Nước là thành phần không thể thiếu của sự sống. Nhiều vùng tại nước ta hiện nay, nước ngầm là nguồn cung cấp chính cho sinh hoạt. Vậy người ta xử lý nước ngầm như thế nào và dựa trên những công nghệ nào ?
1. Tổng quan về nước ngầm
2. Một số quá trình cơ bản xử lý nước ngầm
3. Khử sắt trong nước ngầm
4. Các phương pháp khử sắt trong xử lý nước
5. Một số giai đoạn về công nghệ khử sắt trong nước cấp
6. Một số thiết bị khử sắt thường được sử dụng
7. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình khử sắt
8. Áp dụng quá trình khử sắt vào việc xử lý nước ngầm để cấp nước cho cộng đồng dân cư nông thôn
Vòng tuần nước không có điểm bắt đầu nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ các đại dương. Mặt Trời điều khiển vòng tuần hoàn nước bằng việc làm nóng nước trên những đại dương, làm bốc hơi nước vào trong không khí. Những dòng khí bốc lên đem theo hơi nước vào trong khí quyển, gặp nơi có nhiệt độ thấp hơn hơi nước bị ngưng tụ thành những đám mây. Những dòng không khí di chuyển những đám mây khắp toàn cầu, những phân tử mây va chạm vào nhau, kết hợp với nhau, gia tăng kích cỡ và rơi xuống thành giáng thủy (mưa). Giáng thuỷ dưới dạng tuyết được tích lại thành những núi tuyết và băng hà có thể giữ nước đóng băng hàng nghìn năm. Trong những vùng khí hậu ấm áp hơn, khi mùa xuân đến, tuyết tan và chảy thành dòng trên mặt đất, đôi khi tạo thành lũ. Phần lớn lượng giáng thuỷ rơi trên các đại dương; hoặc rơi trên mặt đất và nhờ trọng lực trở thành dòng chảy mặt. Một phần dòng chảy mặt chảy vào trong sông theo những thung lũng sông trong khu vực, với dòng chảy chính trong sông chảy ra đại dương. Dòng chảy mặt, và nước thấm được tích luỹ và được trữ trong những hồ nước ngọt. Mặc dù vậy, không phải tất cả dòng chảy mặt đều chảy vào các sông. Một lượng lớn nước thấm xuống dưới đất. Một lượng nhỏ nước được giữ lại ở lớp đất sát mặt và được thấm ngược trở lại vào nước mặt (và đại đương) dưới dạng dòng chảy ngầm. Một phần nước ngầm chảy ra thành các dòng suối nước ngọt. Nước ngầm tầng nông được rễ cây hấp thụ rồi thoát hơi qua lá cây. Một lượng nước tiếp tục thấm vào lớp đất dưới sâu hơn và bổ sung cho tầng nước ngầm sâu để tái tạo nước ngầm (đá sát mặt bảo hoà), nơi mà một lượng nước ngọt khổng lồ được trữ lại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, lượng nước này vẫn luân chuyển theo thời gian, có thể quay trở lại đại dương, nơi mà vòng tuần hoàn nước “kết thúc”... và lại bắt đầu.
Cục Địa chất Hoa Kỳ đã định nghĩa 15 thành phần của vòng tuần hoàn nước như sau:
Một lượng nước khổng lồ được trữ trong các đại dương trong một thời gian dài hơn là được luân chuyển qua vòng tuần hoàn nước. Ước tính có khoảng 1.338.000.000 km3 nước được trữ trong đại dương, chiếm khoảng 96,5%, và đại dương cũng cung cấp khoảng 90% lượng nước bốc hơi vào trong vòng tuần hoàn nước.
Trong những thời kỳ khí hậu lạnh hơn nhiều đỉnh núi băng và những dòng sông băng được hình thành, một lượng nước trái đất khá lớn được tích lại dưới dạng băng làm giảm bớt lượng nước trong những thành phần khác của vòng tuần hoàn nước. Điều này thì ngược lại trong thời kỳ ấm. Cuối thời kỳ băng hà những sông băng bao phủ 1/3 bề mặt trái đất, và mực nước các đại dương thì thấp hơn ngày nay khoảng 122 m (400 feet). Cách đây khoảng 3 triệu năm, khi trái đất ấm hơn, mực nước của các đại dương có thể đã cao hơn hiện nay khoảng 50 m (165 feet).
Có những dòng chảy trong đại dương di chuyển một khối lượng lớn nước khắp thế giới. Những sự di chuyển này có ảnh hưởng lớn đến vòng tuần hoàn nước và khí hậu. Dòng Gulf Stream được biết đến nhiều như là một dòng biển nóng trong vùng Đại Tây Dương, vận chuyển nước từ vùng Vịnh Mexico ngang qua Đại Tây Dương hướng đến nước Anh. Với tốc độ 60 dặm (97 km) một ngày, dòng Gulf Stream đem theo một lượng nước nhiều bằng 100 lần tất cả các sông trên trái đất. Xuất phát từ những vùng khí hậu ấm, dòng Gulf mang theo nước ấm hơn đến Bắc Đại Tây Dương, làm ảnh hưởng đến khí hậu của một vài vùng, như phía tây nước Anh.
Bốc hơi nước là một quá trình nước chuyển từ thể lỏng sang thể hơi hoặc khí. Bốc hơi nước là đoạn đường đầu tiên trong vòng tuần hoàn mà nước chuyển từ thể lỏng thành hơi nước trong khí quyển. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các đại dương, biển, hồ và sông cung cấp gần 90% độ ẩm của khí quyển qua bốc hơi, với 10% còn lại do thoát hơi của cây.
Nhiệt (năng lượng) là nhân tố cần thiết cho bốc hơi xuất hiện. Năng lượng được sử dụng để bẻ gãy những liên kết giữa các phân tử nước, nó là nguyên nhân tại sao nước có thể dễ dàng bốc hơi tại điểm sôi (212°F, 100°C) nhưng bốc hơi rất chậm tại điểm đóng băng. Khi độ ẩm tương đối không khí đạt 100%, tức là ở trạng thái bão hoà hơi nước, bốc hơi không thể tiếp tục diễn ra. Quá trình bốc hơi nước tiêu thụ nhiệt năng từ môi trường, đó là nguyên nhân tại sao nước bốc hơi từ da làm bạn mát.
Bốc hơi nước từ các đại dương là cách chính để nước được luân chuyển vào trong khí quyển. Diện tích rất lớn của các đại dương (trên 70% diện tích bề mặt của Trái Đất được bao phủ bởi các đại dương) cung cấp những cơ hội lớn cho quá trình bốc hơi diễn ra. Trên phạm vi toàn cầu lượng nước bốc hơi cũng bằng với lượng giáng thủy. Mặc dù vậy, tỉ lệ giữa lượng nước bốc hơi và lượng giáng thuỷ biến đổi theo vùng địa lý. Thông thường trên các đại dương lượng bốc hơi nhiều hơn lượng giáng thủy, trong khi đó trên mặt đất, lượng giáng thủy vượt quá lượng bốc hơi. Phần lớn lượng nước bốc hơi từ các đại dương rơi ngay trên đại dương qua quá trình giáng thrủy. Chỉ khoảng 10% của nước bốc hơi từ các đại dương được vận chuyển vào đất liền và rơi xuống thành giáng thuỷ. Khi bốc hơi, một phân tử nước tồn tại trong khí quyển khoảng 10 ngày.
Mặc dù khí quyển không là kho chứa khổng lồ của nước, nhưng nó là một “siêu xa lộ” để luân chuyển nước khắp toàn cầu. Trong khí quyển luôn luôn có nước: những đám mây là một dạng nhìn thấy được của nước khí quyển, nhưng thậm chí trong không khí trong cũng chứa đựng nước - những phần tử nước này quá nhỏ để có thể nhìn thấy được. Thể tích nước trong khí quyển tại bất kỳ thời điểm nào vào khoảng 12.900 km3. Nếu tất cả lượng nước khí quyển rơi xuống cùng một lúc, nó có thể bao phủ khắp bề mặt trái đất với độ dày 2,5 cm.
Sự ngưng tụ hơi nước là quá trình hơi nước trong không khí được chuyển sang thể nước lỏng. Ngưng tụ hơi nước rất quan trọng đối với chu trình tuần hoàn nước bởi vì nó hình thành nên các đám mây. Những đám mây này có thể tạo ra mưa, nó là cách chính để nước quay trở lại trái đất. Ngưng tụ hơi nước là quá trình ngược với bốc hơi nước.
Sự ngưng tụ hơi nước cũng là nguyên nhân của hiện tượng sương, hoặc nước trên mắt kính khi ta đi từ một phòng lạnh đi ra ngoài trong một ngày nóng, ẩm ướt, còn trong một ngày lạnh nước có thể nhỏ giọt bên ngoài cốc uống nước hay có nước ở phía bên trong cửa sổ.
Thậm chí trên những bầu trời trong xanh không một gợn mây, thì nước vẫn tồn tại dưới hình thức hơi nước và những giọt nước li ti không thể nhìn thấy được. Những phân tử nước kết hợp với những phân tử nhỏ bé của bụi, muối, khói trong khí quyển để hình thành nên các hạt nhân mây (giọt mây nhỏ, đám mây nhỏ), nó gia tăng khối lượng và phát triển thành những đám mây. Khi những giọt nước kết hợp với nhau, gia tăng về kích thước, những đám mây có thể phát triển và mưa có thể xãy ra.
