Thursday, October 29, 2009

Tản mạn chuyện kiến trúc & xây dựng(18)

Vừa qua, Hội KTSVN đã tổ chức nghe giáo sư Michael Turner, người Israel, Phó Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO thuyết trình về bảo tồn, quản lý di sản, phát triển đô thị. Cụ thể là bảo tồn và phát triển thủ đô Tel Aviv, một thành phố có những nét tương đồng với thủ đô Hà Nội.

Thành phố Tel Aviv tọa lạc bên bờ Địa Trung Hải ở Israel, được đánh giá là thiên đường bên bờ biển. Không những có bãi biển sạch nhất thế giới mà còn được UNESCO công nhận là một bảo tàng ngoài trời về kiến trúc (năm 2003). So với thủ đô Hà Nội có tuổi 1000 năm, thì thủ đô Tel Aviv trẻ hơn 10 lần, đến năm nay mới tròn 100 tuổi (1909-2009).
Giáo sư Michael Turner nói chuyện tại Hội KTS VN

Rõ ràng là một thành phố rất trẻ, song người Tel Aviv lại rất trân trọng giữ gìn những thành quả của thế hệ cha anh để lại, biết đánh thức những yếu tố văn hóa lịch sử để hòa đồng với cuộc sống hiện đại, từ đó thúc đẩy cải thiện đời sống người dân.

Cũng như nhiều thành phố khác, sau một thời gian xây dựng phát triển ồ ạt, có phần không quản lý nổi nếu cứ để xây dựng tràn lan. Ngay từ năm 1920, lãnh đạo thành phố đã thấy trước và đặt ra vấn đề cần bảo tồn, cải tạo cũng như mở rộng Thủ đô theo ý tưởng phương Đông kết hợp hòa hợp với phương Tây. Cụ thể là tạo ra một thành phố vườn, thơ mộng, thông thoáng, có không khí trong lành để thu hút khách du lịch.

Công việc đầu tiên là cải tạo các đơn vị ở trước đây đã xây dựng dày đặc, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Giải pháp cải tạo là lấy trường học làm trung tâm, tạo các lõi phố làm không gian mở, trong đó có các không gian trống làm sân vườn, trồng cây xanh, làm nơi sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi. Hệ thống giao thông chính được tách ra ngoài ô phố để trẻ em đi học, người già nghỉ ngơi an toàn, môi trường sống được cải thiện.
Một góc cổ kính của Thủ đô Tel Aviv

Để tạo được không gian trống trong các đơn vị ở, tất nhiên sẽ có những cư dân cần được di dời. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo thành phố Tel Aviv đã tạo một quỹ đất ở bên ngoài, có giải pháp quy hoạch ưu việt về mọi phương tiện, nên người dân sẵn sàng rời đến nơi ở mới có môi trường và điều kiện sinh hoạt thuận tiện hơn.

Là một đô thị đang sống, cần phải thêm làm gì, hay sẽ không làm gì thêm nữa là điều cần được quan tâm hàng đầu. Các nhà kiến trúc, văn hóa, xã hội tập trung nghiên cứu, điều tra xác định giá trị văn hóa từng công trình, từ đó có cách ứng xử cho thích hợp. Đồng thời phân loại, có giải pháp rất cụ thể công trình nào cần bảo tồn, tu bổ, cải tạo.

Các công trình cần được cải tạo cũng lên phương án cụ thể, cải tạo ở mức nào, theo chiều đứng hay chiều ngang. Không nhất thiết công trình nào cũng bảo tồn nguyên trạng, đôi khi chỉ cần dựa vào cái thần, cái vẻ bên ngoài để cải tạo bên trong đáp ứng với yêu cầu sử dụng hiện đại. Đây là vấn đề toàn cầu, đang được nhiều nước quan tâm. Nếu chỉ vì hình thức bên ngoài mà không đáp ứng yêu cầu sử dụng thì không phù hợp với cuộc sống đương đại.

