Wednesday, October 5, 2011

SÔNG MEKONG và chúng ta (14)

BBC: Nước sông Mekong là ‘quyền lợi quốc gia’
Sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh An Giang của Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân kêu gọi Trung Quốc chia sẻ số liệu thủy văn của sông Lancang.

Một cựu đại biểu quốc hội coi chuyện Trung Quốc mời các nước thành viên Ủy ban sông Mekong thăm đập Tiểu Loan xây đầu nguồn chỉ là hành động đối phó với dư luận quốc tế.

Theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, việc làm thực chất hơn là Trung Quốc cần chia sẻ số liệu thủy văn của sông Lancang (tên gọi sông Mekong trên lãnh thổ TQ), và chế độ vận hành các đập, để quốc gia hạ nguồn biết cách đối phó với tình trạng "mực nước thấp thất thường, dòng sông phơi đáy" thời gian gần đây.

Các nước hạ nguồn, theo ông Nguyễn Ngọc Trân hiện đang “mù tịt” về chế độ vận hành của bốn con đập dùng nước sông Mekong trên đất Trung Quốc.

Bài viết của Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI, trên trang tuanvietnam.net ngày 14/3, nhấn mạnh đến nghĩa vụ của Trung Quốc, một quốc gia khai thác nước đầu nguồn sông Mekong.

“Trung Quốc cần cung cấp số liệu thủy văn trên sông Lancang và thông báo chế độ vận hành các đập chứ không phải mời sang tham quan một đập.

“Tình trạng mức nước sông Mekong tại các trạm thủy văn ở Lào, như ở Luang Prabang và Vientiane thấp đi rất nhiều so với trước đây đặt ra tính cấp thiết phải thông báo chế độ vận hành của 4 đập đã được xây dựng và đã đi vào hoạt động,” ông Trân, hiện là nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu, viết.

Trung Quốc cần cung cấp số liệu thủy văn trên sông Lancang và thông báo chế độ vận hành các đập chứ không phải mời sang tham quan một đập

Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Và nhà khoa bảng có tiếng tại Việt Nam kêu gọi Trung Quốc nghĩ đến lợi ích của các nước hạ nguồn, trong đó có Việt Nam.

“Vì sông Mekong là một con sông quốc tế, nên mọi dự án trên lãnh thổ một nước thành viên phải được thông báo và bàn bạc trên cơ sở tôn trọng lợi ích, trước tiên là môi trường, của tất cả các quốc gia trong lưu vực, trước mắt và lâu dài.”

Chuyển nước

Theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Trung Quốc có kế hoạch “đồ sộ” chuyển nước sông từ Nam lên Bắc, đưa nhiều chục tỷ khối nước từ sông Trường Giang sang sông Hoàng Hà để đưa về Bắc Kinh và Thiên Tân.

Và rất có thể nước sông Lancang (tên gọi sông Mekong trên lãnh thổ TQ) được dùng trong dự án này. Trong bối cảnh như vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Trân, các nước hạ lưu Mekong càng cần thông tin hơn về quốc gia sử dụng nước phần thượng nguồn.

Chuyện bất bình thường đang xảy ra, theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, đó là Trung Quốc tìm cách chối bỏ mọi nghĩa vụ của một nước đang khai thác nguồn nước của sông Mekong.

“Trung Quốc chỉ tham gia họp hành nếu bàn về việc chia sẻ quyền lợi,” vị giáo sư cho hay.

Hành động yêu cầu nước thượng nguồn có trách nhiệm hơn khi sử dụng nước sông Mekong, theo Giáo sư-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chính là bảo vệ quyền lợi quốc gia của Việt Nam.

Ông coi đây là nhiệm vụ “hàng đầu” của Ủy ban quốc gia sông Mekong. Cạnh đó ông Nguyễn Ngọc Trân kêu gọi, nên có thêm điều tra, nghiên cứu, “dùng chúng như là công cụ mạnh để đàm phán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia.”

Trên sông Mekong
BBC: TQ mời các nước thăm đập trên Mekong

Bắc Kinh đang mời các quốc gia dọc Mekong thăm đập Cảnh Hồng ở thượng nguồn Mekong để xua tan cáo buộc rằng Trung Quốc xây đập gây hạn hán ở hạ nguồn.

Báo Bangkok Post của Thái Lan trích lời ông Kasemsun Chinnavaso, tổng giám đốc Cục Quản lý Nguồn nước Thái, cho hayt Trung Quốc đã gửi giấy mời cho đại diện các nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan từ đầu năm nay.

Tuy nhiên chuyến thăm đập chưa được thực hiện vì thời tiết lạnh.

Được biết có thể nó sẽ diễn ra trong tháng này.

Ông Kasemssun được trích lời nói: "Đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước hạ lưu sông Mekong nhằm cải thiện quản lý sông Mekong để đối phó với tình trạngf hạn hán và lũ lụt thường xảy ra lâu nay".

Các nước lân cận đang chỉ trích chính sách thủy lợi của Trung Quốc, cho rằng các đập nước xây dựng tại thượng nguồn chính là nguyên nhân gây thiên tai hạn hán hay lụt lội trong hai năm trở lại đây.

Cảnh Hồng là một trong các đập nước lớn nhất Trung Quốc, dùng để sản xuất thủy điện với công suất 1.500 megawatt. Nó nằm cách tỉnh Chiang Rai miền Bắc Thái Lan 280 km.

Nhà chức trách Trung Quốc trước đó đã bác bỏ kêu gọi của Ủy hội sông Mekong đòi nước này công bố chính sách quản lý nguồn nước của mình.

Ủy hội Mekong gồm đại diện của bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Bác bỏ mọi cáo buộc

Trung Quốc từ trước tới nay luôn bác b̉o mọi cáo buộc liên quan sông Mekong.

Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Hồ Chính Dược, đã nói với Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva hồi đầu tuần rằng chính sách của Trung Quốc không phải lý do gây các vấn đề khó khăn trên sông. Ông Hồ khẳng định chỉ 13% nước trong sông Mekong là đổ về từ Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan cũng đang có kế hoạch tổ chức họp báo để giải thích các ảnh hưởng của đập thủy điện lên sông Mekong.

Nhóm Bảo tồn Chiang Khong ở tỉnh Chiang Rai sẽ đệ đơn lên sứ quán Trung Quốc vào ngày 02/04 tới.

Nhóm này còn dự tính gửi đơn lên Hội nghị thượng đỉnh các nước sông Mekong họp tại Hua Hin từ 03 - 07/04.

Các nhà bảo tồn thiên nhiên đòi Ủy hội Mekong xem lại vai trò của mình sau khi tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ hệ thống sinh thái nước ngọt vào loại lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, thị trưởng Chiang Rai Sumet Saengnimnuan tuyên bố sẽ cấm ngư dân bắt cá tra loại khổng lồ vì con số loài cá này tại sông Mekong đã giảm mạnh.

Lào cũng đã cấm đánh bắt các loại cá chỉ có ở sông Mekong, vốn đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

Tình trạng hạn hán khiến cảnh sát Thái Lan phải tăng cường tuần tra để ngăn ngừa tình trạng buôn lậu gia tăng do sông cạn trơ đáy.

Nạn buôn ma túy có nguy cơ hoàn hành do sông cạn dễ vượt qua trong những tháng vừa qua.

Tìm hiểu tác động biến đổi khí hậu tại sông Mekong

Từ 7 đến 9/12, đoàn phóng viên trong nước và quốc tế tham gia hành trình dọc sông Mekong, ghi nhận nỗ lực thích nghi với những khó khăn và thách thức do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đức Quang

Theo ông Lê Đức Trung, Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Trong đó, mực nước biển dâng cao trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới ít nhất 10% dân số, tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Mekong.

Từ TP HCM, đoàn phóng viên quốc tế và trong nước sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới. Chủ đề chính trong các phóng sự là vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước.

Các thành viên trong đoàn sẽ tìm hiểu lưu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn được coi là vựa lúa của châu Á, đang đối phó thế nào với mực nước biển dâng cao và vấn đề ngập mặn; thảo luận các phương pháp hiện hành trong việc đối phó với lũ lụt, trồng rừng ngập mặn, canh tác lúa và hoa mầu chịu mặn...

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,92 triệu ha, bằng 79 % diện tích đồng bằng châu thổ Mê Kông.

Khi chảy xuống hạ lưu Phnôm Pênh, sông Mekong chia thành 2 nhánh chảy ra biển Đông qua Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu. Chế độ dòng chảy sông Mekong thành 2 mùa rõ rệt là mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 12 với lượng dòng chảy chiếm 90% tổng lượng dòng chảy năm và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5. Tháng 3 và 4 là hai tháng có dòng chảy cạn nhất.

Tranh cãi trên dòng sông Mekong

Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Mekong

Báo Thái Lan chỉ trích Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn sông Mekong, trong khi Bắc Kinh đổ lỗi cho thay đổi khí hậu.

Báo tiếng Anh Bangkok Post hôm 23/02 vừa có bài bình luận nói rằng, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành một số đập nước, mỗi mùa khô dòng sông Mekong lại trở nên cạn kiệt.

"Tình hình năm nay tồi tệ hơn năm ngoái, và tương lai sẽ còn tồi hơn thế nữa khi nhiều đập đang được xây dựng ở Trung Quốc."

Trong khi đó cùng ngày tại Bắc Kinh, Tân Hoa Xã ra bản tin nói mức nước đầu nguồn trên sông Mekong xuống thấp nhất trong 50 năm nay, nhiều thuyền bè của nước này đã mắc cạn, và cho đây là ảnh hưởng của el Nino.

Hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc nói lượng nước chảy chỉ bằng 1/2 các năm đã khiến hàng chục chiếc thuyền mắc cạn. Hàng năm vào thời gian này, lượng nước chảy từ bình nguyên Tây Tạng là vào khoảng 400-500 mét khối/giây, nhưng năm nay chỉ còn 250 mét khối.

Trung Quốc cũng nói tình trạng khô hạn bất thường đã gây ra nhiều vụ cháy rừng tại tỉnh Vân Nam, một tỉnh có sông Mekong chảy qua.

Trung Quốc đã phải cho đóng cửa bốn đập nước tại Vân Nam để giữ nước.

Tuy thừa nhận một trong các yếu tố gây biến đổi môi trường có thể là các công trình xây dựng, Trung Quốc nói không chỉ một mình nước này, mà các nước khác chung dòng sông Mekong cũng đang xây cất các công trình lớn ở hạ lưu.

Đổ lỗi cho nhau

Bangkok Post trong bài báo nói về sông Mekong nhận định rằng sông Mekong nay khô cạn tới nỗi khó có thể được gọi là một dòng sông nữa.

"Thuyền đi từ khu vực Chiang Khong của tỉnh Chiang Rai (một tỉnh miền Bắc Thái Lan) tới cố đô Luang Prabang của Lào nay đã ngừng chạy vì nước quá cạn. Tàu chở hàng từ Trung Quốc cũng mắc kẹt tại Chiang Saen thuộc Chiang Rai."

Báo này trích lời ông Chirasak Inthayos, điều phối viên của Hệ thống Bảo vệ Nguồn lợi Thiên nhiên và Văn hóa sông Mekong nói rằng tình hình tại đây xấu nhất trong hơn chục năm nay.

Ông Chirasak cũng cảnh báo tới tháng Tư, đỉnh điểm của mùa khô, thì tình hình còn tồi tệ hơn nữa.

