Marina Bay Sands(Singapore)
Các đô thị vệ tinh: Liệu có thể dàn hàng ngang cùng tiến? Bản QH Hà Nội trình bày Đô thị lõi trung tâm, lõi mở rộng. Vòng ngoài có 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Lọt trong Hành lang Xanh, giữa trung tâm và vệ tinh còn 3 đô thị nữa: Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn. Vậy không kể Lõi trung tâm thì 8 đô thị còn lại kia, cái nào xây trước cái nào xây sau, hay là cùng một lúc, tất cả các đô thị dàn hàng ngang, cùng tiến bước.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây: Có nên hiện đại hóa một đô thị cổ?
Tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá, Sơn Tây lại định hướng trở thành đô thị hiện đại - lạc lối và mâu thuẫn. Ưu tiên du lịch - văn hoá - lịch sử kết hợp với thao trường huấn luyện, tập trung quân sự truyền thống vốn có mấy trăm năm nay, chẳng hơn chia lô bán nền tầm thường?
So với bên kia sông Hồng: Việt trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên - các khu CN đã phát triển hàng chục năm nay thì Sơn Tây không có lợi thế cạnh tranh.
Xuân Mai, giấc mộng Thành phố hơn 30 năm trước không thành, nay cũng vậy - nó nên là một thị trấn êm đềm ven đường 6 và đường HCM, lấy trường ĐH Lâm nghiệp là trung tâm, hơn là một nơi tập cư đông đúc nhưng khó mở rộng sản xuất hay dịch vụ.
Gần với Lương Sơn, Hoà Bình thì nên chăng chia sẻ tiềm năng tích tụ dân cư, tạo nhiều việc làm cho tỉnh bạn - Xuân Mai đặt ra mục tiêu không gian dự trữ hơn là đô thị vệ tinh.
Phú Xuyên - cửa ngõ phía Nam HN được coi là đầu mối giao thông, nơi phát triển CN và tiểu CN... Nằm ở vùng trũng ngập, nơi đất có thể rất bừng sáng nếu giao thông thuỷ phát triển kết hợp với đường sắt và đường bộ. Thế mạnh này trùng lặp với Phủ Lý hay Hưng Yên, đã hàng chục năm nay đầu tư xong hạ tầng các khu CN, đô thị rồi nằm chờ phát triển.
Thay vì làm vệ tinh mới, hãy khai thác hết các vệ tinh cận kề có sẵn. Các nhà đầu tư thực sự (không phải nhà đầu cơ BĐS, chỉ thạo chiếm đất bán nền) sẽ cho lời giải thoả đáng. Nơi đây khả năng vẫn chỉ là tiềm năng trong nhiều năm tới.
Cầu Long Biên có từ đầu thế kỷ, sau 80 năm HN có thêm 2 cầu. Sau 30 nữa bằng vốn ODA, sắp có thêm 2 cầu mới hoàn chỉnh. Làng Văn hoá dân tộc VN vẽ từ năm 1990, sau 10 năm có 30 km đường nối Hà Nội tới, thêm 10 năm sau, con đường này mở rộng hơn kèm theo cả trăm dự án BĐS bám suốt một nửa chiều dài. Đô thị Ciputra hơn 300 Ha - đẹp nhất HN, đền bù đất rẻ mạt, đất nhà bán thật đắt, có từ những năm 90' cũng hơn chục năm chưa xong.
Nói vậy để thấy là 20 năm để dự kiến hoàn thành 8 đô thị là quá lạc quan, ảo tưởng
Tuy vậy, đô thị Sóc Sơn vốn ế ẩm nhất HN trong các cuộc đấu giá, nay rất có triển vọng do gần sân bay và các trục đường lớn nối ra hải cảng và lên phía Bắc. Điều quan trọng là xác định rõ phát triển theo hình thái đặc thù nào. Nếu không chỉ là những hàng rào tạm bợ chiếm đất - như đã từng như vậy mấy chục năm.
Hoà Lạc - đô thị vệ tinh triển vọng nhất Hà Nội có khu HaBiotech quy mô 500 ha ở Tây Nam cầu Thăng Long. Mục tiêu là xây dựng khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đầu tiên tại VN, gồm các khu dưỡng nghiệm, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển, đào tạo liên quan ngành sinh học, nhằm thu hút các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, đầu tư dự kiến hàng tỷ USD.
Các chuyên gia quốc tế thì cho rằng kế hoạch này là ảo tưởng. Tại Singapore, hạ tầng tốt hơn nhiều, thị trường rộng mở, môi trường thăng tiến nghề nghiệp ưu việt, vậy mà khó giữ chân các chuyên gia chứ kể gì đến các nhà khoa học hay doanh nhân hàng đầu.
Nơi ươm mầm công nghệ tốt nhất là Hoà Lạc, nơi có đủ không gian bố trí đồng bộ cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học, thực nghiệm sản xuất và đô thị dịch vụ, phù hợp với quốc gia mới ở chặng đầu phát triển.
Con đường nào dẫn đến Đô thị vệ tinh Bỏ qua sự ngây thơ ranh mãnh, khi các dự án dự án BĐS lại có tên "công nghệ cao", "sinh thái" không có sức sống, Hoà Lạc đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, lại có con đường rộng thênh thang sắp hoàn thành - Quy mô có thể mở rộng vài ngàn Ha, không dừng lại ở con số 60 vạn dân.
Nếu như 5 vệ tinh dự kiến chỉ có 2 là thực tiễn trong vài chục năm tới (Hoà Lạc và Sóc Sơn) thì nhiệm vụ đặt ra là thay vì khai thác đô thị ngay 3 vệ tinh còn lại, thành phố lập quỹ đất dự trữ đặc biệt - sở hữu công chứ không để tư nhân hoá tràn lan.
Giao thông nối vệ tinh bằng các tuyến hiện trạng và nâng cấp là đủ, không cần xây mới. Quan trọng là nâng cao chất lượng đường xá và khai thác phương tiện phù hợp.
Ví dụ Láng - Hoà Lạc nối với đường 21 vòng về 32. Thay vì đường sắt trên cao chỉ cần phân làn xe buýt nhanh BRT là đủ. Lên Nội Bài không làm đường trên cao chỉ cần đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị do Nhật Bản tài trợ. Đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi cần chú ý các cảng đầu mối ngoại ô thành phố liên kết với đường bộ, đường sông, chở khách và chở hàng (đặc biệt cầu cảng container)...
Đầu tư rất tiết kiệm nhưng thay đổi căn bản hiện trạng yếu kém giao thông hiện tại. Thay vì hàng chục tỷ USD cho các dự án kỳ vĩ - viển vông, chỉ cần 10% số đó - Thủ đô đàng hoàng hơn rất nhiều.
Tác giả:
Huy Trần
Quy hoạch Hà Nội: Phi lý trở thành hợp lý? Bản Quy hoạch Hà Nội chỉ ra không gian tiềm năng phát triển, nhưng muốn biến thành tài sản có giá trị, đem lại lợi ích nhân dân và làm giàu cho Thủ đô, đất nước thì cả hệ thống phải vào cuộc.
Cách đây ít lâu, khi nhận xét về quy hoạch Hà Nội, một vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã phát biểu: "...Giá đất Hà Nội thuộc loại cao nhất nước là tiềm năng lớn, không thể để tiền đó rơi vào túi một số ít người mà cộng đồng không được hưởng lợi". Nếu theo định hướng này, bản quy hoạch Hà Nội có thể cải biến những vấn đề phi lý trở nên hợp lý
Phải hưóng tới ý nguyện nhân dân
Từ khi có bản vẽ quy hoạch theo "lối Tây" năm 1890 đến nay là 120 năm, Hà Nội có đến hơn chục bản vẽ quy hoạch. Nửa đầu TK 20 có khoảng "dăm lần", nửa sau cũng gần chục lần. Nhưng chưa bao giờ quy hoạch Thủ đô có đông đảo các giới tham gia như lần này. Ý kiến tham góp ngay từ đầu hình thành ý tưởng cho đến khi được phê duyệt, sau khi phê duyệt...chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp để kế hoạch phát triển đô thị hoàn thiện và hợp lý.
Cầu Thê Húc. |
Bản quy hoạch mới sẽ thực sự có giá trị khi nhìn ra những nguyên nhân làm cho các bản quy hoạch trước đây còn hạn chế, gây phản ứng trong dư luận xã hội. Có thể đưa 2 ví dụ: Một là, ý tưởng chủ quan khi di dời Thủ đô lên Vĩnh Yên, Xuân Hoà hay Xuân Mai... Hai là, bản quy hoạch 108 cho dù được soạn thảo khá công phu, song khi triển khai chi tiết thì chỉnh sửa tuỳ tiện, các dự án phát triển đô thị khi thực hiện thì lại xem nhẹ lợi ích chung... Những tồn tại trong phát triển đô thị Hà Nội làm ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội, nên quy hoạch Thủ đô lần này trở thành cơ hội để đông đảo các tầng lớp nhân dân bày tỏ ý nguyện của mình. Mong sao những góp ý cho bản quy hoạch được tiếp nhận một cách thực chất nhất, chọn lọc nhất.
Thúc đẩy cả xã hội vận động vì lợi ích chung
Cơn sốt đất phía Tây Hà Nội sau khi triển lãm quy hoạch vừa qua cho ta thấy 2 mặt của vấn đề. Mặt tích cực là giá trị đất đai Hà Nội rất cao, là động lực, sức hút đầu tư mạnh mẽ của toàn xã hội. Mặt tiêu cực là quản lý tài nguyên lỏng lẻo, bộ máy quản lý và nhận thức pháp luật trong xã hội còn thấp...nên xảy ra tình trạng đầu cơ đất đai tùy tiện, tự phát.
Bản quy hoạch chỉ ra không gian tiềm năng phát triển, nhưng muốn biến thành tài sản có giá trị, đem lại lợi ích nhân dân và làm giàu cho Thủ đô, đất nước thì cả hệ thống phải vào cuộc.
