Khi kinh tế TQ, Ấn Độ & Nga phát triển thì vấn đề năng lượng trở thành bài toán nan giải hơn cho thế giới chứ không riêng gì nước Mỹ. Obama phải hối thúc tìm kiếm nguồn năng lượng mới khi viễn ảnh chiến tranh vì năng lượng đã xảy ra giữa Mỹ và các nước phát triển; đồng thời đẩy cả thế giới vào việc phải đối phó như thế nào với vấn đề khí hậu thay đổi và sự hâm nóng trái đất gia tăng theo mức độ ô nhiễm và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đó là sự sống còn của nhân loại.
Những vấn đề tồn tại
Thế giới vào những năm đầu của thế kỷ thứ 21 đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải đối mặt. Trong đó, vấn đề được xem là nóng bỏng nhất và thu hút sự quan tâm của tất cả các nhà khoa học cũng như Chính Phủ các quốc gia hiện là hiện tượng ấm lên toàn cầu do tác động của hiệu ứng nhà kính và sự khủng hoảng về năng lượng. Theo dự báo của Cơ quan thông tin về năng lượng (EIA) vào năm 2004, trong vòng 24 năm kể từ năm 2001 đến năm 2025, mức tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới có thể tăng thêm 54% (ước tính khoảng 404 nghìn triệu triệu Btu[i] năm 2001 tới 623 Btu vào năm 2025) mà nhu cầu chủ yếu sẽ rơi vào các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, ví dụ như Trung Quốc hay Ấn Độ ở châu Á.
Các cuộc chiến để giành giật nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là dầu mỏ, khí tự nhiên, nguồn nước đang có xu thế ngày càng gia tăng trên thế giới như cuộc tranh chấp gần đây. Đầu tháng 4/2005 nổ ra bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quyền lợi khai thác dầu khí trên vùng biển Hoa Đông, một khu vực đang tranh chấp giữa hai quốc gia; Trong khi Tokyo phản đối việc Trung Quốc thăm dò khu vực này và cho rằng hoạt động đó vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nhật thì Bắc Kinh lại khẳng định các cuộc thăm dò khai thác khí tự nhiên gần vùng biển phía tây của Nhật, là "quyền lợi tự nhiên". Do không đạt được thỏa thuận chung về thăm dò khai thác ở vùng này, trung tuần tháng 7 năm 2005, Chính phủ Nhật đã quyết định cho Công ty Dầu khí Teikoku quyền được phép thăm dò trên vùng tranh chấp này. Động thái này của Tokyo làm nóng lên thêm mối quan hệ giữa hai nước vốn đã hết sức căng thẳng sau một loạt các sự kiện bất đồng gần đây có liên quan đến tranh chấp tài nguyên cũng như lịch sử. Phía Trung Quốc cũng đề nghị Tokyo đàm phán để cùng chia sẻ quyền thăm dò ở vùng biển chung nhưng không được chấp nhận.
Thế giới ngày càng nổi cộm lên cuộc chơi tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu lửa, tuyến đường vận chuyển cũng như thị trường sản xuất và tiêu thụ dầu lửa, thường xảy ra ở các khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng lại có tình hình chính trị không ổn định như ở Trung Đông, Châu Phi…
Dân số tăng nhanh và tốc độ đô thị hóa chóng mặt trên toàn cầu cũng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu về năng lượng. Theo dự đoán, dân số thế giới sẽ tăng từ khoảng 5,5 tỷ người trong năm 1993 lên tới 7 tỷ người vào năm 2010 trong đó dân số của các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC) tăng lên khoảng 100 triệu người ước tính vào khoảng 7%. Dân số ở các nước còn lại (ROW_Rest of the World) sẽ tiếp tục tăng lên và vượt qua mức 78% trong năm 2010. Do vậy, dù mức tăng trưởng kinh tế ở những nước này phân bố đều ra cho số dân thì thu nhập bình quân đầu người vẫn giảm, cho dù tổng sản phẩm quốc nội có tăng lên. Khi dân số tăng thì số dân sống ở khu vực thành thị của các nước ROW cũng tăng lên cộng thêm với quá trình đô thị hóa sẽ làm cho các đòi hỏi về năng lượng tăng cao, như năng lượng sử dụng cho thắp sáng, công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ…
11.2. Vài nét chung về nhu cầu năng lượng của thế giới
Về vấn đề này, có 3 điểm chúng ta cần lưu ý. Một là, nhu cầu về năng lượng của thế giới tiếp tục tăng lên đều đặn trong hơn hai thập kỷ qua. Thứ hai là, nguồn năng lượng hóa thạch vẫn chiếm 90% tổng nhu cầu về năng lượng cho đến năm 2010. Thứ ba là, nhu cầu đòi hỏi về năng lượng của từng khu vực trên thế giới cũng không giống nhau.
Hình 11.4 chỉ ra mức tiêu thụ các nguồn năng lượng khác nhau trên thế giới theo nguồn năng lượng. Tài liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng 2004 đã dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ tất cả các nguồn năng lượng đang có xu hướng tăng nhanh. Giá của các năng lượng hóa thạch dùng cũng vẫn rẻ hơn so với các nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo hay năng lượng các dạng năng lượng hoàn nguyên khác (renewable energy). Các nguồn năng lượng hóa thạch trên thế giới đang dần cạn kiệt, thêm nữa là những vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình khai thác đã dẫn đến việc khuyến khích sử dụng năng lượng hoàn nguyên để giảm bớt sự ô nhiễm môi trường (Hình 11.5 cho thấy lượng khí thải CO2 sinh ra trong quá trình sử dụng năng lượng hóa thạch) và tránh gây cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch. Nhưng do chưa có những điều luật cụ thể về vấn đề này, nên dầu mỏ, than đá, khí thiên nhiên vẫn được coi là nguồn nhiên liệu chủ yếu để nhằm thỏa mãn những đòi hỏi về năng lượng và chính điều đó sẽ dẫn đến sự cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch trong một thời gian không xa. Hình 11.6 minh họa tình hình tiêu thụ năng lượng cơ bản của thế giới phân theo nguồn năng lượng từ năm 1970-2025.
11.2.1 Nhu cầu về dầu mỏ
Nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển đã trở thành tiêu điểm cạnh tranh quốc tế. Dầu mỏ vẫn được coi là nguồn năng lượng chính cho toàn thế giới tới năm 2025. Hình 11.7 thống kê nhu cầu tiêu thụ các loại năng lượng của thế giới. Thống kê của IEO2004 cho thấy, với nhu cầu đòi hỏi về dầu mỏ tăng lên 1,9% mỗi năm thì trong vòng 24 năm tới, mức tiêu thụ 77 triệu thùng/ngày năm 2001 sẽ tăng lên tới 121 triệu thùng/ngày vào năm 2025, mà nhu cầu lớn nhất sẽ là từ Mỹ và các nước đang phát triển ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc… Các quốc gia này có thể sẽ chiếm tới 60% nhu cầu của thế giới. Ở đây, chúng tôi xin được đưa ra một vài ví dụ về một số quốc gia với nhu cầu tiêu thụ năng lượng hàng đầu của thế giới.
