Tôi may mắn được ở gần các trung tâm giải trí lớn của California, như Disneyland (một thế giới lý tưởng của tuổi thơ), Knott Berry Farm (một nước Mỹ thu nhỏ, thích nhất là cảnh đồng quê từ thời lập quốc, với cảnh khai phá đất mới và các quặng mỏ ở miền Viễn Tây); xa chút nữa về phía Bắc là Universal Studio (một phim trường vĩ đại), hay về phía Nam với Sea World (một thế giới các động vật biển & đại dương thu nhỏ). Sau những lần viếng thăm những nơi đó, tôi chợt mơ ước sẽ có một ngày nào đó không những Mẹ và các em tôi được viếng thăm và vui chơi ở những nơi này mà cả 70 triệu đồng bào tôi cũng sẽ có được một khu giải trí rộng lớn, với nhiều trò chơi hào hứng, hữu ích tương tự như thế để mọi người thuộc mọi giới có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc sau những ngày lao động vất vả. Qua đó, tôi còn muốn giới thiệu với du khách năm châu một chút ít về lịch sử, phong tục tập quán và một số sinh hoạt tiêu biểu của người dân Việt Nam. Từ mơ ước đó, tôi tưởng tượng ra một Công Viên Văn Hóa Việt Nam (CVVHVN.) rộng trên 300 mẫu, vừa gần cửa sông / biển lại vừa gần đồi núi để có thể tái tạo một phần khái quát địa lý Việt Nam. Trên khu đất này sẽ có một khối vuông ở trung tâm với một khối trụ tròn ngay chính giữa (tượng trưng cho Đất & Trời theo sự tích Bánh Chưng & Bánh Dày, vừa tiêu biểu cho thời đại Hùng Vương lập quốc - khởi thủy cho sự hình thành nước ta).
Bao quanh khối trung tâm là 6 khu giải trí chính bố trí như 6 cánh hoa mai (hình lục giác) tiêu biểu cho 6 thời kỳ lịch sử quan trọng ( Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn và sau năm 1954 đến nay). Nhìn từ trên cao xuống, Công Viên này có hình dáng như một đoá sen hay một đoá mai nở rộ. Cả 6 khu này nối kết với khối trung tâm bởi một đường xe lửa Xuyên Việt khởi đi và về đến nhà ga chính (nằm ở khối trung tâm); đồng thời có một hệ thống đường mòn (trailing system) cho người đi bộ và các loại xe nhỏ phục vụ cho hoạt động trong Công Viên. Địa điểm có thể chọn là khu cửa sông Thị Vải, khu cửa Cần Giờ hay khu Láng Cát, Vũng Tàu (cần quan sát thực địa, coi kỹ địa hình, khảo sát địa lý địa chất mới có thể chọn lựa và quyết định địa điểm thích hợp). Bây giờ xin mời bạn thử “tham quan” Công Viên Văn Hóa Việt Nam để từ đó mỗi chúng ta có thể đóng góp vào mơ ước tương lai này của chính chúng ta và cả con cháu chúng ta sau này. Từ xa lộ, bạn rẻ phải vào một cổng lớn với tấm biển màu xanh lục có chữ trắng “Công Viên Văn Hoá Việt Nam” để đi vào một bãi đậu xe đủ sức chứa trên 1000 xe hơi và một nhà giữ xe 2 bánh, rợp mát bởi nhiều cây tán lớn như phượng vỹ, me, bằng lăng, v.v... xen kẻ với các bụi dâm bụt, hoa lài và một hệ thống đèn thắp sáng về đêm đủ bảo đảm an toàn cho khách. Một hệ thống xe đưa đón khách từ bãi đậu xe vào tận các quầy vé ngay cổng chính. Các xe tuần cảnh và vệ sinh cũng luôn hoạt động nhằm bảo đảm an toàn & vệ sinh đến mức tối đa cho “Công Viên Văn Hoá Việt Nam.” Tại cổng chính có 6 quầy vé thiết kế như 6 căn chòi tranh, mỗi quầy rộng 4 mét vuông vừa đủ cho 2 người bán vé. Khoảng giữa 2 quầy là điểm soát vé.
