Thursday, October 29, 2009

Tản mạn chuyện kiến trúc & xây dựng(17)

Metro de HaNoi – tuyến đường sắt nội đô đầu tiên

Métro de Paris còn được gọi là Métro Parisien là biểu tượng của thủ đô nước Pháp, dài 213km của 16 tuyến, 298 ga, phần lớn chạy ngầm dưới đất. Mạng lưới dày đặc, mật độ sử dụng cao (4,5 triệu người /ngày). Các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau.


Tàu điện Hà Nội bắt đầu khai thác năm 1902 trong khi HN có vài vạn dân và nền kinh tế sơ khai.

Tuyến xe điện Nhổn – Ga Hà Nội dài 12,5 km, phần lớn chạy trên cao, chỉ có 3 km ngầm, dự trù báo cáo tiền khả thi hơn 10.300 tỉ đồng, tương đương 458 triệu Euro.

Trong đó, 200 triệu Euro để cung cấp, lắp đặt các thiết bị và dịch vụ tư vấn. Xây dựng ngầm (underground construction) 80 triệu Euro. Còn đâu là đường trên cao, nhà ga, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái cấu trúc, chi khác. Năng lực vận chuyển năm 2010 đạt 123.800 hành khách/ngày. Sẽ tăng lên thành 274.000 / ngày vào năm 2020 và 360.000 /ngày vào năm 2030. Chia ra mức đầu tư đường trên cao và 12 ga khoảng 450 tỷ VND/km. Tunnel ngầm khoảng 550 tỷ VND/km.

Theo VietNamNet đưa tin, báo cáo khả thi tăng 1,7 lần (782 triệu Euro) do lưu lượng khách tăng hơn, dẫn đến kích cỡ nhà ga và đoàn tàu tăng, và toàn bộ hệ thống cầu cạn, hầm, thông tin, tín hiệu... cũng tăng. Đoàn tàu gồm 5 toa (thay vì 4 toa như trước), kích cỡ lớn hơn.

Nhà ga nổi xây 2 tầng (gồm cả tầng trung chuyển) trên tất cả các ga và đều được lắp thang máy, thang cuốn. Ga ngầm sâu hơn khoảng 10m. Qui hoạch tuyến, vị trí các ga điều chỉnh cục bộ, đoạn ngầm kéo dài hơn Báo cáo trước là 1,1km. Tư vấn cũng tính toán đào ngầm bằng máy TBM thay vì đào moi, đào mở đặt ra trước đây.

(Ảnh bên : Sơ đồ 5 tuyến đường sắt nội đo Hà Nội )

Giá thành đường ngầm nội đô có thể tăng gấp 6 lần dự trù ban đầu

Đó là trường hợp đường ngầm, nổi xuyên qua thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Toàn bộ hai trục đường cao tốc 8 đến 10 làn. Tổng cộng có 260 km đường cao tốc xây mới, một nửa chạy ngầm dưới đất, phần còn lại chủ yếu trên cao. Đoạn thấp nhất nằm sâu 36 mét dưới đất, cao nhất 40 mét, đỉnh một nút cầu vượt cao 70 mét.

Năm 1991 “dự án thế kỷ” được khởi công gọi “Big Dig” (hào lớn) sánh với “The Big Ditch” (rãnh lớn) của kênh đào Panama.

Nan giải với “Big Dig” là xây dựng đường ngầm thành phố. Chúng phải chạy dưới những hoạt động tấp nập ở trên, dưới những tòa nhà hoặc dưới những công trình ngầm khác. Thi công khó như việc người ta mổ tim cho một bệnh nhân, trong khi anh ta vẫn phải hoạt động và làm việc bình thường!

Có rất nhiều khó khăn và công trình phải vượt qua và lập vô số kỷ lục. Một trong đó là đắt đỏ: Theo kế hoạch, Big Dig sẽ hoàn thành 1998 với tổng kinh phí 2,6 tỷ USD, cuối cùng đến tận 2005 mới xong với mức chi phí lên tới 14,6 tỷ USD, gấp 6 lần so với dự kiến.

Kiến trúc sư John Gosling nói: “Nếu ban đầu biết công trình này ngốn một khoản tiền lớn đến như vậy, chắc chắn người ta phải nghĩ lại”. Giờ đây, Boston đang phải gánh chịu một núi nợ khổng lồ cho công trình thế kỷ của mình.

