Ít ai biết rằng có những loại máy bay trông không khác chú sếu trời hoặc con dơi đêm. Thậm chí ở Mỹ, vừa xuất hiện "chiếc ôtô" có thể cất cánh lên không mỗi khi kẹt xe.
1. Siêu vận chuyển Beluga của hãng Airbus
Chiếc máy bay siêu vận chuyển của hãng AIrbus. |
Chiếc Beluga của hãng Airbus hiện là máy bay chở hàng lớn nhất thế giới, được thiết kế để vận chuyển những món hàng siêu trường siêu trọng như bộ phận của máy bay.
Được đặt biệt danh là Siêu Vận chuyển, chiếc Beluga dài hơn 184 feet (56m) và có thể chở hàng với khối lượng 47 tấn, đi trên quãng đường 900 hải lý. Ra mắt lần đầu năm 1995, Beluga được Airbus thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của chính họ. Cho đến nay hãng máy bay này có một đội 5 chiếc Beluga đang hoạt động, với nhiệm vụ chuyên chở các bộ phận máy bay từ 4 nhà máy của họ đặt tại 4 quốc gia Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha về khu lắp ráp.
2. Máy bay đánh "bom nước" Bombardier 415
Chiếc máy bay này được dùng chủ yếu dập các đám cháy rừng. |
Bombardier 415 ra đời tại Canada, hiện là chiếc máy bay duy nhất trên thế giới được thiết kế chuyên cho việc chữa cháy từ trên không. Kể từ khi ra đời năm 1994, cho đến nay có 76 chiếc Bombardier 415 đang hoạt động tại 18 nhà cung cấp ở 10 quốc gia. Chiếc máy bay có thể hút nước từ mặt hồ trong khi đang bay, với tốc độ 1.621 gallon nước chỉ trong 12 giây. Trong mỗi tiếng đồng hồ chữa cháy, chủ yếu là đối với các vụ cháy rừng, Bombardier 415 có thể đạt tới năng suất 9 lần thả nước trong vòng một tiếng đồng hồ, xả ra tổng cộng 14.600 gallon nước.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp khác người ta còn huy động Bombardier 415 để tìm kiếm và cứu nạn hay vận chuyển công nhân. Giá của từng chiếc máy bay cứu hỏa không được tiết lộ, tuy nhiên nhà sản xuất Bombardier cho biết tính đến tháng 3/2011, họ đã bán được 415 chiếc Bombardier 415 thu về tổng cộng 162 triệu USD.
3. Sếu trời Erickson S-64 Aircrane
Chiếc máy bay trực thăng được dùng để vận chuyển các món hàng kích cỡ lớn. |
Với biệt danh "sếu trời", chiếc S-64 Aircrane là máy bay trực thăng với động cơ kép có thể vận chuyển các vật nặng lên tới 11.300 kg. Đây cũng là chiếc trực thăng đầu tiên trên thế giới cho phép phi công quan sát toàn diện đối với hàng đang được chuyên chở. Ban đầu, chiếc S-64 Aircrane được hãng chuyên sản xuất máy bay Sikorsky Aircraft thiết kế năm 1962. Tuy nhiên, 30 năm sau đó, hãng Erickson Air-Crane đã mua lại quyền sản xuất và kể từ năm 1992 đến nay đã cho ra đời 1.350 chiếc "Sếu trời" khác nhau.
Dang tiếng của "Sếu trời" bắt đầu vang xa từ cuộc chiến tranh Việt Nam, khi quân đội Mỹ sử dụng loại máy bay này để chuyên chở hàng trăm máy bay, trực thăng bị hư hỏng khác mang về sửa chữa thay vì bỏ lại địa bàn, tiết kiệm cho quân đội Mỹ 240 triệu USD.
Kể từ khi gia nhập thị trường hàng không dân dụng vào năm 1969 đến nay, chiếc S-64 tham gia chủ yếu vào ngành xây dựng và góp mặt vào nhiều công trình nổi tiếng thế giới. Năm 1975, máy bay này giúp chuyên chở vật liệu khi xây tòa tháp CN ở Toronto, công trình tòa tháp cao nhất thế giới thời kỳ đó. Năm 1993, "Sếu trời" được dùng để vận chuyển và thay thế Bức tượng Tự do trên nóc tòa nhà U.S. Capitol ở Thủ đô Washington D.C.
