Wednesday, October 5, 2011

SÔNG MEKONG và chúng ta (11)

PHÁ GHỀNH THÁC/ MỞ RỘNG LÒNG SÔNG / HỦY HOẠI SINH CẢNH: NGUỒN CÁ SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

LTS: Nói về những bước suy thoái của sông Mekong, người ta liên hệ ngay tới chuỗi 14 con đập thủy điện bậc thềm Vân Nam và sắp tới đây là 11 con đập hạ lưu. Nhưng không thể không kể tới những bước hủy hoại môi sinh khác đã và đang diễn ra trong toàn lưu vực sông Mekong như: đổi dòng lấy nước; phá rừng bừa bãi; dùng chất nổ tàn phá chỉ để mở rộng khai thông lòng sông cho các con tàu lớn Trung Quốc dễ dàng đi xuống phương nam. Bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh trong số báo này chủ yếu đề cập tới Dự án Phá đá trên 21 khúc ghềnh thác của sông Mekong. Để thấy rằng đó là một dự án liều lĩnh, tắc trách và cả vô trách nhiệm, đã khiến tờ báo Watershed số tháng 11/ 2002 phải đưa ra nhận định: “Họ chỉ căn cứ trên có hai ngày khảo sát thực địa...rồi đi tới kết luận rằng Dự án Phá đá khai thông ghềnh thác sẽ không có ảnh hưởng dài hạn nào trên nguồn cá và ngư nghiệp của cư dân sống hai bên bờ sông Mekong... Bằng chứng là đã không có sự lượng giá thực sự về những tiềm năng ảnh hưởng này.” Trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất từ dự án này vẫn là Trung Quốc nhưng với cái giá rất đắt về môi sinh phải trả là 5 nước vùng Hạ lưu sông Mekong.

***


DỰ ÁN CẢI THIỆN THỦY LỘ THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG


Kế hoạch chính thức có tên là “Dự Án Cải Thiện Thủy Lộ Thượng Nguồn Sông Mekong / Navigation Channel Improvement Project on the Upper Mekong River” nhưng với cư dân địa phương thì đơn giản được gọi là: “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong / Mekong rapids blasting project”.

Đây là dự án táo bạo dùng chất nổ / dynamite để phá những khối đá trên khúc sông Mekong chảy qua 21 đoạn ghềnh thác, với các cù lao và cồn bãi /shoals cùng với kế hoạch nạo vét để khai thông và mở rộng lòng sông Mekong từ Vân Nam xuống tới Miến Điện, Thái Lan và Lào.

Mục đích chính là giúp cho những con tàu trọng tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hóa có thể dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao / Simao Vân Nam Trung Quốc xuống Chiang Khong, Chang Sean Thái Lan tới tận Luang Prabang và Vạn Tượng thủ đô nước Lào. Sau đó cũng chính những con tàu ấy sẽ chở đầy nguyên vật liệu và cả dầu thô đi ngược dòng sông Mekong lên Vân Nam.

Dự án đã được ký kết vào tháng 04 năm 2001 giữa 4 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào và công trình này sẽ do mỗi nước tự thực hiện trên khúc sông chảy qua lãnh thổ mình. Điều đáng nói là Cam Bốt và Việt Nam là hai quốc gia cuối nguồn sẽ trực tiếp và lâu dài chịu ảnh hưởng do dự án ấy thì hoàn toàn không được đếm xỉa tới.

Với ngân khoản tài trợ chủ yếu là từ Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB/ Asian Development Bank) cho Chương Trình Hợp Tác Kinh Tế Lưu Vực Lớn Sông Mekong (Greater Mekong Subregion / GMS), và kế hoạch Phá đá / Phá ghềnh thác là một phần trong Chương trình mở “Hành lang Kinh tế Bắc-Nam Lưu Vực Lớn Sông Mekong / GMS North-South Economic Corridor Flagship Program” đã được chuẩn thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh GMS tại Nam Vang vào ngày 3 tháng 11, 2002.

Theo mô hình Dự án thì có hàng trăm ngàn tấn đá sau khi bị chất nổ phá vỡ từ các đoạn ghềnh thác sẽ được các con tàu vét / backhoe dồn xuống những hố sâu dưới lòng sông – mà ai cũng biết “những vũng sâu này là nơi trú ẩn có tầm quan trọng sống còn đối với vô số loài cá trong suốt mùa Khô” và cũng là nơi lưới cá của cư dân địa phương. Lấp hết các vũng sông sâu này bằng những khối đá vụn sẽ gây ảnh hưởng hủy diệt ra sao trên cá và đời sống của ngư dân là điều không được Nhóm Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh (EIA/ Environmental Impact Assessment) quan tâm tới.

Từ một con sông Mekong vốn được coi là khá nguyên vẹn, ít bị tận dụng khai thác so với các con sông khác của thế giới, nay ngoài ảnh hưởng của một chuỗi những con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam không ngừng xây thêm, cũng vẫn Trung Quốc đã lại có thêm kế hoạch phá đá, phá các khúc sông ghềnh thác, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy học, khiến dòng nước sẽ chảy nhanh và siết hơn, gây sụp lở bờ sông cùng phá hủy các loại hoa màu trồng ven sông.

Vào tháng Tư năm 2002, Phân bộ Ngư nghiệp Ủy hội Sông Mekong / MRC (gồm 4 nước hạ lưu Thái Lan Lào Cam Bốt và Việt Nam, riêng Trung Quốc thì từ chối tham gia) đã phổ biến một tài liệu nhan đề: “Vũng sâu là sinh cảnh / habitats của cá trong Lưu vực sông Mekong trong mùa Khô.” Theo tài liệu này thì người ta tin rằng giống cá Pla beuk, loại cá bông lau khổng lồ _ Pangasianodon gigas sống dưới những vũng sâu của sông Mekong trong mùa Khô. Ngư dân Lào tỉnh Xayabouri cho biết nơi vũng sâu gần ngôi làng Bang Muangliap là nơi sinh sống của giống cá Pla beuk trong mùa Khô.” Cả ngư dân tỉnh Bokeo gần ngã ba biên giới Thái Lào Miến Điện cũng tin rằng những con cá Pla beuk rất hiếm hoi mà họ đánh được là từ Xayabouri.” [H.1]

Kế hoạch phá đá không chỉ là mối nguy cơ diệt chủng đối với cá Pla beuk hiếm quý, mà còn hủy hoại sinh cảnh, hủy diệt rộng rãi các loài cá khác và ngư nghiệp không chỉ giới hạn ở khúc sông thượng nguồn mà còn có ảnh hưởng “tiêu cực dây chuyền” trên nguồn cá vốn rất phong phú của Biển Hồ và hai con sông Tiền sông Hậu và toàn hệ thống kinh rạch nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.