Người Mỹ nổi tiếng với tính toán chính xác nhưng đã bị “choáng“ như vậy là lẽ thường vì lỡ chui vào đất rồi thì tốn mấy cũng phải tìm cách chui ra.

Việt Nam, cho đến nay chưa ai nhận là chuyên gia metro. Phụ thuộc toàn bộ vào tư vấn nước ngoài, nên dự kiến có tăng vài lần thì cũng là bước... "rèn luyện cảm xúc tập thể".

Chi phí vận hành Metro trên khắp thế giới là phải bù lỗ (duy nhất ở Hongkong là có lãi). Metro Moskova bù lỗ 0,5 triệu USD / ngày. Hà Nội sẽ bù lỗ nhiều hơn vì nhập khẩu 100% từ tư vấn, công nghệ thiết bị thi công vận hành đến phụ tùng thay thế và vé thì phải rất rẻ.

Đường ngầm kết hợp chống úng ngập tại Kuala Lumpur – Malaysia

Trung tâm TP Kuala Lumpur (Malaysia) cũng có vùng trũng ngập, họ đã làm tunnel sâu hàng chục mét, đường kính 13.2m dài 9,7km. Trong tunnel có 2 tầng xe ô tô, còn một tầng làm đường thoát nước. Khi ngập lớn thì toàn bộ mặt cắt sử dụng thành ống tiêu úng ngập khổng lồ. Chi phí dự án là 510 triệu USD (khoảng 1000 tỷ VND/1km đường ngầm. Dự án có tên SMART – (Stormwater Management and Road Tunnel)


Dự án SMART tại Kulalumpur ( Malaysia)

Metro de Hà Nội trong dự kiến ban đầu tunnel đường kính bằng ½ đường ngầm SMART. Không biết giờ đây mở rộng sẽ là bao nhiêu nhưng chưa thấy tin tức cho biết là tunnel có gánh vác hai nhiệm vụ vô cùng cấp thiết của Thành phố không:

Một là hỗ trợ hệ thống thoát nước nội đô vốn đã già nua nhưng áp lực mỗi ngày một tăng.

Hai là dọn rác trên trời với búi tóc rối ngày một rắc rối. Tăng gấp đôi đường kính tunnel, giá thành xây lắp tăng gấp đôi, nhưng hiệu suất khai thác giao thông tăng đã đành lại hóa giải hai vấn nạn đô thị.

Còn nữa, đường ngầm mà không thoát nước ngầm thì thành cái hang ngập khổng lồ là cái chắc – không tin thì đi qua đoạn ngầm Kim Liên. Theo bạn nên chọn mặt cắt nào?

Các ga metro là không gian mua bán khổng lồ đầy hứa hẹn, nó cũng có thể là gara ngầm ô tô xe máy. Tại tầng sâu nhất nó là ga thu nước để bơm nước ngập khi mưa to, trên nóc là quảng trường hay sân chơi, vườn hoa. Khi thi công là nơi tập kết thiết bị. Ga không chỉ là ga nó là nơi kiếm ra tiền, rất nhiều tiền và cả không gian công cộng giá trị không thể tính bằng tiền.


Mặt cắt tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà nội trong báo cáo lần 1.

Tiền đâu sau những tuyến đầu tiên?

Trong quy hoạch giao thông Hà Nội, riêng đường sắt nội đô sẽ có 5 tuyến, tuyến nào cũng có đoạn trên mặt đất, có đoạn chạy trên cao, vài tuyến có đoạn đi ngầm trong TP. Tổng đầu tư 7,345 tỷ USD, vốn từ nước ngoài 5, 542 tỷ USD (75,6%); trong nước là 1, 803 tỷUSD ( 24,5%).

Hoàn thành tổng thể mạng lưới đường bộ theo quy hoạch của ngành giao thông sẽ hơn 20 tỷ USD – một số lớn với Thành phố còn nhiều nhiệm vụ quan trọng trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn là quy hoạch mở rộng Thủ đô với vô số cơ sở y tế, giáo dục ĐH. Quỹ đất lãng phí tại các vị trí vô cùng giá trị tại Hà nội và Tp HCM đang được thống kê và điều chỉnh, tiềm năng đem lại hàng chục tỷ USD.

