và mở rộng hệ thống cây xanh gồm những công viên và quảng trường nối liền với nhau bằng các đại lộ xanh, thành một mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh.

Khi xác định trung tâm TP.HCM bao gồm hai thành phần - khu trung tâm hiện hữu mở rộng và trung tâm mới Thủ Thiêm (cái tên “trung tâm” đơn thuần thường làm cho người nghe có cảm giác đó phải là khu vực hiện đại và cao tầng), nên chăng cần khoanh vùng ngay và xác định thêm một thành phần thứ ba - khu trung tâm lịch sử của thành phố (với những chính sách về quản lý phát triển và cải tạo hoàn toàn khác với hai thành phần kia)?

Song song với việc phát triển toàn diện, trong thời điểm hiện nay cần ưu tiên đặt trọng tâm phát triển vào các khu trung tâm mới và các trung tâm vệ tinh

Hiện có ba xu hướng chỉ đạo phát triển khu trung tâm đang được tranh cãi. Có ý kiến cho rằng nên phát triển các khu trung tâm đô thị mới trước vì không cần giải tỏa nhiều nên dễ làm. Ý kiến khác lại cho rằng nên cải tạo và cao tầng hóa khu trung tâm đô thị hiện hữu vì chỉ cần nâng cấp hạ tầng có sẵn vì còn có thể xây cao hơn nhiều. Hoặc ý kiến dung hòa (xu hướng hiện nay) cho rằng nên phát triển song song cả khu trung tâm đô thị mới lẫn khu trung tâm đô thị hiện hữu để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Thực trạng qui hoạch hiện nay cho thấy cả ba hướng nêu trên (bao gồm cả giải pháp dung hòa) chưa giải quyết được các vấn đề bức xúc của đô thị. Thực trạng hiện nay là nhà cao tầng đang được cho phép xây dựng mới khắp nơi không theo một qui hoạch nhà cao tầng nào cụ thể; tình trạng kẹt xe và ô nhiễm đã tới mức báo động; tình trạng quá tải về hạ tầng lâm vào bế tắc vì nếu tổ chức sửa chữa nâng cấp hàng loạt sẽ làm gia tăng ách tắc giao thông; việc xây dựng cầu Thủ Thiêm không phối hợp đồng bộ với việc phát triển đường và hạ tầng để sẵn sàng bắt đầu xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Nếu chúng ta còn tiếp tục theo chính sách ưu tiên đặt trọng tâm xây dựng mới nhà cao tầng trong khu trung tâm hiện hữu mở rộng như hiện nay, tình trạng bế tắc ngày càng tăng là điều không tránh khỏi, chưa nói đến việc phải tái cải tạo các công trình mới này trong một tương lai không xa.

Một chiến lược đúng đắn hơn là các nhà lãnh đạo phải điều hành việc quản lý và phát triển đô thị theo một chiến lược xuyên suốt, và trong từng giai đoạn phát triển thì phải có chính sách ưu tiên, đặc biệt khuyến khích việc xây dựng và cải tạo một khu vực trọng tâm cụ thể.

Với chiến lược đó, trong năm nay, mặc dù chính quyền vẫn có thể cho phép xây dựng theo nhu cầu của người dân trong thành phố, kể cả trong khu trung tâm hiện hữu, nhưng các nhà lãnh đạo cần có chính sách cụ thể hơn (giảm thuế, rút ngắn thủ tục hành chính xin phép đầu tư và xây dựng, cho vay vốn trả chậm, và chính quyền đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương) để ưu tiên hơn cho việc phát triển trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và các trung tâm vệ tinh (như Nam Sài Gòn, làng đại học Thủ Đức, trung tâm công nghiệp Thủ Đức & Biên Hòa...). Lợi ích của chính sách ưu tiên này là:

- Đem lại các lợi ích kinh tế lớn hơn cho nhà đầu tư khi xây dựng công trình mới tại các trung tâm đô thị mới so với trong trung tâm hiện hữu, nhằm khuyến khích giảm ngay lập tức sức ép quá lớn hiện nay về nhu cầu xây dựng mới lẫn nhu cầu nâng cấp hệ thống hạ tầng tại trung tâm hiện hữu. Mặt khác, nó còn gián tiếp giúp bảo tồn khu trung tâm lịch sử, do nhu cầu mở rộng diện tích mặt bằng mới tại đây sẽ được chuyển sang chỗ khác.

- Thu hút người dân tại khu trung tâm hiện hữu tái định cư tại các trung tâm mới hoặc khu vực lân cận vì chất lượng sống tốt và rẻ hơn, qua đó ách tắc giao thông sẽ giảm lập tức, tỉ lệ thuận với việc giảm thiểu lưu lượng giao thông ra vào chồng chéo xuyên qua khu trung tâm hiện hữu.

- Đưa vào sử dụng các khu đô thị mới sớm, nhằm tạo đòn bẩy quan trọng cho việc phát triển toàn khu vực, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế toàn thành phố.

- Tận dụng thời điểm nóng về địa ốc hiện nay để khuyến khích phát triển các trung tâm vệ tinh, để không bỏ lỡ thời cơ phát triển chúng một cách mau chóng nhất.

