Friday, June 17, 2011

Huế thu nhỏ

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng bên cạnh khu Ngự Lãm Viên

Với tấm lòng yêu Huế da diết, Nguyễn Thanh Tùng đã cho ra đời một “Huế thu nhỏ” trong khu đất của gia đình ở phường Long Bình, quận 9 - TPHCM nhằm tri ân ơn sinh thành của cha mẹ và cho cả những người con Huế ở phương Nam

Trong những ngày đầu Xuân Mậu Tý, khi biết tôi có ý định đưa gia đình về thăm các di tích của quê nội ở kinh đô Huế xưa, ba tôi - một người con của xứ Huế nói nửa đùa, nửa thật: Đi làm gì cho cực, chỉ cần đến Ngự Lãm Viên (ở số 502 – 504 – 506 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9 – TPHCM), là coi như đã... đi hết Huế rồi! Quả đúng như lời ba tôi nói, khi đặt chân đến đây, tôi như bị hút hồn bởi quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ mang đậm nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Huế – một thứ văn hóa mà tôi đã nỡ “xa lánh” từ thuở bé thơ nay lại có một sức hấp dẫn đến lạ kỳ.

Hoàng thành Huế một di tích lịch sử cổ kính hàng trăm năm được tái hiện y như thật.
Một góc mô hình Huế thu nhỏ theo đúng cấu trúc kinh thành Huế khi xưa.
Chùa Thiên Mụ - một danh lam thắng cảnh nổi tiếng được xây dựng từ triều Nguyễn luôn được đông đảo khách du lịch ghé thăm khi đến Huế.
Sông Hương mộng mơ với dòng nước xanh biếc, uốn lượn quanh kinh thành Huế được tái hiện.
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình, cảnh đẹp sơn thủy, hữu tình là một trong những biểu tượng của xứ Huế..
Lăng Tự Đức được chạm khắc tinh tế.
Lăng Minh Mạng...
Cây cầu làm bằng đá theo kiến trúc phong kiến thời Nguyễn.
Một mái che với kiến trúc đẹp theo phong cách Huế.
Nhà ba gian mang đậm bản sắc Huế được xây dựng từ những loại gỗ quý hiểm, rừng Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huế thu nhỏ.- Điều gây ấn tượng đối với mọi du khách khi đến đây là tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500 ha đã được thu nhỏ và nằm gọn trong một khu vườn rộng hơn 1.000 m2. Lấy sông Hương làm trục chính, tất cả các kiến trúc của kinh thành Huế được bố trí dọc hai bờ sông này. Điểm nhấn của “Huế thu nhỏ” là kinh thành Huế được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành.

Trên mặt thành, có nhiều pháo đài với những khẩu thần công oai vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam. Cũng như mô hình thực, kinh thành Huế thu nhỏ quay mặt về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng 2 hòn đảo nhỏ trên sông Hương (cồn Hến – cồn Dã Viên) làm “rồng chầu - hổ phục” (tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ) để bảo vệ đô, trước mặt là dòng sông Hương chảy vắt ngang. Ở trong lòng kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành gọi chung là đại nội được tái hiện nguyên mẫu thực các công trình kiến trúc, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa (nơi cử hành các lễ lớn của triều đình); Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu (nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn); cung Diên Thọ và cung Trường Sanh (nơi ở của hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu); phủ Nội vụ (kho tàng trữ binh khí, nơi ở ngự lâm quân, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia...); vườn Cơ Hạ; Duyệt Thị Đường; Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu...

Tất cả các công trình nằm trong Ngự Lãm Viên đều thuộc hàng kiến trúc đặc trưng của cố đô Huế, như: chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, điện Hòn Chén, đình Thương Bạc, phu Văn Lâu... Rồi đến lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định...

Nằm cạnh kinh thành Huế thu nhỏ là căn nhà rường lớn “ba gian, hai chái” thể hiện những tinh hoa và nghệ thuật chạm trổ, kiến trúc cũng như văn hóa đặc trưng riêng của Huế, được đặt giữa khu vườn để du khách dừng chân thưởng trà, ngắm cảnh “Huế thu nhỏ”.