Ngành tài nguyên môi trường phải có hồ sơ quản lý đất đai tường minh, chính xác. Ngành tài chính phải có thuế suất hữu hiệu, điều chỉnh chuẩn xác hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển hoá tài sản công theo đúng quy luật kinh tế. Ngành tư pháp phải hoàn thiện các điều luật nhằm điều chỉnh kinh doanh BĐS tuân thủ luật pháp nghiêm minh. Ngành nội vụ phải kiện toàn bộ máy hành chính địa phương để các cấp chính quyền cơ sở thực thi trách nhiệm của mình một cách chủ động..v...v...
Tập trung hoá tài nguyên đất đai đang bị phân tán
Bản quy hoạch bắt tay vào soạn thảo với 744 dự án BĐS dày đặc trên diện tích 3.340km2. Việc đầu tiên là lập Hành lang Xanh để giãn cách đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, nó còn là không gian cây xanh, mặt nước và phát triển sinh thái bền vững... Các dự án nằm trong khu vực này sẽ được các cơ quan chuyên môn cân nhắc sâu sắc để đảm bảo Hành lang Xanh hoàn thành sứ mạng của mình một cách thực chất.
Tất nhiên, để loại bỏ những thoả hiệp giữa chủ dự án và nhà quản lý cần có sự giám sát của cả xã hội. Hành lang Xanh sẽ là diện tích lớn nhất (hơn 2. 000 km2) tích tụ để sở hữu công dưói sự giám sát của xã hội?
Các không gian Xanh hai bên bờ sông Nhuệ, các rãnh Xanh, không gian lớn bên tượng đài Độc Lập (từ sông Nhuệ đến vành đai 4) sẽ can thiệp vào hàng trăm các dự án BĐS manh mún để bổ sung cho không gian công cộng của Thủ đô hàng trăm km2 nữa.
Khu đất rộng hàng chục km2 bờ Đông và Tây Hồ Đồng Mô đang khoanh vùng dự trữ làm Trung tâm Hành chính quốc gia. Đã có nhiều ý kiến thảo luận, nên chăng ta thay từ TTHCQG thành khu đất dự trữ Quốc gia, vì đằng nào thì 40 năm nữa mới bàn đến. Nhưng ngay bây giờ, nếu thành phố khoanh vùng trưng dụng trồng cây, làm thành rừng xanh bên hai bờ hồ Đồng Mô thì quý biết bao: Không làm nhà chia lô, kinh doanh giải trí, không cấp đất làm sân golf. Nơi đây Hà Nội có công viên rộng gấp 4 lần Hồ Tây thì quả là đáng quý.
Dự trữ quỹ đất cho những nhu cầu phát sinh trong tương lai
Hầu hết các nhà lập quy hoạch thường bối rối khi phải trình bày một viễn cảnh tương lai trước những câu hỏi đặt ra bởi câu hỏi xuất phát từ nhãn quan hiện tại, đôi khi còn từ những chiêm nghiệm trong quá khứ.
Ảnh: dothi.net |
Bản quy hoạch Hà Nội đương nhiên phải chỉ ra nơi nào sẽ xây dựng các bệnh viện, trường ĐH và các cơ quan trụ sở của thành phố lẫn Trung ương (gọi tắt là công sở). Trong khi phần lớn chủ nhân những toà nhà này không mặn mà với kế hoạch di chuyển. Nếu như đồng ý gác lại chuyên TTHCQG trong 40 năm tới, thì ngay bây giờ, vị trí các công sở mới ở đâu? Hiện nay, hầu hết công sở cũ chỉ là nơi làm việc các Nha, sở thời thuộc địa. Phòng ốc chật hẹp, trang bị cổ lỗ không phù hợp thiết bị tiện nghi hiện đại. Thực tế nhiều đơn vị đã có kế hoạch cụ thể di chuyển ra ngoài. Khoảng cách 10-15 km từ trung tâm ra nơi mới giờ đây không là vấn đề.
Đẹp nhất là các công sở đặt ở Tây Hồ Tây. Nơi đây gần cơ quan CP, Quốc Hội, TƯ Đảng ở Ba Đình- tiện lợi vô cùng. Tốc độ hiện đại hoá phưong tiện di chuyển đã làm cho khoảng cách vài chục km trong tương lai sẽ còn ngắn hơn vài km như hiện tại.
Nếu TTHCQG chưa xây ngay thì đường nối từ vành đai 4 chưa cần làm. Đất đai chỗ này cũng không cần tích tụ vì đằng nào cũng thuộc đất Vành đai Xanh - sở hữu công rồi.
Xây "Hà Nội mới" hết bao nhiêu tiền cũng không phải đi vay
Tổng vốn cho giao thông là gần 41 tỷ USD tính đến 2030 bao gồm giao thông đối ngoại khoảng 11.4 tỷ, giao thông đô thị trung tâm khoảng 22 tỷ, giao thông liên kết các đô thị khoảng 0.45 tỷ, giao thông đô thị vệ tinh khoảng 3.65 tỷ, giao thông ngoại ô 0.9 tỷ và các công trình đầu mối giao thông khoảng 2,5 tỷ USD.
Giao thông trung tâm nhiều tiền nhất là các tuyến đường sắt trên cao dưới ngầm (gần 10 tỷ USD). Nếu diện tích thu hồi 1 triệu m2 từ công sở, giá chuyển đổi 10.000USD/m2, Hà Nội có 10 tỷ USD. Chuyển giao không gian ngầm, thành phố mua lại các nhà ga, các chủ đầu tư tha hồ xây dựng các trung tâm thương mại, ga ra, dịch vụ kỹ thuật. Thành phố sẽ chủ động nguồn vốn (đã có vài nhà đầu tư Âu, Mỹ âm thầm khảo sát cơ hội này).
Hơn 12 tỷ cho giao thông khác gồm cầu vượt, đường vành đai, trên cao nên giao cho các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức BOT, thành phố chỉ cần có chính sách huy động vốn hợp lý, thu phí đường, bãi đỗ tự cân đối, không phải đổi đất hạ tầng gì lèm nhèm.
Đô thị vệ tinh, giao thông đối ngoại không cần đầu tư vội. Vệ tinh phát triển đến đâu, đường làm tới (nhiều vệ tinh trên thế giới tồn tại èo uột không ai đến và đi cả). Kinh nghiệm làm đường BOT, hoán đổi đất giá trị nội đô lấy tiền xây công sở mới và làm đường đắt tiền sẽ là bài học tốt để đầu tư dần các hạng mục tiếp theo.
Đô thị lõi mở rộng có khả năng tiếp nhận 2 triệu ngưòi sẽ biết đất thành vàng cho Hà Nội. Giả sử mỗi ngưòi có 25 m2 nhà ở mới, giá rẻ 1.000USD /m2 thì chỗ nhà ở này có giá trị 50 tỷ USD. Thành phố thu về từ tiền đất, thuế BĐS khoảng 1/3 thì Hà Nội ta không thiếu tiền nạo vét sông hồ, vườn hoa cây xanh, bệnh viện trường học, xe buýt công cộng...
Tác giả:
Trần Huy Ánh
Hai tồn tại cốt tử trong quy hoạch thủ đô Tại kỳ họp Quốc hội này, đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội với dự kiến Trung tâm hành chính quốc gia sẽ đặt ở chân núi Ba Vì sẽ được đặt lên bàn Nghị sự. Trước đó, đề án cũng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, giới kiến trúc sư, quy hoạch sư trong và ngoài nước cũng đã nhiều lần lên tiếng góp lời. Kỳ hai bài viết dưới đây là góc nhìn riêng của KTS Hà Thủy, tiếp tục có những phân tích được nhiều người đồng tình, song cũng sẽ còn một số quan điểm khác cần phải thảo luận thêm. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin đăng tải để mọi người cùng suy ngẫm.
Ở nước ta, Chính phủ là thiết chế - bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng, không thể tách rời của Nhà nước và của cả Hệ thống chính trị. Vì vậy, việc phân biệt các khái niệm (Trung tâm Hành chính quốc gia với Trung tâm Chính trị quốc gia) là hoàn toàn không có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ưu tiên số 1 là lựa chọn (không đồng nghĩa với thay đổi) địa điểm xây dựng, hoàn thiện Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia, tương xứng với tầm vóc, vị thế mới của đất nước (không đồng nghĩa với to lớn). Một việc hệ trọng, liên quan đến quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong đồ án, nội dung này lại có một vai trò đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún.
Tồn tại 1: Từ sai lệch về khái niệm
Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (trong bài xin được gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội) đã đề xuất (trích nguyên văn theo đồ án được trưng bày):
"Trung tâm Chính trị quốc gia: (Trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước và Quốc hội) vẫn ở Ba Đình.
"Trung tâm Hành chính quốc gia: sẽ dành khu đất dự trữ ở Ba Vì. Tại đây sẽ xây dựng các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành. Dự kiến sẽ sây dựng sau 2050..."
Quy hoạch thủ đô với vị trí đặt trung tâm hành chính quốc gia là việc hệ trọng, liên quan đến quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong đồ án, nội dung này lại có một vai trò đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún. |
Chưa bàn đến việc lựa chọn địa điểm, quy hoạch hay dở như thế nào; Trước hết, chúng tôi cho rằng đây là một sai lầm cơ bản về khái niệm:
Theo Hiến pháp 1992 cũng như theo cách hiểu thông thường, Nhà nước ta bao gồm các thiết chế: (1) Quốc hội - cơ quan lập pháp và giám sát tối cao; (2) Chủ tịch nước; (3) Chính phủ - cơ quan hành pháp - cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của đất nước; (4) Các cơ quan tư pháp tối cao (Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).
