Monday, July 20, 2009

Kiến trúc Việt Nam (35)

Các yếu tố văn hoá làng xã có còn không?


Công nghiệp hóa và đô thị hoá là một xu thế tất yếu trên thế giới. Tại Việt Nam, hơn 80% người dân vẫn là nông dân. Trong làn sóng đô thị hoá, những nông dân đó trở thành một citizen - cư dân đô thị, đôi khi rất đột ngột! Vì vậy, vấn đề quan trọng ở Việt Nam là tổ chức đô thị hoá như thế nào và ở mức độ nào là hợp lý, để cho các vùng nông thôn truyền thống được phát triển có định hướng, hài hoà mà không bị tình trạng “cưỡng bức đô thị hoá”

Khi chuyển từ xã thành phường, từ làng lên phố, mối quan hệ cộng đồng truyền thống làm nên bản sắc làng xã cũng dần trở nên phai nhạt. Không thiếu các trường hợp họ hàng kiện cáo, láng giềng mâu thuẫn, anh em cha con từ mặt vì tấc đất bây giờ còn hơn cả tấc vàng. Không gian truyền thống của làng bị phá vỡ, cổng làng nếu còn thì chìm ngập trong nhà cao thấp lô xô, không gian di tích, di sản như đình chùa bị xâm hại lấn chiếm, nhà truyền thống thay bằng nhà chia lô mái củ hành...

Các hình thức đô thị hoá làng quê

Bản chất đô thị hoá là gì? Có nhiều cách định nghĩa ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng bản chất của đô thị hoá (Urbanization) là một quá trình tập trung dân số vào các đô thị, là sự hình thành nhanh chóng các điểm dân cư đô thị trên cơ sở phát triển sản xuất và đời sống. Cơ sở đó dựa trên sự dịch chuyển dân số nông nghiệp sang phi nông nghiệp, với những chỉ số đặc trưng: tỷ số dân số đô thị tăng lên trong khi tỷ lệ dân số nông thôn giảm đi, sự mở rộng diện tích và không gian của các đô thị đã có và sự xuất hiện các đô thị mới.

Trước hết cần xác định các yếu tố tạo thị đến từ đâu. Các yếu tố tạo thị có thể từ ảnh hưởng đô thị tương tác trực tiếp với làng xã, hoặc do bản thân nội lực trong lòng làng xã truyền thống. Dựa theo tiêu chí đó, có thể chia ra 2 loại chính như sau:
- Các điểm dân cư nông thôn ven đô, ven đường giao thông, ven các khu công nghiệp: làn sóng đô thị hoá lan vào làng xã do tương tác với đô thị: đô thị cũ phát triển mở rộng, làng nằm cạnh các tuyến giao thông, khu công nghiệp... phát sinh nền sản xuất dịch vụ tạo nếp sống đô thị giữa lòng nông thôn.

- Các làng nghề, làng có điểm du lịch, di sản văn hoá, tín ngưỡng: đô thị hoá do sự chuyển đổi kinh tế sang phi nông nghiệp do chính từ làng xã tạo ra (đô thị hoá tự thân).

Ngoài ra, còn kể đến dạng đô thị hoá làng xã nông thôn do Nhà nước chỉ đạo và định hướng, dựa trên sự tương quan với toàn vùng.
Trong các dạng làng đó, dạng (1) là các làng truyền thống lâu đời, chứa trong mình bản sắc của một lối sống cộng đồng cư dân nông nghiệp truyền thống đặc trưng của dân tộc, của địa phương qua các tiến trình của lịch sử. Trong quá trình đô thị hoá, dù tự thân hay tương tác, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, lối sống của người nông dân cũng biến đổi một cách sâu sắc, làm thay đổi cấu trúc cơ bản của làng, biểu hiện qua sự thay đổi bộ mặt kiến trúc, cảnh quan. Sự xâm nhập lối sống đô thị vào nông thôn xảy ra mạnh mẽ và đồng thời diễn ra sự hội nhập của dân cư nông thôn vào lối sống đô thị.
Phải chăng văn hóa làng xã đang bị mất dần?