Qua cổng chính, bạn sẽ thấy một hồ nước (8m x 25m x sâu 60cm), với 40 vòi phun nước theo điệu nhạc (dancing water), đưa bạn theo 2 lối chính ở 2 bên hồ để đi tới trước khối trung tâm. Mỗi lối đi rộng 10 m, tráng xi măng màu bởi nhiều họa sĩ để tạo thành bức họa vĩ đại mô tả sinh hoạt của người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, thuộc nhiều thành phần nghề nghiệp & sắc tộc khác nhau. Hai bên lối đi là 2 bãi cỏ xanh mướt với hai hàng dương, liễu, phi lao, các loại eucalyptus đung đưa theo gió và tạo bóng mát cho lối đi nhưng vẫn không ngăn cản tầm nhìn của du khách về phía các tượng đài (danh nhân, anh hùng, bác học Việt Nam) thấp thoáng rải rác trên bãi cỏ. Các bụi hoa theo mùa (annual/ perennial) trồng sát bờ lề nhằm trang điểm thêm màu sắc cho lối đi, đồng thời ngăn cản du khách đi tắt hay dẫm vào bãi cỏ nhưng vẫn an toàn và tạo thêm thích thú cho trẻ em. Cuối hồ nước, ở khoảng cách 3 mét, một tấm bia đá ghi tóm tắt lịch sử Việt Nam trên nền một bức họa lịch sử dân tộc ở mặt trước; mặt sau là tóm tắt về “Công Viên Văn Hoá Việt Nam” với bản đồ chỉ dẫn. Sau bia chừng 3 mét là 9 bậc thềm dẫn vào khu trung tâm với 2 khối chính:
Khối Vuông (tượng trưng cho Bánh Chưng): tạm gọi là Trung Tâm Văn Lang bởi đây là khu vực chính giữa công viên, là trung tâm xuất phát của hành trình về nguồn trong “Công Viên Văn Hoá Việt Nam.” Mỗi cạnh dài 75 mét, chính giữa mỗi cạnh là một cửa chính với 2 cánh cửa gỗ lim mà khép lại sẽ có mặt trống đồng Ngọc Lũ chạm trỗ sắc sảo. Tường cao 8 mét, lát cẩm thạch nâu đen suốt 4 mét từ chân tường, phần còn lại là tường gạch có viền hoa văn hình đàn chim Lạc Việt trên đầu tường. Khoảng giữa sẽ là những bức tranh hay phù điêu vĩ đại về truyền thuyết Lạc Long Quân & Âu Cơ với Trăm Con (ngay mặt tiền sảnh), về các trận đánh lịch sử (3 mặt còn lại). Trên khoảng tường đá cẩm thạch, bạn sẽ đọc được những câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn nhằm giáo dục và nhắc nhở thế hệ trẻ về văn hóa dân tộc. Mái ngói đỏ uốn cong ở 4 góc khối vuông này theo dạng mái cổ truyền Việt Nam, với chim Lạc Việt ở rìa 4 góc ngoài, góc trong sẽ vuốt cong lên theo cạnh khối trụ tròn vươn thẳng lên trời cao như một đóa sen ở chính giữa khối vuông này. Tất cả cây cảnh ở đây là cau kiểng, mai, lan, cúc, trúc. Một hành lang rộng 3 mét nằm giữa lan can và tường đá, chạy quanh 4 mặt, có đèn kéo quân và đèn lồng treo trên trần. Lan can và cột chạm khắc bộ tứ linh (long - lân - quy - phụng). Bên trong khối vuông chia thành 2 tầng: Tầng hầm là hội trường có tâm điểm là sân khấu quay ôm lấy chân khối trụ tròn. Dốc cao từ cửa chính rồi thoải dân về phía sân khấu, với