Chính phủ là thiết chế - bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng, không thể tách rời của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị; Theo đó, Trụ sở Chính phủ (cùng với Trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước) đã, đang ở trung tâm chính trị Ba Đình như hiện nay; Vì vậy, việc phân biệt các khái niệm như trên (Trung tâm Hành chính quốc gia với Trung tâm Chính trị quốc gia) là hoàn toàn không có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn;
Mặt khác, nếu Trụ sở Chính phủ dời lên chân núi Ba Vì (với khoảng cách lớn hơn 30km, không ở cùng một địa thế, vùng văn hóa) thì thực chất chúng ta đã dời đô một lần nữa, vì theo cách nói dân gian " Chính phủ ở mô, Thủ đô ở đó";
Dời đô rồi định đô, hoàn thiện mô hình thể chế, nếu thấy tốt cho toàn cục, cho đất nước, dân tộc (và chứng minh, làm sáng tỏ được sự cần thiết phải dời đi, kèm theo luận cứ về sự đúng đắn của nơi chuyển đến) không phải không có tiền lệ. Tuy nhiên, nếu do nhầm lẫn khái niệm (hoặc thiếu hiểu biết) dẫn đến những ý đồ sai lạc là hoàn toàn khác; Để rõ hơn, chúng ta nên tìm lạị, bắt đầu từ khái niệm Thủ đô:
Thủ đô: : thành phố đứng hàng đầu của một quốc gia, nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan trung ương (Nguồn: Từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa - 2007);
Thủ đô: là trung tâm hành chính của một quốc gia. Thủ đô thường là nơi đặt phần lớn hoặc tất cả các cơ quan quyền lực chính của một quốc gia như: các cơ quan hành pháp, lập pháp, cơ quan tư pháp tối cao, ngân hàng trung ương (Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia - http://vi.wikipedia.org;
Thủ đô: thành phố đứng hàng đầu của một quốc gia, trung tâm của đất nước về chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học - kĩ thuật. Nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan trung ương. Ở nhiều nước, thủ đô được coi là đơn vị hành chính có chế độ quản lí đặc biệt. Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn;
Với các định nghĩa trên đây đều thể hiện ý chung là không có sự tách bạch giữa trung tâm hành chính quốc gia và trung tâm chính trị quốc gia trong thành phố Thủ đô; và Thủ đô trước hết là nơi làm việc của Chính phủ và các cơ quan Trung ương;
Thủ đô chính thức: (thường được) quy định trong hiến pháp; nếu Thủ đô không phải là nơi làm việc của Chính phủ thì chỉ mang tính danh nghĩa, khi đó sẽ có Thủ đô thực tế (de facto): nơi đặt Chính phủ - nắm thực quyền điều hành đất nước, như cách nói dân gian ở trên;
Các khái niệm khác như: Thủ đô Kinh tế; Thủ đô Tài chính; Thủ đô Văn hóa; Thủ đô Ánh sáng; Thủ đô Âm nhạc; Thủ đô Điện ảnh; Thủ đô Hành chính v.v chỉ là những danh xưng (không chính thức) nhấn mạnh tính chất đầu não, tập trung (ở quy mô quốc gia, quốc tế) về một nội dung, phương diện nào đó.
Qua nghiên cứu 240 thành phố thủ đô thuộc 232 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ có 9/232 quốc gia (chiếm 3,88 %) Trung tâm quyền lực Nhà nước bố trí phân tán tại các thành phố khác nhau (thủ đô phân quyền); Các quốc gia này (bao gồm: Hà Lan; Tanzania; Malaysia; Swaziland; Bénin; Nam Phi; Bolivia; Côte d'Ivoire; Nauru) đều có chung đặc điểm: (1) Chế độ quân chủ: 3/9; (2) Xung đột sắc tộc, tôn giáo: 7/9; (3) Tranh giành quyền lực: 7/9; (4) Các mưu toan chính trị: 8/9; (5) Nghèo đói, bạo loạn, bất ổn 6/9; Có phải hình mẫu mà chúng ta phải theo đuổi bằng mọi giá?
Các đặc điểm này, đồng thời đã trở thành lý do chủ yếu hình thành các thủ đô phân quyền thường được gọi tên: Thủ đô Hành pháp - Thủ đô Tư pháp - Thủ đô Lập pháp.
223/232 quốc gia (chiếm 96,12 %) có các Trung tâm quyền lực Nhà nước bố trí tập trung (thủ đô tập quyền - các Trung tâm quyền lực được bố trí vào một khu vực trong một thành phố); Tất cả các quốc gia thịnh trị, có ảnh hưởng lớn trên thế giới đều tổ chức theo mô hình thủ đô tập quyền, không có quốc gia nào có thủ đô phân quyền (Tài liệu tổng hợp các thành phố thủ đô 232 quốc gia và vùng lãnh thổ tài liệu kèm theo - Xem tại đây).
Khảo sát cụ thể 18 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn - G20 (Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ) cho thấy: tại thủ đô các nước này các Trung tâm quyền lực Nhà nước: Quốc hội; Chính phủ; Tòa án tối cao; có bán kính liên hệ trung bình 2 - 3km; Có lẽ đây là khoảng cách tối ưu cho việc phối hợp, giám sát, chỉ đạo hoạt động có hiệu quả cũng như vai trò độc lập tương đối của hệ thống các trung tâm quyền lực nhà nước; Thời chiến cũng như thời bình.
Có thể hiểu (theo cách hiểu quốc tế) đề xuất của đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: từ năm 2030 - 2050, Thủ đô Hà Nội (theo địa giới hành chính) sẽ có cấu trúc "2 trong 1": Trung tâm Hành chính quốc gia (Thủ đô Hành pháp - Thủ đô de facto - thực tế) sẽ được đặt tại Chân Núi Ba Vì, Trung tâm Chính trị quốc gia (Thủ đô danh nghĩa - theo hiến pháp) vẫn ở Ba Đình.
Nếu hiểu theo cách này, phải chăng những người lập quy hoạch mong muốn tương lai (sau 40 năm) nước ta sẽ giống như 9 nước có các thủ đô phân quyền nói trên (mô hình của Nam Phi hay Malaysia)?
Việc phân tách các khái niệm (như đã nêu trên) sẽ dẫn đến tư duy về thủ đô phân quyền (cả trong tổ chức và không gian);
Quy hoạch thủ đô đồng nghĩa quy hoạch trung tâm quyền lực nhà nước, phải lấy mô hình thể chế chính trị quốc gia (dù phân quyền hay tập quyền) làm cơ sở. Việc lựa chọn, sắp đặt vị trí Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia là thể hiện hình ảnh, tổ chức, sức mạnh trí tuệ của thể chế chính trị hiện hành.
Mô hình Thủ đô tập quyền là một trong những thành tựu lớn của văn minh nhân loại, mang đến sự ổn định và phồn vinh cho các quốc gia. Điều gì đã khiến chúng ta phải ruồng bỏ mô hình này?
Trong lịch sử, đã có những bài học "cười ra nước mắt" kèm theo hệ quả tệ hại của thủ đô phân quyền (cũng "2 trong 1" thời Vua Lê - Chúa Trịnh), thiết nghĩ, mọi người đều đã biết.
Vì vậy, tại thời điểm hiện nay (và lâu dài), cách suy nghĩ về mô hình nhà nước (của đồ án) nói trên là hoàn toàn sai lệch.
Khái niệm là cơ sở để tư duy; Sai lầm trong khái niệm đương nhiên sẽ dẫn đến chuỗi những sai lầm trong phương pháp luận và kéo theo các giải pháp thực hiện phi lý.
Các câu hỏi đặt ra:
1. Dựa trên cơ sở, mô hình nhà nước, thể chế chính trị nào để khẳng định Trung tâm Hành chính quốc gia khác Trung tâm Chính trị quốc gia? Lý do phân tách 2 khái niệm này?
2. Việc lựa chọn mô hình phân tán các Trung tâm quyền lực Nhà nước là có ý gì, hướng tới mục tiêu nào? Động cơ, luận cứ nào cho việc lựa chọn Mô hình thủ đô phân quyền cho Hà Nội, Việt Nam?
3. Chúng ta đang quy hoạch một đô thị Thủ đô (lấy Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia làm hạt nhân chủ đạo) hay chỉ tổ chức quy hoạch một Hệ thống quần cư đô thị và thêm vào đó các Trung tâm Hành chính (hoặc Chính trị) quốc gia?
Tồn tại 2: Đến chệch hướng trong mục tiêu quy hoạch Thủ đô Hà Nội Quy hoạch chung thủ đô phải coi việc lựa chọn địa điểm, quy hoạch cho Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia (đồng nghĩa quy hoạch Đô thị Trung tâm quyền lực nhà nước bao gồm các cơ quan hành pháp, lập pháp, cơ quan tư pháp tối cao) là nhiệm vụ hàng đầu, mang ý nghĩa căn bản nhất, làm tiền đề, cơ sở để nghiên cứu thực thi các mục tiêu quy hoạch khác.
Lẽ ra, phải coi việc mở rộng thủ đô Hà Nội là một cơ hội lớn, với việc tái khẳng định vị thế của thủ đô gắn với quy hoạch một Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia đàng hoàng, tương xứng với tầm vóc của một nước Việt Nam mới;
Phát triển bền vững Thành phố Thủ đô, trước tiên phải phát triển bền vững hạt nhân đô thị đặc thù của thủ đô Hà Nội (tức Đô thị Trung tâm quyền lực Nhà nước; Đô thị Trung tâm Văn hóa - Lịch sử); Các chức năng trung tâm khác như kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ; quần cư cùng các chức năng dịch vụ, phụ trợ khác (có thể lựa chọn có hoặc không theo nhu cầu).
Đề xuất của đồ án có thể giữ nguyên vị trí, mở rộng, hoàn thiện hay dịch chuyển, miễn là có luận cứ xác đáng; Dù lựa chọn cách nào (định đô hay dời đô), vị trí ở đâu; tổ chức tập trung vào một đô thị (Thủ đô tập quyền) hay phân tán ra nhiều đô thị (Thủ đô phân quyền) thì đồ án quy hoạch cũng phải khẳng định được tính đúng đắn, sự ổn định của nơi bố trí Trung tâm quyền lực nhà nước gắn với kế hoạch chiến lược dài hạn (không hạn định) của quốc gia; Việc lựa chọn này phải tạo được lòng tin trong dân chúng (nếu dịch chuyển Thủ đô cần thiết phải có trưng cầu dân ý), có ý nghĩa quyết định, làm cơ sở quy hoạch phát triển các chức năng khác của đô thị.