Bản sắc của một lối sống cộng đồng cư dân nông nghiệp truyền thống được biểu hiện qua làng xã, nơi mà quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau. Văn hoá làng xã thể hiện trong mỗi gia đình với nề nếp, gia phong đã được chuẩn mực hóa từ lâu đó là sự quan tâm đến mọi người, kính trên nhường dưới. Văn hoá làng cũng được thể hiện bằng cảnh quan thơ mộng của những bờ đê ướt sương, đường làng uốn lượn, cây đa bến nước, tiếng sáo diều dập dìu, kiến trúc cổ kính rêu phong của mái đình trăm tuổi... Thế nhưng, tốc độ phát triển và đô thị hóa càng nhanh thì càng sớm có sự xáo trộn đáng lo ngại diễn ra với những hình ảnh ấy, nề nếp ấy.

Ðô thị hoá “cưỡng bức” theo tương tác bên ngoài, trưng dụng, thu hồi đất đai ồ ạt, trong đó chủ yếu là đất ruộng của nông dân đã làm cho nhiều làng xã bị biến dạng nghiêm trọng về cảnh quan, không gian truyền thống, nhiều người nông dân bị mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, dẫn đến các quan hệ xã hội và cả giá trị văn hóa truyền thống bị đảo lộn, mai một.

Người nông dân bị “sốc” vì không kịp thích ứng, chuyển mình với môi trường sống mới. Chưa có sự chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, cầm trong tay món tiền đền bù, họ thường ít khi biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Họ có thể xây nhà, những ngôi nhà lô 3, 4 tầng kiểu dáng copy nhà phố thị với các hình thức kiến trúc khó gọi tên, họ mua xe, đánh bài, lô đề... Dần dần, không có nghề nghiệp, “miệng ăn núi lở”, họ trở nên trắng tay và phải dồn về khu vực trung tâm của đô thị làm thuê, bán hàng rong, thậm chí là mại dâm, trộm cắp.

Trong khi ngột ngạt với nếp sống đô thị, để tận hưởng không gian rộng, muốn hít thở bầu không khí trong lành, dân thành phố tìm về quê, thì nhiều người sống ở nông thôn vẫn thích được trở thành người phố thị!“Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ”, thực sự một số điều kiện về y tế, giáo dục, tiện nghi sống, xu hướng giải trí của đô thị là mơ ước với nông thôn.
Như vậy cũng có nghĩa là: nếu làng xã cũng có nước sạch, nước máy như người thành thị, cũng có hệ thống vệ sinh tự hoại, có siêu thị ngay trong làng, có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải, giao thông công cộng thuận tiện để người dân có thể đi xe bus ở bến đầu làng lên thành phố thăm con học Ðại học, có thể đến nhà hát, rạp chiếu phim, hội chợ, trạm y tế đủ tiêu chuẩn... thì họ cũng chẳng mơ ước“phố phường chật hẹp người đông đúc”. Họ vẫn có thể duy trì những quan hệ xóm giềng thân thiết, vẫn rủ nhau đi hội làng bên, buổi tối trải chiếu giữa sân uống trà ngắm trăng xem hoa quỳnh nở... Tức là, việc xây dựng một mô hình không gian nông thôn mới, trong đó các yếu tố hiện đại và truyền thống đan xen hài hoà, vừa hiện đại (về tiện nghi, mức sống) nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị tinh thần quý báu của văn hoá làng xã, hình thành một môi trường sống bền vững là một điều cần thiết và cần chủ động hoạch định đón đầu .
Công tác này đã được tiến hành một cách bài bản ở các nước phát triển phương Tây từ những thế kỷ trước, khi Cách mạng Công nghiệp làm thay đổi tính chất đô thị cũng như nông thôn. Mặc dù về tính chất nông thôn khác nhau, nhưng có nhiều điều chúng ta phải học tập. Chẳng hạn như các dự án công nghiệp được đẩy ra xa khu vực nông thôn, các đô thị luôn sầm uất và hiện đại liền kề những vùng nông thôn thuần túy, nông dân vẫn rất hài lòng với cuộc sống của mình và đời sống của họ luôn làm“dân phố” phải ghen tị.Những công việc đó đòi hỏi phải một sự phối hợp đồng bộ giữa định hướng phát triển kinh tế xã hội, định hướng quy hoạch chung. Không thể vội vàng đốt cháy giai đoạn. Trong đó, việc chuẩn bị cho nông dân về chuyển đổi phương thức sản xuất là cực kỳ quan trọng. Ðể làm được như vậy thì phải có quy hoạch đón đầu sớm và chuẩn mực, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn diện về các mặt xã hội học, kinh tế, kiến trúc... cụ thể trên từng địa bàn làng.
Bài và ảnh: KTS. Lê Thị Thuý Hà
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 11/08