các hàng ghế xếp theo hình rẻ quạt nằm giữa các lối đi chính (tối thiểu 3 mét). Đèn trang trí có dạng chim Lạc Việt cất cao đầu. Màn và rèm cùng với vách và thảm trải lối đi đều có màu đỏ rượu chát điểm thêm biểu tượng (logo) của CVVHVN. màu vàng. Hệ thống âm thanh, ánh sáng và trang trí nội thất vừa thể hiện tính hiện đại vừa phải mang tính dân tộc. Sau sân khấu là phòng thay y trang / trang điểm của nghệ sĩ. Các phòng vệ sinh, phòng cơ khí & bảo trì, cửa thoát hiểm (emergency exit), cầu thang và thang máy đều nằm rìa ngoài hội trường. Cần đáp ứng tất cả điều kiện về an toàn, bảo hiểm, vệ sinh, cấp cứu, cứu hỏa, cứu thương, v.v... và hội đủ tiện nghi nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách. Tầng trên là Nhà Văn Hóa, với 4 khu chính: - Nửa phía tiền sảnh sẽ chia làm 2 phòng: Phòng hành chánh (điều hành mọi hoạt động trong CVVHVN., quản trị nhân viên & tài sản) và Viện Bảo Tàng (bảo tồn di vật lịch sử từ thời Hùng Vương đến nay). - Nửa phía sau cũng chia đôi: Phòng triển lãm nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ ( họa sĩ, điêu khắc gia, nhà kiến trúc, nhiếp ảnh gia...) trưng bày & giới thiệu sáng tác của mình và Thư Viện sẽ lưu trữ các tài liệu về lịch sử, văn học, nghệ thuật, luật lệ & định chế, tôn giáo (Phật, Nho, Lão, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo...), địa dư, âm nhạc, toán pháp, tiền tệ, các mẫu văn bia, các truyện kể dân gian, các câu hò, bài lý, ca dao, tục ngữ, các loại văn khố quốc gia (kể cả chữ Nôm, chữ Háùn, Pháp & Anh ngữ). Tương tự như tầng hầm nhưng tầng trên sẽ cao và rộng thoáng hơn, nhất là với mái uốn cao lên theo thân trụ tròn và có nhiều cửa kính hơn. Phía sau khối vuông sẽ là một nhà ga và một nhà hàng ngoài trời để đoàn tàu Xuyên Việt sẽ đưa khách tham quan CVVHVN.
Khối Tròn (theo tích Bánh Dày): 2. có đường kính 15m, cao 45m, như một đóa sen nở ra ở độ cao 30m với một nhà hàng có thể xoay tròn 360 độ (như Bon Aventure ở Los Angeles, California, Mỹ) khiến khách có thể ngồi ăn một chổ mà vẫn có thể nhìn ngắm toàn cảnh CVVHVN. và xa hơn. Đỉnh trụ là tháp ăngten của hệ thống vô tuyến truyền hình và có gắn một bóng đèn đỏ cháy sáng liên tục. Với hình dáng thanh thoát, đường nét mới lạ, sử dụng sắt thép và kính xanh lam trên trụ bêtông cốt thép, khối trụ tròn này như một đóa sen vươn lên trên nền trời xanh biếc như nói lên ý chí vươn tới sự tiến bộ, văn minh, độc lập, tự do, hạnh phúc, no ấm và cả đạo đức “chân thiện mỹ” của tập thể người Việt trong cố gắng hòa mình vào dòng phát triển chung của cộng đồng nhân loại. Về đêm, khối trụ tròn này trông giống một ngọn hải đăng thắp sáng soi đường cho tàu bè trên biển.