Mỹ là quốc gia đứng đầu trên thế giới về sức tiêu thụ năng lượng. Nhu cầu về dầu mỏ của Mỹ tăng lên khoảng 1,5% mỗi năm kể từ năm 2001 và sẽ đạt tới 28,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Theo báo cáo của IEO2004, nhu cầu về năng lượng dùng trong ngành vận tải của Mỹ từ 26,6 nghìn triệu triệu Btu trong năm 2001 sẽ tăng lên 41,2 nghìn triệu triệu Btu vào năm 2025, tức là tăng từ 28% lên 30% so với tổng nhu cầu về năng lượng trên toàn nước Mỹ (Hình 11.8). Chỉ riêng đối với ngành vận tải hàng không nội địa và quốc tế, mức tiêu tốn năng lượng trung bình đã tăng khoảng 1,8% mỗi năm, từ 2,97 nghìn triệu triệu Btu cho năm 2001 lên tới 4,3 nghìn triệu triệu Btu vào năm 2005. Năng lượng dùng để chuyên chở cho ngành xe lửa cũng tăng 0,9% mỗi năm, từ 0,5 nghìn triệu triệu Btu đạt tới 0,57 Btu.
Ví dụ thứ hai là về Nhật Bản, quốc gia châu Á có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Nhật là một quốc gia có trình độ kỹ thuật tối tân hiện đại nhưng hầu như không có tài nguyên khoáng sản nên phải nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông, Indonesia, nhập khẩu than từ Trung Quốc, khoáng sản từ các nước khác. Sau khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất (năm 1973), Nhật Bản đã đặt chiến lược dự trữ dầu mỏ lên vị trí hàng đầu, ví dụ như xây các kho dự trữ quốc gia cũng như bù lỗ hàng trăm triệu yên cho dân dự trữ dầu để đảm bảo việc duy trì nguồn cung cấp dầu mỏ ổn định khi xảy ra khủng hoảng đồng thời duy trì quan hệ với các quốc gia ở Trung Đông để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng lâu dài cũng như góp phần duy trì và đảm bảo an ninh thông suốt cho tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ eo biển Đài Loan tới Malacca, Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư.
Một quốc gia khác có vai trò hết sức quan trọng nữa ở châu Á là Trung Quốc, nước có sức tiêu thụ dầu thô đứng thứ 2 thế giới. Năng lượng sử dụng trong ngành vận tải ở Trung Quốc tăng 5,3% mỗi năm, từ 4,1 nghìn triệu triệu Btu trong năm 2001 có thể sẽ tăng lên 14 nghìn triệu triệu Btu vào năm 2025 (Hình 11.9), với nguồn nhiên liệu chính là dầu mỏ, vì vậy, khoảng 2/3 nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc sẽ được sử dụng cho ngành vận tải. Thị trường ô tô chở khách tăng 10 lần kể từ năm 1990-2000. Thêm nữa, nhu cầu về xe hơi bùng nổ vào năm 2002 do sự cạnh tranh giá cả dẫn tới việc lượng xe hơi nhập khẩu tăng vọt sau khi thuế nhập khẩu giảm do Trung Quốc gia nhập WTO tháng 12 năm 2001. Tờ Thời Báo Bắc Kinh đã viết rằng, mức nhiên liệu tiêu thụ trên 1 cây số đối với xe hơi ở Trung Quốc lớn hơn 10-20% so với ở các nước phát triển. Ngành công nghiệp hàng không phát triển mạnh thứ hai trong các phương tiện vận tải. Nhu cầu về xe bus cũng như các xe có trọng tải cao sẽ tăng lên cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho Thế Vận Hội sắp tới ở Bắc Kinh vào năm 2008. Nhu cầu nhiên liệu ngày càng lớn khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu và tiêu dùng nhiên liệu hàng đầu thế giới. Hiện nay Trung Quốc đã trở thành quốc gia lớn thứ 2 thế giới về nhập khẩu dầu lửa. Dự tính năm 2005, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu 2,5 triệu thùng, năm 2010 nhập khẩu 3,3 triệu thùng/ ngày, năm 2030 nhập khẩu 7,3 triệu thùng/ ngày. Một số học giả cho rằng trong tương lai, Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ, Nhật Bản hay các nước công nghiệp phát triển khác, sẽ chi phối giá cả thị trường nguyên liệu toàn thế giới. Trung Quốc đã đầu tư khai thác dầu mỏ ở Indonesia, Nam Mỹ, châu Phi, Úc. Bắc Kinh thậm chí đã hậu thuẫn cho Công ty Dầu khí Hải ngoại Trung Quốc CNOOC, công ty dầu khí lớn thứ 3 tại Trung quốc trong việc mua lại hãng dầu khí Unocal, tập đoàn dầu khí lớn thứ 9 của Mỹ và buộc Nhà Trắng phải can thiệp để ngăn chặn việc mua bán này. Tập đoàn Unocal vừa ký một dự án tiền khả thi với PetroVietnam trong việc khai thác khí đốt ở lô B, thềm lục địa Tây Nam Việt Nam với kế hoạch xây dựng một hệ thống dẫn khí từ ngoài biển vào phục vụ các nhà máy khí, điện đạm ở Kiên Giang hồi đầu tháng 6/2005 vừa qua. Và cũng trong ngày 26/7/2005, Trung Quốc đã quyết định dành 2 tỷ USD đầu tư cho quá trình tái thiết Angola, một đất nước có nguồn dầu mỏ khá dồi dào, nhưng vừa trải qua nội chiến cho việc xây dựng các hạ tầng cơ sở nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Chính Phủ nước này trong việc giành quyền ưu tiên để có thị phần khai thác cũng như mua dầu mỏ. Hơn bất cứ một nước nào khác, Trung Quốc hiện đang là một đối trọng rất lớn với Mỹ trong cuộc tranh giành thị phần năng lượng khi liên tiếp mở rộng và tiếp cận sang các nước Trung Đông, Trung Á bằng cách hỗ trợ, hợp tác với các nước trong những khu vực này xây dựng cơ sở hạ tầng, các đường ống dẫn dầu hay hỗ trợ các dự án thủy điện. Không những vậy Trung Quốc còn bắt tay với Nga, Ấn Độ hay qua mặt Mỹ để vươn tới tiếp cận các nguồn dầu mỏ xa hơn ở Châu Phi và Châu Mỹ.