THIẾU NGHIÊN CỨU TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN

Từ Bangkok, chỉ vài tuần lễ sau ngày thành lập, Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường (MNRE/ Ministry of Natural Resources and Environment) Thái Lan đã vội vàng can dự vào một dự án gây rất nhiều tranh cãi và cũng rất thiếu sót. Theo tường trình của tập san Watershed, cơ quan ngôn luận lâu năm của tổ chức TERRA [Towards Ecological Recovery and Regional Alliance] (7) thì vào giữa tháng 11 năm 2001 giám đốc Trung Tâm Phòng Chống Khủng Hoảng Nước thuộc MNRE là Sophat Tovichakchaikul đã công bố “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong” sẽ được triển khai do kết quả Lượng giá Ảnh hưởng Môi sinh (EIA) được xem là không đáng kể.

Trên thực tế thì nhóm nghiên cứu EIA này “CHỈ TRONG HAI NGÀY 18 và 29 tháng 4, họ tới thăm chớp nhoáng vài đoạn sông thượng nguồn gồm 10 ghềnh thác và một cồn gọi là để ‘thu thập các dữ kiện thủy học’ để rồi đi ngay tới kết luận là Dự án Phá Đá sẽ không gây một tác hại dài hạn nào trên cá và nền ngư nghiệp của cư dân sống dọc theo hai bên sông. Có thể nói đây là một lượng giá rất tắc trách thiếu tính nghiên cứu và thiếu sự hiểu biết nhất về toàn hệ sinh thái của con sông Mekong.

Theo tiến sĩ Chris Cocklin và Monique Hain thuộc Viện Môi Trường Monash (Đại Học Monash Úc), thì Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh của Dự án Cải thiện Thủy lộ Thượng nguồn sông Mekong “thực chất là thiếu sót / substantively inadequate” và nhiều điểm “cơ bản là sai trái / fundamentally flawed.” (4)

- THIẾU SÓT vì không dựa trên đánh giá toàn thể và không có phần lượng định ảnh hưởng dài hạn của dự án mà phần tối quan trọng là ảnh hưởng trên hệ thủy học / hydrology, hệ sinh thái / ecology của con sông và cả ảnh hưởng do gia tăng số lượng tàu bè lưu thông trên dòng sông ấy. Một ví dụ về hệ quả dây chuyền do cải thiện thủy lộ, sẽ đưa tới gia tăng trao đổi hàng hóa, tạo thuận cho kỹ nghệ phát triển và hậu quả là gây thêm ô nhiễm. Ảnh hưởng dài hạn ấy ra sao với sức khỏe của cư dân các quốc gia cuối nguồn là hoàn toàn không được quan tâm tới.

- SAI TRÁI vì các phân tích chỉ dựa trên sự phỏng đoán / speculation, với kết luận chủ quan và hoàn toàn thiếu những bước nghiên cứu có thực chất để rồi vẫn đi tới khẳng định là: “Dự án sẽ có ảnh hưởng tích cực về kinh tế trong các bước phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong / Lancang – Mekong River drainaige area.” Đó chỉ là một kết luận vu vơ mà không đưa ra được các dữ kiện hay phân tích thuyết phục nào.

Giáo sư R.M. McDowall, thuộc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Nước và Không khí Tân Tây Lan cũng đưa ra nhận định nghiêm khắc: “Đọc tường trình EIA rõ ràng là không cho thấy có chút cố gắng nào để xác định những ảnh hưởng trên nguồn cá và hệ sinh thái do kế hoạch mở rộng lòng sông. Nói một cách đơn giản, lượng giá EIA là hoàn toàn thiếu sót.” (7)

HẬU QUẢ NHÃN TIỀN NGAY TỪ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI

Ngay ở giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch khai thông thủy lộ sông Mekong, hậu quả tức thời là đã có một số tác hại môi sinh giáng ngay trên đầu các cư dân sống trong lưu vực. Ngay trong Mùa Mưa năm 2002, tại quận Chiang Khong tỉnh Chang Rai Thái Lan có nhiều khúc bờ sông vốn bền vững trong bao năm, nay bị sụp lở . Chỉ riêng làng Pak Ing đã mất đi một mẫu đất do nạn xói mòn này. Ba ngôi làng kế cận cũng mất 9 mẫu đất cùng với nhiều căn nhà bị trôi xuống sông. Phía tả ngạn bên Lào, hơn 100 gia đình thuộc làng Don Sawan tỉnh Bokeo phải di tản vì nguy cơ sụp lở càng lan rộng. Niwat Roykaek thuộc Nhóm Bảo Tồn tỉnh Chiang Khong nhận định: “Dân trong vùng sống bằng cá lưới từ sông Mekong và cả sống bằng hoa màu trồng dọc theo hai bên bờ sông ấy. Con sông là mạch sống của họ nên cần phải khảo sát thật kỹ càng trước khi khai thác nó.” (6)