Nguồn thu từ các quỹ đất dôi ra này có đem lại lợi ích công cộng cho xã hội hay không? Có được tái đầu tư vào các công trình hạ tầng có tầm vóc, hay là phân tán tủn mủn vô nghĩa. Điều đó sẽ cho thấy Hà Nội sẽ vượt lên thực tại một cách ngoạn mục hay bằng lòng với tương lai ảm đạm giống như phần lớn các đô thị lớn ở Đông Nam Á – 30, 40 năm chật vật với giấc mơ hóa rồng.


Hình vẽ phối cảnh ga Mai Dịch – tuyến đường sắt Nhổn – Ga HN , báo cáo lần 1.

Có hai cách để làm cho xã hội thịnh vượng: Một là làm nhiều hơn, nâng cao năng suất hơn, sử dụng tài nguyên nhiều hơn, tiêu phí năng lượng nhiều hơn để làm ra nhiều của cải hàng hóa hơn sau đó tìm ra nhiều thị trường để bán hàng hóa đã làm ra.

Hai là kiểm soát của cải xã hội một cách chặt chẽ hơn, lựa chọn việc tiêu dùng tài nguyên, năng lượng một cách cẩn trọng, hiệu quả, công bằng hơn. Tiến hành các dự án phát triển đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt nhưng không quên giảm thiểu tác hại đến lâu dài.

Trần Huy Ánh - ảnh : HanoiData

(*) Tăng vọt tiền đổ vào tuyến metro đầu tiên của Hà Nội

Dự án tuyến xe điện thí điểm Nhổn - ga Hà Nội dù đang quá trình nghiên cứu, chưa triển khai nhiều ngoài thực địa, nhưng vừa được tăng tổng mức đầu tư thêm 71%.

Tổng mức đầu tư dự án tuyến metro đầu tiên của Thủ đô này đã được Thủ tướng thông qua từ tháng 1/2006, khái toán là 458 triệu Euro. Ba năm rưỡi trôi qua, so sánh "chặng đường" từ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến Báo cáo nghiên cứu khả thi - Thành phố Hà Nội cho rằng đặc điểm của tuyến metro thí điểm này đã có những thay đổi đáng kể, và đó là nguyên nhân "tiên quyết" dẫn đến quyết định cần tổng mức đầu tư lên tới 783 triệu Euro.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn Systra đã đề xuất một số thay đổi lớn đối với tuyến Nhổn - ga Hà Nội nhằm phù hợp qui hoạch phát triển Thủ đô tương lai và đã được UBND TP chấp thuận.

Ảnh bên : Vẫn đang "loay hoay" thay đổi nhiều vấn đề, dẫn đến tăng vọt tổng mức đầu tư - "giấc mơ" đi metro của người dân Hà Nội còn xa? (Ảnh: skydoor.net)

Cụ thể, Tư vấn dự báo lưu lượng khách tăng hơn Báo cáo trước, dẫn đến kích cỡ nhà ga và đoàn tàu đều tăng, và toàn bộ hệ thống cầu cạn, hầm, thông tin, tín hiệu... cũng tăng "một loạt". Đoàn tàu theo nghiên cứu mới nhất sẽ gồm 5 toa (thay vì 4 toa như dự kiến trước), kích cỡ lớn hơn. Nhà ga nổi xây 2 tầng (gồm cả tầng trung chuyển) trên tất cả các ga và đều được lắp thang máy, thang cuốn. Ga ngầm sâu hơn tính toán cũ khoảng 10m.

Thêm nữa, qui hoạch tuyến, vị trí các nhà ga được điều chỉnh cục bộ, đoạn ngầm được kéo dài hơn Báo cáo trước là 1,1km. Tư vấn cũng tính toán đào đoạn tuyến ngầm bằng máy TBM thay vì phương pháp đào moi, đào mở mà Báo cáo trước đặt ra.

Thành phố đã thống nhất với Tư vấn Systra bổ sung một tòa nhà hành chính trong khu đề-pô. Lý do nữa khiến tổng mức đầu tư "vọt lên", theo Thành phố Hà Nội - vì đơn giá vật liệu biến động, trong khi tỉ giá qui đổi 1 Euro tại thời điểm lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (năm 2005) chỉ 19.000 đồng, nhưng năm 2009 tạm tính 1 Euro = 23.000 đồng.

