Wednesday, October 5, 2011

SÔNG MEKONG và chúng ta (5)

PHÁ ĐÁ _ PHÁ RỪNG: KHÔNG NGỪNG XÂY THÊM ĐẬP HẬU QUẢ LÀ MỘT CON SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN

Gửi Nhóm Sông Cửu Long : Dự án Phá Đá căn cứ trên hai ngày khảo sát thực địa...rồi đi tới kết luận rằng sẽ không có ảnh hưởng dài hạn nào trên cá và ngư nghiệp của cư dân sống hai bên bờ sông Mekong... Bằng chứng là đã không có sự lượng giá về những tiềm năng ảnh hưởng này.” Watershed, Vol.8, No.2, Nov 2002 - NGÔ THẾ VINH
DỰ ÁN CẢI THIỆN THỦY LỘ THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG

Dự án chính thức có tên là “Dự Án Cải Thiện Thủy Lộ Thượng Nguồn Sông Mekong / Navigation Channel Improvement Project on the Upper Mekong River” nhưng với cư dân địa phương thì đơn giản được gọi là: “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong / Mekong rapids blasting project”.

Đây là kế hoạch dùng chất nổ / dynamite phá đá trên khúc sông chảy qua 21 đoạn ghềnh thác, cù lao và cồn /shoals cùng với nạo vét để mở rộng lòng sông Mekong từ Vân Nam xuống tới Miến Điện, Thái Lan và Lào.

Mục đích chính là giúp cho những con tàu trọng tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hóa có thể dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao / Simao Vân Nam Trung Quốc xuống Chiang Khong / Chang Sean Thái Lan tới tận Luang Prabang và Vạn Tượng Lào.

Dự án đã được ký kết vào tháng 04 năm 2001 giữa 4 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào và công trình này sẽ do mỗi nước tự thực hiện trên khúc sông chảy qua lãnh thổ mình. Điều đáng nói là Cam Bốt và Việt Nam là 2 quốc gia cuối nguồn trực tiếp và lâu dài chịu ảnh hưởng thì không được đếm xỉa tới.

Tài trợ cho Chương Trình Hợp Tác Kinh Tế Lưu Vực Lớn Sông Mekong (GMS / Greater Mekong Subregion) chủ yếu là Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) và Kế hoạch Phá đá là một phần trong Chương trình “ Hành lang Kinh tế Bắc-Nam Lưu Vực Lớn Sông Mekong / GMS North-South Economic Corridor Flagship Program” đã được chuẩn thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh GMS tại Nam Vang vào ngày 3 tháng 11, 2002.

Theo mô hình Dự án thì hàng trăm ngàn tấn đá sau khi bị chất nổ phá vỡ từ các đoạn ghềnh thác sẽ được các con tàu vét / backhoe dồn xuống những hố sâu dưới lòng sông_ mà ai cũng biết rằng những vũng sâu này là nơi trú ẩn có tầm quan trọng “sống còn” đối với vô số loài cá trong suốt mùa Khô và cũng là nơi lưới cá của cư dân địa phương. Lấp hết các vũng sâu này bằng những khối đá gây ảnh hưởng hủy diệt ra sao trên cá và đời sống của ngư dân là điều không được Nhóm Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh (Environmental Impact Assessment / EIA) quan tâm tới. Những ghềnh đá, cồn và đảo là sinh cảnh phong phú nhất của con sông Mekong: nơi cá có thể làm tổ và sinh đẻ, nơi cư trú của vô số những sinh vật sống dưới nước khác. Phá hết ghềnh thác sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy học, khiến dòng nước sẽ chảy nhanh và siết hơn, gây sụp lở bờ sông cùng phá hủy các loại hoa màu trồng ven sông.

Vào tháng 2002, Phân bộ Ngư nghiệp Ủy hội Sông Mekong / MRC (gồm 4 nước hạ lưu Thái Lan Lào Cam Bốt và Việt Nam, riêng Trung Quốc thì từ chối tham gia) đã phổ biến một tài liệu nhan đề: “Vũng sâu là sinh cảnh / habitats của cá trong Lưu vực sông Mekong trong mùa Khô.” Theo tài liệu này thì người ta tin rằng giống cá bông lau khổng lồ Pla Beuk _ Pangasianodon gigas [HÌNH 1] sống dưới những vũng sâu của sông Mekong trong mùa Khô. Ngư dân Lào tỉnh Xayabouri cho biết nơi vũng sâu gần ngôi làng Bang Muangliap là nơi sinh sống của giống cá Pla Beuk trong mùa Khô.” Cả ngư dân tỉnh Bokeo gần ngã ba biên giới Thái Lào Miến Điện cũng tin rằng những con cá Pla Beuk rất hiếm hoi mà họ đánh được là từ Xayabouri.”

Kế hoạch phá đá không chỉ là mối nguy cơ diệt chủng đối với loài cá Pla Beuk hiếm quý chỉ còn có trên sông Mekong mà còn hủy hoại sinh cảnh, hủy diệt cá và ngư nghiệp không chỉ giới hạn ở khúc sông thượng nguồn mà còn có ảnh hưởng “tiêu cực dây chuyền” trên nguồn cá vốn rất phong phú của Biển Hồ và hai con sông Tiền sông Hậu nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.

THIẾU NGHIÊN CỨU TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN

Chỉ vài tuần lễ sau ngày thành lập, Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường Thái Lan / Ministry of Natural Resources and Environment (MNRE ) đã vội vàng can dự vào một dự án gây rất nhiều tranh cãi và cũng rất thiếu sót. Theo tường trình của Watershed số mới nhất (7) thì vào giữa tháng 11, năm 2001 giám đốc Trung Tâm Phòng Chống Khủng Hoảng Nước thuộc MNRE là Sophat Tovichakchaikul đã công bố “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong” sẽ được triển khai do kết quả Lượng giá Ảnh hưởng Môi sinh (EIA) được xem là không đáng kể.

Trên thực tế thì nhóm nghiên cứu EIA này “CHỈ TRONG HAI NGÀY 18 tháng 4 và 29 tháng 4, họ tới thăm chớp nhoáng vài đoạn sông thượng nguồn gồm 10 ghềnh thác và một cồn gọi là để ‘thu thập các dữ kiện thủy học’ để rồi đi ngay tới kết luận là Dự án Phá Đá [HÌNH 3] sẽ không đưa tới một tác hại dài hạn nào trên cá và nền ngư nghiệp của cư dân sống dọc theo hai bên sông. Có thể nói đây là một lượng giá rất tắc trách thiếu tính nghiên cứu và thiếu sự hiểu biết nhất về hệ sinh thái của con sông Mekong.

Theo tiến sĩ Chris Cocklin và Monique Hain thuộc Viện Môi Trường Monash (Đại Học Monash Úc), thì Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh của Dự án Cải thiện Thủy lộ Thượng nguồn sông Mekong “thực chất là thiếu sót / substantively inadequate” và nhiều điểm “cơ bản là sai trái / fundamentally flawed.” (4)

_ Thiếu sót vì không dựa trên đánh giá toàn bộ và không có phần lượng định ảnh hưởng dài hạn của dự án mà phần tối quan trọng là ảnh hưởng trên hệ thủy học / hydrology, hệ sinh thái / ecology của con sông và cả ảnh hưởng do gia tăng số lượng tàu bè lưu thông trên dòng sông ấy. Một ví dụ về hệ quả dây chuyền do cải thiện thủy lộ, sẽ đưa tới gia tăng trao đổi hàng hóa, tạo thuận cho kỹ nghệ phát triển và hậu quả là gây thêm ô nhiễm. Ảnh hưởng dài hạn ấy ra sao với sức khỏe của cư dân các quốc gia cuối nguồn là hoàn toàn không được quan tâm tới.

_ Sai trái vì các phân tích chỉ dựa trên sự phỏng đoán / speculation, với kết luận chủ quan và hoàn toàn thiếu những bước nghiên cứu có thực chất để rồi vẫn đi tới khẳng định là: “Dự án sẽ có ảnh hưởng tích cực về kinh tế trong các bước phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong / Lancang – Mekong River drainaige area.” Đó chỉ là một kết luận vu vơ mà không đưa ra được các dữ kiện hay phân tích thuyết phục nào.

