1. Pin nhiên liệu: Đây là kỹ thuật có thể cung cấp năng lượng cho con người mà không hề phát ra khi thải CO2 (các bon điôxít) hoặc những chất thải độc hại khác. Một pin nhiên liệu tiêu biểu có thể sản sinh ra điện năng trực tiếp bởi phản ứng giữa hydro và ôxy. Hydro có thể lấy từ nhiều nguồn như khí thiên nhiên, khí mêtan lấy từ chất thải sinh vật và do không bị đốt cháy nên chúng không có khí thải độc hại. Đi đầu trong lĩnh vực này là Nhật Bản. Quốc gia này sản xuất được nhiều nguồn pin nhiên liệu khác nhau, dùng cho xe phương tiện giao thông, cho ôtô hoặc cả cho cả các thiết bị dân dụng như điện thoại di động.
2. Năng lượng mặt trời
Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia Tây Âu là những nơi đi đầu trong việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời rất sớm (từ những năm 50 ở thế kỷ trước). Tính đến năm 2002, Nhật Bản đã sản xuất được khoảng 520.000 kW điện bằng pin mặt trời, với giá trung bình 800.000 Yên/kW, thấp hơn 10 lần so với cách đây trên một thập kỷ. Nếu một gia đình người Nhật 4 người tiêu thụ từ 3 đến 4 kW điện/mỗi giờ, thì họ cần phải có diện tích từ 30-40 m2 mái nhà để lắp pin. Nhật Bản phấn đấu đến năm 2010 sẽ sản xuất được hơn 8,2 triệu kW điện tử năng lượng mặt trời.
3. Năng lượng từ đại dương.
Đây là nguồn năng lượng vô cùng phong phú, nhất là quốc gia có diện tích biển lớn. Sóng và thủy triều được sử dụng để quay các turbin phát điện. Nguồn điện sản xuất ra có thể dùng trực tiếp cho các thiết bị đang vận hành trên biển như hải đăng, phao, cầu cảng, hệ thống hoa tiêu dẫn đường v.v…
4. Năng lượng gió
Năng lượng gió được coi là nguồn năng lượng xanh vô cùng dồi dào, phong phú và có ở mọi nơi. Người ta có thể sử dụng sức gió để quay các turbin phát điện. Ví dụ như ở Hà Lan hay ở Anh, Mỹ. Riêng tại Nhật mới đây người ta còn sản xuất thành công một turbin gió siêu nhỏ, sản phẩm của hãng North Powen. Turbin này có tên là NP 103, sử dụng một bình phát điện dùng cho đèn xe đạp thắp sáng hoặc giải trí có chiều dài cánh quạt là 20 cm, công suất điện là 3 W, đủ để thắp sáng một bóng đèn nhỏ.
5. Dầu thực vật phế thải dùng để chạy xe
Dầu thực vật khi thải bỏ, nếu không được tận dụng sẽ gây lãng phí lớn và gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, tại Nhật có một công ty tên là Someya Shoten Group ở quận Sumida Tokyo đã tái chế các loại dầu này dùng làm xà phòng, phân bón và dầu VDF (nhiên liệu diezel thực vật). VDF không có các chất thải ôxít lưu huỳnh, còn lượng khỏi đen thải ra chỉ bằng 1/3 so với các loại dầu truyền thống.
6. Năng lượng từ tuyết
Hiệp hội nghiên cứu năng lượng thiên nhiên ở Bihai của Nhật đã thành công trong việc ứng dụng tuyết để làm lạnh các kho hàng và điều hòa không khí ở những tòa nhà khi thời tiết nóng bức. Theo dự án này, tuyết được chứa trong các nhà kho để giữ nhiệt độ kho từ 0oC đến 4oC. Đây là mức nhiệt độ lý tưởng dùng để bảo quản nông sản vì vậy mà giảm được chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
7. Năng lượng từ sự lên men sinh học
Nguồn năng lượng này được tạo bởi sự lên men sinh học các đồ phế thải sinh hoạt. Theo đó, người ta sẽ phân loại và đưa chúng vào những bể chứa để cho lên men nhằm tạo ra khí metan. Khí đốt này sẽ làm cho động cơ hoạt động từ đó sản sinh ra điện năng. Sau khi quá trình phân hủy hoàn tất, phần còn lại được sử dụng để làm phân bón.