Với những thay đổi trên, tuyến metro thí điểm Nhổn - ga Hà Nội từ một dự án tàu metro nhẹ nay đã trở thành tuyến metro hạng trung. Báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2005 dự kiến tuyến này sẽ hoạt động từ 2010, nhưng Báo cáo nghiên cứu khả thi 2008 - 2009 tính toán tuyến có thể hoạt động sớm nhất từ 2013, trong đó bổ sung 4 toa xe (cho phương án 12 ga) để đáp ứng nhiều dự báo mới về giao thông Hà Nội.

Thành phố Hà Nội cho rằng, với hàng loạt thay đổi quan trọng đó, tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 325 triệu Euro là hoàn toàn bình thường và có cơ sở. Do đó, Thành phố đề nghị Thủ tướng cho phép duyệt mức "tăng vọt" này.

"Để cân đối với nguồn vốn đã được phê duyệt, UBND TP đã họp với các nhà tài trợ để tranh thủ nhiều nguồn vốn ODA khác nhau, ngoài Hiệp định vay vốn đã ký với Chính phủ Pháp (RPE) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết.

Cũng theo ông Khôi, tháng 4/2009 vừa qua, Quốc vụ khanh phụ trách về ngoại thương Cộng hòa Pháp đã có văn bản cam kết chính thức gửi Bộ KH&ĐT Việt Nam tăng mức tài trợ dự án này thêm 153 triệu Euro.

Bộ KH&ĐT cũng đã ký ghi nhớ với Đoàn chương trình Quốc gia ADB về tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đối với Việt Nam năm 2009 và giai đoạn 2010 - 2012, trong đó ghi cho dự án metro Hà Nội 293 triệu USD thuộc tài khóa vay vốn 2010.

Tràng An Nguyễn / VietNamNet

Bảo tồn phố cổ : cũ mà vẫn mới

Vấn đề bảo tồn, tôn tạo trong các khu phố cổ hiện nay không còn là chuyện mới, nhưng cũng vẫn chưa cũ. Nó không còn mới bởi đã được chúng ta nhắc đến rất nhiều, nhưng nó chưa cũ vì vấn đề vẫn chưa được giải quyết hợp lý và cũng chưa có ai đưa ra được phương sách nào cụ thể, phù hợp. Bảo tồn cái gì, bảo tồn như thể nào luôn là một dấu hỏi lớn đang đặt ra.

Phố cổ hay phố khổ

Bên cạnh cái “mác” được gắn trên mình, những ngôi nhà khu phố cổ dường như phải chịu rất nhiều gánh nặng, gánh nặng từ phía những nhu cầu của gia chủ và gánh nặng từ phía bảo tồn của các nhà quản lý. Khi mà những gánh nặng này chưa được khơi thông, chưa có điểm nhìn chung thì rõ ràng gây bất lợi cho cả hai bên. Có đến đây mới thấy, tình trạng các khu nhà không có nhà vệ sinh riêng chiếm đến trên 50%, họ phải dùng nhà vệ sinh chung với vài hộ gia đình khác. Bên cạnh đó, các công trình phụ khác như nhà tắm, nhà bếp cũng trong tình trạng tương tự. Việc thiếu thốn, trật trội đã dẫn đến những quá tải trong sinh hoạt của người dân nơi đây, càng làm xấu đi cảnh quan và bộ mặt của khu phố.

Do phải sống trong một không gian hẹp, thiếu không gian nên đã dẫn đến việc các gia đình sống nơi đây luôn phải tìm mọi cách để mở rộng diện tích. Bề ngang thì có hạn, họ chỉ còn một cách duy nhất đó là mở rộng lên cao, bằng cách làm thêm tầng mái; các khu không gian dùng chung giữa các khu nhà cũng bị thu hẹp đến mức tối đa để phục vụ cho việc mở rộng diện tích. Cũng từ đó mà cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ, thay đổi.

Nếu như chỉ nói đến đây thì rõ ràng chưa hết, các căn nhà khu phố cổ, tiêu biểu như khu Hàng Buồm thường là những khu nhà cổ nên tình trạng xuống cấp rất trầm trọng. Mái nhà bị giột, thấm, tường nhà bị ăn mòn. Trong khi đó, đa phần những khu nhà ở đây sống rất đông đúc. Có những gia đình như trường hợp nhà số 50 Hàng Buồm có tới 28 người thuộc 8 gia đình nhỏ sinh sống. Có nhưng khu nhà thì chủ yếu là anh chị em cùng ở, có những khu nhà thì lại toàn những người lạ sống cùng, do vậy vấn đề quản lý cũng như những mâu thuẫn trong quyền lợi, sinh hoạt thường xuyên xảy ra.