Phố nổi trên sông, sông chìm trong phố

Phố nổi trên sông - Sông chìm dưới phố là ao ước về một viễn cảnh Hà Nội mở rộng tương lai – Rất có thể nó chỉ là giấc mơ giữa ban ngày khi chứng kiến sông chảy khắp phố - phố biến thành sông những ngày cuối thu năm 2008. Từ lâu lắm rồi, nơi trú ngụ khô ráo, sáng sủa vốn đã là tiêu chuẩn sống hàng đầu. Vậy mà, sau nghìn năm Hà Nội vẫn ngổn ngang chuyện đất - nước.

KÝ ỨC HÀ NỘI ÚNG NGẬP

Giữa biển nước mênh mông Hà Nội những ngày cuối tháng 10/2008, tôi lại liên tưởng đến sự lỗi lạc anh minh của vua Lý Công Uẩn khi lựa chọn nơi dựng nghiệp muôn đời: đấy là Thăng Long - Hà Nội. Nếu vị thế “...ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Ðông Tây, tiện nghi núi sông sau trước....” có lẽ thích hợp cho các bậc Ðế vương, thì ...mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnhlại thuận cho bách tính. Thế mới biết, từ lâu lắm rồi, nơi cư ngụ khô ráo sáng sủa vốn đã là tiêu chuẩn sống hàng đầu.
Thực ra Thăng Long - Hà Nội, nơi
“đất cao mà sáng sủa” này cũng thường xuyên đối mặt với lũ lụt trong suốt chiều dài lịch sử, cơ bản là do lũ sông Hồng gây ra. Năm 1078, nước sông tràn vào cửa Ðại Hưng. Năm 1128, Kinh thành bị lụt lớn. Năm 1243, Kinh thành bị ngập nhiều chỗ. Năm 1265, nước ngập ở phường Cơ Xá, người và vật thiệt hại nhiều. Năm 1270, nước to, đi lại trong phố phải dùng thuyền... (Ðại Việt sử ký).
Sử sách cũng ghi chép người dân Thăng Long đã chống đỡ với lũ lụt từ thời Lý Nhân Tông (1108) đắp đê Cơ Xá, đời Trần Thái Tông (1248) đắp đê quai vạc... cả ngàn năm đắp những chỗ lở, cơi những chỗ thấp, chắn nước để muôn vật được an bình.
Ðấy là chuyện lũ, còn chuyện úng ngập thì không mấy sử sách nói đến mà chỉ cần nhớ lại thì người Hà Nội cũng nghiệm ra được đôi điều.
Thập kỷ 70, sau những năm chiến tranh phá hoại, Hà Nội rộn ràng những công trình (lấp hồ ao, ruộng trũng) xây các khu tập thể lắp ghép: Giảng Võ, Thanh Xuân, Trung Tự, Thành Công... Những nơi ấy trũng đến mức có sáng kiến đào sâu chỗ này để đắp chỗ kia làm nền nhà. Thế là sinh ra cái hồ Giảng Võ, Thành Công đấy.
Sau những năm ấy có những trận mưa: Hồ Hoàn Kiếm nước dềnh lai láng sang tận sân đền Bà Kiệu. Tại Hồ Bảy Mẫu (công viên Thống Nhất) lũ trẻ chúng tôi bơi trên cái nền lối đi của ...công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối...”. Hà Nội khi ấy vắng vẻ, mươi hôm sau nước rút lúc nào chẳng biết, người lớn còn trăm mối lo cơm áo gạo tiền, nào mấy ai quan tâm.
Thập kỷ 80, sau những lần hồi tìm lối ra – òa lên sức sống Đổi mới. Hà Nội lại rộ lên những công trình kiên doanh, liên kết, muôn nhà đua nhau sáng kiến: biến cái nhà kho thành nhà hàng, bãi đất trống thành xưởng máy và cũng cơ man những ao chuôm cống rãnh được san phẳng để xây lên nhiều thứ không tên (nhiều phần sau đó là thành nhà ở).
Thập kỷ 90 úng ngập Hà Nội đã là vấn đề lớn. Âm thầm khảo sát hàng chục năm, Hà Nội tiến hành dự án thoát nước: các hồ điều hoà được nạo vét, cống ngầm/kênh tiêu nối liên thông với nhau. Dự án còn dang dở thi công đã làm Thành phố bình yên qua những đợt mưa lớn.