Bangkok Post chỉ trích việc Trung Quốc quyết định đóng cửa đập để trữ nước tại Vân Nam, nói điều này cho thấy Bắc Kinh "không quan tâm gì tới sự khó khăn của người dân các nước dưới hạ lưu".

"Trung Quốc chỉ quan tâm tới người dân của mình và các ngành công nghiệp, kinh doanh và nông nghiệp đang ngày được mở rộng của nước này."

Báo Thái nói các nước cùng chia sẻ dòng Mekong vì e ngại "Người anh Cả" đã không lên tiếng khi Trung Quốc xây dựng đập nước đầu tiên trên sông Mekong, cho dù việc xây dựng này vi phạm quy định và luật lệ quốc tế.

"Nay tuy muộn nhưng chúng ta cần cất tiếng phản đối việc Bắc Kinh sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách bất công."

Bài bình luận trên Bangkok Post khép lại bằng câu: "Không thể để cho dòng sông, cũng như cuộc sống của những người phụ thuộc vào dòng sông này, bị hủy hoại.

"Nếu chúng ta cứ im lặng chịu đựng thì điều đó sẽ xảy ra."

BBC: Hội nghị Thượng đỉnh sông Mekong

Các nước vùng hạ lưu sông Mekong đang chịu hạn hạn lớn trong nhiều chục năm qua

Các nước hạ lưu Mekong đang chịu hạn hạn lớn trong nhiều chục năm qua.

Trước đợt khô hạn kỷ lục trong nhiều chục năm, nội các Thái Lan quyết định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh về sông Mekong, từ mùng 2 đến 5 tháng Tư tại tp Huahin.

Cuộc họp thượng đỉnh, được tổ chức lần đầu giữa các nước có sông Mekong chảy qua, sẽ tập hợp chính trị gia và chuyên gia thủy lợi để bàn về giải pháp khai thác nước sông Mekong.

Bốn nước Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia, thành viên của Ủy ban sông Mekong (MRC) là thành phần tham dự chính. Cạnh đó cuộc họp sẽ mời Trung Quốc và Miến Điện, hai nước đối thoại trong MRC tham gia.

Trước câu hỏi tác động của việc Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện ở vùng thượng nguồn sông Mekong đối với hạn hán tại vùng hạ lưu, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Đại học Cần Thơ cho BBC Việt Ngữ hay, có hai tác động khiến dòng chảy của sông giảm sút.

TS Lê Anh Tuấn: Một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia, khi một quốc gia ở thượng nguồn họ tìm cách chặn lại để tích lũy trong hồ chứa nước lớn, thì nó sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy ở phía hạ nguồn. Điều này thấy rất rõ. Nó có hai tác động. Một cái do tự nhiên, của hiện tượng El Nino hay biến đổi khí hậu. Nhiệt độ không khí tự nhiên tại vùng sông chảy qua trở nên khô nóng hơn, làm tăng bốc hơi rồi gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Những nước có ưu thế về địa hình thì họ tách nước cất giữ lại, gây ảnh hưởng cho những nước khác.

BBC: Hạ lưu sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu long của Việt Nam, hiện đang diễn ra hạn hán và nước mặn xâm nhập đồng ruộng, nghe đâu khá nghiêm trọng trong một số năm gần đây?

TS Lê Anh Tuấn: Đúng vậy. Nếu chúng tôi so sánh nhiều năm trước đây thì năm nay đặc biệt là gay gắt. Hầu hết các vùng gần sự xâm nhập nước mặn ngày xưa thì đến giờ đã bị ngập mặn hết trơn rồi. Và gần như mấy cái vùng mặn đó bây giờ người ta không canh tác được. Tình hình cung cấp nước ngọt rất là khó khăn. Người dân ở đó phải chở nước từ những nơi xa đem về dùng.

BBC: Trước tình hình khô hạn như vậy nông nghiệp Việt Nam đối phó ra sao, thưa ông?

TS Lê Anh Tuấn: Hiện nay chúng tôi khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân tìm cách đắp đập để ngăn mặn lại, giảm bớt tác hại và tìm cách trữ cái nguồn nước ngọt còn lại, tất nhiên là ít ỏi rồi nhưng chúng ta tìm cách trữ lại và tiết kiệm nước tốt đa. Đồng thời những nơi nào có thể khai thác một phần nước ngầm thì cố gắng khai thác.

BBC: Tình hình thời thiết khắc nghiệt như vậy liệu có ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo, hoa màu ở những vùng bị hạn không, thưa tiến sĩ?

TS Lê Anh Tuấn: Rất may là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới qua giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân nên sản lượng gạo của vụ đông xuân vừa rồi không giảm sụt bao nhiêu. Nhưng mà nó gây khó khăn cho vụ hè thu sắp tới. Nếu cái hạn này tiếp tục kéo dài và lan rộng ra, nó sẽ làm cho chuyện gieo trồng hoặc canh tác vụ hè thu sắp tới bị ảnh hưởng. Hoặc là phải gieo cấy trễ hơn. Chúng tôi dự đoán tình hình ngập mặn và khô hạn này còn kéo dài cho đến tháng Tư. Hoặc qua tới đầu tháng Năm. Về mặt khoa học không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các đập thủy diện ở thượng nguồn khi các nước Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng của đợt khí hậu khô nóng là El Nino. Nhưng khi khí hậu đã khô hạn rồi, tác động của con người có thể làm cho nó trầm trọng thêm. Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long đang bị tác động kép, kiểu như vậy.

BBC:Thư từ Mekong

Thu hoạch lúa ở miền Nam

3/12/2009

Thế giới cùng Xanh là nội dung của tờ áp phích treo trong phòng tắm trong khách sạn, kêu gọi tôi không phí phạm nước hay điện trong thời gian sống ở TP HCM, một đô thị đang đói năng lượng.