Xin nhắc lại, sự lựa chọn này có tác động quyết định đến vận mệnh của đất nước; Cần có các nghiên cứu chuyên sâu, khoa học, không theo cảm tính, mê tín, dị đoan, song cũng không thể xem nhẹ các bài học lịch sử (trong nước và quốc tế);
Tuy nhiên, theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các địa danh được đề cập đến dành cho Trung tâm Hành chính quốc gia bao gồm: Đông Anh, Thạch Thất, Phú Diễn - Mỹ Đình - Hòa Lạc - Chân núi Ba Vì; Ngày 04/03/2010 đại diện của Bộ Xây dựng tuyên bố: "Trung tâm hành chính quốc gia sẽ về chân núi Ba Vì" (nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-382199/trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-se-ve-chan-nui-ba-vi.htm ). Sau đó, ngày 21/04/2010 (cũng đại diện này) lại phát ngôn: "Chưa quyết địa điểm xây Trung tâm hành chính quốc gia"; "nhưng định hướng là theo vị trí kết thúc của trục Thăng Long, qua hồ Đồng Mô, dưới chân núi Ba Vì" (nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Chua-quyet-dia-diem-xay-Trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-905539/).
Ngày 11/5/2010 đại diện khác của Bộ Xây dựng giải thích: "Về trung tâm hành chính mới, quy hoạch chỉ đặt vấn đề có quỹ đất dự phòng" (nguồn: http://hanoi.org.vn/planning/archives/394)
Sự thay đổi liên tục các lựa chọn cho thấy những người thực hiện không có chính kiến; Hơn thế, do không có các nghiên cứu cơ bản về vị thế, mô hình tổ chức (đô thị) Trung tâm quyền lực Nhà nước. Dường như có sự thiếu chín chắn trong cách thức tổ chức, nghiên cứu, tiến hành khiến các đề xuất, lựa chọn thiếu cơ sở, theo cảm tính; Mặt khác, dời chuyển Chính phủ (đồng nghĩa với dời đô) là một chủ trương lớn, có lẽ vượt quá khuôn khổ thẩm quyền, và không phải chuyện của một nhà.
Đồ án đã không làm rõ được: Vì sao phải dời chuyển Chính phủ ra khỏi Trung tâm Chính trị Ba Đình (vào năm 2030 - 2050)?
Đồ án đã không làm rõ được: Luận cứ nào cho việc lựa chọn vị trí của Chính phủ tại Chân núi Ba Vì?
Đồ án đã không làm rõ được: Vì sao không tập trung quy hoạch hoàn chỉnh (hoặc mở rộng) Trung tâm Chính trị Ba Đình?
Đồ án cũng đã không làm rõ được: Vì sao phải quy hoạch phân tán thành 3 địa điểm Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia?
Cũng như vậy, đồ án dường như quá say sưa, thiên lệch với Mô hình đô thị Quần cư; Trong khi, các mô hình quan trọng mang tính quyết định vị thế của thủ đô như Mô hình đô thị Quyền lực Nhà nước, Mô hình đô thị Văn hóa - Lịch sử; Mô hình đô thị Kinh tế; Mô hình đô thị Khoa học - Công nghệ; cùng với các nội dung kèm theo (tiên quyết) như Mô hình phát triển. Sự tương tác vùng và nội tại, Khả năng dung nạp, Khước từ của đô thị, Sức chứa tới hạn; Cấu trúc đô thị tối ưu. Tiến trình, kế hoạch đầu tư; Giải pháp đô thị hóa, hiện thực hóa các mục tiêu. Giải pháp kinh tế, quản lý đô thị và nhiều nội dung quan trọng khác phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, và tự nhiên của Hà Nội (truyền thống và mở rộng); lại rất mờ nhạt hoặc chưa được đề cập tới.
Cũng như vậy, những người thực hiện quá mê mải với những câu chuyện tiểu tiết như "Trục Tâm Linh", "Trục Thăng Long". Các minh họa tính chất của đô thị (Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại) chỉ là những mỹ từ, mà quên nhiệm vụ trọng tâm của đồ án. Quy hoạch chung phải giải quyết đến các vấn đề lớn hơn, đó là mô hình phát triển, cấu trúc đô thị tối ưu, lựa chọn vị trí, quy mô cho các đô thị trung tâm. Bởi, nếu lựa chọn mô hình phát triển không phù hợp, vị trí các đô thị trung tâm sai lệch, quy mô không thực tế thì tất cả những ý đồ, giải pháp, dù hay dù dở đều trở thành vô nghĩa.
Xét tổng quan, công bằng mà nói, đồ án đã đi chệch hướng trong mục tiêu quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Kết quả cho thấy, đến nay Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia chỉ được đề cập và giải quyết như một nội dung đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún (chúng tôi phân tích kỹ ở bài trước và các bài tiếp theo).
Các câu hỏi đặt ra:
1. Mô hình Trung tâm Hành chính quốc gia bố trí riêng rẽ đã thành công ở những quốc gia nào? Hay chỉ là một thử nghiệm trong đồ án quy hoạch Hà Nội?
2. Vào năm 2030 - 2050 cùng lúc sẽ có 3 Trung tâm quyền lực Nhà nước (Ba Đình - Mỹ Đình - Chân Núi Ba Vì) với khoảng cách 30 - 40 km; mô hình thể chế, phối hợp, giám sát, hoạt động của chính phủ với các cơ quan trung ương khác, an ninh quốc phòng, đối ngoại, đối nội ra sao, giao thông (thường ngày và trường hợp khẩn cấp, chiến tranh) sẽ tổ chức như thế nào?
3. Các thủ đô ngàn năm tuổi (Roma, London, Paris, Bắc Kinh, New Delhi) vẫn tươi mới, giàu sức sống, đẹp và thịnh vượng. Tại sao Hà Nội không tiếp tục phát triển như vốn có, với một Thủ đô tập quyền - Trung tâm quyền lực Nhà nước ở giữa như các thành phố này?
Tác giả:
Hà Thủy
Vành đai xanh London giúp gì Hành lang Xanh HN? Mô hình giao thông London là điều mơ ước, nhưng không học được vì khả năng kinh tế của hai thành phố có sự cách biệt quá lớn, vậy Hà Nội nên học gì?
Sông Thames và chuyện xử lý nước thải
Trong bản quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 (gọi tắt là QH) có mục tham khảo kinh nghiệm QH của 16 thành phố từ châu Âu, Á, và châu Mỹ. Bài học từ London, thủ đô Anh quốc có nội dung: «QH cảnh quan kết hợp không gian mở. Thiết lập vành đai xanh và những thị trấn mới. Lập trung tâm tài chính thương mại bên ngoài để chuyển các toà nhà lớn ra khỏi trung tâm lịch sử. 23% diện tích giao thông, phương tiện công cộng hiện đại. Thu phí giao thông cao để giảm bớt các phương tiện cá nhân trung tâm thành phố"(*)
Thực tế, bài học giãn trung tâm lớn ra khỏi nội đô với Hà Nội là rất khó theo. Bản QH lại không thể xác định vị trí trung tâm lớn nào vào các dự án bất động sản nhỏ lẻ (đã có chủ) vốn đã bố trí nhà ở để bán.
Mô hình giao thông London là điều mơ ước, nhưng không học được vì khả năng kinh tế của hai thành phố có sự cách biệt quá lớn, vậy Hà Nội nên học gì?
| |
Ảnh 1 (Trái): London là vành đai xanh và những thị trấn mới (trích thuyết minh QH) Ảnh 2 (Phải): Phương án thoát nước thải tách khỏi sông Thames- công bố năm 1834
|
Thế kỷ 19, London có 2,5 triệu người, từ năm 1848-1849 dịch bệnh chết 70.000 người. Năm 1854 có 1/8 dân số London đã chết vì đủ các loại bệnh: Cúm, đậu mùa, thương hàn và nhiều hơn cả là dịch tả (tiêu chảy cấp).
Nguyên do nước thải công nghiệp, sinh hoạt, xác súc vật và phân lỏng toàn thành phố đổ thẳng vào sông Thames. Xú uế tràn ngập thành phố, len vào toà thị chính, làm điên đầu các uỷ viên Hội đồng thành phố này. Thảm trạng kéo dài mấy chục năm.
| |
Ảnh 3 (Trái): Xây dựng đường cống xử lý nước thải ở phía Nam sông Thames - 1861 Ảnh 4: (Phải) Trạm bơm nước đã xử lý vào kênh dẫn nước sạch tới công viên - 2005
|
Năm 1934, hoạ sĩ John Martin đã vẽ đường cống tách nước thải ra khỏi sông (ảnh minh hoạ). Năm 1949, Bác sĩ John Snow đã nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng, khẳng định nguyên nhân bệnh dịch lan truyền là do ô nhiễm nước. Joseph Bazalgette, kỹ sư đường sắt, từ bỏ công việc ông vốn được trọng vọng để dành cả cuộc đời hoàn thiện dự án xử lý nước thải (XLNT). Năm 1852, ông được chọn là KTS trưởng dự án.
Khởi động ngày 18/5/1858, thành phố đào 3,5 triệu m3, xây cống mới chặn nước thải, ngăn không cho đổ thẳng vào sông Thames. Ống ô van đường kính 2,1 m, dài 134 km, đón nước thải từ 1.800 km cống rãnh chảy tự do. Các trạm bơm lớn loại bỏ "chướng khí" bằng cách đẩy nước thải ra khỏi thành phố với tốc độ 2,4 km/ giờ, đi hơn 20 km ra vịnh biển...