Các đám mây hình thành trong khí quyển do không khí chứa hơi nước bốc lên cao và lạnh đi. Phần quan trọng của quá trình này là không khí sát mặt đất ấm lên do bức xạ mặt trời. Nguyên nhân lớp khí quyển phía bên trên mặt đất lạnh đi là do áp lực không khí. Không khí có trọng lượng và tại mực nước biển trọng lượng của một cột không khí nén xuống trên đầu bạn khoảng 32 kg trên mỗi inch vuông, áp lực này, được gọi là khí áp, nó là kết quả của mật độ không khí trong cột không khí phía trên. Càng lên cao càng ít không khí phía bên trên, và vì thế càng ít áp lực. Khí áp thấp hơn và mật độ không khí giảm theo độ cao. Điều này làm cho không khí trở nên lạnh hơn.
Giáng thủy là nước thoát ra khỏi những đám mây dưới các dạng mưa, mưa tuyết, mưa đá, tuyết. Nó là cách chính để nước khí quyển quay trở lại Trái Đất. Phần lớn lượng giáng thuỷ là mưa. Các hạt mưa hình thành như thế nào?
Những đám mây trên bầu trời chứa hơi nước và những hạt nhân mây nhỏ, các hạt nhân mây này quá nhỏ để có thể rơi xuống thành mưa, nhưng nó cũng đủ lớn để hình thành nên các đám mây có thể nhìn thấy được. Nước vẫn tiếp tục bốc hơi và ngưng tụ hơi nước trong bầu trời. Nếu nhìn gần một đám mây, ta có thể nhìn thấy những phần đang biến mất (đang bốc hơi) trong khi những phần khác đang phát triển (ngưng tụ). Phần lớn lượng nước được ngưng tụ trong các đám mây không rơi xuống thành giáng thuỷ. Vì để giáng thuỷ xảy ra, trước tiên những giọt nước nhỏ phải được ngưng tụ. Những phân tử nước có thể kết hợp với nhau thành những giọt nước lớn hơn và đủ nặng để rơi thành mưa. Cần tới hàng triệu hạt mây để hình thành chỉ một hạt mưa nhỏ.
Lượng giáng thủy phân bố không đều trên thế giới, trong một nước hoặc thậm chí trong một thành phố. Ví dụ, tại Atlanta, Georgia, Mỹ, một trận mưa giông mùa hè có thể sản sinh ra một lớp nước mưa dày 2,5 cm hoặc nhiều hơn trên một con đường, trong khi đó ở một vùng khác cách đó vài km thì vẫn khô ráo. Nhưng, tổng lượng mưa một tháng tại Georgia thường nhiều hơn tổng lượng mưa năm tại Las Vegas, Nevada. Kỷ lục thế giới về lượng mưa năm trung bình thuộc về Đỉnh Waialeale, Hawaii với lượng mưa trung bình là 1.140 cm. Đặc biệt, tại Arica là 1.630 cm trong mười hai tháng (nghĩa là gần 5 cm mỗi ngày). Tương phản với lượng nước mưa dồi dào tại Arica, ở Chile đã từng không có mưa trong 14 năm.
Nước được giử lâu dài trong băng, tuyết, và các sông băng là một thành phần của vòng tuần hoàn nước toàn cầu. Vùng Nam cực chiếm 90% tổng lượng băng của trái đất, các đỉnh núi băng ở Greenland chiếm 10% tổng lượng băng toàn cầu. Băng và sông băng đến và đi
Trên phạm vi toàn cầu, khí hậu luôn luôn thay đổi một cách chậm chạp mà con người khó nhận biết. Đã từng có những thời kỳ ấm thuộc kỷ khủng long cách đây 100 triệu năm, và những thời kỳ lạnh, như kỷ băng hà cuối cùng cách đây 20.000 năm. Trong kỷ băng hà cuối cùng này nhiều nơi của bắc bán cầu bị bao phủ trong băng và những dòng sông băng. Gần hết Canada, nhiều vùng phía Bắc Châu Á và Châu Âu, một vài vùng ở nước Mỹ cũng bị những dòng sông băng bao phủ. Bản đồ thế giới trình bày những vùng sông băng tồn tại cách đây 20.000 năm
Một vài sự thật về các dòng sông băng và những đỉnh núi băng
- Băng hà bao phủ 10 - 11% lục địa trái đất
- Nếu tất cả băng hà tan chảy ngày nay, mực nước biển sẽ tăng lên khoảng 70 m (nguồn: Trung tâm Tư liệu Băng và Tuyết Quốc gia)
- Trong kỷ băng hà cuối cùng, mực nước biển thấp hơn ngày nay khoảng 122 m, và những dòng sông băng bao phủ gần 1/3 lục địa trái đất.
- Trong thời kỳ ấm cuối cùng, cách đây 125.000 năm, mực nước biển cao hơn ngày nay khoảng 5,5 m. Khoảng 3 triệu năm trước đây nước biển có thể đã cao đến hơn 50,3 m.
Trên toàn bộ thế giới dòng chảy tuyết là phần chính của sự luân chuyển nước toàn cầu. Trong thời kỳ mùa xuân ở những vùng khí hậu lạnh hơn, nhiều dòng chảy mặt và dòng chảy sông ngòi xuất phát từ tuyết và băng. Bên cạnh việc gây ra lũ lụt, tuyết tan nhanh có thể gây ra sạt lở đất và dòng chảy bùn đá.
Để hiểu được dòng tuyết tan ảnh hưởng như thế nào đến dòng chảy sông ngòi có thể dựa vào biểu đồ đường quá trình lưu lượng trung bình ngày trong 4 năm của sông North Fork American tại đập North Fork ở California. Các đỉnh cao trong biểu đồ phần lớn là do dòng tuyết tan. So sánh các giá trị nhận thấy dòng chảy ngày trung bình nhỏ nhất trong tháng 3/2000 là 1.200 feet khối trên giây, trong khi đó lưu lượng trong tháng 8 là 55 - 75 feet khối trên giây.
Dòng chảy từ tuyết tan biến đổi theo mùa và theo năm. So sánh các đỉnh lũ giữa trận lũ lớn trong năm 2000 và trận lũ nhỏ hơn nhiều trong năm 2001, giống như có một trận hạn hán lớn ảnh hưởng đến California trong năm 2001. Nhưng sự thiếu hụt nước là do nước được trữ trong băng vào mùa đông ảnh hưởng đến tổng lượng nước các tháng còn lại của năm. Sự thiếu hụt nước cũng ảnh hưởng đến lượng nước trong các hồ tại hạ lưu, và sự thiếu hụt nước ở các hồ lại ảnh hưởng đến lượng nước tưới và nước cấp thành phố.
Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản rằng mưa rơi, chảy tràn trên mặt đất (dòng chảy mặt) và chảy vào sông, sau đó đổ ra các đại dương. Đó là sự đơn giản hoá, bởi vì các sông còn nhận và mất nước do thấm. Tuy nhiên, lượng lớn nước trong sông là do dòng chảy trực tiếp trên mặt đất cung cấp và được định nghĩa là dòng chảy mặt.
Thông thường, một phần nước mưa rơi thấm ngay vào đất, nhưng khi đất đạt tới trạng thái bão hoà hay không thấm, thì bắt đầu chảy theo sườn dốc thành dòng chảy. Trong một trận mưa lớn, bạn có thể nhìn thấy các dòng nước nhỏ chảy xuôi sườn dốc. Nước sẽ chảy theo những kênh trên mặt đất trước khi chảy vào trong các sông lớn. Hình vẽ biểu diễn dòng chảy mặt (dòng chảy ra từ con đường) chảy vào một con lạch nhỏ như thế nào. Trong trường hợp này dòng chảy mặt chảy trên những vùng đất trống và lắng đọng bùn cát vào trong sông (không tốt cho chất lượng nước). Dòng chảy mặt chảy vào sông, lại bắt đầu hành trình quay trở về đại dương.
Cũng giống như tất cả các thành phần khác trong vòng tuần hoàn nước, quan hệ giữa mưa và dòng chảy cũng biến đổi theo thời gian và không gian. Những trận mưa tương tự nhau xuất hiện trong vùng rừng rậm Amazon và trong vùng sa mạc tây bắc nước Mỹ sẽ sản sinh những dòng chảy mặt khác nhau. Dòng chảy mặt bị chi phối bởi các nhân tố khí tượng địa vật lý và địa hình. Chỉ khoảng 1/3 lượng nước mưa rơi trên bề mặt đất chảy vào sông suối và quay trở lại đại dương. 2/3 còn lại bị bốc thoát hơi hoặc thấm vào nước ngầm. Con người thường sử dụng nước cho các mục đích khác nhau từ dòng chảy nước mặt.
Cục Địa chất Mỹ định nghĩa “dòng chảy” là lượng nước chảy trong sông, suối, hoặc lạch nước.
