Wednesday, December 2, 2009

Bahrain

Bahrain, tên chính thức là vương quốc Bahrain, một đảo quốc thuộc vịnh Ba Tư. Đây là một địa danh du lịch quen thuộc vùng Trung Đông thu hút mỗi năm hơn 2 triệu lượt du khách.
Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain là một tháp đôi có chiều cao 240m do kiến trúc sư người Nam Phi Shaun Killa thiết kế, tọa lạc tại Manama, thủ đô vương quốc Bahrain (nằm trong vịnh Ba Tư, Trung Đông). Công trình là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới có cấu trúc hợp nhất với những tuôcbin gió khổng lồ.

Biểu tượng quyền lực tài chính của vương quốc Bahrain giàu có
Lung linh sắc màu về đêm

Đây là một công trình kiến trúc gồm 50 tầng, là tòa nhà cao thứ hai của đảo quốc Bahrain, đã nhận được nhiều giải thưởng có uy tín như “Kế hoạch xây dựng có ứng dụng kỹ thuật hiệu quả nhất” năm 2006 do LEAF trao tặng, giải đặc biệt ở cuộc bầu chọn “Thiết kế hoàn hảo nhất” trong lĩnh vực xây dựng toàn khu vực Ả Rập...

Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain được xây dựng với công năng là khu mua sắm phức hợp gồm chuỗi hơn 160 cửa hàng, văn phòng, nhà hàng, khách sạn cao cấp, và trung tâm thương mại.

Ba chiếc cầu nối liền hai khối tháp
Cánh quạt của tuôcbin gió với đường kính dài 29m

Trên ba chiếc cầu treo nối liền hai tòa tháp của tòa nhà là ba chiếc tuôcbin gió cực lớn. Mỗi tuôcbin có công suất tương đương 225kW,đường kính dài 29m, hướng về phía bắc để đón luồng gió thổi từ vịnh Ba Tư vào.

Hai tòa tháp mang hình dáng hai cánh buồm đối xứng nhau hai bên, tạo thành một đường luồng ở giữa cung cấp tối đa lượng gió thổi qua các tuôcbin. Điều này đã được xác thực từ những cuộc kiểm định luồng gió. Qua đó cho thấy với cấu trúc đối xứng như thế, tòa nhà đã tạo nên một luồng thổi hình chữ “S”, đảm bảo với bất kỳ luồng gió nào dao động trong góc 45° vào một trong hai cánh của trục trung tâm đều tạo thành một luồng gió vuông góc với các tuôcbin, tạo lực đẩy cho cánh cánh quạt của tuôcbin khởi động quay như chức năng của những chiếc cánh máy bay.

Các luồng gió khi đi vào rãnh giữa của hai tháp sẽ tạo thành động năng vận hành các cánh quạt tuôcbin
Đài phun nước trước trung tâm thương mại

Cũng chính nhờ những chuyển động đó mà nguồn điện từ các tuôcbin được phát ra đều đặn và liên tục. Khoảng 11-15% tổng năng lượng điện cả tòa nhà sử dụng được cung cấp bởi các “cối xay gió” này, nghĩa là 1,1-1,3 GWh/năm. Con số này tương đương tổng điện năng của khoảng 300 hộ dân sử dụng suốt một năm.

Không chỉ thế, sự khác biệt giữa hình dáng của hai tháp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giảm áp lực lên các cầu nối. Khi kết hợp với tốc độ gió tăng dần, chính sự khác biệt này tạo ra sự cân bằng vận tốc giữa các tuôcbin, ngăn cản việc tạo nên áp lực chênh lệch giữa các tầng cầu.

Phản chiếu ánh vàng của hoàng hôn
Sự khác biệt cấu trúc của hai khối tháp nhằm giảm áp lực lên các cầu treo khi vận tốc gió tăng

Hơn thế nữa, công trình còn là sự kết hợp một khối lượng lớn các vật liệu có khả năng tương tác thân thiện với môi trường thông qua việc giảm thiểu khí thải cacbon. Đó là lõi bê tông dày và sàn nhà nhiều lớp đã lược bớt các góc nhằm đáp ứng yêu cầu giảm thải khí vào khí quyển. Đó còn là hệ thống nước tái chế, nối với hệ thống làm lạnh của tòa nhà, hệ thống cách nhiệt, hay lớp kính ít hấp thụ ánh sáng mặt trời bao phủ xung quanh…