Phối cảnh tổng thể dự án Đồng Trúc - Ngọc Liệp do POSCO E&C làm chủ đầu tư

Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Nội do JICA (Nhật Bản) thiết kế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430/QÐ - TTg ngày 7/8/1995 với tổng mức đầu tư khoảng 1.162 triệu USD và được phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn. Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 có thời gian thi công khá dài (8 năm, từ năm 1997 - 2005), với tổng mức đầu tư là 200 triệu USD. Dự án hoàn thành đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiêu thoát nước của Hà Nội, hạn chế úng ngập dài ngày do nước mưa trên địa bàn thành phố. (theo Hanoimoi 13/9/2007)

SAU NGHÌN NĂM HÀ NỘI TA VẪN NGỔN NGANG CHUYỆN ÐẤT/ NƯỚC
Cũng dẫn nguồn tin trên: “Tiếp nối giai đoạn I, Dự án II (hơn 350 triệu USD) sẽ được cấp tập triển khai trong thời gian từ năm 2006 - 2010 nhằm cải tạo hệ thống thoát nước, “trọng trách” là chống úng ngập trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước (ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày); chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống (ứng với lượng mưa là 70mm/giờ). Bên cạnh đó là việc lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và đánh giá tác động môi trường cho Dự án xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn để xử lý nước thải cho khu vực trung tâm Hà Nội như một dự án độc lập, thực hiện song song cùng Dự án II.
Nếu như giai đoạn I đã trải qua thuận lợi thì giai đoạn II có nhiều băn khoăn, mà trận mưa to mấy ngày liền cuối tháng 10/2008 đã cho thấy Dự án cần cân nhắc một số vấn đề:
Thứ nhất là lưu vực thoát nước: Dự án giới hạn một phần nội thành và phía Tây thành phố, nghiên cứu khi Hà Nội chưa mở rộng nên chỉ tính bờ phải sông Nhuệ. Nay sông lọt giữa các khu đô thị đôi bờ - Sông Nhuệ quá tải. Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét tự chảy theo hướng Bắc Nam, dồn hết vào trạm bơm Yên Sở (bơm ra sông Hồng) và đập Thanh Liệt lại đổ vào sông Nhuệ. Trạm bơm Yên Sở chạy hết công suất trong 3 ngày liền mà nước sông Tô, sông Nhuệ vẫn tràn bờ.
Thoát nước cho 17.141 ha của 8 quận huyện (vị trí nằm giữa sông Hồng và sông Nhuệ) hết hơn 1 tỷ USD. Hà Nội mở rộng với 29 quận huyện, diện tích gấp 20 lần lưu vực trên thì hết bao nhiêu? Không lẽ mấy hôm mưa to vừa rồi: biển nước trắng mênh mông cánh đồng Chương Mỹ hay Mê Linh không cần đưa vào bài toán thoát nước Hà Nội?
Thứ hai là hệ thống kênh nổi, cống ngầm thu gom nước thải và nước mưa:
Ðịa hình tự nhiên Hà Nội dốc đều từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Ðông. Trước đây mưa to mấy thì các kênh mương huyện Từ Liêm cũng dẫn nước tràn vào cánh đồng mệnh mông Mễ Trì, trôi qua Trung Văn, Tân Triều xuống đến Tả Thanh Oai, Ðại Áng (huyện Thanh Trì). Nay thì khác nhiều rồi, bao nhiêu con đường nối từ Trung tâm thành phố ra phía Tây thành những con đê tự nhiên ngăn nước. Cơ man nào kênh tiêu lộ thiên đã được các khu đô thị mới ở Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì thu hẹp - ngầm hoá. Hàng ngàn ha ruộng trũng nay thành nền đô thị cao ráo rồi
... Thế là Trung Hoà, Nhân Chính, Mỹ Ðình, Mễ Trì, Thanh Xuân..., nước ngập tràn đường.
Hệ thống thu gom nước thải (trong dự án xử lý nước thải) chỉ gồm các đường cống nhỏ bé: từ D400 đến to nhất D2.000 cho một vùng rộng lớn, sau đó lại bơm vào sông Nhuệ, rồi sẽ chất tải thêm vào dòng sông vốn đang vật vã với những nguy cơ như cơn mưa to vừa rồi.
Trong lúc này sông Hồng vẫn đang nhởn nhơ lờ lững, vô tâm như chẳng có chuyện gì. Tại sao ta không phân vùng tiêu úng nội thành vào sông Hồng, giảm tải cho sông Tô, sông Nhuệ hoặc khiêm tốn hơn nó hỗ trợ tiêu thoát cho mấy cái hồ điều hoà nội thành mấy hôm rồi cũng đang tắc tị không biết điều nước hoà vào sông nào.
Muốn được như vậy, ta phải bổ sung hệ thống thoát nước cưỡng bức. Phải có mấy đường ống ngầm, dẫn nước từ các hồ (ví dụ như Hồ Gươm. Hồ Bẩy Mẫu, Ba Mẫu) vào mấy cái giếng sâu vài chục mét sau đó bơm ra sông Hồng - đấy là giải pháp cho mấy trăm km2 trong phố. Còn mấy ngàn km2 ngoài đồng; phía Tây thì lại cần khơi rộng cho dòng chảy lưu thông.