Nhu cầu về năng lượng cho ngành vận tải của Ấn Độ với mức tăng trưởng khoảng 4,4% mỗi năm từ 1,9 nghìn triệu triệu Btu trong năm 2001 lên 5,3 nghìn triệu triệu Btu ở thời điểm năm 2025 và chiếm khoảng 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn lãnh thổ. Các quốc gia khác như Úc, New Zealand, các nước Đông, Tây Âu, cho dù có mức tăng dân số chậm thì cũng có nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và các năng lượng khác ngày càng tăng cao.
Lấy thêm một ví dụ điển hình là nước Nga, một nước lớn về sản xuất dầu mỏ trên thế giới, Nga trở thành nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng cho phương Tây. Nga đã thu được nhiều lợi ích khi giá dầu quốc tế tăng lên và đòi hỏi ngày càng nhiều về dầu lửa của Trung Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên, Nga cũng gặp khó khăn trong việc khai thác dầu mỏ ở vùng biển Caspi. Vùng biển này nối liền hai đại lục Âu, Á, nằm ở giữa khu vực Trung Á, Kavkaz và Iran, có diện tích mặt nước biển 44 vạn km2 (dài 1.440 km, rộng 278 km), được coi là "Vịnh Ba Tư thứ hai của thế kỷ 21", với trữ lượng dầu đã thăm dò khoảng 7 - 10 tỉ tấn, phần lớn tập trung ở vùng thềm lục địa gần Azecbaizan và Kazakhstan.
Mặc dù nhu cầu về năng lượng cho các ngành đặc biệt là ngành vận tải chỉ tăng có 3,1% hàng năm nhưng cũng thay đổi từ 3,9 nghìn triệu triệu Btu (năm 2001) tới mức 8,0 nghìn triệu triệu Btu vào năm 2025 (Hình 11.10).
11.2.2 Diễn biến của giá dầu thế giới trong thời gian gần đây
Theo số liệu của tập đoàn BP (British Petroleum, Anh Quốc) công bố gần đây, tổng trữ lượng dầu đã thăm dò của thế giới năm 2003 lên tới 1.150 tỉ thùng, tăng 9,4% so với năm 2002, trữ lượng dầu thế giới tăng 70% trong 20 năm qua, khu vực Trung Nam Mỹ, trữ lượng dầu đã thăm dò tăng 203%, khu vực Trung Đông tăng 86% và châu Phi tăng 75%. Tuy nhiên, với đà phục hồi kinh tế của các nước phát triển và sự trỗi dậy của các nước đang phát triển, nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, kéo theo giá dầu tăng vọt. Bảng 11.1 là điểm qua về diễn biến của tình hình biến động giá dầu thô thế giới trên hai sàn giao dịch chính tại New York và London kể từ tháng 12 năm 2004 cho đến trung tuần tháng 7 vừa qua.
Nhìn vào bảng diễn biến tình hình giá dầu thô (Bảng 11.1) chúng ta có thể thấy rằng, chỉ trong vòng cuối năm 2004 đến nửa đầu năm 2005, giá dầu đã leo thang đến mức chóng mặt và tăng giá gấp 1,5 lần, từ hơn 40 USD/thùng dầu thô lên tới xấp xỉ hay vượt qua ngưỡng 60 USD, thậm chí có những phiên giao dịch (như phiên giao dịch vào ngày 7/7/2005), giá dầu tăng cao đến mức kỷ lục 61,28 USD/thùng (dầu thô ngọt nhẹ giao ngay) trên thị trường New York; còn dầu Brent khai thác từ biển Bắc (North Sea) trên sàn giao dịch London cũng đạt tới ngưỡng 59,85 USD/thùng. Giá giao dịch dầu thô ngày 7/7/2005 là mức giá cao nhất kể từ khi được đưa lên sàn giao dịch New York từ năm 1983 đến nay, tuy nhiên mức giá giao dịch này vẫn còn thấp hơn so nhiều so với mức giá dầu thô cao kỷ lục 90 USD/thùng trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và lạm phát phi mã trên toàn thế giới năm 1980.
Vậy tại sao giá dầu lại leo cao đến mức như vậy chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn? Những nguyên nhân chủ quan và khách quan nào dẫn đến tình hình này? Tình hình giá dầu liệu có ổn định trở lại hay với đà này sẽ giống như một số nhà phân tích đang lo ngại, đó là giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng và đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Bằng những thông tin thu thập được từ tài liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, từ các bản tin của OPEC, AFP. Reuters, AP, BBC và những hiểu biết của chúng tôi về tình hình chính trị, xã hội cũng như về mặt chuyên môn tích lũy được qua học hỏi kinh nghiệm các chuyên gia, chúng tôi xin tổng hợp nên một số những nguyên nhân chính gây ra diễn biến tăng đột ngột của giá dầu thế giới, gồm có các nguyên nhân sau:
1. Sự gia tăng dân số thế giới: Đây chính là một nguyên nhân vô cùng quan trọng trong việc đẩy giá dầu lên cao. Như đã nêu ở phần trên, ước tính dân số thế giới sẽ tăng lên 7 tỷ người vào năm 2010 trong đó dân số của các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC) tăng lên khoảng 100 triệu người ước tính vào khoảng 7%. Dân số ở các nước còn lại (ROW_ Rest of the World) sẽ tiếp tục tăng lên và vượt qua mức 78% trong năm 2010. Dân số tăng cao sẽ kéo theo hàng loạt các nhu cầu về năng lượng cho sinh hoạt hàng ngày, giao thông vận tải, đô thị hóa… Bảng 11.2 chỉ ra phân bố dân số thế giới theo khu vực.
2. Yếu tố thời tiết cũng là một nguyên nhân gây tác động đến giá dầu. Mùa đông lạnh giá với những trận bão tuyết vừa qua ở Bắc, Đông Bắc Mỹ và châu Âu làm nhu cầu nhiên liệu dùng cho sưởi ấm tăng mạnh. Hay tác động của các cơn bão như bão Ivan, Emily ở Mỹ, các cơn bão nhiệt đới cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến giá dầu.
3. Những bất ổn chính trị trên thế giới kể từ sau cuộc chiến tranh Iraq. Trong thời gian gần đây, tình hình bất ổn chính trị, các cuộc bạo động, biểu tình liên tiếp xảy ra ở Trung Đông với các cuộc bạo động, đánh bom cũng như bầu cử ở Iraq, cuộc bầu cử ở Iran, bạo động ở Nigieria mà tiêu điểm là việc tấn công sứ quán nước ngoài hay như tấn công trực tiếp vào nhà máy lọc dầu (ngày 25/1/2005) đã làm sản lượng khai thác vàng đen giảm 35.000 thùng/ngày và trở thành nguyên nhân chính đẩy giá dầu thế giới tăng cao ở thời điểm đó. Những nước hiện nay hay xảy ra bạo động lại chính là những nước nằm trong OPEC, là tổ chức kiểm soát trên 40% lượng dầu thô xuất khẩu của toàn thế giới nên có thể nói tình hình chính trị ở những nước này là vô cùng nhạy cảm với diễn biến của giá dầu. Các cuộc đình công của công nhân kỹ thuật ở Na Uy hay việc một số nhà máy lọc dầu của Mỹ phải tạm thời đóng cửa do sự cố kỹ thuật.