Các nhà hoạt động môi sinh thuộc các bang bắc Miến Điện đã yêu cầu ngưng ngay kế hoạch phá đá trên khúc sông Mekong dài 234 km chảy dọc theo biên giới phía đông bắc Miến vì khúc sông này vốn là nguồn sống của các sắc tộc Lahu, Shan, Loi La và En. (2) Và cho dù đang phải sống dưới chế độ Độc tài Quân phiệt Miến, cũng đã có 52 tổ chức phi chính phủ [NGO/ Non Governmental Organizations] lên tiếng phản đối Dự án Phá Ghềnh Thác sông Mekong do những tác hại không thể chấp nhận được đối với ngư nghiệp, hệ sinh thái của con sông như một toàn thể và ảnh hưởng trên cư dân sống dọc con sông. Người dân Miến Điện sống trong lưu vực đòi hỏi phải được có ý kiến và có quyền tham dự vào quyết định liên quan tới đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên như mạch sống của họ. Họ yêu cầu phải ngưng ngay dự án phá đá khai thông mở rộng dòng sông cho tới khi nào hoàn tất được các bước lượng giá đúng mức về “hậu quả môi sinh và xã hội” trên các cộng đồng cư dân sống trong lưu vực(3). Giữa hai tháng 03 và 04, 2002 hai khúc ghềnh đá Tang Ao và Tang Luang đã bị triệt hạ và dân chúng Miến Điện sống trong khu vực thì hoàn toàn không được thông báo. Họ chỉ được biết khi thấy vô số cá bị chết, nồi dềnh, trôi giạt và thối rữa không còn ăn được. Ngoài cá, dân địa phương còn sống bằng nguồn lợi tức của rong tảo (riverweed / kai) mọc trên các ghềnh đá và nay thì cũng không còn nữa. Vẫn theo kế hoạch trên, thì sẽ có thêm 16 đoạn ghềnh thác nữa thuộc khu vực bang Shan Bắc Miến Điện và Lào sẽ bị phá hủy vào đầu năm tới. (2)

Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây một khía cạnh khá mỉa mai là không phải do chính quyền Hà Nội hay Nam Vang, nhưng chính mấy chục tổ chức nhỏ bé của cư dân Miến Điện chưa có tự do ấy lại lên tiếng đòi hỏi quyền sống cho hai nước láng giềng rất xa họ: họ đòi hỏi rằng “Kế hoạch phải có được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia nơi có con sông Mekong chảy qua bao gồm cả Cam Bốt và Việt Nam”.

TÁC HẠI TẦM XA TRÊN CAM BỐT VÀ VIỆT NAM

Dự án phá đá, phá các khúc ghềnh thác có những hậu quả tích cực và tiêu cực ra sao trước hết là đối với 4 quốc gia thượng nguồn (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào) rồi sau đó là 2 nước hạ nguồn (Cam Bốt và Việt Nam) là những vấn nạn chưa có lời giải đáp.

- ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC: do cải thiện giao thông đường sông không chỉ giúp gia tăng trao đổi hàng hóa mà còn tạo thuận cho việc khai thác các nguồn tài nguyên (về rừng về hầm mỏ) và cả mở mang du lịch góp phần phát triển kinh tế trong lưu vực. “Nhưng câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là những lợi lộc kinh tế ấy (và cả cái giá phải trả) sẽ được phân phối ra sao đối với các quốc gia trong lưu vực?” (4) Trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất vẫn là Trung Quốc : hàng hóa Trung quốc sẽ tràn ngập đổ xuống các tiểu quốc phương Nam, cũng những con tàu 700 tấn ấy sẽ chuyên trở về Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên từ Miến Điện Lào Thái Lan để phục vụ cho nền kỹ nghệ đang rất phát triển do có thêm dồi dào nguồn thủy điện từ những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam cũng từ nguồn nước con sông Mekong.

- ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC: Trung Quốc là nước cao nhất trên thượng nguồn sẽ rất ít bị ảnh hưởng do kế hoạch phá đá, phá các khúc ghềnh thác trên sông Mekong. Nhưng kế hoạch đó đã có tác hại ngay trước mắt trên sinh cảnh và đời sống cư dân của các nước hạ nguồn như Miến Điện, Thái Lan và Lào, dĩ nhiên còn có ảnh hưởng dây chuyền trên đời sống cư dân của hai nước ở dưới xa là Cam Bốt và Việt Nam. Sự thay đổi đột ngột nhịp độ dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong gây hậu quả xói mòn và cả sụp lở bờ sông, hủy diệt nguồn cá như nguồn protein chính của cư dân sống trong lưu vực. Đứng trước những tai ương có thể xảy ra, đến bao giờ thì người dân Việt Nam và Cam Bốt mới được thông báo một cách đầy đủ và cả quyền được tham gia ý kiến ?

NHỮNG ĐỢT THẢ CÁ GIỐNG TRÊN SÔNG MEKONG

Tháng 12 năm 2000, trong chuyến đi thăm khúc sông Mekong trên đất Lào, đến thăm đập Nam Ngum, con đập thủy điện đầu tiên trên phụ lưu sông Mekong, được hoàn tất năm 1972, rất sớm và ngay giữa cuộc chiến tranh Việt Nam. Đập Nam Ngum trải rộng trên 250 km2, lớn hơn 1/3 diện tích đảo quốc Singapore. Cá trên sông Nam Ngum và trong hồ chứa là nguồn protein của nhiều ngàn cư dân sống quanh vùng, nhưng cá thì ngày càng ít đi, khiến cho công chúa Chakri Sirindhorn từ Thái Lan đã tới hồ làm lễ thả cá giống Pla beuk, loại cá catfish rất lớn chỉ có trên sông Mekong. Nhưng cho đến những năm sau, hình như chưa ngư dân Lào nào lưới được một con cá Pla beuk trong hồ. Do là loại cá của sông sâu với dòng chảy, nay đem thả vào một sinh cảnh hoàn toàn khác, liệu có được bao nhiêu con cá Pla Beuk trong số đó còn sống sót.

