Wednesday, October 5, 2011

SÔNG MEKONG và chúng ta (3)

NGƯỢC DÒNG SÔNG MEKONG THỜI HOANG DÃ 1866 - 1873

Ngo The Vinh.

ABSTRACT: Only some one hundred years ago, the Western world did not know the source of the mighty Mekong river and the nature of its course. River Road to China, the Mekong River Expedition 1866-1873 by Milton Osborne is a book based on the explorers‘s own writings. It is not only a story but also a history. It traces the adventure of Doudart de Lagre’, Francis Garnier and their friends.These six Frenchmen headed a heroic expedition in an attempt to solve the Mekong mystery and to search for a navigable route from Saigon to China. They left Saigon in 1866, moved slowly forward, never knowing what lay ahead. Obstacles like falls, floods, forest fever, dysentery and death took their toll. When the expedition ended in 1868, two long years after it had begun, the search for a trade route to China still unachieved. Francis Garnier was the dominant and fascinating figure of the French Expedition Team.For Garnier, the advance of France into the countries of the Far East for Mission Civilisatrice - was a cause to dream about, to sacrifice for and finally to die for.On June 29, 1868 by way of Shanghai Garnier returns to Saigon with Lagre’‘s coffin and with the disappointment of an incomplete mission.On October 11, 1873 Garnier left Saigon for Tonkin (North Vietnam).On November 20, Garnier captured the Hanoi Citadel.A century after the French Expedition, the Mekong river has not changed dramatically.However, the waning of war in Indochina brings about hope for regional cooperation and prosperity.This has consequently given rise to project of series of dams and reservoirs.The turbulent Mekong once again becomes a river with promises to keep.

Từ Tây Tạng tới Việt Nam, dọc theo suốt chiều dài của con sông Mekong (đứng hàng thứ 3 (7?) của Châu Á và hàng thứ 12 của cả thế giới) đang có những dự án xây dựng và phát triển các đập thủy điện đem lại hy vọng thịnh vượng cho các quốc gia trong vùng nhưng đồng thời cũng gây mối e ngại về những tác hại không thể lường trước được trên môi sinh.

DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH:

Câu chuyện sông Mekong đã và đang ngày một gắn bó với tương lai vận mệnh của Việt Nam. Sắp qua rồi thời kỳ hoang dã của con sông dài hơn 4200 cây số chảy qua lãnh thổ của bảy nước (kể cả Tây Tạng) nhưng ngót một nửa chiều dài chảy ngang trên lãnh thổ Trung Quốc. Đã 6 năm (*bài viết 4/97) kể từ ngày Thomas O’Neill ký giả tờ National Geophaphics hoàn tất chuyến du hành xuôi dòng sông Mekong bắt đầu từ thượng nguồn cao nguyên Tây Tạng xuống hạ lưu sông Cửu Long ra tới cửa Biển Đông; và cũng đã hơn 130 năm kể từ ngày một nhóm nhỏ người Pháp khởi hành từ Sài Gòn ngược dòng sông ấy để đi tìm một thủy lộ mở đường giao thông với Trung Hoa. Cùng với Milton Osborne, tác giả “River Road to China_ The Mekong River Expedition 1866-1873” chúng ta thử tìm lại khoảng thời gian đã mất trong chuyến đi hào hùng nhưng không kém phần bi thảm của đoàn thám hiểm Pháp vào hậu bán thế kỷ thứ 19 trong bối cảnh từng bước thực dân Pháp tiến tới thuộc địa hóa toàn cõi Đông Dương. Tưởng cũng nên lưu ý bạn đọc tên tuổi viên sĩ quan hải quân Francis Garnier không chỉ là phó trưởng đoàn thám hiểm sông Mekong, cũng chính Garnier là người chỉ huy cuộc đánh chiêám Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 1873, áp đặt nền đô hộ của Pháp trên cả ba kỳ của Việt Nam.

VỚI NHỮNG TÊN KHÁC NHAU:

Do con sông chảy qua những vùng dân cư nói bằng nhiều ngôn ngữ, có ít nhất 5 ngôn ngữ chính: Hoa, Miến, Thái (gồm cả Lào), Cam Bốt và Việt Nam; đó là chưa kể những thổ ngữ của các sắc dân thiểu số sống rải rác trong vùng. Các học giả cũng đã từng tranh luận về ý nghĩa những tên khác nhau của con sông. Ban đầu vì không biết được thượng nguồn, người ta gọi tên bằng lãnh thổ nó đi qua, như người Pháp đã dùng tên le Cambodge để gọi khúc sông chảy qua nước này. Riêng người Trung Hoa khi thì gọi là Lan Thương Giang, người Lào có tên Mea Nam Khong hay sông mẹ, người Cam Bốt có tên riêng Tonle Thom có nghĩa là con sông lớn, hay người Việt Nam có tên Cửu Long để chỉ con sông của họ.

Nhưng rồi do ảnh hưởng của Anh Pháp và Thái Lan, tên sông Mekong được giới chức ngoại giao chấp nhận trên bản đồ, có lẽ bắt nguồn từ một tên gốc Thái, theo cách phiên âm của người Bồ đào nha, với tên gọi Mecon, Mecom hay Mekong_ có ý nghĩa thơ mộng là “ø mẹ của các con suối.”

Từ nay và trong suốt bài này Mekong sẽ là tên gọi của con sông từ thượng nguồn xuống tới cửa Biển Đông.

MỐI QUAN TÂM TỪ SÀI GÒN:

Năm 1860, Pháp đã thiết lập được nền hành chánh bảo hộ ở Sài Gòn. Nhưng theo báo Courrier de Saigon lúc ấy thì cuộc sống những người Pháp ở đây đã chẳng sáng sủa gì: họ luôn luôn bị đe dọa bởi các bệnh miền nhiệt đới, nhiều người chết rất trẻ ở cái tuổi mới ngoài ba mươi vì những loại bệnh sốt, sốt rét và kiết lỵ. Một số người sống sót thì có thái độ chịu đựng; nhưng một số khác thì tỏ vẻ bất mãn về giá trị thương mại của thuộc địa Nam Kỳ lúc đó nên muốn tìm tới một triển vọng làm ăn khá hơn cho chính họ và cho cả nước Pháp và họ bắt đầu quan tâm tới khả năng khai thác con sông Mekong. Cũng thời gian đó đã có những cuộc thảo luận về điều mà họ gọi là “ý tưởng lớn ”. Người khởi xướng và hướng dẫn các cuộc thảo luận đó không ai khác hơn là Francis Garnier lúc đó mới 24 tuổi đang giữ chức vụ đô trưởng Chợ Lớn. Là một sĩ quan hải quân trẻ tuổi vóc người thon nhỏ nhưng lại đầy tham vọng nên được các bạn đồng sự gán cho biệt danh “cô gái Nã Phá Luân_ Mademoiselle Bonaparte.” Garnier không chỉ đam mê với viễn tượng các cuộc phiêu lưu tới “những vùng chưa biết không thể cưỡng lại được ấy”, nhưng anh ta còn có niềm tin rằng “một quốc gia như nước Pháp, mà không có thuộc địa là một quốc gia chết.” Tới năm 1865, ước muốn khám phá sông Mekong hầu như được chấp nhận rộng rãi từ giới chức thuộc địa Nam Kỳ lẫn phía bên Pháp. Và kết quả những cuộc họp ấy đã đưa tới sự hình thành một đoàn thám hiểm. Họ gồm sáu người, tuổi trẻ rạng rỡ và có học thức, sống giữa thế kỷ 19_ thế kỷ của chịu đựng và khắc kỷ. Họ có chung tham vọng về mở mang thêm thuộc địa, tranh giành ảnh hưởng với người Anh và cả tin về chức năng khai hóa_ mission civilisatrice, của nước Pháp đối với các dân tộc Á Phi mà họ cho là còn bán khai. Điều ngạc nhiên Garnier không phải là trưởng đoàn mà là một người khác:

Doudart de Lagrée, 42 tuổi, một con người trầm tĩnh, tốt nghiệp trường Bách Khoa, cũng là sĩ quan hải quân, lúc đó đang là đại diện của Pháp ở triều đình Nam Vang từ hai năm.

Francis Garnier, cá tính đối nghịch với Lagrée, đam mê sôi nổi, tin tưởng mạnh mẽ ở tiềm năng sông Mekong như một thủy lộ dẫn tới sự trù phú của miền nam nước Trung Hoa, phó đoàn.

Louis Delaporte, sĩ quan hải quân, 24 tuổi nhạc sĩ tài tử và là một họa sĩ ký họa mới tới Nam Kỳ một năm, với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh sinh hoạt của đoàn thám hiểm.

Clovis Thorel và Lucien Joubert không chỉ là hai bác sĩ trong đoàn, Thorel là nhà nghiên cứu thực vật còn Joubert giữ vai trò chuyên viên địa chất. Louis de Carné, người trẻ tuổi nhất được nhập đoàn với tư cách đại diện bộ ngoại giao Pháp do gốc gác là cháu của La Grandière đang là thống đốc Nam Kỳ lúc đó.

Dĩ nhiên phải kể tới con số 16 người được tuyển mộ làm thông ngôn và phu phen tháp tùng theo đoàn trong đó có 7 người Việt Nam.

Ngoài vàng bạc thỏi, đô la và tiền Thái dùng làm lộ phí cho đoàn, họ còn mang theo 150 kiện đồ dùng và thực phẩm, dĩ nhiên có cả rượu gồm 700 lít rượu vang cộng thêm với 300 lít rượu mạnh khác.

Họ khởi hành từ Sài Gòn trong bước đầu của một cuộc hành trình hoàn toàn êm thấm và đầy ắp lạc quan tới thủ đô Nam Vang, bắt đầu một sứ mạng lớn lao mà Đô đốc hải quân Pháp Paul Reveillère cho là: “Có tầm vóc xứng đáng với đam mê của thế kỷ.”

SAMBOR THÁC GHỀNH ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT MIÊN:

Năm 1866: ngày 05 tháng 06, đoàn rời Sài Gòn trên một chiến hạm có võ trang, khởi đầu đi Kompong Luong ngay phía bắc Nam Vang, họ cũng đến thăm khu đền đài Angkor trước khi tới Nam Vang . Ngày 07 tháng 07, đoàn từ Nam Vang đi Kratié theo hướng đông băéc. Trước mắt không xa là thị trấn Sambor với một vùng ghềnh thác đầu tiên rõ ràng không thể vượt qua bằng tàu. Họ phải cần tới 2 ngày ròng để chuyển đồ từ tàu lên bờ rồi chất xuống những chiếc thuyền độc mộc, phương tiện duy nhất để đưa đoàn thám hiểm ngược dòng về hướng bắc. Chỉ là những thuyền nhỏ không có động cơ, sức đẩy chỉ là do người chèo chống nhưng rồi họ cũng tới gần được chân thác Sambor. Đó là một con thác mênh mông chảy siết vào mùa nước lũ nhưng vào mùa khô thì chồi lên những cồn bãi giữa vô số những con thác nhỏ. Bây giờ là giữa tháng 7 đang mùa , con sông trải rộng tới hàng dặm, nước dâng cao hơn thêm năm mét so với mức thấp bình thường, ngập hết cồn bãi, chỉ còn thấy nhô lên từ mặt nước là những chòm cây vật vã trong gió. Sức nước thì chảy siết, thuyền chỉ chậm chạp nhích tới được bằng sức kéo của đoàn người đi dọc theo bờ sông phía đông. Chưa ý thức được những khó khăn khác đang chờ họ ở phía trước; tại thác Sambor, Garnier vẫn lạc quan tin tưởng rằng khúc thác có thể vượt qua với tàu có mã lực lớn. Nhưng chỉ cần sang tới ngày hôm sau, họ đã tới khúc thử thách nhất của con thác. Họ chẳng còn thấy giới hạn đâu là bờ bãi, đâu là dòng chính, chỉ thấy những đoạn nông sâu thật bất chợt. Không có cả bãi nghỉ, đoàn phải ở lại trên thuyền qua đêm không ngủ trong sấm sét và mưa bão. Qua bao nguy hiểm, cuối cùng họ cùng vượt qua được 50 cây số của thác ghềnh để tới được Stung Treng. Tại đây trong khi Lagrée trưởng đoàn muốn thám hiểm phụ lưu Se Kong, thì Garnier lại chọn cuộc phiêu lưu khá kỳ cục là xuôi trở lại theo con thác bên phía hữu ngạn với hy vọng tìm cho được thủy lộ an toàn đi từ thị trấn Sambor tới Stung Treng. Một ý muốn mà những người Miên tháp tùng giàu kinh nghiệm cho là điên khùng nên đã không tuân lệnh cho dù được hứa hẹn trả công gấp đôi. Cuối cùng Garnier phải rút súng hăm dọa nên họ phải miễn cưỡng đi theo. Sau đây là mấy dòng nhật ký của Garnier ...trên dòng nước chảy siết và đã quá trễ để quay trở lại. Con nước lao tới như mũi tên bắn, giận dữ cuồng nộ sủi bọt khi gặp sức cản của những ngọn cây hay mô đá. Chỉ một sơ xuất con thuyền chúng tôi có thể vỡ tan ra thành từng mảnh vụn. Và bấy giờ thì Garnier ý thức được rằng chẳng có tàu bè nào có thể vượt qua được con thác Sambor ấy. Khi Garnier trở lại được Stung Treng thì cuộc hành trình đã kéo dài gần hai tháng, và bao nhiêu hy vọng ban đầu gần như là tiêu tán. Nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc khảo sát và tiến tới. Trong không khí chẳng mấy lạc quan ấy, thì Garnier và Joubert bắt đầu ngã bệnh. Không phải kiết lỵ mà là bệnh “sôát rừng_ forest fever”, trong khi Joubert may mắn hồi phục trong mươi ngày thì Garnier bị hôn mê kéo dài suốt ba tuần lễ. Cho dù Garnier trong tình trạng tính mạng bị đe dọa, Lagrée trưởng đoàn quyêát định tiếp tục cuộc hành trình mang theo người phó đoàn trên thuyền dù còn đang bất tỉnh. Bốn ngày sau đoàn tới gần chân thác Khone và cũng là ngày Garnier bắt đầu tỉnh lại nhưng sức khỏe thì suy kiệt với tóc rụng da bong và chân trái hầu như bị liệt. Garnier chỉ thực sự hồi phục sáu tháng sau bằng tất cả sức mạnh của ý chí và lòng ham sống. Bản tường trình của đoàn thật vắn tắt không chút xúc cảm gửi về cho thống đốc Nam Kỳ La Grandière với dòng chữ cuối như sau “Tình hình sức khỏe đoàn nói chung là tốt so với điều kiện mà chúng tôi hiện sinh sống.”