Giáo sư R.M. McDowall, thuộc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Nước và Không khí Tân Tây Lan cũng đưa ra nhận định nghiêm khắc: “Đọc tường trình EIA rõ ràng là không cho thấy có chút cố gắng nào để xác định những ảnh hưởng trên nguồn cá và hệ sinh thái do kế hoạch mở rộng lòng sông. Nói một cách đơn giản, lượng giá EIA là hoàn toàn thiếu sót.” (7)

HẬU QUẢ NHÃN TIỀN NGAY TỪ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Ngay ở giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch khai thông thủy lộ sông Mekong, hậu quả tức thời và nhãn tiền là đã có một số tác hại môi sinh giáng trên cư dân sống trong lưu vực. Ngay trong Mùa Mưa năm 2002 vừa qua, tại quận Chiang Khong tỉnh Chang Rai Thái Lan nhiều khúc bờ sông vốn bền vững trong bao năm, nay bị sụp lở . Chỉ riêng làng Pak Ing đã mất đi một mẫu đất do nạn xói mòn này. Ba ngôi làng kế cận cũng mất 9 mẫu đất cùng với nhiều căn nhà bị trôi xuống sông. Phía tả ngạn bên Lào, hơn 100 gia đình thuộc làng Don Sawan tỉnh Bokeo phải di tản vì nguy cơ sụp lở càng lan rộng. [HÌNH 4] Niwat Roykaek thuộc Nhóm Bảo Tồn tỉnh Chiang Khong nhận định: “Dân trong vùng sống bằng cá lưới từ sông Mekong và cả sống bằng hoa màu trồng dọc theo hai bên bờ sông ấy. Con sông là mạch sống của họ nên cần phải khảo sát thật kỹ càng trước khi khai thác nó.” (6)

[HÌNH 3] Trong Mùa Mưa 2002, những khúc bờ sông thuộc quận Chiang Khong tỉnh Chiang Rai Thái Lan vốn vẫn bền vững từ bao nhiêu năm bỗng nhiên nay bị sụp lở, dân làng mất đất trồng hoa màu, bên tả ngạn phía Lào hơn 113 gia đình phải di tản vì nạn sụp lở này. (7)

Các nhà hoạt động môi sinh thuộc các bang bắc Miến Điện đã yêu cầu ngưng ngay kế hoạch phá đá trên khúc sông Mekong dài 234 km chảy dọc theo biên giới phía đông bắc Miến vì khúc sông này vốn là nguồn sống của các sắc tộc Lahu, Shan, Loi La và En. (2) Và cho dù đang phải sống dưới chế độ Độc tài Quân phiệt Miến, cũng đã có thêm 52 tổ chức phi chính phủ lên tiếng phản đối Dự án Phá ghềnh thác sông Mekong do những tác hại không thể chấp nhận được đối với ngư nghiệp, hệ sinh thái của con sông như một toàn thể và ảnh hưởng trên cư dân sống dọc con sông. Người dân Miến Điện sống trong lưu vực đòi hỏi phải được có ý kiến và có quyền tham dự vào quyết định liên quan tới đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên như mạch sống của họ. Họ yêu cầu phải ngưng ngay dự án phá đá khai thông mở rộng dòng sông cho tới khi nào hoàn tất được các bước lượng giá đúng mức về “hậu quả môi sinh và xã hội” trên các cộng đồng cư dân sống trong lưu vực .(3). Trong giữa hai tháng 3 và tháng 4, 2002 hai khúc ghềnh đá Tang Ao và Tang Luang đã bị triệt hạ và dân chúng Miến Điện sống trong khu vực thì hoàn toàn không được thông báo. Họ chỉ được biết khi thấy vô số cá bị chết, nồi dềnh, trôi giạt và thối rữa không còn ăn được. Ngoài cá, dân địa phương còn sống bằng nguồn lợi tức của rong tảo (riverweed / kai) mọc trên các ghềnh đá và nay thì cũng không còn nữa. Vẫn theo kế hoạch trên, thì sẽ có thêm 16 đoạn ghềnh thác nữa thuộc khu vực bang Shan Bắc Miến Điện và Lào sẽ bị phá hủy vào đầu năm tới. (2)

Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây một khía cạnh khá mỉa mai là_ không phải do chính quyền Hà Nội hay Nam Vang, nhưng chính mấy chục tổ chức nhỏ bé của cư dân Miến Điện chưa có tự do ấy lại lên tiếng đòi hỏi quyền sống cho hai nước láng giềng rất xa họ: họ đòi hỏi rằng “kế hoạch phải có được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia nơi có con sông Mekong chảy qua bao gồm cả Cam Bốt và Việt Nam”.

TÁC HẠI TẦM XA TRÊN CAM BỐT VÀ VIỆT NAM

Dự án phá đá, phá các khúc ghềnh thác có những hậu quả tích cực và tiêu cực ra sao trước hết là đối với 4 quốc gia thượng nguồn rồi sau đó là các nước hạ nguồn (Cam Bốt và Việt Nam) là những vấn nạn chưa có lời giải đáp.

_ Ảnh Hưởng Tích Cực: do cải thiện giao thông đường sông không chỉ giúp gia tăng trao đổi hàng hóa mà còn tạo thuận cho việc khai thác các nguồn tài nguyên (về rừng về hầm mỏ) và cả mở mang du lịch góp phần phát triển kinh tế trong lưu vực. “Nhưng câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là những lợi lộc kinh tế ấy (và cả cái giá phải trả) sẽ được phân phối ra sao đối với các quốc gia trong lưu vực?” (4) Trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất vẫn là Trung Quốc : hàng hóa Trung quốc sẽ tràn ngập đổ xuống các tiểu quốc phương Nam, cũng những con tàu 700 tấn ấy sẽ chuyên trở về Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên từ Miến Điện Lào Thái Lan để phục vụ cho nền kỹ nghệ đang rất phát triển do có thêm dồi dào nguồn thủy điện từ những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam cũng từ nguồn nước con sông Mekong.

_ Ảnh Hưởng Tiêu Cực: Trung Quốc là nước cao nhất trên thượng nguồn sẽ rất ít bị ảnh hưởng do kế hoạch phá đá trên sông Mekong. Nhưng kế hoạch đó đã có tác hại ngay trước mắt trên sinh cảnh và đời sống cư dân của các nước Miến Điện, Thái Lan và Lào, dĩ nhiên còn có ảnh hưởng dây chuyền trên đời sống cư dân của hai nước ở xa dưới hạ nguồn là Cam Bốt và Việt Nam. Sự thay đổi đột ngột nhịp độ dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong gây hậu quả xói mòn và cả sụp lở bờ sông, hủy diệt nguồn cá như nguồn protein chính của cư dân sống trong lưu vực; bởi vì nhiều giống cá cần các khúc ghềnh thác và vũng sâu để làm tổ và một chủng loại như cá Pla Beuk là loại di ngư cần bơi ngược dòng lên khúc sông thượng nguồn để đẻ trứng. Phải kể đến sự thay đổi phẩm chất nước_ nguồn nước càng ngày càng ô nhiễm do đô thị hóa kỹ nghệ hóa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và bệnh tật trên con người ra sao? Đứng trước những tai ương có thể xảy ra, đến bao giờ thì người dân Việt Nam và Cam Bốt mới được thông báo một cách đầy đủ và cả quyền được tham gia ý kiến ?

CON SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN

Với kỹ thuật cao của thế kỷ 21, với lòng tham vô hạn của con người, chẳng khó khăn gì để giết chết một dòng sông, hủy diệt cả một hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất là mong manh của hành tinh này. Trong một tương lai không xa, con “Sông Danube của Châu Á” ấy sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện và dùng làm thủy lộ giao thông và có thể tệ hại hơn nữa còn là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
NGÔ THẾ VINH 02 / 2003

THAM KHẢO:

1/ International Rivers Network. Navigation Project Threatens Livelihoods, Ecosystems. Briefing Papers 2, Oct 2002.

2/ IRN-mekong@netvista.net. Lahu & Shan Activists Demand End to Mekong Blastings. Nov 29, 2002.

3/ IRN-mekong@netvista.net. 52 Burmese Organizations Call for End to Mekong Rapids Blasting. Dec 12, 2002

4/ Monash Environment Institute. Evaluation of the EIA for the Proposed Upper Mekong Navigation Improvement Project. Chris Cocklin, Monique Hain. MEI, Monash University, Australia. December 2001.

5/ International Rivers Network. Thai Government Urged to Halt Mekong navigation Project. July 31, 2002.

6/ International Rivers Network. Whose Mekong Is It? Communities tell GMS leaders: Enough broken promises! Listen to the people, not the ADB. Oxafam Mekong Initiative. NGO Forum on Cambodia. Phnom Penh, Nov 3, 2002.

7/ Watershed. Impacts of Mekong Rapids Not Studied. Watershed Vol. 8 No. 2 Nov 2002 – Feb 2003. (http://www.mekongriver.org/vnphadarung.htm)

LANCANG JIANG
Mây Bảo từ Phương Bắc.