Trạm đầu tiên mà bạn ghé đến sẽ là Khu Hoa Lư. Ngay khi bước qua cổng, bạn tưởng chừng đang trở về một thôn làng tiêu biểu ở vùng đồng bằng Việt Nam, với một mái đình rêu phong, một gốc đa cổ thụ cạnh một giếng nước trong. Bạn sẽ gặp một cậu bé như Lê Quý Đôn hay Lương Thế Vinh sẽ chào đón bạn bằng những câu hỏi thông minh trước khi mời bạn vào làng. Bạn sẽ có cơ hội dự một cuộc họp hay một buổi lễ theo nghi thức cổ truyền của các chức sắc, bô lão trong làng; hay xem một vở chèo, một tuồng hát bội, một vở cải lương ngay trong sân đình. Con em bạn có thể tham gia các trò chơi dân gian với lũ trẻ làng mà không ít bạn đã có tham dự khi còn nhỏ, như: nhảy bao bố, kéo co, nhảy lò cò, đu dây, đánh banh đũa, chơi ô ăn quan, đánh chõng, thảy vòng vào cổ vịt, v.v... ngay sau đình. Những hình ảnh quen thuộc như ngọn cau, dây trầu, khạp da bò, gáo dừa, bếp nứa, đống rạ, cầu khỉ, mâm quả.... đều có thể tìm thấy ở đây, cùng với rất nhiều món ăn, thức uống thuần tuý “nhà quê” của cả 3 miền Nam - Bắc - Trung được bày bán trong các hàng quán dọc 2 bên đường làng. Dân làng sẽ chỉ cho bạn tập leo cây dừa, tập chèo xuồng, tập tát đìa, câu cá, soi ếch, bắt tôm,... ngay trên đồng ruộng, hay trên con rạch với từng dề lục bình nở chùm hoa tim tím, hoặc ở cái ao cá tra mọc đầy rau muống sau đình, hay ở vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả. Không khí vui tươi ở trên đồng sẽ hấp dẫn hơn nếu như bạn vừa được ăn cá nướng, lươn um, uống nước dừa xiêm..., vừa được xem Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn mục đồng cỡi trâu chơi trò “Cờ Lau Tập Trận”. Khi đêm xuống, con em bạn sẽ được các ông lão kể chuyện cổ tích về Tấm Cám, An Tiêm, Trầu Cau... với các diễn viên trẻ minh họa. Còn bạn sẽ nghe các cô vừa tát gàu sòng dưới trăng, vừa hát Quan Họ, Lý Ngựa Ô, ca vọng cổ, hò mái đẩy... trông hết sức lãng mạn, trữ tình. Sau đó, bạn có thể vào ngủ trên một phảng (Đivăng) có mùng giăng trong một túp lều tranh với ngọn đèn dầu leo loét trong đêm. Tóm lại, khu Hoa Lư sẽ đưa bạn cùng bạn bè nước ngoài và con em bạn về hưởng thú vui đồng nội ở một vùng nông thôn hiền hòa, trong cuộc sống gần gũi thiên nhiên, rất mộc mạc, bình dị của dân quê Việt Nam. Ở đó, chúng ta có thể tìm lại được vài kỷ niệm của một thời thơ ấu, đồng thời có thể dạy dỗ con em mình biết quý yêu hạt lúa, con trâu, nhà nông... và hãy thử nghĩ làm sao cho nông thôn Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn, đời sống nông dân sẽ sung túc hơn.