4. Tuyên bố cắt giảm 1 triệu thùng dầu kể từ tháng 1/2005 của OPEC cũng là một động thái đẩy giá dầu tăng cao. Sau khi OPEC cam kết giữ bình ổn giá dầu và tăng sản lượng khai thác lên 500.000 thùng/ngày (thời điểm 21/6/2005), giá dầu đã hạ nhiệt đi một chút nhưng các chuyên gia phân tích đều cho rằng sự hạ nhiệt đó chỉ mang tính chất tạm thời vì cho dù OPEC có giữ cam kết để hạ nhiệt cơn sốt dầu mỏ bằng việc đẩy sản lượng khai thác lên 30 triệu thùng/ngày (tin ngày 6/7/2005), sản lượng khai thác cao nhất trong vòng 25 năm qua, thì nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thêm vào đó sự hạn chế về khả năng lọc dầu của các nhà máy lọc dầu trên thế giới cũng góp thêm một nguyên nhân không nhỏ.
5. Ngoài ra, những lo ngại về nguồn cung hạn hẹp đã dẫn tới việc đầu cơ tích trữ dầu. Trong những phiên giao dịch liên tiếp giữa và cuối trung tuần tháng 7/2005, giá dầu thô luôn xấp xỉ hay vượt qua ngưỡng 60 USD/thùng và hầu như không có dấu hiệu hạ nhiệt. Thêm vào đó, việc Trung Quốc, nước có mức tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai trên thế giới quyết định thả nổi đồng nhân dân tệ (NDT) ngay trong ngày 21/7/2005 đã làm cho giá dầu thô loại ngọt nhẹ giao tháng 9 trên sàn giao dịch New York tăng 1,52 USD/thùng lên mức 58,65 USD/thùng. Dầu Brent trên sàn giao dịch London vào tháng 9 cũng tăng 1 USD lên mức 56,72 USD/thùng. Việc thả nổi giá đồng NDT cũng làm cho các hoạt động nhập khẩu dầu thô của nước này tăng nhanh và tác động đến thị trường dầu lửa thế giới.
Với một số những tác nhân tương quan lẫn nhau mà chúng tôi vừa nêu trên thì thị trường năng lượng và cuộc chiến năng lượng trên thế giới sẽ ngày càng nóng bỏng và gay gắt và giá dầu cũng sẽ khó có khả năng hạ nhiệt, cho dù OPEC có tăng sản lượng dầu lên cao bao nhiêu đi chăng nữa, thì nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm mà chúng ta gọi là “vàng đen” này cũng sẽ đứng trên bờ vực của sự cạn kiệt và đẩy thế giới vào một sự khủng hoảng trầm trọng về năng lượng. Chỉ mới từ tháng 12/2004 đến trung tuần tháng 7/2005, giá dầu thô đã tăng từ khoảng 40 USD lên trên dưới 61 USD/thùng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, và liệu giá dầu có dừng lại ở đây, hay như các chuyên gia dự đoán là có thể còn tăng tới 100 USD/ thùng. Vấn đề nóng bỏng này sẽ chỉ có thể được làm “hạ nhiệt” đi nếu như chúng ta tìm ra được một nguồn năng lượng mới thay thế nó hoặc tận dụng và tìm cách khai thác triệt để các nguồn năng lượng tuần hoàn sẵn có trong tự nhiên như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay các nguồn năng lượng có thể tái tạo lại (renewable energy).
Giá dầu tăng cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới. Mặc dù chưa đạt đến mức độ cao kỷ lục như năm 1980 (90 USD/thùng) trong cuộc khủng hoảng lạm phát kinh tế toàn cầu, nhưng giá dầu tăng cao sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như cắt giảm nhân công, thu hẹp phạm vi kinh doanh… đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông hay các lĩnh vực có đòi hỏi năng lượng cao và tất nhiên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng và có thể gây lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia dẫn đến lạm phát toàn cầu. Theo nhận định của các chuyên gia ở Viện nghiên cứu của tập đoàn tài chính Merrill Lynch thì “Giá dầu tăng cao, đồng tiền trượt giá tất yếu sẽ dẫn đến lạm phát”. Một điều mà ta có thể nhìn thấy ngay trước mắt đó là việc giá dầu tăng đã làm ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu, thậm chí còn có thể gây ra sự suy thoái kinh tế. "Giá dầu cao đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á", Andy Xie, nhà kinh tế của Morgan Stanley Hong Kong, viết trong một bản báo cáo công bố trong tuần đầu tháng 7/2005. "Nếu giá dầu không hạ, châu Á có thể rơi vào suy thoái trong thời gian ngắn" (VnExpress).
Ngay cả ở một nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới như Nhật Bản, giá dầu tăng cũng làm cho các chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng theo. Giá bán sỉ cũng như bán lẻ của hầu hết tất cả các mặt hàng nhập khẩu tại Nhật gần đây, theo quan sát trực tiếp của chúng tôi tại Nhật Bản đã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc so với thời điểm đầu năm 2005. Theo nguồn tin của BBC vào trung tuần tháng 7/2005 vừa qua, thâm hụt tài khoản vãng lai thương mại của Nhật Bản đã tăng 19,5% trong tháng 5/2005, lên tới 1.380 tỷ yên. Mức nhập siêu của Nhật tăng 57,4% lên 474,3 tỷ yên trong khi đó xuất siêu chỉ tăng 1,7% với tổng giá trị là 4.580 tỷ yên.
Như vậy thì việc bình ổn giá dầu trong thời gian tới cũng như tìm kiếm được nguồn nhiên liệu mới có thể thay thế được nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt chính là nhiệm vụ rất lớn và là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới trong việc giữ gìn một thế giới ổn định và phát triển, nhưng giải quyết vấn đề này bằng cách nào, như thế nào thì lại là một bài toán khó tìm ra lời giải và luôn mang tính thời sự nóng hổi ở khắp nơi trên toàn thế giới.
11.3 Vài nhận định về nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên
Trong phần này chúng tôi sẽ phân tích về trữ lượng của các nguồn nhiên liệu hóa thạch chính như dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá dựa trên báo cáo về “Tình hình Năng lượng Thế giới” tháng 4/2004 của Cơ quan thông tin Năng lượng Quốc tế. Hình 11.11 là bản đồ phân bố trữ lượng dầu thế giới.