THÁC KHONE, LẠI MỘT THỬ THÁCH TRÊN ĐẤT LÀO:

Họ đã nghe nói tới thác Khone, họ đã từng tưởng tượng đó như một Niagara thứ hai, nghĩa là một thác nước duy nhất đổ trút xuống từ trên cao. Nhưng rồi đó chẳng phải một Niagara, mà lại là một chuỗi những ghềnh và thác trải dài gần 14 cây số đan móc vào với nhau từ bờ bên này tới bờ kia. Cảnh tượng thật ngoạn mục với vang ầm tiếng nước đổ sủi bọt tung tóe trên các ghềnh đá xa gần khác nhau. Qua chuyến thám sát sơ khởi, Lagrée nhận định rằng không thể nào di chuyển theo dòng chính, các con thác cao nhất thì ở bờ phía tây, chỉ còn bờ phía đông là khả dĩ đoàn có thể dùng thuyền nhỏ di chuyển. Sức mạnh của con nước có thể thấy từ chân thác với xác chết của cá và cả cá sấu từ trên cao bị cuốn đập vào những khe đá. Họ còn phải đương đầu với cả những hiểm nguy chết người khác: như cọp dữ và các loại ác thú, riêng Delaporte cũng đã suýt chết vì nạn cát lún, đó là chưa kể nỗi kinh tởm hầu như hàng ngày của muỗi và đỉa vắt. Như dự tính, đoàn men theo bờ đông tiến một cách chậm chạp ngược dòng nước chảy siết; và phải mất hơn một ngày trời để vượt một đoạn đường chỉ có vài dặm để tới được đảo Khong ở phía trên con thác. Tại đây đoàn được tiếp đón nồng hậu, lần đầu tiên lại được ăn thịt bò tươi sau hơn hai tháng rời Nam Vang. Họ tiếp tục đi thêm 5 ngày theo đường sông để tới được Bassac. Đó là một thị trấn khá lớn ở phía tây ngạn của con sông. Từ đây Garnier dẫn một đoàn nhỏ đi khảo sát phụ lưu Se Don chảy vào sông Mekong phía bắc Bassac. Họ cũng cố tìm mỏ bạc ở đây theo lời đồn nhưng không có. Khảo sát sinh hoạt dân cư ở Bassac, người Pháp đã ghi nhận nếp sống nhàn nhã mà họ cho là “lười biếng” của người Lào tại đây. Tưởng cũng nên ghi nhận là đoàn thám hiểm luôn luôn phải tách ra thành các toán nhỏ do nhu cầu khảo sát thực tế và vẽ bản đồ từng vùng. Lagrée phụ trách thám sát cao nguyên Bolovens ở phía đông sông Mekong, rồi Attopeu. Nay đến lượt đến lượt Lagrée bị ngã bệnh nặng. Lại vẫn bệnh sốt rừng đáng kinh sợ của xứ Lào khiến Lagrée liệt cả tay chân. Sau hơn 4 tháng kể từ ngày rời Sài Gòn, ngày 25 tháng 12, đoàn rời Bassac đi Ubon thuộc vùng đông bắc Thái Lan.

Cho tới giai đoạn này, ngoài sự quyết tâm, lòng can đảm và sức chịu đựng của đoàn thám hiểm, hình như họ vẫn chưa chịu chấp nhận một sự thật rõ ràng là con sông Mekong không thể là một thủy lộ để trao đổi thương mại giữa Nam Việt Nam và Trung Hoa.

Năm 1867: ngày 10 tháng 01, Garnier tách đoàn đi Angkor, trở lại Nam Vang trong nỗ lực kiếm giấy thông hành cho đoàn để có thể vào Trung Quốc. Ngày 20 tháng 01, đoàn rời Ubon đi Uthen. Ngày 10 tháng 03, sau 2 tháng rời đoàn, Garnier đã vượt qua chặng đường hơn 1500 cây số phần lớn bằng đường bộ trong những điều kiện ngặt nghèo. Garnier trở lại nhập đoàn tại Uthen để cùng đi Vạn Tượng.

Sau hơn 9 tháng Delaporte đã ghi chú được mấy trăm bức ký họa tuyệt đẹp bằng bút chì và màu nước, để sau này chuyển vào bản khắc gỗ như những trang ký sự bằng hình sống động nhất về thành quả hoạt động của Đoàn Thám Hiểm Sông Mekong vào giữa thế kỷ 19.

Ngày 02 tháng 04, đoàn tới Vạn Tượng, chứng kiến dấu vêát tàn phá của người Thái trong quá khứ trên thủ đô tráng lệ này; nhưng riêng ngôi chùa Phật Wat Phakeo của hoàng gia vẫn còn đó, duy ngọc xá lợi đã bị lấy mất, có lẽ bị đưa về Thái Lan. Đoàn thám hiểm Pháp cũng đã tự ý lấy đi những bộ sách cổ quý giá trong thư viện chùa Si Sakhet với lý do biện minh “vì lợi ích khoa học.” Cuối cùng họ tới thăm That Luong, ngôi đền nổi tiếng nhất của Vạn Tượng được dựng lên từ thế kỷ 16_ là niềm hãnh diện và cũng là biểu tượng của nước Lào; (ngay cả với người cộng sản Pathet Lào sau này cũng đã in hình That Luong trên đồng bạc mới của họ bên cạnh hoạt cảnh các chiến chống máy bay Mỹ trên Cánh Đồng Chum.)

Ngày 04 tháng 04, đoàn rời Vạn Tượng trở lại với đường sông từ Pak Lay đi Luang Prabang. Nhưng hơn 150 cây số dọc theo con sông là đồi núi trắc trở không có ngả vào, con sông thu hẹp lại với những thác ghềnh chạy giữa những khe núi đá và nếu vào mùa lũ thì vô phương di chuyển. Bây giờ đang còn là tháng 4 mùa khô, di chuyển cũng đã thật là chậm chạp và khó khăn, chỉ trông vào sức người kéo. Ròng rã suốt 3 ngày họ chỉ mới nhích tới chưa được 20 cây số với giày dép thì rách bươm do bờ sông đầy sỏi đá. Tiếp đến là khúc bờ sông cỏ mọc trên bùn lầy với nhung nhúc bầy đỉa đói nhưng rồi cuối cùng đoàn cũng tới được Chiang Khan, danh giới phía nam của Luang Prabang. Đoàn thám hiểm Pháp cũng đang tiến gần tới vùng ảnh hưởng của người Anh từ phía Miến Điện, với nơm nớp nỗi lo ngại sẽ bị người Anh phỗng tay trên tất cả công lao như những người đầu tiên khảo sát vùng thượng nguồn sông Mekong và vùng ảnh hưởng chính trị của họ. Lagrée trưởng đoàn phải trấn an các bạn đồng sự là chính họ sẽ làm hơn đối thủ người Anh bằng cách hoàn tất cuộc khảo sát con sông Mekong lên tới ngọn nguồn bên cao nguyên Tây Tạng. Thời gian sau này đã chứng tỏ lời tuyên bố của Lagrée chỉ là lời hứa xuông.

Sang đến ngày 23 tháng 04, đoàn lại phải đối đầu với một khúc ghềnh thác nữa. Một lần nữa họ lại phải rỡ đồ xuống khỏi thuyền để có thể tiếp tục cuộc hành trình cho dù vô cùng chậm chạp. Nhưng rồi cuối cùng họ cũng tới được Luang Prabang, một thị trấn đang phát triển về thương mại, được bảo hộ bởi cả Thái Lan và Việt Nam nhưng lại khá xa 2 kinh đô Bangkok và Huế. Sau 4 tuần lễ lưu lại thị trấn này mà thời gian như những ngày hội_ en fête, sinh lực của đoàn như được hồi phục nhưng đồng thời con đường trước mặt là đầy những bất trắc.

CỬA VÀO TRUNG QUỐC:

Từ ngày rời Sài Gòn, đoàn hầu như bị cô lập với mọi nguồn tin tức. Những hướng dẫn mà họ nhận được từ đô đốc La Grandière đã cũ từ một năm trước ngày khởi hành. Nghĩa là cũng rất mù mờ, khiến Lagrée với tư cách trưởng đoàn chọn thái độ “phản ứng theo hoàn cảnh”. Trước mặt tình cảnh hiện giờ ra sao họ không được biết. Họ chỉ nghe nói có phong trào người Hồi giáo nổi loạn dai dẳng ở tỉnh Vân Nam từ năm 1855; nay nếu đoàn tiến vào vùng tranh chấp ấy với giấy thông hành từ triều đình Bắc Kinh cấp thì quả là điều thiếu khôn ngoan. Đã thế sức khỏe của Lagrée ở cái tuổi 43, đã bị suy giảm trầm trọng qua cuộc hành trình đầy gian khổ, lại thêm bị các căn bệnh nhiệt đới hành hạ, khiến đưa tới câu hỏi là liệu Lagrée còn đủ sức lãnh đạo đoàn thám hiểm hay không, bên cạnh một Garnier đầy tham vọng và cá tính cũng rất khác. Khởi đầu Lagrée muốn chọn một lộ trình khác nhưng rồi cũng phải theo ý kiến Garnier là vẫn tiếp tục cuộc hành trình dọc theo con sông Mekong. Và đoàn đã để ra 2 tuần lễ chuẩn bị ngày lên đường với số hành trang thật tối thiểu. Các mẫu đất đá và tài liệu sưu tập bây lâu vẫn mang theo đoàn thì nay được đóng thùng gửi về trước qua ngả Bangkok. Nhìn lại chuyến đi đã kéo dài gần một năm với bước tiến triển chậm hơn xa mức dự trù và số tiền vàng dự trữ đem theo cũng sắp cạn.

Ngày 25 tháng 05, đoàn rời Luang Prabang đi Chiang Kong, Mong Lin, Mong Yawing, Keng Khang, Keng Hung. Sau hơn 5 tháng gian khổ tưởng như đến kiệt sức, ngày 18 tháng 10 đoàn thám hiểm qua được biên giới Trung Hoa vào Tư Mao_ Ssu-mao.

Sau 15 tháng rời Sài Gòn, có lẽ họ là nhóm người Âu đầu tiên thành công vào “đất hứa Trung Hoa” qua ngả biên giới này. Cả đoàn cảm thấy nhẹ nhõm cho dù tình hình tại địa phương cũng không sáng sủa gì: vụ người Hồi giáo nổi loạn vẫn còn, lại thêm bệnh dịch tả đang hoành hành khắp tỉnh Vân Nam. Từ đây, Lagrée quyết định tiếp tục đi Nguyên Giang_ Yuan-Chiang trên đường tới Côn Minh, thủ phủ củaVân Nam. Bất hòa với trưởng đoàn, Garnier thì lúc nào cũng nung nấu với ý muốn tìm cho ra cội nguồn con sông Mekong đồng thời làm sao tìm cho được một thủy lộ để tới Vân Nam.

Ngày 16 tháng 11, đoàn tới Nguyên Giang, một thị trấn nằm bên bờ của một con sông khác. Sau hơn một giờ vượt lên một con dốc cao, cả đoàn bất ngờ đứng trước một khung cảnh hùng vĩ: trong khí hậu rất giống miền nhiệt đới, cả một dòng sông lấp lánh dưới nắng chảy cuộn từ tây bắc về hướng đông nam mà họ biết rằng đó là con Sông Hồng chảy vào miền Bắc Việt Nam. Tại Nguyên Giang đoàn được tặng quà và tiếp đón nồng hậu.