Nổi lên giữa hồ nước mặn bao bọc xung quanh vương quốc, Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain như một chiếc thuyền đang căng buồm lướt gió
Những chiếc “cối xay gió” có thể tạo ra 11-15% tổng điện năng cả tòa nhà sử dụng
Sảnh chính bên trong trung tâm

Không muốn bị bỏ lại phía sau bởi Arabia Saudi và Dubai, vương quốc Bahrain đã chứng tỏ những phát triển vượt bậc và nổi trội trong lĩnh vực “kiến trúc xanh”, và Trung tâm Thương mại quốc tế Bahrain là minh chứng đáng nể nhất.Bahrain vốn là một đảo quốc được bao bọc bởi các hồ nước mặn. Chính vì thế, đây quả là một cấu trúc hài hòa với môi trường nước xung quanh khi tòa nhà không chỉ có vẻ ngoài mang hình dáng một con tàu với hai cánh buồm khổng lồ mà còn có khả năng vận dụng tối đa năng lượng thiên nhiên vô hạn bằng các “cối xay gió” độc nhất vô nhị.

Cảng tài chính (Financial Harbor) ngay tại thủ đô Manama với tòa nhà chọc trời cao nhất Bahrain (260m, 54 tầng) ­- biểu tượng quyền lực tài chính của đảo quốc vốn giàu có nhờ trữ lượng dầu mỏ phong phú

Hầu hết khách du lịch đến đây đều từ các nước Ả Rập thuộc vịnh Ba Tư, nhưng gần đây lượng du khách ngoài khu vực này đang có xu hướng ngày một gia tăng do những phát hiện mới về các di sản của nền văn minh Dilmun có niên đại từ 5.000 năm trước.

Bahrain là một quốc gia phát triển với cơ sở hạ tầng hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống Ả Rập pha trộn với bản sắc vùng vịnh rõ rệt tạo nên sự khác biệt với các nước khác trong vùng. Sự giàu có của đảo quốc này không chỉ dựa duy nhất vào trữ lượng dầu mỏ phong phú, mà còn liên quan tới sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu bản địa. Sự phát triển kinh tế xã hội ở Bahrain nói chung cũng tự do hơn các nước lân cận.

Một góc cảng biển Bahrain phồn thịnh
Trung tâm thương mại thế giới Bahrain - tòa nhà chọc trời duy nhất trên thế giới có kết cấu hợp nhất với các tuôcbin gió khổng lồ tạo ra năng lượng điện - là tháp đôi cao thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau công trình tháp đôi Petronas của Malaysia
Vòi phun nước cao 123m ven cảng biển thủ đô Manama

Tạp chí hướng dẫn du lịch Lonely Planet đã mô tả Bahrain như một điểm đến hoàn hảo dựa trên đánh giá về những di sản Ả Rập truyền thống và danh tiếng của sự hào phóng cũng như nét hiện đại đảo quốc này có được. Đến Bahrain, du khách sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều công trình nghệ thuật có tuổi đời trên 1.000 năm, những danh lam thắng cảnh gắn liền với lịch sử cũng như cả một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Như một con tàu, vẻ đẹp cổ kính ẩn bên trong vỏ ngoài còn hoang sơ của Bahrain là một trữ lượng tài nguyên vô tận đối với ngành du lịch. Từ Viện bảo tàng quốc gia ngay thủ đô Manama, những căn nhà truyền thống của Muharraq đến những ngôi mộ dị thường ở Sar, hay rất nhiều thánh tích cổ xưa với niên đại lên đến hàng nghìn năm.

Bên cạnh đó là vẻ tráng lệ, lộng lẫy của một hòn ngọc Trung Đông mang nét quyến rũ kiêu sa. Đặc trưng cho Bahrain hiện đại và giàu có là biểu tượng cho quyền lực tài chính của tòa tháp đôi Trung tâm thương mại quốc tế Bahrain (tháp đôi cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Petronas của Malaysia), là khối kiến trúc của cảng tài chính cao 260m (54 tầng) tọa lạc tại Manama, là hòn đảo nhân tạo hình móng ngựa rộng đến 2.787.000m2 ở miền cực nam đảo quốc…

Dưới đây là một số địa điểm tham quan nổi bật thu hút được nhiều khách du lịch nhất của vương quốc Bahrain.