Dự án XLNT được xây dựng bởi những tài năng kiệt xuất, nhiệt tâm, tính toán thận trọng, và không ngừng được mở rộng, nâng cấp. Nhờ đó, hệ thống hoạt động tốt cho đến ngày nay.
| |
Ảnh 5 (Trái): Xây dựng công trình ngầm trên đường phố London - 1864 Ảnh 6 (Phải): Công viên mới xây trên vùng đất hoang bên sông Thames rộng 9 hec ta - 2008
|
Hà Nội: Quy hoạch mới, sơ đồ thoát nước... cũ
Sau đợt ngập úng cuối năm 2008, HN khởi công giai đoạn 2 dự án thoát nước HN. Lãnh đạo dự án nói có chi hết 550 triệu USD thì HN vẫn úng ngập. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết: «Phải xem xét lại QH hệ thống tiêu thoát trong nội và ngoại thành gắn với QH vùng để đảm bảo tiêu thoát hiệu quả». Tuy vậy trong QH mới, sơ đồ thoát nứơc HN không có gì mới. Nội thành vẫn thoát nước tự chảy hướng Bắc Nam, nước thải đen ngòm vẫn theo sông Tô Lịch hơn 20km chảy dọc thành phố.
| |
Ảnh 7 (Trái): QH thoát nước do JICA lập với 6 lưu vực thoát nước, 5/7 nhà máy XLNT Ảnh 8 (Phải): Thoát nước trong QH do PPJ lập: Thoát nước nội thành không có gì mới
|
Ngoài 550 triệu USD thoát nước, thành phố còn gần 1 tỷ USD để làm 7 nhà máy XLNT. Một cái tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nhà máy bên hồ Trúc Bạch vô dụng vì nước thải từ hàng chục nhà thuyền, hoá chất từ các xưởng đúc đồng đổ thẳng xuống hồ. Nhà máy Kim Liên chi vận hành 1,7 tỷVND/ năm, vẫn phải dùng hoá chất để giảm đỡ mùi hôi bốc lên từ nước hồ
Đắt nhất là nhà máy Yên Sở (223 triệu USD) dự kiến xử lý 1/2 nước thải Hà Nội, phục vụ 1,5 triệu dân. Thực ra nó chỉ làm sạch khung cảnh cho khách sạn đầu tư nước ngoài trị giá 2 tỷ USD nằm bên hồ. Toàn dân Hà Nội sống đôi bờ các con sông ô nhiễm từ đầu thành phố chảy đến hồ này đã gánh đủ tác hại. Nước xử lý xong, bơm ra sông chỉ có cá sông Hồng hưởng hạnh phúc được bơi được trong nước sạch.
Còn 2 nhà máy XLNT cuối dòng hơn 600 triệu USD liệu có ích gì khi sông Nhuệ năm nào cũng xả thải nước ô nhiếm xuống Hà Nam làm cho cá chết nhiều hơn...
Tháng 4/2010, chúng ta thông tin cơ bản sông hồ HN đã sạch. Tháng 5/2005, cá vẫn chết hàng loạt ở Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Linh Đàm, Định Công. Tháng 6/2010, thành phố lại thông báo đẩy mạnh dùng hoá chất để làm đổi mầu và khử mùi nước thải, thả bè thuỷ sinh hy vọng là "phép thần" để cải thiện môi trường, sẽ làm các trạm XLNT dọc sông. Nhưng cho đến tận giờ, Hà Nội vẫn lúng túng, bế tắc trong giải pháp XLNT. Các hoạt động XLNT ở trạng thái "tình thế" và bị động, nhưng người ta lại rất chủ quan.
Xử lý nước thải tại nguồn - giải pháp bền vững
Sau thế chiến II, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất nhưng cũng là nước có môi trường ô nhiễm nhất thế giới. Để thành đất nước sạch sẽ, Nhật Bản đã có nhiều biện pháp quyết liệt, tiêu biểu là phổ biến XLTN tại nguồn - gọi là Luật JKS.
Luật này quy định chất lượng nước thải ra môi trường phải đạt chuẩn, muốn vậy phải sử dụng hệ thống XLNT tại nguồn - tiếng Nhật là Johkasau-JKS. Hệ thống được nhà nước hỗ trợ đầu tư 13%, người dùng đóng góp 60%, địa phương 27%, với quy trình lắp đặt vận hành, giám sát chặt chẽ. Hầu hết các hộ gia đình ở Nhật Bản đều lắp hệ thống JKS. Được biết, hiện nay, HN đã có một số dự án lắp đặt JKS có quy mô gia đình đến cụm dân cư.
| |
Ảnh 9 (Trái): Thu gom nước thải vào ga cống, dẫn về trạm XLNT mini (của KU Leuven) Ảnh 10 (Phải): Sơ đồ tách nước thải để xử lý với nước đổ thẳng vào sông (của KU Leuven)
|
Trung tâm Môi trường Đại học Xây dựng HN đang hợp tác với ĐH Darmstadt (CHLB Đức) thực nghiệm mô hình thu gom và XLNT bán tập trung. Thiết bị XLNT dùng nhiệt lượng sinh khí từ nước thải để thúc đẩy nhanh quá trình sinh hoá, phân rã, thu hồi chế phẩm làm phân bón... Một nhóm KTS trẻ đang đề xuất kết hợp lắp ngầm trạm XLNT để giành quyền khai thác mặt bằng phía trên cho dịch vụ thu phí, cân đối đầu tư.
Trường ĐH KU Leuven (Vương quốc Bỉ) cũng nhiều năm nghiên cứu những giải pháp phù hợp để thu gom XLNT cho sông hồ HN.
Ngay tại làng nghề làm miến dong phía Tây HN, người nông dân đã bắt đầu thu gom nước bã để làm phân vi sinh. Làng quê sạch sẽ, nghề XLNT tại làng sẽ giúp họ trở thành thành tỷ phú.
Hà Nội cần môi trường sống chất lượng và cư dân có trách nhiệm chi phí cho môi trường sống tốt của mình. Không thiếu những mô hình phù hợp, công nghệ đáp ứng, muôn vàn sáng kiến hữu ích để HN có giải pháp XLNT chủ động và chuyên nghiệp. Nhưng rất tiếc cho tới nay, dường như thành phố chưa học được bài nào .
Chú thích
(*) Trích thuyết minh Quy Hoạch HN2030.
Ảnh minh hoạ do Hanoidata ST&BT
Tác giả:
Trần Huy Ánh “Thành phố buồn” nhưng lại xa hoa bậc nhất Khu nghĩa địa làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) được xem là “thành phố lăng mộ” xa hoa bậc nhất Việt Nam. Ở đây có những “lâu đài lăng mộ” trị giá hàng tỷ đồng. Hàng ngàn lăng mộ nằm chen chúc trên một đồi cát trắng rộng gần 70ha. Tình trạng đua nhau xây lăng mộ tiền tỷ để thể hiện “đẳng cấp” của dòng họ mình, đất người chết lấn đất người sống một cách vô tội vạ, khiến chính quyền địa phương đau đầu. Bên cạnh những ngôi mộ hàng chục ngàn đôla ấy vẫn có nhiều gia đình sống trong những căn lều tạm bợ, phải chạy ăn từng bữa.
Bài 1: LĂNG MỘ TIỀN TỶ TRÊN ĐỒI CÁT TRẮNG
Quần thể lăng mộ nguy nga ở làng An Bằng
NGOẠI TỆ VỀ LÀNG
Khu nghĩa địa làng An Bằng được xem là “thành phố lăng mộ”, “đô thị người chết”, “thành phố ma”... với quần thể lăng mộ tiền tỷ đồ sộ, sầm uất. Nơi này rộng bát ngát, chiếm cả một khoảng đất bao la, hoành tráng nhất làng. Một du khách người Pháp tên André Crozeilles phải thốt lên kinh ngạc: “Một vùng cát trắng mà trở thành một đô thị người chết!”. Đi giữa “mê cung” lăng mộ ấy, chúng tôi quá mải mê chụp ảnh nên bị lạc, rất lâu sau mới tìm được lối ra.
Ông Đặng Văn Tâm (78 tuổi), một bậc cao niên trong làng cho biết: “An Bằng có 44 dòng họ. Con cháu họ nào cũng góp tiền xây nhà thờ, lăng mộ họ tộc của mình, mỗi lăng có kinh phí từ 500 triệu đồng trở lên. Nhiều lăng mộ giống như lâu đài, trị giá 2 - 3 tỷ đồng là chuyện bình thường. Mấy chú nhìn ngôi đình làng cũng đủ khiếp với số lượng vật liệu: 22 tấn xi măng, 14 tấn sắt thép... kinh phí tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng. Trước đây, bà con quanh năm bán mặt cho biển, bán lưng cho trời làm nghề đánh bắt hải sản. Nếu trời yên biển lặng thì làm đủ ăn, còn không thì ăn cháo xương rồng”. Chẳng mấy chốc, làng An Bằng cực khổ, thiếu ăn bỗng nhiên thay da đổi thịt một cách nhanh chóng như chàng tiều phu trở thành hoàng tử. Đa số người dân ở đây đi nước ngoài rồi gửi tiền về xây lăng đắp mộ. Nhưng tiền ở đâu mà người An Bằng lại xây những “biệt thự lăng” tiền tỷ như vậy tại một ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Thuận An chỉ toàn cát trắng với cây xương rồng?
Với quan niệm “sống nhờ mồ nhờ mả, chứ không nhờ cả bát ăn”, “sống gửi, thác về”, con người có sinh có tử, cho nên làng xã nào trên đất nước ta cũng có nghĩa trang. Còn tại làng An Bằng, theo quan niệm của bà con, nên xây lăng trước để khi nhà có người chết, không phải lo tiền xây lăng nữa; vả lại xây trước bao giờ cũng cẩn thận, hoành tráng hơn. Sau khi chết, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến 3 năm sau mới được phép xây; như vậy là con cháu có lỗi, bất hiếu với người đã khuất. Bởi thế, ai cũng lo chuyện xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống. Anh Trương Tấn Minh (51 tuổi) khoe: “Làng mình xây lăng mộ lớn như vậy để trả ơn cho ông bà tổ tiên vì đã phù hộ cho mình làm ăn”.
Hơn nữa, “An Bằng có khoảng 95% gia đình có người thân ở nước ngoài. Từ năm 1990, làng có phong trào xuất ngoại khi dòng người ồ ạt đi nước ngoài. Thế hệ cha ông đi trước rước con cháu theo sau, cha mẹ bảo lãnh cho con, chồng bảo lãnh cho vợ... Cũng từ đó, ngoại tệ ồ ạt đổ về làng, đời sống ấm no, sung túc và việc xây lăng mộ càng được quan tâm, chăm lo chu đáo” - Chủ tịch UBND xã Vinh An, Phạm Bình Tịnh cho biết.
“Lâu đài” lăng mộ trên cát
VUI NHƯ... NGHĨA ĐỊA
Nhìn từ xa, bóng dáng của “thành phố lăng” cao vút lên trời đã tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ vô cùng ấn tượng, độc đáo. Đa số người dân An Bằng tự hào với khu “biệt thự lăng” của mình và có lẽ không ai thấy ái ngại khi sống bên một khu nghĩa địa đồ sộ, hoành tráng như vậy. Nơi này ồn ào, náo nhiệt chứ không hề có không khí ảm đạm, buồn thê thảm như nhiều khu nghĩa địa khác. Nghĩa địa này được thiết kế rất đa dạng bao gồm truyền thống pha lẫn Đông Tây kim cổ. Hàng ngàn công trình được thiết kế như lăng mộ vua chúa thời xưa với những cột trụ, tháp cao chọc trời.
