Bảo tàng âm nhạc (Experience Music Project), Bảo tàng khoa học viễn tưởng (Science Fiction Museum) và tòa nhà danh vọng (Hall of Fame) là cụm bảo tàng đặc biệt dành cho việc trưng bày và khám phá lịch sử âm nhạc cũng như chuyên ngành khoa học viễn tưởng, tọa lạc tại thành phố Seattle, Washington.
Cụm bảo tàng do Frank Gehry thiết kế và được xây dựng dưới sự tài trợ của Paul Allen - nhà đồng sáng lập Hãng Microsoft.
Khối hỗn độn đủ màu sắc của cụm bảo tàng trông như một bãi phế thải, nhưng nhìn cũng có vẻ hao hao một chiếc phản lực bị… bẹp dúm. Nhưng tác giả lại cho rằng đây là khối kiến trúc mang hơi thở của linh hồn người Mỹ: bản năng, tự nhiên và nổi loạn |
Cụm bảo tàng thường được chọn làm ngoại cảnh cho các đôi uyên ương chụp ảnh cưới |
Bên ngoài cụm bảo tàng là sự hòa quyện giữa khối kết cấu kim loại biến hình và những mảng màu sắc rực rỡ: Vàng đồng, bạc, đỏ sậm, xanh và ánh tím mờ. Cấu trúc tượng trưng cho năng lượng và sức lan tỏa của âm nhạc. Dáng vẻ ngoài sáng loáng này còn khiến cụm bảo tàng trông giống bề mặt của một chiếc phản lực. Chỉ có điều nó gợn sóng và uốn éo vô trật tự, vốn theo nghệ thuật xếp nếp của Samothrace và Claus Sluter - một trong những trường phái điêu khắc có từ thế kỷ thứ 14 mà Gehry rất thích.
Ước tính tổng chiều dài lượng thép dùng để bao bọc cụm bảo tàng lên đến hơn 1,6 triệu dặm (nghĩa là đủ để đi vòng Trái đất 65 lần!). Nguyên liệu bao phủ bên ngoài khối kiến trúc này bao gồm thép không gỉ và nhôm màu, được tỉa gọt và uốn cong theo từng mảng riêng biệt nhưng kết nối với nhau như một trò chơi xếp hình tinh vi và hoàn hảo. Có hơn 3.000 tấm nhôm và thép được cắt và uốn thành hơn 21.000 mảnh xếp để ghép nối.
Khối kim loại đồ sộ bao phủ tòa nhà không chỉ mang màu bàng bạc đơn thuần, chúng được sơn màu và uốn cong một cách độc đáo, khiến cụm bảo tàng trở nên độc nhất vô nhị |
Cảm hứng cho dự án này bắt nguồn từ… bãi rác phế thải mà Gehry chợt nhìn thấy khi tình cờ đi ngang qua một cửa hàng guitar điện gần nơi làm việc ở Santa Monica. Thật vậy, hiệu ứng của hình dáng cụm bảo tàng khơi dậy đúng vào tiềm thức của dân Mỹ: không gò ép, hỗn độn và pha lẫn cả cá tính nổi loạn. Bất chấp lối kiến trúc và điêu khắc truyền thống, đây là một cấu trúc phá cách táo bạo nhưng lại hòa hợp trong cách phối các mảng màu sắc nhằm gợi lên những cảm xúc thuần khiết theo bản năng.
Những khối thép không gỉ và nhôm màu vô tri vô giác được uốn cong và lắp ghép như trở nên sống động, huyền bí. Những câu chuyện đang được kể, những trăn trở về lịch sử, những hoài vọng cho tương lai như đang thổn thức bên trong những lớp nguyên liệu bao phủ kiến trúc lạnh lùng ấy |
Bảo tàng âm nhạc (EMP)
Khu vực bảo tàng này bao gồm các khu trưng bày đa phương tiện thu thập gần như toàn bộ quá trình lịch sử phát triển đáng ghi nhớ và các kỹ thuật chuyên sâu của ngành âm nhạc thế giới. EMP lưu trữ những hiện vật có giá trị nghiên cứu, đem đến cho khách tham quan vô số trải nghiệm mới mẻ về kiến thức âm nhạc thông qua những cuộc triển lãm tương tác như các buổi trình diễn trên sân khấu hay một buổi diễn tập ở phòng thu.
Lối vào của nhánh bảo tàng khoa học viễn tưởng và tòa nhà danh vọng. Monorail dẫn vào khu bảo tàng cũng là một trong những ý tưởng rất hữu hiệu và hiện đại nhằm thu hút khách đến tham quan vừa vui chơi vừa mở mang kiến thức |
Bảo tàng EMP có cấu trúc bao phủ kim loại tương tự như những tác phẩm nổi bật khác trước đó của Frank như Bảo tàng Guggenheim Bilbao, phòng hòa nhạc Walt Disney và tòa nhà Gehry Tower. Khu bảo tàng này rộng 13.000m2. Gian chính có tên gọi "Sky Church" là nơi để tưởng nhớ đến ca sĩ, nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ guitar trứ danh Jimi Hendrix cũng là nơi trưng bày một màn hình cao 12m, rộng 21m cùng 18 apphich ảnh cực đại những tượng đài bất hủ của dòng nhạc rock 'n' roll.