4. Máy bay săn bão WP-3D Orion
Chiếc máy bay được thiết kế để lao vào những cơn bão khủng khiếp nhất. |
Chiếc WP-3D Orion của hãng máy bay Mỹ Lockheed được thiết kế để có thể lao thẳng vào những con giông bão để thu thập thông tin thời tiết như hướng và cường độ của cơn bão.
Ra mắt vào năm 1976, cho đến nay chỉ có hai chiếc máy bay loại này được sử dụng. Ngoài động cơ phản lực, chiếc WP-3D Orion còn được trang bị nhiều máy móc phục vụ nghiên cứu khoa học như radar, máy cảm biến, hệ thống đo đạc nhiệt độ, không khí, khí hậu. Bên cạnh việc nghiên cứu các cơn bão, máy bay còn được trưng dụng trong các cuộc nghiên cứu khoa học tầm quốc tế.
Ví dụ trong thảm họa tràn dầu của hãng BP tại vịnh Mexico hồi 2010, một chiếc "Săn bão" đã được gửi đến để đo mức độ ô nhiễm không khí phía trên vùng vịnh. Còn tháng 9 năm ngoái, cả hai chiếc máy bay đã nhiều lần lao thẳng vào trận bão Irene ở vùng bờ Đông nước Mỹ để thu thập và dự báo hướng đi của bão. Tuy nhiên, mới đây chính quyền nước này đã đề xuất cắt giảm ngân sách cho việc dự báo thời tiết, trong đó có cắt giảm 40% chi phí dành cho máy bay dự báo bão. Do đó tương lai của hai chiếc máy bay này khá mờ mịt.
5. Máy bay siêu trọng Antonov AN-225 Mriya
Với tầm vóc khủng của mình, chiếc máy bay chuyên để chở tàu vũ trụ. |
Chiếc AN-225 Mriya của hãng hàng không Antonov đến từ Ukraine hiện giữ kỷ lục máy bay nặng nhất và lớn nhất từ trước đến nay, có 6 động cơ và chuyên chở tới 250 tấn.
Với tầm vóc khủng của mình, chiếc AN-225 được thiết kế chuyên để chở các bộ phận của tàu vũ trụ, phục vụ cho chương trình nghiên cứu vũ trụ dưới thời Liên xô cũ. Máy bay đầu tiên ra mắt lần đầu năm 1988 và cho đến nay là chiếc duy nhất do sản phẩm thứ hai chưa kịp hoàn thành thì Liên bang Xô viết đã sụp đổ vào năm 1991.
Hiện nay, chiếc AN-225 phục vụ trong hoạt động thương mại của công ty vận chuyển Antonov Airlines của Ukraine. Người ta dùng nó để chuyên chở những thứ siêu nặng, vốn trước đó không ai nghĩ có thể vận chuyển bằng đường hàng không. Ngoài ra, máy bay cũng được nhiều hãng nhân đạo quốc tế dùng để chuyển hàng cứu trợ cho các vùng bị thiên tai. Hồi tháng 3/2011 vừa rồi, chiếc máy bay đã đưa 140 tấn hàng cứu trợ tới Nhật Bản sau khi nước này gánh chịu trấn động đất và sóng thần lịch sử. Chiếc AN-225 cũng tham gia vào quá trình cứu trợ và tái xây dựng ở Haiti sau trận động đất phá hủy gần như toàn bộ nhà cửa tại đây.
6. Ôtô bay Terrafugia Transition
Chiếc máy bay kiêm ôtô Terrafugia Transition đã được cấp phép lưu thông trên đường tại Mỹ. |
Terrafugia Transition còn được gọi là "xe bay" bởi nó là một máy bay dạng nhẹ, được thiết kế để vừa chạy trên đất như một chiếc ô tô, lúc cần có thể cất cánh bay lên trời chỉ sau một phút chuyển đổi.