Rời sân bay, tôi được màn hình TV độ phân giải cao, vô cùng sáng, quảng cáo điện thoại cầm tay chào đón.

Hệ thống đèn LED hiện đại tô điểm mọi thứ, từ bên trong xe taxi, các dãy đèn treo trên cây, viền quanh mái các ngôi chùa.

Thành phố tràn ngập xe gắn máy. Những chiếc nón bảo hiểm nhiều màu sắc cẩn thận nhấp nhô trong làn sóng giao thông sôi động.

Khói bụi và màn sương mù trời đang là các vấn đề thực sự cho nơi này, cho nên đa số người đi xe máy che miệng bằng mặt nạ hay khăn choàng. Các trạm đổ xăng là nơi họ tiếp nhiên liệu và nói chuyện với nhau. Cả gia đình trên một chiếc xe máy không phải là chuyện hiếm thấy.

Điều đó có nghĩa là ngập lụt thường xuyên trên các con đường chính là vấn đề thực sự cho vùng đất này.

Khi chúng tôi rời thành phố thì đi trên con đường ngập nước - triều cường thường xuyên làm đường ngập nước.

Chúng tôi đi thăm một người đánh cá nay có vai trò mới, người bảo vệ các rừng đước mới trồng ven sông.

Cây đước được trồng trong chương trình của chính phủ nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của nước ngập lên vùng đất xung quanh.

Rễ cây cao xoắn xuýt và cắm rễ xuống nền đất, giúp nền đất trầm tích được tạo dựng, và làm chậm nguy cơ lũ quét.

SV Đại học Cần Thơ

Một sinh viên ĐH Cần Thơ kêu gọi các nước phát triển giúp đỡ Việt Nam

Cây cũng giúp cải thiện hệ sinh thái trong môi trường nước bằng cách thu giữ các loại kim loại nặng trong nước.

Sau đó, mặc dù có chính quyền địa phương xuất hiện, chúng tôi cũng có thể nói chuyện với một vài nông dân trồng lúa, đang vội vàng gặt lúa với tốc độ chóng mặt.

Việc cắt lúa hoàn toàn do phụ nữ đảm nhiệm. Họ đảo qua khu ruộng với chiếc liềm trong tay.

Việt Nam được biết đến như phần quan trọng của "Vựa lúa châu Á", và là một trong số các nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong vùng.

Khi họ đem cây lúa về bồ, chiếc máy tuốt chạy xăng được khởi động để tách hạt thóc ra khỏi thân, tung rơm trên không khí.

Mỗi năm người ta thu hoạch bốn lần, và quá trình này là ví dụ hay nhất cho đòi hỏi của các nước đang phát triển muốn giàu hơn trong phiên Thượng đỉnh Copenhagen.

"Năng lượng gắn liền" - lượng CO2 cần để sản xuất - đối với gạo phải rất thấp, so với những phương thức canh tác nông nghiệp đã phát triển.

Một cánh đồng tương tự ở Hoa Kỳ chỉ cần một số người điều khiển máy cày trang bị GPS, nhiều khả năng sẽ hiệu quả hơn, nhưng cũng lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng hóa thạch.

Thông tin thêm

Với Việt Nam, thay đổi khí hậu không phải là lý thuyết.

Vấn đề này đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dân chúng ở đây - 22% dân số Việt Nam - đơn giản chỉ có một lựa chọn: chấp nhận, hoặc rời khỏi vùng đất này.

Vùng hạ lưu sông Mekong sản xuất ra các loại thực phẩm: gạo, trái cây, rau và cá - cho hàng triệu người.

Nhưng nước biển đang dâng lên, bão tố ngày càng thường xuyên và ác liệt hơn, còn mùa hè thì hạn hán.

Nhiều người đã chuyển về thành phố sống trong mùa mưa, mặc dù trung tâm dân cư Cần Thơ sẽ chìm dưới mặt nước biển trong vòng 20 năm.

Chính phủ đã chuyển hàng ngàn người lên các vùng đất cao hơn, nâng cao đập và tổ chức lại việc trồng cấy.

Các tổ chức phi chính phủ đang giúp nông dân trồng thêm lúa chịu mặn, và đa dạng hóa các vườn cây trái.

Nhưng nhiều khả năng là hàng triệu người sẽ phải rời khỏi vùng lưu vực Mekong. Chính phủ sẽ đối phó với quá trình di cư rộng lớn này như thế nào?

Tom Hannen/BBC World Service, gửi từ đồng bằng Mekong

BBC:Mỹ giúp dự án sông Mekong

Mekong, dòng sông quan trọng đối với đời sống của 60 triệu dân tại bốn nước vùng lưu vực

Sông Mekong quan trọng đối với đời sống của 60 triệu dân tại bốn nước lưu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa gặp ngoại trưởng bốn nước vùng hạ lưu sông Mekong bên lề Hội nghị Asean tại Phuket, Thái Lan.

Các nước này bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Cuộc gặp được tổ chức sau cuộc họp Hội nghị Ngoại trưởng khối Asean và Diễn đàn An ninh vùng Á châu hàng năm.

Tin từ báo chí Thái Lan cho hay cuộc hội kiến mang tính tham vấn nhiều hơn là loan báo dự án cụ thể.

Mỹ muốn lắng nghe quan điểm của bốn nước tiểu vùng sông Mekong về những lĩnh vực họ muốn có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Ngoại trưởng Lào, Thongloun Sisoulith, cho báo The Nation hay chủ đề các bên quan tâm sẽ là kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục và y tế cho người dân. Ông Sisoulith mong muốn cuộc họp sẽ phát triển thành cơ chế hợp tác giữa hai con sông lớn nhất trên thế giới, Mekong ở Đông Nam Á và Mississippi ở Mỹ.