Sơ đồ dự án SMRT (Stomwater Management and Road tunnel) Kualalumpur - Malaysia

NHỮNG THÀNH PHỐ ÐỐI MẶT VỚI ÚNG NGẬP VÀ LŨ LỤT
Không chỉ riêng Hà Nội, còn rất nhiều thành phố trên thế giới cũng bị úng ngập và lũ lụt đe dọa. Và họ thể hiện sự tiến hóa của mình qua các dự án giải quyết thành công vấn nạn này. Có thể kể đến Venise (Italia) với dự án đập ngăn thuỷ triều từ biển chặn dòng nước ngập tràn. London (Anh) đã từng bị cơn mưa lớn kết hợp với triều cuờng nhấn chìm trong trận lũ năm 1952. Họ đã tiến hành dự án với Cổng Thames (Thames Baries) để đảm bảo an toàn. Kualalumpur và Tokyo cũng từng bị úng ngập nghiêm trọng và họ cũng có những giải pháp ổn thoả.
Nổi tiếng nhất là Amsterdam (Hà Lan). Nằm ở vùng đất thấp trũng, thành phố có hẳn một quy chế để phố hình thành từ các dòng kênh tiêu nước, ra đời từ đầu thế kỷ 17, duy trì các nguyên tắc ấy cho đến ngày nay, tạo nên một hình thái đô thị rất đặc trưng. Bố cục đáng chú ý nhất là các kênh vòng tròn lớn: Herrengracht, Keizersgracht và Prinzengracht - được xây dựng vào thế kỷ 17 và 18, với các công trình trụ sở các hãng buôn hay gia đình giàu có dọc kênh lớn. Kênh phụ (nhỏ hơn) hoặc các phố nhánh là nơi trú ngụ bình dân. Quy chế xác định kích thước lô đất mặt đường (mặt kênh lớn) rộng 8m, sâu 55 m làm cho các công trình bố trí các mảnh vườn giữa khu dân cư đông đúc. Hầu hết nhà cửa xây trên các cọc sâu 18m, nhà cao 3 tầng, hệ số ảnh hưởng đến đất đai (tối đa là 56%). Vật liệu sử dụng gạch, đá. Quy tắc vệ sinh công cộng nghiêm ngặt: nhà xí bắt buộc, các hoạt động nguy hại bị cấm... Ðến nay, phần lớn nhà cửa ở đây đã xây dựng lại, nhưng vẫn còn đó những khu nhà vừa đa dạng vừa thuần nhất và rất quyến rũ. Trong lịch sử trận chiến với quân Tây Ban Nha, người dân Amsterdam tự phá đập, nước ngập làm lính bộ binh địch giáp trụ nặng nề, khó di chuyển nên chưa đánh đã thua. Năm 1953, bão lớn kèm theo sóng biển khủng khiếp đã phá tan hệ thống đê biển gây thiệt hại lớn về người và của. Tuy vậy, Hà Lan vẫn là quốc gia sống chung với nước thành công nhất thế giới, một đất nước mà học sinh tốt nghiệp tiểu học phải hoàn thành môn bơi lội với nguyên quần áo, giầy dép và ba lô sách vở. Các KTS thì rất thành đạt với những mẫu thiết kế các ngôi nhà có thể bơi trên nước, trong khi nhà vệ sinh vẫn không thải nước bẩn ra ngoài. Các công ty xây dựng Hà Lan rất được tín nhiệm trong việc thực hiện những thành phố lộng lẫy - an toàn nổi lên từ biển cả, còn hệ thống đê biển thì thôi không cần khen nữa.
Kể vài câu chuyện trên cho thấy là thành phố hiện đại đến mấy vẫn phải đối mặt với tình trạng úng ngập. Nhưng có một thực tế nữa là thành phố giàu có đến mấy cũng không đủ tiền để cho không cư dân của mình mọi thứ cơ sở hạ tầng. Ðường đi, bãi đỗ, xử lý nước thải..., ai dùng, người ấy phải bỏ tiền.
Nhật Bản giàu thế mà 90% dân phải xử lý nước thải tại nhà rồi mới đổ vào chỗ chung. Nhà nước chỉ bỏ ra 1/3 còn đâu người dân và địa phương phải chi phí. Tại Ðan Mạch - đất nước Bắc Âu giàu có này có cả hệ thống xử lý nước thải chung cho toàn thành phố. Tuy vậy, thành phố vẫn quy định trách nhiệm xử lý nước thải tại nguồn rõ ràng đến từng doanh nghiệp hay hộ gia đình - cho dù công dân đã đóng thuế rất cao (25% thu nhập). Thủ đô của nước này, Copenhaghen được coi là thành phố mẫu mực về bảo vệ môi trường nước.
Hà Nội chưa giàu nhưng đã vay hàng trăm triệu USD chữa úng, nay lại định vay gần 1 tỷ nữa để làm mấy cái nhà máy xử lý nước thải cuối dòng.
Nước bẩn vẫn chảy lộ thiên trên sông, dân đôi bờ hứng đủ, nước sạch sau khi lọc để đổ ra sông ra biển để tưới rau nuôi cá. Nếu cả hai dự án không đạt mục tiêu, thành phố lấy đâu tiền làm tiếp?!