Trạm thứ hai sẽ là một vùng rừng núi Việt Nam, gọi là khu Tây Nguyên. Ở đây, bạn sẽ thấy nhiều loại động thực vật quen thuộc của rừng nhiệt đới, sẽ ghé thăm vài bản làng để biết qua một số phong tục tập quán và sinh hoạt đặc thù của các sắc tộc thiểu số, chẳng hạn vừa uống rượu cần, vừa xem họ biểu diễn với những nhạc cụ độc đáo như đàn t’rưng, đàn đá, v.v... Họ sẽ tập cho bạn đi cầu treo qua các vực thẳm, tập leo núi, trèo đèo, vượt suối, băng rừng. Họ sẽ chỉ cho bạn biết phân biệt loại cây cỏ nào ăn được hay chữa được bệnh. Bạn sẽ thấy nhiều loại thú rừng quý hiếm nhìn bạn không chút sợ hãi bởi chúng được chăm sóc và bảo vệ rất kỹ; nếu bạn cố tình giết hại chúng hay làm hại đến môi trường sống của chúng thì bạn sẽ lãnh án phạt rất nặng. Nếu bạn không đủ sức đi theo đường mòn thì bạn có thể ngồi xe lửa Xuyên Việt (một loại xe “tram”) để tham dự hành trình kỳ thú này. Có lúc đoàn tàu chạy qua cầu phao bắc trên một con suối, có lúc chui qua đường hầm tối tăm rồi lại vượt qua màn nước đổ như thác trên cao xuống, có lúc chạy trên một chiếc cầu bắc qua hẻm núi cheo leo hay cố leo lên một dốc nuí chênh vênh... sẽ tạo thêm nhiều thích thú cho bạn trong hành trình xuyên qua khu Tây Nguyên. Bạn cũng có dịp xem Hai Bà Trưng hay Bà Triệu cỡi voi đánh trận, hay Lê Lai liều mình cứu chúa trong khi Lê Lợi và thuộc tướng phải nằm gai nếm mật suốt mười năm kháng chiến chống quân Minh. Những nhà trọ, hàng quán nằm trong khu này đều thiết kế như một bản làng thật nhưng cần cấm bán thịt thú rừng quý hiếm (endangered species), cấm say sưa, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, phòng cháy, môi sinh. Động thực vật quý hiếm sẽ có bảng tên (name tag) ghi tên khoa học (scientific name) + tên thường dùng (common name) + tên Việt Nam + xuất xứ cho từng loài. Dọc đường mòn đều có băng ghế nghĩ chân, vòi nước uống + nước rửa mặt, nhà vệ sinh sạch sẽ và tiện nghi (cho cả người tàn tật, phụ nữ, trẻ em), có bản đồ chỉ dẫn và dấu chỉ đường rõ ràng, có điện thoại công cộng và phương tiện cấp cứu trong trường hợp tai nạn. Qua khu Tây Nguyên, mong rằng bạn sẽ hiểu thêm một chút về nuí rừng, cây cỏ, động vật và con người sống ở miền rừng núi, nhất là sự hiểu biết về đời sống và văn hóa, nghệ thuật của các sắc tộc thiểu số để Kinh -Thượng sẽ luôn đoàn kết tương trợ như anh em một nhà, cùng giúp nhau xây dựng và phát triển đất nước.
Trạm thứ ba sẽ là một ngôi chùa trên đỉnh núi (thiết kế theo mẫu chùa Bích Động ở miền Bắc, có thêm Bảo Tháp như Linh Mụ hay Xá Lợi ). Đây không phải là ngôi chùa to đẹp nhất nước mà tôi chỉ mong rằng đây sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu với cảnh quan thể hiện tính Thiền (Zen) đặc trưng của Phật học, nhất là các cây kiểng và bonsai lâu năm được chăm sóc rất khéo. Nơi đây, bạn sẽ gặp Lý Công Uẩn kể lại sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, sẽ viếng nhà bảo tàng Phật Giáo để biết qua lịch sử phát triển và ảnh hưởng của Phật Giáo đối với đời sống văn hóa - tinh thần và xã hội Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo và những đóng góp của Phật Giáo vào công cuộc xây dựng đất nước dưới triều đại Lý, sẽ thấy những tài liệu biên khảo và di vật tượng đài Phật Giáo (sao chép từ nguyên bản). Có thể xem đây là trạm dừng chân để bạn có thể nghĩ ngơi, tĩnh tâm sau một hành trình căng thẳng. Bạn có thể học Thiền, tập Thái Cực Quyền, biết qua Phật pháp và thử dùng các thức ăn chay (vegetarian) được chế biến công phu, độc đáo. Sau đó, bạn có thể tham dự cuộc thi gánh nước, bổ cũi, chạy băng suối, tập vượt thác, leo cây, đi dây tử thần, leo núi... Bạn có thể vào thạch động xem các công trình điêu khắc trên vách núi. Bạn có thể nhìn ngắm toàn cảnh CVVHVN. phía dưới. Tôi còn mơ ước sẽ xây dựng ở đây một ngôi trường đào tạo tu sĩ Phật giáo và môn Thiền Học như Làng Hồng ở Pháp của thầy Nhất Hạnh.