Sau đó là chặng đường tới Côn Minh. Ngày 26 tháng 11, đoàn xuống thuyền xuôi dòng tới Pa-Y. Từ đây đoàn phải chuyển sang đường bộ đi Kiến Thủy_ Chien-Shui. Từ Kiến Thủy còn phải mất 3 tuần lễ nữa để tới được Côn Minh. Riêng Garnier được sự đồng ý của Lagrée, thì vẫn tiếp tục suôi dòng mở cuộc thám sát Sông Hồng. Chưa bao lâu họ đã phải đi vào một vùng vách đá cao, rồi tiếp theo là những ghềnh thác mà theo Garnier thì vào mùa lũ vô phương có thể đi qua được bằng thuyền. Như vậy niềm hy vọng tràn trề ban đầu là không có cơ sở. Nhưng bây giờ không phải mùa nên Garnier quyết định tiếp tục xuôi dòng Sông Hồng trong khi đám phu tháp tùng hoàn toàn không muốn. Lý do rất dễ hiểu là ngay sau đó, họ tới gần khúc sông chảy thật siết trước khi đổ vào một thác ghềnh vây quanh bởi những vách đá cao ngất. Garnier hiểu rằng bây giờ chẳng có tiền bạc hay đe dọa nào có thể bắt đám phu tùy tùng phải đi tới. Cuộc khảo sát suôi dòng Sông Hồng tới đây kể như chấm dứt. Nhưng cũng chỉ rất sớm sau này Garnier được biết răèng nếu xuống xa hơn nữa đến Lào Cay thì từ đây khúc sông Hồng sẽ là đường thủy thuận tiện để giao thông đi lại.

Garnier sau đó quay trở lại Kiến Thủy và vẫn không ngừng bàn tán về tiềm năng của con Sông Hồng. Bắt nguồn từ kiêu căng và lòng yêu nước quá khích, khi đề cập tới vấn đề này, Garnier chỉ nghĩ tới quyền lợi đem về cho nước Pháp và cho rằng “đó thuần túy là vấn đề của riêng nước Pháp.” Đến lúc này thì Lagrée không thể không đồng ý với người phó trưởng đoàn nên trước khi chết, trong bản tường trình cuối cùng gửi về Sài Gòn, Lagrée lại nhắc tới Sông Hồng trong triển vọng thương mại từ Bắc Kỳ vào Trung Hoa. Có lẽ chính cả Lagrée và Garnier đều không biết rằng cùng lúc đó con buôn Jean Dupuis_ có tên Việt Nam là Đồ Phổ Nghĩa cũng đang thám sát khả năng lưu thông của Sông Hồng đi từ Bắc Việt lên Vân Nam. Vậy ai là người đầu tiên có “ý tưởng lớn” đó? Sau này thì chính Jean Dupuis lên tiếng nhận đó là phần công lao của mình.

Ngày 23 tháng 12, đoàn tới Côn Minh, đó là thị trấn lớn nhất mà họ đặt chân đến từ ngày đoàn rời Sài Gòn. Tại đây cũng là lần đầu tiên họ được gặp lại đồng hương là linh mục Potteau và phái đoàn truyền giáo Pháp. Vẫn theo Garnier thì “chinh phục thuộc địa hay truyền đạo Kitô đều chỉ là những ngả đường khác nhau dẫn tới sự vinh quang cho nước Pháp”.

Năm 1868: ngày 08 tháng 01, đoàn rời Côn Minh và cũng biết rằng họ chỉ cách con sông Dương Tử đại khoảng hai tuần lễ đường bộ. Nếu xuôi theo con sông này đoàn sẽ nhanh chóng đặt chân tới Thượng Hải ở bờ biển phía đông Trung Hoa. Chọn lựa hấp dẫn đó có nghĩa là đi ngược lại mục tiêu ban đầu: thám hiểm miền viễn tây chưa biết của Châu Á. Sức khỏe của Lagrée lúc này hoàn toàn suy xụp đến mức không thể ngồi võng mà phải cáng đi theo đoàn; di chuyển chậm chạp trên khung cảnh cao nguyên trơ trọi đầy gió lạnh. Mãi tới tuần lễ thứ ba, với chặng cuối đi bằng đường sông, đoàn tới Hội Trạch_ Hui tse. Tại đây bằng những cố gắng phi thường, Lagrée vẫn gắng gượng ngồi dậy để tiếp xúc với giới chức địa phương với tư cách trưởng đoàn. Cùng một lúc bị viêm họng, sốt rét và nhất là bệnh kiết lỵ gây biến chứng ápxe gan, gần như kiệt sức, Lagrée phải làm việc với đoàn ngay tại giường bệnh. Lagrée nghe theo ý kiến Garnier để đoàn đi Đại Lý Ta-li tiếp tục cuộc khảo sát lên thượng nguồn sông Mekong. Và có lẽ đây là tài liệu cuối cùng mang chữ ký Lagreé với tư cách trưởng đoàn.

Ngày 30 tháng 01, đành lòng phải bỏ rơi Lagrée tại Hội Trạch cùng với bác sĩ Joubert; Garnier dẫn đoàn lên đường đi Đại Lý.

Riêng Lagrée cho dù với một cơ thể đang chết dần ấy vẫn không nguôi khắc khoải về sự thất bại tìm một thủy lộ trên sông Mekong “không lẽ thời gian và nỗi chịu đựng của chúng tôi là hoàn toàn lãng phí chẳng đem lại lợi lộc gì cho nước Pháp.” Để bù đắp lại, Lagrée không ngừng nhắc tới con Sông Hồng như con đường dẫn vào Trung Hoa.

Chứng kiến giữa cái sống và cái chết trước mắt của người trưởng đoàn, Joubert không còn chọn lựa nào khác hơn là đem Lagrée lên bàn mổ trong những điều kiện làm việc thô sơ nhất về dụng cụ và vô trùng. Vùng gan ápxe được rạch ra với nửa lít mủ và máu trộn lẫn, với kết quả tức thời Lagrée bớt hẳn các cơn đau và mấy hôm sau đã gượng dậy đi lại được. Nhưng thực ra trong lá gan Lagrée còn một ápxe thứ hai mà Joubert không biết và không đụng dao tới. Vì vậy mà sang tháng 3, bệnh tình Lagrée mau chóng suy xụp trở lại và kết thúc bằng cái chết không thể tránh. Khi giảo nghiệm tử thi, Joubert mới tìm ra ổ ápxe thứ hai bị bỏ sót. Xác Lagrée được mai táng tạm gần một ngôi chùa ngoài vòng thị trấn Hội Trạch.

Mãi tới ngày 2 tháng 4, Garnier mới nhận được tin Lagrée chết. Khi tới Đại Lý, tuy được gặp chức sắc Hồi giáo nhưng họ không tin đoàn đích thực là người Pháp mà là người Anh. Với Garnier thì đó là một sự xúc phạm cùng cực. Tin xấu tiếp theo là đoàn bị vị sultan_ vua Hồi từ chối tiếp kiến, đồng thời buộc đoàn phải rời Đại Lý ngày hôm sau.

Không còn chọn lựa nào khác hơn, Garnier ra lệnh cho đoàn rời Đại Lý từ sáng tinh sương và phải mãi 11 ngày sau họ mới thực sự thoát ra khỏi vùng kiểm soát của người Hồi giáo. Trở lại Hội Trạch, sau cái chết của Lagrée, cuộc thám hiểm sông Mekong tới đây kể như thực sự chấm dứt. Đoàn còn lại 14 người rời Hội Trạch, đem theo quan tài Lagrée; ngày 20 tháng 04, họ xuống thuyền trên một phụ lưu của sông Dương Tử. Ngày 09 tháng 05, đoàn tới Hán Khẩu, tại đây lần đầu tiên Garnier gặp Jean Dupuis, một tay thương lái Pháp ở cái tuổi 40 với 8 năm sống ở Viễn đông, mặc y phục Á đông và thông thạo tiếng Trung Hoa. Lúc đó Jean Dupuis chuẩn bị xuống Vân Nam thương lượng cuộc buôn bán lớn về vũ khí. Mãi 5 năm sau Garnier và Dupuis mới gặp lại nhau lần thứ hai ở Hà Nội.

Từ Hán Khẩu đoàn đi Thượng Hải rồi xuống tàu về tới Sài Gòn ngày 29 tháng 06 năm 1868 với chiếc quan tài của người trưởng đoàn sau cuộc hành trình đầy gian khổ kéo dài hơn 2 năm 24 ngày với kết luận rõ ràng là sông Mekong không thể nào là thủy lộ giao thương từ Nam Việt Nam tới Trung Hoa.

Năm năm sau, Garnier từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ và đích thân chỉ huy cuộc đánh chiếm Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 1873.

SẮP QUA ĐI THỜI HOANG DÃ:

Thời gian tuy qua đi hàng trăm năm_ giữa hai chuyến đi, một của đoàn thám hiểm Pháp vào giữa thế kỷ 19, và một chuyến đi mới đây của ký giả Thomas O ùNeill cuối thế kỷ 20_ xen vào đó là ngót một nửa thế kỷ chiến tranh và bom đạn, vậy mà con sông Mekong hầu như vẫn di chuyển với nhịp độ của thủa xa xưa ấy: qua mùa khô rồi tới mùa mưa lũ, với con nước lên xuống và không ngừng đem phù sa tô bồi cho các vùng đất đai và nuôi sống những người dân sống quanh đó. Theo suốt chiều dài 4200 cây số của con sông ấy cũng chỉ mới có một thành phố lớn là thủ đô Nam Vang, cộng thêm vài con đập , một cây cầu mới Hữu Nghị Mittaphap nối thủ đô Vạn Tượng với thị trấn Nong Khai Thái Lan và bắt đầu có một khu kỹ nghệ Vân Nam sau con đập Man Wan.

Bây giờ thì các cuộc chiến tranh đã tạm qua đi và “Những Cánh Đồng Chết”vẫn chưa phôi pha trong ký ức người sống, nhưng rồi người ta cũng phải cố mà quên đi những đau thương và thù hận để nghĩ tới hợp tác và phát triển. Đó cũng là bắt đầu giai đoạn chấm dứt thời hoang dã của con sông Mekong. Con sông ấy sẽ được khai thác biến đổi song song với sự biến đổi của các chế độ chính trị và của chính đám dân cư trong vùng. Nhưng là biến đổi thế nào? Đem lại hạnh phúc điều hòa chung cho toàn vùng hay phát triển cục bộ của nước này lại là phá hoại sự cân bằng môi sinh của những nước khác. Câu trả lời đòi hỏi mối quan tâm và nhiều công sức không phải chỉ ở những thành viên của Ủy Hội Sông Mekong, các nhà lãnh đạo mà còn là của tất cả những người Việt chúng ta bên trong cũng như ngoài nước.

NGÔ THẾ VINH

(04/97)

Tham Khảo:

(1) Louis Delaporte / Francis Garnier. A Pictorial Journey On The Old Mekong: Cambodia, Laos, Yunnan. The Mekong Exploration Commission Report(1866-1868)_ Volume 3. White Lotus Press 1998, Bangkok Thailand

(2) River Road to China, The Mekong River Expedition 1866-1873, Milton Osborne, Liveright New York 1973.

( 3) The Mekong River, Thomas O’Neill, National Geographics, Feb.93.

( 4 ) The Mekong Currency, Lives and Times of a River,Liesbeth Sluiter,International Books, The Netherlands 1993.(http://www.mekongriver.org/vnmkhgda.htm)

TỪ ỦY BAN TỚI HỘI ÐỒNG SÔNG MEKONG 1957-1997 TRƯỚC NHỮNG THỬ THÁCH VÀ TRIỂN VỌNG

ABSTRACT: American dam builders have been eyeing the Mekong since 1940. They have recommended a series of dams not only for hydropower but also for the development of irrigation, agriculture, fisheries and transport. In 1957, the United Nations set up the MEKONG COMMITTEE. The governments of Thailand, Laos, Cambodia and Vietnam established their own national committee and a secretariat was set up in Bangkok. Under the rules of the committee, decisions about damming were to be unanimous with each member having Veto Power. By that time, the Vietnam war was spilling over into Cambodia and Laos, the mainstream dams had to be postponed. The Vietnam war ended in 1975, at which time an Interim Committee was formed without Cambodia. In the 90s, with the acknowledgment of the great political, social and economic changes in these countries, efforts were made to reassess, redefine and establish the future frame work for cooperation. On April 5, 1995 the governments of 4 countries signed an Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong Basin and for the establishment of the MEKONG COMMISSION. The parties agreed that a decision of the Joint Committee that resulted from a Timely Notification and Prior Consultation...is neither a Right to Veto nor an unilateral right to use the water by any riparian without taking into account the right of other riparian countries. FROM THE MEKONG COMMITTEE TO THE MEKONG COMMISSION 1957-1997: CHALLENGES AND PERSPECTIVES , a brief overview of the development dilemmas in the Lower Mekong Basin.