“Cha đẻ” của Huế thu nhỏ.- Tất cả các công trình trong khu vườn Huế thu nhỏ được thực hiện do bàn tay của các nghệ nhân và thợ đến từ đất Huế. Nhưng “cha đẻ” - “công trình sư” - của công trình này lại là một người Sài Gòn gốc Huế – thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng (SN 1971), Giám đốc dự án & chương trình – Tập đoàn GDS – Mỹ (Khu Chế xuất Linh Trung, Thủ Đức – TPHCM) kiêm hướng dẫn viên về Huế tại Ngự Lãm Viên.

Một góc Hoàng thành trong “Huế thu nhỏ”

Dù không được sinh ra ở đất mẹ Huế, nhưng anh lại có may mắn trải tuổi thơ của mình và được lớn lên trên đất Huế thân yêu, trước khi theo chân cha mẹ trở lại vùng đất phương Nam để tha phương cầu thực. “Vào học ở Sài Gòn, tôi như trốn chạy cái giọng Huế của mình chỉ vì chúng bạn cứ chọc ghẹo khi nghe giọng nói lạ. Và thế là tôi như cố quên đi cội nguồn Huế của mình. Giờ nghĩ lại, tôi cứ ray rứt về lỗi lầm này” – anh Tùng tâm sự. Thời gian cứ thế dần trôi, cho đến một ngày anh tự vấn mình: Tại sao ta được như ngày hôm nay? Như có điều gì thôi thúc, anh tự đi tìm lại cội nguồn của mình và bắt đầu cất công tìm hiểu, nghiên cứu về Huế. Khi dần nhận ra những nét đặc sắc của văn hóa Huế cũng là lúc anh đã bị vẻ đẹp riêng của Huế lôi cuốn. Anh Tùng bộc bạch: “Kiến trúc Huế là một trong những dạng kiến trúc có nét đặc trưng riêng. Những công trình không cong vút lên như những kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Bắc, không thẳng đuột, ngang bằng mang chất hiện đại của phương Tây, mà kiến trúc Huế nhẹ nhàng, thanh thoát với những đường cong uốn lượn vừa phải, với những góc nghiêng đạt “tỉ lệ vàng” để cân đối toàn thể kiến trúc đi cùng”. Những đường nét chạm trổ tinh tế, cách bố trí hài hòa về thi – họa với góc độ thẩm mỹ độc đáo... tất cả như thể hiện tâm hồn của con người Huế: hợp lý, kín đáo, không phô trương mà rất đỗi cuốn hút mọi người.

Với tấm lòng yêu Huế da diết, Nguyễn Thanh Tùng đã cho ra đời một “Huế thu nhỏ” trong khu đất của gia đình nhằm tri ân công sinh thành của cha mẹ và cho cả những người con Huế ở phương Nam.

Sau khi dành dụm được một số tiền cần thiết, anh Tùng cùng với sự giúp đỡ của người cậu ruột Nguyễn Ngọc Lộc, đã lặn lội trở về Huế tìm thầy, chọn thợ với tiêu chí: giỏi nghề và có một tâm hồn yêu Huế. Khi đã có thầy, thợ ưng ý, anh tiếp tục lao vào công việc yêu thích của mình là truyền nhiệt huyết, lòng yêu Huế của mình vào từng công trình, kiến trúc trong “Huế thu nhỏ”. Riêng căn nhà rường được thực hiện khá công phu. Hoa văn chạm trổ trong căn nhà này được chủ nhân chọn lựa cẩn thận từ thực tế và tài liệu “L’art à Hue” (một nghiên cứu về các hoa văn chạm trổ kiến trúc Huế do triều Khải Định và Pháp thực hiện). Khó khăn nhất là khâu nguyên vật liệu. Gỗ để làm nhà được anh Tùng chọn lựa rất kỹ, có khi mất vài năm trời để không bị xé thớ, mối mọt... Gõ đỏ và kiền kiền trồng ở rừng Nam Đông - Huế là hai loại gỗ chính (thường cho những vân gỗ đẹp và bảo đảm chất lượng tuổi thọ kiến trúc) để xây dựng công trình này.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu sâu về Huế, thiết kế và thi công theo kiểu cuốn chiếu từ năm 2002 (vì gặp khó khăn kinh phí), đến đầu năm 2007, “Huế thu nhỏ” hoàn thành và đến nay đã đón tiếp hàng chục ngàn du khách đến tham quan.