Cuối cùng ông nói vui, đối với một đô thị cổ thì người quản lý cần phải có cái đầu lạnh để đẩy xa hơn nữa những chủ đầu tư chỉ mong muốn đặt công trình của mình vào trung tâm thành phố, nơi có những công trình cổ.

Những vấn đề GS đưa ra được giới KTSVN đánh giá cao về ý tưởng, giải pháp, tiêu chí bảo tồn và xu hướng phát triển thành phố cổ. Trong những điều ông nói có rất nhiều điều có thể là kinh nghiệm cho Hà Nội và Hà Nội đang cần lắng nghe trong giai đoạn này.

Trong “Cuộc trò chuyện về 27 năm bảo tồn Hội An” chúng tôi đã đề cập đến nỗi lo “đổi máu” cộng đồng dân cư ở đây. Tiếp nối vấn đề này, bạn Yên Vân đã gửi cho chúng tôi bài viết từ góc nhìn riêng của mình.

1. Trong cơn lũ quét của giá nhà đất, người phố cổ Hội An bán nhà. Những ngôi nhà mấy trăm năm bình yên tọa lạc giữa lòng phố cổ bỗng nhiên rùng rùng sang tên, đổi chủ.

Nhu cầu bức thiết về nhà ở, yêu cầu nâng cấp cuộc sống của con người khiến những ngôi nhà dù đã là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người trong gia tộc bỗng trở nên chật chội. Không cần quá nhanh nhạy trong tính toán người ta vẫn dễ dàng nhận ra rằng một ngôi nhà cổ có thể hóa thân thành nhiều ngôi nhà khác không xa nội thị, rông rãi, khang trang mà vẫn đảm bảo việc thờ tự, kính trọng ông bà, tiên tổ.

Thêm vào đó, Hội An đang là điểm đến rất “hot” của du khách trong và ngoài nước, các dịch vụ du lịch đang hái ra tiền, hình thái cửa hàng - nhà cổ, văn phòng du lịch - nhà cổ thực sự trở thành nét độc đáo có thể khiến du khách phải mở hầu bao một cách vô cùng dễ dàng và thân thiện. Nhiều ngôi nhà mấy trăm năm từng gắn liền với các thương hiệu, tên tuổi, gia tộc lần lượt được chuyển giao cho những người chủ mới.
Nhà hàng “Đá trắng” là số 98 Lê Lợi, trước đây chủ nhà là Loan (người Nam Định),
bán phở, miến. Giờ đã cho người nước ngoài thuê mở nhà hàng, thuần túy là quán bar

Phố cổ bỗng sinh động hơn với bao toan tính “dương đông kích tây”, chạy đua giá cả của kẻ mua người bán, với thầm thì, bàn tán của những kẻ “ngọa” cà phê “quan hổ đấu” sự lên xuống của giá nhà, hoặc mỉa cười hoặc đau đớn trước sự đổ vỡ của những mối thâm tình mang tên Hội An vốn là niềm kiêu hãnh của không biết bao thế hệ người phố cổ. Xét trên bề mặt, chẳng có gì là sai khi người ta có đầy đủ giấy tờ hợp lệ cùng tư cách pháp nhân với tài sản của mình và hơn thế, người ta có quyền lựa chọn cuộc sống tốt nhất cho mình. Song những cuộc chuyển nhượng “lịch sử” này đã để lại nhiều di chứng làm nên những vết rách khá sâu khó lòng sửa chữa của cái đô thị cổ kính này.