THAY LỜI DẪN NHẬP

"Họ lấy quyền gì mà bảo là không muốn con đập Pa Mong. Chuyện họ muốn hay là không muốn chẳng có nghĩa là gì cả, khi mà chính quyền nhà nước [Thái lan] đã muốn như vậy. Nếu chúng ta cứ nghe theo họ là chấp nhận cho sự rối loạn ngự trị."Thông báo của Bộ Thủy lợi Hoàng gia Thái (1990). Bộ trưởng Thương mại Thái Narongchai Akrasanee, đã phát biểu trước Hội đồng Thương mại hỗn hợp Mỹ và Hiệp hội của Quốc gia Ðông Nam (US-ASEAN) rằng Thái lan muốn đóng Vai Trò Chủ Chốt - Anchor Role, trong kế hoạch phát triển sông Mekong. Tin báo Bangkok Post (05-23-1997).

MEKONG, CON SÔNG QUỐC TẾ:

Theo định nghĩa địa dư chính trị (geopolitics), con sông được coi là quốc tế khi (a) nó chảy qua hai hay nhiều quốc gia, hoặc (b) nó tiêu tưới vài vùng lưu vực bao gồm hai hay nhiều quốc gia, hoặc (c) nó liên quan tới vấn đề biên giới thuộc lãnh vực công pháp quốc tế, hay (d) nó liên hệ ảnh hưởng giao thông đi lại bằng một thỏa thuận quốc tế. Thử khảo sát từng khía cạnh nêu trên với con sông Mekong.

  1. Bắt nguồn từ vùng núi non cao nguyên Tây tạng, con sông chảy siết về hướng đông nam ngang qua tỉnh Vân nam thuộc Trung hoa, tiếp theo là đoạn ranh giới giữa Miến điện (Myanmar) và Lào, rồi bắt đầu chảy vào khu vực hạ lưu, với một khúc sông ngắn là biên giới thiên nhiên giữa Lào và Thái lan, tiếp đó con sông chảy về hướng đông nam trong nội địa nước Lào. Ra khỏi nam Lào, con sông chảy qua Cambốt rồi nam Việt nam trước khi đổ vào biển Nam hải.

  2. Lưu vực tiêu tưới (drainage basin) của con sông Mekong bao gồm có nước: Trung hoa, Miến điện, Thái lan, Lào, Cambốt và nam Việt nam.

  3. Con sông Mekong, trong quá khứ đã từng liên quan tới vấn đề tranh chấp biên giới giữa các nước. Hơn một trăm năm trước (1893), Pháp nhân danh sự toàn vẹn lãnh thổ của hai xứ bảo hộ An nam (Việt nam) và Cao miên (Cambốt), đã đưa tàu chiến tới và ra tối hậu thư bắt vua Thái lan phải nhượng tất cả đất đai thuộc phía đông sông Mekong; rút cuộc Thái chỉ còn lại khúc sông 500 dặm như là đường biên giới thiên nhiên với nước Lào.

  4. Di chuyển trên sông Mekong - như một thủy lộ quốc tế, lẽ ra là hoàn toàn tự do theo bộ luật La mã, nhưng trong thực tế tự do chỉ có nghĩa rất tương đối. Khi con sông chảy vào nội địa một quốc gia thì quyền tự do giao thông vẫn có thể bị hạn chế hay bị tước đoạt tùy theo cách diễn dịch của quốc gia liên hệ. (Một ví dụ, cho dù đã có một Hiệp ước ký ngày 29-12-1954 giữa Lào, Cambốt và Việt nam nhưng theo báo New York Times, thì ngay giữa cuộc chiến tranh Việt nam, ngày 20 tháng 9, 1964 do tình báo của chính phủ Sài gòn ghi nhận là cộng sản Bắc Việt đã chuyên chở vũ khí bằng đường sông xuống Nam vang rồi từ đó đưa vào nam Việt nam, khiến tướng Nguyễn Khánh lúc đó là thủ tướng tuyên bố cần phải hạn chế lưu thông trên sông Mekong nếu như Cambốt vẫn tiếp tục chính sách thiếu thân thiện với Nam Việt nam) (1).

Do hội đủ tất cả những đặc tính ấy, Mekong đúng nghĩa là một con sông quốc tế (international river).

UỶ BAN MEKONG & NHỮNG DỰ ÁN KHỞI ÐẦU:

Ủy Ban Sông Mekong (The Mekong Committee) được hình thành từ năm 1957 do chính phủ bốn nước: Thái lan, Lào, Cambốt và Việt nam, nhằm mục đích khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế của con sông Mekong trong các lãnh vực thủy điện, thủy lợi, ngăn ngừa lũ lụt và thủy lộ giao thông. Từ bốn thập niên trước ấy, đã có những dự án phát triển trên dòng chính sông Mekong theo đề nghị của ủy ban Kinh tế Á châu và Viễn đông ECAFE (Economic Commission for Asia and Far East, 1957) với sự giám sát pháp lý của Ủy ban sông Mekong.

Có ba dự án ưu tiên bao gồm có đập Pa Mong, Sambor và Tonle Sap:

  • Dự án Pa Mong: cách thủ đô Vạn tượng 15 dặm là đường ranh giới thiên nhiên giữa Thái lan và Lào; Pa Mong sẽ là đập chứa nước chính của hệ thống sông Mekong, sẽ kiểm soát lưu lượng toàn con sông ra tới cửa biển Nam hải và dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng tới tất cả những kế hoạch vùng hạ lưu trong tương lai. Nó có khả năng tiêu tưới 2 triệu rưỡi mẫu Anh cho vùng đông bắc Thái lan là cao nguyên Korat và Lào, cung cấp nguồn điện khoảng 2000 MW. Hồ nước với dung lượng 78 triệu mẫu-bộ (acre-feet) có chiều dài khoảng 210 dặm sẽ dìm sâu trong đáy nước một vùng rộng lớn đất đai và nhàcửa của khoảng 60 ngàn dân cư nhưng sẽ cải thiện thủy lộ lưu thông trên thượng nguồn, nâng cao mức sống và phát triển của toàn miền đông bắc Thái.

  • Dự án Sambor: cách phía bắc thủ đô Nam vang 140 dặm hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cambốt, được quan niệm như một hệ thống thủy điện trên sông và có khả năng tiêu tưới cho khoảng 90 ngàn mẫu Anh. Công trìn sẽ nằm phía dưới vùng Sambor, mức nước dâng cao sẽ làm ngập suốt 50 dặm ghềnh thác và cải thiện thủy lộ trên vùng thượng nguồn mở ra triển vọng giao thông giữa hai nước Lào và Cambốt. Bước đầu dự án sẽ cung cấp 625 MW và giai đoạn hai, sau công trình Pa Mong, lượng điện cung cấp sẽ lên tới 1000 MW, đủ cung cấp cho nhu cầu kỹ nghệ và dân dụng, đồng thời dùng cho việc bơm tưới cả vùng đất đai thuộc Cambốt và nam Việt nam. Sự điều hợp kỹ thuật là cần thiết giữa hai dự án Pa Mong và Sambor. Hệ quả của đập Pa Mong trên dự án Sambor rất quan trọng, do đó việc khởi công đồng thời cả hai dự án sẽ đem lại hiệu quả cả về kỹ thuật lẫn kinh tế. Theo ước tính sơ khởi với trị giá đồng tiền lúc đó dự án Pa Mong sẽ cần tới khoảng 600 triệu Mỹ kim (theo ước tính hiện nay, chi phí cho riêng đập Pa Mong là tới 2.8 tỉ Mỹ kim) và đập Sambor khoảng 300 triệu và sẽ bao gồm trong một dự án chung kết hợp.

  • Dự án Tonle Sap: công trình nầy sẽ như một đập chắn giữa Nam vang và Biển hồ. Biển hồ sẽ có công dụng như một hồ chứa thiên nhiên của con sông Mekong, bởi vì con nước suốt 5 tháng mùa lũ lụt đã chảy ngược về Biển hồ. Như vậy cửa đập sẽ đóng trong mùa khô để con sông đổ ra biển, và sẽ mở ra trong mùa lũ để nước chảy ngược vào Biển hồ tới mức dự trữ cao nhất và như vậy sẽ giảm thiểu nạn lũ lụt. Trong mùa nước thấp, cửa đập sẽ được mở ra từng phần, duy trì mức sông sâu cho tàu biển vẫn có thể ra vào sông Mekong và đồng thời giảm thiểu lượng nước mặn xâm nhập vùng châu thổ, từ đó có thể gia tăng thêm 2 triệu rưỡi mẫu Anh bỏ hoang vì muối phèn, vì hạn hán hay lũ lụt. Theo dự tính mực nước hồ sẽ luôn luôn được giữ cao hơn mức thấp khoảng một mét, có hiệu quả làm gia tăng lượng tôm cá trong Biển hồ đang có nguy cơ bị sa sút - và đây cũng là nguồn chất đạm chínhh cho người dân Cambốt. Sau cùng, do nguồn sản xuất điện từ Tonle Sap sẽ theo mùa, nên nguồn thủy điện từ Sambor sẽ là phần hỗ trợ cho dự án Tonle Sap.

Thứ đến là các dự án mang thứ tự ưu tiên hai và ba, bao gồm dự án thác Khone và dự án Khemarat.

  • Dự án thác Khone: vị trí ngay phía bắc ranh giới giữa Cambốt và Lào có khả năng cung cấp 800 MW điện, tưới cho khoảng 125 ngàn mẫu Anh đất, đồng thời cải thiện khúc thủy lộ giao thông khoảng 30 dặm phía trên thượng nguồn.

  • Dự án Khemarat: vị trí phía dưới chân thác Khemarat, giữa ranh giới Thái lan và nam Lào, dự trù sản xuất 800 MW điện, bơm tưới cho khoảng 125 ngàn mẫu Anh đất; dự án còn có mục đích ngăn lũ và thêm được một thủy lộ sâu chạy dài khoảng 160 dặm.

  • Ngoài ra còn một số địa điểm khác trên dòng chính sông Mekong cũng được nghiên cứu cho những con đập khác như: đập Pak Beng nhằm sản xuất điện, ngăn lũ và thêm thủy lộ lưu thông; đập Pak Lay và Luang Prabang cũng nhằm sản xuất điện, mở thêm thủy lộ giao thông. Các địa danh khác cũng được lưu ý tới: Bang Kan, Thakhek dọc biên giới Thái Lào, Pakse ở nam Lào, Stung Treng ở Cambốt...

CẢNH ÐỒNG SÀNG DỊ MỘNG:

Con sông xanh cuồng nộ nhưng thầm lặng ấy dường như vẫn chưa có gì thay đổi trải qua hàng ngàn năm, từng đã bị quên lãng, từng đã bị hủy hoại vì những cuộc chiến tranh. Tuy là một con sông lớn hàng thứ 7 của Á châu và hàng thứ 12 của thế giới - nhưng lại được coi là kém khai thác nhất trong vùng đông Nam Á và cả thế giới . Với số đập hiện nay trong khu vực hạ lưu ( 9 đập trong nội địa Thái - nổi tiếng là đập Pak Mun với công suất 136 MW; 3 đập ở Lào - nổi tiếng với đập Nam Ngum công suất 150 MW) chủ yếu là trên các nhánh phụ lưu, người ta cũng chỉ mới kiểm soát ngăn chặn đưa vào xử dụng chưa tới 5% lưu lượng nước con sông hàng năm đổ ra biển.

Nhưng khi thực hiện được 9 đập lớn trên dòng chính sông Mekong và hơn 50 đập nhỏ khác trên các phụ lưu - theo như dự án của Hội đồng sông Mekong, nhằm cung cấp điện cho cả vùng kinh tế đang mau chóng phát triển, thì phải nói rằng trong một tương lai không xa, toàn hệ thống hoang dã của con sông Mekong sẽ biến đổi sâu xa, ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống của hơn 50 triệu dân cư sống bên những sông rạch và ruộng đồng - bấy lâu vẫn phụ thuộc vào chu kỳ 2 mùa lũ-hạn hàng năm (annual flood-drought cycle) của con sông Mekong. Rõ ràng hậu quả trước mắt là các con đập sẽ dìm sâu trong nước những vùng đất đai, hàng trăm ngàn người sẽ bị mất hết nhà cửa phải tái định cư, đó là chưa kể mối nguy hại cho các loại muông thú và nhất làảnh hưởng tác hại trên toàn hệ sinh thái của tôm cá vốn rất phong phú của con sông Mekong. Ngoài ra, ruộng đồng sẽ không còn được tô bồi hàng năm bằng lớp phù sa màu mỡ do những con nước lũ (4).