Ngày 29 tháng 06 năm 2005, Thủ tướng Hunsen đã tới dự buổi lễ thả cá giống vào một hồ ở phía đông Cam Bốt; ông đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong của Trung Quốc, theo ông sẽ chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông Hunsen đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, gần như vô điều kiện đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo về môi sinh [AFP, 6/29/05]. Chỉ vì sự thiển cận và chút quyền lợi rất ngắn hạn [Bắc Kinh cho Nam Vang vay 30 triệu Mỹ kim, cộng thêm với 70 triệu Mỹ kim nữa để cải thiện hệ thống quốc lộ], Hunsen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông và một Biển Hồ như mạch sống và trái tim của đất nước Cam Bốt. Ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi sông Mekong còn đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, như một bảo đảm cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Và chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy. (9)

Ngày 22 tháng 04 năm 2009: trong chương trình gây cá giống của hai nước Lào Thái với sự hợp tác của Ủy Hội Sông Mekong, 200,000 cá giống – loại cá chép vàng đã được thả xuống sông Mekong trong nỗ lực bảo tồn những giống cá lớn đang có nguy cơ bị diệt chủng như: [a] cá Pla beuk [Mekong Giant Catfish/ Pangasianodon gigas], [b] cá ngát khổng lồ [Giant Barb] [c] cá chép vàng [Julien’s Golden Carp/ Probarbus jullieni]. Giống cá chép vàng này, tăng trưởng nhanh mỗi con có thể lớn tới 70kg và dài hơn 1.65m. Trong buổi lễ thả cá phía tả ngạn bên Lào, Chủ tịch Ủy Hội Sông Mekong Jeremy Bird đã phát biểu: “Cá là nguồn protein hết sức quan trọng cho cư dân sống dọc theo ven sông. Cho thả cá giống vào hệ thống sông rạch sẽ giúp bảo tồn những chủng loại cá đang bị lâm nguy, với ý hướng bảo vệ sự “đa dạng sinh học dưới nước / aquatic biodiversity”, bảo đảm nguồn cá hôm nay và cho các thế hệ tương lai.”

Sáng kiến thả cá giống có bước khởi đầu từ Bộ Ngư nghiệp Thái Lan. Kỹ thuật gây giống cá chép vàng này bắt đầu từ năm 2000 và đã được thử nghiệm từ nhiều nơi trong lưu vực. Đây là một trong những giống cá chép nước ngọt lớn trong vùng Đông Nam Á và cũng là loại di ngư bơi rất xa lên thượng nguồn, từ Kompong Cham Cam Bốt tới Chiang Khong đông bắc Thái Lan, lên xa tới tận Nam Tha bắc Lào để đẻ trứng. (8) Rồi không thể không nghĩ ngay tới Dự án 11 con đập hạ lưu khi hoàn thành sẽ là “những nút chặn triệt sản” đối với các đoàn di ngư này.

Rõ ràng khó còn “những vùng sinh cảnh/ habitats, có thể sống được” trên sông Mekong cho các loài cá, các loài động vật dưới nước nói chung. Khi mà hậu quả của kế hoạch phá đá, phá những khúc sông ghềnh thác đã làm thay đổi đột ngột nhịp độ dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong gây hậu quả xói mòn và cả sụp lở bờ sông, “ngưỡng tử vong” của sinh cảnh ấy sẽ không xa, sẽ hủy diệt nguồn cá – giết luôn cả hàng trăm ngàn những con cá nhỏ mong manh liên tục được thả xuống sông với hy vọng duy trì nguồn protein cho cư dân sống trong lưu vực; bởi vì nhiều giống cá cần các khúc ghềnh thác và vũng sâu để làm tổ và một chủng loại như cá Pla beuk, cá chép vàng… là loại di ngư cần bơi ngược dòng lên khúc sông thượng nguồn để đẻ trứng.

Rồi phải kể đến sự thay đổi phẩm chất nước của con sông Mekong không phải chỉ với cá, mà cũng là nguồn nước uống của cư dân ven sông, nếu cứ càng ngày càng ô nhiễm do đô thị hóa kỹ nghệ hóa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và gây bệnh tật trên con người ra sao?

Riêng với Việt Nam, ai cũng biết nguồn cá nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trước 1975 phong phú là thế nào thì nay đã cạn kiệt, lại thêm nguồn cá ngoài đại dương gần đây cũng bị sút giảm nghiêm trọng do sự khống chế của Trung Quốc đối với các đoàn tàu đánh cá của Việt Nam ngoài Biển Đông, và nay chỉ còn trông vào nguồn cá kỹ nghệ cá nuôi, cá lồng. Và hình như cũng chưa nghe có một kế hoạch thả cá giống nào như các quốc gia Thái, Lào, Cam Bốt xuống hệ thống sông rạch của ĐBSCL, không biết lý do tại sao?

SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN

Người dân Việt Nam trong nước nói chung, và cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng, rất ít được thông tin về các bước khai thác hủy hoại con sông Mekong trên thượng nguồn. Tin tức báo chí Việt Nam vẫn đề cập tới các tai nạn xụp lở gia tăng nơi hai bờ sông Tiền sông Hậu nơi ĐBSCL, nhưng có lẽ rất ít ai biết tới kế hoạch phá đá phá ghềnh thác mở rộng lòng sông của Trung Quốc cùng với ảnh hưởng xa nơi hạ nguồn ra sao. Điều ấy một lần nữa nói lên sự cần thiết về một Phân Khoa Sông Mekong cho Đại Học Cần Thơ như một “think tank”, một ngọn hải đăng dẫn đường cho ĐBSCL.

Sau sự kiện kết nghĩa giữa hai dòng sông Mekong và Mississippi vào tháng 07, 2009, qua thư trao đổi giữa tác giả bài viết này và Chủ tịch Ủy Hội Sông Mississippi / Trung Tướng Walsh, ông cho biết vào ngày 20 tháng 08, 2009 vừa qua, Ủy Hội Sông Mississippi đã ký một văn bản có tên là: America’s Watershed: A 200-year Vision / An Intergenerational Commitment [Viễn Kiến 200 năm cho Lưu Vực Sông Hoa Kỳ, Một Cam-Kết-Liên-Thế-Hệ]. Rồi nhìn lại Việt Nam, nếu chúng ta không có được viễn kiến 200 năm thì ít ra cũng cần có tầm nhìn xa 100 năm cho con sông Mekong và ĐBSCL.