B.S Ngô Thế Vinh

Họa là nơi phúc nương náu
Phúc là nơi họa ẩn tàng
Họa hề phúc chi sở ý
Phúc hề họa chi sở phục. (Lão Tử)

Vân nam như một mẩu dưới của cao nguyên Tây tạng, diện tích 394 ngàn km2 - lớn hơn Việt nam chỉ có 340 ngàn km2, cao trung bình 1800m trên mặt biển, gồm những thung lũng phì nhiêu, núi cao sông sâu với Lạn Thương giang - Lancang Jiang là tên con sông Mekong; tiếp giáp với Việt nam Lào Myanmar - Miến điện và Tây tạng, khí hậu rất biến đổi: tuyết giá ở phía bắc, bán nhiệt đới phía nam và ôn hòa quanh năm vùng Côn minh nên còn có tên gọi là thủ phủ mùa xuân; dân số 38 triệu với nhiều sắc tộc thiểu số Bạch - Bai, Thái - Dai, Di - Yi... mỗi nhóm đông tới cả triệu, rồi tới những sắc dân nhỏ bị lãng quên như Nô - Nu, Bố lăng - Bulang, Độc long - Dulong... Còn phải kể số "nạn kiều" từ Việt nam chạy qua trong vụ đánh tư sản người Hoa sau đó xảy ra cuộc chiến biên giới 1977 khi Bắc kinh muốn giáng "cho Việt nam một bài học". Thế kỷ thứ 7, dân Bạch dựng nước Nam chiếu - Nanzhao trở nên hùng mạnh đánh bại quân nhà Đường vào thế kỷ thứ 8. Sang thế kỷ thứ 10 trở thành vương quốc Đại lý - Dali. Đến thế kỷ 14 thời Nguyên Mông - Mongol Yuan, Vân nam mới hoàn toàn trực thuộc vào Trung quốc. Là một tỉnh xa với Bắc kinh tới 2 ngàn km về hướng Tây nam, thường bất ổn với các nhóm Hồi giáo ly khai. Đầu thế kỷ 20 do có nhu cầu khai thác thuộc địa, Pháp đã mở đường xe lửa nối cảng Hải Phòng qua Hà nội lên tới Côn minh (1904-1910), con đường sắt ấy vẫn còn được xử dụng tới nay. Từ ngày có nguồn điện từ đập Manwan trên sông Mekong, Côn minh đã đô thị hóa một cách mau chóng, không còn là một Côn minh "như một thị trấn Đông phương hẻo lánh im ngủ" như ghi nhận của Claire Chennault viên tướng không quân huyền thoại của phi đoàn Flying Tigers từng trú đóng ở đây hồi Thế chiến thứ Hai.

Hẹn nhau ở Côn minh. Sau hai tuần thỉnh giảng tại Đại học Y khoa Bắc kinh và Thượng hải, Duy hẹn gặp Giang sau Hội nghị Hạc Quốc tế - ICF Conference diễn ra ở Côn minh. Một tình cờ hy hữu, hai người có thể gặp Cao và Hộ cũng tới dự Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Vân nam về Tương lai Phát triển sông Mekong. Điểm hẹn là nhà ông Bách, chú của Duy. Căn nhà xinh nhỏ ấm cúng nhưng không đủ rộng cho cả ba người nên chỉ có Cao do nhu cầu công việc nên được ưu tiên làm khách vãng lai của gia đình ông Bách. Duy và Giang thì sang ở bên khách sạn Kim Long, cơ sở liên doanh với Hồng kông trên đường Beijing Nanhu, chỉ cách phi trường Côn minh phía đông bằng 15 phút đường xe buýt.

Đến với khu rừng đá Shilin. Qua một đêm ở Côn minh, Cao thì ở lại, Duy và Giang sáng hôm sau bằng xe buýt tới Shilin. Cách Côn minh 130 km về hướng đông sát huyện Lộ nam - Lunan, có lịch sử địa chất từ 280 triệu năm cùng với rặng HimalNguyên là một vùng núi nham thạch bị nước và thời gian xói mòn tạo nên một địa hình kỳ lạ 260 km2 với vô số những chỏm đá xám nhọn hoắt cao tới 30m đủ mọi hình dạng với những tên gọi theo trí tưởng tượng phong phú của người dân Vân nam: nấm bất tử, vũng gươm, voi con... Với những hải vật hóa thạch tìm thấy chứng tỏ trước đây đã từng là vùng biển. Tương truyền rằng do các tiên ông muốn có chốn riêng tư nên đã cho nghiền nát ngọn núi đá thành những mê cung và các cặp trai gái ngày nay tới đây cũng không quên dẫn nhau vào chốn mê cung ấy. Thương mại hóa là đặc tính các tụ điểm du lịch Trung quốc. Từ cửa vào đã gặp những phụ nữ sắc tộc Di chào mời bán đồ lưu niệm hay sẵn sàng làm mẫu đứng chụp hình với du khách. Phải chờ cho ngày nhộn nhịp qua đi, từ lầu Vọng phong người ta mới có thể yên tĩnh ngắm toàn cảnh Shilin. Buổi chiều mặt trời đỏ lặn sau khu rừng đá - vẫn cảnh tượng ấy bình minh rồi lại hoàng hôn đã có từ hàng triệu năm. Cảm giác mê hoặc như đứng trước một bức tranh vĩ đại siêu thực, hai người với trên tay một ly rượu sương hồng, nhìn nhau say đắm dưới một bầu trời vạn cổ lấp lánh những vì sao như những hạt kim cương. Họ đang là hai hạt bụi âm dương mong manh và chơi vơi giữa cái vô thủy vô chung ấy.

Giang chỉ biết Duy gốc người Bắc lớn lên ở trong Nam và tốt nghiệp ở Mỹ giáo sư trẻ tuổi của Đại học Stanford như một ngôi sao đang lên với nhiều công trình được đăng tải trên các tập san y khoa uy tín. Gia đình Duy ra sao thì cô không được biết. Được anh Điền kể cho nghe về quan niệm khá độc đáo của Duy về tương lai đồng bằng sông Cửu long, đó sẽ là cái nôi của nền văn minh Việt nam bước vào thiên niên kỷ tới do bởi cái gene trẻ trung khỏe mạnh của nền văn minh sông nước thay thế cho một nền văn minh sông Hồng đã già cỗi suy kiệt và cả biến thể - defective gene nói theo ngôn ngữ di truyền học của Duy. Với Duy thì Giang là hình ảnh tinh khiết của con sông Mekong, biểu tượng cho nền văn minh của những thế hệ tiên phong khai phá trên bước đường Nam tiến. Duy quay qua hỏi Giang:

- Các anh ấy bảo Giang chưa biết sợ là gì, nhất là trong cuộc hội thảo ở Melbourne mới đây, mà có phải vậy không?
Giang đáp bằng một giọng Nam trong vắt:
- Có chứ, em sợ nhiều thứ như sợ ba sợ má và không bao giờ muốn làm má buồn.
Nhìn sâu vào mắt Duy, ngưng một chút Giang tiếp:
- Và em còn rất sợ sự không chân thật.

Cô gái rất hồn nhiên ấy nói một câu không gợn chút hậu ý nhưng vẫn làm Duy sửng sốt. Ánh mắt tuổi trẻ và ngời sáng thông minh của cô ấy như có sức chiếu rọi vào chốn sâu thẳm của lòng người. Không có điều gì là không chân thật, nhưng Duy cảm thấy bối rối về hoàn cảnh hiện nay của anh. Mẹ đã chọn cho anh một người vợ môn đăng hộ đối theo kiểu cách người Bắc và Duy thì chưa bao giờ làm trái ý mẹ. Khi lập gia đình Duy nghĩ tới tương lai những đứa con. Duy không méo mó nghề nghiệp như người bạn chuyên về sản khoa là phải chọn người con gái mông chậu nở để khỏi phải làm Caesarean mỗi khi sinh con, nhưng anh lại rất quan tâm tới cái gene trẻ trung và vẻ đẹp khỏe mạnh nơi người mẹ. Khác hẳn với người anh là Điền nóng nảy và bộc trực, Giang thông minh sâu sắc nhưng rất chính chắn, bề ngoài tưởng như cứng cỏi nhưng lại tràn đầy nữ tính, với Duy đó là hình ảnh đẹp của người đàn bà muôn thuở mà người đàn ông mơ ước cưới làm vợ. Dưới bầu trời đầy trăng sao của Vân nam, chỉ trong một sát na Duy đã dứt khoát có một chọn lựa tuy không nói ra nhưng anh cảm thấy mình đã chân thật với Giang hơn. Camellia - Trà Hoa Mộc. Hiểu biết nhiều về chim muông vì Giang là một nhà điểu học - ortnithologist nhưng Duy còn rất ngạc nhiên về kiến thức của Giang đối với các loài hoa ở Vân nam. Qua Giang Duy được biết khi người Tây phương tới Vân nam họ đã bị quyến rũ bởi sự phong phú các giống hoa nơi đây. Camellia một trong những loài hoa đẹp nhất, người Trung Hoa gọi tên là Trà Hoa Mộc, là giống hoa đầu tiên được Công ty Đông Ấn - East India Company của Anh du nhập vào Âu châu từ thế kỷ 17. Loại hoa thứ hai là Rhododendron - Hoa Đỗ Quyên gồm hơn 200 loại cũng được xuất cảng từ Vân nam. Phải nói là 80% các loài hoa ở Âu Mỹ châu hiện nay là đem về từ Vân nam Trung hoa. Với Duy từ nay Bé Tư - tên gọi ở nhà của Giang, sẽ mang tên một loài hoa: Camellia Kiều Giang, cũng là kỷ niệm ý nghĩa của chuyến đi Vân nam.