Các thử thách vẫn còn ở phía trước

Theo định hướng chiến lược nêu trên, chính quyền cần từng bước xây dựng hệ thống đa trung tâm như sau (xem sơ đồ hệ thống đa trung tâm TP.HCM):

- Trung tâm chính gồm ba thành phần là: trung tâm lịch sử, trung tâm hiện hữu mở rộng và trung tâm mới Thủ Thiêm.

- Các trung tâm vệ tinh gồm: trung tâm Nam Sài Gòn, làng đại học Thủ Đức, trung tâm công nghiệp Thủ Đức & Biên Hòa, Chợ Lớn...

- Mạng lưới giao thông công cộng cao tốc liên vùng nối liền trung tâm chính và các trung tâm vệ tinh, phát triển đồng bộ với dải trung tâm cao tầng đa chức năng dọc theo nó.

Mặc dù việc thực hiện các định hướng chiến lược nêu trên rất bức thiết, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, vẫn có những khó khăn trước mắt cần dự liệu, đặc biệt là:

- Việc phát triển khu trung tâm hiện hữu mở rộng có thể làm một số đơn vị và cá nhân có tâm lý lo ngại giá trị địa ốc của khu đất họ đang sở hữu có thể sẽ không còn tăng nhiều và ngay lập tức như dự kiến, vì không còn được phép xây cao nhiều hơn mức có thể cho phép nữa, hoặc vì có sự cạnh tranh thị trường của các công trình mới xây dựng tại Thủ Thiêm và các trung tâm đô thị mới. Chính quyền nên có chính sách giảm thuế để khuyến khích xu hướng bảo tồn cho khu vực này, giải thích và hướng dẫn các giải pháp cải tạo và mở rộng sao cho vừa có lợi cho công cuộc chung, vừa gia tăng được giá trị địa ốc về lâu dài.

- Tình trạng phân cấp (Sở Qui hoạch - kiến trúc lo nghiên cứu qui hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng lo cấp phép, Sở Giao thông công chính lo xây dựng đường và metro...) và việc thiếu một cơ quan trung ương về phát triển đô thị đóng vai trò tổng tư lệnh lãnh đạo trực tiếp đối với tất cả các ban ngành có liên quan trong công tác xây dựng cải tạo thành phố... là một trở ngại lớn cho việc quản lý để thành phố phát triển một cách đồng bộ và có kế hoạch theo một chiến lược tổng thể duy nhất.

TS.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN(TTCT-Thứ Tư, 12/03/2008, 07:46)

* Sau đây là vài ý kiến của tôi sau khi đọc bài này:

Sau 2 chuyến về thăm VN đầu tiên (1994-1996), tôi đã lên tiếng khá nhiều về tình trạng phát triển mang tính “tự phát” trong kiến trúc, quy hoạch, xây dựng lúc bấy giờ như nấm sau cơn mưa trên vài tờ báo trong nuớc (SGGP, TT, TN…) và ngoài nuớc; nếu không quan tâm sửa đổi thì sớm muộn gì cũng tạo ra sự hỗn loạn. Giới chức thẩm quyền Saigon cần sớm quy hoạch, chấn chỉnh, ổn định vừa bằng các biện pháp hành chánh, vừa bằng các hành động chuyên môn- kỹ thuật như việc soạn thảo các văn bản/ quy định và cập nhật hoá luật xây dựng, các quy phạm, quy cách (building codes & regulations, ordinance, etc…), thiết lập và công khai hoá bản đồ quy hoạch tổng thể và chi tiết (general master plan),v.v…

Tôi muốn nói đến vai trò, trách nhiệm, trình độ và bản lĩnh của những người lãnh đạo và giới chức chuyên môn trong việc xử lý, giải quyết những bài toán của thành phố; đồng thời phải biết dự đoán những gì có thể xảy ra trong 10-15 năm sắp tới để kịp nghiên cứu (study/ research) và đề ra những biện pháp quy hoạch, xây dựng phù hợp với đà phát triển của xã hội.
Những biện pháp này vừa có tính dự đoán khi phải đón đầu trước đà phát triển của xã hội, vừa có tính thực tế khi phản ảnh tương đối đầy đủ, chính xác những nhu cầu cần thiết của người dân(user). Đó chính là vai trò, trách nhiệm, trình độ và bản lĩnh của những người làm công tác quy hoạch khi tham mưu và giúp sức cho những người lãnh đạo.
Trong kiến trúc, quy hoạch, xây dựng ở Saigon nói riêng, VN nói chung vẫn có khuyết điểm là chưa ý thức được đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác nghiên cứu (project study), quy hoạch(planning), thiết kế(design), thi công/ xây dựng (construction), bảo trì/ bảo quản(maintenance), v.v…
Đng quên dân s gia tăng, môi trường và cơ sở h tng xung cp, Sàigòn ngày càng quá ti. Ai cũng biết nhng chuyn này nhưng chưa ai có được gii pháp kh thi hơn và ai cũng đòi hỏi quyền lợi nhưng ít ai làm tròn vai trò, chưa ý thức được đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm được phân công.