Đã có ý kiến cho rằng, việc thiết lập Phân khoa Sông Mekong nơi Đại học Cần Thơ là một công việc rất khó khăn, nhưng làm sao mà không khó khi phải đi tìm câu trả lời cho vấn nạn: làm thế nào để “phát triển bền vững” nhưng vẫn bảo vệ được nguồn tài nguyên con sông Mekong và ĐBSCL cho các thế hệ mai sau. “Bước đầu là khó: nhưng cuộc hành trình ngàn dặm bao giờ cũng phải khởi đầu bằng một bước đầu tiên”. Hầu như chúng ta ai cũng đã từng nghe câu châm ngôn ấy.

Với kỹ thuật cao của thế kỷ 21, với lòng tham vô hạn của con người, chẳng khó khăn gì để giết chết một dòng sông, hủy diệt cả một hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất là mong manh của hành tinh này. Trong một tương lai không xa, con “Sông Danube của Châu Á” ấy sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện và dùng làm thủy lộ giao thông và có thể tệ hại hơn nữa còn là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.


NGÔ THẾ VINH


Nam Ngum 02/ 2003 – California 09/ 2009

THAM KHẢO:
1/ International Rivers Network. Navigation Project Threatens Livelihoods, Ecosystems. Briefing Papers 2, Oct 2002.
2/
IRN-mekong@netvista.net. Lahu & Shan Activists Demand End to Mekong Blastings. Nov 29, 2002.
3/
IRN-mekong@netvista.net. 52 Burmese Organizations Call for End to Mekong Rapids Blasting. Dec 12, 2002
4/ Monash Environment Institute. Evaluation of the EIA for the Proposed Upper Mekong Navigation Improvement Project. Chris Cocklin, Monique Hain. MEI, Monash University, Australia. December 2001.
5/ International Rivers Network. Thai Government Urged to Halt Mekong navigation Project. July 31, 2002.
6/ International Rivers Network. Whose Mekong Is It? Communities tell GMS leaders: Enough broken promises! Listen to the people, not the ADB. Oxafam Mekong Initiative. NGO Forum on Cambodia. Phnom Penh, Nov 3, 2002.
7/ Watershed. Impacts of Mekong Rapids Not Studied. Watershed Vol. 8 No. 2 Nov 2002 – Feb 2003.
8/ MRC News: 200,000 endangered carp bred and released in Mekong. MRC No. 02/ 09 Vientiane, Lao PDR_ April 22, 2009.


Tam giác phân loại châu thổ Galloway 1.

Dòng sông và phát triển lãnh thổ
Nước là yếu tố cần thiết cho sự sống trên hành tinh của chúng ta, đến khi loài người thám hiểm các hành tinh khác, một trong những điều mà các nhà khoa học tìm kiếm đầu tiên là dấu vết của sự hiện diện của nước ở đó. Nước là yếu tố cần thiết cho sự sống trên hành tinh của chúng ta, đến khi loài người thám hiểm các hành tinh khác, một trong những điều mà các nhà khoa học tìm kiếm đầu tiên là dấu vết của sự hiện diện của nước ở đó.

Vì vậy, một vùng lãnh thổ1 có được một dòng sông chảy qua là một điều may mắn cho vùng, cho người dân sinh sống ở nơi đó. Nhận thức này cần được nhấn mạnh để biết quý trọng dòng sông, giữ gìn và tôn tạo để nó có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của vùng lãnh thổ.

Dòng sông tích và chuyển nước với phù sa, nhiều loài thủy sản và mang theo đó một nguồn năng lượng, thế và động năng, quý báu cho sự phát triển. Nếu dòng sông ra biển lớn, nó còn truyền tải vào một lượng năng lượng triều và tạo ra một vùng sinh thái nước lợ, đệm giữa vùng ngọt và vùng mặn.

Năm yếu tố cơ bản của cuộc sống là Nước, Năng lượng, Nông nghiệp, Sức khỏe và Đa dạng sinh học, có quan hệ mật thiết với nhau, đều gắn chặt với dòng sông.

Dọc theo sông và các phụ lưu, kinh rạch của nó còn là địa bàn sinh sống của người dân với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng tất cả đều gắn kết với dòng sông.

Hai đề xuất định vị châu thổ sông Mêkông

Chính vì vậy dòng sông luôn là khởi điểm, là yếu tố nền cho một dự án phát triển vùng đồng thời cho nhiều dự án phát triển ngành (nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch, …) và phát triển các tiểu vùng trong vùng lãnh thổ đó.

Vấn đề đặt ra là bảo đảm giữa “dự án phát triển vùng” và “những dự án phát triển của vùng” có được sự hài hòa cần thiết để dòng sông không bị hủy hoại, để chính vùng không bị mai một. Nói một cách tích cực hơn, làm gì để dòng sông “sống” với vùng, với con người và phục vụ con người?

Làm sao thực hiện được sự hài hòa này? Đây là câu hỏi mà trong quá trình triển khai Chương trình khoa học Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long” (1983-1990), Ban chủ nhiệm Chương trình 2 đã tự đặt cho mình ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình điều tra và tổng hợp.

Khi đặt tên “Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên - Môi trường - Phát triển” cho báo cáo tổng hợp 3, quan điểm của chúng tôi là bộ ba Tài nguyên - Môi trường - Phát triển phải là một thể thống nhất: khai thác tài nguyên để phát triển nhưng để phát triển bền vững, việc khai thác phải phù hợp với quy luật, trước tiên của môi trường tự nhiên, nhớ rằng nước, đất, sinh vật, khí hậu, … là tài nguyên đồng thời cũng là những thành tố cấu tạo nên môi trường.

Trở lại với dòng sông, khai thác nó để phát triển, vậy đâu là những cột mốc cảnh báo giới hạn không được vượt qua?

2. Gắn bó với sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long trong suốt ba mươi năm qua, chứng kiến thực tế khai thác dòng sông để phát triển của vùng đất này, tôi luôn nghĩ về nhiệm vụ phải bảo vệ sông Mêkông và thấy nó cần được xem như một cơ thể sống. Cũng như mọi dòng sông khác trên thế giới, nó có cuộc sống của nó, với nhịp điệu và trao đổi, có quá khứ, hiện tại và tương lai mà chúng ta cần biết, càng rõ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

2.1. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã tìm hiểu châu thổ sông Mêkông hiện nay mang tính chất sông chi phối, triều chi phối hay sóng chi phối và nằm ở vị trí nào trong tam giác phân loại châu thổ Galloway 4 ? (Hình 1). Hiện nay có một số đề xuất định vị khác nhau (Hình 2). Một báo cáo khoa học gần đây nhận định rằng châu thổ sông Mêkông chuyển dần từ dạng triều chi phối sang dạng sóng - triều chi phối 5. Định vị châu thổ sông Mêkông trong tam giác phân loại Galloway không phải là một vấn đề học thuật mang tính hàn lâm, bởi lẽ nó giúp chúng ta hiểu được quá trình hình thành và phát triển của dòng sông, địa mạo của châu thổ, đặc biệt tiểu vùng rìa của nó trong mối tương tác sông - biển (sóng, gió và triều), và dự báo được diễn biến sắp tới của tiểu vùng này.

2.2. Dòng sông sẽ chết nếu không có nước. Vì vậy, những dự án chuyển nước từ lưu vực của dòng sông sang lưu vực của một dòng sông khác cần phải được tính toán, thuyết minh rõ ràng tới một giới hạn nào là chấp nhận được, với những thiệt hại gì cho dòng sông và cho các quốc gia có liên quan, những giới hạn và nghĩa vụ gì tương ứng khi dòng sông chảy qua nhiều quốc gia.

Dự án Kênh đào Seine Bắc, chuyển nước
giữa lưu vực sông Seine (Pháp) và lưu vực
sông Scheldt

Điều này đã được thực hiện khá cụ thể, chi tiết trong dự án Kênh đào Seine Bắc, nối liền sông Seine (qua sông Oise) với sông Sheldt 6, dài 106 km, có 7 âu thuyền và hai đập trữ nước. Mặc dù biết rằng kênh đào sẽ phục vụ vận tải thủy, góp phần giảm bớt khí thải CO2 so với vận tải bộ, nhưng không phải đã hết những băn khoăn về môi trường, về những thay đổi đối với hai sông và vùng đất mà kênh đào sẽ đi qua, được đào sâu 4,5 m, rộng 54 m và lượng đất phải di chuyển là 55 triệu m3. (Hình 3).

Liên hệ đến sông Mêkông, những dự án chuyển nước của sông này, kể cả phần trên thượng lưu, sang những lưu vực khác cần được Nhà nước các quốc gia ở hạ lưu theo dõi sát sao, tính toán kỹ lưỡng hậu quả để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, trong tinh thần hợp tác cùng phát triển.

2.3. Lợi dụng địa hình để khai thác thế năng dọc một dòng sông là việc làm được thực hiện từ nhiều thế kỷ. Nhưng với khả năng tầm nhìn ngày càng được mở rộng, với nhận thức về môi trường ngày càng sâu sắc, việc xây dựng các đập thủy điện được yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà trong phạm vi cả lưu vực nhất là khi liên quan đến một dòng sông quốc tế. Cần nhớ rằng thời gian thích hợp cho việc khai thác ở đầu nguồn chưa hẳn đã phù hợp với thời vụ sản xuất và sinh hoạt ở hạ du ở cách đó hàng ngàn km. Đó là chưa nói tới nguồn lợi về thủy sản có nguy cơ bị cạn kiệt, môi trường có thể bị đảo lộn.

Nước trong lưu vực của một dòng sông cũng giống như máu lưu thông trong hệ thống các mạch máu của cơ thể của con người. Có quyền khai thác nguồn nước phải đi đôi với trách nhiệm đối với toàn bộ lưu vực; quyền lợi một quốc gia phải hài hòa với quyền lợi các quốc gia khác trong lưu vực; nhận cái lợi trước mắt, phải có trách nhiệm với những gì xảy ra trong trung và dài hạn có liên quan trong cả lưu vực. Đó là những ý kiến khách quan, sâu sắc của nhiều nhà khoa học sau khi nghiên cứu các đập thủy điện đã hoàn thành và dự kiến sẽ được xây dựng trên toàn bộ lưu vực sông Mêkông trong thời gian tới đây 7 8. (Hình 4).

Vị trí các đập đã và dự kiến sẽ xây dựng trên
dòng chính sông MêKông

2.4. Mỗi dòng sông, mỗi đoạn sông có một khả năng tự làm sạch khỏi những chất ô nhiễm thải vào nó. Khả năng này tùy thuộc vào nhiều thông số nhưng không phải là vô hạn. Nói một cách khác, mỗi dòng sông có một sức chịu tải về ô nhiễm môi trường. Tôi càng khẳng định như vậy khi chứng kiến nước thải từ không ít nhà máy đông lạnh thủy sản và các thứ nước thải khác từ nhiều khu công nghiệp, nhà máy dọc sông Hậu được thải một cách “vô tư” ra sông này từ An Giang dọc trở xuống mà không qua xử lý bắt buộc theo luật định. Sông Thị Vải, sông Thị Tính ở miền Đông Nam Bộ là những ví dụ dòng sông bị ô nhiễm khác cần báo động 9. (Hình 5).

Nhìn trên ảnh vệ tinh SPOT ngày 10/1/2008, với các khu công nghiệp và nhà máy phía Nhơn Trạch (Đồng Nai) và phía Phú Mỹ dọc trở ra cửa sông Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu), tôi tự hỏi: (1) Liệu sông Thị Vải, đã bị ô nhiểm đến mức độ hiện nay, sẽ cưu mang như thế nào các khu công nghiệp và các nhà máy này về mặt môi trường?; (2) Liệu phát triển công nghiệp độc chiếm sông Thị Vải có tốt hay không cho sự phát triển về lâu dài và bền vững của Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh?