Những bước chân khổng lồ của Marco Polo. Bằng Con Đường Tơ Lụa, Marco Polo đã cùng với cha rời Âu châu năm 1271, tới dinh thự mùa hè Hốt Tất Liệt - Khubilai 4 năm sau, phục dịch cho Đại Hãn suốt 17 năm, du lịch khắp Trung Hoa rồi trở về Âu châu bằng đường thủy tới Venice 1295. Sau đó tham gia cuộc chiến chống Genoa, Marco Polo chiến đấu cho phe cộng hòa Sarene và bị bắt làm tù binh 1298, thời gian ở tù may mắn được giam chung với nhà văn nổi riếng Rustichello of Pisa, nhờ đó mà ngày nay người ta biết được chi tiết cuộc du hành của Marco Polo. Trong cuốn du ký ấy hình như chỉ thiếu có Vạn Lý Trường Thành điều mà sau này được giải thích với lý do hài hước là kỳ quan đó chẳng phải là món hàng mà Marco Polo có thể đem bán rao. Hình ảnh thủ phủ Côn minh vào thế kỷ 13 đã được Marco Polo ghi lại như sau:

Đó là nơi rất lớn và sang cả, gồm thương gia và các nghệ nhân... Đất đai thì màu mỡ với những cánh đồng lúa. Tiền bạc trao đổi thì dùng vỏ sò trắng và cũng còn được dùng như những món đồ trang sức... Thổ dân không coi là bị xúc phạm khi có ai dan díu với vợ mình vì cho đó là hành vi tự nguyện từ phía người đàn bà. Nơi đây có hồ lớn cả trăm dặm và lưới được rất nhiều cá. Dân ở đây quen ăn thịt sống gia cầm và họ cũng ăn theo lối nấu chín như chúng ta...

Căn bệnh vĩ đại của giáo sư Wang và ba bước nhảy vọt. Từ những thập niên 50 cùng với kế hoạch bước nhảy vọt, nhịp độ xây đập của Trung quốc gia tăng nhanh tới mức chóng mặt: trung bình cứ 600 con đập lớn được xây mỗi năm, bất kể ảnh hưởng trên môi sinh và đời sống dân cư ra sao. Điển hình là con đập Tam môn - Three Gates Gorge, trên sông Hoàng hà 1957. Trước đó đã có một số nhà thủy học uy tín Trung quốc như giáo sư Li lên tiếng phản đối dự án vì thấy nguy cơ con đập sẽ mau chóng bị ngập các chất lắng phù sa và bùn nhưng bị gán "tội hữu khuynh" nên bị trấn áp ngay. Hậu quả là chỉ trong vòng có 3 năm đã có hơn 50 tỉ tấn bùn và chất lắng đọng lại ở phía trên con đập khiến nước sông dâng cao ngập các vùng gia cư và đe dọa cả cố đô Tây an - Xian cổ kính vốn là thủ phủ của triều đại nhà Chu, 10 thế kỷ trước Tây lịch. Và chỉ mới đây thôi, Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Tây an, được tiếp đón như một ông vua với các đoàn chiến binh và vũ công rực rỡ trong y phục cổ truyền đời nhà Đường - biểu tượng cho sự vinh quang và trường tồn của dòng dõi Hán tộc với đầy tự hào là một nền văn minh trung tâm và cổ xưa. Trước thực trạng suy thoái của con đập và cố đô Tây an bị đe dọa, khi được thỉnh ý Mao Chủ tịch đã nổi sùng: "Nếu không làm được thì cứ cho nổ tung con đập đó đi!"Cuối cùng để cứu cố đô Tây an toàn thể con đập phải thiết kế lại thay vì công suất 1200 MW tụt xuống chỉ còn 250MW cùng với cái giá rất đắt phải trả là gây ngập lụt 66 ngàn hecta vùng ruộng đất phì nhiêu nhất và phải tái định cư cho ngót nửa triệu nông dân sống trên đó. Rồi cũng phải kể tới những thảm họa vỡ đập như tại Hà nam 1975, đó là hai con đập Bản kiều - Banquiao và Thạch Mãn đàm - Shimantan trên sông Hoài một phụ lưu sông Dương tử làm thiệt mạng hơn 230 ngàn người và thế giới bên ngoài chỉ được biết đến một phần thảm kịch này mãi hai chục năm sau...

Tương lai những cuộc chiến tranh vì nước. Rời Los Banos phía nam thủ đô Manila, sau cuộc họp tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế Hộ trở lại Bangkok với tâm trạng nặng trĩu nhưng anh vẫn không bi quan. Hộ như một nông dân luôn luôn cắm cúi vun xới thửa đất của mình cho dù thời tiết bất lợi cho sự gieo trồng. Tưởng cũng nên nhớ lại Hộ là người có công đầu đưa giống lúa thần nông vào đồng bằng sông Cửu long những năm 60 từng được bà con nông dân thân thương đặt tên cho là Thày Hộ Tiến sĩ lúa Honda vì nhờ cây lúa cao sản mà bà con sung túc mua sắm được máy phát điện Honda xe gắn máy Honda. Thời vàng son đó sắp qua rồi và hội nghị đã đi tới kết luận khá bi quan: rằng ngót 6 tỉ người trên thế giới không những thiếu nước mà còn không có cả những ngụm nước sạch để uống. Dân số vẫn cứ mau chóng gia tăng, người ta vẫn chiếm đất mở mang thêm các khu gia cư, tăng lượng nước tiêu dùng trong khi đất trồng trọt ít hơn, nước ít hơn và nhu cầu lúa gạo mỗi ngày một cao hơn.

Cùng với hiện tượng hâm nóng toàn cầu từ hiệu quả nhà kính - greenhouse effects do chính con người gây ra, trái đất đang bị khô cạn dần. Lượng nước cung cấp chỉ bằng nửa so với cách đây 20 năm trong khi nhu cầu tiêu thụ nước thì lại tăng gấp đôi cứ mỗi hai thập niên. Vựa lúa Á châu trong đó có đồng bằng sông Cửu long đang bị đe dọa vì thiếu nước trong khi phải cần tới 5 ngàn lít nước mới thu hoạch được 1 ký gạo. Và ai cũng biết gạo là nguồn sống của 2/3 nhân loại. Cuộc cách mạng xanh vào những thập niên 60 với giống lúa thần nông tăng sản lượng gấp đôi đã cứu sống nhiều vùng trên thế giới thoát khỏi nạn đói và ca û đem lại trù phú cho vùng đồng bằng châu thổ.

Thế nhưng những cây lúa lùn cao sản của những năm 60 nay không còn là lời giải cho nhân loại này bước vào thế kỷ 21. Một lần nữa muốn tránh nạn đói, tránh những cuộc chiến tranh vì nước chỉ có cách phải tìm ra loại "cây lúa siêu thần nông" có đặc tính không còn phần cho rơm rạ mà cọng nào cũng phải cho hạt với sản lượng lớn hơn cần ít nước hơn và ít hóa chất hơn lại có khả năng tự kháng sâu rầy và dĩ nhiên cũng phải cứng cỏi để có thể mang nổi thay vì 800 hạt trên mỗi thân lúa nay tăng lên tới 2000 hạt. Có nghĩa là năng suất sẽ phải tăng gấp 3, không phải 4 tấn mà là 12 tấn mỗi hecta để kịp đáp ứng đà gia tăng dân số theo cấp số nhân trên hành tinh này.

Đi tìm siêu cây lúa Tây Phi châu. Người ta đang ngày đêm tìm cách cấy ghép các mẫu chủng tử các loại lúa trồng được trong những điều kiện cực kỳ khô hạn của vùng Tây Phi châu nhằm tạo được một siêu cây lúa. Theo Ken Fisher, thuộc Viện Lúa gạo Quốc tế thì phải mất ít nhất 2 thập niên nữa mới có đủ hạt giống "siêu thần nông" cho hơn nửa tỉ nông gia trên toàn thế giới. Đạt tới thời điểm ấy hay không là cả một vấn đề sinh tử cho toàn hành tinh này. Rồi ra trong thiên niên kỷ tới, mỗi thân cây lúa còn phải chắt chiu và cưu mang thêm bao nhiêu miệng ăn nữa.

Khung cửa hẹp vào Trung quốc. Do có cuộc họp bất thường của Ban Thường vụ Hội đồng sông Mekong, Hộ đã không thể cùng Cao đi Côn minh tham dự cuộc hội thảo do Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Vân nam tổ chức. Qua trung gian của Hộ, tòa Đại sứ Việt nam ở Bangkok đã chẳng giúp Cao có tài liệu gì thêm về các con đập Vân nam. Đám nhân viên sứ quán như những công chức, hình như họ chỉ có mối quan tâm là rình rập Việt kiều và lo chuyện làm ăn buôn bán riêng. Không với tính cách du lịch, lần này Cao đặt chân tới Trung quốc với thái độ cẩn trọng. Anh tự nhủ nếu cần thì chỉ phát biểu chừng mực, không đi vào chi tiết mà anh không nắm chắc, anh muốn hình dung một bức tranh lớn và toàn cảnh của 7 nước trong lưu vực sông Mekong - Mekong basin kể cả Trung hoa và Myanmar - Miến điện.

Hiểu biết lịch sử Trung quốc, Cao sẽ không nêu lên những vấn đề gai góc có thể được xem như là xúc phạm tới giới lãnh đạo Trung hoa, đó là điều nguy hiểm khi mà vấn đề "thể diện" là trên hết đối với người Á đông nhất là với "những đứa con trời - Thiên tử". Tinh thần ái quốc cực đoan với những khẩu hiệu là biểu hiện của thứ mặc cảm nhược tiểu chỉ đưa tới bế tắc. Đối với một nước lớn Trung hoa bắt đầu mở cửa thì bước đầu tạo được mối liên hệ tin cậy với giới khoa học kỹ thuật Vân nam - nhất là với thành phần chuyên viên trẻ tốt nghiệp tại các nước Tây phương, là điều Cao nhắm tới. Điều ấy sẽ tạo thuận cho đối thoại cởi mở và hợp tác về sau.