Sông ngòi rất quan trong không chỉ đối với con người mà đối với cuộc sống khắp mọi nơi. Sông ngòi không chỉ là một nơi rộng lớn cho con người và những con vật của họ hoạt động, con người còn sử dụng nước sông cho nhu cầu nước uống và nước tưới, sản xuất ra điện, làm sạch chất thải (xử lý nước thải), giao thông thuỷ, và kiếm thức ăn. Sông ngòi còn là môi trường sống chính cho tất cả các loài động và thực vật nước. Sông ngòi bổ sung cho tầng ngậm nước ngầm dưới mặt đất qua lòng sông, và tất nhiên cả đại dương.
Một điều rất quan trọng khi nghiên cứu về sông ngòi là phải xem xét các lưu vực sông. Lưu vực sông là gì? Nếu bạn đang đứng trên mặt đất ngay bây giờ, hãy nhìn xuống. Bạn và tất cả mọi người đang đứng trên một lưu vực sông. Một lưu vực sông là vùng mà tại đó tất cả nước rơi và tiêu thoát chảy theo cùng một dòng. Lưu vực sông có thể chỉ nhỏ bằng một vết chân trên bùn hoặc đủ rộng để bao phủ toàn bộ vùng thoát nước vào trong sông Mississippi ở đó nước chảy vào Vịnh Mexico. Các lưu vực nhỏ hơn được chứa trong những lưu vực lớn hơn. Các lưu vực sông rất quan trọng vì dòng chảy và chất lượng nước của một con sông chịu tác động của nhiều thứ, có ảnh hưởng của con người hay không có ảnh hưởng của con người, xuất hiện trong những vùng phía trên mặt cắt cửa ra của lưu vực. Dòng chảy sông ngòi luôn luôn biến đổi
Dòng chảy sông ngòi luôn thay đổi từng ngày thậm chí từng phút. Tất nhiên, mưa tác động chính tới dòng chảy trên các lưu vực. Mưa rơi làm tăng mực nước sông, và mực nước sông có thể tăng ngay cả khi mưa ở rất xa trên lưu vực sông. Ghi nhớ rằng nước mưa rơi trên lưu vực cuối cùng phải chảy ra ở mặt cắt cuối lưu vực. Độ lớn của sông phụ thuộc vào độ lớn của lưu vực. Sông lớn có lưu vực sông rộng, sông nhỏ có lưu vực sông nhỏ hơn. Tương tự như vậy, sông có kích thước khác nhau tác động khác nhau lượng mưa rơi. Trong các sông lớn mực nước lên xuống chậm hơn các sông nhỏ. Trong lưu vực nhỏ, mực nước sông có thể lên xuống tính theo phút và giờ. Những sông rộng có thể mất vài ngày để biến đổi mực nước lên xuống và thời gian lũ lên có thể kéo dài vài ngày.
Nước ngọt trên mặt đất, một thành phần của chu trình nước, yếu tố cần thiết cho mọi sự sống trên trái đất. Nước mặt bao gồm nước trong các dòng sông, ao, hồ, hồ nhân tạo, và các đầm lầy nước ngọt.
Lượng nước trong các sông và hồ luôn luôn thay đổi phụ thuộc vào lưu lượng vào và ra. Dòng chảy vào từ mưa, dòng chảy tràn trên mặt đất, lượng nước ngầm dưới đất, và lượng nước gia nhập từ các sông nhánh. Dòng chảy ra khỏi các hồ và sông bao gồm lượng bốc hơi và dung tích nước bổ sung cho nước ngầm. Con người cũng sử dụng nước mặt cho các nhu cầu thiết yếu của mình. Lượng và vị trí của nước mặt thay đổi theo thời gian và không gian, một cách tự nhiên hay dưới sự tác động của con người. Nước mặt duy trì sự sống
Trong vùng châu thổ sông Nile ở Ai Cập, cuộc sống có thể sinh sôi tại những vùng sa mạc nếu được cung cấp đủ lượng nước (mặt hoặc ngầm). Nước trên mặt đất thực sự giúp duy trì cuộc sống. Nước ngầm tồn tại thông qua sự di chuyển của nước mặt vào trong tầng nước ngầm dưới mặt đất. Nước ngọt trên bề mặt trái đất tương đối khan hiếm. Chỉ khoảng 3% của tổng lượng nước trái đất là nước ngọt, các hồ nước ngọt và các đầm (nước) ngọt chiếm 0,29% tổng lượng nước ngọt trên trái đất, hồ BaiKal ở Châu Á chiếm 20% tổng lượng nước ngọt trên trái đất, Hồ Lớn (Huron, MichiGan, và Superior) cũng chiếm 20% tổng lượng nước ngọt trên trái đất. Các sông chỉ chiếm khoảng 0,006% tổng lượng nước ngọt trên trái đất. Ta có thể nhận thấy rằng nước ngọt, yếu tố cần thiết cho sự tồn tại cuộc sống trên trái đất, chỉ chiếm một phần cực nhỏ “một giọt nước trong biển cả mênh mông” của tổng lượng nước trên trái đất.
Bất cứ nơi nào trên thế giới, một phần lượng nước mưa và tuyết đều thấm xuống lớp đất và đá dưới bề mặt. Lượng thấm bao nhiêu phụ thuộc vào một số các nhân tố. Trên đỉnh băng của Greenland lượng nước mưa thấm xuống là rất nhỏ, ngược lại, một dòng sông chảy vào trong hang động ở vùng Georgia, Mỹ, cho thấy sông cũng có thể chảy trực tiếp vào trong nước ngầm.
Một phần lượng nước thấm xuống sẽ được giữ lại trong những tầng đất nông, ở đó nó có thể chảy vào sông nhờ thấm qua bờ sông. Một phần nước thấm xuống sâu hơn, bổ sung cho các tầng nước ngầm. Nếu tầng nước ngầm nông hoặc đủ độ rỗng để cho phép nước chảy tự do qua nó, con người có thể khoan các giếng trong tầng nước ngầm này và sử dụng nước cho những mục đích của mình. Nước ngầm có thể di chuyển được những khoảng cách dài hoặc được trữ lại trong tầng nước ngầm trong một thời gian dài trước khi quay trở lại bề mặt hoặc qua thấm vào các thuỷ vực khác, như thấm vào các sông và đại dương.
Khi nước mưa thấm vào trong tầng đất sát mặt, nó hình thành vùng không bão hoà và vùng bão hoà. Trong vùng không bão hoà, nước tồn tại trong các lỗ rỗng của lớp đá bên dưới mặt đất, nhưng tầng đất chưa đạt tới trạng thái bão hoà. Phần phía trên của tầng không bão hoà là vùng đất. Vùng đất này có không gian phân bố được tạo ra từ rễ cây trồng, nước mưa có thể thấm vào tầng này. Cây trồng sử dụng nước trong tầng đất này. Bên dưới vùng không bão hoà là vùng bão hoà, ở đây nước chứa đầy trong các khe rỗng giữa các phần tử đất và đá. Có thể khoan giếng trong vùng này và bơm nước lên.
Lượng nước mà ta không thể nhìn thấy được - nước ngầm (nước tồn tại và di chuyển trong lòng đất) - chiếm một lượng rất lớn so với lượng nước ta có thể nhình thấy được. Nước ngầm đóng góp lớn cho dòng chảy sông ngòi của nhiều con sông. Con người đã sử dụng nước ngầm từ hàng ngàn năm nay và vẫn đang tiếp tục sử dụng nó hàng ngày, phần lớn cho nhu cầu nước uống và nước tưới. Cuộc sống trên trái đất phụ thuộc vào nước ngầm cũng giống như là nước bề mặt. Nước ngầm chảy bên dưới mặt đất.
Một phần lượng mưa rơi trên mặt đất và thấm vào trong đất trở thành nước ngầm. Phần nước chảy sát mặt sẽ lộ ra rất nhanh khi chảy vào trong lòng sông, nhưng do trọng lực, một phần lượng nước tiếp tục thấm sâu vào trong đất.
Trong sơ đồ này, hướng và tốc độ di chuyển nước ngầm được tính thông qua các đặc trưng của tầng nước ngầm và lớp cản nước (ở đây nước khó chảy qua). Sự chuyển động của nước bên dưới mặt đất phụ thuộc vào độ thấm (nước thấm khó khăn hay dễ dàng) và khe rỗng của đá bên dưới mặt đất (số các khe hở trong vật liệu). Nếu các lớp đá cho phép nước chảy qua nó tương đối tự do thì nước ngầm có thể di chuyển được những khoảng cách đáng kể trong thời gian vài ngày. Nhưng nước ngầm cũng có thể thấm sâu hơn vào các tầng nước ngầm sâu ở đó nó sẽ mất hàng ngàn năm để di chuyển trở lại vào môi trường.
Một tầng nước ngầm liên tục được bổ sung nước đến khi nước chảy tràn trên mặt đất, kết quả là hình thành các con suối. Các con suối có thể rất nhỏ, chỉ có nước chảy khi có một trận mưa đáng kể, đến các dòng suối lớn chảy với hàng trăm triệu gallon nước mỗi ngày.