11.3.1. Dầu mỏ
Nguồn năng lượng hóa thạch đầu tiên mà chúng ta phải kể đến là dầu mỏ. Các vấn đề có liên quan đến dầu mỏ như trữ lượng, sản lượng khai thác, giá cả luôn luôn là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Bảng 11.3 cho biết ước tính trữ lượng dầu cụ thể của các khu vực trên thế giới kể từ năm 1995 đến 2025. Trữ lượng phát hiện “Proved reserves” được lấy trong đánh giá trữ lượng hàng năm trên thế giới xuất bản bởi Tạp chí Dầu và Khí. Những ước tính về sự tăng trữ lượng hoặc trữ lượng chưa được phát hiện được dựa trên cơ sở của báo cáo Đánh giá về Dầu mỏ Thế giới năm 2000 “World Petroleum Assessment 2000” bởi Liên đoàn khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
Nguồn dầu mỏ được chia ra thành 3 loại chính: trữ lượng phát hiện (Proved reserve: dầu đã được tìm thấy nhưng chưa khai thác); gia tăng trữ lượng (Reserve growth: sự tăng trữ lượng dầu mỏ do những yếu tố công nghệ dẫn tới việc tăng hệ số thu hồi dầu); và trữ lượng chưa được phát hiện (Undiscovered: dầu mỏ được xem có khả năng tìm thấy nếu tiến hành thăm dò). Từ Bảng 11.3, ta thấy rằng, trữ lượng dầu mỏ lớn nhất tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Trung Đông, châu Phi, Trung và Nam Mỹ. Trữ lượng dầu mỏ của các nước OPEC chiếm tới 57% tổng trữ lượng của toàn thế giới (Bảng 11.4). Bước vào thế kỷ thứ 21, khi dân số tăng cao và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ngày càng tăng cao, không một ai trong chúng ta không hiểu được rằng, nguồn nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm nhanh chóng, cung không đủ đáp ứng cầu và làm cho giá nhiên liệu tăng cao. Cứ trên đà khai thác như hiện nay và dựa trên trữ lượng ước tính mà chúng ta đang nắm được thì nguồn dầu mỏ dự trữ cũng chỉ có thế đáp ứng cho thế giới một khoảng thời gian không dài nữa, chính vì vậy việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới để thay thế cho dầu mỏ và các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt là nhiệm vụ vô cùng thiết yếu. Hình 11.12 chỉ ra sản lượng dầu mỏ của các nước OPEC và ngoài OPEC.
Trong các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, Việt Nam cũng được coi là một nước có tiềm năng lâu dài về sản xuất dầu mỏ mặc dù hoạt động tìm kiếm thăm dò chậm hơn so với mong đợi nhưng lượng dầu khí khai thác được từ các mỏ trên thềm lục địa Việt Nam được trông chờ là sẽ vượt quá 375.000 thùng/ngày vào năm 2015. Bảng 11.6 cho thấy sản lượng dầu của các nước không thuộc OPEC.
11.3.2. Khí tự nhiên
Cùng với dầu mỏ, gần đây, khí thiên nhiên đã và đang được coi là một trong những nguồn nhiên liệu có nhu cầu tiêu thụ rất lớn trên thế giới với nhu cầu hàng năm tăng nhanh nhất, trung bình 2,2% kể từ năm 2001 đến 2025, so với nhu cầu tiêu thụ tăng 1,9% đối với dầu mỏ hàng năm và 1,6% hàng năm đối với than. Nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên vào năm 2025 ước tính sẽ là 151 nghìn tỷ feet khối, tăng lên gần 70% so với nhu cầu tiêu thụ của năm 2001 (khi đó là 90 nghìn tỷ feet khối, xem hình 11.13). Như vậy, mức tiêu thụ khí thiên nhiên trong tổng các loại năng lượng tiêu thụ sẽ tăng từ 23% năm 2001 lên 25% vào năm 2025.
Kể từ giữa những năm 1970, trữ lượng khí thiên nhiên của thế giới đã tăng lên hàng năm (Hình 11.14). Tại thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2004, trữ lượng khí tự nhiên phát hiện theo báo cáo bởi Tạp chí Dầu khí đã được ước tính vào khoảng 6.076 nghìn tỷ feet khối, tăng hơn 10% so với năm 2003. Hơn 3/4 trữ lượng khí thiên nhiên trên thế giới tập trung ở Trung Đông, Đông Âu và Liên Xô cũ (Hình 11.15), trong đó Nga, Iran và Qatar chiếm khoảng 58% (Bảng 11.6).
Cho dù mức độ tiêu thụ khí thiên nhiên tăng cao, đặc biệt là trong thập niên vừa qua, thì trữ lượng khí để sản xuất sản phẩm khí thiên nhiên ở hầu hết các khu vực vẫn còn khá lớn và ước tính sẽ dùng được trong khoảng 60,7 năm nữa. Trung và Nam Mỹ có trữ lượng khí tự nhiên đủ cho khoảng 68,8 năm; Các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ khoảng 75,5 năm, châu Phi 88,9 năm còn riêng Trung Đông thì trữ lượng khí quy đổi khí thành phẩm đủ cung cấp cho hơn 100 năm nữa.
Liên Đoàn Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã đánh giá định kỳ tiềm năng sản xuất lâu dài các nguồn nhiên liệu trên thế giới (dầu mỏ, khí thiên nhiên, khí thiên nhiên dạng lỏng) và theo ước tính gần đây nhất của Cơ quan này được phát hành trong Đánh giá về Dầu mỏ Thế giới năm 2000, một lượng còn lại đáng kể khí tự nhiên đã được phát hiện. Trữ lượng khí tự nhiên vẫn còn chưa được phát hiện ước tính trung bình khoảng 4.258 nghìn tỷ feet khối (Hình 11.16), gần gấp 2 lần dự đoán tiêu thụ ước tính trong IEO2004. Hơn một nửa trữ lượng khí tự nhiên chưa được phát hiện được cho là tập trung ở các nước Liên Xô cũ, Trung Đông và Bắc Phi; khoảng 1/3 (1.169 nghìn tỷ feet khối) còn nằm ở Bắc, Trung và Nam Mỹ; và khoảng 1/4 trữ lượng khí chưa được phát hiện trên thế giới nằm ở trong các mỏ dầu chưa được phát hiện.
Từ đây chúng ta cũng cần đặt ra vấn đề làm thế nào để khai thác được tiềm năng của khí tự nhiên để thay thế cho dầu mỏ trong thời gian trước mắt.
11.3.3. Than
Là nguồn nhiên liệu hóa thạch được sử dụng từ lâu nhất trên thế giới. Tổng trữ lượng than trên toàn thế giới được ước tính khoảng 1.083 tỷ tấn, đủ cung cấp cho khoảng 210 năm nữa với mức tiêu thụ như hiện nay (Hình 11.17). Mặc dù phân bố rộng rãi nhưng 60% trữ lượng than của thế giới tập trung ở 3 quốc gia: Mỹ (25%); Liên Xô cũ (23%) và Trung Quốc (12%). Bốn quốc gia khác là Úc, Ấn Độ, Đức và Nam Phi chiếm khoảng 29%. Trong năm 2001, 7 quốc gia này đã cung cấp tới 80% sản lượng than cho toàn thế giới.