2. Không ai mua nhà phố cổ để ở nên đa phần các ngôi nhà được tu sửa rồi bố trí nội thất cho phù hợp với công việc, ngành nghề kinh doanh của chủ nhân. Lòe loẹt, sáng trưng bởi vô số sắc màu của hàng hóa, vải vóc, đồ mỹ nghệ, tranh ảnh..., nhưng ngôi nhà cổ đã thật sự mất đi cái hồn của nó. Những cư dân từ mấy trăm năm trước mà cuộc sống gắn liền với những bước thăng trầm của phố cổ giờ đã chuyển đến nơi ở mới. Chủ nhân mới của những ngôi nhà cổ hầu hết là những thế lực siêu nhiên như thần Tài, ông Địa, tổ nghề... Bàn thờ họ để ngay dưới đất trông thẳng ra đường, tơ hơ những ngựa bạch, bạc nén, vàng thoi hàng mã... cùng hương đèn nghi ngút cháy không ngừng nỗi mong mỏi thành kính được quanh năm mua may bán đắt...

Sang nhượng rồi, nhà cổ vẫn nằm đó, còn nguyên mái ngói âm dương, tường rêu, cột gỗ, mắt cửa, giếng trời... nhưng cái dáng nghiêng nghiêng nặng trĩu thời gian giờ cứ như một sự cố tình làm điệu, thiếu sắc hồn và vô duyên lạ. Không phải người Hội An không nhận ra điều này bởi ngay sau cơn say chuyển nhượng, họ đã chới với. Những chia chác nơi pháp đình, những lời bấc tiếng chì của máu mủ ruột rà và cả những thanh âm câm lặng của đổ vỡ, ly tán nhân tình diễn ra ngay từ khi cuộc mua bán bắt đầu bây giờ mới âm ỉ ngấm.

Nhiều người Hội An xa xứ đã ngập ngừng bước chân khi trở về phố cổ. Về quê không lẽ ở khách sạn, đến bảo tàng mà sống nỗi lòng quê? Nhưng nhà cũ không còn, tình thâm đã mất, còn có thể làm gì khác ngoài việc bíu chặt thành giếng sâu đang lẳng lặng hút gió sân trời, xộc xệch nỗi buồn du khách, lạc lõng viếng thăm ngay mái nhà cũ của mình? Song cũng chẳng phải đợi cái ngày người Hội An xa xứ trở về thăm quê, ghé ngôi nhà cũ, người ta mới nhận thấy sự lệch xô của phố. Bao người vừa chuyển hộ khẩu ra Tân An, Cẩm Hà, Cẩm Châu... mỗi ngày, ngang qua nhà cũ, gặp mắt cửa trô trố nhìn mình xa lạ mà chẳng dám đau, muốn bước qua bậc cửa mà ngại gương mặt thần tài lạnh lùng dò xét.

3. Những người có trách nhiệm vội nghĩ cách cứu phố cổ. Không chỉ là tăng kinh phí trùng tu, tôn tạo, tăng thêm số ngày phố không có động cơ để giảm thiểu những xung động có thể làm ảnh hưởng đến độ bền vững của những nếp nhà. Không chỉ là cải thiện hệ thống đường xá, cống thoát nước, đường dây điện hay thắp đèn lồng làm tăng độ sinh động và lung linh cho phố cổ. Nghe đâu sẽ có những qui định mới về việc mua bán, chuyển nhượng nhà trong phố để ngăn chặn việc phố cổ Hội An bị “Hà Nội hóa”, hoặc “Sài Gòn hóa” gì đấy.

Nhưng đó phải chăng chỉ là giải pháp bề mặt bởi đâu phải chỉ khi nhà cổ vào tay người Hà Nội, Sài Gòn... phố cổ mới bị cướp mất hồn? Những người giàu có ở Hội An đã mua rất nhiều nhà trong phố. Họ chỉ cần một ngôi nhà để ở và cũng chỉ cần đến một bàn thờ tiên tổ. Ai nỡ lòng nào bắt ông bà chia lìa mỗi người mỗi nhà và cũng chẳng ai thờ ông cha người khác trong nhà mình. Mà nếu có muốn làm điều đó cũng chẳng có con cháu hiếu đễ nào cho phép. Nhà cổ, không gian kiến trúc, không gian văn hóa cùng nếp sống lâu đời của người Hội An, cái làm nên thần thái riêng cho di sản nổi tiếng này vì thế, dường như đang bị co gói lại nhường chỗ cho những cửa hàng, cửa hiệu ngột đếm đo, bán mua, toan tính.