Được biết năm 1989, Vân nam Nhân dân Thư xã đã cho ấn hành một cuốn sách dày hơn 600 trang với nhan đề "Lạn Thương Giang: Mặt Trời Nhỏ - Langcang Jiang: Xiao Taiyang". Do chỉ có một ấn bản tiếng Trung hoa, Cao phải nhờ ông Bách người chú của bác sĩ Duy, một đảng viên kỳ cựu Việt quốc cũng từng là nhà báo sống lưu vong ở Côn minh đọc và tóm lược các phần thiết yếu của cuốn sách. Một tuần lễ ở Côn minh tuy rất bận rộn nhưng những ngày sống với ông Bách, Cao như bước vào một thế giới thanh khiết. Cũng là một tuần lễ rau đậu vì hai ông bà ăn trường chay nhưng Cao không có điều gì để than phiền vì nghệ thuật nấu ăn của bà Bách. Cao bảo đùa chắc Duy sẽ phải ganh với anh vì cách đối xử chân tình của ông Bách với một người chẳng phải là đứa cháu ruột thịt của ông. Biệt nhãn ấy cũng một phần do ông Bách được biết Cao là bạn vong niên của ông Khắc hiện đang sống ở Mỹ. Cao có ý so sánh ông Khắc như một chiếc chìa khóa mầu nhiệm giúp Cao mở tung nhiều cánh cửa để có thể thênh thang đi vào.

Ở cái tuổi 22, ông Bách đã từng theo chân đảng trưởng Nguyễn Tường Tam sang Trung quốc bôn ba qua các tỉnh Quảng châu, Nam kinh, Thượng hải và Vân nam vận động chánh phủ Trùng Khánh và Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch giúp vũ khí. Khi đại bộ phận Việt nam Quốc dân Đảng được lệnh trở về trong nước hoạt động thì riêng ông Bách được chỉ định ở lại Côn minh điều hợp chi bộ Việt quốc ở hải ngoại. Nay tuổi đã cao trên nét mặt đầy vết hằn của những tháng năm gian khổ nhưng ông Bách còn nét quắc thước và minh mẫn, đôi mắt vẫn linh động trẻ trung và cương quyết. Ông Bách có một người anh cũng là Việt quốc bị Việt Minh bắt ở Bắc giang mất tích và chắc đã bị thủ tiêu như bao nhiêu đồng chí khác. Ông có bà vợ người Hoa cùng hoạt động Quốc dân Đảng, như một chi bộ hai người sống với nhau mấy chục năm không có con. Ông Bách là hình ảnh của Dũng trong Đôi Bạn đã từng làm say mê bao thế hệ thanh niên của hơn một nửa thế kỷ trước. Cao luôn luôn bị cuốn hút bởi cặp mắt vẫn rất sáng nghiêm nghị và đầy tin tưởng của ông Bách, giọng ông thì sang sảng vẫn có chất hăng hái bồng bột của tuổi thanh xuân khi bàn chuyện gì liên quan tới Việt nam. Tuy ít ngủ nhưng riêng đêm nay ông Bách đã được bà vợ pha cho bình trà đậm thức thâu đêm để đọc xong hơn 600 trang sách. Hồi tuổi trẻ theo chân các lãnh tụ đàn anh ông rất thường thức trắng đêm như thế.

Toàn cuốn sách gồm 45 bài viết về các đề tài khác nhau nhưng có điểm chung và thuần nhất là chỉ đề cập tới những lợi lộc về thủy điện và nước của chuỗi 8 con đập bậc thềm trên sông Mekong ở Vân nam, với công suất là 15400 Megawatt tổn phí lên tới 7.7 tỉ đôla, sẽ điện khí hóa các tỉnh phía nam Trung hoa và cả thặng dư điện để xuất cảng sang Thái lan. Cũng vẫn theo ông Bách thì ngoài một hai đoạn quan tâm tới giao thông trên khúc sông Mekong thuộc tỉnh Vân nam, không thấy có bài viết nào đề cập tới hậu quả của chuỗi các con đập bậc thềm ấy đối với 5 nước vùng hạ lưu sông Mekong Myanmar - Miến điện, Thái, Lào, Cambốt và Việt nam.

Khúc sông cuồng nộ. Từ Tây tạng chảy xuống Vân nam, đặc biệt 1/3 khúc sông phía bắc chảy rất siết là cảnh tượng ngoạn mục khiến người dân Vân nam đặt tên là Lạn Thương giang - khúc sông cuộn sóng, với nhiều thác ghềnh có nơi cao tới hơn 600m. Với độ dốc ấy, dòng chảy siết ấy lại thưa thớt dân cư nên được coi là lý tưởng cho những con đập thủy điện. Từ những năm 70 Trung quốc đã có kế hoạch xây một chuỗi 8 con đập - Mekong Cascade trên thượng nguồn nhưng do thiếu ngân sách nên mãi tới năm 80, con đập đầu tiên Manwan cao 99m mới được khởi công. Đập chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao 35 tầng và 13 năm sau mới xây xong và bắt đầu cung cấp điện cho thủ phủ Côn minh, khu kỹ nghệ Chuxiong và nhiều quận huyện phía nam. Chỉ mới sau một con đập Manwan, cảnh thiếu điện tối tăm của Côn minh đã mau chóng trở thành chuyện quá khứ.

Giáo sư Wang chủ tịch Phân cục Thủy điện Vân nam, là chất xám và cũng được coi là Chuyên viên Đỏ - Party’s red specialist hàng đầu của những dự án đập lớn, là đảng viên lâu năm rất giáo điều tốt nghiệp kỹ sư thủy điện ở Liên xô, với quá khứ vừa hồng vừa chuyên như thế nên ông ta đầy quyền uy và có tiếng nói luôn luôn được các đồng chí ở trung ương lắng nghe. Đứng bên con đập Manwan, giáo sư Wang giọng đầy kiêu hãnh:

- Con sông Lạn Thương giang này như một khu hầm mỏ than trắng giàu có với lưu lượng nước thì khổng lồ. Đây là tiềm năng tạo sức bật phát triển cho toàn tỉnh Vân nam.

Chỉ trên một sơ đồ giản đơn về vị trí 8 con đập, cũng vẫn "đồng chí giáo sư " Wang nói tiếp:
- Con đập thứ hai Đại Chiếu sơn - Dachaoshan cũng đã được khởi công năm 1996; sẽ tới con đập thứ ba Cảnh hồng - Jinghong chủ yếu nhằm xuất cảng điện sang Thái lan. Con đập thứ tư Xiaowan cao 248m, được coi là con đập mẹ - mother dam, trong chuỗi 8 con đập bậc thềm dự trù xây xong trước thập niên thứ nhất của thế kỷ 21. Do ba con đập đầu tiên có thành cao với các hồ chứa theo mùa - seasonal reservoirs lấy nước tối đa trong mùa mưa để có đủ lượng nước chạy turbin trong mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4 và đó cũng là mùa có nhu cầu điện cao nhất. Hậu quả tất nhiên là làm giảm lưu lượng lũ có nghĩa là sẽ chống lũ lụt nơi các quốc gia hạ nguồn.

Còn điều đó ảnh hưởng trên hệ sinh thái ra sao đã không được giáo sư Wang nhắc tới. Không bày tỏ ngay sự bất đồng nhưng Cao đã có một cái nhìn hoàn toàn khác. Chẳng hạn như vùng Biển Hồ, đâu phải chỉ biến Biển Hồ thành Vùng Bảo tồn Sinh thái - International Biosphere Reserve là đủ, vì ai cũng biết rằng luôn luôn có một gắn bó hữu cơ giữa Biển Hồ và con sông Mekong. Nay đứng trước viễn tượng lưu lượng nước mùa mưa bị giảm sút do các con đập Vân nam - nếu không còn nước lũ để tạo dòng chảy ngược vào Biển Hồ thì rõ ràng đó là tương lai của một Biển Hồ chết. Không còn lũ sẽ chẳng còn giống lúa xạ lúa nổi, cũng chẳng còn phù sa màu mỡ để hàng năm tưới bón ruộng đồng, chưa kể tới tác hại trên các giống cá và lượng hà sản vốn phong phú trên suốt dọc con sông Mekong ra sao.

Vào năm 1993 do một hiện tượng được coi là bất thường xảy ra khi mực nước con sông Mekong đột ngột tụt thấp xuống mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là do ảnh hưởng của con đập Manwan. Sau biến cố đó, phải nói là càng ngày càng có nhiều mối quan tâm dòm ngó và cả e ngại từ bên ngoài đối với kế hoạch chuỗi 8 con đập bậc thềm đang tiến hành ở Vân nam. Mối lo lắng đó không phải là không có nguyên nhân do thiếu hẳn cung cấp thông tin từ phía Trung quốc. Và cũng không trách được khi nỗi lo lắng ấy được thể hiện qua những chiến dịch đổ lỗi lời qua tiếng lại với cả thông tin sai lạc - disinformation. Một thí dụ điển hình là bản tin đăng tải trên tờ Bangkok Post số 29 tháng 7 năm 1996 khi nói tới nạn lụt ở Chiang Khong - nơi rất nổi tiếng hàng năm với ngày hội thi cá Pla Buk đông bắc Thái, "chánh quyền địa phương cho rằng đó là hậu quả xả nước từ 8 con đập trên Vân nam". Điều mà ai cũng biết là ngoài con đập Manwan những con đập khác đang còn trên dự án!