Khác với sông Nile (Ai cập) và sông Hằng (Ấn độ), dường như đã không có một nền văn hóa sông Mekong thuần nhất. Miến điện, Thái, Lào và Cambốt thuộc văn hóa Nam Á trong khi Trung Hoa, Việt Nam (cùng với Ðại Hàn, Nhật bản) thuộc nền văn hóa Ðông Á mà các nhà báo ví von gọi là "nền văn hóa cầm đũa - la civilisation de la baguette". Lại thêm sự khác biệt về những chế độ chính trị: dọc theo con sông ấy, bờ bờ đông tả ngạn trong một thời gian dài là thành trì của chế độ cộng sản cứng nhắc, tàn bạo và lì lợm; trong khi phía bờ tây hữu ngạn là chế độ quân phiệt nhưng theo kinh tế tư bản phát triển hoang dã. Cho dù dưới chế độ chính trị nào thì họ vẫn gần gũi nhau trong một khung cảnh khí hậu nhiệt đới, sống trong những đất nước được mệnh danh là đang phát triển, chưa có tự do dân chủ và với khoảng cách giàu nghèo còn đang rất nhiều cách biệt (3).

Bây giờ tình hình đã có những dấu hiệu đổi khác từ bên bờ phía đông sông Mekong, với chính sách "mở cửa" theo kinh tế thị trường ở, điều ấy mang thêm ý nghĩa gì trong việc triển khai dự án sông Mekong? Khi mà trong mỗi kế hoạch đã ẩn chứa những mâu thuẫn sâu xa về quyền lợi giữa các nước thành viên nếu chỉ đứng trên quan điểm quốc gia hạn hẹp của riêng mình. Không dễ gì vượt qua trở ngại nếu nếu không có được một không khí cởi mở đối thoại dẫn tới sự tin cậy cùng với những tính toán thận trọng.

Một ví dụ liên quan tới dự án Pa Mong rất được Thái lan nhiệt tình cổ võ không phải chỉ do tiềm năng thủy điện lớn lao cung cấp cho kỹ nghệ và dân dụng (2000 MW) mà còn do kế hoạch dẫn thủy bơm tưới cho cả một vùng đông bắc Thái lan nghèo nàn rộng lớn khô cằn với dân cư chiếm tới 2/5 tổng số dân Thái. Bởi lẽ đó người ta đã không ngạc nhiên khi thấy Thái lan là nước mong thực hiện sớm nhất dự án nầy để có thêm được 2 triệu rưỡi mẫu Anh đưa vào sản xuất - trong khi Thái lan đã đứng đầu thế giới về xuất cảng gạo và Việt nam thì đứng hàng thứ hai. Nhưng còn hậu quả môi sinh của Pa Mong đối với các nước hạ nguồn sẽ ra sao? Như làm trầm trọng thêm nạn xâm lấn nước mặn từ biển vào sâu trong vùng châu thổ - mà quốc gia chịu nguy hại trực tiếp không ai khác hơn là Việt nam. Nếu đây là mối e ngại của Việt nam thì đó thực sự không phải là mối quan tâm của Thái.

Một ví dụ thứ hai, trong khi kế hoạch Tonle Sap và Sambor rất được Việt nam tha thiết quan tâm, do hai hồ chứa nầy (một thiên nhiên và một nhân tạo) ngoài mục đích sản xuất điện, còn có khả năng điều hòa mực nước theo hai mùa lũ lụt và khô hạn đồng thời ngăn chặn nguồn nước mặn từ biển lấn sâu vào vùng đồng bằng sông Cửu long; nhưng dự án ấy đã bị Cambốt nhỏ với con mắt nghi kỵ - do bắt nguồn từ ám ảnh lịch sử vốn đã là thiếu thân thiện giữa hai nước. Cambốt đã không coi vấn đề tăng lượng hải sản trong hồ Tonle Sap và việc ngăn lũ là quan trọng nên đã từng tỏ ý không hợp tác và cũng đã nhiều lần dọa rút ra khỏi Ủy ban nghiên cứu dự án (1).

Trước cái cảnh đồng sàng dị mộng ấy, các quốc gia hai bên bờ sông Mekong - trong quá khứ chưa hề có những kinh nghiệm đáng kể về hợp tác về phát triển, liệu họ có khả năng hay không để tìm ra một mẫu số chung tiến tới xây dựng một cuộc sống thịnh vượng trong khung cảnh hòa hợp của một cộng đồng Ðônng Nam Á- không bị chi phối bởi các nước Tây phương, Trung hoa hay Nhật bản từ bên ngoài và cũng không bị khống chế bởi chính hai nước lớn bên trong như Thái lan hay Việt nam.

CHỈ CÒN ỦY BAN MEKONG LÂM THỜI:

Ủy Ban Sông Mekong từ ngày thành lập tới nay cũng đã trải qua những bước thăng trầm song song với những cơn bão táp chính trị ở trong vùng. Trong thời kỳ Khmer Ðỏ, Cambốt đã không tham dự các cuộc họp của Ủy ban. Tiếp theo đó chính phủ Nam vang do Việt nam hậu thuẫn đã không được Thái lan nhìn nhận. Do đó mà Ủy ban sông Mekong đã hoạt động một cách hạn chế dưới hình thức lâm thời (interim) không có sự hiện diện của Cambốt.

Cũng trong thời gian nầy Thái lan đã có ý định chuyển dòng chính sông Mekong nhằm đưa một lượng nước lớn bơm tưới cho cho cả một vùng đông bắc Thái - dự án nầy là của riêng Thái lan không nằm trong kế hoạch nghiên cứu và quyết định của Ủy ban sông Mekong, có nghĩa là không được chấp thuận bởi các quốc gia hạ nguồn là Lào, Cambốt và Việt nam (4).

Vào cuối năm 1991, Cambốt yêu cầu được tái gia nhập Ủy ban sông Mekong nhưng đã gặp sự chống đối bất ngờ của Thái lan với thâm ý là kéo dài thời thời gian có lợi cho Thái. Ðồng thời Thái lan cũng lại phủ nhận tính chất pháp lý của Ủy ban sông Mekong trước năm 1975 viện lý do tình hình đã thay đổi và cần duyệt xét lại nguyên tắc điều hành và thành phần của Ủy ban. Ðiều gây cấn với Thái là kế hoạch chuyển dòng khai thác nước từ sông Mekong đã gặp phải sự chống đối của Việt nam. Nhưng Thái vẫn khăng khăng với kế hoạch của mình và vào phút chót đã đơn phương hủy bỏ cuộc họp của Ủy ban sông Mekong tại Chiang Mai vào đầu năm 92, trong khi phái đoàn Việt nam đã tới Thái lan, đã gây một khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Thái lan đã lại đạo diễn cho một hội nghị khác bao gồm cả Miến điện và Trung quốc để tìm kiếm sự hậu thuẫn của hai nước nầy cho dù họ chưa hề là thành viên của Ủy ban sông Mekong và là hai nước ở phía thượng nguồn. Bởi lý do đó Việt nam đã từ chối tham dự hội nghị nầy.

Trong điều kiện chia rẽ như vậy, Ủy ban sông Mekong hầu như bị tê liệt. Thời gian nầy sẽ có lợi nhất thời cho Thái lan trong khi theo đuổi mục tiêu riêng rẽ của họ.

TỪ ỦY BAN LÂM THỜI TỚI HỘI ÐỒNG SÔNG MEKONG:

Từ 1959, Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ thành lập tổ chức EGAT (Electric Generating Authority of Thailand) và EDL (Electricite du Laos) với mục đích tăng sản xuất và phân phối điện tại Thái và Lào, và EGAT cũng là cơ quan chính từ nước ngoài đề xuất việc phát triển thủy điện trên các nhánh phụ lưu trong nước Lào. Do nhu cầu phát triển kinh tế và kỹ nghệ rất nhanh của Thái (10% trong khoảng thập niên 81-91) nên cần thêm nhiều nguồn năng lượng điện, và Lào thì ước muốn được xuất cảng điện để cóngoại tệ (dự trù thu về 350 triệu Mỹ kim mỗi năm kể từ năm 2010) đó là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy các kế hoạch phát triển thủy điện rộng khắp trong vùng hạ lưu sông Mekong.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, giai đoạn trước hội nghị năm 1992 nhằm thông qua sự tái gia nhập của Cambốt và phục hồi hoạt động của Ủy ban sông Mekong, bộ Ngoại giao Thái đã đe dọa rút ra khỏi Ủy ban bởi vì kế hoạch đổi dòng sông Mekong của Thái để dẫn thủy về vùng đông bắc Thái đã bị các hội viên khác chống đối nhất là từ phía Việt nam.

Ngày 05 tháng 04 năm 1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy ban Sông Mekong (1957) (đại diện cho Việt nam là bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm) cùng ký "Hiệp định hợp tác phát triển bền vững vùng Hạ lưu sông Mekong" và đổi sang một tên mới là Hội đồng Sông Mekong (The Mekong Commission) và đồng thời phục hồi quyền hạn của Ủy ban Kế hoạch Vùng.

Một thay đổi có thể gọi là cơ bản trong Hiệp định mới nầy là- thay vì mỗi hội viên có quyền phủ quyết (veto power) ngăn chặn bất cứ một dự án nào có gây ảnh hưởng tai hại tới dòng chính sông Mekong - thì nay trong chương nội quy mới không cho một thành viên nào có quyền phủ quyết như vậy và cả trong ngôn từ để chuẩn y các dự án cũng rất là mơ hồ.

Có thể nói đây là bước lùi hay thiếu cảnh giác nghiêm trọng về phía Việt nam khi đặt bút ký hiệp định thư nầy vì ai cũng biết Việt nam là nước ở cuối hạ nguồn sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề về ô nhiễm và mất cân bằng về môi sinh nếu Thái lan vẫn cứ đơn phương vội vã thực hiện các kế hoạch của mình.

Trước tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt ấy, thì đây là một bài toán phức tạp không dễ dàng có lời giải đáp từ phía Việt nam; nhưng nếu là giới lãnh đạo được coi là có trách nhiệm thì sẽ không thể chỉ có thái độ "chờ xem - wait and see" trước hành động khuynh loát từ phía Thái lan. (06/97)

NGÔ THẾ VINH - Tài Liệu Tham Khảo:
<>

  1. The Mekong Committee: A New Genus of International Organization; Somporn Sangchai, Indiana Univ.1967.

  2. The Mekong Project: Opportunities and Problems of Regionalism; Franklin P. Huddle; U S House of Representatives; Wash. Govt. Print. Off.1972.

  3. Mekong, Apres le Degel: Serie Monde H.S. 1992.

  4. Lessons Unlearned: Damming the Mekong River; Rothert S.; Intl. Rivers Network Working Oct.1995.

  5. Silenced Rivers; Patrick McCully, Zed Books Ltd. London 1996.

http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/quadiacau/images/dap.jpgAuthor: NGO THE VINH is a novelist and physician; former editor of Tinh Thuong Magazine, former chief surgeon of the 81st Airborne Ranger Group ARVN. He authored 4 books published in Saigon before 1975.Mat Tran O Saigon (Battlefield in Saigon) is a short-story collection published by Van Nghe in the United States (1996). He currently resides in Southern California and is a staff internist, asst.clin.prof. UCI College of Medicine. His current field of interest includes: Public Health & the Environmental Aspects of the Mekong Delta and the Developmental Implications.(http://www.mekongriver.org/vncommit.htm)

THẢM KỊCH MÔI SINH TRÊN SÔNG TÙNG HOA VÀ CÁCH ỨNG SỬ CỦA TRUNG QUỐC

NGÔ THẾ VINH

LTS. Với chuỗi đập khổng lồ Vân Nam chắn ngang sông Mekong, đâu phải chỉ khiến con sông Mekong cạn dòng và Đồng Bằng Sông Cửu Long thêm ngập mặn mà do có thêm dồi dào nguồn thủy điện, là yếu tố tạo thuận cho các khu kỹ nghệ ven sông mau chóng phát triển. Dĩ nhiên sẽ không thiếu những nhà máy hóa chất lớn như ở Cát Lâm. Và đó sẽ là những trái bom nổ chậm / time bombs có thể gây nên một thảm họa môi sinh bất cứ lúc nào.

Bài viết dưới đây là những bước theo dõi phân tích cung cách ứng xử của Trung Quốc trong khoảng 20 ngày sau vụ nổ nhà máy hóa chất của Petrochina ở tỉnh Cát Lâm (13-11-2005 / 03-12-2005) gây một thảm họa môi sinh_ được ví như một Chernobyl hóa chất trên con sông Tùng Hoa dài 2 ngàn Km, làm ô nhiễm nguồn nước uống của hàng trăm triệu cư dân ven sông, gây ảnh hưởng dây chuyền sang tới con sông Amour của Nga ở dưới nguồn...

HARLIN IN THE NEWS

Chủ Nhật 13 tháng 11, 2005, một nhà máy hóa chất dầu hỏa lớn trong tỉnh Cát Lâm / Jillin bắc Trung Quốc bị nổ làm ít nhất 5 người chết, một số bị thương và nhiều ngàn người phải di tản vì những làn khí độc. Hậu quả tức thời là hơn 100 tấn benzene và những độc chất khác từ nhà máy đã đổ xuống sông Tùng Hoa / Songhua, con sông có chiều dài ngót 2000 km, là một phụ lưu lớn của sông Hắc Long / Heilongjiang.