NHỮNG DÒNG SÔNG CHÌM TRONG LÒNG PHỐ
Nhìn trên bản đồ 5 tuyến đường sắt nội đô thì thấy có tới 3 tuyến xuyên qua trung tâm Hà Nội bằng các đường ngầm sâu gần 20m dưới mặt đường. Trận mưa lớn vừa rồi đã không ít người lo ngại rằng nơi đây sẽ thành những hang chứa nước vĩ đại, có tổng chiều dài đến chục cây số. Kể ra những lo ngại này là có cơ sở. Hầm đường bộ hai bên đường Phạm Hùng ngập nước do không ai trông nom đã đành, các gara để xe dưới các tầng hầm chung cư cao cấp - thì rõ là có máy bơm hoạt động 24/24h thế mà xe tiền tỷ vẫn ngập chết toi mới ức. Lại xem mấy cái mặt cắt tunnel (trong thiết kế tuyến số 3) bé tẹo chui vào mấy cái ga tầu ngầm dưới đất. Nếu các vị tư vấn đang ở Hà Nội mấy hôm mưa cuối tháng 10/2008, chắc hẳn họ sẽ giật mình nghĩ lại.
Thực tế các Metro cũng đã gặp rắc rối với úng ngập. Vấn đề ở tại Nhật Bản – quốc gia có kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới về tunnel ngầm. Tokyo có đường dưới đất dài hơn đường trên mặt đất. Cuối những năm 1970, mưa bão lớn làm ngập mấy tuyến Metro nguy hiểm đến cả hành khách, thế mới sinh ra Dự án “G-cans” gồm 5 cái giếng thu nước sâu 65m, hồ ngầm chứa hàng chục triệu m3 nước (sức chứa 4 con sông và các hồ nội thành Hà Nội là 22,8 triệu m3). Các giếng thu nước của các đường ngầm, nối lại bằng các đường ống bê tông đường kính 50m rồi bơm ra sông bằng bơm cực mạnh (200 tấn nước/ giây), công suất gấp 4 lần trạm bơm Yên Sở.
Trung tâm Kulalumpur (Malaysia) cũng có vùng trũng ngập, họ đã làm tunnel sâu hàng chục mét, đường kính 13.2m dài 9,7km. Trong tunnel có 2 tầng xe ô tô, còn một tầng làm đường thoát nước. Khi ngập lớn thì toàn bộ mặt cắt sử dụng thành ống tiêu úng ngập khổng lồ.
Hà Nội có nhiều dự án tiền tỷ USD, cái nào tính riêng rẽ cái đó. Ví dụ như cái dự án ngầm hoá cáp điện và viễn thông. Dự toán ngầm hoá 1km đường dây hết 10 tỷ VND. Hà Nội (cũ) có 2.000 km đường - như vậy số tiền để ngầm hoá sẽ là 20.000 tỷ VND (1,2 tỷ USD). Nếu ta kết hợp cái tunnel Metro với thoát nước, ngầm hoá đường dây đường ống thì giảm đầu tư đi nhiều, đường xá đỡ bị đào bới liên miên. Thoát theo lối này có chỗ chỉ cách sông Hồng mấy trăm mét, nước không phải chạy vòng vèo mấy chục km mới tới được hồ Yên Sở như bây giờ.
Hà Nội có một số địa điểm bố trí giếng thu nước kết hợp làm ga ra ôtô ngầm. Mỗi giếng đường kính 30m, sâu 40-50m là để được 400-500 xe ôtô (tương đương bãi xe rộng hơn 1 ha). Mấy cái giếng này còn là nhà ga chờ các đường tàu điện ngầm tương lai của thành phố nữa. Nó mà đặt ở quanh khu phố cổ, phố cũ thì đắc dụng lắm: có chỗ để xe thì giảm ô tô xe máy đi vào trung tâm. Thu tiền gửi xe thừa tiền làm giếng... Ở trên nóc ta đậy nắp lại để trồng cỏ, trồng hoa vẫn thành các vườn hoa công cộng. Chuyện này không phải phát minh mới mẻ gì, vì cả thế giới họ làm vậy đã lâu rồi. Tính khéo thì xã hội hoá tự làm tự trả được, không phải lụy ai.
Ðọc tới đây có bạn nghĩ tôi bịa ra cái “không tưởng”. Nhưng chỉ cần bình tĩnh so sánh những toan tính hà tiện của tôi với những dự án trưng ra hàng tỷ USD trong cái thành phố mà từ cống thoát nước đến lát vỉa hè cũng tính chuyện đi vay thì cái nào sẽ không tưởng hơn đây?