Các con suối có thể hình thành trong bất kỳ loại đá nào, nhưng phần lớn chúng hình thành trong các loại đá vôi và đolomit, dễ dàng rạn nứt và hoà tan do mưa axit. Khi đá bị phá huỷ và hoà tan, các khoảng trống hình thành cho phép nước chảy qua. Nếu dòng chảy theo phương ngang, nó có thể chảy tới mặt đất, hình thành các con suối. Nước suối không phải bao giờ cũng sạch.
Nước từ các suối thường sạch. Tuy nhiên, nước trong một vài con suối có thể có màu trà. Ảnh trên biểu diễn một con suối tự nhiên trong vùng Tây Nam Colorado. Nước suối có màu đỏ của sắt do nước ngầm tiếp xúc với khoáng sản trong lòng đất. Tại bang Florida, Mỹ, nhiều nguồn nước mặt chứa các axit ta-nanh tự nhiên từ các chất hữu cơ ở trong đất đá làm cho nước suối có mầu. Lưu lượng của nước màu trong các suối chỉ ra rằng nước đang chảy nhanh trong các kênh dẫn rộng trong tầng nước ngầm mà không được lọc qua các vùng đá vôi.
Các suối nước nóng vẫn chỉ là suối thông thường nhưng nước tại đó ấm, một vài chỗ còn nóng như các con suối bùn đang sôi sùng sục ở Công Viên Quốc Gia Yellowstone, Wyoming, Mỹ. Nhiều suối nước nóng xuất hiện ở những vùng gần núi lửa hoạt động, được bổ sung nước nóng do tiếp xúc với đá nóng sâu dưới bề mặt đất. Càng dưới sâu các tảng đá càng nóng hơn, và nếu nước dưới sâu bề mặt đất chảy tới một khe nứt rộng nó có thể tạo ra một dòng chảy lên lớp đất trên mặt, và tạo ra một suối nước nóng. Các suối nước ấm nổi tiếng vùng Georgia và suối nước nóng vùng Arkansas của Hoa Kỳ là các loại điển hình.
Thoát hơi là quá trình nước được vận chuyển từ các rễ cây đến các lỗ nhỏ bên dưới bề mặt lá, ở đây nước chuyển sang trạng thái hơi và thoát vào khí quyển. Do đó, thoát hơi thực chất là bốc hơi của nước từ lá cây. Lượng nước bốc thoát hơi từ cây trồng ước tính chiếm khoảng 10% của hàm lượng nước trong khí quyển.
Thoát hơi thực vật là một quá trình không nhìn thấy được, khi nước đang bốc hơi trên bề mặt các lá cây, bạn không thể đi ra ngoài và nhìn thấy các lá cây đang bốc thoát hơi. Trong mùa phát triển của cây trồng, một lá cây sẽ bốc thoát hơi nước nhiều lần hơn trọng lượng của chính nó. Một mẫu Anh trồng ngô có thể bốc thoát hơi được khoảng 11.400 - 15.100 lít nước/ngày, và một cây sồi lớn có thể bốc hơi được 151.000 lít nước/năm.
Lượng nước bốc thoát hơi từ cây cối biến đổi lớn theo thời gian và không gian. Một số nhân tố tác động đến tốc độ bốc thoát hơi nước:
- Nhiệt độ:Tốc độ bốc thoát hơi tăng lên khi nhiệt độ tăng, đặc biệt trong mùa phát triển của cây trồng khi nhiệt độ không khí ấm hơn.
- Độ ẩm tương đối: Khi độ ẩm tương đối của không khí xung quanh cây trồng tăng thì tốc độ bốc thoát hơi giảm. Nghĩa là nước bốc hơi khi không khí khô dễ dàng hơn là trong không khí bão hoà ẩm.
- Gió và sự di chuyển của không khí: Sự di chuyển của các lớp không khí xung quanh một cây tăng lên làm cho bốc thoát hơi cũng tăng cao.
- Loại cây: Loại cây khác nhau sẽ thoát hơi nước với tốc độ khác nhau. Các loại cây sống trong vùng khô cằn thì thoát hơi ít hơn các loại cây khác. Ví dụ cây xương rồng để giữ lại lượng nước quý báu bằng cách giảm bớt sự thoát hơi hơn các cây trông khác.
Một lượng lớn nước được trữ trong đất. Nước này vẫn tiếp tục chuyển động, có thể rất chậm, và nó vẫn là một phần của vòng tuần hoàn nước. Phần lớn nước ngầm là do mưa và lượng nước thấm từ lớp đất mặt. Tầng đất phía trên là vùng không bão hoà, trong tầng này lượng nước thay đổi theo thời gian, mà không làm bão hoà tầng đất. Bên dưới lớp đất này là vùng bão hoà, tất cả các khe nứt, các ống mao dẫn, và các khoảng trống giữa các phân tử đá được lấp đầy nước. Thuật ngữ “nước ngầm” được dùng để mô tả cho khu vực này. Một thuật ngữ khác của nước ngầm là “bể nước ngầm”. Bể nước ngầm là kho chứa nước ngầm khổng lồ và con người khắp nơi trên thế giới phụ thuộc vào nước ngầm trong cuộc sống hàng ngày.
Cách hay nhất để hiểu được khái niệm đất bão hoà nước tại một độ sâu nhất định nào đó là đào một cái hố tại một bãi biển, nếu sự thấm diễn ra vừa đủ để còn giữ lại nước. Mực nước trong hố là mực nước ngầm. Biển ở phía phải của hố, mực nước trong hố bằng với mực nước biển. Tất nhiên, mực nước trong hố đào cũng lên xuống từng phút theo sự lên xuống của thuỷ triều.
Nước ngầm là gì?Nước chảy trong mạch kín ở dưới đất."Nước ngầm là một dạng nước dưới đất, tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn, sạn, cát bột kết, trong các khe nứt, hang caxtơ dưới bề mặt trái đất, có thể khai thác cho các hoạt động sống của con người".
Theo độ sâu phân bố, có thể chia nước ngầm thành nước ngầm tầng mặt và nước ngầm tầng sâu. Ðặc điểm chung của nước ngầm là khả năng di chuyển nhanh trong các lớp đất xốp, tạo thành dòng chảy ngầm theo địa hình. Nước ngầm tầng mặt thường không có lớp ngăn cách với địa hình bề mặt. Do vậy, thành phần và mực nước biến đổi nhiều, phụ thuộc vào trạng thái của nước mặt. Loại nước ngầm tầng mặt rất dễ bị ô nhiễm. Nước ngầm tầng sâu thường nằm trong lớp đất đá xốp được ngăn cách bên trên và phía dưới bởi các lớp không thấm nước. Theo không gian phân bố, một lớp nước ngầm tầng sâu thường có ba vùng chức năng:
- Vùng thu nhận nước.
- Vùng chuyển tải nước.
- Vùng khai thác nước có áp.
Khoảng cách giữa vùng thu nhận và vùng khai thác nước thường khá xa, từ vài chục đến vài trăm km. Các lỗ khoan nước ở vùng khai thác thường có áp lực. Ðây là loại nước ngầm có chất lượng tốt và lưu lượng ổn định. Trong các khu vực phát triển đá cacbonat thường tồn tại loại nước ngầm caxtơ di chuyển theo các khe nứt caxtơ. Trong các dải cồn cát vùng ven biển thường có các thấu kính nước ngọt nằm trên mực nước biển.
Hình thành nước ngầm do nước trên bề mặt ngấm xuống, do không thể ngấm qua tầng đá mẹ nên trên nó nước sẽ tập trung trên bề mặt, tùy từng kiến tạo địa chất mà nó hình thành nên các hình dạng khác nhau, nước tập trung nhiều sẽ bắt đầu di chuyển và liên kết với các khoang, túi nước khác, dần dần hình thành mạch ngước ngầm lớn nhỏ, tuy nhiên việc hình thành nước ngầm phụ thược vào lượng nước ngấm xuống và phụ thuộc vào lượng mưa và khả năng trữ nước của đất.
Trong chuyên ngành còn sử dụng thuật ngữ nước dưới đất để chỉ khái niệm gần như tương đương.
Ở Việt Nam việc khai thác nước ngầm là phổ biến, các hình thức: giếng đào, giếng khoan, giếng khoan nhà máy nước... Đối với nhiều đô thị, chẳng hạn như Hà Nội, nguồn cung cấp nước chủ yếu là nước ngầm.Cứu tầng nước ngầm, cứu lấy cuộc sống
“Nếu không có kế hoạch sử dụng hợp lý, không chú ý đến công tác bổ cập thì nguồn nước ngầm có khả năng chỉ khai thác được trong 30 năm nữa” - ông Huỳnh Lê Khoa, phó phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cảnh báo.
Khoan giếng khai thác nước ngầm tại một hộ dân trên đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. Một giếng khoan như thế này có giá 15 triệu đồng (ảnh chụp chiều 4-6) - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo ông Khoa, thời gian qua Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cùng các địa phương rất quan tâm đến tình hình khai thác nước ngầm. Tuy nhiên kết quả mang lại chưa như mong muốn. Tình trạng khai thác nước ngầm không xin phép vẫn còn xảy ra, một bộ phận người dân chưa ý thức tốt trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm.