Sông Tùng Hoa/ Songhua chảy qua thành phố lớn Cáp Nhĩ Tân / Harbin với ngót 4 triệu dân và hơn 30 thành phố khác, nối tiếp với các vùng thôn quê mà đa số cư dân sống nhờ vào nguồn nước của con sông này.

Điều đáng nói là cư dân Cáp Nhĩ Tân / Harbin, thị trấn của tỉnh Hắc Long Giang, cách Cát Lâm / Jilin 200 km, chỉ được thông báo vào ngày thứ Tư 23 tháng 11, 2005 - nghĩa là mãi tới mười ngày sau vụ nổ.

Một lớp hóa chất cực độc trải dài tới 80 km, trôi xuôi dòng trên con sông Tùng Hoa / Songhua, một phần băng giá nhưng vẫn có dòng chảy chậm qua thành phố họ. Benzene và nitrobenzene là chất gây ung thư ngay cả với liều lượng nhỏ. Khối chất độc ấy sẽ tiếp tục trôi xuống hạ nguồn, đổ vào con sông lớn Hắc Long Giang , khi vào lãnh thổ Nga, mang tên sông Amour chảy ngang qua thị trấn biên giới đầu tiên Khabarovsk rồi tới ba thành phố khác xa hơn dưới nguồn.

Nguyên nhân của tai nạn, như từ bao giờ, thường không được nhà cầm quyền Trung Quốc làm sáng tỏ. Cho dù công ty Petrochina trực tiếp chịu trách nhiệm nhưng họ thì vẫn luôn luôn phủ nhận những nguy hiểm của ô nhiễm độc chất.

Vào ngày Chủ Nhật 20 tháng 11, 2005, theo thông tấn nhà nước Trung Quốc, nồng độ benzene / nitrobenzene nơi ranh giới tỉnh Cát Lâm / Jillin và tỉnh Hắc Long Giang đã vượt cao hơn mức độc hại từ 30 tới 100 lần.

SỰ HOẢNG LOẠN TRƯỚC NHÂN TAI

Các chuyên gia môi sinh đã ví vụ nổ ở tỉnh Cát Lâm / Jillin như một thảm họa Chernobyl Hóa Chất làm ô nhiễm nguồn nước sống còn vốn đã rất hiếm ở Trung Quốc. Nhiều triệu cư dân ven sông phần lớn đã phụ thuộc vào nguồn nước uống từ con sông Tùng Hoa / Songhua này.

Tưởng cũng nên nhớ lại thảm họa môi sinh Chernobyl, cách đây 19 năm [16 tháng 04, 1986] là vụ nổ của một nhà máy điện nguyên tử thuộc Liên bang Xô Viết cũ nay là Ukraine mà cho đến bây giờ vẫn còn là một vùng với độ nhiễm độc phóng sạ cao.

Sau vụ nổ , chánh quyền địa phương tỉnh Cát Lâm / Jillin, ban đầu muốn dấu nhẹm mọi tin tức với hy vọng số lượng độc chất đổ xuống sông sẽ tự tan loãng và bị trung hòa. Nhưng sự thể không đơn giản như vậy.

Trong khi đó ở thị trấn lớn Cáp Nhĩ Tân / Harbin dưới nguồn, chỉ có những tin đồn đãi, như sắp có động đất, nên người ta đổ xô đi mua trữ thực phẩm và nước uống. Sang ngày thứ Hai, các siêu thị không còn nước bán. Ngày thứ Ba, chánh quyền Cáp Nhĩ Tân / Harbin bắt đầu ban lệnh cắt nguồn cung cấp nước chỉ với lý do nêu ra là để bảo trì trong vòng 4 ngày, là khoảng thời gian phỏng chừng để thảm chất độc benzene đã chảy qua Cáp Nhĩ Tân / Harbin.

Những chiếc xe citernes tải nước tới thành phố Cáp Nhĩ Tân / Harbin, cùng với lời giải thích: Sẽ mở lại nguồn nước một giờ mỗi ngày, nhưng không được uống. Các trường học đóng cửa và công sở thì vẫn làm việc. Dân chúng thì hốt hoảng xếp hàng chen chúc ngoài trời cóng lạnh với thùng chậu trên tay để tranh hứng phần nước ngọt nhỏ nhoi từ những chiếc xe tải.

Tin tức từ Cáp Nhĩ Tân / Harbin vào ngày thứ Năm 24 tháng 11, 2005 thì như vậy. Nhưng từ 2 ngày trước đó, tức là thứ Ba 22 tháng 11, 2005, đã có những tin không chính thức của các nhà hoạt động môi sinh loan tải trên internet về một thảm họa ô nhiễm benzene trên con sông Tùng Hoa / Songhua.

Trong sự hoảng sợ và hoang mang, bao nhiêu câu hỏi được nêu ra là .Tại sao không có phòng ngừa trước ? Sau thành phố lớn Cáp Nhĩ Tân / Harbin được nhắc nhở trên báo chí, nhưng còn 30 thị trấn ven sông và dưới nguồn khác sẽ ra sao? Dòng độc chất benzene khi tới lãnh thổ Nga, cư dân thị trấn Khabarovsk sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào? Ảnh lâu dài trên người, trên nguồn nước, nguồn cá sẽ ra sao? Vẫn không có câu trả lời cho những vấn nạn ấy.

ĐỘC CHẤT KHÔNG SẮC BENZENE VÀ CÁC BỆNH UNG THƯ

Benzene là một hóa chất lỏng, trong không màu và dễ cháy, được dùng để chế tạo các vật dụng plastics, thuốc trừ sâu và chất tẩy / detergents.

Về phương diện y khoa, rất sớm từ 1920, benzene được biết tới như một độc chất có thể gây ung thư máu. Từ 1940, Viện Dầu Hỏa Hoa Kỳ [American Petroleum Institute] cũng đã ghi nhận những trường hợp ung thư máu do bị nhiễm benzene. Từ 1970, khảo sát dịch tễ học trên các công nhân làm việc tiếp cận với hóa chất benzene, cho thấy họ có khả năng bị ung thư máu cao hơn. Đến 1997, viện Y tế Công cộng Đại học North Carolina đã xác định là có nhiều dạng ung thư máu [leukemias] cấp tính và mạn tính do bị nhiễm độc chất benzene [Amer.J. Industrial Health 31: 287-295, 1977].

Nhiễm độc benzene lâu dài dù với liều lượng nhỏ có thể làm biến đổi nhiễm sắc thể / chromosomes gây ra chứng hoại huyết [aplastic anemia], do tủy xương bị tổn hại mất khả năng sản xuất các tế bào huyết.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường của nhà nước Trung Quốc / SEPA [State Environment Protection Administration] cũng xác nhận là chất trầm lắng / sedimentation của nitrobenzene có thể tích lũy trong thân cá nên đã khuyên dân chúng là không nên ăn cá lưới được từ con sông Tùng Hoa / Songhua ít nhất là trong vòng hai tháng tới. Nhưng câu hỏi được đặt ra là sau khoảng thời gian 2 tháng giả định ấy, liệu có thực sự là an toàn không khi dân chúng tiêu thụ trở lại các loại thủy sản thu hoạch được từ con sông Tùng Hoa ? Không ai thực sự có thể đưa ra lời giải đáp.

TRỢ GIÚP CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

Liên Hiệp Quốc đã ngỏ lời sẵn sàng giúp Trung Quốc và Nga đương đầu với vụ ô nhiễm môi sinh rộng lớn liên quốc gia này. Nhưng Bắc Kinh, vì sĩ diện như từ bao giờ, tỏ ra không muốn đáp ứng và cũng không muốn chia xẻ thêm thông tin về tai nạn vừa qua. Vladimir Sakharov, giám đốc Phân bộ Cấp cứu Môi sinh của Liên Hiệp Quốc [Environmental Emergencies Section] có văn phòng tại Geneve, đã phát biểu: Chúng tôi cần những thông tin cơ bản và chính thức từ phía Trung Quốc nhưng chúng tôi đã không có được. Sakharov cũng thông báo cho cả hai chánh phủ Trung Quốc và Nga về thiện chí của Liên Hiệp Quốc muốn có được một lượng giá chuyên nghiệp, độc lập và vô tư về tai nạn môi sinh này nhưng cả Trung Quốc và Nga đều không có đáp ứng. Ông cũng nói thêm rằng Chẳng thể nào mà so sánh tai nạn này với các vụ ô nhiễm sông ngòi khác hay có thể lượng định ảnh hưởng tác hại môi sinh lâu dài nếu không có thêm thông tin từ phía Trung Quốc. Chúng tôi đã yêu cầu và vẫn chờ đợi.

NGA SẼ KIỆN TRUNG QUỐC TRƯỚC TÒA ÁN QUỐC TẾ

Một viên chức cao cấp Nga về chuyên về an toàn môi sinh đã nói với phóng viên thông tấn AP là Nga đã phải chuẩn bị 50 tấn than hoạt tính / activated carbon để đương đầu với dòng độc chất đổ tới từ Trung Quốc. Thật là khó khăn để lượng định hậu quả môi sinh của vụ nổ nhà máy hóa chất ở Cát Lâm / Jilin Trung Quốc nhưng có điều chắc chắn là mọi chủng loại cá trên sông Amour sẽ bị thiệt hại và ô nhiễm nặng. Chính quyền Nga ở địa phương và cả trung ương đã hết sức lo ngại về những hậu quả tức thời và lâu dài của thảm họa môi sinh này.

Hôm thứ Sáu 25/11/2005, viện sĩ Nga Viktor Shudegov nói với hãng thông tấn RIA-Novosti là vì những hậu quả tác hại môi sinh do ô nhiễm hóa chất từ Trung Quốc đổ vào con sông Amour, có thể chánh phủ Nga sẽ kiện trước Tòa án Quốc tế bắt Trung Quốc phải bồi thường những thiệt hại. Và hầu như Trung Quốc sẽ không bao giờ tự nguyện làm điều ấy.

Trong bài xã luận, đăng tải trên The Moscow Times, ký giả kỳ cựu Georgy Bovt đã chỉ trích chánh phủ Nga là thiếu sót trong các tin tức tình báo về vụ nổ nhà máy hóa chất bên Trung Quốc và Mặc Tư Khoa chỉ được thông báo 10 ngày sau. Phản ứng muộn màng trong biến cố này là điển hình tình trạng thiếu hiệu năng của một đất nước Nga cũ. Bovt cũng cho rằng Mặc Tư Khoa muốn giới hạn phản ứng để làm vừa lòng quốc gia láng giềng Trung Quốc, vốn đang là khách hàng tiêu thụ khổng lồ về năng lượng của Nga.

Để trả lời sự trách móc của Nga, Trung Quốc thì vẫn khẳng định là mình không làm điều gì sai trái khi chờ tới hàng tuần lễ sau mới thông báo cho Mặc Tư Khoa biết về vụ nổ xảy ra từ ngày 13 tháng 11, 2005 tại Cát Lâm / Jilin.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao bào chữa .Do vì có nhiều mức độ tường trình khác nhau và các giới chức địa phương ven sông thì được báo tin trước. Ông ta tiếp: Mãi tới 14 ngày sau các độc chất mới xuống tới được con sông Amour, do đó chúng tôi nghĩ rằng đã không chậm trễ cung cấp tin tức và như vậy thì sự than phiền của Nga là quá sớm.

Trước hình ảnh rất xấu xí của Trung Quốc, qua cách ứng xử thiếu trách nhiệm với vụ nổ ở Cát lâm / Jilin, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải chính thức xin lỗi công chúng và cường quốc láng giềng Nga. Điều này phải nói là rất hiếm.

Và rồi cũng để trấn an dân chúng, theo Tân Hoa Xã, Zhang Zuoji tỉnh trưởng Hắc Long Giang tuyên bố ông sẽ là người uống ngụm nước đầu tiên khi chánh quyền thông báo nước từ con sông Tùng Hoa / Songhua đã trở lại mức an toàn để dùng làm nước uống.

KHẢ NĂNG MỘT CHERNOBYL TRÊN SÔNG MEKONG

Không có chiến lược dự phòng cho an toàn môi trường, cũng không có kế hoạch đối phó cấp thời với thảm họa khi xảy ra. Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, bất chấp mọi hậu quả môi sinh, nạn nhân tức thời và trong lâu dài của ô nhiễm môi sinh chính là người dân của Trung Quốc và cả cư dân của các quốc gia lân bang .

Khi mà Trung Quốc coi mỗi đô la đầu tư vào nghiên cứu bảo vệ môi sinh là một phí phạm sa sỉ, khi mà các độc chất đã bị cấm ở Mỹ cũng như ở các quốc gia kỹ nghệ phát triển nhưng vẫn cứ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc thì : đất, khí quyển và nhất là sông ngòi của Trung Quốc ngày càng bị ô nhiễm là điều không thể tránh. Nói tới vấn đề ô nhiễm môi sinh của Trung Quốc chẳng phải là chuyện xa vời mà là mối đe dọa thường nhật.