8. Nguồn năng lượng địa nhiệt.
Đây là nguồn năng lượng nằm sâu dưới lòng những hòn đảo, núi lửa. Nguồn năng lượng này có thể thu được bằng cách hút nước nóng từ hàng nghìn mét sâu dưới lòng đất để chạy turbin điện. Tại Nhật Bản hiện nay có tới 17 nhà máy kiểu này, lớn nhất có nhà máy địa nhiệt Hatchobaru ở Oita Kyushu, công suất 110.000 kW đủ điện năng cho 3.700 hộ gia đình.
9. Khí Mêtan hydrate
Khí Mêtan hydrate được coi là nguồn năng lượng tiềm ẩn nằm sâu dưới lòng đất, có màu trắng dạng như nước đá, là thủ phạm gây tắc đường ống dẫn khí và được người ta gọi là “nước đá có thể bốc cháy”. Metan hydrate là một chất kết tinh bao gồm phân tử nước và metan, nó ổn định ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao, phần lớn được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và những tầng địa chất sâu bên dưới lòng đại dương và là nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá rất tốt.
Nguồn điện năng tiềm tàng từ rác thải: Khi đề cập đến vấn đề chuyển sang sử dụng năng lượng thay thế và vấn đề nóng lên toàn cầu, chúng ta thường không quên nhắc đến việc sản xuất điện từ rác thải. Bên dưới các bãi chôn lấp chất thải rắn, chất hữu cơ được vi khuẩn phân hủy sẽ thải ra khí mêtan thường được dùng để sản xuất điện và nhiệt (khí gas).
Mô hình này là kết quả của sự kết hợp quá trình nhiệt phân và khí hóa một số loại chất thải. Tác giả của mô hình này là TS Nguyễn Quốc Bình, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TP HCM cho biết. Nghiên cứu thực nghiệm công nghệ nhiệt phân và khí hóa từ rác sinh hoạt và trấu ở nhiệt độ từ khoảng 750-1200oC trên thiết bị kiểu tầng cố định cho thấy nhiệt trị (Q) thu được từ quá trình khí hóa rác gần tương đương so với nhiệt trị của khí hóa than mà một số công ty xử lý rác thải đang triển khai (khoảng 1300 Kcal/ NM3). Theo TS Bình, so với lò đốt rác thải theo phương pháp cũ phải cung cấp dầu DO và điện trong suốt cả quá trình, lò đốt bằng công nghệ nhiệt phân và khí hóa chỉ cần cung cấp dầu DO thời gian ban đầu. Còn trong quá trình xử lý, khí gas tự phát sinh chính là nguồn cung cấp nhiên liệu cho cả quá trình. Qua khảo sát, tại TP HCM, chất thải sinh hoạt lên tới 6000-6500 tấn/ ngày, phương pháp xử lý phổ biến vẫn là chôn lấp. Bên cạnh chất thải sinh hoạt, ở Việt Nam, chất thải nông nghiệp ngày càng nhiều, khoảng 30 triệu tấn/năm.
Rác thải điện tử và các nguy cơ tiềm ẩn: Những chất cực độc như chì, thuỷ ngân, catmi từ rác thải điện tử có thể ngấm sâu vào lòng đất và mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và để lại những hậu hoạ khôn lường cho môi trường.
Rác điện tử để lại những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em.