Trạm thứ tư sẽ là theo suối ra sông Bạch Đằng để xem Ngô Quyền phá quân Nam Hán hay Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên oanh liệt như thế nào. Cả một khúc sông sẽ được xây dựng lại để tái hiện cảnh cọc nhọn làm đắm thuyền giặc nhằm thể hiện trí thông minh, việc dựa vào thiên nhiên (khai thác những thuận lợi - khó khăn từ điều kiện thiên nhiên để thắng giặc ) trong chiến tranh giữ nước của dân Việt. Bạn sẽ tham dự Hội Nghị Diên Hồng trong không khí náo nức của hàng vạn sĩ phu nhà Trần hô to “Quyết Chiến,” “Hy sinh”..., sẽ gặp một Trần Quốc Toản bóp nát trái cam ngay ngoài Hội Nghị, một Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà nghĩ chuyện cứu nước bất kể giáo đâm vào đùi, sẽ gặp Yết Kiêu hay Dã tượng... Ở trạm này, bạn sẽ hiểu lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu và tinh thần cứu nước mãnh liệt của người Việt như thế nào. Sau đó, bạn sẽ thưởng thức cảnh sông nước và biết qua cuộc sống của ngư dân Việt Nam trong hòa bình khi thả mình trên ghe bầu theo sông ra tận cửa biển, vừa ăn thử những đặc sản sông & biển (seafood) Việt Nam rất tươi và ngon lành. Bạn cũng có thể tắm sông hay tắm biển, có thể xem hay tham dự cuộc đua thuyền & ghe máy (vỏ lãi, tắc ráng), chèo thuyền thúng, thuyền nan, đua bè rất độc đáo. Nếu muốn, bạn có thể xem ngư dân đi câu tôm, đóng đáy, thả lưới, cất vó, câu rê... Bạn có thể thấy các phương tiện giao thông vận tải của Việt Nam từ xưa đến nay được trưng bày dọc trên bãi cỏ, ven đám dừa nước và ô rô, hay trong bờ lau, bụi sậy ven sông, hay đang được sử dụng trên sông và trên biển. Qua khu này, bạn sẽ hiểu nhiều hơn về cuộc đời sông nước của người Việt, trong cả thời chiến lẫn thời bình, nhất là cuộc đời thường tiêu biểu nhất của người dân.