Quan chức Lào nói thêm ông không có đề nghị gì cụ thể mang tới cuộc họp, và coi cuộc gặp gỡ là điểm xuất phát cho quá trình tham khảo hàng năm giữa bốn nước trong tổ chức Asean và Hoa Kỳ.

Hợp tác Mekong-Mississipi?

Trong cuộc phỏng vấn dành cho The Nation, tờ báo tiếng Anh xuất bản tại Thái Lan, ông Sisoulith được trích lời nói như sau: “Giữa các con sông lớn tại Á châu chúng tôi chúng tôi đang có một số dự án trong tay. “Ví dụ như hợp tác Ayeyawady-Chao-Phya, rồi đến Chiến lược hợp tác kinh tế Mekong (ACMEC). Và hợp tác Mekong Ganga.”

Người dân ngồi bên cầu mới xây qua sông Mekong bằng dự án viện trợ của Úc

Người dân ngồi bên cầu mới xây qua sông Mekong bằng dự án viện trợ của Úc.

Ông Sisoulith không cho rằng cuộc họp sẽ tạo điều kiện cho Mỹ hiện diện mạnh hơn tại vùng châu thổ sông Mekong nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. “Chúng tôi nhìn vào mặt tích cực của cuộc gặp,” ông Sisoulith nói trên tờ The Nation. “Chuyện phía Mỹ đưa ra sáng kiến nhằm tìm kiếm sự hợp tác là điều cần làm.”

Ngoại trưởng Lào nói thêm trong tương lai rất có thể cuộc họp sẽ mời tất cả các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong tham gia, thậm chí cả Miến Điện.

Miến Điện hiện đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ vì vi phạm nhân quyền và đàn áp phe đối lập.

Cũng trong cuộc họp khối Asean tại Phuket ngoại trưởng Úc loan báo tài trợ ngân khoản 10 triệu USD cho Ủy Hội song Mekong, nhằm giúp cơ quan này quản lý nguồn nước tốt hơn vùng lưu vực.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Úc viết: “Quản lý nguồn nước là một trong những thách thức lớn tại vùng châu thổ sông Mekong. Nguồn cá phong phú và lượng nước dồi dào là nguồn sống cho 60 triệu người trong vùng."

“Người dân Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam là những người sẽ được hưởng lợi từ dự án này.”

Nguồn tài trợ của Úc sẽ giúp tăng cường khả năng điều hành của Ủy hội sông Mekong, mướn thêm nhân viên và mở rộng khả năng tư vấn đối với dự án xây đập thủy điện hoặc thủy lợi.

Phạm Khiêm/Bbcvietnamese.com - Phuket-Thái Lan

BBC: Nên trồng rừng ngập mặn

Ông Jeremy Bird

Tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong, Jeremy Bird

Tiếp tục loạt bài Việt Nam và Biến đổi Khí hậu trong chuyến đi về đồng bằng sông Mekong để tìm hiểu tác động, Nguyễn Hoàng của ban Việt ngữ đã phỏng vấn Tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong, ông Jeremy Bird.

BBC: Công việc cụ thể của Ủy ban Sông Mekong là gì trong bối cảnh có biến đổi khí hậu?

Ông Jeremy Bird:Một trong những việc nằm trong sáng kiến thích nghi của chúng tôi là phụ giúp ở cấp quốc gia cho từng nước. Mỗi nước lại có chương trình mục tiêu riêng. Mỗi nước có thể học được kinh nghiệm ứng phó từ các nước khác và chúng tôi có thể đóng vai trò điều tiết các kênh cấp vốn từ bên ngoài, tạo ra các diễn đàn liên quan và chúng tôi cũng có thể tạo hướng cho tiền tài trợ vào đâu.

Qua các dự án hỗ trợ trồng rừng ngập mặn, chúng tôi có thể thấy đây là mô hình không tốn kém nhưng lại hiệu quả. Trồng rừng ngập mặn dường như là biện pháp tiết kiệm chi phí hơn biện pháp xây đê phòng nước biển và có rừng ngập mặn ảnh hưởng chừng mực nào đó trong trường mực nước biển dâng.

BBC: Thế nhưng khi triển khai trồng rừng ngập mặn tại khu có nhiều dân cư thì điều này có nghĩa là buộc họ phải dời đi nơi khác thưa ông.

Jeremy Bird:Tôi không nghĩ rằng khi triển khai các dự án này thì không tính đến yếu tố con người tại đây mà là tính về lợi ích thu được từ chi phí phải bỏ ra.

Mục tiêu là như vậy nhưng trong cách thực hiện thì cũng phải cân nhắc các yếu tố khác để tránh thiệt hại cho người dân mặc dù mục đích là để bảo vệ họ. Đó là quyết định mà nhà chức trách phải cân nhắc và đưa ra để nhằm bảo vệ cho nền kinh tế cũng như hạ tầng cũng như hệ môi sinh tại đó.

BBC: Biến đổi khí hậu là hiện tượng có tính toàn cầu nhưng lại đòi hỏi hành động đối phó cấp địa phương. Vậy người dân có thể đóng góp gì bởi chương trình hành động cấp quốc gia thường được chỉ đạo một chiều từ trên xuống dưới?

Jeremy Bird:Một trong những điểm trong Sáng kiến Thích nghi với Biến đổi Khí hậu của Ủy ban Sông Mekong là lập ra các chương trình thí điểm để đánh giá sự thành công của mỗi chương trình này. Chẳng hạn trong chuyến đi của đoàn phóng viên BBC tới cồn Thới Sơn ngày hôm nay thì chúng ta thấy rằng nhà nông tạo ra sự đa dạng trong cách thích nghi.