Chưa dừng lại ở đây, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết sẽ lồng vào “Huế thu nhỏ” những đặc sản xứ Huế, như: bún bò Huế, các loại bánh Huế (bánh bèo, nậm, lọc, lọc trần, ram, ít...), nem Huế, chả Huế...; đồng thời giới thiệu về nghệ thuật ca Huế, hò Huế, nhã nhạc cung đình... cho du khách ở phương Nam, đúng với mong muốn của “cha đẻ” “Huế thu nhỏ”: “Đây thực sự là nơi thu hút tình cảm của những người con hướng về cội nguồn, để mọi người con của Huế luôn nhớ và tự hào về Huế.”

Bài và ảnh: MINH NAM

Thiệu Trường còn gọi là Nguyên Miếu hay chùa Vua, được dựng năm 1803, là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn có quy mô và giá trị đặc biệt về kiến trúc cũng như nghệ thuật trang trí.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1545, khi Nguyễn Kim mất, thi hài ông được đưa đến án tang tại núi Thiên Tôn. Năm 1803 vua Gia Long cho xây gần đó một miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và để thờ vọng Nguyễn Hoàng (1558-1613). Miếu được đặt tên là Nguyên miếu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên.

Ảnh tư liệu về miếu Triệu Tường - Gia Miễu.

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường thuộc làng Gia Miêu, xã Hà Long, nằm cạnh đường 7 đi về miền tây đến huyện Thạch Thành. Toàn bộ kiến trúc của khu vực Lăng miếu Triệu Tường được miêu tả như sau:

Sách Niên giám Đông Dương năm 1901 viết: “ Làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng lũy, làm đúng như một tòa thành nhỏ, đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường”.

Còn sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Lăng Trường Nguyên của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế bản triều. Ở núi Triệu Tường huyện Tống Sơn. Tĩnh Hoàng Hậu cũng hợp táng ở đây. Năm Gia Long thứ 5 dâng tên là Trường Nguyên; năm Minh Mệnh thứ 3 ngự chế bài minh và năm Thiệu Trị thứ nhất ngự chế bài thơ, điều khắc vào bia, dựng đình ở phía tả lăng”.

Thành Triệu Tường có chu vi 182 trượng, bao quanh có hào nước và có cầu gạch bắc qua. Bên ngoài còn có hai lớp lũy bao bọc và 4 cửa trổ theo bốn phương. Phạm vi lăng trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên miếu (miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng); khu vực bên đông là Trừng Quốc Công (miếu thờ cha Nguyễn Kim); khu vực bên tây là trại lính và nhà ở của các gia nhân coi lăng (đây là khu vực phụ) có hai viên quan thuộc dòng tôn thất được cử ra coi lăng gọi là Chánh sứ và Phó sứ có thêm hai thuộc quan nữa giúp việc: một diện sứ và một miếu thừa.

Đình Gia Miễu, dấu xưa của cụm di tích. Ảnh: thanhnhaho.vn

Khu vực Nguyên miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm “được xây dựng năm Gia Long thứ 2 (1804). Miếu chính và miếu trước đều 3 gian, 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế, gian bên tả thờ Thái Tổ - Gia Dụ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), đều hướng về Nam, hàng năm gặp tiết ngũ hương và các tiết khác đều tế theo lệ các miếu ở kinh, quan tỉnh khâm mạng làm lễ.”

Trang trí và sắp đặt trong Nguyên miếu được tác giả nước ngoài H.Le Bretsin miêu ta như sau: “Trước các bài vị có kê hai cái sập chạm rồng. Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua Nguyễn về Nguyên miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ quy định. Người ta trải lên bức sập trong cùng một chiếc chiếu hoa. Trên chiếu hoa lain trải chiếu son để bầy các món ăn. Rồi tiếp đến là hai bàn thờ. Trên bàn thờ phía trong những ngày cúng kị bằng các mâm quả, các cây đèn thiếp, trên bàn thờ phía ngoài bầy ngũ sự bằng thiếp, những lọ hoa, hai con hạc gỗ, sơn son thiếp vàng, hai khay vàng giấy để sau khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa hai bàn thờ là những cái bàn để dâng bò, dê, lợn cúng tế. Khi nhà Vua đến cúng bái thi trải một cái chiếu trước bàn thờ ngài.”

Trải qua hơn một thế kỷ, ngày nay, lăng miếu Triệu Tường chỉ còn dấu vết trên nền đất. Dấu xưa còn lại là đình làng Gia Miêu nay đã được tôn tạo và được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia năm 2007.

No comments:

Post a Comment