Cao cũng biết rất rõ rằng đập hay không đập, ngay trong nội tình nước Trung hoa đã là điều rắc rối huống chi giữa các quốc gia lân bang với nhau. Cả phe ủng hộ hay chống lại việc xây đập mạnh ai nấy nói và không ai muốn nghe ai. Điều tệ hại hơn nữa là cố tình xuyên tạc hay bóp méo quan điểm đối phương làm cho vấn đề trở nên rối mù khiến người bên ngoài không còn biết dựa vào đâu mà nhận định. Mặc dầu trong nửa thế kỷ qua thế giới đã có một số kinh nghiệm bước đầu về hợp tác phát triển vùng qua các tổ chức ASEAN, APEC... Nhưng liệu có cơ may hợp tác đa phương trong lưu vực sông Mekong hay không? - Từ những năm 90, đặc biệt vào năm 93, các tổ chức WB, ADB, UNDB đã có những cố gắng để cải thiện hợp tác giữa sáu nước trong lưu vực sông Mekong nhưng xem ra không có dấu hiệu thành công.

Với cái nhìn chiến lược và toàn cảnh, Cao có niềm tin sắt đá rằng để tiến tới hợp tác khai thác và phát triển hài hòa tài nguyên con sông Mekong như một con sông quốc tế giữa các quốc gia trong lưu vực thì bước khởi đầu là chấm dứt những màn tung hỏa mù, phải xây đắp niềm tin qua các cuộc gặp gỡ đối thoại cởi mở và trao đổi thông tin, để cùng thấy rằng không có phát triển bền vững kể cả không có một nền hòa bình trong vùng nếu chỉ chạy theo những lợi nhuận cục bộ mà không kể gì tới phần an sinh của các quốc gia liên hệ. Nếu bảo rằng có chánh trị trong vấn đề môi sinh thì Cao vẫn luôn luôn tin rằng có một nền chánh trị vương đạo để tiến tới một Tinh thần sông Mekong - The Mekong Spirit, từ đó mới có thể đạt tới Những Thỏa hiệp - Compromises trong ý nghĩa Phúc lợi chung. Đồng ý với anh hay không nhưng Cao đã đến với các bạn đồng sự trong nước cũng như ngoại quốc của anh với một nhân cách đáng trọng.

Do thấy được những thiếu sót về thông tin bên ngoài, và cũng tự thấy là kỳ quặc nếu chỉ nói mãi tới lợi lộc của những con đập Vân nam, nên mới đây thôi vào giữa năm 1996, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật tỉnh Vân nam và Học viện Khoa học Tự nhiên Trung quốc đã chấp thuận tài trợ cho hai nhóm nghiên cứu trong vòng 5 năm tới năm 2000: nhóm thứ nhất trách nhiệm khảo sát phát triển và vận dụng các nguồn nước vùng thượng lưu sông Mekong; nhóm thứ hai với sự tiếp tay của các nhà khoa học và chuyên gia thuộc các quốc gia hạ nguồn sẽ tập trung nghiên cứu về hậu quả của chuỗi con đập bậc thềm Vân nam đối với vùng hạ lưu về phương diện thủy văn môi sinh như phẩm chất nước, tôm cá trên sông Mekong và Biển hồ...

Cho đến nay người ta chỉ nói tới "Hiệu quả có thể - likely effects" của những con đập Vân nam trên dòng chảy. Trong điều kiện bình thường, trước khi có đập Manwan lưu lượng trung bình trong mùa khô của khúc sông Mekong gần biên giới Vân nam - Lào khoảng 689m3/giây. Những tháng gần đây, sau con đập Manwan theo giới chức Vân nam lưu lượng khúc dưới sông Mekong có phần gia tăng trong mùa khô. Nhưng theo Ban Thường vụ sông Mekong thì cho dù sau khi hoàn tất 3 con đập Manwan, Đại Chiếu sơn - Dachaoshan và Cảnh hồng - Jinghong thì hiệu quả gia tăng lưu lượng là không đáng kể - negligible. Cũng vẫn theo các nhà kế hoạch xây đập Vân nam thì vào năm 2010, khi xây xong hồ chứa mẹ Xiaowan có thể - lại có thể có hiệu quả gia tăng lưu lượng trong mùa khô tới 50% và khi có con đập Nuozhadu hoàn tất thì lưu lượng mùa khô dự trù sẽ tăng cao hơn nữa. Nhưng dữ kiện của các cuộc khảo sát thì rất thô sơ và hiệu quả tích cực nêu ra thì chỉ có "tính chất giai thoại - anecdotal" trong khi những tác hại của nó ra sao trên hệ sinh thái động và thực vật trên suốt dòng sông Mekong ra sao thì chưa được biết đến. Đồng chí giáo sư Wang đặt câu hỏi như một thách đố trước toàn thể hội nghị:

- Vấn đề đặt ra ở đây như giữa trắng với đen đó là: giữa bảo tồn sinh cảnh với đa dạng của hệ sinh thái và cải thiện mức sống của cư dân hai bên bờ sông Mekong, thì chọn lựa nào là đúng?

Khác với cuộc hội thảo ở Úc, Cao tới đây chủ ý là thu thập và lắng nghe thay vì gây không khí tranh luận gay gắt. Người kỹ sư già đơn độc. Đối nghịch với giáo sư Wang mẫu người của căn bệnh vĩ đại thì kỹ sư Li là một con người rất phóng khoáng và can đảm, suốt mấy thập niên ông luôn luôn là người chống lại dự án những con đập lớn. Điều đáng chú ý là cái tiểu sử rất dày và hấp dẫn của ông Li. Xuất thân là con một đảng viên Trung ương Đảng Cộng Sản Trung quốc, là giáo sư trưởng khoa Thủy văn Đại học Bắc kinh, tuổi ngoài 60 kiến thức uyên thâm và là một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm. Nguyên tốt nghiệp kỹ sư cấu trúc - structural civil engineer Đại học Nam kinh, từng phải chứng kiến cảnh lũ lụt và vỡ đập trên sông Hoàng hà, ông Li quyết định chuyên thêm về các ngành Thủy học Địa chất và Thiên văn. Được du học Mỹ tốt nghiệp master đại học Cornell về Địa chất, rồi Ph D. Đại học Illinois về Thủy văn, sau đó đi tham quan tất cả các dự án đập lớn trên khắp nước Mỹ như Grand Coulee, Hoover... lại thêm cả 6 tháng nội trú tại Tennessee Valley Authority trước khi trở về Trung quốc. Là một nhà khoa học chân chính có cái nhìn bao quát và toàn cảnh, ông luôn luôn là người dám công khai chỉ trích các dự án đập lớn điển hình là hai con đập Tam môn - Three Gate Gorge trên sông Hoàng hà và Tam Giáp - Three Gorge Dam trên sông Dương tử. Và thực tế thất bại của con đập Tam môn đã chứng minh là ông tiên liệu đúng. Ông vẫn dạy học, chỉ chuyên mà không hồng nên không có chức quyền, là tác giả của nhiều bài viết trên những tờ báo khoa học kỹ thuật tiếng Anh uy tín và được coi như tiếng nói thẩm quyền trong lãnh vực xây đập. Cao có ý nghĩ không phải chờ tới năm 1989, giáo sư Li đã là hạt giống của tinh thần Thiên An môn gieo rắc từ mấy thập niên trước. Do được đọc các công trình của giáo sư Li trước khi gặp ông tại Vân nam nên Cao đã đến với ông bằng tình cảm mến phục nể trọng và Cao tin rằng ông sẽ là một đầu cầu cho các mối liên hệ bền vững với giới khoa học kỹ thuật Trung quốc trong tương lai.

Nhưng có điều mà trong cả hội nghị ai cũng biết là cơ hội thì đã không đồng đều cho ba nước cuối hạ nguồn Lào Cambốt và Việt nam. Trung quốc đã từng nổi tiếng với những con sông ô nhiễm nhất thế giới, thì nay đến lượt con sông Mekong với 8 đập thủy điện với 90% phế thải kỹ nghệ và tiện dụng gia cư - domestic đều được xả xuống dòng sông, chẳng bao lâu nữa vẻ trinh nguyên và những tháng ngày hoang dã của con sông Mekong cũng sắp phải chấm dứt. Cái viễn tượng khúc hạ nguồn sông Mekong ngày thêm cạn kiệt và toàn hệ sinh thái bị suy thoái với nhiều chủng loại cá có nguy cơ bị tiêu diệt - endangered species, đó chẳng phải là chương sách hư cấu của một cuốn tiểu thuyết giả tưởng sau năm 2100.

Cái nhìn từ bên ngoài. Mới đây nhân đọc cuốn sách Silenced Rivers - Những Con sông Câm nín của Patrick McCully đề cập tới "Vấn đề Môi sinh và Chánh trị của các con đập," không phải là ngẫu nhiên mà McCully đi tới nhận định: World Bank vẫn thích ký hợp đồng với các chánh quyền độc tài điều mà họ gọi là các quốc gia có tình hình chánh trị ổn định vì nếu như có các phong trào chống đối của quần chúng thì sẽ dễ dàng bị trấn áp ngay. Do đó ai cũng biết là nguồn tài trợ lớn nhất để xây các con đập lớn ở Trung quốc là từ Ngân hàng Thế giới.