Tức là họ không hoàn toàn phụ thuộc vào một nguồn thu nhập mà có các sự lựa chọn thêm như trồng trái cây, nuôi cá, nuôi gia súc… bởi một hạng mục nào đó có thể có sức kháng cự tốt hơn trước hệ quả của Biến Đổi khí hậu. Là một tổ chức cấp vùng Ủy ban Sông Mekong, chúng tôi có thể nhân rộng các mô hình có kết quả khả quan chẳng hạn như trồng rừng ngập mặn.

BBC: Sông Mekong chảy qua một số nước trong đó Trung Quốc, chỉ là bên đối thoại với Ủy Ban Sông Mekong (MRC) vì họ không phải là thành viên. Vậy trong chừng mực nào Trung Quốc phải nghe y kiến của của các nước thành viên?

Jeremy Bird:Chúng ta nên xem xét hai khía cạnh. Trước hết là về góc độ kỹ thuật thì trong giai đoạn gần đây, năm nào MRC cũng hợp tác với Trung Quốc không chỉ trong lĩnh vực khống chế lũ, bàn về các con đập xây trên thượng nguồn mà còn cả cấp độ chính trị nữa.

Đành là Trung Quốc đã quyết định không tham gia vào MRC và xây các con đập thủy điện lớn ở thượng nguồn nhưng mức độ hợp tác về kỹ thuật tại thời điểm này là tương đối tốt nhằm quản l‎ý được các dự án này có tính toàn diện để có được sự phát triển bền vững.

BBC: Việt Nam và đập thủy điện sông Mekong

Cảnh nông dân Nam Bộ be bờ ngăn lũ

Việc xây các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Mekong sẽ tạo ra nhiều thách thức cho nước hạ nguồn như Việt Nam.

Lo ngại đập thủy điện làm hại sông Mê kông, Ủy Hội sông Mekong vừa mở trang web thu thập ý kiến của người dân về dự án xây thủy điện.

Bốn nước thành viên Ủy hội, gọi tắt là MRC, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam chủ yếu sống ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Mekong.

Theo MRC các nước này hiện đang có 11 dự án xây đập thủy điện.

Damian Kean từ Phòng Thông tin MRC cho hay chiến dịch thu thập chữ ký nằm trong Đánh giá Môi trường đối với việc xây đập thủy điện.

“MRC sẽ đưa các ý kiến này vào phần đánh giá chiến lược để xem đập thủy điện ảnh hưởng ra sao đến môi trường, di dân và nguồn sống của người dân hạ nguồn sông Mekong,

“Hy vọng các nước thành viên MRC sẽ đưa ra quyết định đúng đắn trong các dự án xây dựng của họ.”

Tin nói rằng tại thượng nguồn sông Mekong Trung Quốc đang xây tám nhà máy thủy điện công suất lớn. Ít nhất họ đã hoàn tất bốn đại tổ hợp thủy điện. Theo ông Damian Kean, vì Trung Quốc không phải là thành viên của MRC nên Ủy hội không thể can thiệp.

“Chiến dịch thu thập ý kiến chỉ nhằm đến 11 đập thủy điện dự tính sẽ xây tại bốn nước vùng hạ lưu là Campuchia, Lào Thái Lan và Việt Nam.

“MRC không có quyền phủ quyết dự án xây thủy điện của Trung Quốc. Tuy nhiên hiện chúng tôi đang có đối thoại và Trung Quốc hợp tác với các quốc gia khác thông qua MRC, cung cấp các thông số về ảnh hưởng có thể đối với hạ nguồn sông Mekong.

“Bên cạnh người dân, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, đại diện tổ chức phi chính phủ, khoa học gia đóng góp y kiến.”

Ban thư ký MRC hy vọng sau giai đoạn đóng góp của người dân và giới chuyên môn, họ sẽ công bố các chỉ dẫn về việc xây đập thủy điện cho các nước thành viên nhằm giảm bớt tác hại đối với dòng chảy và đời sống của người dân ở vùng hạ nguồn.

Khiếm khuyết

Ông Nguyễn Ân Niên một chuyên gia thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long cho rằng các nước hạ nguồn và thượng nguồn sông Mekong cần có trách nhiệm chung trong việc giữ gìn ‘sức khỏe’ của dòng sông.Nếu chỉ góp ý đối với các dự án hạ nguồn mà không đếm xỉa đến nhiều dự án tại thượng nguồn là một thiếu sót.

“Việc xây các công trình trực tiếp trên sông Mekong cần được cân nhắc kỹ để đánh giá ảnh hưởng của nó đến hạ lưu,

“11 cái này chưa bằng 8 cái ở bên Trung Quốc đâu. Trung Quốc là đầu nguồn, họ kiểm soát 16% lượng nước của Mekong,

“Nếu đầu nguồn có vấn đề lớn xảy ra trên đó, các nước hạ nguồn coi như lãnh đủ.”

MRC chỉ yêu cầu người dân góp ý với các đập thủy điện dự tính xây từ Luang Phrabang (Lào) xuôi xuống vùng hạ lưu. Giáo sư Nguyễn Ân Niên tỏ ý ngạc nhiên khi MRC “bất lực” trước việc Trung Quốc xây đập.

Việt Nam quan ngại?

Ông Niên cho rằng Việt Nam, nước thuộc vùng hạ lưu, cần lo lắng trước khả năng thiếu nước về mùa khô, và ngập úng bắt buộc khi các đập thủy điện cùng xả nước.

“Trong mùa lũ cao, mực nước ở hạ lưu sẽ thấp hơn nhưng cơn lũ kéo dài hơn. Nếu lũ ở đồng bằng sông Cửu Long thấp đi nó sẽ làm cho tình hình tự cải thiện phèn chua yếu đi.”

“Thế còn khi có lũ siêu cao, thủy điện của họ xả nước, hạ lưu của chúng ta sẽ hứng đủ.”