Các đặc trưng về chất lượng và địa chất của trầm tích than cũng là các tham số rất quan trọng đối với trữ lượng than. Than là loại năng lượng hóa thạch hỗn tạp hơn rất nhiều so với dầu mỏ và khí tự nhiên và chất lượng của nó biến đổi theo từng khu vực hay thậm chí ngay bên trong cùng một vỉa than. Ví dụ như Úc, Mỹ hay Canada có chứa than với hàm lượng bitum rất cao dùng để sản xuất than cốc và 3 quốc gia này bán ra 81% than cốc cho thế giới năm 2002.
Một loại than có chứa hàm lượng Bitum thấp hơn gọi là “than nâu” hay than non, không có tính thương mại trên thị trường thế giới vì lượng nhiệt rất thấp. Năm 2001, than non chiếm khoảng 18% tổng sản lượng khai thác trên toàn thế giới. Ba nước đứng đầu về sản xuất than non đó là Đức (193 triệu tấn), Nga (110 triệu tấn), Mỹ (84 triệu tấn) với lượng than non sản xuất chiếm 41% tổng sản lượng của toàn thế giới năm 2001. Tình hình xuất nhập khẩu than trên thế giới theo khu vực trình bày trên Bảng 11.7.
Như vậy là chúng ta đã vừa điểm qua về khả năng cung cấp cũng như trữ lượng của các nguồn nhiên liệu chủ yếu được sử dụng trên thế giới. Đứng trước tình hình nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, các nước trên thế giới đang cố gắng khai thác thêm các nguồn nhiên liệu khác như hạt nhân, thủy lực, nguyên liệu gió, sinh học, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, thủy triều hay pin năng lượng mà đã được đề cập ở phần B của tài liệu này. Trong phần C này chúng tôi chỉ nêu ra và phân tích kỹ hơn về những vấn đề nóng bỏng và những tồn đọng của cuộc chiến năng lượng đang diễn ra trên thế giới để nhằm đưa ra một cái nhìn tổng quan giúp cho việc cùng nhau tìm ra hướng đi chung để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tình hình hiện nay.
11.4. Năng lượng và các vấn đề về môi trường, thay đổi khí hậu
“Sản xuất và sử dụng năng lượng là nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi khí hậu”- Robert Priddle, Giám Đốc Điều Hành, Cơ quan nguyên tử Quốc Tế (IEA).
Khi đề cập về tình hình dự trữ, khai thác hay sử dụng các nguồn năng lượng nhất là nguồn năng lượng hóa thạch trên thế giới, chúng ta không thể bỏ qua những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của các hoạt động đó đối với môi trường. Hiện nay cũng như trong các thập kỷ sắp tới đây, việc làm sao để giảm thiểu khí nhà kính sinh ra trong quá trình sử dụng và đốt cháy năng lượng là một vấn đề vô cùng cấp thiết vì sự gia tăng lượng khí nhà kính sẽ gây ra sự thay đổi khí hậu toàn cầu do trái đất nóng lên và làm cho không khí trở nên ô nhiễm nặng nề. Trong phần này chúng ta sẽ đề cập đến các yếu tố do việc tiêu thụ năng lượng tác động lên môi trường, khí quyển do đó làm tăng các chất gây ô nhiễm cho không khí như chì, sulfur oxides, nitrogen oxides, các vật chất hữu cơ không ổn định. Ở nhiều quốc gia còn quan tâm đến cả việc giảm lượng thủy ngân tạo ra trong quá trình sản xuất điện năng để tránh gây ô nhiễm đất, sông ngòi, ao hồ và đại dương. Chúng ta sẽ đi theo 3 phần chính như sau: Lượng khí thải Carbon Dioxide trên toàn cầu gây ra do quá trình sử dụng năng lượng; Nghị định thư Kyoto về khí hậu, Giải pháp làm giảm ô nhiễm khi sử dụng năng lượng.
11.4.1. Khung cảnh toàn cầu về sự thải khí Carbon Dioxide (CO2)
Tổng quan năng lượng năm 2004 (IEO2004) đã dự đoán về sự phát sinh khí thải CO2 có liên quan tới năng lượng mà như đã nêu trên chủ yếu là khí thải carbon dioxide do con người gây ra trên toàn cầu (Hình 11.18). Căn cứ vào những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế khu vực và sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, trong IEO2004 đã cho thấy sự thải khí carbon dioxide trên toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn rất nhiều trong cùng một chu kỳ so với những năm 1990. Sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng cao đặc biệt là ở những nước đang phát triển phải có trách nhiệm rất lớn đối với việc tăng rất nhanh lượng khí thải carbon dioxide bởi vì mức tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số cao hơn nhiều lần so với ở các nước công nghiệp hóa, mà cùng với nó sẽ là việc nâng cao mức sống, cũng như nhu cầu về năng lượng sử dụng trong quá trình công nghiệp hóa. Dựa vào Hình 11.19 về lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, chúng ta có thể thấy rằng các nước đang phát triển sẽ chiếm đa phần trong việc sử dụng năng lượng trên thế giới. Thải khí nhà kính nhiều nhất trong số những nước này chính là Trung Quốc, quốc gia có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cũng như sử dụng nhiên liệu hóa thạch cao nhất.
Năm 2001, lượng khí thải CO2 từ các nước công nghiệp hóa chiếm tới 49% toàn cầu, tiếp theo sau đó là các nước đang phát triển chiếm 38%, các nước Đông Âu và Liên Xô cũ chiếm 13%. Tới năm 2025, các nước công nghiệp hóa được dự đoán là sẽ thải ra một lượng khí CO2 chiếm 42% của lượng khí thải toàn cầu, trong khi đó lượng CO2 thải ra ở các nước đang phát triển là 46%, Đông Âu và Liên Xô cũ vào khoảng 12% (Bảng 11.8). Dự đoán của IEO2004 cũng chỉ ra rằng, lượng khí thải CO2 từ các nước đang phát triển có thể vượt trội hơn nhiều so với các nước công nghiệp hóa trong khoảng từ năm 2015 và 2020 (Hình 11.20).
Trong thế giới công nghiệp hóa, hơn một nửa lượng khí thải CO2 năm 2001 là do sử dụng dầu mỏ, tiếp theo đó 31% lượng khí thải là do sử dụng than (Hình 11.21). Theo dự báo qua từng giai đoạn thì dầu vẫn là nguồn nhiên liệu chủ yếu gây ra khí thải CO2 ở các quốc gia công nghiệp hóa vì nó vẫn là một phần quan trọng được sử dụng trong ngành vận tải. Sử dụng khí tự nhiên và lượng khí thải sinh ra trong quá trình sử dụng cũng được dự đoán là sẽ tăng lên, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện và có thể lượng khí thải sinh ra trong quá trình sử dụng khí tự nhiên sẽ lên tới 24% vào năm 2025.