NHỮNG ÐƯỜNG PHỐ SOI BÓNG TRÊN SÔNG
Phải nói luôn là chuyện được đề cập dưới đây không dính gì đến Ðại dự án Sông Hồng, vì ngày 11/11/08 Sở KTQH đã thông báo đóng cửa Triển lãm sớm hơn 4 tháng. Lý do: ít người xem. Cũng không liên quan tới bức tranh treo vô thời hạn hình ảnh tương lai của khu đô thị nhiều tỷ USD đang soi bóng xuống mặt ruộng ngập nước mênh mông. Càng không đề cập gì đến dự án nhiều tỷ USD khác, sau nửa tháng mưa to rồi mà nền khu dự án vẫn là bạt ngàn nước ngập. Những đường phố men theo những dòng sông muốn bàn chính là ngàn làng quê Xứ Ðoài đang chập chững đô thị hoá ở phía Tây Hà Nội, tạnh mưa rồi mà vẫn còn đấy những nỗi lo.
Hà Nội nay có diện tích 3.340 km2, dân số 6,2 triệu người, mật độ 2.000 người/km2. Khi tăng gấp đôi thì mật độ dân số Hà Nội mới là 4.000 người/km, chỉ bằng 1/4 mật độ của Seoul hiện tại (16.700người/km2). Tại đây, 10 triệu dân Seoul cư trú trong diện tích bằng 2/3 Hà Nội cũ (605km2).


Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch)

Chưa thấy dự báo tương lai sẽ có bao nhiêu phần trăm các công dân Thủ đô vẫn là nông dân nhưng đã có những phương án quy hoạch, dự kiến dành 20% đất cho nông nghiệp truyền thống (768km2). Nếu bình quân đất 2 sào (760m2)/lao động nông nghiệp thì suy ra sẽ còn đất cho 1 triệu nông dân nữa. Một người sẽ đạt sản lượng trồng trọt chăn nuôi ra sao đây để có đủ lương thực thực phẩm cho 9 người? Cứ cho là viễn cảnh 20 năm nữa thì vẫn rất lãng mạn.
Dự tính thực tế hơn khi sẽ có 40% người gắn bó với nông nghiệp, sản xuất trên diện tích tương ứng 60% đất tự nhiên (2.000 km2) - Như vậy thành phố với 1.340 km2 sẽ thừa đủ cho 10 triệu người trú ngụ (7.462 người/km2 - mới bằng 45% mật độ Seoul hiện tại) - Quan trọng là phải chọn nơi khô ráo - sáng sủa - sạch sẽ - an toàn, sao cho “...dân cư không khổ thấp trũng tối tăm”.
Thành phố 10 triệu dân cần không gian đủ tiêu hoá 10.000 tấn rác mỗi ngày (sẽ có 1.000 chuyến xe vào ra, ngày đêm rầm rập chở rác). Sau một năm số lượng rác sinh hoạt sẽ là 3,6 triệu tấn, cộng với rác công nghiệp, phế thải xây dựng sẽ có những núi rác cao hàng chục mét trải trên diện tích hàng ngàn ha. Không gian ấy ngày càng khó kiếm.
Có lẽ nơi hấp thụ tốt nhất rác thải hữu cơ chính là đất đai trồng trọt. Ðất trồng trọt sẽ ở đâu nếu không phải là những nơi gần nguồn nước - ấy chính là ven những dòng sông lớn nhỏ vậy. Trong những ngày mưa ngập vừa qua cho thấy: huy động vài ngàn lao động ứng cứu đê điều không đơn giản thì mới hiểu là hệ thống kênh mương thủy lợi chằng chịt hiện có - kết quả của hàng triệu lao động gần một thế kỷ qua giá trị nhường nào. Thế thì lý do gì mà san ủi đi để làm khu đô thị với khu công nghiệp chi chít, vài năm rồi vẫn chỏng trơ nền cỏ dại.
Sẵn những dòng sông Ðáy, sông Bùi, sông Con, sông Tích, sông Nhuệ cùng với hệ thống kênh tiêu, mương tưới..., nay ta quy hoạch lại vừa là cấp nước cho trồng trọt, chăn nuôi, vừa là chủ động tiêu thoát lúc mưa ngập thất thường. Tại những nơi đất trũng ruộng sâu, nên chăng tổ chức lại nơi định cư cho an toàn khô ráo, nơi thấp khoanh làm hồ chứa điều hoà, phát triển thuỷ sản và du lịch. Làm như vậy vừa sức hơn cái cảnh mất công vật nền mà vẫn không hết lo nước ngập. Các ông KTS, KS tài giỏi tới đây, ra tay mà vẽ ra cái nhà biết bơi đi, để bà con đỡ cảnh chạy nước. Ðược như vậy thì ắt sẽ là “...muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”.
Ðất nước còn ngổn ngang nhiều việc, thành phố còn vạn thứ phải lo toan. Giá mà mỗi người Hà Nội nghĩ ra cách làm ăn, đi lại, tát nước, khơi ngòi, đổ rác, trồng rau, nuôi cá, chăn bò..., muôn sự bắt đầu từ chỗ chắt chiu, cân nhắc chi ly, trông trước nhìn sau thật cẩn trọng thì sớm muộn Thành phố sẽ giàu có thịnh vượng, nhà nhà sẽ yên ấm no đủ.
Còn cái thành phố long lanh soi bóng bên sông nó sẽ ra sao, ấy phải nhờ cậy các bác KTS đang có nhân duyên được vinh dự giao vẽ ra Thành phố tương lai. Ðợi xem, họ sẽ trổ tài!


Nguồn ảnh:
HanoiData ST& BT

THS.KTS PHAN HOÀI NĂNG

TRẦN HUY ÁNH
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 2/2009

No comments:

Post a Comment