Rời sông biển, bạn đến trạm thứ năm để lại về kinh thành. Ở đây, bạn sẽ gặp các sĩ tử về kinh thành để thi hương, thi hội, thi đình với lều chõng, với cảnh trường thi qua việc thi cử, xướng tên cho các Cử Nhân, Thám Hoa, Bảng nhãn, Trạng Nguyên, Tiến sĩ . Bạn cũng xem múa đèn, múa quạt và nhiều câu ca, điệu múa cung đình khác, nhìn lại cuộc sống của các vua chúa qua các bữa ăn vương giả với nhiều lễ nghi cung đình, qua cuộc dạo chơi trên thuyền rồng. các lễ hội, đình đám, phong tục tập quán, các món ăn địa phương, các trò chơi dân gian ngay bên trong mô hình các phố cổ (thu nhỏ), các công trình kiến trúc & nghệ thuật khác đều được các sử gia, họa sĩ, điêu khắc gia, các nhạc sĩ, các nhà địa lý, khảo cổ, nhân chủng, xã hội học, xây dựng, kiến trúc và các nhà chuyên môn khác hợp nhau tạo dựng lại ở đây hình ảnh của các kinh đô Việt Nam ngày xưa trong mục đích phục vụ giáo dục, du lịch và giải trí đó. Du khách sẽ được xem mô hình thu nhỏ lại của một Hà Nội với 36 phố phường, hay một Đại Nội Huế với kỳ đài và Phu Văn Lâu, hoặc phố xá Sàigòn - Gia Định xưa và nay, cũng có thể tìm được hình ảnh của kiến trúc và văn hóa Nhật ở khu phố cổ Hội An(tất cả được chọn lọc có tính điển hình và thu nhỏ). Do đó, mọi hàng quán trong khu này phải đáp ứng yêu cầu trên, quan trọng nhất là sự tái tạo phần nào sinh hoạt thời xa xưa ở những cố đô, thành thị Việt Nam một thưở nào. Chẳng hạn, bạn sẽ được thấy đám cưới ngày xưa hay lễ vinh quy bái tổ với cảnh đi kiệu, nằm võng, sẽ thấy xe kéo, xe lôi, xe bò, xe ngựa, xe thồ, xe xích lô đạp và các phương tiện giao thông đường bộ thô sơ khác trên những nẻo đường lịch sử Việt Nam. Ở mỗi giao lộ, bảng tên đường luôn kèm theo bản tóm tắt lịch sử các địa danh đó với cả bản đồ nhỏ xác định rõ vi trí địa lý trên thực tế. Trước khi rời trạm này, bạn sẽ nghe vua Hàm Nghi đọc Hịch Cần Vương, sẽ theo các lãnh tụ cách mạng vào thăm các khu kháng Pháp như ở Bãi Sậy với Nguyễn Thiện Thuật và Cao Thắng, sẽ thấy Nguyễn Trung Trực đốt tàu giặc... Qua trạm này, bạn có thể tìm hiểu lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam với những nét đặc trưng do ảnh hưởng từ Trung Hoa, An Độ, Pháp, Nhật và Mỹ.
Trọng tâm chính của CVVHVN. là giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với đất nước và đồng bào của các em qua nhiều hình thức sinh hoạt và trò chơi khác nhau. Qua công trình này, tôi muốn nói với các em rằng: Đây là một mô hình Việt Nam thu nhỏ nhằm giúp các em hiểu rõ hơn, cụ thể hơn về đất nước và con người Việt Nam. Hy vọng rằng sau chuyến tham quan CVVHVN., lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm đối với quê hương trong các em sẽ được nâng cao và tiếp tục nuôi dưỡng ngay chính trong cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi đã thấy trẻ em xứ người sung sướng quá, đầy đủ quá nên tôi chỉ mong sao trẻ em Việt Nam cũng sẽ được hưởng phần nào may mắn đó trong một ngày không quá xa bởi sự đầu tư cho tương lai phải bắt đầu từ sự giáo dục và bồi dưỡng đúng mức ngay từ lúc này. Từ CVVHVN., thế hệ trẻ Việt Nam sẽ gần gũi nhau hơn ( và gần gũi với cả bạn bè thế giới), sẽ thấy Việt Nam cần có hoà bình để xây dựng và hàn gắn