Phải kiên quyết hơn
Năm 2007, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó kèm theo danh sách 29 phường thuộc 13 quận huyện nằm trong danh mục hạn chế khai thác nước ngầm. Quy định cũng phân công rõ trách nhiệm cho Sở Tài nguyên - môi trường và UBND các quận huyện, phường xã kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm... Theo ông Khoa: “Việc cấm và hạn chế người dân khai thác nước ngầm chủ yếu bằng hình thức vận động. Cán bộ chuyên ngành của sở và các quận huyện có hạn nên không thể quán xuyến hết”.
GS.TS Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, nhận định tình trạng sụt giảm, ô nhiễm nước ngầm đã có dấu hiệu gần mười năm qua nhưng chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngành chức năng. Công tác quản lý yếu kém làm cho tình trạng ngày càng trầm trọng thêm. Ông Bá dẫn chứng: lực lượng quản lý môi trường nói chung, quản lý về nước ngầm nói riêng từ cấp sở đến UBND quận, huyện đã yếu mà còn xử lý không nghiêm minh. Trong khi đó, các đơn vị khai thác nước ngầm quá mức phục vụ sản xuất lại đóng thuế tài nguyên nước quá ít. Từ những bất cập này, ông Bá cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn. Những khu vực nào đã đảm bảo cung cấp nước máy thì kiên quyết cấm khai thác nước ngầm.
Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy cho biết đã có quy định về những vùng, khu vực cấm và hạn chế khai thác nước ngầm. Đó là những vùng đã khai thác nước ngầm quá giới hạn, có mực nước sâu quá mức hoặc liền kề với các bãi rác thải. Ông Bảy khẳng định hiện cục đang hoàn chỉnh đề án “Bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các đô thị lớn” dự kiến cuối năm 2009 trình Chính phủ.
Kiểm soát ô nhiễm, xây hồ bổ cập nước
Theo ông Trần Văn Thanh - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Sóc Trăng, địa phương này đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn lập kế hoạch trám các giếng nước ngầm bị hư để tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm và thông tầng. GS.TS Lê Huy Bá cho rằng như vậy là chưa đủ để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Ông Bá nói ngoài việc quản lý chặt hơn, giúp người dân trám lấp giếng đúng kỹ thuật thì phải quan tâm đến chất lượng nước mặt. Chất lượng nước mặt là nguồn bổ cập tự nhiên cho nước ngầm, nước mặt ô nhiễm quá mức, tất yếu nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy việc hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm phải làm song song. Những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước mặt cục bộ phải có phương án xử lý tránh thẩm thấu xuống nước ngầm.
Ông Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Cần Thơ - cho biết tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), trong một nghiên cứu của Trường đại học Bochum (CHLB Đức) cho thấy mực nước ngầm khu vực này bị giảm 0,7m/năm do khai thác cho sản xuất công nghiệp. Dự báo đến năm 2014, các máy bơm ly tâm sẽ không còn hoạt động được do nước ngầm đã tụt quá sâu. Việc sụt giảm nước ngầm cũng có thể gây tình trạng sụt lún đất, cần phải dùng các biện pháp để phục hồi mực nước ngầm.
Ông Huỳnh Lê Khoa cho rằng vấn đề bổ cập nguồn nước ngầm vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng cá nhân ông đồng tình với chủ trương này. Ông Khoa đề xuất nên xây dựng các hồ nước lớn vừa phục vụ tưới tiêu (nông nghiệp) vừa bổ cập cho nguồn nước ngầm. Tại TP.HCM, dòng chảy nước ngầm từ tây bắc về hướng nam. Do đó, khu vực huyện Củ Chi là khu vực đầu nguồn, có thể xây dựng những hồ chứa nước.
GS.TS Lê Huy Bá cho rằng đã đến lúc vấn đề bổ cập cho nước, xử lý ô nhiễm phải được nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc, nên tổ chức hội thảo bàn về giải pháp tái tạo nguồn nước. Nếu không, tới thời điểm nào đó chẳng những nguồn tài nguyên này không còn để khai thác mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.Đua nhau khoan giếng
* Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ TN-MT): trong mười năm, nước ngầm tại một số nơi ở Hà Nội giảm đến 6m, tại TP.HCM có nơi giảm đến 10m.
* Hiện TP.HCM đang có trên 300.000 giếng khoan, có nơi phải khoan đến 160m trở lên mới có nước ngọt.
* Nếu không có những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, 30 năm nữa ở TP.HCM sẽ không còn nước ngầm!
Những con số trên đang khiến nhiều người phải giật mình.
TT - Nước ngầm - một nguồn tài nguyên lớn - bị khai thác tùy tiện, đặc biệt là không được quan tâm quản lý đúng mức. So với trước đây, nguồn tài nguyên này đang cạn kiệt dần.
Tại ĐBSCL, dù hàng ngàn cây nước ngầm (giếng khoan) ở các đồng tôm, rẫy màu... nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, chỉ ước chừng chung chung. Ông Phạm Văn Chu - một chủ hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (thị xã Bạc Liêu) - nói: “Nước ngầm đang cạn kiệt nên người nuôi tôm bây giờ đều sử dụng đường ống 60mm gắn môtơ điện công suất mỗi giờ bơm khoảng 80m3, mỗi đợt bơm liên tục 5-7 ngày”.
Không chỉ một cây, có hộ còn khoan cùng lúc hai cây nước ngầm đường ống 60mm chỉ cách nhau 1m để bơm nước nhanh gấp đôi. Mỗi giờ bơm 80m3, như vậy một cây nước rót đầm tôm trên 1.900m3/ngày đêm, điều này đủ thấy được lượng nước ngầm bị khai thác nhiều như thế nào.
Một nhà khoan 2-3 cây nước
Về vùng trồng rau, hành tím chuyên canh ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ở đâu cũng nghe vang rền tiếng máy bơm nước từ các cây nước ngầm. Ông Trần Thanh Hiện ở xã Lạc Hòa cho biết nhà ông có một cây nước gắn máy bơm dùng trong gia đình, ngoài rẫy hành còn có một cây nước khoan sâu 106m với đường ống 49mm để bơm nước tưới nhưng mới sử dụng được hai năm đã “hụt hơi” nên phải khoan thêm một cây nước khác.
Cây nước này sâu 108m với đường ống 60mm, đặt máy bơm tốc độ 40m3/giờ mới bơm đủ nước tưới hành trong những tháng mùa khô. Đi dọc đường Nam Sông Hậu qua huyện Vĩnh Châu có thể đếm được hơn 2.000 cây nước ngầm bởi hầu như nhà nào cũng có 1-2 cây nước.
Phía xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) cây nước “mọc” lên khắp các rẫy dưa hấu, rau cải, ngò rí... Ông Trần Thanh Phúc ở ấp Thào Lạng than vãn: “Nắng nóng thiếu nước nghiêm trọng, mấy cây nước ở vùng này thường xuyên bơm không lên nước. Muốn có nước phải bơm mồi 5-10 phút, có lúc máy chạy xì khói đen nhưng nước lên chừng nửa giờ đã ngưng chảy”.
Không chỉ lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt hay tưới rau mà hàng ngàn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL còn khoan cây nước phục vụ nhu cầu nuôi tôm công nghiệp. Ông Phạm Văn Chu khẳng định: “Vùng này nhà nào nuôi tôm đều khoan cây nước để lấy nước pha với nước biển nuôi tôm sú.
Trước đây tôi có cây nước đường ống 49mm, sâu 106m (thời điểm năm 2005 chỉ cần khoan 95-100m là có nước), bơm liên tục bảy ngày bảy đêm mới cho máy nghỉ. Có lần bơm đến ngày thứ sáu thì hết nước, cho máy nghỉ hai ngày rồi bơm tiếp nhưng nước chỉ chảy được hai ngày rồi hết nước luôn”. Ông Út Sâm ở gần đó cũng cho biết vừa chi 2,7 triệu đồng khoan tiếp một cây nước khác vì cây nước cũ bơm không lên nước.
Có nước máy vẫn khoan giếng
Nếu như tại ĐBSCL một nhà xài 2-3 giếng khoan thì tại TP.HCM dù được cung cấp nước máy khá rộng nhưng nhiều nhà vẫn khoan giếng để xài nước ngầm. Một phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết có khoảng 90.000 giếng khoan ở khu vực nội thành. Chỉ riêng tại Xí nghiệp cấp nước Trung An (thuộc Sawaco) trong thời gian qua đã kiểm tra phát hiện hơn 150 trường hợp sử dụng hai nguồn nước.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An, nói khi phát hiện trường hợp sử dụng hai nguồn nước đơn vị này đều tiến hành lập biên bản, yêu cầu ngưng sử dụng nước giếng theo quy định nhưng vẫn có tình trạng sau đó người dân tự ý đấu nối lại và “ngụy trang” kỹ hơn.
Tại khu vực ngoại ô TP.HCM, việc khoan giếng sử dụng nước ngầm rất thoải mái. Mặc dù theo quy định, trước khi khoan giếng phải xin phép chính quyền địa phương nhưng thực tế mọi người dân đều bỏ qua thủ tục này.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 200.000 giếng khoan của các hộ gia đình khai thác khoảng 200.000m3/ngày, thực tế còn lớn hơn con số này rất nhiều. Ngoài khai thác nước giếng để sinh hoạt, người dân tại những khu vực trồng rau của Q.12, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi... cũng thường dùng nước giếng khoan để tưới tiêu.
Thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên - môi trường (TNMT) TP.HCM cho thấy hiện có khoảng 100.000 giếng khoan công nghiệp khai thác khoảng 400.000m3/ngày. Theo ông Huỳnh Lê Khoa - phó phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản thuộc Sở TNMT TP.HCM, do hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên tình trạng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất hầu như xuất hiện tại hầu hết các khu công nghiệp. “Những trường hợp khoan giếng đều phải xin phép Sở TNMT nhưng thực tế có nhiều đơn vị khoan chui” - ông Khoa cho biết.
Giếng khoan ngày càng sâu
Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ cơ sở khoan giếng trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, có gần 30 năm trong nghề khoan giếng, cho biết vẫn thường xuyên nhận hợp đồng cho nhiều hộ gia đình, các công ty trên địa bàn Q.12, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Một số nơi đã có nước máy như Gò Vấp, Tân Phú vẫn có nhiều người khoan giếng để xài.
Theo ông Tâm, càng về phía miền Tây mực nước ngầm càng hạ thấp. Nếu như tại khu vực trung tâm TP chỉ cần khoan 28m là có nước “ngon” thì tại các khu vực quận 6, 8, huyện Bình Chánh khoan từ 160m trở lên mới xài được nước. Riêng tại khu vực quận Gò Vấp, khoảng 10 năm trước chỉ khoan xuống 16m là có nước ngầm nhưng giờ phải khoan đến 24m, thậm chí sâu hơn mới xài được. Thời gian qua, chỉ riêng cơ sở của ông Tâm đã khoan cho hàng trăm trường hợp tại nhiều khu vực ở TP.HCM.
Ngày càng cạn kiệt, ngày thêm ô nhiễm
Biểu đồ mực nước ngầm sụt giảm qua thời gian ở điểm quan trắc tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Đồ họa: T.N.K. |
TT - Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho thấy mực nước ngầm tại một số nơi của Hà Nội đã sụt giảm tới 6m trong 10 năm, tại TP.HCM có nơi sụt giảm tới hơn 10m. Chất lượng nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang trong tình trạng báo động.
“Nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, quản lý việc khai thác và sử dụng nước ngầm hiệu quả, ngoài việc nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nhiễm mặn, còn có thể bị cạn kiệt” - tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, cảnh báo.
Khoan sâu mới có nước
Theo TS Nguyễn Văn Đản - liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc (Bộ TN-MT), Hà Nội là nơi có nguồn nước ngầm phong phú nhưng cũng là nơi khai thác nước ngầm mạnh nhất với lưu lượng khai thác lên tới 750.000-800.000m3/ngày đêm. Một số giếng khai thác nước ở khu vực nội thành như Pháp Vân, Hạ Đình, Ngọc Hà, Mai Dịch đã không còn đủ lượng nước để khai thác đúng với công suất thiết kế. Theo các chuyên gia ngành nước, sự sụt giảm nước ngầm cục bộ xuất hiện ở khá nhiều khu vực trong suốt thời gian dài.
TS Nguyễn Thị Hạ, phụ trách Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho biết năm 1997 mực nước ngầm tại bãi giếng khai thác nước của Nhà máy nước Hạ Đình (khu vực phía nam Hà Nội) có độ sâu 29m, năm 2002 sụt thêm 3m (32m), và đến năm 2007 sụt giảm thêm 3m nữa khi độ sâu đo được lên tới 35,2m.
Như vậy trong khoảng 10 năm, mực nước ngầm tại đây bị sụt giảm tới 6m. Tại bãi giếng khoan Nhà máy nước Pháp Vân (cũng thuộc khu vực phía nam Hà Nội) mực nước ngầm bị sụt giảm hơn 1m chỉ trong một năm (2005-2006).
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, tại các xã Kim Chung (H.Đông Anh) và phường Định Công (Q.Hoàng Mai) Hà Nội, hiện tượng nước ngầm sụt giảm được các hộ dân mô tả: “Mỗi lần khoan giếng chỉ dùng được 4-5 năm, sau đó hút không thấy nước, nguồn nước hút được rất nhiều cặn bẩn, thậm chí có cả cặn bùn nên buộc phải khoan vị trí khác với độ sâu tăng thêm hàng chục mét mới có nước”.
Trong khi đó, kết quả 16 trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho thấy tình trạng sụt giảm nước ngầm cũng diễn ra đáng kể, nhất là tầng nước pleistocen (tầng trên), dù tầng này được bổ sung bởi lượng mưa hằng năm. Cụ thể năm 2008, khu vực Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Tân Tạo (Q.Bình Tân), Long Thạnh Mỹ (Q.9) có mực nước ngầm bị hạ thấp từ 0,25-0,6m so với năm 2007; năm 2009 mực nước ngầm tại nhiều khu vực này tiếp tục bị giảm, sâu nhất gần 3m.
Riêng tầng nước pliocen (tầng trung) tại huyện Bình Chánh, hiện độ sâu mực nước là 17,67m (sụt giảm 2,03m so với năm 2007). Tại công trình quan trắc này, mực nước sụt giảm tới hơn 13m trong vòng 13 năm trở lại đây. Anh Phạm Huy Phúc (nhà trên hương lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) cho biết đã khoan giếng từ năm 2000.
Lúc đầu nước giếng rất tốt, bơm dễ dàng, chỉ cần 20 phút là bơm được 2m3 nước. Nhưng thời gian gần đây bơm hơn 30 phút nước vẫn chưa đầy bồn, và phải dùng các dụng cụ lọc lại mới dám sử dụng cho tắm giặt.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Thủy lợi cảnh báo nước ngầm khu vực ĐBSCL đã sụt hơn 10m. Nếu không có biện pháp quản lý cấp bách, nước ngầm sẽ sụt xuống “mực nước chết” trong năm năm nữa. Theo TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, ngày trước nhiều giếng khoan ở vùng ven biển như Sóc Trăng, Cà Mau có hiện tượng nước ngầm tự trào lên nhưng bây giờ các nơi này hầu như không còn nữa. Lý do: mực nước và áp lực nước ngầm đã giảm sút lớn. Đó là hệ quả của việc nguồn nước ngọt trên mặt bị giảm và tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi.
Nước nhiễm nhiều chất độc hại
Nhà máy nước khai thác nước ô nhiễm TS Nguyễn Văn Đản cho biết tại hai nhà máy nước khu vực phía nam Hà Nội là Pháp Vân và Hạ Đình bị nhiễm bẩn nước ngầm, ông đã có đề nghị dừng khai thác nhưng cả hai nhà máy này mới chỉ giảm công suất. Trong khi đó, theo GS.TS Lê Huy Bá - viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) - trong 500 mẫu phân tích nước giếng tại tỉnh An Giang mới đây có đến gần 50% mẫu có dấu hiệu nhiễm asen, có mẫu nồng độ asen lên đến 30ppm. Đây là một trong những hóa chất có khả năng gây bệnh ung thư. |
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, kết quả quan trắc độ pH ở tầng pleistocen trong năm 2008 khá thấp, dao động 4,3-7,4 (tiêu chuẩn 6,5-8,5). Có đến 81% kết quả phân tích về pH và tổng chất rắn hòa tan của 16 trạm quan trắc không đạt tiêu chuẩn nước ngầm cho phép.
Trong đó, nhiều hóa chất độc hại trong nước ngầm cũng tăng đáng kể, nhất là nitrat, amoniac. Cũng trong năm 2008, tại trạm Tân Sơn Nhất và Phú Thọ có nồng độ nitrat tăng từ 3,5-4,1 lần so với năm 2007. Đến quý 1-2009, nồng độ nitrat tiếp tục tăng một cách đáng quan ngại.
Cụ thể như hàm lượng nitrat đo được tại trạm quan trắc Tân Sơn Nhất là 23,3mg/l, tại trạm Tân Phú Trung nồng độ nitrat 33,3mg/l và tại trạm Phú Thọ có nồng độ nitrat cao nhất là 69,6mg/l (theo tiêu chuẩn cho phép, nồng độ nitrat trong nước ngầm <15mg/l).>
Từ năm 2005 đến nay, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã phải ngưng hoạt động gần chục trạm khai thác nước ngầm vì nhiễm amoniac.
Cũng theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, trong năm 2008 ngoài hai khu vực Tân Phú Trung (Q.Tân Phú) và Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) có chất lượng nước ngầm ở tầng pleistocen tương đối tốt; còn chất lượng nước ngầm tại 14 khu vực quan trắc còn lại ngày càng xấu đi, mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh do chất thải sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực gần các bãi rác Gò Cát và Đông Thạnh. Điều đáng nói tầng pleistocen là tầng nước mà đa số người dân thường dùng.
Chưa dừng lại ở đó, kết quả quan trắc mực nước của quý 1-2009 cho thấy mực nước cũng như chất lượng nước tại nhiều khu vực của TP.HCM tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Độ pH đo được tại các trạm quan trắc tiếp tục hạ thấp, hàm lượng coliform, fecal coli... đều tăng và không đạt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn ngày càng trở nên phổ biến tại các vùng ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân... Tại một số khu vực thuộc huyện Bình Chánh có sự trồi ống ở các vị trí khoan giếng, chứng tỏ mặt đất bị hạ thấp, lún - một trong những nguyên nhân do khai thác nước ngầm.