Theo Hiệp hội bảo vệ môi trường (EPA), thì những đồ điện tử tiêu dùng như TV, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay. Mặc dù số lượng nhỏ nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của những loại rác thải này lại không nhỏ. Nếu không được xử lý đúng cách, rác điện tử có thể gây nguy hại lâu dài đến môi trường và sức khoẻ con người.
Nguy cơ lâu dài
Lấy một ví dụ để thấy được mức độ độc hại của rác thải điện tử. Thành phố bé nhỏ Guiyu ở miền duyên hải Đông Nam Trung Quốc là vựa rác thải điện tử lớn nhất thế giới hiện nay. Nơi đây tiếp nhận rác thải điện tử từ nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là từ Mỹ để bóc tách lấy kim loại quý như vàng, bạc, đồng, thiếc… Chỉ được trả có 8USD mỗi ngày nhưng người dân nơi đây phải mang trong mình nhiều mầm bệnh chủ yếu là do các chất độc hại gây ra. Tỷ lệ nhiễm chì trong máu ở trẻ em tại Guiyu lên đến 70%; mức độ sảy thai và nhiễm chất dioxin gây ung thư thuộc vào loại cao nhất thế giới.
EPA ước tính lượng rác thải điện tử trong giai đoạn 1980 – 2007 là 2,25 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ 18% trong số này được các công ty thu mua tái chế, số còn lại là nằm trong đất. Những chất cực độc như chì, thuỷ ngân, catmi từ những đồ điện tử không còn sử dụng này có thể ngấm sâu vào trong đất, và mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và để lại những hậu hoạ khôn lường cho môi trường.
Vậy nếu là bạn, thì bạn sẽ xử lý như thế nào đối với một thiết bị điện tử cũ kỹ và không còn dùng được. Hãy luôn nghĩ mình là một phần của môi trường sống để ý thức được trách nhiệm bảo vệ hành tinh xanh này. Nếu không thể sửa chữa, hoặc tái sử dụng các đồ điện tử cũ thì cách tốt nhất là tái chế chúng, cụ thể là gửi lại nhà sản xuất, hoặc bán cho các cửa hàng điện tử.
Tái chế rác thải điện tử
Vẫn theo EPA thì tỉ lệ rác thải được tái chế hiện nay trên thế giới còn rất thấp. Chỉ có chưa tới 10% lượng máy tính cũ được tái chế phục vụ nhu cầu sử dụng; và chưa tới 3% lượng điện thoại di động cũ được tái chế. Điều đó đồng nghĩa với việc 90% lượng rác thải điện tử không được tái chế.
Vì chi phí xử lý rác điện tử rất cao nên một số nhà sản xuất thường trốn tránh trách nhiệm này. Ngay ra ở Mỹ, mỗi năm nước này xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn rác thải. Không chỉ có Mỹ mà một số quốc gia chuyên sản xuất đồ điện tử như Anh, Pháp, Nhật cũng có xu hướng tương tự.
Ở Việt Nam không có những bãi rác điện tử thường thấy như ở Trung Quốc. Và người Việt Nam cũng không có thói quen quẳng những đồ điện tử ra bãi rác. Tất cả những gì bán được người ta đã bán cho đội quân thu mua đồng nát. Những linh kiện được tử đó sẽ được các đầu mối thu lại, phân loại và chuyển cho các cửa hàng đồ điện tử tân trang rồi… bán lại cho người dùng.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà nguy cơ rác thải điện tử ở Việt Nam không cao. Các chuyên gia từng cảnh báo Việt Nam có nguy cơ sẽ là bãi rác thải điện tử khổng lồ trong vài năm tới. Hiện tại hơn 60% số máy tính sử dụng tại Việt Nam đã qua dùng rồi. Số máy tính này có nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ và châu Âu, nơi được coi là vựa rác điện tử của thế giới. Đó là chưa kể tới rất nhiều các linh kiện điện tử đã qua sử dụng được nhập vào Việt Nam từ nhiều đường khác.