Từ kinh nghiệm hòa mình vào dòng chính - mainstream, Cao có thói quen không tin vào những tiền đề đã có sẵn. Cũng vì thế mà chính anh muốn biết các chuyên viên được coi như đầy uy tín và là những tiếng nói có thẩm quyền của World Bank họ đã thấy những gì và thẩm định ra sao tình hình các quốc gia đang mở mang, trước khi quyết định đổ tiền vào tài trợ cho các kế hoạch phát triển. Cao bắt đầu đích thân tìm đọc các bản tường trình của các tổ chức quốc tế này. Điển hình qua một bản tường trình của World Bank về Việt nam: tập tài liệu có một bề dày đồ sộ có màu sắc công phu nhưng lại không đưa ra ánh sáng toàn bộ sự thực lẽ ra với tinh thần trách nhiệm và lương tâm khoa học buộc họ phải làm. Chẳng hạn như nạn độc tài tham nhũng vi phạm nhân quyền như những yếu tố hiển nhiên gây trở ngại cho mọi kế hoạch phát triển thì đã không được nhắc tới như một hành vi che đậy né tránh - bảo rằng như thế là không mang màu sắc chánh trị nhưng sự im lặng cũng là gián tiếp đồng lõa với tội ác. Hậu quả tất nhiên là những kế hoạch ấy chỉ đem lợi cho một thiểu số cầm quyền, cho World Bank và các công ty tư bản nhà thầu liên quốc. Các cuộc đầu tư lớn lao ấy tuy có đem lại vẻ bề ngoài phát triển nhưng thực chất họ đã tạo ra một thứ công bằng xã hội theo tiêu chuẩn đối cực: một thiểu số cầm quyền ngày một thêm giàu sụ đối lại với đa số quần chúng "cùng nghèo khó như nhau."

Cổ thành Đại lý - Dali. Trên cao độ 1900 mét vẫn được so sánh như một Tiểu Katmandu của Nepal, với phía tây là núi non phía đông là hồ Erhai hay Nhĩ hải, nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của sắc dân Bạch - Bai và cả những kiến trúc cổ xưa nhất như chùa ba ngôi San Ta được xây cất từ thế kỷ thứ 9. Vẫn còn cả những tòa nhà đá cổ những con đường đá quanh co thân mật. Đại lý vẫn được coi như một Mecca cho du khách đặt chân tới Vân nam. Sắc tộc Bạch với dân số lên tới 1 triệu rưỡi có gốc rễ văn hóa lâu đời từ hơn 3 ngàn năm.

Mặc dù rất nhiều quảng cáo mời mọc, Duy và Giang không chọn tới ngôi khách sạn 5 sao cực kỳ sang trọng do liên doanh Đài loan và Trung quốc mới khai trương. Họ chọn cái không khí thân mật của nhà khách Nguyên Viên nằm trên mút đường Huguo Lu, còn được dân địa phương đặt tên là Phố Ngoại với đủ cả quán cà phê, bia lạnh... nơi tiếp đón đông đảo các nhóm du khách ngoại quốc.

Từ Huguo Lu đi bộ xuống hết dốc đồi là tới hồ Nhĩ hải, một phụ lưu của con sông Mekong, nơi những con cá Pla Buk từ phía hạ lưu ngược dòng sông Mekong tới đây để đẻ trứng. Tương truyền rằng đoàn cá Pla Buk vào khoảng tháng tư thì tụ hội ở vũng sâu Luang Prabang phía bắc Vientiane để tuyển chọn xem con nào sẽ tiếp tục lên hồ Nhĩ hải đẻ trứng, con nào sẽ hy sinh làm mồi cho ngư dân làng Chiang Khong trong ngày hội thi cá Pla Buk. Ngư dân Thái và Lào sống hai bên bờ sông Mekong cho tới nay vẫn tin rằng cá Pla Buk là loại linh ngư đem tới cho họ may mắn trong các mùa chài lưới.

Buổi sáng chưa tan hết màn sương, người sắc dân Bạch đã chèo những chiếc thuyền nhỏ tới các đáy tre mà họ đặt qua đêm để bắt cá. Đến trưa thì mặt trời đỏ rực trên cao, ánh nắng lấp lánh phản chiếu trên mặt hồ. Không gặp ngày gió lớn, đàn chim cốc - cormorants được thả ra cho đi săn cá trên hồ. Cảnh này cũng được thấy ở Quế lâm nhưng Nhĩ hải thơ mộng và hùng vĩ hơn. Được chủ thuần hóa trước, mỗi con đều mang trên cổ một chiếc vòng đủ chặt để ngăn chúng nuốt xuống những con cá bắt được. Cảnh tượng thật kỳ lạ, chỉ bằng âm thanh đặc biệt của mái chèo là cả một đàn chim cốc cùng lặn sâu dưới mặt nước rồi trước sau từng con trồi lên với trên mỏ là những con cá trắng rẫy rụa và bác ngư dân chỉ việc tới gỡ mỏ từng con và thu hoạch.

Thụy lệ - Ruili thị trấn biên thùy. Từ vùng biên ải xa xôi phía cực tây nam Vân nam giữa Trung hoa và Miến điện, từ thập niên 90 đã mau chóng mọc lên một thị trấn có tên là Thụy lệ, trong số 13 thị trấn biên thùy của Trung quốc từ Tây Bá lợi Á xuống tới Việt nam. Thụy lệ là nơi trao đổi buôn bán rất phát đạt giữa Myanmar - Miến điện và Trung hoa, nơi tụ hội dân tứ xứ cả dân gốc Miến chiếm tới một phần ba. Hàng hóa Made in China tràn ngập nhưng nét đặc thù và cũng là sinh hoạt chủ yếu của Thụy lệ là buôn bán ngọc trai đá quý đem tới từ Miến điện, thuốc phiện bạch phiến từ khu Tam giác Vàng và cả tràn ngập các ổ mãi dâm dưới dạng các tiệm tắm hơi xoa bóp thu hút các cô gái Hoa và Miến lưu lạc từ khắp phương trời xa tới. Số bị AIDS đã tăng nhanh tới mức đáng sợ do nạn ghiền ma túy chích choác và đông đảo gái làng chơi. Thụy lệ được mô tả như một thị trấn hoang dã nhất của Trung quốc. Nhưng đây cũng là nơi khá hấp dẫn ngay đối với cả đám du khách Tây Phương có chút máu phiêu lưu và không sợ thiếu an ninh.

Giang theo Duy tới đây có chủ đích của cô, là thành viên tích cực của Hội Bảo vệ Thú vật và Môi sinh, Giang muốn được thấy tận mắt nơi mà người ta gọi là Xưởng những con gấu Á châu. Hơn 300 con thú bẫy từ Miến điện bị nuôi nhốt trong từng chiếc cũi sắt để hàng tuần bị luân phiên đâm thích lấy mật như vị thuốc bắc hiếm quý và cũng vô cùng đắt để xuất cảng sang Hồng kông, Đài loan hay Nam hàn. Chuyến đi Thụy lệ với Giang là để có thêm một kinh nghiệm khá bẽ bàng: khi chính đồng loại nơi đây cũng như đồng bào của cô nơi đồng bằng châu thổ Cửu long cũng chưa được chăm sóc bảo vệ thì mục tiêu bảo vệ những con hạc con gấu của cô trở thành điều khá mỉa mai và xa xỉ. Từ bảo vệ chim muông sang tới môi trường, mặt trận của cô bây giờ trải rộng ra những vấn đề xã hội.

Cảnh hồng - Jinghong chan chứa nắng hè. Họ lại gặp nhau ở chặng cuối cuộc hành trình trước khi rời Trung quốc. Từ Đại lý men theo con sông Mekong đi xuống phía nam là vùng Tây song Bản nạp - Xishuangbanna gốc tên Thái lan Sip Sawng Panna là vùng "Thái tộc Tự trị khu" như một tiểu Thái lan trong nước Trung hoa, làng mạc với phụ nữ sắc tộc Thái - Dai mặc những chiếc áo sặc sỡ, những vườn trái cây nhiệt đới dừa đu đủ dứa cam, các đền chùa và những khu rừng mưa - rainforest đang bị tàn phá mau chóng và ngày một thu hẹp. Theo ngữ chủng - ethnolinguistic thì sắc tộc Thái thuộc nhóm Thái Lào, theo đạo Phật Tiểu thừa, sống trên những nhà sàn và cùng chung những ngaayas. ội lễ như ngày Hội Tạt nước vào giữa tháng 4 với những ngày hội chợ, đua thuyền rồng trên sông Mekong - giống ngày hội đua ghe ngo dưới đồng bằng sông Cửu long, và đặc biệt là phong tục tạt nước có ý nghĩa rửa sạch bụi nhơ xua hết ma quỷ của năm cũ và cầu phúc lành cho năm mới. Do sẵn mối liên hệ huyết thống chủng tộc có tự lâu đời nên đường biên giới địa dư chánh trị trên bản đồ không có nghĩa lý gì với người dân thiểu số. Hồi cách mạng văn hóa khi bị các Vệ binh Đỏ truy lùng họ đã dễ dàng chạy thoát sang Thái, Lào, Miến và Việt nam nơi không thiếu những bà con thân thuộc.