Phải biết cái gì cần phải giữ, cái nào cần phá bỏ, việc nào quan trọng hơn phải làm trước, đừng dẫm chân lẫn nhau. Hiểu biết và kinh nghiệm là 2 điều cần thiết cho những người làm công tác nghiên cứu (project study), quy hoạch(planning), thiết kế(design), thi công/ xây dựng (construction), bảo trì/ bảo quản(maintenance), v.v… trong ngành kiến trúc, quy hoạch, xây dựng nhưng ở VN thì ý thức được đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về vai trò, trách nhiệm là cái thiếu sót lớn cần quan tâm nhất.

Năm 1998, trong chuyến về thăm Hànội lần đầu tiên trong đời, khi ghé thăm Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam trên đường Đinh Tiên Hoàng gp anh Luyện và anh Thành, anh Thành cũng hỏi tôi nghĩ sao về chuyện nên giữ hay nên phá bỏ phố cổ Hànội? phá một phần hay toàn diện? Tôi là người mới lần đầu đến Hànội và ngủ qua 1 đêm ở khu phố cổ Hà Nội, chưa biết rõ gì về đời sống, văn hóa; trong khi các anh chị em đã sinh ra, lớn lên và sống gắn bó gần hết đời mình nơi đây thì chắc chắn là các anh chị cũng hiểu rõ cái gì cần phải giữ lại, cái gì phải vứt bỏ để làm cái mới tốt đẹp hơn. Dưới mắt tôi, thành thật mà nói thì khu phố cổ Hà Nội cũng đã trở nên hỗn loạn, tạp nhạp, lai căng và quá cũ kỹ, thậm chí mất vệ sinh, không tốt cho sức khỏe và không an toàn cho tính mạng con người! Thẳng thắn mà nói cũng chẳng có bao nhiêu cái cũ (rất ít kiến trúc Á Đông & Trung Hoa còn sót lại, như những cổng thành, chùa miếu...; đa số là kiến trúc thời thực dân Pháp nhỏ hẹp, tối tăm, thiếu vệ sinh và an toàn - tr những ngôi dinh th, nhà thờ !). Cái đáng quý cần giữ lại là cái “hồn” xưa , cái không khí quen thuộc, cái sinh hoạt văn hóa truyền thống tiêu biểu cho Hà Nội cũng không còn thấy trong khắp 36 phố phường mà tôi đi qua mấy hôm nay. Người Hà Nội hôm nay không khác gì người Saigon, thậm chí còn có những cái tân tiến vượt trội! Giữ chăng là những di tích lịch sử tiêu biểu, những nét cổ truyền điển hình cho Hà Nội “vang bóng một thời” chứ còn mấy cái cũ mà Tây chẳng ra Tây, Ta cũng chẳng ra Ta thì giữ làm gì cho rối mắt và thêm bẩn! Chính người Hà Nội mới biết được họ muốn giữ lại cái gì? Tại sao cần phải giữ lại? Giữ lại như thế nào cho đàng hoàng mà không cản trở sự phát triển của xã hội, sự an toàn & vệ sinh cho người dân địa phương. Cây xanh và nhiều hồ là một điều mà tôi thích nhất nên rất mong Hà Nội bảo vệ và phát triển thêm cho một thủ đô văn minh và trong lành. Thực ra tôi có rất nhiều điều muốn chia sẻ với anh Thành nhưng anh là "cán bộ VC" mà tôi là người Việt đã phải bỏ nước ra đi vì không thể sống với chế độ CSVN, mới gặp nhau lần đầu, làm sao tôi dám nói thật hết tất cả những gì tôi muốn nói với anh? Các anh hỏi tôi thật lòng hay vẫn chỉ là những bước thăm dò, tham khảo, chỉ là những lời nói "xã giao" vì giữa chúng ta vẫn còn những "khoảng cách" do chính các anh tạo ra. 10 năm qua, những "khoảng cách" đó còn hay không trong người Việt chúng ta? Anh NVNS viết bài này trong tâm trạng y hệt như tôi 10 năm về trước, như 1 người đi xa trở về chốn cũ. Anh đã từng sống, học và làm việc ở Sàigòn mà không hề bị phân biệt đối xử tệ hại như chế độ đã dành cho tôi nên anh đã góp ý chân tình, thoải mái, thẳng thắn và sẳn sàng được anh em bên nhà trân trọng lắng nghe hơn; cho dù hầu hết những ý kiến đó không có gi là mới lạ với dân chuyên môn trong nghề (quy hoach & kiến trúc) bên nhà và nước ngoài. Ti sao anh NVNS không làm nhng gì anh góp ý hôm nay ngay khi anh còn sống và làm vic ở Sàigòn mà phi đi đến bây gi mi lên tiếng? Hình như trí thc trong nước vn còn s nên chưa dám mnh dn góp ý? Hy vọng những người lãnh đạo và giới chức chuyên môn của thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe để Sàigòn không xô bồ, bát nháo mà Sàigòn sẽ tốt đẹp hơn.(3/2008)

No comments:

Post a Comment