Mặc dù chưa có những thống kê cụ thể về tác hại của rác thải điện tử đối với sức khoẻ người dùng Việt Nam, nhưng thiết nghĩ ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý hiệu quả hơn đối với các trường hợp nhập rác thải để tránh những hậu quả xấu tới môi trường sau này.
Chính sách tái chế của các hãng điện tử
Người dùng Việt Nam chưa có thói quen đổi hàng cũ cho nhà sản xuất để được bù tiền mua hàng mới, nhưng ở nước ngoài việc này tỏ ra khá thông dụng. Tuỳ theo từng hãng mà người dùng được bù tiền hay không bù tiền. Đổi lại môi trường xung quanh được đảm bảo, và tránh được những nguy cơ nhiễm độc nguồn đất và nguồn nước một cách đáng tiếc.
Dưới đây là chính sách tái chế sản phẩm của một số hãng công nghệ điển hình trên thế giới để bạn tham khảo.
* Acer : Chuyên tái chế hệ thống máy tính, màn hình (LCD hoặc CRT), laptop. Người dùng có thể kiểm tra chính sách tái chế của hãng này trên mạng. Chọn loại, kích cỡ, chất lượng sản phẩm mà bạn muốn gửi trả nhà sản xuất, rồi nhập địa chỉ của bạn và chọn phương thức thanh toán (nếu có). Bạn sẽ không nhận được tiền của Acer khi gửi lại đồ tái chế. Đồng thời phạm vi áp dụng chỉ dành cho Mỹ chứ không mở rộng ra các quốc gia khác.
* Apple : Cũng có một chút tiếng tăm về chính sách “xanh hoá” sản xuất, Apple có quy trình tái chế thoáng hơn. Những đồ mà bạn có thể gửi lại hãng bao gồm máy Mac, iPod, iPhone, điện thoại, máy tính và màn hình (của bất cứ nhà sản xuất nào). Với mỗi chiếc iPod tái chế, người dùng sẽ được khấu từ 10% tiền mua chiếc iPod mới. Chính sách này chỉ áp dụng cho Mỹ, Canada, châu Âu, Australia, châu Á-TBD và Nhật Bản.
* ASUS : Những sản phẩm cũ mang thương hiệu Asus như laptop, màn hình, PDA và các sản phẩm công nghệ của hãngkhác cũng đều gửi tới hãng này để tái chế. Bạn sẽ phải trả phí cho các sản phẩm không phải của Asus, đồng thời không nhận được từ hãng khoản tiền nào. Chính sách này chỉ áp dụng cho Bắc Mỹ, châu Âu và vùng lãnh thổ Đài Loan.
* Canon : Sản phẩm của hãng này có vẻ đa dạng hơn một chút, từ máy quay số, máy ảnh tới máy chiếu, fax, máy in, máy quét, mực, ống mực và giấy. Tuỳ thuộc vào từng loại sản phẩm mà người dùng sẽ bị tính mức phí tái chế, từ 6-12USD, và tất nhiên không được nhận khoản tiền nào từ Canon. Chương trình chỉ áp dụng cho Mỹ, Canada, Puerto Rico, châu Âu, châu Phi, châu Á và Australia.
* Epson : Hãng tiếp nhận máy in, máy quét, máy chiếu, linh kiện, ống mực để tái chế. Người dùng sẽ nhận được khoảng 5USD cho mỗi sản phẩm gửi tới. Chương trình chỉ áp dụng tại Mỹ.
* HP : Người dùng có thể gửi các sản phẩm cả của HP và không của HP để tái chế như màn hình, máy ảnh số và máy in. Khoản tiền trả cho người dùng sẽ áp dụng theo chính sách của hãng. Chương trình được áp dụng cho toàn cầu.
* Lenovo : Hãng tiếp nhận cả những sản phẩm tái chế của chính hãng và của các hãng khác. Chương trình chỉ áp dụng tại Mỹ.