Ngoài ra, ở các khu vực triển lãm khác trong bảo tàng, nhiệm vụ giáo dục và tuyên truyền văn hóa còn được minh họa bởi hàng vạn tạo tác khác nhau, từ những nhạc cụ thủ công thô sơ đến những thiết bị trình diễn cực kỳ tối tân, hay những bộ sưu tập khổng lồ các album của các nghệ sĩ ít tên tuổi từ những thập niên trước đến những ca nhạc sĩ trứ danh gần đây.
Cụm bảo tàng âm nhạc không chỉ là khu vực triển lãm mà còn bao gồm một khu phức hợp giải trí: nhà hàng, cà phê, sân khấu ca nhạc, phòng thu tương tác… |
Sâu hơn bên trong là một góc yên tĩnh hơn dành cho quan khách có thể phô diễn khả năng âm nhạc của chính bản thân với một studio diện tích khá nhỏ nhưng mô phỏng gần như toàn bộ một phòng thu chuyên nghiệp. Không thể không kể đến một khán đài khá hoành tráng dành cho những buổi biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ đến giao lưu văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. EMP còn là điểm hẹn cho những đêm nhạc sáng tạo và cách tân đủ mọi thể loại: từ rock 'n' roll, jazz, soul, nhạc đồng quê, blue cho đến hip-hop, punk và những dòng nhạc đương đại khác.
Một trong những tác phẩm sắp đặt nghệ thuật được trưng bày bên trong khu EMP |
Một trong những điều hết sức đặc biệt và ấn tượng nhất của bảo tàng này chính là hệ thống nghe nhìn hỗ trợ tối đa cho quan khách bị khuyết tật. Hệ thống kỹ thuật hiện đại bậc nhất với dàn loa sub-woofer cài đặt bên dưới nền nhà giúp người bị khiếm thị cảm nhận được âm nhạc y hệt người bình thường.
Bảo tàng khoa học viễn tưởng (SFM) và tòa nhà danh vọng
SFM và tòa nhà danh vọng là bảo tàng đầu tiên trên thế giới dành cho khoa học viễn tưởng - khoa học của tương lai, chính thức khai trương vào ngày 18-6-2004. Thành viên trong ban cố vấn của viện bảo tàng này gồm Steven Spielberg, Ray Bradbury, James Cameron, và George Lucas - những nhân vật từng "khét tiếng" trong giới điện ảnh.
Những hiện vật quý giá ở SFM có thể kể đến như bộ sưu tập đạo cụ trong phim Star Trek, hay rôbôt B9 trong phim Lost in space, mô hình Death Star trong phim Star Wars, hay T800 trong Terminator… Bảo tàng chia thành nhiều khu vực trưng bày theo từng đề tài "Homeworld", "Fantastic Voyages", "Brave New Worlds"… Mỗi khu vực trưng bày những sự kiện đáng ghi nhớ ở từng chủ đề liên quan (các đạo cụ điện ảnh, các tác phẩm văn học, trang phục hay cả những mô hình viễn tưởng).
Quan khách có thể tìm thấy tất tần tật mọi thứ dường như chỉ có trong phim ảnh khoa học viễn tưởng từ rôbôt, quần áo phi hành gia, đến súng lazer hay cả những chiếc tàu con thoi cực kỳ tối tân… trong khuôn viên khu bảo tàng.
Sân khấu tương tác tạo sự tiếp cận gần gũi cho giới văn nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới những cơ hội giao lưu văn hóa với khán giả đến tham quan bảo tàng |
Đây còn là nơi để tôn vinh những ý tưởng và trải nghiệm khơi gợi nên một nền khoa học huyền bí và thú vị. Những cuộc trưng bày ở SFM không chỉ đơn thuần mang tính chất triển lãm mà còn là động lực xúc tác cho nhận thức và nâng cao trình độ thưởng thức cho quan khách đối với nền văn học cũng như những phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến khoa học viễn tưởng.
Bên trong SFM là tòa nhà danh vọng, nơi tôn vinh những tên tuổi là các tác giả, nghệ sĩ, nhà xuất bản, các nhà làm phim… có công gầy dựng nên bộ môn khoa học viễn tưởng mang tính khai phá tương lai văn minh cho nhân loại.
Từ khi EMP mở cửa vào năm 2000 và SFM vào năm 2004, cụm bảo tàng này đã đón tiếp hơn 4 triệu lượt du khách. Mặc dù theo tinh thần dự án thì nơi đây là một tổ chức văn hóa nghệ thuật phi thương mại, nhưng nhờ vào ý tưởng và cấu trúc quá táo bạo và ấn tượng như thế, EMP và SFM đã và đang trở thành một nguồn lợi nhuận dồi dào cho Seattle. Đó không chỉ là lợi nhuận về kinh tế, hơn thế nữa đó còn là một di sản văn hóa đương đại cho người đương thời và cả những thế hệ mai sau. Một sự đột phá ý tưởng từ bên ngoài lẫn bên trong thật thú vị và độc đáo.
Bảo tàng âm nhạc với nguồn tư liệu khổng lồ về âm nhạc khắp nơi trên thế giới, từ Đông sang tây, từ cổ chí kim |
nothing to say...
ReplyDeletenhac cho sang tao