2.5. Rừng đầu nguồn bị tàn phá là một mối đe dọa nặng nề khác đối với dòng sông, nhất là ở các vùng nhiệt đới. Mất rừng kéo theo xói mòn, lũ quét và rửa trôi đất mà hậu quả là nâng cao đáy các hồ đập, thay đổi địa mạo của vùng, của lòng sông và chế độ thủy văn.

Liên hệ đến sông Mêkông, nguy cơ này dường như chưa được nhận thức đúng mức. Cái lời trước mắt vẫn được chọn mặc cho nguy cơ triệt tiêu cái lợi lâu dài. Hồ Tonlé Sap là một ví dụ cụ thể. Do nạn phá rừng quanh hồ Tonlé Sap trong những thập niên gần đây, đáy hồ này mỗi năm đang nâng lên từ 10 đến 12 cm, sức chứa của hồ giảm đi nhanh chóng, chức năng trữ và điều tiết của hồ này sẽ thay đổi khác với trước đây là điều sẽ xảy ra nếu không ngăn chặn được tình hình phá rừng hiện nay.

Các KCN và nhà máy tại Nhân Trạch và Phú Mỹ dọc theo sông Thị Vải nhìn từ ảnh vệ tinh SPOT ngày 10.01.2008. (Ô nhiễm sông Thị Vải).

3. Phát triển một vùng lãnh thổ với một dòng sông chảy qua là một công trình hết sức quan trọng, thường mang tính chiến lược đối với đất nước, như đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Những công trình của dự án tổng thể cũng như của các dự án ngành hoặc tiểu vùng phải đứng vững và hoạt động tốt trong nhiều thập kỷ nếu không phải là lâu hơn nữa. Như vậy, không thể không đặt dòng sông và vùng lãnh thổ đó vào bối cảnh của biến đổi khí hậu và của mực nước biển dâng đang diễn ra.

Châu thổ sông Mêkông nằm trong lưu vực
và dưới tác động của biến đổi khí hậu và
mực nước biển dâng.

Đối với châu thổ sông Mêkông, trên phần lãnh thổ Việt Nam, trong một báo cáo, chúng tôi đã bước đầu chỉ ra những tác động lên môi trường tự nhiên và lên đời sống kinh tế xã hội, những luồng “di dân sinh thái” có nhiều khả năng xảy ra, cùng với những công việc cần triển khai, trong đó có các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và biển dâng 10.

Đối với một châu thổ, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng sẽ tác động lên môi trường tự nhiên của vùng lãnh thổ. Là một thành tố của môi trường, dòng sông bị tác động suốt dọc cơ thể của nó, từ đầu nguồn đến cửa biển hoặc nơi nhập lưu với một dòng sông khác. Do quá trình biển mạnh lên, vị trí của châu thổ sẽ đổi chỗ trong tam giác phân loại Galloway. Mặt khác, quá trình sông yếu đi vì bị “chia nước” hoặc bị các đập ở thượng nguồn ngắt đoạn, vi trí của châu thổ cũng sẽ dịch chuyển. Sự dịch chuyển sẽ là kép, cộng hưởng cả hai tác động, từ phía nguồn và từ phía biển, khi chúng diễn ra cùng một lúc.

Đối với châu thổ sông Mêkông, không chỉ đơn thuần là một sự đổi chỗ: tuy là tiệm tiến nhưng cả châu thổ sẽ bị tác động, cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở nơi đây trực tiếp bị đe dọa (Hình 6). Nhìn toàn cầu, Việt Nam phải tham gia giảm thiểu lượng các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hành động cụ thể, Việt Nam phải có tiếng nói cần thiết để sông Mêkông được khai thác vì mục đích cùng phát triển, và tổ chức ngay trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long việc ứng phó mà hiệu quả tùy thuộc vào cơ sở khoa học của các giải pháp.

  • Theo GS. TSKH. Nguyễn Ngọc Trân (Tia sáng)

-------

Chú thích:

[1] Từ lãnh thổ dùng trong bài này có thể là một phần trong lưu vực của dòng sông, hoặc cả lưu vực. Trong trường hợp sau, lãnh thổ có thể bao gồm nhiều quốc gia mà dòng sông chảy qua.

2 Ban Chủ nhiệm chương trình gồm có GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân (CN), PTs. Hồ Chín (PCN), GS.TS. Võ Tòng Xuân (PCN), PTs.Văn Thanh (TK), Gs. Nguyễn Công Bình, Ks. Trần Đức Khâm, GS.TS. Nguyễn Tấn Lập, GsTs. Phùng Trung Ngân, Ks. Trần An Phong, PTs. Trần Hồng Phú, GsTs. Trần Kim Thạch, Ts. Tô Phúc Tường.

3 “Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên - Môi trường - Phát triển”, Báo cáo tổng hợp của Chương trình khoa học kỹ thuật cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long”, (1983-1990). Nguyễn Ngọc Trân chủ biên, Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, 1991, Hà Nội.

4 Galloway, W.E., 1975. Process framework for describing the morphologic and stratigraphic evolution of deltaic depositional system. In: Deltas: Models for Exploration, Houston Geological Society, Houston, TX, pp. 87–98.

5 Thi Kim Oanh Ta, Van Lap Nguyen, Masaaki Tateishi, Iwao Kobayashi, Yoshiki Saito and Toshio Nakamura. Sediment facies and Late Holocene progradation of the Mekong River Delta in Bentre Province, southern Viet Nam: an example of evolution from a tide-dominated to a tide- and wave-dominated delta, in Sedimentary Geology, Volume 152, Issues 3-4, 1 October 2002, Pages 313-325

6 Sông Scheldt dài 350 km ở phía Bắc nước Pháp (gọi là sông Escaut), phía Tây nước Bỉ, và ở phía Tây Nam nước Hà Lan (sông Schelde).

7 Michael Richardson, Dams in China Turn the Mekong Into a River of Discord, Rivers know no borders, but dams do, http://yaleglobal.yale.edu/display.article?id=12580

8 Ian G. Baird, The Don Sahong Dam : Potential Impacts on Regional Fish Migrations, Livelihoods and Human Health. POLIS Project on Ecological Governance, University of Victoria, Victoria, B.C., Canada.