* LG Electronics : Sản phẩm tái chế của hãng này rất nhiều, gồm TV, màn hình mang nhãn hiệu LG, Zenith, và GoldStar; thiết bị âm thanh, đầu cassette và đầu ghi; đầu đọc DVD; hộp TV số; và kể cả các sản phẩm không phải của hãng. Người dùng cũng không nhận được tiền từ những đồ gửi tới tái chế. Chương trình chỉ áp dụng tại Mỹ.
* Motorola : Chỉ những sản phẩm điện thoại di động, modem và router mang nhãn hiệu Motorola mới được tái chế. Người dùng không phải nộp phí nhưng cũng không nhận được tiền tái chế. Chương trình áp dụng toàn cầu.
* Nokia : “Đại gia” về ĐTDĐ này chỉ nhận tái chế các sản phẩm điện thoại của hãng. Người dùng không mất phí và cũng không nhận được tiền từ Nokia cho sản phẩm tái chế. Chương trình chỉ áp dụng tại Mỹ.
* Samsung : Các sản phẩm tái chế của Samsung cũng rộng hơn một chút, từ TV, điện thoại tới ống mực. Người dùng không phải trả phí nhưng cũng không nhận được tiền của Samsung cho đồ tái chế. Chương trình chỉ áp dụng tại Mỹ.
Biogas: Bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế cao
Nằm trong chương trình Go Green (Hành trình xanh) do Công ty ôtô Toyota Việt Nam phối hợp với Tổng cục Môi trường và Bộ Giáo dục- Đào tạo thực hiện, Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã hỗ trợ Đại học Đà Nẵng triển khai thành công dự án thí điểm chuyển đổi ứng dụng biogas để chạy 25 cụm máy phát điện (với kinh phí lắp đặt hệ thống 353 triệu đồng) được cải tạo từ động cơ Diesel tập trung tại các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam, áp dụng trong các trang trại chăn nuôi. Dự kiến, trong hai năm 2009 và 2010 sẽ có 500 cụm máy mới được lắp đặt với kinh phí hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng.
Biogas là năng lượng tái sinh nhận được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong môi trường thiếu không khí. Rác thải sinh hoạt, các chất thải của quá trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, xử lý nước... Tiềm năng biogas của Việt Nam từ chất thải chăn nuôi khoảng 2 tỷ m3. Nếu lấy trung bình 200m3 biogas/tấn nguyên liệu và 10% biomass chuyển thành biogas thì mỗi năm có thể sản xuất được 2 tỷ m3 biogas. Cộng với 2 tỷ m3 biogas sản xuất từ chất thải chăn nuôi, mỗi năm có thể sản xuất được 4 tỷ m3 biogas. Khó khăn trong khai thác biogas để phát điện của là nguồn nhiên liệu không tập trung và quy mô không đều. Những nơi có sản lượng biogas lớn như các bãi chôn lấp rác, các trạm xử lý nước thải... có thể sử dụng động cơ cỡ lớn để kéo máy phát điện.
Trong thực tế hiện nay, phần lớn các hầm biogas ở nước ta chỉ dùng để phục vụ cho việc đun nấu. Ở những trại chăn nuôi chừng 50 con heo trở lên, lượng biogas sinh ra trở nên dư thừa cho nhu cầu đun nấu và chúng được thải ra ngoài khí quyển. Trong khi đó, CH4 có tác dụng gây hiệu ứng nhà kính 23 lần, lớn hơn CO2 vì vậy việc thải chúng ra không khí sẽ làm cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng hơn. Việc tận dụng biogas từ các nguồn khác nhau để sản xuất điện năng là rất cần thiết để giảm phát thải chất khí gây hiệu ứng nhà kính và tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch ở nước ta.
Từ kết quả nghiên cứu và ứng dụng thành công Đề tài nghiên cứu bộ phụ kiện Gatec chuyển đổi động cơ sử dụng diesel hoặc xăng sang chạy bằng biogas của GS-TS Bùi Văn Ga- Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cùng các cộng sự ở Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường Đại học Đà Nẵng, sau 1 năm thực hiện thí điểm ứng dụng đã chuyển đổi được 25 cụm máy phát điện chạy bằng biogas được cải tạo từ động cơ diesel cho trên 40 trang trại chăn nuôi ở khu vực miền Bắc và miền Trung để sản xuất điện năng quy mô nhỏ.
Trên thực tế lâu nay, các hầm khí biogas vẫn được nông dân khai thác ở dạng khí đốt sinh hoạt nhưng giờ đây được ứng dụng vào chạy máy phát điện phục vụ sản xuất tại nông trại là thuận lợi lớn cho người nông dân giảm bớt chi phí trong sản cuất nông nghiệp. Nếu các nông trại muốn tận dụng nguồn khí biogas trong gia đình để sản xuất điện năng thì chỉ cần trang bị máy phát điện cỡ nhỏ (1-5kW). Sau đó, các kỹ thuật viên sẽ thực hiện chuyển đổi bộ phận sử dụng nhiên liệu. Sau một năm sử dụng khí biogas cho máy phát điện, người dân có thể khấu hao được tiền máy móc.
Máy phát điện chạy bằng khí biogas cũng như máy phát điện thông thường. Điểm khác biệt cơ bản nhất là nó có gắn thêm bộ phụ kiện chuyển đổi. Bộ phụ kiện này có tác dụng chuyển đổi từ dùng xăng sang dùng khí biogas. Khi hết khí biogas, chỉ cần gạt cần sang là lại có thể chạy được bằng xăng.
GS-TSKH Bùi Văn Ga- Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nếu các hộ chăn nuôi có quy mô từ 15-20 con heo trở lên sử dụng máy phát điện cỡ nhỏ sẽ tiết kiệm được khoảng 24 triệu đồng/năm. Bởi động cơ chạy bằng biogas có thể biến 1m3 biogas thành 1kWh điện, tiết kiệm được 0,4 lít diesel và giảm phát thải 1kg khí CO2 vào môi trường. Bộ phụ kiện lắp vào các động cơ để nguồn biogas cung cấp cho máy nổ luôn ổn định, tốc độ động cơ không thay đổi, tạo ra nguồn điện ít biến đổi. Mặt khác, bộ phụ kiện còn có tác dụng điều tiết để nguồn biogas cung cấp cho động cơ luôn ổn định. Bộ phụ kiện này có thể lắp được trên các động cơ có công suất từ 1kW đến vài trăm kW”. Hiện Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng là đơn vị sản xuất bộ phụ kiện Gatec và bán với giá 2-3 triệu đồng/bộ.
Với các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, nơi chưa có điện lưới thì sản xuất điện năng quy mô nhỏ bằng biogas là mô hình có hiệu quả và tính khả thi cao. Ước tính, ở Việt Nam hiện mỗi năm sản sinh ra khoảng 4 tỷ m3 biogas, chủ yếu là để đun nấu, còn lại thải ra môi trường, gây lãng phí rất lớn. Nếu tất cả lượng khí biogas này được tận dụng sản xuất thành điện năng sẽ giúp sản sinh ra một nguồn năng lượng khổng lồ. Bởi như GS-TSKH Bùi Văn Ga tính toán, có thể biến 1m3 biogas thành 1kW điện thì sẽ tiết kiệm được 0,4 lít diesel, giảm thải được 1kg khí CO2 vào môi trường thì một năm có thể sản sinh ra 4 tỷ kWh điện từ khí biogas. Đây là một nguồn lợi vô cùng lớn song rất tiếc là hiện nay nước ta vẫn chưa tận dụng triệt để nguồn năng lượng dồi dào này.
No comments:
Post a Comment