Trong khi đó, theo ông Lý Nhạn - phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, hiện một số nơi nước ngầm tầng nông bị nhiễm vi sinh. Đó là khu vực trạm cấp nước đường An Dương Vương, Lê Hồng Phong, ấp 4, xã Tắc Vân; điểm cấp nước sạch gần trạm y tế xã Tân Thành trên địa bàn TP Cà Mau và một số trạm cấp nước khu vực ven biển ở huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh... bị nhiễm coliform vượt mức cho phép trên năm lần.
Chính việc khoan giếng ngầm vô tội vạ nên các thợ khoan “chui” cứ khoan theo cảm tính, thấy nơi nào không có nước liền rút giàn khoan để khoan chỗ khác, bỏ lại lỗ thủng tạo ra hiện tượng thông tầng làm nước ngầm nhiễm mặn, nhiễm vi sinh...TUỔI TRẺ
Mực nước ngầm tại ĐBSCL tụt giảm mạnh
Theo PGS.TS Dương Văn Viện, Đại học Thủy lợi, việc khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay gần như không thể kiểm soát được, tầng nước ngầm đã tụt giảm từ 12 đến 15m. Nếu không có các biện pháp cấp bách thì dự báo mực nước ngầm tại Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL sẽ xuống tới mực nước chết vào năm 2014.
Theo Bộ TN&MT, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100.000 giếng nước ngầm, sâu từ 10-300m, nhiều nhất là tại Cà Mau (178.000 giếng), Bạc Liêu (98.000 giếng) cùng hàng trăm trạm cấp nước tập trung khai thác nước ngầm có qui mô vài trăm mét khối/ngày. Các đô thị ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh gần như sử dụng 100% nước ngầm. Người dân ĐBSCL còn sử dụng nước ngầm tưới lúa, hoa màu và nuôi thủy sản. Ước tính tổng lượng nước ngầm hiện đang khai thác sử dụng toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày nhưng hầu hết các địa phương trong vùng đều chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nước ngầm.
Cũng theo Bộ TN&MT, sự phân bố của các khối nước mặn (ngầm) ở ĐBSCL phức tạp cả về diện và theo chiều sâu. Nhiều nơi, các tầng chứa nước ngọt và nước mặn nằm đan xen nhau. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng nước ngầm tại ĐBSCL chưa khoa học, còn rất lãng phí. Do đó, nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước do khoan rất cao. Hiện có hàng ngàn giếng nước bỏ không chưa được trám, lấp dẫn đến nguy cơ sụp, lún ở tầng khai thác sâu từ 75 - 110m. Chỉ tại tỉnh Cà Mau có đến 3.125 giếng nước ngầm không sử dụng. Hiện nước mặn đã xâm nhập tại hàng ngàn giếng nước ngầm, nhiều nhất là ở tầng nông (50m). Cũng do khai thác bừa bãi nên hàng ngàn giếng nước ngầm tại ĐBSCL đã bị ô nhiễm. Theo kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh - Y tế công cộng (Bộ Y tế) tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy mức độ nhiễm thạch tín (asen) trong giếng nước ngầm cao đến mức báo động. Tại An Giang, có tới 40% trong số 2.966 mẫu được kiểm tra bị nhiễm thạch tín...
Để khắc phục tình trạng này và sử dụng tầng nước ngầm hiệu quả, bền vững, các nhà khoa học đã kiến nghị các tỉnh ĐBSCL cần gấp rút khảo sát, đánh giá có hệ thống hiện trạng nước ngầm toàn vùng và đưa ra chính sách quản lý hợp lý. Phải tính toán giữa nạp vào và sử dụng để có đáp án cho bài toán cân bằng sử dụng nước ngầm. Đồng thời, phải ngăn chặn ngay tình khai thác quá mức làm sụt giảm tầng nước ngầm, lún mặt đất và tình trạng gây ô nhiễm tại các giếng nước ngầm. Việc chia sẻ thông tin phải làm thật tốt vì hiện nay số liệu và thông tin về nước ngầm được các bộ ngành trung ương quản lý nhưng các địa phương thì thiếu thông tin trầm trọng; nâng cao năng lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để quản lý tài nguyên nước ngầm; nâng cao ý thức người dân trong sử dụng, bảo vệ tầng nước ngầm hiệu quả.
(Theo Website Bộ Tài Nguyên và Môi trường)
Read more: http://cema.gov.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=1939#ixzz0JXh9wjGx&CQuản lý chất lượng nước ngầmGiải pháp công nghệ này đã được xây dựng với sự hợp tác giữa các công ty VidaGIS và công ty Watertech Đan mạch nhằm mang lại một công cụ trực quan đơn giản để quản lý và thể hiện chất lượng nước với nhiều thông số và cách thể hiện khác nhau trên nền bản đồ.
Các WaterWheel map thể hiện các mối quan hệ giữa khu vực nước nhiễm chất hóa học với địa chất, địa chất thủy văn, đất sử dụng và các nguồn gây ô nhiễm.
WaterWheel map không những tính toán các thông số kết quả của các phân tích chất hóa học trong phòng thí nghiệm này mà còn thêm vào đó các thông tin về số giếng, ngày lấy mẫu…. và biểu diễn nó trên nền của WaterWheel map.
WaterWheel là gi?
WaterWheel là một biểu tượng (symbol) mới, hiển thị trên bản đồ dữ liệu về nước ngầm có được từ phân tích mẫu nước. Mỗi WaterWheel đại diện cho một mẫu nước.
WaterWheel symbol bao gồm các dữ liệu cơ bản, các thông số được đo lường và những dữ liệu đã được chuyển đổi. Trong ngắn hạn, mỗi wheel bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để trình diễn khu vực nước ngầm nhiễm chất hóa học.
Hiện nay biểu tượng WaterWheel là tiên tiến nhất, không có một biểu tượng nào cung cấp đầy đủ các nhìn tổng quan và trình diễn về nước nhiễm chất hóa học như WaterWheel
Giải pháp đã được triển khai tại thành phố Aarhus Amt, phòng quản lý môi trường nước.
Thành phần trong giải pháp GIS cho dự án:
- ArcSDE
- ArcGIS Engine
Các công việc thực hiện trong dự án:
- Phân tích cấu trúc CSDL nước ngầm hiện có của thành phố Aarhus
- Phân tích quy trình quản lý
- Xây dựng CSDL riêng cho hệ thống
- Xây dựng WaterWheel
- Thành lập bản đồ nền
- Thành lập bản đồ chuyên đề
- Xây dựng hệ thống phần mềm trên desktop
200 câu hỏi và trả lời về môi trường do Cục Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường phát hành.
- Ô nhiễm không khí là gì? Vì sao không khí bị ô nhiễm?
- Ô nhiễm môi trường là gì?
- Ô nhiễm nước là gì?
- Đánh giá tác động môi trường là gì?
- Đô thị hoá là gì?
- Đa dạng sinh học là gì?
- Độ cứng, độ dẫn điện của nước là gì?
- Độ pH là gì?
- Độ phì nhiêu của đất là gì?
- Đất ở các khu vực công nghiệp và đô thị bị ô nhiễm như thế nào?
- Đất là gì? Đất hình thành như thế nào?
- Đất ngập nước là gì?
- An ninh môi trường là gì?
- Băng là gì ?
- Bảo tồn các quần xã sinh vật là gì?
- Bảo vệ môi trường là việc của ai?
- Bộ Luật hình sự năm 1999 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mấy chương, mấy điều về các tội phạm về môi trường, có hiệu lực từ bao giờ?
- Biển ô nhiễm như thế nào?
- Biến đổi khí hậu là gì?
- Biển đem lại cho ta những gì?
- Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?
- Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường gồm những loại nào?
- Các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường theo những con đường nào?
- Các hệ thống sản xuất tác động đến môi trường đất như thế nào?
- Các khu bảo tồn được phân loại như thế nào?
- Các khí nhân tạo nào gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với con người và khí quyển trái đất?
- Các nguyên tắc chủ yếu của công tác quản lý môi trường gồm những nguyên tắc nào?
- Các nguyên tố hoá học và sinh vật trong đất được phân chia như thế nào?
- Các nước phát triển thu gom rác như thế nào?
- Các phương tiện giao thông công cộng đóng vai trò gì trong bảo vệ môi trường?
- Các tác nhân nào gây ô nhiễm không khí?
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất phóng xạ được quy định như thế nào?
- Các vấn đề môi trường liên quan tới tài nguyên nước gồm những gì?
- Các vấn đề môi trường liên quan với tài nguyên nước của Việt Nam gồm những nội dung gì?
- Các vùng đất ngập nước ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng như thế nào?
- Các yêu cầu của một thành phố sinh thái gồm những gì?
- Cách mạng Xanh là gì?
- Côn trùng có ích hay có hại?
- Công cụ quản lý môi trường gồm những gì?
- Công ước quốc tế là gì? Việt Nam đã tham gia những công ước nào về bảo vệ môi trường?
- Công nghệ môi trường là gì ?