Trước những nhu cầu của sinh hoạt hàng ngày, người dân nơi đây cũng rất mong mỏi có được một không gian phụ riêng biệt và sạch sẽ, tuy nhiên do diện tích hẹp và cũng do là khu phố cổ nên để có được những điều tối thiểu đó không đơn giản, thế là họ đành phải làm theo cách riêng của họ: ngăn chỗ này một ít, nới chỗ kia một tẹo.

Bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào?

Việc bảo tồn cái gì, tại sao phải bảo tồn liên quan đến việc bảo tồn như thế nào nó như là hai mặt của đồng tiền vậy. Đa phần những ngôi nhà trong khu phố cổ hiện nay không còn giữ được dáng vẻ như trước nữa mà thường chỉ còn lại phần trước của ngôi nhà giữ lại theo kiểu cũ còn phần trong thì đa phần đã bị sửa sang, xây mới theo kiểu hiện đại. Mặt tiền các ngôi nhà thường hẹp và sâu, các gia đình thường dành phần mặt tiền đó để kinh doanh, phía trước là cửa hàng và phía sau là phần phụ, gia đình sống ở phần giữa nên ánh sáng không vào nên thường rất trật và bí. Trong quá trình biến đổi, các ngôi nhà được xây dựng từ thấp nâng lên cao dần, hoặc từng ngôi nhà riêng được ghép thêm gian để mở rộng.

Trên cơ sở nghiên cứu một số ngôi nhà ở Hàng Buồm, nhóm nghiên cứu của GS. Fukukawa, ĐH Chiba Nhật Bản đã đưa ra một số định hướng bảo tồn: Thứ nhất là chúng ta đưa ra những thiết kế phù hợp với khu phố cổ mà vẫn tạo được không gian sống, thứ 2 là cần tìm hiểu xem gia đình có mong muốn cải tạo không, và thứ 3 là vấn đề kinh phí.


Các ngôi nhà trên phố Hàng Buồm được giáo sư Fukukawa đề cập đến trong nghiên cứu


Một số hình ảnh minh họa bài trình bày của GS.TS Furukawa tại Hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội - Tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế" (nguồn: Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - UAI)

Tại Nhật Bản, các khu phố cổ thường được bảo tồn theo 4 quy trình: xác định khu vực bảo tồn, nêu danh sách các nhà có giá trị bảo tồn, từ đó nêu ra phương hướng. Thường thì người ta sẽ xác định các giá trị bảo tồn cơ bản và sau đó quy định không được thay đổi hình thức và cải tạo. Với những nhà không nằm trong danh sách cải tạo, những thay đổi cũng không được làm ảnh hưởng tới bên ngoài. Khi người ta có nhu cầu tu bổ kiến trúc bên trong cũng như bên ngoài phải thông qua cơ quan quản lý, một phần kinh phí phải tự túc.

Đối với những ngôi nhà nằm trong khu vực được bảo tồn sẽ được chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí, đối với những nhà không nằm trong danh sách được bảo tồn thì phân ra làm 03 loại: những nhà tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy chế trong quá trình tu bổ, sửa chữa thì sẽ được hỗ trợ kinh phí còn những nhà không giữ được quy chế bảo tồn thì không được hỗ trợ. Trường hợp các nhà khu phố cổ Hà Nội cũng có thể đi theo khuynh hướng vừa rồi, tất nhiên là các nhà quản lý cũng cần cân nhắc về mức độ hỗ trợ cho chính xác và hợp lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể đặt phương án xây thêm tầng trên và sẽ bán chúng, lấy tiền sửa chữa phần dưới.

Trong khi bảo tồn khu phố cổ thì mặt ngoài khá quan trọng vì nó tạo nên hình ảnh cả khu phố. Tuy nhiên, nhưng mà khuynh hướng hiện nay là mở rộng tối đa đến mức có thể như là đưa khu vệ sinh ra ngoài, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Giả sử chúng ta có thể dãn một số căn hộ ra ngoài thì cũng không cần nâng cao, hoặc nhiều nhà có thể chung nhau một không gian thì giảm bớt kinh phí.

Giả sử chúng ta có một ngôi nhà phố cổ với mặt tiền 4m, diện tích 36m khá lộn xộn, giả sử chúng ta giữ không gian sân giữa là 9m thì chúng ta sẽ nâng lên đến tầng thứ 3. Vấn đề là chúng ta có thể giữ được yếu tố ở đây là duy trì mặt trước và sân giữa để sinh hoạt thì vẫn có được không gian sống hợp lý. Nếu trong trường hợp các nhà trong khu phố cổ nhất định không chịu chuyển đi thì chúng ta có thể lựa chọn những khu đất để xây chung cư với mức giá vừa phải chứ không nhất thiết phải chuyển ra ngoại ô.

Trong trường hợp chúng ta đưa ra được một phương án tổng thể cho cả khu phố thì chắc chắn sẽ có được một không gian đẹp, thoáng. Để làm được điều này thì bản thân những người dân sống trong đó phải đồng thuận. Bởi lẽ có hiện trạng lộn xộn hiện nay là do các chủ nhà tự động sửa theo ý mình mà không theo một quy luật chung. Nếu chúng ta xây dựng được một hội đồng thì chắc chắn sẽ có được sự đối thoại giữa các hộ dân với nhau. Mọi vấn đề liên quan sẽ được thông qua, hội đồng cũng là người đứng ta chịu trách nhiệm vay kinh phí sửa chữa, sau khi bán những khu có thể được thì sẽ dùng tiền đó để trả cho chi phí sửa chữa. Họ đóng vai trò là những nhà điều phối. Hình thức bảo tồn khu phổ cổ có sự tham gia của người dân được diễn ra khá phổ biến trong các nước khác trên thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải điều tra xem người ta có muốn đi hay không. Ở phố cổ có đặc thù là người dân sinh sống trong điều kiện rất trật chội, khó khăn nhưng việc làm và mưu sinh lại dễ hơn những nơi khác. Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng.

Cái yếu và thiếu của Việt Nam hiện nay là chưa có được quy hoạch chi tiết về một khu phố, đặc biệt là những nơi nhạy cảm như khu phố cổ. Việc bảo tồn cái gì, bằng cách nào, mô hình của phố cổ trong tương lai ra sao? Những điều này vẫn còn chưa có hồi kết. Hãy làm sao để phố cổ là một cơ thể sống chứ đừng biến nó thành một khu phố chết.

Phong trào "làm mới di tích" và kinh nghiệm phục chế EFEO :

Không chỉ bảo tồn các công trình, các hoạt động nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị của di sản như dịch văn bia, nghiên cứu các biến đổi qua các giai đoạn trùng tu và từ đó xác định các nguyên tắc bào tồn, đáp ứng những thực tiễn có yêu cầu khắt khe.

Không chỉ là bảo tồn...

Có bạn phương xa nhận xét: “Người Hà Nội nặng tình với thành phố của mình. Khắp thế giới, chỉ có vài nơi như vậy: Paris , Matxcơva , Bắc Kinh , Roma…” Không biết thực hư ra sao, tự bản thân thì thấy điều ấy có thật. Bạn bè ghé chơi, là chúng tôi đưa đi một vòng thăm thú đình chùa trong phố và quanh ngoại ô. Họ có chung cảm nghĩ là Việt Nam thật cuốn hút và Hà Nội thì quyến rũ thực sự.

Bước chân như quen, thực là đi về những ngày xưa cũ. Cách đây 40 năm, các bạn lớp hoạ thiếu nhi còn nhớ thầy Thẩm Đức Tụ dắt đi vẽ phong cảnh Hà Nội, nhất là những nơi quanh Hồ Tây: chùa Kim Liên, Báo Ân, Tào Sách, Trấn Quốc, Quảng Bá… Sau này mới biết, những thứ mộc mạc đơn sơ ấy chẳng phải bỗng dưng mà có.

  • Ảnh bên : Bản vẽ Chùa Một Cột (tên chữ là Diên Hựu) của Louis Bezaceer

Chiếm Hà Nội bằng quân sự, người Pháp đã tiến hành xây dựng thành phố hành chính trên nền đất của kinh đô phong kiến: làng xóm, ao hồ chi chít. Chỉ khu vực Hồ Gươm và phụ cận, họ đã phá huỷ không ít những công trình tôn giáo danh tiếng: Nhà thờ Lớn xây trên nền chùa Lý triều Quốc sư đã đổ nát (1884). Nhà Bưu Điện xây dựng phải phá bỏ chùa Liên Trì (1889). Chùa Táo ( thế kỷ X-XV) bị san phẳng để xây Toà Thị Chính(1886) và đền Huyền Trân (thế kỷ VI) nhường chỗ cho Thư viện (1889) …

  • Ảnh bên : Chùa Một cột, xây dựng năm 1049, tu bổ nhiều lần. Ảnh chụp 1952, trước khi bị phá. Chùa hiện tại làm lại năm 1955.

Không biết có bị ân hận về sự huỷ diệt văn hoá hay không, nhưng một số người Pháp đã có nỗ lực thành lập Viện viễn đông bác cổ - L’Ecole Francaise d’Extrême-Orient - EFEO (1898) với tôn chỉ “Tìm hiểu sâu về xứ sở qua nghiên cứu lịch sử và văn hoá nhằm dẫn dắt và phát triển mạnh hơn kho tri thức của Pháp“. Bỏ qua những mục tiêu khoác áo thực dân thì công tác bảo tồn di sản kiến trúc tại Hà Nội được người Pháp tiến hành có phương pháp, kiên định và hiệu quả.

Từ những ngày đầu, EFEO có vai trò giám sát các công trình lịch sử trong khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng của chúng. Trong bối cảnh các di tích Hà Nội không hề được bảo vệ, bị những người xâm chiếm phá hoại tràn lan để xây dựng đô thị thì nhiệm vụ này không dễ dàng. Tư liệu EFEO soạn thảo làm cơ sở để tranh luận và thuyết phục các đại diện giới quân sự, tôn giáo và hành chính của Pháp giảm thiểu sự tàn phá di sản ngay từ những ngày đầu Hà Nội bị chiếm đóng.

  • Ảnh bên : Các nhân viên của EFEO năm1937. Hàng đầu bên trái là Louis Bezaceer, cụ Nguyễn Văn Tố ở hàng thứ hai, đứng giữa ông George Coedes và bà Madelene Colani (Ảnh: Tạp chí Xưa & Nay)

Cơ quan EFEO có nhiều chuyên gia: Gustave Dumoutier- nhà khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học phương Đông; KTS Henri Parmentier, Henri Vildieu, Luis Bezacier và đặc biệt là KTS Ernest Hébrard. Ngoài những nhà khoa học uyên bác người Pháp, có rất nhiều người Việt có trình độ uyên thâm như cụ Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu… Tham gia công tác bảo tồn di sản còn nhiều người Việt tâm huyết nữa với danh hiệu “cộng tác viên của EFEO” từ năm 1902.

Ngoài những nghiên cứu về Khơme, Chăm, Lào …tại Hà Nội, EFEO nhanh chóng lập ra danh sách các 40 công trình di sản được bảo vệ tại Hà Nội: chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, đền Trấn Vũ, chùa Một cột, đền Bạch Mã, Hồng Quang, Hồng Phúc, Chiêu Thiền, Liên Phái…

Không chỉ bảo tồn các công trình, các hoạt động nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị của di sản như dịch văn bia, nghiên cứu các biến đổi qua các giai đoạn trùng tu và từ đó xác định các các nguyên tắc bảo tồn, đáp ứng những thực tiễn có yêu cầu khắt khe.

Hai ví dụ về bảo tồn, phục chế di sản kiến trúc

Văn Miếu tôn tạo từ 1917 dến 1920. Được tổ chức lại từ khung nhà đổ nát, có thể sụp đổ hoàn toàn. Ngay từ lúc đó đã phải di rời những người dân sống trong sân Văn Miếu và dọn cả những ruộng rau.


Bản vẽ Văn Miếu của Louis Bezaceer

Đối mặt với nguy cơ ”khôi phục không nguyên vẹn”, những bộ phận hư hỏng được nghiên cứu phục hồi nguyên mẫu để thay thế, nguyên tắc này áp dụng làm lan can và lối đi lát gạch. Tuy vậy, hai cái ao được tạo mới thành hồ nước, lối đi bộ bên thảm cỏ dưới những tán cây mới trồng thêm. Việc bổ sung khéo léo làm cho du khách đến nay ngỡ là có mấy trăm năm nhưng ít ai nhận ra đó là phong cách sân vườn châu Âu.

Tôn tạo Chùa Một Cột năm 1920-1922. Khu đất bao quanh chùa đã thay đổi khi quy hoạch mạng lưới giao thông. Nghiên cứu văn bia lại phát hiện chùa đã trùng tu nhiều lần nên việc xác định nguyên mẫu trở nên phức tạp hơn. Tuy vậy ngay cả việc chuyển từ bảo tồn đơn thuần sang phục chế toàn bộ thì công việc cũng đã được hoàn thành cẩn trọng.

  • Ảnh chụp nhìn từ Khuê Văn Các (khoảng năm 1920)

Việc khôi phục lại các hoa văn ở các góc cạnh hay xây mới một bờ tường hình vuông quanh hồ nước (vốn bị xoá hết dấu vết) với tỷ lệ chọn lọc đã làm cho ta không nhận ra đâu là hiện vật cũ, mới. Năm 1954, quân đội Pháp phá chùa trước khi rút khỏi Hà Nội. Bằng tư liệu lưu trữ, chùa đã được dựng lại như ta thấy hiện nay.

Rất nhiều đình chùa Hà Nội đã được phục chế trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ 20. Một phần do kết cấu gỗ, gạch không giữ được lâu, một phần chiến sự 1947 tại Hà Nội làm đình chùa thiệt hại nặng. Nhờ những kinh nghiệm phục chế có phương pháp đã hình thành bởi EFEO, các công trình này được thực hiện rất thành công.

Phong trào làm mới di tích hiện nay

Quy trình thực hiện bảo tồn di tích hiện nay dễ hay khó? Điều này còn tuỳ. Có ngôi chùa cổ ở quận Hai Bà Trưng mái ngói dột đã lâu, cụ sư trụ trì thật thà mời họp đủ ban bệ, khó nhất là mời hai ông giáo sư bảo tồn. Mấy tháng mới đủ mặt, nhưng suốt buổi, hai ông tranh luận là cái kèo bẩy có chi tiết chạm khắc đời Lê hay đời Nguyễn. Tan họp, các đại biểu nhận phong bì rồi vẫn chưa cho kết luận là mái có được lợp lại hay không. Cụ trụ trì thì nói như đinh đóng cột: “Năm 1950 , tôi về chùa thì chỉ còn khung mái đã cháy, tôi mượn thợ dưới Thường Tín lên sửa chứ Lê , Nguyễn gì đâu”. Vậy là sửa mái chùa rất khó.

Cứ xem xứ Đoài xứ Đông thì đình chùa mấy năm nay ầm ầm xây lại. Không biết khó dễ thế nào mà có bạn KTS trên Sơn Tây cậy cục xin chuyển khỏi Ban quản lý thành cổ. Anh tâm sự: “Theo họ thì hoá mình làm bừa, không theo thì không làm gì được. Sản phẩm là những gì: tường thành cổ Sơn Tây thì xây mới toanh, đình Mông Phụ thì còn lộ nhiều keo gắn với dầu sơn bóng. Bộ vì làm mới đặt sàn đình Tây Đằng thì trông nét chạm ngô nghê như mới học nghề …”. Vậy là làm mới đình cổ, thành cổ khá dễ.

Mươi năm trước, Bộ Văn hoá đã có dự án lập hồ sơ di sản kiến trúc khá quy mô, tốn khá nhiều tiền. Tuy vậy kết quả của dự án nay để đâu, nội dung ra sao ít người biết. Nên chăng có quy chế công bố rộng rãi trên mạng, như vậy sẽ đạt mục đích: sản phẩm nghiên cứu thực hiện bằng ngân sách sẽ được xã hội thẩm định công bằng. Còn những di tích được trùng tu sửa chữa sẽ có chuẩn mực tin cậy để đánh giá. Mặt khác cả xã hội có cơ hội tham gia bảo vệ di sản một cách tích cực, chủ động.

KTS Trần Huy Ánh

(Trong bài sử dụng tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn - “Hà Nội nửa đầu Thế kỷ 20” và của France Mangin - “Di tích lịch sử Hà Nội 1900-1930”, tạp chí “Xưa và Nay” 6/2009. Ảnh minh hoạ do HanoiData sưu tầm & biên soạn)

No comments:

Post a Comment