Dầu mỏ và than đã và đang được coi là năng lượng chính gây ra phần lớn lượng khí thải CO2 ở các nước đang phát triển. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được cho là hai nước sử dụng nguồn than nội địa để dùng trong việc phát điện và các hoạt động công nghiệp. Hầu hết các khu vực đang phát triển vẫn sẽ tiếp tục sử dụng chủ yếu là dầu mỏ để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng đặc biệt là năng lượng sử dụng trong lĩnh vực vận tải.
11.4.2. Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính
Nhu cầu về năng lượng và cùng với nó là lượng khí thải CO2 và các khí khác mà ta thường gọi chung là “khí nhà kính” đã và đang tăng lên trong suốt 50 năm qua. Sự tăng lên của lượng khí nhà kính này sẽ làm cho khí hậu toàn cầu ấm lên và kéo theo nhiều vấn đề khác liên quan. Sự thay đổi khí hậu là vấn đề quan tâm lớn nhất của toàn cầu có liên quan rất lớn đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ năng lượng. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Sự thay đổi Khí hậu (UNFCCC) họp tại Kyoto tháng 12 năm 1997 đã đưa ra một thỏa thuận chung về khí hậu nhằm ngăn ngừa việc biến đổi khí hậu, gọi tắt là Nghị định thư Kyoto (Hình 11.22).
Nghị định thư Kyoto nêu rõ việc ngăn ngừa biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của tất cả các nước, song có phân biệt theo mức độ phát triển kinh tế, trong đó buộc 38 quốc gia công nghiệp[ii] phải hạn chế thải khí nhà kính (chủ yếu CO2) để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu (Bảng 11.10). Theo đó, chậm nhất là vào năm 2012, 38 nước phải cắt giảm ít nhất là 5% lượng khí thải với năm 1990, riêng Mỹ phải giảm 7% vì nước này chỉ chiếm 6% dân số thế giới, nhưng nền sản xuất khổng lồ của họ lại gây ra 25% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính như đã đề ra, các nước trong Annex I có thể tiến hành việc giám sát sự giảm lượng khí thải trong nước hay “phương thức linh hoạt” giữa các nước. Nghị định thư Kyoto về khí hậu sử dụng 3 cơ chế linh hoạt “flexible mechanisms” để giúp cho các nước đạt được chỉ tiêu cắt giảm khí nhà kính bằng một phương thức có hiệu quả thương mại nhất.
· Cơ chế Buôn bán khí thải quốc tế: Phương thức này cho phép các nước Annex I chuyển một lượng khí thải cho phép tới các nước khác trong Annex I bắt đầu từ năm 2008 với một mức giá cho phép. Ví dụ như một nước trong Annex I muốn giảm mức khí thải của mình năm 2010 xuống 10 triệu tấn CO2 thì có thể bán lại chứng chỉ giảm lượng khí thải cho các nước sản sinh vượt trội lượng khí thải cho phép trong Annex I.
· Cơ chế Hợp tác thực hiện (JI): Phương thức này cho phép các nước trong Annex I thông qua Chính Phủ hay các tổ chức hợp pháp để đầu tư cho việc cắt giảm khí thải cho chính nước mình hay thu nhận các cách thực hiện từ các nước khác và áp dụng vào đất nước mình.
· Cơ chế phát triển sạch (CDM): Phương thức này tương tự như Hợp tác thực hiện nhưng việc cắt giảm khí thải có thể thực hiện cả ở các nước không nằm trong Annex I.
Việt Nam chúng ta dù dã đặt bút ký vào Nghị định thư Kyoto nhưng do là nước đang phát triển, chúng ta không bị bắt buộc giảm thải khí nhà kính, xong chúng ta cũng chủ trương tham gia và đẩy mạnh các dự án theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) và dự đoán chúng ta có thể thu được thêm khoảng 250 triệu USD từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải trong khoảng thời gian 2008-2012 tới. Chúng ta đã và đang tiến hành áp dụng CDM cho một số dự án tiêu biểu trong đó có dự án thu hồi khí đồng hành ở Mỏ dầu Rạng Đông.
Mục tiêu của Kyoto 1997 đó là làm giảm các khí thải độc hại như CO2, methane, nitrous oxide, hydrofluorocarbons, perfluorocarbons và sulfur hexafluoride. Hiện nay thì lượng khí CO2 vẫn chiếm thành phần chủ yếu trong các loại khí nhà kính ở hầu hết các nước Annex I, tiếp theo sau đó là methane và nitrous oxide[iii].
Nghị định thư Kyoto sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi có ít nhất 55 nước trong đó bao gồm cả các nước nằm trong Annex I, tạo ra tổng cộng 55% lượng khí nhà kính toàn cầu năm 1990, đặt bút phê chuẩn. Đến cuối năm 2003, 119 nước trên thế giới và Liên minh Châu Âu đã thông qua Hiệp định, bao gồm cả Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Nam Triều Tiên. 31 nước trong Annex I, thải ra 44,2% tổng lượng khí nhà kính năm 1990, đã đặt bút ký vào bản Hiệp ước. Sau nhiều hồi tranh cãi căng thẳng và gay cấn giữa Mỹ và các nước thành viên Annex I cũng như những cuộc nhóm họp căng thẳng cấp cao giữa các Bộ trưởng Môi trường của các nước trên thế giới, kể từ ngày 16/2/2005, Nghị định thư Kyoto đã chính thức có hiệu lực pháp lý sau khi Nga đồng ý phê chuẩn Hiệp định này. Chỉ riêng 2 quốc gia công nghiệp lớn là Mỹ và Úc không chịu phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vì cho rằng việc phê chuẩn sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế của họ. Hai quốc gia này cũng chỉ trích Kyoto 1997 vì đã không bắt hai nước đang phát triển mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ tuân thủ theo Nghị định này. Theo nguồn tin ngày 28/7/2005 của BBC, Mỹ cùng 5 nước Châu Á- Thái Bình Dương đang dự thảo một Hiệp ước về khí hậu mới để cạnh tranh với Kyoto 1997, trong đó sẽ có mục chuyển giao công nghệ từ những nước công nghiệp sang những nước đang phát triển, nhưng các chi tiết của dự thảo này vẫn còn đang được giữ kín[iv].
Nhưng dù đã bắt đầu có hiệu lực, Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính cũng không đủ sức để làm chậm bớt đi sự ấm lên toàn cầu, một thảm họa trước mắt của trái đất. Trái đất ấm lên sẽ làm băng ở Bắc Cực tan nhanh và gây ra lụt lội hay các tai biến thiên nhiên không lường trước được. Chính vì vậy, chúng ta cần có động thái tích cực và những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn thảm họa này.