Tất cả đều được xây đắp, tô vẽ rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét, hoa văn rất cầu kỳ, có đủ long, ly, quy, phượng. Kiến trúc lăng mộ thôi thì đủ các kiểu: nét Trung Hoa có bia bằng đá granito đội bởi con rùa vàng và diềm mái chạy hoa sen; phần mái tròn chịu ảnh hưởng mỹ thuật Ấn Độ, Ba Tư; vòng cung cửa vòm là hình tròn bán nguyệt; nóc vòm giống như cái lọng hoặc cái bình mà Quan Thế Âm Bồ Tát hay cầm; cái lan can hình hoa huệ của phương Tây.
Điều đặc biệt ở khu lăng mộ này là những biểu tượng, chủ đề Phật - Chúa nằm chung, xen lẫn với nhau. Lăng mộ này trang hoàng với hình chữ Vạn, hình bánh xe luân hồi, hình chữ Phúc...; lăng mộ kia, con chiên Thiên Chúa thì nằm yên nghỉ dưới bóng Thánh giá hay Mẹ Maria... Nơi đây như là một cứ điểm cuối cùng ở Việt Nam đã tạo cơ hội phục chế lại đa số những tàn tích nghệ thuật triều Nguyễn.
Những cột tròn với thiết kế rồng bay, phượng múa tại một lăng mộ
Đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về quê Việt luôn trong tâm thức người làng An Bằng, dù nhiều người đã ra hải ngoại làm ăn, sinh sống. Xây lăng mộ là để báo hiếu, thể hiện ước mơ, khát vọng về một niềm hạnh phúc, một đất nước an lạc, thái bình thông qua quần thể kiến trúc, họa tiết, bố cục trên lăng...
Ngày nay, tâm lý người già là họ lo trước cái chết và cũng muốn mồ yên mả đẹp, nên họ sửa sang mộ phần của thân nhân và xây trước sinh phần. Ông Nguyễn Cảnh Sang (82 tuổi) cho biết: “Ở làng chúng tôi, chỉ có hai điều là xây lăng mộ ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều người già đang đợi để đến nơi đó”.
Bài 2: HIẾU THẢO HAY PHÔ TRƯƠNG, XA HOA?
“Thành phố lăng mộ” nguy nga, đồ sộ ấy như là tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên, khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhưng tự nó bộc lộ sự phô trương, xa hoa quá mức, không cần thiết và nảy sinh những điều ngang trái khó giải quyết.
Lăng mộ hoành tráng hơn nhà cao tầng, ranh giới giữa thế giới người chết và cuộc sống bình thường rất mong manh
ĐỔ TIỀN THỂ HIỆN “ĐẲNG CẤP” DÒNG HỌ
Người thân ở nước ngoài tấp nập gửi đôla về cho con cháu xây lăng mộ tổ tiên, ông bà. Nhiều khu “an nghỉ” hoành tráng như cung điện. Thậm chí có ngôi mộ phá dỡ xây lại 2 - 3 lần mới vừa lòng chủ nhân. Cách đây 10 năm, ông Lê Ph. xây lăng cho cha mẹ phỏng theo kiến trúc cổ điển ở châu Âu hoành tráng làm cả làng nể phục. Để làm được mẫu lăng này, ông Ph. phải thuê kỹ sư xây dựng rành về lăng tẩm thiết kế mấy tháng trời. Năm 2003, con cháu họ Nguyễn góp tiền xây mộ cho ông tổ mình. Sau một năm hoàn thành, lăng mộ này rộng hơn ngàn mét vuông, được chạm khắc phù điêu công phu, lộng lẫy với kinh phí gần tỉ đồng. Liên tục, các họ: Hoàng, Đặng, Trương, Trần... đua nhau đầu tư xây nhà thờ, lăng mộ của họ mình với số tiền lớn gấp nhiều lần những lăng mộ được xây dựng trước đó. Nhà thờ họ Trương tu bổ ròng rã 2 năm mới xong, ngốn gần 70.000USD.
Mấy ngày nay, người dân bàn tán xôn xao chuyện họ Lê (có nhiều người ở nước ngoài, làm ăn khấm khá) bàn nhau đập phá lăng cũ xây lăng mới trị giá cả trăm ngàn đôla để báo hiếu công đức tổ tiên, vừa thể hiện “đẳng cấp” của dòng họ mình so với bà con trong làng. Ông Phan Ch. (72 tuổi) có 4 người con định cư ở Mỹ, đã lo nơi yên nghỉ của mình khi xây khu lăng mộ đồ sộ, sát con đường liên thôn với gần 40.000 đôla.
Đội ngũ thợ xây ở đây chẳng bao giờ phải nghĩ đến chuyện thất nghiệp, bởi nhu cầu xây “lâu đài người chết” ngày một lớn. Thợ hồ làng này được xuất ngoại để chăm sóc bàn thờ tổ tiên cho Việt kiều. Anh Lê Phước, một thợ hồ khoe: “Thằng cháu tôi qua Úc làm được ba tháng mà gửi về mấy chục triệu. Trước đây nó cũng thợ hồ như tôi, nhưng một ông Việt kiều mê tay nghề nó nên gửi tiền, làm giấy tờ cho nó qua bên đó làm thợ luôn”.
Khắp làng An Bằng, ôtô đậu san sát bên đường, nhà cao tầng mọc lên chi chít, còn sầm uất hơn cả một góc trung tâm thành phố
Phong trào xây lăng mộ ồ ạt, lộn xộn, không theo quy hoạch nào, từng dòng tộc đua nhau xây lăng mộ khiến chính quyền địa phương đau đầu, thậm chí “bất lực”. Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Chỉ trong một thời gian ngắn, lăng mộ bít kín cồn cát. Lăng mộ “bao vây” nhà ở người dân, địa phận giữa người sống và người chết rất mong manh. Trong đó, có nhiều lăng mộ của người còn sống “xí phần” đất.
Anh Đặng Trúc, cán bộ địa chính xã lo lắng: “Việc lấn chiếm đất theo kiểu mạnh ai nấy làm đang diễn biến phức tạp, thậm chí có người quây hàng trăm mét vuông đất và tình trạng qua mặt chính quyền, chuyển nhượng mua bán đất đang xảy ra. Trung bình mỗi ngôi mộ có diện tích từ 35 - 100m2. Không ít ngôi mộ đã “vượt rào” chiếm phần đất rộng từ 500 - 1.000m2, trị giá hàng tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã khẳng định vẫn có tình trạng “cò”, đất, nâng giá đất nhưng chính quyền khó thể kiểm soát nổi.
Năm 2008, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn đến năm 2015, quy định chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ chôn cất một lần tối đa không quá 5m2/mộ, mộ cải táng tối đa không quá 3m2/mộ. Tuy nhiên, ở làng An Bằng, hàng trăm ngôi lăng mộ vẫn đua nhau mọc lên với diện tích lên tới cả trăm mét vuông/mộ mà không có bất cứ sự can thiệp, xử lý nào từ chính quyền địa phương. Ông Phạm Bình Tịnh, Chủ tịch xã Vinh An thừa nhận: “Rất khó để thực hiện quyết định của tỉnh vì nếu chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ chôn cất không quá 5m2/mộ thì không thực hiện được với địa hình là đất đồi cát. Hơn nữa, người dân vốn có phong tục, tập quán xây lăng mộ lớn nên rất khó thay đổi ngay được. Những việc đụng đến tâm linh người chết thì ai cũng sợ, không dám can thiệp mạnh tay”.
“Cung điện lăng mộ” xây quá quy định cho phép, chính quyền khó can thiệp vì là vấn đề tâm linh của người dân
PHẬN ĐỜI HIU QUẠNH BÊN LĂNG MỘ LỘNG LẪY
Đi khắp làng An Bằng, đường bê tông chạy vào tận ngõ, ôtô đậu san sát ven đường, những khu nhà cao tầng nằm chi chít còn sầm uất hơn ở trung tâm thành phố. Quanh năm đều có Việt kiều gửi ngoại tệ về xây nhà cửa, lăng mộ, nhà thờ họ, đình, chùa... Nơi được đầu tư nhiều nhất là khu nghĩa địa của làng. Nhiều người cho rằng, những hồn ma reo cười rạng rỡ ở “thành phố lăng”. Điều này có phần đúng vì mọi người sẽ choáng ngợp, ngỡ ngàng trước những lâu đài lăng mộ với những kiến trúc muôn vẻ tươi vui.
Trái ngược với cảnh lộng lẫy, xa hoa đó, làng vẫn còn nhiều phận người khốn khó. Tưởng rằng xây lăng mộ rầm rộ, hoành tráng như vậy thì đời sống mọi người sẽ sung túc, nhưng vẫn còn 80 hộ nghèo/900 hộ. Nhiều gia đình vẫn phải sống trong những túp lều xiêu vẹo, rách nát, cuộc sống lay lắt từng ngày bên cạnh những lâu đài lăng mộ hàng tỷ đồng.
Chị Lê Thị Xưng (51 tuổi) đang phải chạy ăn từng bữa nuôi ba đứa con. Chị Xưng tủi thân: “Giờ đến miếng ăn còn chưa lo nổi nói chi đến chuyện xây lăng mộ. Nhà đã hư hỏng nhiều mà không có tiền sửa chữa”. Vợ chồng anh Tiến (45 tuổi) gần 20 năm nay vẫn ở tạm trong căn nhà lụp xụp. Anh cùng vợ quần quật suốt ngày đêm nuôi 9 miệng ăn, 4 đứa con đi học. Anh Tiến buồn rầu: “Thấy người ta đổ hàng trăm triệu đồng xây lăng cho người chết, trong khi nhà mình không có chỗ ở ổn định, cũng buồn và xót xa”. Khá giả hơn một chút là gia đình chị Văn Thị Hạnh (39 tuổi). Nhà có 6 anh chị em, 5 người đi định cư nước ngoài... vừa gửi về gần 3 cây vàng cho bố lo hậu sự. Con cháu tập trung xây cho ông ngôi mộ to nhất nhì trong làng. Cõi âm được chăm lo chu đáo là thế còn gia đình chị Hạnh xây căn nhà để ở thì thiếu thốn phải đi vay mượn ngân hàng. Vợ chồng chị mở hàng nước bán tạm gần UBND xã.