Loại phương tiện này do một nhóm kỹ sư hàng không tại trường đại học MIT thiết kế. Với hai chỗ ngồi, chiếc máy bay được làm bằng sợi carbon và động cơ 100 sức ngựa. Sau khi ra mắt và năm 2006, "xe bay" tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào cùng năm trên. Khi phóng trên đường, nó có thể đạt vận tốc 65 dặm một giờ (khoảng 100 km/h) và bay trên trời với vận tốc 115 dặm trên giờ. Với mức giá 279.000 USD, đây là phương tiện lý tưởng cho những ai vừa muốn sở hữu ôtô vừa muốn cả máy bay.
2011 là một mốc đáng nhớ của "xe bay" khi được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho phép lưu thông trên đường. Thậm chí tạp chí Time còn đưa nó vào danh sách 50 phát minh hay nhất năm 2010. Hiện nhà sản xuất của "xe bay" đang rất phấn chấn, sửa soạn đưa ra lô hàng đầu tiên vào cuối năm 2012.
7. Máy bay do thám RQ-170 Sentinel
Máy bay do thám không người lái của Mỹ mang hình dạng một con dơi bay trong đêm. |
RQ-170 Sentinel là chiếc máy bay do thám không người lái (UAV) của Quân đội Mỹ, được dùng cho các nhiệm vụ theo dõi, do thám. Được sản xuất bởi hãng Lockheed Martin, chiếc máy bay này góp mặt trong Không lực Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ năm 2007. Tuy nhiên, các cơ quan trên không chịu thừa nhận sự tồn tại của nó cho đến năm 2009, khi những hình ảnh đầu tiên bắt đầu lọt ra ngoài. Là một trong những trang thiết bị tối tân nhất của CIA, người ta ít khi thu được thông tin gì về chức năng, phương thức hoạt động của máy bay do thám. Những bức ảnh rò rỉ trên mạng cho thấy loại máy bay này mang hình một con dơi đang sải cánh. Theo thông tin thiết kế, máy bay không người lái thường không được trang bị vũ khí.
Chiếc Sentinel từng được dùng trong cuộc truy lùng trùm khủng bố Osama bin Laden vào tháng 5/2011 vừa rồi. Còn mới đây nhất vào tháng 12, máy bay do thám một lần nữa lên trang nhất các báo khi Iran tuyên bố bắn hạ một chiếc RQ-170 bay trên vùng trời nước này. Đây là sự kiện chấn động thế giới khi lần đầu tiên nước Mỹ có nguy cơ lộ những bí mật phần mềm, công nghệ ẩn giấu trong chiếc máy bay trên.
8. Máy bay vũ trụ SpaceShipTwo
Tỷ phú Richard Branson bên cạnh chiếc máy bay mô hình SpaceShipTwo. |
Là một sản phẩm của hãng hàng không Virgin Group, chiếc SpaceShipTwo tượng trưng cho giấc mơ chinh phục không gian của ông chủ hãng này - tỷ phú lắm tài nhiều tật Richard Branson. Sản phẩm được hoàn thiện dựa trên chiếc SpaceShipOne trước đó, được thiết kế để đưa khách du lịch tham quan vũ trụ. Hãng Virgin đang lên kế hoạch để đưa khách hàng đầu tiên vào không gian trong mùa hè năm nay, trở thành công ty đầu tiên, và duy nhất hiện nay chuyên cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ.
Theo thiết kế, chiếc SpaceShipTwo sẽ được bắn lên không gian nhờ con tàu mẹ mang tên WhiteKnightTwo. Sau khi phóng lên độ cao 100 km, chiếc SpaceShipTwo sẽ bắt đầu hành trình du lịch không gian kéo dài 3 tiếng rưỡi ở bên rìa bầu khí quyển. Máy bay dài 60 feet (18,3m) chở được 6 người và 2 phi công.Theo thông tin từ Tập đoàn Virgin, cho đến nay hãng đã thu hút 430 hành khách đặt chỗ trước. Đây là con số "khủng" nếu so với thực tế là từ trước đến nay, mới có 525 người từng bay lên vũ trụ. Chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh từ sân bay vũ trụ của Mỹ đặt tại New Mexico vào năm 2013.
Airbus Beluga
Kalinin K-7
Spruce Goose
Dreamlifter
Vought V-173 / XF5U-1
"Flying Flapjack" or "Flying Pancake"
No comments:
Post a Comment