Đói lũ là câu nói đặc biệt mang tính Nam Bộ. Nó nói đến mực nước lũ thấp hơn mọi năm, khiến quá trình rửa phèn và bồi bổ chất phù xa diễn ra chậm chạp.

Năm 1998 đã xảy ra tình trạng này. Nước chua phèn lan rộng, ảnh hưởng đến vụ gieo trồng. Các nhánh sông Cửu Long vốn tích lũy chất độc hại trong mùa khô không được nước lũ làm “vệ sinh.”

Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của quá nhiều đập thủy điện trên sông Mekong sắp tới sẽ làm cho mùa khô tại đồng bằng sông Cửu Long thêm kiệt nước.

“Vào mùa khô các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ tăng cường tích nước, phía Campuchia sử dụng nước nhiều hơn, khi ấy đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam rất gay go,” ông Nguyễn Ân Niên giải thích.

“Nếu đồng bằng sông Cửu Long không nhận đủ lưu lượng nước trên 2000 m3một giây trong tháng kiệt nhất, lúc ấy nước mặn từ biển sẽ thâm nhập rất sâu.”

Hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông Mekong.

Lá đơn do tổ chức Liên minh Save the Mekong khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy điện tại vùng hạ Mekong.

Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại Campuchia.

Lý do là tuy các công trình thủy điện này sẽ cung cấp điện cho phát triển kinh tế, chúng có thể gây hại trầm trọng cho môi trường và đa dạng sinh vật sông Mekong, đồng thời ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông vĩ đại này.

Mới đây, đã có cảnh báo từ các nhà bảo vệ môi trường về nguy cơ tuyệt chủng của loài cá heo Mekong.

Tuy nhiên, lá đơn không được gửi tới lãnh đạo Trung Quốc, nước nằm ở thượng nguồn dòng sông này và cũng là quốc gia xây nhiều đập trên dòng sông này nhất.

Bốn nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam có mặt trong Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission) nhằm mục đích bảo tồn dòng sông, nhưng Trung Quốc cùng Miến Điện đã từ chối không gia nhập ủy hội.

Đơn do Liên minh Save the Mekong chấp bút viết bằng bảy thứ tiếng đã được chuyển tới Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejajiva hồi cuối tuần.

Sông Mekong chảy qua sáu nước là Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông bắt nguồn trên vùng núi cao nguyên Tây Tạng và hạ lưu sông thuộc bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nhất

Là nước nằm ở hạ nguồn, nơi dòng Mekong đổ ra biển, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất.

17 triệu người Việt, tương đương khoảng 1/3 số người sống dọc dòng Mekong, sẽ phải trực tiếp chịu các hệ quả môi trường mà các dự án năng lượng khi triển khai gây ra.

Tiến sỹ Ngô Xuân Quảng từ Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam được báo chí trích lời nói quan ngại chính của Việt Nam là hệ thống môi sinh bị phá vỡ, tình trạng xói lở, thay đổi dòng chảy và nguy cơ thiếu nước.

Theo ông Quảng, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đang phải chịu tình trạng xói lở nặng nhất, trong khi Tiền Giang là nơi bị khô hạn nhất.

Không chỉ nông dân Việt Nam, nông dân các nước ở hạ nguồn như Lào và Campuchia cũng đang chịu nhiều thiệt hại của tác động môi trường liên quan tới dòng Mekong.

Website của Liên minh Save the Mekong nói dòng sông này là một trong những vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới đang nuôi sống hơn 60 triệu người.

Liên minh này cũng phân tích về ảnh hưởng của các công trình thượng nguồn: "Các công trình xây đập trên vùng thượng nguồn sông Mê kông (Lancang) của Trung quốc đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho những nước hạ lưu như Miến Điện, bắc Thái Lan, và bắc Lào".

"Trữ lượng cá giảm sút và mực nước sông biến đổi không dự đoán được đã làm cuộc sống của những cộng đồng dưới hạ lưu dòng sông thêm khó khăn, điều này cho thấy rằng các con đập trên dòng chảy chính của sông sẽ gây ra sự tàn phá.

Giới chuyên gia nói rằng Việt Nam và các nước ở hạ lưu cần chú tâm vận động quốc tế, mà trước tiên là có thể đưa Trung Quốc ra trước diễn đàn LHQ về thái độ độc quyền khai thác sông Mekong mà bất kể tới hậu quả nơi các quốc gia hạ nguồn.

BBC:Nhật tổ chức HN tiểu vùng Mekong

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á họp tại Cha-am tháng 10 vừa qua

Ý tưởng mở hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật và tiểu vùng Mekong do thủ tướng Nhật đưa ra tại HNTĐ Đông Á - EAS.

Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản từ 6 đến 8 tháng 11 để dự hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng Mekong.

Nhóm nước tiểu vùng Mekong bao gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam.

Một trong những nghị trình của hội nghị là “thảo luận để mở rộng hợp tác, thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực Mekong, trao đổi quan điểm về các vấn đề về khu vực và quốc tế,” mạng điện tử VietnamNet loan tin.

Dự tính hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Tokyo và Kế hoạch hành động.

Phía Việt Nam coi hợp tác này là cầu nối liên kết Nhật Bản với các nước trong vùng.

Thủ tướng Việt Nam được TTXVN trích lời: “Sáng kiến của Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao vai trò của Nhật trong khối Asean, đóng góp cho hòa bình và sự phát triển chung của khối.”

Quan điểm của Thái Lan

Báo The Nation của Thái Lan cho hay hội nghị sẽ bàn về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước bên dòng sông Mekong, nhằm thúc đẩy khối Asean hội nhập tốt hơn.

Sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Thái Lan-Lào

Dòng nước sông Mekong là nguồn sống của nhiều triệu người dân khối Asean.

Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho tờ báo tại Thái Lan hay, hội nghị có bốn mục tiêu.

Đầu tiên lãnh đạo các nước sẽ bàn về giải pháp phát triển vùng hạ lưu sông Mekong.

Thứ hai là cách thức đối ứng với các hậu quả tiêu cực của phát triển, ví dụ như ô nhiễm môi trường, các vấn đề xuyên quốc gia như bệnh tật truyền nhiễm.

Thứ ba là phát triển hợp tác và trao đổi giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng Mekong trong nhiều lĩnh vực cũng như bàn về các dự án khác nhau.

Thứ tư là bàn luận một số chủ đề khu vực và quốc tế. Theo The Nation, bất cứ nước nào cũng có quyền đưa ra chủ đề muốn bàn, và mở bàn luận song phương với một nước khác.

Phía Nhật coi cuộc họp cấp cao Nhật Bản cùng các nước hạ lưu sông Mekong là hình thức bổ sung cho cơ chế thượng đỉnh Đông Á, cuộc họp tổ chức hàng năm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Asean.

Sông Mekong đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân Asean. Nguồn nước của sông là kế sinh nhai cho hàng triệu gia đình tại những nước dòng sông chảy qua.

Việt Nam được gì?

Trước khi lên đường sang Nhật, thủ tướng Việt Nam đã gặp đại sứ Nhật tại Hà Nội, ông Mitsuo Sakaba.

Người cầm đầu chính phủ Việt Nam muốn Nhật Bản giúp các nước nghiên cứu, lập dự án, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong là ý tưởng của tân thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyama. Đây là cuộc gặp được tổ chức thường niên, và năm sau tin nói rằng sẽ được tổ chức tại Việt Nam.

Việt Nam hiện coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, Nhật là nước cung cấp ODA hàng đầu cho Việt Nam, tổng cộng cho đến nay khoảng 14 tỷ USD.

Gần đây chính phủ Nhật đã hỗ trợ cho các nước tiểu vùng Mekong 20 triệu đô la Mỹ.

Không chỉ Nhật quan tâm đến vùng hạ lưu sông Mekong. Trong cuộc họp ngoại trưởng khối Asean hàng năm, tổ chức tại Phuket Thái Lan tháng Bảy, ngoại trưởng Mỹ cũng đã mở cuộc họp bên lề với ngoại trưởng của 4 nước tiểu vùng sông Mekong.

Nhân dịp này bà Hillary Clinton loan báo Washington cam kết viện trợ 150 triệu USD cho 4 nước gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào cho các dự án phát triển trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường trong năm 2009.

Khoảng 7 triệu USD sẽ được dùng cho chương trình giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước Tiểu vùng sông Mekong, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn, dự án nước sạch.

Các dự án về y tế, giảm thiểu, phòng ngừa và điều trị các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao nhận 130 triệu. Khoảng 16 triệu USD cho các dự án giáo dục.

Cạnh đó chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch hỗ trợ 15 triệu USD cho chương trình đảm bảo an ninh lương thực đối của nhóm nước tiểu vùng Mekong trong năm 2010.

BBC:Nhật hứa 5.5 tỉ đôla cho vùng Mekong

Hội nghị thượng đỉnh Mekong tại Tokyo

Ý tưởng mở hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật và tiểu vùng Mekong do thủ tướng Nhật đưa ra

Nhật Bản hôm thứ Sáu cam kết dành 5.5 tỉ đôla Mỹ trong ba năm cho năm nước khu vực sông Mekong, trong động thái được xem là nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.

Thủ tướng Yukio Hatoyama, người cổ vụ cho một cộng đồng châu Á kiểu Liên hiệp châu Âu EU, loan báo khoản cho vay và tài trợ 500 tỉ yen Nhật trước các lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Lào, Miến Điện và Thái Lan.

Một viên chức nói với AFP rằng 80% viện trợ hải ngoại sẽ là các khoản vay lãi thấp, cho các dự án như đường cao tốc kết nối khu vực, dự án nước và đào tạo công nghệ.

'Chìa khóa phát triển'

Thủ tướng Nhật tuyên bố: "Khu vực Mekong là chìa khóa phát triển cộng đồng Đông Á."

"Nhật muốn đóng góp vào sự ổn định của vùng Mekong."

Hội nghị Mekong ở Tokyo, từ 6 đến 8 tháng 11, không bao gồm Trung Quốc, nước trong mấy năm gần đây đã đẩy mạnh viện trợ và đầu tư ở Đông Nam Á.

Nói với AFP với điều kiện giấu tên, một viên chức Nhật phủ nhận gợi ý rằng Nhật đang cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực 220 triệu dân.

Ông này nói: "Chúng tôi không cần cạnh tranh với những ai khác", cho rằng Bắc Kinh và Tokyo có "quan hệ rất tốt" khi điều phối chính sách về phát triển khu vực.

Nhưng Takashi Inoguchi, Hiệu trưởng Đại học Niigata Prefecture, nói "chính phủ Nhật cho rằng rất quan trọng" khi củng cố quan hệ với Đông Nam Á trước ảnh hưởng của Bắc Kinh.

"Cụm từ 'thị trường lớn ở Á châu' có thể làm ta nghĩ tới Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng tăng trưởng đang tăng tốc ở các nước ASEAN," ông nói.

Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước khi lên đường sang Nhật, thủ tướng Việt Nam đã gặp đại sứ Nhật tại Hà Nội, ông Mitsuo Sakaba.

Người cầm đầu chính phủ Việt Nam muốn Nhật Bản giúp các nước nghiên cứu, lập dự án, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong là ý tưởng của tân thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyama. Đây là cuộc gặp được tổ chức thường niên, và năm sau tin nói rằng sẽ được tổ chức tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment