Thursday, March 1, 2012

Chùa Tĩnh An

Tĩnh An Tự là một ngôi chùa Phật Giáo, nằm ở phía tây đường Nam Kinh thuộc khu Tĩnh An trung tâm thành phố Thượng Hải – Trung Quốc. Là một ngôi cổ tự nổi tiếng ở vùng Giang Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 3 thời Tam Quốc.
Căn cứ theo văn bia Xích Điểu trong chùa có ghi chép lại, chùa Tĩnh An do vị Hồ Tăng là Khương Tăng Hội xây dựng vào thời Tam Quốc nước Đông Ngô Tôn Quyền niên hiệu Xích Điểu thứ 10 (247), tên ban đầu của chùa là Lự Độc Trùng Nguyên (Huyền), nằm ở tả ngạn sông Ngô Tùng. Có lịch sử cách nay khoảng hơn 1700 năm.
Vào triều đại nhà Đường chùa được đổi tên là Vĩnh Thái Thiền Viện. Đến triều đại nhà Tống thời vua Thái Tông niên hiệu Đại Trung Tường Phù (1008) được đổi tên thành Tĩnh An Tự. Triều đại Nam Tống năm thứ 9 niên hiệu Gia Định (1216), vị trụ trì đương thời nhận thấy địa thế chùa nằm gần sông không được kiên cố, mới đem chùa dời về địa điểm hiện nay. Đến triều đại nhà Nguyên chùa đã trở nên hưng thạnh rất nhiều.
Trong chùa có 8 nơi rất nổi tiếng được mệnh danh là Tĩnh An Bát Cảnh: bia Xích Điểu, cây Cối thời Trần, đài giảng Kinh, đầm Tôm, Suối nước từ đất phun lên, động Lục Vân, bờ lũy Lự Độc, bến đò Lô Tử nổi danh một thời, trong đó dòng suối trước sơn môn nổi tiếng là “Thiên Hạ Đệ Lục Tuyền”. “Tĩnh An Bát Cảnh” được rất nhiều văn nhân đề thơ ca vịnh, cuối triều Nguyên có tập thơ của vị Tăng tên Thọ Ninh: “Tĩnh An Bát Vịnh Tập”. Triều đại Minh Thái Tổ năm thứ 2 niên hiệu Hồng Vũ (1369), chùa Tĩnh An đúc 1 chung đồng làm báu vật để trấn sơn đến nay vẫn còn.
Năm 1860 quân Thái Bình Thiên Quốc đánh đến tây bộ Thượng Hải, chùa Tĩnh An bị thiêu hủy, chỉ còn chánh điện nhưng sau vài năm cũng bị đỗ sập, đến tượng Phật cũng bị lộ thiên, phải dầm mưa dải nắng nhiều năm. Đến năm 1880 người dân vùng núi Hồ Tuyết cùng nhau đóng góp tài vật để trùng kiến lại chùa Tĩnh An, sau 1 năm thì hoàn thành. Từ đó về sau mỗi năm vào ngày Đức Phật Đản Sanh mùng Tám tháng Tư âm lịch chùa Tĩnh An đều tổ chức lễ hội, trở thành một hạng mục truyền thống của người dân Thượng Hải đến năm 1963 thì lễ hội này không còn nữa.
1862 địa giới hành chánh được mở rộng đến chùa Tĩnh An hình thành đường Tĩnh An Tự (nay là đường Nam Kinh), sau đó theo hướng tây tiếp tục xây đường Hải Cách hướng đến Từ Gia hội và bến đò Phạm Hoàng. Như vậy chùa Tĩnh An trở thành trung tâm mạng lưới giao thông của khu Lự Tây. Năm 1899 tô giới công cộng của Thượng Hải mở rộng về hướng tây chùa Tĩnh An, như vậy ngôi cổ tự từ chỗ điền dã yên tĩnh đã nằm trong khu đô thị buôn bán huyên náo, nhà cửa xây dựng xung quanh. Năm 1901 lập phòng tuần kiểm tô giới công cộng Tĩnh An Tự. Năm 1903 thiết lập văn phòng Tổng Hội Phật Giáo Trung Quốc tại chùa Tĩnh An.
Năm 1908 chùa Tĩnh An là điểm khởi hành của tuyến xe điện, nơi đây trở nên đông đúc phồn thịnh, chùa Tĩnh An cũng trở nên hưng thịnh, năm 1921 chùa Tĩnh An được mở rộng lên đến 5ha, phía đông của Đại Hùng Bảo Điện lại xây thêm Tam Thánh Điện.
Năm 1953 pháp sư Trì Tùng cho xây dựng đạo tràng Chơn Ngôn Tông trãi qua 5 đời đến nay đã bị thất truyền .
Năm 1966 trong cuộc đại cách mạng văn hóa tượng Phật, Pháp khí trong chùa đều bị phá hoại, Trì Tùng pháp sư bị bức hại, Tăng chúng bị buộc phải hoàn tục, chùa bị niêm phong trở thành công xưởng. Năm 1972 Đại Hùng Bảo Điện bị hỏa hoạn, Tĩnh An Cổ Tự trở thành phế tích.
Năm 1979 về sau Trung Quốc bắt đầu xây dựng lại các cơ sở tôn giáo. 1983 quốc vụ viện Trung Quốc xác định chùa Tĩnh An là tự viện trọng điểm Phật Giáo toàn quốc của người Hán. 1984 về sau chùa Tĩnh An bắt đầu khôi phục việc trùng kiến chùa, tu sửa lại Xích Điểu Sơn Môn, Thiên Vương Điện, Tam Thánh Điện, Công Đức Đường, Phương Trượng Thất.v.v…Năm 1990 việc trùng kiến chùa Tĩnh An đã xong và mở cửa trở lại. Ngày 12 tháng 5 năm 1991 cử hành lễ khai quang tượng Phật ngọc, đánh dấu việc trùng kiến đã hoàn mãn, cũng như khôi phục lại truyền thống qui mô trước đó trong thời kỳ dân quốc. Chùa Tĩnh An hiện tại là đạo tràng trọng điểm của Chơn Ngôn Tông Trung Quốc.
Dưới đây là hình ảnh chùa Tĩnh An - Thượng Hải - Trung Quốc, kính giới thiệu đến quý độc giả.

No comments:

Post a Comment