những vết thương chiến tranh, thù hận, sai lầm, để vui vẻ và lạc quan hơn khi nắm tay nhau đi vào thế kỷ 21 của văn minh, dân chủ và tiến bộ. Đến với CVVHVN., mọi người sẽ hiểu biết về đất nước và dân tộc Việt Nam một cách nhẹ nhàng qua một chuyến du hành có tính cách vừa học, vừa chơi. Tuỳ vị trí địa lý, địa hình và ý kiến đa số quần chúng mà phác thảo này sẽ thay đổi hợp lý và hoàn chỉnh hơn. Ví dụ, bãi đậu xe có thể tập trung một chổ hay phân tán nhiều nơi sao cho thuận tiện nhất, hoặc các bãi cỏ có thể dùng cho picnic (sáng chiều / one day) hay cắm trại (ngủ đêm / overnight) sẽ bao lấy chung quanh các trạm hay nên tập trung để tiện việc quản lý hơn (cần tránh gây tai nạn, hỏa hoạn, phá hại môi sinh...). Bên cạnh đó, các trạm cấp cứu, y tế, chữa cháy, cảnh sát & bảo vệ, các nhà trọ, hàng quán, khách sạn... phải được sắp xếp sao cho phù hợp nhu cầu thực tế, hài hòa và thuận tiện. Riêng về nhà trọ, tôi đề nghị các kiểu nhà trọ cần bố trí gần hay ngay trong các trạm với thiết kế phù hợp, chẳng hạn ở trạm 1(nông thôn) sẽ là nhà tranh, trạm 2 (núi rừng) là nhà sàn nhưng được cách tân và trang bị đầy đủ tiện nghi & vệ sinh hơn, thay vì xây nhà cao tầng (high/ skyrise) để vừa giữ bản sắc dân tộc, vừa tạo sự hài hòa với bối cảnh thiên nhiên, bảo vệ môi sinh, lại tạo được sự hấp dẫn đầy thích thú với du khách từ các nước trên thế giới. Chi phí cho đề án này có thể lên trên 300 triệu Mỹ Kim (chưa kể tiền đất, các lệ phí hành chánh và các loại thuế địa phương khác). Dự trù xây xong trong 5 năm nhưng vẫn có thể hoàn tất trước từng hạng mục để kịp đưa vào sử dụng nhằm hoàn vốn nhanh hơn để tiếp tục hoàn chỉnh toàn bộ CVVHVN. này. Khi hoàn thành, CVVHVN. sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề, như tạo ra một khối lượng công ăn việc làm lớn cho nguồn lao động địa phương, giãn dân ra khỏi đô thị đông đúc hiện hữu để tạo lập một khu kinh tế - văn hóa mới xung quanh CVVHVN. này, tăng thu nhập cho địa phương ( không chỉ qua thuế), phương tiện giáo dục và giải trí (trung tâm sinh hoạt cho thanh thiếu niên, đáp ứng nhu cầu giải trí cho mọi lứa tuổi, mọi giới), bảo tồn & giới thiệu văn hóa - nghệ thuật - lịch sử - địa lý Việt Nam với du khách quốc tế, du lịch và ngoại tệ,v.v... Mùa hè, nơi đây sẽ mở ra các trại huấn luyện và sinh hoạt ngoài trời cho mọi lứa tuổi. Quanh năm có thể tổ chức các cuộc tuyển lựa tài năng trẻ thuộc nhiều lãnh vực, có thể phục vụ như một phim trường cho điện ảnh, hay một nhà bảo tàng. Toàn bộ hệ thống xây dựng cơ bản (điện - nước - cống rãnh - cầu đường - đèn - cáp ngầm,v.v...), cảnh quan(landscape - kể cả street furniture, như băng ghế, đèn đường, trạm xe, trang trí vĩa hè, thùng đựng rác, bảng hướng dẫn,v.v...), các tiện ích công cộng (như nhà vệ sinh & phòng tắm công cộng, vòi nước uống/ fountain drink, vòi cứu hỏa, điện thoại công cộng, bưu cục, chi nhánh ngân hàng với máy rút tiền tự động /ATM.,v.v...) đều được phân bố hợp lý, bảo trì thường xuyên nhằm bảo đảm hoạt động tốt 24/24. Bài viết này chỉ là phác thảo nhằm giới thiệu ý niệm chính (general conceptual design statement) về một CÔNG VIÊN VĂN HÓA VIỆT NAM.(10-1992)
No comments:
Post a Comment