- Công nghệ sạch là gì?
- Cơ sở khoa học - kỹ thuật - công nghệ của quản lý môi trường là gì?
- Cơ sở kinh tế của quản lý môi trường là gì?
- Cơ sở luật pháp của quản lý môi trường là gì?
- Cơ sở triết học của quản lý môi trường là gì?
- Có những vấn đề môi trường gì liên quan đến khai thác khoáng sản?
- Có thể dùng nước thải của thành phố trực tiếp tưới ruộng được không?
- Có thể thực hiện truyền thông môi trường qua các hình thức nào?
- Chất độc màu da cam huỷ diệt môi trường ở Việt Nam như thế nào?
- Chất thải độc hại đã được quan tâm như thế nào?
- Chất thải độc hại là gì?
- Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Bảo vệ môi trường đến đâu?
- Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Bảo vệ môi trường đến đâu?
- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trự thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Bảo vệ môi trường đến đâu?
- Chu trình dinh dưỡng là gì?
- Chính sách môi trường là gì?
- Con người có gây ra sự tuyệt chủng của các loài trên trái đất không?
- Con người tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên như thế nào?
- Cota gây ô nhiễm là gì?
- DO, BOD, COD là gì?
- Du lịch bền vững là gì?
- Du lịch sinh thái là gì?
- Du lịch tác động tiêu cực đến môi trường như thế nào?
- Du lịch tác động tích cực đến môi trường như thế nào?
- El-Nino là gì?
- Giáo dục môi trường là gì?
- Giữa các quần thể sinh vật có bao nhiêu mối quan hệ?
- Giải thưởng Global 500 là gì?
- Hiệu ứng nhà kính là gì?
- Hiểu thế nào về ký quỹ môi trường?
- Hệ sinh thái là gì?
- Hoang mạc hoá là gì?
- ISO 14000 là gì?
- Không khí trong thành phố và làng quê khác nhau như thế nào?
- Khủng hoảng môi trường là gì ?
- Khoa học môi trường là gì?
- Khoa học môi trường nghiên cứu những gì?
- Khí quyển có mấy lớp?
- Khí quyển trái đất hình thành như thế nào?
- Kinh tế môi trường là gì?
- Làng như thế nào được coi là Làng sinh thái?
- Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành của Việt Nam có những nhiệm vụ gì, được Quốc hội thông qua ngày, tháng, năm nào?
- Máy thu hình có ảnh hưởng tới sức khoẻ không?
- Môi trường có những chức năng cơ bản nào?
- Môi trường có phải là một thùng rác lớn không?
- Môi trường là gì? *
- Môi trường và phát triển kinh tế xã hội có quan hệ như thế nào?
- Mưa axit là gì?
- Một số vấn đề môi trường liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng?
- Mức độ ô nhiễm không khí được biểu thị như thế nào?
- Nông dân giữ vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?
- Nội dung công tác quản lý nhà nước về môi trường của Việt Nam gồm những điểm gì?
- Nghèo đói và môi trường có quan hệ như thế nào?
- Ngửi mùi thơm của các sản phẩm hoá chất có hại cho sức khoẻ không?
- Nguyên nhân nào dẫn đến thủng tầng Ozon?
- Những hành vi nào được coi là hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường*
- Những lương thực và thực phẩm chủ yếu của con người gồm những gì?
- Những loài thú mới nào được phát hiện ở Việt Nam?
- Những vấn đề môi trường bức bách của Việt Nam cần được ưu tiên giải quyết là những vấn đề nào?
- Nhãn sinh thái là gì?
- Nước đá và các loại nước giải khát có đảm bảo vệ sinh không?
- Nước đóng vai trò quan trọng như thế nào?
- Nước bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học như thế nào?
- Nước bị ô nhiễm kim loại nặng như thế nào?
- Nước bị ô nhiễm vi sinh vật như thế nào?
- Nước mưa có sạch không?
- Nước ngầm ô nhiễm như thế nào?
- Nước ngầm là gì?
- Nước trên trái đất có hình thái như thế nào?
- Nước uống thế nào là sạch ?
- Phải làm gì để bảo vệ môi trường ở mỗi gia đình, khu dân cư và nơi công cộng?
- Phải làm gì để bảo vệ môi trường?
- Phải làm gì để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng Việt Nam?
- Phụ nữ đóng vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?
- Phòng chống ô nhiễm chất dẻo phế thải như thế nào?
- Phí dịch vụ môi trường là gì?
- Quản lý môi trường là gì?
- Quan trắc môi trường là gì?
- Quy định chung của Nhà nước về khen thưởng, xử phạt trong việc bảo vệ môi trường như thế nào?
- Quyền khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm của tổ chức và cá nhân về Bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
- Rác có phải là thứ bỏ đi, vô giá trị không?
- Rác thải đô thị được thu gom như thế nào?
- Sản xuất sạch hơn là gì?
- Siêu đô thị là gì?
- Sinh học bảo tồn là gì?
- Sinh khối là gì?
- Sức ép môi trường là gì?
- Sự cố môi trường là gì?
- Sự di cư là gì?
- Sự gia tăng dân số thế giới tác động đến môi trường như thế nào?
- Sự phú dưỡng là gì?
- Sự tuyệt chủng là gì?
- Suy thoái môi trường là gì?
- Tài nguyên đất là gì?
- Tài nguyên khoáng sản là gì?
- Tài nguyên khí hậu, cảnh quan là gì?
- Tài nguyên là gì? Có những loại tài nguyên nào?
- Tài nguyên năng lượng là gì?
- Tài nguyên nước của Việt Nam có phong phú không?
- Tài nguyên rừng gồm những gì?
- Tai biến địa chất là gì?
- Tai biến môi trường là gì?
- Tầng Ozon là gì?
- Tội gây ô nhiễm đất bị xử phạt như thế nào?
- Tội gây ô nhiễm không khí bị xử phạt như thế nào?
- Tội gây ô nhiễm nguồn nước bị xử phạt như thế nào?
- Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản bị xử phạt như thế nào?
- Tội huỷ hoại rừng bị xử phạt như thế nào?
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật bị xử phạt như thế nào?
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người bị xử phạt như thế nào?
- Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường bị xử phạt như thế nào?
- Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm bị xử phạt như thế nào?
- Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên bị xử phạt như thế nào?
- Thành phần khí quyển gồm những gì ?
- Thế nào là ô nhiễm môi trường đất?
- Thế nào là ô nhiễm thực phẩm?
- Thế nào là cân bằng sinh thái?
- Thế nào là kiểm toán môi trường?
- Thế nào là sự phát triển bền vững?
- Thuốc bảo vệ thực vật gây tác hại đến sức khoẻ như thế nào?
- Thuế và phí môi trường được quy định như thế nào?
- Tiêu chuẩn môi trường là gì?
- Tủ lạnh có hại cho sức khoẻ con người không?
- Trên trái đất có bao nhiêu loài sinh vật?
- Trợ cấp môi trường là gì?
- Trong công tác bảo vệ môi trường, các cá nhân, đoàn thể có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
- Truyền thông môi trường là gì?
- Tị nạn môi trường là gì?
- Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
- Vì sao biển sợ nóng?
- Vì sao buổi sớm, không khí trong thành phố lại bị ô nhiễm rất nặng?
- Vì sao có Chiến dịch Làm sạch Thế giới?
- Vì sao có Ngày Môi trường Thế giới?
- Vì sao có Ngày Thế giới không hút thuốc lá?
- Vì sao cần khống chế tăng dân số?
- Vì sao cần sản xuất rau xanh vô hại?
- Vì sao cần xây dựng những khu bảo vệ tự nhiên?
- Vì sao chỉ dựa vào thuốc trừ sâu hoá học không khống chế được sâu hại cây trồng?
- Vì sao DDT bị cấm sử dụng?
- Vì sao không khí ở bờ biển rất trong lành?
- Vì sao không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm?
- Vì sao không nên biến biển thành thùng rác?
- Vì sao mưa phùn một chút thì có lợi cho sức khoẻ?
- Vì sao mỗi gia đình chỉ nên có 2 con?
- Vì sao nói "Môi trường là nguồn tài nguyên của con người"?
- Vì sao nói con người cũng là một nguồn ô nhiễm?
- Vì sao nói Môi trường trái đất là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người?
- Vì sao nói rừng là vệ sĩ của loài người?
- Vì sao nước biển biến thành màu đỏ?
- Vì sao phải trồng cây gây rừng? Phải bảo vệ rừng?
- Vì sao rừng bị tàn phá?
- Vì sao thường xuyên tiếp xúc với amiăng lại có hại?
- Vì sao trong thành phố cần có nhiều cây cỏ, hoa lá?
- Vì sao trong tự nhiên có nhiều loài sinh vật mà vẫn phải quan tâm đến các loài sắp bị tuyệt chủng?
- Vì sao vấn đề lương thực trên thế giới lại đang trong tình trạng báo động?
- Việt Nam đã có những sự kiện về hoạt động bảo vệ môi trường nào?
- Việt Nam đang xem xét để tham gia các Công ước Quốc tế nào?
- Việt Nam hiện có bao nhiêu Vườn quốc gia?
- Xanh hoá nhà trường là gì?
No comments:
Post a Comment