Một khu resort cao cấp của Bahrain
Thủ đô Manama nhìn từ một bãi biển du lịch
Al Fateh Mosque hay còn được gọi là Trung tâm Hồi giáo và đại thánh đường Al-Fateh, vừa là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, vừa là công trình kiến trúc có mái vòm bằng sợi thủy tinh lớn nhất thế giới

Al Fateh Mosque

Al Fateh Mosque hay còn được gọi là Trung tâm Hồi giáo và đại thánh đường Al-Fateh. Đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có khả năng đón tiếp hơn 7.000 tín đồ cùng một lúc. Nhà thờ này là nơi thờ cúng lớn nhất Bahrain nói riêng và cả khu vực các quốc gia trong khối Ả Rập nói chung. Đại thánh đường tọa lạc rất gần cung điện hoàng gia Bahraini, dinh thự của quốc vương Bahrain Hamad ibn Isa Al Khalifah.

Đây là một kiến trúc với mái vòm khổng lồ được lắp toàn bằng sợi thủy tinh nguyên chất. Ước tính tổng khối lượng mái vòm cân nặng hơn 60 tấn, được xem là mái vòm bằng sợi thủy tinh lớn nhất thế giới. Bên trong Al-Fateh hiện nay còn có cả một thư viện quốc gia vừa được mở cửa cho công chúng vào năm 2006. Ngoài việc là nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo, Al Fateh Mosque là địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Bahrain. Nơi đây chỉ đóng cửa tham quan vào ngày thứ sáu trong tuần và các ngày lễ lớn trong năm.

Pháo đài Arad

Pháo đài Arad được xây dựng từ thế kỷ 15 ở Arad, Bahrain, mang phong cách Ả Rập điển hình nhất. Tọa lạc gần sân bay quốc tế Bahrain, pháo đài vừa được trùng tu và giới thiệu đến du khách như một địa danh quan trọng, đặc biệt khi nơi này sáng đèn vào ban đêm.

Arad Fort - pháo đài được xây dựng từ thế kỷ 15
Bên trong pháo đài Arad

Theo ghi chép lịch sử thì pháo đài này được Omanis sử dụng trong thời gian chiếm đóng Bahrain vào những năm 1800 và cũng là cửa ngõ chiến lược giữa đảo Bahrain và đảo Muharraq. Dù không có bằng chứng cụ thể về thời gian chính xác khi công trình được khởi công xây dựng, nhưng các cuộc khai quật đã đưa ra manh mối cho thấy các phát hiện bên trong pháo đài quả có niên đại từ hơn 6 thế kỷ trước.

Bab Al Bahrain

Bab Al Bahrain có nghĩa là cánh cổng của Bahrain. Tọa lạc ngay tại trung tâm kinh tế của thủ đô Manama, được người Anh xây dựng vào những năm 1940. Trước kia công trình này được thi công phân nửa trên mặt biển, nhưng sau này do quá trình lấn biển mở rộng diện tích đất đai nên bây giờ từ Bab Al Bahrain, phải mất hơn 10 phút đi bộ mới có thể ra được đến biển.

Bab Al Bahrain - Cánh cổng của Bahrain, cửa ngõ dẫn ra khu chợ sầm uất của Manama, cách biển 10 phút đi bộ

Đây là cơ quan làm việc của chính phủ, được trang trí lại lần đầu tiên vào năm 1986, phối hợp thêm các yếu tố kiến trúc mang phong cách Hồi giáo. Tầng trệt hiện nay được tận dụng làm văn phòng thông tin du lịch và cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra còn có văn phòng của các tập đoàn ngân hàng, tài chính tạo thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, náo nhiệt nhất Bahrain. Bao bọc bên ngoài tòa nhà chủ yếu là một dãy hành lang có vòm hình cung, tạo thành một con đường dẫn thẳng đến khu chợ trung tâm sầm uất nhất của Manama.

Qal'at al-Bahrain

Qal'at al-Bahrain có nghĩa là lâu đài Bahrain. Đây là một địa danh khảo cổ của đảo quốc. Lâu đài được xây dựng trên một mô đất nhân tạo bởi cư dân bản địa từ khoảng năm 2300 -1700 trước Công nguyên.

Qal`at al-Bahrain - lâu đài Bahrain, di tích lịch sử văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2005, có niên đại trên dưới 5.000 năm
Quảng trường lớn ngay trung tâm thủ đô với một nhà thờ Hồi giáo mang đậm phong cách Ả Rập

Đây từng một thời là thủ phủ của nền văn minh Dilmun có niên đại hơn 5.000 năm. Sau này nó được dùng như một pháo đài cố thủ của người Bồ Đào Nha. Vì những lý do như thế, lâu đài vừa được UNESCO công nhận là di tích văn hóa lịch sử thế giới vào năm 2005.(Theo TTO-Tổng hợp từ Design Build Network, World Architecture News và E-architect)

No comments:

Post a Comment