9 Tình hình ô nhiểm sông Thị Vãi rất nguy kịch bởi lẽ đoạn nước bị ô nhiễm nặng cứ bị đẩy tới rồi kéo lui theo trièu Biển Đông, hai lần trong ngày quanh vị trí của Nhà máy bột ngọt Vedan. Mô hình toán của Ts. Nguyễn Hữu Nhân diễn đạt hiện tượng này rất rõ. Theo sô liệu của các Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu trong nhiều năm, các chỉ tiêu BOD, COD, DO, … đều vượt quá mức cho phép hàng chục lần, thậm chí còn hơn. Trong chuyến khảo sát tháng 2 năm 2007, điều này được xác nhận. Chỉ tiêu DO đo được là 0.1 trong khi <>

10 Nguyễn Ngọc Trân, Ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng tại đồng bằng sông Cửu Long, Một số nhiệm vụ càn triển khai. Báo cáo tại hội thảo khoa học về biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, tháng 10.2008. Một phiên bản cập nhật đã được trình bày tại Paris theo lời mời của Hội Người Việt Nam tại Pháp, tháng 6.2009.

Trong số hàng trăm loài sinh vật mới được tìm thấy vào năm 2008 trong vùng sông Mekong, kể cả tại Việt Nam, có con thằn lằn đốm Cát Bà, tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam (hình 1, tên khoa học Goniurosaurus catbaensis), con rắn vằn hổ, tìm thấy trong vịnh Rạch Giá (hình 2, tên khoa học Cryptelytrops honsonensis), con ếch có nanh (hình 3, tên khoa học Limnonectes megastomias), tìm thấy ở Thái Lan, chuyên ăn thịt chim. (Hình: AP Photo/Thomas Ziegler, Lee Grismer, WWF Greater Mekong)

Thằn lằn đốm báo, ếch có nanh, rắn hổ vằn, nhiều giống vật lạ được khám phá

medium_Mekong New Species_FROG.jpg

Hình 3


BANGKOK (AP) - Một loại thằn lằn có đốm giống như con báo. Một con ếch có nanh chuyên ăn thịt chim. Ðó chỉ là một vài trong số 163 giống sinh vật vừa được tìm thấy chỉ riêng trong một năm qua, trong lưu vực sông Mekong tức Cửu Long ở vùng Ðông Nam Á, kể cả Việt Nam, theo Quỹ Sinh Vật Hoang Dã Thế Giới (World Wildlife Fund - WWF) cho hay tuần qua.

WWF International nói rằng các khoa học gia trong năm 2008 khám phá ra 100 loài thảo mộc, 28 loài cá, 18 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư, 2 loài động vật có vú và một loài chim, nghĩa là bình quân mỗi tuần tìm ra được ba loài mới bên cạnh khoảng 1,000 loài được liệt kê từ năm 1997 đến 2007.

“Sau cả ngàn năm lẩn trốn, những loài này sau cùng rồi cũng được nhìn thấy dưới ánh mặt trời và chắc chắn rằng còn nhiều loài khác đang chờ đợi được khám phá,” theo lời Stuart Chapman, giám đốc chương trình vùng Mekong của WWF.

medium_Mekong New Species_Viper.jpg

Hình 2-
Các nhà nghiên cứu của WWF cảnh cáo rằng ảnh hưởng thay đổi khí hậu, săn bắn bừa bãi, ô nhiễm và phá hủy nơi sinh sống thiên nhiên đang tạo nguy cơ tiêu diệt các loài này.

Trong những loài nổi bật trong danh sách lần này là ếch có nanh ở vùng đông Thái Lan, có tên Limnonectes megastomias, chuyên núp dọc theo các con suối để vồ mồi gồm các con chim và côn trùng. Các khoa học gia tin rằng răng nanh của loài ếch này chỉ sử dụng khi chiến đấu với các con ếch đực khác.

medium_Mekong New Species_Gecko.jpg

Hình 1 -
Một khám phá mới lạ nữa là loại thằn lằn có đốm ở Cát Bà, tìm thấy trên đảo Cát Bà ở vùng Bắc Việt Nam. Loài này được đặt tên Goniurossurus catbaensis, có mắt lớn, hai màu cam và nâu, giống như mắt mèo và có đốm trên thân dài màu nâu vàng, như đốm con báo.

Ông Lee Grismer, thuộc trường đại học La Sierra University ở California, nói rằng ông tình cờ tìm thấy một con rắn vằn hổ (tiger-striped pit viper, thân mình có vằn như con cọp), trong khi đang tìm cách bắt một loại thằn lằn đốm khác.

“Chúng tôi đang chăm chú tìm cách bắt loại thằn lằn mới này thì con trai tôi chỉ cho thấy bàn tay tôi đặt trên tảng đá chỉ cách đầu con rắn hổ vài phân,” ông Grismer cho hay. “Chúng tôi bắt được cả con rắn và con thằn lằn, cả hai con vật này đều được xác định là loài mới tìm ra.”

Nơi ông Grismer tìm thấy con rắn này, mang tên khoa học Cryptelytrops honsonensis, là đảo Hòn Sơn trong vịnh Rạch Giá.

Con rắn ông Grismer tìm ra được liệt kê trong danh sách của WWF, vì như tất cả các loài sinh vật mới trên danh sách này, khám phá của ông đã được đăng trên một tạp chí khoa học chuyên môn. Con thằn lằn thứ nhì kia chưa được liệt kê vì chưa được đăng trên tạp chí khoa học chuyên môn.

Hôm Thứ Sáu, WWF cũng loan báo việc kiếm ra ba khu vực sinh sống của loài chim mang tên Crocias langbianis, tìm thấy ở khu Liangbian. Loài chim này đầu có lông màu xám, bụng màu trắng. Các loài khác được tìm thấy có con dơi mũi ống mang tên Murina harpiolides ở vùng Nam Việt Nam và loài chim hét cao cẳng (Nonggang babbler) ở vùng biên giới Việt-Hoa và thích đi hơn là bay.

No comments:

Post a Comment