“Thành phố lăng mộ” cứ ngày càng lấn át cả khu dân cư của người đang sống. Bên cạnh những lâu đài người chết vẫn còn những phận người nghèo khổ đang chạy ăn từng bữa, ở tạm bợ. Không chỉ làng An Bằng, mà rất nhiều nơi ở nước ta vẫn còn cảnh trái ngược như thế. Chỉ cần tấm lòng và một chút san sẻ, khoảng cách đó chẳng mấy chốc được xóa bỏ.
Hôm nay về An Bằng, người dân vẫn ngâm nga:
“... Lòng thành con cháu vui mừng tạo bia
Được nhờ phúc ấm xưa kia
Ngàn năm xây dựng lăng bia an lành...”.
Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN
NHỮNG KIẾN TRÚC VĂN HÓA TUYỆT VỜI CỦA ABU DHABI Như đã biết Abu Dhabi cùng với Dubai là hai tiểu quốc quan trọng nhất trong bẩy tiểu quốc của Ả Rập Thống Nhất Emirates (United Arab Emirates) nằm ở phía nam Vịnh Ả Rập (Vịnh Ba Tư cũ).
Ả Rập ngữ Abu có nghĩa là Bố, Cha. Phân tích Abu có A- và -bu.Theo duy dương, A chỉ những lãnh tụ phái nam thuộc dòng nọc, mặt trời như Atum, Atom, Aton, Adam, Allah... (xem Tự Điển Tương Đồng Việt và Anh Ngữ), tên các vị thần, lãnh tụ nam giới thuộc ngành nọc dương mặt trời của Maya đều khởi đầu bằng chữ Ah.... Việt ngữ cổ A-Đuốk là tên Hùng Vương (Bình Nguyên Lộc), cổ ngữ Việt áng là cha... Còn -bu liên hệ với Việt ngữ pu- , bố... Abu liên hệ với Anh ngữ abbot, tu viện trưởng. Ả Rập ngữ Dhabi là con hươu. Abu Dhabi là Cha Hươu, Bố Hươu. Theo một truyền thuyết vùng này có loài hươu zaby nên mới có tên là Bố Hươu Abu Dhabi. Ngày xưa, Abu Dhabi có tên là milh (Ả Rập ngữ có nghĩa là “muối”) vì là vùng nước mặn. Ngày nay một hòn đảo còn có tên là Milh. Ta thấy milh biến âm với Việt ngữ muối, mặn.
Abu Dhabi là tiểu quốc giầu mạnh nhất trong À Rập Thống Nhất Emirates. Abu Dhabi vững về tài chánh hơn Dubai vì có nhiều dầu hỏa hơn Dubai, mỗi ngày bơm lên ba triệu thùng dầu thô, là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, ước tính có hơn 9% số dầu dự trữ thế giới. Như đã biết lãnh tụ Khalifa của Abu Dhabi đã bỏ ra 10 tỉ Mỹ kim để cứu Dubai và Emirates ra khỏi cơn khủng hoảng tài chánh năm 2009 vừa qua.
Thành phố Abu Dhabi là thủ đô của Ả Rập Thống Nhất Emirates, một thành phố sa mạc rất xanh tươi. Chính quyền Abu Dhabi đã cho trồng hàng triệu cây kè và các cây thuộc họ cây keo acacia ít cần nước theo kỹ thuật trồng cây tân tiến qua hệ thống nhỏ nước vào ngay phần rễ của cây. Abu Dhabi là nơi cư ngụ của các hoàng gia Emirati. Theo Fortune và CNN là thành phố giầu nhất thế giới.
Nhưng hiện nay Abu Dhabi lại không nổi tiếng trên thế giới bằng Dubai, ít ai biết đến Abu Dhabi. Sở dĩ như vậy là vì Sheikh Khalifa có đầu óc bảo thủ hơn Sheikh Mohamed của Dubai. Dĩ nhiên có sự cạnh tranh hay hơn nữa là sự ganh ghét nhau. Bằng chứng là việc Sheikh Khalifa bỏ ra 10 tỉ Mỹ Kim cứu giúp Dubai và Emirates nhưng bắt Dubai phải đổi tên toà nhà cao nhất thế giới của Dubai thành tòa nhà lấy tên ông là Burj Khalifa. Đây là nỗi đau một đời của Sheikh Mohamed, nếu không muốn nói là ông ôm hận một đời với anh láng giềng cho vay tiền và bắt chẹt mình. Việt ngữ có từ đôi hận thù tức hận = thù. Khi đã ôm hận thì dễ ôm thù. Hận thù. Trong quá khứ Dubai và Abu Dhabi cũng đã từng có vấn đề tranh chấp biên giới.
Hiển nhiên Abu Dhabi cảm thấy “nóng mặt” vì anh tiểu quốc tỉ phú nghèo láng giềng Dubai xài tiền vung vít trở thành nổi tiếng khắp hoàn vũ hơn mình. Abu Dhabi dĩ nhiên không chịu thua, vùng lên tranh đua với Dubai. Cũng như Dubai, Sheikh Khalifa của Abu Dhabi muốn một ngày nào đó thoát ra ngoài cái vòng giầu có nhờ vào dầu hỏa (vì một ngày nào đó dầu sẽ hết hay không còn là một thứ năng lượng thiết yếu).
Phải cạnh tranh. Nhưng Abu Dhabi đã khôn ngoan chọn một con đường hầu Abu Dhabi và Dubai cùng sống còn, cùng sống vững sống mạnh, cả hai dựa vào nhau mà sống, không giết nhau mà sống, nghĩa là không làm cùng một thứ, không đi cùng một con đường để một mất một còn với nhau. Abu Dhabi chọn một con đường khác khiến có sự khác biệt hoàn toàn giữa Abu Dhabi và Dubai cũng như khác với các điểm du lịch khác trong vùng. Sự khác biệt này rất cách biệt.
Abu Dhabi chọn con đường phát triển văn hóa. Những kiến trúc văn hóa thật là tuyệt vời, siêu đẳng giống như những kỳ quan sẽ giúp Abu Dhabi đứng riêng biệt ra hẳn một góc trời so với các nước trong vùng Vịnh Ả Rập.
Những kiến trúc văn hóa gồm có văn hóa Hồi giáo và văn hóa không Hồi giáo khác của nhân loại.
Kiến Trúc Văn hóa Hồi Giáo
Nói tới kiến trúc văn hóa Hồi dĩ nhiên phải nói tới đền thờ Hồi giáo. Abu Dhabi đã bỏ ra cả tỉ Mỹ kim xây ngôi đền vĩ đại mầu trắng được đặt tên theo tên vị sáng lập và là vị tổng thống đầu tiên của Ả Rập Thống Nhất Emirates là Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan. Ông cũng được mai táng tại đây.
Đây là ngôi đền lớn nhầt của Ả Rập Thống Nhất Emirates, một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật Hồi siêu đẳng pha trộn giữa kiến trúc Ả Rập, Mughal và Moorish.
Mặt bên Đền Lớn Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan (ảnh của tác giả).
Những cổng vòng cung mang sắc thái Moorish và những tháp nhọn minaret đặc thù Ả Rập cổ điển.
Lưu ý đền có bốn tháp nhọn minaret. Xin nhắc lại là biểu tượng của một ngôi đền Hồi giáo là những mái vòm hình củ hành tây và các tháp nhọn. Bất cứ ngôi đền Hồi giáo nào cũng phải có mái vòm và tháp nhọn. Bất cứ một kiến trúc Hồi nào có mái vòm và tháp nhọn thì đó là một ngôi đền, một kiến trúc thờ phượng. Những kiến trúc nào chỉ có mái vòm mà không có tháp nhọn thì không thể là một ngôi đền mà thường là một kiến trúc đài tưởng niệm hay nhà mồ, thấy rất nhiều trong một nghĩa trang Hồi. Dĩ nhiên trong Hồi giáo hai kiến trúc mái vòm và tháp nhọn này mang ý nghĩa được giải thích theo giáo lý Hồi giáo ví dụ như tháp nhọn cao cho là dùng để làm đài cao loan báo giờ giấc cầu nguyện chằng hạn. Thật ra đây chỉ là một ứng dụng theo diện duy tục (nếu dùng tháp để kêu gọi cầu nguyện, thường chỉ cần một tháp là đủ tại sao phải cần tới hai hay bốn cái tháp?). Nếu nhìn dưới lăng kinh Vũ Trụ giáo dựa trên nòng nọc, âm dương thì mái vòm biểu tượng cho nòng, âm, bầu không gian và tháp nhọn biểu tượng cho cho nọc, dương, mặt trời, tức nòng nọc, âm dương, vũ trụ, càn khôn (xin hhắc lại Vũ Trụ giáo là tôn giáo cổ nhất của nhân loại còn để lại nhiều di sản trong các nền văn minh và trong các tôn giáo lớn xưa và nay. Hồi giáo là một tôn giáo sinh sau đẻ muộn). Nhà mồ mái vòm mang ý nghĩa là vòm hư vô, vòm không gian, vòm vũ trụ, người chết chôn trong mồ mái vòm giống như trong ngôi mộ mái vòm hình trứng của Việt Nam, là chôn trong lòng mẹ, dạ con (tử cung) của hư vô, vũ trụ để trở về với hư vô, vũ trụ hầu được tái sinh hay sống đời hằng cửu.
Đền ở đây có bốn tháp nhọn biểu tượng cho cho tứ tượng, tứ phương mang nghĩa sinh tạo đúng hơn cho là bốn tháp dùng để kêu gọi cầu nguyện (ngày nay với máy phóng thanh, một tháp là đủ).
Dĩ nhiên sau này các kiến trúc sư đã đi xa hay không hiểu ý nghĩa tín ngưỡng nguyên thủy đã vẽ số vòm và số tháp có khi theo vẻ đẹp nghệ thuật không còn theo triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh nữa.