Tấn thảm kịch môi sinh Cát Lâm / Jilin được báo Le Monde [25-11-2005] gán cho tên Chernobyl chimique / Chernobyl hóa chất không chỉ bởi tầm vóc tác hại lớn lao liên quốc gia, nhưng đối với thế giới, tên Chernobyl còn là biểu tượng xấu của một chế độ toàn trị luôn luôn che đậy bưng bít thông tin, coi thường an toàn công cộng và cả bất lực cung cấp dịch vụ cấp cứu cơ bản cho người dân khi có lâm nguy.

Đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh, thảm kịch môi sinh trên con sông Tùng Hoa / Songhua còn là một Chernobyl chánh trị. Bởi vì khi mà chánh sách bưng bít không còn hiệu quả, để giới hạn tổn thất và cả vãn hồi uy tín, rồi ra Trung Quốc sẽ có những màn trình diễn ngoạn mục khác. Theo tin hãng thông tấn Nga RIA-Novosti gửi đi từ Bắc Kinh [12-02-2005], thì Bộ trưởng Bảo vệ Môi sinh Xie Zhenhua vừa bị giải nhiệm và được thay thế bởi Sheng Xian nguyên là giám đốc Bộ Lâm nghiệp...

Rồi nhìn về Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS / Greater Mekong Subregion], với chuỗi đập khổng lồ Vân Nam chắn ngang sông Lan Thương [tên Trung Quốc của sông Mekong], chuỗi đập ấy đâu phải chỉ khiến con sông Mekong cạn dòng và Đồng Bằng Sông Cửu Long thêm ngập mặn mà do có thêm dồi dào nguồn thủy điện, là yếu tố tạo thuận cho các khu kỹ nghệ ven sông Lan Thương mau chóng phát triển.

Dĩ nhiên không thiếu những nhà máy hóa chất lớn như ở Cát Lâm / Jilin. Và đó sẽ là những trái bom nổ chậm / time bombs có thể gây nên một thảm họa môi sinh bất cứ lúc nào. Tầm vóc của tấn thảm kịch trên sông Mekong có thể lớn hơn nhưng rồi ra cũng sẽ có cùng một kịch bản / scenario như câu chuyện của con sông Tùng Hoa / Songhua hiện nay.

Nếu có thêm một Chernobyl 2. Made in China trên sông Mekong, thì nạn nhân không ai khác hơn chính là hàng trăm triệu cư dân nơi các quốc gia hạ nguồn là Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

NGÔ THẾ VINH

12 - 03 - 2005

Tham khảo:

1/ Toxic Flow Reaches Chinese City; Oil Company Blamed, David Lague International Herald Tribune, Nov 24, 2005

2/ Catastrophe Ecologique en Chine du Nord, Brice Pedroletti Le Monde, 24.11.05

3/ China Defends Handling of Toxic Spill, by Joe McDonald AP Writer, Thu Nov 24, 2005

4/ City Flees to Country as Toxix Slick Chokes River, Jane Macartney www.timesonline.co.uk , Nov 25, 2005

5/ Environment. L' Amour En Danger, Colette Thomas www.rfi.fr/actufr/071/article_0020.asp

6/ Consumer Factsheet on: Benzene www.epa.gov/safewater/dwh/c-voc/benzene.html

7/Russia Braces for Toxic Spill, China sends Apologies www.mosnews.com/news/2005/11/28/chinrusapologies

8/ Russian City in Path of Huge Toxic Spill, Burt Herman Associated Press, Dec 1, 2005(http://www.mekongriver.org/khluan/tkmssth.htm)

NGÓT NỬA THẾ KỶ TỪ ỦY BAN SÔNG MEKONG TỚI TUYÊN NGÔN CÔN MINH [1957 - 2005]

Ngô Thế Vinh.

THAY LỜI DẪN NHẬP

MỘT_ Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian (Mỹ) đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc. (9)

HAI_ Thủ Tướng Hunsen trước khi sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, theo ông chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, ông còn cho rằng các ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia.(4)

TỪ ỦY BAN SÔNG MEKONG 1957-1976

Từ những thập niên 40s, các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm năng thủy điện của con sông Mekong. Năm 1957, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, với bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, chủ yếu là Mỹ, một Ủy Ban Sông Mekong [Mekong River Committee] được thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam và một văn phòng thường trực đặt tại Bangkok; với kế hoạch phát triển toàn diện vùng Hạ Lưu sông Mekong nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Có một điều lệ gần như cơ bản của Ủy Ban Sông Mekong để phân biệt với Ủy Hội Sông Mekong [Mekong River Commission] sau này, là quyền phủ quyết. Không một quốc gia thành viên nào có thể thực hiện dự án liên hệ tới con sông Mekong nếu không được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên khác.

Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây, cho dù có một nửa chiều dài sông Mekong chảy qua Vân Nam nhưng Trung Quốc lúc đó còn là một quốc gia khép kín và ít được nhắc tới.

Nhưng rồi, Chiến Tranh Việt Nam đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương qua hơn ba thập niên, [Thái Lan tuy không trực tiếp tham chiến nhưng cũng đã là một hậu cần của Mỹ trong suốt cuộc chiến], nên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện lớn chắn ngang sông Mekong vùng Hạ Lưu và các chương trình khai thác khác đã phải gián đoạn, khiến cho con sông Mekong còn giữ được vẻ hoang dã và cả sự nguyên vẹn thêm một thời gian nữa.

TỚI ỦY BAN MEKONG LÂM THỜI 1978 - 1992

Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng vẫn còn một cuộc chiến tranh diệt chủng diễn ra trên Xứ Chùa Tháp. Không có Cam Bốt, một Ủy Ban Mekong Lâm Thời [Mekong Interim Committee] được thành lập năm 1978 với hoạt động hạn chế. Cũng trong thời gian này, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng sông Mekong nhằm đưa một lượng nước lớn bơm tưới cho cả một vùng đông bắc Thái Lan khô hạn. Đó là một dự án của riêng Thái Lan, không có trong kế hoạch ban đầu của Ủy Ban Sông Mekong. Gặp sự chống đối của Việt Nam, Thái Lan đi tới phủ nhận tính cách pháp lý của Ủy Ban Sông Mekong, viện lý do là tổ chức này đã không còn phù hợp với những thay đổi về chánh trị, kinh tế và xã hội trong vùng. Trong điều kiện phân hóa như vậy, Ủy Ban Lâm Thời Mekong hầu như bị tê liệt.

TỚI ỦY HỘI SÔNG MEKONG 1995-2005
Bước vào thời bình với nhu cầu phát triển, con sông Mekong đã trở thành mục tiêu khai thác của 6 quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS / Greater Mekong Subregion]. Cùng là những nước ven sông nhưng mỗi quốc gia lại có những ưu tiên về phát triển khác nhau với những quyền lợi mâu thuẫn. Do đó, phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự như Ủy Ban Sông Mekong trước đây là cần thiết.

Ngày 05 tháng 04 năm 1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy Ban Sông Mekong đã họp tại Chiang Rai, Thái Lan cùng ký kết một “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Hạ Lưu Sông Mekong” và đổi sang một tên mới là Ủy Hội Sông Mekong với một thay đổi cơ bản trong Hiệp Ước mới này - thay vì như trước đây trong Ủy Ban Sông Mekong, mỗi hội viên có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong - thì nay, theo nội quy mới không cho một thành viên nào có quyền như vậy và trong ngôn từ để chuẩn y các dự án cũng rất là mơ hồ như chỉ qua thông báo và tham khảo.

Có thể nói Ủy Hội Sông Mekong là “biến thể và xuống cấp” của Ủy Ban Sông Mekong trước kia. Ủy Hội Sông Mekong gồm 3 cơ cấu:

_ Hội Đồng Đại Diện [cấp bộ trưởng]

_ Ủy Ban Hỗn Hợp

_ Văn Phòng Thường Trực

Nay có văn phòng đặt tại Vạn Tượng. Khác với tham vọng chiến lược ban đầu của Ủy Ban Sông Mekong nhằm khai thác tiềm năng sông Mekong cho sự thịnh vượng chung của toàn lưu vực, mục tiêu của Ủy Hội Sông Mekong có phần khiêm tốn và thu hẹp hơn bao gồm (3)

BA CHƯƠNG TRÌNH NÒNG CỐT [core programmes]:

1/ Chương Trình Sử Dụng Nước : hình thành một khuôn khổ yểm trợ thích nghi cho phát triển bền vững, các quy định sử dụng nước với một hệ thống theo dõi và quản trị;

2/ Chương Trình Phát Triển Lưu Vực: xác định những cơ hội phát triển liên quốc gia;

3/ Chương Trình Môi Trường: xác định những thông tin căn bản về môi sinh để từ đó có thể quyết định về những ưu tiên và mức độ thích hợp cho những khu vực để phát triển.

NĂM CHƯƠNG TRÌNH KHU VỰC [5 sector]: 1/ Canh Nông, 2/ Thủy Lâm, 3/ Ngư nghiệp, 4/ Giao Thông và 5/ Du lịch.

MỘT CHƯƠNG TRÌNH YỂM TRỢ [Capacity Building Programme]

Ủy Hội Sông Mekong được bảo trợ bởi các tổ chức quốc tế, hội tư nhân, các viện nghiên cứu và tổ chức quốc gia với ngân khoản hàng năm khoảng 15 triệu Mỹ kim.

Ủy Hội Sông Mekong đã trải qua những bước khởi đầu chậm chạp do nhiều nguyên nhân như : việc di rời trụ sở từ Bangkok sang Nam Vang, một số thành viên có kinh nghiệm đã từ nhiệm vì lý do an ninh ở Nam Vang, rồi sự yếu kém trong quản trị, các cơ quan bảo trợ tỏ ra thiếu tin tưởng vào Ủy Hội trước sự thờ ơ của các nước thành viên cũng như thiếu mục tiêu rõ ràng lúc ban đầu.

Nhưng rồi từng bước, Văn Phòng Thường Trực của Ủy Hội Sông Mekong đã được cải thiện, tạo dựng được một hình ảnh mới tích cực hơn, đón nhận được sự tài trợ cũng lớn hơn, lên tới 28 triệu Mỹ kim năm 2000.

Ủy Hội đã hoàn tất được vài thành quả ban đầu như : đạt được thỏa thuận chia xẻ thông tin giữa 4 nước thành viên, thiết lập đưa vào sử dụng mạng lưới internet tiên đoán lũ lụt và theo dõi dòng chảy mùa khô; và nhất là đạt được thỏa ước [ký kết tháng 4, 2002] có thể gọi là lịch sử về trao đổi dữ kiện thủy văn [hydrological data exchange agreement] giữa Trung Quốc và Ủy Hội Sông Mekong.v.v. (7)

YẾU TỐ TRUNG QUỐC NHƯ MỘT NHÂN TAI

Qua thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã thực sự mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Không còn ảnh hưởng thống trị của Mỹ ở Đông Nam Á, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành yếu tố mới năng động với ảnh hưởng bao trùm trên toàn Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS].

Sự thịnh vượng cho Lưu Vực là điều hứa hẹn nhưng chưa tới, và đã tới những hậu quả nhãn tiền của các bước khai thác tự hủy nguồn tài nguyên sông Mekong, ảnh hưởng trực tiếp tới 70 triệu dân cư sống trong lưu vực.

Trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc đã ào ạt khai thác con sông Mekong, không ngừng xây thêm những con đập thủy điện khổng lồ ngang dòng chính làm ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và cả gây ô nhiễm cho hạ nguồn.

Chưa bao giờ trong Mùa Khô, mực nước con sông Mekong lại có thể xuống thấp đến như vậy từ ngày có những con đập Vân Nam [mới 3 trong dự án 14 đập]. Ở một số nơi có những khúc sông đã trơ đáy và hầu như cạn dòng. Nguồn cá và nông nghiệp đã trực tiếp bị ảnh hưởng. Không chỉ đơn giản vì thiếu mưa, sự kiện sông Mekong cạn dòng năm 1993 mà không vào mùa khô, trùng hợp với thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào con đập thủy điện đầu tiên Mạn Loan [Manwan] ngang dòng chính sông Mekong trên Vân Nam.

Odd Bootha, 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái Lan, đã than thở : Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch. Tình cảm bài Trung Quốc rất mạnh ở vùng Bắc Thái, chính dân làng đã công khai chống lại kế hoạch phá đá phá ghềnh thác khai thông sông Mekong của Trung Quốc.

Để có đủ nước vận hành 2 đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Phía tả ngạn bên Lào, chỉ riêng trong tháng 3/2004 , tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn. Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông Nam Á [Southeast Asia Rivers Network] cho rằng Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông Mekong. (10)

Sự chối từ của Trung Quốc tham gia vào Ủy Hội Sông Mekong khiến tổ chức này trở nên vô nghĩa trong nỗ lực điều hợp khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên của con sông Mekong.