11.4.3. Giảm bớt ô nhiễm khi sử dụng năng lượng
Rất nhiều nước hiện nay đề ra những chính sách tại chỗ để hạn chế những khí thải khác CO2 sinh ra do quá trình sử dụng năng lượng. Ô nhiễm không khí liên quan tới năng lượng đang gây chú ý đặc biệt gồm có nitrogen oxides, sulfur dioxide, chì, các chất thải dạng hạt, các chất thải hữu cơ có thể bay hơi… bởi vì chúng sẽ bay lên tầng ozone và hình thành tầng khói, gây mưa acid và nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe con người (Bảng 11.11). Nitrogen oxide sinh ra trong quá trình đốt cháy ở nhiệt độ cao như trong quá trình vận hành xe hơi, máy móc và các nhà máy phát điện. Sulfur dioxide sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu có chứa hàm lượng lưu hùynh cao dùng cho phát điện hay trong quá trình luyện kim, lọc dầu và các quá trình công nghiệp khác; lượng khí thải từ các nhà máy nhiệt điện phần lớn là sulfur oxide. Các chất thải hữu cơ bay hơi được sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau như từ quá trình vận tải, nhà máy hóa chất, lọc dầu, các công xưởng. Để hạn chế lượng khí thải độc hại sinh ra do đốt cháy nhiên liệu, nhiều quốc gia đã chuyển từ việc sử dụng than sang sử dụng khí để phát điện. Để giảm lượng khí độc hại sinh ra trong quá trình vận tải, một số nước áp dụng công nghệ cao để tạo ra những loại máy móc hay ô tô đạt tiêu chuẩn cũng như hạn chế hàm lượng sulfur trong xăng, dầu để đảm bảo hạn chế đến mức tối đa lượng khí thải.
Chất thải chì được tạo ra trong quá trình máy móc vận hành sử dụng xăng pha chì. Ảnh hưởng độc hại của chì, đặc biệt là đối với trẻ em đã được nghiên cứu kỹ trong suốt 3 thập niên qua. Hầu hết các nước ở châu Phi, Liên Xô cũ, Trung Đông và Mỹ Latin là vẫn còn dùng xăng pha chì còn các nước khác, hiện nay đã chuyển sang dùng xăng không pha chì. Những nước vẫn còn dùng nhiên liệu pha chì thì xăng pha chì là nguyên nhân chủ yếu chiếm 90% khí thải có chì ở khu vực đô thị.
Tons of CO2 per capita:
World map of Co2 per capita per country:
World map by population:
World map by C02 emissions:
Thêm vào đó, ở nhiều nước chất thải có chứa thủy ngân sinh ra trong quá trình sử dụng năng lượng cũng đang trở thành một vấn đề đối với những nước công nghiệp. Lượng chất thải thủy ngân sinh ra do hoạt động của con người đối với các khu vực trên thế giới được trình bày trong Bảng 11.11. Trong vài thập kỷ qua, nhiều nước đã bắt đầu đánh giá tác động độc hại của thủy ngân đối với sức khỏe con người và môi trường. Thủy ngân là chất tích tụ bền vững trong cơ thể theo thời gian. Cá kiếm, cá hồi, các loài chim ăn cá và hải cẩu là những loài vật chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc tích tụ thủy ngân. Mặc dầu thủy ngân có mặt cả ở trên đất liền cũng như ở ngoài biển nhưng nó thường tập trung nhiều nhất trong hệ sinh thái biển. Chất thải chứa thủy ngân sinh ra trong quá trình sử dụng năng lượng đang trở thành mối quan tâm đặc biệt ở các nước công nghiệp. Nguồn gây ra thủy ngân do hoạt động của con người bao gồm các hoạt động như: đốt cháy năng lượng tĩnh, sản xuất kim loại màu, sản xuất gang, thép, xi măng, chế biến dầu khí và tiêu hủy rác. Trong những nguyên nhân vừa nêu trên thì việc phát điện, đốt cháy rác thải đô thị và chế biến dầu khí là có liên quan đến việc sử dụng năng lượng và hiện nay các nước đều đang tìm cách hạn chế lượng thủy ngân sinh ra do nhiệt điện, sử dụng than bằng cách thay thế nó bởi nguồn nhiên liệu khác, ví dụ như khí tự nhiên.
Và như vậy, để tóm tắt lại những gì mà chúng tôi vừa trình bày chi tiết ở trên, các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu có thể được giải quyết phần nào nếu như chúng ta lưu ý đến mấy vấn đề sau trong quá trình sử dụng năng lượng:
· Cố gắng không sử dụng xăng dầu pha chì
· Kiểm soát và điều khiển lượng chất thải thủy ngân sinh ra trong quá trình sử dụng năng lượng.
· Xây dựng quy chế kiểm sóat các khí thải, sao cho hạn chế tới mức tối đa các khí thải độc hại.
Như vậy chúng tôi đã cố gắng trình bày những hiểu biết riêng của chúng tôi cũng như các kiến thức tham khảo được từ tài liệu Tổng quan về Năng lượng Thế giới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế 4/2004, các bản tin của các Hãng thông tấn AP, AFP, Reuters, BBC, VnExpress, VNN đến thời điểm cuối tháng 7/2005. Mong sẽ đem lại một điều gì đó có ích cho các bạn để hiểu thêm về Toàn cảnh Bức tranh Năng lượng Toàn cầu.[v]
[i] Btu: British Thermal Unit, đơn vị nhiệt lượng Anh
[ii] Các nước trong Phụ chương I (Annex I) bao gồm: Úc, Áo, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan mạch, Estonia, Cộng đồng Châu Âu, Phần lan, Pháp, Đức, Hy lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Monaco, Hà lan, New Zealand, Nauy, Bal an, Bồ Đào nha, Romania, Nga, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ukraine và Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus cũng có tên trong Phụ Chương I nhưng không bị buộc phải tuân thủ theo Nghị định thư Kyoto. Nghị định thư Kyoto cũng đòi hỏi việc cắt giảm khí thải của 4 nước mà không có trong Phụ Chương I đó là: Croatia, Liechtenstein, Monaco và Slovenia.
Mặc dù Liên minh Châu Âu đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto nhưng vào thời điểm Nghị định thư được đề ra thì vẫn được viết theo tên cũ là Cộng đồng Châu Âu nên tên gọi này vẫn được sử dụng trong hầu hết các tài liệu liên quan đến Nghị định thư Kyoto.
[iii] Nitrous oxide (N2O); nitrogen dioxide (NO2); nitrogen oxides (NOx); nitric oxide (NO)
[iv] Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Mỹ thải ra gần 1/2 lượng khí nhà kính của toàn thế giới_ BBC News_ “Các nước đều không muốn các Chính sách khí hậu làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế”
Bùi Thanh Huyền (http://vngg.energy.googlepages.com/buctranhthegioi)
No comments:
Post a Comment