Cũng xin nhắc lại là trong một đền Hồi giáo chỉ được phép trang trí bằng hình hoa lá và hình thư pháp Ả Rập thường trích từ kinh Koran, tuyệt nhiên không có hình người hay thú vật. Ở đây sân cẩm thạch khảm đá quí hình hoa lá. Tường cẩm thạch khảm các loại ngọc mầu hình hoa lá.
Ngôi đền này mở cửa cho du khách vào xem. Phái nam chỉ phải cởi giầy để bên ngoài nhưng phụ nữ phải mặc trang phục phụ nữ hồi.
Dĩ nhiên trong đền mới là những kiệt tác phẩm nghệ thuật Hồi. Những trang trí, họa hình Hồi giáo được các tay nghề tài ba mướn từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, những hình khảm ngọc, đá quí, xà cừ do các tay nghề thượng thặng từ Trung Hoa thực hiện...
Những tác phẩm thủy tinh như đèn trần, cửa kình mầu do hãng làm đồ pha lê nổi tiếng thế giới là Swarovski chế tạo...
Trong một đền Hồi giáo, điện thờ chính bao giờ cũng hướng về Mecca, không có bàn ghế ngồi mà chỉ có thảm để quì cầu nguyện.
Thảm ở đây là một tấm thảm nguyên chiếc (không ráp nối) lớn nhất thế giới do một công ty thảm Iran dệt và do nghệ sĩ người Iran Ali Khaliqi họa kiểu. Thảm do 1.200 thợ dệt làm với 2.268.000.000 nút dệt.
Các tín đồ hàng hàng lớp lớp chen vai thích cách cầu nguyện. Tất cả ngang hàng, bình đẳng, huynh đệ với nhau trong lúc cầu nguyện. Đàn bà trước đây không được bước chân vào giáo đường. Có người hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng nếu cho phái nữ vào ngồi chung cầu nguyện với phái nam, thì khi phái nữ chổng mông cầu nguyện làm chia trí người nam ngồi ở phía sau. Về sau, phái nữ viện lý do là phái nữ cũng đầy rẫy tội lỗi như phái nam nên đòi quyền phải được đi cầu nguyện ở đền thờ như phái nam, cuối cùng thấy cũng có lý nên phái nữ cũng được cho vào cầu nguyện trong đền thờ nhưng phải ở một khu riêng biệt tránh làm cho phái nam nghĩ đến tội lỗi trong lúc cầu nguyện...
Và còn nhiều nữa...
Kiến Trúc Văn Hóa Nhân Loại Không Hồi giáo.
Abu Dhabi đã dành một hòn đảo làm Khu Văn Hóa trong đó có cả văn hóa không Hồi giáo.
Đó là đảo Saadiyat, có nghĩa là đảo Hạnh Phúc, đảo cách bờ khoảng 500 mét, với kinh phí là 27 tỉ Mỹ Kim, dự trù hoàn tất vào năm 2030.
Đến năm 2020, đảo Hạnh Phúc bên cạnh những dự án văn hóa siêu đẳng sẽ trở thành một cộng đồng cư trú và trung tâm du lịch thượng đẳng với một khách sạn loại 7 sao cùng với 29 khách sạn sang trọng khác, hai sân golf...
Một cây cầu mang tên Sheikh Khalifa nối đảo với đất liền và với phi trường bằng một đường cao tốc 10 giải đường, kinh phí xây cất là 250 triệu Mỹ kim.
Dự án Phân Khu Văn Hóa Đảo Hạnh Phúc là chỗ tập trung các trung tâm văn hóa lớn nhất thế giới do Guggenheim foundation ở New York thiết kế. Chính phủ Abu Dhabi hy vọng thiết kể đảo Saadiyat của Gehry sẽ làm cho Abu Dhabi vang danh thế giới.
Phân Khu Văn Hóa gồm có năm trung tâm văn hóa siêu hiện đại trông giống như trong các phim ảnh khoa học giả tưởng, nhô lên khỏi mặt nước do các kiến trúc sư lừng danh thế giới vẽ kiểu.
Mô hình Phân Khu Văn Hóa Saadiyat (ảnh của tác giả)
Năm trung khu văn hóa đó là:
. Bảo Tàng Viện Guggenheim Abu Dhabi do Frank Gehry Vẽ Kiểu.
Bảo tàng viện Abu Dhabi Guggenheim lớn nhất thế giới được thiết kế bởi kiến trúc sư người Hoa Kỳ Frank O. Gehry, người đã vang danh thế giới sau khi vẽ kiểu bảo tàng viện Bilbao Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha năm 1997 (chỉ có hơn mười năm mà đã có hơn 10 triệu khách viếng thăm).
Bảo Tàng Viện Guggenheim Abu Dhabi do Frank O. Gehry vẽ kiểu
(ảnh chụp từ hình xây cất của tác giả)
.Bảo tàng Viện Louvre Abu Dhabi do Jean Nouvel vẽ kiểu.
Bảo tàng Viện Louvre Abu Dhabi do Jean Nouvel vẽ kiểu
(ảnh chụp từ mô hình của tác giả)
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành bảo tàng viện, Abu Dhabi đã thuyết phục Paris phân nhánh Bảo Tàng Viện Louvre tới Abu Dhabi. Tổng thống Pháp Sarkozy đã khôn khéo vươn vòng tay văn hóa Pháp tới vùng Vịnh ký hiệp ước văn hóa ba mươi năm với Abu Dhabi vào năm 2007 trong đó có cả sự phân nhánh Viện Bảo Tàng Louvre tới Abu Dhabi. Bảo tàng Louvre Paris sẽ luân phiên cho chi nhánh Louvre Abu Dhabi thuê các bộ sưu tập.
Dự án xây chi nhánh Louvre Abu Dhabi dự trù là một tỉ Mỹ Kim do Jean Nouvel thiết kế và do công ty Đức Bauer xây cất.
Khi Bảo Tàng Viện Louvre và Guggenheim hoàn tất vào năm 2012, Công Ty Phát Triển-Đầu Tư Du Lịch ước tính Đảo Hạnh Phúc sẽ tiếp đón khoảng 2.7 triệu du khách mỗi năm và sẽ là chỗ cư ngụ của 160.000 cư dân.
.Trung Tâm Trình Diễn Nghệ Thuật (Performing Arts Centre) do Zaha Hadid Vẽ Kiểu.
Trung Tâm Trình Diễn Nghệ Thuật (Performing Arts Centre) do Zaha Hadid (ảnh chụp từ hình mô hình của tác giả)
Trung Tâm Trình Diễn Nghệ Thuật do nữ kiến trúc sư Zaha Hadid người Anh gốc Iraq vẽ kiểu lấy ý từ một loài thảo mộc mọc trong sa mạc trông giống hình con biến hình trùng amíp.
.Bảo Tàng Viện Hải Dương Học do Tadao Ando Vẽ Kiểu.
Bảo Tàng Viện Hải Dương Học do Tadao Ando Vẽ Kiểu
(ảnh chụp của tác giả từ hình xây cất)
Tadao Ando là kiến trúc sư đứng đầu của Nhật Bản. .Bảo Tàng Viện Quốc Gia Sheikh Zayed do Lord Norman Foster vẽ Kiểu.
Đây là một bảo tàng có trọng tâm về truyền thống văn hóa của Ả Rập Thống Nhất Emirates, của những cư dân sa mạc Bedouin, về con người của Sheikh Zayed và của Hồi giáo nói chung. Bảo tàng viện chú trọng về môi trường (phong cảnh, thực và động vật, khoáng sản của Ả Rập Thống Nhất Emirates và Trung Đông...), di sản (của dân sa mạc Bedouin ở ven biển khác với các nơi khác ở Trung Đông), thống nhất (vai trò của Sheikh Zayed trong việc thống nhất Emirates), giáo dục (giới thiệu truyền thống Ả Rập cổ Trung Đông có từ bẩy ngàn năm...), chủ thuyết nhân loại (giữa đạo Islam, nghệ thuật và văn hóa Hồi với thế giới).
Mục đích của hai viện bảo tàng Sheikh Zayed và Hải Dương Học này là để giữ thế cân bằng với bảo tàng viện Guggenheim và Louvre, tạo ra một sự giao lưu văn hóa hài hòa giữa Hồi giáo và thế giới.
NHỮNG DỰ ÁN NGHỆ THUẬT VĂN HỌC KHÁC CỦA ABU DHABI
Phân khu văn hóa còn có những cơ sở cho nghệ thuật, kiến trúc, trình diễn, cộng đồng và các hội họp giáo dục.
Abu Dhabi cố thực hiện một giấc mơ cho nghệ thuật Ả Rập, một hiện trường mới ở Trung Đông.Hơn thế nữa, ngoài các bảo tàng viện, trung tâm trình diễn nghệ thuật, văn hóa, Abu Dhabi còn có những phân nhánh của các đại học lừng danh thế giới như New York, Sorbone (Pháp).... Ta thấy rõ phân khu văn hóa này ngoài mục đích thu hút du lịch thế giới còn có mục đích đóng góp vào sự đầu tư giáo dục cho dân Abu Dhabi và trong vùng cũng như cung cấp cho họ nhiều công ăn việc làm chuyên nghiệp.
Abu Dhabi đã chọn một bước tiến khôn ngoan đầy hữu ích cho thế giới Ả Rập.
Phân khu văn hóa này sẽ lôi cuốn thế giới chú ý tới Ả Rập Thống Nhất Emirates và biến Trung Đông thành một trục văn học nghệ thuật mới. Cánh cửa đã mở ra giữa thế giới Hồi và thế giới bên ngoài. Tuổi trẻ Hồi có cơ may sống hài hòa với phần còn lại của nhân loại và ngược lại thế giới bên ngoài không còn thấy thế giới Hồi chỉ toàn là bạo lực, khủng bố. Abu Dhabi và Dubai đã làm đẹp cho bộ mặt Hồi giáo.Thương nhân và du khách đến Dubai vì các thương vụ, tài chính, ăn chơi, du hí, hưởng thụ các thú vui nghiêng nhiều về thân xác thì không thể không ghé qua Abu Dhabi thưởng thức những món ăn tinh thần văn hóa thượng đẳng có một không hai này. Trong tương lai có thể Abu Dhabi là trạm tới trước rồi sau đó du khách mới ghé thăm Dubai sau.Nguyễn Xuân Quang
Ferrari Theme Park in Abu Dhabi
No comments:
Post a Comment