Do nhu cầu điện của Trung Quốc tăng 5-6% / năm, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, trước viễn tượng nguồn dầu khí ngày càng cạn kiệt, Trung Quốc ngoài việc gia tăng tốc độ xây thêm các lò điện nguyên tử, từ 1 tới 2 lò mới mỗi năm, bất chấp mọi hậu quả (National Geographic, Aug 2005).

Đi xa hơn nữa, chỉ mới đây thôi, nếu không gặp sự chống đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn, Công Ty Dầu Khí Nhà Nước Trung Quốc (CNOOC/ Chinese National Offshore Oil Corp.) đã thành công mua đứt Unocal, công ty dầu khí lớn thứ hai của Mỹ với 18.5 tỉ Mỹ kim để sở hữu nguồn dầu khí chiến lược và cả khống chế quyền khai thác các trúi dầu trên toàn Biển Đông. [NY Times, Aug 3, 2005].

Với khát vọng vô hạn về năng lượng, rõ ràng không có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng bước hay chậm lại kế hoạch khai thác nguồn thủy điện phong phú của con sông Mekong.

Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian [Mỹ] đã phát biểu: Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông... Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc. (9)

Như một điệp khúc, phía chánh quyền Trung Quốc lúc nào cũng khăng khăng với lập luận là ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam trên sông Mekong là không đáng kể và còn có lợi nữa. Các con đập sẽ tạo thuận cho chu kỳ lũ - hạn hàng năm, khai thông dòng sông sẽ làm gia tăng trao đổi thương mại trong vùng và giúp giảm nghèo.

Deng Jiarong viên chức phụ trách Mekong Sự vụ, vẫn lặp lại những khẩu hiệu như một điệp khúc trấn an: Phát triển sông Mekong là một quyết định chung của tất cả các quốc gia liên hệ. Sự tổn hại và ảnh hưởng tiêu cực là rất nhỏ so với những lợi ích của cộng đồng dân cư lớn hơn.

Nhưng cũng không thiếu tiếng nói chỉ trích ngay tại Trung Quốc như Xu Xiaogang, chuyên viên nghiên cứu hậu quả các con đập trên các cộng đồng người Hoa: Trên con sông quốc tế, không một quốc gia nào có thể vị kỷ. Họ phải quan tâm tới ảnh hưởng trên các quốc gia khác và trên con sông như một toàn thể. (9)

Công bằng mà nói, không phải tất cả suy thoái của con sông Mekong là đến từ Trung Quốc. Cũng phải kể tới phần ảnh hưởng cộng thêm vào từ các con đập phụ lưu sông Mekong của Thái Lan, Lào và Việt Nam, càng làm suy thoái thêm toàn hệ sinh thái của dòng sông.

TỔNG THỐNG BUSH, MEKONG THÊM CẠN DÒNG

Tổ chức WWF / World Wide Fund đã đưa ra lời cảnh báo là hiện tượng Hâm Nóng Toàn cầu [Global Warming] đã khiến những khối băng trên rặng Hy Mã lạp Sơn mau chóng thu nhỏ lại, có thể gây ảnh hưởng thiếu hụt nước của hàng trăm triệu cư dân sống phụ thuộc vào những con sông có nguồn nước từ những khối băng tuyết này. Khối băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn [chỉ đứng thứ hai sau Bắc Cực] đang bị thu nhỏ lại với vận tốc từ 10 tới 15 mét / năm. Với hậu quả ban đầu là gia tăng lưu lượng nước sông, nhưng theo Jennifer Morgan, giám đốc Chương Trình Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu [WWF for Nature's Global Climate Change Programme] thì chỉ vài thập niên sau đó, tình hình sẽ đảo ngược. Khối băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn cấp nguồn nước cho 7 con sông lớn của Châu Á [sông Hằng, sông Indus, sông Brahmaputra, sông Salween, sông Dương Tử, Hoàng Hà và sông Mekong] trong đó có con sông Mekong, mực nước các con sông sẽ xuống rất thấp. (6)

WWF đã báo động tới nhóm các quốc gia kỹ nghệ G8 là: thế giới sẽ phải đương đầu với thảm họa về kinh tế và phát triển nếu mức độ hâm nóng toàn cầu không được giảm thiểu. Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, siêu cường kỹ nghệ Hoa Kỳ dưới triều đại Bush là nước duy nhất trong số 155 quốc gia từ chối ký tên vào Nghị Định Thư Kyoto [Kyoto Protocol]. Không phải chỉ có Trung Quốc, chính sách môi sinh thiển cận của Tổng Thống Bush trong một tương lai xa, cũng đã góp phần khiến con sông Mekong thêm cạn dòng.

GIẢI PHÁP NGẮN HẠN ĐỂ SỐNG CÒN

Với Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Ánh Nguyệt / RFI [12/2004] khi được hỏi về tình trạng nhiễm mặn ngày càng trầm trọng nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL] từ ngày Trung Quốc không ngừng tiến hành xây những con đập khổng lồ Vân Nam, Giáo sư Võ Tòng Xuân một tên tuổi được biết tới trước 1975 như cha đẻ của giống lúa cao sản Thần Nông, đã phát biểu :

“Nông dân ĐBSCL thích nghi nhanh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: bỏ hẳn giống lúa cổ truyền chuyển sang trồng lúa cao sản, nên chủ động tránh được lũ cũng như hạn hán. Ở những vùng bị nhiễm mặn, vùng nước lợ, thay vì trồng lúa thì chuyển qua những loại cây khác hay chuyển qua sản xuất nuôi tôm xú chịu được nước lợ; rồi phong trào nuôi cua biển đang phát triển mạnh, người nông dân sẽ dùng nguồn nước mặn này để nuôi thủy sản với giá thành cao hơn là trồng lúa. Hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đang vận dụng công nghệ sinh học, tìm những genes chịu mặn nhằm lai tạo những giống lúa cao sản tương đối chịu mặn hơn các giống lúa thường (chứ không phải là chịu nước mặn hoàn toàn). Xa hơn nữa, Việt Nam đang cùng với nhóm MEREM / Mekong Resources Economic Management do Nhật Bản tài trợ, nhằm nghiên cứu những thay đổi môi trường nước cũng như của đa dạng sinh học trên sông Mekong để từ đó có thể khuyên cáo những chánh phủ liên hệ nên sử dụng nguồn nước sao cho an toàn hơn. (8)

Với Cam Bốt, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi sông Mekong còn đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, như một bảo đảm cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Và chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy; nhưng với ông Thủ Tướng Hunsen, nhân buổi lễ thả cá giống vào một hồ ở phía đông Cam Bốt, đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, nhất là với nước lớn Trung Quốc, theo ông sẽ chẳng có vấn đề gì phải quan tâm.

Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông Husen đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, gần như vô điều kiện đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo về môi sinh. Đi xa hơn thế nữa, ông Hunsen còn cho rằng ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. [AFP, 6/29/05].

Chỉ vì sự thiển cận và chút quyền lợi rất ngắn hạn [trước đó Bắc Kinh cho Nam Vang vay 30 triệu Mỹ kim, cộng thêm với 70 triệu Mỹ kim nữa để cải thiện hệ thống quốc lộ]. Hunsen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông và một Biển Hồ như mạch sống và trái tim của cả một đất nước Cam Bốt. (4)

MẠCH SỐNG MEKONG, MÁU CỦA ĐẤT

Qua những hội nghị từ Thượng Đỉnh, tới cấp Bộ Trưởng rồi Giám Đốc các Ủy Ban, với bao nhiêu là tuyên ngôn rồi tuyên cáo, tất cả chỉ như những khẩu hiệu, có tính cách hình thức, “với nhiều chữ nhưng lại ít thông tin, và trong thực tế vẫn mạnh ai nấy làm và Ủy Hội Sông Mekong chưa hề là một tổ chức đoàn kết có tầm vóc để được coi là đối trọng đối với nước lớn Trung Quốc. Nhất là sự chia rẽ phân hóa đã có ngay trong cấp lãnh đạo cao nhất các quốc gia hạ nguồn.

Nói gì đi nữa thì Bắc Kinh vẫn cứ đi thênh thang trên con đường đã vạch ra của mình. Trong hai ngày 4-5 tháng Bảy vừa qua [2005], từ thủ phủ tỉnh Vân Nam, trong ánh điện rực sáng tỏa ra từ những tòa nhà cao ốc do nguồn thủy điện từ con đập Mạn Loan trên sông Mekong, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia bảo đã nói thẳng trước Hội Nghị Thượng Đỉnh 6 nước thuộc Lưu Vực Lớn Sông Mekong họp lần Hai [Second GMS Summit] tại Côn Minh rằng:

“ Đừng quá trông cậy lệ thuộc vào Trung Quốc trong khi Trung Quốc chủ yếu dựa vào sức mình là chính trong tiến trình phát triển... Cho dù có tiến bộ kinh tế đã đạt được nhưng cũng phải khiêm tốn để thấy rằng lợi tức tính trên mỗi đầu người ở Trung Quốc vẫn chỉ được sắp hạng dưới 100 so với các nước phát triển khác trên thế giới. (5)

Bảo vệ môi trường nếu có được nhắc tới hơn một lần trong hội nghị chỉ như một khẩu hiệu, trong khi Trung Quốc vẫn không ngừng xây hàng loạt những con đập thủy điện khổng lồ trên dòng chính sông Mekong, đang gây rất nhiều tranh cãi và quan ngại của các chuyên gia môi sinh [ngoại trừ niềm tin lạc quan vô căn cứ của ông Hunsen, thủ tướng Cam Bốt] đối với ảnh hưởng tác hại khó lường đối với nguồn nước sử dụng nơi hạ nguồn.

THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ 21

Chiến tranh nóng rồi chiến tranh lạnh cũng qua đi, Trung Quốc mau chóng hội nhập với thế giới bên ngoài. Tất cả sáu nước ven sông [2 nước Trung Quốc và Miến Điện không là thành viên Ủy Hội Sông Mekong] với những định chế chánh trị xã hội và văn hóa khác nhau, nhưng cùng có chung một nhu cầu khẩn thiết là khai thác con sông Mekong để phát triển. Không phải là không có những mâu thuẫn quyền lợi và tranh chấp khi tới với nguồn nước và tài nguyên không phải là vô hạn của dòng sông.

Thực tế cho thấy dễ dàng để thỏa thuận với nhau trên một số nguyên tắc khái quát

như sử dụng nước và các nguồn tài nguyên phải đáp ứng với nhu cầu bảo vệ, bảo tồn, thăng tiến môi sinh và duy trì cân bằng hệ sinh thái nhưng đi vào thực hiện với chi tiết còn cả một khoảng cách đại dương.

Chẳng hạn ai sẽ thực sự trách nhiệm duy trì dòng chảy tối thiểu của con sông Mekong trong mùa khô cũng như dòng chảy mùa lũ để có dòng chảy ngược từ con sông Mekong vào Biển Hồ, để nước mặn từ ngoài Biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa nơi ĐBSCL ?

Dĩ nhiên sẽ có những diễn dịch khác nhau và phản ứng hành động khác nhau theo hoàn cảnh của mỗi nước ven sông.

Rồi nhìn về Việt Nam với hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một Đồng Bằng Sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá thì đầy đồng - thì nay tất cả đã đi vào quá khứ. Chỉ mới đây thôi có dịp trở lại viếng thăm, để chỉ thấy trên toàn cảnh là một ĐBSCL đang suy thoái và cứ nghèo dần đi.

NGÔ THẾ VINH

08/2005

Tham Khảo:

1/ Kunming Declaration, Second Greater Mekong Subregion Summit, 4-5 July 2005

2/ Phnom Penh Declaration, First Greater Mekong Subregion Summit, 03 Nov 2002

3/ Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of The Mekong River Basin, Chiang Rai, Thailand 05 Apr 1995

4/ Hunsen backed China's often-criticized development plans for the Mekong River, Phnom Penh, Jun 29, 2005 , [AFP]

5/ Chinese Premier Wen Jiabao opened the Second Greater Mekong Subregion Summit, Beijing, Jul 4, 2005, [AFP]

6/ Global Warming is causing Hymalayan glaciers retreat, threatening to cause water water shoratges, Geneva, Mar 14, 2005, [AFP]

7/ Progress In Water Management at the Mekong River Basin, MRC Presentation at Third WWF, INBO Official Session 20 Mar 2004

8/ Ánh Nguyệt, phóng viên RFI Phỏng vấn Giáo Sư Võ Tòng Xuân 03-12-2004

9/ Chinese Dam Project may spell disater for mighty Mekong River, Denis Gray, Nov 2, 2002, [AP]

10/ Mekong River At Risk, Bary Wain, FEER, Aug 26, 2004
(http://www.mekongriver.org/khluan/ubmktncm.htm)

No comments:

Post a Comment