Cao, Duy và Giang ba người đứng từ trên chiếc cầu lớn mới bắc qua con sông, để thấy những hoạt cảnh người sắc tộc Thái sống chan hòa với con sông Mekong ra sao. Phụ nữ ngồi giặt giũ hay mặc nguyên cả những chiếc váy đầm mình xuống sông tắm. Trẻ con thì từng đám phóng mình từ trên bờ cao xuống giòng sông nước nâu ấm áp bơi lội vùng vẫy giữa những giê lục bình trổ bông tím và những cành củi mục. Nhìn con sông Mekong đang cuộn mình chảy qua bên kia biên giới nước Lào, trên cao là trời xanh nắng ấm với những đám mây trắng đẹp Vân nam đang theo dòng nước trôi về phương nam, không nói ra nhưng cả ba có chung một ý nghĩ là với người nông dân Nam bộ sống nơi đồng bằng châu thổ thì đó lại là những đám Mây Bão báo hiệu thiên tai đang đổ đến từ phương bắc . 07/98

(Khung cảnh nhân vật chỉ là hư cấu của tiểu thuyết)
Nguy cơ từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 ki lô mét, diện tích lưu vực 795.000 ki lô mét vuông, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 mét khối/giây và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ mét khối tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của sáu quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
>> Biến đổi do... con người
Xây đập ngăn sông để khai thác thủy điện Lưu vực sông Mekong có tiềm năng thủy điện lớn và phát triển thủy điện sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới.
Sông Lancang hay Lan Thương (thượng nguồn Mekong) trên địa phận tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có tiềm năng thủy điện rất lớn. Quy hoạch bậc thang thủy điện trong lưu vực sông Lancang được bắt đầu tiến hành từ những năm 1980, có 25 bậc thang trên dòng chính với tổng công suất lắp máy là 25.870 MW và 120 trạm thủy điện trên các dòng nhánh với tổng công suất lắp máy là 2.600 MW.
tag.
*
* If you do not want to deal with the intricities of the noscript
* section, delete the tag (from ... to ). On
* average, the noscript tag is called from less than 1% of internet
* users.
*/-->
");
//]]>-->
-->
window["aa_rrP1"] = new RadRotator('aa_rrP1',1);window["aa_rrP1"].AutoAdvance = 1;window["aa_rrP1"].FrameTimeout = 10000;window["aa_rrP1"].RotatorMode = 'Slideshow';window["aa_rrP1"].NumberOfFrames = 1;window["aa_rrP1"].PauseOnMouseOver = 1;window["aa_rrP1"].HasTickers = 0;window["aa_rrP1"].FrameIdArray = new Array('aa_rrP1_frame0');window["aa_rrP1"].UseRandomSlide = 0;window["aa_rrP1"].UseTransition = 1;window["aa_rrP1"].UseRandomEffect = 1;window["aa_rrP1"].TransitionStrings = new Array('progid:DXImageTransform.Microsoft.Barn( motion=out,orientation=vertical)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Blinds( Bands=10,direction=up)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Checkerboard( Direction=right,SquaresX=2,SquaresY=2)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Fade(Overlap=1.00)','progid:DXImageTransform.Microsoft.GradientWipe(GradientSize=0.25,wipestyle=0,motion=forward)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Inset()','progid:DXImageTransform.Microsoft.Iris(irisstyle=PLUS,motion=out)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Pixelate(MaxSquare=50)','progid:DXImageTransform.Microsoft.RadialWipe(wipestyle=CLOCK)','progid:DXImageTransform.Microsoft.RandomBars()','progid:DXImageTransform.Microsoft.RandomDissolve()','progid:DXImageTransform.Microsoft.Slide(slidestyle=HIDE,Bands=1)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Spiral(GridSizeX=16,GridSizeY=16)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Stretch(stretchstyle=SPIN)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Strips(motion=leftdown)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Wheel(spokes=4)','progid:DXImageTransform.Microsoft.Zigzag(GridSizeX=16,GridSizeY=16)');;window["aa_rrP1"].Start();
Hiện nay, có tám công trình thủy điện chính trên sông Lancang đã và đang xây dựng gồm: Đập thủy điện Cống Quả Kiều cao 105 mét, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6-2011. Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 mét, công suất 4.200 MW sẽ đưa vào hoạt động tháng 10-2009. Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử.
Dưới đó là đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 mét, dung tích 920 triệu mét khối, công suất 1.500 MW hoàn thành 1993. Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 mét, dung tích 940 triệu mét khối, công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003. Tiếp đó là đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 mét, công suất 1.500 MW hoàn thành 2009. Ngoài ra, còn ba đập khác đang trong quá trình xây dựng là Nọa Trát Độ (Nouzhadu), đập Cảm Lâm và đập Mãnh Tống nằm ở đoạn hạ lưu sông Lan Cang.
Ngoài ra, Lào có kế hoạch nghiên cứu xây dựng 23 đập thủy điện, trong đó có đập Ban Koun công suất lớn nhất khoảng 2.000 MW. Thái Lan ngoài hai con đập Sakamen 1 và 3, đã có kế hoạch tái khởi động xây dựng các đập trên sông Mekong dự kiến công suất 4.000 MW. Phía Campuchia cũng nghiên cứu hai đập thủy điện là Sambor và Stung Treng có công suất khoảng 3.600 MW.
Hạ lưu sẽ lãnh hậu quả
Có hai xu thế quan điểm về xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong. Những người ủng hộ cho là con người ngày càng đông, kinh tế ngày càng phát triển, mọi nhu cầu cho con người và cho phát triển kinh tế đều cần nước, do đó phải xây dựng đập thủy điện là loại năng lượng sạch, tái tạo được. Đập có tác dụng trữ nước, phát điện, cắt lũ và điều tiết nước trong mùa khô cho hạ lưu.
Những người phản đối xây đập thủy điện, ngày càng gia tăng, lên án mạnh mẽ đập thủy điện làm ngập đất, rừng, dân cư phải di dời, làm thay đổi chế độ dòng chảy, và môi trường sinh thái. Xét về dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước/năm lưu vực sông Lancang tính đến biên giới Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư, một phần năm và một phần sáu lần dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước/năm sông Mekong tại Kratie.
Như vậy việc khai thác sử dụng tiềm năng thủy điện lưu vực sông Lancang chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước, lượng điện, nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy và môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, nhất là đối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy tự nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu. Đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đến chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.
Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, ông Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (Mỹ), đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc”.
Do những phản đối xây đập ngày càng nhiều, khiến cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng lo ngại vì xây đập hồ chứa cần rất nhiều tiền mà phần lớn các nước đang phát triển muốn thực hiện, thì phải đi vay.
Một ủy ban thế giới về đập có tên là “World Commission on Dams” đã được thành lập năm 1998 để nghiên cứu và đưa ra các đánh giá về tác động tiêu cực của đập và đưa ra các khuyến cáo cần thiết. Sau bốn năm nghiên cứu hàng ngàn đập trên thế giới (có hai đập ở Việt Nam), Ủy ban thế giới về Đập đã đưa ra 7 nguyên tắc chiến lược khi xây dựng đập cần thực hiện là: (1) Cần có sự chấp nhận của công chúng; (2) Cần đánh giá toàn diện các phương án khác nhau có thể; (3) Đánh giá về tác động của các đập hiện có; (4) Bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế cho người dân; (5) Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích; (6) Đảm bảo tuân thủ (pháp lý quốc tế, khu vực, quốc gia, quy trình…); và (7) Sử dụng các sông vì mục đích hòa bình, phát triển và an ninh.
Việt Nam phải làm gì ?
Lưu vực sông Mekong hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông, mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực. Nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong tại các nước ven sông sẽ ngày càng lớn và chắc chắn sẽ tăng đáng kể trong tương lai.
Do đó việc sử dụng công bằng, hợp lý, phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông bao gồm ba nội dung chính là phát triển (quy hoạch và xây dựng công trình), quản lý (phân bổ, giải quyết tranh chấp, quản lý ô nhiễm...) và bảo vệ (bảo vệ rừng, quản lý phân bón, thuốc trừ sâu, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dải ven bờ...).
Điều đáng lo nhất là các nước vùng hạ lưu không nắm được cụ thể quy trình vận hành các nhà máy thủy điện của Trung Quốc. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ hai trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giản.
Một số nhà khoa học cũng lưu ý để tránh tình trạng cực đoan, các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại, minh chứng trên luận cứ khách quan và khoa học để làm sao tác động về lợi của các công trình đập thủy điện và đập dâng là lớn nhất và thiệt hại là ít nhất.
Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, cụ thể là tại hai trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.
Con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực. Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ bốn nước hạ du của Ủy hội sông Mekong (MRC), cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của Việt Nam qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) có đầy đủ cả sáu thành viên.
Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu.
Câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu sẽ trở thành hiện thực ở vùng Châu thổ sông Mekong!

TS. Tô Văn Trường,Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam

No comments:

Post a Comment