Bên cạnh việc giáo dục ý thức trân trọng, giữ gìn di sản cha ông để lại cho người dân, nên chăng, cần có một giải pháp ở chiều sâu nhằm hỗ trợ giải quyết nhà ở cho người dân trong khu phố cổ có nhu cầu tách hộ để họ không bị thúc bách bởi việc chia chác hương hỏa tổ tiên trong quá trình tìm kiếm một không gian sống thoải mái hơn cho mình. Bên cạnh đó, giải pháp hạ giá nhà đất trong khu phố cổ bằng cách không cho phép mở thêm các cửa hàng kinh doanh tại các ngôi nhà cổ và dần đưa các cửa hàng kinh doanh ra khỏi phạm vi khu phố cổ mặc dù rất khó khăn để thực hiện nhưng có lẽ đã đến lúc nên được nghĩ tới. Bởi lẽ, bảo tồn một di sản văn hóa không chỉ là giữ cái còn lại mà còn phải tìm mọi cách để cái còn lại ấy được tiếp tục sống lâu bền cuộc sống của chính nó cùng thời gian. Một khi, hồn phách không còn, thân xác chỉ còn là những hóa thạch. Người ta đi ngược thời gian, đào xới quá khứ mong tìm vết hóa thạch mà tiếc nhớ, tự hào cho những gì đã làm nên văn minh nhân loại chứ có ai tự hóa thạch lộ thiên mình hòng để thành di sản của mai sau?


Thiếu bãi để xe là tình trạng trung của các thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Mátxcơva (Nga). Và xu hướng hiện nay là xây dựng các tòa nhà cao tầng để xe tự động.

Mô hình nhà để xe bằng kính, với khung kim loại, có chi phí không quá cao và việc xây dựng cũng không quá phức tạp.
Tuy nhiên, hình thức tháp để xe kiểu này dễ tạo cảm giác mỏng manh, không chắc chắn, vì bốn mặt nhà trong suốt.
Ưu điểm của kiểu nhà để xe này là thời gian xây dựng rất ngắn, thường chỉ kéo dài khoảng 30-35 ngày.

Tùy thuộc độ cao (22-28m), tháp để xe có thể có từ 6 đến 14 tầng, đủ chỗ cho 22-54 chiếc ô tô to và nhỏ.

Ô tô sẽ được đưa lên các tấm pallet có thể dịch chuyển, đổi chỗ. Các tấm pallet này được đặt trên trục nâng-hạ, có bệ xoay 360 độ.

Nhân viên điều hành có thể kiểm soát việc để xe bằng máy tính hoặc màn hình cảm ứng. Người lái giao và nhận xe dưới tầng 1, nơi có các phòng điều hành, hệ thống chữa cháy tự động, và tổng đài điện thoại.

Có thể xếp 4 xe ở mỗi tầng.

Mỗi lần nâng-hạ một chiếc xe mất chưa đến 50 giây.

Đầu tiên, hệ thống sẽ chọn một pallet trống, hạ xuống tầng 1.
Sau khi tài xế lái xe lên đó và ra khỏi xe, ô tô sẽ được nâng lên đúng tầng theo điều khiển của người điều hành và chuyển vào khoang còn trống.

Tòa tháp để xe bằng kính này có hệ thống sưởi và cung cấp nước. Vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời ở Mátxcơva có thể xuống âm 35 độ C, thì nhiệt độ trong nhà để xe được duy trì ở mức 6 độ C.

Bệ nâng xe có thể chịu được chiếc xe có trọng lượng lên tới 2,7 tấn.

Tòa tháp được trang bị một máy phát điện chạy bằng diesel, để trong trường hợp mất điện, hệ thống có thể giải phóng tất cả xe trong vòng 30 phút.

No comments:

Post a Comment